TRUYỆN KHÓ ĐẶT TÊN, và...
Khải Nguyên HT 05.02.2009 14:53:20 (permalink)
TRUYỆN KHÓ ĐẶT TÊN
-truyện ngắn-
      
      -Khách chơi  vừa ngồi yên chỗ, tay kép đã so dây đàn: tằng tằng, tằng tằng, tằng tằng, tức là có ý hỏi nắn gân: “thằng nào? thằng nào? thằng nào?”. Tức thì mình vớ ngay lấy cái trống chầu, loại trống con để cho khách cầm chầu ấy mà, vung dùi nện luôn ba tiếng: tom, tom, tom, ý là đáp lời: “tao! tao! tao!”.
      Ông Thà tợp ngụm rượu, đặt chén xuống chiếu, xoa cầm cười khà. Ấy là lúc rượu vào ông đã đủ. Ít khi ông bét nhè. Theo tôi biết thì chỉ duy nhất một lần ông bị “cho vào xiếc” sao đó nên quá chén đến rò rỉ ra quần. Hôm sau, truyền trong đoàn bài thơ nói là ông tự trào, nhưng có thể là của mấy tướng đầu têu “làm hộ” ông:
     “Xưa nay ruợu thánh men thần
     “Đố ai bĩnh được ra quần như ta!
     “Cứ cười cho hở răng ra
     “Có say tới số mới là biết uông
(uống)
    Lúc này ông đang kể chuyện ngày trước bọn ông đi hát ả đào.
    -Đi hát ả đào là như đi hát karaôkê ôm bây giờ, phải không ạ? -Cậu lém nhất bọn hỏi- Cũng là một kiểu “tươi mát” chứ gì?
   -Không phải. –Ông Thà lim dim mắt đáp- Đi hát ả đào, ngưòi ta hay gọi một cách khinh thị là “đi chơi cô đầu”, đúng ra là đi thưởng thức hát ca trù, về sau biến tướng đi với nhiều tay chơi tân học nhập nhằng cô đầu hát với cô đầu rượu, nhưng chưa đến mức như bây giờ. Có đâu mượn cớ hát hổng để ôm, sờ, bậy bạ. Cứ xì tiền ra rồi “nhăng cuội”, đâu phải thưởng thức hay giải trí. Đến nhà cô đầu không phải cứ ăn mặc sang, chi tiền hậu là được trọng vọng đâu. Phải là tay sành biết thẩm lời ca, điệu ca, giọng ca bằng tiếng trống cầm chầu; nó thể hiện trình độ am hiểu, trình độ thưởng thức của anh. Anh chẳng hiểu gì cứ nện trống bừa thì ngoài mặt họ vẫn thưa gửi mà trong bụng thì “coi khinh vài mươi phút”. Không chỉ trong bụng, nhiều khi lộ ra ở ánh mắt, khóe môi, cả ở câu hát của đào, tiếng đàn của kép, có khi là miếng phủ đầu trộ khách.
    Ông Thà không nói ra, nhưng bọn chúng tôi hiểu ngầm rằng xưa ông từng là tay phong lưu sành điệu.. Xưa, phải rồi, hồi chưa Cách mạng. Còn nay, tức là sau này, khi ông là thành viên đoàn nghệ thuật tổng hợp thành phố, thì những gì người ta được biết về ông có khác.
    Ông là nghệ nhân đa tài, cổ nhạc, tân nhạc đều rành, cả hát, cả múa. Lương ông xấp xỉ lương trưởng đoàn; ông có phiếu mua cung cấp để bồi dưỡng nghề nghiệp hàng tháng 6 hộp sữa, 4 kg đường, 5 kg thịt, một lít nước mắm,... xấp xỉ tiêu chuẩn tem phiếu đãi ngộ chủ tịch thành phố. Thời “bao cấp” mà được vậy thì đàng hoàng quá. Mà nom ông đàng hoàng thật. Mỗi lần lên sân khấu  hoặc đi giảng cho bọn đàn em hay cho lớp nhạc tư gia, ông đều lên “com-lê”, xoàng ra cũng sơ mi cổ cứng về mùa nực, đeo ca-vát hoặc nơ, đi giày da. Song, ông sống lại xuê xoa. Một lần, lĩnh lương tháng xong, tôi và đứa bạn ra chợ mua chút gì về cùng nhau nấu nướng “cải thiện” bữa ăn cho tươi một chút sau nửa tháng ròng xài cơm “bếp tập thể” đã thấy ông đánh bộ cánh của dân đánh xe bò chừng một tháng chưa giặt đang ung dung trong quán thịt cầy. Ông vẫy chúng tôi lại, sốt sắng kéo ghế cho chúng tôi và gọi thêm chén uống rượu, thêm đũa, thêm bát. Thời bấy giờ, con gái ăn quà chợ chẳng còn là chuyện khó coi., kể cả đánh rượu- thit chó. Tuy nhiên, chúng tôi cố từ chối. Chúng tôi vừa đi thì một anh cùng cơ quan lảng vảng đến. Ông Thà vẫy anh ta, và anh ta chẳng hề khách khí sà ngay vào khi lời mời chưa nói hết. Sau này tôi mới biết: đã thành lệ, hễ có tiền rủng rỉnh trong túi là ông Thà đến “thăm” các quán nhậu và hễ gặp ai quen là kéo vào. Ẩm thực phải có bạn mới thú, ông bảo vậy. Một số kẻ biết thóp cung cách ấy của ông thường “tình cờ” đi qua nơi ông đang nghiền ngẫm mấy món, hoặc lòng lợn tiết canh, hoặc bê thui, chim rán, vân vân... Cần phải công bằng với ông: ông chẳng sa đà. Lần ấy, đoàn đi phục vụ một địa phương được người ta mổ bò thết. Nửa đêm, cả đoàn, chẳng chừa đoàn trưởng, ôm bụng xếp hàng trước buồng vệ sinh chung của nhà khách (thành quả của quan điểm xây dựng một thời!), trừ ông Thà. Đánh chén, với ông, là sự khoái hơn là đẫy bụng. Cái  khoái ấy làm hại ông, cái tính hào phóng dở hơi(!) làm hại ông thêm. Lương ông chỉ mươi ngày nhẵn. Tiền ông dạy ngoài cũng khá nhưng cũng sớm rời bỏ ông. Ông bán “non” các phiếu bồi dưỡng sữa, đường, thịt (còn thiếu nước bán sổ gạo!). Đến bộ cánh phát riêng cho nghệ nhân biểu diễn cũng bán nốt. Người ta bảo ông chỉ có mỗi “nhất bộ nhất bái(!)”để trưng thôi. Sơ mi cũng chỉ có mỗi cái là tươm. Người tinh ý nhìn quần áo ông có thể đoán “tuổi” của chúng. Phải công nhận ông thu xếp việc mặc cũng tài, chẳng thành vấn đề nhiêu khê như lũ chúng tôi.. Điều này kích thích óc tò mò chẳng bao giờ vơi của chúng tôi, bọn con gái ngự phòng tập thể, sung sức mà thì giờ rỗi thì nhiều. Đứa bạn tôi kể: “Tao và con Bê đến chơi nhà chị Lạc, cái chị ở cạnh phòng bố Thà có chồng đi B, mày biết rồi. Chuyện tào lao chán, chị Lạc vào giường dỗ con ngủ, hai đứa tao mới đến bên cửa sổ hé cánh cửa rình... " 
  Trời tối đã lâu, các phòng ở khu nhà tập thể cấp bốn còn ánh đèn. Cửa phòng ông Thà hé mở, ông thò đầu ngó quanh quất rồi bước ra.. Tay phải ông cầm cái ống bơ sắt tây, loại thường dùng để đong gạo, và cái bàn chải đánh răng. Tay kia thu  thu sau lưng. Cái gì nhỉ? Cái sơ mi ông vẫn mặc kèm cái “vét”. Ông ta định làm gì vậy? Ông muốn giặt. Cái áo mặc đã khá lâu rồi; phần bị che khuất chẳng nói làm gì, chứ cổ áo và tay áo thò ra để ghét bám thấy rõ thì thật là không tiện. Bể nước công cộng nằm trong khu vực cơ quan, ban đêm cổng khoá. Ông không nước dự trữ. Được cấp phát cái xô hai mươi lít, ông đã bán cho chú bảo vệ mất rồi. Thường ông vẫn phải xin nước các nhà láng giềng. Xin mãi để giặt giũ cũng cảm thấy khó coi. Vậy nên ông làm ra vẻ chỉ xin nước đánh răng thôi. Trong sân chung chỉ có một ngọn đèn điện song cũng đủ sáng. Ông Thà đến bên thùng nước của nhà hàng xóm.  Ông hắng giọng đánh tiếng “cho xin tí nước” hẳn hoi rồi mới múc. “Đối tượng” giặt chủ yếu là cổ áo và cửa tay áo, những thứ cần được chăm sóc kĩ. Ông ém thân áo trên đùi trái, cùi tay trái đè giữ. Các việc dấp nước, xát xà phòng, giũ nước, bàn tay phải “đảm trách.”. Các khoản vò, vắt thì tay trái phò trợ. Thường ông giặt vào tối hôm mà đài phát thanh dự báo ngày mai sẽ nắng. Khi đem phơi, ông dùng hai cái kẹp kéo căng vải ra từng nơi cần thiết. Khô rồi, cổ áo và tay áo đều khá phẳng phiu, coi như được là. Hồi ấy, điện dùng khoán, lại do cơ quan trả tiền, có thể phóng tay mà xài. Bàn là Liên-xô tuy hiếm song một số gia đình trong  chung cư vẫn có, nhưng ông ngại mượn. Mà việc gì phải lôi thôi, làm như ông cũng xong, sáng kiến quá đi chứ!
   Nghe những chuyện như vậy, chúng tôi cười thật sướng miệng. Dường như lúc rỗi hơi, người ta cần ai đó có chuyện gì đó, thậm chí bất hạnh, để mà kháo nhau, để mà đàm tiếu. Nhưng rồi biết thêm, thấy cười khó hơn, ít ra là với riêng tôi.
   Ông Thà ở trong một căn phòng hơn chục mét vuông, một mình. Vợ con ông ở thành phố quê hương. Những người độc thân trong khu nhà của cơ quan tôi đều vào hộ tập thể, chung ba, bốn người một phòng chừng 16 mét vuông. Ông Thà được chiếu cố hơn là ưu tiên. Chúng tôi vẫn “quan tâm” đến cái phòng ở “nghệ sĩ” của ông. Đập vào mắt trước tiên là rất nhiều tranh ảnh cắt từ hoạ báo các loại dán trên vách, dường như là theo đồ án trang trí riêng hoặc theo một phong cách thẩm mĩ độc đáo sao đó. Con bé bạn thân của tôi chỉ nhòm qua, phán tỉnh bơ: “Che các vết ố, vết nứt và chắn gió mùa đông-bắc, mày ạ”. Trong góc, một chiếc giường đơn suốt ngày buông màn. Màn ấy khó giặt đã đành mà vắt hay cuộn cũng rầy, bởi có đến mấy chục lỗ dán giấy đụng đến không nhẹ tay là bong. Mùa rét, giường ông trải hai lớp chiếu, giữa lót giấy báo. Ông chỉ có một cái chăn chiên Nam Định tàng tàng. Phải hôm rét đậm,có nhà hàng xóm đem cho mượn chăn bông, ông kiên quyết trả lại. “Không. Tôi khoẻ lắm. Rét này mùi gì”. Nhiều đêm, có bao nhiêu quần áo cũ, quần áo rách ông đều mang ra mặc độn. Cũng có hôm ông chơi đàn chống rét thật khuya. Khí lạnh dường như cũng xiết vào giọng đàn.
   Trong phòng ông Thà còn một vật trứ danh: cái điếu cày. Chẳng phải điếu thường! Trước hết, nó được làm bằng loại tre chỉ vùng Tây-Bắc mới có. Hai, nó là điếu theo kiểu người Mông ống rất to, khi hút miệng điếu trùm ra hai bên má; người hóp má khó mà hút được. Ba, đây là vật lưu niệm của ngườì bạn thiết của ông từng công tác lâu năm tại Lai Châu, nay đã quá cố. Cái điếu được giữ gìn cẩn thận, lên nước nâu bóng, thật trái ngược với cái vẻ ngoài luộm thuộm của chủ nhân.. Còn trứ danh hơn nữa là sự hút của ông Thà. Ông chỉ hút thuốc lào, và chỉ hút bằng điếu ấy, do vậy chỉ hút ở nhà.Trước khi hút, ông trải chiếu ra nền nhà, ngồi xệp lên đó, rót sẵn chén nước chè ngon đặt vừa tầm tay với; sau dó mới nạp thuốc, xoè diêm, ướm một hơi ngắn trước khi kéo một hơi thật dài, thả điếu vào sọt đính bên vách, chiêu một ngụm nước chè rồi nằm thẳng cẳng, mắt lờ đờ, mặt tái xạm, nom rất hãi. Một người hàng xóm lần đầu ngó thấy hoảng lên gọi người cấp cứu. Ông chỉ nằm dăm phút là ngồi dậy tỉnh táo như không, xem chừng còn sảng khoái nữa. Mỗi ngày, ông chỉ làm ba “phát” như thế, rải đều ra. Có vẻ như mỗi lần hút ông xua sạch được những phàm ý trong đầu làm vướng sự thông linh với nàng Nghệ thuật.
