THĂNG LONG - HÀ NỘI: những địa điểm văn hoá
venus4t.vns_hnu 08.08.2009 22:29:10 (permalink)
Kính chào các bạn!
ND mở topic này nhằm sưu tầm những địa điểm văn hoá - lịch sử nổi tiếng ở Hà Nội nhằm phục vụ cho mọi người ở nơi xa khi có điều kiện thăm thủ đô của chúng ta. Hi vọng rằng, những bài ND sưu tầm và post ở đây sẽ giúp cho các bạn chút ý niệm nào đó về các giá trị văn hoá lịch sử mà dân tộc chúng ta đã tạo dựng nên mà Hà Nội là địa phương vinh dự được sở hữu và gìn giữ cho các thế hệ người Việt chúng ta hiện nay và mai sau!
*****************

RƯNG RƯNG LOA THÀNH



Mỗi người Việt Nam, từ thuở thiếu thời, mấy ai không một lần vanh vách đọc: “Thành Cổ Loa xưa, vua An Dương Vương có người con gái tên là Mị Châu…”. Bài học thơ ấu đó, không dừng lại ở chuyện trả bài trên lớp, còn theo ta suốt cuộc đời, để mỗi lần ngẫm ngợi, ta dễ cảm thấy một nỗi tự hào thầm kín về đất nước linh thiêng và hào hoa hay đôi lúc lại ngậm ngùi xót xa, tiếc nuối cho nàng công chúa có “trái tim lầm chỗ để trên đầu”… nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”… Để rồi, dù không phải lần đầu đặt chân tới miền đất đầy huyền tích ấy, ta vẫn thấy lòng mình trào lên nỗi niềm rưng rưng xúc cảm…
Thành Cổ Loa không phải là cổ tích! Trải qua hàng nghìn năm với bao biến thiên lịch sử, cố đô của nước Âu Lạc vẫn trầm mặc, uy nghi trên nền xưa, lối cũ và câu chuyện “thực như mơ, mơ như thực” về thần Kim Quy, về nỏ thần, về mối tình Mị Châu – Trọng Thủy… vẫn là bài học đầy đau xót về kinh nghiệm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Từ nửa sau thế kỷ thứ III trước Công nguyên, Thành Cổ Loa được An Dương Vương – Thục Phán dựng lên bên tả ngạn sông Hoàng Giang để làm kinh đô nước Âu Lạc (nay thuộc địa phận huyện Đông Anh, Hà Nội). Câu chuyện dựng thành được gắn với huyền thoại thần Kim Quy giúp vua diệt tinh Bạch Kê và ban tặng móng thần dùng làm lẫy nỏ chống giặc ngoại xâm.
Triệu Đà – chúa đất Nam Hải, mấy lần mưu tính đánh Âu Lạc không thành, đã giả kết mối bang giao thuận hòa, lập mưu cho con trai mình là Trọng Thủy làm rể vua Thục rồi lừa lấy mất nỏ thần. Khi Triệu Đà kéo quân sang đánh, An Dương Vương vì thất thế, phải dắt Mỵ Châu chạy về phía Nam. Nhưng càng chạy, quân địch càng đuổi theo ráo riết, bởi Mị Châu đã ngây thơ vặt lông ngỗng từ áo khoác, rắc suốt dọc đường đi với tâm nguyện giúp chồng tìm được mình mà không biết đã vô tình chỉ đường cho giặc đuổi tới. Chạy đến cửa biển vùng Diễn Châu, đúng lúc cùng đường, vua được thần Kim Quy hiện lên, báo cho biết rằng: “Kẻ thù ngồi sau lưng đó!”. Tỉnh ngộ, An Dương Vương rút kiếm chém đầu con gái rồi trẫm mình xuống biển. Đau xót và ân hận trước cái chết của vợ, Trọng Thủy đã gieo mình xuống giếng trong Loa thành tự vẫn.

Một góc Thành Cổ Loa xưa
Sau sự kiện An Dương Vương mất nước, Thành Cổ Loa trở thành miền đất u tịch cho mãi đến thời đại của Ngô Quyền (939 – 944). Sau khi đánh tan giặc Nam Hán, Ngô Quyền chính thức xưng vương, chọn cố đô Âu Lạc làm nơi định đô và cho xây dựng nơi thiết triều của mình ngay trên nền thiết triều cũ. Một số kiến trúc xưa của thời kỳ Âu Lạc vì thế cũng có ít nhiều thay đổi, song hầu hết vẫn mang đậm dấu ấn của quá khứ xa xưa. Để tưởng nhớ vua An Dương Vương của nước Âu Lạc, trong khu vực nội thành, nhân dân đã xây dựng nhiều công trình tưởng niệm như: Đền Thượng (nơi thờ vua), đình Ngự triều di quy… Những di tích này, được xác định xuất hiện từ thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII, đến nay vẫn còn tồn tại gần như nguyện vẹn với rất nhiều di vật quý giá như: Tượng An Dương Vương bằng đồng phiến đá mô phỏng hình Mị Châu bị chặt đầu; bức hoành phi khắc 4 chữ hán “Ngự triều di quy”; đôi rồng đá đời Trần; hai con ngựa hồng, ngựa bạch…
Không chỉ gắn với nhiều huyền tích, Thành Cổ Loa đặc biệt nổi tiếng, là di sản văn hóa quan trọng và đặc sắc của đất nước, bởi đây là di tích kiến trúc quân sự cổ bậc nhất còn tồn tại ở nước ta, là di tích kinh đô cổ thứ hai của đất nước (chỉ đứng sau Phong Châu của nước Văn Lang) với nhiều thành lũy lớn chứng tỏ sự phát triển vượt bậc về tổ chức quân sự và trình độ xây dựng thành lũy. Thành Cổ Loa xưa không chỉ có chức năng là quân thành mà còn là thị thành và kinh thành của người Việt cổ. Chính vì vậy, bên cạnh yêu cầu đảm bảo yếu tố quân sự, Thành còn phải phù hợp, tạo thuận lợi cho người dân sinh sống và buôn bán, trao đổi.
Theo sử cũ, Thành Cổ Loa được xây dựng theo hình xoắn ốc với 9 vòng xoáy. Tuy nhiên, không kể những ụ công sự và những đoạn lũy thành riêng lẻ, thì Thành Cổ Loa ngày nay chỉ có 3 vòng thành được đắp bằng đất, chân kè đá, với tổng chu kỳ các vòng thành là 16 km. Trên cả ba vòng thành có tổng cộng 72 ụ công sự (hay còn gọi là ụ hỏa hồi – nơi trữ rơm rạ để khi cần thì đốt lửa báo hiệu). Cửa của ba vòng Thành đều được bố trí lệch chéo nhau tạo nên một đường quanh co ở những vị trí tiếp nối giữa hai cửa Thành, gây nhiều khó khăn cho quân địch khi tìm cách tiến đánh. Phía ngoài mỗi lũy Thành lại có hào sâu, rộng, hệ thống hào nối tiếp nhau tạo thành mạng lưới giao thông giúp thuyền bè đi lại dễ dàng, có bến neo đậu rộng lớn chứa được cả trăm thuyền, bè… Được đánh giá là cố đô có hệ thống vòng thành hoàn chỉnh và cổ nhất ở Việt Nam, lũy Thành dạng xoắn ốc của di tích Cổ Loa còn là kiểu kiến trúc hiếm có trên thế giới. Bởi các giá trị đó, từ năm 1962, di tích Thành Cổ Loa đã được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia, được bảo vệ và đầu tư tôn tạo.
Cổ Loa bây giờ còn là khu di tích khảo cổ lớn, nơi có nhiều di chỉ khảo cổ được phát hiện, là minh chứng cho sự tồn tại của các giai đoạn lịch sử: Đồ đồng, đồ đá, đồ sắt với hàng vạn dị vật có giá trị như: Mũi tên đồng (gắn với truyền thuyết nỏ thần), trống đồng, rìu, bộ sưu tập lưỡi cày đồng… Từ năm 1995 cho đến nay, nhiều công trình, hạng mục thuộc di tích Thành Cổ Loa đã được Nhà nước quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo như: Trùng tu hệ thống cửa, sàn thiết yếu ở đình Ngự triều di quy, cột gỗ ở Đền thượng; đại tu am Mị Châu, cổng Ngọ Môn… Đặc biệt, hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn, tôn tạo di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà nội và huyện Đông Anh đang gấp rút hoàn thành Dự án Quy hoạch tổng thể khu di tích Cổ Loa để trình lên Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố. Từ nay cho đến thời điểm đó, các công trình, các hạng mục ở trong khu vực di tích Cổ Loa có dấu hiệu xuống cấp như: Đình Cậu Cả, điểm xóm Vang… sẽ được lập kế hoạch đầu tư tu bổ, tôn tạo. Trong đó, riêng trong năm 2009, Trung tâm Bảo tồn, tôn tạo di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội và huyện Đông Anh sẽ tập trung sửa sang, cải tạo trụ sở UBND xã Cổ Loa (cũ) để làm nhà trưng bày hiện vật, di vật khảo cổ được ở quanh khu vực di tích, thay thế cho việc trưng bày hiện vật tạm bợ hiện nay tại sàn đình Ngự Triều Di Quy, tập trung cải tạo sàn đình – nơi thiết triều của hai triều vua trước: An Dương Vương và Ngô Quyền…
Những việc làm khẩn trương nhưng đầy cẩn trọng này của Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa – thành cổ Hà Nội và huyện Đông Anh đều không nằm ngoài mục đích bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Thành Cổ Loa, gìn giữ một cách nguyên vẹn nhất những giá trị lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của di tích./.
Theo Hà Nội ngàn năm

