TỰ XỬ - Truyện ngắn Lê Thị Thanh Chung
Hoa Tong 13.02.2009 16:20:49 (permalink)
Tự xử



Thằng bé lên 5 tuổi, thơ thẩn chơi diêm một mình sau vườn, chẳng may lửa thiêu cháy mất cây rơm nhà hàng xóm. Con chị gái lên bảy đang nhảy lò cò với chúng bạn ngoài đường, thấy rơm hàng xóm cháy chạy vội về. Nhìn mặt thằng em đang tái xanh tái xám vì sợ liền tát cho hai cái và mắng "ai cho mày nghịch diêm? tao đã cất lên cao rồi cơ mà?".
Thằng anh thứ hai lên 10 tuổi đang đá bóng bưởi ngoài sân đình thấy đám cháy gần nhà mình cũng chạy ngay về. Túm lấy đứa em gái, thụi cho hai quả và quát: "tao đã dặn mày trông nó, sao lại để cho nó chơi một mình?".
Con chị lớn 12 tuổi, đang học ở trường nghe tin em út mình đốt cháy cây rơm hàng xóm vội xin phép cô cho nghỉ sớm. Nó không về nhà ngay mà sang nhà hàng xóm xin lỗi và hứa sẽ nói bố mẹ nó mang rơm sang đền. Ông hàng xóm nói, may có người ở nhà nên mới chỉ cháy cây rơm. Nếu không thì hôm nay cả hai nhà chỉ còn lại đống tro mà chưa chắc thằng bé 5 tuổi đã biết chạy thoát thân. Con chị véo tai thằng em 10 tuổi gầm lên "mải chơi cho lắm vào. Bố về thì mày sẽ biết!"
Buổi tối bố mẹ đi làm về. Từ đầu ngõ đã nghe xóm láng kháo nhau chuyện suýt cháy nhà và kể lại "chiến tích" của thằng con út. Ông bố rút cây roi mây trên mái nhà xuống và bắt cả bốn đứa con đứng thành một hàng:
- Chuyện xảy ra chiều nay, tao cho chúng mày tự xử trước.
Đứa con gái lớn bảo:
- Con đi học, đã dặn nó (tức là thằng thứ hai) ở nhà trông em. Nó bỏ đi đá bóng nên mới xảy ra chuyện. Con không có lỗi trong chuyện này.
Thằng thứ hai cãi:
- Sang tuần đội xóm ta thi đấu với đội xóm Đông nên anh phụ trách gọi ra sân đình tập luyện. Con đã bảo nó (tức là con bé thứ ba) không được rời em, nó lại bỏ đi nhảy dây. Không phải lỗi tại con.
Con bé thứ ba nước mắt ngắn nước mắt dài:
- Con đã giấu diêm lên trên cao mà nó vẫn bắc ghế trèo lên để lấy. Tại bố cứ sai nó châm thuốc lào nên nó mới biết chơi diêm. Con không trông em cẩn thận, bố đánh con mấy roi cũng được. Bố phải rào cả lối ra cầu ao nữa. Nó nức nở.
Thằng út thấy con chị khóc cũng khóc theo:
- Sao bố mẹ không cho con đi học. Ở nhà chẳng có gì chơi, hu hu. Buổi chiều chị đã tát con hai cái rồi, bây giờ bố còn muốn đánh con nữa à?
Ông bố giắt lại cái roi lên mái nhà. Ba đứa biết chữ, mỗi đưa viết một bản tự kiểm điểm. Viết xong mới được ăn cơm. Thằng út sẽ cho đi học (nhà tù là trường học lớn thì trường học cũng là....)



