Truyện kể về Cọp ở Nam Bộ
Leo* 20.02.2010 17:45:35 (permalink)
Truyện kể về cọp ở Nam Bộ

Tác giả : Huỳnh Ngọc Trảng (Nhà Đẹp)
Bài đã được xuất bản : 02/02/2010 14:58 GMT+7
"Cà Mau khỉ khọt trên lưng, /Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um" (Ca dao Nam bộ)

Trong hoàn cảnh của xứ Đồng Nai - Gia Định vào buổi đầu khai hoang, loài vật thường được nhắc đến nhiều nhất trong văn học dân gian là sấu và cọp (tức hổ), kế đó là rắn và muỗi. Sấu, cọp không chỉ ở Cà Mau mà ở miệt trên cũng có: "Dữ như cọp Vườn Trầu" (Hóc Môn, Gia Định), "Ác như sấu Vũng Gấm" (Phước An, Nhơn Trạch, Đồng Nai) và ở vùng đất giữa sông Tiền sông Hậu, trấn Vĩnh Thanh (nay bao gồm Bến Tre, Vĩnh Long, Sa Đéc...), sách Gia Định thành thông chí ghi nhận rằng: "Xứ này có nhiều sấu và cọp dữ"... Nói chung, tập hợp truyện kể về cọp ở Nam bộ không phải tự dưng mà có. Các câu chuyện này có gốc rễ từ thực tế lịch sử của công cuộc khai phá vùng đất phương nam, và là những sáng tác văn học dân gian, hiểu theo nghĩa chúng không chỉ dừng lại ở mức những mẩu ký ức lịch sử, mà được định hình theo những motif nhất định, trong cái thực có cái ảo - cái thực được ảo hoá thành truyện.
1. Motif Ông Cả Cọp là một motif phổ biến ở một số truyện kẻ dân gian từ miền đông đến miền tây Nam bộ. Truyện tồn tại như một phần tích, cắt nghĩa tập tục tôn cọp làm chức Hương Cả và lệ cấm kỵ không bầu cử bất cứ một người nào trong thôn làng nắm giữ chức vụ này. Theo đó, hàng năm (vào dịp cuối năm hay trước ngày tổ chức lễ Kỳ Yên đình làng), dân chúng tổ chức lễ Bầu Ông, bày một cái đầu heo và kèm theo một "tờ cử" (nội dung: cả làng cử cọp làm chức Hương Cả với nhiệm kỳ một năm) đặt trong một cái ống tre ở một địa điểm cố định nào đó. Tục truyền đêm ấy, cọp về ăn sạch cái đầu heo và đổi "tờ cử" cũ, nhận "tờ cử" mới đem vào rừng. Theo sự xác tín của dân chúng, nếu thôn làng có ngừơi nào cả gan đứng ra làm chức Hương Cả thì sẽ bị cọp vồ chết ngay.




