Chữ Việt Tình Tôi
Hàn Lệ Nhân 11.10.2009 20:12:37 (permalink)
Cập nhật quan trọng ở chú thích số 4 (18/10/2009)















 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.10.2009 16:02:28 bởi Hàn Lệ Nhân >
#1
    Hàn Lệ Nhân 18.10.2009 16:04:20 (permalink)


     
    ************************


    #2
      Hàn Lệ Nhân 24.10.2009 02:53:23 (permalink)
       
      (trong phần 1, vì trục trặc với mấy Fonts "lạ" nên buộc phải đăng bằng Jpeg, mai mốt điều chỉnh lại, xin thứ lỗi)
       
       
      Chữ Việt tình tôi [2.1] 
      Hàn Lệ Nhân
       
      Phần 2.1

       
      1. Lược sử chế độ thực dân Âu châu
       
      Hè năm 2007, tôi và gia đình qua Portugal (Bồ Đào Nha). Tôi có dịp đến tận nơi đã xuất phát những con thuyền đi chinh phục và chiếm đoạt các vùng đất "mới" (với mỹ từ Phiêu lưu, Khám phá – Aventure, Découverte) của nào Francisco de Almeida, Alfonso de Albuquerque, Vasco de Gama…, nào Jorges Ávares, Tomé Pires...v.v. Địa điểm ven biển này tục gọi là Km 0, gần tỉnh Faro (cực nam Bồ Đào Nha), nay là một địa danh du lịch nổi tiếng. Nơi đây còn nhiều phế tích và di tích về vô số cuộc xuất dương "phiêu lưu-khám phá" và buôn nô lệ da đen, nhưng tôi lưu ý tới nhất là cái địa bàn cổ khổng lồ, chu vi khoảng 6-7 thước: Đây là di tích có lẽ là bản sao được phóng đại từ cái địa bàn hàng hải thật mà Bồ Đào Nha đã dùng để vạch ra hướng đi chinh phục thế giới.
       
      Tìm hiểu về sự hình thành Chữ quốc ngữ hiện hành ở Việt Nam thì không thể không đặt nó vào dòng lịch sử chung của thực dân da trắng, thế kỷ XVI-XIX, nhất là thế kỷ XVII. Nhất định không lách, không luồn, không lờ… mà thẳng thắn đặt nó vào dòng lịch sử của thực dân da trắng, theo tôi có vậy mới thấu được đôi phần cái giá mà dân tộc ta đã trả bằng máu và nước mắt để có được "một phát minh kỳ diệu" (Lê thành Khôi: le Viet Nam, histoire et civilisation - Paris 1955, tr 292), cái phương tiện trao đổi dễ dàng, hữu hiệu giữa chúng ta ngày nay. Và tôi cũng xin nói ngay đây, với cái "phát minh kỳ diệu" thế này nhưng tại sao, tại sao tuyệt đại đa số dân tại Việt Nam đến nay (2009) vẫn chưa có cơ hội để an nhiên dùng nó hầu tỏ bày những suy nghĩ thật của mình ?!
       
      Đặc biệt trong bài này tôi chỉ điểm sơ về 3 quốc gia công giáo tức 3 đế quốc thực dân có ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam ta, trên phương diện chính trị, kinh tế, thương mại, xã hội, văn hoá, tôn giáo và Văn Tự ! Đó là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp quốc. Ý Đại Lợi, Anh quốc và Hoà Lan chỉ được nhắc tới khi cần.
       
      A. Bồ Đào Nha
      Thế kỷ XV-XVI, Vương quốc Bồ Đào Nha là một trong mấy cường quốc hàng đầu trên thế giới về hàng hải, kinh tế và văn hoá. Người khởi xướng cuộc "phiêu lưu-khai phá" của Bồ Đào Nha là ông hoàng Henri le Navigateur (1394-1460).
       
      Trước, họ nhắm Bắc Phi: chiếm thành phố cảng Cueta rồi trọn Maroc và mũi Gibraltar năm 1415, Tanger năm 1471 và Agadir năm 1505. Đồng thời họ chiếm Tây Phi: Quần đảo Açores năm 1430, Cap de la Bonne Espérance /Cap Town (mũi Hão Vọng) năm 1497-1498...
       
      Sau, họ vào được bờ biển Nam Mỹ, chiếm Brézil năm 1551 rồi tiếp tục qua bờ biển Ấn, thành lập một trung tâm thương mại ở Goa năm 1553 và Cochin năm 1558 (thuộc Ấn), tiến tới Malacca và thẳng lên miền Á Đông, đặt căn cứ thương cuộc ở Ma Cao thời nhà Minh (1368-1644), Trung Hoa năm 1575. Ma Cao được trả lại cho Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa (Trung Cộng) cuối năm 1999, biến thành Đặc Khu Hành Chính (Région Administrative Spéciale-RAS).

       


       

       
      Vài nhà hàng hải trứ danh Bồ Đào Nha :
       
      * Bartholomeu Dias: Sinh năm 1450 tại Algarve (BĐN), chết năm 1500 tại Cap de la Bonne-Espérance (Mũi Hão Vọng, Nam Phi) ;
       
      * Francisco de Almeida: Sinh năm 1450 tại Lisboa /Lisbonne (BĐN), chết tại Cap de la Bonne-Espérance năm 1510 ;
       
      * Alfonso de Albuquerque: Sinh năm 1462 tại Alhandra (BĐN), chết năm 1515 tại Goa (Ấn) ;
       
      * Vasco de Gama: Sinh năm 1469 ở Sines (Bồ Đào Nha), chết năm 1524 tại Cochin (Ấn).
       
      * Serpa Pinto : Sinh năm 1846 tại Tendais (BĐN), chết năm 1900.
       

      B. Tây Ban Nha
      Song song thời điểm Bồ Đào Nha "phiêu lưu-khai phá" về hướng đông Ấn, (les Indes Orientales), Tây Ban Nha nhắm miệt tây Ấn (les Indes Occidentales):
       
      Christophe Colomb (1451-1506)
      Christoffa Corombo hay Christophe Colomb (Kha Luân Bố), gốc Ý phục vụ cho vương triều Castille (Castilla-Tây Ban Nha), là người đầu tiên ra quân trên thương thuyền Sainta Maria. Ch. Colomb nhắm miền tây Ấn, nhưng lại lạc hướng, gặp quần đảo Bahamas và "khám phá" ra châu Mỹ năm 1492... có điều bấy giờ ông không hề nghĩ đó là "Tân Thế Giới" mà cho là thuộc Á châu, quần đảo ông bắt gặp là…Nhật Bản !
       
      Nhưng Amerigo/Americo Vespucci (1454-1512) cũng là người Ý, có nhiệm vụ lãnh đạo cuộc "phiêu lưu-khai phá" về hướng tây Orénoque/Rio Orinoco (Guyane, nam Mỹ) lại có ý kiến rằng những gì người ta "khám phá" được thuộc "Tân Thế Giới" (Mundus Novus). Ý kiến này đã được nhà địa dư học Waldseemüller tán thành và lấy tên America đặt cho vùng đất "mới". America là "giống cái" của chữ Americus theo văn phạm La tinh. Đương nhiên thời đó, America chỉ gồm vài quần đảo và lãnh địa đã được/bị "khám phá", chứ có nằm mơ cũng chẳng ai ngờ cái địa danh America lại mênh mông từ Alaska đến Terre de Feu /Land of Fire như ngày nay !
       
      Ferdinand de Magellan
      Ferdinand de Magellan, người Bồ Đào Nha làm việc cho Tây Ban Nha, trên đường đi tây Ấn thì gặp quần đảo Philippines năm 1519. Magellan bị thổ dân giết chết tại đây năm 1521. Philippines biến thành thuộc địa của Tây Ban Nha từ năm 1565.


        
      Sau cuộc chiến Tây Ban Nha-Hoa Kỳ năm 1898 (tục gọi Desatre del 98), Philippines có ông chủ mới: Hoa Kỳ, đồng thời thay ngôn ngữ Tây Ban Nha bằng tiếng Mỹ (Anh). Hậu quả của Desatre del 98 còn buộc Tây Ban Nha "nhường" luôn Puerto Rico và Guam cho Hoa Kỳ với giá 20 triệu đô-la Mỹ, đồng thời trả lại nền độc lập cho Cuba năm 1901 (hiệp ước Paris, 10/12/1898)… Có thể nói Desatre del 98 là bước ngoặt lạ lẫm đầu tiên trong dòng lịch sử của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
       
      C. Tranh chấp giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha
      Nhìn trên bản đồ theo lộ trình đường biển thì ta sẽ hiểu đại khái cuộc hành trình của F. Magellan tới quần đảo Philippines là mầm nẩy ra sự tranh chấp giữa hai ông đế quốc Bồ Đào Nha-Tây Ban Nha và có ảnh hưởng nhất định tới nước ta lúc bấy giờ: Bồ Đào Nha đặt căn cứ thương cuộc tại Goa và Cochin (tây nam Ấn Độ),  Malacca (Malaisie, Mã Lai) và Ma Cao /Áo Môn (nam Trung Hoa) nên nước ta lọt vào cái trục giao thông đó. Cùng lúc, Tây Ban Nha đặt căn cứ thương cuộc ở Manilla (Philippines), nước ta cũng nằm trong tầm ngắm của họ. Có điều qua những tài liệu tôi có, Bồ Đào Nha không hề có ý định thôn tính nước ta. Sẽ được bàn tới trong phần 2.2.


        
      Tây Ban Nha muốn nhích lằn ranh giới vào giữa Malacca, vị chi để họ có trọn Philippines và An Nam /Đại Việt (VN ngày nay). Bồ Đào Nha kéo đường biên giới vào phiá Australie (Úc Đại Lợi) tức kiểm soát lại được quần đảo Açores (bị Tây Ban Nha đoạt trên tay) và Cabo Verde (Cap Vert) thuộc Tây Ban Nha từ trước.
       
      Ngoài thương thuyền của mình ra, Bồ Đào Nha cấm tuyệt các thương thuyền khác qua lại buôn bán miệt Ấn Độ Dương.
       
      Đó là nói sơ về địa lý-kinh tế-chính trị.
       
      D. Giáo Hội La Mã và cuộc tranh chấp Bồ Đào Nha-TâyBan Nha
      Cuộc tranh chấp Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha nói chung là nguyên nhân sinh ra Hiệp ước Tordesillas. Hiệp ước Tordesillas có giá trị "quốc tế", quy định việc chia đôi "Tân Thế Giới" (Terra Nullius /Nouveau Monde = Châu Mỹ), như ta cắt cái bánh ga-tô, cho hai đại đế quốc này, được đức Giáo Hoàng Alexandre VI Borgia (1431-1503) tác thành năm 1494 tại Castille (vương quốc Castilla, sau xáp nhập vào Tây Ban Nha) và đức Giáo Hoàng Jules II chuẩn y năm 1506. Tóm lược, qua hiệp ước này, Bồ Đào Nha sở hữu trọn nửa Tân Thế Giới phiá đông, trọn nửa kia là của Tây Ban Nha, lấy kinh tuyến 46° 37' (có nơi ghi là kinh tuyến 47°) phiá tây quần đảo Cap Vert trong Đại Tây Dương làm phân giới. Cap Vert được Bồ Đào Nha nhả ra và trở thành nước Cộng Hoà Cap Vert từ năm 1975, thủ đô là Praïa.
       
      Đương nhiên Pháp quốc, Anh quốc và Hoà Lan đâu thể nào trơ mắt chấp nhận cái hiệp ước kỳ lạ như vậy, hậu quả là từ đó mà xảy ra hàng loạt đụng độ và Tu Chính (réforme), mãi cho đến năm 1779, nhưng vì không là trọng tâm của chủ đề nên xin miễn nói thêm.

        

       
      Trang thứ nhất của Hiệp ước Tordesillas 1494 (Archivo Fotografico Orono)

       
      E. Pháp quốc
      Sử gia Pháp chia lịch sử đế quốc thực dân Pháp ra làm hai chu trình (cycle): Chu trình thứ nhất hay Đế Quốc Thực Dân I (Premier empire colonial) có tính cách "vương quyền hay quân chủ" (royal ou monarchique) ; chu trình thứ hai hay Đế Quốc Thực Dân II có tính cách "hiện đại hay cộng hoà" (contemporain ou répubicain), vì các cuộc "phiêu lưu-khai phá" kế tiếp chu trình 1, hầu hết đều nằm trong đệ tam Cộng hoà Pháp tức sau cách mạng Pháp 1789. Việt Nam nằm trong chu trình thứ hai.
       

      Chu trình thứ nhất (Đế quốc thực dân I) thế  kỷ  XV-XVI
      Chẳng khác gì các lân bang thực dân nói trên, Pháp không giấu tham vọng "vượt trùng dương" tìm "không gian mới", cũng muốn tìm đường đến Ấn Độ hầu khai thác các hương liệu quý và "khám phá" những tài nguyên trong "các vùng chưa được biết tới" (régions inconnues). Nhưng, tuy được nằm ven ba bờ biển (Manche, Đại Tây Dương và Địa Trung Hải), kỹ thuật hàng hải của Pháp bấy giờ còn thô sơ -  nên chậm chân, so với hai siêu cường Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, do đó Pháp chỉ lòng vòng ven Địa Trung Hải (chưa dám đi xa), chủ yếu là dựa vào cảng tại thành phố biển Marseille (nam Pháp). Còn các cảng của Pháp phiá Đại Tây Dương, như tại La Rochelle, Bayonne…(tây Pháp), đa phần là cảng tàu đánh cá.
       
      Như đã nói qua, Pháp phản đối kịch liệt Hiệp ước Tordesillas 1494 (Giáo Hội Rôma chia đôi châu Mỹ cho Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha), dựa trên luận cứ «"Di chúc của Adam": một vùng đất không là của người sáng chế ra nó mà thuộc người sở hữu nó » ("Testament d'Adam": une terre n'est pas à son inventeur mais à son possesseur – François I). Từ năm 1523, Pháp bắt đầu vượt Đại Tây Dương, đặt chân lên vùng Đất Mới (Terre Neuve, Canada), mở đường cho những cuộc "ra khơi" kế tiếp, tạo nên một Nouvelle-France (nước Pháp mới) gồm Nouvelle Terre (Đất Mới = Thuộc địa của Pháp tận Bắc Mỹ), vài đảo trong biển Caraïbes (quần đảo Antilles)… và các đảo rải rác đó đây.
       
      Cuộc viễn du đầu tiên trực chỉ Bắc Mỹ là do một người Ý làm việc cho Pháp, Giovanni da Verrazzano (1485-1528) lãnh đạo, nhưng kết quả chỉ có giá trị thám hiểm địa hình, địa thế.
       
      Phải đến sau khi Jacques Cartier (1491-1557), thời vua François I, "khám phá" ra vịnh Saint Laurent và bán đảo Gaspé (đông Québec) năm 1534 ; đảo Orléans và Hochelaga (Mons realis /Montréal ngày nay) năm1535 ; Nicolas Durand de Villegaignon (1510-1571) "khám phá" ra vịnh Rio năm 1555… Pháp mới cụ thể ý chí chiếm đất người làm đất mình.
       
      Chu trình thứ hai (Đế quốc thực dân II) thế kỷ XVII-XIX
      Chu trình 1, nhìn chung, không thành công : Pháp chỉ mới là cường quốc hạng hai trên mặt biển. Tàu bè của Pháp chưa là chiến thuyền mà chỉ gồm thương thuyền có vũ trang ; biển chưa phải là ưu tiên hàng đầu của Pháp, ví dụ vua François I chỉ chú tâm vào các xung đột với Ý.
       
      Hồng Y Armand Jean du Plessis Richelieu (1585-1642)
      Người Pháp đầu tiên vạch ra chính sách rộng lớn về biển, về thuộc địa là Bộ trưởng tài chánh và hàng hải tức Hồng Y Armand Jean du Plessis Richelieu, được mệnh danh là "đại sư và siêu tổng quản ngành hàng hải" (Grand maître et Surintendant général de la navigation). Hồng Y Richelieu là người mở ra thời đại "thuyền chiến" thứ thiệt của Pháp. Đến năm ông qua đời (1642), Pháp có 65 chiến hạm và 22 thương thuyền có vũ trang loại mới.
       
      Dưới thời Richelieu, Pháp chiếm các đảo Saint Christophe năm 1625, Guadeloupe và Martinique năm 1635…, song song là áp đặt nhiều thương cuộc trên Nouvelle-Terre (Đất Mới, Canada) và các đảo ở Mỹ châu.
       
      Samuel de Champlain (1567-1635) ngược dòng sông Saint Laurent, đến Canada và lập nên thuộc địa Québec năm 1608 và chết tại đây năm 1635.
       
      René Robert Cavelier de La Salle (1643-1687) chiếm Louisiane /Louisiana năm 1682, rồi cũng chết tại đây năm năm sau…v.v.
       
      Hồng Y Jules Mazarin (1602-1661)
      Người kế vị Hồng Y Richelieu là Hồng Y Jules Mazarin. Nhờ một hạm đội như trên nên năm 1648 Pháp đã đánh bại siêu cường Tây Ban Nha trên mặt biển trong cuộc chiến 30 năm tại Âu châu, 1618-1648. Pháp trở thành bá chủ trên Địa Trung Hải. Trên các biển khác, như Đại Tây Dương, Pháp kém Anh quốc.
       
      Có điều, khác với người tiền nhiệm, Hồng Y Mazarin ít quan tâm tới thuộc địa, nhất là biển. Đến năm 1662, Pháp chỉ còn 18 chiến hạm lớn và 6 thương thuyền có vũ trang loại mới…nay đã cũ.
       
      Đó là dưới triều vua Louis XIII (1601-1643).
       
      Jean Baptiste Colbert (1616-1683)
      Người kế nhiệm Hồng Y Mazarin là Jean Baptiste Colbert, dưới triều vua Louis XIV (1638-1715) tức vua Mặt Trời (Roi Soleil) vì ông chọn mặt trời làm biểu tượng.
       
      Colbert là người ý thức rất rõ sự liên đới bất khả phân giữa Hàng hải và Tài chánh, một hạm đội mạnh là điều kiện cốt yếu để giữ các thuộc địa và các hoa lợi trong việc khai thác ; đồng thời kiểm soát được các tuyến hải hành trong sự bành trướng về thương mại.
       
      Sự hồi phục sức mạnh trên biển của Pháp tất nhiên làm e ngại các quốc gia đối thủ: Chiến tranh Pháp-Hoà Lan 1672-1678 ; chiến tranh Augsbourg (1688-1697) giữa một phe là Pháp-Đan Mạch-Ottoman và phe kia là Anh quốc-Tây Ban Nha-Hoà Lan-Thuỵ Điển. Hiệp ước Ryswick / Rijswijk ra đời (1697), vẽ lại bản đồ thế giới.
       
      F. Giáo Hội La Mã và sau cuộc tranh chấp ở Âu Châu
      Thật ra qua nửa thế kỷ XVII, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã bắt đầu suy vi, nhất là Bồ Đào Nha. Nguyên nhân chính làm Bồ Đào Nha suy: 1. Đế quốc Bồ Đào Nha dựa trên hệ thống thương mại tự trị, độc lập với chính quyền trung ương Lisbonne, do đó quyền lợi và phương tiện giữa tập đoàn thực dân và triều đình không luôn luôn suôn sẻ ; 2. Thiếu người: Thời đó dân số Bồ chỉ trên dưới 1 triệu thì làm sao mà khai thác và giữ được non 1/5 quả địa cầu ! Hơn nửa, một lực lượng liên hiệp mới xuất hiện: Anh quốc và Hoà Lan (Tin lành) ; lực lượng thứ hai: Pháp quốc (Công giáo).
       
      Giáo Hội La Mã không thể tiếp tục ủng hộ triệt để cặp Bồ Đào Nha-Tây Ban Nha ("hết còn như xưa"), để quảng bá đức tin nữa, song lại ngại cặp Anh quốc-Hoà Lan (Tin lành). Vậy chỉ còn Pháp, vừa là công giáo vừa hùng mạnh hơn Bồ và Tây, lại bắt đầu bành trướng đến nam Á châu (Pondichéry / Pondicherry, đông nam Ấn Độ, 1673-1685), Kouang-Tchéou - Quảng Châu (đông nam Trung Hoa, 1898), xuống tận Đông Dương…


       
       I. Việt Nam trong thế kỷ XVI-XVII
      Cùng thời điểm nổ ra các cuộc cạnh tranh, xung đột đẩm máu giữa các đế quốc thực dân ở Âu Châu, thì Việt Nam dưới triều Lê nằm trong tình trạng Trịnh-Nguyễn phân tranh (1570-1786), tuy cả hai họ đều giương cao chiêu bài "phù Lê", chia thành Xứ Bắc và Miền Nam hay Đàng Ngoài và Đàng Trong, lấy Linh Giang (sông Gianh) làm ranh giới (vĩ tuyến 18, Đàng Trong =  từ bên này bờ sông Gianh xuống đến bắc Nha Trang, chưa có cuộc Nam Tiến). Có thể nói cuộc phân tranh này cụ thể khởi từ hai câu thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ứng khẩu cho Chúa Tiên Nguyễn Hoàng: "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (Hoành Sơn một giải, vạn đời nương thân).
       
      Chúa Trịnh chưa thể "nam tiến diệt họ Nguyễn" bèn tập trung vào việc dứt họ Mạc (Mạc Đăng Dung) ở Cao Bằng (1677), diệt họ Vũ (Chúa Bầu, Vũ Văn Uyên) ở Tuyên Quang (1699), củng cố địa bàn Bắc bộ.
       
      Chúa Nguyễn cũng chưa đủ sức "bắc phạt diệt họ Trịnh" bèn nổ lực vào việc "mở mang bờ cõi hay Nam tiến": Năm 1692, chiếm Chăm-pa (Chiêm Thành = Từ Quảng Trị đến Bình Thuận ngày nay) ; năm 1698-1757, lấn Chân Lạp (Kampuchia,  lập ra sáu tỉnh miền Nam : Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, An Giang, Vĩnh Long, và Hà Tiên).
       
      Chúa Trịnh tìm sự ủng hộ của ngoại quốc A ; chúa Nguyễn, từ ngoại quốc B. Sự có mặt đông đảo của A và B trên nước ta bắt đầu từ đây (xem phần 2.2).
       
      Điều làm tôi thắc mắc, tò mò muốn tìm hiểu là cách người ngoại quốc nói chung đặt tên cho nước ta. Người ngoại quốc thường gọi Xứ Bắc thuộc Chúa Trịnh là Tunquim rồi Tonkin, và Miền Nam thuộc Chúa Nguyễn là Cocincina rồi Cochinchine. Cụ Nguyễn Khắc Xuyên giải thích:
       
      [" …Tonkin có lẽ là do từ ngữ Đông Kinh (Nhật có Đông Kinh, Trung Hoa có Bắc Kinh và Nam Kinh). Tại sao lại có chữ đó ? Chúng ta biết rằng đời vua Trần Thuận Tông, năm Đinh Sửu 1397, Hồ Quý Ly ép vua dời đô về địa hạt xã Tây Giai, Phương Giai, và Xuân Giai thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hoá. Kinh đô mới ấy gọi là Tây Đô nay còn di tích gọi là thành nhà Hồ" (Khảo Cứu Tập San 2, trang 41). Bởi đó thành Thăng Long tức Hà Nội bây giờ thì gọi là Đông Đô. Nhưng đền đời vua Lê Thái Tổ, canh Tuất 1430 đã đổi Đông Đô thành Đông Kinh và Tây Đô thành Tây Kinh. Người Âu Châu hoặc khi nghe người Trung Hoa đọc sai đi là Tông Kinh hoặc chính các ngài đã phiên âm lại cho nên thành ra Tunchin hay Tonkin."] (Nguyễn Khắc Xuyên, bản thảo: Vấn đề hình thành chữ quốc ngữ, trang 22, ĐH Đà Lạt, 1962-1964).
       
      Còn chữ Cocincina ?
       
      Cụ Nguyễn Khắc Xuyên giải thích:
       
      [" …Giáo sĩ Đắc Lộ cho chữ Cocin bởi từ "Kẻ chợ", rồi người Nhật đọc trại đi là "Coci", đến người Bồ Đào Nha đọc lại là "Cocin", song để khỏi lẫn với một tỉnh của Ấn Độ cũng có tên là "Cochin" nên thêm chữ "Cina", có nghĩa là Trung Quốc vào. Cho nên chúng ta thấy viết Miền Nam nước Việt là "Cochincina". Theo một tác giả khác là Marini trong quyển nói về Việt Nam in năm 1666 thì "Cocin" bởi chữ "Giao Chỉ". Tuy nhiên, lấy chữ Kẻ Chợ để chỉ Miền Nam Việt Nam thì e không hợp, bởi vì Kẻ Chợ là tiếng cổ thế kỷ XVII để chỉ Đô Thành hay Kinh Đô là nơi họp chợ buôn bán sầm uất. Mà nếu nói Kẻ Chợ thì phải hiểu "Thăng Long", chứ sao lại là Miền Nam ?"] (sđd, trang 22).
       
      Phải chăng đây là khởi điểm của nguồn gốc phiên âm chữ Việt theo lối la tinh. Ai là người đầu tiên chế ra hai địa danh này và vào thời điểm nào ?
       
      (Còn tiếp)
      Hàn Lệ Nhân
      (những tài liệu tham khảo sẽ được ghi rõ ở cuối bài)
      Phần 2.2 Tiến trình hình thành chữ Việt ABC trên sách báo giấy
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 24.10.2009 02:57:33 bởi Hàn Lệ Nhân >
      #3
        Hàn Lệ Nhân 27.10.2009 00:25:37 (permalink)
         
        Chữ Việt tình tôi [2.2]
        Hàn Lệ Nhân
         
        Phần 2.2

         
        Những tác giả bàn về chữ Việt abc tôi đã đọc qua đều đồng ý việc các giáo sĩ thừa sai, khởi từ năm 1548, đã phiên âm các thứ tiếng Hoa (Pinyin), Nhật (Romaji) (1) trước khi phiên âm tiếng Việt, đầu thế kỷ XVII. Ở đây, tôi xin thêm: Từ đầu thế kỷ XVI, các giáo sĩ thừa sai không những đã phiên âm mà đã in sách văn phạm, tự điển về các thứ tiếng như QueChua/QuiChua của người Incas tại Pérou ; tiếng Tupi ở Brésil ; tiếng Nahuatl của người Aztèque tại Mexico… Mấy giáo sĩ như Leonardo de Vale, José de Anchieta, Alonso de Molina, André de Olmos…là những nhà tiên phong lẻ loi soạn ra các sách này.  Đơn cử dăm tiếng Nahuatl viết theo lối chữ la-tinh:
         
        ilalla, xolal : Đất 
        ilhuicatl : Trời 
        atl : Nước
        tletl, tlitl : Lửa
        tlacatl  : Đàn ông
        cihuatl : Đàn bà
        tlacua : Ăn
        atli :Uống
        yahualli : Ban đêm
        ilhuitl : Ban ngày
        inka: Vua
        ing-Kóngr: Vua của nòi giống / của dân tộc
        (tôi dịch từ sách Pháp)
         
        Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp quốc là ba nước theo Công giáo, chịu ảnh hưởng trực tiếp của Giáo Quyền Rôma, cho nên trên mỗi chiếc hay mỗi đoàn thương thuyền từ ba nước này mạo hiểm "mang văn minh và thịnh vượng" đến tận chân trời góc biển tít mù, đều có vài giáo sĩ thừa sai đi theo để truyền đạo vào "đất mới". Nhưng ngôn ngữ bất đồng thì làm sao giảng ?
         
        Các giáo sĩ vốn không cùng gốc gác, khác quốc tịch, khác dòng đạo do đó đã nảy ra hai chủ trương đối lập rõ rệt trong việc truyền giáo:
         
        1/ Chủ trương " tabula rasa / table rase" tức tiêu thổ / hũy diệt mọi "quốc hồn quốc túy" của dân bản địa "man di mọi rợ", thay vào đó là những phong tục, tập quán, văn hoá…đến ngôn ngữ, văn tự "văn minh" của người chiếm đóng, của người truyền giáo, nói gọn là đồng hoá triệt để.
         
        Chủ trương "tabula rasa" được áp dụng và đã thành công "vượt chỉ tiêu" ở Trung và Nam Mỹ. Ngày nay (2009), toàn bộ Trung và Nam Mỹ vẫn chính thức sử dụng ngôn ngữ và văn tự "thực dân: đời-đạo, đạo-đời". Ngôn ngữ và văn tự là vũ khí đồng hoá khủng khiếp, hơn cả 2 quả bom nguyên tử ở Nhật trong Thế chiến 2. Ngày nay, 2009:
         
        Trung Mỹ: Sáu trên bảy (6/7) nước sử dụng ngôn ngữ và văn tự Tây Ban Nha: 1. Costa Rica, 2. Guatemala, 3. Panama, 4. Honduras, 5. Nicaragua, 6. Salvador, 7. Belize: Anh ngữ.
         
        Nam Mỹ: Chín trên mười hai (9/12) nước sử dụng ngôn ngữ và văn tự Tây Ban Nha: 1.Bolivia, 2. Colombia, 3. Ecuador, 4. Peru, 5. Paraguay, 6. Chile, 7. Argentina, 8. Uruguay, 9. Venezuala.
         
