Tâm trạng khi điên
hellomy9 05.02.2005 03:12:39 (permalink)
Một chiều thứ Năm, nghe lời giới thiệu của huynh Sáng, muội đã đọc tác phẩm "Tâm trạng khi điên". Đó là một tác phẩm mà muội không thể đánh giá được gì ở lần đọc đầu tiên, bởi vì nó "thực" đến không ngờ. Hi vọng huynh tỷ và mọi người tìm thấy nhiều điều hay và ý nghĩa khi đọc tác phẩm này.

=================

eVăn: Dưới đây là một truyện ngắn lạ, hiếm thấy của nền văn chương tiếng Việt đương đại. Truyện đan xen nhiều tình tiết giữa thực tại, hồi ức và liên tưởng - những liên tưởng kỳ dị đến độ phi thực. Không phải là vấn đề của một con người cụ thể ở một miền đất cụ thể nữa, mà ở đây, Nguyễn Nguyên Phước cho ta thấy một điều gì đó khủng khiếp hơn nhiều: sự bào mòn về ý thức hiện hữu của con người hiện đại nói chung.

Tác giả: Nguyễn Nguyên Phước, sinh năm 1976; hiện làm nghiên cứu sinh ở Nhật Bản.

=================

Tâm trạng khi điên

Nguyễn Nguyên Phước

Ngày hôm qua, tôi vừa tròn hai mươi tám tuổi. Người ta đưa tin về một quan chức ngành thể thao hiếp dâm một bé gái vị thành niên. Tôi nhìn bức ảnh người đàn ông có mái tóc muối tiêu. Một khuôn mặt tẻ nhạt. Cuộc đời ông ta chắc cũng tẻ nhạt như thế. Nhà ông ta ở gần khu nhà tôi. Một căn nhà sang trọng, ông ta ngồi đó lơ đãng gắp thức ăn. Người ta tin rằng ngủ với những cô gái đồng trinh sẽ đem lại may mắn. Ông ta đang ngồi tù. Đứa em họ tôi cũng đang ngồi tù. Lúc tôi học năm thứ hai, thấy đưa tin truy nã nó. Tôi cũng không chắc chắn mãi đến khi bố tôi đọc báo và xác nhận. Đã lâu lắm rồi ông không đến nhà nó chơi. Nó lừa đảo ngân hàng hơn một tỷ. Lúc đó nó hai mươi tuổi, bằng tuổi tôi. Lúc đó tôi đang học năm thứ hai, tôi chưa bao giờ có đến một triệu.

Tôi cố gắng hình dung khuôn mặt đứa em tôi. Nó sống ở một nơi mà xung quanh toàn bọn đầu trộm đuôi cướp. Mẹ tôi nói rằng, nó đã thành đàn bà năm mười bốn tuổi. Tôi thì đến bây giờ vẫn chưa từng hôn một đứa con gái nào cả. Tôi không thể tưởng tượng được khuôn mặt nó khi nó thành đàn bà. Trong trí tưởng tượng của tôi, chỉ có hình ảnh một con bé thông minh và lém lỉnh. Lúc đó, nó đang học lớp năm và học rất khá. Tôi vẫn không thể nào quên đôi mắt to tròn ngạc nhiên đầy thích thú của nó khi nó mút que kem. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy một niềm vui nào lớn lao đến thế. Giờ thì nó đang ngồi quanh bốn bức tường.

Tôi cũng đang ngồi quanh bốn bức tường. Ở một nơi xa lạ với một thứ ngôn ngữ xa lạ. Nơi đây, tôi lần đầu tiên nhìn thấy những con quạ. Trông chúng thật thảm thương, cứ như thể số phận của chúng là suốt đời phải đậu trên đám dây điện chằng chịt kia vậy. Ở lab, chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh vì nó là foreign language to everyone và đó là sự công bằng duy nhất mà sensei của tôi muốn thiết lập. Khi ông nói thì tôi hiểu ông nói gì nhưng khi tôi nói thì rõ ràng là ông không hiểu tôi nói gì nhưng ông vẫn khăng khăng rằng ông hiểu điều tôi muốn nói, và rằng chỉ có tôi là không hiểu điều ông muốn nói với tôi. Cả hai chúng tôi đều cô đơn trong cách diễn đạt của mình.

Buổi sáng đầu tiên, tôi thức dậy, mở cửa sổ, nhìn thấy tuyết trắng xóa, lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy tuyết. Nó giống hệt như giấc mơ hồi tôi còn bé. Thức giấc nhìn ra cửa sổ và thấy tuyết rơi. Những bông tuyết hờ hững rơi. Dường như chẳng có gì cả, ngoài một màu trắng. Hàng cây màu trắng. Cột điện màu trắng. Tòa nhà màu trắng. Những con người mặc đồ trắng. Tất cả đều hiện lên với vẻ bí hiểm và ma quái. Hệt như một câu chuyện cổ tích, hay một đám tang.

Bữa trưa, sensei kể cho chúng tôi nghe về một em bé học sinh cắt cổ bạn nó bằng một cái dao rọc giấy. Ông thản nhiên cầm cái thìa làm động tác đưa ngang qua cổ. Đột nhiên, tôi thấy máu phọt ra ở cổ ông, những giọt máu màu nâu đặc quánh như chè đậu đen mẹ tôi vẫn hay nấu vào mùa hè. Món sashimi bỗng trở nên khó nuốt. Bữa ăn tối, ngày thứ bảy, tôi ngồi cùng hai thằng bạn, một Ấn Độ, một Bangladesh. Món ăn chung duy nhất của chúng tôi là thịt gà. Thằng Ấn Độ tin rằng những con bò là linh thiêng còn thằng Bangladesh thì cho rằng những con lợn là bẩn thỉu. Tôi thèm thịt chó. Chúng nó hỏi tôi có thể ăn được thịt gì. “Tất cả”, tôi đáp, “trừ thịt người”.

Ngày hôm qua, tôi nhận được tin ông tôi mất. Ông và tôi cùng có chung một niềm vui là nuôi gà chọi và giải toán đố. Ông bị một thứ bệnh mà y học không có tên gọi, nên người ta đành xếp nó vào nhóm bệnh thần kinh. Trong khoảng hai mươi năm, trí nhớ của ông bị gặm nhấm dần. Ban đầu, khái niệm về thời gian bị thu hẹp lại. Cuối cùng, tất cả các sự kiện trong quá khứ đều được chập lại vào một thời điểm mà ông gọi là “ngày hôm qua”, dù thực tế có thể nó diễn ra cách đây rất nhiều năm. Lần cuối cùng tôi gặp ông, ông kể về một chuyến đi địa chất thời trai trẻ. Đoàn có mười tám người, ông là trưởng đoàn. Họ lạc vào một cái bản hoàn toàn không tiếp xúc với thế giới văn minh. Người trong bản giao tiếp bằng một ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ với tiếng Việt. Nó giống tiếng chim hót hay tiếng chó sói hú hơn là tiếng người. Họ cũng biết dùng lửa và chế ra một số vật dụng thô sơ khác. Đoàn địa chất được họ cho ăn một bữa thịnh soạn, có rất nhiều món ăn ông không biết tên. Đặc biệt, họ có một thứ đồ uống kỳ dị đựng trong cái ống tre. Nó không phải là rượu hay bia. Nó có một cái vị rất kỳ quặc mà ngôn ngữ của chúng ta không có khả năng diễn đạt. Ông không nhớ được là mình đã uống bao nhiêu, chỉ biết khi tỉnh dậy thì thấy mình nằm dưới chân núi. Những người bạn đồng hành của ông đều biến mất. Nhiều năm sau vẫn không có tin tức gì về họ cả.

Ông tôi có chín người con, bốn con trai và năm con gái. Bố tôi là con cả và là người tỉnh táo nhất nhà. Chú hai và chú ba tôi đều mắc bệnh thần kinh từ nhỏ, cả hai đều chết đúng ngày tròn hai mươi tuổi. Chú tư là người thông minh, tài hoa nhưng từ nhỏ đã được nuông chiều nên hư hỏng. Chú lấy vợ sớm nên con gái chú bằng tuổi tôi, chính là đứa bây giờ đang ngồi tù. Vợ chú là một người đàn bà nhan sắc và lẳng lơ. Bố tôi kể rằng, năm đứa em họ tôi lên bảy, chú tư đột nhiên bỏ nhà ra đi, chẳng để lại một tin tức gì. Bốn năm sau, mẹ nó tái giá. Bố dượng của con bé là một gã xích lô, nát rượu và cục súc. Lão hay đánh đập con bé cực kỳ tàn nhẫn mỗi khi nó không mang đủ tiền về cho lão mua rượu. Cũng cần nói thêm là sau khi mẹ nó tái giá, em họ tôi phải bỏ học đi bán vé số. Bố tôi lấy vợ năm ba mươi tuổi. Tôi ra đời ba năm sau đó. Các cô của tôi thì đều lấy chồng xa, chẳng mấy khi tôi gặp họ. Thỉnh thoảng, mẹ tôi bảo “cái quần mày đang mặc là may từ mảnh vải của cô năm cho” hay “cái mũ này là của cô bảy”. Và như vậy trong hình dung của tôi, cô năm giống hệt như cái quần kẻ sọc hai màu đen và xám mà tôi mặc suốt những năm cấp hai, còn cô bảy là cái mũ màu nâu mà tôi đội cho đến tận ngày vào đại học. Tôi không bao giờ tưởng tượng được khuôn mặt họ. Ngay cả khi sau này dù đã gặp họ một vài lần, những khuôn mặt đó cũng chẳng thể nào in sâu vào trong trí nhớ của tôi. Cô năm vẫn chỉ là chiếc quần sọc, cô bảy vẫn chỉ là chiếc mũ nâu.

Bố tôi là một công chức nhà nước. Ông là người luôn giữ một niềm tin tuyệt đối vào những giá trị mà mình đã từng tôn thờ. Khi em gái tôi có bầu với thằng bồ nó trước khi cưới mấy tháng, ông đã đuổi nó ra khỏi nhà và kiên quyết không dự đám cưới. Sau này, khi thằng cháu tôi lên hai, nhờ sự tác động của ông thủ trưởng cũ, một người mà bố tôi rất kính trọng, ông mới cho nó bước chân vào nhà. Ở ngay chính giữa phòng khách nhà tôi, ông cho treo một bức ảnh rất to trong đó có hình ông được chụp với một ông thứ trưởng nào đấy mà đến giờ tôi cũng chẳng nhớ tên nhân dịp ông thứ trưởng kia đến thăm cơ quan. Tấm ảnh đen trắng là một cái gì đó rất thiêng liêng và đặc biệt đối với tuổi thơ hai anh em tôi. Ông thứ trưởng, trong bộ đồ kaki giản dị, lúc nào cũng nghiêm khắc nhìn chúng tôi. Ngay cả buổi sáng trước khi lên đường đi du học, tôi vẫn thấy ông nghiêm khắc nhìn tôi. Cái nhìn không mấy thiện cảm.

Cứ khoảng bẩy giờ sáng, sensei đánh thức cả lab dậy tập thể dục. Ông dẫn chúng tôi đi lại trong khuôn viên của trường và nói những chuyện linh tinh nhảm nhí. Những lúc như thế, thằng Ấn Độ trở nên hoạt bát một cách đáng ngờ vì bình thường nó là đứa trầm tính. Mỗi lần như thế, nó lại kể về mối tình của nó. Nàng hai mươi hai tuổi, nước da bánh mật, đôi mắt to đen, khuôn mặt thánh thiện và nụ cười mê hồn. “Cuộc sống thật đê tiện”, nó thường lẩm bẩm như thế mỗi khi bắt đầu kể về đoạn kết câu chuyện tình của nó. Nàng bị ép gả cho một gã cùng đẳng cấp trong cái giai tầng rối rắm mà mỗi khi thằng Ấn Độ mô tả, tôi mặc dù đã cố gắng tập trung hết sức vẫn không thể hình dung ra được. Nó thì trôi giạt sang cái xứ sở chết tiệt này. Nắng bắt đầu gắt, chúng tôi đi về lab. Buổi tập thể dục sáng thường kết thúc như vậy.

Sau đó, chúng tôi quay về lab. Ở lab, mỗi đứa có một cái bàn nhỏ. Trên bàn, chúng tôi bầy la liệt đủ thứ: sách vở, máy tính, dao cạo râu, bàn chải đánh răng và dầu gội đầu. Thậm chí có lần tôi còn bắt gặp trong ngăn kéo bàn của thằng Ấn Độ có mấy cái bao cao su, chả biết nó mua ở đâu, nhưng tôi biết chắc chắn nó không dùng. Nó là thằng ngoan đạo. Công việc của chúng tôi khá đơn giản, chúng tôi thường gọi đùa là trò chơi nặn đất sét. Sensei giao cho tôi năm cái lọ đựng đủ các loại chất lỏng nhầy nhầy. Tôi bắt đầu trộn chúng với nhau, ngày nào cũng vậy. Ngày nào tôi cũng trộn năm dung dịch đó và chờ đợi. Một sự chờ đợi đầy mệt mỏi và sung sướng. Dung dịch có nhiều màu. Tôi cứ thế trộn và hy vọng. Hy vọng vào sự may mắn. Hy vọng rằng đôi khi Đấng Tối Cao cũng không quên những kẻ trộn dung dịch như tôi. Tôi chờ đợi Người ban ơn. Tôi ngồi trộn dung dịch vì biết rằng mình không đơn độc. Tôi ngồi trộn dung dịch để thấy mình còn tồn tại, mình còn có ý nghĩa. Tất cả mọi người ở lab chúng tôi đều làm như vậy và được trả lương. Chúng tôi ngồi trên những cái bàn nhỏ, tất cả đều im lặng, căng thẳng, run rẩy và sợ hãi. Tất cả chúng tôi đều cố lắng nghe một tiếng gọi mà chúng tôi tin rằng nó tồn tại mặc dù chưa từng ai trong tất cả chúng tôi nghe thấy. Trong trí tưởng tượng của tôi, nó có thể giống như là tiếng gió rít từ phía bên kia cánh đồng, hoặc tiếng quạ kêu trên nóc nhà, hay tiếng máy bay lượn lờ giữa đêm khuya như những bóng ma màu trắng. Nhưng rất có thể, trên thực tế chẳng có âm thanh nào cả. Chiều tối, sensei thu hết tất cả mấy lọ. Ngày hôm sau ông lại phát một loạt lọ mới.

