MỘT CHUYẾN HÀNH HƯƠNG + SỐ PHẬN...
Khải Nguyên HT 06.04.2009 12:40:42 (permalink)
Một chuyến hành hương
-ghi chép-

     Đường đến hải đảo nào của nước ta cũng ít nhiều nhiêu khê, kể cả đường ra Cát Bà nơi mà nhìn trên bản đồ thấy khá gần cảng Hải Phòng. Với những Trường Sa, Hoàng Sa thì khỏi nói. Côn Đảo, cũng như Phú Quốc, đúng là xa xôi, diệu vợi, nhất là với người miền Bắc. Càng vời vợi hơn trong tâm tưởng khi nhớ tới một thời gần như đã phôi pha. Tôi từng mơ về đảo Côn Lôn khi còn học tiểu học trường huyện, nơi trên tường lớp học có ảnh một ông Tây rậm ria mép đội mũ bằng đầu hình trụ và ảnh một ông "An-nam" béo tốt đội khăn xếp mặc áo chùng đều màu vàng. Đó là ảnh quốc trưởng "nước mẹ" Đại Pháp và ảnh hoàng đế "nước được bảo hộ" Đại Nam. Tôi biết đến Côn Lôn lần đầu qua cuốn "Thi tù tùng thoại" của cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng ("Mính" chứ chẳng phải "Minh" như người ta tuỳ tiện trưng trên sách báo lâu nay), biết đó là chốn đày đọa những người yêu nước, một chốn ác độc, một chốn bí hiểm. Trên bản đồ người Pháp vẽ, nó tựa như cóc mẹ và mấy con nhỏ nằm xa tít mù khơi giữa biển phương Nam. Tôi chẳng mường tượng được gì. Sau này, đọc Vượt Côn Đảo, Bất Khuất, tôi "thấy" Côn Đảo rõ hơn. Côn Đảo được giải phóng, tôi tâm niệm một lần đến đó, mà lần lữa tháng ngày...
       
       
Tôi đã đến hầu khắp đất nước
        Đã đặt chân lên những xứ sở xa xôi
        Vẫn canh cánh một niềm mong ước
        Như là niềm thương nhớ khôn nguôi


          Thuở bé thơ ru rú xóm làng
        Hai tiếng Côn Lôn gieo vào hồn khủng khiếp
        Nhận thêm rõ mặt thù ngự trên tường lớp học
        Tim non vương mối hận Côn Lôn


     Mấy câu trên chợt đến khi tôi đang trên tàu ra Côn Đảo. Vâng, cuối cùng tôi cũng làm được một chuyến "hành hương" tới Côn Đảo.
     Biển lặng, sóng chỉ lăn tăn như sóng hồ Tây vào chiều nhẹ gió. Vũng Tàu xa dần. Thành phố này nhìn từ biển vào mê hoặc hơn khi lướt xe trên đường phố. Khách đi tàu ra Côn Đảo hầu như vắng bóng người đi buôn. Thời buổi dân buôn lên ngôi có thể chi phối hoặc sai khiến được cả một số vị vốn bảnh choẹ hồi nào, tôi vẫn giữ cái ý nghĩ lạc hậu là không khoái họ, sợ tài mánh mung của họ, càng bự càng khó ưa. Thương nhân cần cho nền kinh tế thị trường, song le nhiều con buôn nước ta vì cái lợi thiển cận của mình đã và đang tiếp tay cho hàng giả, hàng lậu, hàng chèn ép của nước ngoài lũng đoạn nền kinh tế còn èo uột của ta.
     Trên tàu, tôi gặp và chuyện trò cởi mở với không ít người. Một bà mẹ ra thăm con là tân binh vừa xong đợt tập huấn trên đảo. Một thanh niên ra viếng mộ cha. Qua 113 năm địa ngục trần gian, Côn Đảo có hơn hai vạn người chết chủ yếu là tù chính trị hi sinh, bị bọn giữ tù chôn vùi chôn dập khắp nơi không chỉ ở Hàng Dương. Chỉ có chưa đến hai ngàn nấm mộ, trong dó hai phần ba là khuyết danh. Cha anh con trai kia nhờ một bạn tù cùng quê, cùng họ đánh dấu mộ. Một cô sinh viên khoa quản trị kinh doanh về du lịch ở Vũng Tàu ra chơi đảo. Một cô sinh viên khác học ngữ văn về thăm nhà. Cha cô quê ở Hà Tĩnh tốt nghiệp đại học tổng hợp cưỡng lệnh đi làm tại Cần Thơ, nằm nhà dài dài, sau "xung phong" ra dạy học ở Côn Đảo. Cô học tại thành phố Hồ Chí  Minh có dịp là về thăm nhà. Ngày Tết, biển động không có tàu thuỷ, cha mẹ cho tiền đi máy bay, cô khoe một cách hồn nhiên. Một anh người Quảng Nam làm kho bạc Vũng Tàu về Côn Đảo học chính trị theo lịch hàng tháng. Mấy người từ đất liền ra đảo làm công thỉnh thoảng vẫn đi về. Một thuỷ thủ tàu đánh cá tỉnh Bình Thuận, tàu anh ta sang tận Indônêxia bủa lưới không được cá quay về hỏng máy nhờ tàu khác dắt đến Côn Đảo, anh được phân công mang máy về thành phố sửa, nay quay lại đảo. Qua một số hành khách trên tàu, đối với tôi Côn Đảo dường như đã thân quen.
     Năm giờ sáng tỉnh giấc tôi lên boong tàu nhìn thấy những dãy núi sẫm màu nhô lên trên biển xa xa trong đêm đang tàn, bình minh sắp rạng. Tôi mường tượng một lị sở Côn Đảo khô xác, cằn cỗi lưa thưa nhà, đường gồ ghề lầm bụi, đi sâu vào một nghĩa địa mênh mông cát, lơ thơ mấy gốc dương (phi lao).
     Tàu cập bến trong một ban mai rất nhẹ, tinh khôi, chẳng có hai hàng lính ác ôn dàn hai bên cầu tàu, thủ sẵn gậy "nghênh đón" bằng những cú nện vào đầu, vào vai, vào lưng. Một chiếc xe loại sang của huyện đảo đang chờ chúng tôi. Bây giờ không phải là những năm trước 1975. Đây không phải là cầu tàu 914 lịch sử nằm quãng giữa bãi biển chính của thị trấn Côn Đảo. Đây là cảng bến Đầm mới được xây dựng cuối thế kỉ 20, cách trung tâm thị trấn chừng 15km đường ven đảo. Cầu tàu 914, tên đặt theo số người bị chết trong quá trình khổ sai xây cầu, làm hồi gần cuối thế kỉ 19 chủ yếu để nhận tù. Cầu tầu Bến Đầm trước hết là cảng cá.
