DƯỚI TÁN LÁ RỪNG
hatsuon 20.10.2009 23:30:14 (permalink)
Tác giả: Hoàng Xuân Vinh
Đánh máy: Hatsuon
 
 
                                                 Chương1:
                NIỀM VUI LẦN ĐẦU LÊN RỪNG CÙNG CHÚ VỆN ỐC
                       TÚI XẠ HƯƠNG QUÝ GIÁ TỪ HƯƠU VÀNG
           NỖI BUỒN MƯỜI MỘT NĂM RÒNG CỦA ÔNG GIÀ KƠPUA
 
 
          Anh Thành hô khẽ:
          _Bật đèn!
          Ánh sáng từ cây đèn pin trong tay Hạnh vụt sáng loé, dõi thành một vệt dài trong đêm. Hạnh chỉ nghe một tiếng soạt mạnh, rồi bóng một con vật vút đi trong làn sáng như ánh chớp. Những lá cỏ tranh giạt đi rồi lại đứng dựng lên, rung rinh trong ánh đèn, vươn lên nhọn sắc, tua tủa như lưỡi dao.
          Anh Thành rê rê nòng súng theo hướng đèn rọi, mắt chăm chú nhìn vào màn đêm. Cạnh anh, cậu bé Đru cũng nắm chắc cây lao nhọn hoắt trong tư thế chuẩn bị phóng. Nhưng chỉ trong một thoáng Đru đã chống cây lao xuống:
          _Anh Thành à, phải đợi thôi.Con hươu xạ này tinh lắm đó!
          _Sao em biết?
          _Biết chớ! Nó không dừng lại ngó ánh đèn, kịp cho anh em mình làm gì cả. Hạnh ơi! Tắt đèn đi, bây giờ con hươu đã chạy tới chân núi rồi…..
          Hạnh cho chiếc đèn vào túi, kéo tay áo Đru:
          _Hoài công chúng mìnnh phục nó, Đru nhỉ?
          Đru vuốt vuốt bộ tóc đẫm sương đêm, cười thành tiếng:
          _Đừng tiếc, nó sẽ quay lại. Đru biết rõ mà! Con hươu này nhiều xạ, thơm không anh Thành?
          Anh Thành ngồi xuống đám cỏ mượt, mát lạnh sương đêm:
          _Đúng đó. Con hươu này chắc có túi xạ lớn. Bõ công anh em mình ngồi chờ suốt đêm nay……
          Anh Thành ngó nhìn bầu trời đầy sao chi chít. Những ngôi sao xanh càng khuya càng ngời ngợi tỏa sáng. Từ mảng rừng tối om sát trảng tranh, có tiếng “túc, túc, túc” của loài chim ăn đêm.
          Vắng lặng quá. Hạnh nằm ngửa trên thảm cỏ phân vân:
          _Giá có chú Vện Ốc đi cùng, đỡ buồn. Sao lúc chiều anh Thành lại nhốt nó lại?
          Anh Thành chậm rãi:
          _Chú em ngốc ạ! Săn đêm, thả Vện Ốc ra, nó mà bén hương xạ của hươu, sẽ đuổi khắp ba đồi bảy núi, thì anh em mình có mà về không!
          Nghe anh nói, nhưng Hạnh vẫn tiêng tiếc không có Vện Ốc đi cùng. Suốt từ đầu năm nay, đi đâu Vện Ốc cũng quấn quýt với Hạnh. Lúc này, hẳn là nó đang bực bội lắm đây. Vện Ốc chắc đang cọ cái lưng bóng mượt vào thành cửa mà sủa tuyệt vọng gọi Hạnh. Ôi, chú Vện Ốc, đúng là loài chó săn có nòi. Kể ra, Hạnh đặt tên cho con chó là Vện Ốc cũng chẳng “oai” lắm, nhưng lâu ngày thành quen mất rồi. Hồi còn nhỏ, Vện mê cái món ốc nhồi ngon lành. Dạo mùa đông hiếm ốc, bọn trẻ phải đi lùng ở chợ, mua kì được “chất đạm” này cho Vện.
          Cái tên Vện Ốc có từ đó.
          Kỳ lên rừng này, lẽ ra anh Thành không cho Hạnh mang Vện Ốc theo, nhưng khi thấy rõ “tài ba” của chú chó mà Hạnh bỏ bao công sức tập luyện, cuối cùng anh đồng ý.