        10. Brazil (Bồ Đào Nha), 11. Surinam (Hoà Lan), 12. Guyana (Anh );
         
        13. Guyane-française (không được tính là "nước") đương nhiên dùng tiếng Pháp vì vẫn còn là 1 tỉnh tại hải ngoại của Pháp (DOM = Département d'Outre-Mer).
         
        Đa số các đảo (còn là thuộc địa) hay đảo quốc độc lập quanh Caraïbes và Antilles đều dùng tiếng Anh hay tiếng Pháp; đặc biệt ở Cuba, 2 triều Castro cách-mạng-anh-truyền-em-nối vẫn chưa chịu làm cách mạng ngôn ngữ và văn tự, đành tạm chính thức sử dụng, từ nửa thế kỷ qua, tiếng và chữ của đế quốc tư bản xâm lược Tây Ban Nha !
         
        2/ Chủ trương "convenção / convenance" tức thích nghi.
         
        Việt Nam nói riêng được "may mắn" nằm trong chủ trương này. Đơn cử 1 ví dụ trên phương diện thích nghi văn tự: Trong cuốn Tự điển Việt-Pháp (Dictionnaire Annamite-Français) của giáo sĩ JFM Génibrel, Imprimerie de la mission à Tân Định - SG 1898 (2), mỗi từ đứng đầu đều được ghi bằng chữ Nôm, tuy nhiên trong lời mở đầu, giáo sĩ Génibrel gọi đó là "những chữ chỉ định các tiếng trong ngôn ngữ An nam bình phàm" (des caractères indiquent les Mots de la langue annamite vulgaire), so với "ngôn ngữ nhà nho" (langue des lettrés), "ngôn ngữ quan lại" (langue mandarine), ý nói tiếng và chữ Hán-Việt "thánh hiền"!
         
        Vậy, trên phương diện truyền giáo theo chủ trương thích nghi:
         
        1. Giáo sĩ phải học kỳ được ngôn ngữ của người bản xứ, thích nghi với phong tục, tập quán của họ.
         
        2. Học được ngôn ngữ rồi thì phải soạn sách giáo lý, dịch Thánh Kinh và  tiểu sử chư thánh. Mà muốn soạn sách tất phải rành văn tự (nếu có), văn phạm…của ngôn ngữ đó, xong tìm mọi cách phiên âm nó ra vần la-tinh: Mọi nẻo đường đều dẫn về thành La Mã (tous les chemins mènent à Rome) !
         
        3. Mẫu tự la-tinh có 1 tiện lợi tức thời : Dễ in sách vở giáo lý cho đặc vụ quảng bá đức tin Thiên Chúa.
         
        Như thế, việc phiên âm các ngôn ngữ bản địa ra văn tự la-tinh là một đại chính sách của Giáo Hội La Mã. Riêng ở nước ta, "lúc mới đầu chắc cũng chưa nghĩ ra một lối viết nào nhất định; mỗi người dịch ra một cách, tuỳ cái âm vận riêng của tiếng quốc âm mình. Sau dần dần mới hợp nhất lại mà thành một lối chữ thông dụng ở trong "Nhà chung" hồi bấy giờ." (Phạm Quỳnh: Khảo về chữ quốc ngữ, Nam Phong số 122 tháng 10 năm 1927, trang đầu).
         
        Tiến trình hình thành chữ Việt ABC trên sách báo giấy
         
        "Ở bên Á đông ta thì từ thời nhà Đường (618-907) sử chép có Cảnh giáo tức là một phái Gia-tô-giáo đã sang Tàu, nhưng vì bấy giờ đạo Phật đang thịnh, cho nên đạo Cảnh giáo mất dần đi. Mãi đến đời nhà Nguyên (1280-1341), nhà Minh (1368-1628) mới thật có giáo sĩ sang giảng đạo Gia-tô ở nước Tàu."
         
        "Theo sách Khâm định Việt sử, thì từ năm Nguyên hoà nguyên niên đời vua Trang Tông nhà Lê (1533) có người tây tên là I-rê-khu đi đường bể vào giảng đạo Thiên Chúa ở làng Ninh Cường, làng Quần Anh, thuộc huyện Nam Chân (tức là Nam Trực) và ở làng Trà Lũ, thuộc huyện Giao Thuỷ."
         
        "Sách Nam Sử (Cours d'histoire annamite) của Trương Vĩnh Ký chép rằng năm bính thân (1596) đời ông Nguyễn Hoàng có người giáo sĩ Tây Ban Nha tên là Diego Adverte vào giảng đạo ở trong Nam trước hết cả. Nhưng lúc bấy giờ lại có mấy chiếc tàu Tây Ban Nha cùng đến, chúa Nguyễn sợ có ý quấy nhiễu gì chăng, bèn đuổi đi."
         
        "Đến năm ất mão (1615) đời chúa Sãi [Nguyễn Phúc Nguyên, 1613-1635], giáo sĩ là Busomi [Buzomi] lại đến giảng đạo [ở Cửa Hàn (Kẻ An)], rồi đến năm giáp tí (1624) có giáo sĩ tên là Alexandre de Rhodes [trong sách ghi Jean Rhodes (?)], người Pháp Lan Tây, đến giảng đạo ở Phú Xuân và lập ra các giáo đường. Năm bính dần (1626) đời vua Lê Thần Tông, giáo sĩ là Baldinotti vào giảng đạo ở ngoài Bắc, bị chúa Trịnh không cho, phải bỏ đi. Được ít lâu, ông A. de Rhodes ở trong Nam ra Bắc vào yết kiến chúa Trịnh và đem dâng cái đồng hồ quả lắc, chúa Trịnh cho ông A. de Rhodes được giảng đạo tại kinh đô." (Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, nxb Tân Việt in lần thứ 6, SG 1958, trang 341-342).
         
        Trong VNSL, cụ Trần Trọng Kim không nhắc tới Francesco de Pina vốn đã đến nước ta từ năm 1617, Christoforo Borri năm 1618 v.v…
         
        Có lẽ cụ Phạm Quỳnh là người Việt đầu tiên đưa vấn đề chữ quốc ngữ ra bàn trong bài đã dẫn, kế đó là mấy cụ như Dương Quảng Hàm , Đào Duy Anh…, nhưng nhìn tổng quát, các cụ chưa có định hướng rõ rệt trong việc bàn thảo, ví dụ cụ Phạm Quỳnh chỉ nhắc phớt và dừng lại ở thời Alexandre de Rhodes, 1651 (Phạm Quỳnh, sđd trang 334) ; cụ Dương Quảng Hàm cũng vậy (VN Văn Học sử yếu, HN 1950 tr 183 ; SG 1968, tr 191).
         
        Phải đến giáo sĩ người Pháp L. Cadière, qua loạt bài "Những người âu châu đã thấy cố đô Huế - Les européens qui ont vu le vieux Huê" đăng trong tập san Đô Thành Hiếu Cổ Huế (Bulletin des Amis du Vieux Huê – BAVH Juillet-Décembre 1931), là người đề xướng đường lối mới cho việc đi tìm nguồn gốc chữ Việt la tinh hoá. (Nguyễn Khắc Xuyên, sđd, trang 9). Giáo sĩ  L. Cadière có ý kiến chia lịch sử chữ quốc ngữ (abc) ra nhiều thời kỳ hay giai đoạn, hàm ý việc phiên âm chữ nước ta là công sức của nhiều người, nhiều quốc tịch, qua nhiều thời kỳ ; sau đó nhà sử học Charles B. Maybon cũng đồng quan điểm đó (An Nam tân sử / Việt sử hiện đại - Histoire moderne du pays d'Annam, Paris 1919 tr 36).
         
        1. Chữ Việt la tinh trước thời Đắc Lộ : 1618-1645 (A)
         
        Từ thế kỷ XVI, giáo đoàn Dòng Tên (Jésuite, dòng đạo mang tên đức Chúa Giê-su) đã hoạt động mạnh tại Nhật Bản, lập nhà in, xuất bản sách giáo lý. Nhưng do có sự cạnh tranh, xung đột giữa các cường quốc da trắng, nhất là sự kém đẹp, kém hay giữa các giáo sĩ "đồng đạo mà chẳng đồng bào, đồng  hương" hay giữa các dòng tu Kitô "đồng gốc dị cành" với nhau (dòng Jésus, dòng Dominicain, dòng Franciscain…), hoặc giữa các giáo đoàn Kitô nói chung với giáo đoàn Tin Lành, nên xảy ra lắm vụ tố cáo lẫn nhau làm cho triều đình Nhật đâm ra ngán sợ thế lực ngoại quốc, lấy quyết định thi hành chính sách bế môn toả cảng, khủng bố Kitô giáo. Đó là năm 1614. Đó cũng là nguyên nhân giáo đoàn Dòng Tên bắt đầu nghĩ tới Việt Nam. Về vụ bách hại đạo ở Nhật sẽ được nói rõ hơn khi nhắc tới chỉ thị của Thánh bộ truyền giáo năm 1622 và văn kiện điều trần năm 1625.
         
        * Đàng Trong
         
        Ngày 18 tháng 1 năm 1615, từ Ma Cao theo thương thuyền của người Bồ Đào Nha, giáo sĩ Francesco Buzomi (người Ý), cầm đầu một giáo đoàn gồm 5 người đầu tiên đến Cửa Hàn (Porte de Kéan = Đà Nẵng), 4 người kia là giáo sĩ Diego Carvalho và thầy Antonio Diaz (cả hai là người Bồ), cùng hai thầy giảng người Nhật: Joseph và Paul, thành lập cơ sở rao giảng đức tin Kitô đầu tiên tại nước ta. Bấy giờ Hội An đã có nhiều người Nhật (đa phần theo Công giáo) đến tỵ nạn bức đạo ở quê nhà. Lần lượt ở Hội An có thêm giáo sĩ Francesco de Pina (1617), 2 giáo sĩ Christoforo Borri và  Pedro / Pierre Marquez (1618).
         
        Dưới đây chỉ nói qua mấy giáo sĩ có ít hay nhiều ảnh hưởng tới Chữ quốc ngữ abc, từ thuở sơ khai:
         
        - Giáo sĩ Francesco de Pina (1588-1625)
         
        Giáo sĩ de Pina sinh năm 1588 tại Guarda (Bồ Đào Nha), vào tu năm 1605, sau đó không lâu qua Nhật nhưng không rõ năm nào. Khi qua Đàng Trong (1617) thì ông đã rành tiếng Nhật nên ở lại Faïfo (Hải phố / Hội An) làm việc với Pedro/Pierre Marquez - người Nhật lai Bồ hay Bồ lai Nhật. Về hoạt động của de Pina người ta biết được nhờ hai văn kiện: một của Christoforo Borri (1631) và một của Alexandre de Rhodes (1651), sẽ nói sau. Chỉ biết rằng ông giảng giáo lý trực tiếp bằng tiếng việt (không cần thông ngôn như các vị khác), và là thầy dạy tiếng Việt cho giáo sĩ A. de Rhodes, khi ông này qua nước ta năm 1624. Giáo sĩ de Pina mất sớm vì tai nạn thuyền đắm ngoài vịnh Đà Nẵng ngày 15 tháng 12 năm 1625 (hưởng dương 37 tuổi), theo lẽ "không để lại một bút tích hay văn kiện nào về tiếng Việt. Có thể nói: De Pina như một trong số những người vô danh, những giáo sư lỗi lạc có công đức đào luyện một lớp môn đồ, song chính mình không gửi lại cho hậu thế một tác phẩm nào, ngoài những tác phẩm tinh thần và sống động" (Linh mục Nguyễn Khắc Xuyên: Vần đề hình thành chữ quốc ngữ, Đại học Đà lạt 1962-1964, trang 73).
         
        Trên kia tôi nói "theo lẽ" là vì có người đã viết hoàn toàn khác với linh mục Nguyễn Khắc Xuyên, như sinh viên (linh mục) Roland Jacques, trong luận án DEA (Diplôme d'Etudes Approfondies) tại Viện ngữ học Đông Phương INALCO-Paris năm 1995, mà sau này được hồn nhiên trích dẫn tràn lan trên net (chữ đậm là do tôi):
         
        ["Les premières traductions en vietnamien de textes religieux chrétiens datent de 1618, et sont dues pour l’essentiel à Francisco de Pina. Jésuite natif du Portugal [49], celui-ci avait terminé ses études [de quoi et quand ?] au collège de Macao, où le grand grammairien de la langue japonaise João Rodrigues ‘Tçuzzu’ était présent depuis 1610 [50]. Pour son travail, Pina reçut l’aide efficace d’un jeune lettré vietnamien baptisé sous le nom de Pêro [Phêrô], dont les bonnes connaissances en chinois durent être fort utiles en la circonstance. Ces faits ressortent d’un rapport officiel de la mission: « Cet homme [un lettré ami de la mission] a un fils de seize ans, le plus vif et le plus intelligent du lieu, et le meilleur écrivain de lettres chinoises, un art très estimé chez eux... Ce jeune homme, baptisé sous le nom de Pierre, est grâce à sa connaissance des lettres d’un grand secours pour le Père, pour traduire dans la langue du pays le Pater Noster, l’Ave Maria, le Credo et le décalogue, que les Chrétiens ont déjà appris par cœur. Le Père a composé également dans cette langue les articles de foi; on y déclare de façon suffisante qu’il y a un seul Dieu, les mystères de la Sainte trinité, de l’Incarnation et de la Rédemption, et la nécessité où nous sommes d’avoir part aux mérites du Christ, notre Seigneur, par le moyen de la foi et des saints sacrements. Les Chrétiens mettent tout par écrit, et commencent déjà à réciter le rosaire comme chez nous » [51]. Selon l’usage des rapports annuels des Jésuites, « le Père », auteur des travaux en question, n’est pas expressément nommé. Trois Jésuites étaient alors présents à la mission de Pulo Cambi (correspondant approximativement à l’actuel Quy Nhơn) où se situe l’épisode: Buzomi, atteint d’une « grave maladie, qui fut cause qu’il ne put s’occuper de la conversion de ces gens » [52], Pina, et Borri, nouvel arrivant qui commençait à peine à étudier la langue. Nous comprenons que les travaux ont été faits sous la supervision de Buzomi, ancien supérieur de la mission de Cochinchine (1615-1618) et supérieur local, mais que les artisans principaux en ont été Pina et le jeune collaborateur vietnamien. Selon sa propre affirmation, Pina avait achevé dès 1622 la mise au point d’un système de transcription alphabétique adapté à la phonétique et aux tons de la langue vietnamienne. Il avait collecté un florilège de morceaux choisis et commencé à rédiger une grammaire. Ce résultat, il l’avait acquis en travaillant sans ménager sa peine, aidé seulement par l’un ou l’autre des écoliers vietnamiens regroupés autour de lui [53].(Les portugais et la romanisation de la langue vietnamienne: Faut-il réécrire l'histoire?)
         
        Bản dịch của Nguyễn Đăng Trúc:
         
        ["Những bản dịch các bản văn Kitô giáo đầu tiên ra tiếng Việt có từ năm 1618, và phần thiết yếu do công của Francisco de Pina, linh mục dòng Tên sinh ở Bồ Đào Nha; [49] ông đã tốt nghiệp [khoa nào?, năm nào ?] ở trường Macao, bấy giờ nhà văn phạm nổi tiếng về tiếng Nhật Jaão Rodrigues “TÒuzzu” cũng hiện diện tại đấy từ năm 1610.[50] Trong công việc của mình, linh mục Pina nhờ đến sự giúp đỡ rất hữu hiệu của một văn nhân Việt Nam trẻ tuổi có tên rửa tội là Phêrô; kiến thức uyên bác về chữ Hán của người trẻ tuổi nầy hẳn rất là hữu ích trong công việc của Pina.   
         
        Những sự kiện đó rút ra từ một bản phúc trình chính thức của cơ sở truyền giáo: “người ấy [một nhân sĩ thân quen với đoàn truyền giáo] có một người con trai mười sáu tuổi, là thanh niên lanh lợi và thông minh nhất trong vùng; anh nầy lại viết tiếng hán rất đẹp, được dân chúng hâm mộ vô cùng... Anh tên thánh rửa tội là Phêrô, nhờ có tài hay chữ nên giúp linh mục rất nhiều trong việc dịch kinh Pater noster, Ave Maria, Credo và Mười điều răn ra tiếng địa phương, (các kinh) mà Kitô hữu đã thuộc lòng. Linh mục cũng viết ra các điều phải tin bằng tiếng địa phương ấy; trong bản đó người ta tuyên xưng rõ rệt chỉ có một Đức Chúa Trời, các mầu nhiệm về Ba Ngôi, về Chúa Nhập thể làm người, về chuộc tội, cũng như sự cần thiết của đức tin và các bí tích để được tham dự vào ơn ích của Chúa Kitô, Chúa chúng ta. Các kitô hữu chép lại tất cả những điều ấy, và đã bắt đầu lần hạt mân côi y như tại xứ chúng ta.[51] Theo thói quen thực hiện các biên bản hằng năm của các tu sĩ dòng Tên, “linh mục”, tác giả các công trình liên hệ không minh nhiên được nêu tên. Ba tu sĩ dòng Tên bấy giờ có mặt tại cơ sở truyền giáo Pulo Cambi (có thể tương ứng với tên gọi Quy Nhơn ngày nay), lúc công trình nầy tiến hành là: linh mục Buzomi, bị “bịnh nặng, nên không đi giảng cho người ta trở lại được”,[52] linh mục Pina và linh mục Borri, một người vừa đến và mới bắt đầu học tiếng. Chúng ta hiểu rằng các công trình được thực hiện dưới sự giám sát của Buzomi, cựu bề trên cơ sở truyền giáo Đàng Trong (1615-1618) và hiện là bề trên cơ sở địa phương, nhưng những tác nhân chính yếu thực hiện công trình nầy là linh mục Pina và chàng thanh niên Việt Nam cộng tác với ông ấy. Theo chính lời xác nhận của chính linh mục Pina, ngay từ năm 1622, ông đã hoàn thành việc xây dựng một hệ thống chuyển mẫu tự latinh cho thích hợp với lối phát âm và thanh điệu tiếng Việt Nam. Ông đã làm được một tuyển tập và bắt đầu viết một bản văn phạm. Kết quả đó, linh mục Pina đã đạt được một cách vất vả, với sự trợ giúp của một số ít học sinh Việt Nam qui tụ chung quanh ông."] [53](Nguyễn Đăng Trúc chuyển qua Việt ngữ và dịch đăng trong Tập San Định Hướng No. 17 / Fall 1998, Pp 18-62.)
         
        Vì chưa từng thấy qua bản chụp thủ bút "Những bản dịch các bản văn Kitô giáo đầu tiên ra tiếng Việt có từ năm 1618" và "kinh Pater noster, Ave Maria, Credo và Mười điều răn ra tiếng địa phương, (các kinh) mà Kitô hữu đã thuộc lòng…, tuyển tập…bản văn phạm" của giáo sĩ Francesco de Pina, nên tôi chép nguyên lại như trên để tồn nghi, trong bài ôn của tôi, với chút thắc mắc:
         
        Giáo sĩ De Pina "tốt nghiệp đại học ở Ma Cao", nhưng môn nào và vào năm nào? Chẳng lẽ ở Ma Cao thời đó đã có đại học Việt ngữ ?
         
        Giáo sĩ Francesco de Pina qua nước ta năm 1617, vậy mà chỉ non một năm sau, năm1618, ông đã thông thạo tiếng việt đến mức thành dịch giả, rồi soạn giả văn phạm…, thì hoặc là tiếng nước ta quá dễ, hoặc là ngài quá siêu, hoặc là người ta quá điêu về ngài. Xem hai hàng cuối ở tiết "Tiếng nước ta" trong phần nói về Christoforo Borri.
         
        Và cũng theo R. Jacques: Giáo sĩ Francesco De Pina còn là tác giả của bức thư hay tài liệu "Manuductio ad Linguam Tunckinensem" mà TS Phạm Văn Tình dịch là "Nhập môn học tiếng Tonkin (Đàng Ngoài - tức tiếng Bắc)" và TS họ Phạm có nhận định thế này: ["Tác giả (R. Jacques) cũng phát hiện các văn bản đó không phải văn bản gốc. Nó được học giả José Montanha và cộng sự chép lại cho Viện Hàn lâm Hoàng gia Bồ Đào Nha (để làm căn cứ nghiên cứu lịch sử Bồ Đào Nha). "Bức thư của F. de Pina dài 7 trang, theo căn cứ sao chép, nó được viết từ năm 1600. Như vậy là tài liệu này ra đời trước cuốn Dictionarium annamiticum, lusitanum et latinum (ta thường quen gọi là Từ điển Việt-Bồ-La) của A. de Rhodes (công bố tại Roma 1651) tới nửa thế kỉ." (Phạm văn Tình: Tấm lòng của một người Pháp yêu tiếng Việt, Lao Động 29/07/2007)
         
        Tôi đã lo xa chụp hình trọn lời của Tiến sĩ Phạm văn Tình để tồn nghi, và cũng có chút thắc mắc:
         
        Chắc chắn Tiến sĩ Phạm văn Tình đã đọc trọn, đọc kỹ cuốn sách của nhà sử học Roland Jacques:
         
        Thưa Phạm tiến sĩ, giáo sĩ Francesco de Pina sinh năm 1588, vào tu năm 1605 tức lúc ngài 17 tuổi. Vậy mà, theo tiến sĩ, từ năm 1600 (Một Ngàn Sáu Trăm), chú bé giáo sĩ  Francesco 12 tuổi đã "sơ khảo" được "Nhập môn học tiếng Tonkin" !
         
        Xem ra chú bé Francesco còn siêu hơn nhân vật chính trong "tiểu thuyết" Cha và Con của nhà văn thiếu tướng Hồ Phương: cậu Ám Côn 13 tuổi chưa biết đọc chữ quốc ngữ !
         
        Tóm lại, bài "Tấm lòng của một người Pháp yêu tiếng Việt" của tác giả Tiến $ĩ  Phạm văn Tình làm tôi chạnh nhớ thêm 1 lần bài "Đi tìm nguồn gốc chữ quốc ngữ" của tác giả Tiến sĩ  Phạm văn Hường ! (ngày 07/01/2007, Người Lao Động): Tuy tác phẩm của Tiến $ĩ Hường đã bị lặng lẻ bóc mất, nhưng tôi còn và trên Net cũng còn, Tiến $ĩ ạ.
         
        Có bao giờ Việt Nam ta "dám xét lại", truy cứu tính khả tín những tài liệu Roland Jacques cước chú trong sách của ông ta không ? Tôi nghĩ là không. Tại sao ? Tại vì Roland Jacques là người ngoại quốc ! Nếu sách luận án "Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học" được ký bằng một cái tên tác giả da vàng, ví dụ ông Việt kiều Trần Văn Lọ hay bà người Việt ở nước ngoài Nguyễn Thị Lem thì nó có được "ta" đón tiếp như đã xảy ra không ? Hỏi tức là trả lời.
         
        Tôi soạn bài này, chủ đích duy nhất là để ôn việc học sử Chữ nước ta, xin bạn đọc chớ nghĩ dại tôi đang làm sử học, oan uổng và tội nghiệp cho thân tôi. Nhưng tôi có quan điểm học sử của tôi: đã là sử thì, khi cần, phải có chứng liệu "sờ được" – khoa học mà,  bởi vì sao ? - Bởi vì có những trường hợp, có những đề tài rối rắm u minh, mà 120 hay 1.200 cước chú trong một bài tiểu luận, luận án  cũng chỉ là cước chú, không giá trị bằng 1 vật chứng trên giấy hay phóng ảnh "without photoshop" của vật chứng đó. Pháp có câu "une photo vaut mille mots" (một bức hình bằng nghìn lời nói). Nói thêm, thời 1995 đâu phải ai cũng rỗi để truy lùng, kiểm chứng cả trăm cả ngàn cước chú, vả lại đâu phải dễ. Thời 2007-2009 thì lại khác, ít ra trong đề tài này, phải chứng minh bằng "hình", nếu quả thật muốn chứng minh khoa học, thì chỉ cần 1 cú photocopy rồi 1 cú "unpolished scanning" là xong ! Tôi chờ.
         
        Tôi chờ giáo sư tiến sĩ linh mục Roland Jacques cập nhật luận án sử học, nay đã thành sách, của ông và trưng ra đầy đủ vật chứng, xác minh cái siêu của giáo sĩ Francesco de Pina, để tôi cúi đầu nhận cái tội chẳng chịu khó tin điêu. Tôi chờ. Tôi chờ như đã từng chờ người ta suốt mấy năm trời trong việc giải mã lịch sử "cây đuốc sống" Lê văn Tám…xạo trong bài "Văn hoá nói thật, văn hoá nói láo" của chính HLN tôi !
         
        - Giáo sĩ Christoforo Borri ( ? – 1632)
         
        Giáo sĩ C. Borri sinh tại Milan, nước Ý, không rõ năm nào. Đến Đàng Trong năm 1618, cùng lúc với giáo sĩ Pedro/Pierre Marquez. Ông đảm nhiệm việc truyền giáo tại miền Bình Định (Thuận An, Đà Nẵng, Nước Mặn, Quảng Nam) trong vòng 4 năm. Borri rời Việt Nam năm 1622. Có lẽ ông là người thứ hai, sau De Pina, chịu khó học tiếng Việt nên đã thu phục được nhiều người cải đạo, như ông kể lại trong sách bằng chữ Ý và chữ Pháp của ông dưới đây:
         
        Năm 1631, Borri cho xuất bản tại Rôma và tại Paris cuốn «Relatione della nuova missione delli PP della Compania di Giesu, al regno del Cocincina  / Relation de la nouvelle mission des Pères de la Compagnie de Jésus au royaume de la Cochinchine» (Sự liên hệ về giáo đoàn mới của các linh mục Dòng Tên tại vương quốc Đàng Trong). Sách in năm 1631, nhưng chúng ta phải hiểu nội dung nằm trong khoảng thời gian 1618-1622, tức lúc ông đến và rời bỏ nước ta.
         
        Có thể xem sách này là một "ký sự" khách quan và thú vị về đất nước, con người Việt cách nay gần 400 năm. Trước khi nhắc tới phần Chữ quốc ngữ trong sách này, xin chủ quan trích lược vài đoạn tác giả Borri nói về:
         
        1. Con người Đàng Trong: Ông có những nhận xét rất thiện cảm, thí dụ ông cho người Việt khoẻ mạnh, can đảm, hiền từ và lịch thiệp khi nói chuyện, hơn tất cả mọi dân tộc Á đông, mặc dầu đôi khi cũng nổi nóng, giận nhiều. Người Việt, theo ông, còn có nhiều đức tính khác như đoàn kết, thông minh, thương người, nhất là người ngoại quốc, trọng kẻ già, dễ cho và cũng dễ xin. Đối với ngoại nhân, ta thường hay khen những phong tục, lề thói của họ, trái với người Tàu, chỉ hay khoe nước mình, phong tục và giáo thuyết của mình (trang 50). Sau cùng, ông bảo "đất có dân dễ giao hảo, thân ái và tự do quảng đại, có thể giao du dễ dàng, sống an ninh, vì họ là những người có giá trị, có lòng can đảm, mạnh bạo, những người miền Nam, đến nỗi các nước lân bang cũng đều biết tới" (trang 219).
         
        Ghi thêm: Đọc đi đọc lại đoạn trên, tôi (HLN) không khỏi tủm tỉm chạnh nhớ tới mấy tác phẩm, chẳng hạn "Người Việt Cao Quý" của A.Pazzi = Hồng Cúc = Vũ Hạnh, và của… Tôi nghĩ, hoa đẹp hoa thơm tự hoa hoa đâu biết, dẫu có biết tự hoa không nên loè ra, hãy để thiên hạ phẩm bình !
         
        2. Tiếng nước ta
        ["Mặc dầu tiếng miền Nam (Cocincina) tương tự như tiếng Tàu, và như người Tàu, người miền Nam này chỉ dùng những tiếng đơn âm, song có nhiều giọng và thanh khác nhau, nhưng thực ra rất khác nhau, bởi vì tiếng Nam phong phú và dồi dào nguyên âm hơn, do đó dịu dàng và thích thú hơn: giàu cung giọng và thanh hơn, bởi thế du dương và dịu dàng hơn. Cũng vì thế mà họ có tai âm nhạc, thích âm nhạc và có đặc tính biết phân biệt sự thay đổi trong các cung giọng và âm thanh.
         
        Theo thiển ý tôi (Borri), thì tiếng Nam là tiếng dễ hơn mọi tiếng, bởi vì không chia động từ, không có biến cách danh từ (conjugaisons des verbes et déclinaisons des noms): Chỉ có một tiếng hay một chữ một lời, kèm theo một trạng từ hay một đại danh từ, là cho ta biết về thời quá khứ, hiện tại hoặc vị lai, cũng như số ít hay số nhiều. Tựu trung, nó thay thế cho hết mọi lề lối, mọi thời, mọi ngôi và mọi cách.
         