      Mường tượng của tôi về thị trấn Côn Đảo hơi gần đúng với thực tế trước đây 20 năm, còn bây giờ thị trấn khá xinh xắn với dăm đường phố nhỏ rải nhựa, gọn gàng và sạch mắt, có cây cổ thụ, đúng là ít nhà cửa song chẳng phải lưa thưa, từng quãng ngăn nắp, khiêm tốn, không phô phang những tầng lầu diêm dúa như ở nhiều thị trấn trong đất liền. Ba bề thị trấn dựa vào núi cỏ cây tươi tốt nguyên sinh, mặt Đông - Nam trông ra vịnh biển nước luôn luôn trong xanh, lô nhô mấy hòn đảo nhỏ. Một nơi nghỉ mát và du lịch tuyệt diệu mà hơn trăm năm phải làm nơi đầy đọa con người, số đông lại là những người yêu nước! Khó mà hình dung được chỉ mới cách nay hơn một phần tư thế kỉ trên rẻo đất an lành này, dọc bờ biển đẹp như thơ này đi "dạo" chỉ có tù và kẻ coi tù, những người mất tự do lê bước trước họng súng canh chừng của bọn người giam giữ họ! Bây giờ không khí yên bình và tĩnh lặng. Một chú khuyển ung dung nằm ngủ ngay mặt đường nhựa, người đi qua cũng chẳng buồn thức giấc.
     Bạn vào thăm những banh, trại, những chuồng cọp, chuồng bò, thời Pháp, rồi thời Mĩ, chẳng qua chỉ thấy những vật chứng câm lặng, vô hồn. Bạn có giỏi tưởng tượng đến mấy cũng khó mà thấy hết được những gì mà sách, báo của người trong nước và của người nước ngoài - cả ở phía đối nghịch - đã viết chứ đừng nói là tiếp cận được sự thật thảm khốc từng diễn ra tại các nơi này. Nghe nói đã có kế hoạch chi một trăm tỉ đồng để phục chế các hình ảnh y như thật của những công việc khổ sai, những nhục hình, những cuộc đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc, chống cưỡng ép li khai cách mạng,... Cần có những hình ảnh sống động như thế, song cũng cần tạo không khí để có thể cảm nhận được cái siêu man rợ trong thế giới tù ngục hiếm có trên thế gian này. Ờ, nên khép lại quá khứ, không nên khơi lại sự tàn ác và nỗi đau thương, nhưng các thế hệ hậu sinh cần phải được biết cái giá của độc lập tự do mà các lớp tiền bối đã phải trả. Và nhân loại hôm nay, cả mai sau, cũng cần biết đến cái hung bạo các kiểu của chính con người đối xử với con người để mà lo tự hoàn thiện. Nếu không, người ta lưu giữ những Ốtxvenxim làm gì?
     Được biết trong dịch vụ du lịch ở Huế có tiết mục cho du khách, trước hết là người nước ngoài, đóng vai vua, hoàng hậu,... dự các cảnh sinh hoạt ngày xưa như yến tiệc, ca nhạc cung đình,... Vậy cũng có thể có những du khách muốn nếm mùi xà lim, chuồng cọp,... nơi Côn Đảo. Sao lại không nhỉ? Rất có thể họ muốn làm tù nhân Côn Đảo - Côn Đảo chứ không nơi nào khác - trong một thời gian nào đó, một giờ, một ngày, một đêm, hay hơn nữa, được "chăm sóc" hệt như thật: cũng xiềng thật, cùm thật, cho ăn uống khổ thật,... nhưng tất nhiên không được nện roi gậy thật, cho ăn uống kém vệ sinh thật,... để thực hiểu thế nào là địa ngục trần gian, để cảm thông với người tù Côn Đảo ngày nào, cũng có thể để kiểm chứng sức chịu đựng của con người, hoặc, phi lí một chút, để biết một thứ cảm giác, cảm nhận mà cuộc đời của họ chẳng bao giờ trải qua.
     Dĩ nhiên, có những cảnh không thể tái hiện, chẳng hạn như giam vào "hầm phân bò". Hồi Côn Đảo mới được giải phóng, nghe chuyện nhà giáo, và là nhà thơ, Lê Quang Vịnh bị nhốt hầm phân bò, tôi đinh ninh rằng đó là cái hố cá nhân lộ thiên. Chỉ vậy đã khó mà chịu đựng. Đến tận nơi tôi mới hay đó là một cái hầm kín có tường, có mái, có cửa chắc chắn khoá ngoài. Bị nhốt trong đó, ngửi hơi thối, hơi độc đủ chết ngạt, không đợi đến tác động hoại dần trên phần thân thể ngập trong đống phân đang bị phân huỷ. Nếu không được sớm đưa ra khỏi, người bị nhốt chết rữa thây là điều chắc chắn, một cái chết "ròi bọ".
     Các di tích ngục tù Côn Đảo sau giải phóng bị bỏ hoang phế một thời gian. Năm 1982, một người đi thăm Côn Đảo tiếp đó đi thăm Nông Pênh về bảo tôi: "Nhà tù Tung-sleng được nước bạn giữ làm di tích căm thù rất cẩn thận. Côn Đảo của mình thì...". Sự "thờ ơ" này lỗi chính đâu phải của dân đảo, của những người tiếp quản đảo! May mắn làm sao, Côn Đảo xa đất liền, đi lại khó khăn, "sáng kiến" bán sắt vụn, mà ông Th. rất tự hào, đã không sờ đến; dân lại ít, nhu cầu xây dựng hồi ấy hầu như không có gì, nên chuyện đập phá tanh bành đã không xảy ra. Không như các nhà tù Phú Quốc bị xoá sổ chỉ còn lại một ít phế tích. Năm 1995, tôi ra đấy có nghe nói ba phương án phục chế mà phương án tiết kiệm nhất, chỉ phục chế "đại diện" cũng tốn đến 50 tỉ đồng, còn nếu phục chế hoàn toàn thì chí ít cũng phải gấp 10 lần con số đó. Chẳng biết những đồng ngoại tệ thu được qua "cao trào" bán sắt vụn trên cả nước có đủ bù được muôn một những mất mát vật chất do nó gây ra không! - chỉ nói về vật chất, về mặt tinh thần thì có gì bù đắp nổi đây? Đối với Côn Đảo, dần dà người ta cũng nghĩ ra là cần phải bảo tồn nhà tù các loại. Còn các "sở tù", nơi đày đọa tù bằng lao dịch, cũng là nơi khai thác và vắt kiệt hơi sức người tù để nuôi tù, nuôi bọn cai tù, và làm giàu cho bọn chúa tể nắm quyền sinh sát, thì chúng tôi không được giới thiệu, có lẽ đã bị mai một.