Từ buổi đầu khai hoang, sự tương quan giữ con người và tự nhiên - nói riêng ở đay là giữa người và cọp - còn chưa nghiêng hẳn về bên nào. Do đó, những lưu dân tiền phong một mặt sợ cọp và mặt khác là phải diệt cọp để sống yên ở vùng đất mới, vì "rừng nào cọp nấy" làm chủ. Tình trạng phức tạp trong tâm thức của họ có tính chất bi kịch, do sự mâu thuẫn giữa đòi hỏi tất yếu của lịch sử và khả năng thực tế chưa đủ để thoả mãn những đòi hỏi ấy. Cụ thể là, do sợ cọp mà họ lập miếu thờ "Sơn quân chi thần", thờ "Chúa xứ sơn lâm", thờ "thần Hổ" và bầu cọp là Hương Cả của thôn làng. Do vậy, motif Ông Cả Cọp là một mẫu để dân gian được hình thành từ tâm thức tôn trọng "lề luật giang hồ": Tôi đến đây khai hoang lập nghiệp, nhưng tôi biết điều là "rừng nào cọp nấy" nên không dám "xưng hùng xưng bá". Tôi lập nghiệp ở đây, xin ông cứ làm Cả, làm chủ, chúng tôi chỉ dám là bậc dưới của ông mà thôi. Đó là tâm thức của lớp lưu dân đến vùng đất hoang vu đến nỗi "con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh".
2. Một quan niệm phổ biến nơi dân gian Nam bộ là người ta phân biệt hổ ra hai loại: "cọp" và "hạm". Cọp là loại hổ, mà theo sự xác tín, trên trán nó có chữ "Nhâm" đó là "hổ thần", không bao giờ ăn thịt người. Trong thực tế, phổ biến hơn hết, hổ thần được thờ là bạch hổ (cọp trắng). Truyện ông Tăng Chủ, đệ tử của Phật Thầy Tây an, đã nhờ bạch hổ đi trừ con hạm ở núi Bà Đội Om (An Giang) tiêu biểu cho quan niệm này. Hạm là từ dùng để chỉ những con hổ ăn thịt người, đó là thứ cọp đã thành ma quỷ, thành tinh. Người ta cũng cho rằng, cọp là chúa sơn lâm với khả năng nghe được tất cả những lời nói của dân chúng trong vùng, bất cứ ai nói lời xúc phạm đến cọp thì đều bị cọp trừng trị. Lại có một diều xác tín khác: cọp khi đã ăn thịt người nào đó, thì vong hồn của nạn nhân ấy lại bị cọp khống chế để trở thành "ma trành" có nhiệm vụ mách bảo những điều xấu tốt cho cọp, làm cho những con cọp này trở nên tinh quái đặc biệt. Mảng truyện kể về Cọp Ba Móng ở miền đông Nam Bộ hồi chín năm kháng chiến đều xác tín điều này. Nói cách khác, dân gian đã gán cho cọp những thuộc tính "siêu đẳng": hoặc thần thánh, hoặc ma quỷ. Và trong cuộc đối đầu giữa người và cọp, chỉ có hai cách ứng xử: thờ hoặc đánh.
Chuyện cử cọp làm Hương Cả là một cách biểu hiện của việc thờ cọp, còn việc đánh cọp thì có trong những mẩu chuyện vừa thực vừa hư. Sau đây là một chuyện rất đời: Sự tích Ông Bò - Ông Hứa.
Ông Bò dẫn gia đình đến khai hoang khoảng rừng nay thuộc Tân Cang - Phước Tân (Biên Hoà) nhưng năm nào ruộng rẫy của ông cũng bị cọp phá hoại. Năm nọ, trước khi cày cấy, ông Bò làm lễ cúng và hứa rằng nếu mùa gặt tốt đẹp thì ông sẽ tạ lễ cho cọp đứa con gái đương thì của mình. Quả nhiên, năm đó ruộng của ông không bị cọp phá nên bội thu. Như đã khấn hứa, ông dẫn con gái ra dâng cho cọp. Chúa cọp dẫn lũ cọp ra "nhận" lễ vật, vô phước gặp phả cô gái võ nghệ cao cường đánh chết cọp chúa và đuổi lũ cọp kia thục mạng vào rừng.
Chuyện kể rằng, sau hôm đó, ông Bò chở lúa đưa cả nhà bỏ ruộng ấy mà đi, không dám ở lại. Do sự tích này, mà vùng đất này có tên là "Ông Bò Ông Hứa" (về sau thành ra Ông Bò - Ông Hứa).
Sự tích Ông Bò - Ông Hứa khá giống với truyền thuyết về địa danh Mồ Thị Cư ở U Minh, khiến cho chuíng ta nhận ra rằng đây là motif có phần định hình trong truyện dân gian kể về cọp ở Nam bộ.
Thị Cư theo cha đến Kèo Một phá rừng và hứa đem mạng sống của mình cúng cho bầy cọp vốn hoành hành ở đó, với điều kiện là chúng để cho cha con cô yên ổn đến khi gặt vụ lúa đầu tiên. Đến hẹn, Thị Cư đã đánh hạ bày cọp thứ nhất, nhưng lũ cọp rừng bất chấp lời giao ước trước lúc thi đấu, ồ ạt kéo ra tấn công cha con Thị Cư. Trong lúc lo cứu cha, Thị Cư bị cọp vồ. Dân chúng tìm thấy cái đầu lâu của cô, đem về chôn. Vì sợ cọp trở lại bới móc, người ta dùng gốc cây to dằn trên mộ, và rồi khi đi qua đó, ai cũng bỏ thêm một cục đất nên ngôi mộ thành gò đất lơn. Từ đó, có tên "Mồ Thị Cư" và vùng đất ở đó được định danh là "Xóm Ngang Mồ".
3. Kết quả điều tra thực tế cho thấy, đến nay tập tục Bầu Ông vẫn còn duy trì trong chương trình lễ cúng Kỳ Yên ở đình làng tại một số thôn xã, mặc dù, ở các làng từng có tập tục bầu cọp làm Hương Cả đã bỏ điều kiêng kỵ này từ đầu thế kỷ 20. Tất nhiên, sự phá lệ cũ này không có nghĩa là đến thời điểm đó, người ta mới đánh cọp, diệt cọp. Sách Gia Định thành thông chí (biên soạn vào đầu thế kỷ 19), khi viết về trấn Vĩnh Thanh, có cho biết: "trẻ con, đàn bà cầm dao cắt cỏ và đòn xóc cũng bắt được hổ".