    Ông Thà không ăn cơm ở bếp chung. Ông tự nấu lấy với cái bếp dầu. Đồ nấu nướng có giá trị nhất là cái niêu nhôm vừa để nấu cơm, vừa để nấu nước. Hôm nào nhớ ra thì nấu nước trước; hôm nào nhỡ quên thì phải kì công cạo rửa nồi mới nấu nước được. Ông là người sành trà, có mùi tạp trong nước để pha thì còn ra cái “tiết mục” gì nữa!
    Người ta không nghĩ ông Thà nghèo, -quả tình ông chẳng nghèo, nói đúng ra là ông chẳng kiết, trước hết là trong tính cách.
    Ông Thà là tay phong tình, nhưng là phong tình … mồm. Lũ văn công chúng tôi “em” nào chẳng hấp dẫn, hay biết cách làm cho hấp dẫn. Tiện em nào ông tán em nấy ; chỉ tán thôi, không biết hoặc không dám “đi xa”. Tán và cho quà. Dạo miền Nam mới được giải phóng, ông vào thăm một bà cô dạy tiểu học ở Sài Gòn. Khi ra, túi ông có vẻ xủng xoẻng. Bọn chúng nó xúm lại phỉnh. Chắc cũng chỉ định mua vui hoặc giải xui khi ế khách xem. Ông khoái. Với em này:”Cho dì chiếc nhẫn đây” ; với em kia: “Biếu dì cái đồng hồ đây”. Nhẫn vàng, đồng hồ Nhật thời ấy có thể làm dịu vẻ mặt của cô gái kiêu sa nhất. Vợ ông nghe tin đến tìm hiểu thì chỉ còn cái kính dâm. “Chậc! Có mấy thứ tôi còn gửi người ta giữ hộ. Dành cái này cho bà nó, đi đường khỏi hại mắt”.
    Người ta chê ông Thà vô tâm với vợ con, không biết thu vén cho gia đình. Cậu con trai độc nhất của ông thi vào đại học trượt, ông bảo: "Học ôn lại một năm cho chắc, con ạ. Học mà đuối, theo mệt, mà khổ lắm đấy. Hay gì cái chuyện cứ mỗi lần sát hạch lại dựa dẫm bạn, xin xỏ thầy”. Con nghe ông, nhưng vợ thì chì chiết: “Vậy sao ông chạy chọt cho thằng Thảo?”. Thảo là “nhân vật” thoát thai từ phong trào văn nghệ quần chúng. Anh ta “lo được” cái bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc , thi vào trường đại học văn hoá hai lần đều không nổi, bèn chạy đến “thầy Thà”. Anh ta có học ít lâu ở lớp nhạc hoạ quần chúng khu phố, nơi ông Thà có dạy. Trước, anh ta thường tránh gặp ông để tránh chào “thầy”. Ông Thà có bạn dạy ở đại học này. “Thằng ấy không vào đại học thì biết làm gì. Cho nó kiếm mảnh bằng để khỏi lo thất nghiệp (Hồi đó, tốt nghiệp đại học là được bổ dụng. có được chỗ “thơm” hay không là chuyện khác). Nó chỉ múa may trong cái bị tri thức hạn hẹp của nó, chẳng hại gì cho ai”. Mãi về sau ông mới tỉnh ra là mình đã nhầm nặng.
    Thủ trưởng cũ của chúng tôi hay kể lại:
    -Lão ấy vô tâm kiểu các nhà bác học hơn là kiểu các nghệ sĩ. Được cái cũng chịu khó đi thăm vợ con, thường là sau một đợt biểu diễn của đoàn. Hầu như lần nào đi thăm về cũng trễ. Ông ta đến gặp tôi: “Báo cáo anh,buồn quá”. Tôi nói: “Đến muộn nên buồn à?”. Ông ta nghiêm trang: “Cái… vợ tôi nó… đi cúng. Tôi về tôi phải đấu tranh chống duy tâm mê tín, gay lắm”. Ông ta nói dối không chuẩn bị, mà cũng không biết cách nói dối. Lần khác, ra trễ gần hai ngày ông ta tự nhiên khoe: “Tôi đã giết mười ba con ngan ăn”, làm như tôi quan tâm đến chuyện ăn của ông ta lắm. Tôi bảo: “Anh hãy nói vì sao đến muộn đã!”.  “Báo cáo anh, con tôi bị rắn cắn phải đi  bệnh viện”. “Lần trước anh cũng bảo chị nhà bị rắn cắn”. “Lần ấy là chó cắn”. Thật là nói bốc, nói phịa vụng hơn cả con trẻ.
  Người như thế chẳng phải là ngây ngô, song cũng làm cho người ta yên tâm, trước hết là các vị lãnh đạo. Ông chẳng tranh hành gì trong cơ quan, ngay cả những quyền lợi trước mắt. Các đoàn văn nghệ thường hay xin được những món hàng cung cấp ngoài tiêu chuẩn thường kì, nhất là những khi đi lưu diễn. Những món này thường hiếm, song giá nhà nước rẻ như cho. Người ta phân cho cái gì ông được cái đó, lẳng lặng nhận hoặc đôi khi pha trò một câu,-có lẽ do cảm động chăng?. Một lần, cấp trên phân phối cho đoàn một số áo lót dệt kim ba lỗ (áo may-ô) ít hơn số đàn ông có mặt trong đoàn. Ông Thà được ưu tiên (hoặc chiếu cố!) một chiếc. Nghe tin, ông “tức cảnh” tập Kiều: “Bắt phanh trần phải phanh trần / Cho may ô mới được phần may ô” . Chiếc áo dự định của ông rơi vào tay người khác. Ông lắc đầu cười trừ. Bọn con gái chúng tôi cho là ông đụt, là không đáng mặt nam nhi. Ấy! cứ tưởng vậy.
    Lần đó, ông Thà tham gia dàn dựng một vở múa. Tập tành công phu. Biểu diễn tổng duyệt được đánh giá ngoài lề là tốt. Song le, dư luận đánh giá là một chuyện, vở có được chào đời hay không phụ thuộc vào lời phán của mấy vị chức sắc nắm quyền năng, trong đó có cả những vị “ngoại đạo”, tỉ như đại diện cơ quan tài chính. Tôi hơi lấy làm lạ là trong cuộc họp đánh giá để quyết định, các ý kiến phát ra có chiều hướng xấu, nghiêng về phủ định. Lâm, tổ phó trang trí, người ở cuộc họp nào cũng lựa cơ hội để “tôi có ý kiến” khéo léo lèo qua mình và làm vừa lòng ai đó,-cả người vắng mặt, vốn rất khen vở múa, “khai hoả” đầu tiên. Anh ta khen theo lệ một câu khá chung chung, sau đó “tiếc rằng… “. Thảo, người đang “Q” phụ trách trường sơ cấp nghệ thuật của thành phố, dướn người lên qua cái bàn hẹp cung kính lắng nghe một vị chức sắc đang quay nghiêg đầu bảo nhỏ gì đó, hẳn gợi ý cho anh ta “phát”. Con bạn thạo tin rỉ tai tôi: “Hôm trước, một vị chủ chốt đã hé ra sự không hài lòng thế nào ấy”. Ông Thà ngồi một nơi khuất im lặng nghe. Ông vẫn vậy, hay phán tào lao với bọn chúng tôi mà khi họp hành lại rất kiệm lời. Biên đạo chính thì chịu khó lên tiếng, khi trình bày, khi phản bác. Tôi không sành múa nhưng cũng “phê” là ở đoạn cao trào động tác của vai chính hơi cứng. Ông Thà đưa mắt qua tôi hơi gật gật đầu.
    Vị chủ chốt để cho mọi người phát biểu chán mới đứng lên:
    -Xét theo tuyệt đại đa số ý kiến tại đây hôm nay, vở này không đứng được. Thú với các đồng chí, tôi không ưa nhất cái cảnh huơ gậy chọc chọc như Tây đoan khám rượu lậu, nó…
    (Tôi được giảng giải cho biết Tây đoan là bọn thuế quan Pháp thời ta còn mất nước. Chứa rượu lậu mà bị bắt quả tang thì bị đi tù, khỏi nói trường hợp chính mình nấu. Tây đoan dùng cái thuốn sắt chọc trong vườn, trong ruộng, những nơi nghi chôn các vò rượu).
    Ông Thà đang ngồi cù rù trong góc đứng bật dậy chỉ tay vào mặt người đang nói:
    -Anh chẳng hiểu cái cóc khô gì cả, cứ phán tùm lum!
    Ông bỏ đi ra. Vị chức sắc khựng lại, mặt tái đi, song chỉ trong nháy mắt, vị cười xoà nói sang nội dung tư tưởng và tính đại chúng. Lâm, Thảo và nhiều người vỗ tay. Mặc biên đạo và trưởng đoàn cố sức vớt vát, vở múa không được duyệt. Người ta bảo ông Thà đã làm hỏng bét cả. Hừ! Ông ta cay cú, lần đầu tiên được tham gia dàn dựng, cũng lần đầu tiên nhạc ông ta độc tấu có dàn nhạc đệm được dùng làm nền cho một vở múa qui mô mà! Trước nay, người ta biết ông có tài nhưng chỉ sử dụng như một nhạc công giỏi trong dàn nhạc vậy thôi. Con bạn tôi lí sự: “Con người ta có khi cương cường cả đời mà cũng có thể có một phút yếu hèn, thì người suốt đời nhũn cũng có lúc vùng lên được chứ!”. Tôi không cho là vậy. Nghĩ đơn giản về ông Thà thì dễ quá đi. Không nói các vị có vai vế của đoàn, của sở văn hoá,… hầu như mọi người chẳng ai đồng tình với ông Thà. Ngay như tôi, người tự cho là không xu phụ cấp trên, cũng thấy chướng. Nói vỗ mặt lãnh đạo là không tôn trọng kỉ cương, thiếu ý thức xây dựng. Kể cũng lạ, trong thâm tâm tôi thấy những lí lẽ bác bỏ vở múa là không thoả đáng. Cũng như tôi từng nghĩ các vị chức sắc quyết định những chuyện oái oăm, ví như cấm địa phương mình chiếu phim “Đi bước nữa”, một bộ phim Việt Nam bảo vệ nữ quyền; ví như không cho lên sân khấu thành phố vở kịch “Bạch đàn liễu”, một vở kịch lên án tệ cường hào mới đồng thời tôn vinh gia đình người ra trận; ví như chỉ cho những ai có phiếu D (phiếu cung cấp lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm) trở lên mới được xem bộ phim “Chiến tranh và hoà bình” nổi tiếng, làm như chỉ những người có mức lương tương đối cao mới đủ trình độ thưởng thức, trong khi không ít người trong số họ chưa từng sờ đến bộ tiểu thuyết của Tôn-xtôi, không biết Cutudốp, Napôlêông là ai, Bôrôđinô ở đâu, v.v… Tôi không thông mà không dám có ý kiến chỉ im lặng buồn và bực, thế nhưng khi một người cương vị cũng làng nhàng như tôi (không kể năng lực, tư cách) dám lên tiếng thì tôi lại cảm thấy khó chịu như là mình bị xúc phạm vậy.
    Tôi tưởng ông Thà sẽ bị kiểm thảo, nhưng không, người ta chỉ đưa ông vào tốp văn nghệ “đánh lẻ” thường phải đi khỏi thành phố. Khi nào cần “đánh lớn” người ta mới triệu ông về. Ít ra thì ông là một trong số không nhiều cây diễn tấu  chủ chốt, ông lại đã có tuổi, ông có quyền thoái thác một sự điều động như vậy. Song ông chẳng tỏ ý gì. Chẳng biết ông thu xếp với các lớp dạy ngoài ra sao. Riêng với trường của giám hiệu Thảo thì “Anh hãy tạm nghỉ, khi nào tôi bố trí đựoc thời khoá biểu thích hợp với tình hình mới của anh hãy hay”.  Trước đây, khi được làm phó cho hiệu trưởng trường sơ cấp nghệ thuật, Thảo đã đến nài ông Thà: “Anh giúp em mấy lớp đầu đàn. Em sẽ lo bố trí giờ giấc lên lớp thật thuận tiện cho anh”. Không “thầy” nữa nhưng giọng vẫn nể trọng. Bấy giờ là lúc anh ta cần thể hiện sự năng động trước sở. Hiệu trưởng đương nhiệm chuẩn bị về vườn mà phó hiệu không chỉ một, lại còn một số cán bộ sở chán “chạy phong trào”, chán cảnh “cuối trâu” muốn lên “đầu gà” vừa có tiếng, vừa có miếng.

