NHÓM BÚT MINH GIANG
thái thanh nguyên 18.02.2009 20:52:09 (permalink)
Bút nhóm ra đời năm 2000 do nhà báo Văn Chi - trưởng phòng văn nghệ Đài phát thanh truyền hình tỉnh Hà Tĩnh và 6 thi hữu sáng lập, được Đài PTTH tỉnh cấp phép tháng 2.2000. Các đồng sáng lập viên gồm: Trần Văn Chi (Tú Trần), Từ Thanh Liên, Trần Đình Thới, Nguyễn Tiến Vũ, Nguyễn Trọng Cầu Nguyễn Hữu Thoan và Lê Vạn Vịnh.
Sáng tác của các bạn chủ yếu thơ Đường luật và một số bài các thể thơ khác đăng trong các thi tuyển của Câu lạc bộ Unesco Đường luật VN, Bạch mai thi đàn, nhiều đặc san của Hội VHNT tỉnh và đặc san của Hội CCB VN
Qua chủ đề này, tôi xin trân trọng giới thiệu những tác phẩm của Nhóm bút Minh Giang và các thân hữu
 
Thái Thanh Nguyên
 
#1
    thái thanh nguyên 20.02.2009 16:34:04 (permalink)
    Giới thiệu về nhà thơ Văn Chi
     
    (sẽ bổ sung)
    #2
      thái thanh nguyên 26.02.2009 18:12:50 (permalink)
      Can Lộc - Địa linh – Nhân Kiệt  - Diễn ca


      Can Lộc ven biển đồng bằng 
      Diện tích cây số vuông chừng bốn hai    (42 Km2 )
      Một trăm tám chục ngàn người                     
      Hai mươi chín xã dưới trời trong xanh
      Sông Nghèn êm ả lượn quanh
      Chảy về đò Điệm thuận ngành giao thông
      Đường 2 đường 8 – 15
      Đi qua đường 1 quốc phòng an ninh
      Nơi đây phong cảnh hữu tình
      Toàn dân góp sức trung thành dựng xây
      Thiên Lộc huyện cũ xưa nay
      "Phủ Đức Quang" đã có đầy danh nhân
      "Động Giang" Sư tử Đông dương 
      Núi Trầu , Phù Lĩnh vua Hùng điểm son  (Nơi vua Hùng ăn trầu nhổ nước trầu xuống đỏ núi)
      "Đầu Mênh cuối Sót" ấy còn                      
      Người thường gọi núi "Gia Sơn" là nhà
      Kỳ quan biết mấy tinh hoa
      "Ngũ quân xuất trận" là ta nhớ rồi   (Bãi đá Bằng Sơn )
      "Rú Bằng"" bãi đá" đương thời
      Tên chùa "Báu Đính"có đời Cần vương
      Phía nam là ngọn Quỳnh Viên
      "Chử Đồng Tử " chính người thiền kệ kinh    
      " Rú Cài" còn vọng chuyện tình
      Tối nàng cầm đuốc đứng nhìn bạn trai
      Ngàn Hống chàng hướng bể bơi
      Gặp mưa gió tội đất trời cuốn đi
      Nàng ôm lòng khóc sầu bi
      Dân thường gọi đó khác gì "Vọng phu"
      Trà Sơn- Bạch Ngọc an cư
      La Sơn –Thiên Lộc xưa còn đó nghe
      " Lưu Quận Công" tướng vua Lê
      Trở thành thuỷ tổ họ về" Nguyệt Ao"
      Là căn cứ địa buổi đầu
      Của cơ quan Huyện ghi vào sử xưa
                                                    
