THƠ ĐƯỜNG : THẤY SAO NÓI VẬY
lá chờ rơi 04.08.2009 10:45:52 (permalink)
THƠ ĐƯỜNG : THẤY SAO NÓI VẬY
(bản này đầy đủ hơn bản đã đăng trong trang Bản Nháp)

Hiện thơ Đường đang được nhiều người chơi trở lại.
Đây là loại thơ 8 câu 7 chữ rất thích nghi cho những gói tâm tình nhỏ gọn trao gửi nhau giữa các thi nhân.
Người chơi thơ Đường hiện nay, tất cả đều dùng dải số Kiểm Soát (KS) 1-8 2-3 4-5 6-7 để xét sự đúng/sai của phần Niêm/Luật.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng :
a/ dải số KS còn để lọt một vài trường hợp thất Niêm đặc biệt, tức sai Niêm hoàn toàn mà vẫn được dải số chấp nhận.
b/ và ngược lại, dải số lại bỏ ra ngoài, nhiều bài Đường Thi danh tiếng của các đại thi gia đời Đường.

I. dải số kiểm soát 1-8 2-3 4-5 6-7 không phát hiện được các trường hợp sai Niêm sau đây:

Người mới học chơi thơ Đường luật, làm thơ sai Luật sai Niêm là thường tình. Tự họ lần hồi sẽ nhận ra và sẽ sửa đổi, nên trên nguyên tắc không có gì đáng nói.
Nhưng vừa rồi, tình cờ nhìn lâu vào một bài thơ sai Niêm có hơi nhiều, tôi bỗng chợt nhận ra rằng nếu sai Niêm theo kiểu tương tự, thì lại thoát qua được sự kiểm soát của dải số 1-8 2-3 4-5 6-7 !

Xin kê ra hai trường hợp :

I.1 Bài thơ dưới đây : câu 6 và 7 phải theo luật Trắc nhưng được viết theo luật Bằng. Vì hai câu 6-7 vẫn Niêm với nhau đúng theo sự qui định của dải số 1-8 2-3 4-5 6-7 nên dải số không phát hiện ra lỗi.

Ăn rồi cũng phải ăn cơm
Dẫu gặp toàn những món ngon
Dưới biển, rừng sâu bao thức quí
Vườn thì gà vịt múp tơ non
Ai ai cũng muốn xơi cho biết
Gọi thay đổi cái kèo rơm
Rồi về bếp lục tìm cơm nguội

Chiên lên thì nguội cũng thành dòn!

I.2 Còn bài thơ này thì : câu 4 và 5 phải theo luật Bằng nhưng lại được viết theo luật Trắc, câu 6 và 7 phải theo luật Trắc nhưng lại được viết theo luật Bằng. Vì hai câu 4-5 Niêm với nhau và 6-7 Niêm với nhau đúng theo sự qui định của dải số 1-8 2-3 4-5 6-7 nên cũng không lộ ra sự sai Niêm.

Lời thơ diễm phước chứa chan tình
Vút cánh thiên thần đão lượn quanh
Đuốc trí trời ban như ước muốn
Sóng lớn bình yên hưởng quả lành
Chúc đến thi nhân lời quý mến

Đó đây sưởi ấm cõi trời xanh
Câu thơ thắp sáng đèn tâm trí

Vườn thơ suối mát hóa muôn hình.

Nhìn cấu trúc của hai bài thơ trên đây thì thấy được rằng, trên nguyên tắc, còn vài trường hợp nữa : sai Niêm mà vẫn đúng với dải số kiểm soát 1-8 2-3 4-5 6-7.

Những lỗi loại này, không thể nhận ra với dải số kiểm soát, mà phải dùng các bảng luật « Bằng bằng trắc trắc… ». Nhưng cách này khá phiền toái nên dường như chẳng ai dùng.
Tuy nhiên, việc không mấy quan trọng vì người có kinh nghiệm về thơ Đường luật có thể nhận ra ngay. Khi đọc lên nghe lờ lợ, là lạ, khác thường, rà lại phép Niêm thì thấy ngay rằng bài thơ sai Niêm ở điểm có hơn 2 câu liên tiếp cùng theo một luật.

Nhưng sự lỏng lẻo của dải số kiểm soát 1-8 2-3 4-5 6-7 trước loại lỗi sai Niêm này, khiến phải nhắc lại một vấn đề khác, là dải số KS không bao gồm được một số khá nhiều bài Đường Thi danh tiếng.

Những người muốn bảo vệ dải số KS, coi như đó là hiện thân của Đường Luật, đã đưa ra 2 giải thích, một nhóm thì gọi những bài thơ nằm ngoài dải số KS là thơ ‘thất Niêm’ hay ‘phá cách’, nhóm khác thấy số thơ này quá nhiều, cách đó không mấy ăn chắc, nên gọi những bài ấy là thơ ‘Cổ phong’.

Hai cách giải thích này chỉ là những giả thuyết của người đời sau gán cho người đời trước, và có nhiều điểm vô lý nên chưa cần phải tranh cải.
Có thể sau khi xem xét tận gốc vấn đề thì sự thực sẽ cho lời giải đáp những giả thuyết này.

Ghi chú cho phần I. Khuyết điểm của dải số KS mọi người đều thấy như đã trình bày. Những bài thơ có lỗi sai Niêm nêu trên là lấy trong trang Thơ Sáng Tác, mọi người đều có thể bắt gặp.

II. Việc soạn ra Ðường Luật :
Chắc mọi người đều đồng ý với Quách-Tấn trong định nghĩa trích dẫn sau đây :

“Ðường Luật không phải do một cá nhân hay một nhóm thi nhân cao hứng đặt ra theo sở kiến, sở thích của mình, mà chính là sự đúc kết những kinh nghiệm kỹ thuật lâu đời đã thành công, và điển chế những thành công ấy làm khuôn phép chung cho làng Thơ.
(trích Thi Pháp Thơ Ðường của Quách-Tấn, trang 38)

* những kinh nghiệm kỹ thuật lâu đời đã thành công thì hẳn là phải lấy từ các bài Đường Thi còn lưu truyền đến nay.

Vậy, phần kỹ thuật của Đường Thi ra sao, so với dải số KS ?

Về Niêm : Thơ thất ngôn bát cú Đường Thi có 8 câu chia làm hai nhóm 4 câu, một trên một dưới, dùng các phép Niêm thông dụng của thơ tứ cú là 1-4 2-3 và 1-3 2-4.