          Anh Thành yêu Hạnh lắm, có lẽ yêu nhất nhà. Là dược sĩ chuyên nghiên cứu các loại cây thuốc, anh Thành còn là “ thợ săn chính cống”, như Hạnh vẫn khoe về anh trai với bạn mình. Một năm, anh chỉ làm việc ở phòng thí nghiệm được liệu độ bốn tháng, còn lại là thời gian anh lang thang hết vùng rừng rậm đến miền biển xa. Những câu chuyện mỗi bận qua nhà anh kể, nghe suốt đêm không buồn ngủ. Hạnh mới học lớp tám, mà khi bạn bè hỏi nếu hết lớp mười hai sẽ làm gì, lập tức Hạnh trả lời ngay:
          _Nghiên cứu về dược, như anh Thành tớ!   
          Các bạn cùng lớp mới đầu không tin, nhưng mỗi lần có đứa nào đứt tay, nhức đầu, đau bụng qua nhà Hạnh, chỉ cần uống hay rịt một vài thứ thuốc lá, là khỏi liền. Có đứa tán:
          _Từ nay gọi nó là ông lang Hạnh!
          Hạnh lắc đầu, sao lại ông lang? Nhà dược học và thợ săn, chứ đâu lại là ông lang- như cái ông lang Hàn đầu phố Hạnh ở- quanh năm ngồi tán tán, sao sao nghiền thuốc, bán mỗi gói thuốc bé tẹo mà bằng cái giá cắt cổ!
          Mùa hè năm nay, Hạnh lớn phổng lên, càng mong mỏi mình sẽ như anh Thành. Hôm về Hà Nội báo cáo một loại cây thuốc quý mới phát hiện ở Trường Sơn, anh Thành đã phải kêu lên:
          _Ôi chao! Mới có một mùa xuân chưa gặp em, mà đã lớn tồ lên thế!
          Lớn thì thích, chứ “tồ” lại chẳng oai chút nào. Chú ngỗng tồ, gã gà tồ…cái tồ thường đi với cái đần. Hạnh dỗi ông anh ra mặt. Nhưng anh Thành nào có để ý, anh ôm choàng lấy đôi vai đang cữ nở nang của Hạnh ướm hỏi:
          _Nghỉ hè rồi hả? Thôi đừng lêu têu năm nay nữa, đi cùng anh lên rừng ba tháng hè cho biết đây biết đó!
          Hạnh trợn tròn rồi mừng quá, giọng nghẹn lại:
          _Mẹ có cho đi không anh?
          _Đã có anh nói. Học thực tế, biết được đất nước mình nhiều điều hay, nhiều cảnh đẹp, nhiều chuyện lạ, thì mẹ đâu có cấm em!..
          Đêm nay, Hạnh và người bạn mới Đru cùng anh Thành nằm trên trảng cỏ tranh này, thì đã cách ngôi nhà thân thuộc gần sáu trăm cây số.
                                                **********
          Nhưng đêm nay, con hươu xạ không trở lại trảng cỏ tranh nữa. Mãi đến lúc con cu rúc hót lên “ cu rốc, cu rốc”, anh Thành và đôi bạn nhỏ mới rời khỏi nơi phục kích.
          Anh Thành vươn vai:
          _Coi như buổi đầu…bất lợi! Đêm mai, ba anh em mình lại tiếp tục. Bây giờ, về ngủ cho lại sức.
          Hạnh lo lắng:
          _Vậy còn anh Lâm?
          Anh Thành đâm chiêu nghĩ ngợi. Đru nhấc ngọn giáo lên vai, vẫn hồn nhiên:
          _Để em bảo bố sang làng bên kiếm thuốc. Già làng bên đó thỉnh thoảng có cất giữ ít thuốc quý…
          Nghĩ đến anh Lâm, Hạnh đâm lo. Vừa hôm qua, anh em Thành đến làng Đăm, thì nghe dân làng xôn xao về chuyện bắt gặp cán bộ địa chất Lâm chết ngất bên suối Pò. Ông già KơBua, bố cậu bé Đru, cõng Lâm về nhà mình. Ông xua xua đám trẻ ra ngoài, giọng trầm trầm:
          _Đứa nào xem cho tao cái giấy, coi thử nó là ai lại đến làng mình.     
          Đru ngửng mặt lên, bảo bố:
          _Con đọc rồi, cán bộ địa chất đó. Tên là anh Lâm…
          _Vậy thì thằng Lâm lạc rừng thôi. Nó đói, nó bò đến suối Pò, ăn phải cá, phải ốc chết, bị đau cái bụng rồi. Trong làng, còn nhà nào có xạ hươu?