Venus sưu tầm từ:
http://vovnews.vn/Home/Rung-rung-Loa-Thanh/20097/117884.vov

<bài viết được chỉnh sửa lúc 09.08.2009 12:36:17 bởi venus4t.vns_hnu >
#1
    venus4t.vns_hnu 08.08.2009 22:40:31 (permalink)
    PHỦ TÂY HỒ


    Phủ Tây Hồ đáng được coi là một di tích lịch sử và văn hóa, là một thắng cảnh của Hà Nội, với những nét đặc biệt của riêng mình.  
    Việt Nam có bốn vị thánh được dân gian phong tặng là tứ bất tử: Phù Đổng Thiên Vương, Tản Viên Sơn Thần, Chử Đồng Tử và bà Đức Mẫu, Đệ nhất thiên tiên… được thờ khắp từ Bắc đến Nam với mấy trăm đền phủ, mà sùng kính nhất là ở phủ Giầy nơi sinh Bà và phủ Tây Hồ, Hà Nội nơi Bà hóa. Từ Đền Sòng phố Cát, vượt Đèo Ngang vào Quảng Nam, Nha Trang, Bình Định, nơi nào cũng có phủ thờ Bà. Tục thờ Mẫu đã phổ biến, thành một tín ngưỡng dân gian, đã vượt ra ngoài phạm vi thờ một nàng tiên trên thượng giới, bị Ngọc Hoàng đẩy xuống trần gian, đã từng lấy chồng, sinh con, đánh tan quân giặc ác, hai lần đầu thai kiếp người, sau cùng quy y nơi cửa Phật, thành người Mẹ, Mẫu nghi thiên hạ, chỉ đứng sau Mẹ Việt Nam đầu tiên: Âu Cơ.
    Hà Nội là một trong mấy nơi có phủ thờ to nhất. Nhìn trên bản đồ, Hồ Tây có hình giống như chiếc càng cua, nơi bán đảo nhô ra mặt nước, mỏm xa nhất, đẹp nhất, quanh năm dập dềnh sóng nước, êm ả mây trời, lảng bảng sương lam, chính là phủ Tây Hồ thờ Mẫu Liễu Hạnh.
    Tương truyền Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đi sứ về, được gặp một nàng tiên trên địa đầu Lạng Sơn, tiên hẹn gặp lại nhau trong đêm trăng sáng trên Hồ Tây, Thăng Long. Đến hẹn, Trạng Bùng cùng mấy người bạn thơ trong thuyền lên bán đảo Tây Hồ, giai nhân, danh sĩ trùng phùng, tiên trần gặp gỡ, xướng họa thi ca, phun châu nhả ngọc, thù ứng tài tình… nơi gặp gỡ ấy sau này được dựng thành phủ thơ để nhớ đến nàng tiên, và đó chính là Bà Chúa Liễu.
    Ngoài ngày hội chính thức, mở tại Phủ Giầy (huyện Vụ Bản, Nam Hà, nơi quê hương của Bà) các ngày 7 –8 –9 tháng Ba âm lịch thì phủ thờ Bà quanh năm nhang khói, đồng nhất là các ngày sóc vọng, mùng một và rằm theo lịch trăng.
    Cũng như Phủ Giầy, Đền Sòng…, phủ Tây Hồ vào hội có hầu bóng, một loại hình nghệ thật dân gian vừa có âm nhạc, vừa có ca hát và vũ điệu với trang phục sặc sỡ, mà điển hình là điệu hát chầu văn đã khá phổ biến hiện nay. Những ngày hội như thế thật khó phân biệt ranh giới đâu là tín ngưỡng thờ Mẫu, người mẹ Việt Nam và đâu là mê tín dị đoan cần sàng lọc.
    Phủ Tây Hồ không có quy mô lớn lắm, nhưng ở vào vị trí mây nước hữu tình tuyệt đẹp, tạo ra cảm giác lâng lâng, thanh thoát cho khách hành hương mà trong lòng mang niềm tục lụy cần được giãi bày, cảm thông và giải tỏa. Phủ có chiều cao vượt lên nhiều ngôi chùa thông thường khác, thờ Ngọc Hoàng Thượng đế có Nam Tào Bắc Đẩu hầu hai bên, có tam Mẫu, đệ nhất là Mẫu Liễu Hạnh, đệ nhị là Mẫu Thượng Ngàn, đệ tam là Mẫu Thoải (tức là bà Chúa rừng và Bà chúa nước).
    Con đường Nghi Tàm nổi lên vùng Nhật Tân, Quảng Bá, nay gọi là phố Xuân Diệu. Qua làng Nghi Tàm, rẽ trái vào phố Đặng Thái Mai dưới hàng phi lao rì rào ngày đêm, vượt qua khu biệt thự Tây Hồ, quanh co giữa những vườn hoa và quất cảnh, cuối đường ta gặp Phủ Tây Hồ, nằm sát ngay bên sóng nước.
    Vào đến sân, qua cái cổng có vòm cong, thấy ngay cây vối cổ thụ nằm nghiêng đã mấy trăm năm như con kỳ lân ngóng ra sóng gợn, còn trong phủ là vàng son, nhang khói, tượng Mẫu, tượng Phật, tượng khu Sơn Trang, tượng Cô, tượng Cậu, các quan…
    Mẫu Liễu đã “hóa”, đã thành bất tử. Loại trừ phần mê tín, ta gặp ở đây không khí linh thiêng, có phần sầm uất, náo nhiệt hơn các chùa đền khác, ngay cả chùa Trấn Quốc, Kim Liên gần kia. Thiện nam tín nữ tin vào Mẫu, đến cầu xin và hy vọng, có lúc phải chen nhau, nên nhang khói càng nghi ngút, ngay cả ngoài sân, chỗ có cây chuối thờ, buồng hàng trăm nải, giống chuối ở Phủ Giầy…
    Trong tâm linh người Việt Nam, hình như bao giờ cũng có một khoảng dành cho tín ngưỡng thánh linh, tổ tiên, thần Phật. Phải chăng vì thế mà Phủ có lúc ồn ã hơn cả nơi đô hội, với đủ thành phần cùng trang phục từ cổ điển đến tân kỳ hiện đại?
    Thờ Mẫu Liễu, một bà mẹ chung của người dân Việt, người tài sắc song toàn, đảm lược, lòng lành và đức độ, có cuộc đời giống vơi bao người phụ nữ bình thường khác, thân phận éo le, gian khó… đã thành phong tục đẹp của dân ta. Không những thế, Phủ Tây Hồ còn ở trên một vị trí cực đẹp, hiếm có, ngay giữa đô thành tưng bừng rộn rã mà chỉ ít phút nổ máy xe, đã từ trung tâm Hồ Gươm, đến với Phủ trong bầu không khí hoàn toàn khác.
    Đến Phủ, không những là để tỏ lòng thành kính, thực hiện một ý nguyện cầu xin và giải tỏa nỗi niềm, thực hiện một nghi thức tâm linh… mà còn là để thư giãn tinh thần, thăm một cảnh đẹp, có nước mây thoát tục, một danh thắng hiếm có ngay giữa lòng Thủ đô Kẻ Chợ, gặp một chút xưa giữa nay, và tạm lắng nay lại để man mác cùng xưa, ru hồn mình vào mong ước tốt đẹp. Đến Phủ còn là điều tốt đẹp cho những ai ít có điều kiện và thì giờ đến những nơi xa xôi như Phủ Giầy (Nam Hà), Yên Tử (Quảng Ninh), Chùa Tiên (Lạng Sơn), Kiếp Bạc (Hải Hưng), Non Nước (Ninh Bình) hoặc những danh lam thắng cảnh xa xôi hơn nữa…
    Nếu cạnh phố Huế có một Tràng An tự trong ngõ Tràng An tịch mịch, đầu đường Thanh Niên có Quán Thánh trầm tư, rồi chùa Kim Liên vắng vẻ… thì Phủ Tây Hồ bao giờ cũng rộn rã hơn nhiều.
    Cũng không hiểu từ đâu và từ bao giờ, trên đường vào Phủ và ngay trước cổng, mọc lên hàng trăm quán hàng ăn uống và các thứ hàng mua bán khác, trong đó có món ăn Hà Nội: bún ốc. Nói đến Phủ, người ta nghĩ ngay đến bún ốc quá quen, cũng như nói đến bún ốc, người ta hỏi nhau ngay: Phủ Tây Hồ chăng? Đã hình thành một dãy phố dài ngay trên bán đảo, trước khi dẫn đến nơi đất thiêng này. Nó chẳng khác nào miếng vá trên tấm áo thiên tiên, cần u huyền thanh tao cho tâm linh bay bổng, nhưng lại níu kéo về mặt đất.
    Một vùng Hồ Tây đang tự biến mình thành những cái gì đó có chỏm nhọn như những chiếc gai đâm vào nền trời, số phận bán đảo có chịu phần không?
    Một lần đến Phủ Tây Hồ, nghe hồn xưa phảng phất vọng về, nghĩ đến tiên cảnh và thế gian, nhớ những anh linh người tài, kẻ sắc, lại được tắm mình vào giai điệu thiên nhiên kỳ thú… làm người Hà Nội thêm hân hoan về tinh thần. Bởi không ít người đến đây không phải để kêu cầu, không phải để đốt vàng mã…./.
    Tùy bút của Băng Sơn