Phép Niêm 1-4 2-3 như :

LƯƠNG CHÂU TỪ (bài này theo luật Bằng)

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
Vương Hàn

BÀI HÁT LƯƠNG CHÂU

Bồ đào, rượu rót chén lưu ly
Muốn uống, tỳ bà giục ngựa đi
Bãi cát say nằm, chê cũng mặc
Xưa nay chinh chiến mấy ai về.
Bùi Khánh Đản


Và phép Niêm 1-3 2-4 như :

THÁI LIÊN KHÚC kỳ nhất (bài này theo luật Trắc)

diệp la quần nhất sắc tài
Phù dung hướng kiểm lưỡng biên khai
Loạn nhập trì trung khan bất kiến
Văn ca thủy giác hữu nhân lai.
Vương Xương Linh

BÀI CA HÁI SEN

Lá sen quần lụa một màu
Hoa phù dung nở đỏ au má đào
Khó nhìn vì lẫn trong ao
Nghe ca mới biết ai vào đâu đây.
Đinh Vũ Ngọc


II.1 So sánh phần Niêm quy định bởi dải số KS và phần Niêm áp dụng trong Đường Thi :

Trong bài thất ngôn bát cú Đường Luật, dải số KS chỉ dùng duy nhất phép Niêm 1-4 2-3, (do qui định 2-3 và 6-7 của dải số) cho hai phần tứ cú của bài bát cú.

Còn Đường Thi thì dùng cả hai phép Niêm 1-4 2-3 và 1-3 2-4, đồng thời cho phép hai phần tứ cú (của bài bát cú) tự do dùng phép Niêm khác nhau.

Về Luật : Sau khi viết đúng phép Niêm (nhì-tứ-lục phân minh), tùy theo chữ thứ 2 của câu thơ đầu là Bằng hay Trắc mà người ta gọi bài thơ Tứ cú đó là theo luật Bằng hay theo luật Trắc.

II.2 So sánh phần Luật quy định bởi dải số KS và phần Luật áp dụng trong Đường Thi :

Trong bài thất ngôn bát cú Đường Luật, dải số KS quy định 2 phần tứ cú trên và dưới của bài bát cú, đều phải cùng theo một luật, hoặc cả hai đều theo Luật Trắc hoặc cả hai đều theo Luật Bằng (do qui định 1-8 và 4-5 của dải số).

Nhưng hai bài tứ cú nối tiếp nhau có thể khác Luật mà vẫn hay. Nên Đường Thi cho phép hai phần tứ cú của bài bát cú Đường Luật được tự do dùng Luật khác nhau.

Ghi chú cho phần II. Những điều nói về sự quy định của dải số KS mọi người đều thấy được khi phân tách dải số như trên.
Những điều nói về cách chơi của Đường Thi, mọi người đều thấy được trên phần kỹ thuật của những bài Đường Thi còn lưu truyền.

III. Minh chứng những điều vừa nói trên về Niêm Luật :

III.1/ loại thơ TNBC Đường Luật được dải số KS chấp nhận
dải số KS chấp nhận hai bài tứ cú có Niêm trên/dưới giống nhau (với phép Niêm 1-4 2-3) và Luật trên/dưới giống nhau.

Ví dụ 1.a/ hai bài tứ cú trên/dưới đều theo Niêm 1-4 2-3 và đều theo luật Bằng
(1-4 2-3 Bằng, 1-4 2-3 Bằng)

KHÚC GIANG NHỊ THỦ (kỳ nhị)

Triều hồi nhật nhật điển xuân y
Mỗi nhật giang đầu tận túy quy
Tửu trái tầm thường hành xứ hữu
Nhân sinh thất thập cổ lai hi

Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện
Ðiểm thủy thanh đình khoản khoản phi
Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển
Tạm thời tương thưởng mạc tương vi.
Ðỗ Phủ

HAI BÀI THƠ TRÊN SÔNG KHÚC GIANG (bài hai)

Mỗi buổi chầu lui thường cố áo (cố = cầm, cố)
Bên sông say khướt mới ra về
Vài ba nợ rượu đâu không có
Bẩy chục đời người dễ mấy khi
Cánh bướm vờn hoa bay thấp thoáng
Ðuôi chuồn giỡn nước kéo lê thê
Xưa nay quang cảnh cùng thay đổi
Ðược lúc vui chơi há ngại gì.
Bùi Khánh Ðản


Xin nêu kèm theo một bài thơ chữ Nôm dùng cách Niêm/Luật (1-4 2-3 Bằng, 1-4 2-3 Bằng) này là :

TÔN PHU NHƠN QUI THỤC (họa)

Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng
Giả mặt trời chiều biệt cõi Ðông
Khói tỏa đồi Ngô un sắc thắm
Duyên về đất Thục đượm màu hồng

Hai vai tơ tóc bền trời đất
Một gánh cương thường nặng núi sông
Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết
Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng.
Phan-Văn-Trị

Ví dụ 1.b/ hai bài tứ cú trên/dưới đều theo Niêm 1-4 2-3 và đều theo luật Trắc
(1-4 2-3 Trắc, 1-4 2-3 Trắc)

KHÚC GIANG ÐỐI TỬU

Uyển ngoại giang đầu tọa bất quy
Thủy tinh cung điện chuyển phi vi
Ðào hoa tế trục dương hoa lạc
Hoàng điểu thời kiêm bạch điểu phi

Túng ẩm cửu biền nhân cộng khí
Lãn triều chân dữ thế tương vi
Lại tình cánh giác Thương Châu viễn
Lão đại đồ thương vị phất y.
Ðỗ Phủ

UỐNG RƯỢU TRÊN SÔNG KHÚC GIANG

Ngồi mãi bên vườn bến Khúc Giang
Thủy tinh cung điện bóng mờ gương
Hoa tơi tả rụng đào chen liễu
Chim nhởn nhơ bay trắng lẫn vàng
Chén rượu thường say người đã chán
Phiên chầu vẫn trễ tiếng còn mang
Biết rằng hoạn lộ xa tiên cảnh
Tuổi tác chưa về nghĩ tự thương.
Bùi Khánh Ðản


Xin nêu kèm theo một bài thơ chữ Nôm dùng cách Niêm/Luật (1-4 2-3 Trắc, 1-4 2-3 Trắc) này là :

TÔN PHU NHƠN QUI THỤC (xướng)

Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Ðông
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
Về Hán trau tria mảnh má hồng

Son phấn thà cam dày gió bụi
Ðá vàng chi để thẹn non sông
Ai về nhắn với Châu-Công-Cẩn
Thà mất lòng anh đặng bụng chồng.
Tôn-Thọ-Tường

Đa số TNBC Đường Thi và thơ TNBC Đường Luật chữ Nôm (quốc ngữ) đều dùng hai cách Niêm/Luật này.

