Lãng Hồ - HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA, LÃNH THỔ VIỆT NAM
lyenson 16.03.2010 22:20:36 (permalink)

Vài lời của Nguyễn Xuân Diện:
Thưa chư vị, Trung Quốc đã cướp mất Hoàng Sa của chúng ta. Tổ tiên chúng ta chắc cũng đang rất đau lòng, và đang dõi theo tất cả chúng ta trong quyết tâm giành lại Hoàng Sa. Đồng bào cả nước và kiều bào ta trên khắp năm châu cũng đang đầy lo âu và tự cảm thấy có lỗi lớn với tổ tiên. Giới trí thức yêu nước già cũng như trẻ đang gác lại việc đàn ca ngâm vịnh hay các thú vui tinh thần tao nhã để bày tỏ tấm lòng của mình đối với đất nước, đối với tổ tiên bằng những việc làm rất cụ thể. Trong ý nghĩa ấy, chúng tôi muốn tự tay đánh máy và giới thiệu tại Blog này toàn văn 350 trang của Tập san Sử Địa số 29 - Đặc Khảo về Hoàng Sa & Trường Sa, xuất bản tại Saigon quý 1 năm 1975. May mắn thay, sau khi ngỏ lời, tôi được anh em bên Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa cung cấp file điện tử toàn bộ cuốn sách. Tuy nhiên, phần chữ Hán chữ Nôm thì chưa được đánh máy trong suốt văn bản. Tôi bèn thuê người điền chữ Hán Nôm (một công việc rất tỷ mỉ và công phu) vào văn bản được cung cấp và công bố tại đây để phổ biến rộng đến tất cả những ai quan tâm đến vấn đề này. Khi trích dẫn sử dụng, mong quý vị đối chiếu lại với bản gốc (in giấy, hoặc bản PDF - có trên internet để được thực sự chính xác). Tôi xin cám ơn!

Nguồn: Blog Nguyễn Xuân Diện

Sau khi xâm chiếm đảo Phú Lâm trong nhóm Tuyên Đức ngay từ năm 1950, ngày 20 tháng giêng 1974, Trung Cộng lại huy động Hải Lục Không quân đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa được họ mệnh danh là Tây Sa quần đảo.
Cũng như lần trước cách đây 24 năm, thực hiện xong mưu đồ bằng vũ lực, Trung Cộng mới bắt đầu lên tiếng thanh minh, hầu đem lại đôi chút chính nghĩa cho cái hành động xâm lược của mình . Những luận cứ đã được đưa ra hoặc một cách trực tiếp bằng lời tuyên bố vắn tắt của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng, hoặc một cách gián tiếp qua những bài chi tiết hơn đăng tải trong các tờ báo mà thái độ vô tư rất đáng ngờ gồm có đủ loại từ lời vu khống vô căn cứ cho đến những chứng cứ được gọi là chứng cứ lịch sử.

Bài tham luận này viết riêng cho độc giả Tập San Sử Địa sẽ không đề cập tới những khía cạnh khác như kinh tế, chính trị, công pháp, quốc tế, v.v… mà chỉ chú trọng đặc biệt đến bối cảnh lịch sử của hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa vốn là những lãnh thổ lâu đời của dân tộc Việt Nam mà thôi.

Những chứng cứ đã được mệnh danh là chứng cứ lịch sử đã từng được viện ra hòng biện minh cho chủ quyền của Trung Cộng trên hai quần đảo nói trên của Việt Nam đã thấy đăng tải trong những tờ báo như Nhân Dân Nhật báo 人 民 日 報 (5-6-1956, Quang Minh Nhật báo 光 明 日 報 7-6-1956, Học Thời sự 學時 事 của Văn Hối báo 文 匯 報 biên soạn và ấn hành số 2 năm 1974, Thất thập niên đại Nguyệt San 七十 年 代 月 刊 những số tháng 3 và tháng 4-1974, v.v…Đại để nội dung của các bài liên quan không có khác nhau mấy nhưng chi tiết hơn cả là bài của ông Tề Tân 齊 辛 nhan đề 南海 諸 島 的 主 權 與 西 沙 群 島 之 戰 “Nam Hải chư đảo đích chủ quyền dữ Tây Sa quần đảo chi chiến”. Thấy đăng tải trong Thất thập niên Đại Nguyệt san số ra tháng 3-1974. Do lẽ đó bài này sẽ trích dẫn bài trên nhiều nhất trong khi lập luận về bối cảnh lịch sử của hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Theo ông Tề Tân, sớm về đời Đông Hán đã thấy chép như sau trong cuốn Dị Vật Chí 異 物 志 của Dương Phu 揚孚 : “Ở vùng hiểm nguy đảo Hải Nam nước biển không sâu mà có nhiều từ thạch khiến những chiếc thuyền lớn của người ngoại quốc có đóng chốt sắt, tới nơi đó vì có chất từ thạch nên không qua được”.[海 南 岐 頭 、 水 淺 而 多 磁 石 、 徼 外 人 乘 大 舶 、 皆 以 錢 葉 銅 之 、 至 此 關 、 以 磁 石 不 得 過 。 ] (揚 孚 、 交 洲 異 物 志). Theo ông Tề Tân đó là chỉ vào quần đảo Tây Sa của Trung Quốc.

Vẫn theo ông này, thì vào đời Nam Bắc triều trong bài Vu thành phú 蕪城 賦 của Bảo Chiếu 鮑 照 có câu: 南 馳 蒼 梧 漲 海 、 北 走 紫 塞 雁 門 “Nam kì Thương Ngô Trướng Hải, Bắc Tẩu Tử Tái Nhạn Môn”. Ý nói rằng từ phía cực Nam đến phía cực Bắc nước Tàu. Lại nữa danh từ Trướng Hải bao quát biển Nam Hải lẫn các đảo ở đó.

Ngoài mấy chứng cứ trên, ông Tề Tân lại viện dẫn những chứng cứ sau đây lấy trong sử sách Tàu chép về những đời Đường, Tống , Nguyên, Minh và Thanh.
Trong cuốn Chư Phiên Chí 諸 番 誌 của Triệu Nhữ Quát 趙 汝 适 có chép rằng về đời Đường, niên hiệu Trinh Nguyên 貞 元 năm thứ năm ( Công Nguyên 789 )Trung Quốc đặt Đốc Phủ ở Quỳnh Sơn và ở phía Đông Hải Nam có Thiên Lý Trường Sa 千 里 長 沙 và Vạn Lý Thạch Sàng 萬 里 石 床 ( có lẽ là thạch đường 石 塘) và khỏi đó là biển cả mênh mông, trời biển một màu, tàu bè qua lại phải dùng kim chỉ nam và ngày đêm phải giũ gìn cẩn thận nếu không lỡ ra có thể nguy hại cho tính mạng. Theo ông Tề Tân , Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Sàng nói đến trong câu trên là những quần đảo trên biển Nam Hải của Trung Quốc.

Trong cuốn : Tống Sử Kỷ Sự Bản Mạt 宋史 紀 事 本 末 quyển 188 chương I nhan đề Nhị Vương Chi Lập 王 之 立 có chép như sau:”Nguyên tướng Lưu Sâm 劉 琛 tấn công nhà vua ở Vịnh Thiền ( Thiển Loan)淺 灣 Trương Thế Kiệt 張 世傑 đánh không lại, phò tá nhà vua chạy đi núi Tú ( Tú Sơn) 秀 山 đến vụng tỉnh ( Tỉnh Áo) 井 澳, nhà vua chạy ra eo biển Tạ Nữ (Tạ Nữ Hiệp) 謝 女 峽 rồi ra biển đến Thất Lý Dương 七 里 洋 có ý muốn qua Chiêm Thành, nhưng không xong”.[元 將 劉 琛 攻 帝 於 淺 灣 、 張 世 傑 戰 不 利 、 奉 帝 走 秀 山 、 至 井 澳 。 。 。 元 襲 劉 琛 井 澳 、 帝 奔 謝 女 峽 、 復 入 海 、 至 七 里 洋 、 欲 往 占 城 不 果。 ] (宗 史 紀 事 本 末 、 卷 一 百 八 [二 王 之 立] 一 章 。 ). Theo ông Tề Tân, Thất Lý Dương tức là Tây Sa quần đảo.

