Trách nhiệm của "người đứng trên người"
lyenson 09.03.2009 11:10:13 (permalink)
Trách nhiệm của "người đứng trên người"
Fukuzawa Yuchiki
Trích cuốn Khuyến học
 
[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/21636/91D4F17BDE2246FAB8E5A3E5B91664F0.jpg[/image]  
 


Trong trích đoạn này của cuốn Khuyến học, Fukuzawa đề cập tới trách nhiệm của những "người đứng trên người" - đó là trách nhiệm của trí thức, những người có học vấn, có hiểu biết, điều khiến họ đứng cao hơn người khác - trước vận mệnh của quốc gia. Trí thức phải là người đi tiên phong làm gương khai sáng cho dân tộc, mà phải làm ở khu vực tư nhân, thay vì lao vào nhà nước kiếm bổng lộc cá nhân, rồi trở nên ù lỳ đi.
Cuốn sách này được phát hành với số lượng kỷ lục 3,4 triệu bản ở Nhật, khi dân số nước này có 35 triệu người. Ở Việt Nam, Nhà Xuất Bản Tri Thức mới in có... 2000 cuốn mà chắc bán chưa hết. Đó là một thực tế đáng buồn...


Làm sao để Nhật Bản có nền độc lập thực sự?
Gần đây, những người có học thức thường bàn riêng với nhau về tương  lai của Nhật Bản. Gặng hỏi mãi, người ta mới nói cho tôi hay về những gì họ đương bàn luận. Đành rằng không ai biết trước được tương lai của nước ta sẽ ra sao, và điều này cũng không dễ dàng mà dự đoán được. Liệu sau này Nhật Bản giữ được nền độc lập hay không? Nỗi lo mất nước cứ canh cánh trong lòng chúng ta. Nếu tình trạng như thế này mà cứ kéo dài thì cũng không ai dám chắc là nước Nhật chúng ta có thể trở thành một quốc gia văn minh giàu mạnh. Còn có giữ được độc lập hay không, chắc phải hai ba mươi năm sau mới có được câu trả lời chính xác. Những người ngoại quốc - vốn khinh miệt Nhật Bản - lại càng bán tín bán nghi, họ cho rằng Nhật Bản làm sao mà giữ nổi độc lập.


Không phải vì những lời bàn ra tán vào như vậy mà chúng ta quá bi quan. Nhưng rõ ràng là chẳng ai tin Nhật Bản sẽ giữ vững được sự độc lập trước phương Tây. Không phải bỗng dưng mà chúng ta bàn bạc, lo lắng cho vận mệnh của đất nước, nếu tương lai xán lạn đang chờ đón chúng ta thì chúng ta bàn tán để làm gì.
Nếu có ai hỏi người Anh: "Này, liệu các ông có giữ được độc lập cho nước Anh không?" thì người Anh chắc chắn sẽ cười vào mũi người đó mà không thèm trả lời. Vì có ai dám nghi ngờ nước Anh, nước Anh mà không độc lập thì còn nước nào độc lập?
Bây giờ, hãy nhìn lại nước ta, trình độ văn minh của chúng ta ra sao? Cho dù đã có tiến bộ nhưng vẫn chưa hết sự hoài nghi. Bản thân tôi, với tư cách là người Nhật Bản, cũng cảm thấy không được an tâm về sự tiến bộ này.
Chúng ta là người Nhật, sinh ra và lớn lên ở đây. Đã vậy, mỗi người đều phải tự giác và nỗ lực đối với bổn phận của mình. Điều hành đất nước đương nhiên là công việc của chính phủ. Nhưng có nhiều lĩnh vực trong dân sinh, chính phủ không thể biết và can thiệp hết được. Vì thế, để duy trì nền độc lập của đất nước, thì chúng ta - những người dân - phải làm trọn nghĩa vụ của mình, nghĩa vụ của công dân trong một nước, và chính phủ phải làm trọn trách nhiệm của mình, trách nhiệm của người điều hành đất nước. Quốc dân chúng ta phải hợp tác với chính phủ thì mới mong thành công trong việc phát triển quốc gia một cách toàn diện, đồng bộ.
Lực có cân bằng thì mới duy trì được mọi vật. Điều đó cũng giống như duy trì cơ thể con người. Để giữ cho cơ thể khoẻ mạnh thì mọi thứ như ăn uống, không khí, ánh sáng đều phải đầy đủ. Có như vậy cơ thể mới tự đề kháng, tự điều chỉnh trước mọi tác động đến từ bên ngoài như khi nóng, khi lạnh, lúc đau, lúc ngứa. Còn nếu không bị kích thích, không quen thích ứng với môi trường, chỉ trông cậy vào sức sống vốn có ở cơ thể thì con người không thể duy trì sức khoẻ. Duy trì một đất nước cũng giống như duy trì sức khoẻ của con người.
Nói tới chính trị là nói tới hoạt động của quốc gia. Để giữ vững nền độc lập, để vận hành quốc gia trơn tru, thì cần phải có đủ và cân bằng cả hai yếu tố "trong" và "ngoài". "Trong" ở đây là khả năng điều hành đất nước (làm chính trị) của chính phủ và "ngoài" ở đây tôi muốn nói tới sức dân. Cứ tạm coi chính phủ là "sức sống vốn có" của quốc gia và sức dân là "môi trường kích thích từ bên ngoài". Không có sự kích thích tức không có sức dân mà chỉ trông cậy vào chính phủ thì độc lập dân tộc không thể duy trì dù chỉ một ngày.