III.2/ loại thơ TNBC Đường Luật không được dải số KS chấp nhận
dải số KS không chấp nhận những cách Niêm Luật khác của Đường Thi như là :

Ví dụ 2.a/ dải số KS không chấp nhận hai bài tứ cú trên/dưới khác Luật, mặc dầu đều theo Niêm 1-4 2-3
(1-4 2-3 Trắc, 1-4 2-3 Bằng)

VĂN LÂN GIA LÝ TRANH

Bắc đẩu hoành thiên dạ dục lan
Sầu nhân ỷ nguyệt tứ vô đoan
Hốt văn họa các Tần tranh dật
Tri thị lân gia Triệu nữ đàn

Khúc thành hư ức song nga liễm
Điệu cấp giao liên ngọc chỉ hàn
Ngân thược trùng quan thính vị tịch
Bất như miên khứ mộng trung khan.
Từ An Trinh

NGHE ĐÀN TRANH NHÀ HÀNG XÓM

Bắc đẩu ngang trời đêm sắp tan
Buồn trong trăng sáng ý mơ màng
Chợt nghe gác họa âm Tần vọng
Mới biết nhà bên gái Triệu đàn
Khúc trọn hẳn chau đôi mắt ngọc
Điệu mau e buốt ngón tay vàng
Lắng nghe then khóa còn chưa mở
Ngủ quách may ra mộng gặp nàng.
Đinh Vũ Ngọc


Cùng theo cách chơi : Niêm giống nhau nhưng Luật khác nhau còn có :

Thơ chữ Nôm với bài :
HÀ TIỆN của Nguyễn Minh Triết

Thơ chữ Hán với các bài Đường Thi :
DẠ BIỆT VI TƯ SĨ của Cao Thích
BÁN NHẬT THÔN của Tiền Khởi
KINH NAM ÐẠO HOÀI CỔ của Lưu Vũ Tích
(nguyên văn những bài này sẽ kê riêng phía sau, để tránh sự loảng ý cho phần giải thích còn nhiều tiếp nối)

Ví dụ 2.b/ dải số KS không chấp nhận hai bài tứ cú trên/dưới khác Niêm, mặc dù đều cùng theo 1 Luật
(1-3 2-4 Bằng, 1-4 2-3 Bằng)

KÝ THÔI THỊ NGỰ

Uyển khê sương dạ thính viên sầu
Khứ quốc trường như bất hệ châu
Độc liên nhất nhạn phi Nam độ
Khước tiện song khê giải Bắc lưu

Cao nhân lũ giải Trần Phồn tháp
Quá khách nan đăng Tạ Diễu lâu
Thử xứ biệt ly đồng lạc diệp
Triêu triêu phân tán Kính Đình thu.
Lý Bạch

GỬI QUAN THỊ NGỰ HỌ THÔI

Vượn khóc đêm sương xứ uyển khê
Như thuyền không buộc mãi xa quê
Nhạn đành lẻ một phương Nam đến
Suối chẳng chung đôi đất Bắc về
Hạ chỏng Trần Phồn còn lắm kẻ
Leo lầu Tạ Diễu khó trăm bề
Nơi đây lá rụng cùng chia biệt
Núi Kính Đình thu vẫn cách ly.
Đinh Vũ Ngọc


Cùng theo cách chơi : Luật giống nhau nhưng Niêm khác nhau còn có :

Thơ chữ Nôm với bài :
DĨ HÒA VI QUÝ của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Thơ chữ Hán với các bài :
ÐỘC TIỂU THANH KÝ của Nguyễn Du
ĐĂNG KIM LĂNG PHƯỢNG HOÀNG ĐÀI của Lý Bạch
THÀNH TÂY PHA PHIẾM CHU của Đỗ Phủ

Ví dụ 2.c/ dải số KS không chấp nhận hai bài tứ cú trên/dưới đều khác Niêmkhác Luật
(1-3 2-4 Trắc, 1-4 2-3 Bằng)

HOÀI CỔ TÍCH - KỲ NHỊ

Dao lạc thâm tri Tống Ngọc bi
Phong lưu nho nhả diệc ngô sư
Trướng vọng thiên thu nhất sái lệ
Tiêu điều dị đại bất đồng thì

Giang san cố trạch không văn tảo
Vân hoang đài khởi mộng tư
Tối thị Sở cung câu dẫn diệt
Châu nhân chỉ điểm đáo kim nghi.
Đỗ Phủ

NHỚ CHUYỆN XƯA – BÀI HAI

Tống Ngọc sầu thương cảnh rụng rơi
Phong lưu nho nhả bậc thầy tôi
Nghìn thu tưởng nhớ còn rơi lệ
Một cảnh tiêu sơ dẫu khác thời
Sông núi nhà xưa văn vẻ đó
Mây mưa đài cũ mộng mơ thôi
Thương thay cung Sở tiêu tan hết
Nơi lái thuyền xưa chỉ vẫn ngờ.
Đinh Vũ Ngọc


Cùng theo cách chơi : Niêm khác nhau, Luật cũng khác nhau còn có :
Thơ chữ Nôm với bài :
VỊNH DẾ DUỖI của Tú Quỳ

Thơ chữ Hán với các bài Đường Thi :
ĐĂNG TÙNG GIANG DỊCH LÂU BẮC VỌNG CỐ VIÊN của Lưu Trường Khanh
TÍCH VŨ VÕNG XUYÊN TRANG TÁC của Vương Duy
TỐNG TIỀN VỆ HUYỆN - LÝ THẨM THIẾU PHỦ của Cao Thích

Ví dụ 2.d/ dải số KS không chấp nhận phép Niêm 1-3 2-4
(1-3 2-4 Trắc, 1-3 2-4 Trắc)

CHƯỚC TỬU DỮ BÙI DỊCH

Chước tửu dữ quân quân tự khoan
Nhân tình phiên phúc tự ba lan
Bạch thủ tương tri do án kiếm
Chu môn tiên đạt tiếu đàn quan

Thảo sắc toàn kinh tế vũ thấp
Hoa chi dục động xuân phong hàn
Thế sự phù vân hà túc vấn
Bất như cao ngọa thả gia xan.
Vương Duy

RÓT RƯỢU MỜI BÙI DỊCH

Mời anh cạn chén để nguôi sầu
Tráo trở tình đời khác sóng đâu
Tóc trắng quen thân còn thủ kiếm
Cửa son hiển đạt lại cười nhau
Mưa dầm cỏ dại càng phơi phới
Gió lạnh hoa xuân chịu dãi dầu
Chuyện thế mây trôi thôi chớ hỏi
Chi bằng ăn ngủ khỏi lo âu.
Đinh Vũ Ngọc


Cùng theo cách chơi : Luật giống nhau, Niêm giống nhau với 1-3 2-4 còn có bài Đường Thi :
ĐỀ ĐÔNG KHÊ CÔNG U CƯ của Lý Bạch

Ghi chú cho phần III. Những cách chơi : Niêm giống nhau hay khác nhau, Luật giống nhau hay khác nhau, trên hai phần tứ cú của bài TNBC, mọi người đều có thể nhìn thấy trên các bài Đường Thi lưu truyền.

