Những vấn đề của Tây Nguyên.
YesMan 22.01.2009 08:23:19 (permalink)
 
  Sau những cuộc bạo động nổ ra tại Tây Nguyên của các sắc tộc bản xứ để đòi những quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, đòi sự bình đẳng giữa người Kinh và những sắc tộc khác. Bên cạnh đó, họ muốn lấy lại những mãnh đất phì nhiêu, những cánh rừng bạt ngàn mà người Kinh đứng sau đó là chính quyền Việt Nam trong một thời kỳ đã lấy đi của họ bằng vũ lực, bằng đồng tiền và bằng sự mưu mẹo đã đẩy những người dân Tây Nguyên vào cảnh khốn cùng, dồn họ vào những hóc núi cách trở với đường cái chính, đất đai bạc màu, khó khăn trong trao đổi hàng hóa do đi lại khó khăn, thiếu thốn về phương tiện và làm cho họ mất đi những truyền thống văn hóa.
 
Tây Nguyên theo địa lý hành chính hiện nay gồm năm tỉnh theo thứ tự từ Bắc vào Nam trên dãy Trường Sơn là: Kon Tum, Gia Lai, Đaklak, Đaknông và Lâm Đồng. Tuy vậy, dọc theo các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có những vùng rừng núi khá rộng có sự cư trú của sắc tộc khác người Kinh như Quảng Nam có người Katu. Tỉnh Quảng Ngãi có người Hre. Tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận có người Raglai. Tỉnh Bình Phước có người Mạ v.v
 
Theo nhà thám hiểm đầu tiên đi khắp Tây Nguyên là Henri Maitre thì ông cho rằng Tây Nguyên hay là một bình nguyên rộng lớn đã được nâng lên và sụt xuống trong quá trình kiến tạo của trái đất. Tiếp sau đó, Mắcma bazan phun trào chảy tràn lên bề mặt Tây Nguyên nên vùng đất này khá bằng phẳng.
 
Trước khi có công cuộc Nam Tiến của các chúa Nguyễn thì đối với Champa Tây Nguyên như là một nước nữa chư hầu, nữa là của mình. Đến thời các Chúa Nguyễn, vương quốc Champa suy yếu, dần dần để mất sự bảo hộ các tộc dân Tây Nguyên vào tay các chúa Nguyễn, lãnh thổ Champa bị thu hẹp, phía Bắc giáp với Đàng Trong do các Chúa Nguyễn trị vì, phía Nam giáp với vương quốc Chân Lạp. Do vậy, để mở rộng vương quốc Champa chỉ còn cách xâm lấn lên Tây và áp đặt tại đây một thể chế chính trị mới, khác lạ so với tập quán cư trú, văn hóa lâu đời của thổ dân Tây Nguyên. Do đó đã nhận được sự chống trả quyết liệt của người Tây Nguyên trong vòng 300 năm.
 
Đến thời của Tây Sơn, Nguyễn Nhạc là người thường xuyên tiếp xúc với thổ dân Tây Nguyên nên nhận được sự tín nhiệm và tin yêu của người bản địa tại Tây Nguyên. Trong đội quân của Tây Sơn, có rất nhiều chiến binh là người thổ dân gốc Tây Nguyên, mà đáng kể phải là đội tượng binh của Tây Sơn trong lần tiến binh thần tốc năm 1789, với chiến thắng lẫy lừng mùa xuân năm Kỷ Dậu.
 
Trước đó, vào thời các chúa Nguyễn có các cuộc bắt đạo, cải đạo, rồi phong trào Cần Vương có chủ trưởng "Bình Tây sát tả" nên có khá nhiều cha xứ đạo Thiên Chúa Giáo đã lên vùng Tây Nguyên để tránh sự đàn áp, bắt bớ, lại thuận tiên việc hành đạo cũng như thu nạp tín đồ.
 