Trong Nguyên Sử 元 史 quyển 162 có Truyện Sử Bật 史 弼 傳 trong đó có chép rằng về đời Nguyên niên hiệu Chí Nguyên 至 元. Năm 29 (Công Nguyên 1292) tháng chạp, Sử Bật cùng với 5000 người họp quân xuất phát đi Tuyền Châu 泉 州 (lúc đó gió to sóng mạnh thuyền bè tròng trành , sĩ tốt mấy ngày không an uống được, qua khỏi Thất Châu Dương, Vạn Lý Thạch Đường tới địa giới của Giao Chỉ và Chiêm Thành) . 元 至 元 二 十 九 年 十 二 月 、 史 弼 以 五 千 人 、 合 諸 軍 、 發 泉 州 、 風 急 濤 湧 、 舟 掀 簸 、 士卒 皆 數 日 不 能 食 、 過 七 洲 洋 、 萬 里 石 塘 、 歷 交 趾 占 城 界 。 (元 史 第 一 六 二 卷 史 弼 傳 。). Thất Châu Dương, Vạn Lý Thạch Đường theo ông Tề Tân là chỉ Tây Sa và Nam Sa quần đảo.
Về đời Minh, có Mao Nguyên Nghi 茅 元 儀 soạn sách Vũ Bị Chí 武 備 志 trong đó có chép rằng đời Minh từ năm thứ ba niên hiệu Vĩnh Lạc 永 樂 ,đến năm thứ năm niên hiệu Tuyên Đức 宣 德 (Công Nguyên 1405 đến 1433 ) Trịnh Hòa 鄭 和 bẩy lần xuống Tây Dương đã từng qua Vạn Lý Thạch đường.Vạn Lý Thạch đường tức là Nam Sa quần đảo, trên quần đảo này nơi cao nhất đã đào bới được thứ tiền đồng niên hiệu Vĩnh Lạc. Theo ông Tề Tân , điều này chứng tỏ cách đây hơn năm trăm năm, đã có người Trung Quốc trú cư ở đó rồi. Lại nữa, cho tới ngày nay, trong Tây Sa quần đảo và Nam Sa quần đảo vẫn còn giữ lại những danh xưng Tuyên Đức quần đảo và Vĩnh Lạc quần đảo.
Đời Thanh Niên hiệu Quang Tự năm 28 (Công Nguyên 1904) tháng tư, Chính Phủ nhà Thanh có phái Thủy sư Đề Đốc là Lý Chuẩn 李 隼 điều khiển ba chiếc quân ham Phục Ba tới các đảo trên biển Nam Hải điều tra tình hình và thượng cờ Hoàng Long trên đó và cả bia đá nữa .
Những sự kiện này cũng có thấy có chép trong những cuốn Hải Quốc Kiến Văn Lục 海 國 見 聞 錄 và Lý Chuẩn Tuần Hải Ký 李 隼 巡 海 記. Đến niên hiệu Tuyên Thống năm thứ ba (1911) ở tỉnh Quảng Đông có xuất bản một cuốn địa đồ trong đó có nêu rõ các đảo trên biền Nam Hải là một bộ phận tỉnh Quảng Đông Trung Quốc.
Ông Tề Tân lại dẫn chứng đảo Y- Tu A-Ba mà nay Trung Cộng đặt tên cho là Thái Bình đảolà phiên âm của Thổ ngữ dân Quỳnh Nhai thuộc Hải Nam.
Sau hết ông Tề Tân đã trích dẫn câu sau trong bản Tục Hiệp Nghị Trung Pháp Việt Nam điều tra về việc phân định địa giới như sau﹕
元 東 界 務 經 兩 國 勘 界 大 臣 勘 定 邊 界 之 外 芒 街 以 東 、 及 東 北 一 帶 、 所 有 未 定 之 處 、 均 歸 中國 管 轄 。
“Quảng Đông giới vụ kinh lưỡng quốc khảm giới đại thần khảm định biên giới chỉ ngoại. Mang Nhai Dĩ Đông cập Đông Bắc Nhất Đới sỡ hữu vị định chi xứ quân qui Trung Quốc quản hạt".
Theo ông Tề Tân căn cứ vào hiệp nghị đó thì các đảo trên biển Nam Hải (hay Đông Hải), gồm cả Tây Sa lẫn Nam Sa quần đảo đều thuộc về Trung Quốc vì lẽ các quần đảo đó đều ở xa về phía Đông giới tuyến như được quy định bên trên .
Dựa vào những dữ kiện trên, mà tác giả coi là những chứng cứ lịch sử, tác giả kết luận rằng những quần đảo Tây Sa và Nam Sa cổ lai vẫn thuộc về Trung Quốc như đã được ghi chép một cách không dứt từ mãi đời Hán đến đời Thanh .
Kế tới tác giả lại tóm lược như sau những luận cứ mà tác giả cho là của Việt Nam Cộng Hòa đã đưa ra để chứng minh cho chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Tây Sa và Nam Sa:
1)Vào đầu thế kỷ thứ 19 vua An Nam ( sic) phái Hải Quân tới khai phát quần đảo Parcels (sic).
2)Sau đó khoảng những năm 1920-1930 nước Pháp đã phái những phái đoàn khoa học tới đó, đồng thời xác nhận địa phương đó thuộc Pháp .
3) Từ năm 1932 đến nay vẫn có quân đội Nam Việt đồn trú ở đó và thiết lập đài khí tượng .
4) Lại nữa về năm 1951, tại hội nghị Cựu Kim Sơn, đại biểu Nam Việt (sic) đã xác nhận chủ quyền đối với các đảo dư bị tranh chấp đó mà không có sự dị nghị gì cả đối với lời xác nhận trên .
Theo tác giả những luận cứ trên không sao đứng vững được, là vì những lý do sau :
a) Mãi tới đầu thế kỷ thứ 19 vua An Nam(sic) mới phái Hải Quân tới quần đảo Tây Sa nhưng Trung Quốc từ trước thế kỷ thứ 14 đã từng có ngư dân sinh sống ở đó .
b) Hồi trước đệ nhị Thế giới Đại chiến, một số đảo dư thuộc quần đảo Tây Sa đã tưng bị Pháp xâm chiếm, sau đó lại bị Nhật Bản chiếm cứ, nhưng sau khi đệ nhị Thế giới Đại chiến kết thúc, quần đảo Tây Sa cùng các đảo khác trên biển Nam Hải đã được Chinh Phủ Trung Quốc đương thời tiếp thu rồi .
c) Nhà đương cục Nam Việt viện lẽ rằng năm 1952 đã có quân đội Nam Việt hoạt động tại đó, nhưng điều đó không thể có được, vì vào lúc đó chưa có Nam Việt .
d) Tại hội nghị Cựu Kim Sơn, sở dĩ Trung Cộng không đưa ra lời dị nghị nào là vì Trung Cộng không tham dự hội nghị đó. Tuy nhiên , ngày rằm tháng tám 1951, Chu an Lai lúc đó làm Ngoại Trưởng của Trung Cộng đã có lên tiếng thanh minh về bản thảo án Hòa ước của Mỹ-Anh đối với Nhật Bản, và cả về hội nghị Cựu Kim Sơn nữa, đồng thời lại nhấn mạnh rằng quần đảo Tây Sa và đảo Nam Uy 南 威, cũng như quần đảo Nam Sa, Đông Sa đều thuộc về lãnh thổ Trung Quốc.Vậy hiển nhiên là vào thời đó Trung Cộng đã có lên tiếng khang nghị. Còn như việc Pháp đã từng xâm chiếm những đảo dư trên và việc Nhật Bản hồi Đệ nhị Thế chiến đã chiếm cứ những đảo dư đó, đều là những hành vi phi pháp cả. Vả lại chính phủ Trung Quốc thời đó đã tức thời đưa ra lời kháng nghị Pháp.Việc nước Pháp xâm chiếm trong một thời gian ngắn chưa đầy mười năm, không phải là một lý do chính đáng để cho Nam Việt kế thừa Pháp, nhất là những đảo dư trên đã bị Nhật chiếm cứ một thời gían đã được Trung Quốc tiếp thu sau khi Đệ nhị Thế giới Đại chiến kết thúc .
Sau hết tác giả bài về chủ quyền những đảo trên biên Nam Hải và trận giao chiến ở quần đảo Tây Sa lại dẫn ra bằng chứng chủ quyền Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa và Nam Sa , một số bản đồ của Anh, Mỹ, Nga, và Ý đã phát hành vào những năm 1953 đến 1973.
Bên trên là những chứng cứ lịch sử đã được dẫn ra để biện minh cho chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà chúng tôi đã trình bày hết sức chi tiết và xác thực. Dưới đây chúng tôi cũng sẽ chỉ giới hạn trong phạm vi lịch sử để hết sức khách quan và vô tư xem xét những chứng cứ đó, mặc dầu hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa từ lâu đời vẫn và sẽ mãi thuộc về lãnh thổ Việt Nam, bất chấp cuộc xâm lăng mới đây của Trung Cộng.
Ông Tề Tân đã trích dẫn một câu có liên quan đến quần đảo Tây sa của Trung quốc, theo ông đã thấy trong cuốn Dị Vật Chí của Dương Phu sớm về đời Đông Hán. Đành rằng câu đó có nói tới quần đảo người Việt Nam thường gọi là quần đảo Hoàng Sa mà người Tàu gọi là Tây Sa quần đảo nhưng không có chi tiết nào ở đó xác nhận là của Trung Quốc cả .Trái lại có vài điểm đủ chứng tỏ quần đảo đó thuộc lãnh thổ cố hữu của Việt Nam . Trước hết cuốn Dị Vật Chí của Dương Phu không phải là một tác phẩm đời Đông Hán . Theo Đường Thư Nghệ văn chí, cuốn đó có nhan đề đầy đủ là Giao Châu Di Vật Chí và là một tác phẩm đời Đường. Do hai chữ Giao Châu và do ý nghĩa của nhan đề ( Dị Vật Chí), quần đảo được miêu tả với đặc tính là có nhiểu từ thạch chính là quần đảo Hoàng sa của Giao Châu, tức là của Việt Nam đời đường vậy? Những người Ngoại quốc cưỡi thuyền lớn có đóng chốt sắt được nói tới trong câu trích dẫn, tất nhiên không phải là người Giao Châu, nhưng phải là những thương nhân ngoại quốc, người Ả Rập, người Ấn Độ hay người Trung Quốc.

#1
    lyenson 16.03.2010 22:27:50 (permalink)
    Dù cho có sách nào khác sớm chép từ đời Đông Hán về những sự việc đã dẫn trên, thì quần đảo Hoàng Sa vẫn được coi là thuộc chủ quyền cố hữu của dân tộc Việt Nam .Thực thế, ngay từ lâu, trước thời Đông Hán, vùng Quảng Đông gồm cả đảo Hải Nam đã thuộc bờ cõi Việt Nam rồi. Theo sử sách Việt Nam cũng như sử sách Trung quốc, năm 214 trước Công Nguyên, Tần Thủy Hoàng sai tướng Đồ Thư đem quân sang đánh lấy Bách Việt, rồi chia đất Bách Việt và đất Âu Lạc ra làm ba quận Nam Hải,Quế Lâm và Tượng Quận.Người bản xứ ở nước Bách Việt không chịu được người Tàu cai trị, đã trốn vào rừng, ở đó ít lâu rồi nổi lên giết được Đồ Thư. Năm 208, Triệu Đà đem quân đánh lấy Âu Lạc, sáp nhập nước này vào quận Nam Hải để thành lập thành nước Nam Việt; đóng đô ở Phiên Ngung, gần thành Quảng Châu bây giờ. Năm III trước Công Nguyên, vua Vũ Đế nhà Hán sai Lộ Bác Đức sang đánh lấy nước Nam Việt, rồi cải ra là Giao Chỉ bộ trong đó có hai quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam bây giờ), xem vậy Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam về địa lý cũng như về nhân chủng không hề thuộc Trung quốc trước đời Tần .
    Đến cả câu phú của Bảo Chiếu của đời Nam Bắc triều cũng không có gì ám chỉ tới chủ quyền của Trung quốc đối với các hòn đảo trên biển Nam Hải kể cả quần đảo Hoàng sa và Trường sa. Danh từ Trường Hải là biệt xưng của biển Nam Hải nhưng cũng có nghĩa là phần biển Nam Hải ỏ vào năm mươi hải lý phía nam Hải phong huyện tức là Kim Huyện về thời cận đại thuộc Quàng Đông; lại nữa phần biền Nam Hải ở gần đó mà Chu Khứ Phi đời Tống cũng gọi là Giao Chỉ Dương ( 20 độ Băc vĩ tuyến đến 15 độ bắc vĩ tuyến).

    Ông Tề Tân lại viện thêm chứng cứ trong cuốn Chư Phiên Chí của Triệu Nhữ Quát đời Tống, mà ông đã dẫn sai là Triệu Nhữ Thích.Chứng cứ đó là câu sau : “Về đời Đường niên hiệu Trinh Nguyên năm thứ năm, nhà Đường đặt Đốc phủ ở Quỳnh Sơn”. Trước câu đó có đoạn tiền văn như sau, rất tiếc đã không được ông Tề Tân trích dẫn.

    海南 漢 朱 崖 儋 耳 也 。 武 帝 平 南 粵 遣 使 自 除 聞 (原 注 。 今 雷 州 聞 縣) 。 渡 海 。 略 地 置 朱 崖 儋 耳 二 郡 。 昭 帝 省儋 耳 。 併 為 朱 崖 郡 。 元 帝 從 賈 捐 之 議 。 罷 朱 崖 。 至 梁 隋 復 置 、 唐 貞 觀 元 年 、 折 為 崖 儋 振 三 州。 隸 嶺 南 道 。 五 年 分 崖 之 瓊 山 置 郡 、 陞 萬 安 縣 為 州 。 今 萬 安 軍 是 也 。 儋 振 則 今 之 吉 陽 昌 化 軍是 也 。 貞 元 五 年 以 瓊 為 督 府 。