Cái gì đẻ ra "khí chất nhu nhược" của người Nhật Bản?
Hiện nay, có nhiều người đưa ra lý lẽ: "Lãnh đạo cái lũ dân ngu này phải có kế sách mới được. Chính phủ định làm việc gì cứ thế mà làm, không cần thông báo, giải thích hay chờ đợi gì cả. Còn khi nào dân chúng có tri thức, đạo đức thì đưa họ đến với văn minh cũng chưa muộn." Nhưng theo tôi, nếu thực hiện theo cách nói trên thì sẽ thất bại ngay từ đầu. Vì sao vậy?
Đã bao năm, nhân dân phải chịu nhiều khổ đau dưới chế độ chính trị chuyên quyền. Điều nghĩ trong lòng không dám nói ra miệng, hay sẵn sàng nói láo miễn sao khỏi mang vạ vào thân, lừa đảo cũng được cho qua. Gian dối, nguỵ tạo trở thành cách sống. Không thành thật trở thành thói quen hàng ngày. Làm sai không dám nhận, lại còn tìm cách đổ lỗi cho người khác. Không còn ai biết hổ thẹn, biết tức giận, chỉ biết suy bì tị nạnh, ghen ăn tức ở. Còn việc nước, việc quốc gia là việc "chùa", hơi đâu mà lo nghĩ.


Chính phủ đã dùng nhiều biện pháp nhằm thay đổi những tập quán xấu nói trên, lúc khuyên nhủ, khi răn đe, đôi khi dùng cả quyền lực cưỡng chế dân chúng... Nhưng các biện pháp hầu như đều phản tác dụng, dường như chỉ càng làm cho người dân thêm mất lòng tin nơi chính phủ. Trên xa lánh dưới, dưới chẳng muốn gần trên. Theo thời gian cái sự xa lánh ấy tạo ra cho mỗi tầng lớp trong xã hội một khí chất khác nhau. Và người ta gọi chúng là "khí chất Võ sĩ", "khí chất Thị dân". Khí chất này, nếu chỉ nhìn vào từng cá nhân hay chỉ nhìn phiến diện thì khó thấy. Nhưng nếu nhìn vào tổng hợp các hiện tượng xã hội thì chúng ta sẽ hiểu rõ thực trạng của nó.
Phải công nhận là trong các quan chức chính phủ hiện nay có rất nhiều người tốt, có tấm lòng nhân hậu. Bản thân tôi, khi nhìn vào các quan chức đó cũng phải thừa nhận họ không có điểm gì đáng phàn nàn cả, ngược lại ở họ có nhiều điểm rất đáng học hỏi. Nhưng khi họ tập hợp trong chính phủ thì không hiểu sao công việc cứ rối như tơ vò. Chính phủ đã vậy, còn dân chúng thì sao? Trong nhân dân, có không ít người trung thực, chính trực. Nhưng không hiểu sao, mỗi khi quan hệ với chính quyền thì nhân cách lại thay đổi, trở nên dối trá, nguỵ biện, trơ tráo, lừa dối cả chính quyền. Quan chức và dân chúng trong một nước mà cứ như là hai cái đầu trên một cái cổ vậy.
Trên cương vị cá nhân thì người nào cũng tỏ ra thông thái. Nhưng hễ trở thành quan chức chính quyền thì sự thông thái thường thấy lại biến đi đâu mất. Khi đứng một mình thì ai nói cũng hay cả. Nhưng khi tập hợp nhau trong một tập thể thì cái cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược thường xuyên xảy ra.
Tôi buộc phải nói rằng chính phủ Nhật Bản hiện nay là một tổ chức của nhiều người có tri thức, tập hợp nhau lại để làm một việc hồ đồ. Có lẽ họ đã không thể phát huy được cá tính vì bị trói buộc bởi nếp nghĩ theo kiểu "chủ nghĩa bình yên vô sự".
Chính sách của chính phủ không hiệu quả cũng do vậy. Bằng một số kế sách như dùng những lời lẽ hoa mỹ mị dân, dùng quyền lực, áp đặt văn minh... chính phủ có thể giật dây được dân chúng. Nhưng như thế cũng chỉ là nhất thời mà thôi. Chính phủ trị dân bằng uy quyền thì dân sẽ đáp lại bằng sự giả vờ chấp hành. Chính phủ lừa dối dân thì dân cũng sẽ tạo ra vỏ bọc hữu hiệu. Mà cứ như vậy thì không thể chỉ dựa vào quyền lực để thúc đẩy văn minh xã hội.

ĐÁNG BUỒN LÀ NƯỚC TA CHỈ CÓ NGƯỜI NHẬT MÀ KHÔNG CÓ QUỐC DÂN NHẬT
Vậy phải làm cách nào để khai hoá văn minh tại nước ta? trước hết phải quét sạch "cái khí chất" đã thấm sâu trong lòng người. Dùng biện pháp hành chính mệnh lệnh của chính phủ cũng khó. Thuyết giảng cho từng người chắc chắn sẽ thất bại. Cần phải có những người gây dựng được sự nghiệp mà mọi người dân đều tự giác tham gia, phải đặt ra mục tiêu rõ ràng để nhân dân tin cậy.