IV. Xin trả lại César những gì của César :

Ngoài hai bài KHÚC GIANG NHỊ THỦ (kỳ nhị) và KHÚC GIANG ÐỐI TỬU được dải số KS chấp nhận, tất cả những bài Đường Thi khác nêu trong bài viết này đều bị giới trung thành với dải số KS gọi là thơ “thất Niêm” hay thơ “phá cách” hoặc thơ Cổ Phong.

trả lời về tiếng gọi là “thơ thất Niêm”

Nhưng sự phân tích vừa nêu trên về phần kỹ thuật của các bài thất ngôn bát cú Đường Thi đã cho thấy rõ ràng rằng cách chơi của thi nhân đời Đường đi theo những nguyên tắc rộng rãi hơn cách chơi quy định bởi dải số KS 1-8 2-3 4-5 6-7.
Hai phần 4 câu của bài bát cú Đường Thi, hoặc theo phép Niêm 1-4 2-3 hoặc theo phép Niêm 1-3 2-4 thông dụng của thơ Tứ cú, nên không thể gọi là thất Niêm. Vì nếu thực sự “thất Niêm” thì các câu niêm nhau phải nằm bừa bãi, lộn xộn, vô chừng như niêm 1-2 hay 3-4 hay 1-2-3-4 v.v.

trả lời về tiếng gọi là “thơ phá cách”

1/ Thi nhân đời Đường sử dụng cả 2 phép Niêm thông dụng của thơ tứ cú là 1-4 2-3 và 1-3 2-4 cho hai phần tứ cú của bài bát cú. Còn dải số KS 1-8 2-3 4-5 6-7 thì chỉ sử dụng duy nhất phép Niêm 1-4 2-3 (do 2-3 và 6-7 của dải số).
2/ Thi nhân đời Đường cho hai phần tứ cú tự do theo Niêm riêng, theo Luật riêng, không lệ thuộc lẫn nhau. Còn dải số KS 1-8 2-3 4-5 6-7 thì bắt buộc hai phần tứ cú phải Niêm giống nhau (do 2-3 và 6-7 của dải số) và phải có Luật giống nhau (do 1-8 và 4-5 của dải số).

Đó là cách chơi có nguyên tắc hẳn hoi của thi nhân đời Đường. Các bài Đường Thi bị dải số KS loại ra đều nằm trong những cách chơi này. Việc xảy ra như thế chỉ vì dải số KS không bao gồm được hết mọi cách chơi của Đường Thi.
Lỗi là ở sự “thiếu cách” trong dải số KS chứ không có sự “phá cách” của Đường Thi.

trả lời về tiếng gọi là “thơ Cổ Phong”

Thơ Cổ Phong có nhiều đặc điểm : có thể dùng nhiều vần, có thể có số câu là 6, 8, 10, 12, không cần có “đối”, không cần theo Niêm Luật.

Vậy tại sao trong số khá nhiều bài Đường Thi bị xếp vào loại thơ Cổ Phong, lại :
không có bài nào mang hơn 1 vần ?
không có bài nào có số câu là 6 hay 10 hay 12 ?
không có bài nào không có đối ở cặp 3-4 và 5-6 của bài bát cú ?
không có bài nào có được một vài câu với nhì-tứ-lục chẳng phân minh ?
không có bài nào có những nhóm 4 câu dùng Niêm khác hơn là 1-4 2-3 hay 1-3 2-4 ?

Tóm lại trong nhóm đó, không có được một bài nào, mang được một đặc điểm nào của thơ Cổ Phong. Thế thì làm sao gọi những bài đó là thơ Cổ Phong được ?

Ghi chú cho phần IV. Định nghĩa trên đây của thơ Cổ Phong mọi người đều có thể tìm thấy trong các sách giáo khoa.

V. từ đâu ra dải số KS 1-8 2-3 4-5 6-7 ?

Dải số KS 1-8 2-3 4-5 6-7 chỉ cho phép 2 cách chơi thông dụng nhất của thi nhân đời Đường.

Nên có thể đoán rằng ở thời khoa cử, vì thấy không tiện chấm thi nếu áp dụng tất cả mọi cách chơi đa dạng của Đường Thi, nên các quan chỉ cho các sĩ tử Học và Thi trên 2 loại thơ phổ thông nhất mà thôi. Và dải số KS được nghiên cứu ra, nhắm vào 2 loại Niêm/Luật này, để giúp sự chấm thi được thực hiện dễ dàng nhanh chóng.

Dù đúng vậy hay không đúng vậy dải số KS cũng không có đủ tư cách đại diện cho Đường Luật, vì nó chỉ gồm có một phần nhỏ cách chơi của thi nhân đời Đường, mặc dù hai cách chơi này là phổ thông nhất, có số nhiều bài thơ nhất.

Cách chơi của thi nhân đời Đường trong các bài thất ngôn bát cú Đường Thi có thể mô tả với công thức lô-gic sau đây :

viết theo số câu của 2 bài tứ cú, thì là :
(1-4 2-3 OR 1-3 2-4) AND (1-3 2-4 OR 1-4 2-3)

hoặc viết theo số câu của bài bát cú thì là :
(1-4 2-3 OR 1-3 2-4) (5-7 6-8 OR 5-8 6-7)

Với công thức này, hai bài tứ cú : trên (câu 1 đến 4) và dưới (câu 5 đến 8) đều hoàn toàn độc lập để chọn phép Niêm 1-4 2-3 hay 1-3 2-4 cho riêng mình.
Về Luật cả hai bài tứ cú cũng hoàn toàn tự do, trúng nhằm Luật nào cũng được cả, vì trong công thức không có sự ràng buộc nào khác.

Ghi chú cho phần V. Xuất xứ của dải số chỉ là điều ức đoán. Đúng hay sai đều không ảnh hưởng tới phần nhận xét về công dụng của nó.
Cách chơi rộng rãi của thi nhân đời Đường, mọi người đều có thể nhận ra khi phân tách phần kỹ thuật dùng trên các bài Đường Thi lưu truyền.

