Sữa bột man trá có hàm lượng đạm thấp
HongYen 12.02.2009 11:49:51 (permalink)
Thứ bảy, 7/2/2009, 01:57 GMT+7
Sữa bột man trá có hàm lượng đạm thấp hơn 30 lần công bố
 
Chiều 6/2, Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP HCM cho biết, trong 99 mẫu sữa bột mà cơ quan này lấy đi xét nghiệm, có đến 37 mẫu có hàm lượng đạm thấp hơn công bố, có loại thấp đến 30 lần.
> Người tiêu dùng bị lừa bởi sữa bột man trá
 
Thông tin mà Viện đưa ra, chỉ cách một ngày sau khi Sở Y tế TP HCM công khai hóa danh sách 14 loại sữa mà đơn vị này phát hiện kém đạm hơn công bố từ tháng 12/2008.
 
Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Hoàng Ninh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP HCM, 99 mẫu sữa bột mà Viện chủ động lấy để giám sát, được mua ngẫu nhiên từ các điểm bán sữa lẻ tại các quận, huyện, cửa hàng, siêu thị và các vùng ven thành phố. Bao gồm 50 mẫu nhập khẩu loại hộp thiếc và hộp giấy; 49 mẫu còn lại là sữa sản xuất nội địa loại hộp thiếc, hộp giấy và bao nylon.
 







Thanh tra Sở Y tế TP HCM trong một lần kiểm tra nguyên liệu sản xuất sữa. Ảnh: Thiên Chương.
 

Kết quả xét nghiệm cho thấy, có 6 mẫu sữa nhập khẩu kém đạm hơn công bố; 31 mẫu sữa sản xuất nội địa không đạt hàm lượng đạm ghi trên bao bì. Đặc biệt, trong 17 mẫu sữa bột chứa trong bao nylon đã có đến 15 mẫu không đạt hàm lượng đạm công bố, chiếm 88,2%. Theo ông Lê Hoàng Ninh, đây cũng là loại sữa có hàm lượng đạm chênh lệch với công bố cao nhất.
 
Ông Ninh cho biết, việc lấy mẫu giám sát sữa bột được tiến hành từ tháng 4 đến tháng 11/2008. Đây là chức năng, nhiệm vụ thường niên mà Viện thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Mục đích giám sát chủ động của Viện nhắm vào các nhóm thực phẩm có nguy cơ cao phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và giám sát chất lượng sau công bố của các doang nghiệp sản xuất thực phẩm để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
 
Theo ông Ninh, do lấy mẫu ngẫu nhiên chủ động chứ không thông qua doanh nghiệp, rồi mang đi xét nghiệm theo tính chất giám sát, nên kết quả mà Viện đưa ra sau đó chưa mang tính pháp lý. "Viện sẽ chuyển đến Bộ Y tế, Sở Y tế TP HCM sau đó Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh tra. Nếu kết quả thanh tra có sai phạm thì khi ấy mới có thể xử lý", ông Ninh cho biết.
 
Trả lời câu hỏi, tại sao có kết luận từ cuối tháng 11 mà Viện không cung cấp cho báo chí để công bố cho người dân? Ông Ninh cho biết, những kết quả này Viện đã báo cáo với các nhà khoa học trong các hội nghị khoa học trước Tết. "Nhưng nghĩ vấn đề này báo chí cũng không quan tâm nhiều nên không nói với báo chí", ông Ninh nói.
 
Về phía Sở Y tế TP HCM, với câu hỏi, liệu Sở có "ém" thông tin sữa kém đạm với người dân hay không, trong khi Sở nắm trong tay một danh sách sữa "đen" từ giữa tháng 12/2008 mà lại không công bố?", ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở cho biết, "do thời điểm có kết quả rất nhạy cảm, bởi người dân đang hoang mang về cơn bão melamine nên Sở Y tế cân nhắc trong việc công bố".
 
Một lý do khác, theo ông Châu, ngoài các mẫu sữa giả (tức không đăng ký tiêu chuẩn sản phẩm), đa phần các mẫu sữa còn lại do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phản ánh, sau khi Sở Y tế hậu kiểm, đều cho thấy sự chênh lệch đạm không quá cao so với mức công bố trên bao bì.
 
Cũng theo ông Châu, do Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế TP HCM có trách nhiệm hậu kiểm các mẫu sữa kém đạm mà Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phản ánh, nên ngày 15/12/2008, sau khi xử lý các công ty sản xuất sữa vi phạm, Thanh tra Sở Y tế đã có văn bản gửi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu Việt Nam (văn phòng TP HCM).
 
Riêng việc Sở Y tế TP HCM có báo cáo trực tiếp kết quả hậu kiểm và phát hiện sữa thiếu đạm cho Bộ Y tế hay chưa, chiều ngày 5/2/2009, ông Châu cho biết đã gửi fax cho Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm.
 





Danh sách sản phẩm siêu thấp đạm được Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP HCM công bố:
 
Sữa bột nguyên kem Intellac, (tăng trưởng chiều cao) của công ty Vinacali Co.td (quận 6, TP HCM) - loại bao nylon 500g, công bố trên nhãn 29% đạm (tức cứ 100 gam sữa bột thì có 29 gam đạm), trên thực tế xét nghiệm chỉ thấy 0,96% đạm; Sữa bột nguyên kem Intellac dành cho trẻ đang phát triển, người cao tuổi và trẻ suy dinh dưỡng, loại hộp giấy 400g, đăng ký 28% đạm, trong khi đạm thực tế là 1,32%; Sữa bột "Supermilk" dùng cho trẻ đang tăng trưởng, loại hộp thiếc 400g, công bố 30% đạm, thực tế là 2,5%. Sữa Mỹ nguyên kem Intellac, dùng cho trẻ đang phát triển, người già yếu, có hàm lượng đạm thật 1,11%, trên bao bì ghi 29%.
 