Thế thì ai sẽ là người làm được việc này? Trong giới Nông, Thương rõ ràng chẳng có ai. Trong giới học giả Quốc học hoặc Nho học cũng không thấy gương mặt nào. Xem ra chỉ có những người trong nhóm Tây học là có thể gánh vác được nhiệm vụ đó. Gần đây, những nhà Tây học tăng lên đáng kể. Họ đọc sách dịch, nghiên cứu văn minh châu Âu. Tuy vậy, không phải ai trong số họ cũng đều hiểu được cặn kẽ về văn minh phương Tây. Ngược lại có nhiều người hiểu được, lý giải được, cắt nghĩa được nhưng lại không sao biến chúng thành hiện thực. Họ nói được nhưng không làm được điều mình nói.

Hiện nay, thực tế cho thấy hầu hết các nhà Tây học xã hội ta đều chỉ mơ đến một chức vụ cao trong chính phủ, họ không màng làm trong khu vực tư nhân. Nhận thức của họ chẳng khác là bao so với các nhà Nho học trước đây, học để ra làm quan. Bụng dạ hủ nho đội lốt Tây Âu, đúng y như câu nói của người xưa: "Bình mới rượu cũ". Đương nhiên, trong số các nhà Tây học đang làm quan chức chính phủ, không phải tất cả đều háo danh, tham lam bổng lộc. Suy cho cùng, nó là kết quả của quan niệm giáo dục cố hữu ở nước ta: "Làm quan là cách tiến thân tốt nhất trong mọi cách tiến thân". Trong suốt hàng ngàn năm qua, quan niệm đó đã thấm sâu vào máu thịt, đã thành nếp trong suy nghĩ của con người. Chính vì thế mà từ đời này qua đời khác, người ta chỉ học để làm quan chứ có ai muốn học để làm dân đâu. Làm quan đã trở thành cái đích trong cuộc đời. Ngay cả các bậc tiên sinh danh giá cũng không thoát khỏi ảnh hưởng đó. Tuy nhiên, xu hướng "làm quan" cũng là điều dễ hiểu vì khí chất xã hội đã khiến người ta phải như vậy. Cứ thế, trào lưu "quyền lực là chìa khoá vạn năng" nhiễm sâu vào lòng người. Nên dân ta ai cũng chỉ muốn làm công sở chính quyền, rồi tìm cách leo lên hàng quan chức chính phủ để có quyền hành và bổng lộc. Thí dụ: gần đây trên các tờ báo, hiếm thấy bào viết nào có ý kiến ngược lại với ý kiến chính phủ. Lâu lâu chính phủ đưa ra được một vài chính sách cải cách nho nhỏ, tức thì những bài viết tán dương tâng bốc chính phủ xuất hiện đầy rẫy trên mặt báo. Những bài viết như vậy có khác nào thái độ phỉnh nịnh khéo léo của các cô gái làng chơi để lấy lòng khách mua hoa đâu. Tệ hại hơn nữa, những người viết bài đó lại chính là những thành viên trong nhóm Tây học. Thật khó có thể chấp nhận. Họ đâu có phải là "gái làng chơi" và lại càng không phải là những kẻ tâm thần hay thiếu hiểu biết.            
Thái độ xu nịnh và suy nghĩ cơ hội đang đầy rẫy trong xã hội Nhật Bản như hiện nay là do đâu? Vì chưa có một minh chứng thực tế nào chứng tỏ có tự do dân quyền trong xã hội, vì người Nhật Bản đã nhiễm quá nặng bản chất tính nhu nhược, không còn nhìn ra bản sắc vốn có của mình.
Tóm lại, hiện nay Nhật Bản có chính phủ, có cả dân. Nhưng có lẽ chúng ta mới chỉ có dân mà chưa có "quốc dân Nhật Bản". Điều này có nghĩa là để thay đổi được khí chất trong dân, để tiến hành mở mang văn minh thành công thì các nhà Tây học hiện nay cũng chẳng giúp ích được gì.

Những thứ không có ích chắc chắn sẽ có hại
Luận thuyết nêu trên nếu đúng, thì việc khai hoá văn minh ở nước ta để bảo toàn độc lập cho đất nước, không phải chỉ có chính phủ mới làm được. Và cũng không thể trông chờ vào các nhà Tây học. Nếu vậy thì trông cậy vào ai? Còn ai khác vào đây nếu đó không phải là nhóm Fukuzawa chúng ta. Tôi và các đồng chí chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ này. Tự chúng ta sẽ phải đi tiên phong trong nhân dân, gây dựng sự nghiệp khai hoá văn minh, đối đầu trực diện với thách thức, mở ra triển vọng cho Nhật Bản.


