Phạm Minh Giắng: Nằm ngửa để thở, để ăn và để... làm thơ
kimrbl 09.11.2009 14:08:16 (permalink)
 
Trên trang web Lucbat.com và một số báo chí khác như: Nhân dân, Văn nghệ trẻ, Người bảo trợ, Tuổi trẻ cười, Làng cười và một vài blog… thỉnh thoảng bạn đọc vẫn bắt gặp một bút danh là lạ Phạm Minh Giắng, ký dưới những bài thơ và tiểu phẩm hài. Nhưng còn ít người biết Phạm Minh Giắng là ai, đang “phải sống” ra sao?1. Phạm Minh Giắng sinh năm 1950 tại Thái Bình trong một gia đình nông dân nghèo. Tuổi thơ cậu bé thật dữ dội và đầy bất hạnh: Mới một tuổi Giắng đã mồ côi cha. Ông là một chiến sĩ bộ đội xung kích của Trung đoàn 42, đã anh dũng hi sinh khi cùng đơn vị tấn công vào một đoàn xe của lính Pháp. Hai tuổi, cậu bé lại mồ côi mẹ. Vậy là hai lần đại tang giáng xuống cuộc đời một cậu bé khi chưa đầy ba tuổi mụ! Không còn cha, không còn cả mẹ, cậu bé Giắng được bà nội nuôi, khi bà qua đời thì về ở với gia đình một người bác...




Phạm Minh Giắng nằm trên giường bệnh và nhà thơ Đặng Vương Hưng - tác giả bài viết
Nhưng tại họa chưa buông tha Giắng: Mười ba tuổi, khi đang học lớp 5 trường làng, thì anh bị mắc bệnh thấp khớp nặng. Hai năm sau, những cơn đau triền miên của căn bệnh quái ác, nan y thời đó đã quật ngã anh hoàn toàn và buộc Giắng phải nằm liệt trên giường bệnh. Và anh đã nằm như thế hết ngày này qua ngày khác, hết tháng này qua tháng khác, chịu đựng sự đau đớn giày vò suốt 44 năm nay, mà chưa biết bao giờ mới kết thúc! Với tấm thân chỉ nặng khoảng 30 kg, hình hài dị dạng, đôi chân bị khuỳnh ra hai bên như hình thoi, vì những cơn đau hoành hành... đã khiến Phạm Minh Giắng phải sống trên giường bệnh bằng một tư thế duy nhất bao năm nay là nằm ngửa: Anh nằm ngửa để thở, nằm ngửa để ăn uống và cả nằm ngửa để... làm thơ, viết báo nữa. Phạm Minh Giắng làm thơ từ lâu, nhưng mãi tới năm 1999 anh mới được in bài đầu tay trên báo Nhân dân, có tựa đề là “Thiếu nữ trong tranh”. Nhận được 125 ngàn đồng nhuận bút từ Hà Nội gửi về, mà Giắng xúc động trào nước mắt. Vậy là từ đó, anh có thêm một “nghề” để vui sống là làm thơ và viết báo. Đến nay, Giắng đã viết được khoảng 200 bài thơ và hơn 60 bài báo, chủ yếu là tiểu phẩm hài. Nhiều tiểu phẩm của anh đã được Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam và Làng cười chọn đăng. Nhưng nghề viết thì vô cùng nhọc nhằn, mà nhuận bút thì rẻ mạt lắm. Cố hết sức, mỗi tháng Giắng cũng chỉ thu nhập được khoảng trên dưới 300 ngàn đồng.2. Anh em, họ hàng thân thiết không còn ai, từ năm 1985 Phạm Minh Giắng phải làm một bệnh nhân vào sống và gắn bó suốt đời trong Trung tâm Bảo trợ xã hội Vũ Thư của tỉnh Thái Bình. Cách đây 5 tháng, với sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo trợ xã hội Vũ Thư - Thái Bình và một số bạn bè, Giắng đã mua được một bộ máy vi tính cũ với giá 4 triệu đồng. Anh quyết định ký với bưu điện thuê bao Internet, để hòa nhập với cộng đồng mạng và cả thế giới. Quý vị và các bạn hãy hình dung: để sử dụng máy tính, vào mạng, với đôi tay co quắp, anh Giắng phải dùng tay phải để giữ bàn phím và chỉ gõ chữ và cách chữ bằng hai ngón tay trái; chiếc màn hình thì để cách xa khoảng nửa mét và chữ thì phải kích to hết cỡ cho dễ đọc.