     Thời thế mới, thị trường hoá, các đoàn nghệ thuật có khó khăn. Ông Thà được cho về hưu. Dẫu có sống giản tiện đến mức khôi hài như người ta đồn đại thì ông vẫn phải lo sống. Bà vợ đã về ở hẳn với ông, ngày ngày bán xôi sáng thêm vào đồng lương hưu tạm giải quyết được sự chi tiêu vặt trong nhà. Còn những cái “thú” của ông? Người ta mải đàm tiếu thú “nhậu” của ông, lờ đi hoặc chẳng biết đến những thú tinh thần vẫn giúp ông “sống” được. Mà có phải thú tinh thần nào cũng chỉ xài bằng tinh thần đâu! Anh con trai ông trước đây nghe lời ông đã cố gắng học và đỗ loại giỏi vào đại học được đi du học, ra trường được nhận bằng đỏ,-tự lực chứ chẳng phải mua. Về nước, anh mang theo sách chứ không phải “hàng” như bao người khác cùng cảnh. Anh lê la kiếm việc; thiếu cái khoản “đầu tiên” nên “rách” một  thời gian dài, đến nỗi người yêu “đã ngỏ lời rồi đành lỗi hẹn”. Cho đến lúc anh gặp một xí nghiệp do nước ngoài đầu tư. Bây giờ anh ta vợ con đề huề, ngự trong một biệt thự tại một thành phố phía nam.  Ông chẳng dính gì đến chuyện kiếm ăn của con. Cơ ngơi của ông bà vẫn là gian phòng được phân ngày nọ. Chung quanh hầu hết các căn hộ đều đã được cơi nới, tôn tạo làm biến dạng khu nhà đến mức người cũ đi xa dăm năm trở về e bị lạc. Ông bảo, vui vẻ: “Tôi giữ căn hộ của tôi y nguyên để làm chứng tích lịch sử một thời cho mai sau”. Mai sau thế nào thì chưa biết; trước mắt, ông đang có nhu cầu làm thêm. Ầy! thiếu gì nhà hàng, quán nhậu cần nhạc sống.  Khốn nỗi, nhạc dường như chỉ để khuấy động, hoặc náo động, cái chính thu hút khách  là ở chỗ “sống”. Bộ dạng ông bây giờ chỉ xua khách đi thì có. Còn các lớp nhạc tại gia? Các lớp loại này nay nằm dưới sự quản lí của “Công ti dịch vụ phụng sự tại gia”, nó bao thầu mọi thứ: gia sư, vú em, bếp, bồi, coi vườn, vệ sĩ,… mà giám đốc là giáo sư Thảo nào đó. À, hẳn là tay Thảo bên May-xuất-khẩu sang kiêm. Ông Thà ghét “thằng cha” này. Làm tôi tớ cho người nước ngoài hành hạ công nhân mình, - đã có mấy cô thợ ngất bên máy, mà đến đâu cũng xì tiền làm phúc dưới mĩ từ “làm việc thiện”. Vả lại, ai muốn xin việc phải đến văn phòng công ti đặt cọc trước; ông đào đâu ra “cọc”? Nghe người mách trường đại học dân lập nọ cần một người hướng dẫn văn nghệ theo vụ, ông lập tức tìm đến. Người bảo vệ, sau khi căn vặn , cho ông vào phòng chờ. Một người đeo kính trắng, loại không số, tóc xõa xuống trùm tai và lưng chừng cái cổ ngẳng, ôm cái cặp to sù bước vào. Ông Thà  ngửng nhìn ngờ ngợ: “Thảo phải không?”  Người kia giương mắt sau cặp kính ngắm một lúc vừa đủ: “À, anh!”. Đúng là Thảo, mới điểm trang thêm cái kính. Anh ta đường bệ bước tới chìa tay ra. Ông Thà đúng là “vào cửa quan gặp người quen”, vồ vập: “Cậu đến liên hệ công tác à?”  Thảo khịt mũi: “Tôi là giáo sư ở đây”. Ông Thà giật mình, nhả vội bàn tay mình ra. Giáo sư ư? Đúng vậy. “Giáo sư” luật hẳn hoi nhá! Có gì đáng lạ đâu, thời buổi này. Anh ta đã kiếm được tấm bằng thạc sĩ…  tâm lí học. Anh ta vẫn là hiệu trưởng trường nghệ thuật, giữ một chân bên này phòng khi phải “hạ cánh an toàn” bên kia. Hôm nào, một thanh niên đã cứng tuổi bảo bạn trong một quán nước: “Tao học thêm luật để bắt chúng nó tuân luật, còn tao thì tìm kẽ hở của luật”. Hừm! Trò ấy cặp với thầy này mới xứng đôi. Thảo, giọng ái ngại, cho ông Thà biết cái chân văn nghệ ở đây anh ta đang giới thiệu cho một người học trò cũ của mình. Và, trong một sự cảm thông chan chứa, như vũ trụ nguyên thủy vẫn vậy, anh ta nhân tiện nói thêm rằng trường nghệ thuật của anh ta bớt lớp, số giáo viên có cơ thừa. Ông Thà hiểu ngay không còn giờ dạy cho người ngoài. Ông sực nghĩ ra: “của giáo sư Thảo”, cái công ti phụng sự tại gia trong tay  thằng này. Chắc rồi. Thảo này hay Thảo kia thì cũng rứa. Ngày trước mình đã tưởng “chẳng hại gì cho ai”(!).
 

      *  *  *
     Đã lâu tôi không gặp ông Thà, cũng không được tin ông. Tôi mường tượng ông đã già lắm song tóc chưa bạc hết, dáng đi vẫn thẳng. Cái chuyện xin lén nước để giặt cổ áo là chuyện đời xưa, như mọi chuyện khác người ta đồn thổi về ông. Hẳn ông không ra ngoài nhậu nữa. Thôi, thế cũng là phải . Các hàng quán bây giờ, chuyện vệ sinh thực phẩm, vệ sinh đồ uống rất chi là lôi thôi. Thêm nữa, nhậu ở ngoài ngày nay hiếm ai vì sự khoái khẩu đơn thuần, cả khi họ tiêu vung những đồng tiền bất chính. Thế nào bà chẳng thỉnh thoảng sửa cho ông bữa nhậu, nhẹ mà ngon,-bà vốn khéo tay nội trợ. Ông có thể rủ bà cùng nâng chén, nâng đũa. Và người bạn nào đó đủ thân. Tôi tin ông Thà vẫn giữ được cái cười  khà khà thật rộng miệng như hồi ông kể lại chuyện ba tiếng trống chầu “tao! tao! tao!”./.

Hải Phòng,  4 - 2000  

    Bạn Ct Ly thân mến,
Nếu có thể, mà không quá phiền, nhờ bạn thay bản này vào bản hiện đang ở trong thư viện (do lỗi của tôi, có một ít bất cập,-kể ra thì không đáng gì lắm, song sửa được thì nên sửa, cũng là tôn trọng bạn đọc).
Dù thế nào , cũng xin cảm ơn bạn trước.
K.N.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.03.2009 16:11:25 bởi Khải Nguyên HT >
#1
    Khải Nguyên HT 06.03.2009 20:22:30 (permalink)
    Ông Nọi
     -truyện ngắn-
            

              Hồi đó, các cháu học sinh trường cấp một phố tôi nô nghịch vào loại nhất, vậy mà ông bảo vệ của trường chẳng phải quát nạt bao giờ. Chúng mến ông, nể ông, một ông già cao, gầy, má hóp, râu cằm lưa thưa, chẳng có "uy" trấn người ta, chẳng có "ân" hút người ta. Ông vốn là phó may đã trao nghề lại cho cô con gái. Ông sống vừa cởi mở, vừa kín đáo - cởi mở giao tiếp mà kín đáo tâm tư. Chỉ những khi ngồi bên ấm trà cùng tôi, ông mới rủ rỉ dăm ba mẩu chuyện đời ông đã trải. Nhờ đó, tôi mới chắp nối nên truyện này.
            Ông Nọi vốn là Việt kiều Thái Lan về nước. Năm 1946, giặc Pháp tàn sát những người Lào yêu nước và Việt kiều ở Thakhec, cả khi họ vượt sông Mê Công chạy sang đất Thái. Máu nhuộm đỏ dòng sông đang mùa nước trong xanh. Nọi lạc mẹ và em, cùng số đồng bào thoát chết định cư tại vùng Đông Bắc Thái Lan. Cộng đồng người Việt sống đùm bọc nhau và hoà hợp với dân bản địa. Ai cũng hướng về đất nước đang kháng chiến. Được mấy năm, chính phủ mới lên ở Băng Cốc không ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân ba nước Đông Dương như chính phủ trước nữa. Họ làm theo yêu cầu của Pháp ra tay đàn áp Việt kiều. Việc làm ăn bị o ép; trường học của trẻ em bị đóng cửa; chùa chiền bị phong toả. Năm ấy, bà con ta ăn một cái Tết buồn. Nọi, trong cơn phẫn, sáng mùng một bỏ nhà tìm đường đến Băng Cốc. Chàng mang theo nghề thợ may và vốn tiếng Thái khá khiêm tốn. Thời nào thì một đô thị sầm uất cũng dễ kiếm việc hơn. Chàng tin vậy. Nhưng chàng sớm vỡ mộng. Sau mấy ngày lang thang, bụng rỗng mà túi cũng rỗng. Chàng không muốn ngửa tay ăn xin. Chàng gượng vào một vườn hoa nhỏ vắng người nằm trên ghế đá rồi lịm đi lúc nào không biết. Đối diện với vườn hoa bên kia đường là một tiệm may Hoa kiều. Một người trong tiệm để ý thấy người lạ nằm đó từ nửa buổi trưa không nhúc nhích bèn ra xem. Vừa nhòm qua, anh ta hoảng lên: một cái xác. Bà chủ tiệm nghe báo cũng hoảng. Có người nằm chết trước tiệm thì thật xúi quẩy. Kế toán của tiệm, một người đã cứng tuổi, sờ đầu, sờ mạch "xác chết", đoán chỉ bị đói lả đi thôi. Bà chủ bèn đưa vào nhà bón nước cháo cho. Chàng Nọi thoát chết, lại được bà chủ nhận cho làm một chân phụ ăn ở ngay trong tiệm. Chàng tạm yên tâm ở đấy, tính nương náu ít lâu cho biết hơi hướng Băng Cốc và kiếm tiền đi đường để trở lại chốn cũ. Thường ngày, xong buổi làm, chàng hay tha thẩn dạo quanh phố xá. Một hôm, chàng đến một nơi người ta đang cân thóc để chuyển đến nhà máy xay. Các người phu bản xứ nối nhau đội thùng thóc đến đặt trên bàn cân, xong lại nhắc lên đội đi đổ xuống thuyền. Nọi ngứa miệng nói buông: "Làm vậy, phí sức và phí thời gian quá". Người đang trông coi việc cân nghe được, hỏi lại: "Thế thì sao?". Nọi bèn đề ra cách mà mình chợt nghĩ: Cân người phu trước, sau đó từng người đội thóc cứ tiện đường đi bên này bước lên bàn cân rồi thuận chân bước xuống đi tiếp tới nơi trút thóc, vừa nhanh vừa đỡ tốn sức. Trạm cân thóc ấy thuộc một ông chủ lớn người Hoa, chú của bà chủ tiệm may. Ông chủ lớn nghe nói lại sáng kiến của Nọi, bảo cô cháu chuyển anh thợ phụ cắt may sang cho mình. Một bước ngoặt trong đời Nọi. Chàng được giao một trạm cân thóc. Lương cao hơn và ăn ở cũng đàng hoàng hơn. Nếu yên phận thì cuộc sống như vậy là tạm được rồi, lại còn có cơ khá lên nữa. Nhưng anh chàng Nọi lại không "biết điều". Lần ấy, chàng được phái đi mua thóc tại một vùng nông thôn. Ở những nơi như vậy, thường có đại lí của ông chủ lớn. Đi về, Nọi thật thà nói ý nghĩ của mình với ông chủ:
             - Giá thu mua quá thấp.
             Ông chủ ngắm anh làm công bạo phổi, thủng thẳng nói:
             - Chúng nó đồng ý bán vậy mà.
             - Họ không còn cách nào khác. - Nọi vẫn giữ ý mình.
             - Anh thương chúng nó à? - Ông chủ vẫn không cao giọng.
             - Họ và vợ con nheo nhóc lắm. - Ngừng một chút, Nọi đề nghị: - Ông cho tôi làm việc khác.
             Ông chủ nhíu trán, trầm ngâm chốc lát rồi quyết định ngay:
             - Được! Tôi cử anh làm Tổng quản lí các cơ sở kinh doanh của tôi.
             Ông chủ thuộc số các nhà tư sản người Hoa đang nắm vận mệnh kinh tế nước Thái Lan. Ngoài xuất khẩu gạo, ông ta còn có cả những nhà máy xay, nhà máy cơ khí... Cơ ngơi của ông ta rải ra nhiều nơi. Mỗi khi có cuộc họp bàn việc lớn, ông ta cùng bạn làm ăn lên thuyền neo giữa sông to; xung quanh, trên bờ, trên sông, có các chốt gác. Tổng quản lí chưa phải là tổng giám đốc như ngày nay, song quyền cũng to, thanh tra, giám sát, tổng hợp tình hình, đề xuất ý kiến...
             "Tôi biết ông chủ đặt tôi vào cửa độc đây. - Ông Nọi nhỏ nhẹ bảo tôi. - Ông ta đáp lại tính hay trắc ẩn của tôi. Làm tổng quản lí dễ gặp "rủi ro" lắm, từ cả hai phía. Đã có mấy tổng quản lí tử nạn một cách bí ẩn. Hoặc tôi sẽ theo chân họ, hoặc tôi sẽ được việc. Cách dùng người của ông ta là vậy".