      ***
      Ta về núi Ngạn – Trảo Nha
      Ven sông Nghèn thật đậm đà tình quê
      "Tháp sơn"trên đỉnh "Cửu bề "              (Tháp có 9 mặt )
      Bảy trăm năm chẳn"đổ kề " Hiển Tông    (700 năm tháp bị đổ  bước sang đời Lê Hiển Tông)
      "Linh Nha" thờ đấng Sơn Thần
      "Tam toà" thờ Lý Nhật Quang một thời                 
      Nhìn sang mé núi Nam Tây
      Ông "Ngô Phúc Vạn" mãi xây cơ đồ
      Cũng là thế tướng họ Ngô
      Ban khen "Xã tắc cơ đồ Trảo Nha "
      Nay là thị trấn Nghèn ta
      Con đường quốc lộ đi qua có cầu
      Núi Hồng ai đắp mà cao
      Khen ông Đùng gánh đá nào về xây
      "Chín chín"  đỉnh của hôm nay
      "Vua Dương Vương "lập đồn vây luỹ thành
      Cùng Thần Long Nữ du thuyền
      "Ngã ba Hạc" ấy là miền đất Vua
      "Việt Thường Bộ Lạc" liền đưa
      Chủ nhân "Xích Quỷ" từ bờ nam sang
      Với cùng bộ tộc Văn Lang
      Hai bên hoà nhập để đàm việc chung
      Tây nam Hồng Lĩnh bao gồm
      Động Giang - HươngTích-Tiên Am bây giờ
      Địa linh êm cảnh thú chùa
      Ngọn Sư Tử có nhịp bờ " cầu Tiên "      (Cầu Tiên tắm ở hồ)
      Khen đây thần núi linh thiêng
      Loại trừ Phù thuỷ "Cao Biền" xin vâng
      Có hai cự tộc hai làng
      Họ Hà , họ Đặng vững vàng bên nhau
      Đặng Hà , Đặng Tĩnh tiếp theo....
      Đặng Dung , Đặng Tất đã nhiều công lao
      Anh hùng dân tộc thuở nào
      Khi ta xem sử lòng sao chạnh lòng
      Có đền thờ"Đặng Quốc Công"
      "Ba trăm năm rưỡi" tươi dòng sử ghi
      Di vật quý của đời Lê
      Hiệu là " Sùng Chỉ "bề bề còn nguyên                   
                                                     
      ***
      Quay sang Thuần Thiện kề bên
      Hai anh em tiến sĩ liền đồng khoa
      Theo dòng huyết thống ông cha
      Lê sỹ Triêm trước – Bàng là em sau          (Lê Sỹ Bàng )
      Thường Lạc – Kẻ Sóc từ lâu         ( Núi Thường Lạc ở vùng Kẻ Sóc)
      Thờ "Đô Nam Nhạc Ô"hầu Đại Vương
      Có nhà đền "Nhị Tướng quân"
      Của hai tế tướng Thánh Tông đề huề
      Tương truyền con của "Liễu thê "   (Vợ tên là Liễu)
      Chồng là Nguyễn Phán bề bề tình chung
      Đông nam ngàn Hống là vùng
      Tiên xưa in dấu đá sùm bàn chân    ( Dấu chân lún vào đá )
      Chùa Chân Tiên giữa rừng thông
      Trước là quang cảnh mênh mông của hồ
      Địa danh trầm mặc nên thơ
      Bên chân núi trái có chùa "Trúc " thêm   (Có thêm chùa Trúc )
      Mé Đông-bắc núi hai bên
      Có hai tảng đá đứng liền kề nhau
      Cái tên gọi đã từ lâu
      Ông – Bà "Phu phụ thạch" đâu phai mờ
      "Rú Ông"tên gọi "Chóp Cờ "
      Cao "Sáu bảy sáu mét" vừa không dư         (Cao  676m )
      Hương Sơn là đất Phật xưa
       "Hoan châu đệ nhất cũng vừa danh lam "
      Trong ngoài Thánh Mẫu – Thiên Vương
      Đền chùa san sát vấn vương trúc rừng
      Ngàn xanh mây trắng lưng chừng
      Người xưa nhờ Phật Hoa –Trung giải bề  (Nhờ nhà Phật người Trung Hoa  kể lại)
      Tương truyền nàng Diệu Thiện kia           
      Là con gái thứ ba , về Trang vương
      Tu hành đắc đạo Tiên Am
      Giữa thời Trần – Lý phía nam đó mà
      Đến thế kỷ 8 cũng là
      Lúc quân đô hộ của nhà Đường xưa
      "Chúa Mai" là con của Vua               
      Đã xây dựng lại cơ đồ cho sau
       
