CHỢ TẾT LÀNG TÔI
Hoàng Công Danh 10.01.2009 20:33:24 (permalink)
Tháng chạp gió cạp môi vào tao gióng lắc lẻo ra chợ cùng mạ. Con đường làng được mùa xuân mặc cho lớp áo sương nhè nhẹ buổi sớm – đó là tấm áo mới mà trời đất đã may cho làng nghèo quê tôi đón tết cổ truyền dân tộc. Không dưng vẩn vơ tôi nghĩ, chả lẽ Lang Biang mùa xuân đã tràn về đây? Chả lẽ Sapa đã dạt theo chiều cánh chim bay về đây? Hẳn chẳng phải thế, nhưng tôi tin mỗi độ năm hết tết đến thì cuộc hôn phối thiên nhiên đôi miền đã hạ sinh ngay chính tại làng mình.
Nơi góc chợ nhỏ nhoi này, bốn mùa cá tôm đuổi bắt những đôi chân từ biển Cửa Việt chân sóng gánh lên, quanh năm cải rau xanh tíu tít cười mắt những o con gái làng, tiếng mặc cả muôn thuở vẫn không thể lắng lại. Chợ không mặc cả còn gì là chợ? Nhưng cái mặc cả của chợ quê tôi là mặc cả đáng yêu, mặc cả như kểu giận dỗi của đôi lứa yêu nhau, một người quay đi một người thỏ thẻ, để rồi sau đó lại đâu vào đấy. Phải chăng từ đó mà chợ được mang tên là Chợ Thuận, “thuận mua vừa bán” hay là “thuận hợp lòng nhau”. (?)
Nhiều người đã yêu nhau nhờ cuộc tương ngộ giữa chợ này, để rồi chờ đợi nhau nặng nặc: chờ ơ chơ nặng chợ!. “Trai khôn tìm vợ chợ đông/ gái khôn tìm chồng ở chốn ba quân” là câu cửa miệng của ông bà ta đã dạy. Cuối năm, trai làng tôi cứ rục rịch dói nhau ra chợ làng tìm một đám ưng ý. Sách sử không ghi chợ Thuận là nơi gặp gỡ lứa đôi như chợ tình Khau Vai, nhưng tôi tin trải qua thời gian, văn hoá được giao thoa tiếp nhận thì con người quê tôi có thể tự nói với nhau về một phiên chợ tình đã có ở đây.
Gió xuân về thổi qua cánh đồng, thổi bay tà áo mấy o con gái; họ rủ nhau đi chợ với má tròn ngực nở, thoăn thoắt phía sau dưng dáng vẻ đảm đang. Độ này vụ lúa đông xuân vừa gieo đồng xong, trai tráng trong làng cũng rảnh rang nên đi chợ chơi. Bên này đám trai đầu kia đám gái, mủm mỉm cười chúm chím phải lòng nhau khi mô chẳng biết.
Chợ Thuận những ngày cuối năm đông hơn, hàng hoá nhiều lên nghẹt cứng cả lối đi. Ngày tôi học ở Huế, mỗi bận tết về nhà phải chen chúc mới vào được chỗ mạ ngồi bán hàng. Nhìn cậu thư sinh học xa về, mạ tôi mừng lắm, mắt mạ chỉ ánh lên cái cười mà chẳng biết nói chi cả. Khi ấy mùa xuân bắt đầu chín trong mạ, trong tôi – mùa xuân của tình yêu thương mẫu tử không bao giờ nguôi ngớt. Kia mệ Đíu tóc bạc bán trầu vôi, tay mệ cứ thi thoảng quấy que tre vào hũ để vôi không đông cứng bởi cái lạnh tháng chạp; mùi vôi khi ấy phất lên thơm thơm, o con gái chưa chồng đi qua ngửi được chợt thẹn đỏ mặt. Tôi đến chỗ mệ chơi và hỏi thăm. Bán được không mệ? Ừ, cũng là nối dây cho người, tết ni mi có cưới vợ mệ cho cau trầu đem đi bỏ lễ nhà người ta. Dạ, có o mô ưng bụng con lấy liền! Tổ cha mi, mụ chửi một câu khiến cả góc chợ rộn tiếng cười. Chợ Thuận ngày tết được bắt đầu bởi mớ cau trầu vôi của mệ Đíu, cái têm vôi trắng vào ngọn trầu xanh sao thân thương quá đỗi, như thể vệt vôi ấy xát vào khắc khoải cay đắng ngọn-trầu-tháng-năm, để ai cũng phải rát lòng mà nhớ cho đặng!
Hàng bánh cộ (bánh in) sặc sỡ màu xanh đỏ vàng tím của giấy ngũ sắc bọc vỏ. Trên những chiếc nống cấm tròn to bán kính cỡ sải tay, người ta rải bánh cộ lên như cái nong tằm. Những chiếc bánh cộ vuông có, tròn có, ú có...cứ nằm lẫn lộn nhau. Trông cái nống bánh cộ thôi đã đủ vui mắt, còn như bóc vỏ ra ăn thì màu giấy gói thấm vào bàn tay - đó chính là màu tết.
