GHI DƯỚI BẦU TRỜI VIỄN XỨ.-bút kí (nhiều phần)
Khải Nguyên HT 21.02.2009 11:59:14 (permalink)
     1.Dằng dặc hành trình
    ...
    3.Trôi trên sa mạc Xahasa
    ...
    3.Brazza-Thành phố xanh

        Y rời ga bay Lô-mê mang theo lên máy bay một tờ báo mà hai cô da đen xinh xẻo nài nỉ để được... biếu. Đó là tờ báo “chuyên đề” quảng cáo thuốc lá Malboro. Các hãng thuốc lá nổi tiếng của các nước tư bản giàu có hàng đầu tìm “đất sống”, tìm chốn để hốt tiền tại chính các nước chậm phát triển châu Á, châu Phi. Thuốc lá, biết là có hại nhiều mặt vẫn tha hồ được quảng cáo (công khai hoặc trá hình) và tiếp thị. Y đã nghiệm ra rằng ở các nơi “văn minh” như Pari, như Mat-xcơ-va, đi rạc cẳng mới tìm được nơi có bán thuốc lá; ở những xứ lạc hậu như ta thì nhan nhản đụng đâu cũng mua được thứ khói độc đó. Xứ sở  y sắp đến góp phần minh chứng.
        Khoảng tám giờ tối,  giờ địa phương, máy bay hạ cánh xuống sân bay Maya-maya của Thủ đô nước bạn, vẫn được mệnh danh là “thành phố xanh”. Đồng hồ trên tay y vẫn giữ giờ Việt Nam chỉ hai giờ sáng của ngày hôm sau. Ga sân bay nhỏ, nhỉnh hơn Nội Bài một chút. Cảm giác đầu tiên: hơi bức, khá sốt ruột đợi lấy hành lí; ngoài ga tối nhọ nhem càng khó gây thiện cảm (có lẽ do sự cố điện sao đó, bởi, một năm sau trở lại, y thấy quanh ga ban đêm sáng choang cả một khu vực rộng). Y theo chân B., người được sứ quán phái ra đón, chẳng thấy vui, chẳng thấy buồn. Hơi lo lo.Người ta đồn xứ này có lắm tai ương. Có thứ “bệnh ngủ”, người cứ mụ mị đi dăm ba tháng rồi ”đi” luôn. Trong bóng đêm, y cứ sợ con gì ấy. Thật ra, “bệnh ngủ” là do ruồi tsé-tsé truyền; loài này sống ven sông suối, chỉ hoạt động từ gần trưa cho đến chiều chưa tắt nắng. Không nhiều người bị bệnh này. Duy bệnh sốt rét là khá phổ biến, tương tự ở Việt Nam, song dường như ở châu Phi dễ chết hơn, nhất là với người nước ngoài.
        Bọn y được đưa về khách sạn Le Djoué của vợ chồng một Việt kiều tại ngoại vi thành phố, trên bờ con sông lớn nhất Trung Phi. Trong giới chuyên gia và nhân viên sứ quán Việt Nam loan ra tin về một sự “liên kết” nào đó giữa chủ khách sạn và một số quan chức chính phủ sở tại có dính với công tác chuyên gia, một sự “liên kết” bất lợi cho túi tiền nhà nước, tất nhiên.
        Buổi tối hôm mới đến, nhìn ra bên kia sông thấy  đèn sáng như sao sa kéo dài một dải bất tận. Hỏi ra, biết đó là Kin-sa-xa (Kinshasa) thủ đô nước Dai-ra (Zaire – sau này khi tên độc tài Mobutu bị lật đổ thì đổi thành Cộng hoà Dân chủ Công-gô). Y liên tưởng tới cảnh tượng khi đứng nơi Thủ Thiêm nhìn ra bên kia sông Sài Gòn. Người ta nói Kin-sa-xa rộng và nhiều cao ốc, vẻ ngoài có thể sánh nhiều thành phố châu Âu; song dân đen nước này thuộc tầng lớp nghèo khổ nhất thế giới. Nếu “chiếc áo choàng không làm nên thầy tu” (ngạn ngữ phương Tây) thì vẻ ngoài hào nhoáng của một thành phố chỉ báo hiệu những sự thật bị che lấp.
        Y thức giấc lúc 4 giờ sáng (đồng hồ trên tay y đang chỉ mười giờ- giờ Việt Nam). Hẳn chẳng phải do đồng hồ sinh học trong y chuă chuyển kịp theo múi giờ địa lí. Y nằm nghe mưa rơi. Mưa rất to, kéo dài cho tới gần sáng. Ai đó bảo mưa xứ này giống như mưa ở Thành phố Hồ Chí Minh, thoắt mưa thoắt tạnh. Nói bậy! Y thầm nghĩ.
        Mờ sáng, ra sân sau khách sạn tập thể dục. Trời đẹp. Khí mát lạnh thấm vào thịt da. Sông Công-gô cuồn cuộn sóng, đang mùa nước to. Nước chồm lên, trào bọt, mường tượng một đoạn sông Đà hung dữ đầy ghềnh đá ngầm mà Nguyễn Tuân từng miêu tả. Song nơi đây rộng hơn sông Đà nhiều, chừng một kilômét. Người ta bảo trên kia, chỗ có cảng sông bên hai thành phố Br. và K., rộng tới dăm kilômét. Chếch phia dưới, gần đuôi thác, có một cái đảo xanh um cây cối, trên đó ẩn một di tích cổ. Năm trước, một chuyên gia Việt Nam, nguyên giảng viên trường đại học Bách khoa Hà Nội, trong khi chờ về nước đã thuê thuyền độc mộc ra đó chơi; hồi hương được ít lâu thì mắc “bệnh ngủ”. Nghe nói anh ta có dối dăng lại: Dù được bạc triệu cũng chớ đi  rước lấy cái bệnh quái ác này. “Ông này chủ quan thật! Ăn mặc thế không sợ à?”; một bạn đồng hành mặc kín người, kể cả tất chân, thấy y “trang bị” chỉ quần đùi, may ô bèn bảo vậy. Vẫn là nỗi sợ “những con gì” ngay giữa ban ngày.
        Brazzaville–Thành phố Brazza-(lấy tên của tay thực dân Pháp đầu tiên đặt chân lên đất này), được mệnh danh Thành phố xanh Brazzaville-La verte. Bên kia sông, Kinshasa vốn là Lê-ô-pôn-vin (Léopolville- thành phố Lê-ô-pôn, lấy tên một vua Bỉ). Người ta nói người Bỉ đến đất Công gô bên kia bằng bạo lực nên phải đổi tên thành phố kia. Còn Brazza đến đất Công gô bên này một cách hoà bình nên chẳng cần phải đổi tên thành phố này. Brazzaville trải dài men sông đến vài chục kilômét; bề ngang kẹp giữa sông và núi nên chỗ rộng nhất chỉ chừng dăm kilômét. Phần lớn nhà cửa trong thành phố là một tầng, trừ khu trung tâm. Rải rác đó đây một số nhà trên mười tầng, kiến trúc độc đáo, nhìn ngoài rất đẹp ngay cả trong con mắt người châu Âu. Năm 1990, khánh thành toà nhà tháp tròn.
        Đó là một tháp –nhà hình trụ, hơi loe hai đầu, cao 104 mét, 29 tầng, ngự trên một diện tích 8100 mét vuông bên sông Công gô hùng vĩ. Công trình do Pháp giúp vốn, kĩ  thuật và tự đứng ra thi công trong  3 năm. Toà nhà vào hàng cao nhất và độc nhất về kiểu dáng ở lục  địa đen cho đến thời điểm ấy. Dự định sẽ cho các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp lớn thuê  làm trụ sở. Người dân Công gô tự hào về “ngọn” Na-băng-ba (Nabemba) ngự ngay tại thủ đô -người ta lấy tên ngọn núi cao nhất đất nước đặt tên cho toà nhà. Từ trước, bên kia sông, những toà nhà cao vút của Kin-sa-xa vẫn kiêu hãnh soi bóng trên mặt nước. “Bên đó  có nhiều nhà chọc trời, nhưng cao nhất cũng chỉ hai mươi sáu tầng”; một giáo sư đại học nói với y. Có thể ngầm hiểu:”Từ nay, bên kia sông nhìn sang...”. Một ngày cuối năm, lang thang như một lữ khách gõ gót giày trên hè phố; đang đi chợt ngửng lên thấy dựng trước mặt mình một cái “cột” khổng lồ bao bọc bởi những tấm kính hình chữ nhật. Gặp một nhà báo quen, y được giới thiệu với bà người Pháp đang quản lí toà nhà tháp, bấy giờ chưa đưa vào sử dụng (gọi là “bà” là theo lối lịch sự Việt Nam, đúng ra phải gọi bằng “cô”, dù đã xế bóng, vì bà chưa chồng). Y được mời vào thăm khắp bên trong. Y lên tận nóc tháp,  từ đấy dõi mắt ngắm gần như toàn cảnh thủ đô nước bạn, một đoạn sông mênh mang, và phóng tầm mắt qua bên kia biên giới, thủ đô Kin-sa-xa trải xa tít tắp.   Thủ đô Hà Nội khuất nơi chân trời cách sáu múi giờ, phía ấy hướng đông-đông-bắc. Y thấy lạnh. Trên cao, gió lộng.
        Kin-sa-xa rộng lớn hơn Bra-da-vin nhiều. Người Công gô bên này bảo gấp bốn lần. Người Dai-ia bên kia bảo gấp mười. Bên kia vốn là thuộc địa của Bỉ, một đế quốc tí hon. Bên này vốn thuộc Pháp, một đế quốc vào hàng anh chị. Y có nhận xét: Các công trình, các đô thị... tại các nước thuộc địa Pháp thường là nhỏ nhoi, tủn mủn kém xa  các thứ tại thuộc địa các đế quốc khác, dầu là loại đàn em như Bỉ, như Bồ Đào Nha, như Hà Lan... Y nhớ có lần Giáo sư Trần Văn Giàu nói: “Các đế quốc khác ăn thịt còn dành cho dân thuộc địa tí ruột gọi là lòng. Còn đế quốc Pháp thì chẳng những ăn luôn ruột mà ăn cả thứ trong ruột”. Đúng là “đã làm dân thuộc địa thì khốn nạn rồi, mà làm dân thuộc địa Pháp thì càng khốn nạn nữa”.
        Các đô thị Việt Nam có một “hậu phương”  nông thôn bao quanh tiếp giáp phố phường. Còn ra khỏi Br., hầu như không gặp làng mạc, vườn tược. Ngay giữa thành phố có những khu đất trống, nhưng để mặc cây hoang làm chủ hoặc trồng lam nham hết sức thô sơ, cây sắn và vài thứ rau. Dường như đất đai ở đây chỉ được đánh thức để làm nhà, làm đường khi cần thiết.
        Sự đô thị hoá ở đây, như nhận xét của một tờ báo Pháp, không chú trọng các cao ốc, xây cất lè tè vài ba tầng lầu rất phung phí đất đai. Xứ này đất rộng người thưa, mật độ dân cư kém nước ta hơn 30 lần. mà còn bị phê phán nặng nề như vậy. (Mớí thấy người Tàu nhìn xa. Mật độ dân cư chỉ bằng nửa ta, mà họ chú trọng xây mới những nhà hai ba mươi tầng, ngay cả ở những nơi núi non hẻo lánh như  Bằng Tường).
        Br. có một số chung cư vài ba tầng, có tường bao, sạch sẽ, thoáng đãng, thường dành cho công chức. Khác với ở ta, họ chỉ được ở khi đương chức, thôi việc là phải trả lại nhà. Có những khu biệt thự kín đáo, yên tĩnh, sang nữa, của tầng lớp trung lưu trở lên nhưng phải thuộc loại thần thế.
        Ở Br. không thấy những ngôi nhà quá tồi tàn, những khu nhà ổ chuột, những “xóm liều”, những “nhà cọc” ven kênh, ven sông như ở nhiều thành phố Việt Nam. Một lần, S., một giáo sư đại học lái xe đưa y đi tham quan “khu bình dân”, “khu cùng khốn” như anh ta nói. Những nhà trệt xây gạch không trát vữa, lợp tôn, hơi lộn xộn bên những đường phố hẹp, thật ra chưa đến nỗi nào, còn chắc chắn hơn những nhà cấp bốn ở ta.
        Những phố nhỏ ở Br. là đường đất. Đất pha cát chặt và nặng, trời nắng không lầm bụi, trời mưa không bị lầy, xe qua lại không đào thành rãnh, thành ổ. Kể ra rất hiếm xe cộ đi vào những đường phố này, trong khi trên những đường phố chính rải nhựa, xe tuôn không ngừng.
        Ban ngày hay ban đêm đều rất ít gặp người đi bộ, cả ở khu trung tâm có mấy phố sầm uất, nhiều cửa hàng sang trọng. Một đoạn ngắn họ cũng đi xe buýt, ai khá giả thì đi taxi hoặc xe riêng. Hầu như dân không đi dạo, người ngoại quốc cũng vậy. Các công viên không có ghế ngồi ngơi. Ban đêm đường phố rất vắng người; dân sẵn tiền chỉ tới các tiệm nhậu hoặc tiệm nhảy
        Br. có mấy nơi thâm nghiêm, người dân ít lai vãng mà cũng ít được biết. Dinh tổng thống, có lẽ là dinh toàn quyền thời thuộc Pháp, kiến trúc đường bệ, hơi nặng nề. Trước dinh là một công viên rộng. Một tấm biểu ngữ dài: “ Các anh hùng nhân dân bất tử” treo cao chạy suốt trên một dãy mười chân dung lớn, trong đó: Mác, Ăng-ghen, Lê-nin, Hồ Chí Minh, Găng-đi, Chê Ghê-va-ra, Lu-mum-ba,... Trong công viên phía bên kia đường là tượng đồng toàn thân của Ngouabi (Ngu-a-bi), tổng thống thứ ba từ ngày độc lập, người có uy tín nhất cho đến nay, đã bị giết hơn mười năm trước. Y muốn đến gần để đọc tên một số chân dung. T., người cùng đi, cản lại, cho biết năm trước anh ta đến gầnđó đã bị cảnhvệ ra bắt. Y giơ tay chỉ trỏ hỏi một người bản xứ qua đường. Anh ta tỏ ra sợ hãi, bảo: “Không được chỉ tay như  thế!”. Mấy người đi qua nghe y hỏi đều lắc đầu vội vàng bỏ đi.
        Ở một khu vực tân tạo của thành phố, “Cung nhân dân” được xây lên cách chừng mười năm làm nơi họp Quốc hội. Một công trình đồ sộ trong một khung cảnh rộng lớn hơn khuôn viên cạnh hội trường Ba Đình của ta. Bên kia con đường lớn khá đẹp là khán đài gỗ, dài chừng trăm mét, cao chừng mươi mét, có bậc ngồi như ở sân vận động dành cho các quan khách ngồi xem diễu binh, diễu hành. Khán đài để phơi ra, chẳng rào dậu, cũng chẳng canh gác. Y mấy lần bước lên đi dạo, nghĩ bụng : nếu là ở Việt Nam  thì nếu không bị “mượn” làm chốn bày hàng bán thì cũng bị người ta ngày ngày trèo lên chơi, nghịch phá, trước nhất là lũ trẻ, tệ hơn nữa là gỡ trộm về dùng. Ở đây, hơi xa khu dân cư song chẳng phải là lí do. Có thể là người dân tôn trọng hoặc sợ những nơi như thế.