     Ở Côn Đảo, nơi gợi nhiều cảm xúc tưởng niệm hơn cả chính là nghĩa trang Hàng Dương. Mãi đến cuối năm 1992 nghĩa trang này mới được khởi công xây dựng và tôn tạo, kể cũng khí muộn, như bao việc làm "đền ơn đáp nghĩa" của ta! Rất may, trong công cuộc này người ta không chủ trương qui tập, san bằng nền đất, xây hàng lối,... như ở các nghĩa trang khác trên cả nước mà giữ nguyên khuôn viên và không làm biến dạng quang cảnh đại thể vốn có. Tuy nhiên, không còn là "mênh mông cát trắng, mùa gió chướng lòi các bộ xương ra". Cỏ và cây bụi phủ hầu khắp. Có sự chăm nom, tỉa cây xén cỏ, song không làm mất vẻ hoang sơ. Những chòm cây cao vừa, tán thưa hoặc dày, rải rác đó đây, cả hai bên lối đi. Tiếng ve kêu nhoè nhoè và tiếng chim lích rích trên nền cảnh trí thâm u. Khách hành hương nghe khẽ lá dương khô cựa dưới bước chân mình; lớp lớp lá dương khô phủ êm con đường nhỏ lát đá. Những nấm đất "sè sè cỏ áy". Những cột mộ chí, hình dạng tựa những cọc tiêu phòng nguy ven đường quốc lộ, không rõ hàng lối. Rất nhiều mộ chí để trống. Có nhiều mộ chí chỉ ghi một dòng tên người đơn độc hoặc thêm một dòng tên tỉnh quê hương; không quê quán chi tiết; không ngày sinh, ngày mất. Không mộ nào có ảnh, ngay cả tại mộ những liệt sĩ nổi danh được xây lăng: Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, Võ Thị Sáu. Trong nghĩa trang này, dưới đất còn ẩn giấu xương cốt của hàng vạn người. Và dường như trong không khí, trên ngọn cỏ lá cây còn vương vất những vong hồn. Ở đây có nhiều hoa, hoa trồng và hoa dại, đủ màu. Hoa cũng có vẻ trầm mặc, không khoe sắc. Ba cột nhang điện khổng lồ giương cao giữa nghĩa trang nom hơi lạc lõng. Nên chăng thêm những đỉnh hương cực lớn đặt nơi trung tâm và các khu vực, đỉnh đồng càng tốt.
     Những người làm truyền hình của ta giới thiệu Côn Đảo có nhã ý làm cho người xem tha hồ tưởng tượng, qua các hình ảnh và lời bình, một huyện đảo... không giống như trong thực tế. Đây là huyện đảo địa đầu Tổ quốc gần như cực Nam, chỉ sau các mảnh đất thuộc tỉnh Cà Mau. Một quần đảo gồm 16 đảo lớn nhỏ có diện tích 76km2, riêng đảo chính - đảo Côn Lôn - có dạng con gấu đầu hướng Đông Bắc bụng quay về phía Đông Nam đã chiếm gần hai phần ba. Cũng chỉ ở đảo lớn này mới có hai thung lũng bằng phẳng rộng chừng 10km2. Còn lại toàn là núi.
     Trước 30-4-1975, có lúc Côn Đảo được "phong" là tỉnh Côn Sơn, một tỉnh không có dân, chỉ có tù và cai tù. Chắc chắn, trước khi bị độc chiếm làm nơi đầy ải, đất này từng có cư dân. Ngày nay còn lưu lại những câu chuyện có chất truyền thuyết phảng phất chuyện Trầu Cau, chuyện Hòn Vọng Phu trong kho tàng truyện cổ nước ta cùng với những bài thơ dân gian, tỉ như bài thơ này:
       
Ai sang Hòn Trác, Hòn Tài
        Cho em nhắn gửi một vài câu thơ.
        Đêm suông gió lạnh sao mờ,
        Trăng kia chếch bóng vẫn chờ đợi mây.
        Chừng nào núi Chúa hết cây,
        Côn Lôn hết đá, dạ này hết thương.

     Núi Chúa là núi cao nhất quần đảo, nằm trên đảo chính, còn Hòn Trác, Hòn Tài là những đảo ở phía Đông Nam đảo chính. Ngay tại những đảo nhỏ này xưa từng có người từ đảo lớn đến lánh cuộc tình ngang trái.
     Sau ngày giải phóng, năm 1975, không kể bộ đội ta và những người tù vừa giành lại tự do ở lại giúp vào việc quân quản, những cư dân đầu tiên của đảo chính là những người thuộc ngụy quân, ngụy quyền trong bộ máy quản tù cùng vợ con họ. Số này không theo chân bọn ác ôn đào thoát hầu hết khi cơ đồ chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Họ không phải vào thế chỗ những người trước đây bị họ giam cầm trong những "banh", những trại, những chuồng nay trống rỗng và toang hoang. Họ được làm dân, trồng trọt, chăn nuôi, làm dịch vụ vặt,... Côn Đảo được tự do, song mang vẻ vừa bề bộn, vừa hiu hắt. Một thời gian dài, cuộc sống chắp vá, quẩn quanh, không còn không khí ngục tù mà chưa bắt được nhịp sống dân sự bình thường. Buổi đầu, dân ít lắm. Bây giờ đã có chừng 500 hộ dân với khoảng 4000 nhân khẩu. Toàn người tứ xứ, có Bắc, có Trung, có Nam. Người thì được người thân là viên chức, bộ đội công tác lâu trên đảo rủ ra. Người là lính phục viên hoặc viên chức về hưu ở lại. Người thì ra thử vận may,v.v... Dân cư rải rác một ít trên mấy phố nhỏ và quần tụ trong làng ven chân núi ngoài địa giới nghĩa trang Hàng Dương. Chỉ huy trưởng huyện đội cho biết: bốn năm trở lại đây đời sống đã khá lên, còn trước thì gói trọn trong câu "cơm ăn chỉ với đu đủ rưới nước mắm".
