LÊN VỚI SƠN TINH
Khải Nguyên HT 19.02.2009 12:07:14 (permalink)
Lên với Sơn Tinh
 
 
      Hi vọng đẹp trời, nhưng bốn giờ sáng dậy đã thấy mưa phùn. Xe chạy đến sáu giờ vẫn tối mò. Trách trưởng đoàn nệ ngày "tốt, xấu" nên mới ra vậy. Trưởng đoàn cười xoà: "Một lãnh đạo thành phố tại một cuộc họp hồi mới ra Tết chẳng đã công khai báo rằng mồng hai Tết năm nay tốt ngày các vị lãnh đạo cấp cao tranh thủ về thăm các nơi đó sao. Bốn chục người chúng ta du xuân cũng phải chọn ngày tốt chứ". Đành vậy, biết sao! May quá! Đến chùa Mía thì trời hửng. Ghé chùa cho mấy vị lễ xong, sắp trưa mới lên đường đi vườn quốc gia Ba Vì. Núi Ba Vì thuộc tỉnh Hà Tây, cách thủ đô Hà Nội chưa đến 60km đường ôtô. Những hôm đẹp trời đứng nơi cao tại Hà Nội nhìn về phía bắc hơi chếch tây một chút, sẽ thấy một rặng núi không dài đột khởi lên: đó là Tam Đảo; nhìn sang phía tây hơi lệch bắc một chút, cũng sẽ thấy một khối núi nhô trên nền trời xanh: đó là Ba Vì. Cả hai thường ẩn hiện trong mây trắng. Ban đêm, có thể nhìn thấy Tam Đảo lấp lánh ánh đèn. Còn Ba Vì thì không. Tam Đảo là khu du lịch từ gần trăm năm nay. Ba Vì, xưa là rừng nguyên sinh, nay được qui hoạch thành khu bảo tồn thiên nhiên chưa lâu.  Trước đây, Ba Vì chỉ được thấp thoáng biết đến qua câu chuyện kể về thánh Tản Viên, rất ít người có dịp đặt chân tới. Nay, ngày càng có nhiều người biết và cơ hội được thăm tận nơi đang rộng mở.
     Núi Ba Vì có ba đỉnh cao vượt trội lên, có lẽ do vậy mà có tên như thế. Đỉnh cao nhất là đỉnh Vua, 1300 mét. Đỉnh thấp nhất là đỉnh Ngọc Hoa, khoảng 1200 mét. Đỉnh cao thứ nhì và ở giữa là đỉnh Tản Viên, 1260 mét. Tên của đỉnh này thường được dùng gọi chung cho cả ngọn núi. Cụm từ "núi Tản sông Đà" ngày nay không mấy ai thích nói đến nữa, xưa từng "vang bóng một thời" có liên quan tới cái bút hiệu chắc sẽ sống mãi trong văn học sử Việt Nam: Tản Đà (thi sĩ). Chẳng phải ai cũng có thể nhờ địa danh mà lưu danh. Huống chi danh nhân đây còn góp phần làm rạng địa danh. Người xưa đặt tên cho các đỉnh núi hẳn là chẳng tuỳ tiện. Đỉnh cao nhất dành cho vua, đúng thôi. Đỉnh nhì là của Thánh Tản, phải rồi! Còn đỉnh thứ ba? Nàng công chúa út con vua Hùng thứ 18, từng là cái cớ của cuộc tranh chấp lừng danh nhất trong truyền thuyết Việt Nam, cuộc tranh chấp giữa Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, xứng đáng được ngự trên đỉnh núi cao cạnh đỉnh núi của chồng. Có mấy bà cũng đã có tuổi, từng đỗ đại học, biết qua loa truyện Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, chẳng biết Ngọc Hoa là ai; cũng không biết Sơn Tinh là đức thánh Tản Viên, một trong "tứ bất tử" của tín ngưỡng Việt Nam.