Ngày hôm qua, ông tôi khóc. Không có giọt nước mắt nào cả. Ông đờ đẫn nhìn vào bức tường màu trắng. Những vệt trắng nham nhở vốn là kết quả của một gã thợ nề vụng về không hiểu sao lại khiến tôi liên tưởng đến nét cọ của một tay họa sĩ siêu thực mà tôi quen ở quán cà phê. Tay này theo tôi vốn chẳng có tài cán gì, hắn chỉ là một tên bịa đặt. Những thứ hắn vẽ chả cái nào ra hồn cả. Hắn chỉ cho tôi một bức tranh tuyền màu trắng, chẳng khác gì người ta cầm một tấm vải nhúng xuống hố nước vôi, và bảo đây là bức “Gấu trắng ở Bắc cực”. Hiển nhiên là hắn chưa bao giờ đến Bắc cực cũng như chưa bao giờ nhìn thấy gấu trắng. Tôi nhìn sang một bức tranh toàn màu đen kịt và hỏi : “Thế bức này là Chó mực ở bãi tha ma à?”. Hắn bảo “Không. Đây là bức Bướm đêm”. Thế là chúng tôi cãi nhau. Hắn thì khăng khăng là hắn vẽ bướm đêm, còn tôi thì khẳng định là tôi chỉ nhìn thấy chó mực. Cuối cùng, cả tôi và hắn đều khóc, khóc vì những điều ngớ ngẩn xảy ra trong cuộc đời chúng tôi, vì những cái chúng tôi chẳng bao giờ hình dung ra được. Từ hôm ấy, tôi không bao giờ gặp lại hắn nữa. Ông tôi cầm chiếc quạt nan cũ kỹ lấy hết sức đập con ruồi trên bức tường. Tất nhiên, chả có con ruồi nào cả. “Lại trượt rồi”, ông lầm bầm và bắt đầu rấm rứt khóc. Tôi muốn dỗ dành ông nhưng không biết làm thế nào cả. Tôi chẳng nhìn thấy con ruồi nào cả. Tôi chỉ nhìn thấy nhát quạt của ông đập vào tường. Nhưng tôi không biết làm thế nào để nói cho ông hiểu được. Làm sao tôi có thể chứng minh được điều đó? Nhỡ có con ruồi thật thì sao? Tôi thấy buồn rười rượi. Tôi xấu hổ vì sự ngu dốt của mình. Vì tôi không nhìn thấy con ruồi.

Buổi tối, tôi và bạn gái đi chơi Hồ Tây. Đang đi bộ trên đường Thanh Niên, đột nhiên một gã thanh niên đầu húi cua, mặt đầy sẹo, chặn chúng tôi lại, cười nhăn nhở nói với bạn tôi: “Em xinh như một con phò”. Đoạn hắn quay sang tôi cười giễu cợt. Tôi cụp mắt xuống. Tôi không dám nhìn vào mắt hắn. Tôi kinh hãi và hiểu rằng nếu có đánh nhau chắc tôi không phải đối thủ của hắn. Tôi im lặng. Tôi im lặng không phải vì tôi là kẻ khôn ngoan như những nhà hiền triết trong sách giáo khoa mà là vì tôi không biết nói gì. Tôi chưa bao giờ lâm vào tình huống khó xử như thế này. Thực ra, về sau này tôi mới nhận thấy rằng những tình huống kỳ quặc như vậy luôn luôn xảy ra. Nó xảy ra thường xuyên đến mức nhiều lúc tôi có cảm tưởng đó là ý muốn quái gở của Thượng Đế. Cuối cùng thì mọi chuyện cũng qua, hắn bỏ đi, còn tôi xấu hổ. Suốt đoạn đường còn lại, chúng tôi không nói với nhau lời nào. Ngày hôm sau, cô ấy gọi điện nói lời chia tay sau “một đêm suy nghĩ rất kỹ”. Cô nói rằng cô không chịu đựng được ý nghĩ rằng người yêu mình là kẻ hèn nhát. Tôi chẳng nói gì. Kẻ hèn nhát không nên nói gì cả. Tôi chia tay mối tình đầu trong nhục nhã. Từ đó trở đi, tôi kinh tởm đàn bà.

Buổi chiều, gió mạnh và nắng gắt. Tôi hay cảm thấy đau đầu vào những lúc như thế. Đầu nhức như búa bổ, tôi không còn giữ được sự tỉnh táo cần thiết để nhận biết mọi thứ nữa. Thay vì trộn dung dịch màu trắng vào dung dịch màu đen, tôi lại trộn dung dịch màu xanh vào màu đỏ. Và kết quả là chả ra sao cả. Gió vẫn thổi mạnh, tai tôi ù đi vì sợ hãi. Tôi chẳng còn nghe thấy gì nữa ngoài tiếng gió. Càng cố gắng tập trung, tôi càng mất phương hướng. Tôi không còn nghĩ được điều gì nữa. Óc tôi như bị vỡ vụn thành trăm mảnh. Sensei đưa cho tôi cốc nước, tôi chẳng kịp nhìn xem nó màu gì, hình như là màu xanh. Tôi uống nhưng kết quả cũng không khá hơn. Tôi bắt đầu nghe thấy tiếng lầm bầm ở đâu đó. Một giọng nói đứt quãng, và lí nhí đến nỗi tôi lúc đầu tôi không thể phân biệt đó là giọng người lớn hay trẻ con. Cuối cùng tôi cũng nhận ra là có hai người đang nói chuyện. “Chỗ này lạnh lắm, mẹ ạ” - giọng một thằng bé khoảng năm sáu tuổi nói. “Nhưng mình đi tìm hai mươi năm nay đâu có chỗ nào tốt hơn”- người mẹ nói. Giọng bà ta trầm đục và có vẻ mệt mỏi. “Thế bố có ở đây không?” - thằng bé lại hỏi. “Mẹ không biết. Con đừng hỏi nữa, mẹ mệt lắm rồi. Mình dừng ở đây thôi. Thôi mình đi ngủ đi con.”

Từ hôm đó trở đi ngày nào tôi cũng nghe thấy tiếng hai mẹ con họ vào lúc trước khi đi ngủ. Tôi kể cho thằng Bangladesh nhưng nó không tin. Nó chả tin vào cái gì ngoài lễ ramadan và những con lợn bẩn thỉu. Ngày nào đối với nó cũng thuộc về tháng ramadan. Nó chỉ ăn vào buổi tối sau khi mặt trời lặn. Sensei nhiều lần cố nhét thức ăn vào mồm nó nhưng không được. Hai mẹ con họ nói đủ thứ chuyện trên đời. Thỉnh thoảng họ lại nhắc đến người bố giấu mặt.

Buổi tối, tôi đi dạo trong thành phố. Một thành phố đơn điệu. Không văn hóa, không lịch sử, không gì cả. Chỉ đơn giản là nơi người ta đến ở, rồi một lúc nào đấy đột nhiên họ quyết định gọi nó là thành phố. Chín giờ tối, không một bóng người. Cứ đi khoảng vài trăm mét, tôi lại thấy một công viên mini. Buổi tối chúng giống như những nghĩa địa. Tôi đi mãi và thấy mệt mỏi. Chẳng có gì đặc biệt, những ngôi nhà giống hệt nhau với những cái mái hình chóp và hàng rào bằng một loại cây nào đó mà tôi không biết tên. Tôi cứ thế đi một mình, chẳng có gì cả ngoài sự sợ hãi. Một thành phố chết. Tôi nằm trên cái ghế đá, nước mắt trào ra. Tôi nhớ đến những buổi tối ngày xưa, tôi hay ngước nhìn bầu trời đầy sao và thấy mình hạnh phúc. Giờ đây, cái niềm vui ấy cũng chẳng còn nữa. Những ngôi sao kia giờ chỉ làm tôi cảm thấy sợ hãi. Chúng đang cười nhạo tôi. Nỗi sợ hãi mơ hồ cứ thế lớn dần lên. Tôi quá đơn độc dưới bầu trời này. Tôi cứ nằm yên như thế, y như một kẻ tội đồ chờ đợi hình phạt.

Sáng sớm hôm sau, mới sáu giờ sáng, thằng Bangladesh đã đánh thức tôi dậy. Tôi lật đật chạy theo nó ra hành lang. Thân hình cao lớn của nó trong cái ánh sáng lờ mờ của buổi sáng mùa đông trông thật khủng khiếp. Thỉnh thoảng, tôi vẫn hình dung ra cảnh nó bóp cổ mình. Với cánh tay lực lưỡng đầy lông lá kia, chắc chắn tôi, cho dù cố gắng giãy giụa đến đâu, cũng không chịu đựng được quá năm phút. Đến cuối hành lang, nó chỉ ra sân trường, rồi thì thầm hỏi: “Mày có nhìn thấy gì không?”. Tôi hơi ngạc nhiên, mới sáng ra mà nó đánh thức mình dậy để nhìn sensei đang nói chuyện với một ông giáo ở lab khác ở dưới sân trường hay sao.

Tôi thờ ơ đáp: "Sensei đang nói chuyện". "Thế mày không thấy gì khác lạ à?" - nó hơi thất vọng. "Chả có gì. Ông ấy vẫn thế." "Mày nhìn quần áo ông ấy xem?" - nó lại thì thầm". "Ừ. Nó có vẻ không giống mọi ngày." "Đấy. Mày bắt đầu thông minh rồi đấy. Mọi ngày ông ấy lúc nào cũng mặc đồ trắng. Nhưng cả tuần nay tao để ý. Trước giờ tập thể dục của bọn mình, chẳng bao giờ ông ấy mặc đồ trắng. Chỉ khi nào gặp bọn mình ông ấy mới mặc đồ trắng thôi." "Thì sao?" "Chẳng sao cả. Tao chỉ thấy lạ thôi. Mà đó là một phát hiện quan trọng đấy. À mà mày đã biết chuyện gì chưa?" - nó lại chuyển sang giọng thì thầm.

Chuyện gì nữa đây? - tôi hơi bực mình. Nó đánh thức mình dậy sớm chỉ vì một chuyện hết sức vớ vẩn mà nó cho là unusual. Chúng tôi làm thí nghiệm suốt ngày chỉ mong có cái gì unusual với lại unexpected xảy ra. Nhưng rốt cục nó lại chẳng bao giờ xảy ra. Tất cả mọi thí nghiệm đều diễn ra hết sức bình thường, bình thường đến mức buồn tẻ, bình thường đến mức chúng tôi chẳng cần nhìn cũng biết kết quả nó phải thế, không thể khác được. Nhưng cuộc sống của chúng tôi thì ngược lại. Chẳng có một quy luật nào hết. Tất cả đều diễn ra hết sức lộn xộn, lộn xộn một cách bất bình thường. “Thằng Ấn Độ sắp lấy vợ”- nó vẫn thì thầm.

Đột nhiên, tôi thấy rùng mình. Tôi nhớ có lần thằng Ấn Độ bảo với tôi rằng có đến tám mươi phần trăm dân Ấn cưới nhau theo kiểu arranged marriage. Nó cũng nằm trong cái tám mươi phần trăm của cái đất nước gần một tỷ dân ấy. Nó chẳng có sự lựa chọn nào hết. Cô dâu của nó có đẳng cấp cao hơn nó một bậc, một intercaste marriage theo cách gọi của nó. Điều duy nhất mà nó biết về cô dâu tương lai là một tấm ảnh. Tôi đã từng xem tấm ảnh ấy một lần. Cô gái trong ảnh khá dễ thương trong bộ quần áo cổ truyền Ấn Độ. Có lẽ khi chụp tấm hình này, cô không nghĩ rằng một ngày nào đó tấm ảnh sẽ là mối liên hệ duy nhất với vị hôn phu tương lai của cô. Tôi hỏi thằng Ấn Độ:

- Thế mày được chọn cái gì ?

- Voi - nó lầu bầu. - Tao được chọn con voi dành cho lễ cưới. Tao sẽ cưỡi lên con voi đấy trong ngày cưới. Dù sao, tao cũng có sự lựa chọn mặc dù nó không quan trọng lắm.

Ngay từ sáng sớm, bố mẹ thằng Ấn Độ đã đến ngồi chờ ở phòng tiếp tân. Họ đến để đưa nó về Ấn Độ làm đám cưới. Nó không chịu về. Họ phải bay một quãng đường dài để đến đây đưa nó về quê lấy vợ. Dù sao, nó cũng không thể trốn tránh trách nhiệm. Nó có trách nhiệm duy trì nòi giống. Nó có trách nhiệm cưới cô gái mà Thượng Đế dành cho nó. Đấy là truyền thống mà nó không thể phá vỡ. Nó chẳng có sự lựa chọn nào cả vì nếu có chắc chắn nó sẽ không chọn sinh ra làm người Ấn Độ. Bố mẹ nó trông nhỏ bé và nhẫn nhục so với căn phòng tiếp tân quá rộng và quá sang trọng. Họ có nước da ngăm đen rất đặc trưng. Ông chồng để ria mép; cùng với cái trán hói, nó càng làm ông thêm nhỏ bé và nhẫn nhục. Bà vợ đội khăn trùm gần kín mặt nhưng nó vẫn không che được những nếp nhăn mà chỉ cần nhìn thoáng qua người ta đã thấy nó tồn tại mặc dù có thể thị giác không ghi nhận được thông tin về những nếp nhăn đó. Thằng Ấn Độ buồn bã đi theo bố mẹ nó ra khỏi trường. Thỉnh thoảng nó ngoái lại nhìn chúng tôi. Không hiểu sao tôi thấy đôi mắt thằng Ấn Độ buồn ngơ ngác giống hệt đôi mắt con chó cún của tôi ngày trước lúc nó sắp chết. Một tháng sau, chúng tôi nhận được tin nó mất. Một cái chết kỳ lạ.

