Đọc sách " Sài Gòn Năm Xưa " của Vương Hồng Sến
Thanh Vân 28.12.2009 17:06:04 (permalink)
ĐỌC CUỐN “SÀI GÒN NĂM XƯA” CỦA VƯƠNG HỒNG SỂN

Tác giả: Nguyễn Hiến Lê
Nguồn: website Đặc Trưng



Suu tầm: Goldfish.



Đọc cuốn “Sài Gòn Năm Xưa” của học giả Vương Hồng Sển, ta có cảm giác thoải mái, dễ chịu quá.

Tôi nhớ những buổi ngả lưng vào ghế tràng kỷ trong ngôi nhà cổ chưng bày toàn đồ cổ của tác giả mà nghe tác giả kể chuyện “đời xưa”, từ chuyện các chánh tham biện, chuyện các cụ đường cựu tới chuyện tản cư, chuyện con voi sở thú... Lời rất bình dị, tự nhiên, có duyên: cứ mê đi mà nghe và mỉm cười cho tới khi nào thấy làm mất thì giờ của chủ nhân quá rồi thì cáo từ mà ra về.

Tác giả kể chuyện làm sao thì chép lại thành sách như vậy.

Đây xin độc giả nghe ông vào chuyện:

Bởi thấy tôi là người trong Nam, đầu pha hai thứ tóc, làm việc trong một cơ quan chuyên môn, thêm có tánh ham chơi cổ ngoạn, tom góp giấy má cũ đầy nhà, rồi tiếng đồn truyền ra: tôi sành sỏi chuyện xưa, tôi giỏi kê cứu điển cổ, báo hại phần đông văn hữu Bắc và Trung, ông nào quen một đôi lần, gặp nhau, hết năm ba câu lấy lệ, làm gì cũng hỏi vặn tôi về:

“gốc tích hai chữ “SÀI GÒN”.


Thật là thân mật, tự nhiên, xuề xòa.

Rồi ít hàng như sau:

Đối với các bạn nhỏ hiếu học, tôi xin nói lớn:

1) - Chỗ nào các bạn thấy mới, đừng sợ: ấy tôi đã cân nhắc kỹ càng, cứ tin cứ dùng: “coi vậy mà xài được!”


2) - Chỗ nào chưa “êm”, nhờ các bạn chỉ giùm, nếu tìm cách bổ khuyết càng tốt, gọi giúp lẫn nhau: già thua trẻ không xấu, mắc cỡ bậy, hay gì?


Chắc độc giả đã được mỉm cười rồi chứ?

Suốt hai trăm trang in chữ nhỏ, toàn là một giọng như vậy. Thỉnh thoảng điểm những tiếng cổ mà chúng ta chỉ thấy trong các sách báo in từ đầu thế kỷ, hoặc nghe ở những chốn quê mùa, do những cụ tám, chín chục tuổi thốt ra. Chẳng hạn:

- Tôi không dám chắc đúng cả, nhưng “ăn trầu gẫm mà nghe” bây giờ không nói còn đợi lúc nào?

- Lâm cảnh lưỡng đầu thọ địch...


- ... hẹn hậu nhựt tri


- ... chết ba mươi đời vương


- ... trổ sanh nghề lạ


- ... trối kệ


Lại thêm những tiếng rất tự nhiên chỉ dùng trong một vài giới:

- ... đi la mát nơi đây.

- ... chiều chiều thả “xích-phê” đường Catinat, giày “ăn phón”...


- ... dện
[1] áo “u-hoe”, tay lo le điếu xì gà tàn, thì duy có mấy cô mấy ỷ đời ấy biết cho.

- ... xa tít mù tè.


Có chỗ tác giả như mời người ta cởi áo ngoài ra cho thảnh thơi hơn nữa để nghe ông kể tiếp:

“Đèn nhá nhem, người bu đông đến múc cháo không kịp, thêm tuổi vừa đôi mươi, “ăn sắt cũng tiêu”, ghế bàn không có, mỗi người tự biện lấy, đứng húp ngon lành, ngó mặt nhau vẫn quen quen: Cô Ba Trà, ông cò mi Kính và tớ đây, kẻ còn người mất, đứa bạc đầu!”.

