CÁI HẠT-truyện ngắn
Khải Nguyên HT 19.02.2009 22:15:40 (permalink)
Cái hạt
-truyện ngắn- 
 
 
       - Trời ơi! Ông chánh án ơi! Ông giết con ông đó!
       Chị muốn kêu to lên như thế, nhưng miệng chị chỉ bật ra một thứ âm thanh giống như tiếng nấc nghẹn dồn lại ở "trời" và "giết". Và chị ngục xuống trong vòng tay của người bạn gái. Thằng con chị sững người khi nghe hai cái từ ghê sợ "tử hình"; nó không đổ sụp xuống mà đứng trơ ra, cái nhìn trân trối đặt đâu đó phía sau lưng viên chánh án. Trên khuôn mặt xanh gầy của nó không có dấu hiệu gì tỏ ra nó nghe được tiếng thét của người mẹ. Nhiều người trong phòng chuyển ánh mắt từ người tuyên đọc bản án và can phạm sang phía góc khuất và hơi tối của phòng xử án, nơi vừa phát ra cái âm thanh lạc lõng trong không khí trang nghiêm lặng phắc kia. Ông chánh án không nhìn theo những người nọ và cũng không chớp mắt. Chuyện ấy đã từng xảy ra trong gian phòng này không phải chỉ một lần. Ông ta nhẹn tay thu gọn giấy tờ và sau một cái quay người rất chuẩn, ông ta đĩnh đạc bước tới cái cửa cuối phòng, thoáng chốc đã biến mất cùng với hội đồng xét xử. Bấy giờ trong phòng mới rộ lên tiếng rì rào, trong khi những cái đầu nghển lên dõi theo phạm nhân đang đi ra giữa những người áp giải. Tiếng bàn tán tụ lại tong đám trong sân toà trước khi tản dài trên hè phố.
       - Nặng quá! Đây kể như ngộ sát chứ có phải…
       - Thì nhân chứng nói thằng Hân dụ thằng Căn ra giữa cầu rồi đánh vào đầu, hất ngã xuống sông.
       - Thằng Thành nhân chứng là con ông chánh án, nạn nhân con bà chủ tịch.
       - Sao thằng Hân không cãi? Công tố viên còn nêu các tiền sự để minh chứng tính cách bị can là hay gây gổ, hung hãn.
       - Tôi xem ra can phạm có cái gì đó vướng víu. Đấy! Các vị đã nghe cả đấy thôi: Bị can nhận là có xông đến chỗ thằng bạn đang ngồi ghếch trên thành cầu, thằng này đá nó nhưng bị mất thăng bằng… thì toà ngắt lời: "Anh có làm nạn nhân ngã xuống sông không? Có hay không?" Rồi khi thằng Thành khai nó cứ ngớ ra, và sau đó toà hỏi, nó im lặng.
       - Chẳng qua là một sự không biết lượng sức mình thôi. - Một cái chép miệng kèm một câu nói đổng.
 
       * * *
       Ngồi lắc lư trên chiếc xích lô đang vòng vèo lượn tránh các ổ gà, thỉnh thoảng xóc nẩy lên, chị Thắm - người mẹ như mê, như mụ. Người bạn kèm chị về nhà lầm bầm: "Giá mà lo được giấy tờ xác nhận con liệt sĩ", và bỗng gần như gắt lên: "Tôi đã nhắc bao nhiêu làn mà chị không muốn nghe".
       - Ôi! Chị ơi! - Lời người mẹ khổ đau thoát ra theo một tiếng thở dài, nửa như van xin, nửa như trách móc. Chị bạn kịp đưa tay giữ người chị Thắm suýt đổ nghiêng sau một cú giật của chiếc xe cà khổ.
 
       *  *  *
       Ngày ấy… Vâng! Cuộc đời đã khép lại với tôi từ những ngày ấy. Không! Nói vậy chưa thật đúng. Ngày ấy, cuộc đời đang cười với tôi đấy chứ. Nếu những gì hứa hẹn đã tuột khỏi tầm tay tôi thì lỗi đâu tự cuộc đời. Ngày ấy, tôi vừa bước vào lứa tuổi đôi mươi đầy nhựa sống, với những ước mơ về lý tưởng và hạnh phúc - những từ mà nay chỉ còn vang lên như những sáo ngữ. Sao lại là sáo ngữ? Có những từ chẳng bao giờ tự chúng mòn đi. Chỉ có người nói và người nghe làm cho chúng mòn đi mà thôi. Ngày ấy với tôi, cũng như với nhiều người khác, làm việc  học tập, cống hiến là lẽ sống, là niềm vui. Tôi có người yêu. Anh ấy đang ở trong quân ngũ. Chúng tôi ngầm hẹn xứng đáng với nhau. Anh ấy đã là đảng viên; tôi cố gắng phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tôi đang là đối tượng kết nạp. Người được phân công giúp đỡ tôi là đồng chí bí thư kiêm thủ trưởng bộ phận. Anh mới ngoài ba mươi. Tôi coi anh như một thứ thần tượng nhỏ. Anh luôn luôn quan tâm đến tôi, nâng đỡ tôi trong công tác, động viên và che chở tôi mỗi lúc tôi bị khó khăn, va vấp. Khi thì anh tâm tình như một người anh; khi thì anh răn dạy theo cương vị người lãnh đạo. Trong niềm tin cậy trọn vẹn đối với anh, cũng có lúc tôi bất chit nơi anh ánh mắt người đàn ông. Nhưng tôi biết anh đã có vợ con. Vả chăng, mỗi khi thấy tôi thoáng cái vẻ ngỡ ngàng trước sự bất bình thường đó thì anh trở lại lập nghiêm và nói ra một câu gì đó cao xa. Và rồi sự gần gũi thân mật khiến mọi chuyện cũng trở thành tự nhiên. Sự nôn nóng phấn đấu lấn át mọi dè giữ thường tình. Cho đến lần ấy…
