Séraphine
Leo* 20.09.2009 17:41:33 (permalink)
Tranh Seraphine

Séraphine - Một cuộc đời hội hoạ

Ngày 27-2-2009 tại Paris, trong lễ công bố giải thưởng điện ảnh César, bộ phim Séraphine đã giành được bảy giải, trong đó có giải đạo diễn xuất sắc nhất cho nhà làm phim Martin Provost và giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Yolande Moreau nhờ vai diễn Séraphine Louis - nữ hoạ sĩ kỳ lạ bậc nhất của làng hội hoạ Pháp.

Nhân dịp này, Bảo tàng Maillol ở Paris đã triển lãm 17 trong số không nhiều lắm các tác phẩm đã vinh danh nữ hoạ sĩ Séraphine Louis (hay còn được gọi là Séraphine de Senlis). Sinh năm 1864 trong một gia đình nông dân nghèo khó tại làng Arsy bên bờ sông Oise (thuộc khu hành chính Picardie, cách Paris không xa), Séraphine trải qua những năm tháng tuổi trẻ nhọc nhằn với công việc chăn gia súc.

Năm 1901, ở tuổi 37 và không chồng con, bà tới thị trấn Senlis để làm người giúp việc trong các gia đình giàu có tại đây. Chính tại Senlis, tài năng hội hoạ bẩm sinh của Séraphine đã phát lộ. Cho tới nay, dù đã có nhiều cuốn sách viết về Séraphine de Senlis, người ta vẫn chưa biết hết những bí ẩn về cuộc đời lạ thường của bà, cũng như khi nào thì bà bắt đầu vẽ những bức tranh hoa lá hết sức hồn nhiên. Ngay cả sau này, khi đã được nhiều người biết đến, Séraphine vẫn chưa bao giờ hé lộ về duyên cớ đưa bà đến với thế giới hội hoạ cũng như cách nào để một phụ nữ thất học như bà làm chủ được kỹ thuật vẽ và sử dụng màu sắc đáng kinh ngạc như vậy.

Cũng có người lý giải rằng, hình ảnh trên các bức tranh kính ở các giáo đường là nguồn cảm hứng, cũng là những chỉ dẫn thẩm mỹ đầu tiên cho sự nghiệp nghệ thuật của Séraphine, song vẫn chưa ai có thể giải mã được mạch sáng tác và tài năng của bà.




Hoa và trái (1920) Lá (1929)

Trong đời, Séraphine có một người Đức đỡ đầu tên là Wilhelm Uhde. Là một nhà sưu tập tranh cỡ nhỏ, ông đến Senlis sống vào đầu năm 1912, thuê một căn hộ nhỏ và mướn một phụ nữ lớn tuổi lau dọn căn hộ. Khi Wilhelm Uhde đến chơi một gia đình trung lưu láng giềng, ông tình cờ phát hiện một bức tĩnh vật vẽ mấy quả táo. Bức tranh gây cho ông một ấn tượng đậm nét mà khi dò hỏi, ông mới hay tác giả chính là người đàn bà giúp việc nhà của mình. Được sự khích lệ và bảo trợ của ông, Séraphine bắt đầu vẽ tranh.

Những tác phẩm đầu tiên của Séraphine được Wilhelm Uhde sưu tầm rồi bán cho giới chơi tranh trước Chiến tranh thế giới thứ I, nhưng nay hầu như đã biến mất. Nhiều năm sau chiến tranh, khi đến định cư ở Chantilly (cũng thuộc vùng Picardie), Wilhelm Uhde lại thấy những bức tranh của Séraphine trong một triển lãm của các hoạ sĩ sống và vẽ ở Senlis.

Quá bất ngờ trước những gì thấy được, ông đi tìm tác giả. Séraphine lúc này đã già, sống đơn độc trong một ngôi nhà tồi tàn mà ở đó luôn có một ngọn đèn nhỏ cháy sáng cả ngày đêm trước bức ảnh Đức Mẹ đồng trinh. Thật không ngờ là niềm đam mê vẽ ở Séraphine vẫn cháy bùng như ngày nào Wilhelm Uhde mới gặp bà.

Một lần nữa, với sự hỗ trợ của ông, nữ hoạ sĩ lại vẽ không ngừng những bức tranh khổ lớn, tràn ngập cảm hứng thuần phác và trí tưởng tượng nguyên sơ, cũng giống như cách mà Henri Rousseau đã nhìn và vẽ thế giới quanh ông - một địa đàng đầy hoa trái của con người lẫn muông thú.