     Côn Đảo có một ít đất canh tác. Bạn muốn ẩn cư lánh hỗn tạp, bon chen đời thường ư? Mời bạn ra đây trồng rau, dưa leo, dưa chuột, đu đủ,... Sống được. Một trăm mét vuông rau muống có thể cho 300.000đ một tháng, hái quanh năm. Nếu không, ra biển câu cá. Quanh Côn Đảo nhiều tháng biển lặng. Tất nhiên chỉ đủ ăn (nếu muốn giàu còn đi ở ẩn sao!). Côn Đảo hiện không có nhiều dân theo nghề cá. Chưa có nghề cá thật sự. Kéo lưới vặt, câu và "bắt" theo đúng nghĩa nguyên thuỷ của từ này. Một anh quê Long An đi bộ đội đóng ở đảo, lấy vợ tại đây, xuất ngũ ở lại đảo, kể rằng anh đi bắt cá thuê cho người ta, loại cá "" mà dân Hồng Kông gọi là cá "súc sinh". Cá này bán đắt nhưng giá cả lạ lắm: tại chỗ, giá một kí loại dưới 0,5kg chỉ 50.000đ, loại trên 1,7kg thì 70.000đ, còn loại trung khoảng từ 0,5kg đến 1,7kg lên tới 180.000đ (về Vũng Tàu đã có giá 300.000đ). Hàng ngày anh lặn xuống các gộp đá xịt thuốc (?) vào khe đá cá sẽ nổi lên hoặc chìm xuống. Bắt được nhiều thì tiền công cao, dẫu vậy chỉ chủ là vớ bẫm. (Tôi chưa có dịp hỏi ai am hiểu xem cách kiếm cá như vậy ảnh hưởng đến môi trường sinh thái ra sao). Hôm nào không lặn được thì đi câu cá "hồng xa táng". Cá này kém giá hơn, chỉ 40.000đ - 50.000đ một kí. Côn Đảo chưa có tàu lớn đánh cá xa bờ, song nhiều người làm thuê trên các tàu loại này của các tỉnh khác khá quen thuộc Côn Đảo. "Ngư trường xa khơi Côn Đảo vẫn có tàu đánh cá Trung Quốc, Inđô, Thái Lan,... đấy. Bọn cháu đôi khi cũng sang tận Inđô. Tàu mình, tàu chúng nó thấy xâm phạm vùng biển của nhau cùng lờ đi. Sợ thù (?!) bác ạ" - Một thuỷ thủ vừa ghé Côn Đảo kể: "Chúng cháu thấy cả tàu chiến treo cờ đỏ năm sao vàng ở góc. Có cả máy bay trên tàu. Nom hung dữ lắm" - Anh kể thêm (Chắc hẳn anh ta cũng biết đó là tàu của Trung Quốc-Bắc kinh).
     Có cựu thuỷ thủ đã thành dân "bán trú" Côn Đảo. Anh này quê ở Thanh Hoá. Đánh cá thuê cho tàu lớn kiếm được nhưng cực. Một lần anh ta lên bộ dạo chơi gặp bạn nghe xui bèn giã từ tàu lẫn biển đưa vợ con đến thành phố Hồ Chí Minh buôn bán quần áo may sẵn. Họ thuê một cănnhà 500.000đ/tháng. Vợ bán cố định ở chợ, chồng bán dạo. Đang bán ở Vũng Tàu gặp chuyến tàu đi Côn Đảo, anh ta bèn thử liều. "Cháu bán rẻ hơn các quầy trong chợ Côn Đảo. Chẳng hạn chiếc quần Ka-ki họ bán 85.000đ cháu chỉ bán 50.000đ". Anh ta làm được vậy vì không phải nộp thuế, không phải thuê mặt bằng, hàng ế có thể trả lại cho chủ buôn. Giá ở đất liền thì anh ta có cơ bị "luật rừng" của các bạn buôn sửa cho cẩn thận. Ở Côn Đảo thì không. Anh ta thành dân Côn Đảo "theo thời vụ". Với những người đi làm ăn, Côn Đảo không quá xa xôi.
     Những năm trở lại đây, Côn Đảo đã thành "đất lành" cho một số "chim đậu", định cư hoặc di trú, làm loại dân "dịch vụ". Hai bác sĩ về hưu đã lưu lại mở phòng khám. Một anh là lính phục viên rủ anh ruột ra đảo kiếm tiền về cưới vợ. Họ lập một "hiệu" cắt tóc trên hè đường. Thu 8.000đ một đầu tóc, gần gấp ba giá cùng loại bình dân như thế trong đất liền. Họ lại tậu một chiếc xe máy Trung Quốc chở người thuê. Một nơi như Côn Đảo, dân số không bằng một phường nhỏ trong đất liền, địa bàn hẹp, đường sá quanh quẩn trong thị trấn có vươn xa men đảo thì cũng không quá 15km, cho đến lúc này, mà cũng có dịch vụ xe ôm ư? Có đấy! mà lại làm ăn được. Đưa khách từ bến tàu về thị trấn, đến Cỏ ống. Lính đảo, nhất là tân binh, hứng lên có thể nhảy xe ôm hoặc thuê xe tự lái đi chơi. Cho thuê xe chẳng sợ mất. Chạy đi đâu cho thoát? Bở nhất là những hôm tàu đánh cá đến núp nhiều. Thuỷ thủ cuồng chân đổ bộ chật đường phố. Không đủ xe ôm để phục vụ. Ấy là vào mùa biển động, gió chướng thường thổi từ tháng Mười Một đến tháng Ba năm sau, hoặc là vào tháng Tám gió Tây thổi ào ào. Gió biển mạnh buồn cho ai, nhưng vui thì không chỉ cho dân lái xe ôm. Những người bị gò bó lâu trên tàu có dịp xả hơi thả sức tiêu vặt, ăn vặt. Cả Côn Đảo có cái nhà chợ khá to rộng, bên trong bày bán chủ yếu là rau, thịt, cá, và rất nhiều hàng quà. Quà không đắt nhưng kém hấp dẫn. Bún thì vụn, xôi bắp thì nát, chè đậu hũ thì quá sẫm màu và quá đặc,... Chẳng nên trách cứ. Những người bán chẳng phải là dân chuyên. Phần lớn trong số họ trước đây là vợ con công chức và binh lính chỉ làm nội trợ hoặc tham gia mạng lưới cung ứng duy nhất cho quần đảo của bọn quản tù chóp bu.