       Chiều thứ bảy, nơi cơ quan sơ tán người ta đua nhau ngừng việc sớm. Khu vực hành chính trở nên vắng vẻ. Anh gọi tôi đến phòng làm việc của anh. Nhân tiện tôi mang sang biếu anh một ít bánh kẹo. Than ôi! Chuyện quà cáp vốn nào có nghĩa chi khác ngoài cái nghĩa thân tình. Song tự bao giờ nó đã biến tướng đi, ban đầu còn nhập nhằng, sau dần hợp thức đến thành trắng trợn như ngày nay. Sâu trong tiềm thức tôi ngày ấy đã chẳng vô tư như tôi tự nhủ để có thể vẫn hồn nhiên. Tôi đến trước cửa phòng thủ trưởng, nghe vọng ra tiếng nữ véo von: "Em về đâu. Anh phải lo giữ gìn sức khoẻ. Anh là linh hồn, là chỗ dựa của chúng em. Anh phải giữ cho chúng em". Tôi đẩy cửa. Chị Hanh, một nhân viên tài vụ. Trong một thoáng, chị ta đanh mặt nhìn tôi rồi liếc xéo rất nhanh chủ nhân căn phòng, song lại tươi ngay nét mặt xởi lởi nói như tôi là người chị ta đang mong đợi: "A! Cô Thắm đây rồi". Chị ta quay lại thủ trưởng, miệng nhếch cười nũng mà mắt thì đăm đăm như thăm dò, như thách thức: "Anh đỡ buồn chiều thứ bảy nhá. Em yên tâm ra về". Vẫn dán cái cười nơi khoé miệng chị ta quây quả đi ra. Cánh cửa tự khép lại sau lưng chị ta. Thủ trưởng của tôi bình tĩnh như không, có vẻ như anh ta đã quen xử trí các tình huống tương tự. "- Hay quá! Thật là đúng dịp. Thứ hai tới, chi bộ sẽ họp để xét việc kết nạp em đấy Thắm ạ. Chắc sẽ xong thôi". Anh ta lấy ra chai rượu để sẵn đâu đó rót ra hai cốc. " - Nào! Chúng mình chạm cốc uống mừng trước đi là vừa. Bây giờ mới sơ sơ đón mừng thôi. Sau này phải giết gà chào mừng". Cho tới lúc đó, tôi chưa hề biết vị rượu là thế nào. Nể anh ta quá, tôi nhắm mắt nhấp một hớp. Cay xé họng. Rồi nóng râm ran. Hơi rượu bốc dần cùng những lời tâng bốc của người đàn ông. Anh ta tự tay bóc kẹo cho tôi, tự tay nâng cốc rượu kề môi tôi nài nỉ: " - Một ngụm cỏn con nữa thôi mà, cho thơm miệng". Men rượu làm tôi choáng váng. Nhưng tôi chưa say. Tôi còn đủ tỉnh để cảm thấy có cái gì đó hiểm nguy; và cũng đủ tỉnh để biết rằng làm anh ta phật ý là không có lợi. Ôi! Sự mong cầu tiến bộ chính đáng và thói hám danh vụ lợi ngụy trang bất tự giác! Mọi động cơ, dẫu chân thành, có vương chút gì không trong sáng bao giờ cũng dễ lái con người ta sang mặt trái. Tôi đã mơ hồ cảm thấy mình sẽ buông xuôi tay trước khi gục ngã. Vâng! Tôi đã sa ngã. Không ! Tôi đã sa bẫy. Sau này tôi mới hay rằng có không ít người được anh ta "giúp đỡ" cũng đã sa sẩy như tôi. Nhưng họ sa không mấy miễn cưỡng. Có người còn chủ động cung hiến - một thứ hối lộ, ví như cái chị Hanh kia, cái người rồi đã trở thành giám đốc một công ti, và vừa ra toà tháng tháng trước đó, cái người phải ra toà vì các tội tham ô, ăn đút và lộng quyền vậy mà vẫn khai rất chững chạc và da diết rằng: "Suốt đời tôi phục vụ cách mạng; vì phục vụ, tôi không tiếc cả cái thân tôi". Tôi không thuộc loại đó. Nhưng sao ở giây phút quyết định tôi đã không cưỡng lại được? Đó đâu phải tình yêu! Cũng chẳng phải là tôi đã buông thả theo một dục vọng bột phát do bị kích thích bởi một kẻ sành lợi dụng. ít lâu sau đó, tôi được kết nạp vào Đảng. Lẽ ra tôi đã có thể rất mừng vui. Tôi đã phấn đấu nhiệt thành và bền bỉ. Nhưng một niềm đắng cay đã len vào ngay khi tôi đứng lên thề trước cờ. Tôi đã không viết thư báo tin cho người yêu như đã ước hẹn. Niềm cay đắng chuyển thành nỗi kinh hoàng khi tôi tự nhận ra những chuyển biến trong cơ thể. Đúng lúc ấy, anh Tráng, người yêu của tôi về phép. Anh từ nơi đóng quân ở Vĩnh Linh được về thăm nhà một tuần trước khi vào chiến trường. Tôi rất sợ gặp anh, nhưng có lí do gì để tránh? Vả chăng, tôi vẫn rất yêu anh, làm sao tôi có thể không gặp anh? Trời ơi! Tôi vui mà không dám vui, nhưng vẫn phải làm mặt vui: tôi đã ứa những giọt nước mắt tủi nhục, mà miệng lại hé ra điệu cười khi bị chế: "mừng quá hóa khóc". Các diễn viên sân khấu đóng kịch với niềm hãnh diện còn tôi đóng kịch với nỗi xót xa. Không hiểu các diễn viên chuyên nghiệp khi phải đóng kịch ngoài đời tâm trạng họ ra sao? Hồi nào chúng tôi vẫn hẹn nhau nơi mấy gốc bạch đàn thân thuộc. Ngày đầu tiên anh về, khi đến chào cha mẹ tôi, anh đã kịp ra hiệu cho tôi. Tôi ngại giờ hẹn đến gần, song lại nóng ruột xem đồng hồ luôn. Chân tôi tự bước, đầu tôi nghĩ mung lung. Gần tới nơi anh đang đợi, tôi đã quyết định sẽ nói với anh tất cả. Nhưng anh đã ôm chầm lấy tôi. Môi tôi không dám né tránh môi anh. Một luồng nóng ấm tràn ngập người tôi. Trong mấy giây tôi thoát khỏi mọi nỗi ngập ngừng, tủi thẹn, hối tiếc. Nhưng hỡi ơi! Làm sao thoát khỏi con người mình? Một cơn