Có thể nói thẳng, tôi và các đồng chí thuộc tầng lớp trung lưu, học thức của tôi và các đồng chí tuy còn nông cạn, nhưng chúng ta tìm hiểu nghiên cứu Âu - Mỹ cũng đã lâu. Mọi tầng lớp xã hội cũng đã thừa nhận và gọi chúng ta là những nhà cải cách, vì những năm qua chúng ta khi ra mặt nào trong các cuộc cải cách xã hội, khi âm thầm lẳng lặng giúp đỡ cải cách. Chúng ta có thể tự hào vì nhân dân đã nhìn nhận sự nghiệp khai phá văn minh mà chúng ta đang theo đuổi như sự nghiệp của mình. Và đã như vậy thì người lãnh đạo nhiệm vụ đi đầu trong nhân dân, triển khai sự nghiệp ấy không ai khác, đó chính là chúng ta.
Khai hoá văn minh bắt đầu từ việc tự mình bắt tay vào làm và chứng minh bằng thực tế cụ thể, cho mọi người tận mắt thấy việc thực. Làm trước nói sau. Chứ không thể để như tình trạng nước ta hiện nay, hễ định làm cái gì cứ phải họp bàn, giải thích, thảo luận dài dòng vô bổ. Chính phủ có quyền ban bố chỉ thị, mệnh lệnh. Nhưng hiểu và biến chúng thành hiện thực phải là nhân dân, là khu vực tư nhân. Chính vì thế, song song với sự nghiệp khai sáng cho dân chúng bằng cách giảng dạy học thuật, làm thương nghiệp, nghiên cứu luật pháp, xuất bản sách, phát hành báo, với tư cách của một người thuộc khu vực tư nhân, không nằm trong chính phủ. Chúng ta làm việc này trong phạm vi, bổn phận của một quốc dân làm theo pháp luật, không sợ làm mất mặt chính phủ. Nếu chính phủ đi ngược lại lợi ích của nhân dân, với bổn phận của mình, chúng ta sẽ đường đường chính chính kháng nghị, tranh luận với chính phủ cho đến khi chính phủ tỉnh ngộ, giành lại cho dân "Tự do dân quyền".
Trên đây chính là nhiệm vụ cấp bách của chúng ta.

Sự nghiệp khai hoá văn minh rất đa dạng, những người tham gia vào công cuộc này nằm trong những lĩnh vực, những chuyên môn khác nhau. Có nhiều việc chúng ta chưa thể gánh vác được vì trong nhóm chúng ta còn quá ít các học giả. Nhưng mục đích của chúng ta là ở chỗ: truyền đạt cho mọi người dân biết con đường văn minh mà chúng ta nhằm tới, đó là con đường văn minh do người dân thực hiện, chứ không phải để khoe khoang mình làm hay, làm tốt hơn chính phủ. Điều tâm niệm hàng đầu của chúng ta đó là: một minh chứng bằng thực tế nhất định hơn hẳn cả trăm thứ lý thuyết.
Khai hoá văn minh cho con người không thể là sự nghiệp độc quyền của chính phủ. Học giả trước sau cũng là học giả, phải ở trong khu vực tư nhân để nghiên cứu. Thị dân trước sau cũng là thị dân, phải ở trong khu vực tư nhân để sản xuất, buôn bán làm ăn. Chính phủ là chính phủ của Nhật Bản thì nhân dân cũng là nhân dân của Nhật Bản. Nếu như vậy thì nhân dân phải tiếp cận chính phủ, thân thiết với chính phủ, không phải sợ chính phủ, hay nghi ngờ chính phủ. Làm cho dân hiểu rõ điều này là nhiệm vụ cấp bách của chúng ta.
Có như vậy, cái khí chất nhu nhược cố hữu mới biến khỏi nhân dân. và khi đó người dân mới thực sự là quốc dân Nhật Bản chân chính. Quốc dân là liều thuốc kích thích chính phủ. Học thuật, kinh tế, luật pháp cũng hoàn thiện. Quyền lực chính phủ và sức dân có cân bằng, chúng ta mới duy trì được độc lập trước phương Tây.
Tóm lại, tôi đã đề cập đến vấn đề: Trước áp lực của phương Tây, để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, vị trí của các trí thức Nhật Bản là ở chỗ nào? Ở trong chính phủ trở thành quan chức, nỗ lực làm việc thì tốt hơn hay nằm ngoài chính phủ làm trong khu vực tư nhân thì tốt hơn. Và tôi cũng đưa ra kết luận: ở ngoài chính phủ thì hơn.


Nguồn: http://danluan.org/node/520
<bài viết được chỉnh sửa lúc 09.03.2009 11:13:32 bởi lyenson >
Attached Image(s)
#1
    lyenson 08.04.2009 10:22:55 (permalink)
    Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về gia đình và lịch sử văn minh
    Giáo sư Toshiko Nakamura,
    Trường Đại Học Hokkai-Gakuen, Nhật Bản

    Tqvn2004 chuyển ngữ
    docstoc.com

    1. Bối cảnh lịch sử

    Fukuzawa Yukichi (1835-1901) là một trong những nhân vật vĩ đại nhất Nhật Bản. Ông thường được coi là người đã toàn tâm toàn ý "phương Tây hóa" Nhật Bản trên hầu hết các khía cạnh của xã hội, trong đó bao gồm vấn đề phụ nữ và gia đình. Nhưng lập luận của ông về phụ nữ và gia đình rất phong phú, và liên quan tới tư tưởng của ông về con người và xã hội văn minh. Trong bài luận này, tôi sẽ phân tích lý thuyết của ông về lịch sử văn minh, và về suy nghĩ của Fukuzawa về con người và xã hội, cũng như mối liên hệ của nó tới tư tưởng của ông về gia đình và phụ nữ.