        Trong công viên trước nhà văn hoá Pháp có tượng Đơ Gôn-cái đầu đặt trên một cột vuông cao chừng hai mét, đặt đúng nơi mà người ta cho là năm 1943 ông này đã đứng tuyên bố rằng: các dân thuộc địa góp phần cùng “nước mẹ” đánh phát xít  thì sẽ được đền bù. Sau này có một sự nhập nhằng lịch sử: Có người cho ông ta là người “giải thuộc địa” (décolonisateur) . Sự thật thì ngay sau khi Pari được giải phóng khỏi  ách Hít-le, ông ta đã  lên tiếng đòi giữ chặt các thuộc địa. Chính ông ta, năm 1945, đã phái quân đi hòng chiếm lại Đông Dương. Năm 1959, ông ta cho “trưng cầu ý dân” tại các nước thuộc địa còn lại về độc lập chẳng qua chẳng thể đừng sau khi quân Pháp đại bại ở Điện Biên Phủ, buộc phải bỏ Đông Dương và đang sa lầy tại An-giê-ri. Trong một cuốn sách đồ sộ viết về châu Phi, xuất bản tại Pari, năm 1973, có viết: “ Sau 1945, các mẫu quốc đã quên  những lời hứa của họ. Hi vọng nhường chỗ cho thất vọng và bất bình. Gương của Ấn Độ đòi tự do năm 1947, gương của Việt Nam đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc từ 1946 cổ  vũ các phong trào dân tộc chủ nghĩa”.
        Dấu ấn của Pháp còn khá đậm ở Công-gô. Không chỉ tiếng Pháp được dùng làm ngôn ngữ chính thức. Không chỉ đồng FCFA, đồng tiền chung của các nước Trung-Tây Phi nói tiếng Pháp, nằm dưới sự bảo trợ của đồng phơ-răng Pháp. Không chỉ các chuyên gia Pháp là đông nhất. Không chỉ sứ quán Pháp là một trong ba toà nhà bề thế nhất (hai toà kia là của Liên-xô và Mĩ)... Từ năm 1990, dấu ấn ấy càng đậm lên (đồng thời bắt đầu nặng hơi hướng Mĩ. Trước đó, chỉ ở nước láng giềng Dai-ia mới đậm dấu ấn Mĩ, cùng với dấu ấn Trung Quốc).
       Tại khu phố đẹp nhất Br., sau khu trung tâm, có một nơi được gọi là “Lều Đơ Gôn”. Thời Pháp mất nước vào tay Đức, chính phủ kháng chiến Pháp của Đơ Gôn lấy Br. làm thủ đô từng đóng ở đây. Nay dùng làm chốn ngụ của người thuộc sứ quán Pháp. Ngụ sở nằm bên bờ sông Công-gô trong một khu vườn lớn nhiều cây cổ thụ; phía trước có bãi rộng cỏ xanh và cây to. Kề đó là đài kỉ niệm Xa-vooc-nhăng đơ Bra-da (Savorgnan de Brazza) và tuỳ tùng, những người Pháp thực dân đầu tiên đến khai thác đất này. Toàn cảnh tĩnh và đẹp. Ban đêm, giá mà được đứng ở đây đón gió sông và nhìn  qua sông rực ánh đèn. Nhưng... hỡi ôi! một bãi rác không nhỏ choán cả bờ sông mé phải trước khu nhà và bao gần kín đài kỉ niệm. Mùi xú uế nồng nặc. Tuy nhiên... chỗ sáng đèn trước đài rất đông học sinh, sinh viên đứng ngồi cặm cụi học bài, và trong bóng cây mép sông một đôi trai gái đang tình tự!
       Thời gian y đang ở đây, Br. ít xây dựng thêm; dấu hiệu xuống cấp bàng bạc mọi nơi. Công viên không hoang phế, chưa hoang phế, nhưng không có hơi người. Vườn trẻ phía trước khách sạn y đang trú ngụ có cái cổng bề thế với những dòng chữ “ác liệt”; bên trong khá rộng chia khu vực: nhà, vườn hoa, vườn cây, bãi cỏ, sân thể thao... cho thấy ý đồ xây dựng qui củ và hiện đại trước đây chưa lâu, hồi không khí cách mạng cao trào, nay tiêu điều và bẩn. Y vào thăm trường Trung học kĩ thuật, vốn là trường Bách nghệ thời thuộc Pháp. Xưởng trường khá qui mô với các phân xưởng cơ khí, cơ khí chính xác, điện, điện tử, mộc... ; có đến hàng trăm máy chữ cho học sinh tập đánh (nhưng rồi để làm gì?) . Thấy rõ từ đã lâu, trang thiết bị không được đổi mới. Khắp nơi trên các bức tường, học sinh bôi bẩn đủ các kiểu “lưu niệm”.
        Vườn thú Br. khá rộng, cỡ vườn Bách thảo Hà Nội cũ. Rậm cây, mát mẻ nhưng nghèo nàn, mang vẻ hoang phế. Khách tham quan chỉ có hai người Việt, Ng. và y, cùng mấy đứa trẻ người bản xứ. Voi to hơn voi nơi vườn Thủ Lệ-Hà Nội. Nhiều chuồng khỉ, vượn. Một con chimpanzé, một loại đười ươi, to bằng con người, chìa tay xin chuối. Nó cứ chìa tay cho kì hết chuối trên tay bọn trẻ. Xong, nó bóc vỏ ăn ruột, hết ruột, nó ăn nhẵn cả vỏ. Xong xuôi, nó moi từ một cái lỗ trên nền nhà một nắm đất bột, thò tay qua chấn song ném vào những người vừa cho nó, rồi cuộn người lộn một vòng chạy trốn. Ng. mắng: “Đồ vô ơn! Đồ phản phúc!”. Chẳng biết con vật có hiểu được tiếng Pháp không. Tính ranh ma và tráo trở có phải là bản năng của loài có họ hàng xa của thuỷ tổ loài người không? Hay là nó mới nhiễm từ con người “văn minh”? Ở một góc, chỗ lùm lưa thưa cây con, thấy biển đề: “Lợn Việt Nam” (porc du Việt Nam). Hai con vật, to cỡ trái bí  đao loại vừa, gầy trơ xương, đang rúc mõm tìm thức ăn trên mặt đất khô xác, hiếm cả cỏ. Mép chúng răng nanh mọc dài. Thì ra là “lợn lòi”. Việt Nam đã tặng nước bạn cặp lợn rừng của đất nước mình, nhưng chắc không bảo kĩ họ, nên đáng lẽ đề sanglier  họ lại đề  porc. Hay chẳng lẽ vốn là lợn nhà nhưng bị (được) thả sống hoang dã nên đã “lại nòi” thành lợn rừng? (!). Y đã định tìm người phụ trách vườn thú bảo cải chính song lại bỏ qua, như bao lần y đã dùng dằng không quyết để sau đó lại tự trách mình hoài. Hai con vật khốn khổ hẳn sẽ sớm tiêu vong. Và không biết người ta sẽ nghĩ sao về “giống lợn” Việt Nam?!
        Hôm ấy, Ng. và y ở vườn bách thú đi ra, có một con chó vàng xám khá to, béo tốt, bị thương -bị người đánh hay bị chó khác cắn, đi theo. Hai người cuốc bộ xem phố xá. Con vật cứ lẽo đẽo đằng sau không dám lại gần quá, cũng không để bị bỏ xa. Nhiều lúc họ vượt qua đường, xe cộ nườm nượp ngược xuôi, đã tưởng “cắt” được nó. Nhưng chỉ một chốc đã thấy nó bám đằng sau. Cứ thế đến hơn hai ki-lô-mét. Bọn y rẽ vào trung tâm văn hoá Pháp. Sân rộng, lộn xộn người và xe vào ra. Con chó dừng lại ngoài khuôn viên, hóng theo hai người. Y đã vào phòng ngồi đọc báo, ngoái nhìn thấy nó vẫn có vẻ kiên trì đứng chờ. Y mải đọc, chừng nửa giờ, khi ra chẳng thấy con vật đâu nữa. Y nghĩ: giá có nhà riêng đưa con chó “vô gia cư ” này về nuôi thì nó trung thành phải biết. Y kể chuyện này với một giáo sư đại học-chuyên gia, anh ta ra bộ tiếc rẻ, chẳng biết thật hay đùa: “Chà, hoài của! dử nó về khu chuyên gia thì được bữa mộc tồn đặc biệt, hả?”. Ít hôm sau, cùng L., một bạn chuyên gia khác, đi “bát” loanh quanh vào một phố không rải nhựa, vắng và thưa nhà, trái nẻo những phố hôm trước, y trông thấy một con chó giống y con hôm nọ về vóc dáng và màu lông, đã bị kẻ nào lấy dây thép buộc mõm, cột chân vất giữa đường. Con vật chết chưa lâu, đôi mắt hé ra như muốn gửi người qua đường một lời hỏi. Có phải do nó quá đói nên đã “làm càn” hay đơn giản chỉ do cái ác tâm không ưa kẻ cơ nhỡ khả nghi? Nếu con vật rơi vào xứ ta thì ắt là đã tạo “hạnh phúc” cho vài kẻ sẵn tiền bên bàn nhậu! Chẳng là gì cả, chỉ là “chuyện chó chết” vậy mà ám ảnh y hoài. Rõ là “khéo dư mủi lòng”!.

<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.02.2009 16:20:35 bởi Khải Nguyên HT >
#1
    Khải Nguyên HT 24.02.2009 11:32:29 (permalink)
          4. Đất nước hình khẩu súng ngắn
     
     
              Nhìn trên bản đồ, Công gô giống như một khẩu súng lục. Y từng bất chợt nổi hứng làm bài thơ tiếng Pháp “Tiếng hát đất đai” (Chanson terrestre ) với mấy câu mở đầu:        
              Một xứ sở có dạng khẩu súng tay
              mang cả ổ đạn
              chỉ nhắm vào
              không gì ngoài sự nghèo nàn
              và sự kém phát triển
              Đất nước này vắt qua xích đạo, một phần lưng tựa vào sông Công gô hùng vĩ, một phần nhỏ chạm Đại Tây dương. Y đã bay suốt dọc hai phần ba xứ sở này, từ thủ đô tới thị xã Ma-cu-a (Makoua) nằm ngay trên xích đạo. Một vùng yên tĩnh, hoang sơ và hoang vu. Nhiều rừng, nhiều những khoảnh cây lúp xúp hơn nũa. Rất nhiều bãi rộng không cây chỉ toàn cỏ, những đồng cỏ mênh mông. Có lúc tưởng như đang bay trên sa mạc xanh. Những con đường dọc ngang hoặc cắt chéo, nom như những con đường mòn song lại gồm những đoạn dằng dặc thẳng như kẻ chỉ. Thỉnh thoảng mới thấy một tụ điểm dân cư lèo tèo, thưa thớt nhà của, nhưng lại rõ dấu qui hoạch. Mặt đất im lìm, chẳng hề thấy một sự  dịch chuyển nào của xe cộ, của động vật. Bóng những đám mây in đậm trên mặt đất tĩnh tại tưởng chừng chúng đã đứng yên từ hàng nghìn năm và cứ nằm đấy mãi, trong khi những đám mây che bóng ấy vùn vụt trôi ngược chiều bay của phi cơ.
              Lần khác, y đi từ Ma-cu-a về thủ đô, bằng ôtô, chặng đường 600km. Nắng nhạt. Trời mát. Từ M. đi, quốc lộ 2 không rải nhựa, không cả rải đá, có đoạn rải thứ mà ta gọi là ”cấp phối”, thực ra là đất đá ong (latérite), khá tốt. Hai bên đường hoang vu, đồng cỏ (savane, như được gọi chính thức) xen những rừng nhỏ- những rừng cây thấp. Toàn một loại cỏ giống lau sậy, to hơn lau và nhỏ hơn sậy, hoa trắng xám; và cỏ tranh- những loại cỏ của hoang sơ, nguyên thuỷ hoặc hoang phế, điêu tàn. Hoạ hoằn lắm mới có một xóm dăm nhà dàn ra hai bên đường, phên lau, mái tranh thấp chạm đầu người, xen vài nhà tường gạch vàng không nung lợp tranh hoặc tôn. Đất phẳng, bình nguyên bao la. Y nhận xét: “bao nhiêu đất bỏ hoang mà dân thiếu lương thực”. Hăng-ri, người Pháp chủ thầu xây dựng cho chính phủ sở tại, chở giúp bọn y bằng xe riêng, thản nhiên nói: “Cả đất nước này đang bị bỏ hoang”.
              Xe tới Ốt-xvan-đô (Oswando) lị sở vùng Cuy-vét (Cuvette). (Cả nước chia ra chưa đến mười vùng, mỗi vùng bằng dăm tỉnh của ta). Đã thấy bóng dáng ”văn minh”. Trước đó đã gặp đường nhựa.Thị xã xinh, thoáng, nổi lên giữa một vùng hoang sơ. Song cũng đã có dấu hiệu trễ nải. Những cột đèn cao áp dây đứt lủng lẳng gợi nghĩ đến những giá treo cổ. Hăng-ri đưa bọn y vào một hiệu ăn quen. Hiệu ăn nhỏ nhưng lịch sự, sạch sẽ hơn bất cứ quán ăn Hà Nội nào vào thời điểm đó trở về trước. Chỉ mỗi tội: phục vụ quá chậm.
              Xe qua Oyo, quê hương của đương kim tổng thống. Một làng quê  hơi “trù mật”một cách bất thường so với các nơi khác, được nâng lên hàng thị tứ, có hẳn một bệnh viện như tại một quận lị, mà lại được trang bị tốt hơn và có  cả chuyên gia nước ngoài. Qua một trại nuôi bò, Hăng-ri nói: “Của sếp đấy”. Anh ta muốn nói "của tổng thống nước này". Y hồ nghi:” như của một chúa phong kiến  ấy nhỉ?”.
              Đường xuôi về Nam, quãng giữa đất nước. Nhuốm vẻ đầm lầy. Hai bên đường, những đầm  nước trải rộng hoặc thấp thoáng. Đôi đoạn đường nhựa khá tốt; song cũng nhiều đoạn lắm ổ gà, có đoạn bị nước mưa khoét từng mảng sườn đường. Xứ này hần như không bị bão, nhưng mưa thì cực dữ. Tốc độ xe thường là 110km/giờ mà nhiều lúc phải giảm xuống 60-70km/giờ. Chẳng hề gặp chiếc xe nào xuôi ngược. Hai bên đường vẫn rậm nhưng đã bớt vẻ “mông muội”. Những làng nhỏ lưa thưa càng về sau càng hay gặp hơn, song cũng cách nhau trên dưới mươi ki-lô-mét. Các đồng nghiệp người bản xứ bảo y rằng đi đường bộ có cái  thú là  được xem phong cảnh đẹp. Song y thấy cảnh trí khá đơn điệu. Hăng-ri chia sẻ  cảm tưởng này một cách thái quá: “Rất, rất  đơn điệu”.
              Cao nguyên Ba-tê-kê (Batéké). Quang cảnh đột nhiên hiện ra mĩ lệ. Núi đồi dàn ra nhấp nhô uốn lượn trải rộng mãi như Tây nguyên đất Việt. Một màu lam-màu khói chiều- bàng bạc đậm dần lên và đọng lại nơi xa. Phía tây, những dải núi mờ xanh gợi nhớ Trường sơn.
              Găng-bô-ma (Gamboma) cách thủ đô300km, cũng là một quận lị nhưng vượt xa Ma-cu-a. Ma-cu-a là một “thị xã-vườn”, đúng hơn là một “thị xã-làng”, còn Găng-bô-ma thì nhà cửa đường sá... đã có dáng vẻ một thị tứ văn minh, tuy chỉ mới ở mức sơ khai.
              Cuối cao nguyên, một đường ruột mèo (méandre) dài, quanh co, ngoắt ngoéo, một  thứ đường đèo không có những dốc quá cao. Hành trinh hướng Nam mà có lúc mũi xe hướng về hết bắc lại tây, hết tây-bắc lại đông... Cho tới ngoại vi thủ  đô, núi đồi vẫn nhấp nhô và hoang vắng.  Nhưng ánh sáng đô thành đã nhấp nháy vẫy phía trước...
              Công-gô rộng xấp xỉ Việt Nam, dân cư thưa thớt, chưa tới ba triệu người, phần lớn ở phía nam, trong đó có thủ đô Bra-da-vin nằm trên vĩ tuyến 4 độ Nam. Có hai trục đường chính. Quốc lộ 2 chạy dọc đất nước đến U-ét-xô (Ouesso), thị xã cực bắc ở vĩ độ 4 Bắc cách thủ đô 1000km; Quốc lộ 1 đi ngang sang phía tây đến cảng Poanh Noa (Point Noir) nằm bên bờ Đại Tây dương cách thủ đô hơn 500km. Tuyến này song hành với đường xe lửa duy nhất tại đất nước này.