lạnh lướt nhẹ trong tôi, môi tôi nguội đi. " Em lạnh à?". "Không ạ". "Em khoác áo anh đây". " Đừng, anh sẽ bị cảm đấy". " Anh chẳng sao đâu, anh dày dạn lắm rồi. áo này em giữ lấy cho anh, chăng mang vào chiến trường được.". " Bao giờ anh lại đi?". " Đúng sáu ngày rưỡi nữa". Chỉ còn mấy ngày nữa, anh ấy sẽ đi vào nơi sống chết. Nỡ nào để anh phải nghe một sự thật phũ phàng? Nỡ nào đẻ anh phải ra đi trong một tân trạng buồn đau hay uất giận! Rồi sẽ có lúc mình tìm cách cho anh rõ là mình không còn xứng đáng với anh. Ôi! Giá như tôi đừng lần chần như vậy, đừng lảng tránh như vậy, đừng ngụy biện với chính mình như vậy. Nhưng tôi còn biết làm cách nào khác? Giá tôi chết đi được, hoặc ít ra tôi đã đi đâu biệt tăm, biệt tích! Thật ra, lúc đó nếu có muốn tôi cũng chẳng kịp giãi bày. Ôi! Giá đừng đến chỗ hẹn với anh! Không rào đón, anh ngỏ ý với tôi chuyện cưới xin. Mẹ già anh muốn vậy. Chị gái anh đã đi lấy chồng. Đây mới thật là một đòn chết điếng đối với tôi. Tôi không đủ sức để từ chối. Mà từ chối thế nào đây? Đáng lẽ nhân dịp này tôi dứt khoát: hoặc là nói ra sự thật để cắt đứt, - thế là sòng phẳng hơn cả, - hoặc là nói tôi không muốn làm vợ anh, - thế là dối lòng. Nhưng mà tôi đã không đủ dũng khí, không đủ tỉnh táo. - ít nhất là tỉnh táo, bởi vì nếu thế thì may ra tôi có thể thuyết phục được anh hãy thư thả, chẳng hạn: "Vội gì anh! Chúng ta còn trẻ. ở nhà, em sẽ thay anh chăm nom mẹ". Nhưng tôi chẳng biết đáp lại anh thế nào cả. Tôi chỉ hi vọng gia đình tôi sẽ không đồng ý cho cưới lúc này, dẫu trong thâm tâm tôi biết đó chỉ là hi vọng hão. Đám cưới được tổ chức ba ngày trước khi anh lên đường. Có ai đã từng trải qua cái tâm trạng kinh khủng như tôi những ngày ấy không? Bao nhiêu cảm xúc và ý nghĩ chen lấn nhau, phản bác nhau, dồn nén lại khiến tôi cơ hồ mụ đi. Cái đêm tân hôn khốn khổ! Có một lúc nào đó tôi đã tạm quên đi thực tại trong vòng tay nồng nàn của anh để đến khi sực tỉnh lại ghê tởm chính mình.
       Các ngày kế tiếp, những bận bịu, nhưng lo toan theo tục lệ và phận sự, những công việc chuẩn bị cho người đi xa làm chìm đi những mặc cảm. Nhưng khi anh đã đi rồi, nỗi nhớ thương không khỏa lấp nỗi niềm ân hận ngày càng đè nặng lên tâm tư tôi cùng với cái thai ngày càng to dần. Đã lắm lúc tôi muốn tẩy đi khối ô nhục ấy. Nhưng viện cớ nào đây, một khi tôi giờ là gái có chồng? Người chồng ấy đang ra trận, và bà mẹ già của anh đang cần có cháu đích tôn. Điều trớ trêu này tiếp sức cho sự lần chần của tôi, và một lần nữa tôi lại đành nhẫn nhục. Tám tháng rưỡi sau khi anh Tráng đi, tôi sinh con trai. May sao đứa bé chỉ nặng có hai cân ba. Sinh vật nhỏ nhoi đó đối với tôi vừa là niềm vui, vừa là món nợ. Tôi muốn đặt tên cho nó là Hận - vừa là ân hận, vừa là uất hận - song đành phải bỏ dấu nặng đi. Tôi chăm chú theo dõi từng ngày nó lớn lên xem có giống người đó không. Điều an ủi tôi là hầu như nó chẳng giống cái mặt mà từ lâu tôi không muốn nhớ tới nữa. Ai cũng bảo cháu rất giống mẹ, nhất là cặp mắt và cái miệng. Vậy là theo thuyết di truyền, trong cơ thể nó gien trội thuộc về gien của tôi. Tôi hi vọng khi lớn lên, cháu không mang cái chất bạc ác của người bố giấu mặt. Con người kia một thời gian dài quay lưng lại tôi mê mải bám con đường xoay xở, và kiếm chác những người đàn bà cả tin hoặc hám danh lợi. Sau khi tôi sinh con được ít lâu, hắn quay lại săn đón tôi - "gái một con…" mà! Nhưng tôi cố tránh mặt hắn. Ngoài công viẹc mà tôi gắng làm tròn, tôi chỉ còn biết chăm sóc mẹ chồng và nuôi dạy đứa con. Tôi không nguôi nghĩ về chồng, nhưng vẫn run sợ mỗi khi nghĩ tới ngày anh trở về. Tôi chưa biết sẽ phải xử sự ra sao. Nói thật để cắt đứt thì tôi không dám; cầu xin tha thứ thì tôi không muốn. Im lặng để chung sống thì tôi có chịu nổ hay không? Lúc cháu Hân được mười ba tháng thì gia đình tôi nhận được tin anh đã hi sinh do một đồng đội của anh đi công tác ghé qua cho biết. Tôi bàng hoàng. Không chỉ là nỗi đau, tôi là kẻ có tội. Chồng tôi cho tới lúc chết vẫn chưa biết mình bị lừa dối. Điều dối lừa lớn nhất là đứa bé mạo nhận họ tên anh trong lí lịch và trong mắt người đời, nhất là trong lòng bà mẹ tội nghiệp của anh. Đã đành để cho anh biết rõ sự thật trước khi từ giã cõi đời là bất nhẫn. Làm sao anh có thể thanh thản yên tâm nhắm mắt được! Nhưng còn tội lỗi của tôi? Người đã chết rồi làm gì còn có linh hồn để tôi còn có thể khấn nguyện cùng anh!