              Không dám mạo hiểm, chỉ có cách chuồn. Cách đó không hợp với Nọi. Chàng xin ứng trước một số tiền, và xin vắng mặt để tự lo liệu trong ba tháng.
             Chàng khăn gói lên đường đến các cơ sở gần xa của ông chủ đóng vai người đi tìm việc. Chàng xâm nhập các xóm lao động, la cà nơi các quán rượu, các quán cơm bình dân. Chàng trà trộn vào đám người chờ việc. Chàng lân la làm quen với những người thợ, những nhân viên văn phòng, những người chạy việc. Chàng thu thập tin tức, nắm tình hình mọi mặt từ cách làm ăn, cách đối xử của các ban điều hành, đến đời sống của những người làm công. Chàng biết được khá nhiều chuyện. Đồng thời chàng kết thân được với một số người có bản lĩnh ngang tàng mà trung thực, hào hiệp, những người thường không được may mắn trong cuộc đời. Sau ba tháng, chàng về gặp ông chủ xin chính thức nhận việc. Chàng đề nghị ông chủ tư giấy đi các nơi giới thiệu tổng quản lí mới, kèm ảnh (chàng không tự mang giấy giới thiệu như tôi nghĩ). Đến gặp lãnh đạo các cơ sở, chàng nói trúng phóc những cái hay, cái dở của họ, của xí nghiệp, nhà máy. Họ chỉ còn có việc tròn mắt mà ngạc nhiên. Những thâm thủng lớn, chàng bắt bồi hoàn. Những tư túi chút đỉnh chàng cho qua. Nhưng với trường hợp nào chàng cũng nhấn mạnh: "Các chuyện trở về trước vậy là coi như xong, tôi sẽ không nói gì với ông chủ. Từ nay trở đi các vị lưu ý cho, ông chủ sẽ không nhẹ tay đâu". Không phải dễ mà có được, mà nói được câu nói kiểu đó.
             Con đường sự nghiệp của Nọi, nếu có thể gọi là sự nghiệp, đã mở ra như thế. Lắm khi vào việc mới tự phát hiện ra khả năng mình. Nếu lại có ai đó đánh giá cao, càng say việc. Say việc dễ làm cho quên ngày tháng, quên cả thân phận.
             Một hôm, ông chủ mời Nọi đến nhà riêng, một điều ông ta ít làm đối với thuộc hạ. Sau khi Nọi uống cạn chén rượu tự tay ông ta rót, ông chủ đi thẳng vào việc. Cô cháu họ ông ta, bà chủ tiệm may ấy, ở góa đã mấy năm, không con, ông ta muốn xe duyên cho chàng. "Tôi quí anh, muốn anh trở thành người trong nhà. Cháu nó ở vậy mãi đâu có được. Mà tìm người thích hợp đâu có dễ". Cô chủ tiệm may chẳng lạ lẫm gì đối với Nọi. Cô còn trẻ, hơn chàng một tuổi, dung nhan dễ coi, tính tình điềm đạm; hồi cứu chàng rồi cho chàng việc làm cũng không giữ bộ bà chủ. Nhưng dường như ông chủ muốn ràng buộc chàng đây. Chẳng phải do tình yêu của cô chủ tiệm may. Cô ta nhiều lắm là có thiện cảm với chàng thôi. Từ chối thì làm nàng, người mình chịu ơn bẽ bàng. Và ông chủ sẽ nghĩ gì? Với một người vốn không nhiều lời nhưng một khi đã quyết định không muốn bị trái ý thì chưa biết sẽ thế nào. Nọi chẳng có nhiều thì giờ để đắn đo lâu. Đám cưới không phô trương, song đủ các nghi lễ chính của tục Tàu.
             Trở thành người thân thích của ông chủ. Nọi thấy càng phải giữ gìn hơn. Tín nhiệm và uy tín của chàng do tự tay chàng. Làm khác, chàng sẽ tự làm mình bé đi trong mắt vợ, dẫu có vẻ được lớn lên trong mắt người đời, nhất là người của công ti.
             Ông chủ định mở một cơ sở thu mua và chế biến hải sản ở bờ biển phía Nam. Dân địa phương nhao lên phản đối. Đứng đằng sau, trước hết là những vựa cá, những người buôn bán hải sản tại các chợ… Nọi được phái đi xem xét sự thể và được ủy toàn quyền giải quyết. Chàng đem theo năm người thân tín. Đến nơi, sau khi đã nắm bắt tình hình, chàng mới ra mặt là người của công ti.  Chàng vào một tiệm rượu lớn nhất thị trấn. Đối chọi, nếu phải xẩy ra, thì tại đấy vẫn hơn là những nơi xo xúi. Chàng chọn một bàn ở khoảng giữa sát tường chính. Người của chàng tản ra các bàn ở vòng ngoài. Chàng đang gọi thức uống thì một toán người kéo đến trước cửa tiệm. Lao xao tiếng nói, cả tiếng thét lác nữa. Đám đông dừng lại ngoài quán, sáu người tách ra bước vào. Họ ngồi xuống bên mấy chiếc bàn kề cửa ra vào, hướng về Nọi. Người để ria mép trong bọn dặng hắng rồi nói phủ đầu:
             - Này ông kia! Các ông đến đây để giúp chủ người Hoa bóp nghẹt chúng tôi phải không?
             Trong phòng lặng phắc. Chợt một tiếng bàn tay đập bàn. "Xin được ra tay" - thủ lĩnh nhóm người của Nọi ra hiệu hỏi. "Chờ đã" - chàng vỗ hai tiếng xuống bàn mình đáp lại. Chàng thong thả châm thuốc lá rồi nhìn mấy người gây sự điềm tĩnh nói:
             - Chúng tôi đến chỉ làm lợi cho dân vùng này thôi.
             - Ông nói nghe lạ tai đấy. - Người râu mép cười khẩy.
             - Thế này nhé! Cá tôm các người đánh bắt được có phải bao giờ cũng bán chạy đâu. Có xí nghiệp thu mua và chế biến tại đây thì lúc đó không một ai có thể ép giá được. Đó là một. Xí nghiệp càng phát triển thì càng thúc đẩy nghề biển; khi cần, xí nghiệp sẽ hỗ trợ vốn liếng và phương tiện. Đó là hai. Điều thứ ba càng quan trọng, xí nghiệp sẽ cần lắm nhân công, chẳng phải sẽ giải quyết việc làm cho nhiều người ư?
             Nọi biết những người hăng hái nhất, những người được đẩy ra đương đầu thường là những người nửa thất nghiệp, hoặc không có việc làm ổn định. Nói chung, dân lành nước Thái hầu hết là theo đạo Phật, không muốn nhiễu sự. Họ chỉ cất tiếng khi bị dồn vào chân tường. Đám người kia nghe chàng nói nét mặt dịu hẳn. Rồi họ làm thân. Họ hỏi han các dự định của ông chủ.
             Khi kể lại chuyện này với tôi, ông Nọi ngậm ngùi nói: "Ngẫm lại những lời tôi bảo họ có sự thật và có cả ngụy biện. Mở xí nghiệp chế biến hải sản tại đấy đúng là có góp phần đẩy kinh tế biển lên, mở mang xuất khẩu, thêm công ăn việc làm. Nhưng mặt khác, nó bóp chết nghề buôn bán hải sản của dân địa phương. Nhiều người không chuyển đi làm ăn nơi khác được đành bám quanh xí nghiệp làm các việc vặt, hoặc buôn bán vặt mua đi bán lại quẩn quanh. Lắm kẻ lâm vào cảnh khốn cùng hơn trước. Số người được nhận vào làm trong xí nghiệp có phải là bao nhiêu cũng vừa đâu. Còn dân đánh bắt hải sản thì buộc chặt vào xí nghiệp, trở thành người làm thuê lúc nào không biết. Trước kia họ làm tự do hoặc hợp tác tự nguyện. Dần dà, ông chủ tìm cách gom họ lại một cách tinh vi, nảy nòi ra những "cai đầu dài" như ngày nay ta hay nói. Chưa kể ảnh hưởng đến bữa ăn của các gia đình khi tôm cá trở nên khan hiếm trên thị trường tự do. Kề biển mà phải nhịn thức ăn biển, trái khoáy vậy".
             Làm được việc, có uy tín, được chủ tín nhiệm, song tâm tư Nọi có mòi bất ổn. Chàng rất ngại những khi rảnh rỗi. Mẹ và em mất tích ở Lào, chắc là bị giặc giết rồi. Chàng nhớ đến cộng đồng người Việt ở đông bắc nước Thái đang hồi khốn khó nhất do chính sách kì thị của chính quyền phái hữu. Chàng không còn quê hương. Quê hương Việt, chàng chỉ có thể mường tượng qua lời mẹ kể. Vợ của chàng khó mà sẻ chia được những nỗi niềm riêng tư của chàng. Có những lúc người ta dễ tặc lưỡi tìm cách giải phiền. Nọi đã trụ được. Chàng tránh được những cám dỗ. Nhưng có một lần chàng đã buông xuôi. Một người của chàng hôm đó thấy chàng nặng suy tư đã rủ đi thăm sòng bạc "coi cho biết". Dự định chỉ là xem thôi, nhưng quỉ xui thế nào, chính chàng không hiểu mình lúc đó, chàng thử đánh. Ban đầu là "thử", sau là "khát". Nhoáng cái, chàng đã nướng sạch số tiền của công ti chàng mang theo để tùy nghi xử lí khi có việc. Chàng đến gặp ông chủ nói vắn tắt chuyện mất tiền và xin được đền bằng cách trừ dần vào lương tháng của mình. Con trai ông chủ phụ trách một bộ phận kinh doanh cũng có mặt lúc đó đề nghị dùng quĩ đen của bộ phận mình trả thay. Chàng nghiêm mặt bảo: "Đây là việc của tôi, chú dưới quyền tôi, chú không được làm vậy". Ông chủ - chú vợ im lặng chấp thuận. Chàng không một lần nào đặt chân vào sòng bạc nữa. Trước đó, chàng chẳng mấy quan tâm đến chuyện dành dụm. Chàng thấy mình sống chưa có trách nhiệm với mình lắm.
             Năm 1960, Chính phủ Việt Nam (Hà Nội) điều đình với Chính phủ Thái Lan để cho Việt kiều tự nguyện về nước. Nọi như sực nhớ ra mình có một xứ sở, một quê hương. Không chút chần chừ, anh ngỏ ý với chủ. Ông ta bảo: "Năng lực của anh đang độ chín. Anh ở lại, tôi sẽ gây dựng cho anh". Anh cảm ơn, nhưng không thay đổi ý định. Anh hỏi vợ có đi với mình không, chị hỏi lại:
             - Về Bắc Việt hay Nam?
             - Bắc. (Chính quyền Sài Gòn lúc ấy đang ra sức lôi kéo kiều bào về Nam. Chính quyền Băng Cốc cũng gây sức ép phụ họa).
             - Thật ra với em thì Bắc hay Nam không quan trọng, tuy em có họ hàng xa ở Chợ Lớn. Anh cứ đi trước. Em còn phải suy tính, thu xếp, có gì em sẽ báo anh sau.
             Nọi biết sự liên lạc rồi đây sẽ chẳng dễ. Chị ta như vậy là đã quyết định rồi.
             Khi chiếc tàu sắp cập bến Hải Phòng, mắt bao nhiêu người nhòa lệ, - những con người vì sự săn đuổi của bọn giặc nước hoặc vì miếng cơm manh áo mà phải bỏ nước ra đi. Nọi rời đất Hà Tĩnh khi còn bé, hình ảnh quê hương gợi lại chỉ mơ hồ, nhưng khi nhìn thấy bến bờ Tổ quốc, tim anh như có ai vuốt nhẹ.
             Điều bất ngờ nhất đang đợi anh phía trước. Đoàn Việt kiều hồi hương được ban đón tiếp đưa về ở tạm trong một biệt thự xây từ thời Pháp đô hộ. Hôm ấy, Nọi đang sửa soạn để cùng mọi người đi xem văn nghệ chiêu đãi thì được báo có người cần gặp. Anh vào phòng khách bằng lối cửa bên. Một người đàn bà vóc nhỏ, tóc bạc phơ, ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế bành đang ngóng về phía cửa ra vào chính. Ngồi cạnh là một thanh niên cường tráng đang lật giở tờ họa báo trên bàn. Nọi giật thót mình, đứng đực ra, mãi rồi mới thốt được một tiếng thì thào: "Mẹ". Tiếng anh chỉ thoảng qua như hơi gió nhưng cũng đủ làm người đàn bà ngoảnh nhìn. Đến lượt bà, bà trân trối nhìn anh, tay muốn đưa lên phác một cử chỉ mà không nổi.
             Mẹ và em anh nằm trong số rất ít Việt kiều sống sót sau vụ bọn Pháp giết chóc ở Thakhec năm xưa. Được người Lào che chở và giúp đỡ, bà cùng con trai lần về được tới quê hương. Tuy cũng ngờ rằng anh đã bỏ mình trên dòng sông Mê Công, bà vẫn nuôi một hi vọng mỏng manh. Em anh vừa vào bộ đội được mấy tháng, đóng quân cạnh thành phố này, dò danh sách thấy những người hồi hương đợt đầu thấy có tên anh. Nhưng cậu chỉ bảo mẹ đi tìm gặp người quen. Cậu cẩn thận phòng sự trùng tên, tránh cho mẹ khỏi thất vọng hay cậu muốn dành cho mẹ một niềm vui bất ngờ?
             Tôi hỏi ông Nọi sao về nước không tiếp tục nghề quản lí kinh tế mà lại đi làm thợ may. Ông cười nhẹ, nín lặng. Nhưng rồi vào một dịp Tết, vui chén rượu xuân, ông cũng thổ lộ tâm tình.
             Người ta cũng có hỏi đến những việc ông đã làm ở bên Thái, và hỏi ông có nguyện vọng gì. Ông thấy cũng khó giao việc cho mình như hồi ở bên đó. Bên đó là chủ tư bản, được việc thì dùng, hỏng việc thì loại bỏ. Dùng hay bỏ là do một tay họ. Ở ta, không thể tùy tiện dùng, tùy tiện bỏ. Ông lại chẳng ở trong đoàn thể, giao phụ trách sao được. "Nói thật cùng anh, ông nói, nếu có giao cũng khó mà làm theo cách tôi đã làm bên ấy. Chỉ nói chuyện này thôi. Muốn nắm chắc tình hình, quán xuyến công việc, tôi phải lao tâm, khổ tứ, xông xáo, tất nhiên rồi, nhưng cũng còn phải dựa vào người của mình. Dùng họ, phải rộng rãi. Khi cần, tôi bỏ ra cả tháng lương chiêu đãi họ. Lương tháng của tôi hồi ấy thì khỏi nói. Nhưng dùng họ mà nhăm nhăm lấy cái bả vật chất để dử thì hỏng, hỏng việc, hỏng chính mình. Tôi đãi họ trước hết theo tình người". Tôi thấy ông chẳng có dáng dân anh chị chút nào. Những lời trên của ông là tình thực. Quả không dễ mà có đất dụng võ.