Lê Thị Thanh Chung

#1
    Hoa Tong 13.02.2009 16:47:24 (permalink)
    BỘI THU

    Ngày cuối năm, toàn thể công ty dự hội nghị tổng kết. Cả những cán bộ hưu trí cũng được mời. Năm vừa qua, đất nước gặp nhiều khó khăn. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng có ảnh hưởng đến một số hợp đồng có vốn nước ngoài. Tổng giám đốc nói, để tiết kiệm, năm nay chúng ta không liên hoan mà phát phong bì cho tất cả đại biểu có mặt.
    Khi sếp vừa dứt lời, vợ sếp nhanh nhẹn bước lên bục mi-cro:
    - Năm nay gia đình chúng tôi có hai tin vui: vừa có con rể mới, vừa có thằng cu cháu ngoại hiện đang nằm trong bụng mẹ. Thực ra hai cháu đã về sống với nhau từ mấy tháng nay. Phần vì các cháu bận học hành thi cư, phần thì cuối năm công ty bận hoàn thành kế hoạch nước rút; nên đến tận hôm nay mới có dịp cho các cháu ra mắt gia đình họ hàng đôi bên và bạn bè. Chúng tôi mời toàn thể anh chị em trong công ty trưa nay dự bữa cơm báo hỷ với gia đình và hai cháu.
    Đợi cho tiếng vỗ tay, lời chúc mừng của cả công ty lắng xuống, vợ sếp vui vẻ nói tiếp:
    - Tôi xin nhắc lại, chỉ là bữa cơm thân mật chứ không phải tiệc cưới. Theo đúng tinh thần "triệt để tiết kiệm" của chính phủ.
    *
    * *
    Còn gần một giờ nữa mới đến giờ mời cơm. Mọi người tản về các phòng ban bàn bạc, chuyện trò.
    - Sếp đã mời thế thì nên đi quà mừng tập thể hay từng cá nhân nhỉ? Một người hỏi
    - Chắc là cả phòng vẫn nên trích quỹ để có một phong bì chung. Còn cá nhân thì tuỳ tâm. Trưởng phòng gợi ý.
    - Thế là cái phong bì ăn trưa của tôi hôm nay đã có địa chỉ người nhận. Một người khác bàn.
    *
    * *
    Sếp tổng có hai đứa con. Thằng lớn mải chơi, học hành chấm trơ. Mấy năm trước sếp phải tận dụng mọi mối quan hệ mới lo được cho nó cái bằng đại học dân lập. Ra trường, sếp "ấn" ngay nó về Phòng Kế Hoạch của Công Ty để cho cậu đệ tử trưởng phòng kèm cặp. Năm ngoái, cũng vào dịp cuối năm, nó đưa về nhà một con bé bán bia hơi, giới thiệu là người yêu và đòi tổ chức cưới. Sếp bà lại phải một phen vất vả chạy vạy để cho con bé vào làm hợp đồng ở một trường Mầm non của quận. Con dâu của Tổng giám đốc chẳng thể nào là đứa bán bia ngoài vỉa hè.
    Rồi tiệc cưới cũng được tổ chức rất "hoành tráng". Xe mui trần đón dâu chạy khắp phố. Khách sạn 5 sao. Tuần trăng mật ở Bangkok. Cháu đích tôn của dòng họ, không làm đàng hoàng không được. Sếp thanh minh với mọi người như vậy.
    *
    * *
    Con bé thứ hai học hành chỉn chu hơn thằng anh. Suốt 12 năm phổ thông, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi mà không cần có sự can thiệp của bố mẹ. Nó theo nghề của bố, thi vào trường Giao thông. Thi đại học năm đầu tiên đỗ ngay.