        Ví dụ trong tiếng miền Nam, động từ "Avoir" là Có: Chữ này không thay đổi. Nếu thêm một đại danh từ vào thì sẽ dùng vào hết mọi chỗ. Trong tiếng ta (ở đây là tiếng Pháp), ta sẽ chia: J'ai, Tu as, Il a…nhưng họ, họ chỉ thêm đại danh từ mà không thay đổi biến thể động từ: Tôi có (Je Avoir), mày có (Tu Avoir), nó có (Il Avoir)…
         
        Cũng vậy, để thay thế vào các thời khác nhau, thì họ nói, về thời hiện tại: Tôi nay có (Je maintenant Avoir), về thời quá khứ: Tôi đã có (Je déjà Avoir), về thời vị lai: Tôi sẽ có (Je après hoặc à l'avenir Avoir), và cứ như thế, song không bao giờ biến đổi chữ "Có"…
         
        Cho nên, người ta dễ nhận ra rằng: tiếng này dễ học, vì trong sáu tháng tôi ở đó, tôi đã học được đầy đủ, để có thể tiếp xúc với họ và nghe họ xưng tội, mặc dầu tôi chưa thấu hiểu tới triệt để. Bởi vì nói cho đúng, muốn hoàn toàn thành thạo, thì phải mất bốn năm trọn."
         
        3. Chữ nước ta
        "Tiếng họ nói thường rất khác với tiếng họ dạy và họ đọc (hay học) trong lớp hay viết trong sách. Cũng như ở nước ta (nước Ý), tiếng thông dụng chung cho mọi người thì khác, còn tiếng la tinh sử dụng trong học đường thì lại khác. Họ cũng khác người Tàu ở chỗ: người Tàu chỉ nói một thứ tiếng mà họ gọi là quan thoại, nghĩa là thứ tiếng nói của nhà trí thức: tiếng này các nho gia và quý tộc dùng, cũng là tiếng các quan toà trong việc cai trị. Tiếng này cũng được viết thành sách, thứ sách in trong đó có chừng 80 nghìn chữ, mà chữ nào cũng đều khác nhau hết thảy. Bởi đó các giáo sĩ Dòng Tên phải dành những tám và có khi tới mười năm để học các sách đó, trước khi thành thông thạo và có đủ khả năng giao dịch với họ.
         
        Nhưng người Nam đã giảm số các chữ vô kể ấy đi và chỉ còn chừng 3 nghìn [chữ Nôm] là cùng. Họ thường dùng những chữ này để soạn các bài diễn văn, viết thư từ, đơn khế, ký sự và những việc khác không có hệ gì tới những sách in: những sách này thiết yếu phải được thảo bằng chữ nho."] (Borri, Nguyễn Khắc Xuyên dịch, sđd tr 55).
         
        4. Linh tinh: Ông sống ở nước ta vỏn vẹn  4 năm mà đã có những quan sát tỉ mỉ, thí dụ ông tả những con voi, tổ yến, quả / trái mít hay quả / trái…sầu riêng ! (Tôi (HLN) nghĩ bụng: không biết ngài có "dám" ăn chưa, vì đâu phải người Việt nào cũng "chịu" được mùi này) ! Thật là thích thú khi ông tả những phong tục như rửa chân khi vào nhà lúc trời mưa, những bữa tiệc nơi đình chung, tiệc trong những buổi lễ làng, cưới xin, tang ma…
         
        Chữ Việt phiên âm trong sách Borri



         
        Nguyên tác sách này viết bằng tiếng Ý, trong đó có đúng bảy mươi lăm (75) tiếng Việt được phiên âm, sắp theo thứ tự ABC như sau:



         
          Vài nhận xét (lược từ Nguyễn Khắc Xuyên, sđd tr 65-70 – HLN kiểm chứng theo nguyên tác)
         
        Trong sách này, tác giả Borri hoàn toàn không nhắc tới chuyện phiên âm tiếng nước ta ra vần la tinh.
        Đọc kỹ bảng kê trên đây, chúng ta nhận ra vài đặc điểm trong các chữ phiên âm của C. Borri:
         
        1. Không có dấu thanh (Sắc, Hỏi, Nặng), 2 dấu Huyền và Ngã vốn đã có sẵn trong mấy nguyên âm Âu châu (à, ã, è, ò, ù, ũ…);
         
        2. Không có các nguyên âm: ă, â, ô, ơ, ư. Có thể vì chưa nghĩ ra hoặc vì nhà in ở Âu châu chưa có để xếp in;
                   
        3. Không thống nhất trong cách ghép 2 nguyên âm: oo = o, ví dụ: Gnoo = Nho , Gnoo = Nhỏ ;  aa = a, ví dụ: Maa = Ma, Man = Mặn (trong Nước Mặn) ; uu = u, ví dụ: Chiuua = Chúa ; Sinnua = Thanh Hoá.
         
        4. Không thống nhất cách dùng "On" và "Om", ví dụ: On = ông (sãi), Tlong = Trong ; Om = ông (nghè), Tlom = Tlong = Trong ;
         
        5. Không có phụ âm Đ: (lý do như tiết 2)
         
        6. Dùng SC như ta viết X ngày nay, ví dụ: Scin = Xin. Chữ S vẫn giữ đúng: Sai = Sãi, Saij = Sãi;
         
        7. Dùng Gh thay Nh như trong Quignin = Qui Nhơn;
         
        8. Dùng TL thay cho TR, ví dụ: Tlom = Trong;
         
        9. Dùng phụ âm ghép CH trong Chiam = Chăng, Chiu = Chữ, Chuua = Chúa, nhưng kế đó lại có Ciam = Chẳng.
         
        v.v…
         
        Nhìn chung, cá nhân tôi nhận thấy giáo sĩ Borri phiên âm hoặc do nhu cầu cá nhân khi viết sách hoặc chỉ mới vô thức chớm ý phiên Âm chứ chưa nghĩ tới chuyện phiên Thanh.
         
        Tôi nghĩ vậy, bởi chưng qua bản thảo của linh mục Nguyễn Khắc Xuyên, soạn tại Đà Lạt năm 1962-1964, thì ngày 17 tháng 12 năm 1621, giáo sĩ Dòng Tên Gaspar Luis, từ Macao, có viết một bức thư gửi về Rôma cho Bề trên, thuật lại các sự việc xảy ra trong giáo đoàn ở Đàng Trong từ 1615-1621, sau có in trong cuốn "Lịch sử những gì đã xảy ra tại Ethiopie, Malabar, Brésil và Đông Ấn, trích từ những bức thư viết từ năm 1620 đến năm 1624 (Histoire de ce qui s'est passé en Ehiopie, Malabar, Brésil et es Indes orientales, tirée des lettres écrites es années 1620 iusques à 1624 - Paris 1628, tr. 122-148), dưới nhan đề "Những bức thư trong năm 1621" (Lettres de l'an M.DC.XXI). Trong bức thư này tôi đếm được đúng mười (10) chữ Việt phiên âm như sau, sắp theo thứ tự từng trang trong sách:
         
        01. Unque (ông nghè) trang 122, 125, 131;
        02. Cacian (Kẻ Chàm) trang 126 ;
        03. Noücman (Nước Mặn) trang 126, tr 132;
        04. Facfo (Faïfo) trang 127;
        05. Taifo (Faïfo) trang 129;
        06. Turon (Tourane, Thuận An) trang 130;
        07. Focisays (Phật Sư Sãi) trang 131;
        08. Ontrum (ông Trùm) trang 133;
        09. Zegro (???) trang 135;
        10. Barro (có lẽ là Bàn Cổ vì trong bức thư viết:"Ông ấy nói rằng: vũ trụ bắt nguồn do một vị khổng lồ cao lớn khôn lường, tên là Barro (Bàn Cổ)" trang 136;
         
        Riêng chữ Zegro số 09 (???): Giáo sĩ Louis Cadière chú thích: "Tôi không tìm được văn kiện nào cắt nghĩa tiếng Zegro. Có lẽ đây là một ướm thử phiên âm bằng chữ Rôma về một tên Việt ? hay là một tên riêng, hoặc một tên đệm thêm do tiếng Bồ hay tiếng Ý ? Tôi không dám nói chi" (sđd trang 426).
         
        Vậy chúng ta đánh giá thế nào về mấy chữ phiên âm của giáo sĩ Gaspar Luis?
         
        a/ Nên xem mấy chữ này là do nhu cầu cá nhân nhất thời của đương sự, bởi vì nếu để ý chúng ta thấy hầu hết hoặc là địa danh (Noücman = Nước Mặn / vùng Qui nhơn), Facfo, Taifo (Hội An), hoặc là đặc danh rất Việt (Unque / ông nghè), (Ontrum / ông trùm), (Barro / Bàn cổ)… Nghĩa là giáo sĩ Gaspar Luis buộc phải mượn vần abc ghi âm ra như thế trong bức tường thuật của mình. Không có phương pháp thứ hai.
         
        Hay chúng ta cho đấy là mấy sáng nghĩ đầu tiên trong việc la-tinh hoá chữ nước ta ?
         
        b/ Nếu cho 10 chữ trên kia của Gaspar Luis là phát kiến ban đầu (1621) thì tôi e lịch sử Chữ quốc ngữ la-tinh phải sửa, phải viết lại. Vì sao ?
         
        - Vì tôi còn tìm được 4 chữ khác trong một bức thư đề ngày 12 tháng 11 năm1626, in chung trong "Các thư tín từ Ê-ti-ô-pi, năm 1626 đến tháng 3 năm 1627 và từ Trung quốc, năm 1625 đến tháng 2 năm 1626" (Lettere dell' Ethiopa dell' Anno 1926 fino al Marzo del 1927, e della Cina dell' Anno 1625 fino al Febrio del 1926) của giáo sĩ người Ý Giuliano Baldinotti, xb tại Rôma năm 1629. Bốn chữ đó nằm trong phần nói về Tumquim/Tonkin (Đàng Ngoài), trang 73 và 74 (bản tiếng Ý năm 1629), trang 77 và 78 (bản tiếng Pháp, BEFEO năm 1903, Volume 3, N°1):
         
        1. Zinum (không hiểu nghĩa là gì)
         
        2. Lai (Lào)
         
        3. Bau (có lẽ là Cao Bằng: Tác giả viết (dịch theo bản tiếng Pháp): "Vua xứ Bắc làm chúa chín nước; ba vua phải triều cống là vua Lai, xứ Nam và Bau. Chính vua xứ Bắc thì lại triều cống Trung Quốc…".
         
        4. Kaidum (có lẽ là Quảng Đông: Tác giả viết (dịch theo bản tiếng Pháp): "Nguyện xin thượng đế mở cho chúng tôi miền truyền giáo mới này [xứ Bắc, Đàng Ngoài], để có thể nhờ đường đó mà vào nội địa của nước Tàu (có thể làm được rất dễ, như người Nhật đã bảo tôi, những người này đã vào được nước đó qua một xứ bên Tàu gọi là Kaidum, xứ này chỉ cách xứ Bắc chừng bốn ngày đường), và để rồi còn qua nước của người Lai nữa…".
         
        Hình chụp hai nguyên tác tài liệu Gaspar Luis kể trên, tôi hiện có trong tay, tôi sẽ đưa lên khi cần.


         

         
           Còn hai phóng ảnh dưới đây là của Giuliano Baldinotti:


         

         

          
        Xin nhắc lại: Giáo sĩ Francesco de Pina sang nước ta năm 1617, nhờ thông thạo tiếng Nhật cho nên làm việc tại Hải Phố (Hội An, có đông người Nhật) với Pedro/Pierre Marquez, một người Nhật lai Bồ hay Bồ lai Nhật. De Pina chưa biết tiếng Việt. Christoforo Borri sang nước ta năm 1618, làm việc tại Thuận An.
         
        Trong sách của Borri chúng ta mới bàn qua, không một dòng nào nhắc tới việc de Pina dịch kinh, soạn văn phạm, cũng không hề có mấy chữ "Manuductio ad Linguam Tunckinensem". Borri viết về de Pina: "Ngài rất thạo tiếng Việt và nói rất tự nhiên, do đó ngài không bao giờ ngừng việc truyền dạy đạo lý".
         
        Hàn Lệ Nhân
        (Còn tiếp)
        Kỳ tới, phần 2.3: Chữ Việt la tinh trước thời Đắc Lộ : 1618-1645 (B)
         
        (1) Riêng chữ Hàn không thấy nhắc tới, có lẽ do chữ Hàn đã được chính người Hàn phiên âm từ thế kỷ XIV-XV ; mãi sau này chữ Hàn mới có thêm 2 phương pháp phiên âm: McCune-Reischauer và Yale.
         
        (2) Cuốn tự điển Génibrel này là do bác Âu Trường Thanh ký tặng tôi ngày 24/10/2007, sau hơn chục lần tôi đến "trị vi-rút" cho cái máy vi tính của bác, có gắn hệ gõ chữ việt WinVN-ThinArt của tôi, đồng thời hàn huyên về chữ nghĩa Việt Nam. Có lần bác hỏi: - Cháu thích nhất cái gì của Việt Nam ? Tôi trả lời không một giây do dự: - Phở Hà Nội, bún bò Huế, Mắm và Rau và sách cũ HN trước 54, SG trước 75 ! Bác Âu Trường Thanh qua Pháp từ năm 1968, chưa một lần về lại VN và đã qua đời tại Rueil-Malmaison, ngoại ô Paris, ngày 12/04/2009, thọ 84 tuổi (1925-2009). Xem: Diễn Đàn.org
         
         
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 28.10.2009 00:52:43 bởi Hàn Lệ Nhân >
        #4
          Hàn Lệ Nhân 05.11.2009 02:22:25 (permalink)
          Chữ Việt tình tôi [4]
          Hàn Lệ Nhân
           
          Phần 2.3

           
          1. Chữ Việt la tinh trước thời Đắc Lộ : 1618-1645 (B)
           
          - Giáo sĩ Antoine / António de Barbosa (1594-1639)
           
          Tài liệu về tiểu sử của giáo sĩ António de Barbosa rất vắn tắt. Trong cuốn Tiểu sử toàn cầu: cũ và mới (hiện đại) / Bibliographie universelle: ancienne et moderne Volume 3 ghi: "António de Barbosa sinh năm 1594 tại Villa de Arrifana de Souza (Bồ Đào Nha). Gia nhập Dòng Tên năm 1624, đến miền Nam (Cochichine) năm 1629". Tôi chưa tìm ra tài liệu nói về các hoạt động của giáo sĩ de Barbosa giai đoạn 1629-1634 ở miền Nam (Đàng Trong). Chỉ biết vào những năm 1634-1635 ông ở đất Bắc.
           
          Trong cuốn "Lịch sử miền Bắc / Histoire du royaume de Tonkin”, giáo sĩ Alexandre de Rhodes viết về đồng sự António de Barbosa như sau:
           
          1. "Sau khi đã tận lực làm việc, ông lâm chứng sốt nặng, làm cho thân thể hao mòn, song tinh thần vẫn minh mẫn sáng suốt, ông vẫn chú trọng tới công việc như trước. Bề trên liền cho ông đi đổi không khí và nghỉ ít lâu…." tức trở về trung tâm Ma Cao, sau đó ông đi Goa. Ít lâu sau ông qua đời tại đây năm 1639, "để lại cho chúng tôi nỗi nhớ thương và một tấm gương sáng lạn đời ông". (Nguyễn Khắc Xuyên, sđd Đại Học Đà lạt 1962-1964, tr 73)
           
          2. "Cha Antôn Barbosa cũng vất vả mà không được may mắn trong vùng truyền giáo này, bởi vì sau khi đã hoạt động bốn hay năm năm một cách rất can đảm và quá sức của ngài thì ngài bị sốt cách nhật làm cho ngài kiệt lực tuy không giảm bớt tinh thần để ngài vẫn tiếp tục làm các việc như trước, những việc mà ngài chỉ rời bỏ khi rời bỏ sự sống. Các bề trên đã lấy quyền rút ngài ra khỏi vùng truyền giáo và những việc làm cho ngài đau yếu để cố gắng chăm sóc ngài trong một môi trường khác và trong sự tĩnh dưỡng. Nhưng cho dầu có thuốc thang để chữa chạy, cơn sốt vẫn phá hoại một chút sức khoẻ còn lại và trong ít năm đã chấm dứt công phúc của một đời người hao mòn vì vinh quang Thiên Chúa và vì công ích. Bây giờ Thiên Chúa cho linh hồn ngài hưởng nơi thiên quốc. (Nguyễn Khắc Xuyên dịch nguyên văn, HLN đã kiểm chứng: "Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài / Histoire du royaume de Tonkin", chương 45, trang 8. Nguồn: lichsuvn.info)
           
           
          Trong văn kiện Công Thức Thánh Tẩy năm 1645, dưới tên António de Barbosa có ghi: "Peritus linguae", nghĩa là (người) "thông thạo ngôn ngữ".
           
          Peritus (tiếng la tinh có nghĩa "hiền triết", "thông thạo", "uyên bác") là một danh vị mà Giáo Hội Công Giáo ban cho các nhà thần học đảm trách chức vụ cố vấn, nhân một Hội nghị giám mục vạn quốc / Peritus (terme latin signifiant «sage», «expert», «érudit») est le titre donné dans l'Église catholique aux théologiens qui font office de consultants lors d'un Concile œcuménique. Nguồn: Wikipedia.
           
          Về bản thảo cuốn Tự Điển Việt-Bồ của António de Barbosa, chúng ta sẽ nhắc lại trong phần nói về giáo sĩ A. de Rhodes.
           
          - Giáo sĩ Gaspar d’Amaral (1592-1646)
           
          Giáo sĩ dòng Tên Gaspar d'Amaral sinh năm 1592 tại Curvaceira (Viseu, Bồ Đào Nha). Từ 1608-1622, ông dạy văn, triết và thần học ở mấy tỉnh như Braga, Coimbra và Evora. Năm 1623, ông được phái qua Nhật bản. Năm 1631 ông theo thương thuyền của người Bồ vào xứ Bắc, rồi ở lại hẳn và làm trưởng giáo đoàn.
           
          Giáo sĩ A. de Rhodes ghi về giáo sĩ G. d'Amaral:
           
          1. "Cha Gaspar d'Amaral vừa tới với chúng tôi. Ngài thạo phong tục và đặc tánh của người miền này, nên Bề trên quý ngài lắm. Ngài mong truyền giáo tại Nhật, nhưng thường xuyên bị cản trở, ngài đã thông thạo tiếng Nhật, song việc giảng tại Nhật thì vẫn chưa tới…". (Nguyễn Khắc Xuyên lược dịch, sđd ĐH Đà Lạt 1962-1964, tr 74).
           
          2. "…cha Gaspar d’Amaral cũng vừa cùng về với chúng tôi, cha đã thành thạo về phong tục và năng khiếu của những người xứ đó, nên bề trên chỉ định ngài đi. Trước đây cha có ý hướng đi vùng truyền giáo Nhật Bản, đã rất tinh thông tiếng Nhật và đã mấy lần xuống tàu đi tới nhưng vô ích, cha luôn luôn bị ngăn cản bởi một bí ẩn nào đó của Thiên Chúa quan phòng dành một thợ rất tốt cho khu truyền giáo Đàng Ngoài." (Nguyễn Khắc Xuyên dịch nguyên văn, HLN đã kiểm chứng: "Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài", chương 37, trang 7. Nguồn: lichsuvn.info)
           
          Còn trong sách "Hành trình và Truyền giáo / Divers voyages et missions" thì ghi năm 1629 giáo sĩ Gaspar d'Amaral có theo tàu Bồ cập bến Nghệ An, song phải rút lui ngay vì tình hình không cho phép. Mãi tới ngày 18 tháng 2 năm 1631 ông mới bỏ Ma Cao đến Kẻ Chợ (Hà Nội bây giờ) nhằm đúng ngày thi Hội 15 tháng 3 năm 1631, thời chúa Trịnh Tráng (1623-1657).
           
          Ngoài việc thuyết giảng ở Đàng Ngoài, giáo sĩ Gaspar d'Amaral còn chủ trương mở đường truyền giáo sang tận xứ Lào. Năm 1634, ông phái hai thầy giảng người Việt là Thomas và André qua Lào. Hai người này mang theo một bức thư của d'Amaral kèm một bức hình đức Chúa Giêsu rất đẹp làm quà ra mắt vua Lào. Vua Lào rất hài lòng, nhận bức hình Chúa, giữ một người ở lại, và phái người kia trở về Đàng Ngoài để đưa d'Amaral sang, nhưng việc không thành. (Nguyễn Khắc Xuyên, sđd ĐH Đà Lạt 1962-1964, tr 74).
           
          Năm 1638, Gaspar d'Amaral được gọi về trung tâm Ma Cao. Mãi đến năm 1646, từ Ma Cao / Áo Môn, ông theo thương thuyền Bồ trở lại Đàng Ngoài, nhưng không may thuyền chìm ở Hải Nam, ông chết đuối ngày 23/12/1646, được an táng tại Tam Xuyên. Mộ ngài có đặt tấm bia ghi tên tuổi bằng chữ La tinh và chữ Hán (lược theo Lm Nguyễn Khắc Xuyên, sđd tr 75 ). Tác giả Đỗ Quang Chính ghi là 1645. Xem thêm nhiều chi tiết về tiểu sử của Gaspar d'Amaral trong bài của Lm Đổ Quang Chính.
           
           
          Trong văn kiện Công Thức Thánh Tẩy năm 1645, dưới tên Gaspar d'Amaral có ghi: "Peritissimus linguae", nghĩa là (người) "uyên bác về ngôn ngữ" hay "rất thông thạo ngôn ngữ). Nội dung Công Thức Thánh Tẩy 1645 là gì, sẽ được nói rõ hơn trong phần ôn gẫm lại đoạn Roland Jacques nghiên cứu về A. de Rhodes.
           
          Bản thảo cuốn Tự Điển Bồ-Việt của Gaspar d'Amaral cũng sẽ được nhắc tới trong phần nói về Alexandre de Rhodes.
           
          2. Thời Alexandre de Rhodes (1591-1660) (1651 : giai đoạn hình thành)
           
          Tài liệu về tiểu sử của Alexandre de Rhodes vốn chi li, dồi dào hơn hẳn các vị giáo sĩ thừa sai cùng thời khác, chỉ việc gõ tên ông trong Google.com là có đầy đủ trong nhiều thứ tiếng. Trong tiết này, tôi chọn mấy điểm tiểu sử đáng lưu ý cho bài ôn học sử Chữ nước ta của tôi: Đặc biệt trên Net tiếng Việt mấy năm qua, A. de Rhodes là tầm ngắm của nhiều nhận định trái chiều - lắm nhận định vu vơ, thậm chí lu loa khiếm nhã (2) làm đỏ mặt một hậu sinh ôn sử như tôi; những nhận định không có lấy một "hình"-chứng-phản-biện-không-có-không-được đối với thời đại @ này, hơn nữa, bất chấp thủ đoạn; nhưng nhìn chung, chủ ý không ngoài mục đích tùy thích phán quyết hơn-thua, tùy tiện nẹng (tiếng Nghệ Tĩnh = so bì ganh tị) công nhiều, công ít trong việc hình thành (tôi nói hình thành (se former/to take shape) chứ không nói hoàn thành (achever/to finish) cái nhân của "phát minh kỳ diệu".
           
          A. de Rhodes (Đắc Lộ) sinh ngày 15 tháng 3 năm 1591 tại Avignon (Pháp), bấy giờ còn là thuộc đất của Giáo Quyền La Mã. Vào Dòng Tên năm 1612 và được qua Rôma gia nhập nhà tập ở Viện Saint André, đồi Quirinal. Ngoài các môn chính trong tu học viện, ông trau dồi thêm các cổ ngữ (La tinh, Hy lạp, Do thái). Đến Lisboa / Lisbonne tháng 10 năm 1618, học thêm tiếng Bồ Đào Nha trong lúc chờ ngày lên đường qua Nhật. Đến Goa (Ấn Độ) năm 1919, bắt đầu học thổ ngữ Canarine. "Về phương pháp truyền giáo, chúng ta cũng thấy ông tỏ ra phản đối đường lối của nhiều người Bồ: khi người nào theo đạo thì bị bắt bỏ các tập tục và có khi cả ngôn ngữ, văn hoá riêng của họ: A. de Rhodes chủ trương một công cuộc Thích nghi (Convenção) hơn là Tiêu thổ (Tabula rasa)." (Nguyễn Khắc Xuyên, sđd, tr 91. Chữ nghiêng là do tôi. HLN ghi thêm: Mãi sau này, người mình dùng 4 chữ "Hội nhập văn hoá" thay thế cho 2 chữ "Thích nghi").
           
          Hơn hai năm sau, từ Goa ông tới Ma Cao (Trung hoa) tháng 5 năm 1623. Lần thứ nhất, tuy ở Ma Cao không lâu nhưng A. de Rhodes đã có nhận xét về phong tục, ngôn ngữ và văn tự của người Tàu trong "Hành trình và truyền giáo / Divers voyages et Missions): "Phong tục của người Tàu quá chú trọng đến chữ Lễ, thành ra như giả dối. Riêng phần chữ viết thì thật là cả một kho bí mật (cùng nhận định với C. Borri, đã nói qua): mỗi vật, mỗi ý đều có một chữ riêng, hoàn toàn khác nhau, cho nên có tới 8 vạn". "Người Tàu rất ngạc nhiên khi nhìn thấy bản đồ chúng tôi vẽ. Trung quốc vĩ đại của họ chỉ còn là chấm nhỏ trong vũ trụ, trái đất mênh mông. Trái lại, nơi bản đồ trái đất hình vuông do họ vẽ, Trung quốc nằm chính giữa, đúng như tên gọi (Trung quốc: nước ở giữa). Sau đó, họ vẽ biển nằm bên dưới Trung quốc, trong đó rải rác mấy đảo nhỏ, và họ ghi tên: Châu Âu, Châu Phi và Nhật Bản...". Hình như ông không bắt đầu học ngay chữ Hán, song chắc chắn đã học tiếng Nhật, vì ông đã được chỉ định đến đấy hoạt động.
           
          Xin nhắc lại, Nhật Bản chủ trương đóng cửa và cấm đạo Kitô từ năm 1614, thời Tokugawa Hidetada –1579-1632, do đó Dòng Tên mới nghĩ tới địa bàn mới là Việt Nam, chuyển dần các giáo sĩ thừa sai qua từ năm 1615. Từ Ma Cao, de Rhodes cập bến Thuận An (Hội An / Hải phố) cuối năm 1924, gặp Francesco de Pina, người "đã thông thạo tiếng Việt, đến nỗi có thể giảng trực tiếp cho dân chúng mà không cần phải dùng tới thông dịch viên như Francesco Buzomi và mấy vị khác." (Giáo sĩ Buzomi sẽ được nhắc lại khi tôi ôn bài của Roland Jacques). De Rhodes tỏ ra khâm phục de Pina và vào trường ông này học tiếng Việt.
           
          Ngay buổi đầu de Rhodes đã có những nhận xét khá tinh vi về Việt ngữ. Ông thấy trong tiếng Việt, có nhiều cung giọng bổng trầm, cho nên khi người ta nói, nhất là phụ nữ, ông nghe như…hát, "như thể tiếng chim líu lo". Ông cũng có cảm tưởng như không khi nào ông có thể thâu thái chu đáo được thứ tiếng độc vận và đa nghĩa này, bởi vì một chữ như chữ "Dai" (chữ ghi trong sách) có tới "hai mươi ba" nghĩa.
           
          Sau sáu tháng học với thầy Francesco de Pina, de Rhodes ghi lại trong sách đã dẫn về việc học tiếng việt của ông:
           
          "Một thanh niên trong xứ, chỉ trong ba tuần lễ đã dạy tôi đủ hết các cung giọng của tiếng Việt, và cách đọc của tất cả các tiếng. Cậu ấy không hiểu tiếng tôi, và tôi cũng chẳng hiểu tiếng cậu ấy, nhưng cậu thông minh đến nỗi tự nhiên hiểu được hết các điều tôi muốn nói, và thật sự, cũng trong ba tuần lễ ấy, cậu đã học đọc được các thư của chúng tôi, lại còn viết được tiếng Pháp, và giúp được lễ bằng tiếng La tinh." (sđd, tr 88-89).
           
          Năm 1625 (năm Francesco de Pina qua đời), chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên ra sắc lệnh cấm đạo Kitô lần đầu, nhưng nhờ sự can thiệp của trấn thủ Quảng Nam lúc bấy giờ là thế tử Nguyễn Phúc Kỳ (?-1631, con chúa Sãi), các giáo sĩ mới được tự do hoạt động. Trong khi đó, ở Đàng Ngoài đang cần những người hiểu biết tiếng Việt, Bề trên ở Ma Cao liền để ý tới de Rhodes, nhưng để tránh sự hiềm nghi (giữa hai nhà Trịnh và Nguyễn), bèn cho gọi de Rhodes về Ma Cao (tháng 7 năm 1626), để rồi từ đó theo thương thuyền quay trở lại, cập bến Cửa Bạng thuộc Thanh Hoá (Đàng Ngoài), ngày 19 tháng 3 năm 1927. De Rhodes và các thương gia Bồ ra mắt chúa Trịnh Tráng lần đầu,"ngoài những phẩm vật khác, tôi (AdR) dâng chúa một đồng hồ có bánh xe và một đồng hồ cát, nhưng chúa không ngó tới vì còn mải sửa soạn cuộc hành quân chống chúa Đàng Trong"; lần thứ hai, "khi chúa bại trận nặng nề trở về thì chúng tôi ra mắt, dâng chúa một cuốn sách về toán học, bià nạm chữ vàng, in bằng chữ Hán". Từ đó, de Rhodes và các đồng sự được chúa Trịnh dành cho nhiều ưu đãi. "Nhưng rồi cơn giông tố đã nổi lên. Vì nghe theo lời những vu cáo và xiểm nịnh, chúa đã ra sắc lệnh cấm de Rhodes không được giảng đạo và trục xuất ông nữa", đó là vào tháng 5 năm 1930. De Rhodes trở về Ma Cao, làm giáo sư dạy thần học tại học viện của Tỉnh (!) Dòng, nhưng trong thời gian dài ở đây, De Rhodes vẫn "chuyên chú soạn thảo những sách bằng tiếng Việt mà ông đã khởi công khi ở Việt Nam. Lúc này, ông có thời giờ hơn, dễ suy nghĩ và sắp xếp hơn. Hơn thế nữa, ông vẫn còn nuôi hy vọng trở lại đất Việt"(1).
           