Vế trong câu thường ngắn - năm sáu tiếng một - ít dùng liên từ lại gần đối nhau, bằng trắc nhịp nhàng, làm cho ta sực nhớ rằng tác giả là người rất mê hát bội:

“Xưa người thưa đất rộng, xây nhà đếm căn, nay đất ít nhà đông, cất nhà kể từng...”

“Trước còn bánh đặc, phần đường sá gồ ghề, mê sức chạy mau mà quên đau... sau có bánh bộng, nhưng xe nổ vỏ thì có lấy tay mà bụm!”


Cuối câu thường hạ tiếng trắc y như nói lối.

Không biết cảm tưởng của độc giả ra sao chứ tôi thì thấy vui vui, nhớ lại những ông già búi tóc mà đội nón Tây và những bà già ngoáy trầu trên những bộ ngựa. Nhưng tôi phải thú thực rằng mặc dầu bút pháp đó gợi cho ta cái không khí của thời xưa, mà thời này dùng nhiều quá thì cũng ít người thưởng thức.

Sách chia làm tám phần.

- Phần thứ nhất tựa như đoạn mở đầu, nhắc qua lại cuộc Nam tiến của tổ tiên từ thế kỷ thứ XI đến năm 1780, Mạc Thiên Tứ mất, đất Hà Tiên sát nhập vào cơ đồ chúa Nguyễn. Tác giả nhấn mạnh vào sự bình định và khai phá cõi Nam, vào công lao của các chúa Nguyễn, của Nguyễn Hữu Kính, Nguyễn Cư Trinh, và họ Mạc ở Hà Tiên.

Nữ sĩ Mộng Tuyết và học giả Vương Hồng Sển, mỗi người dùng một thể tài, một nhà viết truyện, một nhà viết sử, hai nhà cùng một lúc nhắc nhở công lao tổ tiên một cách cảm động, sự không hẹn mà gặp đó cho ta thấy rằng phong trào ôn cố lúc này đương lên.[2]


Trong phần này, Vương quân đưa ra một nhận xét rất xác đáng là tổ tiên chúng ta đã không chiếm đất Nam này của người Miên vì hai lẽ:

- Đất này trước kia không phải của người Miên mà của người Phù Nam.

- Khi tổ tiên ta tới đây thế kỷ 17 thì tuy đã có người Miên, nhưng dân thưa đất rộng, Việt Miên tha hồ khai phá không hề xảy ra những sự xung đột để có thể nói rằng dân tộc này tranh của dân tộc khác.

- Qua phần thứ nhì, tác giả bắt đầu nói về Sài Gòn. Ông xét vết tích những dân tộc đã ở trên khu đất mà ngày nay là Sài Gòn, tức là người Phù Nam, người Miên, người Trung Hoa, và tổ tiên ta, để tìm xem danh từ Sài Gòn từ đâu mà ra. Ông kết luận rằng Sài Gòn thời Miên là Prei No**r[3] (nghĩa là xứ ở giữa rừng); Trung Hoa tới lập một khu buôn bán gọi là Đề Ngạn (Chợ Lớn ngày nay), và người Việt tới lập một khu khác, gọi là Bến Thành (Sài Gòn ngày nay).

Đề Ngạn mà phát âm theo giọng Quảng Đông thì nghe ra “Thầy Ngồnn” hay “Thì ngồnn” hay “Tài ngòn”. Sài Gòn có lẽ do đó mà ra, chứ không phải do Prei No**r.

Tôi không biết các sử cũ có viết là Đề Ngạn hay không, chỉ thường thấy ngày nay nhiều người viết chữ Hán chữ Đê Ngạn với Đê: bộ thổ, nghĩa là cái đê, còn Đề Ngạn với Đề: bộ thủ, nghĩa là nắm lấy[4]. Nhưng chắc là Vương quân biết rõ hơn tôi.