Sau khi người Pháp nắm được quyền kiểm soát, họ đã thực hiện hàng loạt cuộc thám hiểm lên Tây Nguyên, trong đó một số tên tuổi trong nhiều thế hệ người sắc tộc Tây Nguyên và cả người Kinh biết đến đó là: Henri Mai-tre, Jacques Dournes, Goerges Condominas Alexandre Yersin…
 
Đến thời Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa, năm 1964 một tổ chức được lập ra với tên gọi FULRO (viết tắt từ Front Uni de Lutte des Races Opprimées trong tiếng Pháp, có nghĩa (Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức). Đây là một tổ chức chính trị, quân sự do một số người sắc tộc ở Tây Nguyên lập ra chống lại chế độ Việt Nam Cộng Hòa nhằm đòi hỏi sự bình đẳng, địa vị của người Tây Nguyên. Sau 1975 để chống lại chế độ Cộng Sản đến năm 1992 thì kết thúc. Người sắc tộc ở Tây Nguyên bị mất đất, nguyên nhân dẫn đến những xung đột.
  
Từ sau 1975, với chủ trương biến Tây Nguyên thành địa bàn vững chắc về an ninh quốc phòng, tương xứng với chiến lược quan trọng của vùng. Bên cạnh đó, phát triển Tây Nguyên thành một vùng trọng điểm về kinh tế của cả nước, tận dụng triệt để những ưu đãi mà thiên nhiên đã bạn tặng. Để làm được những chủ trương trên đòi hỏi phải bổ sung cho Tây Nguyên một lực lượng lao động lớn so với số dân mà Tây Nguyên đang có lúc bấy giờ. Dân số ở Tây Nguyên vào năm 1975 chỉ khoảng trên dưới 1triệu người trong đó người Tây Nguyên bản xứ chiếm trên 80%, và dự kiến ban đầu sẽ đưa lên đây khoảng 5 triệu dân. Do vậy, những cuộc di dân theo chính sách và tự do ồ ạt từ các vùng Đồng Bằng Sông Hồng và vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Việc di dân này cũng đồng thời nhằm giải quyết áp lực dân số quá đông của hai vùng nói trên. Thế nhưng cũng vì thế mà dẫn đến những hậu quả do việc yếu kém trong hoạch định chính sách, không lường trước được những vấn đề nảy sinh do việc di dân mang lại. Trong đó có việc người Tây Nguyên bản địa bị mất đất.
Với lối suy nghĩ của người cư dân lúa nước, người Kinh đã san bằng những cánh rừng để bán, để phục vụ canh tác. Các cơ quan trồng cây cao su, cây café ở những nông trường quốc doanh.
 
Bên cạnh việc chặt phá rừng, mà điều này trong những năm của thập kỷ 80-90 chúng ta đã chứng kiến những chiếc xe Reo đi từ những cánh rừng già ra, mang theo đó là không biết bao nhiêu cơ man là gỗ, người Kinh từ miền xuôi lên còn dùng sự khôn khéo, mưu mẹo để mua hoặc chiếm dần những mãnh đất tốt, dọc theo các con đường chính, gần những con sông, suối, những nương rẫy tương đối bằng phẳng, đất đai phì nhiêu vốn đã quen với tập tính cư trú “nhất cận thị, nhị cận giang”. Từ việc này dần dần đã đẩy người Tây Nguyên bản xứ vào trong những rừng núi xa, cách trở với phố chợ, đi lại khó khăn, trao đổi buôn bán hàng hóa phải phụ thuộc vào những đầu nậu thu mua nông sản chèn ép giá cả nhưng lại có sẵn phương tiện vào đến tận những buôn làng xa xôi để thu mua hàng hóa, mất đi những nương rẫy có khả năng đem lại cho họ những vụ mùa đủ để dư thừa mở những ngày hội tế lễ, hiến sinh cho thần linh.
 
Không những thế, với chính sách khuyến khích định canh định cư, muốn xóa bỏ đi việc mà chính quyền cho rằng “di canh di cư” vốn tồn tại ngàn năm tại mãnh đất này, nên chính quyền đã có những biện pháp nhằm ngăn chặn việc đốt phá rừng làm nương rẫy. Đây là sự nhìn nhận sai lầm nghiêm trọng vì thực ra để nói người Tây Nguyên du canh du cư là thiếu cơ sở. Ta cứ nhìn vào những ngôi nhà Rông, nhà Dài vững chắc có đến cả trăm năm trước thì không thể nói ở họ có cuộc sống không cố định được. Từ việc sai lầm trong cách nhìn nhận, trong hoạch định chính sách, không thể ngăn chặn nổi làn sóng di cư tự do đã đẩy cho người dân Tây Nguyên không còn đất canh tác, rừng thì không thể đốt để làm rẫy theo kiểu luân canh. Và mới đây, trên tờ báo Sài Gòn Giải Phóng đã cánh báo về việc những buôn làng nằm heo hút trong những khu rừng trồng cây cần sa như là một phương thức canh tác mới của mình. Chính những điều này đã tạo những mối xung đột, mất ổn định nghiêm trọng mà Tây Nguyên đang phải gánh chịu.
 