          Sau mười năm ở Ma Cao, de Rhodes trở lại miền Nam nhằm lúc chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) đã ra lệnh cấm đạo, nên chẳng còn giáo sĩ nào nữa. De Rhodes bị trục xuất khỏi nước ta lần thứ hai nhằm ngày 2 tháng 7 năm 1641. Tháng 3 năm 1644 ông lại tới Quảng Nam, nhưng lần này "lệnh trên tuyệt đối trục xuất ông và ông đã vĩnh biệt xứ này ngày 3 tháng 7 năm 1645: Ra đi song "lòng trí ông lúc nào cũng hướng về Đất Bắc cũng như miền Nam".
           
          ["Theo lời yêu cầu của Bề trên Dòng Tên ở Áo Môn, ngày 20-12-1645 Rhodes đáp tàu về Roma, để trình bày với Bề trên Cả Dòng Tên về tình hình Tỉnh Dòng Nhật Bản, với Tòa thánh về thực trạng Giáo hội Việt Nam. Đường về Roma đối với Rhodes còn nguy hiểm gian nan hơn cả những chuyến vượt biển trước đây, bởi vừa lâu dài, vừa bị người Hà Lan bắt giam, gần 3 tháng ở Jakarta vì dám dâng Thánh lễ ở đây là nơi do người Hà Lan theo đạo Tin Lành cai quản. Ngày  27-6-1649 mới “vác xác” (2) về tới “Kinh thành muôn thuở” sau một cuộc hành trình 3 năm 6 tháng!"](LINH MỤC DÒNG TÊN ĐỖ QUANG CHÍNH: "Nhà thừa sai Alexandre de Rhodes từ trần", nguồn: Dũng Lạc.org).
           
          De Rhodes trở lại Rôma vận động việc truyền giáo tại nước ta, nhưng thất bại ; ông bèn qua Pháp năm 1652, vì ở đây người ta cũng đã bắt đầu nghĩ tới thành lập Hội Truyền Giáo Ngoại Quốc Paris (Missions Etrangères de Paris - MEP). ["Nhưng, khốn thay (2), chính Đức thánh cha Innocens XI lúc đó lại không muốn cho người Pháp giữ trọng trách này, còn vua Bồ Đào Nha thì cực lực phản đối, lại còn dọa, nếu Tòa thánh cử người Pháp vào sứ vụ này, đế quốc rộng lớn Bồ Đào Nha sẽ không vâng phục Tòa thánh nữa. Sợ ! Đức thánh cha liền yêu cầu cha Bề trên Cả Dòng Tên Goswinus Nickel chuyển Rhodes đi khỏi Pháp." "Đưa cha Rhodes đi làm việc ở đâu bây giờ? Chẳng rõ cha G. Nickel có phải nát óc vì vụ này không. Chỉ biết, Bề trên Cả không trả Rhodes trở lại cho Tỉnh Dòng Tên Nhật Bản, lại cũng chẳng phái đi một nơi nào dễ dàng cho ông hơn, nhưng “tống ngay đi” (2) một vùng chẳng thuận tiện: Ba Tư! Ôi, cái vương quốc huyền bí một ngàn một đêm lẻ!!! Toàn là Hồi giáo (hiện nay nước Iran – trước đây gọi là Ba Tư – rộng 1.650.000 km2, dân số 56 triệu, nhưng chỉ có 13.000 người Công giáo, ngoài ra 93% theo Hồi giáo phái Si-it)"] (đổ quang chính sj, như trên) ! ! !
           
          Giáo sĩ Dòng Tên Alexandre de Rhodes phụng vụ đi Perse (Ba Tư-Iran) ngày 16 tháng 11 năm 1654. Và qua đời tại miệt Ispahan của xứ này ngày 5 tháng 11 năm 1660.
           
          Về ngôn ngữ, giáo sĩ A. de Rhodes đáng được gọi là Polyglotte (nói viết được nhiều thứ tiếng), Linh mục Nguyễn Khắc Xuyên ghi: "Tính ra Đắc Lộ đã biết những thứ tiếng:
          -         Cổ ngữ: La tinh, Hy lạp và Do Thái
          -         Sinh ngữ: Provençal, Pháp, Ý, Bồ và Tây Ban Nha
          -         Sinh ngữ Á đông: Canarine (Ấn), Nhật, Việt, Hoa, Ba Tư".
           
           
          Ở đây, tôi chia làm hai tiết:
           
          1. Ôn lại mấy bài trên Net của đỗ quang chính (2) so sánh trình độ chữ Việt giữa giáo sĩ Gaspar d'Amaral và giáo sĩ Alexandre de Rhodes.
           
          A. Trong bài "Trình độ chữ quốc ngữ của LM Đắc Lộ năm 1625-1644", đỗ quang chính có nhắc tới bản phúc trình của giáo sĩ Gaspar Luis viết tại Nước Mặn ngày 01/01/1626 với mấy địa danh ở nước ta, trích nguyên văn:
           
          ["Dinh Cham, Cacham: Dinh Chàm, Kẻ Chàm, "Residencia Dinh Cham vulgô Cacham"(Cơ sở Dinh Chàm bình dân gọi là ca Chàm Kẻ Chàm)
          Nuocman, Quanghia, Quinhin: Nước Mặn, Quảng Nghĩa, Qui Nhơn.
           
          Bôdê: Bồ Đề.
           
          Unghe chieu: Ông Nghè Chiêu, “Alius hoc anno mandarinus ad Ecclesiam ascriptus est, patrio nomine Unghe chieu, christiano Ignatius” (Năm nay một viên quan tên là Ông Nghè Chiêu đã gia nhập Giáo hội có tên thánh là Y Nhã.)"]
           
          Tôi (HLN) đếm: Có đúng bảy (7) chữ. Nghĩa là đỗ quang chính không biết Gaspar Luis đã phiên âm mười (10) chữ từ năm 1621. Tôi nói là phiên âm – Transcription, chứ không nói phiên thanh – Translitération phonétique / Transtonalité, sẽ giải thích khi ôn bài của R. Jacques:

          01. Unque (ông nghè) trang 122, 125, 131;
          02. Cacian (Kẻ Chàm) trang 126 ;
          03. Noücman (Nước Mặn) trang 126, tr 132;
          04. Facfo (Faïfo) trang 127;
          05. Taifo (Faïfo) trang 129;
          06. Turon (Tourane, Thuận An) trang 130;
          07. Focisays (Phật Sư Sãi) trang 131;
          08. Ontrum (ông Trùm) trang 133;
          09. Zegro (???) trang 135;
          10. Barro (có lẽ là Bàn Cổ vì trong bức thư viết:"Ông ấy nói rằng: vũ trụ bắt nguồn do một vị khổng lồ cao lớn khôn lường, tên là Barro (Bàn Cổ)" trang 136.

           
          Tiếp theo đỗ quang chính đưa ra ["phúc trình bằng chữ Bồ Đào Nha linh mục Antonio de Fontes viết tại Hải Phố ngày 1.1.1626, mà người nhận thư cũng là linh mục M. Vitelleschi. Chúng ta thử trích ra mấy chữ Việt trong tài liệu này:
           
          Dĩgcham: Dinh Chàm.
          Onghe Chieu: Ông Nghè Chiêu
          Nhít la Khấu, Khấu la nhít: Nhất là không, không là nhất."]
           
          Đỗ quang chính bình, nguyên văn:
           
          ["Qua hai tài liệu trên đây, xem ra hai tác giả đã chú ý đến việc ghi tiếng Việt sang mẫu tự abc, khác với thái độ có vẻ "hững hờ" của linh mục Đắc Lộ trong thư 1625. Thực ra, bởi vì bức thư của ông vắn, hơn nữa ông mới tới Việt Nam được sáu tháng, còn hai linh mục kia đã ở đây được một năm, tính đến ngày các ông viết mấy phúc trình trên."]
           
          Tôi ôn:
           
          Như tôi đã nói qua trong phần 2.2, các giáo sĩ trên kia bắt buộc phải ghi mớ chữ này ra vần abc theo "âm vận riêng của tiếng quốc âm mình"(Phạm Quỳnh), vì hoặc toàn là địa danh, hoặc là đặc danh rất Việt: Họ không có phương pháp nào khác để cho Bề trên của họ hiểu đại khái, nhất là các đặc danh rất Việt, do đó họ phải giải thích thêm bằng tiếng Bồ, tiếng Ý… Hơn nữa, các giáo sĩ kia chỉ mới vô thức phiên Âm, chứ đã biết "chú ý" phiên Thanh đâu, bởi các nguyên âm có dấu trong các bản tường trình là do đã có sẵn trong bộ chữ Âu châu từ trước. Và điểm đáng chú ý nhất: Các vị giáo sĩ này hoàn toàn viết Dính liền các địa danh và đặc danh Việt, đáng lý phải viết Rời, vì tiếng nước ta thuộc ngôn ngữ cách thể, đọc vận.
           
          Tôi nghĩ, chỉ có Việt Nam ta, sau hơn ngàn năm cởi bỏ cái ách Bắc, hơn nửa thế kỷ đá văng cái tròng Tây, vẫn chưa dứt được cái căn lậm niêu thịt kho Tàu, mới sính dịch tả tục danh, địa danh của người ta, chứ xứ khác họ hơi đâu làm ba cái chuyện "duy ý chí" thế. Tôi xin hỏi: Vậy chứ có mấy cô, mấy cậu 7x, 8x nằm lòng, ví dụ: Mạnh Ức Tư Cưu, Lư Thoa, Lã Phụng Tiên, Ngưu Đốn…; và hiện đại hơn, ví dụ: A l'intérieur du fleuve / Inside of the river, Hameau de lune / Moon's hamlet, Ville du renard très éclairé / Very enlightened fox's city … là cái chi chi ?
           
          Xin miễn ôn về hai chữ "hững hờ" mà đỗ quang chính đã đặc biệt dành cho giáo sĩ A. de Rhodes.
           
          Tôi cũng chẳng thấy trong những bài viết đã đăng trên Net của đỗ quang chính nhắc tới bảy mươi lăm (75) chữ phiên âm của Chritoforo Borri từ năm 1622, tôi đã đưa hình ra trong phần 2.2.
           
          Cũng như tôi chẳng cần ghi ra đây làm chi 37 chữ phiên âm của A. de Rhodes do chính đỗ quang chính đưa chữ ra trong bài, vì theo tôi, Gaspar Luis, Antonio de Fontes, kể cả Christoforo Borri chưa xứng là "đối thủ" của A. de Rhodes. "Đối thủ" khả dĩ nẹng công về chữ Việt của A. de Rhode, theo tôi hiểu ý của đỗ quang chính, chỉ có duy nhất 1 Gaspar d'Amaral trong bài dưới đây của ông:
           
          B. "Linh mục Gaspar d'Amaral viết chữ quốc ngữ mới"

           
          1. Tài liệu viết năm 1632
           
          Đỗ quang chính viết, nguyên văn: ["Tài liệu này Gaspar d’Amaral viết bằng chữ Bồ Đào Nha tại Kẻ Chợ (Thăng Long) ngày 31-12-1632, nhan đề: Annua do reino de Annam do anno de 1632, pera o Pe André Palmeiro da Compa de Jesu, Visitador das Provincias de Japan, e China (bản tường trình hàng năm về nước Annam năm 1632, gởi cha André Palmeiro, dòng Tên, giám sát các tỉnh Nhật và Trung Hoa). Tài liệu này hiện lưu trữ tại Văn khố dòng Tên ở La mã. [Mã số ra sao, bây giờ "người lương dân" làm thế nào xin vào làm photocopy kiểm chứng?- HLN].
           
          Tài liệu dài 48 tờ rưỡi tức 97 trang giấy, viết trong khổ 13*21cm. Từ trang 125r đến 160v viết chữ lớn và thưa, nhưng từ trang 161r đến hết tức trang 174r, chữ viết nhỏ lại và dầy đặc hơn, mặc dầu cùng trong khổ 13*21cm. Nội dung bản tường trình chia ra: 12 trang đầu viết tổng quát về địa dư, chính trị Đàng Ngoài, còn 85 trang tiếp theo viết về tình hình giáo đoàn thủ đô và các tỉnh.
           
          Bản tài liệu mà chúng tôi có trong tay không phải hoàn toàn do Gaspar d’Amaral viết, cũng không phải là chính bản gốc gởi cho linh mục Anrê Palmeiro. Nhưng đây là bản đã được Gaspar d’Amaral nhờ một người khác sao lại bản gốc, để ông gửi cho linh mục Antonio d’Amaral ở Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, bản văn này vẫn có nhiều giá trị và coi như chính Gaspar d’Amaral viết; bởi vì chính ông đã ký tên vào bản sao chép này; hơn nữa, chính ông đã dùng bút sửa lại bên lề trang giấy, những chữ mà người sao chép không làm đúng, kể cả những chữ quốc ngữ mới, ví dụ: thíc ca, sãy, soi, bên bồ đề, chuá bàng, bút, iền, chað, cữa đáy v.v…. Hầu hết trang nào Gaspar d’Amaral cũng sửa lại mấy chữ. Như thế chứng tỏ tác giả đã đọc kỹ bản sao và muốn cho nó phải đúng ý của ông. Vậy, chúng ta phải coi bản này như chính Gaspar d’Amaral viết."] (cả 3 đoạn gồm 342 chữ trên kia, thời buổi @ này chỉ cần 1 phóng ảnh tài liệu đó là xong, là "được lòng tin tuyệt đối của đạo dân cùng lương dân" ngay).
           
          Đây là chín mươi ba (93) chữ Việt phiên âm G. d'Amaral năm 1632 trong bài của đổ quang chính:




          2. Đây là mười sáu (16) chữ phiên âm G. d'Amaral năm 1637 trong bài viết của đổ quang chính:

           




          Tổng cọng gồm một trăm lẻ chín (109) chữ, viết rời rạc đó đây trong hai xấp điều trần cách nhau 5 năm. Đỗ quang chính bình, nguyên văn:
           
          ["Sau khi nhìn vào cách ghi chữ quốc ngữ mới của linh mục Gaspar d’Amaral năm 1632 và 1637, chúng ta thấy được năm 1637 ông đã ghi giỏi hơn năm 1632. Trong số 16 danh từ Việt Nam ở tài liệu 1637, thì tới một nửa đã viết khá hơn trước đó 5 năm.
           
          Nếu chúng ta so sánh cách ghi chữ quốc ngữ mới của Gaspar d’Amaral và Đắc Lộ, ta thấy ngay từ năm 1632, d’Amaral đã ghi rành hơn Đắc Lộ năm 1636 (chúng tôi đã trình bày tài liệu viết tay của Đắc Lộ năm 1636).
           
          Nếu so sánh thời gian có mặt ở Việt Nam tính đến năm 1632, thì Gaspar d’Amaral mới ở được 28 tháng rưỡi (ở Đàng Ngoài từ tháng 10-1629 đến tháng 5-1630 và từ trung tuần tháng 3-1631 đến hết tháng 12-1632), còn Đắc Lộ đã ở được 57 tháng (ở Đàng Trong từ tháng 12-1624 đến 7-1626, và ở Đàng Ngoài từ tháng 3-1627 đến 5-1630).
           
          Quả thật, Gaspar d’Amaral tuy mới ở Đàng Ngoài 28 tháng rưỡi mà đã viết khá hơn Đắc Lộ nhiều. Hơn nữa, trong bản tường trình 1632, d’Amaral đã chen vào nhiều chữ quốc ngữ mới, mặc dầu vấn đề bị giới hạn, còn bản văn Đắc Lộ viết năm 1636 (Tunchinensis Historiae libri duo) viết dài hơn và chứa đựng nhiều vấn đề xã hội Đàng Ngoài hơn, thế mà lại ít chữ quốc ngữ mới hơn. Do điểm này, có lẽ chúng ta dám đưa ra nhận xét khác là, vào năm 1636, Đắc Lộ chưa ý thức đủ tầm quan trọng chữ quốc ngữ mới bằng Gaspar d’Amaral vào năm 1632. Chúng ta cũng còn dám chắc d’Amaral giỏi hơn Đắc Lộ, nhờ bằng chứng rõ rệt là, Gaspar d’Amaral đã soạn thảo cuốn tự điển Việt-Bồ-La: Diccionário anamita-português-latim13 trước khi Đắc Lộ soạn tự điển của ông. Trong Lời tựa cuốn tự điển của Đắc Lộ xuất bản năm 1651 tại La Mã, chính tác giả đã viết, rõ là ông dùng những công khó nhọc của linh mục dòng Tên khác, nhất là dùng hai cuốn tự điển của linh mục Gaspar d’Amaral và A.Barbosa để soạn sách đó. Tự điển Bồ-Việt: Diccionário português- anamita của A.Barbosa và tự điển trên đây của d’Amaral có lẽ đã được viết vào khoảng 1635-1640. Cũng nên biết rằng linh mục Antonio Barbosa sinh năm 1594 tại Bồ Đào Nha, gia nhập dòng Tên ngày 13-3-1624. Cuối tháng 4-1636, ông đến truyền giáo ở Đàng Ngoài, nhưng vì thiếu sức khoẻ, nên phải trở về Áo Môn vào tháng 5-1642, rồi qua đời năm 1647 trên đường từ Áo Môn về Goa để dưỡng bệnh."]
           
          Tôi ôn:
           
          Với 109 chữ này, ngoài các dấu có sẵn trên nguyên âm của Âu châu, tôi thấy vài đặc điểm đã xuất hiện, chứ  không dễ tánh khoán trắng cho độc giả lần dò như đỗ quang chính:
           
          1. Phụ âm Đ
           
          2. Nguyên âm ă, â, ô, ơ, ư
           
          3. Dấu thanh Nặng, Sắc, Ngã, (lẻ hay chồng) tuy lẫn lộn giữa ă và â (hàng mấm thay vì hàng mắm), y và i ( nghỹa ăn xã thay vì Nghĩa An xã) v.v…
           
          Tóm lại, theo tôi hiểu và ôn lại, mục đích của tác giả đổ quang chính sj (và của nhiều đqc khác) là muốn chứng minh bằng chữ cho chúng ta thấy, nội với 109 chữ trên kia (từ 1632-1637), G. d'Amaral "vừa giỏi hơn, vừa có công hơn linh mục Đắc Lộ (năm 1644) trong việc thành lập chữ viết của Việt Nam hiện nay" (nguyên văn của đqc). Có điều, ở đoạn này đổ quang chính lại khéo vô tình quên hay cố lờ những gì A. de Rhodes đã cụ thể và thẳng thắn công bố về cái "phát minh kỳ diệu" do ông đứng tên năm 1651 tức 5 năm sau khi G.d'Amaral đã vĩnh viễn đứng lại, trong khi đó, A. de Rhodes vẫn tiếp tục đi tới, để rồi công bố cuốn "Tự Điển Việt-Bồ-La", cuốn " Việt ngữ Khái luận / Văn phạm Việt ngữ "  và đặc biệt cuốn giáo lý "Phép giảng tám ngày", hoàn toàn viết bằng chữ Việt abc thuở mới hình thành.
           
          So sánh kiểu học giả như đqc làm tôi ôn nhớ lại tích này:  Suốt thời đệ nhất cấp (THCS), Mít học giỏi viết đẹp hơn Xoài, nhưng bỏ ngang, ra làm ruộng giúp gia đình. Xoài học tiếp, xong đại học và có những tác phẩm nổi tiếng. Trong lời nói đầu của 1 tác phẩm, Xoài vẫn nhắc lại kỷ niệm học giỏi và nét chữ đẹp của Mít. Hai trăm năm sau, 1 người chít + 10 của Mít, tuy vẫn phục cụ Xoài, nhưng do cả tin vào lời đồn phong phanh có một mảnh giấy cháo lòng, trong đó có 1 bài phú ngăn ngắn, với nét chữ đẹp "có lẽ" là của tằng tằng tằng tổ Mít nhà mình, bèn ấm ức nói với 1 người chít + 10 của Xoài, rằng: Thời đệ nhất cấp xa xưa, ông tằng tằng tằng tổ của tao gieo vần giỏi, chữ lại đẹp hơn ông tằng tằng tằng tổ của mày !
           
          Ở đây, tôi mạo muội đặt 1 câu hỏi tồn nghi: Đã có mấy người từng thấy và sờ qua hai tài liệu gốc hay bản sao chép d'Amaral 1632-1637, được đỗ quang chính ghi suông là nền bê-tông cốt…tre trong bài? Nếu chưa từng thấy qua, sao lại hồn nhiên vỗ tay theo? Còn nếu quả Viện Ngôn Ngữ Học và Trung tâm Quốc Gia Chỉ Đạo Biên Soạn Từ Điển Bách Khoa Việt Nam đã kiểm chứng xác đáng + thị thực bản chụp, sao chưa chịu trưng ra hầu ổn định dư luận trong đại chúng và để kẻ hậu sinh ôn sử này, một lần nữa xin cúi đầu nhận cái tội không chịu khó tin điêu !
           
          Các nhận định, so sánh học giả của đỗ quang chính về "trình độ phiên âm chữ Việt" của giáo sĩ G. d'Amaral và giáo sĩ A. de Rhodes, tôi xin tạm ngưng ở đây, vì đứng trên phương diện "học sử", tôi vừa lan man hình dung ra một vài ẩn dụ khá độc đáo và ý nhị trong các bài viết của ông trên Net, mà theo ông, nội dung vốn không chọn "đứng trên phương diện khoa ngữ học" lại "đứng sang phương diện lịch sử để trình bày vấn đề" ( sic!).Vài hình dung lan man này sẽ được ôn lại trong một bài riêng, bấy giờ nếu gom đủ "hình chứng" sẽ ôn lan qua cuốn "Lịch sử chữ quốc ngữ" của đỗ quang chính do nxb Ra Khơi ấn hành tại SG năm 1972.

           



          Một đoạn văn quan trọng:

           


          Phóng ảnh từ bản gốc bià trong cuốn Tự Điển Việt-Bồ-La (1651) A. de Rhodes

           

          Trong "Cùng bạn đọc / Ad lectorem" - Tự Điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annnamiticum, Lusitanum et Latinum), do chính Thánh bộ Truyền Giáo Rôma xuất bản năm 1651 (xem phóng ảnh ở dưới), có đoạn giáo sĩ A. de Rhodes viết rõ ràng, lương thiện, khiêm cung trên giấy trắng mực đen:

          1. Cùng độc giả : [“Trong tác phẩm này, ngoài những điều tôi đã học được với những người bản xứ ròng rã mười hai năm trời, khi ở Nam, lúc ra Bắc, tiên vàn tôi phải kể tới thầy dạy tiếng Việt của tôi là cha François de Pina người Bồ Đào Nha, thuộc dòng Giêsu. Ngài là người tiên khởi trong đoàn thể chúng tôi, đã có công học hỏi (tiếng Việt) và cũng là người đầu tiên giảng đạo mà không nhờ tới thông dịch viên ; rồi tôi phải nhắc tới mấy vị khác cũng thuộc dòng Giêsu, những vị này đã soạn sách mà tôi sử dụng ngày nay, trước là cha Gaspar d’Amaral, tác giả (bản thảo) cuốn Tự Điển Việt-Bồ, rồi tới cha Antoine Barbosa, tác giả (bản thảo) cuốn Tự Điển Bồ-Việt. Nhưng cả hai đã mất sớm. Tôi đã dùng những tài liệu này và theo lệnh các vị Hồng y, tôi thêm tiếng La tinh vào…”.] (bản lược dịch trong bản thảo “Vấn đề hình thành Chữ Quốc Ngữ” của Nguyễn Khắc Xuyên, trang 71 - Đại học Đà Lạt, 1962-1964).

          2. Cùng độc giả: ["Quyển từ điển tam ngữ này, gồm tiếng An Nam, Bồ-đào và La-tinh tôi đặt nó vào trong tay và để dưới mắt bạn được, là nhờ vào sự tài trợ của Thánh Bộ Truyền bá Đức Tin; thay thế cho một thứ Ngữ pháp, tôi mở đầu ít dòng liên quan tới khái niệm về tiếng An Nam hay Đông-kinh. Tiếng này không những thuộc hai vương quốc khá rộng lớn là Đông-kinh và Cô-sinh, thêm vào đó vương quốc thứ ba là Cau bàng, cũng sử dụng cùng một phương ngữ ấy; mà lại tiếng đó còn thông dụng ở những vương quốc lân cận như Chàm, Cam-bốt, Lào và Xiêm. Vậy tiếng An Nam tôi thiết tưởng tốt hơn nên đặt trước ở trong từ điển, vừa bởi phải làm như vậy thì tiếng An Nam mới được chính danh và chính yếu, vừa bởi nhờ vậy bất cứ ai cũng có thể hiểu và cắt nghĩa được các sách An Nam dễ dàng hơn; ngoài ra nó còn có ích lợi hơn nữa cho chính người An Nam, để họ có thể học cả tiếng Bồ-đào lẫn tiếng La-tinh.
          Tuy nhiên trong công việc này ngoài những điều tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần mười hai năm thời gian mà tôi lưu trú tại hai xứ Cô-sinh và Đông-kinh, thì ngay từ đầu tôi đã học với Cha Francisco de Pina người Bồ-đào, thuộc Hội Dòng Giê-su rất nhỏ bé chúng tôi, là thày dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn, tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều Cha khác cùng một Hội Dòng, nhất là của Cha Gaspar de Amaral và Cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một (bản thảo) cuốn từ điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam, ông sau bằng tiếng Bồ-đào, nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng La-tinh theo lệnh các Hồng y rất đáng tôn, vì ngoài những tiện lợi khác, nó còn giúp ích cho chính người bản xứ học tiếng La-tinh. Đó là chủ ý của chúng tôi, điều mà tôi muốn nhắn nhủ bạn để làm Vinh quang Chúa hơn. Chúc bạn khoẻ mạnh và hãy cầu nguyện cho tôi."]

          ["Franciscus Piccolomineus Bề trên cả Hội Dòng Giê-su:

          Cuốn từ điển An Nam hay Đông-kinh, có chú giải tiếng Bồ-đào và La-tinh, được biên soạn bởi Cha Alexandre de Rhodes, Linh mục thuộc Hội Dòng chúng tôi, nay chúng tôi ban phép để xuất bản, nếu những người liên hệ đến công việc này nhận định là nên làm, thì căn cứ vào đó, chúng tôi ban hành tại Rô-ma ngày mồng 5 tháng Hai năm 1651 chứng thư này do chính tay chúng tôi viết và có ấn dấu của chúng tôi.
          Franciscus Piccolomineus"] (trích theo nguyên văn của Phạm Ngũ: "Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes").



          Phóng ảnh từ bản gốc đoạn "Cùng bạn đọc"  trong Tự Điển Việt-Bồ-La (1651) A. de Rhodes
           


          Phóng ảnh từ bản gốc, trang đầu vần A trong Tự Điển Việt-Bồ-La 1651, A. de Rhodes


           

          Vậy mà vẫn có khối học giả, sử gia rồng tiên nhân danh "lịch sử", "kiên định" vo tròn bóp méo, so sánh vừa vô duyên - thật phí tuổi đời, vừa bất cập vừa không chút đỏ mặt - thật uổng tuổi đạo hoặc dày bề đạo nhưng mỏng bề hàm dưỡng, chỉ vì hồn nhiên tin vào một bài luận án made in France, có chữ nhưng nỏ có vật chứng khả tín. Nhất định phải là "hình" chứng, nếu không, tất cả chỉ là giả thuyết được dựng đứng ra thôi, không thể chấp nhận được !
           
          Cuốn Từ điển Việt-Bồ-La 1651 đã được dịch ra tiếng Việt hiện đại, nxb Khoa Học Xã Hội 1991 và tôi cũng có trong tay hình chụp bài "Từ điển Việt-Bồ-La của A. de Rhodes" của tác giả Phạm Ngũ, so sánh qua mấy dòng chữ giữa bản chính gốc 1651 và bản in 1991, cọng cả bài sơ lược "Từ Điển Việt-Bồ-La" của cụ Nguyễn Khắc Xuyên.
           