       Tin người con trai độc nhất chết trận làm lụi tắt chút sinh lực cuối cùng của bà mẹ già. Tôi lo liệu cho mẹ chồng chu tất rồi dời ra hẳn thành phố. Trong mọi giấy tờ của con tôi, tôi không khai "con liệt sĩ". Cũng may thằng bé ngoan và học được nên không cần viện đến một ưu tiên nào để mong chiếu cố. Con tôi khá dễ thương ở trường cũng như ở nhà. Vâng, đúng như thế. Nhưng cháu trầm lặng. Dường như cháu có cái mặc cảm nào đó, cái mặc cảm về nỗi hận đời của mẹ cháu chăng? Tôi không rõ. Tôi bất chợt đôi lúc mặt cháu đanh lại dù chỉ trong một thoáng trước một sự cố không hay của đời sống, dù chẳng mấy liên quan đến cháu. Tôi vẫn e sợ cháu mang ít nhiều cái máu nhẫn tâm của kẻ kia. Kẻ kia thì đã tếch theo con đường "phấn đấu" của anh ta, nghĩa là "thăng tiến" đều đều. bằng con đường biến ảo kì quái nào đó, anh ta trở thành người cầm cân công lí của tỉnh. Tôi luôn luôn cố tránh mọi cơ hội có thể đụng mặt anh ta. Nhưng do một sự run rủi trớ trêu nào của số mệnh, thằng con tôi lại học chung một lớp với con anh ta. Hơn nữa, chúng được xếp chung vào một tổ, trong tổ đó chỉ có ba đứa nam học sinh: thằng Hân, thằng Thành con ông chánh án tỉnh và thằng Cần con bà chủ tịch tỉnh. Tôi không thích thế, không yên tâm nữa, nhưng tôi không lộ ra cho con hay. Những gì người lớn khó dung nhau chẳng nên làm bợn lòng con trẻ. Chúng nó chơi với nhau khá thân. Tôi những lo rằng cháu Hân sẽ sớm có ý thức về thân phận nghèo hèn của gia đình nó. Được cái may, cháu không đua đòi.
 
       *  *  *
       Hân học khá, không chăm, cũng không lười. Thành và Cần thì chịu khó theo các lớp học thêm do cha mẹ mời thầy dạy riêng các môn cần thiết. Và cũng chỉ đến vậy. Cả hai đứa đều tinh khôn, nhưng học lại khó vào. Trẻ con bây giờ sớm thông minh, song cái thông minh ấy có lẽ bị gia đình và người đời lái theo hướng tinh ranh. Cần và Thành quí Hân, một phần vì Hân thường gỡ bí cho chúng những giờ kiểm tra bài ở lớp. Hân đằm tính, nhưng cũng chấp nhận những trò ma mãnh của hai đứa kia. Tuổi nhỏ tuy nhạy cảm cũng ít quan tâm đến những khác biệt đẳng cấp, nếu không có tác động của người lớn. Dù sao tình bạn giữa mấy đứa trẻ này cũng khá suôn sẻ. Có vết rạn thì cũng chóng qua và dễ hàn gắn. Tình bạn thuở học trò khác tình bạn khi đã vào đời, tựa như chơi tam cúc búng tai khác chơi bài lá ăn tiền vậy.
       Thằng con bà chủ tịch vẫn quen lệ sáng sáng được bà nội nó - một thứ quản gia của mẹ nó - đưa tiền quà sáng hậu hĩnh, đủ để thết vài đứa bạn nếu nó thích. Bữa đó, bà nó đứa tiền cho nó hơi ít, vì bà nó trót chi tiền chợ ngày hôm trước. Thấy nó xịu mặt, bà nó bèn bảo nó lục cặp mẹ nó xem. Trong cặp đó vẫn có những khoản "ngoại tệ" - như nó vẫn nói giễu với các bạn cánh hẩu - nằm gọn trong các phong bì, thường là do người thư kí riêng để vào nhân một dịp gì đó, chẳng hạn như sơ kết, tổng kết ở một cơ sở làm ăn. Thằng bé moi thấy một phong bì không dày lắm. Chẳng cần giở ra xem nó nhét luôn vào túi. Đến lúc mở ra để mua quà, nó đếm thấy mười tờ một trăm đồng. Hồi ấy, giá một bát phở chưa đến mười đồng. Nó chạy đến trường kêu cả lớp đi "xả láng". Đã gần đến giờ học, để trấn an các bạn, Cần nói tỉnh bơ: "Thầy giáo ốm rồi, tao biết". Thành đế theo: "Đúng đấy. Cứ yên trí". Cả lớp chỉ dăm đứa không đi. Cả bọn kéo nhau vào một quán tư nhân ăn uống một hồi. Cao hứng chúng gọi cả rượu. Tàn cuộc có mấy đứa con trai đã ngà ngà say. Cần chi gần trọn tập giấy bạc trong cái phong bì của mẹ nó. Hân chép miệng:
       - Chà! Một năm đứng máy của mẹ tao cũng chẳng lĩnh được ngần ấy.