    Venus sưu tầm từ:
    http://vovnews.vn/Home/Phu-Tay-Ho/20097/115347.vov
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 08.08.2009 22:41:56 bởi venus4t.vns_hnu >
    #2
      venus4t.vns_hnu 10.08.2009 00:15:59 (permalink)
      Ô QUAN CHƯỞNG


      Qua bao thăng trầm, Ô Quan Chưởng vẫn uy nghiêm đứng đó, cố giữ gìn cho Hà Nội nghìn năm văn hiến một kỳ quan đơn sơ, dân dã mà quý giá đến vô cùng.  
      Ngày 3/6/2009, tại Hà Nội, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak công bố khoản tài trợ trị giá 74.500 USD dành cho Việt Nam để thực hiện việc bảo tồn Ô Quan Chưởng, cửa ô cổ duy nhất còn lại ở Hà Nội. Dự án này được tài trợ thông qua Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Mỹ và là một phần trong các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội sẽ được tiến hành vào năm 2010.
      Ca dao Hà Nội xưa có câu:
      Ở đâu năm cửa chàng ơi
      Sông Nhị Hà mấy khúc nước
      chảy xuôi một dòng
      Ô Quan Chưởng nằm trong danh tiếng 5 cửa ô của Hà thành: Ô Cầu Giấy, Ô Cầu Dền, Ô Chợ Dừa, Ô Đống Mác và Ô Quan Chưởng. Phố Ô Quan Chưởng dài 80m, từ đường Trần Nhật Duật đến cửa ô Đông Hà, nối với phố Hàng Chiếu và nối ra phía đê sông Hồng. Phố được hình thành từ thời Pháp thuộc, có tên là Rue des Nattes en joncs (nghĩa là phố Chiếu Cói), chuyên buôn các loại chiếu cói từ Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình chở lên.
      Nói về thành lũy ở Việt Nam thì nhiều địa phương có. Nhưng cửa ô thì chỉ ở Hà Nội mới có. Và tới nay thì Hà Nội cũng chỉ còn có một cửa Ô Quan Chưởng. Đây là một trong 21 cửa ô mở qua tường phía Đông của tòa thành đất bao quanh khu Kinh thành Thăng Long xưa được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749).