            
          Thưa chư vị tiền bối học giả, sử học gia,
           
          Chẳng lẽ toàn thể Thánh bộ truyền giáo Rôma thời ấy khi chuẩn y xuất bản cuốn Tự Điển Việt-Bồ-La 1651 (khổ A4 dày 645 trang, gồm 900 cột, từ vần A đến Xũ) đều u mê cả sao ? Đều nhỏ nhen "kỳ thị" de Barbosa và d'Amaral cả sao ? Ngoài ra, ngôn ngữ từ lọt lòng mẹ của A. de Rhodes là tiếng Pháp, ông dư sức bỏ thêm vào cuốn tự điển, sao ông ta không làm? - Tại vì lúc bấy giờ tiếng La tinh là ngôn ngữ chính thức dùng trong Giáo Hội. Đã có mấy người từng thấy qua bản gốc của cuốn Tự Điển Việt-Bồ-La 1651 ? Đã có học giả, sử học gia Việt nào thật sự nghiêm túc nghiên cứu về nó (ngoài hai bài trên kia) ? Viện Ngôn Ngữ Học, Trung Tâm Quốc Gia Chỉ Đạo Biên Soạn Từ Điển Bách Khoa Việt Nam đã và đang làm gì ?
           
          Nếu A. de Rhodes có ý bất lương không ghi rõ những dòng trên kia, hậu thế "học giả, sử học gia" có thuộc tên và biết Francesco de Pina, đặc biệt António de Barbosa và Gaspar d'Amaral là ai không ? Tôi tin chắc là không. Và tôi vững tin rằng cái lương tâm trong việc biên khảo, trước tác của A. de Rhodes cách nay 358 năm đã trong sáng cao cả hơn 10 vạn lần cái lương tâm về chữ nghĩa của cả lô cả lốc Tiến sĩ ông, Tiến sĩ bà hồng, chuyên ăn cắp ăn xổi ăn không công khó nhọc nghiên cứu của người khác, được phanh phui một phần nhỏ trong sách "Bàn phím và cây búa" của tác giả Nguyễn Hoà, tháng 10 năm 2007, tôi hiện có trong tay.

           


           

          Trích đoạn chữ Việt thời 1651 trong sách của A. de Rhodes:

          [Ai nếy đã nghe blọn mlời giảng từ đầu hết cho đến bây giờ, mà còn có đều gì hồ nghi thì nên hỏi hay là chung trước mạt người ta hay là riêng mặc người : ví bàng có hồ nghi sự một biợ hay là dều biợ hỏi riêng thì hơn mà tõan ćũ làm thể nào, sự phép rửa tội thì hãy dưậm đã cho người làm rồi sự đã tõan : vì chưng đã quen thấy mlời hứa làm vậy nếu chẳng làm khi ai chửa có chịu phép rửa tội, đến khi đã rửa tội rồi, mở đòi tói ếy bởi ma quỉ đã đáõ lại thì khó lám.

          Đến khi ai nếy đã hỏi sự mình hồ nghi rồi thì phải děọn mình chịu phép rửa tội mà làm việc nhin đức về sau, saõ le vì bấy nhêu việc ếy khỏi sức mình thì phải cầu ćũ Đức Chúa Blời nhin lành mà quì gối nguyện một kinh Chúa, lại nguyện một kinh Ave xin ćũ rứt thánh đòũ thân Maria là Mẹ Đức Chúa Blời cầu cho chúng tôi làm việc ếy cho nên.]

          (Lời khuyên cuối cùng, trích Phép giảng tám ngày – Cathechismus pro iis, qui volunt suscipere Baptismum, in Octo dies divisus. Dịch sát nghĩa : Yếu lý chia làm tám ngày cho những người muốn chịu phép Rửa tội. Còn tiếng Việt, viết bằng chữ nhỏ như phụ đề là : Phép Giảng Tám Ngày cho kẻ muấn chịu phép Rửa tội, mà bveào đạo thánh đức Chúa blời).



          Bià và 1 trang trong "Phép giảng tám ngày" của A. de Rhodes

          Chúng ta đừng giả vờ quên, cái nhân "thực dân" tập thể kia đã từng ngũ yên suốt gần hai trăm năm trong sự "hững hờ" của chính ông cha ta, thế kỷ XVII-XVIII; cho đến sau khi đất nước bị Pháp cưỡng chiếm và khéo léo áp chế văn hoá dưới chiêu bài "bảo hộ, khai hoá" qua ngả văn tự, nó mới được ông cha ta trọn thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, dùng máu, nhục nhằn và cái chết tát cho "thức tỉnh": Biến vũ khí đồng hoá tinh vi của kẻ xâm lược thành phương tiện kỳ diệu của mình, dùng lại phép xưa xa "gậy ông đập lưng ông", mượn "giáo Tàu đâm Chệt": Chữ Nôm.

          Cái nhân kia, sau giấc ngủ dằng dặc, đã đâm chồi kết hoa thành quả, mà cháu chắt chút chít đã và đang hái và không biết hái cho đến bao giờ mới hết, mới nẩy ra một cái nhân khác "kỳ diệu" hơn. Trong cái nhân tập thể "kỳ diệu 1651" này, giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã góp sức ra sao, ngần nào? Có câu rằng: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống, vậy cái nhân tập thể 1651 nằm ở vị thế nào, thưa chư vị tiền bối học giả, sử học gia.
           
          Hàn Lệ Nhân

          cập nhật, 06/11/2009
          (còn tiếp)

          Kỳ tới: L'autre demi-vérité à Dr Roland Jacques dans:"Le Portugal et la romanisation de la langue vietnamienne: Faut-il réécrire l'histoire?" (Nửa sự thật khác cho TS Roland Jacques trong "Bồ Đào Nha và công trình la mã hoá tiếng việt: Có nên viết lại lịch sử không ?")


          (1) Lược theo hai bản dịch của cụ Nguyễn Khắc Xuyên: "Vấn đề hình thành chữ quốc ngữ" (Đà Lạt 1962-1964), và "Hành trình và truyền giáo A. de Rhodes" (Dũng Lạc.org)

          (2) Nghe nói từ tháng 6 năm 2006, đổ quang chính (sinh năm 1929 hay 1915) đã được / bị "tống đi ngay" hay tự "vác xác" vào nghỉ hưu tại Tu Viện Dòng Tên Thủ Đức (mượn lại chữ của đcq dành cho A. de Rhodes):


          Người trên ở chẳng chính ngôi,
          Cho nên kẻ dưới chúng tôi hỗn hào.
          Người trên ở chẳng được cao,
          Khiến cho kẻ dưới lộn nhào lên trên.
          (Kẻ dưới HLN mót được từ ca dao dân tộc Việt Nam 4 nghìn lẻ 1 năm văn hiến và Thăng Long-Hà Nội nghìn thiếu 1 năm vật văn)



           
           

           

           
           



          <bài viết được chỉnh sửa lúc 07.11.2009 02:44:02 bởi Hàn Lệ Nhân >
          #5
            Hàn Lệ Nhân 08.11.2009 16:55:21 (permalink)
            Chữ Việt tình tôi [5]
            Hàn Lệ Nhân
             
            Phần 3.1

             
            Tôi đăng phần 2.3 bài này được 2 ngày thì ông bạn vong niên trong đối thoại phần 1 gọi tôi: Hết giờ cày, xin phép cô ấy không ăn cơm nhà, đến thẳng mình. Khoảng 18 giờ, tôi chạy xe lại ông cụ, loay hoay tìm chỗ đậu xe, thoáng thấy ông đang đứng trong Hall toàn bằng kiếng sáng trưng của toà nhà 7 tầng, nhìn ra đường phố đã lên đèn. Ở Pháp này nói riêng, câu "tháng năm chưa nằm đã sáng, tháng mười chưa cười đã tối", thật khít khao đúng. Tôi vào, ông bảo: "Tối nay, ta vừa ăn vừa nói. Đi, mình mời cậu đến tiệm này, nhất định rồi cậu sẽ trở lại hoài. Để xe đó, ta đi bộ vì không xa lắm".
             
            Nhà hàng này, tôi đã từng đi ngang qua cả trăm lần, thời tiệm BDSG còn sống, nhưng không vào bởi không chịu lối níu mời khách, nghe nói, hơi hơi giống ở một nơi nào đó. Cô tiếp viên thân thiện cúi chào hai bác cháu, tôi máy móc chào lại,  ông cụ cười vuốt đầu cô ấy , nói liền: Hai tô như cũ, thêm một 1-6-6-4 (Kronenbourg 1664: bia số 1 của Pháp, tôi thích nhất). Tuy ngạc nhiên song tôi chẳng nói gì.
             
            - Mình có đọc 2 lần phần 2.3 bài ôn sử của cậu. Chung chung, cũng được. Ông cụ lên tiếng "ba phải". Có điều…, mà thôi, chốc nữa vừa ăn vừa nói. Rồi ông cụ chuyển qua mấy chuyện linh tinh khác.
             
            Qua lại lâu ngày nên tôi thấm thấu xương hai chữ "có điều" của cụ ông này, nó đồng cân với 5 chữ "tuy nhiên, mình xin thêm", cũng là chiêu của ông, tức "nhưng, nhưng mà" ta thường thấy trong đối thoại, nhất là trong phê bình "minh hoạ".
             
            Té ra "hai tô như cũ" là hai tô Bún Bò Huế, cái món mà tôi đắm luỵ trọn kiếp này.
             
            - Ở đây họ "chơi" rau muống chẻ thay vì bắp chuối bào như thông lệ…của cậu. Thử đi, ăn xong ta bàn lại phần 2.3 bài ôn sử của cậu.
             
            - Sao "bàn lại", thưa bác, phải là "bàn" thôi chứ.
             
            - "Bàn lại" vì cậu đã đăng quách nó rồi. Bút sa gà chết, cậu quên rồi sao ? Cậu tưởng trên Net, dù là "học sử", cậu không có "ma xó thù địch" sao ?
             
            - Sao lại "thù địch", "đối lập" thôi chứ ?
             
            - Con rồng cháu tiên còn khuya mới học được hai chữ "đối lập". Cậu về tra lại xem ai nói câu này: "Tất cả những ai đi sai con đường tôi đã vạch, đều phải bị tiêu diệt !" (1)
             
            - Vậy cháu đã "sa bút" ở đoạn nào ?
             
            - Không phải vậy. Đừng lo, cứ ăn vài miếng xem có đúng "goût" của cậu không đã.
             
            Ăn xong tô Bún Bò Huế của tiệm Ng. Ph.: Ngon thiệt là ngon ! Tám lạng nửa cân với tiệm Ph.Q. trong vùng ngoại ô tôi ở. Không nói không rằng, ông cụ kêu cho tôi 1 chai 1664 khác, và bắt đầu "bàn lại":
             
            - Trọn phần 2.3, không có gì đáng "bàn đi", vì là "học sử". Cậu học sử sai là do học giả, nhà sử học soạn "nửa vơi nửa đầy", do bè ăn có "phát tán" cái "nửa" đó trên Net. Cứ nhắm đỉnh đầu DEA, TS chúng mà cốc, mà khứa, nhét "hình chứng" vào. Cái đáng "bàn lại", theo mình, là cái "tích" Mít và Xoài của cậu. Nó "kém ngon, kém đậm đà" so với tô Bún Bò Huế cậu vừa "giải phóng" xong.
             
            - ! ! !
             
            - Cậu "tham vấn" mình trước thì chắc chắn cậu đã đem món Bún Bò Huế ra phịa thành "tích".
             
            - Nghĩa là sao, thưa bác ?
             
            - Món Bún Bò Huế gồm nguyên liệu chính: Bún, nạm Bò, giò Lợn. T'es d'accord ? (cậu đồng ý chứ ?)
             
            - Thưa vâng.
             
            - Tạm "tam quyền phân lập" thế này: 1. Bún sợi to là Francesco de Pina; 2. Thịt bò nạm là Gaspar d'Amaral; và 3. Giò lợn, António de Barbosa.
             
            - Rồi sao, thưa bác ?
             
            - Nước dùng và gia vị, rau ráng lỉnh kỉnh là do đầu bếp bậc trung Alexandre de Rhodes. Ba nguyên liệu chính trên kia, tách riêng ra, đâu là cái…đếch gì. Vả, đến đêm nay (11/2009), ba cái "tiên phong" kia chỉ mới được nghe chính ông đầu bếp de Rhodes nói thôi. Đã có "hình" đâu.
             
            - ! ! !
             
            - Vậy mình hỏi cậu: Tô Bún Bò Huế cậu vừa xơi, nó ngon là ngon nhờ vào "khoảnh" nào ? Bún ư, bò ư hay lợn ? Mình dám thách bàn dân học giả, sử học gia đông tây sau lưng và trước mặt, trả lời đấy !
             
            - Thực tiển chỉ đơn giản có thế cụ ạ, sao có người cho rằng món Bún Bò Huế lừng danh ngon là nhờ Bún nhúng đúng độ, vớt ra đúng lúc; lại có người bảo nhờ thịt bò được hầm vừa chừng và giò heo được cạo lông, ninh kỹ. Còn đầu bếp là phụ nhưng lại hưởng trọn danh thơm, một tượng …một mình.
             
            - Sao lại hưởng trọn danh thơm, một tượng một mình ? Có ai ăn Bún Bò Huế với dựa mận đốm, khoang, vàng, vện? Nhắc tới Bún Bò Huế, đứa trẻ 9-10 tuổi cũng rõ mười mươi đó là món tổng hợp, căn bản chính là Bún, Bò và Lợn !
             
            - Thế theo bác, ta phải làm sao ổn thoả, dù tương đối ?
             
            - Muốn giải quyết vấn đề "nẹng công lịch sử" trẻ con đó, đơn giản vô cùng, tuy hơi lộ cái ngu của ta tí tí: Từ nay về sau, người nào dùng lại y chang cái rờ-sét 1651 của món Bún Bò Huế phải ghi thêm hàng chữ nhỏ: gồm công của Bún, của Bò và của Lợn !
             
            - Còn tượng của Bún, của Bò, của Lợn…
             
            - Đã ngu tí tí thì ngu thêm tí tí bằng cách nặn thêm ba cái nữa đã sao.
             
            - "Kiến nghị" của bác thật đáng lưu tâm. Có, có…điều, cái rờ-sét Bún Bò Huế non trăm năm qua hơi lạ so với cái rờ-sét 1651 của đầu bếp A. de Rhodes, cách nay đã 358 năm !
             
            - Thì cậu phải ôn tiếp, chi li từng thời kỳ một, may ra bù đắp vào cái "tích" Mít và Xoài còn hườm của cậu !
             
            - Nhưng cháu đã định ôn thẳng vào bài sử học của ngài Roland Jacques...
             
            - Đâu được. Đã lỡ dại học sử Chữ nước ta thì cậu cần chịu khó dại cho suốt. Học xong, đã ôn phải ôn cho tới…chấm com, như cậu thường nói. Cậu phải ôn cho ra ngô ra khoai với mớ tài liệu cậu nắm trong tay về những gì sinh viên Roland Jacques mới vô tình hay cố ý thấy một nửa trong cái luận án DEA (2) bằng tiếng mẹ đẻ của anh ta !
             
            - Định Hướng Tùng Thư đã trân trọng giới thiệu Roland Jacques "nói thông thạo trên 10 thứ tiếng" lận, đương nhiên kể cả tiếng nước ta.
             
            - Nếu quả Roland Jacques "thành thạo" tiếng nước ta, ám lực nào hảm anh ta tự dịch ra chữ quốc ngữ la mã hoá, đặc biệt bài "Le Portugal et la romanisation de la langue vietnamienne: Faut-il réécrire l'histoire?" mà cậu đang chuẩn bị ôn ?
             
            - Cháu cũng trộm có thắc mắc đó. Ông ta tự dịch thì đâu phải chia tác quyền (chắc có) với dịch giả người Việt, bài của ông đâu bị "khác" với nguyên tác Pháp ngữ, chẳng hạn nhóm chữ «l'expression sino-vietnamienne "quốc ngữ" signifie littéralement "langue nationale"» lại được dịch ra «thành ngữ theo nguyên tự hán-việt là "tiếng nói của người Việt"» thay vì chính xác phải là "tiếng nói của một nước".
             
            - Đâu, cậu chỉ cho mình coi chỗ khác nữa xem.
             
            Tôi rút hai bản Pháp và Việt ngữ in laser trong cặp ra, lật bản tiếng Pháp chỉ vào chỗ gạch dấu xanh, đọc:
             
            - "Quand aux missionnaires, à partir de François Xavier au milieu du xvie siècle, le but de tous leurs efforts fut de convertir l'empereur de Chine: une fois cette conversion acquise, les Etats tributaires, du Tonkin au Siam, devaient nécessairement suivre son exemple, pensait-on.". Rồi chỉ vào bản tiếng Việt gạch dấu đỏ: "Còn đối với các nhà truyền giáo, khởi từ Phanxicô Xavie vào giữa thế kỷ XVI, mục đích các nổ lực của họ là nhằm làm cho hoàng đế Trung Hoa trở lại: người ta nghĩ rằng một khi có được sự trở lại đạo nầy, thì các quốc gia lệ thuộc từ miền bắc Việt Nam (Đàng Ngoài) đến Xiêm, hẳn phải noi theo." (bản dịch đã dẫn của Nguyễn Đăng Trúc)
             
            - Convertir / Conversion trong mạch văn này phải dịch là Cải đạo, chứ sao lại trở lại / trở lại đạo được. Vua Tàu có từng theo đạo Thiên Chúa bao giờ đâu mà trở lại ! Convertir là chuyển đổi, chuyển hoán ví dụ trong tin học ta chuyễn từ dạng .DOC ra dạng .PDF vậy.
             
            - Chắc ông Roland Jacques chưa có thời giờ duyệt lại, đã vội cho "phát tán". Đó là người ta dịch tả bài ông. Còn khi ông ký tặng sách của ông ở Việt Nam năm 2007 thì sao ? TS Phạm Văn Tình viết ["dù phát âm tiếng Việt chưa thật chuẩn về âm sắc, nhưng với sự chân tình, hồn hậu…vẫn làm cho cử toạ hết sức ngạc nhiên, khâm phục và cảm động về tấm lòng của ông với tiếng Việt và trân trọng hơn, với đất nước và con người Việt Nam."] (Phạm Văn Tình: Tấm lòng của một người yêu tiếng Việt -  Báo Lao Động, 29/07/2007).
             
            - "Đất nước mình nó như vậy". Năm bảy triệu người Việt trong và ngoài nước nói tiếng ngoại quốc nhuyễn như cháo, có thằng ngoại quốc indigène (bản xứ) nào nâng nhắng lên như thế. Năm bảy  triệu người Việt nói tiếng ngoại quốc là chuyện bình thường. Dăm người ngoại quốc nói ngọng, nói đớt ngôn ngữ của Nguyễn Du là chuyện hí hữu, là lên Tivi, là vô Đi Vi Đi ! Bài của cậu mà ký tên John Washington thì họ bốc cậu thấu trời.
             
            - Thưa vâng, "đất nước mình nó (vẫn) như vậy".
             
            - Thế cậu định ôn bài của Roland Jacques bằng tiếng ta hay tiếng tây ?
             
            - Bằng tiếng ta, vì ông ta "đề nghị" viết lại lịch sử chữ nước ta nhưng bằng tiếng mẹ đẻ của ổng, thì cháu cũng phải ôn ổng bằng tiếng của bu cháu chứ.
             
            - Và biết đâu bài của cậu lại được người ta dịch ra tiếng của bu ổng ! Lịch sử chữ viết phải trả bằng máu của cả một quốc gia 86 triệu dân, TS sắp sửa nhiều như rươi, vậy mà việc nghiên cứu về nó hầu như là đặc quyền của mấy cố đạo trắng hay vàng. Tại sao vậy nhỉ ?
             
            - Đơn giản thôi, thưa bác. Vì chỉ có linh mục mới dễ dàng có hộ chiếu để vào những văn khố các dòng tu ở ngoại quốc.
             
            - À này, cậu biết cuốn Tự Điển Việt-Bồ-La đã được tái bản ở Việt Nam năm 1991, nhưng cậu có chụp được bài nhận định, phê bình nào về nó không ?
             
            - Thưa bác, có ngay ạ. Cháu ra ngoài kéo điếu thuốc, bác thủng thỉnh đọc kỹ:


             

            ["Chúng tôi, chúng ta hết thảy rất quí cuốn Từ điển và rất mừng khi viện Khoa học Xã hội T.P.H.C.M. cho in lại nguyên bản tại Saigon năm 1991. Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính và nhất là Thanh Lãng đã nhiều năm ân cần, say sưa, làm không công việc phiên dịch Từ điển. Và phải chờ tới năm 1991 với tiền viện trợ của một vị cao cấp trong hàng giáo phẩm, viện mới cho ấn hành được. Thế rồi có hai điều làm cho chúng tôi vừa buồn vừa thất vọng, nếu không là phẫn uất. Thứ nhất Viện K.H.X.H.T.P.H.C.M. đã chễm chệ nhảy lên ngồi ngang hàng với Đắc Lộ, làm cho người ta hiểu Viện và Đắc Lộ là tác giả cuốn Từ điển, hoặc Đắc Lộ là cán bộ nghiên cứu văn học của Viện. Điều hai quan trọng hơn: người ta đã làm sai lạc nguyên văn, nguyên tác của Đắc Lộ, những người mà chúng tôi gọi là những tên đồ tể. Sự việc xảy ra thế này.
             
            Khi chụp lại nguyên bản thì có chữ mờ, do đó phải cho người dặm lại. Đáng lí ra phải trao việc này cho những nhà chuyên môn về chữ quốc ngữ cổ, cũng như khi cần phải sửa một bức họa danh tiếng thế kỉ 16, 17 thì phải trao cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, họa sĩ chứ không phải để vào tay bất cứ ai được, cũng như khi phải khai quật một vị trí khảo cổ thì cũng phải có những người chuyên môn. Thế là người ta đã bằm nát từ ngữ rất mực quí giá, mỗi chữ, mỗi nét, chúng tôi coi như hòn ngọc (và chúng tôi không quá lời). Chúng tôi chỉ đưa ra một vài thí dụ, chứ nếu nói hết thì không phải là "không kể xiết" nhưng cũng khá nhiều:
             
            1. chữ cỏ (herba, ae), Đắc Lộ ghi thêm: cán cỏ lại với lời cắt nghĩa: để tỏ dấu khiêm tốn trước mặt ai, hầu xin ân huệ, dường như tự xưng mình là súc vật. Lại ở đây là "lạy". Thế nhưng viện đã cho sửa lại là cắn cổ lại, người ta đâu biết cắn cỏ lạy là gì, chỉ biết cắn cổ mà thôi.
             
            2. Chữ càu, viết với a chứ không với â thành cầu. Người ta đã cho dặm lại là câu. Với chữ càu chức nghĩa là xin được chức thì lại chữa là câu chức; càu mình trọng, muốn được người ta cho mình là trọng thì được chữa là câu mình trạõ.
             
            Cũng vậy, càu là cái cầu bắc trên sông được chữa là câu. Thế rồi những cách nói càu bến, đi càu, đi bến. Đi càu có nghĩa là đi đồng, đi ngoài, đi sông, tức đi ỉa.
             
            3. Chữ tièn viết với e, Đắc Lộ đã viết trên bốn cột trang giấy đr cắt nghĩa cách tính tiền của ta ngày xưa. Những chỗ nào không cần dặm lại thì vẫn còn là tièn. Đến khi dặm lại thì hoặc là trở nên tiền với ê hoặc là nguy hiểm và ngu dại hơn nữa, trở thành tiên như tièn giám, tièn quí, tièn géy, tièn hộp, bẻ tièn, bẻ đũa bẻ tièn đã trở thành - ôi đau xót - tiên giám, tiên quí, tiên géy, tiên hộp, geo tiên, bẻ tiên, bẻ đũa bẻ tiên; tièn chữa là tiền còn là tội nhẹ, nhưng tièn chữa là tiên thì là tội cực trọng, cực nặng. Cũng vậy, nhãn tièn đã trở nên nhãn tiên.
             
            4. Chữ tién (hẳn là tiẽn, tiẹn) kèm theo tién mía, tién cau thì được chữa là tiên mía, tiên cau. Cũng như tién là dâng, dưng trong thí dụ tiến Chúa thì đã thành tiên, tiên Chúa.
             
            5. Chấm cu, chấm chữ, được chữa lại là Châm cú.
             
            6. Giò, xem giò là bói chân gà, được viết là xem giô.
             
            7. Muôn, muôn muôn vàn vàn thành muôn muôn vân vân.
             
            Chúng tôi xin ngừng ở đây, bởi vì còn khá nhiều hoặc rất nhiều chữ được dặm lại sai như thế. Như chúng tôi đã nói ở trên, Đắc Lộ thường ghi theo tiếng Đàng Trong a = ă; e = ê v.v...
             
            Khi Từ điển được in lại ở Saigon, chúng tôi đã rất phấn khởi và viết bài giới thiệu gửi cho tờ Văn Lang của Nguyễn Mộng Giác, California. Thế nhưng khi được biết Viện K.H.X.H.T.P.H.C.M. đã làm quá ẩu, chúng tôi viết bài phê bình và đề phòng các nhà làm công tác văn nghệ, văn học nghiêm chỉnh. Bài gửi cho một nguyệt san ở Paris, người ta không đăng, gửi cho tờ Văn Học Cali, cũng chưa đăng, chỉ có tờ Tuần san Australie là đăng bài phê bình của chúng tôi. Chúng tôi cũng gửi một bài ngắn cho Công Giáo Dân Tộc và người ta đã đăng sau khi sửa chữa đôi chút. Có người cho lời lẽ của chúng tôi là quá gay gắt vì chúng tôi đã dùng chữ "những tay đồ tể bằm nát", xuyên tạc Từ điển. Lại một lần nữa, ở đây, chúng tôi yêu cầu Viện K.H.X.H.T.P.H.C.M. phải cho đính chính lại hết những chữ đã do Viện cho dặm lại sai lầm và là những sai lầm lớn. Xuyên tạc, bằm nát Từ điển, phải chăng cũng như triệt hạ những di tích điện đài nghệ thuật của cha ông, của tổ tiên, các đình chùa miếu mạo, những di tích lịch sử còn lại của quá khứ. Đã không kiến thiết mà còn triệt hạ. Cũng phải nói thêm rằng phần dịch của Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính và Thanh Lãng rất nghiêm chỉnh, không những dịch trung thành (trừ một vài điều chúng tôi sẽ có dịp nói tới) mà lại còn cho in lại rất xác thực và trung thành, chữ quốc ngữ cổ của Đắc Lộ. Việc này phải trả lại công lao cho các dịch giả, nhất là Thanh Lãng."] (Nguyễn Khắc Xuyên: Tự điển Việt-Bồ-La, nguồn: Dũng Lạc.org)
             
            - Sao, bác nghĩ thế nào ?
             
            - Xem ra phải nặn thêm cái tượng cho Viện Khoa Học Xã Hội TP-H.C.M !




            Hàn Lệ Nhân
            (Còn tiếp)
             

            (1) ["Trong buổi tiếp tân này (ngày 25 tháng 6 năm 1946), một đảng viên cộng sản Pháp, thuộc hệ phái Trotsky, tức là đệ tứ quốc  tế, có hỏi trường hợp cái chết của Tạ Thu Thâu. Cụ Hồ làm mặt buồn rầu, thiểu não, đã trả lời rằng: Ông Thâu là một nhà ái quốc lớn, và chúng tôi rất buồn lòng khi hay tin ông mất. Bị hỏi dồn, ai là thủ phạm thủ tiêu ông Thâu, cụ Hồ đã trả lời gắng gượng: Tất cả những ai đi sai con đường tôi đã vạch, đều phải bị tiêu diệt. Con người cộng sản giáo điều ở cụ Hồ hiện rõ trong câu nói đó, và câu nói tàn bạo đó giải thích được những hành động sau này của chính phủ Việt Minh ở vùng gọi là giải phóng"] (Lm Cao Văn Luận: Bên giòng lịch sử, Nxb Trí Dũng, SG 31/07/1972, trang 93). 
             

            (2) DEA = Diplôme d'Etudes Approfondies, tiền tiến sĩ, theo sắc lệnh / Décret n° 73-226 năm 1973 - đã được bãi bỏ từ năm 2004, thay bằng Master 2).

             
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 08.11.2009 16:56:38 bởi Hàn Lệ Nhân >
            #6
              Hàn Lệ Nhân 15.11.2009 18:10:46 (permalink)
              Chữ Việt tình tôi [6]
              Hàn Lệ Nhân
               
              Phần 3.2

               
               
              Tôi đã đọc nhiều lần nguyên tác bài "Le portugal et la romanisation de la langue vietnamienne: Faut-il réécrire l'histoire? / Bồ Đào Nha và công cuộc la mã hoá tiếng Việt: Có nên viết lại lịch sử không?" của linh mục sinh viên DEA Roland Jacques, soạn tại Pháp quốc năm 1995. Tôi có lẩn thẩn nhờ MS Word làm thống kê, nó "khách quan" khẳng định với "hình chứng": 1. Nội dung bài viết gồm 545 dòng với 8.738 chữ, theo khổ giấy mặc định A4, kiểu chữ Times New Roman, co 10 ; 2. Có một trăm hai mươi (120) chú thích, gồm 800 dòng với 12.122 chữ, và tuy MS Word không nói ra nhưng tôi tự giác hiểu là trọn bài nghiên cứu, đổ đồng có từ 1 đến 3 chú thích trong mỗi đoạn, nói gọn là chú thích giàu hơn nội dung khoảng 50%, và không có một "hình chứng" nào: Tất cả chỉ là trích dẫn suông, kèm theo đây đó "có lẽ" hay "dường như".
               