     Hiện nay, đời sống công nhân, viên chức ở mức tạm ổn. Lương của giáo viên có thể trên dưới một triệu đồng, của cán bộ uỷ ban khoảng tám trăm ngàn đồng, của công nhân viên điện nước chừng bốn trăm ngàn đồng, theo lời huyện đội trưởng. Giá sinh hoạt chẳng rẻ, ngoài lương khó mà có "ngoại tệ". Giáo viên khó dạy thêm, cán bộ khó kiếm chác, hẹp đất tiêu cực. Không như ở nhiều nơi khác! Cầu mong không bao giờ họ muốn và có thể làm những chuyện đó.
      Ở đâu thì cũng có người "may" hơn hoặc "khôn" hơn. Côn Đảo có một nhà hàng ăn uống "hiện đại". Chủ là một bộ đội hải quân xuất ngũ, người gốc H.D, vợ làm công an, hiện có ba con. Được phân một căn nhà để ở trước đây, họ đã tôn cao và mở rộng đến 100 mét vuông trong một khuôn viên 500 mét vuông. Có thể coi đây là cửa hàng cao cấp của đảo. Một suất ăn đặt ở đây tối thiểu phải 25.000đ, trong khi ăn cơm bình dân tại mấy quán cạnh chợ chỉ mất 6.000đ. Bí thư kiêm chủ tịch huyện nói: "Huyện đảo còn nghèo, coi như đi lên từ con số không, nhờ trên đầu tư là chính. Làm ăn có khó khăn. Tuy vậy có mấy người đến đây buôn thượng vàng, hạ cám thu lời tiền tỉ, nặng túi thì phới về đất liền". Dân buôn, dân kinh doanh làm vậy cũng dễ. Có những người không "phới" được vì nhiệm vụ hoặc vì những lí do khó gọi tên. Người hướng dẫn tham quan và thuyết minh cho chúng tôi là một cô gái nhẹ nhõm, linh lợi như bao cô khác làm việc này. Cô ra đảo từ lúc vừa bước vào tuổi thanh niên, đã mười năm cô vẫn vậy. Cha mẹ cô ở K.A ngoài Bắc, hàng ba, bốn năm cô mới về thăm được. Đất lành nhưng điều kiện cho chim làm tổ lại là chuyện khác. Để cho chim nào cũng chỉ đến kiếm ăn rồi vù đi thì đất mãi mãi vẫn là đất hoang thôi.
     Đến Côn Đảo hôm nay, du khách thấy quả là "đất lành" theo đúng nghĩa đen. Đi trên đường phố dù là của một thị trấn nhỏ nơi đất liền bạn không thể không hít bụi, hít khí thải của các động cơ, các bếp than, không điếc tai về tiếng còi xe, tiếng máy rồ và trăm thứ tiếng hỗn tạp đời thường. Đi trên đường phố Côn Đảo, bạn được miễn hoặc chí ít giảm tối đa những thứ đó. Côn Đảo nhiều nắng, song ít oi nồng, nhiều gió, bao quanh phơi phới cây xanh của rừng nguyên sinh, và nhất là thừa thãi nước biển thanh khiết. Tôi đã được tắm nước biển Côn Đảo. Tôi bơi chìm nhìn thấy phía dưới hai con cá nhỏ, một trắng, một đen, hình dáng hệt nhau, đang bơi sóng đôi con trên, con dưới. Tôi chưa nghĩ ra ngay, chợt thấy một bóng đen đang soãi bơi sát đáy nước. Nước trong tới mức có thể phỉnh sự ngu ngơ của anh. Tôi tự cười thầm, nhịn thở, nhìn lâu đáy cát trắng tinh rải những nếp sóng nhẹ lớp lớp dàn hàng trên đó đang nhập nhoạng bóng những làn sóng trên mặt nước do ánh mặt trời in xuống gần như biến ảo. Làn nước này tôi chỉ gặp ở đảo Phú Quốc, không ở thị trấn Dương Đông, mà ở một bãi vắng phía đông đảo cách xa phía nam xã Hàm Ninh. Làn nước ấy kết hợp với khung cảnh xung quanh, trời ấy, đất ấy, cho ta một cảm giác phiêu bồng xa mùi tục lụy. Cam đoan rằng không có bãi biển nào nơi đất liền cho ta cái cảm giác khinh khoái đó. Tôi chợt nghĩ hẳn những người tù Côn Đảo xưa chẳng ai, chẳng bao giờ được tắm thoải mái như thế này, mà chưa chắc đã được bọn cai tù cho đi tắm biển nữa kia! Một cháu bé trai cỡ sáu, bảy tuổi, bụ bẫm, dễ thương, da thịt hoàn toàn "thông thoáng" chợt hiện ra từ cái vắng vẻ của bờ và bãi biển mà tôi ngỡ mình đang độc chiếm, nhảy xuống tắm. Chú bé bơi thạo, tôi vẫn thấy lo khi sắp giã từ làn nước. Tôi hỏi cháu sao lại đi tắm một mình. Cháu nhìn về phía cầu tàu 914 cất tiếng gọi to: "Mẹ ơi!". Một người đàn bà đang bắt hàu thì phải.
     Quá khứ đau thương và lẫm liệt của Côn Đảo đang lưu dấu nơi các loại nhà tù và nghĩa trang Hàng Dương, nơi các địa danh "cầu Ma Thiên Lãnh", "cầu tàu 914", "mũi cá mập",... và cả ở những người ở trận tuyến bên kia nay làm dân lành của huyện đảo. Đến miếu Yên Sơn thờ bà Phi Yến, thứ phi bị đọa đày của chúa Nguyễn Ánh, đền miếu độc nhất ở Côn Đảo từ trước tới giờ, bạn sẽ được một ông già cỡ 80 tuổi, vẻ mặt chất phác, nhỏ người, dáng lừ đừ đúng kiểu "ông từ vào đền" châm sẵn hương trao tận tay bạn để bạn vào làm lễ. Đó là một người coi tù cũ vào loại ác ôn. Ông ta xin được đem quãng đời còn lại trông nom ngôi miếu, để sám hối. Bạn vào chợ ăn quà, có thể gặp một bà hàng bún riêu xởi lởi kể cho nghe chồng mình là lính ngụy cũng được cấp đất, nay cả bảy con đều đã có nghề, một đứa dạy học, một đứa làm thầy thuốc. Một anh lái xe ôm khoe với tôi rằng bố vợ ngày trước là giám thị không ác, lại lén cho tù ăn, sau ngày giải phóng không phải đi cải tạo ngày nào; đất bố vợ được cấp cho lại, anh ta đem cho người ta thuê để cấy lúa, mình chạy xe nuôi được vợ và hai con. Những người "hoàn lương" ở Côn Đảo đều có vẻ chừng mực. Làm nhớ đến một ngụy quân cũ, chừng là sĩ quan, chúng tôi gặp ở thị xã Tuy Hoà. Chúng tôi đang đi tìm quán phở, ông ta mời vào nhà, một ngôi nhà vào loại tuềnh toàng, xách ra một chai rượu rót đầy các chén vồn vã nói: "Xin mời các ông cụng li với tôi. Nếu là trước đây thì tôi đã xả đạn vào các ông..." Không phải giọng khiêu khích, cũng không ra chân tình ; cởi mở đấy, dường như phô phang, mà không hẳn, có cái gì ẩn ức muốn "xả", có lẽ thế. Những "người cũ" của Côn Đảo đã hoà vào cộng đồng hôm nay, đều là "dân Côn Đảo" cả. Cảnh vật cũng không còn mang dấu ấn nơi lưu đày xưa. Quá khứ dần khép lại nơi các di tích và trong các trang sử để cho hiện tại lo tính tương lai.