Thằng Bangladesh ngày càng ăn ít và tất nhiên là nó chỉ ăn vào buổi tối vì những ngày lễ ramadan chẳng bao giờ kết thúc. Nhưng điều kỳ lạ nó không giảm cân nào. Nó giấu thức ăn thừa dưới gầm giường cho đàn chuột. Khoảng nửa đêm, bọn chuột bắt đầu rúc rích mò vào phòng. Chúng bò lổm ngổm trên sàn nhà, leo lên cả bàn học. Mà không chỉ có thế, chúng vừa chạy vừa kêu rinh rích đầy khoái trá. Tôi căm ghét những con chuột màu xám với đôi mắt thao láo; chúng chẳng bao giờ biết xấu hổ. Thằng Bangladesh, ngược lại, rất quý đàn chuột. Nó thường túm cổ lấy con to nhất, vuốt ve một cách rất trìu mến khiến con chuột lim dim vì khoái cảm rồi đột nhiên nó bóp mạnh một cái. Con chuột bị đau kêu oai oái và cuối cùng không chịu đựng được con chuột quay đầu lại cắn một nhát vào tay khiến thằng Bangladesh phải buông tay ra. Ngày nào thằng Bangladesh và con chuột cũng chơi trò đấy. Điều kỳ lạ là con chuột mặc dù rất đau nhưng vẫn vui vẻ tham gia vào trò chơi cùng thằng Bangladesh, cứ như thể giữa chúng có một sự thỏa thuận ngấm ngầm trong trò chơi bệnh hoạn đó. Đàn chuột ngày càng đông, thức ăn thừa của thằng Bangladesh dần tỏ ra không đủ đáp ứng cho cái thói phàm ăn và sinh sản nhanh khủng khiếp của những con chuột, mặc dù thằng Bangladesh đã cố gắng nhịn ăn đến mức tối đa. Thậm chí, nó còn mang cả lọ mứt mà mẹ nó gửi cho nó ăn cả năm để cho đàn chuột ăn trong một tuần. Rồi nó bắt đầu đi xin cả thức ăn thừa của những đứa phòng bên cạnh nhưng dường như nỗ lực của nó chả thấm vào đâu. Cuối cùng thằng Bangladesh quyết định giảm số lượng đàn chuột. Đầu tiên là con chuột đầu đàn. Tối hôm đó, thằng Bangladesh vẫn chơi trò chơi thường lệ với con chuột rồi đột nhiên nó bóp mạnh vào mình con chuột. Con chuột quay đầu lại cố gắng cắn vào tay thằng Bangladesh nhưng lần này nó không buông tay. Bàn tay hộ pháp của nó càng tóm chặt con chuột hơn. Con chuột kêu la thảm thiết. Nó không ngờ lại có kết cục này. Trò chơi của ngày hôm qua cuối cùng cũng kết thúc. Con chuột biến thành một đống bầy nhầy trong tay thằng Bangladesh. Trong bóng tối, tôi vẫn nhìn thấy rõ trên khuôn mặt thằng Bangladesh hiện ra một nụ cười bí hiểm.

Từ hôm đó trở đi, ngày nào thằng Bangladesh cũng giết vài con chuột. Đàn chuột ngày càng trở nên khôn ngoan nhưng thằng Bangladesh còn thông minh hơn. Ngày nào nó cũng tóm được vài con chuột. Những con chuột còn lại phần vì nhu cầu thức ăn, phần vì cái ảo tưởng rằng với kinh nghiệm của ngày hôm qua chúng có thể dễ dàng chạy thoát khỏi bàn tay của thằng Bangladesh nên vẫn mò lên phòng vào ban đêm. Số lượng chuột giảm rất nhanh. Đêm hôm qua, nếu như tôi đếm chính xác thì chỉ còn mười hai con chuột. Thằng Bangladesh thì càng ngày càng say mê với trò chơi giết chuột nhưng bây giờ mỗi ngày nó chỉ giết một con vì đàn chuột giờ còn rất ít. Tôi để ý thấy khuôn mặt nó ngời sáng lên mỗi khi nhìn thấy con chuột giãy giụa trong lòng bàn tay, ngời sáng đến mức trong bóng đêm tôi vẫn có thể nhìn thấy cái vẻ long lanh rất khó tả trên đôi mắt thằng Bangladesh.

Chiều hôm qua, thằng Bangladesh nhận được một tin đặc biệt. Buổi tối, nó không buồn ăn cơm. Dường như có cái gì bất ổn trong tâm trạng của nó. Cuối cùng nó nói với tôi:

- Tao phải về Dhaka làm giáo sư.

- Tuyệt vời. - Tôi nói. - Mày có thể làm cái mà mày thích.

- Tao cũng chẳng biết nữa. - Nó buồn bã lắc đầu. - Từ trước đến giờ, tao chưa bao giờ làm cái gì độc lập cả. Tao sợ sự đơn độc. Nhất là trong nghiên cứu.

Tôi không nói gì. Tôi cũng thế. Tôi sợ nỗi cô đơn khi phải đi một mình trên con đường mà mình không biết phương hướng. Thằng Bangladesh đột nhiên nói:

- Mày có muốn đi cùng tao không?

Tôi không trả lời. Im lặng kéo dài suốt buổi tối. Chúng tôi ngồi theo đuổi những ý nghĩ riêng. Chúng tôi nghĩ về tương lai trong nỗi khiếp sợ. Cuộc sống rồi sẽ ra sao đây?

Ngày hôm qua, tôi đi đưa đám một người bạn thân thời phổ thông; anh mất ở bệnh viện tâm thần ở Trâu Quỳ. Một bệnh nhân tâm thần cùng phòng đã bóp cổ anh cho đến chết; sau đó, hắn dùng một con dao, loại vẫn dùng để rọc giấy, tự cắt cổ mình. Cho đến nay, anh vẫn là người tôi kính trọng nhất vì nghị lực và ý chí. Năm anh lên sáu, bố anh bỏ nhà theo một người đàn bà khác. Anh và em gái sống cùng mẹ và ông ngoại, một ông già mắc bệnh hoang tưởng, hậu quả của những cơn sốt rét rừng hồi còn ở chiến trường. Mẹ anh phải làm rất nhiều việc như gánh nước thuê, bán hàng rong, vé số... để nuôi cả gia đình. Hàng ngày, anh học một buổi còn một buổi phải đi bán kem để có tiền mua sách vở và đóng học phí. Anh luôn là người đứng đầu trong mọi kỳ thi. Hết năm thứ hai đại học, anh được học bổng sang Nhật học. Cùng năm đó, mẹ anh bị tai nạn giao thông, phải cưa hai chân. Đứa em gái anh, có lẽ vì quá mệt mỏi trước cuộc sống gia đình, đã bỏ nhà đi bụi đời. Mấy năm sau, người ta tìm thấy xác nó trong một ngôi nhà hoang ở ngoại thành. Cái chết của nó cho đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. Học xong tiến sĩ, bạn tôi về nước và một thời gian sau đó thì mắc bệnh thần kinh. Sau đám tang, mẹ anh đưa cho tôi một cuốn vở nhỏ, loại vở có dòng kẻ ô ly vẫn dùng cho học sinh cấp một; bà nói rằng đây là thứ mà bệnh viện họ tìm thấy ở dưới gầm giường anh. Bà muốn nhờ tôi đọc hộ vì bà không biết chữ. Tôi mở cuốn vở ra, đó là nhật ký anh viết trong những ngày ở Trâu Quỳ. Nhật ký bắt đầu bằng câu: “Ngày hôm qua,...”.

Nhật Bản, 8/2004
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.02.2005 03:14:36 bởi hellomy9 >
#1
    hellomy9 05.02.2005 04:23:39 (permalink)
    Huynh Sáng có biết cảm nhận của muội thế nào không?

    Đọc từ đầu đến cuối, chỉ có một chữ "sợ"
    Sợ là sợ cái gì? ừ, thì sợ, sợ là sợ cái giọng văn đều đều, thản nhiên đến cùng cực, an phận đến hiển nhiên... và sợ bởi nỗi ám ảnh về nhận thức mơ hồ không thể phân biệt của tác giả.

    Mà.. đọc truyện, nếu người ta không đọc tựa đề, mấy ai có thể nghĩ được đây là tâm trạng của một người điên. Người ta vẫn thấy "tác giả" có cuộc sống tạm gọi là bình thường, ngày ngày vẫn đến phòng nghiên cứu, vẫn trộn các hóa chất lại với nhau, vẫn có bạn bè.. và người đọc rất có thể cho rằng anh chỉ đơn giản là "vô tư" với mọi thứ như mất mát, khổ đau, áp lực cuộc sống, sự bế tắc... nhưng bạn thấy gì qua các chi tiết:

    "Tôi cũng đang ngồi quanh bốn bức tường. Ở một nơi xa lạ với một thứ ngôn ngữ xa lạ. Nơi đây, tôi lần đầu tiên nhìn thấy những con quạ. Trông chúng thật thảm thương"

    Có bao giờ bạn ngồi một mình quanh bốn bức tường chưa? hellomy thỉnh thoảng vẫn ngồi một mình nhìn ra cửa sổ, nơi đó có những cột điện, và trên những sợi dây điện có những chú chim sẻ nhảy nhót.. Đó là một cảm giác lạc lõng và suy tưởng. Nếu lúc đó mà tác giả cảm thấy những con quạ thật thảm thương, hẳn cảm giác của anh ta về mình cũng là hai chữ "thảm thương" này vậy.

    "Khi ông nói thì tôi hiểu ông nói gì nhưng khi tôi nói thì rõ ràng là ông không hiểu tôi nói gì nhưng ông vẫn khăng khăng rằng ông hiểu điều tôi muốn nói, và rằng chỉ có tôi là không hiểu điều ông muốn nói với tôi. Cả hai chúng tôi đều cô đơn trong cách diễn đạt của mình."

    Cô đơn trong cách diễn đạt của mình, có phải là cảm giác bất lực khi muốn được thừa nhận và được tôn trọng không nhỉ? Ở cơ quan hellomy, có một vị tiến sĩ thường xuyên tới lui. Ông ăn bận luôn chỉnh tề, nói năng lịch sự.. và mọi thứ. Người ta bảo ông là giáo sư tiến sĩ, giỏi rất giỏi, nhưng vì học nhiều quá mà bệnh thần kinh. Nhưng vấn đề ở chỗ chính ông không nhận thức được điều đó, cứ một hai tuần ông lại đến yêu cầu tái bản cuốn sách mình viết cách đó mấy năm. Muội nhìn thấy sự khẩn khoản và niềm tin trong mắt ông ấy, muội cảm thấy rất thông cảm và rất tội, nhưng làm thế nào muội có thể giúp? Và chẳng ai có thể hiểu được điều ông muốn, người ta cố lắm chỉ thương hại ông. Đó là khoảng cách thực giữa hai thế giới..

    "Buổi sáng đầu tiên, tôi thức dậy, mở cửa sổ, nhìn thấy tuyết trắng xóa, lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy tuyết. Nó giống hệt như giấc mơ hồi tôi còn bé. Thức giấc nhìn ra cửa sổ và thấy tuyết rơi. Những bông tuyết hờ hững rơi. Dường như chẳng có gì cả, ngoài một màu trắng. Hàng cây màu trắng. Cột điện màu trắng. Tòa nhà màu trắng. Những con người mặc đồ trắng. Tất cả đều hiện lên với vẻ bí hiểm và ma quái. Hệt như một câu chuyện cổ tích, hay một đám tang."

    Dưới con mắt "tác giả" dường như mọi thứ đều màu trắng, một cái gì đó.. bạn có thấy không? Những người bình thường không thể ở trong bốn bức tường, nhìn ra cửa sổ, bắt gặp những con quạ và mọi thứ màu trắng.. kể cả những con người mặc đồ trắng. Nhưng "tác giả" không ý thức được "màu trắng" mà những con người kia đang mặc, càng không ý thức rõ về mình..

    "Bữa trưa, sensei kể cho chúng tôi nghe về một em bé học sinh cắt cổ bạn nó bằng một cái dao rọc giấy. Ông thản nhiên cầm cái thìa làm động tác đưa ngang qua cổ. Đột nhiên, tôi thấy máu phọt ra ở cổ ông, những giọt máu màu nâu đặc quánh như chè đậu đen mẹ tôi vẫn hay nấu vào mùa hè. Món sashimi bỗng trở nên khó nuốt."

    Người ta bảo những người điên thường mẫn cảm với sự liên tưởng, cũng có thể là thế.. cùng lắm, muội chỉ nghĩ đến máu màu đỏ thẫm chứ không có màu nâu đặc quánh.... của sự đông tụ.. cảm giác của "tác giả" có lẽ đã rất thực....

    "Công việc của chúng tôi khá đơn giản, chúng tôi thường gọi đùa là trò chơi nặn đất sét. Sensei giao cho tôi năm cái lọ đựng đủ các loại chất lỏng nhầy nhầy. Tôi bắt đầu trộn chúng với nhau, ngày nào cũng vậy. Ngày nào tôi cũng trộn năm dung dịch đó và chờ đợi. Một sự chờ đợi đầy mệt mỏi và sung sướng. Dung dịch có nhiều màu. Tôi cứ thế trộn và hy vọng. Hy vọng vào sự may mắn. Hy vọng rằng đôi khi Đấng Tối Cao cũng không quên những kẻ trộn dung dịch như tôi. Tôi chờ đợi Người ban ơn. Tôi ngồi trộn dung dịch vì biết rằng mình không đơn độc. Tôi ngồi trộn dung dịch để thấy mình còn tồn tại, mình còn có ý nghĩa. Tất cả mọi người ở lab chúng tôi đều làm như vậy và được trả lương. Chúng tôi ngồi trên những cái bàn nhỏ, tất cả đều im lặng, căng thẳng, run rẩy và sợ hãi. Tất cả chúng tôi đều cố lắng nghe một tiếng gọi mà chúng tôi tin rằng nó tồn tại mặc dù chưa từng ai trong tất cả chúng tôi nghe thấy. Trong trí tưởng tượng của tôi, nó có thể giống như là tiếng gió rít từ phía bên kia cánh đồng, hoặc tiếng quạ kêu trên nóc nhà, hay tiếng máy bay lượn lờ giữa đêm khuya như những bóng ma màu trắng. Nhưng rất có thể, trên thực tế chẳng có âm thanh nào cả. Chiều tối, sensei thu hết tất cả mấy lọ. Ngày hôm sau ông lại phát một loạt lọ mới. "

    Huynh Sáng có nói đây là chi tiết thú vị, nó mô tả một cuộc sống nhàm chán, lặp đi lặp lại, không thấy kết quả và hướng đi. Một sự bế tắc trong nghiên cứu khoa học. Đặc biệt là trong ngành Hoá. Nhiều khi người ta cứ làm thí nghiệm mà không biết là cái kết quả cuối cùng của nghiên cứu mà mình đang làm sẽ được ứng dụng để làm gì. Trong một môi trường như vậy, những thông tin từ quê nhà, từ gia đình và những hình ảnh rất bình thường trong cuộc sống hằng ngày cũng mang một vẻ huyền bí không thể giải thích được. Và bản thân người đang trong tâm trạng điên nhìn sự vật dưới một con mắt khác. Họ có cách giải thích vấn đề khác với những người bình thường. Những người điên sống trong một thế giới thực sự "trí tuệ".
    Muội cũng cảm thấy là như thế... nhưng có một cái gì đó đau lòng hơn thế. Huynh có biết cảm giác cô đơn với sự lựa chọn của chính mình không? chính mình cảm thấy sợ hãi khi bước khỏi sự lựa chọn của mình, sợ thế giới bên ngòai sự lựa chọn đó, cảm giác bất an, mong chờ một sự cứu rỗi và giải thóat cho đến khi phụ thuộc vào cái mình tạo ra, một sự khập khiễn tâm lý không thể cứu vãn..