    “Hải Nam tức là Chu Nhai, Đạm.Nhĩ đời Hán vậy. Vua Vũ Đế bình xong Nam Việt, sai sứ xuất phát ở Từ Văn ( nay là Lôi Châu Từ văn huyện ), vượt biển sang chiếm cứ đất của địch quân, đặt ra hai quận Chu Nhai, Đạm Nhĩ. Chiêu Đế (86-73 trước Công Nguyên) phế bỏ Đạm Nhĩ sáp nhập vào quận Chu Nhai.Nguyên Đế, chiếu theo lời tấu nghị của Giả Quyên Chi bãi bỏ Chu Nhai mãi tới đời Lương ( 502-527 sau Công Nguyên ) và đời Tùy ( 589-618) mới đặt lại. Đời Đường, Trinh Quan nguyên niên, lại chia ra làm ba châu Nhai Đạm và Chấn thuộc đạo Linh Nam. Đến năm thứ năm (631) Quỳnh Sơn ở Châu Nhai được đặt thành quân khu, và Vạn An huyện được đặt thành châu, nay là quân khu Vạn An, còn Đạm và Chấn, thời đó cũng như nay trở thành quân khu Cát dương và quân khu Xương Hóa, Năm thứ năm, niên hiệu Trinh Nguyên 789, Quỳnh Sơn được đặt làm Đốc phủ cho tới nay”. Theo đoạn trích dẫn có những điểm đáng chú ý nhưng đã bị bỏ quên.
    1. Hải Nam không phải là lãnh thổ cố hữu của Trung quốc, nhưng của Nam Việt đã bị Trung quốc chiếm đoạt.
    2. Nhân dân Hải Nam giống người Lê 黎 luôn luôn nổi lên chống đối ách thống trị của Hán Tộc, mãi tới đời Đường trở đi, sau khi đặt ra quân khu mới tạm yên.
    3. Trong Chư Phiên Chí, tuy có nói tới Thiên Lý Trường Sa ( thuộc quần đảo Hoàng Sa chứ không phải là Trường Sa của Việt Nam, mà người Tàu nay gọi là Nam Sa ) và Vạn Lý Thạch Sàng, nhưng không thấy có chi tiết nào nói rõ những đảo dư đó thuộc quản hạt của Hải Nam. Cả đến Thất Lý Dương thấy có chép tới trong Tống Sử Kỷ Sự Bản Mạt, quyển 188, chương I , do ông Tề Tân dẫn ra, tuy là một biệt xưng của quần đảo Hoàng Sa về đời Tống, nhưng trong sử liệu trên cũng không có chỗ nào chép rằng Thất Lý Dương thuộc lãnh thổ Trung Quốc đời Tống . Trong truyện Sử Bật đời Nguyên, có chép đến Thất Châu Dương và Vạn Lý Thạch Đường, và ông Tề Tân đã xin vào đó để chủ trương Thất Châu Dương và Vạn Lý Thạch Đường là Tây Sa và Nam Sa quần đảo. Nhưng theo Groeneveldt dịch Truyện Sử Bật ra tiếng Anh , thời Thất Châu Dương là quần đảo Paracels, tức là quần đảo mà Trung Cộng mệnh danh la Tây Sa quần đảo và Vạn Lý Thạch Đường tức là Macclesfied Bank, tức là những đảo dư thuộc Trung Cộng mệnh danh là Trung Sa quần đảo .
    Về tích Trịnh Hòa bẩy lần “Hạ Tây Dương”, theo ông Tề Tân lại đã từng qua Vạn Lý Thạch Đường, thiết tưởng cần thêm vài chi tiết như sau, ngõ hầu làm sáng tỏ hơn vấn đề này.
    Từ năm 1405 đến 1421, vua Minh Thành Tổ đã phái Trịnh Hòa xuống Tây Dương tới tận vùng Nam Dương, Ấn Độ và Ba Tư để “ tuyên dương uy đức” của nhà Minh. Năm 424 vua Nhân Tôn nhà Minh hạ lệnh ngưng cuộc thám hiểm Nam Hải và trao cho Trịnh Hòa Sứ mạng bảo vệ Nam Kinh ; đến 1430, vua Tuyên Tông nhà Minh mới lại phái họ Trịnh xuống Tây Dương lần thứ bảy tức lần chót. Bên trên đã nói mục đích những cuộc viễn chinh của Trịnh Hòa là để tuyên dương uy đức nhà Minh, nhưng về thực tế uy đã thắng đức. Thực tế, mỗi lần xuống Tây Dương, họ Trịnh thống suất mấy vạn quân và hơn trăm chiếc hải thuyền, lần quan trọng nhất thấy có đến hơn ba trăm chiếc thuyền và ngót ba vạn quân . Vua chúa các tiểu quốc nào ở Á Châu từ chối không triều cống nhà Minh, tất bị đe dọa, khủng bố, lại có khi bị giải về triều đình Trung quốc để chịu tội, tỷ như một ông vua ở Tích Lan cũng đã lâm vào cảnh đó. Đi đến đâu hải quân của họ Trịnh cũng dựng bia kỷ niệm hành động xâm lược của họ, tỷ dụ ở Tích Lan hiện còn một tấm bia khắc bàng ba thứ chữ Hán, Ta Mun và Ba Tư; nằm mục đích nắm quyền kiểm soát Nam Hải và Ấn Độ Dương, quân Minh lại theo đuổi mục đích nữa là để giao dịch buôn bán với các nước Đông Nam Á . Dĩ nhiên là “công đức” đó của họ Trịnh đã được Hoa Kiều các nước liên hệ ca tụng ghi nhớ, bởi vậy ở nhiều nơi đã thấy có dựng đền thờ Trịnh Hòa, như ở Thái Lan và bến Samarang thuộc Java.Ớ Malacca còn có cái giếng được đặt tên cho là giếng Tam Bảo Công 三 保 公, Tam Bảo Công tức là chức Tam Bảo Thái giám 三 保 太 監 vua nhà Minh đã ban cho Trịnh Hòa năm 1431, và ở Đài Loan còn có một thứ gừng được mệnh danh là gừng Trịnh Hòa. Ngoài ra, ở Trung quốc lại còn có những cuốn tiều thuyết và những bản kịch đã được soạn ra để đề cao công đức họ Trịnh . Tuy nhiên, theo sự phán xét của nhiều sử gia, trong đó có J.V.G Mills, dịch giả tiếng Anh cuốn Danh Nhai Thắng Lãm 瀛 涯 勝 覽 của Mã Hoan 馬 歡, đã phải nhìn nhận là ngay ở Trung Quốc, sau đời Trịnh Hòa không còn mấy người nhớ tới những cuộc viễn chinh nói trên nữa, và chính những cuộc viễn chinh đó cũng không hề được dân chúng Trung Quốc coi là những đóng góp đáng kể vào những vinh quang thuở xưa của Trung Quốc. Điều này kề ra cũng dễ hiểu, vì bẩy lần xuống Tây Dương của họ Trịnh chẳng qua chỉ là những cuộc xâm lăng trá hình của nhà Minh mà thôi. Lại cần thêm rằng chủ nghĩa bành trướng của nhà Minh chỉ giới hạn dưới triều Vĩnh Lạc, và hết đời vua Thành Tổ cũng chấm dứt thời kỳ oanh liệt của nhà Minh. Quân Minh mất dần nhuệ khí và bắt đầu thấy chớm nở trong dân gian Trung Quốc những tư tưởng chán ghét và phản đối chính sách quân phiệt cùng chủ nghĩa bành trướng của nhà Minh. Chính do lẽ đó và do nhiều sự thất bại liên tiếp, vua Nhân Tôn nhà Minh đã phải tạm ngưng các cuộc viễn chinh ở Hải ngoại. Ngay ở Việt Nam thời đó lực lượng quân sự của nhà Minh cũng rất khốn đốn trước sự phản công anh dũng của nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Lê Lợi, thậm chí trong năm 1425,quân ta đã đánh cướp được 300 chiếc thuyền lương của quân Minh từ đường biển tới, và sau đó với nhiều trận đại thắng của quân ta, quân Minh đành phải triệt thoái khỏi nước ta vào năm 1427 là năm Bình Định Vương Lê Lợi dẹp xong giặc Minh, đem lại giang sơn cho nước nhà .
    Với những trường hợp lịch sử đó, chẳng biết đội quân viễn chinh của Trịnh Hòa có đến Việt Nam đương thời không, hay chỉ đến địa hạt của Chiêm Thành thôi. Riêng về vùng biển Nam Hải tương đương với vị trí địa lý của quần đảo Hoàng Sa ngày nay vốn nằm trên Hải đạo Hương Cảng- Tân Gia Ba, tất nhiên là nơi đội quân viễn chinh đó không thể qua đó được, nhất là vì đã có tới Chiêm Thành. Tuy nhiên vẫn còn vài nghi vấn liên quan đến những điều mà ông Tề Tân đã thấy chép trong cuốn Vũ Bị Chí của Mao Nguyên Nghi .
    Theo như ông Tề Tân đã cho biết, thời trong cuốn sách trên, có chép về việc Trịnh Hòa bảy lần xuống Tây Dương và đã từng qua Vạn Lý Thạch Đường, mà ông đã cho là Nam Sa quần đảo, tức là quần đảo Trường Sa ngày nay của Việt Nam. Mao nguyên nghi quả có soạn ra cuốn Vũ Bị Chí, gồm có tất cả 64 quyển, tuy có đề tựa vào năm 1621, nhưng mãi tới năm 1628 mới được dâng lên vua nhà Minh, và sau đó mới được khắc in để lưu hành. Hiện nay chỉ còn giữ được một cuốn duy nhất có bản đồ Á Châu hồi thế kỷ thứ 15, hiện được tàng trữ ở Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ ( Library of Congress) tại Hoa Thịnh Đốn, bản đồ này thấy được in trên 40 trang ( Folios 2V-Folios 22). Ngoài bản đồ này, mà chỉ thấy có trong cuốn Vũ Bị Chí ở Hoa Kỳ, nghe đâu còn có một bản đồ nữa, so với bản đồ trên, nội dung có khác và giá trị kém xa, nhưng chữ Hán ở đó đọc rõ hơn nhiều. Đó là bản đồ thấy có trong cuốn Vũ Bị Bí Thư 武 備 秘 書 (1800) của Thi Vĩnh Đồ 施 永 圖 cũng là tác giả cuồn Hải Vận Yến Lược 海 運 要 略 (1840), theo kiến giải của J.V.G. Mills vạ.J.L. Duyvendak, tác giả cuốn Ma Huan reexamined (1933), thì có thể Mao Nguyên Nghi đã căn cứ vào một bản đồ của ông nội mình là Mao Khôn 茅 坤 (1511-1601) vốn là người đã cùng soạn cuốn Trù Hải Đồ Biên 籌 海 圖 編 (1562) với Trịnh Nhược Tăng 鄭 若 曾, và lại đã đề tựa cho cuốn sách đó.Bản đồ của Mao Khôn tuy đã được vẽ ra hơn 100 năm sau cuộc viễn chinh của Trịnh Hòa, nhưng hình như đã căn cứ vào những tài liệu đã được thâu nhập trong cuộc viễn chinh của họ Trịnh.Trên bản đồ đó duy chỉ thấy nhưng danh xưng Thạch Đường 石 塘, Vạn Sinh Thạch Đường Dư 萬 生 石 塘 嶼, và Thạch Tinh Thạch Đường 石 星 石 塘. Theo sự giải thích đáng tin cậy của Mills, thời Thạch Đường tức là ám tiêu quần đảo Paracels(Paracels Reefs) Vạn Sinh Thạch Đường Dư tức là quần đảo Paracels (Paracels Island) còn Thạch Tinh Thạch Đường tức là danh xưng của Macclessfilef Bank trên bản đồ của Mao Khôn . Như vậy trong bản đồ trên, không thấy có danh xưng Vạn Lý Thạch Đường, mà ông Tề Tân đã cho là tương đương với Nam Sa quần đảo.
    Ngoài cuốn Vũ Bị Chí của Mao Nguyên Nghi ra, còn có một tài liệu nữa có liên quan đến những cuộc viễn chinh của Trịnh Hòa. Đó là cuốn Doanh Nhai Thắng Lãm 瀛 涯 勝 覽 của Mã Hoan 馬 歡. Mã Hoan vốn có đôi chút kiến thức về những tiếng Ả Rập, Ba Tư, đã làm thông dịch viên cho Trịnh Hòa những lần viễn chinh thứ tư (1413-1415), thứ sáu (1421-1422), và thứ bảy (1431-1433). Trong cuốn Doanh Nhai Thắng Lãm, về lần viễn chinh thứ bảy, thấy có chép rằng trong chuyến đi Hormuz, (Ba Tư), đội quân viễn chinh của Trịnh Hòa đã đến Chiêm Thành ( địa hạt Quy Nhơn ngày nay) vào ngày 27-1-1432, chuyến trở về Bắc Kinh ngày 28-5-1433, đã đến Côn Lôn Dương 崑 崙 洋 (vùng biển Nam Hải xung quanh Poulo Condor) ngày 10-6-1433,đã đến Ch’ih K’an(Kega),ngày 13-6-1433 lại đến Chiêm Thành (Qiu Nhơn) nghỉ ở đó cho tới ngày 17-6-1433, lại lên đường và đến ngày 19-6-1433 đã đến Wai Lo Shan ( Ngoại La Sơn 外 羅 山) , tức Cù Lao Ré). Ngoại giả không thấy nói tới Vạn Lý Thach Đường gì cả.Vả lại,Vạn Lý Thạch Đường đâu có phải là Nam Sa quần đảo như ông Tề Tân đã nhận định. Như bên trên đã nói, theo Groeneveldt, Vạn Lý Thạch Đường tức là một biệt xưng của Bãi cồn Macclesfiled (Macclesfiled Bank) và kiến giải này cũng đã được những nhà khảo cứu có uy tín như Friedrich Hirth và W.W. Rockhill đã xác nhận. Trong bài tựa cuốn Chỉ Nam Chính Pháp vào cuối đời Khang Hi cũng có thấy chép về Vạn Lý Thạch Đường và cả về Vạn Lý Trường Sa nữa như sau: 若 過 七 洲 、 貪 東 七 更 、 則 見 萬 里 長 沙 、 。 。 。 使 一 日 見 外 羅 對 開 、 東 七 更 便 是 萬 里 石 塘 。 “Nhược quá Thất Châu, tham đông thất canh, tắc kiến Vạn Lý Trường Sa…sử nhất nhật kiến Ngoại La đối khai. Đông thất canh tiện thị Vạn Lý Thạch Đường…”