              Nếu nguyên tác bài nghiên cứu bằng tiếng Pháp về Chữ nước ta chỉ nằm gọn và im lặng trong mảnh bằng DEA của R. Jacques và nhất là, khi phổ biến trên Net, đừng có cái đuôi: "Faut-il réécrire l'histoire?" / Có nên viết lại lịch sử không? thì không có phần ôn này của tôi. Muốn viết lại lịch sử "Chữ Việt Tình Tôi" cách nay đã hơn 3 thế kỷ mà chỉ u ê trích dẫn suông thì không thể chấp nhận được; tôi xin nói thẳng: đó là cố ý tung hoả mù cực kỳ vô trách nhiệm trong thời đại @ này, nhưng cá nhân lương dân tôi và mọi đạo dân tin quyết lối tung hoả mù kiểu này sẽ không vô tội vạ trước phán xét cuối cùng của Đức Chúa Trời !
               
              Tôi không lượng sức mình khi ôn lại bài của DEA R. Jacques, nhưng vì cho đến nay (11/2009) tôi chưa thấy học giả, sử học gia người Việt nào lên tiếng phản bác sự vu vơ của R. Jacques, ngược lại chỉ thấy khối người hồn nhiên hùa theo. Xin hỏi: 1/ Di thảo về chữ Việt vần la tinh thời phôi thai của Francesco de Pina hình dạng ra sao?; 2/ Bản thảo Từ điển Việt-Bồ của Gaspar d'Amaral, bản thảo Từ điển Bồ-Việt của António de Barbosa vuông dày, dài ngắn như thế nào?; 3/ Nội dung Công Thức Thánh Tẩy 1645 (R. Jacques gọi là Consulta) thực sự gồm những gì: chẳng lẽ 86 triệu người Việt chúng ta lại dễ dàng cả tin vào mỗi chữ Nhin / Nhân trong bài của Roland Jacques / Nguyễn Đăng Trúc, (và cả Lm Đỗ Quang Chính), để "khách quan viết lại lịch sử", hầu cụ thể nêm gia vị Bồ Đào Nha vào nhiều hơn nữa?
               
              "Khách quan viết lại lịch sử": Được lắm, nên lắm!  Có…có điều lấy gì mà viết? "Khách quan viết lại lịch sử": Phải lắm, đáng khuyến khích! Tuy…tuy nhiên tôi xin thêm: Dựa vào " những tài liệu chính xác" nào để viết, hỡi người bắt con bỏ chợ !


               

              Trong bài ôn sử này, bằng ngôn ngữ của bu tôi, tôi sẽ "lăng ba vi bộ" giữa nguyên tác Pháp ngữ với bản việt dịch chính thức của Nguyễn Đăng Trúc trên Định Hướng Tùng Thư / Trung tâm Nguyễn Trường Tộ, và sẽ ôn theo từng đoạn tôi chủ quan cho là quan trọng trong bài, liên quan trực tiếp tới lịch sử hình thành (tôi nói: hình thành) Chữ nước ta. Lỡ bắt gặp đôi điều "khác lạ" giữa nguyên tác và bản dịch, tôi sẽ tiếp tục lên tiếng như đã lên tiếng chút chút trong phần 3.1 mà, tôi nghĩ, không nhất thiết phải xin phép hay thông báo trước, tạm gọi là "tuỳ nghi góp ý", đồng thời tuỳ thích xàng xê vào những sự kiện lịch sử cận và hiện đại "thường được xem là hiển nhiên mà thực sự lại sai...". (1)

              Nửa sự thật khác cho TS Roland Jacques trong "Bồ Đào Nha và công trình la mã hoá tiếng việt: Có nên viết lại lịch sử không ?" (A)

              Đoạn 3.1 (mở đầu) trong bài của R Jacques / Nguyễn Đăng Trúc:

              ["Đến khi chữ quốc ngữ đã bắt đầu được sử dụng chính thức tại Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, người ta cố truy tìm lịch sử của nó, bấy giờ tên tuổi Alexandre de Rhodes đã sớm được công nhận như là người khai sinh ra việc chuyển vần latinh vào tiếng Việt Nam"].

              Tôi ôn:

              1. Roland Jacques soạn luận án DEA (tiền tiến sĩ) bằng tiếng Pháp trong năm 1995 tại Inalco-Paris, lúc ông đã 52 tuổi (1943-1995) và, tiếc thay, ông đã không biết trong Nam Phong số 122, tháng 10 năm 1927, cụ Phạm Quỳnh đã khẳng định việc hình thành Chữ quốc ngữ abc là công sức của nhiều thành phần giáo sĩ da trắng, qua nhiều thời kỳ. Cụ Phạm Quỳnh viết:

              "Nguyên về đầu thế kỷ 17, các cố đạo tây (người Bồ-đào, người Ý-đại-lợi, người Pháp-lan-tây), sang giảng đạo bên ta. Học chữ nho thì khó, vả cũng không được phổ thông trong dân gian ; còn dùng chữ nôm thì không có phép tắc nhất định, bất tiện lắm. […] Thử làm trước nhất có lẽ là người Bồ-đào. Lúc mới đầu chắc cũng chưa nghĩ ra một lối viết nào nhất định; mỗi người dịch ra một cách, tuỳ cái âm vận riêng của tiếng quốc âm mình. Sau dần dần mới hợp nhất lại mà thành một lối chữ thông dụng ở trong "Nhà chung" hồi bấy giờ. Một ông cố người Bồ-đào tên là Gaspar de Amaral thảo một quyển tự vựng An nam-Bồ đào; ông cố nữa, cũng người Bồ-đào, tên là Antoine Barbosa, thì thảo một quyển tự vựng Bồ đào-An nam. Một ông cố về "Dòng Tên" (Jésuites), người nước Pháp, tên là Alexandre de Rhodes đến Trung kỳ năm 1624 và đến Bắc kỳ năm 1626, bèn nhân hai bản đó soạn một cuốn Tự điển An nam-La tinh-Bồ đào, đem in và xuất bản ở La mã vào khoảng năm 1651. Hai bản thảo của hai cố De Amaral và Barbosa thì không hề xuất bản, nên không còn lưu truyền. Ngày nay còn biết đến là chỉ nhờ quyển Tự điển của cố Alexandre de Rhodes, trong tựa có nói qua rằng chính nhờ hai bản đó mà soạn ra bộ tự điển này. (xem tiếp trong phóng ảnh ở dưới).





              2. Đoạn 3.2 (mở đầu), R. Jacques viết ["Rồi từ đó ông ( A. de Rhodes) được nâng lên tận mây xanh như một ngôi sao đứng một mình, soi sáng cho đêm tối của quá khứ xa xưa, của những thời kỳ truyền giáo tiên khởi, trước khi các vị truyền giáo Paris đến, trong đó Taberd và các đấng kế vị là những đại diện có tên tuổi. Chính quyền thực dân và Giáo hội đều đã ca ngợi thiên tài truyền giáo và ngữ học có một không hai của vị tu sĩ dòng Tên, tán dương những lợi ích đem lại cho Việt Nam trong thời đại mới. Một tác giả từng viết : “Cha Alexandre de Rhodes đưa Kitô giáo và nước Pháp vào Việt Nam”. Nhưng có những sự việc thường được xem là hiển nhiên mà thực sự lại sai..."].
               
              Tôi ôn:

              Thưa ông Roland Jacques,

              Khi chưa thấy, chưa sờ được "hình chứng" từ ông hay bất cứ từ ai, chứng minh cụ thể rằng "từ đó ông ( A. de Rhodes) được nâng lên tận mây xanh như một ngôi sao đứng một mình, soi sáng cho đêm tối của quá khứ xa xưa" thì những lời của ông, xin lỗi, thật là nói lấy được. Còn nếu ông chỉ viện vào mấy chữ "một tác giả (Georges Taboulet) từng viết: "Cha Alexandre de Rhodes đưa Kitô giáo và nước Pháp vào Việt Nam" để ông khẳng định "có những sự việc thường được xem là hiển nhiên mà thực sự lại sai…." thì một lần nữa, xin lỗi, dường như bấy giờ (1995) ông chưa tiêu hoá tài liệu, mà chỉ biết nhồi nhét vào luận án bất cứ tài liệu phi-việt nào ông gom lượm được. Câu trên kia của G. Taboulet vốn là tiểu tựa "Le Père A. de Rhodes introduit le christianisme et la France au Vietnam" trong tập 1 cuốn "La Geste Française en Indochine. Histoire par les textes de la France en Indochine des origines à 1914" / Cách cư xử của Pháp tại Đông Dương. Lịch sử bằng văn bản của Pháp quốc tại Đông Dương từ khởi thủy đến năm 1914. Cái tựa hay câu nói điên khùng của G. Taboulet như thế mà ông không suy xét, đem đại vào bài luận án DEA của ông thì thật là lạ.

              Ông G. Taboulet là người Pháp như ông, lại từng giữ chức giám đốc Bình dân học vụ tại Đàng Trong và Đông Dương (l'auteur, ancien directeur de I'Instruction Publique en Cochinchine et en Indochine), ông ta viết như thế là quyền hứng bậy thuần chính trị nhất thời của ông ta, dù thế nào, cũng chỉ là lộng ngôn của một cá nhân G. Taboulet "thực dân bảo hộ". Tôi nói thế, vì khi nhắc tới bản tường trình của Daniello Bartoli gây bất lợi cho các giáo sĩ Dòng Tên Bồ Đào Nha, chính ông (RJ) cũng đã có sự phân tách khá rạch ròi giữa cá nhân và quốc gia, ông tóm lược lời Bề trên tổng quyền: ["Các cha có quyền tố giác các lỗi lầm của người nầy hay người nọ, nhưng làm mất uy tín một quốc gia một cách chung như thế thì không thể chấp nhận được."] (RJ/NĐT: bđd, chương 3, 2 dòng cuối đoạn 2), ý rằng không nên "vơ đũa cả nắm". Chắc ông biết người Việt chúng tôi có câu "Con sâu làm rầu nồi canh".

              Sau này có người Việt viết: "Đắc Lộ là ông tổ chữ quốc ngữ, Đắc Lộ là thủy tổ chữ quốc ngữ, Đắc Lộ sáng tạo ra chữ quốc ngữ", nhưng may thay, đã có người Việt khác (Lm Nguyễn Khắc Xuyên) gọi lối nói càn này là bốc khí "quá đáng".

              Tiện đây xin ghi lại luôn thể lời ông trong đoạn cuối chương 6 (chương cuối):

              ["Làm sao quên được công trình vĩ đại mà các vị tiên phong của công cuộc truyền giáo tại Việt Nam đã thực hiện? Những điều mà các vị truyền giáo dòng Tên đến từ Bồ Đào Nha, do Bồ Đào Nha gửi đi, đã thực hiện trong phạm vị ngữ học kỳ cùng là những công trình có tính cách quyết định cho tương lai văn hóa Việt Nam đến độ ngày nay tương lai đó không thể quan niệm (2) được nếu không có chữ viết theo mẫu tự latinh / Comment ne pas admirer l’œuvre gigantesque accomplie par les pionniers de la mission au Viêt-nam? Les réalisations linguistiques des missionnaires jésuites venus du Portugal, ou envoyés par lui, ont été finalement si déterminantes pour l’avenir de la culture du Viêt-nam qu’il ne peut aujourd’hui se concevoir (2) sans son écriture alphabétique."]

              Và tôi mượn lời tác giả Phan Huy Lê để ôn lời ông:

              "Nhưng từ đó có người tuyệt đối hoá vai trò của chữ Quốc ngữ, thậm chí cho rằng nhờ có chữ quốc ngữ mới có văn hoá Việt Nam…thì thật là không đúng. Vai trò chữ Quốc ngữ dù lớn lao đến đâu cũng chỉ giới hạn trong chức năng của chữ viết. Không thể nói nó quyết định sự tồn tại của văn hoá Việt Nam." (Phan Huy Lê: Về những cống hiến văn hoá của A. de Rhodes (1593-1660), sách Tìm về cội nguồn tập 2, nxb Thế Giới, Hà Nội 1999, trang 637).

              Thưa ông,

              "Được nâng lên tận mây xanh như một ngôi sao đứng một mình, soi sáng cho đêm tối của quá khứ xa xưa", câu này của ông làm tôi liên tưởng tới một thực tại tại nước tôi mà không một người Việt nào không biết "ngôi sao đứng một mình" đó là ai, có thể ông chưa biết hoặc biết rõ mà vì lý do nào đó chưa dám nói ra. Và câu rất hay "có những sự việc thường được xem là hiển nhiên mà thực sự lại sai..", cũng của ông, đem áp dụng vào trường hợp làm luận án của chính ông đã không quá rộng, mà áp dụng vào "ngôi sao" đó và nhiều sự kiện lịch sử khác lại càng khít rịt ! (1)

              Đoạn 5 (mở đầu) R. Jacques viết:

              ["Về việc cho rằng Rhodes là người khai sinh ra các công trình tính có cách quyết định về tiếng quốc ngữ, các nhà nghiên cứu khoa học (sic!) đã từng thấy hơi vướng vấp trước một mâu thuẫn: Rhodes, sinh ở Avignon, được xem là nói tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ; thế nhưng hệ thống chuyển tiếng việt bằng chữ latinh lại không mang dấu vết tiếng nói của Boileau... Tuy vậy đã không có ai cố tìm hiểu để bác khước vị thế khai sáng của Alexandre de Rhodes từng được xem là cha đẻ của chữ viết nầy; người ta lại cố tìm cách tránh né khó khăn trên bằng cách đưa ra giả thiết về gốc gác có tính cách đa quốc của vị tu sĩ người Avignon ấy, đồng thời thổi phòng khả năng ngữ học vô song về nhiều thứ tiếng khác nhau của ông. Một số thấy được vấn đề và lưu ý đến những thực tế lịch sử nên đã nói đến một công trình tập thể do các nhà truyền giáo “Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý và Pháp”, mà dấu vết của họ còn lưu lại; nhưng vai trò nổi bật nhất luôn được dành cho Rhodes."]

              Tôi ôn:

              Trong đoạn 5 này, có một điều mâu thuẫn khi đặt nó cạnh chương 2 đoạn 2:

              Ở chương 2 đoạn 2, ông viết ["Những bản dịch các bản văn Kitô giáo đầu tiên ra tiếng Việt có từ năm 1618, và phần thiết yếu do công của Francisco de Pina, linh mục dòng Tên sinh ở Bồ Đào Nha; ông đã tốt nghiệp ở trường Macao (?), bấy giờ nhà văn phạm nổi tiếng về tiếng Nhật Jaão Rodrigues “Tçuzzu” cũng hiện diện tại đấy từ năm 1610. Trong công việc của mình, linh mục Pina nhờ đến sự giúp đỡ rất hữu hiệu của một văn nhân Việt Nam trẻ tuổi có tên rửa tội là Phêrô; kiến thức uyên bác về chữ Hán của người trẻ tuổi nầy hẳn rất là hữu ích trong công việc của Pina."]
              Thưa ông,

              Giáo sĩ Francesco de Pina qua nước tôi năm 1617, khởi đầu chưa biết một câu tiếng Việt nào, vậy mà ông (RJ) lại dám khẳng định dù chỉ bằng lời: "Những bản dịch các bản văn Kitô giáo đầu tiên ra tiếng Việt có từ năm 1618, và phần thiết yếu do công của Francisco de Pina"! Tôi xin lặp lại: Hoặc là tiếng nước tôi quá xá dễ, hoặc là Francesco de Pina quá xá "siêu", hoặc là người ta quá xá điêu về ngài! Còn A. de Rhodes qua Lisbone năm 1619, mãi đến năm 1623 ông ta mới rời Lisbonne đi Goa (Ấn độ), rồi sang nước tôi năm 1624. Từ năm 1619 đến năm 1623 đổ đồng là 4 năm, vậy chẳng lẽ suốt thời gian này ở Lisbonne A. de Rhodes không học được tiếng Bồ Đào Nha sao?

              Ngôn ngữ của Boileau (tiếng Pháp) vốn không có ký hiệu định vận, nhấn thanh như trong ngôn ngữ của Gaspar d'Amaral và António de Barbosa (tiếng Bồ Đào Nha), thành thử việc "các nhà nghiên cứu khoa học" (sic!) và quan trọng là ông, không tìm ra "dấu vết tiếng nói của Boileau" trong chữ quốc ngữ abc của chúng tôi, đâu có gì lạ: Mấy nguyên âm trong tiếng Pháp như à, é, ù…chỉ là quy ước văn phạm, dùng để phân biệt trong khi viết, ví dụ:  a với à , et với éée, i với î, o với ô, u với ù û…, nghĩa là mấy nguyên âm này hoàn toàn giống nhau khi nói, điều này chắc chắn ông phải rõ hơn tôi, vì Pháp ngữ là tiếng mẹ đẻ của ông.

              Ông cho rằng người ta "thổi phồng khả năng ngữ học vô song về nhiều thứ tiếng khác nhau của (A. de Rhodes) ? Vậy ông nghĩ sao khi Định Hướng Tùng Thư hồn nhiên, trân trọng giới thiệu Roland Jacques "nói thông thạo trên 10 thứ tiếng"? Riêng tiếng nước tôi, tôi dám quả quyết: Kiếp này ông không sao nói tiếng Việt với "âm sắc" bản xứ được. Mười năm nữa (2019), dẫu ông có núp sau ba bức tường nói vọng qua, tôi vẫn biết đó là một người ngoại quốc lơ lớ lưu loát tiếng nước tôi ! Tại sao ? Tại vì cái giọng nói đó thiếu mùi nước mắm từ thuở lọt lòng mẹ, cái lưỡi của người đó đã bị đóng phèn nước sông Rhin hay sông Seine hoặc sông nào đó trên quê hương anh / chị ta !  Tôi sẽ trở lại vấn đề này khi nhắc tới chữ "béotien / đánh giá là quê kệch" giọng nói của dân Đàng Trong, trong chương 2, đoạn 9 bài của ông.

              Còn khi ông bảo: ["Một số thấy được vấn đề và lưu ý đến những thực tế lịch sử nên đã nói đến một công trình tập thể do các nhà truyền giáo “Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý và Pháp”, mà dấu vết của họ còn lưu lại; nhưng vai trò nổi bật nhất luôn được dành cho Rhodes."], thì mời ông đọc đoạn tôi ghi lại lời bạn tôi nói về món Bún Bò Huế, phần 3.1.

              Sau khi chia tay với ông cụ "Bún Bò Huế", trên đường về, bỗng dưng tôi lan man nhớ tới Isaac Newton (Anh, 1642-1726), cha đẻ luật vũ trụ dẫn lực (gravitation universelle), nay ta gọi là luật Newton. Mấy trăm năm nay, khi nhắc tới luật Newton, có ai rảnh rang để "bàn lại" rằng trước Newton, ý tưởng về "trái táo tây" đó đã từng được lờ mờ suy nghĩ hay nháp tới bởi nào Copernic (Ba Lan), Kepler (Đức), Borelli (Ý), Bouilliaud (Pháp); nào Wren, Halley và Hocke (Anh). Đặc biệt, khi áp dụng luật Newton, đâu ai bắt buộc ai phải "chia danh" cho ông tây Picard, người đã vô tình giúp cho Newton vỏn vẹn một hàng số: 3.269.000 toise (thước xưa, 1 toise = 1, 949 mét), tức là đường bán kính của trái đất, để Newton chứng thực được phát minh lớn lao nhất của nhân loại, năm 1682! Và "vai trò nổi bật nhất luôn được dành cho" Newton, trong nguyên lý về luật vũ trụ dẫn lực!

              Dự phòng trường hợp ông vẫn chưa đồng ý với các dẫn chứng trên, tôi xin lấy ngay trường hợp của chính ông làm bằng:

              Bài luận án sử học ông soạn, 90% là do công gom góp tài liệu của cơ man người đi trước, qua 120 cước chú, vậy mà duy "đầu bếp" Roland Jacques chịu hy sinh ký tên, đứng mũi chịu sào "nổi bật" một mình. Trường hợp này so với trường hợp A. de Rhodes, ông nghĩ sao? Đối với A. de Rhodes, ông hạ bút: " Đến mức độ nào ông ta là tác giả thật sự của các tác phẩm nầy (Từ điển và Phép giảng)?" Vậy thì "đến mức độ nào Roland Jacques là tác giả thật sự" của bài tôi đang ôn đây, kể cả cuốn sách đã xuất bản tại Việt Nam năm 2007 ?

              Và một mình "đầu bếp" Roland Jacques đã thành công trong việc làm chộn rộn cả một tầng lớp trí thức người Việt, lề trái và lề phải, ở trong cũng như ở ngoài Việt Nam, tất nhiên ngoại trừ Viện Ngôn Ngữ Học và Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam.

              Tôi nghĩ rằng một thiên tài (khoa học), «dù là "trên trời rớt xuống" như Newton (hay A. de Rhodes), nếu không sinh đúng cái thời thuận tiện, có người trước mở đường, được người đồng thời có một trình độ đủ hiểu mình, lại có đủ phương tiện để làm việc, thí nghiệm thì không thể nào phát minh được một thuyết mới.» (lược theo Nguyễn Hiến Lê: Gương Hy Sinh, chương Isaac Newton, SG 1962).

              Tôi ký tên dưới bài học sử này chỉ là để chịu trách nhiệm tinh thần khi cho đăng trên Net, 90% cũng do công gom góp tài liệu của người xưa, nhưng không đời nào tôi dám đặt bài học sử cạnh bài sử học "khách quan với những tài liệu chính xác" của ông (Định Hướng đã kiểm chứng chưa?), vì tuy là người Pháp (3) nhưng ông có bằng đại học DEA tiếng nước tôi, lại tự đặt tên Hán-Việt là Dương Hữu Nhân; còn tôi - người Việt, song đối với tiếng mẹ đẻ tôi mới bước đại qua ngưỡng cửa LBA! Tuy nhiên, ông là linh mục, hẳn ông vui vẻ chia sẻ quan điểm của tôi: 10 bằng cấp cao "tận mây xanh" đâu bảo đảm được sự liêm chính, lòng can đảm dám trực diện với sự thật (chứ không phải nửa sự thật, vì nửa sự thật là lừa bịp), dám thẳng thắn nói to lên mọi sự lếu láo phỉnh phờ. Vì ông là linh mục (nghĩa là chiến sĩ sẵn sàng tử vì đạo của Chúa) cho nên tôi – phàm phu tục tử, tin chắc rằng, trên hành trình "luôn cố tìm sự thật" (Định Hướng), ông không hề giấu cái tâm manh mún, đèn cù "tam quốc" tranh danh hão, giành lợi ảo…cho cổ nhân, tự nhúng mình vào mê hồn trận thị phi vớ vẩn hay tự tạo ra hoả mù để vu vơ nhin danh "358 năm khoa-học-lịch-sử" không hình-chứng-xác-minh.

              Hàn Lệ Nhân
              (Còn tiếp)

              Kỳ tới: Nửa sự thật khác cho TS Roland Jacques trong "Bồ Đào Nha và công trình la mã hoá tiếng việt: Có nên viết lại lịch sử không ?" (B)


              (1) Một phần cực nhỏ trong những sự kiện lịch sử cận và hiện đại "thường được xem là hiển nhiên mà thực sự lại sai...":
               
              - Dương Trung Quốc: Nhân sự phá sản của Đề án 112, Lao Động Cuối tuần số 37 Ngày 23/09/2007

              - Trần Trọng Tân: Về cây đuốc sống Lê Văn Tám, SGGP.org,16/10/2008
               
              - Phan Huy Lê: Về câu chuyện Lê Văn Tám, Diễn Đàn.org, 21/10/2009

              (2) Động từ "concevoir / se concevoir" gồm nhiều nghĩa: Nghĩa chính là thụ thai, có mang…; nghĩa phụ là lĩnh hội, nhận thức…Trong mạch văn này được người ta dịch thành "quan niệm / conception" là gượng ép, là lách, là không đúng với ý ông.

              (3) Có nơi ghi Roland Jacques gốc người Luxembourg (Lục Xâm Bảo).


               
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 15.11.2009 18:23:38 bởi Hàn Lệ Nhân >
              #7
                Hàn Lệ Nhân 22.11.2009 19:00:53 (permalink)
                Chữ Việt tình tôi [7]
                Hàn Lệ Nhân
                 
                Phần 3.3

                 
                Nửa sự thật khác cho TS Roland Jacques trong "Bồ Đào Nha và công trình la mã hoá tiếng việt: Có nên viết lại lịch sử không ?" (B)
                 
                Trong phần 3.1 và 3.2  tôi có thử ghi ra ba trường hợp dịch giả đã dịch trệch ý trong nguyên tác Pháp ngữ bài của Roland Jacques. Nay tôi tiếp tục:
                 
                Roland Jacques viết:
                 
                ["De fait, les premiers contacts entre le monde portugais et le Viêt-nam sont anecdotiques. On citera, pour mémoire, un padrão érigé en 1524 dans l’île faisant face au port de Faðfô (Hội An), dont est témoin Fernão Mendes Pinto; un premier essai de prédication du christianisme en 1533, pour lequel on ne dispose que d’une unique source vietnamienne, indirecte et tardive; et enfin une première observation linguistique, bien décevante, faite par Gaspar da Cruz au cours d’une escale en 1555, et racontée dans son Traité de la Chine".] (chương 1 đoạn 3)
                 
                Nguyễn Đăng Trúc dịch:
                 
                ["Trong thực tế, những cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa người Bồ Đào Nha và Việt Nam được biết đến như những giai thoại. Người ta kể lại, qua trí nhớ, có một bia đá được dựng lên năm 1524 trên đảo đối diện với hải cảng Phe-phô, với người làm chứng là Fernão Mendes Pinto; có một cố gắng rao giảng về Kitô giáo đầu tiên vào năm 1533, mà người ta chỉ biết được qua một nguồn tài liệu duy nhất của Việt Nam, có tính cách gián tiếp và trễ; và cuối cùng có một nhận định về ngữ học, không tích cực cho lắm, do Gaspar da Cruz trong một lần cập bến vào năm 1555, được kể lại trong cuốn “Bản Tường Trình Về Trung Hoa” của ông."] 
                 
                Thưa ông R. Jacques,
                 
                Ông là người thông thạo tiếng Việt, nếu chịu nhín chút thời giờ rà soát kỹ lại trước khi cho phổ biến bản dịch tác phẩm của mình, tất ông phải thấy trong mạch văn trên kia, "Traité de la Chine" không thể tuỳ hứng "sửa" thành "Bản tường trình về Trung Hoa": Traité = Hiệp ước (song hay đa phương), còn "Bản tường trình" = Rapport. Hai chữ đâu có họ hàng với nhau!
                 
                Ghi thêm:
                 
                Về Gaspar da Cruz có nơi ghi: "Người Bồ Đào Nha chiếm Malacca rồi thì một giáo đoàn dòng Dominicains (Thánh Đa Minh) được thành lập ở đấy. Năm 1550, giáo khu này phái một giáo sĩ là Gaspar da Cruz, do hải cảng Hà Tiên vào nước Cao Miên giảng đạo. Gaspar da Cruz không thu được kết quả gì, và sau đó hai giáo sĩ Dominicains khác là Lope Cardoso và João Madeira theo đến, nhưng cũng không may mắn hơn." (Phan Khoang: Việt sử Xứ Đàng Trong, nxb Khai Trí, SG 1969, trang 574). Lời của soạn giả Phan Khoang tăng thêm phần chính xác cho chú thích số 22 của ông: "Xác quyết của một vài sử gia về các công cuộc truyền giáo liên quan đến một hoạt động truyền giáo của G. da Cruz tại Việt Nam (là) không có căn cứ. / L'affirmation de quelques historiens des missions sur une activité missionnaire de G. da Cruz au Viêt Nam est sans fondement."
                 
                1. Chương 2 đoạn 3 ông viết:
                 
                ["L’historien jésuite Bartoli, pour sa part, attribue à Buzomi la création d’une grammaire et d’un vocabulaire. Il s’appuie, entre autres, sur une lettre de 1622 que nous n’avons pu retrouver. Il n’est pas impossible qu’il y ait en l’occurrence une confusion avec Pina. D’une façon plus générale, les affirmations de Bartoli concernant les excellentes connaissances linguistiques de son compatriote Buzomi ne sont pas corroborées par les documents d’archives que nous avons pu consulter. Il faut noter par ailleurs que Bartoli, qui semble ignorer les créations linguistiques de Pina, reconnaît cependant ses compétences. En guise d’oraison funèbre après le récit de la mort du missionnaire portugais, survenue le 15 décembre 1625, il écrit: « Le Père Pina était Portugais de nation, âgé de quarante ans. Il était cher également aux païens, parce qu’il parlait leur langue comme s’il était Cochinchinois de naissance » / Nhà chép sử dòng Tên Bartoli cho rằng Buzomi sáng tác một hệ thống văn phạm và ngữ vựng. Một trong những chứng lý là một bức thư viết năm 1622 mà chúng tôi không thể tìm ra. Có thể có sự lẫn lộn với Pina chăng. Một cách chung, các xác quyết của Bartoli liên quan đến các kiến thức ngữ học tuyệt vời của người đồng hương của ông là Buzomi lại không ăn khớp với những tài liệu tồn trữ mà chúng ta có thể truy cứu. Ngoài ra cũng cần lưu ý rằng Bartoli xem ra không biết đến những công trình sáng tác ngữ học của Pina, lại nhìn nhận khả năng của vị nầy. Tiếp sau bản tường thuật về cái chết của nhà truyền giáo Bồ đào nha ngày 15 tháng 12 năm 1625, Bartoli đã viết như thế nầy thay cho bài điếu văn: "Linh mục Pina là người Bồ đào nha, thọ 40 tuổi. Ngài được người ngoại giáo mến chuộng , vì ngài nói tiếng của họ, như chính ngài là người bản xứ Đàng Trong vậy"].
                 