    "Hắn chỉ cho tôi một bức tranh tuyền màu trắng, chẳng khác gì người ta cầm một tấm vải nhúng xuống hố nước vôi, và bảo đây là bức “Gấu trắng ở Bắc cực”. Hiển nhiên là hắn chưa bao giờ đến Bắc cực cũng như chưa bao giờ nhìn thấy gấu trắng. Tôi nhìn sang một bức tranh toàn màu đen kịt và hỏi : “Thế bức này là Chó mực ở bãi tha ma à?”. Hắn bảo “Không. Đây là bức Bướm đêm”. Thế là chúng tôi cãi nhau. Hắn thì khăng khăng là hắn vẽ bướm đêm, còn tôi thì khẳng định là tôi chỉ nhìn thấy chó mực. Cuối cùng, cả tôi và hắn đều khóc, khóc vì những điều ngớ ngẩn xảy ra trong cuộc đời chúng tôi, vì những cái chúng tôi chẳng bao giờ hình dung ra được. Từ hôm ấy, tôi không bao giờ gặp lại hắn nữa. Ông tôi cầm chiếc quạt nan cũ kỹ lấy hết sức đập con ruồi trên bức tường. Tất nhiên, chả có con ruồi nào cả. “Lại trượt rồi”, ông lầm bầm và bắt đầu rấm rứt khóc. Tôi muốn dỗ dành ông nhưng không biết làm thế nào cả. Tôi chẳng nhìn thấy con ruồi nào cả. Tôi chỉ nhìn thấy nhát quạt của ông đập vào tường. Nhưng tôi không biết làm thế nào để nói cho ông hiểu được. Làm sao tôi có thể chứng minh được điều đó? Nhỡ có con ruồi thật thì sao? Tôi thấy buồn rười rượi. Tôi xấu hổ vì sự ngu dốt của mình. Vì tôi không nhìn thấy con ruồi."

    Khi người ta không bình thường, họ không tin vào cái mình nhìn thấy, và khẳng định họ đã nhìn thấy cái mà họ nghĩ là họ nhìn thấy. Những người điên thường được cho là mạnh khỏe, nhưng thực ra đó là cảm giác bất ổn đến cùng cực, một khi ở sâu thẳm của tuyệt vọng và sợ hãi, họ không còn là con người nữa mà chỉ còn lại bản năng sinh tồn của một sinh vật giống người mà thôi. Có lẽ đó là lý do mà những người điên trở nên đáng sợ.. Khóc, những lúc tỉnh người điên lại khóc, và những lúc này họ cũng như "tác giả", biết chính xác mình khóc vì những cái họ chẳng bao giờ hình dung ra được, vì những điều ngớ ngẩn xảy ra trong cuộc đời họ.. tất cả...

    "Từ hôm đó trở đi ngày nào tôi cũng nghe thấy tiếng hai mẹ con họ vào lúc trước khi đi ngủ. Tôi kể cho thằng Bangladesh nhưng nó không tin. Nó chả tin vào cái gì ngoài lễ ramadan và những con lợn bẩn thỉu. Ngày nào đối với nó cũng thuộc về tháng ramadan. Nó chỉ ăn vào buổi tối sau khi mặt trời lặn. Sensei nhiều lần cố nhét thức ăn vào mồm nó nhưng không được. Hai mẹ con họ nói đủ thứ chuyện trên đời. Thỉnh thoảng họ lại nhắc đến người bố giấu mặt."

    Bạn có biết bệnh tâm thần phân liệt có những dấu hiệu nào không? Đó là những tiếng nói, những âm thanh, hay đại lọai là cái gì đó luôn thầm thì trong đầu người bệnh, khơi dậy nỗi sợ hãi trong lòng họ.. vực dậy sự bấn loạn trong nỗi cuống cuồng của họ.... cuối cùng là người ta sẽ không thể chịu đựng nổi sự rối loạn, sẽ cảm thấy đau đầu, và những triệu chứng khác nữa. Họ luôn cảm thấy mình cô đơn, lạc lõng trong khi ở giữa một biển người. Một số sẽ cho rằng mình tài hoa và luôn nổi bật.. Có những người luôn nghe thấy tiếng ai đó đếm văng vẳng trong đầu mình từ số 1 đến 100 và rồi đếm ngược trở lại, và họ cho rằng mình bị ma ám.. một trong số những trường hợp mà muội đã nhìn thấy. Mọi thứ dường như thật sự tàn nhẫn nhưng lại thản nhiên trong nhận thức của chính người bệnh.

    "Tôi thờ ơ đáp: "Sensei đang nói chuyện". "Thế mày không thấy gì khác lạ à?" - nó hơi thất vọng. "Chả có gì. Ông ấy vẫn thế." "Mày nhìn quần áo ông ấy xem?" - nó lại thì thầm". "Ừ. Nó có vẻ không giống mọi ngày." "Đấy. Mày bắt đầu thông minh rồi đấy. Mọi ngày ông ấy lúc nào cũng mặc đồ trắng. Nhưng cả tuần nay tao để ý. Trước giờ tập thể dục của bọn mình, chẳng bao giờ ông ấy mặc đồ trắng. Chỉ khi nào gặp bọn mình ông ấy mới mặc đồ trắng thôi." "Thì sao?" "Chẳng sao cả. Tao chỉ thấy lạ thôi. Mà đó là một phát hiện quan trọng đấy. À mà mày đã biết chuyện gì chưa?" - nó lại chuyển sang giọng thì thầm. "

    "Đàn chuột ngày càng đông, thức ăn thừa của thằng Bangladesh dần tỏ ra không đủ đáp ứng cho cái thói phàm ăn và sinh sản nhanh khủng khiếp của những con chuột, mặc dù thằng Bangladesh đã cố gắng nhịn ăn đến mức tối đa. Thậm chí, nó còn mang cả lọ mứt mà mẹ nó gửi cho nó ăn cả năm để cho đàn chuột ăn trong một tuần. Rồi nó bắt đầu đi xin cả thức ăn thừa của những đứa phòng bên cạnh nhưng dường như nỗ lực của nó chả thấm vào đâu. Cuối cùng thằng Bangladesh quyết định giảm số lượng đàn chuột. Đầu tiên là con chuột đầu đàn. Tối hôm đó, thằng Bangladesh vẫn chơi trò chơi thường lệ với con chuột rồi đột nhiên nó bóp mạnh vào mình con chuột. Con chuột quay đầu lại cố gắng cắn vào tay thằng Bangladesh nhưng lần này nó không buông tay. Bàn tay hộ pháp của nó càng tóm chặt con chuột hơn. Con chuột kêu la thảm thiết. Nó không ngờ lại có kết cục này. Trò chơi của ngày hôm qua cuối cùng cũng kết thúc. Con chuột biến thành một đống bầy nhầy trong tay thằng Bangladesh. Trong bóng tối, tôi vẫn nhìn thấy rõ trên khuôn mặt thằng Bangladesh hiện ra một nụ cười bí hiểm.

    Từ hôm đó trở đi, ngày nào thằng Bangladesh cũng giết vài con chuột. Đàn chuột ngày càng trở nên khôn ngoan nhưng thằng Bangladesh còn thông minh hơn. Ngày nào nó cũng tóm được vài con chuột. Những con chuột còn lại phần vì nhu cầu thức ăn, phần vì cái ảo tưởng rằng với kinh nghiệm của ngày hôm qua chúng có thể dễ dàng chạy thoát khỏi bàn tay của thằng Bangladesh nên vẫn mò lên phòng vào ban đêm. Số lượng chuột giảm rất nhanh. Đêm hôm qua, nếu như tôi đếm chính xác thì chỉ còn mười hai con chuột. Thằng Bangladesh thì càng ngày càng say mê với trò chơi giết chuột nhưng bây giờ mỗi ngày nó chỉ giết một con vì đàn chuột giờ còn rất ít. Tôi để ý thấy khuôn mặt nó ngời sáng lên mỗi khi nhìn thấy con chuột giãy giụa trong lòng bàn tay, ngời sáng đến mức trong bóng đêm tôi vẫn có thể nhìn thấy cái vẻ long lanh rất khó tả trên đôi mắt thằng Bangladesh."


    Có thể nói đây là đoạn mà hellomy cảm nhận của muội khá rõ. Nếu như ai đã xem Green Miles (Dặm xanh) do Tom Hanks đóng thì hẳn sẽ nhìn thấy tâm trạng của người tù đó khi anh ta điên lên vì con chuột của mình bị tên cai ngục giẫm chết. Một con chuột chẳng là cái gì cả, với chúng ta có thể còn rất đáng chết. Nhưng con chuột của người tù này thì không, bởi vì nó là người bạn duy nhất chấp nhận anh ta, sống với anh ta những ngày tháng cuối cùng, lắng nghe những gì anh ta nói, và hơn hết là làm êm dịu nỗi sợ hãi mỗi lúc một lớn trong con người anh ta. hellomy thật sự ngạc nhiên khi xem Đàn Chuột Báo Thù của Mỹ, nội dung cũng hệt thế này, cảm giác thật là tàn nhẫn.. điều đó có thể hiểu được, người ta sợ tất cả và vì vậy họ nuôi sống đàn chuột, và rồi chính họ sợ đàn chuột của mình.... một cảm giác luôn luôn sợ hãi và trốn chạy.. không có cái gì thỏa mãn được nỗi sợ hãi của một người điên cả..

    -= silent night =-
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.02.2005 04:39:12 bởi hellomy9 >
    #2
      Sáng 05.02.2005 16:58:33 (permalink)

      Đọc toàn bộ tác phẩm ta thấy khá nhiều lần tác giả dùng cụm từ “Ngày hôm qua”. Bắt đầu và kết thúc câu chuyện cũng là 3 từ “Ngày hôm qua”. Và mỗi lần xuất hiện nó lại đi kèm với một nhân vật nào đó bị một căn bệnh mà khoa học gọi là “bệnh điên hay bệnh tâm thần”. Và cũng chính tác giả bắt đầu câu chuyện của mình bằng 3 từ “Ngày hôm qua”. Vậy thì tác giả cũng là một người đang “điên”. Ô, thì chẳng phải tác giả đã tự đặt tựa cho truyện ngắn của mình là “Tâm trạng khi điên” đấy hay sao !!

      Những sự liên tưởng của tác giả càng ngày càng kỳ bí và lộn xộn một cách phi hiện thực. Điều này chứng tỏ những khái niệm về thời gian và không gian càng ngày càng mờ nhạt hơn khi người ta càng ngày càng điên.


      Người ta tin rằng ngủ với những cô gái đồng trinh sẽ đem lại may mắn. Ông ta đang ngồi tù. Đứa em họ tôi cũng đang ngồi tù....Nó lừa đảo ngân hàng hơn một tỷ. Lúc đó nó hai mươi tuổi, bằng tuổi tôi. Lúc đó tôi đang học năm thứ hai, tôi chưa bao giờ có đến một triệu.


      Ngủ với những cô gái đồng trinh sẽ đem lại may mắn, vậy mà ông ta lại đang ngồi tù. Và em gái tác giả cũng ngồi tù. Cô em gái thì lừa đảo có đến tiền tỷ, tác giả thì chưa bao giờ có đến một triệu. Những liên tưởng này cũng bình thường khi chúng ta tiếp nhận một thông tin nào đó. Nhưng đến khi ....


      Buổi sáng đầu tiên, tôi thức dậy, mở cửa sổ, nhìn thấy tuyết trắng xóa, lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy tuyết. Nó giống hệt như giấc mơ hồi tôi còn bé. Thức giấc nhìn ra cửa sổ và thấy tuyết rơi. Những bông tuyết hờ hững rơi. Dường như chẳng có gì cả, ngoài một màu trắng. Hàng cây màu trắng. Cột điện màu trắng. Tòa nhà màu trắng. Những con người mặc đồ trắng. Tất cả đều hiện lên với vẻ bí hiểm và ma quái. Hệt như một câu chuyện cổ tích, hay một đám tang.


      thì ta nhận ra tác giả đang có vấn đề. Sáng cũng đã lần đầu nhìn thấy tuyết cách đây 3 năm, vào đầu năm 2002 khi đang đi trên tàu. Đúng như những gì tác giả đã mô tả, tất cả mọi cảnh vật đều phủ một màu trắng xoá. Nhưng đối với Sáng, khung cảnh đó đẹp tuyệt vời. Nó chỉ đẹp như trong truyện cổ tích, trong những tác phẩm phim hoạt hình của WaltDisney chứ không mang màu sắc của một đám tang.