    Theo như đựợc chú thích trong cuốn Lưỡng Chủng Hải Đạo Châm Kinh 兩 種 海 道 針 經 của Trung Hoa Thư Cục ấn hành năm 1961 tại Bắc Kinh, trong đó được giới thiệu cuốn Thuận Phong Tương Tống 順 風 相 送 và cuốn Chỉ Nam Chinh Pháp, thời Vạn Lý Thạch Đường và Vạn Lý Trường Sa được coi là Nam bộ và Bắc bộ của Tây Sa quần đảo ( tức là của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), lời chú thích nguyên văn như sau﹕ 萬 里 石 塘:: 自 安 南 新 州 港 外 校 杯 嶼 北 七 更 、 或 從 外 羅 貪 東 、 俱 可 至 萬 里 石 塘 、 即 在 今 越 南 平 定 東 北 。 頗 疑 此 即 今 西 沙 群 島 之 南 部 。
    “Vạn Lý Thạch Đường: tự An-Nam, Tân Châu cảng ngoại hiệu bôi dư bắc thất canh hoặc tòng Ngoại La tham đông, câu khả chí Vạn Lý Thạch Đường, tức tại kim Việt nam Bình định đông bắc.Phả nghi thử tức Kim Tây sa quần đảo chi nam bộ”( từ hải cảng Tân Châu của An Nam ra ngoài khơi cách hiệu bôi dư 7 canh về phía Bắc, hoăc từ Ngoại La đi về phía đông, đều có thể đến được Vạn Lý Thạch Đường tức là ở đông bắc Bình Định Việt Nam ngày nay. Rất ngờ đó là nam bộ Tây Sa quần đảo ngày nay ).
    萬 里 長 沙 在 海 南 島 東 南 大 洲 頭 南 只 七 更 。 此 當 是 西 沙 群 島 之 北 部 。
    Vạn Lý Trường Sa: “tại Hải Nam đảo đông nam Đại Châu Đầu nam chỉ thất canh thử đương thị Tây Sa quần đảo chi bắc bộ”(Ở đông nam đảo Hải Nam chỉ cách phía Nam Đại Châu đầu có 7 canh, đó phải là bắc bộ Tây Sa quần đảo).
    Ngoài ra lại thấy chú thích về Tân Châu cảng và Ngoại La như sau: 新 州 港 占 城 國 都 港 口 、 即 今 越 南 之 歸 仁 、 屬 平 定 省 。 Tân Châu cảng: Chiêm Thành quốc đô cảng khẩu tức Việt Nam chi Qui Nhơn, thuộc Bình Định tỉnh (cảng Tân Châu là cửa biền nước Chiêm Thành tức Qui Nhơn Việt Nam ngày nay thuộc tỉnh Bình Định).
    外 羅 山 在 越 南 新 州 港 外 、 入 新 州 港 以 此 為 望 山 、 今 地 無 考 。 Ngoại La: tại Việt Nam Tân Châu cảng ngoại, nhập Tân Châu cảng dĩ thử vi vọng sơn; Kim địa vô khảo ( ở phía ngoài cảng Tân Châu Việt Nam, vào cảng Tân Châu lấy đó làm vọng sơn , ngày nay thuộc nơi nào thì không khảo cứu được,) Xem đó, Vạn Lý Thạch Đường và Vạn Lý Trường Sa mà ông Tề Tân đã đề cập tới không phải là địa điểm tương đương với quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lại có điểm đáng lưu ý là có nhiều sự dè dặt trong những lời chú thích của soạn giả cuốn Lưỡng Chủng Hải Đảo Châm Kinh về những địa điểm có liên quan tới vùng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng như vùng duyên hải Việt Nam và Chiêm Thành, như đã chứng tỏ những danh từ “phả nghi” ( rất ngờ), “ vô khảo”( không khảo cứu được), v.v…Vậy thiết tưởng ta có thể ta có quyền nghĩ rằng đó là những lời thiếu đích xác của những ngoại nhân bàn suông tới những địa điểm không thuộc về lãnh thổ của nước họ.
    Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận một trong những nguyên nhân chính yếu, khiến Trung Quốc có thái độ sỗ sàng như vậy đối với lãnh thổ Việt Nam, là vài điều bất hạnh lịch sử đã xảy ra cho dân tộc Việt Nam thuở xưa. Dân tộc Việt Nam đã từng bị người Tàu đô hộ trong hơn 1000 năm, và chịu ảnh hưởng của họ rất sâu xa về nhiều phương diện. Riêng rề đường văn tự chữ Hán, ngay cả sau khi dân tộc Việt Nam đã lấy lại được nền tự chủ về chính trị, vẫn được coi làm thứ chữ của Chính phủ dùng lại được dùng để biên soạn sách vở, đặc biệt là những sách về lịch sử địa lý Việt Nam . Một kết quả là hầu hết thảy nhân danh, địa danh Việt Nam, là những danh từ chữ Hán. Thứ tới một số sách lịch sử địa lý Việt Nam đầu tiên đã bị thất truyền.
    #2
      lyenson 16.03.2010 22:32:22 (permalink)
      Năm 1075, vua Lý Nhân Tông 李 仁 宗 có sai Lý Thường Kiệt 李 常 傑 vẽ hình thế sông núi của ba châu Ma linh, Địa Lý và Bố Chính mà Chế Củ, vua Chiêm Thành đã dâng cho vua Lý Thánh Tông 李 聖 宗 năm 1069 để chuộc mạng. Lại đến những năm 1172-1173, nhân một cuộc đi tuần để quan sát núi sông đường sá, cùng đời sống của nhân dân, vua Lý Anh Tông 李 英 宗 có ra lệnh cho các quan soạn bản địa đồ của nước ta. Nhưng chẳng may những tài liệu trên nay không tìm thấy đâu nữa. Về đời Trần ngoài cuốn An Nam Chí Lược 安 南 志 略 của Lê Tắc 黎 則 trong đó còn có một phần dành cho địa lý chắc còn có những cuốn địa chí, hoặc những cuốn Việt Sử chép về địa lý Việt Nam, như Việt Sử Cương Mục 越 史 綱 目, Đại Việt Sử Ký 大 越 史 記, nhưng những cuốn này cũng như nhiều cuốn khác hồi thế kỷ 15 đã bị quân Minh thu lấy cả, đem về Kim Lăng mất rồi .
      Mãi tới đời Lê, chúng ta mới thấy có quyển sách địa lý đẩu tiên của người Việt Nam, là cuốn Dư Địa Chí hay An Nam Vũ Cống của Nguyễn Trãi. Kế đến, theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vua Lê Thánh Tông có ra lệnh cho các quan trấn thủ các Thừa tuyên, thân hành khám xét sông núi hiểm trở thuộc địa phương của mỗi người để vẽ thành bản đồ và hai lần nhà vua đã giao cho Bộ Hộ quy định những chi tiết do các quan địa phương tiến dâng để lập thành những địa đồ của toàn vẹn lãnh thổ Đại Việt.
      Những tài liệu này lại cũng bị thất truyền, nhưng rất may còn thấy được một cuốn Thiên Nam Chí Lộ Đồ Thư của Đỗ Bá 杜 伯, tuy đã được soạn nên vào cuối thế kỷ thứ17, nhưng phần nhiều đã căn cứ vào những chi tiết thâu lượm được hồi cuối thế kỷ thứ 15, khi vua Lê Thánh Tông thân chinh Chiêm Thành .Ngoài cuốn địa lý này ra, lại phải kể tới vài cuốn khác dưới thời Lê Trung Hưng, và đời Nguyễn. Dưới đời Lê Trung Hưng, Lê Quý Đôn 黎 貴 惇 (1726-1784) có soạn ra cuốn Phủ Biên Tập Lục 撫 邊 雜 錄, gồm 6 quyển, tựa viết năm 1776, sách này được ông soan ra khi làm Hiệp đồng kinh lý quân sự ở hai đạo Thuận Hóa, Quảng Nam. Nhưng phải đợi tới triều Nguyễn, sau khi thống nhất được lãnh thổ Việt Nam, mới có được những sách địa lý tương đối đầy đủ hơn, như Nhất Thống Địa Dư Chí của Lê Quang Định (1760-1813), Gia Định Thông Chí của Trịnh Hoài Đức (1765-1825), và nhất là bộ Đại Nam Nhất Thống Chí (1865-1882), và quyển Hoàng Việt Địa Dư Chí (1834) trích trong bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú(1782-1840).
      Nhờ có mấy cuốn Đia lý Việt Nam còn sót lại đó, chúng ta hi vọng có thể khôi phục được phần nào sự thực về nhiều địa điểm thuộc lãnh thổ Việt Nam, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa .
      Trước hết để lập luận bên dưới được dễ hiểu hơn, thiết tưởng cần phải nhắc nhở lại ở đây những chặng đường kể tiếp trong cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam, dọc theo duyên hải từ Băc chí Nam. Sau trận đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, dân Việt đã thoát ly khỏi ách đô hộ của người Tàu. Tuy nhiên vẫn ở vào một vị thế cực kỳ khó khăn để khởi hành trong cuộc tranh sống. Từ phương Bắc quân Tàu luôn luôn gây hấn, lăm le thôn tính nước ta lần nữa, trong khi ở phương Nam dân tộc Chiêm Thành lập quốc từ thế kỷ thứ hai trên suốt dọc miền duyên hải Trung bộ Việt Nam ngày nay cũng luôn luôn đánh lên để bành trướng lãnh thổ.Dân Việt bị kẹt giữa hai khối thù nghịch đó đã phải chiến đấu bền bỉ và anh dũng để tự vệ và sinh tồn. Họ chiếm Quảng Bình, Quảng Trị hồi thế kỷ II, Thuận Hóa hồi thế kỷ thứ 14, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định hồi cuối thế kỷ 15, Phan Rang, Phan Thiết hồi thế kỷ 17 và trong đầu thế kỷ 18 đã làm chủ toàn bộ đất đai Thủy Chân Lạp tức là Nam Việt hiện tại. Trong bốn thế kỷ đó, họ đã lần lần Việt hóa được suốt giải bờ biển Trung bộ và đông bằng Nam bộ, cũng như thuở xưa dân Trung quốc đã đồng hóa được Quảng Đông, Quảng Tây. Đó là nói về phương diện lãnh thổ Việt Nam có liên quan tới cuộc Nam tiến của dân tộc. Về phương diện lãnh hải, cũng còn thấy vài di tích lịch sử đáng kể.
      Như đã nói qua ở bên trên, biển từ đảo Hải Nam trở xuống phía Nam đã sớm được người Tàu mệnh danh là biển Nam Hải, cũng có khi được biệt xưng là Trướng Hải. Kế đến biển Nam Hải được người Tàu chia ra làm 2 hải vực mệnh danh la Tây Dương và Đông Dương. Tục truyền đường phân giới khởi điểm ở đảo Ta-Tan (đông kinh tuyến 118 độ 09) gần hải cảng Hạ Môn và một điểm phân giới nữa ở vào một nơi mệnh danh la Wen-Lai 文萊 (đông kinh tuyến 114 độ 56) , trên Tây hải ngạn Bornéo. Đường phân giới chạy qua phía đông Pai-Hua (Pajajaran) ở Tây bộ Java( vào khoảng đông kinh tuyến 106 độ 58). Tây Dương cũng được mệnh danh là Tây Nam Dương và bao quát những nước xưa như Giao Chỉ, Cao Miên, Xiêm, Mã Lai, Qua-Oa và cả Ấn Độ, Ba-Tư, Ả- Rập, còn Đông Dương thời gồm có Nhật Bản, Phi Luật Tân,Đài Loan, bờ biển phía tây bornéo và Java bây giờ. Lấn lên cà Tây Dương lẫn Đông Đương là phần biển Nam Hải được mệnh danh là Nam Dương đi từ lãnh hải Chiêm Thành cho tới Java về phía Nam . Sự phân chia hải vực của biển Nam Hải vốn đã được người Tàu bắt đầu thực hiện từ cuối đời Nguyên, nhưng đến đời Minh mới thực sự phổ thông như đã chứng tỏ sự tích Trịnh Hòa 7 lần hạ Tây Dương .Đến năm 1617 Trương Nhiếp 張 燮 có soạn một cuốn sách nhan đề là Đông Tây Dương Khảo 東 西 洋 考, trong đó sự phân biệt giữa Đông Dương và Tây Dương càng rõ rệt hơn . theo sách đó thì sự giao thông giữa Trung quốc và Đông Nam Á phải theo hai con đường gọi là Đông Dương Châm Lộ 東 洋 針 路 và Tây Dương Châm Lộ西 洋 針 路. Những địa điểm mà Đông Dương Châm Lộ đi qua là Molucca, Bornéo, quần đảo Phi Luật Tân và Đài Loan bây giờ, còn Tây Dương Châm Lộ thì đi tới duyên hải Ấn Độ Chi na, quần đảo Mã-Lai, Sumatra và Java. Kế đến đời Thanh, Trần luân Quýnh 陳 倫 炯 ,có soạn ra cuốn Hải quốc văn kiến lục 海 國 聞 見 錄 (chứ không phải Hải Quốc Kiến Văn Lục như ông Tề Tân đã chép sai). Trong cuốn này có 2 danh xưng mới xuất hiện là Nam dương và Đông nam dương. Riêng nước ta thời xưa đã từng được mệnh danh là nước Giao Chỉ đã bất chấp sự phân chia hải vực độc đoán đó của người Tàu, chứng cớ là phần biển Nam Hải thuộc lãnh hải phía bắc Việt Nam bây giờ từ bắc vĩ tuyến 20 đến bắc vĩ tuyến 15, đã được mệnh danh là Giao Chỉ Dương 交 趾 洋, danh xưng này cũng đã thấy được ghi trên bản đồ của Mao Khôn nói trên. Một chứng cớ nữa là dân chúng Việt Nam thường gọi biển Nam Hải là biển Đông, vì là biển ở phía Đông Việt Nam. Bởi vậy đã có những câu ca dao như:
      “Dã tràng xe cát bể Đông,
      Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì”.