- Trong phần thứ ba, tác giả nghiên cứu vị trí ba thành xây ở Sài Gòn hồi xưa và ghi lại những lễ nghi phong tục thời Quan Lớn Thượng, tức Quan Tả Quân Lê Văn Duyệt. Dinh Tả quân nay không còn gì, chỉ còn lại cái tên Vườn Ông Thượng (Hoa viên Tao Đàn).

- Qua phần thứ tư, tác giả trở lại tìm vị trí của Prei No**r, Đề Ngạn, và Bến Nghé. Đoạn này giá đưa lên phần thứ nhì thì gọn hơn.

Rồi ông dắt ta đi dạo xem phố phường Sài Gòn ngày xưa, bắt đầu từ Cơ Thủy Xưởng, Cột Cờ Thủ Ngữ, tới Khánh Hội, vô Chợ Lớn, trở về Chợ Quán, phủ Tổng Thống, qua Thị Nghè...

Đoạn này khá dài trên bốn mươi trang. Tới mỗi nơi ông chỉ cho ta hồi xưa tại đó có dinh thự, chùa chiền, chợ búa nào, ông lại giảng cho ta nguồn gốc những tên như Ba Son, nhà Rồng..., kể những chuyện thuộc về ngoại sử, giải nghĩa những chữ như bắc thảo, tàu kê, gùi đội..., chép những bài thơ cổ, chẳng hạn bài thơ vịnh Mai Sơn Tự, dẫn những câu ca dao...

Những ai ở Sài Gòn đã lâu đọc đoạn đó chắc rung động một niềm hoài cổ man mác nửa vui nửa buồn.

Riêng tôi, tôi nhớ lại lần đọc đoạn hai ông đồ rủ nhau đi thăm thành Thăng Long trong một tiểu thuyết của Nguyễn Triệu Luật. Kỹ thuật của họ Nguyễn và họ Vương khác nhau xa, mà cảm xúc gây trong tâm hồn tôi thì cũng vậy.

Khi dắt ta tới Chợ Quán, tác giả ngừng trước một nhà cổ và kể cho ta nghe chuyện một bà cụ chơi đồ cổ. Chuyện xảy ra đầu thế chiến vừa rồi. Tác giả lúc đó mới ngoài ba chục tuổi mà bà cụ đó đã trên tám mươi, mới gặp nhau lần đầu, mà đã hiểu nhau, trẻ thì kính già mà già thì mến trẻ, chỉ do hai bên cùng là những người sành đồ cổ cả. Đoạn đó tác giả viết cảm động nhất và cho ta thấy rõ cái sở thích và sở trường của ông.

- Trong phần thứ năm, Vương quân tiếp tục tả và kể lai lịch các cổ tích chung quanh Sài Gòn Chợ Lớn, các chùa chiền, các giáo khu và cho ta hiểu sơ sơ sự bành trướng của Thiên Chúa Giáo tại địa phận Sài Gòn.

Đầu phần có tả một vụ bốc mả khá cảm động và tác giả đề nghị nhà nước nên sớm thảo điều lệ bảo vệ lăng cũ, mộ xưa nếu không thì miền Nam nầy sẽ chẳng còn gì về mỹ thuật và cổ tích.

- Ba phần cuối, phần thứ sáu, thứ bảy, và thứ tám, gồm 50 trang, đọc vui nhất. Đời sống nhân vật “bản xứ” và Tây, Tàu, hoặc thanh cao, hoặc lố lăng, đê tiện, tàn nhẫn, quỷ quyệt từ hồi Tây đến tới hồi Tây đi, hiện lên rõ ràng trước mắt chúng ta.

Ông mỉa mai bọn “hầu cận các quan Tây”, bọn: Tiếng Tây không biết, tưởng vinh trong đời.

Tây đã đi, nhưng bọn nầy thì vẫn còn và chung quanh ta vẫn nhan nhản một lũ tự hào rằng nói tiếng Pháp như người Pháp mà không mắc cỡ rằng nói tiếng Việt không thông.