      Tương lai, Côn Đảo sẽ là khu kinh tế? khu du lịch? hay khu kinh tế - du lịch?
     Tuy vẫn nghĩ Côn Đảo nên và có thể là một khu kinh tế, tôi vẫn thích Côn Đảo là một khu du lịch hơn. Một khu du lịch giữa biển khơi không xa đường hàng hải quốc tế.
     Côn Đảo hùng vĩ và nên thơ. Côn Đảo xưa, một sự "không may" của lịch sử đã đặt dấu những trang bi tráng. Côn Đảo nay phải toả sáng trong tư thế mới.
     Trước mắt, chuyện gắn bó lâu dài với Côn Đảo là cả một vấn đề. Được biết nhiều người hiện đang làm việc tại đây đã sắm sẵn nhà, đất ở Vũng Tàu và những nơi khác. Chuyện này cũng là thường tình. Ai đến đây rồi cũng ở lại cả thì sẽ phát sinh những mối lo khi kinh tế chưa phát triển, khi chưa có qui hoạch tổng thể lâu dài cho Côn Đảo. Song, nếu ai cũng coi chốn này chỉ là một nơi tạm trú, một thứ "trạm trung chuyển" trên đường đời của mình thì những ai đóng vai trò chủ nhân thật sự đây?
     Cũng trước mắt, Côn Đảo và đất liền "nhìn" nhau còn xa vời lắm. Nối kết đôi bên, có mùa chỉ có dùng máy bay một cách hạn chế. Hiện nay, mùa biển lặng có mấy chiếc tàu con đã là một cố gắng lớn.
     Tôi hỏi một sinh viên sắp ra trường vốn sinh ra, lớn lên và học phổ thông ở Côn Đảo rằng thành tài rồi có về góp phần xây dựng Côn Đảo không. Cô nhìn tôi như dò hỏi rồi mới đáp "có", ngữ điệu không có vẻ tự tin lắm. Cầu cho cảm giác của tôi là sai lầm, là xét nét vô duyên!
     Tôi khó có dịp trở lại Côn Đảo. Trong tâm tưởng, tôi nhìn thấy một Côn Đảo vươn mình, có cả nhà nghỉ trên núi, trên biển; có cung thuỷ sinh; có tàu điện treo từ núi Chúa ra hòn Bảy Cạnh, nơi sừng sững ngọn đèn biển được dựng lên từ năm 1883; có cầu treo qua Cửa Tử và đường bậc thang dẫn đến hang Phi Yến;... rồi những cơ ngơi nuôi trồng và chế biến thuỷ sản; trạm chứa dầu khí và cơ sở hoá dầu;... rồi những đảo khỉ, đảo hươu, đảo sơn dương, đảo nuôi thú phục vụ dân sinh, khoa học và du lịch; ... Mà khu di tích - bảo tàng vẫn được bảo tồn nguyên vẹn và phát huy tác dụng, như một đối chứng! Mà Côn Đảo vẫn giữ được là Côn Đảo với rừng còn tốt nguyên cùng cây cỏ, chim thú quí hiếm, với biển trời còn trong lành, với những con người gặp đâu cũng tươi cười như tôi thấy trong hai ngày lưu trên đảo, những con người không bị "ô nhiễm" từ đất liền.
    
Cúi chào những người chủ mới   
     Biến đảo ngục tù thành đảo yêu thương.


Hải Phòng, 6-2001
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.04.2009 16:40:32 bởi Khải Nguyên HT >
#1
    Khải Nguyên HT 12.04.2009 12:43:35 (permalink)
    Số phận một địa danh lịch sử

          Hầu như mỗi vùng đất của nước ta đều ít nhiều có dính dáng đến truyền thuyết, dã sử, lịch sử. Bạn đi tham quan - du lịch, nhất là đi đường dài, thường chỉ đến những thắng cảnh nổi danh, những di tích văn hoá, lịch sử có hạng. Bạn khó biết, khó đến những nơi đã bị lãng quên, đã bị mai một, thậm chí đã bị huỷ hoại vì thời gian, vì con người. Mời bạn du lịch bằng tưởng tượng theo một câu chuyện lịch sử lồng trong chuyện kể dân gian đang có cơ chìm theo lớp người thuộc thế hệ cũ đã đi vào cõi hư vô.
          Xã Sơn Phúc thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, xưa là làng Phúc Đậu. Trong Cải-cách-ruộng-đất, như ở một số nơi, người ta học cách đặt tên xã ở vài tỉnh thuộc Liên khu Năm cũ lấy đầu hoặc đuôi tên huyện ghép với một phần tên xã cũ hoặc một tiếng mới đặt. Cách này làm cho nhiều địa danh đã có bề dày lịch sử biến mất, kể cả những cái tên đã đi vào ngạn ngữ. Không chỉ mai sau, ngay bây giờ về Hà Tĩnh khó mà tìm được các địa danh nằm trong các câu truyền tụng trước đây: "Lắm lúa Trị Yên, lắm tiền Thịnh Xá", "Trai Đông Thái, gái Yên Hồ",… May mắn, một số làng xã đã được lấy lại tên cũ như Kim Liên ở Nghệ An, chẳng hạn. Làng Phúc Đậu không có cái may đó. Phúc Đậu gắn với cái tên xa xưa động Tiên Hoa. "Động" ở đây chỉ một nơi cư trú miền rừng núi không mang ý nghĩa "hang động" như quen nghĩ. Vùng này có hai đồi thấp, dân địa phương gọi là Rú (núi) Tiên Động và Rú Hoa Bảy. Người ta đoán định cái tên Tiên Hoa là từ tên mấy ngọn đồi này mà ra.
