CHA TÔI
Trần Huy Thuận 29.12.2008 18:08:08 (permalink)
CHA TÔI



Tôi mồ côi Cha từ lúc tôi mới chín tuổi, những ký ức về Người không nhiều, nhưng rất ấn tượng trong tôi, đi theo tôi suốt cuộc đời.
Xuất thân từ một gia dình nông dân thuộc một miền quê có tiếng nghèo khó nhất Tỉnh: “Nam Định tứ cùng, Phong, Ý vi tối” – Nam Định có bốn (huyện) nghèo, Phong Doanh và Ý Yên là kém nhất! Quê tôi thuộc một trong hai cái địa danh “vi tối” đó! Vi tối không chỉ về kinh tế, mà vi tối cả trong văn hoá sống, văn hoá ứng xử. Càng lớn lên, tôi càng nhận ra điều ấy. Thật kỳ lạ, một cái làng chỉ cách Thành phố mươi ki-lô-mét, lại nằm ngay cạnh đường Quốc lộ và đường sắt xuyên Bắc – Nam, vậy mà “ánh sáng văn minh” không thể lọt được đến đây. Làng gì mà cho tới tận cuối thế kỷ thứ hai mươi, một cái giếng nước sạch cũng không có; tất cả mọi sinh hoạt ăn uống tắm giặt... đều quanh cái ao tù. Trên ao tù là cái ... “cầu tõm” truyền thống - Nhiều năm trời, người quê tôi đi đến đâu, cũng bị người ta gọi là “dân cầu tõm”, là vì thế!
Chỉ tới sau năm hai ngàn quê tôi mới có “nước máy”, nhưng phải mấy năm sau mới lác đác có một số gia đình chịu dùng. Có thể vì họ quá quen với cái ao “gia truyền” của họ; nhưng chủ yếu vẫn là do đời sống quá... “vi tối”! Cái “văn hoá” sớm nhất được “cách mạng”, chính là cái “cầu tõm”! Điện thì có sớm hơn, nhưng hoạ hoằn lắm họ mới “bật” lên, cho cái ánh sáng văn minh rọi lên mặt một lát, rồi vội vàng tắt luôn! Cơ sở đời sống như thế, làm sao người nơi đây “mở mày mở mặt” ra được?
Dần dà tôi cũng hiểu ra rằng, nếu như ngày ấy, Cha tôi không quyết định rời bỏ quê hương, để ra thành phố kiếm kế lập thân, thì liệu không biết đời sống gia đình tôi, anh chị em tôi, có được như sau này?
Là một nông dân, nhưng Cha tôi rất “khéo tay”, ông học được nghề chạm khắc từ ai đó và nhanh chóng trở thành ông chủ hiệu làm hoành phi câu đối từ bao giờ? Khi Nhà nước bảo hộ mở hội “đấu xảo” (gần giống như Hội trợ triển lãm kinh tế kỹ thuật ngày nay), Cha tôi đã tham gia. Vua Bảo đại đến thăm gian hàng và bắt tay Ông. Một bức hoành khổ lớn do Cha tôi làm, được chọn bầy trong Đại nội Huế và Cha tôi được thưởng “mề đay”! Vinh dự lắm! Nhưng Cha tôi chưa kịp tổ chức “ăn khao” cái vinh dự ấy với dân làng, thì Cách Mạng Tháng Tám nổ ra. Thế là bức ảnh chụp bắt tay Vua cùng chiếc “mề đay” phải giấu biệt - mặc dầu đó chỉ là biểu trưng của thành quả lao động trong cuộc đời làm nghề của Ông!
Rời cái làng quê “vi tối” ra Thành phố lập nghiệp, Cha tôi đã từ người Nông dân, chuyển thành người Công nhân, rồi người Chủ. Thợ của “cửa hiệu” Cha tôi tuyệt đại đa số là con cháu từ quê ra, được Cha tôi truyền nghề, nuôi nấng. Với gia đình tôi, họ vừa là “con cháu”, “anh em”, vừa là “kẻ học việc”, là “thợ thuyền” trong nhà! Cha tôi cư sử bình đẳng với họ và họ cũng coi Cha tôi là một ân nhân, người đã kéo họ ra khỏi cái ao tù quê hương, tạo nghề nghiệp và thay đổi cuộc sống cho họ. Cho nên khi Nhà Nước tiến hành công cuộc “cải tạo Công – Thương nghiệp...”, gia đình tôi không bị những người thợ cũ đấu tố là “bóc lột”. Anh chị em chúng tôi nhờ thế mà có cuộc sống và công tác khá yên ổn!