VI. Nguyên văn các bài thơ chỉ mới kê tên phía trên :

Cùng theo cách chơi : Niêm giống nhau nhưng Luật khác nhau còn có :

Thơ chữ Nôm với bài :
HÀ TIỆN (1-4 2-3 Bằng, 1-4 2-3 Trắc)

Giàu thì ba bữa khó thì hai
Lần lữa cho qua tháng thiếu đầy
Nón đổi lá ngoài quần đổi ống
Dép thay da mặt túi thay quai

Dặn vợ có cà đừng gắp mắm
Bảo con bớt gạo bỏ thêm khoai
Thế gian mặc kẻ cười hà tiện
Ta chẳng phiền ai chẳng lụy ai.
Nguyễn-Minh-Triết

Thơ chữ Hán với các bài Đường Thi :
DẠ BIỆT VI TƯ SĨ (1-4 2-3 Trắc, 1-4 2-3 Bằng)

Cao quán trương đăng tửu phục thanh
Dạ chung tàn nguyệt nhạn quy thanh
Chỉ ngôn đề điểu kham cầu lữ
xuân phong dục tống hành

Hoàng khúc lý sa vi ngạn
Bạch tần biên liễu hướng thành
Mạc oán tha phương tạm ly biệt
Tri quân đáo xứ tẫn phùng nghinh.
Cao Thích

ĐÊM TỪ BIỆT QUAN TƯ SĨ HỌ VI

Đèn giăng cao quán tiệc lâm hành
Nhạn vắng chuông ngân bóng nguyệt chênh
Chim hót gợi lòng ai nhớ bạn
Xuân sang buồn nỗi khách xa mình
Hoàng Hà uốn khúc bờ phơi cát
Bạch Mã xa trông liễu hướng thành
Đừng hận tha hương cùng tạm biệt
Nơi nao ông đến chẳng hoan nghênh.
Bùi Khánh Đản


BÁN NHẬT THÔN (1-4 2-3 Trắc, 1-4 2-3 Bằng)

Bán Nhật ngô thôn đới vãn hà
Nhàn môn cao liễu loạn phi nha
Hoành vân lĩnh ngoại thiên trùng thụ
Lưu thủy thanh trung nhất lưỡng gia

Sầu nhân tạc dạ tương tư khổ
Nhuận nguyệt kim niên xuân ý xa
Tự thán Mai Sinh đầu tự tuyết
Khước liên Phan Lệnh huyện như hoa.
Tiền Khởi

THÔN BÁN NHẬT

Ráng tỏa trời chiều Bán Nhật thôn
Chim bay liễu rủ trước nhàn môn
Ngàn trùng cây núi làn mây phủ
Vài nóc nhà bên suối nước tuôn
Ðêm trước người buồn vương nhớ mãi
Năm nay tháng nhuận ý xuân dồn
Ðã thương Phan Lệnh hoa đầy huyện
Ðầu bạc Mai Sinh lại xót hơn.
Bùi Khánh Ðản


KINH NAM ÐẠO HOÀI CỔ (1-4 2-3 Trắc, 1-4 2-3 Bằng)

Nam quốc sơn xuyên cựu đế kỳ
Tống đài Lương tạ thượng y hi
cổ thụ hành nhân yết
Mạch hoang thành dã trĩ phi

Phong xuy lạc diệp điền cung tỉnh
Hoả nhập hoang lăng hóa bảo y
Ðồ sử Từ thần Dữu Khai phủ
Hàm Dương chung nhật khổ tư quy.
Lưu Vũ Tích

ÐẠO KINH NAM HOÀI CỔ

Ðô cũ miền Nam ở chốn này
Ðình Lương đài Tống dấu còn đây
Cây cao ngựa hí hành nhân vắng
Lúa tốt thành hoang dã trĩ bay
Lăng cũ áo bào mồi lửa đốt
Cung xưa giếng ngự lá thu đầy
Lòng quê cám cảnh Từ thần Dữu
Ở đất Hàm Dương nhớ suốt ngày.
Bùi Khánh Ðản


Cùng theo cách chơi : Luật giống nhau nhưng Niêm khác nhau còn có :

Thơ chữ Nôm với bài :
DĨ HÒA VI QUÝ (1-3 2-4 Trắc, 1-4 2-3 Trắc)

thế đừng tranh tiếng trượng phu
Làm chi cho có sự đôi co
Đây cậy đây khôn đây chẳng nhịn
Ðấy rằng đấy phải đấy không thua

Duật nọ hãy còn đua đến bạng
Lươn kia hầu dễ kém chi cò
Chữ rằng : Nhân dĩ hòa vi quý
sự thì hơn khỏi phải lo.
Nguyễn-Bỉnh-Khiêm

Thơ chữ Hán với các bài :
ÐỘC TIỂU THANH KÝ (1-4 2-3 Bằng, 1-3 2-4 Bằng)

Tây Hồ mai uyển tẫn thành khư
Ðộc điếu song tiền nhất chỉ thư
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư

Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
Nguyễn-Du

ĐĂNG KIM LĂNG PHƯỢNG HOÀNG ĐÀI (1-3 2-4 Bằng, 1-4 2-3 Bằng)

Phượng Hoàng Ðài thượng phượng hoàng du
Phượng khứ đài không giang tự lưu
Ngô cung hoa thảo mai u kính
Tấn đại y quan thành cổ khâu

Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại
Nhị thủy trung phân bạch lộ châu
Tổng vị phù vân năng tế nhật
Trường An bất kiến sử nhân sầu.
Lý Bạch

LÊN ĐÀI PHƯỢNG HOÀNG Ở KIM LĂNG

Chim Phượng hoàng chơi lầu Phượng hoàng
Phượng bay lầu trống với trường giang
Cung Ngô hoa cỏ con đường rậm
Thời Tấn xiêm y nấm mộ tàn
Ngọn núi Tam Sơn trời xẻ nửa
Dòng sông Nhị Thủy bãi chia ngang
Ô hay mây nổi che trời sáng
Chẳng thấy Trường An sầu chứa chan.
Đinh Vũ Ngọc


THÀNH TÂY PHA PHIẾM CHU (1-3 2-4 Bằng, 1-4 2-3 Bằng)

Thanh nga hạo xỉ tại lâu thuyền
Hoành dịch đoản tiêu bi viễn thiên
Xuân phong tự tín nha tường động
Trì nhật từ khan cẩm lãm khiên

Ngư xuy tế lãng dao ca phiến
Yến xúc phi hoa lạc vũ diên
Bất hữu tiểu chu năng đảng tưởng
Bách hồ ra tống tửu như tuyền.
Đỗ Phủ

CHƠI THUYỀN PHÍA TÂY THÀNH

Mày xanh răng trắng tựa thuyền lầu
Sáo ngắn tiêu ngang đưa giọng sầu
Gió xuân dám động cột ngà trắng
Bóng xế nhìn qua dải gấm màu
Cá phun sóng gợn quạt ca dậy
Yến giẫm hoa bay múa tiệc chầu
Không có thuyền con chèo quẩy nước
Thì trăm vò rượu chảy về đâu ?!
Nguyễn Hữu Huyên


Cùng theo cách chơi : Niêm khác nhau, Luật cũng khác nhau còn có :
Thơ chữ Nôm với bài :
VỊNH DẾ DUỖI (1-3 2-4 Trắc, 1-4 2-3 Bằng)

