Học đại học có phải con đường vinh quang nhất?
hoangtrongmuon 23.02.2010 14:23:06 (permalink)
HỌC ĐẠI HỌC CÓ PHẢI LÀ CON ĐƯỜNG VINH QUANG NHẤT?

Tùy bút
 
Ít có nước nào trên thế giới, tư tưởng sính bằng cấp, coi trọng bằng cấp lại nặng nề như ở nước ta. Người ta thường khoe nhau học vị của mình khi làm quen và mọi người, gần như ngay lập tức tỏ ra ngưỡng mộ, trọng vọng khi biết người trước mặt mình là cử nhân, kỹ sư hay có bằng cấp cao hơn, dù chẳng quen biết và chẳng hiểu năng lực thực sự của người đó như thế nào. Điều đó không xấu, nhưng vô hình trung, lâu nay, nó trở thành một trào lưu, một thứ mốt học vị khá tốn kém, thậm chí còn trở thành một rào cản sự phát triển của xã hội, khi mà người ta đánh giá đẳng cấp của một gia đình thường dựa vào số người học đại học (ĐH) của gia đình đó. Vì vậy, dù giàu hay nghèo, thậm chí là vay nợ thì nhà nào cũng muốn con mình phải vào bằng được ĐH, và học sinh (HS) nào tốt nghiệp Trung học phổ thông xong, dù chưa "đọc thông viết thạo", dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, dù chưa biết những ngành nghề mình lựa chọn sau này có xin được việc làm hay không, vẫn đua nhau nộp hồ sơ dự thi vào mấy trường ĐH. Điều đó làm cho những kỳ tuyển sinh ĐH trở thành một gánh nặng, một nỗi lo cho toàn xã hội. Chưa nói đến hệ lụy của nó, chỉ cần nhìn vào thực trạng chọn nghề, chọn trường, không ít người có trách nhiệm đã phải giật mình lo lắng vì sự thiếu hiểu biết, thiếu cân nhắc của HS và gia đình các em, cũng như thiếu hẳn vai trò định hướng, hướng nghiệp của nhà trường, của xã hội đối với tương lai của thế hệ trẻ. Điều đó cũng làm cho nhiều HS phải lãng phí về tiền của, phung phí về thời gian, cũng như phải sống trong ảo tưởng suốt nhiều năm trời.


Ở các nước tiên tiến, HS được hướng nghiệp rất kỹ càng, chu đáo ở mọi nơi, mọi lúc, nhưng ở nước ta, phải thừa nhận rằng, ngay cả các thầy cô giáo cũng rất ít người có khả năng hướng nghiệp, bởi họ ít quan tâm đến sự phát triển chung của xã hội, cũng như chưa có được một tầm nhìn, một khả năng đánh giá, phân tích tình hình nghề nghiệp và việc làm trong một xã hội đang phát triển và thay đổi từng ngày như hiện nay. Nhiều HS sau khi đỗ ĐH cũng đã nhận ra sự sai lầm của mình, nhưng vì đã mất nhiều thời gian và tiền của nên ngại thay đổi, không dám thay đổi, đánh chấp nhận đi tiếp cho hết con đường mình đã chọn sai, rồi sau đó, cầm tấm bằng trên tay, không biết sẽ sử dụng vào việc gì. Nhưng do sĩ diện, nhiều người sau đó đã cố bám trụ lại thành phố, làm đủ thứ việc, từ gia sư, tiếp thị, rửa bát thuê, đến bơm vá xe đạp..., nói chung là thượng vàng hạ cám để có đủ tiền thuê nhà trọ, sống tằn tiện và mỗi tháng gửi về quê mấy trăm nghìn, với những lời nói dối ngọt ngào là đang làm trong liên doanh, có vị trí quan trọng, có thu nhập cao, có cơ hội thăng tiến lớn...