Sự khác biệt về văn hóa- Nguyên nhân dẫn đến những xung đột.
 
Trên đất nước Việt Nam ta được phủ bởi hai nền văn minh lớn của nhân loại, đó là văn minh Ấn Độ và văn minh Trung Hoa. Thế nhưng ở Tây Nguyên sự ảnh hưởng của hai nền văn minh dường như không có, và nếu có thì cũng bị phủ bởi một lớp rất mỏng. Điều đó đã được minh chứng qua tập tục sinh sống, canh tác, văn hóa, tín ngưỡng…
 
Nhìn những nhà Dài, nhà Rông (có nơi gọi là nhà Gươi) ở Tây Nguyên nó xa lạ so với đền chùa, miếu mão của người Kinh vùng đồng bằng. Trong những nhà Rông, nhà Dài đó cộng đồng Tây Nguyên sinh sống tập thể, sở hữu tập thể theo chế độ mẫu hệ. Họ được những người già trong gia đình, trong buôn kể cho nghe những sử thi về các anh hùng dân tộc.
 
Những lễ hội bỏ mã, lễ ăn trâu là những mùa nông nhàn, khi vụ mùa đã thu hoạch xong, nông sản đã được tích trữ đấy kho lẫm. Họ giết những con trâu để cám ơn thần linh đã cho họ được vụ mùa bội thu và cầu xin trong năm mới họ lại nhận được sự phò trợ của thần linh. Có khi trong một lễ hội bỏ mã, có gia đình giết đến 40 con trâu. Con trâu đối với người bản địa Tây Nguyên như là một người bạn, nó không phải để cày bừa, kéo gỗ hay làm những công việc nặng nhọc, mà lại được chăm sóc cho béo tốt để đến mùa lễ hội đem ra cúng tế thần linh hoặc dùng cho những cuộc thách cưới bên nhà trai với bên nhà gái.
 
Cũng chính vì vậy, mà ngƣời Kinh với truyền thống canh tác lúa nước, với suy nghĩ “con trâu là đầu cơ nghiệp” xem đây là sự phung phí, và ngay cả những vị lãnh đạo vì không hiểu hết văn hóa của Tây Nguyên tìm cách ngăn trở, cố tình muốn bỏ đi những tập tục tồn tại lâu nay trên vùng Tây Nguyên họ muốn đồng hóa văn hóa Tây Nguyên sao cho thật giống văn hóa của người Kinh. Đó cũng là một phần nguyên nhân của lối tư duy không biết chấp nhận sự khác biệt, hễ cái gì khác ta là bị triệt tiêu của người Kinh.
 
Sự khác nhau giữa người Tây Nguyên và người Kinh còn về khái niệm giàu-nghèo. Đối với người Kinh, giàu là tích tụ được nhiều tài sản, vật chất nhưng riêng với người Tây Nguyên thì khác hẵn. Giàu đối với họ là sự cho đi. Một người được xem là giàu trong buôn làng là có nhiều ché rượu cần, có nhiều trâu để hiến tế. Một người muốn được mọi người trong buôn làng xem là giàu thì họ phải đãi cả làng một bữa tiệc dài 3 ngày 3 đêm.
 
Ngoài ra, việc phát động “bài trừ mê tín dị đoan, xây dựng nếp sống văn hóa mới” vô tình đã đẩy đức tin và đời sống tâm linh ra khỏi cuộc sống xã hội. Trong khi các viên chức của chính quyền Việt Nam nói thì nhiều nhưng chẳng làm được bao nhiêu, dẫn đến việc “nghe lời Đảng thì cái tai mình nó no nhưng cái bụng mình nó đói” cộng thêm cái lối áp đặt trong hành xử làm cho người Tây Nguyên cảm thấy bị coi khinh, mãnh đất tâm linh bị hụt hẫng. Từ đó, làm cho nền tảng đạo đức của người dân Tây Nguyên dễ bị băng hoại.
 