Thư tịch Hán Nôm có chép truyện nhà sư Tăng Ân và Trí Năng đánh cọp ở chợ Tân Kiểng (nay thuộc quận 1, TP. HCM) vào năm 1771, hoặc truyện Tăng Ngộ hồi đầu thế kỷ 19 ở Thanh Ba (Cần Giuộc, Long An): "Ở trong xóm có con đường từ đông sang tây, bị bùn lầy, cây cỏ sầm uất, hùm beo ra vô thường hại người... Ông phát tâm thề nguyện, một mình đồn chặt cây gai, đắp bằng đường đi về nam dài 200 trượng, đường đi về tây dài 250 trượng dư. Ban ngày ông làm việc, hoặc có cọp cũng cúi đầu mà đi qua không hề xâm phạm" (Đại nam nhất thống chí).
Truyện Tăng Ân cho chúng ta thấy vào thời đó, ngay cả nhà sư cũng dấn thân vào việc diệt cọp để giúp đời. Có thể coi truyện này là ví dụ tiêu biểu cho những tập hợp những câu chuyện đánh cọp mà chúng ta thường bắt gặp ở khắp các địa phương Nam Bộ. Ở đây thường là những mẩu ký ức được thế nhân truyền tụng như một sự kiện lịch sử. Chiếm một số lượng ít hơn là các truyện kể về những người đánh cọp tài ba đến nỗi hễ cọp chỉ nhe tiếng nói, ngửi thấy mùi mồ hôi, hoặc nghe tên của người ấy là lánh mặt ngay. Truyện ông Gốc (Bến Tre) là một ví dụ: dân làng hay mượn cái áo cũ của ông đem treo chỗ họ làm việc để doạ cọp. Biến dạng của loại truyện này là những truyện có tính huyền hoặc về người đánh cọp đã hấp thu được "tướng tinh của chúa cọp" nên từ đó, ông ta thành chủ của bọn cọp. Truyện ông Yến (Bến Tre) sai cọp chở ông đi chợ, đi ăn giỗ và cấm chúng không được hại người là một ví dụ.
Truyện Tăng Ngộ lại được ảo hoá dưới sự định hướng của quan niệm "thiên nhân tương ứng", mà cụ thể là những người đạo cao đức trọng thì thú dữ và quỷ thần cũng đều quy phục (Đạo cao: long hổ phục, đức trọng: quỷ thần kinh). Nói tóm lại, cùng là chuyện khuất phục cọp, nhưng có hai kiểu: hoặc người diệt cọp bằng võ nghệ, hoặc do phẩm chất đạo đức của người ấy mà cọp không dám làm hại. Biến dạng của loại này là các chuyện kể về việc cọp nhường hang đá của mình cho các thiền sư làm chỗ tu hành (Sự tích hang ông Hổ ở núi Chơn Tiên, Bà Rịa), hoặc cọp thường chầu hầu nghe các thiền sư tụng kinh mỗi đêm rằm ngươn (ở Đá Chồng, Định Quán, ở Vũng Tàu...).
4. Nói chung, trong tập hợp truyện kể về cọp, xuất hiện khá nhiều motif được khuôn đúc theo cách "nhân nghĩa hoá" cọp.
Phổ biến là motif Bà Mụ Trời - bà mụ đỡ đẻ cho cọp. Nội dung cơ bản của các tuyện này đều giống nhau và chỉ khác tên người và địa điểm xảy ra câu chuyện: Bà mụ X, ở tại làng Y nọ là một người có tài đỡ đẻ. Một hôm nọ, bà mở cửa đi ra ngoài thì bị cọp đực bắt bỏ lên lưng, chạy vào rừng. Sau khi trấn tĩnh, bà thấy cọp cái đang chuyển bụng sanh, rên la dữ dội. Bà hiểu chuyện là cọp muốn mình đỡ đẻ cho. Bà giúp cọp cái đẻ con. Xong việc, cọp đực chờ đêm tối cõng bà về nhà. Đêm hôm sau, cọp đem đến một con heo rừng đã bẻ gãy bốn giò để tạ ơn bà.
Dù được coi là truyền thuyết, nhưng truyện thuộc motif này luôn được kể như một sự kiện xác thực, không phải do lời xác tín của người kể, mà biểu hiện ở tính chất chỉ định về tên người và địa điểm xảy ra. Và cái "hậu" của câu chuyện đượm tính chất ngụ ngôn, mà bao trùm lên đó vẫn là quan niệm "thiên nhân tương ứng" - đặc biệt nhấn mạnh đến y đức của bà mụ và tinh thần trọn ân nghĩa của cọp.
Khác với truyện Bà Mụ Trời, loại truyện như "Nghĩa hổ" lại rất hiếm. Truyện này kể về một con cọp được tú tài họ Võ ở Bến Tre, hay vợ chồng thuyền chài ở cù lao Ông Hổ (An Giang) nuôi, cọp biết hiếu đễ như người con trưởng trong gia đình. Đến hôm họ qua đời, cọp ra mộ kêu rống thảm thiết, rồi đập đầu mà chết hay bỏ đi vào rừng và luôn trở về viếng mộ ân nhân vào ngày giỗ hằng năm.
Câu chuyện cọp nuôi trở thành con cọp tốt trên đây hầu như hiếm thấy ở Nam Bộ. Cùng đề tài này, nhưng có truyện lại dẫn đến kết thúc bi kịch: Cọp được chủ giao cho việc giữ đăng (hay giữ xa) và đêm nọ đứa con (hay cháu) của chủ ra giở đó lấy cá thì cọp tưởng kẻ trộm cá, liền vật chết. Thế là bị chủ nhà đánh đuổi vào rừng (truyện Ông Thống Sô ở Cần Đước, Long An) hoặc bị chủ nhà trói chân không cho ra khỏi nhà. Một dị bản của truyện Cọp Ba Móng ở Đồng Nai kể rằng, con cọp nuôi ấy đã cắn dứt khuỷu chân bị cột rồi vào rừng. Đó là con cọp ba móng (ba chân) hung dữ mà hồi chín năm kháng chiến chống Pháp đã ăn thịt không biết bao nhiêu người ở miền đông Nam bộ. Mãi về sau, vệ quốc đoàn mới giết được nó.
Nói chung, truyện kể về cọp ở Nam bộ là một tập thành đa dạng. Nội dung của chúng là sự pha trộn giữ các yếu tố thực và các yếu tố ảo, không chỉ phản ánh các kỳ tích lớn lao của công cuộc khẩn hoang, mà còn chứa đựng các tâm chất của lớp người đi mở cõi - chủ đạo là tinh thần trọng nghĩa. Chúng nói về cuộc đấu tranh để tồn tại, và cũng biểu lộ lời giải đáp cho câu hỏi: tồn tại như thế nào?
Trong các câu chuyện lịch sử thế tục đó, lại dung chứa những giá trị về đạo lý.
Người Nam bộ thường gọi hổ là cọp.
#1
    Leo* 20.02.2010 17:56:00 (permalink)
    Truyền thuyết về ông Ba mươi và tục thờ thần Hổ
     