Sữa bột béo Hòa Lan dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên của DNTN Bích Cơ, quận Bình Tân, loại bao nylon 500g, công bố 13% đạm, thực tế là 0,81%. Cũng của công ty này, Sữa bột nguyên kem Hà Lan dùng cho trẻ 2 tuổi trở lên, công bố đạm 16%, đạm thật là 0,76%; Sữa bột nguyên kem tan nhanh, loại bao nylon 500g, dùng cho trẻ 2 tuổi trở lên, phụ nữ mang thai và cho con bú, đạm chỉ đạt 1,34, trong khi công bố ngoài bao bì là 34%; Sữa bột nguyên kem giào dinh dưỡng và canxi loại bao nylon 500g, đạm thật 2,2%, đạm bao bì 13%.
 
Sữa bột Gold "Weighton" dùng cho trẻ từ 2 tuổi và người già, loại hộp giấy 400g, của Công ty TNHH CBLTTP CMB, quận Tân Phú, đạm thật 2,5% trong khi đạm ảo ngoài bao bì lên đến 30%.
 
Sữa bột béo Hà Lan dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên (loại bao nylon) của Công ty TNHH Tân Thanh Ngọc, quận 11, có hàm lượng đạm 0,5% trong khi đạm trên nhãn là 5%. Cũng của công ty này, sữa bột béo nguyên kem "New Milk" dành cho trẻ 2 tuổi loại chứa trong bao nylon 500g, hàm lượng đạm thật là 5,81% bằng một phần tư hàm lượng công bố.
 
Công ty TNHH TM DV Tuấn Cường, quận 6, nhiều loại sữa như bột béo nguyên kem New Zealand loại bao nylon 500g, đạm thật 3,46%, đạm ghi bao bì là 9%; Sữa bột nguyên kem Hà Lan loại bao nylon 500g, đạm công bố 15,16%, đạm thật 0,88%; Sữa bột "Holland" đạm thực tế 3,56%, đạm ghi bao bì 15,16%.
 
Khoảng 15 mẫu sữa khác dành cho trẻ em và người lớn tuổi cũng có thành phần đạm lừa người tiêu dùng, tuy nhiên tỉ lệ chênh lệch đạm giữa thực tế và công bố không quá cao.

Thiên Chương
 
http://www.vnexpress.net/GL/Doi-song/2009/02/3BA0B06F/
#1
    HongYen 16.02.2009 00:28:27 (permalink)



    Giới tiêu thụ VN chỉ trích cơ quan chính phủ về vụ sữa thiếu chất đạm


    12/02/2009








    Thị trường sữa Việt Nam đã trải qua một giai đoạn sóng gió sau cơn bão melamine
    Các cơ quan truyền thông và giới tiêu thụ tại Việt Nam hôm thứ Năm đã chỉ trích các cơ quan chính quyền về một vụ tai tiếng thực phẩm, trong đó các sản phẩm sữa mang những hàm lượng đạm ngụy tạo đã được mang ra bán ngoài thị trường từ nhiều tháng, trước khi các thanh sát viên phát giác ra hành động gian trá này.

    Thông Tấn Xã DPA cho hay thứ Sáu tuần trước, nhân viên y tế của Thành Phố Hồ Chí Minh phát giác ra là mấy chục sản phẩm sữa do Việt Nam và nước ngoài sản xuất được khởi sự thử nghiệm hồi tháng 10, trong có loại sữa dành cho trẻ sơ sinh, đã hầu như không chứa chất đạm, mặc dầu ngoài bao bì quảng cáo là chứa đựng một hàm lượng lớn.

    Các viên chức đặc trách vấn đề dinh dưỡng cho biết phân nửa số sản phẩm được mang ra thử nghiệm chứa không đầy 2% chất đạm, thấp rất nhiều so với độ đạm đòi hỏi tối thiểu là từ 11% tới 13% cần thiết cho dinh dưỡng cơ bản của trẻ em.

    Mãi đến tuần trước, nhà chức trách mới loại bỏ các sản phẩm này ra khỏi thị trường. Giới tiêu thụ đã phản ứng giận dữ trước sự kiện vừa kể. Tuy nhiên, một vài viên chức chính quyền đã không đồng ý với chuyện các cơ quan truyền thông đổ lỗi cho họ.

    Ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng - Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết đã phổ biến những lời cảnh cáo sau khi phát giác ra những sữa với hàm lượng chất đạm thấp hổi tháng 10. Theo ông Long, việc loại bỏ những sữa kém chất lượng này ra khỏi thị trường không phải là việc của Viện của ông.

    Mùa Thu năm ngoái, thị trường sữa tại Việt Nam đã trải qua một giai đoạn khó khăn sau khi Trung Quốc loan báo đa số sản phẩm sữa của Trung Quốc nhiễm hóa chất melamine.

    Một vài sản phẩm sữa của Việt Nam cũng bị phát giác thấy nhiễm hóa chất này khiến giới tiêu thụ tẩy chay việc mua sản phẩm của một vài công ty.

    http://www.voanews.com/vietnamese/2009-02-12-voa12.cfm
     
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9