      Ô Quan Chưởng xưa
      Hiện nay, cửa ô còn nguyên một cửa chính và hai cửa con hai bên. Trên nóc cửa chính là một vọng lâu. Ngày xưa có lính tuần canh gác ở đây. Bên tường phía trái có gắn một tấm bia khắc năm 1882 ghi lệnh của Tổng đốc Hoàng Diệu cấm bọn lính sách nhiễu những đám tang qua lại cửa ô.
      Phía trên cửa lớn có ba chữ Hán: “Thanh Hà Môn” nghĩa là cửa Thanh Hà (vì cửa này ở thôn Thanh Hà, cạnh cửa sông Tô Lịch xưa. Thanh Hà là tên gọi của một phường đời Lê bao gồm khu vực Hàng Chiếu, Thanh Hà, Đào Duy Từ). Như vậy là các vòm cửa từng có cửa, ngày mở, đêm đóng.
      Đến thế kỷ XX thì trên sách báo chỉ còn nhắc đến tên của năm cửa ô, nhưng trên thực tế chỉ còn tồn tại duy nhất một cửa ô là ô Thanh Hà, còn gọi là Ô Quan Chưởng. Nhưng diện mạo Ô Quan Chưởng như hiện nay là do lần sửa chữa lớn vào năm 1817. Tên chính thức là Đông Hà môn, tức là cửa ô Đông Hà. Còn gọi là Ô Quan Chưởng.
      “Ô Quan Chưởng là một di tích kiến trúc đẹp đến ngỡ ngàng nhưng đang đổ vỡ. Trước dấu mốc quan trọng Hà Nội bước vào tuổi 1.000 năm, chúng tôi rất vinh dự được cùng các bạn tu bổ, bảo tồn di tích này. Ô Quan Chưởng không chỉ là một cột mốc của thành Thăng Long xưa, nó còn là một biểu tượng của tinh thần và sự kiên cường của người dân Hà Nội. Tôi cũng hy vọng là sau khi bảo tồn xong, công trình này sẽ là một biểu tượng của tình hữu nghị giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Trong một thành phố từng chịu đựng nhiều tổn thất từ các cuộc ném bom của Hoa Kỳ trong chiến tranh, việc chúng tôi với nhân dân và Chính phủ Việt Nam cùng nhau bảo tồn một báu vật quốc gia của các bạn thật là một minh chứng tuyệt vời cho mối quan hệ ngày càng lớn mạnh và khăng khít giữa chúng ta”. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael W. Michalak nói.
      Cửa ô có dáng dấp cũng như cửa thành nhưng nhỏ hơn. Theo tài liệu trên tạp chí Xưa & Nay, sau khi chiếm Hà Nội, người Pháp cho phá hết các cửa ô cùng với một phần các con đê để mở rộng Hà Nội. Còn riêng ô Thanh Hà, nhờ có sự đấu tranh kiên trì của nhân dân và của ông cai tổng Đồng Xuân Đào Đăng Chiểu (1845 – 1916), người làng Khúc Thủy (Hà Đông), nên chủ trương đó không thực hiện được. Vì ông Cai tổng cùng với dân chúng nhất định không chịu ký tên vào tờ trình xin phép phá cửa ô nên cuối cùng người Pháp phải nhượng bộ. Nhờ vậy mà đến nay thành phố còn lưu lại được một vết tích quý của kiến trúc xưa.
      Tại sao ô Thanh Hà lại được gọi là Ô Quan Chưởng?
      Theo những điều còn ghi lại trong gia phả của họ Đào thì năm 1873, có một viên quan Chưởng cơ người Bắc Ninh nổi tiếng đánh Pháp, chẳng may bị bắt ở Gia Lâm, quân Pháp giải về Hà Nội chém đầu và đem bêu bên bờ sông Cái phía trước cửa ô Thanh Hà, giao cho Cai tổng Đồng Xuân canh giữ.
      Ngay đêm đầu tiên, ông Cai tổng nghe tiếng chó sủa ngoài sông vọng về, cho tuần đinh ra tra xét thì thấy có hai chiếc đò cứ lởn vởn ở khúc sông gần chỗ bêu đầu quan Chưởng cơ. Sợ có người đến lấy đầu của quan Chưởng cơ, ông Cai tổng bèn cho đem thủ cấp vào treo trong cửa ô Thanh Hà.
      Hôm sau người nhà quan Chưởng cơ đến thương lượng, xin ông Cai tổng cho chuộc lại thủ cấp. Biết đây là một nghĩa cử phải làm, nhưng để khỏi mang tội với quan trên, ông Cai tổng bèn lên bẩm báo với quan Đốc lý thành phố, xin cho đem thủ cấp trôi sông để giữ vệ sinh trong khu dân cư và được chấp thuận.
      Đêm hôm đó, ông Cai tổng trao trả thủ cấp cho gia đình quan Chưởng cơ, rồi sáng sớm hôm sau sai tuần đinh tin cẩn lấy một hòn đất to bọc vải cho vào một cái rọ đem ra giữa sông. Trước khi ném cái rọ xuống sông phải hô to cho mọi người trong bờ nghe rõ: “Theo lệnh quan trên, thủ cấp này phải trầm hà!”.
      Câu chuyện quan Chưởng cơ bị bêu đầu được lan truyền trong tổng Đồng Xuân, từ đấy ai đi qua cửa ô cũng gọi là ô Quan Chưởng, dần dần về sau cái tên cũ Thanh Hà không được nhắc đến nữa.
      Ngoài ra còn có nhiều thuyết về tên dân gian gọi cửa ô này: Đời Nguyễn đặt chức quan Chưởng cơ để coi giữ cửa ô. Đời Lê có quan Chưởng ấn về hưu dựng nhà ở đây.
      Là một phần của Hoàng thành Thăng Long xưa, Ô Quan Chưởng là cửa ô cổ duy nhất còn sót lại của thủ đô Hà Nội. Trải qua năm tháng, không được bảo trì, chịu tác động của chiến tranh và đô thị hóa, 15 cửa ô khác đã bị tàn phá, chỉ còn Ô Quan Chưởng nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng và rất cần bảo tồn. Đây là di tích đã được xếp hạng năm 1995.
      Dự án bảo tồn Ô Quan Chưởng được tài trợ thông qua Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Mỹ là một đóng góp có ý nghĩa trong hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
      Theo Văn hiến Việt Nam

      Venus sưu tầm từ:
      http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=527359


      #3
        venus4t.vns_hnu 10.08.2009 00:19:28 (permalink)
        PHỐ LÝ QUỐC SƯ


        Phố Lý Quốc Sư dài 241m, đi từ phố Hàng Bông đến phố Nhà Thờ. Phố có từ lâu đời, từ đầu thế kỷ XIX đã là một phố phủ, rồi là một phố huyện, lúc nào cũng dập dìu xe ngựa.  
        Lý Quốc Sư – “Quốc sư triều nhà Lý”, theo chính sử thì đó là Nguyễn Chí Thành, người làng Điềm Xá (huyện Gia Viễn, nay thuộc tỉnh Ninh Bình). Ông tu Phật lấy hiệu là Minh Không thiền sư. Do đạo cao đức trọng, ông được vua Lý dựng “tinh xá” cạnh chùa Báo Thiên làm nơi tu hành. Tinh xá (nơi ở tinh khiết) ấy nay chính là khu chùa Lý Quốc Sư số nhà 50. Năm 1136, ông chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông nên được phong là Quốc sư. Ông mất vào tháng 8 năm Tân Dậu (1141). Đó là kể theo chính sử, còn theo truyền thuyết thì ông không những là một nhà tu hành giỏi nghề chữa bệnh mà còn là ông tổ nghề đúc đồng. Và dường như lại còn có sự lầm lẫn giữa sự tích ông với sự tích Dương Không Lộ cũng là một nhà sư đời Lý.
        Phố Lý Quốc Sư dài 241m, đi từ phố Hàng Bông đến phố Nhà Thờ. Đây nguyên là đất thôn Tiên Thị, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương cũ. Phố có từ lâu đời, từ đầu thế kỷ XIX đã là một phố phủ, rồi là một phố huyện, lúc nào cũng dập dìu xe ngựa. Thời đó, làng Tiên Thị là phủ lỵ phủ Hoài Đức và phủ đường (trụ sở) thì ở ngay sau lưng Chùa Lý Quốc Sư lúc này gọi là đền Tiên Thị, có lắm hàng cơm, quán trọ ở đây. Tương truyền là Hồ Xuân Hương cũng có mở một ngôi hàng nước ở đây để thử tài thiên hạ. Năm Minh Mạng 14 (1833), phủ lỵ dời ra làng Dịch Vọng (huyện Từ Liêm). Nhưng 9 năm sau, năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), huyện lỵ huyện Thọ Xương từ thôn Văn Hương (phố Hàng Bột ngày nay) lại chuyển tới đây và tồn tại cho tới khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội, giải thể huyện Thọ Xương.