    Trong tiếng Việt, từ vựng chỉ hổ thật phong phú. Ngoài hổ (Vào hang hổ; Thả hổ về rừng) còn có cọp (Cọp tha ma bắt), hùm (Vuốt râu hùm; Miệng hùm nọc rắn), dần (Tuổi Dần con cọp gớm ghê…), khái (Chưa qua truông đã trật lọ cho khái), kễnh (Mèo tha miếng thịt xôn xao, kễnh tha con lợn thì nào thấy chi), mun, vằn…

    Tại sao người ta phải gọi hổ bằng nhiều tên khác nhau như vậy? Chắc là vì sợ, nên kiêng. Trong buổi đầu khai hoang mở đất, hổ là một trong những lực lượng thiên nhiên hoang dã mà lưu dân phải đối chọi hàng ngày. Hổ không những khoẻ mạnh, hung dữ mà còn tinh khôn, nhanh nhẹn vô cùng, cứ thoắt hiện thoắt biến, rất khó đối phó. Người xưa sợ hổ, tôn thờ hổ, ví hổ như thần, không dám gọi đích danh vì sợ “phạm húy”. Lúc nào cũng gọi hổ bằng “Ông” hoặc “Ngài” một cách kính cẩn: Ông Dần, Ông Thầy, Ông Cả…






    Tượng hổ bằng gốm Bát Tràng có niên đại thời Lê (Cảnh Hưng) - Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Nguồn ảnh: Wikipedia)
    Theo truyền thuyết, lúc chúa Nguyễn bị nhà Tây Sơn truy lùng, đuổi giết, gặp hoàn cảnh ngặt nghèo, hết cả lương thực. May nhờ có thịt thú rừng do hổ tha tới tiếp tế mỗi ngày. Về sau, khi lên ngôi vua, Gia Long đã ban lệnh lập miếu thờ tại vùng Mô Xoài thuộc tỉnh Bà Rịa để tạ ơn, dân gian thường gọi là Miếu Ông Hổ. Tục truyền, vua ban lệnh cấm giết hổ. Nếu kẻ nào lỡ tay giết chết hổ thì bị phạt ba mươi trượng. Còn nếu bắt sống thì được thưởng ba mươi quan tiền. Cũng vì lệ này mà hổ còn được gọi là Ông Ba Mươi.
    Theo quan niệm dân gian, Hổ là vị “Chúa Sơn Lâm”, cai quản vùng rừng núi. Hầu hết ở các đình, đền, am, miếu trên khắp nước ta đều có bàn thờ hoặc miếu thờ Thần Hổ, với bài vị trang trọng “Sơn quân chi thần”, “Sơn quân mãnh hổ”, “Sơn lâm chúa xứ”, “Sơn lâm đại tướng quân”... Trên các án phong trấn cửa đình thường trang trí bằng hình mãnh hổ trông rất oai vệ. Miếu của Thần Hổ nằm bên phải nền thờ Thần Nông. Xem vậy Thần Hổ còn trên Thần Nông một bực, vì bên hữu có nghĩa là bên trên, bên tả có nghĩa là bên dưới. Cúng Thần Nông một con heo trắng (heo giết, cạo sạch lông, để nguyên con không quay) thì Thần Hổ, là Ông Cả (trong mười hai hương chức hội tề, ông Cả là đứng đầu), cũng phải cúng một con heo trắng.
     
     






    Ngũ Hổ - chạm gỗ thế kỷ XVIII (sưu tập cá nhân của Bùi Hoài Mai)
     
