truyện ngắn: Ngôi nhà Ma
pink_heart 19.01.2009 14:41:33 (permalink)
NGÔI NHÀ MA

Từ khi cái xóm nhỏ mới mọc lên ven bờ biển, mang một cái tên đầy hoài vọng Thanh Bình, thì ngôi nhà đó đã rất khang trang, xinh đẹp.

Thanh Bình là niềm mơ ước mà dân cư trong xóm, vốn là những người chạy nạn chiến tranh, bỏ cả làng quê, mồ mã ông bà vì bom đạn. Chứ cái đất này vốn dĩ chẳng được thanh bình, trước đó nghe nói cũng đã từng có một làng chài ở đây, nhưng sau một cơn sóng thần thì chỉ còn là bãi cát trắng mênh mông. Và nó cứ mênh mông hoang vắng như thế cho đến khi chiến tranh lùa những người dân quê mất nhà cửa, mất ruộng vườn, mất người thân; bơ vơ, lạc lỏng không nơi nương tựa; dừng lại cất lên những cái lều chắp vá bằng những miếng catton, nhặt nhạnh từ đống rác .

Ông Tân chủ ngôi nhà này, vốn là thầy giáo dạy học ở làng, con một gia đình khá giả; lận lưng được chút vốn, nên khi cắm cọc ở mảnh đất này ông đã xây được ngôi nhà ba gian, tô đá rửa, theo kiến trúc Mỹ, mà vẫn còn vốn để theo học nghề y tá. Ông là thầy thuốc của cả xóm, chẳng có đứa nhỏ nào trong xóm, lớn lên mà chưa từng bị ông chích. Vì thế ông là người được cả xóm nể trọng. Con nít thì dĩ nhiên là sợ ông, còn người lớn thì nể ông vì ông có ngôi nhà to nhất xóm, vì họ thường có việc nhờ vả ông, và vì ông là người nghiêm nghị, ít nói.

Cái nhà trông cũng như người chủ, nó thường vắng lặng, mặc dù ông có đến năm người con. Ngang nhà ông chỉ thấy ngôi nhà khuất sau vườn cây, ít khi thấy bóng người. Làm như là họ không sống trong đó vậy.

Rồi cũng có một ngày nhà ông có tiệc vui tưng bừng mà cả xóm được mời tới dự. Ông cưới vợ cho con trai. Có điều lạ, là trong đám cưới có một đứa bé gái hai tuổi, luôn đứng giữa cô dâu chú rể.

Sau đám cưới , mọi người mới hiểu chuyện: Anh Lộc, con trai lớn của ông đang học đại học ở Đà lạt, thì giải phóng. Ông gọi anh về nhà; nhưng từ khi về nhà, anh như người mất hồn, ít ăn, ít nói, cứ thở ngắn, thở dài. Gạn hỏi mãi, anh mới thú thật với cha là khi anh ở Đà lạt, đã trót ăn ở với một cô gái làm vũ nữ và đã có con; nên giờ đây về với cha mẹ mà lòng không yên.

Là một người nghiêm khắc, nhưng đạo đức và trách nhiệm là thứ người đàn ông phải đặt lên hàng đầu, anh Lộc đã có con với người ta , thì phải cưới, phải nhận con. Mặc dù ý nghỉ phải cưới một cô dâu làm vũ nữ, khiến ông đau buồn đến chết. Vì thế mà đám cưới vui là thế, nó giúp mọi người trong xóm gần gũi với ông hơn, mà từ khi đám cưới, ông lánh mặt xóm làng, ru rú trong nhà, làm như ông phải trả giá bằng tất cả sĩ diện của ông cho đám cưới con trai. Có đáng vậy đâu chứ, cả xóm sau khi hết thắc mắc về đứa nhỏ, cũng chẳng ai nghỉ đến chuyện đó. Họ vẫn nhờ đến ông mỗi khi nhà có người ốm đau, và lũ con nít thì vẫn sợ bị ông chích thuốc.