          Phúc Đậu, nhất là động Tiên Hoa, có lẽ chưa bao giờ lướt qua bộ nhớ trong đầu bạn. Cách nay vài chục năm, một số nhà sử học gãi vào quá khứ tình cờ phát hiện ra và đã đưa vào trang sách, song hẳn rằng đến nay chúng đã lại phôi pha cùng với câu chuyện lịch sử đã lại ngủ yên.
          Đất Phúc Đậu và phụ cận thuộc vùng đồi. Hình như khi xưa ông Trời tạo ra dãy Trường Sơn đã để vung vãi ra những mẩu vụn. Vùng đất ấy lại trũng; mùa mưa bão, các ngọn đồi dễ biến thành những hòn đảo liên hoàn. Dẫu vậy, thời xa xưa ấy đã có dân đến khai khẩn. Chưa nhiều. Nhà ở lơ thơ còn xen cùng rừng; người chung địa bàn cùng thú hoang. Có một nhà sống bằng nghề trồng trỉa trên cạn và đơm cá dưới khe. Bữa nọ, người chồng cứu được một con cọp non bị kẹt chân giữa hai thân cây bắc làm cầu qua suối. Con thú từ đấy hàm ơn người cứu mạng. Đêm đêm nó giúp canh bọn khỉ, bọn lợn lòi phá ruộng rẫy, bọn rái cá phá đăng trộm cá. Thỉnh thoảng nó mang con mồi săn được đến đặt gần nhà. Một đêm, người nông phu ra thăm cái trộ cá thấy cái đó bị nước dồn về đẩy xiêu bèn lội xuống sửa vào một cái giờ bất thường.  Con hổ ngỡ là trộm, từ trên đồi lao xuống hồ vồ chết ân nhân. Vồ xong, con mãnh thú biết là nhầm, nó trằn mình lăn lộn, vật vã trên một đám đất hoang lấp xấp nước. Đám đất nát nhừ như bị bừa; sau này khi được vỡ hoang thành ruộng, người ta gọi là ruộng trằn, cái tên ấy gần đây vẫn còn. Con cọp tự phẫn một hồi rồi mang xác người bị nạn đến dựng đứng dựa vào gốc một cây sui to ở lưng ngọn đồi bên cạnh. Sáng hôm sau, mối đã đùn đất phủ kín cái thây. Bà vợ đến gỡ ra đem về chôn gần nhà mình. Đêm đến, con vật lại moi cái xác lên đưa về chỗ cũ. Cái xác đã nhũn chỉ có thể đặt ngồi dựa cây. Mối lại đùn lên thành mả. Một thầy địa lí đi qua bảo: "Cứ để nguyên đấy! Huyệt mộ chỗ đó có thể phát vương, đáng tiếc là chôn ngồi nên chỉ phát tướng". Đám rừng có ngôi mộ do hổ táng được bảo tồn cho đến cách nay chừng nửa thế kỉ và mang tên lòi hổ huyệt ("lòi" là tiếng dịa phương chỉ đám đất rộng vừa phải có cây cối rậm rịt. "Hổ huyệt" là mộ do hổ táng).
          Con trai người bị hổ vồ tên là Nguyễn Tuấn Thiện lớn lên vào lúc bọn nhà Minh bên Tàu sang cướp nước ta. Ông bèn tụ tập những trai tráng trong vùng đứng lên chống lại quân đô hộ, đóng bản doanh tại động Tiên Hoa - quê ông. Bấy giờ Bình Định vương Lê Lợi khởi nghĩa tại Lam Sơn, Thanh Hoá, đánh không lợi bèn chuyển hướng chiến lược vào xứ nghệ. Nghe danh ông Thiện, Vương thân đến mời hội quân. Hai người làm lễ ăn thề bên gốc cây thị, về sau được gọi là "cây thị ăn thề ". Từ đó, nghĩa quân Lê Lợi ngoài bản doanh chính là thành Lục niên ở núi Thiên Nhẫn lại thêm bản doanh ở động Tiên Hoa. Cả hai đều thuộc huyện Đỗ Gia, châu Hoan (nay là huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Từ các căn cứ này, nghĩa quân từng có trận thắng lớn giặc Minh trên sông Phố và dưới chân Rú Vằng (Kim Sơn) ở cửa ngõ động Tiên Hoa.
          Nơi Cây-thị-ăn-thề có một truyền thuyết liên quan đến cảnh gian truân của người khởi nghiệp nhà Hậu Lê. Một lần, Lê Lợi thất trận bị quân giặc truy nã. Quân tán lạc mất cả, chỉ mỗi mình ông lẩn trốn. Ông gặp bên đường một người đàn bà bị giặc giết nằm phơi thây. Bình Định vương thấy bất nhẫn bèn đem chôn vào một cái hố gần đó. Giặc vẫn lùng đuổi. Vào lúc bí thế, vương chui vào ẩn trong gốc cây thị. Cây thị rỗng trong gốc song chỉ thông với cái hốc trên cao. Giặc đuổi đến, đàn chó xúm quanh cây thị sủa vang. Bọn lính lấy giáo xỉa vào cây. Vương phải lấy vạt áo khéo lau những mũi giáo đâm chạm vào mình. Đang hồi nguy cấp, một con chồn trắng từ hốc cây lao vọt ra trốn chạy. Lũ chó ùa đuổi theo. Tên tướng Tàu chỉ huy toán quân tức giận ra lệnh gọi bầy chó lại chém chết con đầu đàn rồi kéo quân đi. Sau này, vua Lê sai lập miếu thờ người đàn bà vô danh đã hiển linh biến hoá ra con chồn để đánh lạc hướng giặc. Chuyện này còn được gán cho một số nơi khác với những tình tiết tương tự. Chẳng sao. Điều chính yếu là cái lõi, cái thần câu chuyện để lại cho hậu thế. Cây-thị-ăn-thề không có thêm truyền thuyết này thì vẫn là một chứng tích lịch sử đã được ghi nhận.
