truyện ngắn
muối 17.01.2010 09:41:05 (permalink)
CHUYỆN BÀ BẢN
Bà Bản hôm nay buồn xo. Khuôn mặt nhăn nheo của bà càng thêm tức cười một cách xót xa với bên mắt trái bầm tím và sưng húp. Tôi đoán bà bị vấp té do tật run rẩy của tuổi già nên bị va vào cửa sổ hay cạnh bục thềm nào đó. Cũng có thể vì kẻm nhẻm mà bà đi đụng cột, hay ban đêm ra ngoài bước bỗng ngã xấp mặt. Có nhiều giả thiết cho cái mắt sưng bầm của bà Bản.
Bà Bản hơi ngễnh ngãng, tai điếc và tâm trí thì chập chờn. Đã có lần tôi hỏi thăm về gia đình, bà hãnh diện khoe con trai bà là hiệu trưởng một cái trường học to lắm, ở lối đi có cây xoài cây mít gì ấy. Vừa nói bà Bản vừa huơ tay minh họa bằng những vạch ngang dọc trong không khí để vẽ đường: “Này nhé! Đường dầu đi thế này, rồi đến chỗ cây xoài có cái ngõ đi vào, rồi đến chợ, rẽ sang bên kia, rồi đi thẳng là tới. Tôi đã đến đấy mấy bận.” Bà nói cứ y như mọi thực tại hiện lên trước mặt cách minh bạch và rõ ràng. Đúng thật! nó rõ ràng trong đầu bà. Nhìn bộ mặt ngây ngô chất phác của bà thật thà đến tội. Tính chân chất ấy còn được lên khuôn rõ nét nhờ mái tóc ngố ngố của bà mà tôi là tác giả. Hôm ấy, tôi đến cắt tóc cho bà, người khen kẻ chê, bà này xúi cắt, cô nọ bảo đừng. Bà cũng tiếc mái tóc dài bạc trắng như tiên kia lắm chứ, nhưng bà bị buộc phải cắt vì vệ sinh. Lý do vì mái tóc dài của bà là hiểm họa chấy rận cho khu nhà tập thể gồm những người không có cơ hội được tắm gội thường xuyên. Cuối cùng, bà cũng phải giã từ mớ tóc dài truyền thống của các cụ bà đất bắc. Bà dõng dạc tuyên bố: “Tóc tôi mà có xấu, người ta nhìn vào thì người ta phê phán cậu, phê phán người cắt chứ phê phán gì tôi!” Ôi bà triết lý quá! Bà đã già rồi, lại ngễnh ngãng, bà đãng trí nhưng bà vẫn còn đủ sáng suốt để phân biệt đẹp và xấu, trách nhiệm và lỗi phạm, một cái đẹp có vẻ nhân văn chứ không “xanh đỏ” như người ta vẫn thường khen chê. Tóc bà có xấu, người ta có chê thì tôi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, cho dù là tóc của bà, khuôn mặt của bà,…còn tôi thì đã vắng mặt. Không biết có bao nhiêu người còn nhạy bén lương tâm với trách nhiệm việc mình làm theo kiểu bà Bản tưởng nghĩ?