              Sông ở Công-gô thường chảy xiết. Nước các sông, suối thường có màu nâu nhạt vẩn các hạt li ti, chắc là vụn lá mục.
              Cứ ngỡ là  châu Phi xích đạo thì chắc là nóng lắm. Thật ra lại dịu hơn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiệt độ trong nhà ít khi lên tới 30 độC. Đi bộ dăm kilômét da vẫn không rịn mồ hôi. Ban đêm, thường phải đắp một tấm chăn mỏng. Ở phía nam đất nước, các tháng Sáu, Bảy, những tháng thuộc mùa đông của Nam bán cầu, buổi sáng hay se lạnh; có hôm lạnh thật sự, nhất là khi trời mưa. Lại nhớ  cái “luận thuyết : “Vùng xích đạo nóng nên sinh ra dân da đen” (!) mà  buồn cười. Mùa đông ở nam Công-gô thuộc “mùa khô lớn”, độ ẩm không cao như người ta vẫn gán cho các vùng nhiệt đới. Giặt quần áo chẳng cần phơi nắng, chỉ  một buổi là khô. Đặc biệt là không nhiều bụi. Ở nhà y nơi quê hương, mặt bàn vừa lau hôm nay, mai quệt tay đã hằn rõ vết. Ở đây, phải hàng tuần mới vậy. Hầu hết các vùng là đất pha cát mịn, chặt và nặng, nước ngấm rất nhanh. Riêng vùng tây-nam, đất pha sét, lầy bùn khi mưa, lầm bụi khi nắng; và lắm muỗi; được cái phần lớn các ngày trong năm trời mát.
              Trước đấy, có người bảo  y: Ở Công-gô giống như ở Nam Bộ, mưa không dai, chợt mưa, chợt ngừng. Đúng là ở đây không có mưa  dầm, không có mưa  phùn. Song có hôm mưa gần hết ngày, chỉ không liền tù tì, không dầm dề, không lai rai ngày này qua ngày khác. Tuy nhiên có những lúc tiếng mưa rề rề, lào xào gợi nhớ mung lung cho người xa xứ. Nhất là những khi lẫn trong tiếng mưa rơi có tiếng chim, khi lích chích, khi lảnh lót, lúc xa, lúc gần. Trong mùa mưa, có những trận mưa thật dữ dội , có thể kéo trôi đường tàu, khoét băng đường nhựa. Không thấy có bão.
              Khí hậu và thời tiết ở Công-gô biến đổi ít  nhiều theo vĩ độ. Cách nhau 4 vĩ độ, 600km, ở Brada có khác ở Macua, nơi xích đạo. Mùa hoa quả cũng vậy. Tháng 5, ở M. đã có xoài; ở B. phải mấy tháng sau.
              Y đọc ở đâu đó viết rằng vùng nhiệt đới, nhất là vùng càng gần xích đạo, không có bình minh và hoàng hôn. Y chưa thực sự thấy bình minh, có lẽ vì chưa hôm nào dậy đủ sớm. Nhưng y đã thấy hoàng hôn, ngay nơi xích đạo, ngắn ngủi và bàng bạc song đúng là hoàng hôn. Vả, ai dám  bảo ở Việt Nam ta, xứ nhiệt đới, không có bình minh và hoàng hôn?
              Lương thực chủ yếu của người bản xứ là sắn. Họ hầu như không ăn sắn nướng hay sắn luộc nguyên khúc. Sắn tươi được xôi chín rồi dùng đũa cả xéo nát gần nhuyễn. Thường họ ngâm thành bột rồi gói thành bánh tựa bánh tẻ của ta. Bánh ấy dẻo, không còn nồng mùi sắn, thoảng thơm dễ ăn. Chẳng vị chuyên gia nông nghiệp hoặc chuyên gia chế biến lương thực Việt Nam nào để tâm tìm hiểu cách chế biến của họ xem có thể áp dụng ở ta không! Ở các chợ, người ta bán cả gạo và bánh mì, những thứ phải nhập khẩu. Bánh mì của họ để trong chạn thơm dậy lên, nhỡ quên ba ngày vẫn còn thơm. Sau này về  nước y để ý và lấy làm lạ rằng bánh mì của ta không được như vậy. Mời cơm khách, người Công-gô thường dọn cả sắn, cơm và bánh mì.
              Ở Công-gô rất hiếm khi mua được thịt lợn.  Chủ yếu là thịt bò và thịt gà đông lạnh nhập khẩu. Cá biển cũng vậy. Ít cá tươi nước ngọt. Cá sông hồ chắc là sẵn song hiếm người đánh bắt. Rau do người bản xứ trồng cũng hiếm hoi. Phổ biến là một thứ rau giống rau dền nhưng không nồng, ăn bùi và ngọt nước. Vùng xích đạo có một thứ quả, mùi vị tựa quả trám ở ta, to hơn, đầy đặn hơn, hạt không to và rắn câng như trám của ta mà gồm bốn, năm hạt nhỏ như ruột táo tây, người địa phương rất quí.
              Công nghiệp xứ này lèo tèo đã đành, nông nghiệp cũng có vẻ còn cổ sơ. Hăngri, nói với y: ”Người da đen chẳng biết trồng trọt, chăn nuôi, chỉ chuyên hái lượm, săn bắn. Họ nuôi dê không để ăn hoặc lấy sữa, mà như người  Âu nuôi chó vậy thôi. Họ có cơ bắp (ý nói sức vóc) mà không có sức mạnh làm việc!”. Giọng nặng  mùi miệt thị chủng tộc song cũng có chút cơ sở. Samba, giáo sư đại học người bản xứ, nói: “Dân họ nuôi dê, nuôi cừu vì thể diện (?), chẳng hạn khi cưới xin coi đó như  của hồi môn để  cúng tế, xong bỏ cho chim thú ăn”. Một kĩ sư nông nghiệp người bản xứ phụ trách một trại thực nghiệm phàn nàn với y: “Người Công-gô chúng tôi không thích làm việc. Họ muốn sống vung vinh nhưng lại ngại lao động. Họ có cái “bệnh” là làm cho mình thì trễ nải, người ngoài, các ông chẳng hạn, thuê thì làm hết sức, dù trả công rất thấp  (Y nghĩ: có lẽ vì được trả công ngay). Làm cho nhà nước, họ cũng phất phơ. Lắm lúc, dường như Công đoàn bảo vệ quyền lợi của những kẻ lười”.
              Y không được biết tình hình ruộng đồng, có hay không  nữa? Y có đến một vùng có vườn. Vườn trồng tạp như ở ta, những nơi chưa cải tạo. Họ trồng nhiều cây đu đủ. Loại cây này luôn luôn sai quả, và rất “thọ”, không chóng tàn như ở ta- có những cây  trở thành cổ thụ. Vườn cũng trồng nhiều cam. Một giáo sư sinh vật người địa phương nhận xét rằng cam ở  đây, do ít được chăm sóc và không được cải tạo giống, nên chua và nhiều hạt. Nói vậy nhưng chính anh ta chẳng hề làm gì để góp phần thay đổi  tình trạng này cả! Y cũng không thấy người ta trồng rau, màu. Một lần, y được dẫn tới thăm một cái trại của người bản xứ,. Nói là “trại” nhưng chỉ là một khoảnh chừng vài sào khoanh  lại trên một triền đồi thoai thoải còn rất nhiều đất hoang. Chủ trại trạc tuổi trung niên, ở một mình trong túp nhà bằng gỗ và lá. Trong vườn, nhiều nhất là cà dái dê, một ít cà chua, cải bắp. Chăm bón và tưới tắm kém. Dưới thấp là chuồng lợn lộ thiên, có nghĩa là một đám đất quây lại và thả lợn vào. Dăm con lợn còi cọc lội trong đám phân lõng bõng ngập đến bụng. Thức ăn của chúng là những thứ củ, quả người ta ném vào.
              Đất xứ này rất tốt. Mấy chuyên gia Việt Nam mang giống từ nhà sang trồng cải, đậu, bí, mướp, rau muống... Chẳng cần phân bón gì mà cây lớn nhanh, chóng ra hoa kết trái, nhưng cũng chóng tàn. Riêng rau muống thì có thể hái quanh năm. Mấy đồng nghiệp bản xứ tấm tắc: “Các ông là những nhà nông vĩ đại” , (ở bên  nhà, các vị chỉ là những loại “gãi đất”, trí thức nửa mùa chưa được cải tạo cẩn thận, chẳng ai coi các vị là nhà nông). Đem biếu họ bí, rau cải, họ rất thích. Bọn trẻ con cũng rất thích, nhưng cho thì lấy, chẳng bao giớ hái trộm.  Chẳng đồng nghiệp bản xứ nào bắt chước mà đất thì thừa thãi. Có chỗ mướp, rau muống mọc tràn ra- có lẽ do các “thế hệ” chuyên  gia Việt trồng trước đây chăng?-dân bản địa chẳng màng. Riêng người kĩ sư nông nghiệp thì nói sẽ ăn rau muống “ các ông ăn tốt, sao chúng tôi lại không thử ăn!”.
              Y theo Samba, giáo sư học viện Phát triển nông thôn, đến thăm một cơ sở nông nghiệp cách thủ đô chừng vài chục ki-lô-mét. Đây  là cơ sở hợp tác Pháp-Cônggô, do một người Pháp làm giám đốc. Dự án ban đầu là thí nghiệm trồng rau, cây ăn quả và nuôi ngan, lợn, dê để phổ biến rộng ra , nhưng bị thất bại nên chuyển làm công việc đào tạo, thành thử “dẫm chân nhau” với học viện Phát triển nông thôn cách đấy không xa. Nhân viên không đông, toàn người bản xứ. Rau được trồng  thành ô dưới vòm chất dẻo kiểu nhà kính. Nơi nuôi lợn và ngan khá  bẩn. Dê được nuôi trên nền đất nện phủ cỏ. Người ta giải thích: làm vậy để khỏi láng xi măng, lại chống được bệnh (?), rồi dùng làm phân ủ luôn. Y không rành nông nghiệp nên nghe chỉ biết vậy, không tiện hỏi. Có mấy luống cam lá to, cành nhánh khoẻ, mới ngang tầm người đã lúc lỉu quả, nom thích mắt.
              Kề cơ sở này là một cái trại mang tên “Trại Tàu” do Trung Quốc và Cônggô cùng làm. Samba cho biết: thành quả của “trại” không mấy khích lệ, vậy mà lại như một đảo nhỏ của sự thịnh vượng không quảng bá ra được, trong khi nông thôn xứ này khắp nơi vẫn nghèo khổ.
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 24.02.2009 11:39:24 bởi Khải Nguyên HT >
    #2
      Khải Nguyên HT 26.02.2009 14:34:27 (permalink)
      5. Tản mạn đôi nét về con người

       
                Thu nhập chính của Công-gô nhờ vào dầu lửa, hợp tác khai thác với nước ngoài, chủ yếu là Pháp. Tính theo đầu người thì thu nhập chẳng thuộc loại thấp ở châu Phi. Năm1990, Pháp chủ trương giảm hoặc xoá nợ cho một số nước thuộc lục địa đen nghèo nhất, Công-gô bị đặt ngoài danh sách. Tuy nhiên, sự  cách biệt giàu-nghèo, sự  cách biệt thành thị-nông thôn quá lớn.
                Có những người, những nhà không còn có thể nghèo khổ hơn. Một bà già mặt nhăn nheo, rất khó đoán tuổi, người khô quắt, đeo sọt sau lưng, cầm một cái cuốc cùn, chắc là đi làm rẫy sắn tít tận ven rừng về, dừng lại ngoài ngõ một nhà chuyên gia Việt Nam gọi xin nước uống. Bà ta quá khát, G. rót cốc nước chè cho mấy viên đường vào khuấy đều  cẩn  thận rồi ra hiên trao cho bà ta. Bà già uống xong, đưa biếu G. một khúc mía lấy từ sọt ra và quì xuống cảm ơn. G. rửa cái cốc rất kỹ, bảo y bằng một giọng hào hứng pha chút hài hước: “Mấy viên đường chỉ giá 10FCFA, còn khúc mía đáng 50FCKA (đơn vị tiền địa phương). Hoá ra vừa được tình, vừa được tiền(!)”. Y rất phục việc đãi cốc nước đường, tự ngẫm mình chưa đủ “nhân ái” để làm như  vậy. Nhưng rồi y tiếc đã được biết phần sau câu chuyện. Chắc chắn G. không chủ tâm thu lợi; anh ta chỉ làm “dân vận”  thôi như anh ta từng ngỏ với y. Có lẽ diễn biến của sự việc cũng bất ngờ với anh ta.
                Công chức hạng dưới và hạng giữa ở Công-gô cũng không phong lưu lắm, nếu không có những “thu nhập” khác.
      Nhà M., thư kí phòng giáo vụ trường trung hoc (tương đương trường phổ thông trung học ở VN) có mười ba nhân khẩu. Cha già hay bị sốt rét. Bà cô ốm liệt đã lâu. Hai vợ, mỗi vợ đều bốn con. Một bà học sư phạm tiểu học xong đang thất nghiệp hiện ở nhà làm đồng-trồng sắn, phải đi xa hơn 4 km. Bà kia  làm y tá tại “Trung tâm sức khoẻ thị xã”, lương tháng 45000FCFA (chừng hơn 150USD). Lương người chồng 104000FCFA (chừng hơn 350USD) cùng phụ cấp con  16000FCFA (hơn 53USD) mỗi tháng. Trước kia anh ta làm hiệu trưởng trường tiểu học cuối năm được phụ cấp cũng khá; khi được điều sang làm bên này chẳng còn gì, mức sống eo hẹp. Y nhận  xét:
                -Người giữ thư viện sống sung túc đấy chứ?
                Người thư ký nói:
                -Ấy, trước hắn làm phó quản lí, sau mâu thuẫn với tay quản lí mới -lão này tính khi thất thường lắm, nên hiệu trưởng mới chuyển qua coi thư viện.
                -Làm phó quản lí bở lắm à?
                -Làm ở ban quản lí  không bao giờ phải mất tiền mua cái ăn, kể từ nhân viên, cứ việc lấy ở nhà ăn trường mang về. (Trường này có bếp ăn cho học sinh nội trú, khá đông).
                -Lãnh đạo để yên?
                -Thì hiệu trưởng, giám đốc học vụ, tổng giám thị cũng thế. Riêng thư kí công đoàn, thỉnh thoảng được biếu chứ không thường xuyên.
                -Cấp trên có biết không?
                -Biết chứ nhưng lờ đi. Đều thế cả mà!
                Y nhớ lại hôm vừa tới, đang thiếu thức ăn y được quản lí mang tới cho một tảng thịt sơn dương chừng hơn một kí. Nể lời, y xẻo một miếng bằng ba ngón tay rồi đưa trả lại nói  không quen ăn những thứ như thế này. Y cũng  biết quản lí đem cho hai chuyên gia đồng hương của y mấy chục hộp  cà chua bột nhập ngoại. Những người này thỉnh thoảng đến nhà quản lí. Y  đã đoán những thứ đó là từ bếp ăn chung mà ra.
                Như một lẽ thông thường, những người thuộc tầng lớp trên về của nả và danh vị đều tập trung ở đô thị, nhất là ở thủ đô. Số đông họ là quan chức, rất nhiều quyền hành và quyền lợi.