Kiến chẳng kiến mà voi chẳng voi
Ðời sanh dế duổi cũng choi choi
Ngắn cánh lên trời không đủ sức
Co tay vạch đất cũng khoe tài
Mưa tuôn gió tạt lên cao ở
Lửa bỏng dầu sôi nhảy đến chơi
Quân tử có thương thời chớ phụ
Ðể cho bay nhảy thử mà coi.
Tú Quỳ

Thơ chữ Hán với các bài Đường Thi :
ĐĂNG TÙNG GIANG DỊCH LÂU BẮC VỌNG CỐ VIÊN (1-4 2-3 Trắc, 1-3 2-4 Bằng)

Lệ tận giang lâu vòng Bắc quy
Điền viên dĩ hãm bách trùng vi
Bình vạn lý hà nhân khứ
Lạc nhật thiên sơn không điểu phi

chu dạng dạng hàn triều tiểu
Cực phố thương thương viễn thụ vi
Bạch âu ngư phủ đồ tương đãi
Vị tảo Sam Thương lãn tức ky.
Lưu Trường Khanh

LÊN LẦU TRẠM TÙNG GIANG - TRÔNG VỀ QUÊ PHƯƠNG BẮC

Lầu sông lệ cạn trông về Bắc
Vườn ruộng trăm vòng chịu bủa vây
Vạn dặm đồng không người chẳng đến
Nghìn non chiều xuống chim còn bay
Thuyền đơn thấp thoáng triều se lạnh
Bến cũ xanh xanh cây mọc dày
Âu trắng ngư ông xin hãy đợi
Chưa qua hoạn nạn khó về ngay.
Đinh Vũ Ngọc


TÍCH VŨ VÕNG XUYÊN TRANG TÁC (1-3 2-4 Trắc, 1-4 2-3 Bằng)

Tích không lâm yên hỏa trì
Chưng xuy thử hướng đông truy
Mạc mạc thủy điền phi bạch lộ
Âm âm hạ mộc chuyển hoàng ly

Sơn trung tập tĩnh quan triêu cận
Tùng hạ thanh trai chiết lộ quỳ
lão dữ nhân tranh tịch bãi
Hải âu hà sự cánh tương nghi.
Vương Duy

LÀM TẠI NHÀ VÕNG XUYÊN LÚC MƯA DẦM

Rừng vắng mưa dầm lửa khói xông
Củi lê cháo nếp đãi dân nông
Mênh mông ruộng nước cò bay trắng
Rậm mát cây hè oanh hót vang
Trong núi tập thiền xem cảnh sớm
Dưới tùng chay tịnh bẽ quì sương
Già quê tranh tiệc cùng người vãng
Âu biển can chi cứ ngại ngùng.
Nguyễn Hữu Huyên


TỐNG TIỀN VỆ HUYỆN - LÝ THẨM THIẾU PHỦ (1-3 2-4 Trắc, 1-4 2-3 Bằng)

Hoàng điểu phiêu phiêu dương liễu thùy
Xuân phong tống khách sử nhân bi
Oán biệt tự kinh thiên lý ngoại
Luân giao khước ức thập niên thì

Vân khai Mấn Thủy cô phàm viễn
Lộ nhiễu Lương Sơn thất mã trì
Thử địa tòng lai khả thừa hứng
Lưu quân bất trú ích thê kỳ.
Cao Thích

TIỄN ĐƯA QUA THIẾU PHỦ - LÝ THẨM HUYỆN TIỀN VỆ

Vút giọng oanh vàng tơ liễu buông
Gió xuân tiễn khách dạ sầu thương
Chia ly ngàn dặm bao đau xót
Gắn bó mười năm mấy vấn vương
Mấn Thủy mây giăng buồm lẻ bóng
Lương Sơn ngựa chậm núi chen đường
Nơi đây ngày trước cùng vui thú
Chẳng giữ chân anh thật đáng buồn !
Đinh Vũ Ngọc


Cùng theo cách chơi : Luật giống nhau, Niêm giống nhau với 1-3 2-4 còn có bài Đường Thi :
ĐỀ ĐÔNG KHÊ CÔNG U CƯ (1-3 2-4 Trắc, 1-3 2-4 Trắc)

Đỗ Lăng hiền nhân thanh thả liêm = bỏ luật ở chữ "Lăng"
Đông Khê bốc trúc tuế thời yêm
Trạch cận thanh sơn đồng Tạ Diễu
Môn thùy bích liễu tự Đào Tiềm

Hảo điểu nghinh xuân ca hậu viện
Phi hoa tống tửu vũ tiền thiềm
Khách đáo đãn tri lưu nhất túy
Bàn trung chi hữu thủy tinh diêm.
Lý Bạch

ĐỀ CHỖ Ở ẨN CỦA ĐÔNG KHÊ CÔNG

Đỗ Lăng đã nổi tiếng người hiền
Về ẩn Đông Khê trải mấy niên
Nhà cận núi xanh như Tạ Diễu
Cửa buông liễu biếc tựa Đào Tiềm
Đón xuân chim quý ca sau viện
Mời rượu hoa bay múa trước hiên
Khách đến nài nhau say một bữa
Trong mâm chỉ có muối tinh nghiền.
Đinh Vũ Ngọc


Ghi chú cho phần VI. Những bài thơ TNBC Đường Luật (chữ quốc ngữ) và TNBC Đường Thi (chữ Hán Nôm) trên đây đều được chép từ sách nọ sách kia và từ những tập thơ Đường (dịch thơ Đường) của vài tác giả. Đối chiếu với nhau thì có thấy vài sự sai biệt, nhưng không quan trọng.
Mong được thông cảm.

VII. Theo dấu Đường Thi :

Người chơi thơ Đường Luật hiện nay đều tuân thủ chặt chẻ phép Niêm theo dải số KS 1-8 2-3 4-5 6-7. Nhưng lắm lúc thi hứng và thi tứ tự nhiên đưa họ lọt vào một cách chơi hoàn toàn đúng theo nguyên tắc chơi của thi nhân đời Đường. Khi được các bạn trung thành với dải số KS nhắc lỗi, hoặc tự thấy, thì họ lập tức sửa ngay, mặc dầu những câu thơ ấy không có khuyết điểm nào, mà có khi lại ‘hay hơn’ những câu được sửa lại.