     Đường lên Ba Vì đã được rải nhựa, khuất khúc, nhiều dốc, men các đồi cao dần. Từ đường cái nơi đồng bằng đi 6,5km lên tới độ cao 400m. Từ đây, còn phải đi 6km nữa và lên cao thêm hơn 700m. Môt tấm biển bên đường cấm xe máy, xe hơi lớn đi tiếp. Du khách được mách, tìm đến chiếc xe com-măng-ca đang đậu trên bãi phẳng mé dưới nhà hàng duy nhất tại nơi đây. Đó là xe của vườn quốc gia làm thêm dịch vụ tải khách tham quan, du lịch. Mười nghìn đồng cả lên lẫn xuống, mỗi người. Chiếc xe bình thường lèn giỏi lắm là năm người, lúc này ních mười người chẵn, không kể lái xe. Chuyến sau còn "sáng kiến" hạ tấm chắn hậu treo nghiêng bằng xích sắt để tải thêm người. Đường nhựa còn tốt, nhưng hẹp vừa đủ cho hai xe tránh nhau, nhiều đoạn rất dốc, nhiều khúc ngoặt gấp (lái xe hay gọi là "cua tay áo"). Con đường cheo leo này được làm ra từ hồi mồ ma thực dân Pháp, những người khai phá là tù chính trị. Hồi đó, đường hẹp hơn và rải đá, chỉ dành riêng cho các quan Tây và quân đồn trú. Dân Việt hiếm ai được bén mảng. Mà ví phỏng có ai liều lên thì cũng chết khiếp vì ma thiêng, thú dữ, trước hết là vì quan quân "bảo hộ". Bây giờ, dĩ nhiên là đi thong dong. Sạch quan Tây, rất hiếm thú dữ. Mây mù cuồn cuộn lòng thung, len lỏi trong rừng cây, lãng đãng trên đường. Cảm giác ướt và lạnh. Máy xe rú rít mệt nhọc. Ngỡ như chẳng bao giờ đi hết đoạn đường 6km. Một chiếc xe con nắp máy dựng lên, nằm ngơi bên đường. Máy quá nóng. Cấm xe du lịch to và xe máy cũng phải. Tuy nhiên gặp không ít xe máy lên và xuống, cả một chiếc xe khách cỡ lớn. "Trạm" dịch vụ chỉ có mỗi chiếc xe com-măng-ca. Đoàn chúng tôi có bốn chục người phải chia làm ba đợt, cả lên và xuống mất gần trọn ba giờ vì có lúc xe liệt máy dọc đường. Nếu mọi người đều trông vào nó thì… chỉ có lắc đầu! Ra một nghiêm lệnh cần nhìn trước khả năng chấp hành thực tế. Đã ban ra phải được triệt để tuân theo. Không nên "thả trôi ba vạ" sinh nhàm, gây thói nhờn phép nước. Trước mắt nên sắm đủ xe "dịch vụ" cho khách cần đi. Đoạn đường ngắn mà độ dốc trung bình khá lớn, lớn hơn độ dốc của chặng đường Lào Cai - Sa Pa nhiều. Chiếc xe vốn dành cho nhà binh, leo dốc khoẻ, ì ạch lên tới độ cao hơn 1100 mét thì dừng. Từ đây khách hành hương chỉ có thể dùng đôi chân. Hai ngả, một lên đỉnh Vua, nơi có đền thờ chủ tịch Hồ Chí Minh; một lên đỉnh Tản Viên, nơi có đền Thượng thờ Thánh Tản. Toàn đường bậc thang dựng đứng. Có những bà, những ông vào lứa tuổi sáu, bảy mươi thở phì phò vẫn cố trèo; số đông đi lễ, số chỉ "du ngoạn" rất ít. Đông nhất là lớp trẻ, thường là học sinh quanh vùng, nhiều cháu leo bộ từ dưới lên. Các cháu vui vẻ, hồn nhiên, động viên các cụ: "Cố tí nữa, sắp tới rồi, bà ạ!", "Ông đi dẻo lắm, chẳng nhường chúng cháu đâu"… Người lên, kẻ xuống, chỉ vài câu trao đổi ngắn, chẳng có sức và thì giờ để nói nhiều. Đôi câu đùa vui, nỗi mệt nhọc vợi bớt theo tiếng cười trẻ trung. Có một lần, một cụ ông, đáp lời khen "khoẻ" của bọn trẻ, nói vui: "Cổ lai hi rồi, chỉ khoẻ với ma thôi", một