      ***
      Hồng Sơn thật đáng tự hào
      Nhiều sông núi đã ghi vào sử trang
      Sông Minh , Kênh , Cạn , Hà Vàng
      Nghèn , Cài , Chăn với" Hà Hoàng" thông thương
      Quanh co vùng trũng quê hương
      Là biền sình sụp khôn lường xưa nay
      "Vịnh Hà Tĩnh " được bồi đầy            (Xưa kia Hà Tĩnh là vùng vịnh)
      Xưa là đường thuỷ vào tày Kỳ Hoa
      "Thánh Tông "thống lĩnh sơn hà
      Đoàn thuyền chiến cũng đi qua Hà Vàng
      Biết người bắt cá giỏi giang
      Vua bèn triệu đến : xin vâng có thần
      Cá to bắt được liền dâng
      Vua khen tặng hiệu là quân " Thám Hồ "
      Sông Nghèn có đoạn quanh co
      Đặt tên Thượng Trụ hiệu" Kỳ cuốc Công"
      "Lê Triệu " chính cái tên ông
      Cho quân khai phá ruộng đồng nơi đây
      Bảy lăm mẫu ruộng cấy cày
      Thành làng Thượng Trụ ngày nay đấy mà
      "Sông cạn" thuyền vượt sao qua
      Vô Đền cầu tụng nước đà dâng lên
      Thuyền đi thông suốt êm đềm
      Vua ban lệ gấp xây đền Tam Lang
      Tên là Đền Cả thuỷ thần
      Tại vùng Hậu Lộc thêm phần cảnh quan
      Sông Vi lại ở Thượng can
      Có đền" Bà Vạn " gái nhà Nguyệt Ao
      Mang thai lâm buổi giặc vào
      Buộc nàng làm vợ ngán ngao cho đời
      Chồng đi xa ở cách vời
      Nàng sinh trai lớn  giặc coi con mình
      Luôn truyền võ nghệ pháp binh
      Lập mưu nàng gặp chồng mình năm xưa
      Suy đi tính lại cho thừa
      Cùng nhau góp sức đánh lừa giặc vây
      Cha con hai phía ra tay
      Trong ngoài phối hợp diệt bầy giặc tan
      Cung thương dây đứt lìa đàn
      Nàng đà tự vẫn tiếng oan dậy trời
      Đôi câu đối – chút đền bồi
      Làm sao khuất cảnh lở đồi thành sông
      Mong nàng bên ấy hanh thông
      Vì đời con cháu rộng vòng tâm ân
      Sâu nghĩa nước nặng tình dân
      Có : Cao Minh Hựu – Lương - Cần – Nguyễn Danh
      Nguyễn Biên , Nguyễn Trạch , Phan Huân
      Hà Mục , Đặng Tất đến lần , Hàng Chi
      Chí sỹ Đức Kế khác gì
      Nguyễn Dai , Dương Trạch , Nguyễn Huy đó mà
      Nhà thơ Xuân Diệu quê ta
      Nguyễn Thiếp , Công Đạo hay là Liêm Sơn
      Hiệt Chi - Đình Tứ với  luôn
      Tông Mục – Phan Kính  như con một nhà
      Từ  Chi – Nguyễn Oánh nữa mà
      Đổng Chi – Quang Hiển toàn là danh nhân
      Dẫuđi xa - vẫn thấy gần
      Trống xưa còn vọng tiếng ngân cho đời
      Phong trào Xô-viết sục sôi
      Can lộc đất lửa là nơi khởi đầu
      Tinh thần cách mạng dương cao
      Thà hy sinh chẳng sợ đầu máu rơi
      Nơi đây hơn "bốn mươi người"
      Dang tay ôm đất giữ trời ngàn sau
      Trái ngang những cảnh bể dâu
      Xin dâng một nén hương trao gợi lòng
      Giọt buồn chỉ biết thương mong
      Làm sao...?  thay đổi được vòng tử sinh
      Đồng Lộc ơi ! biết bao tình
      Ngã ba huyền thoại quang vinh muôn đời
      Đẹp sao những đoá hoa tươi
      Mười bông trinh nữ dưới trời trong xanh
      Vĩnh Lộc vang mãi tên anh
      Của bao chiến sỹ ngày hành quân qua
      Nhuộm hồng mãnh đất quê ta
      Cùng chung một dải sơn hà Việt Nam
      Nhân dân Tiến Lộc ngoan cường
      Dở nhà lấy gỗ lát đường xe qua
      Một trăm ba chục ngôi nhà
      Tiễn ! trăm ba chục xe ra chiến trường
      Một lòng chẳng tiếc máu xương
      Ngàn sau để nhớ để thương dân mình
                          