    Trong điện thờ Mẫu, bàn thờ thần Ngũ Hổ ở hạ ban, phía trên có hình tượng đôi Bạch Xà vắt ngang. Theo tín ngưỡng đạo Mẫu, Hổ là vị chúa cai quản vùng rừng núi, còn Rắn (Ông Lốt) là thần ở nơi sông nuớc. Hình tuợng Hổ là biểu tượng cho sức mạnh thiêng liêng, có thể trừ diệt ma tà, trấn giữ các phương, là thần linh canh cửa ở các ngôi đền. Trong các bàn thờ gia đình thì tầng trên thờ Phật, tầng dưới thờ Ngũ Hổ. Có gia đình thờ năm ông, có gia đình chỉ thờ một ông (tùy theo mạng vận của gia chủ thuộc hành nào trong Ngũ Hành mà thờ Ông Ba Mươi có màu sắc của hành đó, hoặc hành tương sinh với bản mệnh của gia chủ). Vào những ngày Rằm, mùng Một, ngoài hương hoa, oản chuối, các cụ còn cúng một miếng thịt heo sống trên bàn thờ Ông Ba Mươi một cách tôn kính. Lại có tục lệ là vào ngày mùng ba Tết, sau khi cúng đưa ông bà xong, người ta thường dán trước cửa nhà mảnh giấy hồng điều có hình cọp với lòng tin là Ông Ba Mươi sẽ trấn giữ không cho những thứ xui xẻo vào nhà, phù hộ cho gia trạch bình an…
    Các cụ cao tuổi còn kể rằng, xưa có xã ở lẫn bên rừng, hàng năm cứ đến chiều Ba mươi Tết là họp kỳ lão trong làng, lập giấy cử cho cọp làm lý trưởng. Họ biện xôi, rượu, làm thịt một con lợn đặt trên mâm, trên để tờ giấy ghi rõ là nhất trí cử cọp làm lý trưởng của làng. Thế là trong cả năm ấy, dân làng ai vào rừng kiếm củi, đào khoai mài, lấy củ nâu hễ nghe tiếng cây cối rung động, đều kêu to lên: “Ông lý trưởng ơi ông lý, tôi là người trong làng đây, đừng có lầm”. Hoặc có khi họ kiếm được lâm sản chất đống trong rừng, không kịp đưa về, cũng hô lớn: “Đây là của người làng, nhờ ông lý canh hộ đừng cho ai lấy trộm”. Vậy mà kết quả rất kỳ lạ. Cả năm, dân làng không ai bị cọp vồ. Có lần, có người khác đến lấy trộm củi, cọp đuổi cho bỏ chạy. Lại có lúc, ruộng nương ven núi bị khỉ phá phách, chức dịch trong làng trèo lên cây cao nói to: “Bọn khỉ ra ngắt lúa, làm hại ruộng nương của dân, ông lý không biết hay sao mà để chúng tác quái như vậy?”. Thế là ngày hôm sau, thế nào dân làng cũng thấy vài ba khỉ chết ở bờ ruộng. Tai hoạ mùa màng nhờ thế mà cũng tránh khỏi.