             *   *   *
             Một chiều, quãng trước chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mĩ không lâu, ông Nọi đến bảo tôi: "Bữa nay, cậu cắt cơm ở bếp ăn tập thể, đi với tôi". (Hồi ấy, tôi đang "ba không": không nhà riêng, không vợ, không xe đạp). Ông dắt tới một chiếc xe đạp để tôi đèo ông đi. Ông thạo lái ôtô nhưng lại không biết đi xe đạp. Chúng tôi tới cửa hàng ăn sang trọng nhất thành phố. Ông Nọi đã đặt trước bữa tối tại đó. Ngày còn ở bên nước bạn, bà cụ Nọi có che giấu, tiếp tế cho một số nhà cách mạng Việt và Lào. Trong số đó, có một ông nay là cán bộ cao cấp trung ương. Nhân ông này về công cán tại địa phương và ghé thăm bà cụ, ông Nọi bèn mời cơm ông. Ông khách đi xe xích lô đến, tuy ông có xe ôtô con riêng, đã hẳn là xe công. Vừa bước vào phòng, ông hỏi ngay "bà cụ đâu?". Ông Nọi tạ rằng mẹ ông hơi se mình và buổi tối bà chỉ thích ăn nhẹ. Bữa hôm đó thật là thịnh soạn, chẳng riêng đối với tôi, một kẻ luôn luôn "đói ăn ngon". Ông khách của ông Nọi nhìn bàn tiệc hơi mím môi một chút, chỉ một thoáng rất nhanh thôi. Ông ăn uống tự nhiên, ngăn không cho mở chai rượu mùi, Liên Xô hay Tiệp Khắc gì đó, tôi không còn nhớ. Chuyện trò rôm rả, dung dị. Bữa ăn kéo dài nhưng không sao "đánh đổ" nổi đến nửa lượng thức ăn bày ra. Xong bữa, ông khách bảo khoan hãy dọn bàn. Ông gọi xích lô cho đi rước bà cụ Nọi đến. Ông trỏ cái bàn đầy thức ăn dở bảo bà: "Chị xem! Nó bày vẽ ra ăn nhà hàng, vung tay khiếp chưa! Hồi ở bên đó, chị phải gom từng hào để nuôi bọn tôi hoạt động. Kiều bào mình về nước có dư dả chút ít, chớ nên phí phạm. Nước mình còn nghèo lắm, chưa khá lên ngay được đâu". Ông Nọi kín đáo bẹo tôi một cái rõ đau. Trên đường về ông bảo tôi: "Còn may đấy! Cụ mà bỏ về không chịu nhúng đũa thì thật ê". Mãi sau này, nhắc tới ông khách nọ, ông thủ thỉ nói: "Chuyến ấy làm tôi tỉnh ra. Tôi chẳng phải là tay tiêu hoang, mà nết sống quen đi. Ông ấy sống đúng như ông ấy nói. Không biến con cái thành loại cậu ấm, cô chiêu. Giá ông lãnh đạo nào cũng được vậy!".
             Từ lúc mắt kém dần, ông Nọi phải rời nghề may. Trường tiểu học gần nhà ông khuyết chân bảo vệ, khó tìm người thay, ông ngỏ ý nhận thế chỗ. Những người thân của ông hết sức can ngăn, nói ông sức yếu chẳng kham nổi đâu. Lí do chính có lẽ là việc làm ấy đáng ra là của người không còn biết làm gì hơn. Song ông nhận làm đâu phải vì ông túng! Ông đã làm việc đó một cách bình thản và lặng lẽ, như tên ông - tiếng Lào có nghĩa là nhỏ.
             Ông ra đi vào cõi u minh cũng lặng lẽ và bình thản như thế, chẳng ốm đau gì, một ngày đầu xuân rét ngọt.

    X - 1997 
     


    <bài viết được chỉnh sửa lúc 06.03.2009 20:53:08 bởi Khải Nguyên HT >
    #2
      Khải Nguyên HT 11.03.2009 11:32:14 (permalink)
      CHIM GÕ KIẾN
                       
       
                                                            
                                                                            Hoài bão giả thí hoài bão thật.
                                                                                                    (triết ngôn dân dã)
       
             Hai người cưỡi ngựa đi trong khoảng rừng cháy nham nhở. Rừng cây chết lặng, lá cây như nép vào nhau. Người đội mũ vải có lưỡi trai khoác khẩu AK. Người đầu trần mang khẩu súng thể thao và một cái ống nhòm. Họ chỉ trỏ, quan sát những cây cổ thụ rải rác đó đây chỉ hơi bị sém lá và bàn bạc nho nhỏ. Nom họ có vẻ ung dung và phởn phơ. Chợt "tộc, tộc, tộc"… tiếng chim gõ kiến nổi lên. Tiếng dội mơ hồ tựa gió vừa động lá. Cây khẽ cựa mình và đôi ngựa rung bờm. Người đội mũ vải máy người đầu trần. Hai người xuống ngựa nhẹ chân đi về phía có tiếng chim. Như có phép lạ, cây vàng tâm ở đó không bị ngọn lửa đụng tới một phiến đá nhỏ. Để ý nhìn, có thể thấy quanh cây quang quả như đã được dọn trước một vành đai an toàn. Hai người rón rét đi vòng quanh gốc cây ngấp nghé nhìn lên. Tiếng gõ đã im. Chẳng có dấu hiệu gì tỏ ra là có chim chóc trên cây. Người đầu trần đưa ống nhòm lên mắt sục sạo. Kia rồi! Một chú chim màu xám tít trên cao, hai chân bám vào thân cây, cái mỏ dài của nó đang tì vào vỏ cây. Có lẽ lúc này cái lưỡi dài thon, sắc nhọn và dễ uốn thành cái móc của chim đang khoan vào khe hở trong vỏ cây, cố lọt vào trong cái đường hầm lắt léo của con sâu nào đó để lôi nó ra. Người đầu trần trỏ cho người kia thấy. Anh này nâng khẩu A.K., nhưng người đầu trần ra hiệu ngăn lại:
             - Nát mất. - Tiếng anh ta thoảng như tiếng khấn - Để còn sấy khô đưa vào phòng truyền thống.
             Anh ta chỉ khẩu súng thể thao và gần như không cần ngắm, nổ ngay một phát. Anh ta vốn là tay thợ săn nghiệp dư cừ khôi. Con chim chỉ hơi động cánh rồi im lìm, cái đầu nghiêng nghiêng một bên ngó nhìn xuống dưới. Anh thợ săn lầm bầm một câu chửi tục, thay viên đạn mới lẩy một phát nữa. Vỏ cây toác ra một miếng nhỏ sát dưới đuôi chim. Con chim vẫn bất động như chọc tức. Người đội mũ gạt người đầu trần ra bên, giương khẩu súng của mình ngắm cẩn thận rồi kéo luôn một băng đạn. Cả một mảng lớn vỏ cây văng ra lao xuống hai bộ mặt đang nghếch lên. Hai người dạt ra tránh và đều ng• sõng soài, hai khẩu súng dằn mạnh xuống đất kêu đánh "bộp". Hú vía! Không ai hề hấn gì. Họ lồm cồm bò dậy và cùng trố mắt ra: con gõ kiến xám đầu đỏ đã chết cứng tự bao giờ, hẳn là từ phát đạn đầu, chân vẫn quặp chặt vào mảnh cơ thể của cây vàng tâm.
       