                Một uỷ viên chính trị (commissaire politique) của vùng (région) ép bệnh viện trưởng tại thủ phủ vùng nhận vợ ông ta vào làm y tá. Mụ này tám giờ sáng mới  đến nơi làm (giờ qui định là bảy giờ sáng), ngồi tán chuyện tào lao đến mười giờ thì chuồn. Khi chồng về trung ương làm phó ban tổ chức, mụ cũng về thủ đô, lấy cớ theo một lớp bổ túc nghiệp vụ gì đó. Nhà họ có hai ôtô con; cái màu đen là tiêu chuẩn của chồng, cái kia màu sáng cũng “xịn”, tự mua. Họ có tám con, du học đứa tại Pháp, đứa tại Đức, đứa tại Ý, đứa tại Liên Xô.... Một người bản xứ bình phẩm: “Người ta phòng xa rất chu đáo. Cả hai phe đều có người, thời thế nào cũng có chỗ dựa”
                Có một hố ngăn cách rộng giữa giới quan chức và dân thường, về mọi mặt. Chỉ nói riêng  về trình độ học vấn: nhiều người dân không biết chữ, trong khi quận trưởng diễn thuyết hàng giờ bằng tiếng Pháp, tiếng chính qui, chẳng cần cầm giấy chuẩn bị sẵn. Giữa các quan chức với nhau cũng cách bức theo địa vị. Còn vị “quan chức tối cao” thì khỏi nói.. Trong các cuộc họp trọng thể, các đại hội, tổng thống ngồi chính giữa, -đã đành, cách một khoảng vài mét với người ngồi hai bên, sau lưng là một vệ sĩ  hộ pháp cầm ngang một khẩu súng tiểu liên gác trên đùi, ngồi bất động, mắt soi mói nhìn xuống cử toạ phía trước (có vẻ như vì nghi thức hoặc để đe nẹt hơn là vì tác dụng bảo vệ thực sự, với cách bố trí như vậy). Còn tại một số buổi lễ lớn như kỉ niệm mười năm chấp chính của tổng thống thì hai vợ chồng nguyên thủ ngồi cạnh nhau trên hai ghế bành tựa hai cái ngai chễm chệ phía trước. Lùi về phia sau một quãng mới là dãy ghế của các quan chức cao cấp khác. Năm 1990, sau một số biến động thời cuộc quốc tế, tình trạng trên có đỡ đi. Tầng lớp trí thức bản xứ nói nhiều đến tổng thống thứ ba cách hơn mười năm, Ngouabi. Ông này gần dân và được dân tin. Ông kéo được cả người Picmê (Pygmée), một giống người lùn nhỏ bé sống cách biệt trong rừng sâu, ra tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Sau khi ông bị giết, người Picmê lại về sống ẩn náu như trước; mọi việc trao đổi những thức cần dùng với người ngoài đều qua tù trưởng.Mới độc lập được vài chục năm, mọi việc đã bê trễ. Một giáo sư trung học bản xứ nói: “Độc lập là một sự nghỉ ngơi bất tận, chẳng còn cách mạng, chẳng còn kỉ cương”.
                Trông qua bên kia sông qua màn ảnh nhỏ, Đài Truyền hình Dai-ia bao giờ cũng mở đầu buổi thời sự bằng hình ảnh tổng thống Môbutu, -người đã góp tay cùng thực dân Bỉ và CIA Mĩ diệt nhà yêu nước Lumumba, đầu đội mũ ca lô da báo dõng dạc tuyên bố một câu  rất kêu dài dằng dặc bất di bất dịch bằng tiếng Pháp, tiếng chính thức, giọng sang sảng làm rúng động(?) những ngọn đèn trần của cái hội trường rộng mênh mông, tưởng chừng cả dân chúng và quốc gia đang tưng bừng lắm! Ở Bradavin, mỗi khi xảy ra chuyện trộm cắp, người ta thường bảo: dân Dai-ia đói sang đấy. Năm 1990, Môbutu tuyên bố “sẽ” lập nền cộng hoà có ba đảng do tổng thống đứng trên điều hoà. Lần này, ông ta gọi “đồng bào rất thân mến”, và các ngọn đèn trần không rung lên nữa. Có lúc ông ta “cảm động” quá phải dừng lại; và,  sau khi nói sẽ để dân chọn một “sếp” mới, đưa khăn tay lau phía dưới mắt. Reo hò, vỗ tay, hô khẩu hiệu, hát ca ngợi. Nhưng hàng ghế đầu có người cười tủm, có người như là bĩu môi, có người cười rộng song rồi có lẽ chột dạ bèn vỗ vào môi thay cho vỗ tay, có người thì liếc người bên cạnh  đầy ý nghĩa... Đó là thời kì mà phong trào sinh viên Dai-ia biểu tình bị bắn chết hàng trăm người. Đó cũng là thời kì đài truyền hình nước này liên tiếp truyền những bài giảng kinh thánh của một người da trắng trẻ, đẹp, mặc thường phục, đi đi lại lại trên sàn diễn một cách “hùng biện” trước đám đông ngồi chật một nhà hát rộng. Đại khái có những “minh hoạ” sinh động  cho đức tin: ở Canađa, anh ta đã cầu Đức Chúa cho mười mấy người hết tàn phế (có mấy bà cảm động quá đưa khăn lên chấm nước mắt).  Dân Dai-ia vẫn đói, đất nước vẫn bất ổn, Môbutu vẫn giữ ngôi cho đến 1998 mới phải chạy trốn sau ba mươi mấy năm trời tác oai, tác quái. Nước Dai-ia trở thành nước Cộng hoà dân chủ Cônggô (khác với nước Cộng hoà Cônggô), song vẫn chưa hết loạn lạc ở năm cuối  cùng của thế kỉ 20, lúc y đang viết những dòng này.
                Người Cônggô, những người có học  thức ít nhiều,  rất thich bàn luận, mà lại sính chuyện  chính trị, xã hội. Một chị người Man-gat (xứ Ma-đa-gat-sca) theo chồng là người Cônggô về sống ở quê chồng (cả hai đều có bằng đại học) cũng đồng ý với  nhận xét trên của số chuyên gia Việt. Họ bàn luận trên  xe buýt, trong quán bia, ở một nơi tụ họp nào đó. Thậm chí họ đến chơi nhà anh trong khi anh đang hí húi đun nước pha  chè (họ rất thích uống chè) thì họ đã vào cuộc tranh cãi một chủ đề nào đó rồi, có khi quên cả chủ nhà.
                Họ cũng thich tranh luận với đồng nghiệp Việt Nam. Một lần, ngồi vui với nhau, một người bản xứ nói: “Phải kiếm vợ cho các ông mới được”. Mấy vị Việt Nam cười xoà: “Chúng tôi đều đã có vợ”. “Ồ! Có sao đâu! Chúng tôi vẫn lấy vợ nhiều một cách chính thức”. Và, một cuộc bàn cãi về chế độ đa thê.
                -Đàn bà bao giờ cũng nhiều hơn đàn ông.
                -Không phải thế, ở nước chúng tôi, điều tra dân số sau chiến tranh cho thấy số nam nữ xấp xỉ nhau. Trong chiến tranh, nhiều đàn ông đã không trở về.
                -Chúng tôi thấy nói phụ nữ nước các ông cũng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu cơ mà (thì ra họ cũng đã ít nhiều theo dõi cuộc chiến đấu của chúng ta).
                Khó mà thuyết phục được họ.
                Ở trường trung học (tú tài),  học sinh nam nữ đối xử với nhau bình đẳng, tự nhiên, gặp nhau là bắt tay thân tình và lịch sự, tranh luận thoải mái. Nữ sinh mạnh dạn với cả thầy giáo. Một cô vào nhà một chuyên gia Việt Nam xin nước uống. Chủ nhà mang ra một cốc nước chè loãng. Cô ta giơ cốc soi nhìn nghi ngại: một mẩu đen đen lơ lửng trong nước, “Nước bẩn”; “Một mẩu lá chè đó thôi”.; “ Xin lỗi”, bấy giờ cô mới uống, và cảm ơn.
                Ở gia đình, hình như người đàn bà xứ này không được như vậy. Vợ của Mi-sen, một giáo sư  tiếng Anh, có chửa vượt mặt vẫn làm việc nặng. Có hôm, y bắt gặp  chị ta đang ôm bụng nhăn nhó. Anh chồng  làm gì vớ vẩn trong sân gần đó vẫn thản nhiên. Y phải nghiêm  giọng bảo, anh ta mới đi tới bên  vợ hỏi han, bảo từ rày không được làm việc nặng nữa.
                Người phụ nữ Công-gô dường như không bị một thứ lễ giáo nào ràng buộc, song lại bị chi phối bởi điều kiện xã hội. Cũng có thể tập tục sắc tộc còn chút rơi rớt từ thuở quần hôn, lại được  các vị thực dân da trắng “khai hoá” nên phóng khoáng trong  chuyện gối chăn. Điểm nữa, có lẽ cũng như ở Việt Nam, các cô gái Công-gô có trình độ học thức nhất định vẫn chấp nhận sống với người nước ngoài không vì tình yêu. Nước họ đang rất thiếu việc làm.
                Mấy chuyên gia nước ngoài đang đứng trò chuyện trước khu nhà ở, vợ một giáo sư bản xứ dẫn một cô gái đến. Cả hai đều khá xinh, cô gái trạc hai mươi. Bà kia chỉ hơn tuổi chút ít. Chúng ta, dân da vàng, từng bị dân da trắng khinh miệt, mà không ít người lại tỏ ra kì thị các sắc tộc khác, trước hết là về màu da. Rõ ràng, người da đen có nhiều người đẹp, dẫn chứng thuyết phục nhất là các cuộc thi hoa hậu thế giới. Chị vợ giáo sư hỏi mấy người Việt:
                -Ông  G. đâu, thưa các ông?
                -Ông  ta không có đây, có việc gì vậy, bà?
                -Tôi đưa đến cho ông ấy cô gái có đủ ba tiêu chuẩn mà ông ấy yêu cầu: đẹp, còn trinh, trung thành.
                -Kiểm chứng sao đây? Một người nhân đà tò mò hỏi:
                -Trong một tuần.
                -Có chắc trung thành không?
                Cô gái nãy giờ im lặng, bỗng lên tiếng:
                -Trung thành cho đến hết năm.
                -Sao không “cho đến hết đời”?
                -Đến hết đời cũng được. -Cô ta bình thản đáp.
                Chuyện rồi chẳng đi đến đâu, không chỉ vì đương sự vắng mặt. G., một người đã trên năm mươi tuổi, hôm nào đó cao hứng nói cho vui, cho qua chuyện, vẫn nghĩ ở xứ này, con gái còn “nguyên vẹn” là của hiếm. Sau đó anh ta lờ đi. Lấy vợ bản xứ có khi phải nuôi cả nhà vợ, trong khi bên nhà, vợ con đang trông chờ vào món lương chuyên gia của mình đã bị trừ đầu bớt đuôi. Số chuyên gia Pháp cũng chỉ “cùng sống qua đêm” chứ không “lấy”, họ chỉ phải đãi ăn uống...
                Người Công-gô nói chung chất phác. Ở thủ đô, đôi khi gặp vài kẻ định bịp, định xoáy (người sở tại thường bảo ở nước láng giềng sang), trò của chúng cũng chỉ là trò trẻ so với những thủ đoạn lưu manh ở Việt Nam. Ở các thị xã, thị trấn, người dân càng thật thà. Bạn vào hàng bánh mì, hỏi thăm dò: “Bánh hôm qua phải không?”; đáp: ”Bánh chiều qua. Bánh sáng nay bán ở chỗ bà kia”. Nếu  ở Việt Nam thì  có thể đã được nghe một tràng cong cớn: “Bánh này mà hôm qua à? Có ông là người hôm qua thì có!  Bánh người ta lấy thẳng từ lò về. Chưa mở hàng mà đã bị ám.” v.v... (Dẫu đã trưa trật, dẫu có thể  là bánh ế từ hôm trước).
                Ở chợ Macua, một lần y mua cam, đưa tờ 5000 FCFA (chừng 18 USD), người bán không có tiền thối lại. Một cô gái đứng cạnh đó từ bao giờ, tự nhận lấy việc đi đổi giùm. Mãi chẳng thấy cô ta quay lại. Y hỏi chủ hàng:”Con gái ông?”.  Đáp: ”Không, người qua đường đấy thôi”. Y giật  thót. T., người cùng đi, lên giọng :”Anh phải hỏi trước khi trao tờ giấy bạc chứ!”. Nhưng rồi cô gái đã quay lại  trao cho y năm tờ 1000 FCFA. Chủ quán vẫn không đủ tiền thối, cô gái lại nhận đi đổi. Lần này cô đi lâu hơn (Thời kì này đang rất hiếm tiền mặt). Cô gái trở lại trao cho y nắm bạc lẻ. Y trả tiền cam, định  “thù lao” cho cô cái gì đó, quay lại thì cô đã biến rồi, y chẳng kịp cả cảm ơn.
                Người trí thức Công-gô ý thức được những điểm yếu của đất nước mình, dân tộc mình. Có lẽ sự tự ti vẫn còn lởn vởn trên đất nước này. Những xứ từng là nhược tiểu, một khi đã vùng lên được thừờng có lòng tự hào, có khi quá tự hào. Nhưng niềm tự hào suông không thể vực dậy những chỗ yếu. Do vậy, dưới vẻ tự hào tiềm ẩn sự tự ti. Không chỉ do lòng tham, do kém hiểu biết mà  trong chuyện làm ăn với nước ngoài, một số kẻ bị xỏ mũi làm hại lợi ích quốc gia như ở ta từng xảy ra. Người Công-gô, một số người, rất tự ti về màu da của mình. Giám đốc học vụ trường trung học G. thường tâm sự với các chuyên gia Việt, có lần đã hỏi: “Ở phương Đông có một thuyết tôn giáo nói rằng ai phạm nhiều tội lỗi thì kiếp sau phải đầu thai làm người châu Phi phải không?”. Người này vốn là giáo sư triết học luôn luôn có vẻ mặt buồn, tự hạ trước các chuyên gia Việt, nhưng lại rất hách với  đồng nghiệp bản xứ.
                Thời mà giới có học nước ta chưa có mấy người tin nhảm (1990 trở về trước) thì ở Cônggô, hôm đó sét đánh một cây to gần văn phòng, ba giáo sư bản xứ , trong đó có một người từng đi du học về, kể cho y nghe chuyện một phù thuỷ đứng ngoài cho sét vào phòng đánh chết người xong lại thu sét về. Y hỏi :”Hình thù sét thế nào?”; đáp :”Mô phỏng sét tự nhiên?”; ”Thế thì phù thuỷ phải tan thây trước?”. Y phải giải thích mãi, họ mới có vẻ nghe ra.
                Người ta một khi được mở mang đầu óc ít nhiều đều có mơ ước, nếu không nói là tham vọng. Một lần, C. vào trú mưa tại một cửa hiệu nhỏ. Hiệu bán hàng vặt, bà chủ nhà phàn nàn lời lãi ít, già hàng đã được nhà nước qui định, tỉ lệ lãi thấp. Chồng bà vốn là thợ nề phải nghỉ việc vì thiếu sức khoẻ. Họ đặt hi vọng vào hai đứa con. Đứa con trai du học ở Pháp về đi dạy học, ba tháng nay chưa được lĩnh lương. Cô con gái đang học đại học thưong mại chỉ còn một năm nữa phải tạm nghỉ vì không có tiền đi xe buýt và không có tiền ăn trưa. Về chuyện đi, ở thành phố Brada người ta không đi bộ hoặc đi xe đạp dù đoạn đường không xa, nếu không có xe riêng thì chỉ đi xe buýt -một phương tiện khá thuận tiện, giá cả phải chăng đã được qui định, không bị sách nhiễu. Về chuyện ăn, chỉ bánh mì với sữa không thêm gì khác cũng phải tốn chừng 30USD/tháng. Cô sinh viên không thể chịu nổi món ăn “hạ cấp” này mãi được. “Tôi bây giờ đủ sức quản lí tốt một xí nghiệp. Tôi chờ dịp để học nốt lấy mảnh bằng”.  Cô ta hai mươi tám tuổi, người tình muốn lấy làm vợ hai, cô không chịu. Dẫu đất nước đang khó khăn, cô không nhụt chí, chưa nhụt chí.