Hàng năm, vào dịp “tháng ba ngày tám” đói kém, Cha Mẹ tôi thường về quê “phát chẩn” cứu tế dân làng. Ngày bố đồng chí chủ tịch xã đương nhiệm còn sống, ông thường kể lại cho anh chị em tôi, chuyện ông lợi dụng lúc Cha tôi sơ ý, lẻn ra lẻn vào nhận quà phát chẩn tới hai ba lần! Ông này về sau cũng được Cha Mẹ tôi cưu mang, đưa ra Thành phố dậy nghề, trở thành thợ chủ lực của nhà chúng tôi thời đó.
Đến thời anh chị em tôi, mặc dù điều kiện vật chất và tinh thần rất hạn chế, nhưng chúng tôi cũng đã theo gương cha mẹ, cố gắng làm được một vài việc nho nhỏ cho quê cũng như cho dân làng. Một vài thanh niên trong và ngoài họ tộc được lên làm việc trên tỉnh, được chọn, được giới thiệu đi học hoặc đi lao động ở nước ngoài. Có người dần trở nên khá giả, thành đạt. Trong số ấy, có một anh làm đến chức hiệu trưởng, hiệu phó một trường đại học trên Hà Nôi. Ấy là nghe nói vậy, chứ thực hư thế nào, anh chị em chúng tôi cũng không chắc.
Chị Hồng tôi kể rằng, hồi nạn đói năm Ất Dậu (1945), Mẹ tôi thường nắm rất nhiều cơm đem cho những người ăn xin trên đường phố. Rồi cơm nắm không xuể, người chết đói mỗi ngày mỗi tăng, nằm la liệt khắp mọi nơi; Mẹ tôi phải nấu thêm cả cháo để có thể cứu được nhiều người hơn. Sau này, khi nạn đói qua đi, có người đã đến lạy tạ và kể rằng: gia đình người ấy có sáu người, giờ chỉ còn một mình trở lại quê hương! Rồi chuyện hồi cách mạng mới thành công, tuy nạn trôm cắp có giảm, nhưng chưa phải đã hết hẳn. Đêm ấy, mọi người đang ngủ ngon giấc, bỗng ngoài đường có tiếng kêu cứu. Mẹ tôi gọi anh Cả chúng tôi dậy, bật đèn và sai mở hé cửa ra. Một người đàn ông ăn mặc chỉnh tề, ôm khư khư một chiếc cặp da, vội lao đến xin được cứu giúp. Phía sau anh ta, lố nhố mấy người lạ mặt. Mẹ tôi bảo: “anh cứ ngồi yên đấy, đợi lính tuần giải quyết, không việc gì mà sợ”. Lát sau có mấy cảnh binh đi qua, mẹ tôi gọi họ lại, để người kia trình bầy. Người phụ trách toán đi tuần muốn dắt ngay nạn nhân đi, nhưng mẹ tôi bảo anh cả tôi: người này có chiếc cặp, từ nãy đến giờ cứ ôm khư khư thế kia, chắc bên trong có tiền đấy, nên con phải cùng lên đồn với họ làm chứng. Đã giúp người, thì phải giúp đến cùng. Tại đồn, khi tiến hành mở cặp kiểm tiền lập biên bản, mấy người tuần đêm có ý muốn biển lận, họ ném một bọc tiền vào phòng trong. Anh tôi phát hiện kịp thời, buộc họ phải trả lại. Sự việc ấy, sau được báo chí đăng tin. Ít hôm sau, người bị hại đã cùng gia đình đến cám ơn cha mẹ tôi.
Sinh thời, Mẹ tôi thường kể chuyện Cha tôi có lần đã đóng giả một người hành khất, đến nhà phú ông nọ, để thử xem cô con gái nhà ấy, “ngôn, hạnh” ra sao, trước khi quyết định nhờ người mối mai cho anh Cả chúng tôi! Quả chưa thấy có ai quan tâm đến tương lai hạnh phúc con cái mình đến như vậy!