       Thành "xì" một tiếng:
       - Lương mẹ mày thì nói làm quái gì.
       Nó nhấn mạnh mấy tiếng "lương mẹ mày" một cách khinh bỉ đến nỗi Hân xưa nay vốn ít sửng cồ đã tống cho bạn một quả đấm vào mũi. Thành trả đòn bằng một cái đạp. Cần bênh Thành cũng nhảy vào vòng chiến. Thế là loạn đả. Không may cho chúng, đúng hôm đó công an phát động phong trào giữ gìn trật tự, an ninh đường phố. mấy cậu bị lôi về đồn. Dẫu sao chuyện này gạt đi không khó, chỉ cần một cú điện thoại. Nhưng còn cái chuyện kéo cả lớp bỏ học đi nhậu nhẹt thì chẳng dễ dàn xếp. Bà hiệu trưởng muốn xử lí qua loa, song thầy giáo chủ nhiệm không chịu. Không chỉ vì chúng phá đúng hai tiết dạy của ông. Ngay buổi chiều, một chiếc xe con lướt nhẹ vào sân trường. Một lát sau, thầy chủ nhiệm được mời lên phòng hiệu trưởng. Một người đàn ông đứng tuổi dáng chững chạc đã ngồi sẵn đó. Bà hiệu trưởng chưa kịp giới thiệu thì ông ta đã đứng dậy, chìa tay bắt, vồn vã:
       - Chào thầy. Tôi đến gặp thầy về chuyện cháu Cần.
       - Xin lỗi. Tôi được hân hạnh tiếp chuyện ai đấy ạ? - Mọi khi ông giáo ít nói kiểu cách như thế.
       - Tôi là thư kí riêng của đồng chí chủ tịch tỉnh. - Người kia cố tỏ ra bình dị nhưng giọng nói vẫn toát ra cái hơi trang trọng.
       - Chuyện này đã phải phiền đến ủy ban nhân dân tỉnh đâu ạ.
       - Chị Vân bận việc, ủy cho tôi thay mặt gia đình.
       - Tôi thấy không tiện đâu.
       - Đồng chí chủ tịch phải lo bao việc trọng đại của Đảng, của dân. - Người thư kí không giấu kĩ giọng bảo ban - Những việc nhỏ như thế này chẳng nên làm phiền đồng chí ấy. Các thầy, cô giáo được Đảng giao dạy dỗ con em nhân dân…
       Ông giáo ngắt lời:
       - Đồng chí chủ tịch cho chuyện giáo dục con đồng chí ấy là chuyện nhỏ à?
       Bà hiệu trưởng vội cười giòn, rồi dịu dàng nói:
       - Chẳng phải thế đâu, anh Thảo ạ. Nhưng ta cũng phải thông cảm với hoàn cảnh công tác chị chủ tịch. Anh ấy thì ở xa.
       - Hoàn cảnh công tác hay địa vị công tác? Đây là vấn đề phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình học sinh. Xin lỗi đồng chí thư kí riêng của chủ tịch tỉnh, đồng chí có thể thay bà chủ tịch dạy dỗ con bà ấy ở nhà được không? Theo tôi hiểu thì đồng chí không là thư kí riêng của đồng chí chủ tịch về việc nhà.
       - Báo cáo thầy giáo, - Ông thư kí thấy cần đổi giọng - Tôi đến trao đổi với nhà trường nắm tình hình rồi về báo cáo lại với chị Vân.
       - Nắm tình hình thì tôi không dám có ý kiến. Còn giải quyết việc này thì phải có mặt người có thẩm quyền của gia đình. Chị ạ, - Ông giáo chủ nhiệm quay sang bà hiệu trưởng, - Nếu cuộc họp hội đồng kỉ luật sắp tới mà không đúng thành phần thì không ổn đâu.

       Trong tình hình nhà trường lâu nay, một giáo viên có được những lời ấy trước hiệu trưởng và trước phái viên của chủ tịch tỉnh chẳng đơn giản chút nào. Tất nhiên là phải có bản lĩnh riêng. Cái bản lĩnh ấy được sự hỗ trợ của cái không khí bất thường trong trường của phần đông giáo viên và không ít học sinh. Hiện tượng các "cậu ấm cô chiêu" hiện đại làm lộng trong trường học tiếp sức cho các loại thanh thiếu niên hư khác làm ô nhiễm môi trường giáo dục đã gây nhức nhối lâu rồi những người có thiện chí. Lúc này, năm học sắp kết thúc. Hiệu trưởng không muốn cũng phải chấp thuận kỉ luật ba học sinh có lỗi nhất. Hân, xếp loại văn hóa, rèn luyện thân thể, lao động đều khá, nhưng phải qua thử thách ba tháng hè mới được xét lên lớp. Thành và Cần đều xếp loại văn hóa yếu, nhưng Thành sau kỳ thử thách như Hân sẽ được xét để cho thi lại môn toán; còn Cần thì phải chịu ở lại lớp.