Hàng rau, xanh và ngon hơn, rau khoai lang, rau cải rau ngò, ném hành lá lốt...thôi thì đủ cả. Đến tết rau được dịp đắt một lần. Vắt ngược ánh mắt lên ngọn tre nhìn xuống, có thể nhìn thấy chợ Thuận như bức tranh với màu xanh làm chủ đạo. Ngày tết, ba tôi nhất quyết phải mua bằng được chục bó rau cải để sẵn ăn với cơm. Lạ thế! Những thứ cây nhà lá vườn, người quê có gì đem đi bán nấy để sắm sửa đồ tết. Trái mãng cầu na hột đen mắt tuyền, trái bưởi bồng tròn một cặp mẫu tử, trái khế năm cánh bán cúng tất niên; người ta mua khế về đặt cúng với niềm mong mỏi cộng cảm, như có câu “em ơi chua ngọt đã từng/ non xanh nước bạc ta đừng quên nhau”. Từ phía xã Triệu Độ, những xe chở dưa hấu lên bán tết. Làng Đại Hào thì nhiều ổi. Làng Quảng Lượng lắm khoai.Ven phía ngoài đường chính, những đứa trẻ ngồi bán cát trắng cho người ta thay lư hương. Cát trắng lấy từ rú Tường Vân lên, bán lấy công và làm phước thôi, mỗi lon hai trăm bạc lẻ.  
Đặc biệt, có một thứ mà chỉ đến chợ tết người ta mới đem bán, đó là mắm: mắm cà, mắm chêng, mắm thính... Nhà quê ăn mắm mặn mòi, vì nghèo nên phải ăn mắm. Nhưng đến tết, mắm đem bán cũng đắt giá lắm! Làm được nhát mắm cà ngon, cọng mắm chêng thấm cá không phải dễ, phải “có tay” mới làm được chứ không thì cà hỏng chêng mềm cá ôi. Mắm bán từng chén từng chén, mùi mắm mặn ngày cận tết cũng được làm nhạt đi bởi những thứ hàng xung quanh.
Tết có sắc hoa, chợ tết vì thế được tô thêm bởi muôn màu của cánh hoa đang độ hé. Hoa vạn thọ vàng có đỏ có, đem về cúng với mong mỏi sống thọ lâu năm. Hoa lay ơn, thược dược, hoa cúc thì đem trên phố về bán. Cái khác biệt của hoa chợ quê với chợ phố là ở chỗ, chợ quê không có bán cành mai. Người nhà quê trồng mai, đến tết cắt một nhánh đặt trong nhà, nếu cây mai còn nhiều nhánh thì đem cho bà con chứ không đem ra bán ở chợ.
Chợ tết không chỉ là nơi gặp gỡ mua bán mà còn là dịp vui chơi tiêu khiển. Trên bức tường rào sát đường, người ta đặt một tấm ván tròn như cái mâm có sơn phết xanh đỏ từng vòng từng mảng, đó là trò chơi phóng phi tiêu. Tấm ván này được đóng lỏng vào vách cao cỡ tầm ngực, có thể xoay tròn quanh tâm. Phi tiêu làm từ một đoạn tăm xe đạp, dài cỡ gang tay, một đầu mài nhọn còn đầu kia cột vào mấy cái lông gà để nó có thể bay khi phóng. Người chủ sẽ đứng bên cạnh và quay tấm ván. Người chơi trả tiền mua phi tiêu rồi đứng tầm xa khoảng ba mét và phóng cho trúng vào ô có màu đã đặt cược.
Trò lô tô luôn là nơi tập trung đông đúc nhất. Một anh đứng cầm loa hò theo những con số mới quay ra từ lồng sóc. Hò lô tô phải khéo, cốt làm sao để người ta ngồi nghe lâu không chán, và nhất thiết phải tạo ra sự hồi hộp đoán đợi. Người chơi mua vé, cầm viên phấn ngồi dưới dò cho đến khi nào được một hàng liên tục ba cặp số thì trúng. Mở đầu một ván xổ lô tô, người cầm loa hát: “lô tô lô tô quý bà quý cô. Muốn đánh lô tô thì hay nghe cho kĩ. Xin đừng lãng trí để lộn con cờ kinh. Lỗi ấy tại mình đừng trách tôi hô lộn...”. Cứ thế, hội lô tô nhộn nhịp hẳn cả khuông chợ làng.
Trẻ con đi chợ vào đặt tôm cua. Tôi không thích trò này vì nó mang tính cá cược ăn thua, thậm chí ngày nay người ta chơi tôm cua như kiểu làm ăn. Vậy nên mỗi tết, tôi chỉ đặt một ván xem xấu tốt trong năm mà thôi. Ngày nhỏ tôi đi chợ tết mua những con tò he nắn từ bột lọc, cầm chơi chán thì ăn; hoặc đến mua mấy cái bong bóng bay. Ở làng, chỉ đến dịp tết mới có bong bóng bay, nghe đâu viết những điều ước vào giấy rồi cột vào bong bóng thả lên trời thì điều ước dễ thành. Ngày ấy tôi đã từng làm như thế! Tôi viết vào giấy rằng cho tôi được sống mãi mãi với làng Phúc Lộc của mình, mãi mãi với góc chợ Thuận của mình...
Năm nay không được ở nhà để đi chợ tết, tôi thả những quả bóng từ trong ngực mình về phía làng, cột thêm mẩu giấy không phải ghi điều ước mà là ghi lời nhắn, rằng: Làng ơi!Con đã về đây.
Minsk, 12.2008
HOÀNG CÔNG DANH
<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.01.2009 20:41:55 bởi Hoàng Công Danh >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9