      Chính trên biển Đông đó từ lâu đời đã thấy tọa lạc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Danh xưng của hai quần đảo này chẳng phải là xa lạ gì đối với nhân dân Việt Nam, nhất là đối với cư dân vùng duyên hải Việt Nam. Thực thế, theo sử sách dân Việt những vùng Quảng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An đã từng nổi tiếng là những dân chài lành nghề và táo bạo. Theo như đã chép trong cuốn lịch sử bang giao giữa Trung quốc và Việt Nam, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 (Histoire des relations de la Chine avec’l An-Nam – Việt Namdu 16è au 19è siècle) của G.Deveria (1880), thì những người dân đó đã từng vượt biển đi về phía bắc để tìm kiếm hải sản, một số người đó lại làm nghề hải khấu, uy danh lừng lẫy đến cả vùng duyên hải trung quốc như Phúc Kiến, Quảng Đông, Giang Tô. Thừa kế truyền thống của những dân chài Quảng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, những dân chài Việt Nam từ Quảng Nam đến Hà Tiên cũng thường vượt biển trên ghe bầu tơi những hải đảo xa gần để bắt hải sâm, bào ngư, trai ngọc và yến sào.
      Trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, thấy có chép như sau:“Ở ngoài cửa biển lớn về địa phận xã Yên Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa có một hòn núi mang tên là Cù Lao Trẻ.
      Ở ngoài núi Cù Lao Trẻ có đảo Đại Trường Sa. Ngày trước, nơi đây thường sản xuất nhiều hải vật chở đi bán các nơi, nên nhà nước có thiết lập một đội Hoàng Sa để thu nhận các hải vật. Người ta phải đi ba ngày đêm mới đến được đảo Đại Hoàng Sa ấy, như thế là đảo Đại Hoàng Sa đã gần đến xứ Bắc Hải.
      Các cửa biển Tân quan, Thời phú, Nước Trầm, Nước Man thuộc phủ Qui Nhơn có nhiều hòn sơn đảo, trong đó có nhiều tổ chim yến, nên nhà nước thiết lập một đội Thanh Châu để đi lấy yến sào ( tổ chim yến).
      Ở ngoài biên Dinh thuộc phủ Bình Thuận, có hòn núi được gọi là Cù Lao Phú Quí, chiều rộng chừng vài ba dặm, cũng có nhiều yến sào.
      Ra phía ngoài Cù Lao Phú Quí, có một hòn núi tên là Cù lao Phương . Ngày trước có nhiều hóa vật ở cửa biển ấy nên nhà nước lập ra đội Hải Môn để đi lấy các hóa vật ấy”.
      Cũng ở quyển II, Phu Biên Tạp lục, lại thấy có hai đoạn như sau: “Xã Yên Vĩnh, thuộc huyện Bình Sơn, phủ Quãng Nghĩa ở gần bãi biển, về hướng Đông Bắc có nhiều đảo và có nhiều núi linh tinh, hơn 130 đỉnh. Từ trên khoảng núi ra đến biển cách nhau có chỗ, hoặc một ngày đường, hoặc mấy trống canh. Trên các ngọn núi, thỉnh thoảng có suối nước ngọt. Ở trong các hòn đảo có bến cát vàng, chiều dài ước chừng hơn 30 dặm, bằng phẳng và rộng lớn, nước trong veo nhìn suốt đáy. Ở bên các hòn đảo có vô số tổ yến (yến sào), còn các thứ chim thì kể có hàng nghìn,hàng vạn con, hễ thấy người chúng vẫn cứ đậu chung quanh người, chứ không hề tránh né”.
      “Bãi biển Hoàng Sa ở gần địa phận phủ Liên Châu, thuộc tỉnh Hải Nam bên Tàu. Những người nước ta đi thuyền đôi khi có gặp những thuyền đánh cá của người Bắc quốc( tức Trung quốc) ở ngoài biển.
      Giữa biển cả, người hai nước hỏi han nhau, người ta thường thấy chính viên đường quan huyện Vạn Xương, thuộc Quỳnh Châu tra xét những người Thuận Hóa đi biển, và trong công văn viên quan ấy đề: “Năm thứ 18, niên hiệu Càn Long 10 tên quân nhân ở xã Yên Bình, trong đội Cát Liêm thuộc huyện Chương Nghĩa phủ Quảng Nghĩa , nước Yên Nam ngày 7 đi ra “ Vạn Lý Truờng Sa” lượm nhặt các hải vật. 8 tên trong bọn ấy lên bờ biển tìm lượm các hải vật, còn 2 tên ở lại coi giữ thuyền. Vì một trận cuồng phong thổi mạnh làm đứt neo thuyền, nên 2 tên ấy bị trôi dạt vào cảng Thanh Lan (bên Tàu) ,Viên quan tra xet đích thực, nên cho áp tống 2 tên này trở về nguyên quán”.
      Trong 3 đoạn vừa trích dẫn ra bên trên, có mấy điểm sau đáng được lưu ý:
      1) Lê Quý Đôn cho ta biết thời ông đã lâu họ Nguyễn có thiết lập những đội Hoàng Sa, Thanh Châu, Hải Môn, gồm có những dân chài lành nghề, thuộc các phủ Quảng Nghĩa , Bình Thuận để thu nhận các hải vật.
      2) Những danh xưng như Trường Sa 長 沙, Đại Trường Sa 大 長 沙, Hoàng Sa 黃 沙 và Vạn Lý Trường Sa 萬 里 長 沙 đã thấy được dùng ở đó.