          Cây thị nay vẫn còn, gốc tày hai người ôm, già cỗi y như cổ tích, song vẫn còn "phong độ", đến vụ vẫn cho nhiều quả. Đúng là thân rỗng lên tít trên cao. Nơi gốc bây giờ bị hổng hai mảng đối diện có thể nhìn xuyên qua, và có thể ghé nhìn thông lên phía trên. Nếu không được chăm sóc e chẳng còn "thọ" được lâu. Cây thị trước kia đứng giữa đồi cây hoang, nay đứng lẫn giữa các cây vườn. Không một tấm biển đề. Không một dấu hiệu nhỏ nào tỏ ra có sự quan tâm. Nếu chẳng hỏi đến chẳng ai biết cái quá khứ vinh quang và thiêng liêng của nó, cho dù giả sử chỉ được ghi nhận ở mức truyền thuyết.
          Cây sui "hổ huyệt" thì nay chỉ còn trơ lại cái gốc cụt đang mục dần, to đến bốn người ôm. Năm 1994, bộ Văn hoá trao bằng di tích lịch sử cho khu lưu niệm về Nguyễn Tuấn Thiện. Xã Sơn Phúc (Phúc Đậu) xưa kia là nơi phát tích và là căn cứ nghĩa quân nay chỉ có một chi nhỏ họ Nguyễn hậu duệ của ông. Họ lớn (đại tôn) lại ở xã Sơn Ninh bên kia sông Phố, nơi có nhà thờ và mộ Nguyễn tướng quân. Do vậy, họ lớn đã tranh rước bằng di tích về bên đó. Một số cán bộ văn hoá cấp trên thấy có gì chưa phải, nhưng chi họ nhỏ thế yếu, xã sở tại cũng không mấy mặn mà cho là việc riêng của dòng họ. Tháng 8/1994 rước bằng về Sơn Ninh thì tháng 5/1995 cây sui đại thụ, ít ra cũng hơn 600 tuổi như cây thị, bị sét đánh. Từ xa, người ta cũng nhìn thấy trong mưa to những tia sét loằng ngoằng thi nhau giáng xuống cái cây thọ mà không trọn. Cây sui bắt đầu héo ngọn lan dần xuống gốc, các nhánh và cành lần lượt rã ra rơi xuống đất. Người làng cho là có một sự phẫn nộ linh thiêng (!). Tôi không nghĩ xa về cõi siêu hình, chỉ nghĩ hẹp trong cõi trần gian thấy sự bỏ bê chốn gốc tích và chuyện tranh chấp, nếu có, đúng là đáng giận. Ngày nay, người ta đua nhau, tranh nhau nhận bằng di tích lịch sử, văn hoá phải chăng với ý thức tôn vinh danh nhân, tôn vinh công tích, bảo tồn di sản dân tộc, bảo tồn truyền thống, hay ẩn đằng sau còn có cái "tiếng" và, tệ hơn nữa, cái "miếng"? Dấu tích chỗ cây sui, ngoài gốc cây cổ thụ mục, chỉ có am thờ nhỏ như một cái chóp mộ trong góc một miếng đất thoai thoải chừng 1500 mét vuông, sơ sài cỏ và lẻ tẻ cây dại. Đất tốt mà để hoang. Đất hương hoả, họ chính ở xa, chẳng giao cho ai. Một người ngoại tộc ở kề đấy đề nghị được trồng trọt và đổi lại sẽ trông nom, hương khói và nộp một phần thu hoạch, nhưng chưa được chuẩn y.
          Còn đáng buồn hơn, một dấu tích tưởng đâu là bất biến đã và đang bị huỷ diệt, sẽ xoá sổ luôn một địa danh vốn đã bị chìm trong sương khói lịch sử. Bản doanh nghĩa quân Lê Lợi - Nguyễn Tuấn Thiện từng đóng tại đồi Hoa Bảy. Nay còn lưu lại nơi rìa đồi những tên đất Nhà Dinh, Nhà Nổ, Cây Ràng, Cây Kè,… Cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, trong cuộc khởi binh cần vương chống Pháp kéo dài hơn mười năm nghĩa quân Phan Đình Phùng - Cao Thắng mà người dân Phúc Đậu vẫn gọi là quân cụ Đình (Đình nguyên Phan Đình Phùng), cụ Chưởng (Chưởng quân Cao Thắng) cũng từng đồn trú tại Hoa Bảy. Trong số các tướng của quân cần vương có một người quê ở ngay Phúc Đậu, ông Nguyễn Nhị (không thuộc dòng họ Nguyễn Tuấn Thiện) tục gọi là Cử Nhị vì ông đậu cử nhân võ, đã tử trận khi dẫn quân đánh giặc Pháp ở đồn Linh Cảm.  Một địa danh gắn với những biến cố lịch sử như thế, tiếc thay… Đồi Hoa Bảy có hai ngọn, ngọn núi thứ hai có tên là Động Quang. Chừng mươi năm trước, hòn Động Quang đã bị ngoạm vẹt sườn một vệt rộng và sâu dọc chiều dài để lấy đất tôn tạo quốc lộ 8. Gần đây, người ta lại đào tiếp cũng để lấy đất chở đi làm đường Hồ Chí Minh. Vệt đào nay đã xuyên suốt hai hòn Hoa Bảy và Động Quang, sẻ dọc thành hai mảnh không đều nhau ngăn bởi một rãnh sâu khá rộng. Cảnh quan mang dấu tích lịch sử của vùng đất có tên là Động Tiên Hoa xưa, và là Phúc Đậu trong một dĩ vãng chưa xa, nay đã bị huỷ hoại gần như hoàn toàn. Một di tích văn hoá vật thể sắp tiêu vong cùng di sản văn hoá phi vật thể bao quanh nó.
          Có người nói: những đồi Hoa Bảy, cây-thị-ăn-thề, lòi-hổ-huyệt, ruộng trằn, cầu cứu-cọp,… không đẩy đưa đến những dịch vụ kiếm tiền thì đòi hỏi người ta quan tâm sao được. Song di sản dân tộc cùng anh hồn quá khứ đâu có cần "dịch vụ" để được chiêm bái hay ít ra là nhớ về! Vả chăng, nếu có dịch vụ "ăn theo" thì dịch vụ nghiêm chỉnh nào mà chẳng phải đầu tư tâm-và-trí, công sức, tiền của với sự nỗ lực, chí ít là lúc ban đầu? Và biết đâu vào tay những đầu óc biết làm ăn, những dấu tích lịch sử kia chẳng được qui hoạch tôn tạo thành một điểm tham quan-du lịch trong một quần thể rộng lớn, bởi bao quanh là miền đất không hiếm thắng cảnh và di tích lịch sử, văn hoá của xứ Nghệ Tĩnh.

    5-2001
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 12.04.2009 13:11:57 bởi Khải Nguyên HT >
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9