Xin nêu 2 trường hợp gặp gần đây :

Bài thứ nhất : Hồn thơ = nguyên văn theo cảm hứng đầu tiên của tác giả

Gió thoảng trùng dương sóng gọi bờ
Trăng vàng chếch bóng dậy hồn thơ

Nước chảy trên sông làn nước đục
Mây che đỉnh núi áng mây mờ
Nhà tranh xiêu vẹo bên triền núi
Vách đất cong queo cạnh suối mơ
Gác vắng đêm dài trông nguyệt lặng
Tình quên thệ ước để duyên chờ.
Vancali 6.2.09
nhưng tác giả tự thấy và tự cho là sai nên nhắn yêu cầu các bạn sửa lại 2 câu đầu là :
Trùng dương gió thoảng sóng xô bờ
Chếch bóng trăng vàng dậy túi thơ = “dậy túi thơ” thì nghe chẳng hay bằng “dậy hồn thơ”

Bài Hồn thơ này lúc chưa sửa thuộc loại :
Niêm khác nhau, Luật cũng khác nhau giống như :
Thơ chữ Nôm với bài :
VỊNH DẾ DUỖI của Tú Quỳ

Thơ chữ Hán với các bài Đường Thi :
ĐĂNG TÙNG GIANG DỊCH LÂU BẮC VỌNG CỐ VIÊN của Lưu Trường Khanh
TÍCH VŨ VÕNG XUYÊN TRANG TÁC của Vương Duy
TỐNG TIỀN VỆ HUYỆN - LÝ THẨM THIẾU PHỦ của Cao Thích

Bài thứ nhì : Ghẹo Bạn = nguyên văn theo cảm hứng đầu tiên của tác giả

Bạn hiền cứ nói đến đây vui
Thấy rượu sợ say lại trốn chui
Chỉ mấy ly quèn đưa đẩy tới
Vài ba xị nhạt thoái de lùi
Mời ăn lại chối không cầm đũa
Đã nhậu mà sao hổng thấy mùi
Cao đô bởi ngại bà nhà hứ
Chỉ dám ngồi đong nước ngọt thôi.

Đồng Lão
được một ông bạn nhắc nên tác giả sửa 2 câu chót lại là :
Chắc ngại về nhà nghe vợ hứ = câu này kém súc tích hơn câu chưa sửa
Đành xơi nước ngọt một mình thôi.

Bài Ghẹo Bạn lúc chưa sửa, thuộc loại
Niêm khác nhau, Luật giống nhau như :
bài thơ chữ Nôm :
DĨ HÒA VI QUÝ của Nguyễn Bỉnh Khiêm

và các bài thơ chữ Hán :
ÐỘC TIỂU THANH KÝ của Nguyễn Du
ĐĂNG KIM LĂNG PHƯỢNG HOÀNG ĐÀI của Lý Bạch
THÀNH TÂY PHA PHIẾM CHU Đỗ Phủ
KÝ THÔI THỊ NGỰ của Lý Bạch
ÐẰNG VƯƠNG CÁC của Vương Bột

Còn có rất nhiều trường hợp khác mà sự rung cảm tự nhiên lôi cuốn thi nhân lọt vào các phép chơi đa dạng của Đường Thi.
Một số lớn có thể đã bị vứt vào sọt rác, hay được miễn cưỡng sửa lại vá víu kém hay. Còn đây là những bài may mắn còn giữ nguyên được cái cảm hứng đầu tiên của tác giả :

Bạn Sao Mai lúc mới học chơi với thơ Đường, làm 4 bài thơ đầu tiên, đều không trúng vào dải số KS 1-8 2-3 4-5 6-7, nhưng đều trúng vào phép chơi của Đường Thi :

Bài đầu tiên của Sao Mai :

THỔN THỨC (1-3 2-4 Bằng, 1-4 2-3 Trắc)
(Hoàn toàn đúng nguyên tắc cách chơi của thi nhân đời Đường)

Diễn đàn ai mở hội đua thi
tử gần xa ghé tức thì
Anh ra vế đối sao mà chắc
Chị họa vần thơ rõ thật hay !

Cách mặt Năm châu tình góp lại
Chung lòng Bốn biển nghĩa không phai !
Quê hương chạnh bóng hồn non nước
Thổn thức lòng son chút mộng này !
SM

bài thứ hai của Sao Mai :

LỜI CẢM TẠ (1-3 2-4 Trắc, 1-3 2-4 Bằng)
(Hoàn toàn đúng nguyên tắc cách chơi của thi nhân đời Đường)

Cảm tạ tiền nhân giúp một tay
Chỉ ra Niêm Luật đã an bài
Mỗi ý mỗi lời nghe rạo rực
Từng câu từng chữ ngẫm mà hay !

Dám đâu tính chuyện so cao - thấp
Mạo muội mưu lòng để biết say !
Nghiêng mình đáp lại lời trìu mến
Lễ mọn vần thơ xao xuyến thay !
SM

Bài thứ ba của Sao Mai :

DUYÊN NỢ (1-4 2-3 Trắc, 1-4 2-3 Bằng)
(Hoàn toàn đúng nguyên tắc cách chơi của thi nhân đời Đường)

Mắc nợ tình thơ với bạn hiền
Cũng tạo hóa khéo se duyên !
Từng câu từng chữ hồn vương đọng
Mỗi ý mỗi vần dạ khắc tên !

Non xanh suối biếc cùng vui dạo
Biển ngọc mây hồng thỏa chí riêng
Muôn dặm từ đây chung một lối
Niềm say kết nối vạn lòng vàng !
SM

Bài thứ tư của Sao Mai :

NGHỊCH CẢNH (1-3 2-4 Trắc, 1-4 2-3 Bằng)
(Hoàn toàn đúng nguyên tắc cách chơi của thi nhân đời Đường)

Khắp chốn đua nhau tới thị thành
Nhập nhoè đèn đỏ với đèn xanh
Ưỡn ẹo đong đưa kìa mấy ả
Mốt âu bóng mượt nọ vài anh

Tưng bừng hội chợ bao đồ xịn
Tấp nập đường hoa lắm kẻ giành
biết gầm cầu bao đứa trẻ
Sống đời ghẻ lạnh kiếp ăn xin.
SM

Và nhiều nhà thơ khác cũng thế : gặp lúc thi tứ thích hợp thì tự nhiên viết ra theo kiểu cách của thi nhân đời Đường, mà không hay :

KHỔ THÂN THẦY ĐỒ (1-3 2-4, 1-4 2-3)
(Hoàn toàn đúng nguyên tắc cách chơi của thi nhân đời Đường)

Này mực, này nghiên mệt thí mồ
Lại thêm trét giấy với pha hồ
Tướng cứ gầy tong mồm cứ há
Áo thì ướt nhẹp túi thì khô

Dưới phố xăn quần đon đả khách
Bên đường trải chiếu chực chờ sô*
Chợt nghe có tiếng còi pô-lic
Vội chạy lăng quăng dọn hết đồ.
Tú Lòng...thòng
* show

ĐI HOANG (1-3 2-4 Trắc, 1-4 2-3 Bằng)
(Hoàn toàn đúng nguyên tắc cách chơi của thi nhân đời Đường)

Sống với vợ con chán thấy mồ
Theo chân bạn đến chốn giang hồ
Khách sạn chơi chơm cùng hưởng ké
Lầu hồng nhậu ướt với xơi khô