      Riêng 2 danh xưng Trường Sa 長 沙 và Hoàng Sa 黃 沙 lại đã thấy có trong một sử liệu xưa hơn cả Phủ Biên Tạp Lục, và thay vì hình thức chữ Hán Hoàng Sa đã thấy ở đó cung danh xưng dưới hình thức chữ Nôm bãi cát vàng. Dưới đây là đoạn trích từ sử liệu đó.
      海 中 有 一 長 沙 、 名 擺 葛 璜 約 長 四 百 里 、 闊 二 十 里 、 卓 立 海 中 。 自 大 占 海 門 、 至 沙 榮 門 、 每 西 南 風 、 則 諸 國 商 舶 內 行 漂 泊 在 此 ;東 北 風 、 外 行 亦 漂 泊 在 此 、 並 皆 飢 死 。 貨 物 各 置 其 處 、 阮 氏 每 年 季 冬 月 持 船 十 八 隻 、 來 此 取 貨 、 多 得 金 銀 錢 幣 銃 彈 等 物 。 自 大 占 門 越 海 至 此 一 日 半 。 自 沙 淇 門 至 此 半 日 、 其 長 沙 處 亦 有 玳 瑁 。 “Hải trung hữu nhất Trường Sa,danh Bãi cát vàng ước trường tứ bách lý, khoát nhị thập lý, trác lập hải trung. Tự Đại Chiêm hải môn, chí sa - vinh môn, mỗi tây-nam phong , tắc chư quốc thương bạc nội hành phiêu bạc tại thử; đông bắc phong,ngoại hành diệc phiêu bạt tại thử, tịnh giai cơ tử. Hóa vật các trí kỳ xứ. Nguyễn thị mỗi niên quý đông nguyệt trì thuyền thập bát chích, lai thử thủ hóa, đa đắc kim ngân tiền tệ sung đạn đẳng vật. Tự Đại chiêm môn việt hải chí thử nhất nhật bán.Tự Sa kỳ môn chí thử bán nhật.
      Kỳ trường sa xứ diệc hữu đại mội”.
      Nghĩa là :
      … “Giữa biển có một dãi cát dài, gọi là Bãi cát vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dăm; đứng dựng giữa biển.Từ cửa biển Đại chiêm đến cửa Sa Vinh, mỗi lần có gió Tây Nam thì thương thuyền chạy ở ngoài cũng trôi dạt ở đấy, gió đông bắc thì thương thuyền chạy ở ngoài cũng trôi dạt ở đấy, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hóa thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến đấy lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ súng đạn.Từ cửa Đại Chiêm vượt biển đến đây thì phải một ngày rưỡi .Từ cửa Sa Kỳ đến đây thì phải nửa ngày. Chỗ bãi cát dài ấy cũng có đồi mồi.” (Hồng Đức bản đồ, Tủ sách Viện Khảo cổ số III, Sàigòn 1962).
      Còn về danh xưng Vạn Lý Trường Sa,tuy không thấy có trong Hồng Đức bản đồ,nhưng chắc chắn là danh xưng đó phải có vào thời đó rồi .Chứng cớ là đã thấy có trong Phủ Biên Tạp Lục. Kế đến trong Đại Nam Nhất Thống Chí quyển 6 về tỉnh Quảng Ngãi, cũng có chép như sau về Vạn Lý Trường Sa : “ Ở phía đông Cù Lao Ré. Từ biển Sa Kỳ chạy ghe ra khơi, thuận gió thì 3,4 ngày đến. Trên đảo có các núi la liệt trên 130 hòn, cách nhau 1 ngày đường, hoặc trong vài canh. Trong bãi có đảo Hoàng Sa (cát vàng) kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục danh là Vạn Lý Trường Sa ( xin lưu ý tới 2 chữ tục danh)”.
      Mấy dữ kiện trên cho phép ta kết luận như sau về thực tại lịch sử của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
      a) Trễ nhất từ thế kỷ 15 đến thế kỷ thứ 17, ở Việt Nam đã thấy nói tới bãi cát vàng, nhất danh là bãi cát dài muôn dặm ( Vạn Lý Trường Sa). Có điểm đáng lưu ý là trong cuốn Chỉ Nam Chính Pháp vào đầu thế kỷ thứ 18 cũng có nói tới danh xưng Vạn Lý Trường Sa. Mặt khác rất có thể Thiên Lý Trường Sa được nói tới trong Chư Phiên Chí của Triệu Nhữ Quát đời Tống cũng là một với Vạn Lý Trường Sa, và đó lại là một chứng cứ nữa để có thể suy luận rằng, từ lâu trước thế kỷ thứ 15, quần đảo Hoàng Sa đã thuộc lãnh hải Việt Nam rồi.
      b) Tuy trong Hồng Đức bản đồ, không thấy xác định vị trí địa lý của quần đảo Trường Sa, nhưng danh xưng Trường Sa đã thấy được dùng ở đó để chỉ những bãi cát trên đất liền vùng duyên hải Trung Việt cũng như những bãi cát ngoài khơi biển Đông thuộc lãnh hải của Chiêm Thành trước.
      c) Như trên đã nói tới, Hồng Đức bản đồ vốn căn cứ vào những tài liệu địa lý đã thâu nhập được trong cuộc thân chinh Chiêm Thành của Lê Thánh Tông. Bởi vậy chắc chắn là danh xưng Trường Sa đã được Lê Thánh Tông đặt ra hoặc sử dụng vào cuối thế kỷ thứ 15, sau khi hạ lệnh cho thổ tù Nguyễn Võ phác họa bản đồ về núi sông nước Chiêm Thành để dâng lên ngài duyệt lãm ( Phủ Biên Tạp lục quyển I). Danh xưng chữ Nôm bãi cát vàng lại cho phép ta nghĩ rằng đồng thời với danh xưng Trường Sa, cũng đã có danh xưng chữ Nôm bãi cát dài, mà theo lối phát âm tiếng Việt trong cuốn An Nam Di Dịch Ngữ hồi thế kỷ 15 phải đọc là Bãi Cát Yài.
      d) Trước khi thuộc về lãnh hải Việt Naml tất nhiên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã phải mang một tên Chàm như có thể chứng tỏ những địa danh Chàm A maravati, Kâuthara,Pânduranga, tương đương với những địa danh Việt Nam Quảng Nam, Nha Trang và Phan Rang đã thay thế cho những địa danh Chàm trên. Danh xưng Chàm đến trước danh xưng bãi cát dài, Trường Sa của Việt Nam là danh xưng Chàm Pulau, danh xưng này cũng đã được Việt hóa thanh danh xưng Cù Lao mà ta còn thấy đươc dùng trong đảo danh Cù Lao Chàm theo Đại Nam Nhất Thống Chí quyển 5 về tỉnh Quàng Nam lại có đại danh vắn tẳt là Cù Lao, cùng các đảo danh khác như Cù Lao Bo Bai, Cù Lao Ré, Cù Lao Poula Gambir, Cù Lao Cecir de Terre,Cù Lao Hon (Poulo), Cecir de Mẻ,v.v… Vậy ngay từ thế kỷ 15, Trường Sa đã có những danh xưng Trường Sa, Bãi cát daì(Yài), Cù Lao cát dài được tùy tiện dùng lẫn cho nhau nơi cửa miệng dân chúng duyên hải Trung Việt.
      Sự thể đã rành rành như thế mà ông Tề Tân lại cứ khăng khăng cho rằng Trường Sa thuộc về lãnh thổ Trung quốc từ lâu đời. Trước ông Tê Tân, trong bài nhan đề: 我 國 南 沙 群 島 的 主 權 不 容 侵 犯 Ngã quốc Nam Sa quần đảo đích chủ quyền bất dung xâm phạm của Thiệu Tuấn Chinh 卲 循 正 đăng tải trong Nhân Dân Nhật báo 人 民 日 報 số ngày 5-6-1956, cũng đã thấy có chủ trương tương tự như vậy. Theo ký giả đó,Nam Sa vẫn được mệnh danh trong sử tịch Trung Quốc từ trước tới nay dưới danh xưng Đoàn Sa quần tiêu 團 沙 群 礁 và đã từng có ngư dân Trung quốc theo định kỳ tới đó bắt cá, cùng thâu lượm hải sản, lại có người đến cư trú ở đó nữa. Nguyên văn đoạn trên như sau:
      目 前 菲 律 賓 一 此 人 所 垂 涎 的 南 沙 群 島 、 和 東 沙 、 西 沙 。 中 沙 。 等 群 島 一 樣 、 沒 有 疑 問 地 是 中 國 的 領 土 。 群 島中 最 大 的 群 礁 、 在 中 國 史 籍 上 是 一 向 以 [團 沙群 礁 ] 著 名 的 。 群 島 中 最 大 的 太 平 島 、 就 是 在 這 群 礁 中 一 個 暗 礁 的 上 面 。 南 沙 群 島 一 向 有 中 國 漁 氏 定 期 前 往 捕 魚 、 探 集 海 產 、 并 有 一 此 人 留 在 島 上 居 住 。
      Rất tiếc là không có lời chú dẫn nên không rõ chủ trương trên đã căn cứ vào sự tích nào của Trung Quốc, nhưng có một sự kiện không ai phủ định được là quần đảo Trường Sa ngày nay tọa lạc ở một vị trí gần với Phi Luật Tân và Việt Nam hơn là với Trung Quốc.
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 16.03.2010 22:38:42 bởi lyenson >
      #3
        lyenson 16.03.2010 22:36:12 (permalink)
        Vả lại, dù cho là Trường Sa và cà Hoàng Sa không thể hoàn toàn thuộc về lãnh hải của Chiêm Thành đi nữa, thì vẫn còn một sự kiện không sao phủ nhận được đó là những mối liên hệ lịch sử của 2 quần đảo trên đối với Chiêm Thành. Thực thế Chiêm Thành vốn là một nước nghèo nàn nhưng có vị trí địa lý ở vào ngã ba những hải lộ trọng yếu của Viễn Đông, và là một dân tộc thích biển và giỏi nghề đi biển nên đã từng làm giàu được bằng hải thương và cả bằng hải khấu nữa. Đặc biệt từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ X, dân này đã kiểm soát được không những nghề buôn bán huơng liệu giữa Nam Dương và Trung Quốc, lại cả nghề buôn bán tơ lụa, cũng bằng đường biển, giữa Trung Quốc đời Đường và Vương quốc Ả-Rập Abbasides trị vì ở Bagdad từ năm 762 đến mãi năm 1258. Ngoài ra, họ đã từng xuất cảng sang Tàu và nhiều nước Ả-Rập những thổ sản của nước họ như ngà voi và gỗ trầm hương. Trong những chuyến đi buôn trên đường biển, tất nhiên họ sẽ không thể không qua vùng Hoàng Sa và Trường Sa được. Vậy hai quần đảo này, đã là hai cứ địa kinh tế của dân Chàm trước khi thuộc về chủ quyền của Việt Nam.
        e) Riêng về Trường Sa, sau khi được sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam trễ nhất từ thế kỷ thứ 15 như vừa nói tới bên trên, đã được đặt tên chữ là Trường Sa, trong khi tên Nôm là Cù Lao cát dài( yài) vẫn được thông dụng ở cửa miệng dân chài vùng duyên hải Trung Việt.