        Chùa Lý Quốc Sư
        Sở dĩ có tên gọi phố Lý Quốc Sư là vì ở cuối phố, số nhà 50 có ngôi chùa nổi tiếng tức chùa Lý Quốc Sư vừa nói ở trên. Theo chính sử, chùa có từ đời Lý, năm 1141 chuyển từ “tinh xá” thành đền thờ Quốc Sư minh không. Tất nhiên, tới nay đã qua nhiều lần sửa chữa, quy mô hiện nay là do lần trùng tu năm 1954. (Trong những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến, giặc Pháp đã hủy hoại chùa này).
        Trong chùa cón tấm bia do Tiến sĩ Lê Đình Duyên soạn năm Tự Đức thứ 8 (1855) nói về lần trùng tu lớn vào năm đó. Hiện nay, trong đền có nhiều tượng phong cách điêu khắc đời Lê, có một cái chuông tên là “Báo Tháp từ chung” tức là “chuông đền Báo Tháp” (Báo Thiên, Tự Tháp?), niên hiệu Ất Hợi, với chữ Long (trong Thăng Long) đã đổi cách viết từ đời Gia Long, do đó có thể là Ất Hợi 1815 hoặc Ất Hợi 1875.
        Ở giữa phố Lý Quốc Sư còn có một ngôi đền cổ nữa. Đó là đền Phù Ủng ở số nhà 25. Đây là nơi thờ vọng Phạm Ngũ Lão, người anh hùng làng Phù Ủng, do chính dân làng này di cư lên Thăng Long dựng nên từ thế kỷ XIX. Đền này cũng từng bị giặc Pháp phá hoại năm 1947, được sửa lại năm 1949.
        Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ vừa qua, phố Lý Quốc Sư cũng là nơi ghi lại tội ác của giặc Mỹ: Trưa ngày 6/10/1972, máy bay Mỹ đã bắn tên lửa xuống các nhà số 37, 39B, sát hại nhiều người dân. Ngay sau đó, ở bức tường trước ngôi nhà 39B có tấm bảng ghi lại tội ác này.
        Thời Pháp thuộc, đây gọi là phố Rue Lamblot. Cũng trong thời kỳ này, dãy nhà 24 – 25 vào những năm 20 là trường Trung Bắc, một trường tư thục do nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh sáng lập. Giáo sư Nguyễn Lân khi đó vừa tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm đã dạy ở trường này. Sau khi bị Pháp o ép, phá sản, ông Vĩnh bán lại cho ông Ngô Tử Hạ. Ông Ngô chuyển nhà in từ Hàng Gai về đây. Nhà in tồn tại mãi tới năm 1955 thì hợp doanh thành Nhà in Thống nhất. Ngày nay, tường vào được mở bung thành nhiều cửa hàng: Tăng âm, nhạc cụ, y phục lộng lẫy. Mà không cứ gì nhà in, bên dãy chẵn này có những cửa hàng hấp dẫn như bán đồ cổ (số 2), phở nổi tiếng (số 10), hàng ăn (số 18)…
        Bên số lẻ, nhiều cửa hàng ăn hơn: Nguyên Sinh (17) từ Thuốc Bắc chuyển về, nổi tiếng về “Cơm Tây”, Nhà hàng Mỳ Ý (29), cửa hiệu Ô mai sấu (41)… rồi các hàng may mặc (37, 41D, 45, 47B…). Đặc biệt, ngôi nhà 43 là nơi ở từ lâu lắm rồi của tác giả bài thơ “Lá diêu bông” một thời thu hút nhiều văn nghệ sĩ tới “đưa cay”.
        Cũng thời Pháp thuộc, phố này có một cơ sở văn hóa cũng khá nổi tiếng: Nhà xuất bản Tân Việt ở số nhà 29, nơi đã in nhiều sách triết học của Nguyễn Đình Thi, nhiều sách dịch các tác phẩm văn học Trung Quốc của nhà văn Nhượng Tống tài hoa cùng các đặc san tập hợp nhiều danh sĩ đương thời: Trương Tửu, Nguyễn Tuân, Đinh Hùng, Phiêu Linh Nguyễn Đức Chính…
        Tên gọi hiện nay được đặt sau Cách mạng 1945.
        Theo Hà Nội ngàn năm

        Venus sưu tầm từ:
        http://vovnews.vn/Home/Pho-Ly-Quoc-Su/20098/117887.vov

        <bài viết được chỉnh sửa lúc 10.08.2009 00:20:34 bởi venus4t.vns_hnu >
        #4
          venus4t.vns_hnu 10.08.2009 00:24:50 (permalink)
          PHỐ HÀNG ĐÀO

          Ai đến Hà Nội cũng phải qua Hàng Đào mới thấy là không thiếu cái gì. Phố có đủ thứ hàng, lấp lánh như kim cương, chóe sáng như vàng, ấm áp như len dạ…  

          Nếu phố Thợ Nhuộm từng có nghề nhuộm nhiều màu khác nhau thì phố Hàng Đào chuyên nhuộm màu sáng, màu đẹp, chủ yếu màu đỏ, màu đào, trên các loại tơ lụa, gấm, vóc… Hàng Đào cũng là cái chợ chính buôn bán hàng tơ lụa, người mua là dân sở tại, người bán là các làng La của tỉnh Đơ, Hà Đông ra, các ngày phiên chợ: một và sáu hàng tháng. Đây nguyên là đất các phường Đồng Lạc và Đại Lợi, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Thời ấy có cụ Miền Đại Lợi mở trường dạy học. Thời Lê, đây có hồ Thái Cực, thông sang Hồ Lục Thủy (Hồ Gươm về sau).
          Phố còn nhiều di tích, đình chùa, nhưng nay đều bị dịch vào phía trong hoặc lên gác, còn mặt đường thành cửa hàng. Đất ở đây đắt hơn vàng, có những quầy hàng chỉ có cái tủ, vài chục phân mét, vẫn có thể sống đàng hoàng, vì đây là một trong những phố buôn bán điển hình của Hà Nội từ xưa tới nay. Ai đến Hà Nội cũng phải qua Hàng Đào mới thấy là không thiếu cái gì. Phố có đủ thứ hàng, lấp lánh như kim cương, chóe sáng như vàng, bính bong như đồng hồ, ấm áp như len dạ… Đầu thế kỷ, có nhiều Ấn kiều buôn bán len dạ.
          “Nông dân Hàng Đào” là cụm thành ngữ để chỉ người Hàng Đào gốc. Con gái Hàng Đào là loại sang, vừa đẹp vừa giầu và cũng không kém phần kênh kiệu, kiêu ngạo một thời. Đám cưới Hàng Đào thì cầu kỳ bậc nhất Hà Nội, chỉ Hàng Đào mới sánh nổi.
          Số 10 từng là trụ sở trường Đông Kinh Nghĩa Thục, một trường tự do một số sĩ phu yêu nước mở ra để nâng cao dân trí, dạy cho người nghèo không lấy học phí, có các môn sử ký, địa dư, cách trí… để xóa bỏ thứ học từ chương vô bổ trước kia. Trường sớm bị chính quyền Pháp đóng cửa, có thầy giáo bị bắt, bị tù đầy.
           

          Phố Hàng Đào xưa
          Đường tàu điện ở đây đã được bỏ đi, đường có rộng ra chút ít. Tuy vậy, thành phố và đời sống phát triển, nên phố lúc nào cũng đông đúc, tấp nập, toàn chuyện bán mua, chen vai thích cánh, kể cả khách du lịch nước ngoài, “Tây bụi” cũng mua bán không kém.
          Phố mới có một hàng cây xanh mà hàng trăm năm trước không có. Đó là cây dây da xoan, thứ cây dễ trồng, lên nhanh, mùa xuân có hoa trắng thơm dìu dịu vị chua, quả chín có thể làm quà cho trẻ nhỏ, màu đỏ, hơi nhăn nheo như cái mặt chú khỉ con. Hoa dâu da đôi lúc cho người qua phố cảm tưởng như lùi lại thời gian, gần gũi với những mảnh vườn quê, có cây, có lá, có hoa, có quả, vợi đi chút ít chuyện đua chen thành thị. Cũng hay.
          Lớp người gốc của phường Đại Lợi, Đồng Lạc chắc không còn bao nhiêu, Hàng Đào ngày nay đã chứa đựng người của nhiều phương khác đến mua bán làm ăn. Phố cổ cũng không còn giữ được khuôn mặt của mình. Không hiểu nên mừng hay nên lo?
          Tuỳ bút của Băng Sơn

          venus sưu tầm từ:
          http://vovnews.vn/Home/Pho-Hang-Dao/20094/110404.vov
          #5
            venus4t.vns_hnu 18.08.2009 22:26:56 (permalink)
            PHỐ HÀNG ĐẬU