    Một con cọp bị quan quân bắt - Ảnh: Bưu thiếp cổ Đông Dương

    Ở thôn Phú Lộc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa xưa có Văn Miếu trấn Bình Hòa thờ đức Khổng Tử. Miếu khởi lập vào năm Gia Long thứ hai (1803). Bên cạnh miếu, dưới gốc một cây cổ thụ, có bàn thờ Chúa Sơn Lâm, tức là Cọp. Mỗi lần tế miếu, dân làng đều đem một tợ thịt heo ba sườn ra đặt nơi bàn thờ. Truyền rằng hễ tế xong thì cọp đến tha thịt đi. Lại có lắm đêm cọp về nằm ngủ nơi bàn thờ. Ngủ đã giấc rồi đi chớ không bao giờ làm hại đến người hoặc súc vật. Từ ngày bỏ cúng tế theo cổ tục, cọp không về nữa.
    TIẾNG ĐỒN CỌP KHÁNH HÒA
    Khánh Hòa ngày xưa nổi tiếng về cọp. Chẳng thế mà phương ngôn có câu: “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận” đánh dấu một vùng đất cực Nam Trung bộ còn đầy vẻ hoang sơ, rậm rạp và nhiều ác thú của buổi đầu khai phá.
    Người ta giải thích rằng ở tỉnh Khánh Hoà lưu truyền câu ấy là vì vùng này có lắm cọp. Kể ra cũng đúng nhưng chưa đúng hẳn. Thiếu gì nơi có cọp, mà cũng là cọp dữ, chứ riêng gì ở Khánh Hoà. Trong tác phẩm “Non nước Khánh Hòa”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư có kể lại một giai thoại như sau: Hồi chúa Nguyễn xây dựng cơ nghiệp trong Nam, vùng Biên Hòa có hai vợ chồng ông Trịnh và bà Thị Vải sống trong rừng núi. Ông Trịnh có sức khoẻ, lại sống lâu ở chốn sơn lâm, nên được làm quen với… cọp! Có con cọp già quấn quít, thân thiện với vợ chồng ông như người trong nhà. Trong quá trình mở mang đất đai, khai phá non sâu rừng rậm, chúa Nguyễn phải đối phó với nhiều lực lượng phe phái. Có những tin tức cho biết rằng vợ chồng ông Trịnh cũng là người thuộc phe chống đối. Quân Nguyễn tìm cách lùng bắt, cuối cùng bắt được ông Trịnh giải về Nha Trang và kết án tử hình.
    Bà vợ ông được tin, suốt ngày than khóc nhưng chỉ biết tâm sự với cọp già kia thôi. Cọp ta hiểu biết sự tình, liền gọi cả họ hàng cọp ở trong rừng ra, kéo xuống pháp trường để giải cứu cho ông Trịnh. Nhưng bầy cọp vừa đến nơi, thì đầu ông Trịnh đã bị đao phủ chém lìa khỏi cổ. Cả bầy cọp thất vọng chạy nhớn nhác lung tung, gầm thét vang trời. Chúng lồng lên phá phách làm cho cả quân lính và dân chúng bỏ chạy toán loạn, tìm lối thoát thân. Mãi đến xế chiều, pháp trường chỉ còn là bãi trống tan hoang, cọp mới chịu rút về núi. Cái tin bầy cọp đại náo pháp trường từ đó truyền đi làm cho ai nghe cũng rùng mình sởn gáy. Tiếng “Cọp Khánh Hoà” lan rộng là vì thế.
    Nói vậy chứ cọp dữ đất Khánh Hòa xưa nhiều thật chứ không chỉ là lời đồn đại. Bằng chứng còn được ghi nhận không ít trong sách vở cũng như trong các câu chuyện truyền khẩu của dân gian.
    Ở huyện Cam Lâm có núi Diễn Sơn, xưa nổi tiếng rất nhiều cọp, lại ở gần đường cái nên ngày xưa khách bộ hành thường gặp tai nạn bị cọp vồ. Người ta kể lại rằng, ngày xưa ở núi này có một con cọp đầu đàn, sống trên trăm năm. Nó chỉ có ba chân lành, còn chân trước bị què, nhưng khỏe mạnh hung dữ vô cùng. Cọp hay xuống các làng quanh vùng bắt người và súc vật, gây sự lo sợ hoang mang cho dân chúng. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” của Sử quán triều Nguyễn, năm Đinh Tỵ (1797) quan Trấn thủ Thành Diên Khánh là Nguyễn Văn Thành mật cầu với Bà Chúa Ngọc (tức Thiên Y Thánh Mẫu), xin Bà giúp trừ nạn cọp để tránh mối họa cho lương dân thì sẽ lập đền thờ phụng. Quả nhiên vài ngày sau quan quân bắt giết được con mãnh hổ. Từ đó người dân quanh vùng được sống yên ổn, không còn sợ nạn cọp vồ nữa. Quan Trấn thủ bèn lập đền thờ Bà Thiên Y dưới chân núi, gần ga Cây Cầy, gọi là đền Diễn Sơn. Ngày xưa, hàng năm quan đầu tỉnh phải sửa lễ tới đó cúng tế rất trang nghiêm.
    Mấy chục năm về trước, trên Quốc lộ 1A đoạn từ khu vực thôn Vạn Thiện, xã Ninh Đa, huyện Ninh Hòa, ở lưng chừng đèo Bánh Ít, người đi đường còn thấy một ngôi miếu cổ thờ gương người đàn bà dũng cảm đã từng xả thân đánh cọp cứu chồng. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, tên bà là Huỳnh Thị Nghĩa, người huyện Quảng Phước, hàng ngày đi cùng chồng vào núi hái củi. Chẳng may người chồng bị cọp vồ, căm giận quá bà lấy cây đòn xóc làm vũ khí quyết đấu với cọp. Cuộc chiến đấu ác liệt khiến cả hai vợ chồng bà và con cọp đều bị thiệt mạng. Tiếng đồn người liệt nữ vang ra tới kinh đô. Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) vua ban thưởng và cho lập miếu thờ, gọi là miếu Song Linh hay miếu Bà (nhưng hồi đó, dân làng vì quá sợ cọp nên gọi là miếu Ông Hổ). Về sau do mở rộng đường quốc lộ nên miếu được dân sở tại dời đến gò đất cao ngay cạnh đình làng.