Từng mớ tóc trắng như cước của bà Bản miễn cưỡng rơi xuống lộ dần cái đầu búp bê như cái gáo dừa úp lên vậy. Trong khi cắt tóc, tôi nói rông rài đủ mọi chuyện trên trời dưới đất với bà cho đỡ buồn, nói về cái đất bắc truyền thống xa xôi của bà, nơi trồng dâu nuôi tằm với nương dâu đồi chè xanh ngát. Tôi kể, bàn luận và phê bình cuộc sống nơi xứ ấy với bà cứ như tôi đã từng sống ở đó. Một chi tiết láu cá của tôi cũng làm bà Bản xửng cồ lên cãi. Tôi nói rằng từ chỗ nhà bà muốn đi ra chợ phải đi ngang qua mảnh vườn nhà ông nội tôi. Nhà nội tôi còn có mấy con chó dữ lắm, chúng thường nhào ra đuổi bóng người đi chợ. Bà cãi rằng từ nhà bà ra chợ không qua cái vườn nào hết, chỉ đến thẳng cái ngã ba nhà bà lý Yêm. Tôi cãi bướng rằng chắc chắn bà phải đi qua vườn chè nhà ông nội tôi có cái cổng tre, còn có bụi chuối cau nữa rồi mới tới cái ngã ba nhà bà lý Yêm. Tôi còn pha trò rằng “Cháu vẫn thấy bà đi chợ ngang qua nhà ông nội cháu, có hôm bà bị mấy con chó rượt vất cả dép mà chạy” Tôi còn chê là bà già rồi, lẩm cẩm nên quên. Bà cứ khăng khăng “Tao ở đấy cả đời mà tao không biết à, mày con nít biết gì mà cãi” Tôi hỏi bà bây giờ còn nhớ đường về quê không. Bà khẳng khái “ Nhớ chứ! Dễ gì quên” rồi bà xụ mặt “Nhưng làm sao mà về bây giờ, không có tiền, không có ai liên lạc” hay đúng hơn là bà không biết liên lạc với ai. Cái ông con làm hiệu trưởng ở cái trường “cây xoài” gì ấy thì mơ hồ quá! Bà chẳng còn người thân nên chẳng ai cho bà đi đâu. Bà lại buồn và khóc tủi cho thân già bị hắt hủi. Rồi bà lại thôi không dám khóc nữa. Bà chợt nhớ và kể cho tôi về nguyên nhân của cái mắt sưng tím của bà. Cũng vì cái tội tủi thân lẩn thẩn hay khóc của bà mà người ta ngứa mắt phóng cho bà một cái bát vào mặt làm mắt bà sưng. Bà kể tội người ta như thế, xót xa và vô nhân như chuyện không thể xảy ra. Có lẽ bà lẩm cẩm thật nên nhớ gà ra vịt đấy thôi. Các nhân viên và hàng xóm của bà xác minh là bà bị ngã. Ai nỡ đâu đánh bà, kẻ cô thế cô thân, già cả và neo đơn. Nhưng bà thì cứ yên trí rằng người ta đánh bà, xử tệ với bà. Bà còn chửi  “Lũ chúng nó mất dạy lắm! chúng nó chẳng có cha mẹ nên chẳng ai dạy chúng nó phải lễ phép với người lớn.” Bà chửi người ta như chửi con mình vậy. Có lẽ tính đãng trí cũng làm bà chẳng còn phân biệt được ai là con bà, ai là những đứa mất dạy.
“Bà Bản cắt tóc xong chưa, đi lãnh cơm?” Con bé chạc mười bốn mười lăm ăn nói lếu láo. Như chợt nhận ra sự có mặt của tôi và những cái nhìn hằn học của bà Bản và mấy bà lão ngồi quanh đấy, nó hơi bối rối, vội chữa thẹn “Bà Bản hôm nay có đầu đẹp nhé!” “Đẹp cái tiên sư bố nhà mày, con nhà mất dạy! tao bằng này tuổi mà còn ham đẹp à!” Mấy bà khác cũng phụ họa “Con ranh ấy chỉ được cái giỏi hỗn”. Chẳng cần hỏi nhiều tôi cũng được thông tin đầy đủ về cái con Lượm “giỏi hỗn” ấy. Chẳng biết bố nó đâu, chỉ biết nó sống ở đây với mẹ từ hồi còn đỏ hỏn. Mẹ nó là nhân viên phục vụ, bởi thế, cậy hơi mẹ, nó thường xuyên lên mặt với các bà già. Nhiệm vụ của nó là mỗi ngày hai bữa đi các phòng quát các bà đi lãnh đồ ăn. Bà nào liệt không đi được hay bị mệt, nhờ nó lãnh cơm giùm phải “xì” ra cho nó mỗi lần như vậy hai ngàn. Cái khó ló cái khôn, bằng ấy tuổi mà nó đã biết làm kinh doanh, biết lợi dụng người khác và biết áp đặt thế mạnh lên kẻ yếu. Có người tự hỏi không biết nếu không có cái nhà toàn kẻ yếu này thì mẹ con nhà nó sẽ ở đâu và sẽ sống ra sao? Nó cứ vô tư làm tiền các bà lão. Vả lại, các bà lão suốt ngày ngồi yên một chỗ, không chi tiền cho con Lượm thì cũng đâu biết phải tiêu xài vào việc gì; ky cóp để rồi mang xuống lỗ à? Dành dụm để cho ai? Con Lượm và mẹ nó sống nhờ mấy bà như con phải nhờ mẹ mà sống vậy, chỉ khác một nỗi, mẹ miễn cưỡng nuôi con, đồng thời con bóc lột mẹ gần giống với quy luật của xã hội đen: xòng phẳng chung chi. Con Lượm ngổ ngáo như thế, hỗn xược như thế nhưng có dáng trẻ con, các bà già cũng cảm thấy bớt đơn côi. Dần dần nó như một hình ảnh khó phai trong cuộc đời các bà. Ngày ngày, thấy mặt nó là các bà rủa thầm, bị nó bóc lột các bà đay nghiến nó với đủ những lời cay cú. Nhưng mỗi khi vắng nó các bà cũng thấy vắng một chỗ trong lòng.