      <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.02.2009 14:39:09 bởi Khải Nguyên HT >
      #3
        Khải Nguyên HT 28.02.2009 15:59:28 (permalink)
             6. Samba (Xăng-ba)


                 Như ở bất cứ nơi nào từng bị đè nén, bị coi rẻ, trí thức Cônggô dễ đến với chủ nghĩa Mác-Lênnin. Cônggô không phải  là nước xã hội chủ nghĩa,  song những người dân có học thức đều ít nhiều biết về chủ nghĩa  xã hội, thường là thô sơ, đơn giản, dễ dãi như hầu hết những ai chịu ảnh hưởng tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Samba là một trong số đó. S, đỗ tiến sĩ ở Pháp về làm giám đốc vụ kế hoạch và  hợp tác quốc tế của Bộ MESS (tương tự Bộ Giáo dục) sau chuyển về làm giáo sư học viện “Phát triển nông thôn”. Anh ta thích  nói chuyện chính trị với một số chuyên gia Việt Nam, hay nói đến chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa  xã hội.
                 Samba được nhà nước cấp cho một căn hộ sang trọng ở lầu ba một chung cư dành cho công chức trung cao cấp, gồm một phòng khách và  ba phòng ngủ, -một của cha mẹ, một của các con và một của khách-, bếp, phòng rửa, phòng tắm, nhà vệ sinh, - đều riêng biệt. Không phải trả tiền thuê nhà. Xa-lông, bàn, tủ  đều do nhà nước trang bị. Có điều, nhà cấp không được giữ  mãi hoặc bán đi dưới hình thức “ăn hỏa hồng”, như ở ta. Vợ S. là cán bộ xét nghiệm làm công tác phòng bệnh tại bệnh viện trung tâm. Họ đã có ba con. Nhà có ôtô riêng. Trong nhà có một số đồ sứ, đồ sơn mài Việt Nam: bình, hộp, tranh... S. nói mua tại gian hàng Việt Nam trong hội chợ năm nọ. Nhưng y đoán có lẽ là do sứ quán Việt Nam và người  phụ trách chuyên gia Việt Nam biếu khi anh ta còn đứng đầu vụ hợp tác quốc tế của Bộ MESS, bởi y đã chứng kiến chuyện như thế với vụ trưởng đương nhiệm. Anh ta phàn nàn với bọn y rằng mình bị thất sủng vì “bọn đảo lộn phải trái, bọn thân Pháp và bọn cố vấn Pháp không dung” do nghi anh ta là mác-xit và do anh ta cương trực lại tỏ ra thân các nước xã hội chủ nghĩa. C. bảo: “Nó bị gạt vì vớ bẫm trong các vụ móc ngoặc với người nước ngoài. Bây giờ bọn ganh ăn lên thay”.
                 Samba đang chuẩn bị một biệt thự phòng khi “về vườn”. Con đường nhỏ trước khu vườn dành sẵn của anh ta bị tay trưởng phường (chef de quartier) “vô học và cứng đầu” -lời anh ta- lấn chiếm, lại được trưởng khu (chef de zone) “bất tài”, “kẻ dày xéo lên pháp luật” -vẫn lời anh ta- che chở.  Chuyện tương tự ở Việt Nam ta, nhưng không thấy toát ra mùi hối lộ, tham nhũng, trong trường hợp này.  S. kiện tới toà án thành phố. Mấy lần toà gọi, bị cáo không tới. Hôm ấy, vợ chồng S. mời y  cùng đi xe tới toà án. Một gian phòng rộng, hơi âm u, tuy cửa mở thông thống. Rất nhiều người. Láo nháo các trạng sư áo thụng theo truyền thống quốc tế có viền dải trắng ở cổ và tay, tất bật đi lại xem hồ sơ này khác ở bàn thẩm phán, bàn thư ký. Chủ toạ là một phụ nữ. Bà ta điểm danh. Hầu hết các bị cáo đều vắng mặt. Đối thủ của S. cũng vậy. Anh  ta buồn và bực. Thực ra bây giờ anh ta có thể tự nắn lại con đường nhờ sự ủng hộ của dân chúng xung quanh. Y khuyên S. theo hướng ấy. Vợ anh ta tán đồng, nhưng S. nói: “Tôi phải thắng kiện. Tôi đã thuê thày cãi mất 500.000FCFA (khoảng 1700USD). Bắt kẻ kia phải chịu khoản này”. Mười tháng sau, khi y lên đường về nước, vụ kiện của Samba vẫn chưa nhúc nhích.
                 Tối 24-12, Samba mời y và C. ăn bữa đêm Giáng Sinh (réveillon) tại nhà riêng. Y nghĩ phải mang quà đến. C. tuyên bố sẽ mang chai rượu sâm Triều Tiên vừa mua tại hội chợ, nhưng vừa nói xong liền rút lời ngay, rút một cách dứt khoát như sợ không kịp. Y biết C. có nhiều thứ trong va-li làm quà vào dịp này thì rất lịch sự, giá mua vào chẳng là bao nhưng bán ở Cônggô lại rất có giá; có lẽ vì vậy mà anh ta lờ đi. May! Y sực nhớ mình có mấy thứ mua được khi ghé Liên-Xô, “khiêm tốn” thôi nhưng có thể làm chủ nhân vui lòng. C. nhận bao gói trang trí và đích thân trao tặng. Bữa ăn có rượu Tây, có cơm, bánh mì và cả sắn, đặc biệt có món nem rán Việt Nam. Nem rán là món mà người châu Âu, châu Phi rất thích; nói “nem” là họ hiểu ngay; và từ Việt này đã đi vào từ điển tiếng Pháp xuất bản tại Pari. Ăn món ăn Việt Nam trên xứ người, tại nhà một người ngoại quốc, trong cái đêm có ý nghĩa tết của họ, vui nhưng thấm cái nghĩa tha hương. Samba nói với bọn y về mối “thân tình với người Việt Nam”. Nhưng mà...  có lần C. bảo y : “Chơi với hắn chẳng ra tiền”(!).
                 Samba, người từng du học dài ngày tại Pháp, kể về nền dân chủ Pháp: Dân da đen có quốc tịch Pháp đi xin việc tị với người Pháp chính cống thì người tuyển nhân viên chỉ vào da anh ta bảo thẳng “người Pháp đâu có như vậy” .
                 Được hỏi về cảm nghĩ đối với một số nước, Samba cho biết: Với Mĩ, Anh, -ghét; với Liênxô, -ghét người, thích ý tưởng; với Trung Quốc, -còn để xem; với Nhật, - phục trí thông minh; với Dai-ia, cực ghét...
                 Khi bọn y ra sân bay hồi hương, Samba không đến tiễn. C. có ý trách; y thì nghĩ: trước hết hãy tự trách chúng ta.

        <bài viết được chỉnh sửa lúc 28.02.2009 16:13:07 bởi Khải Nguyên HT >
        #4
          Khải Nguyên HT 03.03.2009 11:16:58 (permalink)
          7. Massamba (Matxăngba)
           
                   Massamba là chủ nhiệm khoa Toán. Anh chừng ba mươi tuổi, một vợ, bốn con và một em phải nuôi. Ở Công gô có thể lấy nhiều vợ, hợp pháp; song có người, giáo sư hẳn hoi, muốn cưới người đàn bà đang cùng chung sống mà không sao lo đủ  tiền! Gia đình Massamba và một gia đình nữa ít người hơn được chung nhau một căn hộ vốn chỉ dành cho hai chuyên gia nước ngoài độc thân.
                   Massamba tốt nghiệp đại học trong nước, từng được đi tu nghiệp tại Pháp. Anh cho biết, hè đến, các giáo sư nếu muốn có  thể sang Pháp nghỉ với chi phí ưu đãi. ở Công gô có khá nhiều người được đào tạo tại nước ngoài. Những người tốt nghiệp đại học trong nước, hoặc  ở các nước Tây Âu, nếu được nhà nước tuyển dụng thì lương khởi điểm là 85000FCFA (khoảng 300USD); còn nếu tốt nghiệp ở Liênxô hoặc ở các nước Đông Âu về thì chỉ được 60000FCFA (khoảng hơn 200USD). Bởi, theo Mass, thực tế chất lượng khi hành nghề; bằng cấp các nước sau hay “chiếu cố”. Lương công chức thời gian mấy năm gần đây hay bị chậm. Năm trước, nhiều tháng không có lương. Một số giáo sư trung học, bác sĩ... cùng đến phủ tổng thống kêu cầu đã bị quân đội dồn vào một sân kín “thưởng” roi và gậy.
                   Buổi ấy, Công đảng đang cầm quyền ở Cônggô. Nước này không phải là nước xã hội chủ nghĩa, thật sự nằm trong vùng ảnh hưởng của các nước phương Tây, trước hết là Pháp, nhưng có thời kì dưới thời tổng thống Nagouabi, đã có xu hướng xã hội chủ nghĩa và thân các nước xã hội chủ nghĩa.Năm 1990, tổng thống S. thăm Hoa kì, đài truyền hình Cônggô đã bình luận: “Cônggô không còn coi Hoa Kỳ là đế quốc phàm ăn phải đấu tranh bằng mọi giá; và Hoa Kì cũng không còn coi Cônggô là một vệt đỏ phải xoá khỏi bản đồ”. Trong các cơ quan, trường học, có các tổ chức đảng, công đoàn, thanh niên, nhưng  thủ trưởng có quyền “sinh sát”, không nhất thiết là đảng viên. Massamba nói: “Dù sao, vào Công đảng vẫn được bốn cái lợi: -phạm tội không bị bắt, không bị xét xử, nếu đảng vẫn giữ là đảng viên; -dễ được cất nhắc; -dễ được bổng hậu; - được trọng vọng”. Hệt đảng viên CS các nước XHCN, y nghĩ và hỏi: vậy Massamba có thích vào đảng này không?, anh lắc đầu, vì hai lí do: -thấy không nghiêm minh, chưa làm lợi gì cho dân, cho nước; - sợ  rằng nếu có sự biến chuyển chính trị sẽ dễ bị chặt đầu như ở Chilê.
                   Có lần Massamba bộc bạch với y: “Chúng tôi biết nền độc lập của nhiều nước châu Phi là được người ta “ban cho”. Các ông thì khác. Các ông phải chiến đấu với Trung Quốc, với Pháp, với Mĩ. Qua mỗi các ông cũng thấy được phần nào. Các ông là trí thức mà biết làm đất, trồng trọt. Các ông tự thể hiện sự độc lập của mỗi người. Còn người của chúng tôi, họ có làm gì đâu! Chỉ uống, nhảy, đi nhởn, và tìm đàn bà. Nước các ông có nhiều dân tộc nhưng có thứ tiếng phổ thông chung. Chúng tôi thì phải mượn tiếng Pháp. Học tiếng Pháp đã gay rồi, nói gì chuyện học các môn qua tiếng Pháp. Các ông  bảo các ông học tiếng Pháp trong vòng vài năm mà sang đây làm chuyên gia được. Không đúng. Chúng tôi học tiếng Pháp từ bé, trong nhiều gia đình người ta dùng tiếng Pháp luôn, vậy mà học sinh sắp thi tú tài còn nói và viết tiếng Pháp chưa ra sao...”.
                   Y nghe, vừa tự hào vừa tự thẹn. Tiếng thơm chẳng nhẹ đâu. Ôi, Mass!
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 11.03.2009 10:15:37 bởi Khải Nguyên HT >
          #5
            Khải Nguyên HT 07.03.2009 10:56:24 (permalink)
            8. Thị xã nằm ngang xích đạo


                Trên bản đồ địa lí, xích đạo tồn tại như  một sự chia cắt nam bắc mặt địa cầu. Có  thời người  ta dành cho nó một vạch đỏ (có phải vì thế mà được dịch ra là “xích đạo”?). Nghe nói trên mặt đại dương, mỗi khi vượt qua xích đạo, tàu bè phải làm thủ tục “cụng li” với thần biển. Do vậy, khi bạn đồng nghiệp sở tại cho biết y đang đứng ngay trên xích đạo, y thất  vọng cho cảm xúc của mình. Y vốn hay tưởng tượng. Y có thể tìm được điều gì đặc biệt ở đây? Cũng vẫn là mặt đất phẳng hoặc lối lõm như bất cứ nơi nào khác. Bên bờ sông có một cột mốc đánh dấu xích đạo, người Pháp dựng từ  thời xa xưa. Cột hình trụ cao tầm nửa người được xây bằng xi măng hơi xiêu về phía bắc, nom thô kệch, chẳng ghi một chữ gì. Y làm một bước nhỏ: “Ta đã từ Nam bán cầu qua Bắc bán cầu”, làm một bước nhỏ trở lại: “Ta đã lại từ Bắc qua Nam”. Một trò trẻ để gợi, nhưng chẳng gợi được gì nhiều. Nhà y hiện đang tạm ngụ, cách cột mốc gần sáu kilômét về phía tây, cũng kề ngay xích đạo. Y nhiều lần dẫm lên xích đạo mà không biết đấy thôi.  Một lần, chủ nhiệm khoa dẫn y đi xem chỗ đánh dấu xích đạo chạy qua khu vực trường. Một cái hình lòng máng đường kính độ 3cm in lõm vào mặt trên rìa móng một cái nhà vốn thuộc nhà thờ gia tô Lamã xây từ những năm 40, hồi còn mồ ma thực dân Pháp.
                Xích đạo cắt qua Macua  ở mạn bắc. Thị xã này được qui hoạch sau ngày đất nước được trao trả độc lập đầu những năm 60 thế kỉ 20. Ý đồ  ban đầu chắc cũng định  xây dựng một đô thị nghiêm chỉnh, hiện đại. Trên các triền đồi khá phẳng chỉ nhấp nhô tí chút, các đường phố thẳng ngang dọc chia ô. Đường vẫn còn là đường đất, đất pha  cát, mùa nào xe cũng chạy được. Trung tâm thị xã có một cái chợ. Quanh chợ có những cửa hàng tư nhân bán lương  thực, thực phẩm, tạp hoá, hàng may mặc, thuốc men... của người nước ngoài: Mali, Môritani, Ả rập... Người Môritani nói: “Người Công-gô thích làm công  chức; còn chúng tôi chỉ buôn bán. Nhưng chúng tôi gặp nhiều khó khăn, thỉnh thoảng lại nhận phiếu đòi nộp khi 5000FCFA, khi 7000FCFA (tương đương 18USD, 25USD)”. Đặc biệt có một siêu thị quốc doanh cao rộng với nhiều dãy quầy hàng. Giám đốc học vụ dẫn bọn y đi để làm quen với cung cách mua sắm, nói: “Nhân viên siêu thị chỉ ngồi ngáp thôi. Giá hàng ở đây luôn cao hơn ở ngoài. Hàng ế, giám đốc vẫn lương đều và có nhiều thì giờ để chạy kiếm chác”.(Có hồi y hâm mộ và ủng hộ “quốc doanh” cả trong ý nghĩ cả trong thực hành -mua hàng, nhưng rồi y rầu lòng nhận thấy quốc doanh làm ăn bết bát, kể cả ở nước tư bản như Pháp thời Mitterand,vị tổng thống từng quốc hữu hóa một số doanh nghiệp) .
                Thị xã đã có dấu hiệu đình trệ. Nhiều nhà xây dở dang rồi để đấy cho cây dại mọc gần như che lấp. Đường sá không được tu sửa và nâng cấp. Chưa có điện lưới, vẫn phải xài điện máy nổ. Một đoạn dài đường ống nước bị xe cán vỡ vẫn để đó...