      Sự liên tưởng đó càng kỳ dị hơn khi


      Bữa trưa, sensei kể cho chúng tôi nghe về một em bé học sinh cắt cổ bạn nó bằng một cái dao rọc giấy. Ông thản nhiên cầm cái thìa làm động tác đưa ngang qua cổ. Đột nhiên, tôi thấy máu phọt ra ở cổ ông, những giọt máu màu nâu đặc quánh như chè đậu đen mẹ tôi vẫn hay nấu vào mùa hè.


      Và lên đến cực điểm là khi tác giả hoàn toàn tưởng tượng ra một sự việc phi thực.


      Nó giấu thức ăn thừa dưới gầm giường cho đàn chuột. Khoảng nửa đêm, bọn chuột bắt đầu rúc rích mò vào phòng. Chúng bò lổm ngổm trên sàn nhà, leo lên cả bàn học. .....

      .......Tôi để ý thấy khuôn mặt nó ngời sáng lên mỗi khi nhìn thấy con chuột giãy giụa trong lòng bàn tay, ngời sáng đến mức trong bóng đêm tôi vẫn có thể nhìn thấy cái vẻ long lanh rất khó tả trên đôi mắt thằng Bangladesh.


      Sáng cũng đang ở Nhật, cũng được tiếp xúc với người Nhật, văn hoá Nhật nên cũng có những điều đồng cảm với cách nhìn xã hội Nhật của tác giả. Xã hội Nhật thực sự là một xã hội khá khép kín, không thoáng như các nước ở châu Âu hay Mỹ. Nước Nhật chỉ có một dân tộc duy nhất, dân tộc Nhật. Một dân tộc thuần chủng. Và họ tự hào là dân tộc ưu việt tại châu Á. Chính vì thế mà khi ở Nhật chính bạn phải thay đổi rất nhiều để có thể hoà nhập vào xã hội Nhật. Nhập gia thì phải tuỳ tục. Thế nhưng tác giả thì sao. Chúng ta hãy xem thử.



      Tôi cũng đang ngồi quanh bốn bức tường. Ở một nơi xa lạ với một thứ ngôn ngữ xa lạ.


      Tác giả cảm thấy bị tù túng, cô độc ở một đất nước khác ngôn ngữ và văn hóa. Nhưng chính tác giả đã không thể thoát ra bốn bức tường đó. Mọi thứ đều có vẻ bất công. Tác giả chờ đợi người ta đem lại sự công bằng cho mình, chờ đợi người ta “tuỳ tục” với mình chứ không phải là chính mình phải làm chuyện đó.



      Ở lab, chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh vì nó là foreign language to everyone và đó là sự công bằng duy nhất mà sensei của tôi muốn thiết lập.


      Ở đoạn dưới đây



      Khi ông nói thì tôi hiểu ông nói gì nhưng khi tôi nói thì rõ ràng là ông không hiểu tôi nói gì nhưng ông vẫn khăng khăng rằng ông hiểu điều tôi muốn nói, và rằng chỉ có tôi là không hiểu điều ông muốn nói với tôi. Cả hai chúng tôi đều cô đơn trong cách diễn đạt của mình.


      Ngoài những suy nghĩ của hellomy9, Sáng muốn nói thêm một chút. Các giáo sư tại Nhật cũng như Âu, Mỹ khác với ở Việt Nam. Tại mỗi trường đại học, mỗi vị giáo sư là một chuyên gia đầu ngành trong chuyên ngành hẹp của mình. Chính vì vậy mà họ có sự tự tôn. Họ dĩ nhiên phải hiểu những gì học trò của mình nói. Tuy thực sự có thể không hiểu. Vì khác ngôn ngữ, vì thầy cũng đã hơi lạc hậu hoặc không còn nhạy bén như hồi còn trẻ để hiểu học trò, nhất là khi học trò đó đang làm luận án Tiến Sĩ. Ở đây tác giả cũng là một kẻ “cứng đầu”. Người làm nghiên cứu khoa học phải biết cách trình bày và thuyết phục người khác hiểu mình đang làm cái gì. Như vậy thì nghiên cứu khoa học đó mới có giá trị và có thể ứng dụng trong thực tế. Ở đây có lẽ tác giả gặp vấn đề về ngôn ngữ. Tác giả chỉ có thể nói tiếng Anh. Còn các giáo sư Nhật thì hiếm người nói tiếng Anh tốt.

      Người ta thường nói muốn biết về một người hãy nhìn vào những người bạn của họ. Chúng ta thử xem tác giả làm bạn với ai. Một anh chàng Ấn Độ và một anh chàng Bangladesh. Cả hai đều là những “người nước ngoài” tại Nhật. Họ có điểm chung là cùng sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính để giao tiếp, giống như tác giả. Ta có cảm giác là họ là những người đứng ngoài rìa xã hội Nhật, không hoà nhập được và phải co cụm lại để không cảm thấy lẻ loi. Sáng cũng đang học tại một trường đại học của Nhật nên Sáng có thể hiểu được điều này. Điều này thể hiện khá rõ ở những du học sinh học chương trình tiếng Anh, biết rất ít tiếng Nhật. Và cái kết cục của hai người bạn này như thế nào. Anh chàng Ấn Độ về nước lấy vợ theo sự ép buộc của gia đình và cuối cùng là cái chết. Anh chàng Bangladesh thì làm bạn với những con chuột (không phải là người), và rơi vào trạng thái khoa học gọi là “bị thần kinh”. Còn tác giả thì đang viết “Tâm trạng khi điên”.

      Tác giả và những người bạn của mình thường sống với những tin tức từ quê nhà, từ gia đình. Họ không sống với cái đất nước mà họ đang sống. Đối với họ đây là cái “xứ sở chết tiệt”.


      Những lúc như thế, thằng Ấn Độ trở nên hoạt bát một cách đáng ngờ vì bình thường nó là đứa trầm tính. Mỗi lần như thế, nó lại kể về mối tình của nó. Nàng hai mươi hai tuổi, nước da bánh mật, đôi mắt to đen, khuôn mặt thánh thiện và nụ cười mê hồn. “Cuộc sống thật đê tiện”, nó thường lẩm bẩm như thế mỗi khi bắt đầu kể về đoạn kết câu chuyện tình của nó. Nàng bị ép gả cho một gã cùng đẳng cấp trong cái giai tầng rối rắm mà mỗi khi thằng Ấn Độ mô tả, tôi mặc dù đã cố gắng tập trung hết sức vẫn không thể hình dung ra được. Nó thì trôi giạt sang cái xứ sở chết tiệt này.


      .......To be cont.
      #3
        Triều Sương 05.02.2005 19:16:50 (permalink)
        Đọc xong câu truyện này TS cảm thấy đầu óc mình trống rỗng, có lẽ vì mình còn nhận thức chứ ko điên như những nhân vật trong câu truyện.

        Ngay từ đầu, TS đã nhận rõ tác giả đã đứng ở giữa của nhận thức và thần kinh, ko biết ngày hôm nay của tác giả sẽ ra sao nhưng cái ngày hôm qua cũng là cái ngày kỷ niệm 28 tuổi của mình, tác giả đã nêu những suy nghĩ, nhận thức của mình về mọi người, những người xung quanh mình, những người điên. Và TS nghĩ rằng quá hợp lý với tưạ đề câu truyện này, tác giả cũng đang trong tâm trạng điên.

        Nếu xét kỹ thì nguyên nhân vì sao những tác giả lại viết ra như thế, đâu chỉ vì báo chí đưa tin viên chức hiếp dâm một bé gái vị thành niên???
        Những việc xấu thì trong xã hội nào cũng có , cũng tồn tại, người ta đọc báo biết và hiểu hay thông cảm..v..v...nhưng ở đây tác giả đã liên tưởng từ một việc xấu đến một việc xấu khác, từ người viên chức ở tù đến người em họ rồi lại chính bản thân mình cũng đang ở tù.

        Ông ta đang ngồi tù. Đứa em họ tôi cũng đang ngồi tù.
        Tôi cũng đang ngồi quanh bốn bức tường
        Và rồi khi tác giả nhìn thấy những con quạ đậu trên dây điện. Thật là lạ, tại sao ko phải là một con chim sẻ hay một loài chim nào khác mà là quạ, con vật tượng trưng cho sự xấu xa, gớm giếc và là điềm báo.Tác giả đã nói:
        Trông chúng thật thảm thương, cứ như thể số phận của chúng là suốt đời phải đậu trên đám dây điện chằng chịt kia vậy.
        TS nghĩ, tác giả đang nói chính mình, dù rằng đoạn truyện sau TS chưa đọc tới.
        Tác giả đang ở một nơi xa lạ với một thứ ngôn ngữ xa lạ suy ra một điều tác giả đang rất lẻ loi dù chúng quanh tác giả còn có những người quen biết nhưng dường như những người đó cũng có vấn đề.
        TS muốn nhắc đến sensei:
        Bữa trưa, sensei kể cho chúng tôi nghe về một em bé học sinh cắt cổ bạn nó bằng một cái dao rọc giấy. Ông thản nhiên cầm cái thìa làm động tác đưa ngang qua cổ. Đột nhiên, tôi thấy máu phọt ra ở cổ ông, những giọt máu màu nâu đặc quánh như chè đậu đen mẹ tôi vẫn hay nấu vào mùa hè.
        TS ko hiểu vì sao ông ta có thể thản nhiên kể chuyện rôì diễn đạt động tác đến nỗi gây tổn thương cho mình mà ko hay, nếu là bạn thì bạn có như vậy ko???? giác quan nhạy cảm của ông ta đâu rồi??? hay là lúc này ông ta kể chuyện trong vô thức???
        còn người bạn Ấn ĐỘ của tác giả :một người bị trói buộc trong cuộc sống, mà sợi dây trói buộc đó chính là những tập tục quan hệ.v..v.. của một dân tộc mà đã bị trói buộc thì còn sự lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận??? Lấy vợ, duy trì nòi giống..v..v..điều này với một người con trai trong gia đình thì luôn là điều thiết yếu nhưng ngẫm xem có tức cười hay ko khi tác giả đã hỏi người bạn của mình :
        - Thế mày được chọn cái gì ?

        - Voi - nó lầu bầu. - Tao được chọn con voi dành cho lễ cưới. Tao sẽ cưỡi lên con voi đấy trong ngày cưới. Dù sao, tao cũng có sự lựa chọn mặc dù nó không quan trọng lắm.

        Cười để rồi mếu. Và đám cưới đó chỉ trọn vẹn một tháng sau là đám tang. Không biết người đó đã lựa chọn cái chết hay cái chết lựa chọn người đó nhỉ???

        TS ko hiểu một người ngày càng ăn ít và chỉ ăn buổi tối lại ko hề giảm cân chút nào??? Ai có thể giải thích dùm ko.
        Người kì lạ đó là người bạn Bangladesh của tác giả và còn kì lạ hơn là một người sống và làm bạn cùng đàn chuột. ỪH thì cuộc sống vẫn có những điều kì lạ và những mối quan hệ giữa người và người hay người và vật vẫn có nên lúc đầu TS ko thấy gì gọi là lạ và ko bình thường cả. Chỉ khi:
        Đàn chuột ngày càng đông, thức ăn thừa của thằng Bangladesh dần tỏ ra không đủ đáp ứng cho cái thói phàm ăn và sinh sản nhanh khủng khiếp của những con chuột, mặc dù thằng Bangladesh đã cố gắng nhịn ăn đến mức tối đa. Thậm chí, nó còn mang cả lọ mứt mà mẹ nó gửi cho nó ăn cả năm để cho đàn chuột ăn trong một tuần. Rồi nó bắt đầu đi xin cả thức ăn thừa của những đứa phòng bên cạnh nhưng dường như nỗ lực của nó chả thấm vào đâu. Cuối cùng thằng Bangladesh quyết định giảm số lượng đàn chuột
        Điều này TS liên tưởng đến một căn bệnh , bệnh Phong Cùi.Một căn bệnh phát triền dần dần từng ngày từng bước và rồi cuối cùng dẫn đến cái chết. Thời buổi này nếu phát hiện sớm thì vẫn còn cơ hội nhưng ko sớm thì...chắc các bạn hiểu.
        Ngày thì ko dài, đời người cũng ko dài, mộy sự việc có dài thì cũng tới một lúc nào đó sẽ kết thúc
        Tối hôm đó, thằng Bangladesh vẫn chơi trò chơi thường lệ với con chuột rồi đột nhiên nó bóp mạnh vào mình con chuột. Con chuột quay đầu lại cố gắng cắn vào tay thằng Bangladesh nhưng lần này nó không buông tay. Bàn tay hộ pháp của nó càng tóm chặt con chuột hơn. Con chuột kêu la thảm thiết. Nó không ngờ lại có kết cục này. Trò chơi của ngày hôm qua cuối cùng cũng kết thúc
        Kết thúc tức là hết nhưng TS thực sự rùng mình vì câu nói của tác giả:
        Trong bóng tối, tôi vẫn nhìn thấy rõ trên khuôn mặt thằng Bangladesh hiện ra một nụ cười bí hiểm.
        Thường là sau khi kết thúc một việc gì con người ta thường có hai tâm trạng nhất định: buồn hoặc vui. Nhưng ở đây người bạn của tác giả đã cười " một nụ cười bí hiểm" ==> nụ cười này coí phải là nụ cười vui ko????. TS nghĩ rằng đây ko phải là nụ cười vì xét theo hoàn cảnh lúc đó thì vui làm sao được, vậy thì buồn ư???/buồn sao còn cười.Một người tưởng như vui mà là buồn và ngược lại thì dạng người ấy là thế nào???có ai như vậy ko???? TS nghĩ là có, người điên. Chỉ người điên thì mới ko biết diễn đạt cảm xúc của mình và những cảm xúc họ diễn đạt hoàn toàn là vô thức ko hề có sự điều khiển của trí óc.
        #4
          hellomy9 05.02.2005 20:54:10 (permalink)

          TS ko hiểu một người ngày càng ăn ít và chỉ ăn buổi tối lại ko hề giảm cân chút nào??? Ai có thể giải thích dùm ko.


          hellomy thì không rõ lắm vấn đề này, Triều Sương gắng đợi vài hôm và nhị ca Asin sẽ trả lời cho bạn hen. hellomy thì nhớ mình từng nghe là ăn buổi tối rất dễ tăng cân, vì cơ thể lúc này khó tiêu hóa lượng calo được hấp thụ. bên cạnh đó, còn phụ thuộc họ ăn cái gì, vd ăn mì gói thì sẽ dễ phát phì hay "ngủ nướng" lại làm người ta ốm đi vậy...