            Tháp nước nằm trên phố Hàng Đậu Phố Hàng Đậu là một yếu hầu của Hà Nội, dẫn đến cả một vùng bao la phía Đông và Đông Bắc bên kia sông Nhĩ Hà.  
            Xưa đây là phố bán buôn các loại đậu hạt: đậu xanh, đậu đen, đậu tương… nằm kề ngay sát mép nước sông Hồng, thuyền bè san sát, ghe thuyền tấp nập, sóng nước lao xao… Dâu bể tang thương, con sông lùi xa, cây cầu Long Biên mọc lên, bến xe Bến Nứa hình thành, nhà cửa thay đổi, đền chùa cũng chỉ còn là dư âm vang vọng, nhường cho buôn bán đời thường.
            Cuối thế kỷ trước, Hàng Đậu có ngôi trường nổi tiếng của Tiến sĩ Lê Đình Duyên, hiệu Cúc Hiên. Ông là một trí thức, sĩ phu yêu nước của đất Bắc Hà. Trong một lần ngăn cản tên lái buôn gián điệp Jean Dupuis vẽ thành Cửa Bắc, ông bị chúng hành hung đánh đập ngay trên hè phố và bị thương nặng. Dân chúng đã vô cùng phẫn nộ trước hành động và tội ác của những tên xâm lược. Ông từng giữ chức Đốc học Hà Nội, đã góp công không nhỏ đào tạo một lớp trí thức cho Hà Nội. Ngôi trường ấy do học trò môn sinh góp tiền dựng lên, vừa là nhà trường sau vừa là nơi thờ ông, nay ở khoảng số nhà 39.
            Thời ấy, ngã tư Hàng Đậu – Nguyễn Thiếp (thường đọc nhầm là Nguyễn Thiệp) là cửa ô Phúc Lâm (không phải ô Phúc Lâm phía sau) vì đây là đất thuộc các thôn Phúc Lâm, Nghĩa Hưng của tổng Tiền Túc và Hậu Túc (sau là tổng Đồng Xuân) huyện Thọ Xương.
            Phố Hàng Đậu nay dài 272m, nối dốc cầu Long Biên với phố Phan Đình Phùng. Chỗ ngã tư Hàng Giấy – Hàng Than – Phan Đình Phùng còn một công trình khá đồ sộ: đất nước xây dựng từ cuối thế kỷ trước. Đó là một khối trụ tròn, tưởng như một pháo đài, ba tầng, lợp tôn, xung quanh có những cửa sổ nhỏ gô tích như lỗ châu mai. Một chứng nhân của Hà Nội đây, để ghi lại thời gian, nói thêm về lịch sử. Nên bảo tồn lắm.
            Tờ báo An ninh Thủ đô xưa kia là một bộ phận của bóp Hàng Đậu, một trong hai bóp cảnh sát lớn của Hà Nội (bóp Hàng Trống nữa). Ở đây ăn rộng sang đầu Phan Đình Phùng, Hàng Cót.
            Vườn hoa Vạn Xuân nằm trên đường Phan Đình Phùng, mà người dân quen cho nó cái tên: Vườn Hàng Đậu, là vườn hoa lớn, có vòi phun nước, có cây cao bóng cả, tết đến, chợ hoa Hàng Lược thường tràn người và hoa sang đây cũng là một nét đẹp đặc biệt của Hà Nội.
            Phố Hàng Đậu nay không ai buôn bán đậu mà phần lớn là buôn bán lốp ôtô, sửa chữa và bán phụ tùng ôtô, xe máy, là một phố tiếp khách đầu tiên khi khách tiếp xúc với Hà Nội, khi vừa rời khỏi cây cầu Long Biên hai mươi nhịp.
            Phố Hàng Đậu ít cây cối, xe cộ tấp nập ngày đêm, là một phố có chiều ngang khá rộng nhưng ngắn của Hà Nội./. 
            Tùy bút của Băng Sơn

            Venus sưu tầm từ:
            http://vovnews.vn/Home/Pho-Hang-Dau/20097/115346.vov

            #6
              venus4t.vns_hnu 18.08.2009 22:30:53 (permalink)
              PHƯỜNG CỔ YÊN THÁI

              (VOV) - Phường cổ Yên Thái là vùng có nhiều danh tích nổi tiếng, tuy nay cái còn, cái mất nhưng đều được lưu trong sử sách, những câu chuyện để lại trong lòng người bao kí ức khó quên

              Yên Thái vốn từ thời Lý có tên gọi là phường Tích Ma, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên. Từ đời Minh Mệnh, phường Tích Ma được đổi thành một đơn vị hành chính mới gọi là xã Yên Thái với ba thôn là An Đông, An Thọ và Yên Thái. Ba thôn, nay là ba khối cụm dân cư thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.

              Cội nguồn ba danh tích, năm dòng họ
              Yên Thái xưa nằm cạnh ngã ba hai con sông. Một là sông Tô Lịch chảy từ Giang Khẩu (phố Hàng Buồm) chạy lên phía Bắc. Một sông là sông Thiên Phù chảy từ bến Lâm Ấp (nay là phường Phú Thượng) chảy qua Bái Ân đến Nghĩa Đô thì hoà nước vào với nhau tạo thành một bến nước có chợ họp đông vui gọi là bến Hồng Tân, chợ Hồng Tân (nay gọi là chợ Bưởi) – một cái chợ rất lớn nằm giáp cửa Tây kinh thành. Chợ Bưởi là nơi cung cấp lâm sản, hoa thơm trái ngọt, gia súc, gia cầm và những của ngon vật lạ từ các tỉnh phía Bắc theo sông Hồng qua bến Lâm Ấp vào chợ Hồng Tân rồi qua sông Tô Lịch chuyển vào các chợ nội đô cung ứng cho nhu cầu của 36 phố phường Thăng Long.
              Trên ngã ba sông này từ thời Lý đã có một ngôi miếu cổ dân gian gọi là Miếu thờ Vua. Theo sử sách ghi chép thì đó là ngôi miếu thờ hai ông bà bán hàng dầu rong có tên là Vũ Phục. Vì nghĩa lớn, ông bà đã tự nguyện hiến thân làm vật phẩm cúng thần sông Tô Lịch, cầu mong cho góc thành Tây của thành Thăng Long khỏi bị thần sông làm xói lở và cũng là cầu mong cho nhà vua khỏi bệnh đau mắt. Để tri ân ông bà Vũ Phục, vua Lý Thần Tông (1128 - 1138)  đã cho lập miếu này để thờ phụng, đặng gia phong cho ông là Chiêu Ứng Phù Vận Đại Vương phúc thần và bà là Thuận Chính Phương Dung công chúa phúc thần.
              Làng Yên Thái nay có 13 dòng họ chung sống, nhưng nòng cốt chính là dòng họ Vũ vốn là dòng họ của đức thánh hoàng làng Vũ Phục Đại Vương. Sau khi lập miếu thờ, nhà vua đã cho tìm con cháu từ Bạch Hạc- Việt Trì về đây để trông nom hương khói phụng thờ. Dòng họ này kể từ đời cụ tổ Vũ Phục đến nay là đời thứ 30. Con cháu hậu duệ hiện nay còn bảo tồn được nhà thờ đại tôn và ba nhà thờ của các con cháu chi trưởng. Xuân thu nhị kì và các ngày kị, ngày sinh của tổ họ, vẫn tổ chức cúng tế linh đình, tụ hội con cháu.
              Ngoài tộc Vũ, làng còn con cháu hậu duệ của bốn dòng tộc: Cao, Hoàng, Nguyễn, Đặng vốn là bốn dòng tộc ngay từ khi nhà vua cho lập miếu thờ ông bà hàng dầu đã vinh dự được nhà vua tiến cử về phường để túc trực linh cữu ông bà.
              Ông bà Vũ Phục được tôn thờ ở miếu và cũng được tôn thờ ở đình làng. Đó là một di tích đẹp, cổ kính, qui mô kiến



               