    Các thành viên của đoàn Đại Sứ Nhật tới Hoa Kỳ năm 1860.
     Fukuzawa Yukichi ngồi bên phải (Nguồn: Wikipedia)
     
    Fukuzawa sinh năm 1835, khi chính quyền Tokugawa đang nắm quyền ở Nhật Bản. Thời kỳ Tokugawa kéo dài từ 1603 tới 1868, và đây là một hệ thống phong kiến. Nhật Bản bị chia cắt thành nhiều lãnh địa nhỏ, được cai quản bởi các lãnh chúa Samurai. Trên cao nhất, là Tướng quân (Shogun), người lãnh đạo các Samurai. Quan hệ xã hội khi đó dựa trên sự phân cấp. Samurai đứng hàng đầu, kế đến là nông dân, thợ thủ công và lái buôn. Chính quyền Tokugawa sử dụng Khổng Giáo như một ý thức hệ chính thức bởi tư tưởng này thích hợp để biện hộ cho sự phân cấp của xã hội.

    Gia đình Fukuzawa thuộc về tầng lớp samurai thấp kém. Bố của ông mất khi ông mới 3 tuổi. Gia đình của một samurai thường bắt đầu học sách vở Trung Hoa cổ (bao gồm các tác phẩm của Khổng Tử) từ 7 tuổi, nhưng ông không được đi học cho tới năm 14 tuổi. Tuy nhiên, Fukuzawa đặc biệt thích các cuốn sách lịch sử, và nắm chúng rất vững. Và chúng ta sẽ được thấy ảnh hưởng của Khổng Giáo trong giai đoạn sau này cuộc đời ông.


    Chính quyền Tokugawa quyết định theo đuổi chính sách đóng cửa đất nước từ giữa thế kỷ 17, và giữ chính sách này suốt 200 năm. Nhưng vào năm 1853, thiếu tướng hải quân Perry với đội tàu Mỹ đã tới Nhật Bản và ép quốc gia này phải mở cửa. Chính quyền Tokugawa trở nên hoảng loạn, và hệ thống đẳng cấp xã hội bị chấn động. Rất nhiều người thuộc tầng lớp samurai đã bắt đầu nghĩ tới việc thay đổi Nhật Bản. Fukuzawa là một trong số đó. Một số người cho rằng sẽ tốt đẹp hơn nếu Nhật Bản quay lại với cách thức của thời xưa, còn một số khác cho rằng sẽ tốt hơn nếu Nhật Bản được hiện đại hóa như các quốc gia phương Tây. Fukuzawa căm ghét hệ thống xã hội phân cấp và Khổng Giáo - ý thức hệ mà chính quyền Tokugawa sử dụng. Do đó ông bắt đầu học tiếng Hà Lan, bởi vì đó là thời điểm mà Hà Lan là nước phương Tây duy nhất được phép giao dịch với Nhật, trong khi tiếng Anh đang trở nên phổ biến sau khi Nhật Bản mở cửa. Ông đã đi sang Mỹ hai lần, và Châu Âu một lần như thành viên của một đoàn [ngoại giao] thuộc chính quyền Tokugawa, và mang về rất nhiều sách phương Tây, các cuốn sách mà ông sau này dịch sang tiếng Nhật.


    Hỗn loạn trong chính trường Nhật Bản kết thúc khi thay đổi thể chế diễn ra năm 1868. Tướng Quân trao trả quyền lực lại cho Hoàng Đế, do đó thời kỳ này gọi là "Khôi phục Minh Trị" (Meiji restoration). Và như thế Fukuzawa sống giữa hai xã hội khác biệt nhau. Nửa đầu là phong kiến, nửa sau là bán hiển đại. Sau thời kỳ Khôi phục Minh Trị, ông đã nỗ lực biến Nhật Bản thành một quốc gia tự do và dân chủ. Hầu hết các lãnh đạo của tầng lớp samurai trở thành Bộ trưởng hay Quan chức của chính quyền Minh Trị, nhưng Fukuzawa quyết định giữ tư cách độc lập và gắng hết sức hiện đại hóa Nhật Bản. Ông thành lập một trường đại học, một nhà xuất bản, một tờ báo, và giúp mở một công ty bảo hiểm, và ông dạy mọi người về các hoạt động thương mại và chính trị ở các quốc gia phương Tây và cố gắng thực hiện các hoạt động này ngay ở Nhật Bản.

    Fukuzawa đã có ảnh hưởng rất lớn trên mọi lĩnh vực xã hội ở Nhật Bản. Ông cũng viết rất nhiều về quyền phụ nữ, và quan hệ gia đình. Những tư tưởng của ông về gia đình và phụ nữ liên quan chặt chẽ tới lập luận của ông về lịch sử văn minh, do đó tôi sẽ bắt đầu với suy nghĩ của Fukuzawa về lịch sử văn minh.

     
    (còn tiếp)
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 08.04.2009 10:24:43 bởi lyenson >
    #2
      lyenson 08.04.2009 13:02:56 (permalink)
      2. Tư tưởng Fukuzawa về văn minh

      Lịch sử của nền văn minh

      Mặc dù Fukuzawa viết rất nhiều bài viết trong cuộc đời mình, nhưng cuốn sách quan trọng nhất trong đó chính là 'Văn minh luận chi khái lược' (An Outline of a Theory of Civilization). Năm 1874, ông quyết định dừng việc dịch sách phương Tây và tập trung nghiên cứu lý thuyết về văn minh. Ông đọc các cuốn sách của học giả phương Tây như Guizot, Buckle và J. S. Mill và viết một vài dàn bài và bản nháp. Ông thảo luận với bạn hữu và sinh viên về chúng trước khi xuất bản cuốn sách năm 1875. Như thế, chúng ta có thể thấy ông đã bỏ nhiều nỗ lực vào cuốn sách này.
      Trong cuốn Khái lược này, ông viết về lịch sử của nền văn minh, nói về các bước mà xã hội loài người đã trải qua để phát triển. Ông chia lịch sử ra làm 3 giai đoạn: 'man rợ', 'bán văn minh' và 'văn minh'. Mỗi xã hội đều phải đi theo con đường này cho tới khi họ đạt tới giai đoạn cuối của văn minh. Chắc chắn là ông đã lĩnh hội tư tưởng này từ các cuốn sách phương Tây mà ông đã được đọc.