Nhiều người khác thì lại ngộ nhận về trình độ của mình, nên thà "nằm chờ" chứ không chịu về làm việc ở quê, ở những vùng sâu vùng xa và cũng không chịu làm những công việc có thu nhập không cao, dù chẳng biết sẽ chờ đợi đến bao giờ. Nhiều người đành phải chấp nhận làm trái nghề và không bao giờ sử dụng đến những kiến thức mà mình đã phải mất bao nhiêu thời gian và tiền của mới có được. Những người không có bản lĩnh bám trụ thành phố thì đành phải "muối mặt" về quê, tiếp tục ăn bám gia đình và chấp nhận làm một lao động... phổ thông. Chỉ cần nhìn vào thực trạng đó, chúng ta dễ dàng nhận ra sự lãng phí về tiền của, công sức và thời gian trong việc đào tạo nghề, và trào lưu chạy đua vào ĐH đang biến nhiều gia đình ở nông thôn thành những "con nợ", không bao giờ có thể ngóc đầu lên được chỉ vì ước mơ đổi đời từ tấm bằng ĐH.

Khi đặt bút ghi vào hồ sơ dự thi ĐH, rất ít HS tự hỏi bản thân mình: "Học để làm gì?". Câu hỏi tưởng chừng như tối nghĩa và hết sức vớ vẩn ấy lại cực kỳ quan trọng và rất nghiêm túc, bởi nếu có trả lời được câu hỏi đó, mới xác định được mục đích của việc lựa chọn. Ở những nước phát triển, HS luôn tự ý thức được mục đích chọn nghề nên tham gia rất tích cực vào các diễn đàn hướng nghiệp và trước khi trả lời những câu hỏi như: "thi vào trường nào", "nghề nào cần cho tương lai"... thì bao giờ họ cũng phải tự trả lời cho bằng được câu hỏi: "thi và học ĐH để làm gì?". Đó chính là việc xác định mục đích học tập cho tương lai, cho sự thành đạt và phát triển. Chỉ khi nào xác định được mục đích học tập thì mới có thể lựa chọn chính xác nghề nghiệp và mới có thể tạo ra cho mình cơ hội việc làm khi ra trường. Đó cũng chính là mục đích phấn đấu trong suốt cuộc đời của mỗi con người.

Thế nhưng, ở nước ta, không chỉ HS, mà ngay cả sinh viên (SV) sắp tốt nghiệp ra trường, có hỏi họ: "Học ĐH để làm gì?", hầu hết là không trả lời được, hay chỉ trả lời một cách chung chung, mơ hồ. Cũng có nhiều người đã xác định được mục đích học tập nhưng thường thì đó là những mục đích không thiết thực. Có người học ĐH chỉ vì muốn có được một tấm bằng, để được xếp vào một vị trí nào đó đã chờ sẵn. Tất nhiên, với mục đích này, họ ít có động cơ để phấn đấu học tập. Số này thực sự không có nhiều vì không phải gia đình nào cũng đủ khả năng để làm điều đó. Có người học ĐH lại chỉ vì muốn được mở mày mở mặt với thiên hạ, được vênh vang với dòng họ, được lên mặt với làng xóm nên vào trường nào cũng tốt, và hiện nay thì điều đó là rất dễ dàng khi có quá nhiều trường ĐH được mở. Đáng buồn hơn là phần lớn những người học ĐH lại chẳng biết mình học để làm gì, có nghĩa là họ không xác định mục đích của việc học ngay từ đầu, mà chỉ nghĩ đơn giản rằng: chỉ có học ĐH, họ mới có cơ hội để thoát khỏi nghèo khổ, cơ cực, mới có thể thay đổi cuộc đời bằng những công việc ổn định, nhàn nhã nhưng thu nhập lại cao. Vì thế, khi đăng ký dự thi, họ cứ chọn đại một trường nào đó cho dễ đỗ, sau đó học xong rồi tính tiếp. Nhưng có tính tiếp được thì cũng phải mất thêm nhiều thời gian và tiền của nữa để học thêm những ngành nghề khác, để quan hệ và để...