          Anh em Thành đến làng Đăm vào lúc anh Lâm đang nôn thốc nôn tháo. Da mặt anh tái mét, chân tay giá lạnh. Đúng ngộ độc rồi. Anh Thành ngồi với anh Lâm một lát, đoạn quay sang ông già KơBua:
          _Làng ta hết xạ hương, để con đi săn đêm nay….
          Anh Thành mấy lần lên Trường Sơn, đã ở nhà ông già KơBua, thân thuộc như người nhà. Ông già KơBua ho lên một tiếng nhỏ:
          _Ờ, mày đi một buổi, kiếm thuốc cho thằng Lâm nghe Thành!
          Vậy mà đêm nay, ba anh em Thành săn trượt con hươu xạ rồi. Nhưng Đru chẳng buồn lâu. Nó đã quen những buổi rủi ro này lắm. Đi hết trảng tranh, nó leo lên con dốc đến bìa rừng thì ánh nắng đã lấp loáng trên những ngọn cây cao nhất. Hạnh bỗng vỗ vào tay Đru:
          _Này, Đru, đẹp quá!
          Đru nhìn về hướng tay Hạnh chỉ. Một con trĩ trống đang nhảy quanh một con mái. Vừa nhảy, đầu nó vừa nghiêng bên này, ngả bên bia. Nhảy được hai vòng, trĩ trống dừng lại, xòe rộng đôi cánh. Chao ôi, đôi cánh sặc sỡ làm sao! Những chấm tròn óng tím như những bông hoa trên nền tía, rập rờn như sóng. Mấy chiếc lông đuôi xòe ra, vươn cao như tàu lá chuối và ve vẩy thật nhịp nhàng. Một chân trĩ trống lùi lại và nhấn xuống như điệu chào cô trĩ mái.
          Đru cười. Cái điệu múa của trĩ, của công có gì là lạ với Đru. Nó kéo Hạnh đang đứng ngây ra nhìn:
          _Ở với mình lâu lâu, mình dẫn đi rừng, nhiều cái hay hơn, Hạnh à!
          Anh Thành đi trước cũng ngoái lại:
          _Đúng đó. Đru biết nhiều truyện trong rừng, cả chuyện hổ nuôi con, chuyện gấu ăn trộm mật, chuyện săn lợn rừng, Đru kể cho Hạnh nghe cả buổi không hết.
          Nghe anh Thành, Đru chỉ cười. Từ nhỏ, Đru lớn lên với rừng, chuyện đó có gì là đặc biệt đâu. Đru theo bố đi săn từ lúc giương nổi cái ná. Mẹ Đru chết từ hồi Đru bốn tuổi. Mẹ đi rừng rồi chẳng về nữa. Đên tận giờ, bố Đru cũng chẳng hề kể cho con nghe về cái chết của mẹ. Nhưng mỗi buổi chiều tối, nghe tiếng hổ gầm vọng về, ông già Kơ Bua lại bồn chồn, chẳng hiểu cơn cớ làm sao.      
          Buổi sáng trong rừng, vẫn ríu ran tiếng chim trong những lùm cây cao cổ thụ. Đru hồn nhiên bắt chước tiếng chim hót một hồi. Con họa mi tiếng trong như nước chảy giữa ngách suối, con bách thanh lảnh lót và khoáng đãng, chim khứu hót dồn dập từng hồi. Đru nhảy qua một mô đá, lại cất tiếng hát thật vui:
                                         “Nhà ta xa, làng ta xa
                                         Ta chung một mặt trời
                                          Nhà ta xa, làng ta xa
                                      Ta chung một mặt trăng”
          Giọng hát của Đru cũng trong trẻo như tiếng chim hót.
          Qua bìa rừng, ba anh em đến một sườn núi thoai thoải. Những mảng mây trắng như những chóp núi đá kề nhau, trôi từ phía biển lên giữa nền trời ngăn ngắt xanh. Chưa bao giờ Hạnh thấy một cảnh tượng đẹp như vậy. Màu mây trắng lóa, chói ngời giữa một không gian rừng núi trập trùng. Ở chót vót trên đỉnh cao, một cây gạo cuối mùa hoa, còn lưa thưa vài bông đỏ thắm. Bầy vượn chí chóe đuổi nhau, thoăn thoắt níu cành nọ bám cành kia.
          Chân núi, mở ra một thung lũng nhỏ, xanh mướt cỏ dày.
          Anh Thành vẫy tay về phía sau:
          _Nhẹ chân thôi, hai chú mày!
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9