      Thế Fukuzawa nghĩ những yếu tố nào thúc đẩy tiến trình phát triển văn minh diễn ra? Ông nghĩ rằng có hai yếu tố: Thứ nhất là sự tiến bộ của 'tri thức' (intellectual ability hay 'chi') và 'đạo đức' (virtue hay 'toku') của con người, tới mức mà anh ta có được vật chất đầy đủ trong cuộc sống và có phẩm cách (dignity) như một con người. Thứ hai là sự tiến bộ trong các 'mối quan hệ xã hội loài người (human social relations hay 'jinnkan-kousai’). Hai yếu tố này phối hợp với nhau thúc đẩy xã hội tiến về trạng thái cuối cùng của văn minh. Tại sao lại như thế được? Ông giải thích như sau:
      Trong giai đoạn 'man rợ', con người không có đủ 'tri thức' để hiểu các định luật của thiên nhiên. Và họ không biết cách đối phó với môi trường và kiểm soát nó. Khi họ gặp phải một tai ương tự nhiên hay một điều tốt nào đó, họ có xu hướng cho rằng nguyên nhân phía sau là do Thần (kami) Thiện hoặc Ác tạo ra. Cũng như thế với mối quan hệ xã hội của họ. Trong giai đoạn văn minh này, chắc chắn sẽ xảy ra sự cai trị mang tính đàn áp / đè nén trong xã hội. Nhưng vì con người không đủ 'tri thức' để hiểu lý do và nguồn gốc của sự cai trị mang tính đàn áp đó, do đó họ sẽ sợ hãi sự đàn áp và đè nén, coi chúng giống như những tai ương tự nhiên. Họ không có đủ 'tri thức' để hiểu và phản đối sự đè nén. Mọi thứ được quyết định bởi luật lệ do người cai trị đặt ra. Và người cai trị đặt ra luôn cả các giá trị đạo đức của xã hội. Mọi người buộc phải tuân theo các giá trị đạo đức mang tính ý thức hệ được đặt ra bởi người cai trị.


      Tiến trình văn minh bắt đầu khi 'tri thức' của con người bắt đầu phát triển trước tiên. Lúc đó, con người sẽ 'nghi ngờ' tất cả mọi thứ xung quanh anh ta. Anh ta muốn biết lý do, hay nguyên nhân, gây ra các tai ương thiên nhiên, và tìm cách tránh chúng. Và như thế anh ta bắt đầu kiểm soát được tự nhiên với 'tri thức' của mình.

      Tiếp theo là gì? Anh ta sẽ bắt đầu nghi ngờ và suy nghĩ về tình hình của chính bản thân mình. Anh ta nghi ngờ những lời giảng dạy của ý thức hệ Khổng Giáo, và vào các câu chuyện về lòng trung thành của Samurai - những thứ đã từng định hướng cho anh ta phải hành xử ra sao. Anh ta bắt đầu suy nghĩ bằng trí óc riêng của mình, rằng mình cần phải trở thành con người ra sao. Và như thế, anh ta 'đã dành được tự do suy nghĩ [hay tự do tinh thần], vậy tại sao không tìm cách dành tự do thân thể'? Nói cách khác, anh ta đã kiểm soát được bản thân mình, và trở nên độc lập. Anh ta TỰ quyết định rằng mình muốn trở thành loại người gì, và mình cần phải làm gì, và làm như thế nào. Các giá trị đạo đức giờ đây được quyết định bởi chính cá nhân, từ trong suy nghĩ của anh ta, chứ không phải bởi mệnh lệnh của người cai trị bên ngoài anh ta. Fukuzawa nghĩ rằng nếu con người dành được quyền tự quyết, và có các giá trị đạo đức riêng của mình, thì con người đó được gọi là 'hiểu đức' (virtuous). Fukuzawa gọi hệ thống giá trị đạo đức do con người tự quyết định đó là 'đạo đức tư' (private virtue), bởi nó liên quan tới chính cá nhân con người đó. Ông nghĩ rằng việc phát triển 'đạo đức tư' là điều quan trọng, bởi khi con người độc lập, anh ta không được dựa vào bất cứ ai, ngoài chính bản thân anh ta, đặc biệt trong việc quyết định xem anh ta nên là con người như thế nào.


      Con người giờ đây không còn bị ràng buộc bởi các giá trị đạo đức cổ hủ nữa. Anh thể làm những việc, mà nếu xét theo các giá trị đạo đức cũ do kẻ cai trị đặt ra, thì bị coi là sai lầm. Ví dụ như phản đối những sai trái của kẻ cầm quyền, điều mà trước đây bị coi là bất Trung.