          Riêng về "Tâm trạng khi điên", tối qua, VuCa nhắn cho hellomy một tin nhắn như thế này: "Anh mới vừa đọc truyện "Tâm trạng khi điên", có cảm giác giống như đọc truyện kinh dị, hơi sợ sợ!"
          Mà cũng sợ thật, đọc "Tâm trạng khi điên", điều hellomy sợ nhất là mình sẽ viết một cái gì đấy tương tự, khác hẳn những gì mình từng viết và muốn viết. Một thực tế, một hiện hữu... của tâm trạng con người vào những lúc họ biết mình đang "điên" để mà có lúc sẽ được "tỉnh", và sau đó mới có thể tiếp tục sống.
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.02.2005 20:56:45 bởi hellomy9 >
          #5
            Sáng 05.02.2005 21:25:01 (permalink)
            Nói một chút về những con quạ. Ở VN chắc rất ít thấy quạ. Nhưng ở Nhật thì quạ là bình thường. Ngay thủ đô Tokyo, người ta cũng đang kêu cứu về đàn quạ ngày càng đông. Bọn chúng bới các bịch nylon rác ra và làm vương vãi khắp nơi. Ở Nhật nghe thấy tiếng quạ kêu là chuyện bình thường.
            Trong văn hóa vn thì những chú quạ đại diện cho điềm xấu, cho cái chết. Chính vì thế mà những chú quạ tác giả thấy tuy là thật nhưng lại là một hình ảnh đại diện cho sự chết chóc.
            #6
              Triều Sương 05.02.2005 21:42:35 (permalink)
              Đúng là câu truyện này có một chút kinh dị nhưng TS đọc xong có cảm giác rằng tất cả đều là một chuỗi dài những người có vấn đề về nhận thức, thực ra nếu nói là điên thì ko phải bởi vì điên thì có lẽ tác giả sẽ ko viết ra được truyện này.

              Thực chất câu chuyện là một tâm trạng mà tâm trạng thì có biến đổi tuỳ theo lúc này hay lúc khác ko nhất thiết lúc nào cũng vậy nên những nhân vật trong câu chuyện ko điên, nếu có thì họ ko thể nào sống đều đều làm việc mỗi ngày như vậy và họ sẽ đưa vào bệnh viện tâm thần rồi.

              Cái mà TS nhận thấy là mỗi người đều có mỗi hoàn cảnh, như người bạn Ấn Độ yêu nhưng ko được yêu vì người yêu đã lấy chồng và bị gia đình ép lấy vợ==> ko được tự do yêu , ko được tự trọn và ép mình vào khuôn khổ gia đình cùng trách nhiệm, đây có phải là bi kịch cuộc đời hay ko?

              Còn người bạn Bangladesh thì sợ sự cô độc...vì sao???
              Từ trước đến giờ, tao chưa bao giờ làm cái gì độc lập cả. Tao sợ sự đơn độc. Nhất là trong nghiên cứu. ==> điều này cho thấy người này đã từng sống đơn độc nên mới sợ. TS hỏi bạn nhé, bạn có sợ ma ko?? ma là gì??? TS ko sợ vì TS đã thấy ma đâu và ma có nhát TS bao giờ nên TS ko sợ. Ma, TS biểt nhưng chỉ là qua những sách báo, truyện hay người khác kể nên dù là thế nào mình ko biết nó ra sao thì làm sao sợ. Nên TS chắc chắn người này đã từng sống cô độc nên người này mới sợ như vậy.

              Và còn sensei : TS cũng ko thấy ông này điên chút nào mà chỉ là điên nhất thời như trong bài trước TS đã nói. Nhân vật này TS nghĩ tác giả thêm vào để cho giấc mơ của tác giả hoàn chình
              Buổi sáng đầu tiên, tôi thức dậy, mở cửa sổ, nhìn thấy tuyết trắng xóa, lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy tuyết. Nó giống hệt như giấc mơ hồi tôi còn bé. Thức giấc nhìn ra cửa sổ và thấy tuyết rơi. Những bông tuyết hờ hững rơi. Dường như chẳng có gì cả, ngoài một màu trắng. Hàng cây màu trắng. Cột điện màu trắng. Tòa nhà màu trắng. Những con người mặc đồ trắng. Tất cả đều hiện lên với vẻ bí hiểm và ma quái. Hệt như một câu chuyện cổ tích, hay một đám tang.
              Nó đã giải thích vì sao :
              Mọi ngày ông ấy lúc nào cũng mặc đồ trắng. Nhưng cả tuần nay tao để ý. Trước giờ tập thể dục của bọn mình, chẳng bao giờ ông ấy mặc đồ trắng. Chỉ khi nào gặp bọn mình ông ấy mới mặc đồ trắng thôi." "Thì sao?" "Chẳng sao cả. Tao chỉ thấy lạ thôi.

              Cả câu chuyện mới đọc tưởng chừng như ko mạch lạc nhưng thực sự nó đều có sự nối kết với nhau nếu đọc kỹ, bạn đã đọc kỹ chưa?

              Và người cuối cùng TS muốn nói là nhân vật tôi hay chính tác giả đã xuất thân từ một gia đình ko hạnh phúc. Hạnh phúc làm gì có khi có người ông bị bệnh thần kinh và cái bệnh thần kinh nay xuất phát từ một tai nạn kỳ lạ. TS ko biết bệnh thần kinh có là bệnh di truyền hay ko nhưng tác giả đã nói trong những người con của ông chỉ bố và một người chú của tác giả là tỉnh táo nhất, còn lại đều thần kinh. Nhưng đưá con của chú tức em họ tác giả thì đang ở tù và Nó sống ở một nơi mà xung quanh toàn bọn đầu trộm đuôi cướp..Như vậy là gia đình tác giả đều có di chứng về bệnh thần kinh nhưng cái nguyên nhân xuất phát ban đầu vẫn là do hoàn cảnh. TS nghĩ, nếu tác giả sinh ra trong một gia đình hạnh phúc thì thế nào? nếu gia đình đưá em họ của tác giả ở một nơi văn hoá lành mạnh thì người em họ có bị vô tù hay ko? Đây chỉ là Nếu mà thôi..còn bạn suy nghĩ thế nào?

              Phần cuối chuyện tác giả đề cập đến mổt người bạn bị thần kinh và chết và cuốn nhật ký khởi đầu : "Ngày hôm qua.."Ngày hôm qua chính là quá khứ...TS cảm tưởng như chính tác giả muốn niú kéo lại quá khứ để làm gì...câu trả lời là thay đổi cuộc sống. Đúng vậy, nếu có phép lạ thay đổi đi cuộc sống thì TS nghĩ sẽ ko có những người điên hay chết trong câu truyện này. Cái ngày hôm qua đó sẽ chỉ là ác mộng mà thôi.
              #7
                Sáng 06.02.2005 04:17:43 (permalink)
                Đúng là những người trong câu chuyện này không "điên", cũng không phải là những người có vấn đề về nhận thức. Họ, 3 nhân vật chính, đều là 3 nghiên cứu sinh Tiến Sĩ. Và họ đang làm nghiên cứu chứ không phải là ở trong bệnh viện tâm thần. Cái mà họ đang trải qua có lẽ những stress trong cuộc sống mà thôi.

                Sensei= giáo sư. Dĩ nhiên là nhân vật này không điên chút nào. Và cái động tác ông này cầm cái thìa kéo ngang qua cổ để diễn tả hành động một cô bé cắt cổ bạn mình cũng là chuyện không có gì quá đáng (Vụ án này là có thật tại Nhật. Nó đã gây ra một cú sốc trong xã hội Nhật). Nhân vật Sensei này không phải là thêm vào mà là một nhân vật phụ có thật. Còn các học trò của ông cảm thấy ông kỳ lạ chỉ vì bản thân họ đang có vấn đề mà thôi. Bản thân ông thầy cũng là một nhân tố tạo ra stress khi hằng ngày bắt học trò mình dạy sớm để chạy. Ngay phòng nghiên cứu bên cạnh phòng nghiên cứu của Sáng tại đây, ông giáo sư cũng bắt học trò chạy bộ vào các buổi chiều cùng với thầy.


                Còn người bạn Bangladesh thì sợ sự cô độc...vì sao???
                Từ trước đến giờ, tao chưa bao giờ làm cái gì độc lập cả. Tao sợ sự đơn độc. Nhất là trong nghiên cứu. ==> điều này cho thấy người này đã từng sống đơn độc nên mới sợ. TS hỏi bạn nhé, bạn có sợ ma ko?? ma là gì??? TS ko sợ vì TS đã thấy ma đâu và ma có nhát TS bao giờ nên TS ko sợ. Ma, TS biểt nhưng chỉ là qua những sách báo, truyện hay người khác kể nên dù là thế nào mình ko biết nó ra sao thì làm sao sợ. Nên TS chắc chắn người này đã từng sống cô độc nên người này mới sợ như vậy.


                Cái này Sáng không đồng ý với Triều Sương chút nào. Trẻ con sợ ma vì sao? Chúng nó đã từng thấy ma chưa? Con người ta sợ kẻ cướp, kẻ giết người vì sao? Không lẽ vì chưa bao giờ gặp nên không sợ? Còn sự đơn độc, có cần phải thực sự sống đơn độc rồi người ta mới sợ sự đơn độc không khi người ta đã biết rõ nghĩa của 2 từ "đơn độc" rồi.

                Mỗi gia đình đều có vấn đề riêng của nó. Tìm được một gia đình luôn hạnh phúc cũng không phải dễ. Yếu tố gia đình cũng chỉ là một phần tác động đến tâm lý của tác giả mà thôi.

                Thêm một yếu tố có thật mà Sáng muốn cung cấp, tuy hơi mang tính cá nhân. Tác giả bị điên thật, hay đúng hơn là bị rơi vào trạng thái trầm cảm. Bạn của Sáng học cùng trường với tác giả, và suốt trong thời gian tác giả viết truyện này, ang ta không đến phòng nghiên cứu, không tiếp ai, chỉ đóng cửa ở trong nhà.
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 06.02.2005 04:18:39 bởi Sáng >
                #8
                  Triều Sương 06.02.2005 04:38:50 (permalink)
                  Sáng nói rằng trẻ con sợ ma nhưng sao sáng ko hỏi thử xem chúng hiểu ma là thế nào??hình dạng ra sao??? và ở đâu hay chỉ là ngoại cảnh cùng con người đã đưa vào đầu óc trẻ thơ cái khái niệm gọi là " ma" đó để hù doạ.
                  TS có đưá em , hồi nhỏ gia đình vẫn hay hù nó về ma và nó đã sợ nhưng rồi lớn lên TS hỏi thì nó đã trả lời " Thấy mới sợ còn nói thì ko sợ " Nên cái sợ đó chỉ do bản thân bị tác động chứ ko phải là đích thực.
                  Còn sự đơn độc thì về nghĩa "đơn độc" TS nghĩ rằng khá nhiều người hiểu. Có rất nhiều người hay tự ám thị mình đơn độc khi chỉ có một mình nhưng bạn hiểu rõ sự đơn độc thế nào chưa??? nên chỉ có những người đã và từng bị đơn độc là hiểu rõ nhất.

                  Còn vấn đề Sáng nói tác giả bị điên thì thực tình điều này TS đã nghĩ đến..vì bài viết này chính là tâm trạng của tác giả, cái tâm trạng hỗn độn trong suy nghĩ nhận thức chung quanh, qua lời văn và cả đoạn này TS đã nghĩ nhưng vẫn ko muốn nghĩ đến, TS sợ những gì mình nghĩ là đúng nên ko viết ra. Vậy mầ, Sáng đã làm sáng tỏ cả câu chuyện.

                  Buổi tối, tôi đi dạo trong thành phố. Một thành phố đơn điệu. Không văn hóa, không lịch sử, không gì cả. Chỉ đơn giản là nơi người ta đến ở, rồi một lúc nào đấy đột nhiên họ quyết định gọi nó là thành phố. Chín giờ tối, không một bóng người. Cứ đi khoảng vài trăm mét, tôi lại thấy một công viên mini. Buổi tối chúng giống như những nghĩa địa. Tôi đi mãi và thấy mệt mỏi. Chẳng có gì đặc biệt, những ngôi nhà giống hệt nhau với những cái mái hình chóp và hàng rào bằng một loại cây nào đó mà tôi không biết tên. Tôi cứ thế đi một mình, chẳng có gì cả ngoài sự sợ hãi. Một thành phố chết. Tôi nằm trên cái ghế đá, nước mắt trào ra. Tôi nhớ đến những buổi tối ngày xưa, tôi hay ngước nhìn bầu trời đầy sao và thấy mình hạnh phúc. Giờ đây, cái niềm vui ấy cũng chẳng còn nữa. Những ngôi sao kia giờ chỉ làm tôi cảm thấy sợ hãi. Chúng đang cười nhạo tôi. Nỗi sợ hãi mơ hồ cứ thế lớn dần lên. Tôi quá đơn độc dưới bầu trời này. Tôi cứ nằm yên như thế, y như một kẻ tội đồ chờ đợi hình phạt
                  #9
                    hellomy9 06.02.2005 04:40:56 (permalink)

                    Trích đoạn: Triều Sương

                    Đúng là câu truyện này có một chút kinh dị nhưng TS đọc xong có cảm giác rằng tất cả đều là một chuỗi dài những người có vấn đề về nhận thức, thực ra nếu nói là điên thì ko phải bởi vì điên thì có lẽ tác giả sẽ ko viết ra được truyện này.