Chính những sự khác biệt này dẫn đến sự xung đột về văn hóa khi có sự trà trộn giữa người Tây Nguyên và người Kinh. Việc chưa hiểu thấu đáo văn hóa Tây Nguyên, xem đó như là một thứ văn hóa còn mang tính man dại cần được khai sáng đã không những làm cho truyền thống văn hóa từ ngàn đời ở Tây Nguyên mất đi mà vô tình còn đào sâu thêm hố sâu ngăn cách giữa người Tây Nguyên và người Kinh. Vấn đề về nhân quyền ở Tây Nguyên.
 
Đây là một vấn đề hết sức bức bối đối với Tây Nguyên. Báo chí trong nước ít khi nói đến hoặc có nói cũng chỉ nói theo chiều hướng có lợi cho chính quyền. Họ dường như để mặc cho những điều bất cập, trái khuấy, sai trái đang diễn ra từng ngày, từng giờ ở Tây Nguyên.
 
Bên cạnh đó, với tư duy kỳ thị, coi phong tục, tập quán và những lễ nghi của người bản xứ ở đây là mọi rợ, man di nên đã dần dần đồng hóa người Tây Nguyên với văn hóa người Kinh. Điều này đã làm mất dần những sắc thái văn hóa riêng của tộc người Tây Nguyên. Mà hiện nay từ “Kinh hóa” là thứ mà ta vẫn thường xuyên được nghe đến khi nói về Tây Nguyên.
 
Trong những buôn làng thì lực lượng an ninh là người Kinh, họ sẵn sàng ra tay đàn áp, bắt bớ cũng như là bao che cho những người cùng giòng giống với mình. An ninh học ngôn ngữ của người Tây Nguyên để dễ dàng gần gũi quan sát các động tĩnh trong những buôn làng.
 
Từ sau 1975, sau khi Tây Nguyên lọt vào tay của những người Cộng Sản, rất nhiều mục sư là người Tây Nguyên bản xứ đã bị chính quyền Cộng Sản bức hại, giam giữ trong các nhà tù, bắt phải đi học trong các trại cải tạo. Nhiều người trong số đó đã bị chết vì bệnh tật.
 
Tự do tín ngưỡng ở Tây Nguyên đang bị cảnh báo. Qua các thông tin đại chúng ta có thể biết được các mục su Tin Lành thường xuyên bị đánh đạp, bắt bớ, đàn áp, khủng bố về tinh thần. Ngoài ra, bộ phận công an cố gắng tìm cách ngăn chặn người Tây Nguyên gia nhập vào đạo Tin Lành.
 
Mức sống hiện nay của người Tây Nguyên quá thấp so với người Kinh. Lợi tức bình quân đầu người hiện nay của người Tây Nguyên chỉ khoảng hơn 50USD/năm. Cái đói là những thứ mà người Tây Nguyên đang phải đối trọi hằng ngày. Những khuôn mặt đờ đẫn, ốm yếu, thể chất yếu đuối do đói ăn đang hiện diện trong từng buôn làng. Ở những vùng sâu, người Tây Nguyên phải vào rừng để đào củ rừng, bắt côn trùng cho đở đói. Vùng duyên hải Nam Trung Bộ đã không còn lạ lẫm với những người Tây Nguyên (mà họ quen gọi là người Thượng), vì lực lượng lao động từ Tây Nguyên tha phương cầu thực khá nhiều, họ xuống các vùng duyên hải để làm thuê cho trên những chiếc thuyền đánh cá, một công việc rất đổi xa lạ đối với người Tây Nguyên vốn chỉ quen với rừng núi.
 
Trước đây, không có nạn ăn xin là người Tây Nguyên nhưng bây giờ số lượng người ăn xin Tây Nguyên khá nhiều, họ ăn xin ngay trong buôn làng của họ. Việc ăn xin này tuy chỉ phổ biến trong những buôn làng được kinh doanh hoạt động du lịch, thế nhưng nó cũng phản ánh phần nào sự thiếu hụt về lương thực của người Tây Nguyên.
 
Trong hơn nữa thế kỷ chung sống với người Kinh, họ đã bị người Kinh xem như là thứ dân hạng hai, nhân phẩm bị chà đạp, danh dự bị khinh bỉ, tập tục sinh sống bị xem là của “người Nguyên Thủy”. Người Tây Nguyên sử dụng mọi biện pháp từ bạo động đến chính trị ôn hòa, chỉ cốt mong sao có chỗ đứng, có tiếng nói, được chấp nhận trên mãnh đất mà từ ngàn đời là của mình, nhưng sự áp đảo về số lượng khiến tiếng nói của họ trở thành thiểu số, nhận được sự quyết tâm đàn áp của chính quyền người Kinh.
 