       Án kỉ luật như thế, nhưng Cần xin được chuyển sang trường khác ngay trong nội thị, và như có phép màu, nghiễm nhiên lên lớp đàng hoàng. Bộ ba vẫn gắn bó với nhau. Dẫu có đấm đá nhau tí chút cũng dễ cho qua, - tuổi trẻ ấy mà! Hơn nữa lại đã cùng trải qua sóng gió. Cần xin mẹ và xúi Thành xin bố lo cho cả Thành và Hân cùng chuyển trường với mình. Theo qui chế giáo dục, lẽ ra ba cậu phải ở lại trường cũ vì quá trình rèn luyện sửa lỗi đang dở dang - sự thật thì chưa kịp bắt đầu. Nhưng qui chế mà làm gì! Khi học sinh vào đời, học bạ của họ nào có ai đọc đến. Cần chăng là cái lí lịch. Còn nếu đã có khoản khác "mạnh" rồi thì cái lí lịch cũng chỉ là chuyện giấy tờ cho phải phép. Vậy là ba cậu ung dung lên lớp. Bộ ba vẫn têu têu như thường. Đúng ra Hân bị tình bạn ràng buộc; bên cạnh hai bạn, cậu chỉ là vai phụ, song khi bị kích, vai phụ cũng dễ nổi đình đám lắm. Vụ việc nơi trường cũ chẳng làm các cậu bận tâm mấy nỗi. Ngược lại, cách giải quyết của người lớn đã gián tiếp khuyến khích bọn trẻ buông thả.
       Ông chánh án và bà chủ tịch không mấy am tường việc học hành của con mình. Đến khi các ông quí tử học xong phổ thông trung học đến nơi, các vị mới ngã ngửa ra là các cậu chưa được vào Đoàn. Một hôm, ông chánh án gọi ba chàng trai đến để răn dạy về mục tiêu phấn đấu. Ông nói nghiêm chỉnh về lí tưởng: "Thanh niên mà không đứng trong Đoàn là không được đâu, các con ạ". Và cũng nói nghiêm chỉnh không kém về cái lợi của việc có cái thẻ đoàn viên. "Chúng mày phải giúp nhau cùng tiến bộ. Không được quấy phá". Ông khuyên, ông nài, ông đe. Cả ba đều lắng nghe một cách thấu đáo. Cuộc tiếp kiến vừa xong, người giáo huấn vừa khuất, thằng Thành tuôn ngay mấy câu "thu hoạch":
       - Hầy! Các ông, các bà cũng chẳng tin quái gì cái chuyện lí tưởng ấy đâu. Nếu tin, các vị đã chẳng phải nhọc công xoay xở, thu vén như thế. Một lần lục đống giấy tờ cũ, tình cờ tao đọc được trong một cuốn sổ ghi của ông "bô" thuở hàn vi tại một lớp chính trị tập trung một câu trứ danh ở trang cuối: "Ăn như tu / ở như tù / nói lãnh tụ / đêm nằm ngủ / mới thấy ngu". Viết thành khổ thơ "năm câu, ba chữ" đàng hoàng kiểu "Tam tự kinh" thời xưa mà ông nội tao vẫn nhắc lại ấy.
       Cả ba cùng cười thoải mái. Nhưng các cậu cũng biết dẹp bớt các trò lêu têu, nói đúng hơn là biết tránh, biết giấu nơi và lúc cần tránh, cần giấu. Chúng được kết nạp Đoàn vào tuần lễ cuối cùng chúng ngồi trên ghế trường phổ thông. Thực ra, chủ trương tận lực phát triển Đoàn ở trường cấp ba, nhất là lớp cuối cấp của Trung ương Đoàn đã quyết định kết quả phấn đấu của ba cậu hơn là chính sự phấn đấu của họ.
       Ba cậu tốt nghiệp phổ thông không mấy khó khăn. Cần và Thành còn được điểm cao là khác, còn cao hơn cả Hân, tất nhiên là không phải tự sức học của chúng. Đến kì thi tuyển vào đại học thì cả ba không được may như vậy. Vừa dịp tuyển quân. Đến đây, bộ ba chia đôi nơi, Thành và Cần được sung vào binh đoàn làm kinh tế ở địa phương. Hân được điều lên biên giới. Hơn một năm sau, Cần và Thành được xuất ngũ vì "lí do sức khoẻ". Khi Hân hết nghĩa vụ quân sự thì hai bạn của mình đã xuống làm ở đội tàu buôn của tỉnh cũng lâu lâu rồi. Hân vác đơn đi xin việc khắp nơi. Có vẻ như hai bạn anh chờ đến lúc anh đã gần như tuyệt lộ mới chạy cho vào làm ở một công ti ngoại thương có quan hệ khăng khít với đội tàu. Công ti này cần một bảo vệ có thớ và tin cẩn.
       Tự bao giờ tình bạn của bộ ba, đúng hơn là giữa Hân và hai người kia, không còn được như xưa, tuy vang bóng của mối giao tình cũ chưa bị tàn phai. Có cái gì đó khiến Hân phải dè dặt. Vả chăng trách nhiệm của cái công việc mới mẻ đối với anh cũng chiếm mất của anh nhiều thời gian và công sức. Cần và Thành thì có những mối bận tâm khác. Khi người ta giàu lên, sang lên thì sự kết bạn khó có thể chỉ là chuyện tình cảm suông. Người ta chẳng trông vào anh một chút xíu giúp đỡ nào thì việc anh đến chơi - chơi thôi chứ không cầu cạnh - trở thành cái nợ, ít ra thì cũng là quấy quả giấc nghỉ ngơi. Chí ít anh phải có cái duyên trời phú có thể tôn cái vận may của người ta lên qua phản xạ trên vẻ mặt của anh, trong lời nói, thái độ, cử chỉ của anh. Cần, Thành và Hân họa hoằn lắm mới có một cuộc họp mặt bộ ba, nghĩa là có đủ và chỉ có ba người. Những cuộc họp mặt như thế không lai rai như trước kia và cũng kém mặn mà.