                Cảnh sắc ngoại vi được y ghi nhận trong đoạn nhật kí sau đây: “Massamba đưa đi chơi ngoại thị. Qua nghĩa trang mình đi kiếm hoa ngày nọ nay có M. cùng đi không thấy rợn. Nhiều ngôi mộ xây lạ kiểu, sang trọng với các loại gạch men đẹp, trên phần đất rộng rãi không chen chúc, xung quanh trồng cây và hoa. Ở Việt Nam mình chưa thấy nghĩa trang nào “sang“ như thế. Hẳn chẳng phải là nơi yên nghỉ của người nghèo; có lẽ có liên quan với khu nhà thờ và nhà dòng giatô giáo ngày trước khá qui mô (một phần trường dòng đã bị quốc hữu hoá hồi “cao trào cách mạng” cách chưa tời 25 năm). Đứng ngoài nhìn vào, phần lớn nghĩa trang bị cây cối che lấp. Cây tự nhiên hơn là cây trồng. Có vẻ như ít được chăm nom. Con đường cũ từ  trường ra sân bay lau lách mọc  đầy, có cả những cây gỗ đã lớn.  Mass chỉ cho thấy một cái bẫy các thú lớn nằm ngay ở nơi vốn là mặt đường. Qua một cái trang trại  cỡ quốc gia, một thứ nông trường quốc doanh, rộng hàng trăm hec-ta, chuyên trồng sắn, bỏ hoá đã 5 năm. Nhà văn phòng xây đẹp, để không. Các xưởng  sửa chữa và nhà chứa xe đầy các loại xe kéo, xe tải, máy cày... cái còn lành, cái đã hỏng. Phí phạm biết bao! Lại còn “tốn” người coi giữ. Đất cũng phí phạm: để cỏ và lau lách tung hoành, còn dân muốn trồng trọt lại phải đi xa dăm ki-lô-met nữa, không được đụng vào nông trại của nhà nước! Mass nói: “đang định phục hồi”. Nhưng bao giờ? Mass nhún vai, giang hai tay ra. Ngoại vi vẫn còn một màu hoang vắng. Không phải đồi cây, không phải đồi trọc, rậm cây con và cỏ tranh. Trời chiều (16g30), nắng nhẹ, gió thoảng mát. Đường cái từ Ma-cua đi Ê-tum-bi (étumbi), Ken-lê (Kellé) sang tận Ga-bông (Gabon) khá thẳng, phẳng và “dễ trông”, song rải đất đá ong (laterite). Chỉ gặp mỗi cái ôtô. Gặp nhiều người đi trồng sắn, nữ và nam, người lớn và trẻ con, vác cuốc, kẻ đi xe đạp, người đi bộ; họ phải vào tận ven rừng. Đường rẽ vào sân bay nom “thảm” hơn. Sân bay, đường băng chính rải la-tê-rit; chỗ máy bay đậu và đường dẫn vào đó là đường đất bình thường lúp xúp cỏ, cằn và xác. Khu “cơ quan” và nhà ở lèo tèo dăm ba nhà rải rác nằm phía ngoài sân bay. Không có dân cư.  Mass  cứ tiếc không gặp được hai tay coi khí tượng để nhờ họ hướng dẫn xem chỗ này chỗ nọ”.
                “Quãng đường từ sân bay đến thị xã chừng ba ki-lô-mét, hai bên không có dân cư, không có dấu hiệu canh tác. Chỉ  thấy hai nơi nhà hoang. Một nơi , có hai nhà xây khá to, chững chạc, chủ nhân có lẽ sợ hẻo lánh nên đã bỏ đi. Nơi khác, cạnh ngay đường lớn, tuy là biệt lập song ở vào một vị trí mà bên ta nhiều người mơ ước, sau khi người chồng chết, vợ con cũng tếch”.
                “Đường về, trời bảng lảng, cảnh hoang vu trải rộng. Bốn chung quanh sương chiều dâng màu khói xám xanh lưng chừng rặng cây xa. Một chiếc xe máy từ phía Ê-tum-bi chạy về – một chàng Tây đen chở một nàng đầm đen, phóng như bay, vạch một nét thật nên thơ lên cảnh vật hoang sơ. Nét đẹp của văn minh cơ giới đâu dễ có được! Một chiếc ôtô từ phía sau chạy tới. Mass bảo mình dạt vào mé đường tránh: “Ở đây hoang vu, bọn lái xe có thể bạt mạng”. Ở nước ta sự bạt mạng có thể xảy ra cả trên đường phố!  Phương tiện văn minh chưa đủ làm nên nền nếp văn minh.”
                 Thị xã có một trường li-xê (tương đương trường phổ thông trung học của ta) dành cho cả “vùng”. Vốn là trường do nhà thờ quản lí. Trong khu vực trường còn di tích một tháp chuông bị phá trong đà cách mạng. Khuôn viên trường khá rộng. Các nhà học một tầng có từ hai đến bốn phòng được xây cách biệt nhau. Rất nhiều đất trống, cỏ lau mọc đầy, “công dụng” chính có lẽ là để các học sinh bị phạt đến phát chục mét vuông gì đó; cũng hoạ hoằn thôi. Ngay cả sân vận  động thỉnh thoảng có chơi bóng mà một đầu sân cỏ mọc ngang nửa ống chân. Trường có khu nội trú cho số học sinh ở xa. Nhà ở, bếp ăn, một thời qui mô và hiện đại. Massamba dẫn y  đi thăm thú, trỏ cho y thấy những bếp dùng hơi đốt, những buồng lạnh hỏng để trơ đó. Trước sân, một chiếc ôtô nằm xệ trong cỏ ngập lút bánh xe. Cách chưa tới mười lăm năm! (Theo như sự biết của y thì cho tới lúc đó ở Việt nam chưa có bếp ăn tập thể nào của học sinh, kể cả ở đại học, được trang bị bếp hơi đốt, buồng lạnh). Nhìn chúng, thấy một sự trễ tràng, một sự bỏ phí, bỏ mặc... Nước này, năm ngoái, mới kỷ niệm hai mươi năm cách mạng, sao sớm có dấu hiệu suy vi? Ở một trường khác, trường Côn-le (tương đương trường trung học cơ sở của ta), có khá hơn, khá hơn cả một số trường ở Việt Nam mà y từng đến. Đọc trong nhật kí của y: “Chiều, một mình thả bộ thăm thú. hai thanh niên đi một chiếc xe đạp tới chào và hỏi chuyện. Họ là hai học sinh trường li-xê. Họ hỏi mình  có biết đi xe đạp không (hỏi một người Việt Nam thời này có biết đi xe đạp không thì cũng ngộ như hỏi một người Pháp, chẳng hạn, có biết lái ôtô không). Xe cao, bánh cỡ 700, lốp to tựa lốp xe đạp máy; đạp khá nặng. Mình cưỡi loạng choạng như kẻ mới tập đi. Xe đạp ở xứ này hiếm. Ngay ở thủ đô, người dân hoặc có xe hơi, xe máy riêng (không nhiều) hoặc đi xe buýt, không đi xe đạp, càng không đi bộ. Hai cậu  học sinh dẫn mình  đi xem trường Côn-le. Đang nghỉ học kì, trường chẳng có ma nào canh giữ. Quanh trường rào bằng cành cây sơ sài. Cổng ngõ không có cánh cửa. Vậy mà chẳng bị ai vào phá phách. Một dãy dài nhà học một tầng cách quãng đều đặn vừa phải, xây khá đẹp, thẳng hàng. Nhìn qua kính cửa sổ (chẳng có song sắt bảo vệ) thấy bàn ghế nghiêm chỉnh,  các phòng học phong quang, sạch sẽ, không có ghi tên lưu niệm và vẽ bậy như ở trường li-xê. Tiếc rằng trước và sau trường, nhất là sau trường, đất rất rộng mà thiếu qui hoạch hoặc thiếu sự chăm sóc cần thiết để làm đẹp hoặc làm lợi (gần được như bên ta(!)). Chẳng có vườn hoa, cây cảnh; mà cũng chẳng có cây ăn quả, cây bóng mát. Vườn trường phía sau thì hoang vu  quá đỗi.”
                Ở trường li-xê, khí thế cách mạng dấy lên từ 1963, chỉ còn lưu lại ở một số hình thức. Các bức tường đầu hồi các nhà học kẻ to các khẩu hiệu rất kêu, trong đó có đến ba câu là của chính hiệu trưởng mới được đổi về từ đầu năm học, và đây là một câu: “Như phượng hoàng phục sinh từ đống tro tàn, chúng ta vươn lên xây dựng ngày mai!”. Lễ chào cờ đầu tuần, bao giờ hiệu trưởng cũng đứng thuyết giảng hàng nửa giờ đồng hồ. Họp mặt  đầu học kì, một bộ sậu “chủ tịch đoàn” kéo lên bệ cao y như lễ đài, gồm: hiệu trưởng ngồi chính giữa, hai bên là giám đốc học vụ, bí thư Công đảng, chủ tịch công đoàn, bí thư thanh niên, quản trị trưởng, tổng giám thị. Hiệu trưởng dành hơn một giờ đồng hồ để huấn thị cho các giáo sư mới vào nghề, nhấn mạnh và nhắc hoài đến cái từ “hi sinh”. Buồn thay! Ông ta  vừa bỏ đi du ngoạn thủ đô, học kì hai bắt đầu một tuần rồi mới về. Trường vào học chẳng có ai điều khiển. Giám đốc học vụ cũng đi chơi ở thủ phủ vùng về muộn. Hiệu trưởng tuyên bố bế mạc cuộc họp. Một người ngồi gần cửa định chuồn trước, ông ta ngăn lại “phải để cho chủ tịch đoàn ra hết đã”.
                Trường có ba ban: Triết, Toán và Sinh vật. Học sinh lớn lộc ngộc, nhìn chung có vẻ chất phác, tuy vẫn  ló ra đây đó vài mánh láu cá vặt trong “quay, cóp”. Trong học sinh, có số theo đạo Hồi, một số thì theo đạo Gia tô. Một nữ sinh học khá cho biết cả nhà cô ta theo đạo Hồi, song cô lại cải theo chúa Giê-su. Số học sinh nam nữ  xấp xỉ nhau. Các học sinh đối xử với nhau tự nhiên, lịch sự; đến trường gặp nhau là bắt tay đàng hoàng, nam nữ đều vậy. Không thấy vụ ẩu đả nào. Cãi nhau to tiếng cũng không. Có một số học sinh khá, tiếp thu nhanh. Trốn học nhiều, có khi đến một phần ba lớp; không thấy bị phạt. Không có chuyện gò tỉ lệ lên lớp, tỉ lệ thi đỗ như ở Việt Nam. Không có chuyện “xin điểm”. Thi tú tài, con số đỗ rất thấp. Thị xã U-et-xô (Ouesso) ở địa cầu phía bắc, mấy năm liền, ban Toán chẳng có ai đỗ kể từ khi có trường trung học. Năm học 1987-1988, họ mời chuyên gia Việt Nam  dạy, có bốn học sinh thi đỗ, một “sự kiện”! (Chắc họ cũng có bệnh “thành tích” song không “đàng hoàng”- ở mọi lĩnh vực- như ở ta!).
                Hôm ấy, trường Macua họp rút kinh nghiệm kì thi thử tú tài. Hơn trăm thí sinh, chỉ mười người có thể tạm coi là đỗ, trong đó chỉ có một người đạt thật sự,-trên mười điểm một chút (thang điểm 20), còn thì phải lấy từ 8 điểm trở lên. Hiệu trưởng nói gần như suốt cuộc họp, phê phán các giáo sư “quá khoan dung với học sinh” hoặc “chểnh mảng” công việc. Nhiều ý kiến phản đối, song không nói mạnh như khi họ ngồi riêng với nhau. Cũng có người nói tới “sự thiếu tin tưởng” ở “việc quản lí”. Giám đốc học vụ bị chỉ trích về chuyện cho thi vấn đáp bổ sung kiểm tra học kì ở một khối lớp, theo gợi ý của một chuyên gia Việt Nam, đã nghiêm nghị đáp lại: “Tôi đã mười năm trong ngành giáo dục, tôi lại có chân trong Công đảng, tôi không cần giải thích việc tôi làm. Các ông còn trẻ, ít nữa các ông sẽ hiểu”. Họp kéo dài mà tác dụng thì rút ngắn. Có  lẽ “họp dai” là căn bệnh của các xứ chậm phát triển, tất nhiên chẳng trừ nước ta! Một số giáo sư bản xứ nói riêng với y: “Ở đây quá nhiều khẩu hiệu, quá nhiều chính trị, quá nhiều hoạt động phi học đường”. Có lẽ đúng vậy, mà không phải chỉ do vậy. Có lần, học sinh đang học thì hiệu trưởng vào xua đi xếp hàng rào danh dự đón thị trưởng và một số quan khách đến dự đại hội chi bộ của đảng cầm quyền. Một lần,  y lên lớp thì thấy vắng tanh. Trường tổ chức trồng cây nơi đâu chẳng biết, trong khu vực trường thì toàn đất hoang. Những lần khác, học sinh nghỉ học để làm mít tinh mừng mười năm chấp chính của tổng thống đương nhiệm, để biểu tình chống đế quốc,v.v... Một giáo sư bản xứ dạy Anh văn châm biếm: “Vậy đó, chính trị trên hết. Và phải biết nghe lời; ông mặc áo trắng, người ta bảo áo xanh thì phải gật nếu không muốn là phản cách mạng”. Còn học sinh, có người nói thẳng với y: “Người ta chống đế quốc bằng các bài diễn văn và các biểu ngữ".     
                 Xem ra các nghi lễ, các thể thức đều trở nên lẩm cẩm và lố bịch cả ngay trong con mắt của chính học sinh! Dẫu tôn trọng bạn, bọn y không khỏi mỉm cười khi nhận bản đánh máy trang trọng lời kêu gọi của chủ tịch công đoàn trường gửi từng giáo sư nhân kiểm tra học kì. Có cái gì đó “giống ta” trong cái “khác ta”. Chương trình và nội dung giảng  dạy trong trường cùng việc điều hành mô phỏng của Pháp; các tổ chức đoàn thể lại na ná ở các nước xã hội chủ nghĩa, về hình thức. Môn triết, được học mọi chủ nghĩa, mọi học thuyết chủ yếu từ thời cổ đại; năm cuối mới học đến chủ nghĩa duy vật biện chứng. Trong đời sống chính trị, chủ nghĩa Mac-Lênin được nói tới nhiều. Dường như  chủ nghĩa này là một thứ bùa phép hay thần chú để hô hào quần chúng, tập hợp và tổ chức họ, điều khiển họ, hơn là thực sự áp dụng vào cuộc sống. Trong tầng lớp những người có học ít nhiều, nghĩa là ít ra cũng biết giao tiếp bằng tiếng Pháp, có những ý kiến bất mãn.Tuy nhiên, họ có ý thức tuân thủ luật lệ, đôi khi đến mức thụ động.Một  ví dụ nhỏ: đường điện vào các nhà bị trục trặc một chút nơi một cột điện bên đường khiến mất điện, phải chờ người đến chữa hàng mấy tuần, chẳng một ai tự động treo lên chỉnh lại,-“phải được phép của sở điện!”. Nếu là ở ta thì... tự do mà tự lo!
                Tại thị xã Macua có cả giáo đường đạo Hồi, cả nhà thờ đạo Cơ đốc La mã. Đạo Cơ đốc có vẻ nổi trội hơn. Có cả một chủng viện qui mô vừa. Học sinh của viện được gửi qua trường trung học để học phần văn hoá (nơi vốn là của họ bị sung công). Một chiều y lang thang dạo chơi qua chủng viện. Một học sinh trường dòng bắt gặp bèn dẫn đi xem phòng học, phòng ăn, phòng ngủ; mọi thứ tương tự bên trường trung học song ngăn nắp, sạch sẽ hơn. Cậu học trò giới thiệu y với linh mục giáo vụ, một người còn rất trẻ. Y nói đùa: “Một linh mục mới tinh”, ông ta cười thoải mái. Linh mục mời y hôm sau, chủ nhật đến chơi. Thời ấy, giao thiệp với người nước ngoài không vì công vụ, lại là với giới tôn giáo nữa, rất dễ bị phiền (với cơ quan an ninh của ta,-tất nhiên). Tuy vậy, y được các đồng hương tán đồng việc nhận lời. Bọn y ăn trưa cẩn thận rồi mới đi. Tưởng chỉ tiếp xúc xã giao, nào ngờ là mời ăn tiệc thực sự. Ngoài một số linh mục, tu viện trưởng còn mời một số giáo sư trường Côn-le của tu viện cùng dự.  Tất cả đều là người bản xứ. Chủ giới thiệu rằng đây toàn là các món ăn kiểu bản địa. Khá thịnh soạn. Bánh mì, bánh sắn, sắn khúc luộc, cơm nhuộm vàng chiên dầu, cá rán, cá om, thịt rán, đậu hầm thịt, một thứ nộm... Đặc biệt, có một thứ mà người Công gô rất thích ăn làm bằng lá sắn giã nát trộn gia vị, thịt, cá sao đó. Người Việt ta thấy họ ăn thường  nhìn nghi ngại. Hôm đó, y nếm thử thấy khá ngon. Khai vị và tráng miệng thì có bia, nước cam, cà phê, cam, ổi. Ăn kiểu Âu: trong đĩa với dao, nĩa. Các khách Việt chỉ còn cách nhấm nháp qua loa cho phải phép. Dù sao, y cũng đã nếm qua hầu hết các món và thấy không lạc khẩu vị người mình mấy.