      Khi con người đã độc lập và dành quyền tự quyết, thì anh ta bắt đầu nghĩ về mối quan hệ xã hội của mình. Bây giờ anh ta đã có thể dùng 'tri thức' của mình và biết mình muốn trở thành con người thế nào. Do vậy, anh ta suy nghĩ và quyết định bằng lập luận riêng của mình, rằng anh ta phải làm gì, và ứng xử như thế nào với những người khác. Anh biết cái gì là sai và cái gì là đúng khi đối xử với người khác [vì sao anh ta biết chắc cái gì đúng, cái gì sai? Là vì anh bây giờ đã có 'tri thức']. Và như thế, anh ta trở nên 'hiểu đức' (virtuous) trong quan hệ xã hội. Fukuzawa gọi loại đạo đức này là 'đạo đức công' (public virtue). Nếu con người trở nên 'hiền đức' và hành xử theo 'tri thức', thì mối quan hệ xã hội xung quanh anh ta sẽ phát triển. Đó là yếu tố thứ hai của sự phát triển của nền văn minh.
      Khi con người ngày càng có 'tri thức' và trở nên đủ năng lực quyết định các giá trị đạo đức của riêng mình - không phải qua ý thức hệ áp đặt bên ngoài, mà từ suy luận bên trong, thì anh ta sẽ càng hành xử 'hiểu đức' với người bên ngoài. Tiến trình này sẽ làm các mối quan hệ xã hội xung quanh con người tiến bộ.
      Fukuzawa tưởng tượng rằng các mối quan hệ xã hội của con người có thể được vẽ như những vòng tròn đồng tâm. Vòng tròn đầu tiên của quan hệ xã hội là gia đình, và nó phải được cải thiện trước hết. Kế tiếp là vòng trong chỉ mối quan hệ trong một quốc gia. Con người trải qua tiến trình này từng bước một, và văn minh phát triển cho tới khi nó đặt tới trạng thái cao nhất của nền văn minh, khi mà ai ai cũng thông thái như Newton và hiểu đức như Khổng Tử. Cả thế giới sẽ sống trong hòa bình và cùng tồn tại như một gia đình. Sẽ không còn có tranh chấp và cướp giật, và con người không còn cần phải khóa cửa và viết ra những văn bản hợp đồng để làm bằng chứng với nhau. Fukuzawa gọi đó là 'thế giới hòa bình của văn minh' (the peaceful world of civilization - 'bunmei-no-taihei’). Nhưng ông biết thế giới đó chỉ có thể thành hiện thực vài ngằn năm nữa trong tương lai.

      Khung tư tưởng Khổng Tử về văn minh và xã hội

      Như tôi đã đề cập trước đây, Fukuzawa đọc rất nhiều sách phương Tây và học lý thuyết về lịch sử của nền văn minh từ đó. Chúng ta có thể thấy sự ảnh hưởng của các cuốn sách này trong lập luận của ông về tiến trình lịch sử của nền văn minh. Chúng ta cũng biết rằng ông đã nỗ lực rất nhiều để hiện đại hóa Nhật Bản. Và thế là chúng ta có xu hướng cho rằng Fukuzawa cố gắng bắt chước văn minh phương Tây mà bỏ qua các tư tưởng cũ. Nhưng, nếu chúng ta đọc lập luận của ông một cách cẩn thận, chúng ta sẽ thấy ông không chỉ hấp thụ tư tưởng của các học giả phương Tây, mà còn cố gắng điều chỉnh nó theo khung tư tưởng riêng của mình về con người và xã hội. Ông học sách Hán cổ khi ông còn trẻ và đặc biệt thích thú với các cuốn sách cổ về lịch sử. Ông đọc chúng nhiều lần và nắm rất vững chúng. Mặc dù ông tấn công ý thức hệ Khổng Giáo của hệ thống phong kiến Tokugawa trong các bài viết của mình, nhưng đó chỉ là [tấn công vào] chức năng ý thức hệ của Khổng giáo. Khung tư tưởng cơ bản của ông vẫn là Khổng Giáo. Ông hiểu lý thuyết của phương Tây về lịch sử phát triển văn minh thông qua khung tư tưởng Khổng Giáo, và cho rằng chúng tương thích và phù hợp với nhau.

      Điều này có thể được nhận thấy dễ dàng khi chúng ta quan sát tư tưởng của Fukuzawa về 'con người'. Chúng ta thấy rằng Fukuzawa khẳng định rằng con người phải có tinh thần độc lập và tự quyết để phát triển nền văn minh. Điều này có nghĩa là con người phải phát triển được 'tri thức' và 'đạo đức' của mình và trở thành độc lập. Chúng ta có thể tìm thấy tư tưởng tương tự về con người và xã hội trong các sách vở phương Tây. Tuy nhiên, ông đã luôn gọi con người là 'linh ư vạn vật' (tinh khôn hơn vạn vật - 'banbutsu-no-rei'), vốn là ý tưởng của Khổng Giáo về con người. Trong triết lý Khổng giáo Hiện Đại, con người có bản chất chân thật (tính bản thiện?), và nó sẽ bộc lộ ra khi con người luyện tập để trở thành một người "hiểu đức". Fukuzawa cũng nghĩ rằng con người mang 'trái tim nhân hậu' trong lòng, và nó sẽ chỉ nổi lên bề mặt thông qua con đường duy nhất là nỗ lực phát triển 'trí tuệ' và 'đạo đức' của con người. (Đây là nền tảng tư tưởng của cuốn sách nổi tiếng mang tên "Khuyến học" của ông).