Ta dễ dàng nhận thấy được sự khinh miệt của người Kinh trong quan hệ thường ngày. Trong trạm xá, bệnh viện, người Kinh không xếp chung hàng với người bản xứ, trẻ em, thanh niên người Kinh không chơi với trẻ em, thanh niên người Tây Nguyên. Và tệ hơn, trong các cơ quan nhà nước, những viên chức chế giễu, miệt thị, đùa cợt sự ngây ngô của người Tây Nguyên khi họ đến những cơ quan này xin giấy tờ. Và điều miệt thị này còn được thể hiện trong văn bản hành chính, ngay danh xưng “người dân tộc” nó cũng đã hàm chứa sự lỗ mãn, bất kính.
 
Sau khi nổ ra những cuộc xuống đường rầm rộ ở Tây Nguyên, chính quyền Việt Nam đã thắt chặt các biện pháp quản lý nhằm cũng cố an ninh quốc phòng. Những tỉnh thành lân cận với Tây Nguyên được đặt vào tình trạng báo động. Cửa ngỏ ra vào Tây Nguyên bị chặn xét, rừng quốc gia Yok Đôn bị cấm ra vào. Các con đường quốc lộ nối đồng bằng với Tây Nguyên được đặt thêm nhiều trạm kiểm soát, quân đội được điều động lên đây với quân số nhiều hơn. Họ ngăn chặn người Tây Nguyên tiếp xúc với các mục sư, với những người nước ngoài. Và trong những ngày lễ của Tin Lành như Phục Sinh, Giáng Sinh cơ quan An Ninh cố gắng không để cho người Tây Nguyên tập trung về nhà thờ để làm lễ…
 
Trong một đất nước với đông đảo các sắc tộc, ngôn ngữ khác nhau, việc đòi hỏi bình đẳng giữa các tộc người là điều cần được tuyệt đối thực thi để tránh sự bất công trong xã hội. Trong các văn bản của chính quyền Việt Nam luôn luôn xem trọng quyền con người, nhưng khi để nó đi vào thực tiển thì cách xa nhau một trời một vực. Bải bỏ ngay những rào cản về tôn giáo mà chính quyền lâu nay vẫn cố gắng áp đặt tại Tây Nguyên, bải bỏ ngay sự kiểm soát chặt chẽ đối với người Tây Nguyên vì đó là vi phạm nhân quyền. Cần tìm hiểu kỹ hơn về văn hóa Tây Nguyên để có thể có được một chính sách hòa hợp dân tộc cũng như về văn hóa Tây Nguyên và văn hóa của người Kinh. Cần chú trọng quan tâm đến người Tây Nguyên, trả lại cho họ những mãnh đất đã bị sáp nhập vào các nông trường quốc doanh để họ có nơi canh tác, thờ cúng tổ tiên. Cần có một chính sách rõ ràng hơn, mang tính nhân bản hơn để có thể chung sống hòa đồng giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Có như thế chúng ta mới có thể phát triển xã hội bình đẳng giữa người và người.
 
Hoàng Anh
 
© Tạp chí Phía Trước
 
 
#1
    Minh Xuân 22.01.2009 16:40:44 (permalink)

    Trích đoạn: YesMan

     
     Sự khác biệt về văn hóa- Nguyên nhân dẫn đến những xung đột.

    Trên đất nước Việt Nam ta được phủ bởi hai nền văn minh lớn của nhân loại, đó là văn minh Ấn Độ và văn minh Trung Hoa. Thế nhưng ở Tây Nguyên sự ảnh hưởng của hai nền văn minh dường như không có, và nếu có thì cũng bị phủ bởi một lớp rất mỏng. Điều đó đã được minh chứng qua tập tục sinh sống, canh tác, văn hóa, tín ngưỡng…

    Nhìn những nhà Dài, nhà Rông (có nơi gọi là nhà Gươi) ở Tây Nguyên nó xa lạ so với đền chùa, miếu mão của người Kinh vùng đồng bằng. Trong những nhà Rông, nhà Dài đó cộng đồng Tây Nguyên sinh sống tập thể, sở hữu tập thể theo chế độ mẫu hệ. Họ được những người già trong gia đình, trong buôn kể cho nghe những sử thi về các anh hùng dân tộc.