Ngôi nhà từ khi có thêm hai người vẫn lặng lẽ, làm như người ta nhốt những con người đó lại! Và thêm phần kỳ bí hơn, khi hàng xóm của ông Tân kể rằng: cô con dâu là một người kỳ lạ, cô luôn luôn mặc áo len, dù trời vào mùa hè nóng như thiêu như đốt, và đêm khuya, cô thường ngồi đánh đàn guitar dưới lùm cây tối um.

Dẫu có kỳ lạ, thì cô vẫn là người, khi anh Lộc đi bộ đội được gần nửa năm, thì cô sinh thêm thằng nhóc, chẳng biết đặt tên thật là chi, chỉ thấy gọi con chị là bé Ni, nó là cu Nô.

Cả người lớn và con nít nhà đó cứ lẫn sâu vào căn nhà khuất lấp bởi cây cối ấy mà sống lặng lẽ… Hoạ hoằng lắm mới thấy những người trong nhà đó có những sinh hoạt cộng đồng. Nhưng cô con dâu thì rất thích biển, dù cô luôn mặc áo lạnh; cô thường ra biển từ sáng sớm, và mặc bộ bikini màu đỏ chói thật đẹp. Cả cái dáng người thanh mảnh, với làn da trắng xanh, lẫn bộ đồ tắm đó đều giúp khẳng định cô là khách ở nơi này; chẳng có ai ở xứ biển này có màu da như thế, và những bộ áo quần luộm thuộm mà họ nhúng cả xuống biển khi tắm như muốn nói họ mới là dân xứ này. Vào cái thời chưa có khách du lịch đến cái bãi biển đẹp được xếp vào topten thế giới này, thì cô cứ như người bước ra từ trong film ảnh.

Một buổi trưa hè, nắng chói chang, bỏng rát; cả xóm náo động vì cái tin cô con dâu ông Tân chết trôi!

Chết trôi là điều cực kỳ vô lý trên cái vịnh biển có đáy cát lài lài, trãi dài ra tận cửa biển. Vì dân ở đây ai mà chẳng biết bơi, mà sóng cồn đủ cuốn người ra khơi chỉ có vào mùa biển động.

Thế nhưng bà chủ quán nước khẳng định cô ấy đã gởi hai đứa bé cho bà từ sáng, mãi đến trưa vẫn không thấy đến đón con, nên bà phải tìm nhà báo tin. Anh Tài, em trai của anh Lộc đã chạy tìm khắp nơi, nhưng chẳng thấy bóng dáng cô ấy đâu. Thằng Nô mới sáu tháng tuổi khóc ngất vì khát sữa, bé Ni thấy em khóc cũng thút thít khóc theo. Ai hỏi mẹ đâu, con bé mới lên bốn cũng chỉ tay ra biển. Người ta vẫn tản ra tìm khắp nơi trên bờ, cho đến tận chiều tối, thì mới chịu tin vào điều mà chẳng ai muốn tin là phải tìm cô ấy dưới làn nước kia! Vì có người đã hỏi dò được bé Ni và biết được rằng trước khi mẹ đi xuống nước, mẹ nó đã khóc, ôm riết lấy nó và em nó mà hôn; rồi lội ra biển, khi nước ngang ngực thì mẹ nó nó quay lại vẫy tay với nó, rồi đi vào biển mất!

Người ta huy động cả làng chài ven biển, với tất cả tàu thuyền lớn nhỏ, tất cả đèn đuốc rà lưới tìm suốt đêm trên vịnh biển. Gần sáng thì cha con người rà lưới sát bờ, nước chỉ ngang hông tìm thấy cái xác, họ hét đến thất thanh để gọi người.

Thật là kỳ lạ khi nhìn cái xác chết trôi như thế: cứ như một con búp bê bị đem đi nhúng nước ướt sủng, cái màu trắng của làn da lạnh buốt hệt như bằng nhựa. Một con búp bê mặc bộ bikini màu đỏ chói! Không có đôi mắt mở trừng trừng, không có giòng máu ứa ra khi người thân đến nhìn mặt, như người ta vẫn nói về những người bị chết trôi. Chỉ là một con búp bê không hồn.