Ông oán giận “bọn mãi quốc cầu vinh” - vinh hay nhục nhỉ? - tàn sát đồng bào hồi Tây “bình định” xứ nầy; ông còn nhân từ không vạch mặt chỉ tên họ ra, nhưng độc giả nào mà không nhận ra được chúng.

Ông khâm phục các học giả như Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của, những vị “chỉ say đạo lý và học hỏi, sống đất Tào mà lòng giữ Hán” rồi ông kết:

“Nghĩ theo tay dao tay súng làm nên sự nghiệp như những nhà kia (tức là bọn bán nước), nhưng khi nhắm mắt, sự nghiệp hoen ố lụn bại, sao bằng một ngòi bút, một nghiên mực, sự nghiệp văn chương truyền cửu của ba ông tiền bối này mới thật quý và thơm”.

Còn vô số nhân vật nữa, từ các nhà giàu (nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định), đến các nhà báo (Diệp Văn Cương, Nguyễn Chánh Sắt...) đến huê khôi Cô Ba con thầy thông Chánh mà ba chục năm trước, hồi còn ở Hà Nội tôi đã được trông thấy hình trên các con tem và các giấy thấm rao hàng xà bông, song không biết là của ai, đến bọn làm giàu nhờ buôn bán hoặc cờ bạc, bọn chỉ học được hai tiếng “ùy” và “no” mà bỗng nhiên phát triệu phú. Trong phần này còn những tài liệu tuy vắn tắt mà quý về các vụ Phan Xích Long năm 1913, và vụ Khám Lớn Sài Gòn năm 1916. Trang nào cũng đầy những tài liệu đáng tin cho những nhà sau này viết sử hoặc lịch sử ký sự.

Đoạn kết hơi ngắn (chỉ một trang) nhắc lại những điều kiện mà Sài Gòn có đủ để thành một đô thành tối tân.
 
*
* *

Như tôi đã thưa với độc giả sự hiểu biết của tôi về sử miền Nam không đủ cho tôi phê bình tài liệu của Vương quân. Tôi chỉ xin góp ít ý nho nhỏ ở dưới đây:
Tác giả cho rằng danh từ du côn có lẽ do bọn anh chị ở Sài Gòn hồi xưa mà có, vì họ hay dùng những đoản côn bằng sắt hay bằng đồng để hộ thân. Tôi tưởng danh từ đó đã có từ trước nữa, mà bọn anh chị đó không phải là bọn đầu tiên ở nước ta và nước Trung Hoa thường dùng đoản côn để tự vệ.
Tác giả bảo cây gòn ngoài Bắc gọi là cây “bông gạo”. Hai cây đó tuy cùng một loại, người Pháp cùng gọi một tên (kapokier hoặc faux cotonier), nhưng thực ra khác nhau: cây gạo rất cao lớn, cao như cây sao, gốc lớn có khi có thể đến hai ôm, hoa tuy giống hoa gòn nhưng cánh đỏ như máu và lớn hơn nhiều: lúc mãn khai để chật một cái chén ăn cơm. Trên hai chục năm trước, tôi có thấy ở giữa châu thành Sóc Trăng gần bờ sông Sở Thủy lợi một hai gốc gạo cổ thụ, không biết nay còn sống không.
Vương quân đưa ra một thuyết để giải nghĩa tiếng trường tiền:
“Sở Công Chánh ngày nay, tục quen gọi “Trường Tiền” có phải là vì bộ Công khi xưa chuyên việc đúc tiền nên nay tên gọi tên làm vậy?”
Thuyết đó có thể đúng. Tôi được nghe một thuyết khác cũng không hoàn toàn vô lý, xin ghi lại đây. Trường Công Chánh Hà Nội là một trong những trường cao đẳng thành lập sớm nhất, chỉ sau trường Y Khoa. Hồi mới đầu các sinh viên toàn là nội trú và ở một ngôi nhà đường Paul Bert tại Hà Nội. Đường này gọi là đường Trường Tiền vì hồi xưa có sở đúc tiền ở gần đó. Nơi nội trú đó do vậy được người Nam gọi là trường Trường Tiền, và các sinh viên Trung Nam ra học thành tài trở về xứ thành các ông Trường Tiền, mà sở các ông ấy làm thành ra Sở Trường Tiền. Ta nên để ý rằng chỉ miền Nam mới gọi Sở Công Chánh là Sở Trường Tiền, còn miền Bắc gọi là Sở Lục Lộ.
Tác giả có ý bảo những nhân, địa danh miền Nam như Võ Tánh, Châu Thới, thì phải đọc theo giọng Nam chứ không được ra giọng Bắc: Vũ Tính, Chu Thái. Điều đó rất hợp lý. Mướn xe hơi đi chơi núi Châu Thới mà nói là đi chơi núi Chu Thái thì tài xế làm sao hiểu được. Nhưng thế nào cũng có lúc ta phải thống nhất giọng nói Nam Bắc, lúc đó sẽ rắc rối đấy.