    Đặc biệt ở Khánh Hoà có loài cọp mun. Tương truyền loài cọp này thường tu theo các chùa hoặc tu trong các hang động. Trong tác phẩm biên khảo “Xứ Trầm hương”, nhà thơ Quách Tấn có kể lại câu chuyện về đôi cọp mun tại Thiên Đức Tự - một danh lam thuộc xã Ninh Hải (khu vực Hòn Khói, huyện Ninh Hòa). Chùa lập năm Minh Mạng nguyên niên (1820). Tổ khai sơn là Hoà Thượng Liễu Đức, pháp hiệu Huệ Giáo. Người đương thời gọi ngài là Hoà Thượng Đò (gọi như vậy là vì trong vùng có một bến đò, qua lại phải chờ đợi rất bất tiện. Hòa thượng bèn ra công bắc cầu. Không biết lấy gì đền ơn cho xứng đáng, người địa phương ghi công đức trên bia miệng bằng mấy chữ bình dân: Hòa Thượng Đò).
    Đạo hạnh của Hòa Thượng rất cao. Chẳng những người đời ngưỡng mộ mà cả đến thú vật cũng qui y. Truyền rằng ngọn đồi Bình Tây xưa kia có nhiều cây cối. Trong rừng có đôi cọp mun thường xuống đồng bằng phá quấy lương dân. Nhưng từ ngày Hòa Thượng đến tu trì thì đôi cọp trở nên hiền hậu.
    Muốn sớm về Tịnh Độ, Hòa Thượng thiết hoả đàn trà tì. Nhưng khi ngài bước lên đàn thì đôi cọp mun nhảy đến cõng ngài ra khỏi lửa. Biết rằng pháp duyên chưa viên mãn, Hoà Thượng tiếp tục hoằng pháp độ sinh tu hành cho đến ngày viên tịch.
    GIẢY BỘ HỔ
    Thuở ấy, Thành Diên Khánh hùng cứ trên một khu vực còn rất hoang sơ. Các xã phụ lũy chung quanh Thành chỉ mới lèo tèo dăm ba chục nóc nhà. Khỏi cửa tiền hai cây số, chưa đến bến Cầu Lùng, cọp vẫn kéo về đợi mồi ở các mô đất cao miễu đất Thổ Sơn ngã lên Gò Đình làng Phú Mỹ cũ. Đội quân tượng của tỉnh trong khung cảnh gần như giang sơn riêng của chúng, hằng ngày vẫn dẫn nhau, vừa tuần phòng, vừa nhởn nhơ tập tiến thoái ở đầm voi tập trận - một bãi lầy sông Đồng Đen trước miễu Cây Me, hoặc lội qua sông tập ở khu đất mả voi làng Phú Lộc.
    Ngày ấy, Ông Ba Mươi thường len lỏi về các làng xã tận vùng đồng bằng để bắt heo, bò. Trời sáng nhanh, đường vào rừng thì xa, lôi heo bò đi không kịp, con vật ăn trộm hung dữ cõng con mồi ẩn mình trong các ruộng mía rậm. Người ta lần theo vết máu, biết ngay kẻ trộm đang ở đâu.
    Chỉ giây phút sau, ngay tại Thành tiếng trống thúc gọi lính đã nổi lên rộn rã. Cuộc tập họp “giảy bộ hổ” - tức là đi săn cọp về làng - bắt đầu. Lúc ấy trong đội quân tượng có con voi Thanh rất tinh khôn. Nó được triều đình phong chức tước đàng hoàng, dẫn đầu đoàn voi phục vụ đắc lực cho việc “giảy bộ hổ” của tỉnh. Một khắc sau, lính tỉnh đã nai nịt cung tên, giáo mác dẫn đầu, voi Thanh đi kế tiếp, sau đó đến voi Kỳ, voi Chản. Dân chúng hồ hởi kéo nhau theo xem hỗ trợ. Mọi người rất phấn khích, vừa hồi hộp sợ cọp lại vừa ỷ số đông, không bỏ lỡ dịp may hiếm có này mà đi coi cho mãn nhãn. Theo tiếng trống mõ, “giảy bộ hổ” qua làng, qua đồi, qua mương... đến ruộng mía. Đoàn người đang bủa vây ruộng mía vội vẹt tránh ra một khoảng vào khá rộng. Trống mõ im tiếng để lệnh nài hô lên voi nghe cho rõ. Voi Thanh đứng giữa, voi Kỳ bên phải và voi Chản bên trái. Kế đến là tua tủa gươm giáo của các quân lính và những người đi săn vốn đã học thành thạo các thế võ đánh hổ. Theo tiếng lệnh của quản tượng, họ tiến lên thành hình một chữ A, mũi nhọn của chữ A là voi Thanh. Nó lập tức vươn vòi nhổ một ôm mía rất lớn, cuộn chặt vòi đưa cao bó mía lên như một loại vũ khí. Kỳ và Chản làm y rập theo “anh cả”. Đội hình tiến lên độ mười thước theo dấu mía bị đổ ngã thì y như rằng, một tiếng gầm đinh tai nhức óc từ chỗ mía rậm phát ra làm mọi người sởn gai óc. Ai nấy chưa kịp định thần thì, thoắt một cái, một khối vàng dện rằn ri nhảy đánh vút đến ngang tầm đầu voi Thanh. Nhưng cọp chưa kịp chạm đến đầu voi. Bó mía của đại lực sĩ Thanh đập một đòn như trời giáng hoàn toàn trúng đích làm cọp văng lùi đến 3 thước. Chưa có thương tích gì cả, một bó mía thì nhằm nhò gì đến chúa sơn lâm kia chứ. Chỉ hơi choáng váng, nhưng chính trong cái tích tắc để kịp lấy tỉnh táo lại đó cọp bị luôn hai đòn mía của hai phó tướng Kỳ và Chản, hai đòn này đúng y chiêu thức cùng nội lực của anh cả. Lần này thì thấm đòn. Bậc võ sư chỉ qua lại đôi đòn là đã biết ngay tình thế. Mãnh hổ đành thua tam tượng. Cọp thu hết sức lực phóng vọt lên cao về một bên để phá vây. Nhưng con người đã tính trước, các vuốt cọp dính vào mắt lưới và lưới quằn sụp xuống chụp lên thân cọp. Đang vướng víu lồng lộn gào thét vang động không gian thì một lưỡi giáo sắc lẻm đã chiếu đúng yết hầu đâm thẳng xuống. Người ta xúm lại trụ bộ “xuống tấn” ghịt chặt cán giáo...