Sau lễ tang thì nhà ông Tân đúng là một ngôi nhà ma. Không phải vì câu chuyện mang tính thần bí, ma mị mà anh Đông nhà ở đối diện nhà ông Tân thường kể là: anh ta vẫn thường thấy cô con dâu nhà ông Tân trèo qua cánh cổng vào nhà vào những đêm mưa rả rích, vẫn mặc bộ bikini màu đỏ, hay nhiều người khẳng định đêm đêm vẫn nghe tiếng đàn của cô vọng ra từ lùm cây. Mà vì ngôi nhà còn lặng lẽ, vắng vẻ hơn trước, những người trong nhà hình như không còn sống nửa.

Thật ra mọi người trong ngôi nhà vẫn sống ở đó, chỉ có hai đứa bé đã được bà ngoai đưa về Đà lạt sau tang lễ của mẹ. Nhưng không khí của lễ tang vẫn không rời ngôi nhà đó; ở gian nhà giữa, trước đây vốn đã có bà thờ tổ tiên trang nghiêm, nay thêm bàn thờ người mới chết, dù luôn nghi nghút khói hương, hoa quả, trông vẫn lạnh lẽo đến rợn người, dường như người chết vẫn lảng vãng đâu đây, và chẳng ai dám nhìn vào tấm ảnh thờ ngay cả khi đốt nhang.

Ông Tân là người nghiêm khắc, ông đòi hỏi mọi cái trong nhà đều phải sạch sẽ, tinh tươm, phải gọn gàng, trật tự. Ông không chịu được sự ồn ào, lộn xộn, cả tiếng nô đùa của lũ trẻ. Từ khi cưới vợ cho anh Lộc, mọi trật tự mà ông thiết lập trong gia đình đã vỡ tan.

Ông trốn tránh, không nhìn nhận sự thật, là thứ nề nếp, đạo đức trong nhà mà ông mong muốn không còn nữa, bằng cách ẩn mình suốt ngày trong phòng riêng, với những cuốn sách của ông.

Bà vợ ông Tân là người có vóc dáng khắc khổ, tính tình bà cũng như vóc dáng, khô khan, ít nói và khó tính. Con cái trong nhà đã quen với cách sống kiệm lời của cha mẹ từ nhỏ, nên cũng chẳng cần dùng nhiều ngôn ngữ lắm trong giao tiếp. Mọi việc, mọi sinh hoạt trong gia đình đều đã được thực hiện theo một trật tự nhất định, theo một thời khoá biểu nhất định. Từ khi tiếp nhận một cách miễn cưỡng người dâu, thì cả nhà lại còn ít nói hơn. Hình như những người hay nói, càng lắm lời khi ghét bỏ nhau, để xỉa xói , mai mỉa, chửi bới nhau; thì những người ít nói lại càng ít lời hơn . Họ không cần dùng lời để diễn tả tình cảm hay bộc lộ cảm xúc của mình. Nó toát ra từ cơ thể họ.

Người con dâu cảm nhận được tất cả sự khinh ghét ấy; cô luôn gương tất cả các giác quan để cảnh giác. Cô co rút mình lại, tưởng như làm thế sẽ giảm bớt những đụng chạm vô hình mà cô cảm thấy. Khi chồng còn ở nhà, cô thường trốn trong phòng riêng mỗi khi không phải làm những việc theo bổn phận ;nhưng từ khi anh đi bộ đội, ngay cả trong phòng riêng, cô vẫn cứ lạnh người vì cảm giác bị ghẻ lạnh, cô trốn cảm giác ấy trong tiếng đàn khuya, khi mọi người trong nhà đã ngủ say, hay gởi vào mênh mông biển cả những sáng cô có thể chạy ra biển. Cô luôn có cảm giác của con thú hoang bị nhốt vào gian phòng chật hẹp lạnh lẽo.

Con thú đã bị dồn vào chân tường, khi trong ngôi nhà mà mọi thành viên đã sống theo nề nếp quen thuộc ấy xẩy ra một sự cố : một số tiền lớn biến mất!