    Bà chị gái của sếp không lấy chồng, làm nghề dạy học, có căn hộ hai phòng ngủ ở ngay khu Giảng Võ. Sếp mang con gái lên gửi và dặn dò phải bảo ban, trông nom cháu cẩn thận. Bà chị sợ em trai một thì ngại em dâu mười nên quản lý con bé rất chặt. Chỉ thiếu nước cài kim băng vào váy của cả hai cô cháu như trong phim Liên Xô ngày xưa; hay khoét phòng đặt tay lên bụng cháu gái khi ngủ như trong chuyện cổ tích Việt Nam. Ngoài giờ học chính khoá ở trường, con bé còn theo học ngoại ngữ ở các Trung tâm có "yếu tố nước ngoài" mà học phí cũng lên tới cả trăm Đô la một tháng. Muộn nhất thì cũng 9 giờ tối là nó về tới nhà. Ăn uống dọn dẹp xong là ngồi vào bàn học. Chưa một lần nào nó xin phép bà đi chơi qua đêm với bạn bè, kể cả có lần cả lớp nó tổ chức đi chơi ở Hồ Đại Lải.
    *
    * *
    Bà phát hiện ra con bé có thai khi thấy cái bụng nó đã lùm lùm dưới cái áo khoác mỏng mùa đông. Hỏi ra mới biết con bé đã mất kinh được 5 tháng. Nó hồn nhiên nói, cháu cứ nghĩ chỉ chậm kinh bình thường. Nhưng bây giờ thì chắc là cô nói đúng. Tá hoả, bà gọi điện ngay cho cậu em trai. Hai vợ chồng sếp đi xe công ty lên ngay trong ngày rồi cho cậu lái xe về. Hẹn khi nào xong việc sẽ gọi điện lên đón.
    "Thằng trời đánh" - theo cách gọi của sếp bà - té ra là một thằng rất có "bản lĩnh". Bà hỏi nó định tính thế nào thì cả hai đứa đều thản nhiên: "Còn gần 4 tháng nữa Thuý mới sinh, chắc lúc ấy con đã kiếm được viêc làm ở một nơi nào đó. Thuý sẽ đi cùng con".
    Ông đã gửi gắm được con bé vào một công ty bên B của ông ở Hà Nội. Chắc bây giờ phải lo nốt cho cái thằng "trên răng - dưới cần tăng dân số" này. Cứ để mày đi xây cầu ở vùng sâu vùng xa thì mấy năm sau quay lại, chắc một nửa tá trẻ con cởi truồng tắm sông phải gọi mày bằng bố. Bẳng tuổi mày ngày xưa tao cũng vác mia chạy lông nhông, còn lạ gì.
    *
    * *
    Bữa cơm báo hỷ được tổ chức ở nhà hàng bình dân ngay cạnh công ty. Đúng như sếp bà đã nói, triệt để tiết kiệm. Không đón dâu, không sân khấu, không MC. Không có cả chiếc hộp giấy hình trái tim để khách đến thả phong bì mừng như các đám cưới hiện nay. Sếp bà mặc bộ váy đầm công sở gọn gàng lịch sự, niềm nở đón khách từ ngoài cổng. "Cô dâu" mặc chiếc váy trang nhã, phủ hờ một tấm khăn nhung thêu hoa che toàn bộ phía trước. Không có màn cô dâu chú rể đi từng bàn cám ơn. Phong bì mừng được "tế nhị" đưa cho sếp bà. Nhận của ai bà cũng trách: "cô/chú bày vẽ quá. Có phải đám cưới đâu mà quà mừng". Nói rồi, bà kín đáo chuyển chúng cho bà chị chồng để đi tiếp. Số phong bì phát ra ở hội nghị tổng kết đã hội ngộ gần đủ 100% trong chiếc túi du lịch đặt dưới chân em gái bà.
    *
    * *
    Sau khi tiến người khách cuối cùng ra cửa, bà quay lại tìm gặp cô lễ tân để thanh toán. Cậu kế toán trưởng công ty đón bà với nụ cười nửa như báo công, nửa như phân trần: "Em đã làm xong hết rồi chị ạ. Để quyết toán vào Hội nghị tổng kết cuối năm của Công ty. Gọi là chút quà mừng cho hai cháu".



    Lê Thị Thanh Chung

    #2
      Ct.Ly 27.07.2009 22:28:23 (permalink)
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9