                Chủ tiễn khách ra tận cổng. Bất ngờ, một trận mưa nhẹ chộp đúng lúc bọn y không đề phòng. Người ta hay “khủng bố” nhau về những bất trắc của châu Phi; trong đó có thời tiết. Thực ra, thời tiết Công gô khá dễ chịu. Y đã ghi lại,  những ngày ở vùng xích đạo.
                Hôm nắng ráo -“ Hôm nay nắng đẹp, tiếng chim ríu rít đâu đây. Trông lên, chẳng có mảng nào “xanh ngắt mấy tầng cao”, vắng cái màu xanh thăm thẳm của bầu  trời quê nhà.
                “Nắng có  vẻ vàng hơn mọi ngày. Ít gió nhưng không gắt nắng . Sẽ giống mùa thu quê ta nếu có những vầng mây trắng bồng bềnh trên nền trời xanh ngút mắt. Ở đây, mây trắng đục và bầu trời, ngay cả khi vắng mây, lờ lờ một màu “xám-xanh” nhạt ảm đạm.
                “Một giờ chiều, lên lớp về thấy gió hiu hiu thổi tạt ngọn sắn, bỗng chạnh nhớ một cái gì xa xôi cả về không gian lẫn thời gian- một cái gì của thời ấu thơ và ở nơi nào khó còn gặp lại. Sau chợt nghĩ là gió Tây, đúng ra là gió Tây-Tây- Bắc. Gợi nhớ tới gió Tây ở miền Bắc Việt Nam và gió Lào ở miền Trung. Gió Tây ở Công gô mang hơi thở Đại Tây dương, “dễ thương” như gió Tây ở Nam Bộ nước mình, không “dễ sợ” như gió Lào (Tuổi thơ mình tắm trong gió Lào mà mình đâu biết sợ!).
                “Trưa nay, gió “phải chăng”. Trờì bảng lảng mây trắng trên nền xanh lơ xỉn; tuy vắng cái màu xanh da trời  quen thuộc nơi quê nhà mà bỗng lâng lâng chút vui vô cớ. Ngả sang chiều, trời hơi nồng, gíó chuyển Tây-Nam, chợt lại ”tê tê” buồn.
                “Chiều xế, gíó Đông-Nam lay nhẹ các ngọn cây. Mấy thanh niên đi qua nói ở Macua  phổ biến là gió Đông, thế mà từ hôm đến đây, chỉ thấy gió Tây-Tây-Bắc là chính. Gió Đông hay Đông Nam, có phải từ Ấn Độ dương tới, hay chỉ là gió lục địa Phi đổi hướng? Theo sách  địa lí Công gô, gió Đông Nam ,lúc này chỉ có thể là gió lục địa Nam hoặc gió biển Ấn độ dương trộn với hơi ẩm rừng Phi châu. Bầu trời hiện tại đầy mây mà gió lục địa Nam thì khô!
                “Lúc hoàng hôn xuống có mù nhẹ tỏa. Sáng sớm, sương đọng ướt lá cây ngọn cỏ, kết trắng như mạng nhện là là mặt đất (thứ nước này vương vào bàn chân gây sưng đỏ các ngón chân và ngứa); nhiều lúc, nước tí tách từ mái nhà nhỏ xuống, mình đã ngỡ có mưa nhẹ trong đêm.
                “Đêm nay, sao rất sáng và dường như  lấp lánh hơn sao ở quê nhà, song rất thưa. Muốn tìm sao Bắc cực, sực nhớ đang đứng cận kề xích đạo, sao này có thể bị khuất nơi chân trời. Cố tìm mấy chòm sao quen nhìn, quên rằng vòm trời đây chênh sáu múi giờ và hàng chục vĩ độ. Tâm tưởng nhại câu thơ Nguyễn Bính: “Ai ở bên kia đường xích đạo / Nhìn sao thao thức mấy đêm rồi?”.
                “ Hôm nay lại ra nhìn trời. Phía tây và phía đông bắc mây che. Một khoảng trời khá rộng, sao đặc hợn mọi hôm. Lờ mờ giải Ngân hà. Do trên trời cao giờ ít sương mù hơn hay đến cữ này bầu trời mới dầy sao?”.
                 Mưa chiều – “ Từ bốn giờ chiều mưa rơi lộp bộp trên mái nhà. Nhưng ngoài vườn và trên đường chẳng có biểu hiện gì của giọt mưa cả. Đất  pha cát của vùng phù sa mới làm các hạt mưa biến rất nhanh, hoặc bị hút, hoặc lăn đi. Một lát, mưa sầm sập cùng với gió Tây nổi mạnh, bứt là xoài tung đi tơi bời như  là có bão (xứ này hình như không có bão). Lần đâu tiên gặp gió mạnh như vậy ở nơi đây. Gió chuyển dần sang hướng Tây-Nam, trong khi vẫn mưa xối xả. Rồi sấm, rồi sét, có vẻ như ngay trên nóc nhà. Chếch phía Tây vẫn lộ vầng mặt trời vàng nhạt không chói chang như nấp sau một tấm voan mỏng. Mưa thật dai, có lúc nhẹ đi một chút, song nói chung là dữ dội cho tới lúc tắt hẳn mặt trời. Điển hình của mưa xích đạo đó chăng?”.
                 Mưa đêm –“Tối qua, khoảng 9 giờ, trời đột ngột mưa to, tiếng rơi rổn rảng trên  mái tôn và rào rào trong các chòm cây. Những lá sắn loáng nước dưới ánh đèn cao áp. Mưa liên miên; mà đang là “mùa khô nhỏ” đấy! (Ở xứ này có “mùa khô lớn” và “mùa khô nhỏ”). Tiếng mưa đêm không bị pha tạp những tiếng động phố phường, chẳng gọi về “những chân  xa vắng dặm mòn lẻ loi” mà làm thức dậy những đêm bão lụt nơi quê hương, như một thứ kỉ niệm phải có trong đời một con người ít nhiều dây dợ với thôn quê. Sáng dậy muộn, tiếng chim lách chách ngoài vườn đánh thức. Tám giờ, trời vẫn đầy mây xám , song đã hửng”.
                 Hôm nắng nóng –“Đã cuối tháng Ba, khó định mùa nơi xích đạo: -Xuân, theo Bắc bán cầu, hay Thu, theo Nam bán cầu? Sáng nay, gió Tây-Bắc thổi nhiều, có vẻ khô. Gần trưa, chuyển qua gió Tây-Nam. Trời vẩn mây trắng, nắng nhạt. Nắng và gió làm héo cải và đỗ trong  vườn rau của mình. Những cây nảy mầm trên đất này từ những hạt đã được chở bằng máy bay qua các bầu trời Á, Âu, Phi. Tiếng gió lạc xạc trong các tàu lá chuối. Tiếng lục ục trên mái tôn dãn nở vì nóng. Gợi gió Lào. Nhưng trừ vẻ khô hạn, ở đây không có cái oi nồng, cái ngột ngạt, cái khô rang.
                “Trưa nắng đẹp. Nóng. Buổi nắng đẹp nào cũng gợi bâng khuâng. Trời gần như im gió. Không khí rung rinh trong nắng, nhất là trên các mái nhà. Những là sắn non uể oải vẫy...
                “Lên lớp về nhìn thấy trời xanh thật là xanh lần đầu tiên, bốn thàng rồi, màu thiên thanh quen thuộc của xứ sở mình".
            .
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 28.03.2009 09:54:47 bởi Khải Nguyên HT >
            #6
              Khải Nguyên HT 12.03.2009 11:04:40 (permalink)
              9. Bóng dáng người nước ngoài
               
               
               
                     Ở trường trung học Macua trước năm 1989 còn có chuyên gia Pháp và chuyên gia Liên-xô. Họ có trình  độ, làm việc có trách nhiệm. Mấy người Pháp  khi chuyện trò với các  chuyên gia Việt tỏ vẻ miệt thị người bản xứ thái quá; có điều họ không chê việc chung chạ với các cô gái da đen. Các tiện nghi xuống cấp, điện thất thường, ống nước bị xe lăn đường cán vỡ hàng năm không chữa, chuyên gia hai nước kia ngại đến. Người Việt mình được cái quen chịu đựng rồi. Nói vậy, e không được công bằng với những người nước ngoài khác đã đến đất này. Ít ra thì về mặt tháo vát, về mặt khắc phục khó khăn, không hẳn những người quen chịu khổ, quen phải tự xoay xở trong sự thiếu thốn như chúng ta nắm “độc quyền” hoặc ở “thế thượng phong”. Mấy năm trước, sau khi đường ống dẫn nước máy vào khu vực trường  bị vỡ, người ta làm mấy cái máng hứng nước mưa vào các thùng nhựa to cho các chuyên gia ngoại quốc dùng. Tạm đủ nước ăn. Nước tắm giặt phải nhờ đến sông, suối. Mà nước sông suối nghe đồn “có những con gì đó”. Một giáo sư Pháp dạy  sinh vật bèn tự mình đào một cái giếng sâu hơn mười mét, xây thành giếng cao lên chắc chắn, làm ròng rọc treo để kéo nước. Chỉ mình ông ta đánh trần ra làm chẳng gọi  ai giúp. Ngay các chuyên gia bạn, Pháp, Nga, Việt cũng chẳng ngó ngàng đến. Người bản xứ không bắt chước đào thêm giếng. Thật ra, nước giếng chỉ được dùng để rửa vặt, cả rửa rau. Tắm giặt, họ ra sông, suối như thường lệ. Ăn và uống, họ dùng nước ngầm phun lên ở một nơi  xa chừng ba ki-lô-mét (vùng này là đồi thấp). Y thấy được sự năng nổ  kia rõ ràng “trên tài” mình. Điều mà chuyên gia các nước kia khó cam chịu là sự bỏ bê, sự phó mặc trong trách nhiệm  về chất lượng cuộc sống.
                     Một người Pháp khác cũng năng động không  kém, nếu không nói là hơn. Đó là một cha đạo. Ông này giỏi tay thợ, mộc , nề, nguội đều thạo, làm vườn cũng giỏi. Tự ông ta thiết kế một ngôi nhà thờ có kiểu dáng phù hợp với địa phương, tự đến thủ đô cách xa 600km để mua vật liệu chở về, và tự chỉ đạo thi công. Ngoài ý thức về vai trò chăn dắt con chiên, hẳn phải có một  tinh thần và một ý chí đáng nể tự thân và được rèn đúc.
                     Hai người nữa, là hai bà xơ (soeur), một người Ấn, quốc tịch Ấn, một người Pháp, quốc tịch Pháp, họ đến Công-gô làm nhiệm vụ truyền giáo là chính, nhưng rất chịu khó làm thêm, kể cả dạy theo hợp đồng. Hai người đàn bà một  Á, một Âu, cùng hai cô tiểu (petite soeur) người bản xứ, ở trong một toà nhà khá sang giữa một khu vườn đẹp trồng cây ăn quả, trồng rau, có dành riêng nơi nuôi gà, thỏ. Gà vừa bị bọn học sinh trường dạy nghề kề bên sang bắt trộm hết. “Tiếc quá! Không còn trứng để biếu các ông”, bà xơ Ấn đưa xe đến đón mấy ông người Việt về chơi phàn nàn vậy. Các bà tậu một xe tải con, tự lái, để đi làm việc và chuyên chở khi cần thiết. Cả hai bà đều nhận xét người bản xứ không biết làm việc. Y tự hỏi : có phải họ còn nặng đầu óc phân biệt chủng tộc không, và người ngoại quốc đến Việt Nam có những nhận xét tương tự không! Bà xơ Ấn dẫn bọn y đến thăm một nữ  giáo sư toán, người Pháp đã về hưu ở cùng một bà xơ Ấn khác đang trông coi thư  viện. Các bà đang tiếp  các khách Việt Nam thì có hai người bản xứ đến,  chắc là để mượn sách, bà cựu giáo sư nghiêm giọng bảo họ đứng chờ ở ngoài.
                     Các tu sĩ đạo Gia tô, cũng như các tu sĩ bản xứ, gặp bọn y đều tỏ ra cởi mở, mến khách, cư xử đúng mực. Không như một cố đạo người Ba lan ở Găng-bô-ma (Gamboma) nằm giữa đoạn đường Bradavin-Macua, khi đồng nghiệp và đồng hương của y đến thăm đã tỏ ra rất lạnh nhạt. Ông thầy tu này, giảng đạo thì ít mà  buôn bán chui thì nhiều, theo lời dân địa phương.
                     Chuyên gia ngoại quốc có  nhiều tại thủ đô, thuộc nhiều nước và thuộc nhiều ngành. Hầu hết chuyên gia các nước đều đến đây theo chương trình viện trợ vốn và kĩ thuật, Chuyên gia Pháp chiếm “ưu thế”, nhiều khi đóng vai trò cố vấn. Lương tháng của họ lấy từ quĩ chính phủ Pháp viện trợ cho Cônggô, chừng 2500USD. Có người hết hai nhiệm kì, sẵn sàng kí hợp đồng nhiệm kì ba. Có thể đưa vợ con sang. Nếu phải đến nơi thiếu tiện nghi thì sứ quán Pháp  cấp xe hơi, cho điện máy nổ, xây bể nước. Với họ, sang châu Phi đen là “nghĩa vụ” được miễn quân dịch.
                     Sát đằng sau vườn khu nhà bọn y ở là nhà của các chuyên gia Cu-ba. Họ mặc thường  phục, nhưng y đoán là những  chuyên gia quân sự. Thường thì bên ấy vẫn lặng lẽ, đến các ngày: quốc khánh của họ, Tết Dương lịch, Quốc tế lao động,... họ họp mặt đông đảo, ca hát, nhảy múa, bày ra các trò chơi, rồi ăn uống khá thịnh soạn, trông thật vui vầy, ấm cúng. Cũng là dân tha hương, mà phía Việt Nam thật là “tự chủ”, ai biết phận nấy; ngày Tết cổ truyền có họp mặt  ở sứ quán hẳn cũng chỉ là “chẳng nhẽ không!”.
                     Người các nước  đến Cônggô  làm ăn, đông nhất  là người Phi tại các thị xã, thị trấn, có nơi rất xa thủ đô. Thường họ có một cửa hiệu nhỏ. Có cả một người Giamaiich (Jamaique-Trung Mĩ) đi lính cho Pháp, sau khi giải ngũ ở lại đất này lấy vợ và làm công cho cửa hiệu một người Mali. Ở thủ đô, kiều dân nước ngoài đa dạng hơn, tuy lẻ tẻ. Người da trắng thì thường là chủ lớn. Bất ngờ, một  lần vào hiệu thuốc, y thấy một người da trắng đứng sau quầy hàng, ngỡ là chủ, té ra là người làm công. Ông ta cho biết mình là người Pháp quê Pari và đã sống ở Sài Gòn hơn ba mươi năm. Hỏi có biết tiếng Việt không,-nói rất sõi. Một người Pháp chính cống “tha phương cầu thực”. Hàng năm, ông ta về thăm quê vài tuần. Vẫn sống độc thân, lúc ấy đã 53 tuổi.