Trong một xã hội hiện đại, cơ hội việc làm và thành đạt chỉ dành cho những người năng động, có bản lĩnh và trình độ, năng lực thực sự. Có bằng cấp mà không có năng lực thực sự thì cũng rất khó tìm được việc làm, chứ nói gì đến thành đạt. Điều này thì mọi người đều có thể dễ dàng nhìn thấy, vì ở xung quanh chúng ta, ở các làng quê có khá nhiều người học xong ĐH lại trở về làm một lao động phổ thông, làm những công việc chẳng cần đến trình độ ĐH, chẳng cần phải mất nhiều công sức, thời gian và tiền của đến thế để "mài đũng quần" trên ghế giảng đường. Ngược lại, có rất nhiều người nổi tiếng, thành đạt, là ông chủ, bà chủ nhưng có cần phải học qua trường lớp nào đâu, thậm chí còn chưa học hết phổ thông. Vậy mà mọi người đều kính trọng và nể phục vì sự đóng góp của họ cho xã hội, vì sự tài giỏi của họ và vì cả bằng cấp mà sau này họ đã cố gắng tự học để hoàn thiện mình trong quá trình làm việc.

Rất nhiều người khi cầm tấm bằng ĐH đi gõ hết cửa này đến cửa khác, không xin được việc làm, mới nhận ra tấm bằng của mình cũng không quan trọng lắm và trình độ của mình cũng chẳng ăn thua gì sau mấy năm dùi mài kinh sử. Trong cơ chế thị trường, khi mà sức lao động được trao đổi sòng phẳng như một loại hàng hoá, thì chất lượng của hàng hóa sức lao động được đánh giá, được trao đổi dựa trên giá trị sử dụng (khả năng thực sự), chứ không theo giá trị hàng hóa chung chung và cũng không theo mẫu mã, hình thức (bằng cấp) của hàng hoá.

Thử làm một vài phép tính đơn giản xem, để có được một tấm bằng ĐH, phải đầu tư những gì? Nhìn thấy rõ nhất là tiền của. Vào được một trường ĐH, mỗi HS phải mất khoảng từ 5 đến 10 triệu đồng cho việc ôn luyện, mua sắm tài liệu, lệ phí dự thi, chi phí đi lại, ăn ở trong những ngày thi. Những người thi nhiều năm mới đỗ thì con số này còn nhiều hơn rất nhiều lần. Theo học ĐH từ 4 đến 5 năm, với mức học phí, mua sắm tài liệu, thuê nhà trọ, đi lại, ăn mặc... như hiện nay, thì trung bình mỗi tháng, mỗi SV mất khoảng 1,5 đến 1,8 triệu đồng và một năm, mất khoảng 15 đến 18 triệu đồng. Như vậy, sau 4 đến 5 năm theo học, ít nhất, mỗi SV phải mất khoảng 80 triệu đồng, tính cả chi phí đi thực tế, thực tập, làm đồ án hoặc luận văn tốt nghiệp và nhiều chi phí khác nữa. Cộng cả chi phí ôn luyện và đi thi khoảng 5 đến 10 triệu đồng nữa, cùng với tỉ lệ trượt giá của đồng tiền theo lãi suất vay ngân hàng, thì để có một tấm bằng ĐH, chi phí tối thiểu mất khoảng 100 triệu đồng, cùng với số tiền gần tương đương mà Nhà nước phải đầu tư đào tạo. Học ĐH Dân lập hay những trường liên quan đến nghệ thuật, những trường ĐH ở rất xa gia đình, thì chi phí cho một HS còn nhiều hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, đó lại chưa phải là tổng chi phí cho việc học tập tại một trường ĐH, vì ngoài chi phí thực tế khoảng 100 triệu đồng như trên, còn phải tính đến nhiều chi phí khác nữa, trong đó, quan trọng nhất là chi phí cơ hội dành cho những người biết tận dụng khoảng thời gian từ 4 đến 5 năm đó để đi làm. Nếu tốt nghiệp THPT xong, không thi ĐH mà đi làm ngay trong các khu công nghiệp, các công việc về dịch vụ..., khá dễ kiếm việc làm, với mức thu nhập hiện nay, ít nhất cũng được từ 7 đến 8 trăm nghìn/tháng. Như vậy, mỗi năm sẽ kiếm được khoảng 9 triệu đồng và 4 đến 5 năm, sẽ kiếm được khoảng 40 triệu đồng. Những người giỏi giang và chịu khó thì thu nhập con cao hơn gấp nhiều lần.