             * * *
             Khi ánh ngày vừa hửng thì trong các tán lá rừng đã lao xao gió và rộn rã tiếng chim. Họ nhà gõ kiến có thể sánh ngang những viên chức nề nếp, cần mẫn, năng nổ và có lương tâm nhất. Nhưng chúng quá khiêm tốn đến mức nhút nhát và an phận. ít ai được trông thấy chúng.
             Tộc, tộc, tộc,… Chà! Chú mày đúng giờ khiếp. - Chị liếc nhìn đồng hồ tay mỉm cười một mình - mổ liên hồi ra cái điều ta đây tích cực. Nhưng chú mày có công hay có tội chưa được phân định đâu. Chị nhớ đến các cuộc tranh luận dai dẳng trong đội tu bổ và khai thác rừng. Cả vạt rừng này hình như chỉ có một con gõ kiến, và ai cũng đinh ninh nó là con trống. Chẳng biết tổ nó ở đâu? Nó có bạn đời không? Nó mổ để làm gì? Số đông cả quyết rằng gõ kiến chuyên săn lùng sâu bọ, côn trùng và kén của chúng, lắm khi còn mổ các tổ mối; nó là loài có ích. Đội trưởng, một người thích săn bắt từ thú đến chim, thì buộc tội gõ kiến là quân phá hoại. "Này nhé! - Anh ta đưa tay dứ dứ như những khi đăng đàn diễn thuyết - Nó khoét thân cây làm ổ có ảnh hưởng đến cây không nào? Nó mổ vỏ cây suốt ngày tránh sao khỏi làm hư hại cây! Nó mổ tìm gì? Nó xua đuổi và tiêu diệt kiến là loại bảo vệ cây chống sâu bọ, nhất là kiến đỏ". Còn đội phó từng giữ kho ở Trường Sơn thì nói với giọng không cho ai nghi ngờ: "Bảo gõ kiến mổ cây để tìm kiến ăn là láo khoét. Tôi đã từng quan sát rồi. Nó gọi bạn tình đấy". Cần một nhà sinh học có kinh nghiệm hoặc một "nhà kinh nghiệm" có kiến thức sinh học may ra mới phân giải được.
             Làm việc trong rừng bạt ngàn cây cao bóng cả mà con người không cảm thấy bé nhỏ và đơn độc nhỉ? - Chị thầm nghĩ - Nếu hiểu được đời sống của rừng, nghe được những tiếng nói riêng của rừng thì sẽ là một niềm vui lớn. Tiếc là mình còn đang rất lơ mơ về chuyện này. Đó! Lại đang "tộc, tộc, tộc,…". Khoảnh rừng như ấm hẳn lên. Có tiếng dẫm mạnh trên cành lá khô phía sau, nét cười trên gương mặt chị nhòa mất. Không ngoảnh lại nhưng chị cũng biết người đó là ai rồi. Tầm này đội trưởng đội ba hay xuống kiểm tra, đôn đốc các tổ và người công tác lẻ rải rác trong các vạt rừng được giao. Anh ta thường cưỡi ngựa, đeo súng săn, có cả một chiếc ống nhòm lủng lẳng trước ngực. Như là một bức biếm họa người đi săn mô phỏng từ một bộ phim nước ngoài nào. Cũng có khi anh ta mang khẩu súng thể thao. Đó là những khi anh ta không chủ định đi lùng muông thú. Thiếu phụ giật mình vì tiếng ngựa hí gần ngay sau lưng. ít khi đội trưởng dừng lại nơi chị. Thoảng qua là một câu hỏi han chiếu lệ. Dẫu rằng sau đó chị khó lấy lại được sự thanh thản và ánh mắt sắc của đội trưởng như vẫn dán vào từng động tác của chị - cái mặc cảm của người bị theo dõi, chị vẫn lấy thế làm mừng, bởi chị không biết cách ăn nói với cấp trên các loại sao cho phải đạo. Chồng chị thường phiền lòng vì nhược điểm ấy của chị. Hôm nay anh ta cần gì mình nhỉ. Hay là vì cái chuyện hôm ấy? Chiều hôm ấy, chị nán lại sau buổi làm việc và bắt gặp đội trưởng đi "sát quần chúng" trở về. Vắt ngang trên yên ngựa phía trước là một con gấu chó. Loại thú này gần bị tuyệt diệt nên đã có nghiêm lệnh cấm săn bắt do chính giám đốc lâm trường truyền đạt. Chị là thành viên của hội bảo vệ môi sinh. Nhưng lúc đó chị đã quay đi vờ như không nhìn thấy rồi mà! Chị đâu biết rằng ngay tối đó, đội trưởng đã đến nhà riêng giám đốc biếu bốn bàn chân gấu - món đặc sản ngày xưa thường chỉ xuất hiện trên bàn tiệc của các bậc vua chúa. Giám đốc chẹp chẹp miệng: "Cơ quan bảo vệ động vật quý hiếm mà biết thì chết đấy!" Rồi cười lên khà khà. Ông ta ngừng cười, thân mật ghé mặt lại gần mặt cấp dưới: "Này! Mật gấu thấm vào giấy bản hong khô để dành là quí lắm, có giá lắm đấy nhá". Đội trưởng nắm bắt ngay được ý tứ của thủ trưởng.
             Tối hôm đó chị phàn nàn với chồng:
             - Họ phá rừng chưa đủ, lại còn phóng tay diệt chim, thú quí hiếm.
             - Ồi! Chồng chị tặc lưỡi - ít nữa nơi này chẳng còn là nơi trú ngụ của chúng nữa đâu. Chẳng săn bắt thì cũng chẳng để làm gì.
             - Còn việc bảo vệ môi sinh? - Chị không hiểu hàm ý của chồng.
             - Cô cứ như con chim gõ kiến ấy, tưởng cứ khua mỏ là rừng phải động - Anh chồng bực bõ cắt lời vợ.
             Chị phật ý xoay người vào tường, nhưng anh chồng vẫn nằm chắp tay sau gáy nhìn lên đỉnh màn mãi suy tính chuyện gì tận đâu đâu.
      Lúc này chị đã lo hão. Chuyện chị bắt gặp con gấu chết oan, đội trưởng cho qua tự đời thuở nào rồi.
             - Công việc tỉ mẫn này cũng vất vả đấy nhỉ. - Anh ta săm soi một lúc rồi lên tiếng.
             - Cũng có cái thích anh ạ. - Chị không định trả lời thế.
             - Ờ, thích cũng thích, mà vất vẫn vất chứ. Khoảnh rừng này xem ra toàn gỗ táp nham. - Anh ta nói với giọng bí thử, song mắt lại có ánh ranh mãnh.
             - Chẳng táp nham đâu. - Chị thật thà nói - Lát hoa, gụ, lim… đủ cả. Ngoài những cây đã có thể khai thác, còn nhiều cây nhỡ, cây con.
             Vừa lúc tiếng gõ kiến chợt lại rộ lên.
             - Hừ! Tao định hỏi tội mày đã lâu. - Đội trưởng trật súng ra khỏi vai.
             - Đừng, anh ạ. - Chị hốt hoảng nói, giọng van lơn - Để cho nó vui rừng. Chị không dám ra mặt bênh con chim.
             - Được thôi! Anh ta nói vẻ dễ dãi - Để cho nó lêu têu ít lâu nữa. Nó không chết thì rồi cũng phải cuốn xéo.
             - Sao vậy? Chị ngơ ngác hỏi.
             - À, "tư duy mới" mọi cái đều có thể xảy ra. - Anh ta nói lấp lửng - Này! Có muốn lên công tác công đoàn với đức ông chồng không? Trên cho công đoàn lâm trường thêm chỉ tiêu một cán bộ chuyên trách nữa đấy. Nữ càng tốt.
             Chị biết đội trưởng có quyền nói giọng ấy bởi anh ta ở trong thường vụ đảng ủy lâm trường. Lên làm ở văn phòng công đoàn hay lên làm một công việc gián tiếp trên lâm trường bộ là mơ ước của không ít công nhân, cán bộ đang hàng ngày dầu dãi trong rừng. Nhưng sao chị lại cảm thấy lo lắng. Mình có gì "sai lầm, thiếu sót hoặc sơ suất" nên bị điều đi? Chị đã có quá nhiều kinh nghiệm về những chuyện tương tự. Hồi đang là học sinh, cô bí thư chi đoàn lớp không đồng ý kết nạp vào đoàn một bạn học con ông, cháu cha vừa lười, vừa ngổ. Buổi sơ kết thi đua cuối tháng, cô được gần hết ban chấp hành chi đoàn, dưới sự chỉ đạo của bí thư đoàn trường và giáo viên chủ nhiệm, "góp ý thẳng thắn và chân thành" về khuyết điểm ít quan tâm đến phong trào học tập của lớp. Cô nhận là có phần đúng. Cô được chuyển sang làm cán bộ lớp phụ trách lao động, vì "có sức khỏe và tháo vát". Ngày mới ở trường lâm nghiệp ra xin được về làm ở lâm trường này, cô gái trẻ háo hức bước vào đời nhận việc bố trí và theo dõi phần việc thuê làm vệ sinh rừng. Mỗi toán người ngoài lâm trường đến làm công việc chặt dọn những cây gỗ tạp, những cây con lam nham, những dây leo, đều do một người đứng ra nhận khoán và thanh toán với lâm trường. Cô muốn chủ động làm việc, nhưng bao giờ cũng đụng phải một số nguyên tắc, thủ tục nào đó mà cuối cùng cũng phải qua tay trưởng phòng kế hoạch và trưởng phòng tài vụ quyết định. Được ít lâu, cô nhận thấy có những điều mờ am dính với bọn "cai đầu dài". Cô vừa nêu lên những nhận xét này với lãnh đạo tuần trước thì tuần sau trong cuộc họp của phòng kế hoạch, cô được góp ý cũng "chân thành và thẳng thắn" về những thiếu sót ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch của lâm trường. Cô nhận là có thiếu sót. Thế là cô được điều đi làm cái việc điều tra, tu bổ rừng "cho hợp với năng lực chuyên môn và nhu cầu công tác". Cô được giao hẳn một khoảnh rừng với một trách nhiệm khá mù mờ, khó gọi tên phân minh, nhưng nếu tận tâm làm thì cơ man là việc. Vốn được đánh giá là ý thức tổ chức tốt, cô chấp hành nghiêm chỉnh sự điều động. Tuy nhiên, từ đó cô đâm ra dè dặt trong lời nói, trong việc làm, và trong các cuộc họp kiểm điểm cô cứ lo nơm nớp. Người yêu cô có viết thư an ủi và động viên cô. "Học triết ở lớp chính trị mà em không nhớ: tự do nghĩa là nắm được qui luật. Qui luật đây, với chúng ta, là qui luật cách sống hiện tại, tự do đây là hoài bão mỗi người". Anh muốn nói đến qui luật sống nào vậy? Hoài bão nào vậy? Cô thấy mình mới nhỏ nhoi làm sao!   
             Những ngày ấy, trong khoảnh rừng này, đã có những giờ phút chị chỉ biết lầm lũi làm việc. Và may, những tiếng chim gõ kiến đã đến làm bạn với chị, như là một sự nâng đỡ.
             Trong khoảnh rừng mình phụ trách chị phát hiện ra một cây vàng tâm. Nơi ấy là một góc rừng heo hút ngày trước nổi tiếng linh thiêng, những tay thợ rừng, thợ săn liều lĩnh nhất cũng không dám bén mảng tới. Câu chuyện dính với một truyền thuyết về một vạt rừng đầy những cây vàng tâm bị con người bòn rút đến kiệt. Ồ! Gỗ vàng tâm! Ngày còn học trường chuyên nghiệp, chị quen một ông già vốn là chủ một hiệu đồ gỗ xưa kia.
             - Cháu ạ, làm đồ gỗ gia dụng, người ta hay chuộng những gụ, những lát. Các loại này thì đẹp thật, quí thật. Cái "anh" vàng tâm thì không có màu sắc tôn quí của gụ, vân hoa lộng lẫy của lát. Màu sắc nó giản dị, khiêm nhường thôi, nhưng nó lại có những cái hay khác: nhẹ mà bền, không mối, không mọt, không mục, không nứt, rất ít biến dạng.
             - Cháu nghe nói gỗ vàng tâm chỉ làm áo quan thôi.
             - Làm áo quan thì nhất đẳng rồi. Ngày trước có ngôi mộ hơn trăm năm đào lên cỗ săng vẫn y nguyên. Cái chất gỗ ấy dùng làm gì chả tốt. Tiếc là cây vàng tâm ở ta nay mất giống rồi hay sao ấy.
      Nhớ lại lời ông già, trong đầu chị lóe lên một ý nghĩ: liệu có thể bảo tồn và phát triển giống cây này ở đây không? ý nghĩ vụt ra nhanh như tia chớp và không chịu rời khỏi trí óc chị nữa. Song… có được không nhỉ? Có nên không nhỉ? Chị viết thư cho chồng. Anh khuyến khích chị. Anh cho biết anh cũng đang thai nghén một đề tài. "Chúng mình cùng quyết tâm đạt đến những công trình khoa học, nho nhỏ thôi cũng được. Có nhỏ rồi mới có to! Nhưng em hãy ướm xem ý tứ l•nh đạo ra sao". Chị chưa dám "ướm" và chờ một dịp "may". Vậy mà giờ đây lúc có chồng bên cạnh… Linh tính báo cho chị cây vàng tâm đang bị đe dọa.
             Đội trưởng bỏ đi khá lâu, chị vẫn còn phân vân. Tộc, tộc, tộc,… Con gõ kiến hiểu được nỗi lòng chị chăng mà tiếng gõ nghe rời rạc. Chị cảm thấy buồn nôn, phải vịn vào một thân cây. Phải chăng đây là một tín hiệu mừng? Với chị, cái mừng nào hình như cũng kề cận cái lo. Chị nhớ đến đứa con đầu, và lòng chị nhói lên. Ôi! Đứa con của tình yêu đang độ, của niềm tin tươi nguyên. ấy là một buổi trưa nắng dịu. Ngôi nhà lá im ắng náu mình trong vườn cây ven rừng. Tiếng chim ríu ran xa xa, và gió lướt nhẹ trên mái lá. Khung cảnh và không khí có chút gì quạnh quẽ rất dễ gợi buồn, làm mủi lòng những ông già đã về hưu và đẩy những cô cậu thanh niên đến những nơi ồn ã. Nhưng thần hạnh phúc đang đáp xuống căn nhà này. Chị chuẩn bị đi làm chiều thì chồng chị bước vào.
             Anh ôm chị chặt chặt, cho biết anh theo một đoàn công tác, chỉ tranh thủ ghé qua chốc lát thôi. Lúc này chị đang nằm trong vòng tay chồng. Anh vừa vuốt ve vợ vừa thì thầm: "Em có nhớ anh không? Anh mới được kết nạp Đảng. Anh đang phấn đấu để được đi Tây, đi nghiên cứu sinh ấy mà. Đi về, anh sẽ không lùi xùi như thế này nữa. Anh sẽ…" Chị phụng phịu (chị không nỡ giận anh): "Anh không có chuyện gì để nói với em nữa hay sao?" Anh hôn hõm vai chị: "Anh muốn con chúng mình được hoài thai trong ước mơ và hoài bão của cha mẹ nó, lúc này này!" Chị khẽ "ứ ư" trong cổ và tiếp nhận anh. Trong đê mê, chị vẳng nghe tiếng chim gõ kiến âm âm, dồn dập, tựa hồ sóng âm thanh cũng có sức mạnh chao đảo. Nhưng chị đang như tự tan ra, và những âm thanh ấy rồi cũng mất hút đi trong hư ảo. Đúng như mong muốn của vợ chồng chị, hơn chín tháng sau chị sinh con, một đứa con trai tròn trĩnh, bụ bẫm, rất chóng biết nói, nhưng chậm biết đứng, biết đi.  Ngày chồng chị xin chuyển công tác về quê nhà, đứa bé bỗng kém ăn, suốt ngày lầm lì, ủ dột. Đêm đến, nó trằn trọc và thở dài như người lớn. Sau ít ngày, nó thỉu dần và ra đi trên tay người mẹ. Nỗi vui được sum họp thường xuyên với chồng chẳng làm chị khuây khỏa bao nhiêu. Gia dĩ, anh có những lo toan mà chị không hiểu lắm. Đến khi được làm thư kí công đoàn lâm trường anh lại có thêm những đam mê mới. Một trong những cái mới ấy là thích khoác khẩu A.K cưỡi ngựa dạo rừng, khi thì với giám đốc, khi thì với đội trưởng đội ba.
       