                Tôi ôn:
                 
                Thưa ông,
                 
                Ông biết rõ giáo sĩ Buzomi khi giảng đạo ở nước tôi phải qua trung gian thông ngôn [1], cũng như ông biết rõ lời giáo sĩ Bartoli hoàn toàn không có cơ sở khi ông ta cho rằng "Buzomi sáng tác một hệ thống văn phạm và ngữ vựng. Một trong những chứng lý là một bức thư viết năm 1622 mà chúng tôi (RJ) không thể tìm ra". Vậy mà ông vẫn an nhiên ghi vào luận án của ông; chưa hết, ông còn phỏng đoán, biện chứng "hệ thống văn phạm và ngữ vựng" tưởng tượng đó thành "công trình sáng tác" của Francesco de Pina, chỉ vì "ngài nói tiếng của họ, như chính ngài là người bản xứ Đàng Trong vậy."
                 
                Ông ơi, biết nói và biết viết là hai phạm trù đêm và ngày: Người mù chữ đâu phải là người nói không thông ngôn ngữ mà anh / chị ta chưa biết viết, biết đọc! Ngôn ngữ có trước văn tự mà. Thậm chí ở nước tôi ["đến tháng 2-2007 vẫn còn 253 cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở chưa biết chữ, 5.644 người mới tốt nghiệp tiểu học, 41.343 người tốt nghiệp THCS; về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở thì có 93.802 người chưa qua đào tạo..."] (Báo Hà Nội Mới, 13/12/2007, Hà Trang: Công chức sẽ làm thật, hưởng thật...)
                 
                Tinh thần khoa học về sử học của ông làm tôi chạnh nhớ tới đoạn này trong cuốn Lịch sử chữ quốc ngữ của Lm Đỗ Quang Chính, cũng có nhận định rất khoa học về Francesco de Pina:
                 
                [" Nhờ biết tiếng Việt, nên ngay từ năm 1620 các tu sĩ Dòng Tên tại Hội An đã soạn thảo một sách giáo lý bằng "chữ Đàng Trong" tức chữ Nôm. Cuốn sách này vì soạn bằng chữ Nôm, nên chắc phải có sự cộng tác của người Việt.
                 
                Nhưng chúng tôi tưởng cuốn này cũng được viết bằng chữ Việt mới nữa (chữ quốc ngữ ngày nay), mà người có công soạn là Lm Francesco de Pina vì lúc đó chỉ có ông là người Âu châu thạo tiếng Việt nhất. Chúng tôi đoán rằng, cuốn sách này không được in (in theo kiểu Việt Nam thời đó), mà chỉ chép tay. Có lẽ lúc ấy người Công giáo ở Hội An, Quảng Nam… chép tay bản chữ Nôm để dùng, còn các nhà truyền giáo lại chép sang mẫu tự abc. Nếu đúng thế thì đây là cuốn sách Việt Nam đầu tiên bằng mẫu tự la tinh. Tiếc rằng ngày nay không còn thấy cuốn giáo lý trên dầu là bản chữ Nôm hay chữ quốc ngữ.
                 
                Theo nhận xét của chúng tôi thì vào năm 1620 dù Lm Pina đã nói được tiếng Việt, nhưng khó lòng mà phân biệt được lối cách ngữ như chúng ta dùng ngày nay. Dựa vào những tài liệu viết tay năm 1624-1626, chúng tôi biết được hầu hết các chữ còn viết liền và chưa thấy đánh dấu vào những chữ đó. Chính dựa theo hai đặc điểm này mà chúng tôi cho là giai đoạn sơ khởi chữ quốc ngữ."] (ĐQC, sđd trang 22-24 – Xem phóng ảnh)

                 

                 

                Tình thần nghiên cứu sử học đặc trưng phương trình khoa học "chúng tôi (RJ) không thể tìm ra", "đoán, tưởng, có lẽ, chắc" của nhị vị, xin thú thật tôi chưa học được, "chắc" do chưa được học.

                2. Chương 2 đoạn 8, ông viết:

                ["Dans cette œuvre créatrice originale des Jésuites portugais au Viêt-nam, l’étape de la maturité est marqué par une consulta, un débat contradictoire organisé à Macao en 1645 pour discuter d’une question controversée de terminologie chrétienne en vietnamien. Les archives nous ont conservé le nom des experts qui ont dominé les débats: à côté d’Amaral, désigné comme peritissimus (premier expert), et de Barbosa, on trouve Baltazar Caldeira, natif de Macao, ainsi que Manuel Pacheco et Pêro Alberto, tous deux natifs du Portugal. En face, soutenant une position opposée, Alexandre de Rhodes se retrouva seul; son opinion fut rejetée. Malgré l’appui passionné apporté ultérieurement à sa position par un jeune Jésuite sicilien, Metello Saccano, la décision fut maintenue. / Trong công trình sáng tác độc đáo nầy của các linh mục dòng Tên Bồ Đào Nha ở Việt Nam, giai đoạn trưởng thành đánh dấu bằng một cuộc định chuẩn, một cuộc thảo luận mâu thuẫn được tổ chức tại Macao vào năm 1645 để bàn về một vấn đề gây tranh cãi liên quan đến hệ thống thuật ngữ Kitô giáo bằng tiếng Việt. Kho tài liệu lưu trữ còn giữ lại cho chúng ta tên tuổi các chuyên gia lão luyện chi phối các cuộc thảo luận: bên cạnh Amaral, được chỉ định như nhà chuyên môn tài ba nhất (peritissimus), và Barbosa, còn thấy Baltazar Caldeira, sinh ở Macao, cũng như Manuel Pacheco và Pêro Alberto; hai vị sau nầy đều sinh ở Bồ Đào Nha. Đối diện với họ, Alexandre de Rhodes chủ trương một lập trường trái ngược; và ý kiến của ông bị gạt bỏ. Mặc dầu sau đó một vị dòng Tên người Sicilia còn trẻ, tên Metello Saccano hăng say hỗ trợ cho lập trường của ông, nhưng rồi quyết định trên vẫn (được) giữ lại."]

                Tôi ôn:

                Biên bản bằng tiếng Bồ về cuộc Thảo luận mà ông gọi là Consulta năm 1645 tại Macao, cho ta biết nội dung vốn không có mục đích tranh luận về tiếng Việt theo vần La tinh mà, như ông nói, là cuộc tranh cãi về "định chuẩn" liên quan tới "thuật ngữ Kitô giáo" hay Công Thức Thánh Tẩy bằng tiếng Việt. Tài liệu này gồm 8 trang viết, có tên "Bản viết chứng minh công thức Rửa tội phải đọc trong tiếng An Nam chính thực / Manoscritto, em que se proua, que a forma do Bauptismo pronunciada em lingoa Annamica he verdadeira".

                Cả một biên bản dài tám trang viết tay mà ông chỉ nêu ra mỗi hai chữ Nhân Danh để đánh giá tầm hiểu biết về tiếng nước tôi của A. de Rhodes thì, một lần nữa, việc nghiên cứu "sâu sắc và khách quan" của ông quả là khác thường.

                Ở đây tôi xin lược ôn lại Công Thức Thánh Tẩy 1645, trước dành cho chính bản thân, sau giới thiệu cho bạn đọc phi Kitô giáo:

                Trong đạo Thiên Chúa có một nhiệm tích quy y tục gọi Nhiệm tích thánh tẩy (Sacrement) hay Phép rửa tội do chính đức Giê-su lập ra. Bất kỳ ai muốn gia nhập Giáo hội đều phải nhận lãnh phép quy y đặc thù này. Người ngỏ ý muốn gia nhập Giáo hội, sau một thời gian học tập, sẽ chịu phép rửa tội, không giới hạn tuổi tác; trái lại các giáo hữu thì buộc phải chịu ngay một vài tuần sau khi ra đời (ba  đứa cháu gọi tôi bằng dượng đều đã chịu phép rửa tội này). Trong trường hợp khẩn cấp, nghi thức rất đơn giản: ai cũng có thể làm được nhưng bắt buộc phải theo đúng quy định bất khả tư nghì của Giáo hội. Nghi thức gồm có cử chỉ đổ nước lên đầu, cùng lúc đọc một công thức: "Tôi rửa…(ông, bà, anh, chị, em…) nhân danh Cha và Con và Thánh thần". Cha, Con và Thánh thần ở đây ngụ ý ba ngôi vị trong Thiên Chúa duy nhất: Ngôi thứ nhất là Cha, ngôi thứ hai là Con và ngôi thứ ba là Thánh thần.

                Bởi quy định khắt khe nêu trên cho nên lúc mới bắt đầu truyền đạo vào đất mới các giáo sĩ chưa dám dịch ra tiếng bản xứ vì sợ sai sót, mà thường giữ nguyên theo ngôn ngữ chính thức của Giáo hội, tức tiếng La tinh như sau:

                EGO TE BAPTIZO IN NOMINE PATRIS ET FILII ET SPIRITUS SANCTI.

                Pháp văn: Je te baptise au nom du Père et du Fils et du Saint-Esprit.

                Với chữ Việt ngày nay ta có thể phiên âm gần chính xác thành:

                Ê-gô tê bắp-ti-dô, in nô-mi-nê Pa-trít ê Phi-li-i ê Spi-ri-tu săng-ti

                Nhưng đối với lối chữ tượng hình, tượng ý như chữ Hán hay chữ Nôm đặc biệt ở nước Việt thì làm sao mà phiên âm ? Dẫu có thành công trong việc phiên âm cũng không tránh khỏi sự kỳ quái, bí hiểm của…thần chú man rợ: Từ chỗ không hiểu, không lãnh hội tới chỗ nghi kỵ khinh chê khoảng cách chỉ trong gang tấc.

                Lần hồi công thức thánh tẩy "đề huề" dưới đây mò mẫm ra đời:

                Ngã tẩy nhữ nhân Patêlê, cập Feilio, cập Spiritu Sancto danh giả.

                Nghĩa là  tên Chúa ba ngôi (Cha, Con và Thánh thần) vẫn được giữ nguyên theo tiếng La tinh.

                Bước kế tiếp công thức trên mới hoàn toàn được dịch thành:

                Ngã tẩy nhữ, nhân Phụ, cập Tử, cập Thánh thần chi danh

                Nhưng đó là tiếng Hán chứ đâu phải quốc ngữ của nước Việt!

                Sau cùng công thức thánh tẩy cũng được phiên dịch ra tiếng thuần Việt (trừ hai chữ Nhân danh, số 3):

                1)      Tao rửa mầy nhân danh Pa-tê-lê, và Fei-li-ô, và Spi-ri-tu Sanc-tô

                2)      Tao rửa mầy nhân danh Cha và Con và Spiritu Sancto

                3)      Tao rửa mầy nhân danh Cha và Con và Thánh thần

                Và giai đoạn 3 được chính thức chọn lựa và được áp dụng cho đến ngày nay, là kết quả kế tiếp của cuộc hội nghị định chuẩn thuật ngữ Thánh tẩy bằng tiếng Việt tại Macao năm 1645. Hội nghị này là do chính A. de Rhodes đề nghị lên bề trên là giáo sĩ Manuel de Azevedo, quyền giám sát giáo đoàn Dòng Tên tại Nhật Bản và Trung Hoa; hội nghị gồm 35 giáo sĩ Dòng Tên da trắng, chia ra 3 nhóm:

                A-    31 vị đồng ý với thuật ngữ "tao rửa mầy nhân danh Cha và Con và Spiritu Sancto" (chưa có hai chữ Thánh thần); trong số này có Gaspar d'Amaral, António de Barbosa… và Giovanni Filippo de Marini, người Ý, bấy giờ vị này chưa biết một câu tiếng Việt nào, và sẽ qua thẳng Đàng Ngoài (xứ Bắc) từ năm 1647 cho đến cuối năm 1658 thì bị Chúa Trịnh Tạc (1606-1682) trục xuất;

                B-    2 vị giữ thế trung lập là Ascanius Ruidas và Carolus de Rocha;

                C-    2 vị không hoàn toàn đồng ý với thuật ngữ trên là A. de Rhodes (Pháp) và Metello Saccano (Ý).

                Lý do khiến nhóm C (A. de Rhodes) không hoàn toàn đồng ý nằm ở hai chữ Nhân Danh, dịch từ La ngữ: "In nomine" (tiếng Pháp: Au nom de…): Ba mầu nhiệm trọng đại trong tín điều Kitô giáo là Một-Chúa-Ba-Ngôi (la Sainte Trinité, Un seul Dieu en trois Personnes). Nhóm A. de Rhodes không chịu dùng hai chữ "Nhân danh" vì sợ bị hiểu lầm là nhiều tên, có hại cho tín lý Một Chúa, do đó họ đề nghị thêm chữ Nhít / Nhất vào, thành ra Nhin / Nhơn / Nhân Nhất Danh (Hán-Việt) hoặc Lấy Một Tên (thuần Nôm). Tựu trung sự khác biệt cũng chỉ nằm ở phụ  từ số nhiều số ít trong danh từ, bỏ thêm chữ Nhất thì rõ ràng hơn tuy thừa so với nguyên nghĩa của Nhân Danh. Nhưng chỉ khư khư cắm cọc nghiên cứu khoa học vào điểm tiểu dị này để phán xét trình độ của nhau thì thật là hí hữu, bộc lộ cái đạo tâm vĩ đại của lỗ kim khâu.

                Dưới đây là bảng kê 60 chữ Việt rải rác trong biên bản Công Thức Thánh Tẩy 1645 [2]:





                Và Công Thức Thánh Tẩy 1645 với hai chữ "Nhân Danh" lại được thêm mười bốn (14) giáo hữu người Việt ký thuận năm 1648, trong văn bản "Circa forman baptismi Annamica Idiomatic prolatam / Chung quanh Công thức Rửa tội bằng thổ ngữ An Nam":

                ["Nhân danh Cha và Con và Su-phi-ri-tu sang-to. Ý này An Nam bổn đạo thì tin rằng ra Ba Danh. Vì bằng muốn ý làm Một, thì phải nói: Nhân nhất danh Cha v.v."] (xem thêm trong phóng ảnh)





                Ở đây, theo tôi điều đáng chú ý là sự tiến triển trong mớ chữ Việt abc rải rác trong biên bản cuộc hội nghị 1645:

                01. Lối viết cách thể đã xuất hiện (Linh Hồn, Vô danh);

                02. Hai chấm "tréma" trên i (ï), trên u (ü), trên y (ÿ);

                03. Dấu Ngã (Tilde, ~);

                04. Phụ âm ghép Nh trước và sao nguyên âm;

                05. Phụ âm Ngh trước, Ng sau, Ch trước;

                06. D và Đ;

                07. PH thay vì F (không có F);

                08. Vẫn còn BL (thay vì TR);

                09. I và Y chưa rõ ràng;

                10. Các nguyên âm ă, â, ê, ô, ơ, ư…đã xuất hiện với đầy đủ các dấu thanh gốc Hy lạp (đơn hay chồng) [3];

                11. Phiên âm thiên về tiếng Bồ Đào Nha.

                Việc phiên âm tiếng nước ta chủ yếu thiên về vần Bồ là lẽ đương nhiên, vì chúng ta đừng quên Bồ Đào Nha có vai trò cực kỳ quan trọng trong thương mại, chính trị, truyền giáo trên thế giới trong thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVII. Do đó tiếng Bồ là sinh ngữ "quốc tế" trong mọi giao dịch thương mại, chính trị (như tiếng Anh ngày nay); các giáo sĩ Kitô dẫu là Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức…đều phải rành tiếng Bồ, muốn đi rao giảng Phúc Âm miệt Đông Ấn đều phải qua ngã Lisbonne, nhất định phải được sự chuẩn y của vua Bồ. Và các quy định siêu lý này là mầm mống khai sinh Thánh bộ truyền giáo Rôma / Congregatio de Propagande fidei năm 1622, nhằm vô hiệu hoá dần dần hiệp ước Tordesillas 1494 (Giáo Hội Rôma chia đôi thiên hạ cho hai quốc gia Công Giáo là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha), và Hội Truyền Giáo Ngoại Quốc Paris / Missions Etrangères de Paris năm 1653.

                3. Chương 2 đoạn 9, ông viết:

                ["La question, en effet, ne fut pas terminée par l’assemblée de 1645. Portée à Rome à l’initiative d’Alexandre de Rhodes, elle y fut examinée dans les années 1650 devant Propaganda Fide puis devant le Saint-Office. Il existe une lettre fort curieuse du Jésuite italien Giovanni Filippo Marini à ses supérieurs romains au sujet de cette affaire, datée de 1655. Non sans une pointe de polémique, l’auteur y met fortement en doute la compétence de Rhodes en matière de linguistique vietnamienne. On notera qu’il tend à le disqualifier du fait qu’il pratique plutôt le parler de Cochinchine, « béotien » par rapport à la langue standard de la capitale; c’est aussi ce parler sudiste que l’orthographe du Dictionnaire semble représenter dans certains cas. Mais le fond de la question n’est pas là: elle portait sur le sens exact de la locution sino-vietnamienne (sans connotation dialectale) « Nhin danh [Cha...] »: « Au nom de [du Père...] ». Celle-ci pouvait être théologiquement ambiguë faute d’un marqueur du nombre grammatical singulier. Rhodes en exigeait l’adjonction, de peur que l’on imagine trois noms, et donc trois forces surnaturelles distinctes; dans ce cas, on aurait été hors du dogme chrétien, et il aurait fallu envisager de rebaptiser tous les Chrétiens. / Thực ra, vấn đề không chấm dứt ở cuộc hội năm 1645. Theo đề nghị của Alexandre de Rhodes, vấn đề được đưa về Roma và được nghiên cứu lại trong những năm của thập niên 1650 trước bộ Truyền bá Đức tin, và sau đó trước bộ Thánh vụ. Có một bức thư khá kỳ lạ của tu sĩ dòng Tên người Ý Giovani Filippo Marini gửi cho các bề trên của mình tại Rôma về việc nầy, thư viết vào năm 1655. Với giọng văn có vẽ tranh cãi, trong thư tác giả nêu lên khả năng đáng nghi ngờ của Rhodes về ngữ học Việt Nam. Tu sĩ nầy cố đánh giá thấp Rhodes vì Rhodes nói theo tiếng Đàng Trong, “đánh giá là quê kệch” so với tiếng chuẩn ở kinh đô; cũng với tiếng nói phía nam ấy mà chính tả của cuốn Từ điển dường như thấy xuất hiện trong một vài trường hợp. Nhưng cốt lõi vấn đề không phải ở đó: nó liên quan đến nghĩa chính xác của lối nói hán-việt (không liên quan đến âm giọng địa phương) “nhin danh [Cha]”. Lối nói nầy về mặt thần học mơ hồ vì thiếu một chữ nhằm nói đến số ít về mặt văn phạm. Rhodes đòi phải thêm vào một phụ-từ, sợ rằng người ta nghĩ có ba “danh”, và như thế là ba quyền lực siêu nhiên khác biệt; trong trường hợp đó, phải chăng đã đi ra ngoài tín lý kitô giáo, và phải chăng phải nghĩ đến chuyện rửa tội lại các kitô hữu."]

                Thưa ông,

                Tôi không có nguyên tác bản tường trình GF Marini viết năm 1655, tức gần 10 năm sau cuộc thảo luận về thuật ngữ Kitô giáo ở Macao (1645), nghi ngờ khả năng tiếng Việt của A. de Rhodes, nhưng tôi xin nhắc lại rằng: 1. Năm 1645, Marini chưa qua Việt Nam, do đó chưa biết một câu tiếng Việt nào; 2. Mười năm sau, từ Đàng Ngoài ông ta mới "phê bình" khả năng tiếng Việt của A. de Rhodes vào thời kỳ 1645, ông không thấy kỳ khôi sao? Vả lại, A. de Rhodes đã cho xuất bản 3 tác phẩm lừng danh về tiếng Việt từ năm 1651. Buồn cười hơn nữa là ông Marini (hay chính ông, RJ) «cố đánh giá thấp Rhodes vì Rhodes nói theo tiếng Đàng Trong, "đánh giá là quê kệch" so với tiếng chuẩn ở kinh đô; cũng với tiếng nói phiá nam ấy mà chính tả của cuốn Từ điển dường như thấy xuất hiện trong vài trường hợp.»

                Nghe nói ông là người nghiên cứu rốt ráo về tiếng nước tôi, hẳn ông phải biết "tiếng chuẩn kinh đô" (Bắc kỳ nói chung) vốn có cái ngọng dễ thương của kinh đô, tiếng Đàng Trong "quê kệch" có cái đớt và cái duyên "quê kệch" của Đàng Trong: Ở nước tôi xưa nay chỉ có duy nhất một tiếng nói chính thức: Tiếng Việt, nhưng mỗi miền, mỗi vùng đều có cái tiểu dị đáng yêu nêu trên, không cách chi "chuẩn hoá" cách phát âm được. Trong Inalco-Paris người ta chỉ dạy tiếng Việt theo giọng chuẩn "kinh đô", do đó bấy giờ (1995) ông đâu biết người kinh đô cũng có lắm điều lạ lẫm trong nói và viết:

                1. Người kinh đô xưa nay do thổ nhưỡng, do thói quen, khó lòng phát âm đúng, ví dụ chữ Rượu (họ nói/đọc thành diệu), chữ Hữu (thành hĩu)…v.v.

                2. Người kinh đô xưa nay vẫn lẫn Tr với Ch, R với DGi,  S với X (đó là chưa kể N lẫn với L, ví dụ: nụt thì nút cả nàng, lông dân hay nam hay nàm) v.v…

                Tôi kể lại ông nghe câu chuyện có thật, cách nay đã trên nửa thế kỷ:

                [«Trong một buổi hội họp hoạch định phương pháp chánh tả để soạn thảo bộ "Từ điển Bách khoa Việt Nam", ông bạn quá cố của chúng tôi, ông Đào Văn Tập (soạn giả Từ điển), đã nói rất hữu lý, đại ý như vầy: "các bạn miền Nam, đối với hai giọng Hỏi, Ngã, dẫu có viết thế nào cũng không phát âm đúng để phân biệt. Chúng tôi, đồng bào miền Bắc, quen phát âm một tiếng "giọng ngã" và viết với "dấu ngã", bây giờ biểu phải viết sửa lại với "dấu hỏi" là biểu chúng tôi nói đớt, nó chói tai khó chịu làm sao! Cũng như các bạn miền Nam sẽ khó chịu mà nói đớt "Ông Chời" hay "xạch xẽ" thay vì "Ông Trời", "sạch sẽ"». Như mấy tiếng Bão (饱) là "no", Tiễn (箭) là "mũi tên", Trữ (貯) là "chứa"…theo phiên thiết của tự điển Trung Hoa và theo luật ngôn ngữ chuyển biến, đúng lý phải viết với "dấu hỏi" (bảo, tiển, trử), nhưng chúng tôi đã quen phát âm bằng "giọng ngã" thì khó mà nói đớt ra "giọng hỏi", để viết với "dấu hỏi."] (Lê Ngọc Trụ: Tựa, Việt ngữ chánh tả tự vị, Nxb Thanh Tân SG 1959).

                Và một chuyện phịa thời hiện đại:

                "Mỗi vùng miền đất nước VN đều có cái "ngọng" dễ thương khác nhau, do đó một thời ai đó có ý tưởng lấy giọng Hà Lội làm phát âm chuẩn cho cả nước nhưng đã thất bại trong buồn cười. Và đây là một trong vô số đặc cách:

                Hai chú Bắc kỳ được chuyển công tác vào Nam. Một hôm gặp nhau trước chợ Bến Thành. Chú A tò mò hỏi chú B:

                -         Đồng chí ôm bọc gì đấy ?

                -         Đố biết. Thử đoán xem. Vần "Lờ".

                -         Mấy thước nụa ?

                -         Không phải.

                -         Mấy nít diệu.

                -         Cũng không phải.

                -         Mấy cái nọ thủy ting.

                -         Sai.

                -         Mấy thuốc Nạng sơn ở ngoài mìng vào chứ gì ?

                -         Vẫn sai.

                -         Mấy cái lồi nẩu.

                -         Cũng sai.

                -         Nạ nùng, nạ nùng ... Không phải nụa, không phải nít diệu, không phải nọ thủy ting, không phải thuốc ná Nạng sơn, cũng chẳng phải lồi nẩu... Khó quá, xin chịu thua nuôn.

                Chú B thấp giọng lên lớp:

                -         Đồng chí phải cẩn thận, vào đây phải giữ gìn, phải cố gắng khắc phục khi phát biểu, đừng dùng sai vần "Lờ" và vần "Nờ". Người ta cười cho bỏ xừ.

                -         Xin ghi nhận. Nhưng đồng chí ôm bọc gì thế kia, cho tôi biết được không ?

                -          Lào có gì đâu. Toàn niệu học tập Nê-lin-lít về vai chò nãnh đạo chong công tác nao động cho lăm lăm tới."

                Định Hướng Tùng Thư trân trọng nói về ông:

                ["Nhằm đáp ứng đầy đủ hơn nữa về phần chuyên môn, tác giả đã đến cư ngụ ở Việt Nam hơn hai năm để nghiên cứu tại chỗ. Suốt thời gian nầy, Dương Hữu Nhân (Roland Jacques) không những cố tiếp thu những kiến thức về ngôn ngữ, chữ hán, chữ nôm, các cách nói của từng miền, truy tìm các tài liệu lịch sử qua các viện bảo tàng, các thư viện, học viện. Nhưng tận dụng cơ hội quí báu cư ngụ ở Việt Nam, tác giả còn đến quan sát tại chỗ những vùng mà các nhà truyền giáo đầu tiên đã đặt chân đến."]

                Vậy tôi giới thiệu đến ông bản nhạc dưới đây, để ông thử tự "phiên âm" giọng "béotien" Đàng Trong ra giấy xem sao (tránh cầu cứu "thông ngôn nẩu" đấy nha), may ra giúp ông biết rõ hơn những bước đầu của chữ Việt theo vần la tinh, và hiểu đại khái do đâu cách nay hơn 3 thế kỷ, cũng "tiếng nói phiá Nam ấy mà chính tả của cuốn Từ điển dường như thấy xuất hiện trong vài trường hợp":





                Ếch chèo queo đáy giếng nên khăng khăng cho bầu trời vốn dĩ hình tròn đã là điều kỳ lạ, vỗ tay theo ếch càng lạ kỳ hơn!

                Hàn Lệ Nhân
                (Còn tiếp)

                Kỳ tới: Nửa sự thật khác cho TS Roland Jacques trong "Bồ Đào Nha và công trình la mã hoá tiếng việt: Có nên viết lại lịch sử không ?" (C)


                [1] "Khi tới Đàng Trong (1624), Đắc Lộ thấy hai Lm Francesco Buzomi và Emmanuel Fernandes còn phải dùng thông ngôn để giảng" (Đỗ Quang Chính, sđd trang 79);

                - "Vào năm 1624, Đắc Lộ tới miền Nam nước Việt. Đắc Lộ cũng nhận ra ngay điểm quan trọng này: cần phải nói thạo tiếng bản thổ, bởi vì ông thấy Fernandes và Buzomi phải giảng qua trung gian người thông dịch viên, trái lại De Pina trực tiếp nói thứ tiếng của người Việt. Do đó, kết quả hơn nhiều và cũng lợi ích hơn nhiều". (Nguyễn Khắc Xuyên: Bản thảo Vấn đề hình thành chữ quốc ngữ, ĐH Đà Lạt 1962-1964, trang 73).

                [2] Có thể kiểm chứng bảng kê này trong: 1) Thanh Lãng: Những chặng đường của chữ Việt quốc ngữ, báo Đại Học, năm thứ IV, số 1, tháng 2-1961 trang 21-24; 2) Võ Long Tê: Lịch sử văn học Công giáo VN, cuốn 1, SG 1965, trang 122-127; 3) Nguyễn Khắc Xuyên: Chung quanh vấn đề thành lập chữ quốc ngữ vào năm 1645, Văn hoá Nguyệt san, loại mới số 48, tháng 1-2 năm 1960, trang 5-14.

                [3] Đọc thêm: Hàn Lệ Nhân: Nguồn gốc các dấu trong Việt ngữ, Web Đặc Trưng.