Như vậy, học ĐH không những không làm ra được tối thiểu khoảng 40 triệu đồng, lại tiêu mất khoảng 100 triệu đồng, trong khi đi làm ngay, không những không phải tiêu mất 100 triệu đồng, mà còn kiếm được ít nhất là 40 triệu đồng. Cộng cả hai khoản này lại thì số tiền đầu tư cho một tấm bằng ĐH hiện nay, ít nhất là 140 triệu đồng. Đấy là chưa tính đến những chi phí khác để có thể biến tấm bằng ĐH thành chiếc "cần câu cơm", vì trên thực tế, có nhiều tấm bằng, mặc dù được đầu tư quá tốn kém về thời gian và tiền bạc như thế, vẫn phải nằm mốc meo trong tủ, do chủ nhân của nó không xin được việc làm.

Với những gia đình nghèo, gia đình ở nông thôn, phải đi vay mượn với lãi mẹ đẻ lãi con, nhất là vay vàng như hiện nay, thì trả được số tiền này không hề đơn giản. Hơn nữa, khi cầm được tấm bằng trên tay cùng hai bàn tay trắng và nỗi lo tìm việc làm, thì những người theo học nghề, học Trung cấp, hoặc đi làm ngay lại đang yên tâm với công việc, có thu nhập ổn định và đã có được sự tích luỹ. Thậm chí cơ hội thăng tiến của họ còn cao hơn những người vừa tốt nghiệp ĐH, vì họ đã có nhiều năm gắn bó với công việc, được chủ sử dụng tin yêu và nhiều người trong số họ cũng đang vừa làm vừa theo học ĐH theo hình thức giáo dục từ xa hoặc theo tín chỉ và cũng sẽ có được một tấm bằng ĐH có giá trị tương đương. Với lại, để có việc làm, nhiều người học ĐH xong còn phải đào tạo lại, phải học thêm nhiều, mất thêm rất nhiều thời gian, công sức và tiền của nữa mới đáp ứng được yêu cầu của công việc, trong khi những người vừa làm vừa học sẽ có kỹ năng thực hành cao hơn vì được cọ sát thực tế liên tục, lại được học đúng ngành nghề nên dễ thành đạt hơn và cũng không phải mất nhiều chi phí cho việc học.

Nói như thế, không có nghĩa là không cần học ĐH, mà hơn bao giờ hết, học ĐH là thực sự cần thiết và không thể thiếu trong một xã hội hiện đại. Tuy nhiên, việc học ĐH là để lấy tri thức, để rèn luyện kỹ năng và nâng cao trình độ chuyên môn, chứ không phải vì bằng cấp. Cho nên, đó là việc lâu dài, thậm chí cả đời người, giống như nhà tỷ phú thế giới Bill Gate đến khi sắp nghỉ hưu mới thi được bằng ĐH, chứ không phải là ngay lập tức sau khi tốt nghiệp THPT. Ở các nước tiên tiến, người ta vẫn thường đi làm, rồi sau đó mới tính chuyện vừa làm, vừa học. Vì thế, chúng ta cũng không nên giữ mãi tư tưởng: "Phải học ĐH", hay "học luôn một thể" rồi mới đi làm, mà hoàn toàn có thể học hỏi theo họ. Như thế, vừa không mất nhiều tiền của cho học tập, vừa nâng cao được kỹ năng thực hành, lại vừa giảm được áp lực thi cử cho xã hội.

Chỉ khi nào, mọi người hiểu được rằng: học ĐH không phải là con đường vinh quang nhất, duy nhất để vào đời và cũng không phải là việc phải làm bằng được, phải làm ngay lập tức, thì áp lực thi cử, cũng như sự lãng phí trong việc thi và học ĐH mới được hạn chế và cải thiện.

Hoàng Trọng Muôn
(In trên Tạp chí Sông Châu của Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam, số 66, ra tháng 12-2007)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9