                     Có một lớp người đặc biệt ở Bradavin, không phải ở nước nào cũng gặp. Đó là những phụ nữ da trắng, chủ yếu là người Nga và người Rumani. Họ theo chồng nguyên là lưu học sinh, thực tập sinh, hoặc nghiên cứu sinh người Cônggô học xong trở về nước. Nhiều người trong số họ, sau khi sang đây, “nửa đường đứt gánh tơ duyên”, mà một trong những lí do là đàn ông ở xứ này được quyền lấy nhiều vợ. Họ ở lại tự kiếm sống, một mình hoặc có con cái. Nghe nói có người còn phải lén làm cái việc tủi nhục.
                     Việt kiều ở Cônggô có hai cặp vợ  chồng và ba người đàn bà, một người lấy chồng Phi, hai người kia lấy chồng Pháp. Bà M. lấy một hàng binh Pháp, người Cônggô, trong cuộc kháng chiến chín năm, theo chồng về nước từ 1964, hiện sống bằng lương hưu của chồng, mỗi tháng chừng 450USD và kiếm thêm  nhờ trồng trọt và bán bia cho học sinh trường kĩ  thuật gần nhà, song vừa bị nhà trường rào mất lối. Bà ta cho y biết có ba con đang học đại học ở Pari, trong đó có hai đứa là con người chồng Việt quá cố, không có giọng điệu khoe như thường thấy ở các bà mẹ, cả các ông bố nữa; chỉ than phiền túng thiếu, ốm đau. Trước khi y về nước, sứ quán gọi hai vợ chồng bà ta lên cho một số đồ đạc  của các chuyên gia Việt bị nhỡ không sang lại được. Đại diện sứ quán đề nghị y chứng kiến và kí chứng thực vào biên bản.  Y thấy những gì tốt nhất đã bị giữ lại nhưng tiếng còi xe đang giục lên đường ra sân bay nên cầm bút kí luôn, chẳng kịp đọc họ viết những gì. Thực ra thì chẳng có gì để nói, đáng nói, trong trường hợp này. Trên xe, y nghĩ tức cười: vị chủ tịch công đoàn cơ quan sứ quán, kiêm lái xe của sứ quán, mỗi khi phê bình chuyện ham hố hay nói : “Đã nằm trên còn rên tức bụng”, chẳng biết trong chuyện này có “rên” không? Nhân  đây, cũng  nên nói lạc dòng một chút. Người ta thường nói  các sứ quán, của bất cứ nước nào,  có ba nhiệm vụ  chính: ngoại  giao, thu thập tin tức tình  báo và giới thiệu đất nước mọi mặt.  Sứ quán ta ở xứ này có vẻ nhàn nhã, bận rộn nhất có lẽ là “quản lí chuyên gia” không phải về mặt chuyên môn (làm sao quản được!). Có chuyện khá kì cục:  người của sứ quán báo cho ngân hàng nước sở tại không cho chuyên gia Việt đổi tiền  địa phương ra ngoại tệ mạnh để buộc họ phải đổi qua sứ quán.  Đổi thẳng, lệ phí là 1%, qua sứ quán thì phải chịu 1,8% (lúc trước còn cao hơn)! Nhiệm vụ thứ nhất dĩ nhiên phải làm theo nghi thức, nếu không thì đặt sứ quán làm gì. Nhiệm vụ thứ hai thì y chẳng thể biết được thực  hiện đến đâu. Riêng nhiệm vụ thứ ba... Chủ nhiệm tờ Ngày Nay , tờ báo của một  nhóm trí thức thủ đô, có lần phàn nàn với y rằng muốn tìm hiểu về Việt Nam, nhất là về văn hoá nói chung và văn học nói riêng, mà không sao có được tài liệu. Y cũng đã có lần hỏi thẳng ông ta rằng sao nước này tổ chức Năm quốc tế kỉ niệm Hồ Chí Minh thì có vẻ sơ sài mà các hình thức kỉ niệm  Đơ Gôn thì phong phú- một đằng đã được UNESCO tôn xưng là “Anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân  văn hoá thế giới ”. Một đằng dù sao cũng chỉ là anh hùng dân tộc của riêng nước Pháp. Ông ta đáp rằng: sứ quán Việt Nam cung cấp rất ít tài liệu về Hồ Chí Minh, còn tài liệu về Đơ Gôn thì sứ quán Pháp đưa ra ê hề. Có thể đó cũng chỉ là một cách phân giải, song tình hình tài liệu thì sự thật đúng như thế.
                     Hai bà Việt  kiều lấy chồng Pháp là những nhà kinh doanh khá lớn. ở Cônggô họ có một số cửa hiệu thuê người quản lí là chính; họ còn có cơ sỏ ở châu Âu nữa. Một trong hai bà  thỉnh thoảng vẫn về Việt Nam  tham gia các công việc từ thiện. Có lần bà ta đã bị kẻ gian rạch túi trên đường phố Hà Nội, song vẫn không “ngán” về. Bà ta có một  cửa hiệu bán tạp phẩm tại một nơi heo hút cực  bắc đất nước Cônggô, cách thủ đô cả ngàn kilômét, cần một quản lí kiêm bán hàng. Phó tiến sĩ V.P đang đợi hồi hương “ứng thí” ngay, được chấp nhận và được  sứ quán Việt Nam cho phép. Anh ta được cấp lộ phí đi máy bay 1000km đến thị xã O. rồi đi ca-nô 40km nữa có người chồng Pháp của bà chủ dẫn đường. Lời giao việc:  “Anh phải ghi sổ từ chiếc kẹo nhỏ. Thiếu 10FCFA anh cũng phải đền”. (10FCFA mua được đúng một chiếc kẹo hạng bét). Í
              t lâu sau, V.P được sứ quán gọi về, lại đúng dịp Tết cổ truyền Việt Nam, bà ta thân làm một bữa ăn chia tay. Vào lúc cởi mở, bà ta hỏi: “Buổi đầu, tôi bảo anh vậy anh có tự ái không?”.Đáp: "Không. Bà tổ chức chu đáo lắm. Tôi chỉ quen cầm bút và cầm phấn, chẳng hiểu chuyện buôn bán mấy nhưng cũng thấy được cách làm ăn khoa học của bà”.  Khó có được lời nói nào “hay” hơn trong các trường hợp tương tự.
                     Cặp vợ chồng S. rời thành phố Hồ Chí Minh vào đầu những năm 80 thế kỷ 20. Họ đến Bradavin mở một hiệu ăn Việt Nam. Rất đông khách vào buổi tối, nhiều người da trắng. Hai vợ chồng đều còn trẻ, chỉ trên dưới ba mươi. Họ có quan hệ tốt với các chuyên gia Việt Nam. Chị vợ thỉnh thoảng đưa biếu một ít đậu phụ. Ở nơi  đất khách cách đất nước hàng vạn kilômét mà được thưởng thức món ăn thân quen này thì quả là quí. Người chồng có hơi xa cách, y nhận biết qua cảm tính. Đúng thật. Hôm y đến, anh ta đang chiên gà cũng sốt sắng đưa nước ngọt ra mời. Nhân câu chuyện gì đó, anh ta lèo vào một câu: “Ở nước ta, ăn cướp của cải người ta thì nói cho đẹp là kiểm tra với kiểm kê”. Chắc hẳn vợ chồng nhà này đã từng là nạn nhân của “kiểm tra tài sản bất minh” hồi nào.
                     Chủ khách sạn L.D. là vợ chồng P.C.P. Ông chồng là tiến sĩ kinh tế Mĩ, từng là bộ trưởng của chính quyền Sài Gòn xưa, và từng là sáng lập viên hãng hàng không dân dụng Việt Nam ở miền nam trước đây. Ông ta là cháu của một luật sư từng  hoạt động cách mạng ở Pháp. Sau năm 1975, hai vợ chồng còn có sáu cơ sở kinh doanh ở Sài Gòn, trong đó có một nhà in tối tân thời đó có thể in được những tạp chí kiẻu như Paris Match (tạp chí in và trình bày vào loại nhất nước Pháp). Họ lưu lại với chính quyền giải phóng nửa năm, sau đó xin hiến lại mọi cơ sở cho nhà nước, và ra đi hợp pháp. “Vợ tôi không hài lòng, -ông P.C.P. kể- nhưng tôi bảo có phải làm lại từ đầu cũng chẳng sao”. Họ sang Mĩ. Ở Pháp, ông chồng có nhiều bạn bè, một giám đốc dưới quyền G.Đetxtanh (G.d’Estaing) hồi còn làm tổng thống là bạn  thân, em tổng thống đương nhiệm Mitơrăng (Mitterand) là cùng hiệp hội... Ở châu Phi, hai vợ chồng  có thế lực tại Cônggô, Sat, Ănggôla.  Họ kinh doanh khách sạn, chất đốt... Khách sạn L.D. của họ ở Công gô làm nơi lưu trú cho các chuyên gia Việt Nam mỗi khi vãng lai, theo giới thạo tin,  là có “móc ngoặc” với các quan chức sở tại. Sứ quán ta giữ ý không muốn dựa vào mối quan hệ đó. Lần nọ, vé máy bay cho các chuyên gia Việt Nam về  nước chậm hàng tháng, trưởng đoàn chuyên gia buộc phải nhờ họ tác động. Hai vợ chồng đến gặp bộ trưởng tài chính. Lúc về, bà vợ bực bội kể: “Nó bắt chúng tôi chờ. Sang Pháp nó chỉ là tép riu, có lần đã phải nhờ nhà tôi giới thiệu với quan chức Pháp cần gặp. Hôm nay, chúng tôi bảo nó: Mấy chuyên gia-đồng bào của chúng tôi nằm chờ quá lâu rồi. Sông Cônggô đẹp thật, nhưng ở nhà vợ con họ đang mong. Xem ra chưa ăn thua đâu, thằng này không tự quyết định được”. Ông chồng có phần ít lời. Một hôm y hỏi: “Anh chị có làm ăn chung với các Việt  kiều  khác không?”. Ông ta trả lời:"Không bao giờ chúng tôi cộng tác với người Việt”(!). Bà vợ thì “xông xáo” cả trong nói năng. Bà ta kể: “Thằng con mười một tuổi của tôi hỏi: Con là người gì hở mẹ?Tôi đáp:-là người Việt Nam. Nó lại hỏi: -Vậy sao không về Việt Nam? Tôi phải nói lảng”. Buồn một nỗi cha mẹ thằng bé chẳng lo dạy tiếng Việt cho con. Có lúc bà ta phân bua mà có hơi trách cứ: “Các anh ở sứ quán chưa hiểu chúng tôi. Nhiều việc chúng tôi muốn góp phần. Buôn bán, kinh doanh thì đâu có lợi là làm, song chẳng phải bao giờ cũng vậy. Chúng tôi cũng xấu hổ vì nước nhà lạc hậu lâu quá. Không so sánh với các nước đàn anh mà so ngay với Thái Lan. Chúng tôi mong con cái sau này sẽ trở về nước chứ”. Bà này chưa hẳn “ở ăn thì nết cũng hay” nhưng rõ ràng “nói điều ràng buộc thì tay cũng già”. Có một chuyện, trưởng đoàn chuyên gia kể lại với y, nghe khôi hài nhưng ngẫm ra đáng buồn (cho”sĩ khí” một anh trí thức!). Một giảng viên trường Đ.H.B.K. tên là Q. (ghi vậy cho tiện gọi, không đúng tên thật –K.N) sang làm chuyên gia khối đại học. Anh ta trọ trong một biệt nhánh của khách sạn L.D.. Hàng ngày, người phục vụ vẫn mang cơm từ bếp ăn chính đến. Hôm ấy làm sao mà cơm có mùi thiu, Q.bèn cho vào trong  một cái hộp bao gói cẩn thận, ngoài đề “gửi quí bà” và bảo người bồi đưa về cho bà chủ. Bà ta đến ngay đặt cái hộp mở trước mặt, một tay bóp bóp những  hạt cơm, đứng nói nhẹ nhàng: “Nhận cái hộp này tôi rất mừng, ngỡ là anh em nào quí tôi cho tôi gói chè, món quà quê nhà. Nào ngờ... Bọn người phục vụ nếu có thiếu sót, các anh chỉ cần bảo tôi một tiếng. Như thế này thì chúng tôi không thể làm vừa lòng các vị, xin để ban phụ trách bố trí cho quí anh nơi khác...”. Q. cứ đực mặt ra nghe rồi sốt sắng giục lấy nước cho bà ta rửa tay. Hai đồng nghiệp cùng trọ bấy giờ cũng đang ở trong phòng khách chung lờ đi như đang bận việc riêng không để ý. Anh ta phải đích thân mang ra chậu nước. Bà chủ–thành-khách rửa tay xong, Q lại sai đích danh Đ., người vẫn tôn anh ta là đàn anh, lấy khăn lau tay. Đ. không nhúc nhích. Anh ta lại phải thân hành làm lấy. Buổi chiều, anh ta đến sứ quán phách lối: “Tôi vừa cho con mẹ ấy một trận”. Câu nói yêng hùng thế nào lại đến tại ”con mẹ”. Q. phải chữa,-một dạng xin lỗi. Ít lâu sau, bên nước điện sang, vợ Q. ốm nặng. Bấy giờ cả đoàn của Q. đang chờ để về nước nhưng chính phủ bạn chưa lo đủ tiền và vé máy bay. Đoàn  trưởng bèn nhờ vợ chồng P.C.P. chạy hộ cho riêng Q. và một người nữa cũng hoàn cảnh tương tự về trước. Người chồng nói: "Nhà tôi nhớ dai lắm đấy”. Trưởng đoàn  cười: ”Chị nhớ dai nhưng không thù dai đâu”. Q. gõ cửa vào  ngồi một xó, mặt cúi ra tuồng thiểu não vì  tình cảnh vợ ở nhà. Trưởng đoàn  nghĩ:” Thảm hại quá”. Việc xong, Q. đến cảm ơn “...tôi thật xấu hổ”. Đến đây , tưởng anh ta cứ lẳng lặng xách vali tếch cho xong chuyện. Dè đâu anh ta còn đến sứ quán khoác lác: “Vì vướng thằng kia, chứ mình tôi thì tôi tự liệu xong lâu rồi”. Điều còn đáng buồn hơn, những người biết chuyện, trong chuyên gia  và trong người của sứ quán, dường như chẳng một ai cảm thấy nóng mặt ngượng lây. Những Việt  kiều “có lòng” chắc cũng mong muốn người trong nước “có tư thế”. Những Việt  kiều y gặp nơi này nơi khác không xa cách như vẫn tưởng, không vương tị hiềm; tuy nhiên có chút gì đó khó gọi tên. Một lần, y nói với bà chủ khách sạn L.D.: "Chúng tôi coi anh chị không chỉ là chủ nhà hàng với khách hàng. Ở nơi đất khách chúng ta nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, thoải mái. Điều này quí biết mấy”. Bà ta nói: “Cảm ơn anh”. Mấy hôm sau, vợ chồng bà mời cơm thân mật y và C., một chuyện chưa có tiền lệ. Đúng là thân mật vì chỉ là cơm thường, song có món nem rán, hay còn gọi nem Sài Gòn, một món không chỉ người Việt xa nước ưa chuộng mà cả nhiều người nước ngoài nữa. Họ đang ăn thì một vụ trưởng thuộc chính phủ bản xứ đến vì việc gì đó. Chủ nhà mời ngồi nhưng vẫn tiếp tục ngồi ăn. Xong bữa, bà chủ dọn lại mâm cơm rồi bảo ông vụ trưởng tới ăn. Ông ta chẳng hề khách khí, ngồi ăn ngon lành. Tất nhiên chẳng  phải ông ta đói ăn, có lẽ ông ta khoái món ăn Việt Nam. Chi tiết này cũng nói lên phần nào vị thế và quan hệ chủ nhà với giới quan chức sở tại. Một số chuyên gia Việt Nam hết hạn hay nhỡ hạn có ý nhờ họ lo việc. Vài trường hợp sẽ được đề cập đến ở mục khác.
               
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 28.03.2009 10:30:19 bởi Khải Nguyên HT >
              #7
                Chuyển nhanh đến:

                Thống kê hiện tại

                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                Kiểu:
                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9