             * * *
             Tôi thì tôi biết anh ta khá rõ. Anh ta với tôi đồng hương, hồi đó làm việc  cùng cơ quan. Tôi tốt nghiệp đại học trước anh ta khá lâu. Vừa đến nhận việc hôm trước, hôm sau anh ta đã tìm đến thăm tôi. Anh ta kể những mẩu chuyện quê hương làm quà khá hấp dẫn, rồi chuyển qua bộc bạch lúc nào tôi chẳng kịp nhận ra.
             - Khóa em ra trường khối người còn nằm chờ. Ông chú thứ trưởng của em định xin cho em về một viện nghiên cứu trung ương. Phải chờ biên chế hơi lâu. Em không muốn về quê. Muốn thì xong ngay. Hãy bay nhảy cái đã. Cân nhắc mãi rồi em chọn thành phố này. Cũng là một trung tâm kinh tế, văn hóa đấy chứ nhỉ. Ông giám đốc cơ quan ta thế nào anh?
             Tôi thấy ưa anh ta. Tiếp chuyện anh ta một lúc, tôi đã giới thiệu cặn kẽ cho anh ta biết tính nết, sở thích của thủ trưởng và các nhân vật khác có máu mặt trong cơ quan.
             Hai năm sau, giám đốc cử anh ta làm tổ trưởng tổ công tác gồm hơn mười người.
             - Các anh biết không? - Thủ trưởng kìm giọng giải thích cho người nào đó đã huýt sáo miệng khi biết tin ấy - Mấy ai năng nổ được như hắn ta. Có nhớ hồi sơ tán tránh thằng Ních-xơn không? hắn ta đã lặn lội cắt cho cơ quan bao nhiêu là cói để lợp tán.
             Tôi cũng giữ một cương vị lãnh đạo trong cơ quan, tuy ở vào một vị thế mà tiếng nói kém sức nặng, tôi hiểu rằng chừng ấy chưa đủ để làm trưởng về chuyên môn dù chỉ là một tổ.
             - Thôi, hắn ta chẳng quá dốt và chưa nát hơn số người khác. - Tôi tự nhủ để cảm thấy yên lòng.
             Anh ta có vẻ là người khá. Chịu khó học hỏi, cả trong lĩnh vực khó thừa nhận người khác hơn mình nhất. Dĩ nhiên, anh ta cũng chọn người và chọn lúc để học hỏi.
             Anh ta hay tâm sự với tôi. Hôm cưới vợ, anh ta nài tôi về quê dự cho được. Anh ta lấy một cô gái cùng huyện học trường lâm nghiệp ra. Cô gái xinh xắn và đôn hậu ấy đã trao mối tình đầu một cách thơ ngây pha chút dại khờ như mọi niềm yêu chất phác và trọn vẹn. Điều đó mơn trớn cái h•nh diện của anh ta khiến anh ta thấy mình bao dung, nhất là mỗi khi anh ta ngậm ngùi một cái bóng yêu kiều thị thành vờn qua cuộc đời mình. Tuy vậy, anh ta cũng đã lần chần mãi mới cưới. Cưới xong, cô vợ vẫn ở lại nhà mẹ đẻ. Vẫn ngóng đợi chồng mỗi năm hai lần nghỉ Tết và nghỉ "tranh thủ" như đã từng ngóng đợi người yêu. Và trong những lần ấy, cô sung sướng được chi xài những thứ ki cóp được trong cuộc sống tằn tiện: gạo nếp, đỗ, lạc, gà vịt, mật ong,… Sự ngóng chờ nhẹ bớt đi khi chồng cô để lại cho vợ "bản sao" của mình được hoài thai trong mơ ước và hoài b•o của họ, như chồng cô nói. Vậy là từ đó, niềm vui những ngày sum họp ngắn ngủi lại cộng thêm cái sướng được chồng khen khéo nuôi con. Dường như sự cách xa lại là một bảo đảm và một minh chứng cho hạnh phúc.
             Cơ quan được cử một người đi "nghiên cứu sinh" ở nước ngoài. Giám đốc chọn anh ta. Nhưng anh ta thi sơ tuyển thiếu quá nhiều điểm. Anh ta lại được đi học lớp cao học trong nước. Học được nửa tháng, anh ta lại phải bỏ dỡ vì chứng nhức đầu, theo lời anh ta.
             - Không cho mình đi Tây học một chuyến, quả là sai lầm. - Anh ta nói với tôi, dở nghiêm chỉnh, dở đùa đùa, không rõ định bảo ai sai lầm. ở tuổi chúng mình có lẽ phấn đấu theo con đường khoa học kĩ thuật không thích hợp nữa. - Anh ta nhấn mạnh "chúng mình", anh ta ba mươi hai, còn tôi thì đã hơn bốn mươi.
             Một lần họp đại hội chi bộ, anh ta và tôi đều được đưa vào danh sách ứng cử ban chấp hành. Tôi trúng cử, anh ta trượt. Buổi tối, anh ta đến nhà tôi, lúc tôi đang chuẩn bị đi ngủ.
             - Thằng em tôi đã được vào chi ủy năm ngoái… - Anh ta có vẻ ngùi ngùi - Nó vào Đảng trước tôi có ba tháng hai ngày. Ông chú thứ trưởng của tôi cứ bảo tôi phấn đấu… - Những lúc vui chuyện, cũng như lúc có điều bất như ý, anh ta hay nhắc đến "ông chú thứ trưởng" một ông chú họ xa làm thủ phó một cơ quan gần ngang bộ, sau này bị mất chức vì một vụ bê bối và không được anh ta nói đến một lần nào nữa.
             Bỗng nhiên anh ta vạch tội thủ trưởng kiêm bí thư đảng một cách dè bỉu không ngờ. Anh ta đoán tôi chẳng đời nào dám đưa những lời ấy đến tai thủ trưởng. Song le…
             - Anh có hứa hẹn gì với thằng ấy không mà sau cuộc bầu chi ủy nó có vẻ oán anh đấy. - Lựa lúc thuận tiện, tôi nói vậy với thủ trưởng, và cũng chỉ nói đến vậy.
             Bây giờ nhớ lại, ngồi đối lương tâm mình, tôi thấy mình làm thế quả chẳng phải do ý tốt. Song, tác dụng lại quá bất ngờ đối với tôi. Lúc bấy giờ, tôi chưa biết mỗi lần về quê ra anh ta đều có quà biếu thủ trưởng, một chuyện không hề "dĩ nhiên" như sau này. Đến kì đại hội chi bộ tiếp đó, bí thư đề nghị bầu năm ủy viên chấp hành (trái với thông lệ các khóa trước, và cả các khóa sau đó, chỉ bầu có ba). Và anh ta đã trúng cử thứ năm. Hầu như chỉ chờ có thế cuối năm anh ta xin chuyển công tác về quê. Đúng ra, anh ta chỉ dứt khoát xin chuyển sau khi thủ trưởng có ý kiến đề bạt anh ta nhưng không được trên chấp thuận.
             Với cái vốn liếng chính trị vừa thu lượm được, anh ta hi vọng đạt được một chức cán bộ quản lí mà anh ta hằng ao ước tại nơi công tác mới. Buồn thay! Đến cái chức tổ trưởng rẻ rúng cũng đang có người tại vị rồi. Mà tổ trưởng đâu phải là cán bộ quản lí!
             Bẵng đi gần hai năm, anh ta mới gửi thư thăm hỏi tôi. Anh ta báo tin vừa được làm thư kí công đoàn cơ sở. Tôi biết đó là một bộ phận nhỏ phụ vào một lâm trường có tầm cỡ, nơi vợ anh ta đang làm việc. Anh em trong cơ quan tôi đùa rằng đó là "thiếp báo hỉ" còm. Với cái láu lỉnh của một anh trí thức nửa vời lại lai ghép vào một đầu óc nông dân h•nh tiến, hắn đang khai phá lối đi - tôi đoán.
             Chừng sáu, bảy tháng sau, anh ta bỗng lù lù hiện ra trước cửa nhà tôi. Anh ta cười rất tươi, nhưng cố nói giọng điềm đạm:
             - Tôi ra ngoài này họp hội nghị thư kí công đoàn các lâm trường trực thuộc bộ, ghé thăm các anh.
             Vậy là anh ta phải đi vòng khá xa vì trái nẻo. Tôi lây cái tật xấu thích đọc ý đồ người khác để chiêm nghiệm về con người. Tôi nghĩ ngay: Âu cũng là một cú "vinh qui" về địa bàn công tác cũ. Anh ta rủ tôi đến thăm giám đốc. Tôi báo tin ông ta đã về hưu. Đang hào hứng anh ta xìu đi thấy rõ.  Vì cớ gì nhỉ? Chẳng nhẽ đây chỉ tại cái nhìn thiên kiến khỉ khô của mình. Tôi thầm tự rủa. Từ ngày nghỉ việc, thảng hoặc được ai cấp dưới cũ đến thăm, vị cựu giám đốc tiếp nồng hậu hẳn lên. Khỏi nói lần này… Anh bạn nguyên tổ trưởng đĩnh đạc bắt tay chủ nhà, vắt vẻo ngồi trong ghế bành đối diện thủ trưởng cũ, ung dung nhấm nháp chén trà thơm, hồ hởi hỏi chuyện và kể chuyện với phong thái của người bằng vai. Thấy rõ anh ta mãn nguyện, song dường như còn thiếu cái gì đó để được mười phân vẹn mười.
             Trên đường về, tôi cười vui bảo: - Đáng tiếc, cậu nhỉ! Giá ông ta còn tại chức thì hẳn cuộc gặp này khoái hơn, phải không?
             Đang đi, anh ta chững lại. Dưới ánh đèn cao áp, tôi đâm ân hận khi thấy mặt anh ta như méo đi. Anh ta vội vã chia tay tôi, hẹn sáng hôm sau sẽ đến mượn tài liệu lâm sinh cho vợ. Nhưng rồi anh ta đã lẳng lặng giã từ thành phố và những người quen cũ.
       