              Đình làng Yên Thái trúc hoàn chỉnh, có tả vu, hữu vu, có cổng tam quan trong, tam quan ngoài, kiến trúc độc đáo xây dựng trên một khuôn viên rộng có nhiều cây cổ thụ tươi mát. Đình được khởi dựng dưới thời vua Lý Hy Tông (1680 – 1705). Năm 1843, dưới thời Thiệu Trị được tôn tạo và được trùng tu dưới thời Duy Tân (1907 -  1916). Trải qua thời gian mưa gió băng hoại và hai cuộc chiến tranh tàn phá, nay đình đã được khôi phục lại. Hiện vật còn lại có giá trị là năm đạo sắc phong thần của các vương triều Lê và Nguyễn, một tấm bia "Thủy Tạo Thạch Kiều Bi Kí" dựng năm Cảnh Hưng thứ 20 (1759) và một tấm bia đá "An Thái Phường Tây Thôn Trùng Tu Đình Vũ Bi Kí" dựng năm Minh Mệnh thứ 2 (1821).
              Dọc theo sông Tô Lịch đến thôn An Đông, phường Yên Thái, du khách sẽ thăm đền Đồng Cổ, một danh tích nổi tiếng. Di tích này thờ thần trống đồng, một nhạc cụ gõ của người Việt Cổ và cũng là một biểu trưng của văn hóa, văn minh nước Việt thời đại đồ đồng. Trong đền có thờ trống đồng, bài vị thần Đồng Cổ và bốn mỹ tự tôn vinh thần là "Thiên hạ minh chủ".

               

              Đền Đồng cổ và trống đồng Tương truyền đền bắt đầu là một cái miếu do vua Lý Thái Tông cho khởi dựng sau khi vua Lý Thái Tổ băng hà 22 ngày (25/3 Âm lịch). Tây Hồ chí và nhiều thư tịch địa phương ghi sự kiện này như sau: Lý thái tử Phật Mã chinh Chiêm nghỉ lại một đêm dưới chân núi đền Đồng Cổ thuộc xã Đan Nê, tỉnh Thanh Hóa. Đêm đó thần báo mộng là sẽ đem quân trợ giúp. Trận đó thái tử thắng lớn. Lại một lần ở Thăng Long trước đêm Lý Thái Tổ băng hà, thần hiển linh về báo mộng cho thái tử biết sẽ có loạn tam vương. Sáng hôm sau, vua cha mất chưa kịp tế táng thì các hoàng tử là Võ Đức Vương, Dực Thánh Vương và Động Chinh Vương đã đem quân đến vây thành để tranh ngôi hoàng tử. Bấy giờ nhờ có các quan là võ vệ tướng quân Lê Phụng Hiểu và Lý Nhân Nghĩa giúp sức nên việc nội loạn đã được dẹp yên. Lý Thái Tông lên ngôi và cho triều thần sửa lễ về đền Đồng Cổ Đan Nê tạ thần và xin rước chân nhang của đền về Thăng Long lập miếu thờ Xuân Thu Nhị Kì quốc lễ cho tiện lợi.
              Đến thời Lý Thần Tông (1128 - 1138), để đề cao kỉ cương phép nước nhà vua đã cho đắp thêm đàn thề ở phía trước miếu và xuống chỉ cho bách quan hàng năm cứ đến ngày 25/3 âm lịch (sau đổi sang mùng 4/4 âm lịch) phải đội mũ chỉnh tề về đền làm lễ uống máu ăn thề dưới sự điều hành của một viên quan tể tướng. Tục lệ ấy đã được tổ chức nề nếp dưới các triều đại Lý, Trần, Lê. Không rõ sang triều Nguyễn, tục lệ có duy trì được nữa không nhưng đến thời Tự Đức năm thứ 5 (1855) vẫn thấy vua Tự Đức phong đạo sắc cho thần Đồng Cổ.
              Có lẽ từ sau triều đại Tự Đức, lễ hội Đồng Cổ không còn. Trải qua hai thời kì chiến tranh, miếu được sử dụng vào việc phục vụ quốc phòng. Từ năm 1980, miếu được dân làng tu bổ lại. Năm 1990, dân lại trùng tu xây dựng thêm nhà phương đình phía trước làm nơi tế lễ.
              Năm 2008, để kỉ niệm 1000 năm Thăng Long, nhà nước đã đầu tư lớn cho xây dựng lại đền chính, phương đình cùng với tả vu, hữu vu và cho mở rộng khuôn viên tạo nên một di tích có không gian thoáng rộng nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ kính xưa trên nền móng xưa.

              Lễ hội làng Yên Thái
              Yên Thái có ba lễ hội:
              Lễ hội thề Đồng Cổ là lễ hội truyền thống độc đáo của Thăng Long xưa do triều đình tổ chức, bách quan đúng ngày mùng 4 tháng 4 âm lịch phải đội ngũ chỉnh tề về đền làm lễ uống máu ăn thề nguyện giữ chọn chữ trung, chữ hiếu. Ngày hôm ấy, nhân dân trong thành phải treo đèn kết hoa. Bách quan khi về hội đền dưới sự điều hành của một viên quan tể tướng nghe viên quan trung thư đọc thệ thư rồi đọc lời thề như sau "Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, thần minh chu diệt".
              Lễ hội Đồng Cổ là một nét đặc trưng văn hóa của lễ hội Thăng Long.

               

               
              Phục dựng lại lễ Đồng Cổ (ảnh chụp lại)

               

               
              (ảnh chụp lại) Yên Thái còn có hội đình vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch để tri ân công đức ông bà hàng dầu. Lễ hội có rước kiệu, có múa bồng, có tế lễ linh đình ở bốn làng: Yên Thái, An Thọ, Bái Ân và Xuân Đỉnh. Ngoài hai lễ hội kể trên, Yên Thái còn có lễ tiên hiền tổ chức vào ngày 20 tháng 3 âm lịch để tôn vinh đạo học và cũng là để khai bút đầu xuân. Ngày hôm ấy, các dòng họ có người đỗ đại khoa đều tập trung con cháu ở nhà thờ họ, tuyên dương và ghi danh sách các cháu đỗ đạt vào sổ họ. Sau đó rước lễ, rước sắc văn ra đình tế thánh rồi rước về văn chỉ của làng tế đức Khổng Tử. Lễ rước có long đình, có cờ lọng, có quạt che hai bên. Cùng đi với đoàn rước có đội bát âm, đàn sáo tưng bừng. Về đến Văn Chỉ, sau khi làm các thủ tục lễ nghi, các nho sinh làm lễ khai bút đầu xuân, trong đó có tổ chức bình văn sướng họa thơ, để gây hứng khởi đồng thời cũng là để xem khẩu khí của con cháu. Đó là một nét đẹp văn hóa có tác dụng khuyến học, khuyến tài tôn vinh đạo học.

               

               
              Cổng làng Yên Thái vẫn được lưu giữ, bảo tồn và trùng tu đảm bảo kiến trúc xưa

               


                  

               

              Phia trên cổng có 4 chữ vàng  “ Mỹ tục khả phong” do triều đình Tự Đức ban

               

              Hồ Chủ Tịch về thăm làng Yên Thái 6/1/1946 (ảnh tư liệu)

               

               
              Đình Yên Thái là một di tích đẹp, cổ kính, qui mô kiến trúc hoàn chỉnh, có tả vu, hữu vu, có cổng tam quan trong, tam quan ngoài...



              Phía trước đình





              Bên trong đình


               
              Đình có kiến trúc độc đáo, xây dựng trên một khuôn viên rộng


               
              Ngôi nhà cổ 200 năm còn lại ở làng Yên Thái. Nhà có 24 cột lim, vẫn được giữ nguyên vẹn như xưa

               
               
              Làng trong phố, nếp sinh hoạt vẫn còn những nét xưa





              bài: Vũ Văn Luân, ảnh: Lê Bích
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.08.2009 17:40:47 bởi lyenson >
              #7
                venus4t.vns_hnu 23.08.2009 23:43:55 (permalink)
                PHỐ ĐỒNG XUÂN


                Chợ Đồng Xuân xưa Cuộc chiến đấu ngày 14/2/1947 tại chợ Đồng Xuân mãi mãi tô thắm thêm truyền thống anh hùng của Thủ đô Hà Nội. 