      ***
       
      Ơn Đảng Bác Hồ chí Minh
      Thì ta mới có sử tình hôm nay
      Can Lộc mình đã dựng xây
      Điện, đường, trường, trạm đủ đầy khác xưa
      Nhân dân hạnh phúc ấm no
      Huyện nhà ra sức chăm lo đủ bề
      Đói nghèo xoá hết tranh tre
      Đường Bê-tông rộng tận về nông thôn
      Đền chùa nâng cấp bảo tồn
      Danh lam Hương Tích là vùng ngoạn du
      Đồng lộc , Trại Tiểu , khe Thờ
      Còn bao du khách hẹn chờ về thăm               
      Quay về Thượng Trụ , Thuần Chân
      Là nơi chi bộ đầu tiên ra đời
      Di tích đã được phục hồi
      Thành vùng thuỷ cảnh là nơi thái hoà
      Dưới thuyền trên bộ xe qua
      Nhịp cầu thơ mộng ấy là cảnh quan
      Ai ơi xin nhớ  về thăm
      Quê hương Can Lộc muôn vàn yêu thương
                            
      ***
      Những dòng thi sử liên chương
      Một khi phổ nhạc trở thành trường ca .
       
      13/4/2008
      Lê Vạn Vịnh                   


      http://bachmaibutchi.wordpress.com
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.03.2009 12:00:23 bởi thái thanh nguyên >
      #3
        thái thanh nguyên 15.03.2009 12:51:09 (permalink)