Chùm nho (1930) Bó hoa (1929)

Séraphine không vẽ gì khác hơn ngoài lá, hoa và trái trên cành. Dù những gì bà vẽ không có nguyên mẫu nào trong thực tại và cũng không tuân thủ một quy luật tự nhiên nào, nhưng tranh của bà vẫn quyến rũ người xem bởi nhịp điệu sắc màu và những ám ảnh tâm linh kỳ diệu trong thế giới nội tâm của tác giả, được thể hiện trong từng nét vẽ. Đó là những chùm trái chín sinh sôi giữa những tán lá lộng lẫy như màu sắc của lông công Ấn Độ hay màu lông của những loại chim hiếm còn sót lại ở trần gian. Những chiếc lá như đang run lên theo từng cơn gió cũng là những cặp mắt đang nhìn hay những đôi môi đang cười, bất chấp mọi nỗi đau nhân thế.

Sự phồn thịnh của những sắc độ khác nhau trong bảng màu của Séraphine được cân bằng và thật hài hoà, không hề đem đến cảm giác về sự diêm dúa của thứ tranh trang trí tầm thường. Dù Séraphine không hề biết đến những motif trang trí nào khác ngoài những hoạ tiết trong tranh tường nhà thờ và những hình ảnh tôn giáo, song tranh của bà lại khiến người ta nhớ tới những hoa văn rực rỡ nhất của đồ gốm xứ Ba Tư huyền bí. Chỉ có thể giải thích điều ấy bằng sự mặc khải tôn giáo.

Năm 1927, triển lãm cá nhân đầu tiên của Séraphine Louis được tổ chức tại Senlis, gây được tiếng vang, song đến năm 1930 thì Wilhelm Uhde không thể mua tranh của bà nữa vì cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra khốc liệt. Không còn vẽ được tranh nữa, người hoạ sĩ già nua mắc bệnh tâm thần và sống những năm tháng cuối đời trong một dưỡng trí viện.

Bà mất năm 1942, không có ai là thân nhân hay bè bạn bên cạnh, để lại cho đời khoảng 70 - 80 tác phẩm, hiện một số được lưu giữ tại Bảo tàng Maillol, Bảo tàng Nghệ thuật Naif ở Nice, Bảo tàng nghệ thuật hiện đại Lille Métropole ở Villeneuve-d’Ascq và Bảo tàng Mỹ thuật Senlis. Hầu hết các tác phẩm ấy được vẽ trong thập niên 1920 - giai đoạn sáng tác ngắn ngủi nhưng sung mãn nhất của Séraphine


Séraphine Louis những năm 1920

Trong nhiều năm qua, hầu như người ta đã lãng quên những tác phẩm ấy cho tới khi bộ phim của đạo diễn Martin Provost được bấm máy và giành được thành công lớn dù kinh phí thực hiện chỉ khoảng 15 triệu USD. Trong phim, nữ diễn viên người Bỉ Yolande Moreau đã đóng thật xuất sắc vai Séraphine, bên cạnh diễn viên gốc Thổ Nhĩ Kỳ Ulrich Tukur trong vai Wilhelm Uhde. Đây là lần thứ nhì Yolande Moreau nhận được giải César nữ diễn viên xuất sắc. Năm 2005, với vai nữ chính trong bộ phim Khi biển dâng lên (Quand la mer monte), lần đầu tiên bà được nhận giải thưởng này.



Poster phim Séraphine

Yolande Moreau trong phim

Séraphine là một bổ sung đầy ấn tượng vào danh sách những bộ phim truyện nổi tiếng về cuộc đời và sáng tác của các danh hoạ thế giới như Van Gogh (đạo diễn Maurice Pialat, diễn viên Jacques Dutronc vào vai Van Gogh từng đoạt giải César 1992 Diễn viên chính xuất sắc nhất), Frida Kahlo (Salma Hayek trong vai Frida, đoạt hai giải Oscar 1992), Jackson Pollock (Ed Harris làm đạo diễn kiêm diễn viên chính)...

St
Nguồn : Tuổi trẻ 19/03/09

#1
    vũkimThanh 21.09.2009 22:35:14 (permalink)
    Bạn Leo thân mến
     
    Ðọc xong câu chuyện về người họa sĩ này thật thú vị và ấn tượng. Cám ơn bạn  đã sưu tầm được những bài viết thật giá trị và hữu ích. Chúc bạn vui và hạnh phúc tràn đầy. Thân ái Vũ kim Thanh
    #2
      Leo* 22.09.2009 01:19:51 (permalink)
      Chào Vũ Kim Thanh !
       
      Hy vọng những bài post giúp mọi người hiểu thêm đôi chút gì đó về thế giới hội hoạ.
      Chúc VKT vui và hạnh phúc
      Leo*
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9