             * * *
             Tộc, tộc, tộc,… Tiếng chim gõ kiến hôm nay nghe như tiếng mõ. Và trong lồng ngực chị, tim đập sao mà dội thế! Chị cảm thấy khó thở. Rừng im gió và vắng tiếng chim hót. Thiếu gió và thiếu tiếng chim thì dù có tia nắng lọt xuống rừng vẫn mang vẻ gì bí hiểm. Chị ngước tìm bầu trời qua kẽ tàn cây. Thấp thoáng vài vệt xanh cẩm thạch trên nền mây xám. Những vệt ấy hầu như không xê dịch. Không gian lắng đọng mà lòng chị nôn nao. Cuộc họp cán bộ cốt cán mở rộng do giám đốc triệu tập vừa mới đây còn hằn trong tâm hồn chị. Chị đâu còn giữ mãi niềm tin trẻ thơ của một cô gái mang nhiều hoài bão nhìn cuộc đời: Một lâm trường cơ giới hoá và điện khí hoá, máy bay phun thuốc trừ sâu và giàn mưa nhân tạo, nhà máy chế biến lâm sản và thành phố miền rừng. Chị đã cố quen với lề thói: nghĩ thì giản đơn và tuỳ tiện mà làm thì rối rắm và trì trệ của những người điều hành. Nhưng chị không sao hiểu nổi cái chủ trương phá hẳn một khoảnh rừng để giao cho công nhân viên lâm trường và dân vùng ven trồng trọt. Không chỉ vì cây vàng tâm. Tin cậy ở không khí "dân chủ cơ sở", chị đã mạnh dạn đứng lên bày tỏ ý kiến. Người ta giải thích cho chị nào là lâm nghiệp và nông nghiệp phải dựa vào nhau, nào là tháo gỡ khó khăn,.v.v… Cái số đông đã thay nhau, chen nhau bảo ban, thuyết phục chị bằng đủ các thứ giọng. Chị tìm ánh mắt chồng. Chồng chị đã trang trọng đứng lên. Anh nói về cải thiện đời sống, về sự đa dạng của kế hoạch, về tính nhạy bén và tính chủ động sáng tạo, vân vân và vân vân. Không có lời nào trực tiếp phản bác chị. ở nhà, anh cũng chưa lần nào thẳng thừng bác bỏ những gì chị đưa ra trái ý anh. Lần nào thì cuối cùng chị vẫn làm theo anh, kể cả khi chị đã bắt đầu cảm thấy trong con người chồng mình lộ diện một con người khác. Hôm trước đó, chồng chị ra đi từ chập tối về muộn. Không đi ngủ ngay như mọi lần, anh tới ngồi sát bên chị đang khâu vá, vẻ tươi tỉnh và cởi mở, người thoảng hơi rượu. Anh hỏi công việc và tình hình ở rừng của chị. Đã lâu, anh mới lại hỏi han chị như thế khiến chị bối rối. Anh bỗng chuyển sang nói vui về những ước mơ bay bổng hồi trước của hai người, giọng như cười cợt cái ngây ngô của chính mình. Từ chuyện nọ xọ sang chuyện kia, như chẳng có dụng ý, anh nói tới chuyện ba tháng nữa thư ký liên hiệp công đoàn thành phố phải về hưu hơi sớm. Anh cười nhạt:
             - Nếu những bê bối trong các vụ tuyển lao động xuất khẩu không toé loe thì đời nào lão chịu về. Cũng đã ních đầy túi rồi.
      Anh trầm ngâm đi đi lại lại trong phòng, có cái gì đó vừa háo hức vừa băn khoăn. Chị chờ anh nói thêm, nhưng anh chưa vội lộ những điều mình đang nghĩ. Thì đó, phó bí thư thành uỷ bây giờ nguyên là thư kí liên hiệp công đoàn; còn bí thư thành đoàn thanh niên cách đây hai khoá nay đã lên chủ tịch thành phố.
             Lên giường nằm cạnh vợ, anh nghịch chị khiến chị phải oằn người nép vào anh, một phản ứng rất con gái mà từ lâu đã phôi pha đi. Anh xiết vòng tay hỏi nhẹ:
             - Cây vàng tâm tốt gỗ đấy chứ em?
             Chị chưa kịp hiểu thì anh đã thủ thỉ:
             - Thư kí riêng của đồng chí bí thư thành uỷ tiết lộ là đồng chí ấy đang cần một cỗ ván vàng tâm. Chắc là cho bà mẹ.
             Chị xoay người né khỏi cánh tay chồng, nhìn thẳng vào anh hỏi lại:
             - Chuyện ấy thì can gì đến mình?
             Cô này thật vô tâm vô tính. - Anh phiền muộn và bực bội nghĩ - Nhiều kẻ rửng của dễ dàng dâng hiến, cống nạp những vàng, những đô-la, nhưng đố tầm nổi một cỗ áo quan gỗ vàng tâm hảo hạng đúng lúc.
             Trong ánh sáng mờ của cây đèn ngủ, chị chợt nhìn thấy cái nhếch mép rất lạ của chồng. Chị nói như tự nhủ:
             - Cây vàng tâm đang có dấu hiệu ra hoa.
             - Ồi! - Chồng chị nén bực mình, chị cũng cảm nhận được- Có ai quan tâm gây lại cái giống vàng tâm. Vớ được cây nào sót lại phải nhanh tay mà chộp lấy, ai dại!
             - Anh chẳng đã khuyến khích dự định của em đấy thôi.
             - Cái thời ấu trĩ ấy thì nói làm gì. Cuộc sống mở mắt cho anh rồi. Bây giờ người ta trồng bạch đàn chứ không trồng lim, nói chi vàng tâm. Bạch đàn, sau dăm năm đã xài được, lim ít ra vài ba chục năm. Trồng lim tuy vậy vẫn không bông lông như cái việc nghiên cứu. Đâm đầu vào khoa học kĩ thuật thì chỉ thấy then với thấy chốt.
             - Nhưng chẳng lẽ những hoài bão…
             - Thôi! Ngủ đi!
      Anh ta duỗi thẳng người và thở đều đều ngay. Chồng chị ngủ thật hay vờ chẳng rõ, riêng chị thì còn thao thức lâu. Chị nghĩ lung tung lắm chuyện song lại không dè được lúc này…
             Giám đốc nhẹ nhàng lái hội nghị đi đến một nghị quyết viết sẵn. Chị cố nèo một ý kiến:
             - Tôi đề nghị chưa thực hiện nghị quyết này vì vấn đề đặt ra nằm ngoài qui hoạch của lâm trường. Đoàn kiểm tra của bộ cũng sắp về.
             Lần đầu tiên trong đời, chị đã dám có ý kiến riêng. Hơn nữa, ý kiến ấy lại ngược với ý kiến lãnh đạo, ngược với số đông. Trước kia chỉ mới mường tượng mình lâm vào cảnh này, tim chị đã đập thình thịch rồi. Ai nói ở đâu nhỉ? Con người lúc nào cũng sợ thì chẳng thể làm chủ ngay bản thân mình, nói chi đến dân chủ với tự do! Tự do, trước hết là không phải sợ.
             Có tiếng từ hàng ghế đầu:
             - Quyền tự chủ kinh doanh của cơ sở để đâu?
             Một tiếng khác đế thêm:
             - Làm chủ tập thể chứ không phải cá nhân làm chủ.
             Chị nghĩ thầm: toàn lợi dụng mĩ từ! Nói "tập thể", nói "nhân dân" mà chẳng phải tôi, chẳng phải anh, chẳng phải ai cụ thể trong đám quần chúng cả thì chỉ suông thôi. Chị nói dứt khoát:
             - Tôi xin được bảo lưu ý kiến.
             Giờ đây đứng tựa vào gốc cây chị cảm thấy rõ ý kiến mình mới mong manh làm sao, thế của mình mới chông chênh làm sao! Chị bỗng thấy thổn thức nơi bụng dưới. Chị đặt nhẹ tay vào đó. Chị cảm thấy một mầm sống đang khẽ cựa, một mầm sống mà chị hằng thấp thỏm và dồn tinh chất của mình vào. Chị quên hết mọi nhọc nhằn, tinh thần và thể xác, chìm trong niềm vui và nỗi lo sắp lại được làm mẹ. Tuy không còn là niềm vui và nỗi lo lần trước, khờ khạo mà trắng trong.
             Chị có nghĩ đến chăng: Lần này đứa con được hoài thai khi hoài bão của cha và mẹ nó đã rất khác biệt nhau, nếu cứ coi những mưu tính của người chồng là hoài bão.
       
             *    *    *      
             Tộc, tộc, tộc, … tiếng gõ kiến khẩn cấp. Chị ngừng công việc quay nhìn. Khu rừng như giãn co cho chị nhìn thấy chỗ búi rừng có cây vàng tâm. Phía đó đang có gió xoáy và hình như có cả chớp giật. Chị sững sờ muốn chạy tới mà không sao chạy được, muốn kêu lên mà không sao kêu được. Tiếng gõ cứ giục. Cây vàng tâm bỗng bật rễ, lung lay mạnh muốn rời mặt đất. Tiếng gõ càng thôi thúc. Chị vùng mạnh một cái và thấy mình đang nằm trên giường. Kề bên, anh chồng đang bình thản ngáy. Chị nghe rõ tiếng vó ngựa khua trên đường lát đá ngoài kia. Trong nhà nhập nhoạng một thứ ánh sáng hồng hồng len vào qua các khe hở. Chị thở sâu mấy cái cho dịu bớt nhịp tim và ngồi dậy lay chồng. Anh ta ngáp một cái rõ dài, dụi mắt: - Cái gì thế? Anh ta hờ hững hỏi. Chị mở cửa ra ngoài và nhìn thấy ngay đám cháy rừng, chỉ kịp nói vọng vào nhà hai tiếng gọn lỏn, chị vội chạy đi. Vừa chạy, chị tự vừa hỏi không biết ngựa chạy đi cấp báo hay xe ngựa chở đồ cứu hoả. Lâm trường có hai xe chữa cháy thì đều nằm liệt cả hai. Vả chăng, nếu không liệt thì cũng khó có đường vào được nơi đang cháy. Đúng như dự cảm của chị, cháy đúng khoảnh rừng chị phụ trách. Chị gò sức để chạy cho mau, song bước chân cứ chuệch choạc dần. Chồng chị đuổi kịp và chạy vượt lên, quát lại một câu mà chị không nghe rõ. Đã nhìn rõ khói trắng, khói đen. Đã nghe tiếng lửa. Đã nghe tiếng lửa reo phù phù. Đã cảm nhận hơi nóng hừng hực. Chị vẫn chạy tới, miệng há ra, trống tai đánh lùng bùng. Trước mắt chị hoa lên những lưỡi lửa đang liếm các cành lá, đang táp vào thân cây, và nhốn nháo những bóng người đang chạy đi chạy lại. Chị bỗng ôm bụng lảo đảo rồi khụy xuống, đổ nghiêng người trên bờ cỏ ướt sương đêm.
       
             * * *
             Nom qua, khoảng rừng có vẻ bị hại nặng. Thực ra, chỉ bị cháy lem nhem, rải ra nhiều nơi, chẳng ai có thể ngờ đến một vụ sắp đặt. Các cây gỗ có giá trị ít bị lửa chạm tới, hoặc giả có bị thì cũng chỉ qua loa. Qua báo cáo của giám đốc lâm trường gửi tới những nơi cần thiết, người ta hình dung ra cái chết không may của một khoảnh rừng do sự bất cẩn của số kẻ nào đó ngoài lâm trường lẻn vào hun các tổ ong mật, ong lỗ, ong vò vẽ sao đó. Công quỹ sẽ phải chi ra một khoản kha khá để trả công dọn. Báo cáo không nói tới những cây gỗ, nhưng phương án giải quyết nội bộ thì đã có từ trước rồi. Có người đã đề xuất rất chí lí rằng phải năng động biếu những ai đó, những cấp nào đó, đừng để thụ động tiếp các vị đến hôi của, nhất là đừng để bị quở. Nhưng cũng chớ không dưng lại khoe mỡ với mèo. Trong nội bộ, thu hẹp nên gọn thôi. Thứ dành cho nhu cầu riêng mỗi người, thứ liên hệ với "nhà thầu" khai thác gỗ, cái lưu tâm hàng đầu là làm sao cho nhẹm. Giời xui, đất khiến thế nào mà những gì mỗi vị đã chấm sẵn ít trùng nhau. Có trùng sơ sơ thì thương thảo cũng chóng vánh. Tiền "quả thực" thì phân theo vị thế. Sau này có ai ấm ức không thì chưa thể biết, hiện tại đang "đều vui vẻ cả". Vả chăng, trong "hoạn nạn chung của lâm trường" cần phải "tăng cường đoàn kết nội bộ".
             Chị không được biết tất cả những chuyện đó. Người ta nhặt được chị và đưa đến bệnh xá ngay. Vừa tỉnh lại chị đã hỏi về đám chay. Chồng chị cho chị biết là mọi chuyện đều đã ổn. Mắt chị sáng lên trên bộ mặt xanh mướt, và môi chị phảng phất một nụ cười yếu ớt. Gần sáng, chị đau bụng dữ dội, và cái thai đã rời bỏ cái bọc ôm ấp nó thoát ra ngoài. Có lúc trong mê, chị thấy con gõ kiến chui từ người chị ra chờn vờn phía trước, và trong người chị trở nên rỗng không.
             Chồng chị đều đặn vào bệnh xá thăm nom chị. Anh ta cũng đều đặn thăm nom cây vàng tâm để trù liệu cách hạ nó cho êm mọi nhẽ.
             Hôm nay, chị có ý ngóng chồng. Chồng chị đang ở trong rừng với đội trưởng đội ba như ta đã thấy đầu truyện. Rồi anh ta cũng đến. Anh ngồi cạnh giường chị, cúi bộ mặt hồng hào và thõa mãn xuống vợ. Chị thều thào hỏi:
             - Cây vàng tâm ra sao?
             - Không bị sém đến một nhánh con. Ầy! Thế mới tài. - Anh ta cao giọng, quên mất là đang ở buồng những người bệnh.
             - Nó còn về đấy nữa không? - Chị gượng hỏi thêm.
             - Ai kia? - Người chồng thực sự ngạc nhiên.
             - Con gõ kiến ấy.
             - Vẫn. à… mà hình như nó đã bỏ đi đâu mất rồi ấy. Nó phải hoảng chứ em.
             Nó có hoảng không nhỉ? Chị mơ màng nghĩ.
       
             * * *
             Tôi đã nhìn thấy con chim ấy. Con gõ kiến nhồi trấu sấy khô vẫn bám chặt vào mảnh vỏ cây đính cao trên bức tường phòng khách lâm trường ở chỗ trang trọng nhất. Ngày ngày nó vẫn lé một bên mắt ngó xuống các hình người ngồi chễm chệ trong những chiếc ghế bành có đệm bọc nỉ sang trọng. Cứ ngỡ đến một lúc nào đó, nó sẽ lại quay về với công việc của nó và..."tộc, tộc, tộc,...".
             Tiếng gõ của mày giúp ích hay phá hoại? Hay đơn giản chỉ là tiếng gọi tình, hả chim?
       
      Hải Phòng, 4 - 1997
                   sửa 5 - 2003 
       
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 11.03.2009 11:36:40 bởi Khải Nguyên HT >
      #3
        Ct.Ly 15.03.2009 07:32:02 (permalink)
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9