                    Thực chất câu chuyện là một tâm trạng mà tâm trạng thì có biến đổi tuỳ theo lúc này hay lúc khác ko nhất thiết lúc nào cũng vậy nên những nhân vật trong câu chuyện ko điên, nếu có thì họ ko thể nào sống đều đều làm việc mỗi ngày như vậy và họ sẽ đưa vào bệnh viện tâm thần rồi.


                    hi.hi..
                    Vậy cũng khó nói lắm, nhiều người trông tỉnh đến thế cơ mà.. không ngờ thần kinh lại bất ổn. Vấn đề ở chỗ bất ổn xảy ra thường xuyên, nhưng chậm rãi và bó hẹp trong một hoàn cảnh sống quen thuộc nên ít ai nhận biết và dám khẳng định sự nhận biết của mình hoàn toàn chính xác để đưa một người vào viện tâm thần. Đó còn phụ thuộc vào phạm vi đạo đức nữa TS biết không, nếu phán đoán và nhận biết sai lầm, dễ đẩy một con người vào bước đường cùng không lối thóat lắm. Nhiều khi, những người bệnh nhẹ, nửa thức nửa tỉnh, nhưng không hại gì đến ai và cũng không tự tổn hại bản thân, thì người ta vẫn cố gắng giúp họ sống một cuộc sống bình thản. Điều đó cũng tốt.. một mặt nào đó...


                    Cái mà TS nhận thấy là mỗi người đều có mỗi hoàn cảnh, như người bạn Ấn Độ yêu nhưng ko được yêu vì người yêu đã lấy chồng và bị gia đình ép lấy vợ==> ko được tự do yêu , ko được tự trọn và ép mình vào khuôn khổ gia đình cùng trách nhiệm, đây có phải là bi kịch cuộc đời hay ko?


                    uhm.. cũng có thể lắm, nhưng mà cũng không hẳn là bi kịch cuộc đời. Không được yêu chỉ có thể là thiếu may mắn và không duyên số, không thể là bi kịch. Một du học sinh, nhưng cái nhìn vẫn bó hẹp trong truyền thống - hủ tục.. cái này mới đúng chính xác là một bi kịch.


                    Người bạn Bangladesh thì sợ sự cô độc...vì sao???
                    Từ trước đến giờ, tao chưa bao giờ làm cái gì độc lập cả. Tao sợ sự đơn độc. Nhất là trong nghiên cứu. ==> điều này cho thấy người này đã từng sống đơn độc nên mới sợ. TS hỏi bạn nhé, bạn có sợ ma ko?? ma là gì??? TS ko sợ vì TS đã thấy ma đâu và ma có nhát TS bao giờ nên TS ko sợ. Ma, TS biểt nhưng chỉ là qua những sách báo, truyện hay người khác kể nên dù là thế nào mình ko biết nó ra sao thì làm sao sợ. Nên TS chắc chắn người này đã từng sống cô độc nên người này mới sợ như vậy.


                    Sự đơn độc, ai có thể định nghĩa được thế nào là cuộc sống đơn độc nhỉ... tuy nhiên, không phải cái gì chúng ta biết "nó ra sao" thì chúng ta mới sợ và cảm thấy đáng sợ. Có bao giờ TS sợ bản thân mình chưa? Nỗi sợ đó đến thật nhẹ nhàng và thật vô hình.. Một nỗi sợ chất chứa bên trong con người ta, ở nơi nào đó của một tâm hồn khép kín. Chẳng lẽ tất cả TS đều có thể "touch"? nope..


                    Và người cuối cùng TS muốn nói là nhân vật tôi hay chính tác giả đã xuất thân từ một gia đình ko hạnh phúc. Hạnh phúc làm gì có khi có người ông bị bệnh thần kinh và cái bệnh thần kinh nay xuất phát từ một tai nạn kỳ lạ. TS ko biết bệnh thần kinh có là bệnh di truyền hay ko nhưng tác giả đã nói trong những người con của ông chỉ bố và một người chú của tác giả là tỉnh táo nhất, còn lại đều thần kinh. Nhưng đưá con của chú tức em họ tác giả thì đang ở tù và Nó sống ở một nơi mà xung quanh toàn bọn đầu trộm đuôi cướp..Như vậy là gia đình tác giả đều có di chứng về bệnh thần kinh nhưng cái nguyên nhân xuất phát ban đầu vẫn là do hoàn cảnh. TS nghĩ, nếu tác giả sinh ra trong một gia đình hạnh phúc thì thế nào? nếu gia đình đưá em họ của tác giả ở một nơi văn hoá lành mạnh thì người em họ có bị vô tù hay ko? Đây chỉ là Nếu mà thôi..còn bạn suy nghĩ thế nào?


                    Mỗi người đều có một câu chuyện cuộc đời riêng của mình, nhưng nếu lấy hoàn cảnh để biện minh cho tất cả, thì chưa đủ. Dù sao thì sức chịu đựng của con người ta suy cho cùng cũng có giới hạn, chạm đến giới hạn đó họ buộc phải đầu hàng số phận. Nếu trách, chỉ trách họ không thể làm tốt hơn vì họ đã làm hết sức mình rồi. Mà như thế thì lại chẳng có gì đáng phải trách cả, có đúng không nhỉ..

                    Một hoàn cảnh tốt, chỉ là điều kiện cần, chưa là điều kiện đủ để thay đổi nhân sinh quan và số phận một con người. Đôi khi hoàn cảnh bất lợi.. có thể giúp con người ta trưởng thành hơn, bản lĩnh và mạnh mẽ hơn. Chẳng phải người ta nên biến đau thương thành sức mạnh hay sao. Cuối cùng thì, khi mà bạn sống, nhiều lúc phải quên bản thân mình đi, và cuộc sống sẽ khắc nghiệt hơn rất nhiều nhưng cũng lại trọn vẹn hơn rất nhiều. Có khi.. chúng ta cần phải cám ơn hoàn cảnh..


                    Phần cuối chuyện tác giả đề cập đến mổt người bạn bị thần kinh và chết và cuốn nhật ký khởi đầu : "Ngày hôm qua.."Ngày hôm qua chính là quá khứ...TS cảm tưởng như chính tác giả muốn niú kéo lại quá khứ để làm gì...câu trả lời là thay đổi cuộc sống. Đúng vậy, nếu có phép lạ thay đổi đi cuộc sống thì TS nghĩ sẽ ko có những người điên hay chết trong câu truyện này. Cái ngày hôm qua đó sẽ chỉ là ác mộng mà thôi.


                    Ngày hôm qua thỉnh thoảng là tương lai của ngày hôm sau, TS biết không? Đôi lúc nhìn lại "ngày hôm qua" thì ta đã biết "ngày hôm sau" chúng ta vẫn sẽ có thể mắc phải cùng một sai lầm.. nhiều khi hellomy nghĩ "ngày hôm qua" là một sự khởi đầu... thứ hai.
                    #10
                      Triều Sương 06.02.2005 05:06:26 (permalink)
                      hì..vứa đọc vừa viết bài mà vừa nghe nhạc thì opppsss đúng là ko chiụ nổi, phải tắt nhạc thôi
                      hellomy biết ko??? đúng là TS đã từng sợ chính bản thân mình, sợ vì mình ko kìm được mình chỉ trong một giây phút gây nên lỗi. Con người ko ai là hoàn hảo và ko ai tự cho mình là ko bao giờ mắc lỗi. Nhưng khi thực sự mắc lỗi rồi bạn mới cảm nhận sự sợ hãi đó thế nào.

                      Đưa ra trường hợp những nạn nhân bị sóng thần vừa qua, chúng ta ở xa nghe tin họ bị tai nạn đó, qua những phương tiên thông tin ta hiểu, thấy được những hình ảnh, ta cũng có thể cảm nhận nỗi đau đó nhưng cái cảm nhận của ta có là tột cùng như họ hay ko??? Đây chính là điều mà TS muốn nói. Nhìn những cảnh tượng tiêu điều đó, những con người bị chết đó, TS thấy đau và cảm thông lắm chứ. Nhưng TS biết mình chỉ đau xót thương cảm một lúc nào rồi quên riêng những người từng chứng kiện tận mắt và thoát chết sau đó họ sẽ nhớ hoài sự kiện đó như một vết chàm ko bao giờ bôi xoá được.

                      Còn những vấn đề hellomy đưa ra TS cũng hoàn toàn đồng ý vì đó cũng là điều TS mong muốn. Nhưng TS rất tiếc rằng điều mong muốn đó chỉ mãi là mong muốn vì tác giả thực sự chờ đợi Nỗi sợ hãi mơ hồ cứ thế lớn dần lên. Tôi quá đơn độc dưới bầu trời này. Tôi cứ nằm yên như thế, y như một kẻ tội đồ chờ đợi hình phạt
                      Thật đáng buồn !
                      #11
                        Sáng 06.02.2005 13:54:45 (permalink)


                        Buổi tối, tôi đi dạo trong thành phố. Một thành phố đơn điệu. Không văn hóa, không lịch sử, không gì cả. Chỉ đơn giản là nơi người ta đến ở, rồi một lúc nào đấy đột nhiên họ quyết định gọi nó là thành phố. Chín giờ tối, không một bóng người. Cứ đi khoảng vài trăm mét, tôi lại thấy một công viên mini. Buổi tối chúng giống như những nghĩa địa. Tôi đi mãi và thấy mệt mỏi. Chẳng có gì đặc biệt, những ngôi nhà giống hệt nhau với những cái mái hình chóp và hàng rào bằng một loại cây nào đó mà tôi không biết tên. Tôi cứ thế đi một mình, chẳng có gì cả ngoài sự sợ hãi. Một thành phố chết. Tôi nằm trên cái ghế đá, nước mắt trào ra. Tôi nhớ đến những buổi tối ngày xưa, tôi hay ngước nhìn bầu trời đầy sao và thấy mình hạnh phúc. Giờ đây, cái niềm vui ấy cũng chẳng còn nữa. Những ngôi sao kia giờ chỉ làm tôi cảm thấy sợ hãi. Chúng đang cười nhạo tôi. Nỗi sợ hãi mơ hồ cứ thế lớn dần lên. Tôi quá đơn độc dưới bầu trời này. Tôi cứ nằm yên như thế, y như một kẻ tội đồ chờ đợi hình phạt


                        Sáng cũng đã sống ở một thành phố lớn thứ 3 Nhật Bản. Ngoại trừ khư vực trung tâm thành phố (= Quận 1-tpHCM), các nơi khác sau 8h tối là tối om, không đèn đường, không đèn bảo vệ trước các căn nhà. Một âm thanh cũng không lọt ra ngoài. Đi dạo dọc theo các khu phố, Sáng cố gắng lắng nghe một âm thanh nào đó, cố gắng đi sát vào các hàng rào, hy vọng có thể nghe thấy tiếng người nói, tiếng cười. Vô vọng. Sáng nhiều khi nghi ngờ không biết những tòa biệt thự kín cổng cao tường kia có ai sống ở trong đấy không !

                        Công viên ở Nhật rất nhiều, những công viên nho nhỏ nằm xen với các khu nhà dân. Ở đó ta có thể thấy một vài con ngựa gỗ, một cái xích đu,...cho trẻ con. Xét về khía cạnh không gian sống thì điều này rất tuyệt.

                        Nhưng trước tất cả khung cảnh im lìm đó, Sáng cũng chỉ cảm thấy hơi chạnh lòng nhớ cái không khí náo nhiệt của tpHCM mà thôi. Không đến mức như tác giả, quá cực đoan. Như Sáng đã viết ở bài viết đầu tiên. Tất cả chỉ vì tác giả không thể hòa nhập vào xã hội Nhật được. Nếu hòa nhập được thì tác giả sẽ thấy cái văn hóa của Nhật nó thấm đẫm trong từng con người Nhật. Và một thành phố tuy bề ngòai có vẻ nhàm chán, mang tính công nghiêp như thế cũng có những địa điểm hết sức thú vị, có những nét đặc trưng mà nơi khác không có. Đừng đổ thừa cho hoàn cảnh khi chính bản thân mình có thể thay đổi hoàn cảnh đó.



                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 06.02.2005 13:58:29 bởi Sáng >
                        #12
                          hellomy9 07.02.2005 21:28:21 (permalink)
                          Cảm giác một đêm không thể ngủ, cũng chưa đến nỗi là tâm trạng khi điên, rất may mà chỉ có thế...

                          Thực và ảo


                          Sáng sớm, Hồng nở muộn, mà hình như tất cả các loài hoa đều nở muộn. Cúc đại đóa cũng nở, nhưng nở bung từng cánh, từng cánh.. và rơi xuống, vỡ toang như những mảnh thủy tinh của một chiếc ly. Tôi giật mình thức giấc, đêm vẫn chưa qua.

                          Ngồi dậy tự trấn an mình, tôi mơ màng bắt kịp âm thanh của những bước chân vội vã, ai đó thức rồi sao? Hay họ đã không ngủ? mới hơn một giờ ba mươi phút sáng.

                          Dạo gần đây tôi hơi khó ngủ, đôi lúc còn bừng tỉnh trong giấc mơ của ngày còn nhỏ, trong giấc mơ đó hiện diện biết bao nhiêu là hoài niệm, chúng chạy nhảy không ngừng, không ngừng gợi nhớ từng khoảnh khắc đã qua. Mọi thứ chợt rõ ràng, đậm nét. Có một hoài niệm làm tôi nhớ nhất, đó là lần đầu tiên đứng trước cửa bệnh viện. Tôi quá nhỏ để hiểu về sự an toàn và không an toàn, khái niệm về chết và không chết dễ nhận biết hơn nhiều. Nỗi sợ hãi của một đứa bé, nhưng đứa bé đó đã không khóc, nó sợ một mình, chỉ một mình. Tôi đã rất muốn hỏi “mẹ ơi con có chết không?”

                          Lúc còn nhỏ tôi là một đứa trẻ thích những que kem như bao đứa trẻ khác vẫn thường thích, kem ngọt và lạnh, ăn ngon lắm. Nhưng nó không thực sự ngon lành khi tôi đi ra chợ và ngồi ăn sáng với mẹ, bên cạnh có một người ăn xin. Đồng năm trăm bây giờ có là gì không? hồi đó hai trăm đồng đã đủ cho một bữa sáng đầy đủ, tôi đã cho đi và dĩ nhiên là tôi đói, không bữa sáng, không kem.