cô gái nói luôn: "Nom còn ngon lắm", nói xong cúi mặt nấp sau lưng bạn. Chẳng có tiếng cười hưởng ứng nào trong đám thanh niên cùng đi. Trong không khí thanh thoát, giữa ngàn cây, chung quanh là đất trời cao rộng, dẫu chồn chân mỏi gối người ta vẫn hăm hở hướng tới đích phía trên. Đúng là "vơi lòng trần", khói bụi kinh thành ở ngoài xa tít tắp. Hà Nội cách chừng ba mươi ki-lô-mét đường chim bay. Hôm trời quang, đứng trên này hẳn chỉ thấy nhà cửa phố phường xa mờ chân mây. Từ đồng bằng gần xa quanh chân núi nhìn lên, các đỉnh núi Ba Vì hiếm khi lộ ra trọn vẹn. Tôi nhớ hồi bé đọc được một "tích" kể rằng ngọn núi Tản Viên xưa có tên là ngọn núi Ông Lão, bởi xa trông như một ông già râu tóc bạc phơ trùm mình trong khăn choàng trắng. Vị thánh ngự trên núi giận một kẻ gian tham bịp ngài để cuỗm một số châu ngọc nên đã cho đánh sạt núi chôn vùi kho báu. Từ đó, ngọn núi biến dạng không còn hình thù xưa. Tôi hỏi mấy người, chẳng ai đã từng nghe tên núi Ông Lão. Có khi họ còn "hậu sinh" hơn tôi. Thêm nữa, họ cũng từ nơi khác đến làm việc, hoặc cũng chỉ là du khách. Và biết đâu "tích" kia là hư cấu của người viết truyện.  
      Các đền không nằm nơi chóp đỉnh. Đền Thượng nép bên vách đá. Một ngôi đền qui mô nhỏ, không có gì đặc biệt về kiến trúc. Leo cao 50m nữa tới một đỉnh phụ có một cái am lộ thiên thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên. Bệ am là một khối đá tảng hình hộp chữ nhật dài hơn một mét, rộng và cao hơn nửa mét, mặt trước chạm chìm mây rồng. Đứng tại đây nhìn lên bên kia yên ngựa, đỉnh Tản Viên khi tỏ khi khuất sau màn mây mù trôi chậm ngang qua mãi. Đền thờ Hồ Chủ tịch mới xây gần chóp đỉnh Vua đang tôn tạo khuôn viên (Không chắc hương hồn cụ Hồ ưng như vậy. Bình sinh, cụ thích giản dị). Rải rác trong phạm vi vườn Quốc gia còn một số đền: đền Trung, đền Hạ,… nhưng không thấy biển hướng dẫn đường đến.
     Các triền núi Ba Vì vốn có một ít người Dao ở rải rác đã được dời đi khi vườn Quốc gia thành lập. Dấu vết thời Pháp nay còn một ít phế tích và một nhà thờ đạo Cơ-đốc ở độ cao 800 mét. Từng có người ở tất nhiên rừng có bị xâm hại. Chưa nói bọn lâm tặc và bọn bao che hay đồng lõa của chúng. Rừng nguyên sinh không còn nhiều. Trên bản đồ có chỗ khoanh lại "phân khu rừng nguyên sinh". Song ngay ở đây, mé dưới, có nơi lộ rõ đám cây trồng thẳng hàng. Đường từ điểm 400 lên các đỉnh Vua và Tản Viên xuyên qua "phân khu rừng chuyên dụng",  phân khu nằm ở vùng trung tâm vườn Quốc gia. Vùng ngoài là "phân khu rừng phục hồi",  trong đó: "rừng trúc", "rừng sinh thái", "rừng trồng",… Lên với Sơn Tinh mà chỉ chăm chăm lễ rồi về thì cũng phí, hẳn Ngài chẳng hài lòng. Xưa, Ngài góp phần giữ gìn và xây đắp non sông này để lại cho hậu thế, chắc Ngài cũng muốn được thấy con cháu "hưởng" như thế nào. Bên đường chính của vườn Quốc gia có tấm biển ghi: "Thiên thiên này là của các bạn. Các bạn hãy thưởng thức nó và bảo vệ nó". Thưởng thức mà chỉ nhìn thôi thì chưa đủ, huống lại nhìn kiểu "cưỡi xe xem