Ăn ngon phè phỡn chân kêu mỏi
Chén đả gật gù bước nhảy xô
Vợ hỏi vợ la cười chúm chím
Tôi ra phố sắm tặng bà đồ!
Thanh Huy

SỪNG DÊ (1-4 2-3, 1-3 2-4)
(Hoàn toàn đúng nguyên tắc cách chơi của thi nhân đời Đường)

Tại sao chồng lại hơn trời nhỉ.
Chồng chỉ hơn trời đệ nhất dê.
mắt, dê lòng dê cổ thụ
già, dê trẻ cũng là dê

trong bụng mẹ, dê ra ngõ.
thấu trong xương, lộ dáng dê
Mập, già, trẻ, ốm đều dê tất
được cắm sừng của giống dê.
Thảo My

THƠ TÚI RƯỢU BẦU (1-4 2-3, 1-3 2-4)
(Hoàn toàn đúng nguyên tắc cách chơi của thi nhân đời Đường)

Muốn ăn ta gắp bỏ cho người
Khi khách chối từ ta được xơi
Miếng ấy Hùng râu khoe số dách
Chợ chiều Lá rách nhận vai hai

Mời ăn xin nhớ cho vò đế
Chọn món đừng quên lấy thịt cầy
Dế dai tiềm với cờ tây nướng
Thơ túi rượu bầu lại kém ai !
Lá chờ rơi 14/06/07

Ngọt như thơ Đường (1-3 2-4, 1-3 2-4)
(Hoàn toàn đúng nguyên tắc cách chơi của thi nhân đời Đường)

Thơ Đường đối đáp trông hay hay
Trong trẻo ngọt ngào chút đắng cay
Nhà thơ tơi đất cho hạt giống
Đợi đến xuân về được mía cây

Tám câu ngắn ngủi hồn sâu lắng
Lộ tả chân dung độc đáo thay
Như mây yêu gió trên đầu núi
Chìm đắm thơ Đường tim ngất ngây.
Bạch Vân Nam 2007

Vui Xuân Con Trâu (1-3 2-4 Bằng, 1-3 2-4 Trắc)
(Hoàn toàn đúng nguyên tắc cách chơi của thi nhân đời Đường)

Không chờ chẳng đợi cũng nhanh qua
Tiễn chuột mừng trâu đến viếng nhà
Vui Xuân hý hoạ vài câu đối
Đón Tết nhâm nhi mấy chén trà

Xúc cảnh lời vàng bay bỗng mãi
Tri tình bút ngọc toả lan xa
Nắn nót bài thơ xin chúc Bác
Thi ca đám trẻ chạy theo già.
Sương Anh

Bác Lá yêu dấu ! (1-3 2-4 Trắc, 1-3 2-4 Bằng)
(Hoàn toàn đúng nguyên tắc cách chơi của thi nhân đời Đường)

Bác vui đùa bạn hữu đông
Ông đi vắng lặng hỏi buồn không ?
Chỉ lối ngay đường thường đụng chạm
Lời ngay nẻo phải khó tương đồng

Tình ơi kính Lão đời thanh thản
Bạn hởi thương người nước đục trong
Chờ Rơi ở lại đừng xa nhé
tịt hồn thơ muối xát lòng.
Vancali 9.23.08

Ghi chú cho phần VII. Trên đây chỉ là những bài thơ vô tình mà đến với thi nhân.
Loại thơ này không có khuyết điểm nào cả. Chỉ vì nó khác với dải số nên bị gán cho tiếng là thơ thất Niêm, thơ phá cách hay thơ Cổ Phong. Khiến cho các tác giả hoặc phải vá víu sửa lại hoặc vứt bỏ. Thật là một sự phí phạm. Nên trước đây tôi viết một bài loại này với tên là Gánh vàng đem đổ sông Ngô là nói về sự phí phạm đó.
Những bài sửa lại thường không đẹp không hay bằng bài thơ gốc đã đến với thi hứng tự nhiên.
Ở thời khoa cử, dĩ nhiên phải theo lề luật đặt ra mà tôn trọng dải số KS.
Nhưng nay thời khoa cử đã qua. Và phần trình bày phía trên đã cho thấy là dải số KS có khả năng hạn hẹp, chỉ dung nạp 2 cách Niêm Luật thông dụng nhất của Đường Thi chứ không phải là tất cả.

Vả lại từ xưa, thi nhân tiền bối đã mở đường những cách chơi này cho chúng ta :

Nguyễn Du với bài ĐỘC TIỂU THANH KÝ
Nguyễn Bỉnh Khiêm với bài DĨ HÒA VI QUÝ
Nguyễn Minh Triết với bài HÀ TIỆN
Tú Quỳ với bài VỊNH DẾ DUỖI

Vậy tại sao chúng ta không mạnh dạn tiếp tục và công khai sử dụng những phép chơi phóng khoáng của thi nhân đời Đường ?

Thấy sao nói vậy.
Thân ái chào quý bạn.

Lá chờ rơi 04/08/09
<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.08.2009 20:46:35 bởi lá chờ rơi >
#1
    HÀN PHONG 04.08.2009 12:39:51 (permalink)
    Kính chào bác Lá.

    Đọc bài của bác, Hàn đã học hỏi được rất nhiều điều, nhưng vì khả năng hiểu biết có hạn nên HP không dám đánh giá điều gì.

    Cho HP hỏi bác một chút nhé. Giả sử, muốn cho mọi người đi theo cách sáng tác "tự do" này thì phải làm như thế nào? vì những người khi mới làm thơ Đường thường bắt đầu theo sách vở, bởi vậy đã bị gò theo khuôn khổ ngay từ đầu. Ta có cách nào để phá vỡ những định kiến về trường hợp thơ thất niêm ?

    Hiện nay một số người làm thơ Đường (nhất là ở Hải ngoại) thường làm theo kiểu thơ "chính luật", luật bằng trắc phải tuân thủ tuyệt đối, bác cảm nhận vấn đề này như thế nào ?

    HP chỉ hỏi để biết thôi chứ không có ý gì khác. Mong nhận được câu trả lời của bác. Kính chúc bác vui, khoẻ và viết đều tay.

    Hàn Phong



    #2
      lá chờ rơi 04.08.2009 15:04:05 (permalink)
      Chào bạn Hàn Phong,

      Đã có bài hướng dẫn vừa post xong.
      Hôm nào tôi sẽ PM cho bạn để giải thích về cái khó tôi đang gặp.
      Thân mến.

      LCR
      #3
        HÀN PHONG 04.08.2009 15:27:46 (permalink)
        Cảm ơn bác Lá nhiều.
        Hàn Phong chờ thư của bác.
        Kính
        Hàn Phong
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9