                Cái tên Đồng Xuân chỉ mới có từ sau Cách mạng năm 1945. Khi đó, bãi cỏ nơi xây chợ sau này là chỗ bà con nông dân gánh gạo tới bán lẻ cho dân phường, phố. Đậu, ngô, khoai sắn… thì bán ở Hàng Đậu, Hàng Khoai. Nơi đây tập trung các bà bán gạo. Cho nên thực dân Pháp mới gọi là Rueduriz (tức phố Hàng Gạo). Mãi sau năm 1945 ta mới đổi ra là phố Đồng Xuân. Phố Đồng Xuân nay theo hướng Bắc - Nam, tiếp nối phố Hàng Giấy và thông sang Hàng Đường. Phố này dãy bên chẵn là đất thôn Nhiễm Trung, dãy bên lẻ là đất phường Đồng Xuân, đều thuộc tổng huyện Thọ Xương. Tới giữa thế kỷ XIX, thôn Nhiễm Trung hợp nhất với thôn Hoa Đán thành ra thôn mới: Phương Trung. Ngày nay, đình Phương Trung là số nhà 18 phố Đồng Xuân thờ Uy Phù Đại Vương (không rõ lai lịch). Còn đình Đồng Xuân vốn là số nhà 83 phố Hàng Giấy, thờ Bạch Mã.
                Chợ Đồng Xuân chiếm quá nửa dãy phố bên lẻ. Đây vốn là “hậu thân” của hai ngôi chợ cổ của Thăng Long xưa là chợ Bạch Mã và chợ Cầu Đông. Chợ trên ở cạnh đền Bạch Mã (nay là số 76 phố Hàng Buồm). Chợ dưới ở cạnh chùa Cầu Đông (nay là số 38B phố Hàng Đường). Cả hai đều ở bên bờ sông Tô Lịch, trên bến dưới thuyền tấp nập. Thực dân Pháp tới, sau khi đã chiếm Hà Nội, năm 1889, cho lấp sông Tô Lịch, mở phố xá mới. Họ dồn hai chợ nói trên tới bãi đất trống ở cạnh đình Đồng Xuân. Ban đầu cho rào bãi đất kia bằng tre nứa và bắt mọi người vào họp chợ trong hàng rào. Ai có hàng đem vào chợ bán phải đóng thuế ngay ở cổng. Dần dần chợ đông người họp, chợ mở rộng phạm vi, xây 5 cầu chợ bằng khung sắt, mỗi cầu dài 52m, cao 19m, mái lợp kẽm tôn. Chợ mới này được khánh thành vào năm 1890. Đây là chợ lớn nhất thành phố.
                Ca dao cũ còn ghi: Vui nhất là chợ Đồng Xuân/Thức gì cũng có xa gần bán mua/Giữa chợ có anh hàng dừa/ hàng cau, hàng quýt, hàng dưa, hàng hồng…
                Mỗi cầu chợ dành cho một số loại hàng. Năm 1920, chợ được xây lại, rộng ra và đẹp lên. Thế mà chợ này, cũng như cả dãy phố này, lại đã từng là chiến lũy, là pháo đài. Vào những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến, phố Đồng Xuân là hàng rào phòng ngự phía Tây Bắc của Liên khu I. Suốt từ đêm 19/12/1946 cho tới đầu tháng 2/1947, giặc Pháp nhiều lần tấn công vào phố này nhưng đều bị thất bại. Tới giữa tháng 2/1947, địch lại tập trung một lực lượng lớn để tấn công “pháo đài chợ” này. Từ mờ sáng ngày 14/2/1947, sau khi có máy bay trút bom xuống nơi đây, 400 lính Pháp có đầy đủ vũ khí hiện đại, có cả xe tăng yểm hộ, bắt đầu tiến vào phố Đồng Xuân. Bên ta trấn giữ chợ Đồng Xuân chỉ có 19 chiến sĩ, vũ khí không có gì đáng kể, vì ngoài dao, kiếm, súng trường thì chỉ có 1 khẩu tiểu liên là “hiện đại nhất”! Vậy mà, 19 người này đã quần nhau với địch suốt 1 ngày, đánh bật nhiều đợt xung kích của địch.
                Cuộc chiến đấu ngày 14/2/1947 tại chợ Đồng Xuân mãi mãi tô thắm thêm truyền thống anh hùng của Thủ đô Hà Nội. Cho nên ngày nay, ở bên phải cửa chợ, ta đã đắp phù điêu mô tả tượng trưng trận đánh đó.
                Có lẽ cũng nên thêm một ký ức: Năm 1988 chợ xuống cấp được xây lại thành 3 tầng. Ngày 14/7/1994 chợ bị cháy, phải làm lại toàn bộ, đến năm 1996 mới hoàn thành, chỉ giữ lại 3 cửa, còn cửa đầu phía Nam mở thành lối đi vào phố Cầu Đông mới mở năm 1991, cửa đầu phía Bắc được thay bằng phù điêu diễn tả cuộc chiến đấu ở đây năm 1947.
                Nói trở lại con phố này khi xây dựng chợ Đồng Xuân, người ta để chừa ra khoảng đất rộng ở đằng trước mặt để làm chỗ tránh nhau của đường xe điện (từ chợ Bưởi xuống Bờ Hồ và ngược lại). Chỗ đó trở thành nơi bà con nông dân “bám trụ” để bán lẻ gạo. (Bán buôn thì có chợ gạo cạnh bến sông Hồng). Do đó thành tên phố Hàng Gạo.

                Chợ Đồng Xuân ngày nay
                Nếu chú ý sẽ thấy bên số chẵn lồi lõm không thẳng hàng như mọi vỉa hè: Các nhà từ số 2 đến số 8 lùi vào, số 10 và 12 nhô ra, từ số 14, 24 lại lùi vào hàng vài mét. Tiếp đó từ số 26 đến số 36 lại nhô ra… Đó là do các nhà theo vị trí thửa đất cũ, trước khi thành phố làm vỉa hè. Bên số lẻ thì chỉ có khoảng trên mươi nhà (số 1 đến số 25).
                Cả hai bên vốn đều là cửa hàng tạp phẩm: Hàng khô, măng, miến, mực… để nấu cỗ, vài nhà làm và bán hương trầm, hương xạ. Phía giáp Hàng Đường có những hàng bán đường mật và các bánh cổ truyền: Bánh gai, bánh mảnh cộng, bánh gấc, bánh cốm, bánh khảo, oản bột… Phía cạnh Hàng Mã cũng có vài nhà bán hàng mã và giấy mã phục vụ đền, chùa.
                Ngày ấy, một hiện tượng thú vị là giữa phố toàn là vật thể thì số nhà 26 thời kỳ 1937 – 1939 phi vật thể là hiệu sách “Đồng Xuân Thư Quán” chuyên bán những sách báo công khai của Đảng cộng sản Đông Dương.
                Ngày nay, cả phố chủ yếu là bán quần áo, chăn màn đủ loại, đủ kiểu, phục vụ người lớn và trẻ em. Không còn bánh kẹo nữa. Chỉ có một ngôi nhà ở giữa phố bên chẵn làm oản bột để cúng lễ và cũng chỉ còn một nhà bán hương trầm nổi tiếng ở chính số nhà 26./.
                Theo Hà nội ngàn năm


                Mục Đồng sưu tầm từ:
                http://vovnews.vn/Home/Pho-Dong-Xuan/20094/110405.vov
                #8
                  Chuyển nhanh đến:

                  Thống kê hiện tại

                  Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                  Kiểu:
                  2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9