                 
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 22.11.2009 19:13:34 bởi Hàn Lệ Nhân >
                #8
                  Hàn Lệ Nhân 03.12.2009 17:32:44 (permalink)
                  Chữ Việt tình tôi [8]
                  Hàn Lệ Nhân
                   
                  Phần 3.4

                   
                  Nửa sự thật khác cho TS Roland Jacques trong "Bồ Đào Nha và công trình la mã hoá tiếng việt: Có nên viết lại lịch skhông ?" (C)
                   
                  Một lần nữa tôi đã lẩn thẩn đếm trong nội dung bài luận án DEA về tiếng Việt abc bằng Pháp văn của Roland Jacques: Chính xác có 8 chữ (quốc ngữ, nôm, nhin / nhân danh, lành, làng, lòng). Vỏn vẹn 8 chữ được nhắc tới, thành thử tôi vẫn chưa hiểu nhà sử học dựa vào dữ kiện khoa học nào để khơi khơi đề nghị viết lại cả dòng lịch sử về lối ký âm phải trả bằng máu của con rồng cháu tiên!
                   
                  1. Chương 6, đoạn 1, R. Jacques viết:
                   
                  ["Contrairement à une idée reçue, le véhicule choisi par les Jésuites d’obédience portugaise pour la diffusion du christianisme auprès des Vietnamiens n’était pas l’écriture romanisée. Sur ce point aussi, chez les Européens, la parution du catéchisme et du dictionnaire a fait illusion. Les missionnaires sur place ont fait le choix du nôm, c’est-à-dire de l’ancienne écriture vietnamienne adaptée des caractères chinois. Le nôm avait l’avantage d’être relativement bien connu de l’élite vietnamienne – les lettrés –, et l’inconvénient d’être pratiquement inaccessible à la grande majorité des missionnaires. Mais l’enjeu qui a entraîné la décision était celui de ne pas couper la communauté chrétienne naissante de l’enracinement traditionnel du Viêt-nam dans la culture d’expression chinoise, ce qui aurait été diamétralement opposé aux principes et aux méthodes des Jésuites portugais. /  Trái ngược với một lối suy nghĩ theo thành kiến, phương tiện chuyển đạt dùng cho việc truyền bá Kitô giáo, được các tu sĩ dòng Tên dưới sự bảo trợ của Bồ Đào Nha sử dụng khi tiếp cận với người Việt Nam, không phải là chữ viết theo mẫu tự latinh. Về điểm nầy, người Âu châu cũng bị lầm do sự xuất hiện của cuốn giáo lý và cuốn từ điển. Những nhà truyền giáo tại chỗ đã chọn chữ nôm, nghĩa là một loại chữ Việt Nam cổ xưa dựa theo chữ Hán. Chữ nôm có điểm lợi là tương đối được giới ưu tú của xã hội Việt Nam biết đến - tức là các người có học - nhưng bất tiện là đa số các nhà truyền giáo lại không đọc nổi. Và sự cân nhắc trong quyết định của họ là làm sao tránh việc đẩy cộng đồng Kitô giáo vừa mới được khai sinh đi ra khỏi gốc rễ truyền thống của Việt Nam trong bối cảnh của một nền văn hóa có nét Trung Hoa nầy; hơn nữa nếu làm như thế, thì còn hoàn toàn đi ngược lại những nguyên tắc và phương pháp của các tu sĩ dòng Tên Bồ Đào Nha."]
                   
                  Tôi ôn:
                   
                  Tài liệu lịch sử Đông Tây đều ghi rành rành: Chế độ thực dân da trắng Đời cũng như Đạo khởi từ thế kỷ XV và chấm dứt vào tiền bán thế kỷ XX. Vào thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVII, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha là hai chúa trùm thực dân được chính Giáo Hội Công Giáo Rôma ủy nhiệm trọng trách "mở mang nước Chúa": Hai đại đế quốc này bấy giờ đều có cùng một chủ trương Tabula Rasa tức tiêu hũy hay xoá sạch mọi truyền thống, văn hoá, tín ngưỡng và dấu tích tín ngưỡng "tà giáo đa thần / paganism" ở những lãnh thổ xa xôi họ cưỡng chiếm được, thay vào đó là những giá trị duy nhất đúng, duy nhất đẹp, duy nhất hay…nghe nói, được Đức Chúa Trời khải thị cho riêng vương quốc tí hon Vatican.
                   
                  Trong phạm vi ôn bài luận án của linh mục Roland Jacques liên quan trực tiếp tới chữ nước ta, tôi cố gắng bổ túc nửa sự thật đã được bỏ quên, đặc biệt đoạn ông luận ["…sự cân nhắc trong quyết định của họ (các Lm Bồ Đào Nha) là làm sao tránh việc đẩy cộng đồng Kitô giáo vừa mới được khai sinh đi ra khỏi gốc rễ truyền thống của Việt Nam trong bối cảnh của một nền văn hóa có nét Trung Hoa nầy; hơn nữa nếu làm như thế, thì còn hoàn toàn đi ngược lại những nguyên tắc và phương pháp của các tu sĩ dòng Tên Bồ Đào Nha."]
                   
                  Thưa ông,


                  Là linh mục thâm niên, hẳn ông chẳng lạ gì sắc chỉ Romanus Pontifex (Giáo Hoàng Rôma) do Đức GH Nicholas V (1447-1455) ký ngày 08/01/1454. Sắc chỉ nêu rõ "…Theo quyền lực Chúa ban và quyền lực của Tòa thánh, Ðức Giáo hoàng ban cho triều đình Lisbonne (Bồ Ðào Nha) “toàn quyền tự do xâm lăng, chinh phục, chiến đấu, đánh giặc và khuất phục tất cả các quân Sarrasins (tức người Ả Rập), các dân ngoại đạo và các kẻ thù khác của Giáo hội, gặp bất cứ nơi nào: được toàn quyền chiếm cứ tất cả các vương quốc, lãnh địa, vương hầu, đất đô hộ và tài sản của chúng; toàn quyền chiếm đoạt tất cả của nổi và của chìm của chúng và bắt tất cả chúng nó làm nô lệ vĩnh viễn”.
                  “Khi ban quyền cho người Bồ Ðào Nha được chiếm mọi thứ lợi lộc kể trên, Giáo hoàng đồng thời cũng muốn mở mang nước Chúa sang các miền xa xôi. Và để nhà vua Bồ Ðào Nha yên tâm hơn, Giáo hoàng ra lệnh cấm không một ai khác được phép đặt chân tới các vùng đất ấy nếu không có phép của nhà vua, dành cho nhà vua độc quyền buôn bán và ra vạ tuyệt thông tức khắc cho bất kỳ ai dám hành động ngược lại.” (Linh mục Trần Tam Tỉnh: Thập giá và lưỡi gươm, Nxb SudEstAsie, Paris 1978, trang 14-15).


                  Còn nhìn sang miệt Đông Ấn ta thấy:


                  “Ngày 4 tháng 5 năm 1493, qua sắc chỉ “Inter caetera / giữa những điều khác", Giáo hoàng Alexander VI (1492-1503) giao quyền chinh phục các vùng đất kể trên mà các dân Phương Tây chưa từng biết, cho các triều đình nước Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha. Tây Ban Nha có quyền đi chiếm tất cả các đất đai gặp được ở một trăm dặm kể từ quần đảo Azores (Açores), còn Bồ Ðào Nha, tất cả các nước nằm ở mạn Ðông đường ranh đó (quần đảo Azores ở mạn giữa cắt đôi Ðại Tây Dương.” (Lm Trần Tam Tỉnh, Sđd, trang 14). Tiếp theo là Hiệp ước Tordesilas 1494 đã được nói qua trong phần 2.1. (1)

                  Là linh mục tất ông nhập tâm từ lâu nhân thân lý lịch "lẫy lừng" của Alexander VI (Đức Giáo Hoàng thứ 215) thuộc dòng họ Borgia, nên xin miễn ghi ra đây hầu tránh làm rối mắt, loạn tâm bạn đọc. Chỉ biết rằng sắc chỉ "Inter caetera" quái gỡ còn được mấy triều GH Rôma kế thừa tái xác nhận:

                  1. Jules II (1503-1513), GH thứ 217 ; 2. Léo X (1513-1521), GH thứ 218 ; 3. Paul III (1534-1549, GH thứ 221 ; 4. Paul IV (1555-1559), GH thứ 224 ; 5. Gregory XIII, GH thứ 227 và 6. Paul V (1605-1621), GH thứ 234.


                  Để rồi Thánh Bộ Truyền Giáo / Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin ra đời ngày 22 tháng 6 năm 1622 dưới triều Gregory XV (1621-1623), GH thứ 235, như tôi đã nhắc qua, hầu vô hiệu hoá ảnh hưởng tàn khốc vì nước Chúa dưới trần của GH Alexander VI. Qua triều GH thứ 236, Urban VIII (1623-1644), một bản phúc trình được công bố năm 1625, trong đó ghi rõ những tệ đoan đã xảy ra tại các xứ miệt Đông Ấn thuộc quyền kiểm soát của thực dân đạo-đời Bồ Đào Nha, xin tóm lược:


                  ["- Xâu xé tranh giành quyền lợi "đạo" đưa đến chia rẽ giữa nội bộ Dòng Tên (Ordre des Jésuites) và các Dòng khác (Dominicains, Augustins, Franciscains);
                  - Xâu xé tranh giành quyền lợi "đời" giữa hai thực dân: Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha;
                  - Các sứ thần của Toà Thánh Rôma bị "thực dân đời" làm khó dễ, có khi bị ngăn cản;
                  - Khi có tranh chấp thì giám mục không công minh phân xử mà thường nghiêng về "dòng" mình, về "đồng bào" mình;
                  - Mục tiêu đạo cũng như đời chỉ chuyên chú vào việc đồng hoá và "đem của cải về Âu châu, đặt để những người tầm thường về đức hạnh và học vấn"; v.v…"]


                  Do đó Thánh Bộ tạm định đoạt những phương cách sửa sai như sau:


                  ["- Nơi nào có Dòng Tên thì thôi các Dòng khác, nếu "lỡ" cùng chung một địa bàn thì "phải có sự hoà thuận";
                  - Người Bồ Đào Nha và người Tây Ban Nha không nên ở chung một nơi;
                  - Chọn các giám mục trong các linh mục triều mà thôi;
                  - Sứ thần Toà Thánh có quyền phân xử và coi tạm thời những toà khuyết;
                  - Cấm các Dòng buôn bán và chỉ được giao trọng trách lãnh đạo rao giảng Phúc Âm cho những người có khả năng và đức hạnh"].


                  Chưa hết, đến năm 1628, một văn kiện khác của Toà Thánh lại được công bố, tố cáo những tệ lạm vẫn tiếp tục xảy ra trong các giáo đoàn xa xôi "thuộc quyền" của người Bồ Đào Nha lẫn người Tây Ban Nha. Những tệ lạm gồm có:


                  ["- Nhiều giáo sĩ không biết tiếng bản thổ, có khi chính những vị cốt cán như giám mục và tu sĩ cũng vậy: Họ không hề để ý tới việc học tiếng của dân bản xứ;
                  - Lẫn lộn giữa Đạo và Đời: Giám mục muốn làm thẩm phán và nhiều khi, thẩm phán lại muốn làm giám mục. Giáo hội lẫn với chính phủ;
                  - Dân bản địa không được tôn trọng cho xứng đáng phận người (ý nói thảm trạng buôn và khai thác  nô lệ da đen);
                  - Nhiều nơi buôn rượu quá đáng làm thiệt hại nhân phẩm;
                  - Không "giáo hoá" người bản xứ cho đầy đủ: Coi họ như những dân bán khai bất khả "giáo huấn";
                  - Hảm sự thăng tiến dân bản xứ lên hàng linh mục và nhất là cản ngăn không chọn một số trong họ đưa tới Âu Châu để chịu một "nền giáo dục" sâu rộng hơn. Người ta sợ họ sẽ tố giác những tệ lạm trong các "vùng trần gian thuộc nước Chúa".]


                  Và đương nhiên vài phương dược cũng được kèm theo văn kiện tố giác trên, ví dụ:


                  ["- Phải truyền chức linh mục cho người bản xứ: Một vài nơi đã làm, song còn phải làm nhiều hơn nữa;
                  - Người bản xứ tỏ ra rất có khả năng, chứ không phải là dân bán khai, ngu dốt: Chứng cớ là trong số người đã được đưa tới Âu châu có nhiều người rất giỏi và thông thái;
                  - Tại các miền như Ấn Độ, Nhật Bản, Phi Luật Tân, người ta thường chọn những người lai giống, người Âu-Á (Eurasiens), cha Bồ hay Tây, mẹ Ấn hay Nhật hoặc Hoa… Song đấy mới chỉ là bước đầu: Phải chọn chính người bản xứ, vì trong những lần bị bách hại "đạo mới", thì chính những người bản xứ vẫn hằng ở lại để tiếp tục công cuộc truyền giáo."] (lược theo Linh mục Nguyễn Khác Xuyên: bản thảo đã dẫn, trang 17-19)


                  Thưa ông R. Jacques,


                  Với những dẫn chứng phủ phàng nêu trên, luận cứ của ông đã được bổ túc nửa sự thật còn lại. Nhưng theo lời bạn tôi khuyên "đã ôn phải ôn cho tới…chấm com", tôi xin ôn xa hơn chút chút:


                  1. Nếu Dòng Tên (Bồ Đào Nha) biết hé lòng bác ái vô biên của Đức Chúa Trời, qua trung gian, qua huấn lệnh của Giáo Hoàng kiêm Quốc Trưởng của nước Vatican, áp dụng chủ trương "Convenção / Thích nghi" ngay từ buổi đầu vào các vùng đất mới của Chúa từ thế kỷ XV, thì làm gì lịch sử thế giới có bốn chữ Châu Mỹ La Tinh: Có phải toàn bộ vùng đất mênh mông này đã "được" la tinh hoá sạch sành sanh qua chủ trương Tabula Rasa / Xoá sạch ? Đơn cử qua loa một ví dụ tiêu biểu là xứ Brazil, từ thời "được" Pedro Alvares Cabral (người Bồ, 1467-1520 hay 1526) và đạo quân thực dân đời-đạo "khám phá" năm 1500, dưới triều GH Alexander VI, đến năm nay, 2009: 1. Ngôn ngữ và văn tự chính thức: Bồ Đào Nha; 2. 91 triệu trên 190 triệu dân hiện nay là gốc Bồ hay lai Bồ (mẫu quốc Bồ chỉ có 11 triệu dân); 3. Công giáo: 73,6%, Tin Lành: 15,4%, 10% còn lại dành cho các "dị giáo". Kết quả của "khám phá và khai hoá bằng bác ái" ở Brazil ra sao thì chỉ người mù bẩm sinh mới không thấy.


                  Liếc qua Mexico, kết quả "la tinh hoá" càng hoành tráng bội phần, nhưng ở xứ sở này công cuộc "la tinh hoá " do thiếu chất Bồ theo chủ ý trong luận án của ông nên tôi nhắm mắt bỏ qua. Còn nhìn về Á châu, dấu vết Tabula Rasa thuộc Bồ vẫn còn đậm nét tại Goa (Ấn Độ) và tại Macao (Trung quốc).


                  2. Sau cuộc chiến Alcántara năm 1580, đế quốc thực dân Bồ bị "thống nhất" vào đế quốc thực dân Tây Ban Nha cho đến năm 1640. Từ năm 1614, do Nhật Bản chủ trương tẩy chay Công Giáo và bức hại Kitô hữu, Dòng Tên Bồ Đào Nha bèn lánh sang Đàng Trong nước Việt từ năm 1615. Và đương nhiên các giáo sĩ thuộc Dòng này - bao gồm Alexandre de Rhodes (2), ý thức sâu xa được sự thất bại của Tabula Rasa tại Á Châu, nên chẳng đặng đừng uyển chuyển áp dụng phương thức Convenção trong đặc vụ rao giảng Phúc Âm Thiên Chúa tại Việt Nam nói riêng, tại Đông Dương nói chung, trước khi xuất hiện các chỉ thị sửa sai chính thức của triều đình Vatican.


                  Xin mạo muội nhắc ông rằng tại ["Việt Nam: Các giám mục xin đức Phaolô VI ngày 29/09/1964 và được phép áp dụng huấn dụ đã ra năm 1939 (Planne compertum est).


                  Sau lời mở, huấn dụ giải thích: "Các nghi lễ xưa bị cấm vì có liên hệ với nghi lễ tôn giáo, hiện nay vì tập quán và tâm lý thay đổi, chỉ còn ý nghĩa tỏ lòng hiếu thảo với tiền nhân, lòng ái quốc hay sự lịch thiệp với tha nhân..." (Thông cáo HĐGMVN, Linh mục Nguyệt San 1965 số 43)


                  Thông cáo Hội đồng giám mục VN về việc tôn kính tổ tiên


                  ["... Nhiều hành vi cử chỉ xưa, tại Việt Nam, có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì sự tiếp xúc với bên ngoài và vì tâm tình tập quán đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là những phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính với Tổ tiên và các anh hùng liệt sĩ.
                  Những cử chỉ, thái độ nghi lễ có tính cách thế tục, lịch sự và xã giao đó, Giáo hội Công giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích cho nó được diễn tả bằng các cử chỉ riêng biệt cho mỗi nước, mỗi xứ và tùy theo từng trường hợp... (như treo ảnh, dựng hình, nghiêng mình bái kính, trưng hoa đèn, tổ chức giỗ, kỵ ...) thì được thi hành và tham gia cách chủ động..."]
                  (TS Đào Trung Hiệu: Phúc âm hoá toàn thế giới)
                   
                  Thưa ông,

                  Tóm lại ở đoạn này, việc ông hàm ý sự tôn trọng "gốc rễ truyền thống của Việt Nam" là "những nguyên tắc và phương pháp của các tu sĩ Dòng Tên Bồ Đào Nha", rõ ràng là cách hí lộng của nửa sự thật, là cà thọt lịch sử chữ viết abc nói riêng ở nước tôi ra khỏi cuồng vọng la tinh hoá toàn diện thế giới của một số không ít Giáo Hoàng tại vương quốc Vatican. Do đó, khi ông cho rằng "lối phê bình của ông Lê Thành Khôi, một nhà viết sử Việt Nam, về việc này ( tức việc sáng chế chữ quốc ngữ trước hết phát sinh do một mục đích truyền đạo, LTK) là lầm lẫn" (3) thì nay, theo tôi, quả bóng lầm lẫn đã chạy qua phiá sân ông. Tôi chờ ông đá quả bóng đó qua sân tôi để biết đâu, thêm một lần nữa, tôi phải cúi đầu nhận cái tội đã không chịu khó tin điêu; vì tin điêu vẫn còn là một nét độc đáo của bề dày bốn nghìn năm văn hiến: Thưa học giả Roland Jacques, ông là người ngoại quốc gặp nhiều duyên may trên đất nước Việt Nam XHCN!


                  Trong bài của ông, tôi còn tâm đắc câu này: ["Rhodes fut, sans conteste possible, un grand missionnaire, mais non un surhomme: il est urgent de redonner à l'homme sa véritable consistance humaine, et de replacer l'oeuvre dans son contexte authentique / Hẳn nhiên, Rhodes là một nhà truyền giáo lớn, nhưng không phải là một siêu nhân: khẩn thiết phải trả lại thực trạng con người cho con người ấy, và đặt lại công trạng nầy trong bối cảnh lịch sử thật của nó."]


                  Thưa ông,


                  Trong thời gian mò mẫm học sử Chữ quốc ngữ của tôi, ngoài bản dịch bài của ông ra, tôi chưa thấy một nguyên tác bằng tiếng Việt nào suy tôn thực dân đức tin Alexandre de Rhodes là "một siêu nhân". Ví dầu mai này ông có trưng ra "hình chứng" sự suy tôn đó thì cũng chỉ chứng minh được cơn động não thất thường của cá nhân nào đó, đặc biệt của một bè nhóm nào đó khi liên tưởng tới ngẫu tượng "siêu nhân" mà người ta đã có-ké cài đặt chung tran với Đức Phật Thích Ca từ mấy năm qua. Tôi cứ thầm nghĩ: Trong hoàn cảnh cực kỳ tuỳ tiện như bấy lâu nay, tại sao người ta không đóng đanh luôn thể "siêu nhân" của người ta cạnh Đức Giê-su cho tân tam giáo vui vẻ "đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết" chung một vòm trời, trước khi "siêu nhân" của người ta được đại chúng "trả lại thực trạng con người và đặt lại công trạng (và tội ác) cho con người ấy trong bối cảnh lịch sử thật của nó"!


                  Tạm kết phần ôn bài của Roland Jacques


                  Nhà sử học có phương pháp khoa học khi tiếp cận tài liệu lịch sử thì người học sử cũng có cách đọc mang tính khoa học của họ. Nhà sử học nào dùng phương pháp khoa học giả tưởng để viết sử, sử đó sẽ bị thiêu rụi bởi thời gian và ánh mặt trời, ngoại trừ tên tuổi của đương sự.
                   
                  Trên phương diện học thuật, sự cống hiến của Alexandre de Rhodes trong bước đầu hình thành lối viết kỳ diệu của người Việt chúng ta ngày nay vẫn được xếp đầu bảng vì nhờ vật chứng lịch sử xác thực là cuốn Từ điển Việt-Bồ-La và cuốn Phép giảng tám ngày của ông xuất bản trong năm 1651. Qua cuốn Từ điển này chính Rhodes là người cho chúng ta biết tới sự đóng góp của ba nhà tiên phong khác trước ông, gồm Francesco de Pina, António de Barbosa và Gaspar d'Amaral. Ai muốn "viết lại lịch sử" thì phải lãnh luôn trách nhiệm truy tìm cho ra hình chứng xác minh ngược lại cái "lịch sử" đã được chấp nhận từ hơn 300 năm qua. Còn khi chưa tìm ra hình chứng khả tín khác mà đã đề nghị "viết lại lịch sử", như thế có khác gì bảo hậu sinh học sử như tôi "quẳng đi cái có khổ vì cái không"? (Nguyễn Chí Thiện). Vả lại, chữ quốc ngữ hiện hành là kết quả của nhiều thế hệ kế thừa A. de Rhodes, trong đó có ít nhất 3 người Việt Nam còn lưu lại bút tích thí nghiệm: Igesico Văn Tín, Bentô Thiện và đặc biệt Philiphê Bỉnh.


                  Riêng về quan điểm kết án A. de Rhodes là đầu têu chính trị và quân sự của "một trăm năm đô hộ giặc Tây" thì tôi cũng xin nói thẳng, lối quy chụp như vậy là cưỡng hiếp lịch sử (5): A. de Rhodes rời hẳn Việt Nam từ năm 1645, qua đời tại Iran năm 1660. Hai trăm hai mươi bốn năm sau, thực dân Pháp mới cưỡng chiếm toàn bộ nước ta, năm 1884. Làm sao có thể o ép một người đã chết phải đứng mũi chịu sào đối với những lỗi lầm mà họ không hề hay biết? Cũng như trong chuỗi oan nghiệt ở nước ta non 35 năm qua, nên chăng quy trách nhiệm cho cả những người cộng sản việt nam đã chết trước thời điểm 30/04/1975?


                  Hàn Lệ Nhân
                  (Còn tiếp)

                  (1) Năm 1418, GH thứ 204 Martinus V (1417-1431) "đã chấp nhận cho Bồ Đào Nha có quyền sở hữu trên các đất mới của họ sẽ chiếm được tại Phi châu". (Đỗ Quang Chính, sđd trang 88)

                  (2) ["Il faut affirmer en outre que cette politique linguistique est le bien commun des missionnaires; rien ne permet de dire qu’Alexandre de Rhodes aurait eu, en la matière, une position personnelle. / Nhưng cần xác định thêm rằng đường lối sử dụng ngôn ngữ như thế là chính sách chung của các nhà truyền giáo; không có gì cho phép ta nêu lên rằng trong lãnh vực nầy, Alexandre de Rhodes có một lập trường độc đáo cả."] (R. Jacques / Nguyễn Đăng Trúc: Bồ Đào Nha và công trình sáng chế chữ quốc ngữ: Phải chăng cần viết lại lịch sử ?, chương 6 đoạn 3) 
                   

                  (3) "Nhưng dẫu sao, chúng tôi phải nêu lên rằng lối phê bình của ông Lê thành Khôi, một nhà viết sử Việt Nam, về việc nầy là lầm lẫn, ông ấy viết: “Sáng chế (chữ quốc ngữ) trước hết phát sinh do một mục đích truyền đạo. Thật vậy, trở ngại lớn cho việc truyền đạo Kitô phát xuất từ khung cảnh giáo dục phổ quát của Khổng học. Để đi vào tâm thức quần chúng, các nhà truyền giáo phải chống lại văn hóa Trung hoa và chữ viết tiêu biểu cho nền văn hóa đó. Họ cố trao cho dân chúng phương tiện để quẳng bỏ chữ viết đang thịnh hành, và họ đã đạt được ý định khi bày ra hệ thống chuyển âm tiếng Việt nhờ mẫu tự latinh, kèm theo những âm tiêu để có được những dấu thăng trầm khác nhau. Các người trở lại đạo dùng chữ viết quốc ngữ không còn đọc tiếng hán nữa; tiếng hán nầy lại được dùng trong các văn kiện nhà nước và phần lớn sinh hoạt văn chương. Ta thấy đó là tầm mức chính trị của sự kiện, đã làm cho người công giáo Việt Nam trở thành một nhóm riêng trong cộng đồng quốc gia trong một thời gian dài." (R. Jacques: như trên, chương 6 đoạn 4)
                   

                  (4) Việc Thánh Bộ Truyền Giáo Rôma chịu đứng tên, bỏ tiền ra xuất bản cuốn Từ Điển và cuốn Phép Giảng của A. de Rhodes năm 1651 đương nhiên là vì lợi ích cho việc rao giảng Phúc Âm nhưng đồng thời ngầm tỏ thái độ chính trị, đặc biệt đối với Bồ Đào Nha: 1. Việc truyền giáo từ nay sẽ hoàn toàn do Vatican chủ động và quyết định; 2. Các giáo sĩ thừa sai sẽ không cần phải trình diện Lisbonne mới được phép đi giảng đạo tại các thuộc địa như lúc trước.
                   
                  Chỉ cần lưu ý khi đọc dòng chữ ghi trên mặt bià hai tác phẩm này là thấy lập trường của Vatican.
                   
                  Đến năm 1659, thái độ của Vatican càng quyết liệt hơn đối với Bồ Đào Nha lẫn Tây Ban Nha khi cho công bố văn kiện "In partibus infidelium / dans les contrées des infidèles / trong những vùng miền dị giáo", nội dung tương tự nêu trên và đã ghi trong bài, cọng thêm vài điểm khác như sau:
                   
                  - Huấn luyện giáo sĩ tại chỗ, cắt đặt chính người bản xứ lên làm linh mục và có thể làm giám mục nữa;
                   
                  - Giữ liên lạc và hiệp thông với Toà Thánh, tránh chia bè chia đảng, thành giáo phái;
                   
                  - Thận trọng đừng làm chính trị, giữ giao hảo với các quốc gia, tôn trọng quyền bính nơi đó;
                   
                  * Riêng điểm này tôi thấy hơi lạ vì Giáo Hoàng vừa là chủ chăn trên một tỉ con chiên, vừa là quốc trưởng của xứ Vatican thì làm sao phân tách rạch ròi tôn giáo và chính trị, nhất là trong thời buổi này ?
                   
                  - Cấm làm thương mãi, không được gây ảnh hưởng cho quê hương bản quán mình, thí dụ người Ý thì tuyên truyền cho nước Ý, người Pháp thì tuyên truyền cho nước Pháp… Nhất là phải có tinh thần thích nghi với văn hoá, phong tục dân bản thổ: Chú trọng đặc biệt tới việc học các ngôn ngữ bản xứ.
                   
                  Văn kiện "In partibus infidelium 1659" được các sử gia coi như là Hiến Chương của công cuộc truyền giáo, tuy nội dung có thay đổi, bổ xung theo thời gian nhưng bản chất vẫn còn nguyên cho tới ngày nay. (lược từ Nguyễn Khắc Xuyên, bản thảo đã dẫn, trang 19-21)
                   
                  (5) Trong cuốn "Divers voyages et missions / Hành trình và truyền giáo" chương 19, phần 3 của A de Rhodes có câu này: "J'ai cru que la France, étant le plus pieux royaume du monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l'Orient, pour l'assujetir à Jésus-Christ, et particulièrement que j'y trouverais moyen d'avoir des évêques, qui fussent nos pères et nos maîtres en ces Églises" / "Tôi tin rằng nước Pháp, vương quốc ngoan đạo nhất thế giới, cung cấp cho tôi nhiều chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Đông Phương, để vùng này thần phục Chúa Giêsu Kitô, và đặc biệt tôi sẽ tìm ra ở đấy phương tiện để có các Giám Mục, là những người Cha và những người Thầy của chúng tôi trong các Giáo Hội này." (bản dịch của Mặc Giao: Alexandre De Rhodes & Việc Hội Nhập Văn Hoá, Diễn Đàn Internet, 01/03/2009)


                  Mời đọc thêm:

                  1. Bùi Kha: Alexandre de Rhodes: đối luận với Hoàng Hưng, Talawas 04/2006.

                  2. Dương Phẩm:
                  Mấy lời góp ý bài của Bùi Kha, Talawas 04/2006.
                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 03.12.2009 17:48:51 bởi Hàn Lệ Nhân >
                  #9
                    Chuyển nhanh đến:

                    Thống kê hiện tại

                    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                    Kiểu:
                    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9