hoa". Giá như có người hướng dẫn, giảng giải (thì dưới hình thức dịch vụ cũng hay chứ sao!) chỉ thêm ít nhiều hiểu biết chưa phải chuyên sâu, sự yêu thích sẽ không chỉ dừng lại ở mức cảm tính. Du khách sẽ nương tay hơn khi vin một nhánh cây, sẽ không phóng tay ném bừa dù một mẩu thuốc lá. Du khách, cả khách hành hương, ra về sẽ không chỉ giữ lại một kỉ niệm mơ hồ về một chuyến đi. Nghe nói trong vườn Quốc gia có nhiều động vật: khỉ, cheo, lợn rừng, trăn, gấu, hươu nai, … Nếu được du ngoạn trong rừng và được bắt gặp chúng đây đó thì khách du, kể cả người nước ngoài, ắt sẽ theo tiếng tăm mà tìm đến. Ước mong này, hiện tại là ảo tưởng. Bởi ở ta lúc này, thú nhà như mèo, chó,.. sểnh ra còn chết nữa là! Người ngồi bán các điếu cày, ống đựng bằng tre trổ hoa văn rồng, hoa,… ở điểm cao 400 nói rằng: rừng cấm mà tiện tay "họ" vẫn săn bắn. "Thịt lợn rừng tuyệt ngon", anh ta hồn nhiên kể. Người ta đang làm một vườn chim nửa tự nhiên. Một khoảng rừng chừng héc ta được rào lưới sắt kín cả trên trời để thả chim vào đấy. Một cái lồng khổng lồ thì vẫn là lồng. Chưa rõ để phục vụ nghiên cứu sinh học là chính hay để phục vụ du lịch là chính.
     Hiện tại, việc phát huy tác dụng, hay nói cách khác, việc khai thác lợi ích của vườn Quốc gia Ba Vì về mặt khoa học chưa biết như thế nào; về mặt du lịch thì có vẻ còn "khiêm tốn". Mùa hè,cũng có nhiều người lên điểm 400 nghỉ ngơi, du ngoạn. Ở đấy, có bể bơi, có nhà nghỉ, và cách chừng ba ki-lô-mét phía dưới, ở độ cao 200 mét có hồ Hóc Cua rộng xấp xỉ hồ Gươm, Hà Nội, một cái hồ thơ mộng giữa hoang vu cho đến lúc này. Tuy nhiên, gần kề phía ngoài là các khu du lịch: Ao Vua, Hương ổi, Khoang Xanh -Suối Tiên, Suối Mơ, trong đó có khu khá nổi tiếng, vườn Quốc gia Ba Vì chỉ có thể thu hút nhiều du khách nếu phát huy thế mạnh của mình, du lịch sinh thái, du lịch cảnh quan và ở một chừng mực nào đó, du lịch văn hoá. Đi du lịch, có người thích vui thú, kể cả ăn chơi; có người chuộng nghỉ ngơi, di dưỡng tinh thần; người khác còn muốn được bồi bố trí lực và tâm lực. Vườn Quốc gia Ba Vì dễ đáp ứng cho hai loại người sau. Thấy nói ở núi Bà Đen, Tây Ninh đã có xe điện treo. Ngồi xe điện treo, ngoài sự nhanh chóng và tiện lợi, còn được rộng tầm thưởng ngoạn. Lướt trên cao ngắm, gần thì cây rừng, thác nước (Ba Vì có nhiều thác đẹp),…, xa thì ruộng đồng, làng mạc,… Nếu lại có những điểm dừng để khách du có thể riêng mình với thác đổ, hay với tiếng gió ngàn reo, tiếng chim hót, … thì "tiên cảnh" ở đâu xa! Kết nối các khu du lịch bên ngoài với các điểm tham quan, du ngoạn trong vườn bằng các tuyến xe treo sẽ làm cho vùng đất của Thánh Tản gần lại cõi người hôm nay. Có điều, cần tính kĩ tuyến đi, bến đỗ để dừng tước mất cái thú leo trèo của du khách.
     Và, khai thác mọi tiềm năng nhưng chớ ô trọc hoá một vùng đất thiêng.

 
Hải Phòng, xuân 2000

<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.02.2009 12:12:14 bởi Khải Nguyên HT >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9