        Kể đến, dưới triều Nguyễn, để tránh khỏi có sự lẫn lộn giưa danh xưng Vạn Lý Trường Sa vốn đã được áp dụng từ lâu về trước cho quần đảo Hoàng Sa, danh xưng Hoàng Sa nhất danh là bãi cát vàng đã được dành riêng cho quần đảo Hoàng Sa, còn danh xưng Vạn Lý Trường Sa chỉ được dùng riêng cho những hòn đảo ở xa về phía Nam quần đảo Hoàng Sa, tức là quần đảo Trường Sa ngày nay. Vị trí Nam Bắc đối nhau đó của 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lại đã được ghi rõ trên Đại Nam Nhất Thống toàn đồ Riêng về quần đảo Hoàng Sa, lại đã được thương nhân Bồ Đào Nha mệnh danh cho là quần đảo Ilhas do Paracel (Paracel).Paracel có nghĩa là đá ngầm(ám tiêu) và danh xưng này đả thấy xuất hiện lần đầu tiên trên một bản đồ Bán đảo Đông Dương do anh em Van Langen,ngươi Hòa Lan ấn hành năm 1959 và đã được vẽ nên nhờ ở những tài liệu của người Bồ Đào Nha nối gót nhà hàng hải trứ danh Vasco do Gana, là người Âu tiên phong thám hiểm được đường biển đi Ấn-Độ (1498).

        Kế đến, người Pháp lại dùng danh xưng Paracel phiên âm từ tiếng Bồ Đào Nha ra để chỉ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong cuốn Mémoire sur la Cochinchine dont le Souverain porte aujourd’hui le titre d’Empereur comprend la Cochinchine proprement dite, le Tonkin….. quelques iles habitées peu éloignées de la côte et l’archipel des Paracels, nghĩa là “xứ Giao Chỉ China mà Quốc vương nay đã xưng Đế hiệu gồm có chính xứ Giao Chỉ Chi Na; Bắc Hà;… vài hòn đảo dân cư thưa thớt cách bờ biển không xa cho lắm và quần đảo Paracels”.