      Mục tiêu của Fukuzawa không phải là trở thành 'tốt' và 'đạo đức' theo tư tưởng Khổng Giáo, mà là trở thành một con người 'độc lập và tự trọng' (dokuritsu-jison). Tư tưởng này dường như trùng khít với tư tưởng con người độc lập của phương Tây. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm thấy một đoạn tương tự nằm trong sách vở Khổng Giáo trong thời Tokugawa. Vì thế, có lẽ đó không phải là ý tưởng do Fukuzawa nghĩ ra, mà có lẽ ông thừa hưởng từ những tư tưởng tương tự của các học giả Khổng Giáo thời Tokugawa. Fukuzawa trông đợi những người thuộc tầng lớp samurai trở thành hàng ngũ tiên phong dẫn dắt quá trình văn minh hóa ở Nhật Bản, và ông tin rằng họ có khả năng đảm nhận trọng trách này.


      "Tu thân, tề gia, trị thiên hạ" là nét tương đồng giữa tư tưởng Fukuzawa và Khổng Tử.
       
      Fukuzawa cũng viết rằng nếu con người trở nên có 'tri thức' và 'hiểu đức', nghĩa là 'linh ư vạn vật', thì các mối quan hệ xung quanh anh ta sẽ được cải thiện. Ông nghĩ rằng quá trình cải thiện sẽ đi từ vòng tròn bên trong ra vòng tròn bên ngoài bao quanh mỗi cá nhân. Và như thế, từ gia đình tới quốc gia, và cuối cùng là ra toàn thế giới. Ông viết rất nhiều lần rằng chỉ 'sau khi con người trở nên độc lập, gia đình anh ta sẽ trở nên độc lập, và sau đó quốc gia của anh ta sẽ trở nên độc lập, và cả thế giới sẽ trở nên độc lập'. Đoạn văn nổi tiếng này của Fukuzawa tới từ các sách vở Tân Khổng Giáo (Neo-Confucian).


      Chủ đề chính của triết lý Khổng Giáo là làm sao để trở thành người có đạo đức và cai trị đất nước bằng đạo đức. Con đường để thực hiện điều này trong Tân Khổng Giáo như sau: Đầu tiên, con người phải hiểu biết đạo lý (ri) của trời đất (kakubusu-chichi). Sau đó anh ta phải nỗ lực theo đạo lý từ trái tim mình và theo đó mà hành động (seii-seishin). Bằng cách làm như thế, anh ta sẽ tu thân thành công và trở thành con người có đạo đức (shushin). Quá trình chuyển biến con người thành ra có đạo đức là đặc biệt quan trọng trong triết lý Tân Khổng Giáo. Và sau đó anh ta mới tề gia (seika), và trị thiên hạ (chikoku) và cuối cùng là đem đến hòa bình cho cả thế giới (heitenka).
      Chúng ta có thể hiểu cách giải thích của Fukuzawa tốt hơn nếu chúng ta sử dụng khung tư tưởng này. Trong hệ tư tưởng Tân Không Giáo, đạo lý của trời đất mà con người cần biết có nghĩa là lý thuyết 'âm dương', lý thuyết cổ điển của Trung Quốc về đạo lý trời đất. Nhưng Fukuzawa đã thay đổi 'đạo lý trời đất' này bằng 'đạo lý khoa học hiện đại'. Ý tưởng của ông về "tri thức" có nghĩa là con người biết suy nghĩ một cách duy lý; và ông khẳng định rằng con người phải duy lý để hiểu biết và chế ngự thiên nhiên. Và rồi trong khái niệm Khổng Giáo, con người phải cố gắng hành động dựa trên lý thuyết 'âm dương'. Fukuzawa thay đổi lý thuyết này thành con người phải cố gắng hành động theo trí óc riêng của mình và trở thành 'hiểu đạo'. Như thế anh ta sẽ độc lập và tự kiểm soát được mình (tu thân) (isshin-dokuritsu). Sau đó, mối quan hệ xã hội của anh ta sẽ phát triển và gia đình cùng tổ quốc của anh ta sẽ lần lượt độc lập (ikka-dokuritsu, ikkoku-dokuritsu). Như thế, ý tưởng của Fukuzawa về lịch sử văn minh có cấu trúc giống như tư tưởng Tân Khổng Giáo về con người và thế giới. Có lẽ Fukuzawa đã đọc và hiểu các cuốn sách phương Tây về lịch sử văn minh qua khung tư tưởng Tân Khổng Giáo để cảm nhận về thế giới, và sau đó hiện đại hóa khung tư tưởng này để bao hàm cả tri thức về khoa học tự nhiên hiện đại.
      Fukuzawa lập luận rằng khi lịch sử văn minh phát triển đến mức nào đó, nó sẽ đạt tới mức cảnh giới cao nhất của nền văn minh, nghĩa là 'một thế giới hòa bình và văn minh'. Ý tưởng rằng lịch sử có một điểm tận chắc chắn vay mượn từ sách vở phương Tây. nhưng khi ta đọc giải thích của ông về 'thế giới hòa bình', chúng ta có thể thấy nó giống như mô tả về 'thế giới đại đồng' (daido-no-yo)’ trong các sách vở cổ điển Trung Hoa. Trong tư tưởng Khổng Giáo, thế giới lý tưởng này là điểm bắt đầu của lịch sử. Nhưng Fukuzawa đã đặt nó ở cuối chặng đường lịch sử, theo như quan điểm của phương Tây, nhưng duy trì mô tả 'cổ điển' về thế giới lý tưởng này.
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 08.04.2009 17:00:52 bởi lyenson >
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9