Cô con dâu không còn chỗ ẩn mình, ngay cả khi ôm những đứa con mình, cô cũng cảm thấy sự khinh ghét ấy toát ra từ một phần thân thể của nó; chúng nó là thành viên của ngôi nhà này, là con cháu của tộc họ này,máu mũ của họ. Chúng nó cũng sẽ ghẻ lạnh với cô, để từ bỏ một phần thân thể mà chúng không chấp nhận nguồn gốc. Họ đã gán cho cô việc làm xấu xa đã xẩy ra trong nhà như là chuyện tất nhiên; làm sao họ có thể nghỉ rằng một thành viên nào khác trong cái giòng tộc, trong cái gia đình mẫu mực như trại giáo huấn này lại có thể làm một việc như vậy?!

Cô không thể chờ anh, anh cũng không có khả năng bảo bọc cô, ngay trong ngôi nhà của gia đình anh, anh cũng là thành viên của họ! Nếu biển đã che chở cho cô, phục hồi sinh lực cho cô, tại sao cô không vĩnh viễn trốn vào nó, biến mất vào nó? Mà còn tìm về ngôi nhà này làm gì?

Cô đi vào biển, sau khi quyến luyến chia tay với một phần thân thể mình để lại.

Ngôi nhà đầy vẻ tang tóc vào ngày mở cửa mả cho con dâu, càng chết lặng đi, khi bà Tân nhìn thấy số tiền bị mất nằm đúng chỗ cũ. Chẳng ai trong họ đủ mê muội để tin rằng hồn cô đã mang trả số tiền. Ông Tân nhìn số tiền nằm trong tủ, nhìn vợ. Cái nhìn thay những lời gào thét giận dữ, thay mọi lời trách cứ lên án. Bà Tân biết rằng vĩnh viễn dưới mắt ông bà là kẻ giết con dâu. Ngay với chính lương tâm mình, bà cũng biết rằng bà là kẻ giết người. Vốn khắc khe với mọi người và chính bản thân mình, họ chẳng bao giờ tha thứ cho mình và tha thứ cho nhau .

Ông Tân rụt mình vào nỗi xấu hổ với mọi người và với chính mình, ông nhận ra mình đã sai lầm trong mọi cái. Đến tận cuối đời, ông vẫn chưa biết nhận ra cái gì là chân giá trị, đáng tự hào, cái gì là điều xấu xa đáng tủi nhục. Mọi trật tự mà ông thiết lập bỗng nhiên đổ nhào. Ông đã sống, và dạy con theo cách sống của mình : Thanh cao, trong sạch, đạo đức và chuẩn mực. Ông đã tách mình và gia đình mình ra khỏi cái xóm nhỏ nghèo hèn này bằng cách sống biệt lập; ông không cho các con ông chơi với đám trẻ nhếch nhác, không để vợ ông la cà với những người đàn bà luộm thuộm…Làm như tách ra khỏi họ, thì gia đình ông sẽ miễn nhiễm với những thói hư tật xấu. Nhưng cái tốt và cái xấu đều là bản năng của con người. Mọi chuẩn mực đạo đức đều có thể bị vi phạm, và người ta phải điều chỉnh nó bằng sự trừng phạt và lòng vị tha. Kẻ tự cho phép mình đứng cao hơn mọi người, chợt nhận ra cái trật tự mà ông thiết lập trong ngôi nhà này chỉ là hình thức, nó đã đảo lộn từ lâu lắm rồi. Và ngôi nhà này thiếu sinh khí như một ngôi nhà ma ám; nó không có tiếng nói, tiếng cười; nó không có tình yêu thương và lòng tha thứ. Nó chỉ có đố kỵ và ghét bỏ…Cả cái xóm nghèo này chẳng có ai cưới vợ khi đã có con, mặc dù rất nhiều người trong bọn họ, có cả bầy con mà chẳng cưới hỏi gì. Họ ăn cắp của nhau ,chửi nhau, đòi thưa nhau đi tù, nhưng họ vẫn sống vui vẻ với nhau, không ai trong họ tự tử chết vì oan ức. Họ chẳng đi chùa, chẳng gõ mõ tụng kinh, vì họ không bức tử ai bằng thứ ngôn ngữ thô tục của họ. Họ không có một vẻ chỉnh chu bề ngoài cho kẻ cắp ẩn trốn bên trong để gây nghi ngờ cho người khác…Và trong nhà ông, tất cả những điều xấu xa tệ hại nhất đã xẩy ra ,trong trật tự và im lặng! Yêu thương và tha thứ mới là thứ trật tự duy nhất có thể tồn tại trên đời này!?!?!?