                          Hai giờ sáng. Trời vẫn còn tối. Tôi nằm xuống, mệt mỏi gác tay lên trán, thấy mọi thứ bị xáo trộn.. Bảy giờ sáng, tôi vội vã vớ lấy túi xách chạy đến cơ quan, không ngừng lo lắng mình trễ giờ. Vào phòng mở máy tính, cảm thấy còn sợ không biết dữ liệu đã được backup chưa, sách chất đống trên bàn đến khó thở, không nhớ phải ăn sáng. Điện thoại rung hai tiếng, một tin nhắn mới. Hóa ra tôi lại ngủ mê được thêm một lúc, mới hai giờ hai mươi phút, trời còn tối.

                          Tin nhắn của anh: “Em ngủ chưa?”. “Ngủ rồi, thức rồi, nhưng mấy giờ rồi..hic…”, “clear test”? “ok”. Tự nhiên khó trả lời, tôi ngủ chưa? Nằm xuống, nhận ra mình đã ngủ, thấy trời sáng, nhưng lại vẫn còn đêm. Tôi ngủ chưa?

                          Tôi muốn đi xem phim, cũng lâu rồi chưa đi xem phim. Tôi muốn đến rạp xem bởi ở đó tôi có thể chạm đến thứ âm thanh trung thực, ít nhất thì dù xem đoạn đầu có thể đoán đoạn cuối kết thúc nó ra sao.. nhưng vẫn có chút gì đó hồi hộp và thú vị. Mà vào rạp chiếu phim, đâu phải ai cũng xem phim? Tôi từng thấy một cô gái ngồi ở hàng ghế trên cùng, cô khóc. Không ai xung quanh, không có tiếng động, không sự chú ý. Tôi tự hỏi mình có cần khóc không? Nếu cần, có lẽ tôi cũng khóc như cô, một mình như tôi vẫn luôn một mình. Một câu nói nghe thật buồn cười mà tôi thường nói là: “Nếu em cười đùa vô tư với anh, em nghĩ chúng ta có thể làm bạn. Nếu em tâm sự được với anh, em cho rằng chúng ta có thể là bạn tốt của nhau. Nhưng nếu em bật khóc trước mặt anh, em sẽ lấy anh”, nhưng câu nói này không phải không có cơ sở. Có điều, tôi khác cô gái đang ngồi đó, tôi chưa cần khóc, tôi chỉ cần khoảng trống, một mình. Có thể vì ở một mình, tôi có cảm giác an toàn hơn, co cụm trong sự mạnh mẽ cũng như sự yếu đuối của chính mình. Tôi thấy mình vượt qua tất cả cũng dễ dàng hơn, tìm kiếm sự bình yên trong những phút yếu lòng cũng nhẹ nhàng hơn. Dù nói sao thì lý do không hẳn như thế, là tôi muốn khắc nghiệt với bản thân một chút, tàn nhẫn với bản thân một chút. Đổi lại, những lần tôi gục ngã, các vết thương sẽ mau lành hơn.

                          Tôi đi không đi xem phim một mình, trông thật là ngớ ngẩn. Đi hai người cũng tốt, nhưng mục đích cũng ngớ ngẩn nốt (nếu ở vào hoàn cảnh một trong hai người không thực sự muốn xem phim, mà lại bày tỏ điều gì đấy một cách vụng về hay không thể chấp nhận được). Tôi thích rủ nhỏ em họ (mà thực ra là con nuôi của mẹ tôi), thỉnh thoảng tôi ngạc nhiên vì mình vừa có tâm hồn già dặn, vừa trẻ con.. buồn cười. Sao tôi lại thích đi với con bé nhỉ? Nhưng sự thật lại khác cơ, tôi đi xem phim với bạn, vấn đề ở chỗ tôi lười chở nó về quá. Ừ, lười. Ngoại trừ những lúc tôi ngủ lại nhà con bé một tuần hay vài ngày, chúng tôi đi khắp nơi, cười cợt suốt ngày, trưa cũng không buồn ngủ.

                          Em họ tôi khá dễ thương, tương lai nó đang được sắp đặt ở một nơi rất xa. Nếu không có vấn đề gì, chậm nhất hai năm nữa nó sẽ định cư tại Mỹ. Khoảng cách có quan trọng không? Ừ, có. Một khoảng cách được xác định trong thực tế và trong cả tiềm thức. Tôi mơ màng nghĩ đến sự sắp đặt cho tương lai, nhiều người vẫn đang tiếp tục nhận lấy kế hoạch cho đời mình mà không hề hay biết, nhiều người khác thì tiếp tục xây dựng kế hoạch cho đời mình như dã tràng xe từng viên cát nhỏ không ngừng nghỉ. Mà cuộc sống là biển lớn cứ lăm le biến những nỗ lực của mấy con dã tràng tội nghiệp thành ra hoài công. Một trong số những nỗ lực của tôi đang ở dưới lòng biển, tôi chỉ tự hỏi chúng có màu sóng sánh như sứa biển Vũng Tàu vào mùa mưa không? Tôi lại cũng đang xe những viên cát nhỏ, nhưng tôi không thấy mệt, tôi biết cái giá phải trả cho sự thành công.

                          Tôi nhận thấy mình đang thở dài, tôi hơi nhức đầu. Viễn cảnh một ngày không tồn tại, thế giới đẹp hơn với những con người đáng yêu hơn khiến tôi lần nữa buồn cười. Điều đó có thể sao? nếu có thì đó là cuộc sống ngược trong một chiếc gương! Một anh bạn từng hỏi tôi “tại sao người ta phải thất vọng khi bị phản bội nhỉ?”, câu hỏi này tôi đã không trả lời. Bởi tôi đã học bài học về niềm tin một lần duy nhất khi tôi còn nhỏ, và nó đã luôn là một bài học không bao giờ “lỗi thời” trong suốt thời gian qua. Đó là lý do bạn hãy cứ tin đi, nhưng đừng quá tin và tôn thờ. Có những giá trị, những con người bạn cần tin tưởng; nhưng cũng có những giá trị, những con người nhiều màu sắc và phức tạp như những bức tranh trên các ô cửa trên tường nhà thờ. Nó gửi gắm hình ảnh của Chúa và các vị tông đồ, Đức mẹ hay những con chiên ngoan đạo.. nhưng thực tế chỉ là những mảng tối sáng và những gam màu được vá đắp tạo nên một khối tổng thể trên cao rất khó để chạm tới. Nó giống như chiếc kính vạn hoa, bao giờ cũng sặc sỡ và đẹp đẽ nhưng bao giờ cũng chỉ hiển hiện duy nhất một kiểu cách bất di bất dịch. Một sự ghép nối hoàn hảo thiếu vắng linh hồn, xong, lại phảng phất sự hy sinh và nước mắt của kẻ mê muội. Đắm chiềm trong niềm tin hay xa lánh nó tuyệt đối? Dung hòa nó đi vậy.. Tôi biết mình vẫn sẽ tin những gì tôi muốn tin. Chỉ là đôi lúc, tôi không thất vọng, mà tôi xem thường.. Tôi không hi vọng mình sẽ không bị lừa dối, tôi chỉ hi vọng nếu ai đó muốn dối gạt tôi, thì phải hoàn hảo một chút để tôi cuối cùng vẫn có thể nghiêng mình tôn kính. Tôi sợ sự giả dối quá dễ dàng nhận biết, nó gần như đùa cợt với cái “tôi” sâu thẳm trong tôi. Một sự giả dối tầm thường! Non-living thing… yeahh.. tôi vô cảm với sự phản bội, thì thất vọng có là gì? Ba giờ sáng.. Thì ra tôi vẫn nhớ sâu sắc bài học đầu tiên này, dù muốn hay không. Tự nhiên khó có thể ngủ lại.

                          Ba giờ bốn phút hai mươi chín giây. Hình như trời có vẻ lạnh hơn, cái mền đâu nhỉ? Chán. Tôi quên sao? Mà tôi không nhớ mình ngủ lúc nào? Tôi ăn cơm chưa..? Sao tôi không nhớ gì!.. ah! chiều nay tôi đã rất mệt khi vừa về đến nhà, và bây giờ tôi đang nằm trên giường, tôi nhớ mình có ăn một chút, sau đó đi tắm.. nước khá lạnh chắc vì tôi muốn bệnh. Mà không, sao lại là chiều nay nhỉ, chiều hôm qua mới đúng. Thức giấc về đêm khiến người ta thường lẫn lộn giữa hai trạng thái cảm xúc. Lại có người nói đêm là phần Âm, ban ngày là phần Dương, Âm thịnh Dương suy không tốt cho thần trí.. mà thực tình có lẽ thế.

                          Bốn giờ rồi.. uh bốn giờ. Có lúc tôi có cảm giác về cái thực và cái ảo, nhưng cũng có nhiều lúc tôi có tâm trạng không tốt, “điên” thì chưa đến đâu, nhưng đó cũng là một khái niệm đáng để tham khảo. Bởi một người quan tâm nghiên cứu về cảm xúc, vẫn có thể bị hút bởi lực của dòng cảm xúc bất thường đó chứ. Chẳng thế mà đọc thấy nhiều tin tức bác sĩ trị liệu thần kinh lại đi cắt cổ người bệnh sao? Một vị bác sĩ thần kinh thép, vậy mà hàng ngày chịu áp lực cuộc sống - đối diện với toàn những người bệnh tâm trí bất mãn.. nhiều lúc giống tâm trạng bất lực của mình.. cũng khó nói chuyện gì sẽ xảy ra. Đâu cần phải điên bẩm sinh hay tâm thần hoang tưởng? Tôi vì thế mà luôn giữ cho mình trạng thái căng thẳng vừa mức, một lối sống có mục đích cụ thể, thư giãn ngay khi cần thiết, và buông bỏ mọi thứ không đáng bận tâm.

                          Đêm nay tôi mất ngủ do mệt quá, lo lắng quá.. vậy cũng tốt. Có lúc tôi mất ngủ do lòng buồn thật buồn. Người ta buồn khi nào nhỉ, những chuyện nhỏ nhoi khó làm tôi buồn lắm, tôi buồn khi có cái gì đó khiến mình đau lòng. Khi mà những dây thần kinh căng như những sợi dây đàn, người nghệ sĩ violon không thể nào dừng lại, cứ tiếp tục kéo những nốt nhạc liên hồi... hay là đàn tranh với từng nốt nhạc nghe sầu thảm ngân vang, ngân vang.. cứ như những ngón tay đeo các đê bằng sắt hay inox không chần chừ cứa đứt sợi dây đàn nghe từng tiếng "Pựt!" khô khốc.. Bạn có ý thức được cái gọi là đau lòng khi đưa tay lên ngực và cố gắng thở thật đều? Bởi vì bạn ngạt thở, không phải cảm giác như ai đó cố giết bạn, đó là cái cảm giác bạn không thể thở được, bạn cảm thấy nghẹn lời và trong bạn là một sự sợ hãi mọi thứ sẽ chấm dứt không đợi đến ngày mai. Bạn biết trái tim mình không chỉ đang khóc mà nước mắt nó rơi xuống là những giọt máu đỏ thẫm, chậm rãi tô đỏ bức tranh màu trắng mà bạn vốn dĩ đã tránh đi thật xa. Bạn muốn mình bớt đau lòng hơn bằng cách thấm khô máu của mình, nhưng vì thiếu máu mà bạn bị "choáng", mất sự cân bằng đủ để bình tĩnh.. Bạn từng đau lòng đến thế chưa? Người ta thường quan trọng hóa vấn đề hơn bản chất thật của nó, một nhỏ em kết nghĩa của tôi nói thế, nhưng tôi biết mình thì không thường xuyên.. Tôi cố gắng sống như thể ngày mai mình sẽ chết, bởi mỗi cuối ngày tôi đều ý thức rõ nỗi đau của chính mình.

                          Nỗi đau rồi sẽ đi qua, nhưng di chứng luôn luôn ở lại, bạn biết không? Thời gian là người thầy vĩ đại thật đấy, nhưng nghịch cảnh luôn là ngưởi thầy vĩ đại hơn. Không cần phải trải qua ngàn biến cố, chỉ cần trải nghiệm một vài biến cố mà bạn không thể nào quên... bạn sẽ biết thế nào là nghịch cảnh. Quan trọng là ranh giới giữa thực và ảo, không cách xa nhau mấy. Nếu bạn đi những bước đầu vững chãi, bạn sẽ biết cách để mình không vấp ngã, bạn sẽ biết cách để đứng lên ngay cả khi chân bạn rã rời không bước tiếp được nữa, bạn sẽ biết cách bước qua... thế giới thực mà bản ngã của bạn từ chối nó.

                          Bây giờ thì trời đã sáng thật sự, thì ra con người tôi là như thế, đêm có đáng sợ đến mức nào thì khi trời sáng lòng vẫn ấm áp lạ. Tôi luôn ghi nhớ sự phê phán bao giờ cũng ghê gớm hơn nỗi sợ hãi của một linh hồn. Nếu không thể tỉnh lại, tôi hối hận vì mình đã tồn tại. Mỗi bước chân tôi tiến về phía trước, là một cánh cửa quá khứ đóng lại sau lưng, không thể quay lại, mà cũng không cần thiết phải quay lại. Không thể hối hận, mà cũng không có cái quyền hối hận. Sai lầm chắc chắn tôi luôn mắc phải, nhưng tôi phải học hỏi cách chấp nhận nó như một phần của cuộc sống, chỉ có khắc phục, không có quay lại, không có tiếc nuối. Thế giới thực của tôi là cái tôi làm, thế giới ảo của tôi là ngôi nhà của lý trí. Đôi lúc.... lý trí của tôi can thiệp quá nhiều vào những ngã rẽ mà bản ngã của tôi cố gắng tạo dựng. Những lúc đó tôi bắt gặp mình đang đợi chính mình có một quyết định. Đó là những lúc tôi đơn độc với chính tôi, nhưng hơn bao giờ hết, tôi biết ranh giới đó ở đâu để mà nhận lấy hay phá bỏ nó và trở thành một thể thống nhất.
                          ...
                          <bài viết được chỉnh sửa lúc 07.02.2005 21:42:17 bởi hellomy9 >
                          #13
                            Chuyển nhanh đến:

                            Thống kê hiện tại

                            Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                            Kiểu:
                            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9