Nhiều lần rồi quen, để tranh thủ tình cảm của con Lượm, mỗi khi nhờ vả nó, mấy bà trả công cho nó. Một tương quan tiền bạc được thiết lập để bù lại các tương quan ruột thịt. Chỉ với vài ngàn lẻ, các bà có chỗ sai vặt, có chỗ nương dựa, tìm lại được phần nào an ủi nơi con cháu mà các bà đã bị cướp mất. Các bà muốn mua một đứa con, dăm ba đứa cháu. Nhìn con Lượm, cũng đã có lúc bà Bản mơ về đứa cháu nội của bà ở vùng quê xa mờ. Bà bâng quơ mơ mộng rằng có lẽ cái Thảo ấy bây giờ đã có đám dạm ngõ rồi và như vậy bà sắp được lên chức cố. Bà tự nhủ mình phải sống thêm vài năm nữa để có cháu cố, để có những giấc mơ đẹp về con đàn cháu đống, để mãn nguyện trong đơn côi…Rồi bà cứ lẫn lộn giữa hư và thực. Bà cũng chẳng biết bà đang vui hay đang buồn, đang tủi vì cô đơn hay đang vui vì hạnh phúc từ mơ tưởng. Cuộc đời trắng đen lẫn lộn quá. Những người còn minh mẫn tinh thông như đám trẻ mà còn bị mắc lừa trong mớ bòng bong ảo tưởng nữa huống chi là cái cõi chập chờn của đoạn cuối đường đời bà đang trải qua. Đôi khi bà Bản cũng muốn chết đi cho rảnh cái nợ đời côi cút. Nhưng bà lại tiếc dáng con Lượm, tiếc giấc mơ đẹp về cái đám dạm ngõ của cái Thảo. Ai bảo người già không tiếc đời? Nguyện ước của đời bà đã được thỏa mãn đâu mà vội chết cho uổng. Con Lượm dở người này, ngoài chợ đời, giá phẩm hạnh của nó chẳng đáng mớ rau. Nhưng các bà lại thèm có những mớ rau như nó cũng không được. Không biết vì các bà không con không cháu, hay bọn con cháu của các bà còn kém giá hơn cả bó rau? Với các bà, một hai ngàn lẻ mà mua chuộc được con Lượm là cái giá thật hời và cũng thật quý. Cái giá bèo như bọt bong bóng, chớp nhoáng rồi vỡ tan trong cơn tủi thân ngậm ngùi.
Nhớ cái Thảo, bà Bản lại nhớ đến mẹ nó, chị cả Hiếu, con dâu bà. Những tưởng có mụn dâu con, thêm cháu thêm chắt đời bà sẽ đầm ấm hơn. Nhưng từ khi bà rước chị ấy về, chưa một lần bà thấy nhẹ lòng. Cảnh mẹ chồng nàng dâu làm bà khổ. Chị Cả thường xuyên đay nghiến chồng chị, con trai bà Bản rằng chị không thể sống nổi với mẹ chồng khó tính. Rồi còn đủ thứ chuyện khác nữa…toàn những chuyện làm cho người già phải nghĩ ngợi và tủi thân. Bà Bản quyết định vào nam sống với ông con trai “trường xoài.” Rồi cũng chẳng biết làm sao mà bà lại vào ngôi nhà này. Người ta bảo rằng cũng chẳng cần một lý do xác đáng cho sự kiện bà Bản vào trại dưỡng lão, vì đó là sự kiện đang trở thành thời thượng của thời đại: người trẻ sống ngoài xã hội, còn người già thì sống trong trại dưỡng lão. Cũng có thể hiểu là người trẻ đang muốn sống bên lề xã hội, vì họ đâu muốn quan tâm đến các mối tương quan với người khác. Có vẻ người ta đang có xu hướng lạnh nhạt dần với các mối liên hệ nền tảng của xã hội. Bố mẹ chỉ cần thiết cho việc nuôi dạy con cái. Khi con cái đã tự lập được rồi thì tất nhiên việc nuôi dạy là không còn cần thiết nữa. Và bố mẹ nên vào trại dưỡng lão để sống những ngày yên phận như một món đồ cổ nằm trong kho, có dịp đưa ra ngắm gợi lại những kỷ niệm quá khứ cũng thấy được chút ít hạnh phúc.