ấy vậy mà lần đó, Cần và Thành sau chuyến đi nước ngoài vè, vừa ở tàu lên hôm trước, hôm sau đã đến tận nhà kéo Hân đi chơi. Tháng trước, Hân cùng một số người trong công ti đưa đơn tố cáo những chuyện bê bối của bà giám đốc và phe cánh lên uỷ ban thanh tra tỉnh. Đơn được phản hồi cơ sở để lãnh đạo rút kinh nghiệm và giải quyết nội bộ. Lúc này, Hân cũng như mấy người kia đang được "tạm nghỉ công tác" để tự kiểm điểm xem có bè phái và chống đối lãnh đạo không hoặc có gì bất mãn. Hai bạn cũ nhiệt tình quá, bà mẹ cũng nói vun vào, Hân miễn cưỡng đi theo họ. Hai chiếc Hon-đa đưa ba người vào một quán ăn đặc sản. Khỏi phải nói đó là một bữa thết đãi mà dẫu có nằm mơ Hân cũng không lường tới. Song anh uống và ăn uể oải. Hai bạn anh có vẻ tế nhị không đả động gì đến tình cảnh anh hiện tại. Họ thay nhau kể về các chuyến đi, cảnh và người, niềm thích thú và nỗi gian nguy, cái vinh và cái nhục. Có lúc họ hạ giọng tâm sự:
       - Hân ạ, nhiều người cứ ganh với cánh đi tàu biển này, tưởng là "thơm", có biết đâu bọn này kiếm được "hào" cũng rất chi là đắng. Có khi vơ mười cái ti-vi tã về tháo ra đắp đổi theo đúng nghĩa đen may ra được ba, bốn chiếc xài được. Đồ cũ, đồ thải họ ê hề ra, trước kia phải thuê xử lí, nay có người hứng cho phải cảm ơn mới đúng. Đằng này chúng nó cứ cứa chẳng chút nhẹ tay. Đ• thế lại còn khinh ra mặt. Lắm lúc bọn này nghĩ nhục hơn con chó.
       Ăn uống lề dề cả giờ đồng hồ, xong hai bạn lại kéo Hân đi hóng gió trên chiếc cầu lớn sát ngay thành phố. Hân thoái thác mãi không được. Đêm trăng muộn, nhưng trời đầy sao. Đứng cao trên cầu có thể nhìn khá xa; bên thì phố xá chỗ thưa thớt ánh đèn, chỗ tối mù; bên thì ruộng đồng bàng bạc trong đêm. Gió sông hây hây, hơi se lạnh. Thành kêu lên:
       - Đưa bồ ra đây thì tuyệt.
       Cần ngồi nghếch lên thành lan can cầu, khịt mũi:
       - Để cho chúng nó "lột" à. Nếu không phải ba đứa ta thì thằng nào dám chường mặt ở đây vào giờ này.
       Hân chỉ lặng im đứng tì tay vào một đầu trụ lan can nhìn xuống mặt sông. Tưởng như nghe được tiếng nước chảy dưới cầu. Một lát chit Cần lên tiếng:
       - Hân này! Vạ gì mà cậu gây sự cho rắc rối nhỉ?
       - Thế nào là gây sự? - Hân không ngoảnh lại, nói thủng thẳng.
       - Bọn mình vốn tin ở tính chín chắn của cậu. - Thành móc bao thuốc lá đi tới chỗ Hân - Cậu không biết lo được chỗ làm ấy cho cậu vất vả như thế nào đâu.
       Hân xua tay từ chối điếu thuốc Thành chìa ra, nhìn thẳng vào mặt bạn mờ mờ trong ánh sáng tán xạ từ xa tới:
       - Các cậu hối tiếc phải không?
       - Sao cậu nghĩ vớ vẩn thế? Mình muốn nói thời buổi khó khăn này hãy lo làm lấy cái ăn đã. Nói như tay tổ chính trị gia Tàu: "Ngươi không đụng đến ta thì ta không đụng đến ngươi". Thế là yên thân.
       - Nào có yên được.
       - Cậu cứ nín tạm ở đấy ít lâu, rồi bọn này chạy cho cùng xuống tàu luôn thể, có muốn không?
       - Sao các cậu bảo nhục hơn con chó?
       Cần bỗng cười phá lên:
       - Thế nhưng mà vừa về đến hải phận nhà đã có thể vênh mặt lên được rồi. Khối kẻ cúi đầu phục sát đất. Biết sử dụng của cải sai khiến hải quan và công an thì chỉ sau vài chuyến đã có thể vào lọt mọi cửa thâm nghiêm. Cửa trước đàng hoàng chứ chẳng thèm cửa sau đâu.
       - Vậy mà vênh vang được!
       - Sao lại không? Những kẻ cao đạo rởm thì chỉ có ôm đồng lương chết đói.
       - Do đâu mà chỉ có đồng lương chết đói? Sản xuất đã kém mà bọn mọt dân và bọn phe phẩy đã đục khoét quá nửa tổng sản phẩm xã hội. Một lũ phá hoại. Phá hoại sản xuất, phá hoại kỉ cương, phá hoại tâm lí và đạo lí.
       - Thôi đừng làm Đông Ki-sốt nữa ông ơi! Đời thế cả, mình ông lo đời sao nổi.
       - Đó là giọng lưỡi những kẻ hèn nhát hoặc cơ hội.
       - Không cơ hội thì chỉ có đói rã họng ra. Làm thằng bảo vệ mà còn ra bộ yêng hùng. Biết điều, họ còn chia phần cho.
       - Tao không muối mặt làm đầy tớ bọn cắp ngày. Cái công ti ấy và cả đội tàu của chúng mày nữa đang biến thành của riêng của mấy nhà…
       - Thì mẹ con mày cũng chỉ làm đầy tớ, chứ làm chủ chỉ có đầu mồm và trên giấy thôi. Chúng tao xin cho mày vào làm ở công ti ấy những tưởng mày biết thân, biết phận lo bảo vệ để người ta làm ăn, nào ngờ mày vào mày phá thối.