Bà Tân chưa bao giờ khao khát một điều gì như thế, kéo lại thời gian, để có thể sửa sai, để có thể đừng lầm lẩn. Bà khắt khe với mọi người bao nhiêu, thì giờ đây bà khắt khe với chính bà như vậy; bà tự khinh bỉ mình, bà bị dày vò bởi lòng ân hận…Bà có thể làm gì để chuộc tội?

Bà sống như một cái bóng, vốn đã ốm tong teo, nay bà tự hành xác mình bằng cách ăn chay trường, và suốt ngày tụng kinh, gõ mõ trước bàn thờ con dâu, như muốn nói với cô rằng bà biết lỗi, và muốn cô tha tội cho bà. Nhưng chưa một lần bà dám nhìn thẳng vào tấm ảnh thờ của cô.

Không biết kinh kệ sám hối của bà có được con dâu nghe thấy? Nhưng nó nhắc nhở ông Tân mỗi ngày về việc gia đình ông đã rẻ rúng con dâu cho đến chết, và giờ đây vợ chồng ông sống để tự đấm vào ngực mình sám hối tội lỗi.

Những thành viên còn lại nhìn nhau xét nét, cố nhận ra kẻ phạm tội đích thực, kẻ đã cướp đi lòng tự hào danh giá của mình, đẩy mình vào vòng nghi vấn là kẻ bẩn thỉu. Không chỉ là kẻ cắp, mà còn giết người, không chỉ giết người mà còn cướp đi mẹ của cháu mình, còn hèn hạ ẩn náu. Bị lương tâm cắn rức, mà không đủ can đảm để nhận lỗi… Và dĩ nhiên trong số họ, có kẻ thật sự là thủ phạm!

Anh Lộc về phép dự lễ tang vợ, rồi lại ra đi, và không bao giờ mọi người còn gặp lại anh nửa. Anh không thể tha thứ, để nhìn mặt và để sống giữa những người thân trong gia đình. Anh từ bỏ họ, không một lời trách cứ; chỉ im lặng ra đi; mọi người cũng đã quen với loại ngôn ngữ không lời !

Ngôi nhà đó bây giờ đã bớt vẻ u ám, nhờ người ta mở đường, xén mất những lùm cây rậm rạp,nó đã chường mặt ra , ngang với những ngôi nhà mới xây…

Hai mươi năm đã trôi qua kể từ buổi trưa hè bỏng rát đó! Ông , bà Tân đã lần lượt qua đời, thầm lặng như cuộc sống của họ! Những người con đã tứ tán xứ nào, và khi nào người ta cũng không rõ. Chỉ còn lại người con trai út.

Anh ta cũng có vợ, có con và cũng sống thầm lặng như cha anh vậy! Anh có thiết lập một trật tự trong suy nghỉ và cuộc sống như ông Tân không? Không ai biết được !

Nhưng cái xóm nghèo ngày xưa đã thay đổi nhiều; một thế hệ mới đã lớn lên : lũ nhóc nhếch nhác ngày xưa, bây giờ đã trưởng thành. Từng dãy nhà sang trọng mọc lên theo kiến trúc mới. Vì thế ngôi nhà ông Tân trở nên cũ kỷ, lỗi thời và tàn tạ; nó không những chẳng còn có thể gọi là khang trang nhất xóm, mà ngược lại!

Không biết vì vẻ cũ kỷ ,vì sự thầm lặng thiếu sinh khí, vì những câu chuyện được thêm thắt, hư cấu theo thời gian. Hay vì những ký ức khó phai, mà đến tận bây giờ, đi ngang qua ngôi nhà đó vào những tối mưa lạnh, vắng người; ai cũng cảm thấy rờn rợn, nổi gai ốc! và trí tưởng tượng lập tức hình dung ra người phụ nữ mặc bộ bikini đỏ đang trèo qua cánh cổng…

Vì thế người ta gọi ngôi nhà đó là nhà ma.

NT MLiên
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9