Lúc mới vào trại, bà Bản cũng thấy tủi phận. Rồi cái nhịp sống đơn điệu có vẻ cũng dần dần hợp với bà. Bà chẳng còn làm phiền ai, bà tha hồ thỏa lòng tự ái, bà chẳng ăn bám đứa nào. Người già thì dễ tự ái mà. Bà sống một mình. Xã hội có hiếu với bà cũng làm bà thỏa lòng chút ít. Dường như bà đã trốn được một thực tại, một lối sống xô bồ mà ở đó, nề nếp gia phong chẳng còn cần mà làm gì. Nhưng bà chưa kịp vui vì thoát một thực tại đời phũ phàng thì một thực tại khác hà khắc hơn lại đến với bà: nỗi cô đơn và tủi thân. Không biết có phải vì tôi mê nhạc Trịnh quá nên mới thấy đời bà Bản như lời một bài hát của Trịnh Công Sơn: hạt bụi nào đã hóa kiếp thân bà để bà phải loanh quanh mãi với cái kiếp người này, để cả đời bà phải bôn ba tìm cuộc trở về với cát bụi. Nghịch lý đan xen tạo đám tơ vò cho đời, cho thời đại. Trong thời đại của chủ nghĩa cá nhân, con người ta như bị xé làm hai: một nửa dành cho các tương quan; nửa kia lôi kéo vào cuộc khoái lạc của một thứ tự do ích kỷ chỉ muốn làm phiền người khác mà không muốn ai quấy rầy mình. Bà Bản già rồi, còn sức đâu mà chiến đấu với ham muốn. Mà ham muốn của bà thì cứ như con nít ưng thì khóc, ưng thì cười, thích thì ăn, thích thì ngủ…truyền thống thì chẳng còn ý nghĩa gì nơi cái khung cảnh dưỡng lão. Bà chẳng còn sức để giữ gìn một truyền thống, chỉ biết đau lòng.
Có quá tán tận lương tâm khi đè lên vai bà lão hơn bảy chục tuổi này mọi sức nặng của nghịch lý ở đời không? Bà Bản ơi! Cố chịu đựng để con cháu nó được vui, chịu đựng để tích đức cho con cháu cũng là một lẽ phải đạo đấy. Hy sinh một đời để cho con cái nó mãn nguyện cũng là xứng đáng. Chỉ ngại rằng sự hy sinh rệu rạo già cả của bà sẽ là vô ích trong cái xó bị phần nhiều con người trên thế giới này lãng quên. Với cha mẹ, con cái là tất cả. Con cái quên cha mẹ là cả thế giới của cha mẹ trở nên vô nghĩa. Nhưng cũng phải đặt lại vấn đề, không biết những đứa trẻ mồ côi sẽ sống sao đây? Có thể chúng là những đứa mất dạy mà bà Bản từng chửi. Nhưng có khi hoàn cảnh của mấy đứa mất dạy chúng nó còn có phần thanh thản hơn hoàn cảnh dưỡng lão. Vì lẽ, chúng có thể chẳng khi nào bị rơi vào cảnh ngộ như mấy bà già dưỡng lão cũng như cảnh ngộ của bà Bản. Chúng chẳng có cha mẹ già để mà bỏ rơi, khỏi lo bị lương tâm cắn rứt. Đồng thời nếu vô phước mà sau này chúng rơi vào hoàn cảnh đơn côi thì chúng cũng chẳng có một ý niệm về quả báo mà trách cứ ai, vì chúng đâu có kinh nghiệm sống chữ hiếu nên cũng đâu có tư cách mà đòi hỏi người khác phải báo hiếu. Cái lập luận công bằng theo kiểu ngang phè không có tình người này nghe có vẻ cũng hợp lý.


 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9