    Không hề liếc mắt nhìn thêm xác kẻ thù hung dữ đang nằm sóng soài, voi Thanh bươn bả quay về Thành. Một phần thưởng lớn, một bữa tiệc khao quân đang chờ nó. Khác với thực đơn thường ngày chỉ có các gánh cỏ và thân chuối cây, lần này người ta bày biện cho “tướng soái” và “phụ tá” của “Ngài” những bó mía mây vàng óng, mượt mà, những giỏ trái thơm và một máng gỗ đầy nước dừa tươi vừa bổ quả ra có lẫn những khoanh cơm dừa trắng tươi và giòn tan. Voi Thanh ăn rất ung dung, nhẩn nha, chốc chốc lại nghịch ngợm đưa vòi đẩy nhẹ vào bụng lũ trẻ đang thích thú bao quanh xem rất thèm thuồng.
    CON SÂU RÂU CỌP
    Khoảng năm 1950, một tờ báo hằng ngày ở Sài Gòn, tờ Sài Gòn Mới, đăng tin tại vùng nông thôn tỉnh Khánh Hòa có người làm thuốc độc hại người, bằng cách lấy cứt của một loại sâu lạ, phơi khô, tán thành bột, dùng đầu móng tay chấm bột đó vào trái cây. Họ đến các chợ, ghé vào dãy gánh trái cây giả vờ lựa mua rồi thừa dịp bấm đầu ngón tay có thuốc bột đó vào trái ổi, xoài, mận, vú sữa, đu đủ chín, thanh long… Ai ăn nhằm nhiều trái cây kể trên có thể chết ngay, ăn ít thì bị ho dữ dội dây dưa lâu ngày rồi cũng chết, chỉ có thuốc “giải” của người làm chất độc bào chế mới trị dứt chứng ho được.
    Con sâu lạ đó là “con sâu râu cọp”. Họ lấy râu mép của cọp cắm vào mụt măng tre một thời gian sanh ra con sâu. Đầu tiên họ để nó trong cái ảng nhỏ, dần dần lớn lên thay đổi bằng khạp 10 lít nước rồi khạp lớn 40 lít nước, cuối cùng là cái lu 100 lít nước. Con sâu lớn bằng bắp chân, mình đầy lông dài.
    Cứt sâu phơi khô tán thành bột, dùng đầu móng tay chấm và bấm vào các thứ trái cây không có vỏ cứng hoăc lén bỏ vào khạp nước của người khác. Ỏ thôn quê nhà nào cũng có khạp nhỏ đựng nước ngọt để trước hiên, người nhà dùng và cho người qua đường uống giải khát.
    Họ chế thuốc giải độc, đưa cho người tin cẩn bán đắt tiền, không ai biết họ là tác giả. Chỉ có thuốc giải độc của họ mới trị dứt chứng ho.
    Sau cùng tác giả bài báo viết, chánh quyền cần lưu ý điều tra và có biện pháp chấm dứt hành động thất đức kể trên.
    Theo lời nhà nghiên cứu đã quá cố Lê Quang Nghiêm (tác giả công trình biên khảo “Tục thờ cúng của ngư phủ lưới đăng Khánh Hòa”), sinh thời bạn của cụ là ông Nguyễn Giác, người ở thôn Hà Thanh, xã Ninh Đa, huyện Ninh Hoà có kể lại câu chuyện như sau:
    Cách nay lối trên 90 năm, tại phía bắc giữa lưng chừng đèo Bánh Ít có gia đình vợ chồng nông dân và đứa con trai lối 12 tuổi. Năm đó với số tiền dành dụm mấy năm, họ thuê một toán thợ mộc cất nhà. Thợ mộc đến ở tại chỗ và chủ phải bao ăn uống cho đến khi xong việc.
    Trong thời gian thợ dựng nhà, thỉnh thoảng vài ba ngày chủ nhà làm con gà lớn đãi ăn, nhưng lần nào cũng vậy chỉ dọn lên vài dĩa nhỏ lối nửa con gà. Thợ lấy làm lạ không biết số thịt gà còn lại để làm gì mà không thấy vợ chồng chủ nhà ăn. Thắc mắc của họ được giải toả nhân một hôm vợ chồng chủ nhà có việc phải đi vắng một buổi. Đám thợ để ý lúc gần trưa thấy con trai của chủ nhà xách một gói bao bọc kỹ, ngó trước ngó sau rồi đi ra phía chân đèo sau nhà. Hai người thợ lén theo sau đứng rình. Thằng bé đến gần một gốc cây lớn khuất sau một hòn đá, cúi xuống kéo tấm mê tre trên phủ đầy lá khô qua một bên, rồi dở nắp miệng hầm nhỏ trút gói đồ xuống và đậy nắp lại.
    Hai người thợ liền chặn thằng bé lại hỏi thì nó ú ớ không nói ra lời, mặt nó tái mét. Dỡ nắp hầm ra, nhìn thấy một con vật lớn bằng con heo con, mình đầy lông, đang ăn thịt gà sống của thằng bé vừa trút xuống.
    Họ báo tin cho thợ trong nhà ra xem, biết đó là con sâu râu Cọp của vợ chồng chủ nhà nuôi để làm thuốc hại người, một việc làm vô nhân đạo mà chính quyền cấm.
    Đám thợ lấy nước sôi đổ xuống hầm giết con sâu, một mặt cho người đến báo cáo với Phủ Bình Khang (huyện Ninh Hoà ngày nay). Khi lính phủ đến bắt con vật lên thì đó chính là con sâu râu cọp thật to gần bằng bắp chân, mình đầy lông dài.
    Vợ chồng chủ nhà bị bắt. Với tang chứng rành rành không chối cãi được, phủ Bình Khang kết án người chồng mấy năm tù.
     
    TÀI LIỆU THAM KHẢO:
    - Nguyễn Đình Tư, Non nước Khánh Hòa, Sông Lam xuất bản, Sài Gòn 1969
    - Quách Tấn, Xứ Trầm Hương, Lá Bối xuất bản, Sài Gòn 1970
    - Phạm Phú Viết - Võ Nhân, Tìm hiểu Văn Miếu Diên Khánh, Tư liệu lưu hành nội bộ, 2001
    - Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Tranh dân gian Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, 2008
     






    Lá bùa trừ tà (Trừ tà trị bệnh; Trấn trạch bình an) - hình vẽ trong tác phẩm La Technique du Peuple Annamite (Kỹ thuật của người An Nam) của Henry Oger (1908)

    Nguồn: Viettems.com
    Tác giả: Nguyễn Man Nhiên

     
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9