Những bài thơ ra đời nhọc nhằn trên giường bệnh: Tác giả Phạm Minh Giắng nằm ngửa, gõ phím chữ máy tính chỉ bằng một tay trái...

Hàng ngày, cứ đúng 4 giờ 45 phút, khi tiếng nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên, cũng là lúc Giắng thức dậy. Anh tập thể dục (dĩ nhiên là trên giường) rồi làm vệ sinh, ăn sáng (cũng diễn ra trên giường). Khoảng 6 giờ, anh bật chiếc máy tính, đọc và viết cho tới khuya... Gần đây, anh thường xuyên online với trang web Lucbat.com, hễ có bài thơ nào mới hiển thị, là viết cảm nhận và lời bình luôn. 3. Trong một email gửi cho người viết bài này, Phạm Minh Giắng tâm sự: “Thơ ca không mang lại cho tôi nhiều vật chất. Nhưng nó mang lại cho tôi niềm vui, cho tôi nhiều người bạn và được nhiều người yêu mến. Tiền nhuận bút chỉ đủ để mua báo đọc. Không cha không mẹ, không anh em ruột thịt là một thiệt thòi lớn nhất của một con người. Nỗi tủi thân đã có từ khi còn rất nhỏ. Nó đã lặn vào trong, không bộc lộ ra ngoài. Chỉ đến lúc ốm đau quá, đêm nằm một mình vật vã, thì cái nỗi tủi thân tưởng đã ngủ chìm, lại thức dậy và nước mắt lại từ đâu tràn ra...”.Đọc thơ của Phạm Minh Giắng, bạn đọc như nghe thấy tiếng cười trẻ trung, hóm hỉnh, đôi khi còn tếu táo giỡn đùa của một chàng trai trẻ (dù tuổi ta của anh đã đi gần trọn một vòng tuần hoàn của 12 con giáp). Nhiều câu thơ anh còn có tiếng hót trong trẻo của con sơn ca luôn khát khao tự do bay lượn, nhưng từ khi sinh ra đã bị giam cầm trong chiếc lồng của thân phận bất hạnh. Bởi thế, trong nhiều bài, nhiều câu và tứ thơ của Giắng, người ta cũng cảm nhận được một nỗi buồn chất chứa và sâu thẳm tâm hồn anh. Phạm Minh Giắng rất quý mến và trân trọng tài năng của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi - một đồng hương miền quê lúa Thái Bình. Hai người chưa hề gặp mặt, nhưng thường xuyên điện thoại trò chuyện cùng nhau. Có lẽ họ cùng cảnh ngộ là người khuyết tật, lại đồng điệu về tâm hồn thơ ca. Từ ngày Khơi có vợ, Giắng mừng cho bạn, nhưng cũng thêm một chút buồn. Nỗi buồn ấy là dễ hiểu và tất nhiên, nhưng hình như chính nó đã tạo nên cảm xúc, làm nên những cung bậc tâm hồn, giúp người ta có thể gần nhau hơn.







Ra mắt tập thơ thứ 2      Mười con mắt nhớ là tập thơ thứ hai của Phạm Minh Giắng (sau tập Giọt mưa ngâu 25 bài, do Hội VHNT Thái Bình ấn hành năm 2008), gồm 65 bài thơ ngắn, được tác giả chọn lựa trong hàng trăm bài thơ mới làm gần đây. Tập thơ này, do website Lucbat.com tổ chức bản thảo, vận động bạn đọc ủng hộ kinh phí và giúp đỡ tác giả ấn hành sách.      Quý vị và các bạn có thể chia sẻ với anh qua điện thoại: 0987736365; hay Email: phamigia@gmail.com.

 
Nhà thơ Đặng Vương Hưng
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9