     
    Về vấn đề chính trị và sắc tộc ở Tây Nguyên tôi không dám lạm bàn. Nhưng xin bày tỏ một chút quan điểm về văn hóa Tây Nguyên.
    Thứ nhất: "Trên đất nước Việt Nam ta được phủ bởi hai nền văn minh lớn của nhân loại, đó là văn minh Ấn Độ và văn minh Trung Hoa." - Điều này còn phải bàn. Nhiều khả năng chính văn hóa Trung Hoa có nguồn gốc từ Việt Nam. Có thể xem thêm các tác phẩm của triết gia Kim Định cũng như những nghiên cứu gần đây của các tác giả trong và ngoài nước: http://anviettoancau.net/anviettc/
    Thứ hai là về nhà rông. Người Việt trước đây cũng ở nhà rông. Bằng chứng rõ ràng là hình ảnh nhà rông trên trống đồng. Cồng chiêng Tây Nguyên cũng là sản phẩm tương tự như trống đồng trước đây. Nhà rông là một dạng nhà sàn, mà nhà sàn hiện giờ không phải chỉ có ở Tây Nguyên. Các dân tộc Thái, Mường hiện giờ vẫn ở nhà sàn. Nhà sàn là đặc trưng văn hóa, có lẽ chung của cả vùng Đông Nam Á (nhà sàn phổ biến cả ở Indonesia).
    Thứ ba là sử thi. Văn học truyền miệng cũng không phải độc quyền của Tây Nguyên. Hầu hết các dân tộc ở Việt Nam, và Đông Nam Á nói chung đều có loại hình văn hóa này.
    Như vậy văn hóa Tây Nguyên thực chất có nguồn gốc chung với văn hóa Việt. Do địa hình miền núi cao hiểm trở, Tây Nguyên có sự tách biệt với các vùng xung quanh, nên còn giữ nhiều bản sắc cũ và phát triển văn hóa theo một hướng riêng. Tách biệt văn hóa Tây Nguyên và văn hóa Việt là việc làm mang màu sắc chính trị hơn là thực chất.
    #2
      Minh Xuân 25.02.2009 20:41:04 (permalink)
      Xin nêu thêm một số so sánh giữa văn hóa Tây Nguyên và văn hóa Việt. Có rất nhiều điểm giống nhau giữa văn hóa Tây Nguyên ngày nay với văn hóa Việt cổ:
      - Hình ảnh lễ hội buôn làng nhảy múa quanh đống lửa ở Tây Nguyên gợi nhớ đến hình ảnh trên trống đồng người Việt. Đống lửa tượng trưng cho mặt trời ở giữa. Theo tôi quan sát thì người Tây Nguyên khi nhảy quanh đống lửa cũng đi theo ngược chiều kim đồng hồ, giống như hình hoa văn trên trống đồng.
      - Cây cột đâm trâu Tây Nguyên rất giống với cây nêu ngày Tết của người Việt. Đây là một trong những thành tựu của người Việt cổ khi biết cách dùng cột để đo bóng nắng và xác định thời gian (giờ - khắc).
      - Con trâu: thật lạ khi con trâu lại là một con vật thân thuộc với người Tây Nguyên cho dù loài vật này là loài vật điển hình của vùng đất thấp chứ không phải cao nguyên. Ở Tây Nguyên không có trâu rừng. Nếu ở đồng bằng loài trâu đóng vai trò quan trọng trong sức sản xuất thì ở Tây Nguyên trâu nuôi để "chơi" (để làm thịt khi cần thiết). Như vậy có mối liên hệ rõ ràng giữa người Tây Nguyên với những người sống ở đồng bằng trước đây. Con trâu được di thực từ đồng bằng lên cao nguyên.
      Theo tôi thì người Tây Nguyên ngày nay chính là một bộ phận của người Việt cổ di rời lên miền núi sinh sống, mang theo những đặc điểm văn hóa cổ của người Việt, do địa hình cách biệt nên những đặc điểm văn hóa này vẫn giữ được cho cho tới ngày nay.
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 06.03.2009 22:32:37 bởi Minh Xuân >
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9