Cha tôi đặt tên “cửa hiệu” (thời nay gọi là doanh nghiệp, là công ty,...) là Thành Mỹ. Vâng! Không phải là “Thành Phát”, “Thành Lộc”,... mà là Thành Mỹ. Mãi sau này, tôi mới hiểu được ý nguyện sâu xa của Người thông qua cái nghĩa của tên hiệu đó. Cái ĐẸP hoàn mỹ là cái quan trọng nhất trong đạo làm Người!
Khi Cha Mẹ tôi trở thành giầu có, giống như bao nhiêu người giầu có khác, Ông Bà cũng muốn có một chức sắc gì đó để khỏi mang tiếng “bố cu, mẹ đĩ”! Và điều đó cũng phù hợp với yêu cầu của dân làng muốn có chút tiền để kiến thiết quê hương. Nhà quê cử các Cụ Bô lão ra gia đình tôi “đàm phán”. Hai ý tưởng gặp nhau, một bên đem chức “Lý trưởng” rao bán, một bên bỏ tiền ra mua. Thế là Cha tôi trở thành Cụ Lý. Đó là chức “Lý trưởng mua”, chỉ có tiếng chứ tuyệt không có chút quyền lực gì! Ấy vậy mà sau này, anh chị em chúng tôi cũng khốn đốn về cái hư danh ấy, mãi cho đến thời kỳ đổi mới của Đất nước!
Cha tôi mất năm 1946, đúng vào dịp kỷ niệm một năm Cách mạng Tháng Tám. Đường phố dựng cổng chào, chăng đèn kết hoa rực rỡ. Đám ma Cha tôi vô tình được đi dưới những cổng chào và chùm đèn hoa ấy! Thằng bé chín tuổi là tôi, mặc áo xô, đi guốc gỗ, đầu đội nùn rơm, tay chống gậy tre; cùng các anh chị đi sau linh cữu. Ai trông thấy tôi lúc ấy cũng thấy thương, thấy “tội nghiệp cho thằng bé sớm mồ côi Cha”! Còn bản thân tôi lúc ấy, chưa hẳn đã cảm nhận được cái “tội nghiệp” của số phận không có Cha trên đời! Chín tuổi, còn bé quá - người ngày xưa lại dại, không khôn ngoan như bây giờ, nên lúc ấy tôi đâu có khái niệm “khóc như Cha chết” là khóc như thế nào!
Nhưng câu chuyện này về Cha thì tôi nhớ: Trước khi Ông trở bệnh nặng, ông có gọi anh Cả tôi đến bên giường và hỏi:
- Thầy đọc nhật trình (báo ngày) thấy nói, rồi đây mọi người đều bình đẳng, ai cúng được ăn học đầy đủ. Vậy Thầy hỏi anh, sau này lấy ai đi “thay thùng” ?
Khoa học tiến bộ, Xã hội ngày càng văn minh. Bây giờ không còn người đi thay thùng nữa. Điều Cha tôi băn khoăn, theo nghĩa đen, hình như đã được giải quyết. Nhưng còn nghĩa bóng? Vâng! Nghĩa bóng của câu hỏi, thì có lẽ còn lâu lắm mới có thể trả lời được. Chắc phải vậy thôi!.. Chúng ta đang sống trong môi trường mà sự phân biệt giầu nghèo có những “bứt phá ngoạn mục” (!) – thì còn lâu lắm, điều trăn trở của cha tôi, một người dân bình thường, mới có thể giải đáp được!
Vâng! Chắc là phải vậy thôi!..
Sắp tới ngày giỗ Cha tôi, cháu tôi nói:
- Ông ơi, năm nay ông già rồi, ông để cháu làm nhiệm vụ lau bức hoành treo trên cao kia nhé!
Cháu nói thế, vì cháu biết, hàng năm, cứ vào dịp này, tôi lại bắc ghế, trèo lên lau bức hoành phi khảm hai chữ Thành Mỹ, treo nơi phòng khách. Vâng, thế là cháu đã hiểu được cái tâm nguyện của tôi: Cái gì có thể tối, nhưng hai chữ Thành Mỹ, nhất định phải luôn làm cho nó càng ngày càng sáng! ■

<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.02.2009 21:47:36 bởi Trần Huy Thuận >
#1
    Ct.Ly 04.01.2009 07:14:44 (permalink)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9