Còn tiếng Sài Gòn thì đúng như Vương quân đã nói, cổ nhân thiếu chữ gòn, phải mượn chữ côn thế tạm; vậy côn đó phải đọc là gòn tất nhiên rồi, nếu đọc là côn thì bậy lắm.
*
* *

Quả như lời Vương quân nói trong bài tựa: “Coi vậy mà xài đươc”. “Xài được” bộn kia đấy. Kẻ ít học như tôi còn thấy là có lẽ xài được gần trọn kia đấy. Chúng ta nên cảm ơn ông đã ghi lại - mặc dầu là hơi hấp tấp trong sự trình bày - vô số tài liệu mà trong mấy chục năm ông đã tốn công đạp một chiếc xe máy[5] đi sưu tầm ở khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, và các vùng lân cận rồi về nhà cân nhắc lựa chọn với một tinh thần trân trọng đáng khen: chỗ nào chưa đủ chứng cớ thì tồn nghi.

Có đọc cuốn Le Déchiffrement des Écritures trong đó Ernst Doblhofer kể cái công tìm tòi, suy luận, trong hàng chục năm của hàng chục nhà bác học để viết lại được một chương ngắn về cổ sử Ai Cập, Ba Tư, hay Mésopotamie... mới thấy được rằng phần ai biết được một tài liệu gì về sử cũng có bổn phận phải chép lại bằng cách nào cũng được, miễn thận trọng và thành tâm là quý rồi. Nếu không vậy thì thực khổ tâm cho những người sau muốn tìm hiểu những người trước...

Nguyễn Hiến Lê
(Tạp chí Mai số 20, ngày 25/04/1961)

[1] Trong tư liệu nguồn ghi “dện”, tôi tạm giữ nguyên, nhưng trong Sài gòn năm xưa (bản ebook) ghi là “diện” (trong câu: “diện áo “u hoe” (veston ouvert), tay lo le điếu xì gà tàn…”. (Goldfish).
[2] Trên bán nguyệt san Mai số 20, ngoài bài giới thiệu và phê bình cuốn Sài gòn năm xưa của Vương Hồng Sển, cụ Nguyễn Hiến Lê còn có bài điểm sách Nàng Ái cơ trong chậu úp của Nữ sĩ Mộng Tuyết. (Goldfish).
[3] Trong ebook Sài Gòn năm xưa chép là: “Prei Kor”. (Goldfish).
[4] Có lẽ ý cụ Nguyễn Hiến Lê muốn nói rằng “ngày nay” người ta thường viết chữ Hán là 堤 岸 (Đê Ngạn) với chữ 堤 (Đê - bộ thổ 土), chứ không phải 提 岸 (Đề Ngạn) với chữ 提 (Đề - bộ thủ 扌). (Goldfish).
[5] Ngày nay thường gọi là xe đạp. (Goldfish).
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.12.2009 17:07:55 bởi Thanh Vân >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9