       - A! Mày…
       Hân nắm chặt tay xông tới Cần. Thành định ngăn nhưng bị gạt ra. Hân nhảy hai bước chưa kịp áp sát thì cần vẫn đang ngồi ghếch trên thành cầu đã tung chân đá một cú phủ đầu. Hân né người; cú đá hụt. Người Cần bật ngửa ra sau lộn một vòng rồi rớt xuống mặt nước đen ngòm. Thành kêu lên một tiếng đứng chết trân. Hân cũng lặng đi nhưng sực tỉnh ngay, nhoài người ra phía ngoài lan can nhìn xuống. Chẳng nhìn thấy gì, chẳng nghe thấy gì sau tiếng rơi tõm nặng nề. Anh vội chạy xuống bờ sông, không kịp cởi quần áo, lội ra…
 
       *  *  *
       Khi cháu Hân xin được việc làm ở công ti bà Hanh làm giám đốc, tôi không vui lắm. Chẳng phải vì bà ta vốn có quan hệ với ông chánh án, - bà ta thì vẫn có những quan hệ phức tạp với nhiều người có cương vị - mà chính vì tôi lo cho số phận con tôi trong tay những người như thế. Hơn nữa tôi hiểu tính con tôi. Nhưng biết làm thế nào, kiếm được việc làm có dễ dàng gì đâu. Quả nhiên, con tôi không chịu đựng thủ trưởng mình được lâu. Tôi đã khuyên can nó, van xin nó. "Người ta nhắm mắt làm ngơ được cả, sao con lại định húc đầu vào đá? Rồi là khổ đấy con ạ. Mẹ chỉ có mỗi mình con. Mẹ yếu rồi, con hãy thương mẹ". Nhưng nó lại bảo tôi: "Chúng nó chỉ cần mọi người cứ nghĩ như mẹ thôi". Tôi nghĩ có sai đâu. Thế rồi lại xảy ra vụ thằng Cần. Cháu bị còng tay đưa đi, vẫn quay lại nói với tôi giọng buồn buồn: "Trong chuyện này con cũng có lỗi, nhưng con không là kẻ giết người đâu". Thằng Thành khai tại ngay hiện trường là thằng Cần mất đà nên bị rơi. Trước toà nó lại khai rằng thằng Hân đánh ngã thằng Cần. Biên bản khám nghiệm xác nhận nạn nhân chết trước hết vì đầu va mạnh vào rầm cầu bị bom Mĩ đánh sập dạo trước. Nhưng chứng lí pháp y đọc trước toà lại là: có dấu hiệu choáng trước khi rơi xuống nước do bị đánh mạnh vào đầu. ừ, thì dù cho thằng Hân có gây ra cái chết của thằng Cần thì chẳng phải là cố sát. Hôm ấy nếu thằng Cần không lộn cổ thì biết đâu đứa chết dưới sông chẳng là con tôi? Tôi biết kêu ai bây giờ? Xin ai bây giờ? Lạy ai bây giờ? Hay là tôi đến nói thật với ông chánh án để ông ta liệu cách cứu con ông ta. Con ông ta? Không! Không thể làm thế! Làm thế cứu được thể xác nhưng sẽ giết chết tâm hồn con tôi. Nó sẽ hết tin ở người đời, kể cả mẹ nó. Thêm nữa, há tôi phản lại chính tôi ư? Chỉ mới nghĩ tới một hành động như vậy tôi đã nghẹn thở rồi. Chị bạn tôi bảo: "Cháu Hân phải chống án. Cần các giấy tờ chứng nhận con liệt sĩ, đứa con duy nhất. Tôi sẽ lo giúp." Trời ơi! Anh Tráng ơi! Trước đây đã phải dựa hơi sự tồn tại của anh, thằng bé mới được chào đời. Nay phải mượn cái chết của anh để cho nó được sống hay sao! Đành phải vậy thôi. Hương hồn anh hãy tha thứ cho mẹ con em! Toà phúc thẩm đã xử. Chứng lí vẫn y như toà sơ thẩm, nhưng án giảm xuống 15 năm tù giam vì có sự "chiếu cố". Mười lăm năm mẹ con tôi cách mặt, khuất lời. Tôi có chờ được đến ngày con tôi được trở lại với đời không?
       Giờ đây, dẫu sao tôi cũng đang hi vọng. Bởi vì, cuối cùng những người có thiện chí, những người bình thường không cam im lặng mãi. Bà giám đốc công ti mặc dù đã viết một bức thư thống thiết cho "người quen" cũ hiện đang giữ ngôi cao: "Từ ngày anh đi xa, em vẫn nhớ lời anh dặn, nhưng có mấy đứa khốn nạn, chúng ghen ghét, chúng cố ý hại em, v.v…" bà ta vẫn phải ra toà. Và vì bà ta được xử nương nhẹ, các ý kiến người dân lại tới tấp gửi đến các cơ quan truyền thông đại chúng. Bởi vì, đến như tôi cũng đã bắt đầu hiểu rằng số phận của con tôi, của mẹ con tôi gắn với số phận của biết bao người. Nhưng nếu ngồi chờ người ta đấu tranh để mà hưởng ghé thì chẳng những lầm lỗi mà còn phạm tội ác. Cái đích càng lâu tới, nêu không là khó nói.
       Anh Tráng ơi! Anh hãy nhận đứa con của một người mẹ nạn nhân hơn là tội nhân làm đứa con đỡ đầu của anh. Nó sẽ sống dậy làm người xứng đáng với anh. Xưa kia anh chiến đấu và ngã xuống cho niềm tin mà tiền của và bom đạn của đế quốc Mĩ hùng cường không tiêu diệt nổi. Mà nay chúng nó từng tí một, tong tí một đã và đang phá niềm tin, phá đất nước này. Lũ mối đục khoét thân đê, chỉ lo cho thân xác chúng, cho các ổ của chúng, đâu biết rằng đê mà vỡ thì ổ của chúng cũng đi đời. Phải chăng chỉ lũ côn trùng sâu bọ mới không có đầu óc để nghĩ?
       Sẽ đến ngày…. Chẳng cần Chúa làm người phán xử cuối cùng, mà cũng chẳng có Ngày tận thế.
 
XI-1987
 
 
 
 
 
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.02.2009 22:25:03 bởi Khải Nguyên HT >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9