        Làng tôi bên sông Nghèn


        Làng tôi có tên là Yên Vinh! Đúng như cái nghĩa của nó: Yên bình và vinh quang. Người xưa thường nói: “Nhất cận thuỷ, nhì cận sơn” thì làng tôi được cả hai mặt. Nằm tựa lưng vào núi Ngạn, ngoảnh mặt ra phía sông Minh, tên lịch sử là núi Ngạn, sông Minh còn bây giờ thì quen gọi là đồi Nghèn, sông Nghèn. Con sông quê hương êm ả uốn khúc bao quanh lấy xóm làng trù phú bốn mùa xanh tươi.
        Tuổi thơ tôi đã gắn bó với dòng sông biết bao nhiêu kỷ niệm, giữa trưa hè oi bức, cùng với lũ trẻ chăn trâu ào xuống ngâm mình giữa dòng sông  dưới làn nước trong xanh chát mặn, rồi cùng nhau mò cua, bắt cáy hoặc theo nhau đi hái bần. Những bãi bần xanh tốt um tùm, hoa bần ngan ngát, quả bần chát ngọt thơm ngon hoà lẫn với hơi nước nồng nàn từ mặt sông bốc lên tạo ra một làn hương thơm, thoang thoảng chát mặn bao đời. Rồi khi chiều xuống, lũ trẻ chúng tôi lại ngoi sang bờ bên kia, bến đò Thượng Trụ để dong trâu về. Người với trâu đánh trần như nhộng, vẫy vùng trong sóng nước để trở về nhà.
        Với lũ trẻ chúng tôi thì vậy, còn với các bậc cao niên trong làng thì cứ sáng sớm, khi sương đêm còn đọng lại trên những rặng bần là ra đứng ở bến sông này, căng lồng ngực lên hít thở thật sâu mùi hương quyến rũ ấy để cho hương hoa bần thấm đậm vào người. Ôi ! cái mùi vị hương hoa bần buổi sáng nó thật thanh sạch và dịu ngọt biết bao. Đấy là vào những ngày hè. Còn vào mùa đông, lũ trẻ chúng tôi lại quây quần thả trâu trên đồi Nghèn. Lại nhóm cỏ khô nướng sắn, nướng khoai... với những chiều đông không bao giờ lạnh giá mà ấm cúng từ những làn khói thơm, không riêng gì từ nơi chúng tôi khơi lên mà cùng hoà quyện cùng khói bếp lam chiều của những gia đình trong xóm, lan toả lên ngan ngát, âm thầm. Ngồi nhai ngấu nghiến những củ khoai, củ sắn còn nóng hổi thơm phức, môi đứa nào đứa nấy đen nhức mà miệng thì thơm cay bởi cảm xúc thật dân dã mộc mạc. Rồi đến những đêm trăng thanh gió mát, người trong làng nô nức ra bến sông, kẻ ngồi hóng gió tâm sự, người gánh nước đêm trăng. Làng tôi có nước giếng Chạ nổi tiếng khắp vùng:
        Nước giếng Chạ vừa trong vừa mát
        Gạo chợ Nghèn trắng muốt thơm ngon.
        Người xưa đồn rằng, dưới thời Pháp thuộc có một thầy địa lý cao tay từ ngoài Bắc vào đã lấy đúng long mạch ngay giữa hàm con rồng nên nước giếng ở đây không bao giờ cạn, tuy nằm cách bến sông chừng 20 mét song lại mát ngọt vô cùng, không những cung cấp nước uống cho cả làng mà còn rộng ra đến các vùng lân cận vào những ngày khô cạn. Mát ngọt và lành, vì thế mà bọn trẻ chúng tôi  cứ đi phơi nắng về vục một gàu uống ừng ực vô tư mà không bao giờ đau bụng cả.
        Rồi chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả. Lớp trẻ chúng tôi thời ấy đa số được vinh dự lên đường bảo vệ Tổ quốc. Nổi nhớ quê hương yêu dấu càng thôi thúc chúng tôi quyết tâm đánh thắng giặc. Sau hơn bảy năm sống và chiến đấu trên các chiến trường, tôi mang trên mình những mảnh đạn còn nằm trong cơ thể. Dấu tích của chiến tranh ở trong người tôi không đau bằng dấu tích của kẻ thù  đã gieo rắc lên làng tôi. Cầu Nghèn đã bị bom Mỹ đánh tan tành. Hai bờ sông quê những hố bom dày chi chít, những vườn cây cối trù phú giờ trơ trọi hoang tàn.
        Mỗi thước đất, khúc sông ở đây đã làm nên những chiến công hiển hách. Rặng bần xanh tốt khi xưa là nơi cất dấu sà lan rất lý tưởng của bộ đội công binh vào ban ngày để đêm đến được đưa ra bắc cầu phao cho xe vận chuyển vũ khí vào chiến trường. Đồi Nghèn lại ghi thêm chiến công oanh liệt của tiểu đội nữ dân quân với 12 cô gái hầu hết đều ở làng tôi đã cùng với bộ đội phòng không bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Đồng chí Ngô Đức Liệu, Chủ tịch xã đã ngã xuống bên mố cầu Nghèn khi đang chỉ đạo nhân dân san lấp hố bom  để kịp thông xe trước lúc trời sáng. Chị Trần Thị Liệu, bí thư Đảng uỷ, Bị thương bên hầm pháo vẫn không rời trận địa, ở lại chỉ huy tiểu đội nữ bắn máy bay địch. Còn biết bao nhiêu gương sáng của bà con làng tôi đã tự nguyện dỡ nhà lấy gỗ lát đường cho xe qua ....
        Hơn 30 năm chiến tranh đã lùi xa. Giờ đây làng tôi đang hồi sinh và lớn lên cùng đất nước. Dòng sông Nghèn vẫn êm ả trôi xuôi. Dự án ngọt hoá sông Nghèn đã được nhà nước đầu tư sắp sửa hoàn thành. Rồi đây, trữ lượng dòng nước ngọt này sẽ là nguồn tưới tiêu cho đồng ruộng hai huyện Can Lộc và Lộc Hà. Chắc chắn làng tôi và nhân dân hai huyện không còn có những vùng đất canh tác một vụ nữa.
        Thấp thoáng bên kia tả ngạn sông Nghèn là bến đò Thượng Trụ mà ngày xưa chúng tôi thường qua lại chăn trâu, đã sừng sững mọc lên một tượng đài di tích lịch sử ghi dấu ấn của những năm ba mươi, các đảng viên ưu tú đã nhóm họp bầu ra chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh nhà. Đồi Nghèn một thời oanh liệt hào hùng giờ lại càng khang trang uy nghiêm khi một công trình tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ được xây lên đồ sộ. Tên tuổi của các anh hùng liệt sỹ đã được khắc vào bia đá quê nhà như khắc sâu vào tâm khảm đáy lòng nhân dân làng tôi. Tự hào về truyền thống quê hương, cái nôi cách mạng trong những năm ba mươi. Giờ đây đứng trên đồi Nghèn lịch sử ngắm nhìn tượng đài Xô Viết cao to lồng lộng biểu tượng của sự đoàn kết nằm ngay giữa trung tâm Thị trấn bên ngã ba Nghèn, âm vang của tiếng trống năm xưa vẫn còn vang vọng mãi đến bây giờ.
        Hoà chung với cuộc sống đang đi lên giữa thời đại mới, người dân làng tôi luôn luôn tự hào trong quá khứ cũng như hiện tại, về những con người thân yêu của làng đã làm nên sự nghiệp và đang từng ngày từng giờ làm rạng rỡ thanh danh của một làng quê giàu truyền thống.
        Làng Yên Vinh sẽ mãi mãi yên bình và vinh quang.

         
        Nguyễn Tiến Vũ

        http://bachmaibutchi.wordpress.com
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.03.2009 12:31:50 bởi thái thanh nguyên >
        #4
          thái thanh nguyên 19.03.2009 11:53:55 (permalink)
          Bài xướng:       
           
          Chiếc gậy
           
          Chiếc gậy theo ta những chặng đường
          Trường Sơn khe suối dốc mù sương
          Gậy bươn rừng núi khi lùng giặc
          Gậy đỡ chân mình lúc bị thương
          Gậy chỉ bản đồ tìm trận địa
          Gậy cùng gươm súng giữ quê hương
          Chiều nay chống gậy đi thăm bạn
          Nhớ gậy năm xưa ở chiến trường.
                                           
          Trần Đình Thới

          ***

          Các bài hoạ:            
           
          Màu xanh áo Lính
           
          Màu xanh áo lính sáng soi đường
          Theo bước quân hành thấm gió sương
          Áo vượt Trường sơn đi cứu nước
          Áo mang tình mẹ ấm tình thương
          Áo vào trận đánh thề quyết tử
          Áo đến bản làng toả ngát hương
          Tấm áo thuỷ chung luôn sát cánh
          Cùng anh chiến sỹ giữa can trường.
                                               
          Nguyễn Tiến Vũ                

          ***

          Bạn đường
           
          Chiếc gậy chiến binh kết bạn đường
          Dạn dày mưa nắng với phong sương
          Trèo đèo lội suối càng tâm đắc
          Trợ sức dò lầy đỗi mến thương
          Huyền thoại thần kỳ lưu hậu thế
          Mối tình chung thuỷ ngát hoa hương
          Mái nhà Lào – Việt xuyên Nam Bắc
          Đôi bạn hành quân suốt dặm trường.


          Nguyễn Trọng Cầu

          ***

          Ký ức
           
          Đánh giặc ta đi khắp nẻo đường
          Trèo đèo lội suối đội màn sương
          Trừ Tây diệt Mỹ do thù hận
          Yêu nước thương dân bởi giận thương
          Yêu buổi ra đi vui đất nước
          Yêu ngày trở lại đẹp quê hương
          Yêu rồi nhớ mãi mùa chinh chiến
          Nhớ cả mùa thi nhớ mái trường.
                                             
          Nguyễn Hữu Thoan   
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.03.2009 11:55:49 bởi thái thanh nguyên >
          #5
            thái thanh nguyên 24.03.2009 15:08:17 (permalink)
            MỪNG THỌ CỤ HẢI CHÂU TỨC NGUYỄN VĂN CHÂU - TP. ĐÀ NẴNG
             
            Can Lộc Ngày 15/12/2007
             
            Kính gửi Cụ Nguyễn Văn Châu
            Biết tin cụ năm nay lên tuổi 80 chúng cháu có mấy vần thơ hoạ bài Tuổi 80 của cụ có gì chưa đạt mong cụ lưỡng thứ. Năm mới kính chúc cụ khoẻ mạnh vạn sự như ý.
             
            Bài xướng: sẽ sưu tầm sau
             
            Hải Châu
             
            Bài hoạ :
             
            Trọn Đạo
             
            Tám chục xuân đời với thế gian
            Gạn vàng, đãi cát chả từ nan
            Lương hưu khiêm tốn người không nản
            Gạo chợ cao vời vợ nỏ van
            Sáng dậy cà phê tâm sảng khoái
            Tối ra bách bộ bệnh tiêu tan
            Chiều nghiêng soi bóng cùng thi hữu
            Chín chục, hơn vầy chẳng tính toan.
             
            Nguyễn Tiến Việt
             
            Mừng Lão Tám Mươi
                             
            Giàu nghèo riêng bác chẳng mưu toan
            Nắng lắm mưa nhiều cũng sẽ tan
            Thuận thế dung nhan còn mát mắt
            Nhờ trời tâm chí vẫn thông van
            Cháu con lớp lớp thăm nhà ấm
            Thơ riệu đều đều xướng vận nan
            Tám chục xuân rồi, hai chục nữa
            Sống đầy, sống đủ giữa nhân gian.
             
            Tú Viễn Nguyễn Tiến Vũ

            http://bachmaibutchi.wordpress.com
             
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 24.03.2009 15:12:56 bởi thái thanh nguyên >
            #6
              Chuyển nhanh đến:

              Thống kê hiện tại

              Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
              Kiểu:
              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9