        Trong cuốn Univers, histoire et description de tous les peuples, de leurs religions, moeurs et coutumes (1833). Giám Mục Taberd cũng đã có ghi rõ như sau : Nous n’entrerons pas dans l’enumération des principales iles dépendantes de la Cochinchine. Nous ferons seulement observer que depuis de 34 ans l’archipel des Paracels nommé par les Annamies Cát Vàng ou Hoàng Sa (Sable jaune) véritable labyrinthe de petis ilots de rocs et de bancs de sable justement redout é s des naviga-teur a é té occup é pả les Conchinchinois, nghĩa là: “Chúng tôi không đi vào việc liệt kê những hòn đảo chính yếu của xứ Giao Chỉ Chi Na. Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng tù hơn 34 năm nay, quần đảo Paracels mà người Việt gọi là Cát Vàng (Hoàng Sa) gồm rất nhiều hòn, đảo chằng chịt với nhau, lởm chởm những đá nhô lên giữa những bãi cát đã được người Việt xứ Đàng Trong chiếm cứ, đã khiến những kẻ đi biển phải kinh sợ.
        Trong hai đoạn văn Pháp trích dẫn bên trên, có vài điểm đáng chú ý.
        a) Một là danh xưng Bồ Đào Nha Parcel (Pracel) và danh xưng Pháp Paracels đồng nghĩa với danh xưng người Tàu như Thạch Đường nghĩa là bức đê, bức tường, bờ cao bằng đá. Do nghĩa đó, có thể suy ra rằng thương nhân người ngoại quốc thuở xưa gồm có người Tàu, người Bồ đào Nha, người Hòa Lan, người Pháp,.v.v.. đã từng có những kinh nghiệm đầy lo ngại đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
        Tàu bè của họ vốn là những chuyến thuyền lớn hoặc tàu lớn có chốt sắt nên họ rất sợ phải qua vùng Hoàng Sa là nơi tục truyền có nhiều chất thạch lại là nơi có nhiều đá ngầm mọc dưới mặt biển thuyền tàu lỡ va phải là vỡ. Bởi vậy người tàu mới có câu 上 怕 七 洲 下 怕 崑 崙 “Thượng phạ Thất châu hạ phạ Côn Lôn”, nghĩa là trên thì sợ Thất Châu dưới thì sợ Côn Lôn hoặc 去 怕 七 洲 回 怕 崑 崙 “Khứ phạ Thất Châu, hồi phạ Côn Lôn” nghĩa là đi thì sợ Thất Châu về thì sợ Côn Lôn. Trái lại, dân Việt Nam miền duyên hải Trung Việt như đã nói trên thường vượt biển trên những chiếc ghe bầu nên không hề sợ hãi đối với Hoàng Sa và Trường Sa như đã chứng tỏ danh xưng lâu đời của quần đảo này mà họ chỉ coi là những bãi cát vàng và cát dài.
        b) Điểm nữa đáng chú ý là những sự kiện có liên quan đến người Bồ Đào Nha, Hòa Lan và Pháp từ thế kỷ 16 đã chứng tỏ là cổ lai người Tàu không hề có nắm được độc quyền hàng hải trên biển họ mệnh danh là biển Nam Hải. Đành rằng từ thế kỷ 12 nghề hàng hải của họ đã tiến bộ nhiều nhờ về họ bắt đầu biết ứng dụng Kim Chỉ nam vào việc hàng hải nhưng theo nhiều sử gia có uy tín thời người Ả Rập đã thực hiện được sự ứng dụng đó từ lâu trước người Tàu. Thực thế tuy người Tàu đã biết chế ra xe chỉ nam từ đời nhà Chu nhưng theo sự khảo cứu của J. Chalmers trong Trung Quốc tạp chí (China Review, XIX, 52-54) thời sự phát minh thứ xe đó đã không tất nhiên dẫn đến sự đồng thời phát minh la bàn hàng hải. Mặt khác, sử liệu đầu tiên có nói tới người Tàu vượt biển Nam Hải là cuốn 佛 國 記 Phật quốc Ký chép truyện Pháp Hiển 法 顯 hồi đầu thế kỷ thứ 5 chu du trong 15 năm qua nhiều xứ trung Á để sưu tầm tài liệu về Phật Giáo. Lúc ra đi, vị cao tăng này đã đi đường bộ nhưng khi ở Ấn Độ trở về Trung Quốc đã đi đường biển trên một chiếc thuyền lớn không phải của người Tàu. Sở dĩ như vậy là vì nghề hải thương trên biển Nam Hải đã sớm trở nên độc quyền của người Ả Rập. Hồi Giáo đã thấy được du nhập vào địa hạt Quảng Đông trong khoảng từ năm 618 đến năm 626 và đồng thời cũng thấy có nhiều cư dân Ả Rập và Ba Tư trong đám kiều dân ngoại quốc tại đó. Hoạt động mậu dịch trên biển Đông Hải (Nam Hải) đó của người Ả Rập cũng đã được xác nhận trong những tập du ký đầu tiên của người Ả Rập hồi thế kỷ thứ 9 như tập ký sự chư biên nhan đề Ả Rập là Salsalat altewarykh và cả trong nhiều cuốn địa chí Tàu đời Tống như cuốn Lãnh Ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi và cuốn Chư Phiên Chí của Triệu Nhữ Quát. Riêng trong cuốn trên, có chép rằng nghề buôn đương thời trên biển Nam Hải hoàn toàn ở trong tay thương nhân người Ả Rập cùng nhiều người xứ khác mà họ Chu mệnh danh là Phiên Thương 番 商 và Ngoại Di 外 夷.
        Trong những người “Ngoại Di” này, có người Ấn Độ đáng được chúng ta đặc biệt chú ý tới, vì lẽ họ đã từng có quan hệ mật thiết với lịch sử cổ đại Việt Nam. Bên trên có đề cập tới việc Pháp Hiển đáp thuyền ở Ấn Độ để trở về Trung Quốc. Nhưng Pháp Hiển chỉ là người Trung Quốc đầu tiên, chứ không phải là người đầu tiên vượt biển Đông Hải từ Ấn Độ sang Tàu. Trước Pháp Hiển đã có khá nhiều tăng sĩ Phật Giáo từ Ấn Độ tới Giao Chỉ hoằng dương đạo Phật. Dưới đây chúng tôi xin dẫn ra vài chứng cớ.
        Theo 羅 香 林 La Hương Lâm, soạn giả cuốn 唐 代 廣 州 光 孝 寺 與 中 印 交 通 之 關 係 Đường đại Quảng Châu Quang Hiếu tự dữ Trung Ấn giao thông chi quan hệ (1960) thời trong thời gian ngót một nghìn năm từ đầu đời Hán tới cuối đời Đường. Phật Giáo Ấn Độ và nghệ thuật Ấn Độ đã từng được du nhập vào Trung Quốc qua bốn con đường chính là con đường Đôn Hoàng 敦 煌 道, con đường Vĩnh Xương 永 昌 道, con đường Giao Quảng 交 廣 道 và con đường Thanh Châu 青 州 道. Sớm từ đời Tây Hán vùng Giao Quảng và Ấn Độ đã từng có sự giao thông với nhau bằng thương thuyền Ấn Độ và như thấy chép trong sách Hán Thư của Ban Cố, những thương thuyền này thường được cập bến ở biên giới Nhật Nam và ở Từ Văn thuộc châu Hợp phố là hai địa điểm để tới Giao Châu. Đến đời Hán Linh Đế, Phật Giáo đã rất thịnh hành ở Giao Châu không những về phương diện lễ bái nhưng cả về phương diện phiên dịch kinh điển Phật Giáo. Kế tới đời Tam Quốc, nhà Ngô chia Giao Châu nhất danh là Nam Giao ra làm đôi, Giao Châu với trị sở ở Long Biên và Quảng Châu với trị sở ở Phiên Ngung. Con đường Giao-Quảng có tên từ đó.
        Đồng thời vị trí của Quảng Đông đã trở nên trọng yếu hơn xưa nhờ về sự tăng gia hoạt động hải thương ở đó và cũng vì Thương Ngô và Quảng Tín không còn là những trung tâm chính trị như trước nữa. Một kết quả là Phiên Ngung đã dần dần biến thành trung tâm truyền bá Phật Giáo chủ yếu. Chứng cớ là chùa Vương Viên tự 王 園 寺 (nay là Quang Hiếu tự 光 孝 寺 ) đã được chính thức thành lập dưới đời Đông Tấn.
        Những sự kiện lịch sử liên quan đến sự giao thông bằng đường biển giữa Trung Quốc và Ấn Độ như vừa dãn ra bên trên lại thấy có chép trong cuốn 中 印 佛 教 交 通 史 Trung Ấn Phật Giáo giao thông sử của 焦 山 釋 東 初 Tiêu Sơn, Thích Đông Sơ (1968).
        Từ đầu Công Nguyên, mọi sự giao vãng giữa Trung Quốc và hải ngoại đều lấy Giao Chỉ làm chung điểm rồi từ đó chuyển tới Giao châu (huyện Thương Ngô, tỉnh Quảng Tây ngày nay). Sau khi vua Vũ Đế nhà Hán bình xong Nam Việt, đặt ra chín quận Nam Hải, Thương Ngô, Hợp Phố, Uất Lâm, Chu Nhai, Đạm Nhĩ, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam, Giao Chỉ, đã trở nên vô cùng trọng yếu. Nhưng đến thế kỷ thứ bảy, Giao Châu bị Quảng Châu đoạt mất ưu thế, và đến thế kỷ thứ chín người Đại-thực tức là người Ả Rập ngày nay cũng đến cập bến ở Quảng Châu. Từ năm 968 trở đi sau khi Việt Nam giành lại được nền độc lập, Quảng Châu thay thế Giao Chỉ làm chung điểm cho sự giao vãng Trung Ấn. Hợp phố đã làm môn hộ cho sự giao thông Trung Ngoại bằng đường biển trong thời kỳ Hán-Đường nhưng từ Đường-Tống trở đi thương nhân ngoại quốc đều lấy Quảng phủ làm môn hộ. Riêng thương nhân Ả Rập lại tôn xưng Quảng phủ là Tân Khải Lan (新 卡 蘭 Sirkalan) ngụ ý đó là đất của Đại Trung Quốc.
        Tiếp theo 2 tài liệu trên của hai học giả Trung Quốc, thiết tưởng cũng nên trích dẫn ra đây mấy giai đoạn sau trích ở một cuốn sách khảo cứu về lịch sử Phật Giáo Việt Nam của người nước mình, cuốn Việt Nam Phật Giáo ở Trung Hoa đời Hán còn có một trung tâm Phật Giáo rất quan trọng khác ở Giao Chỉ tức Việt Nam bây giờ, đó là trung tâm Luy Lâu; Luy Lâu là trị sở của Giao Chỉ thuộc phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.
        “Trung tâm Luy Lâu được hình thành do sự viếng thăm của những tăng sĩ Ấn-Độ. Các vị tăng sĩ này đến Việt Nam bằng đường biển, theo các thuyền buôn người Ấn. Nhưng trước khi các vị tăng sĩ Ấn Độ tới Việt Nam các thương gia Ấn Độ cũng đã tới Việt Nam rồi và cũng mang theo sinh hoạt Phật Giáo tới xứ ta. Hồi bấy giờ (đầu kỉ nguyên) Ấn Độ đã có liên hệ trực tiếp với Trung Đông và gián tiếp với các nước vùng Địa Trung Hải. Đế Quốc La Mã tiêu thụ rất nhiều vàng, lụa, hương liệu, trầm, quế, tiêu, ngà voi, châu ngọc. Để có đủ hàng hóa cung cấp cho thị trường ấy, các thương gia Ấn Độ đã dong thuyền đi mãi về Viễn Đông. Những thương thuyền này theo gió mùa Tây Nam đi về Đông Nam Á tới bờ biển Mã Lai; Phù Nam và Giao Chỉ. Thương gia Ấn Độ phải ở lại đây cho đến năm tới, chờ gió mùa Đông Bắc để trở về Ấn Độ ...........................
        Trong các chuyến đi xa hằng năm với nhiều tháng lênh đênh trên biển cả như thế, các thương gia Ấn Độ cũng thờ cúng và cầu nguyện các đức Phật và các vị Bồ Tát hộ trì cho trời yên biển lặng và mọi sự yên lành. Các thương thuyền này nhờ đức Quan Âm (Avalokitesvara) và đức Nhiên Đăng (Dipankara) được nổi tiếng là những vị che chở cho cho thủy thủ được an lành ngoài biển khơi. Cũng như trong mục đích cầu nguyện và cúng dường tam bảo, họ thỉnh theo thương thuyền một vị tăng sĩ. Chính những tăng sĩ đi theo thương thuyền này sẽ lập nên một trung tâm Phật Giáo Luy Lâu tại Giao Chỉ. (Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo sử luận. Lá Bối, Salgon, 1974, trang 15-16).
        Xem đó, từ đầu Công Nguyên cho tới khoảng thế kỉ thứ 12, sự giao thông trên biển Đông Hải đã do người Ả Rập, Ba Tư và Ấn Độ chia nhau thao túng. Người Tàu chỉ có một kiến thức mơ hồ về những thứ thổ sản được chuyên chở bằng đường biển tới Trung Quốc để bán ở đó, thậm chí trong sử sách của họ từ cuối thế kỉ thứ tư cho tới đầu thế kỉ thứ bảy như Tống Thư, Ngụy Thư và Tùy Thư, thường thấy có nhiều điều chép sai. Tỉ dụ những thổ sản các xứ Ấn Độ Chi Na, Ấn Độ, Ả Rập và cả Đông hải ngạn Phi Châu lại bị chép lẫn là những thổ sản của Ba Tư. Sỡ dĩ như vậy có lẽ là vì đại đa số thương nhân ngoại quốc đương thời đem các thổ sản tới, tới buôn ở Trung Quốc là người nước này. Tóm lại người Ba Tư, Ả Rập, Ấn Độ và đến cả người Hy Lạp và La Mã đã sớm biết về nước Tàu hơn là người Tàu đã biết về xứ sở của những người ấy. Đến đời Minh và đời Thanh mới thấy xuất hiện nhiều sách hàng hải Tây Dương Phiên Quốc Chí 西 洋 番 國 志 của Củng Trân 鞏 珍 (1434) như những cuốn Doanh Nhai Thắng Lãm của Mã Hoan (1436), Tinh Sai Thắng Lãm 星 槎 勝 覽 của Phí Tín 費 信 (1436), Tây Dương Triều Cống Điển Lục 西 洋 朝 貢典 錄 của Hoàng Tỉnh Tăng 黃 省 曾 (1520), Trù Hải Đô Biên của Trịnh Nhược Tăng (1562), Đông Tây Dương Khảo của Chương Nhiếp (1618), Chỉ Nam Chính Pháp, Vô Danh (cuối đời Khang Hi), Thuận Phong Tương Tống, Vô Danh (1620), Vũ Bị Chí của Mao Nguyên Nghi (1621), Hải Quốc Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh (1744), Vũ Bị Bí của Thi Vĩnh Đồ (1800), Hải Vận Yếu Lược cũng của Thi Vĩnh Đồ,.v..
        Phần nhiều những sách địa chỉ và hàng hải trên đã được soạn ra theo phương pháp của soạn giả cuốn Đông Tây Dương Khảo, nghĩa là được soạn ra với những điều hỏi những khách viễn dương gặp được ở bến tàu mà biết được. Bởi vậy, trong đó thấy có khá nhiều sai lầm, mặt khác, người Tàu vốn có cái sinh đặt tên Tàu cho địa điểm các xứ khác sao cho tên đó có một ý nghĩa đối với họ. Tỉ dụ trên bản đồ của Mao Khôn Kuala Lumpur đã được mệnh danh 吉 龍 浦 Ket Lung Po nghĩa là Bến Cát Long, Cù Lao Ré, đã được gọi là Wai lo Shan (Ngoại La Sơn), Đảo Hòn Lớn (12 độ 10`, Bắc vĩ tuyến) ngoài khơi Trung Việt đã được đã được đặt tên là Lo Han hsu (羅 漢 嶼 La Hán Dư), Singapore. Một tỉ dụ điển hình về sự lạm dụng tên Tàu để chỉ địa điểm ngoại quốc là Panrang (nay là Phan Rang) một xứ Chàm xưa dã được người Tàu đạt cho ít nhất là chín tên Tàu trong đó thông dụng nhất là Pin t`ung lung 賓 瞳 龍 đã thấy trong cuốn Chú Phiên Chí của Triệu Nhữ Quát.
        Hai nhận xét đã đưa ra bên trên cùng mấy tỉ dụ vừa viện dẫn khiến người ta phải hoài nghi về cái danh xưng của đảo Y-tu-A-ba mà ông Tề Tân cho là phiên âm ở thổ ngữ dân Quỳnh Nhai ra. Dù sao, Y-tu-A-ba chắc chắn là tên phiên âm ở một thứ tiếng không phải là tiếng Tàu, nên đã không được Trung Cộng giữ lại.
        Mặt khác đảo danh Y-tu-A-ba cùng mọi đảo danh khác như Thạch Đường, Vạn Lý Thạch Đường, Đoàn Sa Quần Tiêu,..v.v..người Tàu đã tự ý đặt tên cho Bãi Cát Vàng và Bãi Cát dài muôn dặm của Việt Nam chỉ là những tên do họ đã đặt ra để tiện nhận định vị trí những đảo đó trên bản đồ hàng hải của họ, những khi phải qua những nơi đó mà thôi chứ đâu phải là những yếu tố quyết định khả dĩ biện minh được cho chủ quyền của Trung Quốc. Về cái tệ tập Tàu-hóa địa danh cũng như đảo danh của Việt Nam, thiết tưởng cũng nên dẫn thêm ra đây một tang chứng cụ thể nữa như sau : Cửa Bạn cũng gọi là cửa Bảng là cửa một cái lạch biển ở làng Du Xuyên, phủ Tĩnh-gia, tỉnh Thanh-hóa. Đứng ở chỗ cửa Bạn này nhìn ra, thấy có nhiều hòn núi xanh xanh, vòi-vọi mọc ở ngoài khơi trong số đó có hai hòn lớn hơn cả là hòn Biện và hòn Bảng. Hòn Biện ở gần cửa biển hơn, còn hòn Bảng thì xa đất liền, sở dĩ có tên như vậy là vì hình thể vuông dài như một cái bảng. Chung quanh hòn Bảng có rất nhiều núi nhỏ la-liệt tục gọi là hòn Đọi, hòn Nến, hòn Bung, v.v… Theo trong sách chép thì những hòn núi chung quanh hòn Bảng, hòn thì tựa như hình người, hòn thì như người cắp tráp, hòn thì như người cắp sách, hòn thì như hình cây đèn, người bản thổ gọi là chỗ học-trò họp lại mà học.
        #4
          lyenson 16.03.2010 22:44:33 (permalink)
          Nhà Minh đã kể hòn Bảng là một trong số 21 ngọn danh sơn của nước Nam sai người vẽ đồ bản đem về. Nhà Thanh thì gọi một nhóm những hòn đảo ấy là Thập bát mã. Mặc dầu bị đặt tên Tàu như vậy, những hòn đảo chung quanh hòn Bảng không vì thế mà không thuộc lãnh thổ Việt Nam nữa. Trái lại, dân chúng Việt Nam không hề để ý tới tên ngoại lai Thập bát mã của nhà Thanh đã tự ý đặt ra nữa mà chỉ thường biết đến những danh xưng Việt Nam hòn Bảng, hòn Trò cũng như họ chỉ thường biết đến những danh xưng nôm Bãi Cát Vàng, Bãi Cát Dài của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có lẽ vì đã nhận thấy luận cứ “lấy tên tàu đạt cho đất Việt” quá yếu kém nên ông Chu Kiệt 朱 傑 tác giả bài 南 沙 群 島 和 東 西 中 沙 群 島 一 向 是 中 國 的 領 土 Nam Sa quần đảo hòa Đông, Tây, Trung Sa quần đảo nhất hướng thị Trung Quốc đích lãnh thổ, đăng tải trong Quang Minh Nhật báo số ra ngày 7-6-1956 đã cố đưa ra một luận cứ khác cứ thoạt nghe có vẻ là chứng cứ lịch sử hơn. Trước hết, ký giả này đã dẫn ra một đoạn như sau ở cuốn Tây Dương triều cống điển lục [南 澳 又 四 十 更 (原 注 六 十 里 為 一 更) 至 獨 豬 山 、 又 十 更 見 通 草 之 嶼 、 取 外 羅 之 山 ;又七 更 收 羊 嶼 。 國 東 北 百 里 巨 口 曰 新 洲 港 。 。 。 港 西 南 陸 行 百 里 為 王 之 都 城 、 其 名 曰 占 城 、 疊 石 為 元 、 四 方 有 門 、 門 有 防 衛] nghĩa là ở Nam Áo lại đi 40 canh nữa (nguyên chú 60 dặm là 1 canh) thời đến Độc Trư Sơn, lại đi 10 canh nữa thời thấy Thông Thảo Dư, đi tới được Ngoại La Sơn, lại đi 7 canh nữa thời đến Thu Dương dư, đi trăm dặm về phía Đông- băc xứ đí là cửa biển lớn gọi là Tân châu cảng. Đi bộ một trăm dặm về phía Tây Nam hải cảng này thời là đô thành của nhà Vua, gọi là Chiêm thành, đá chồng chất làm nên, bốn phương có cổng, cổng lại có phòng vệ.” Kế đến, họ Chu chú thích như sau: Nam Áo là Đảo Nam Áo ở vào nơi giao giới hải ngạn hai tỉnh Phúc-Kiến và Quảng-Đông; đi khỏi đó hai nghìn bốn trăm dặm về phía Tây Nam thời tới Độc Trư Sơn. Ước chừng hơn sáu trăm dặm tất cả thời đúng là vị trí đảo Vũ Đức thuộc Tây-Sa quần đảo. Lại đi về phía Nam sáu trăm dặm thời thấy Thông thảo dư. Ước chừng một trăm tám mươi dặm tất cả, thời là một hòn đảo nhỏ ở ngoài hải ngạn Trung Bộ Việt Nam ngày nay. Hòn đảo đó gọi là Ngoại la Sơn tức là Cù Lao Ré của Việt Nam hiện tại. Lại đi bốn trăm hai mươi dặm về phía Tây Nam, thời đến Thu dương dư. Ước chừng một trăm mười dặm nữa , theo sự khảo chứng của các nhà Sử địa học Trung Quốc và ngoại quốc, thời đúng đảo Pulo Gambier của Việt Nam ngày nay. Còn nơi gọi là Tân châu Cảng tức là Qui Nhơn của Việt nam hồi thế kỉ 15 vốn là quốc đô Chiêm thành và nay Bình Định của Việt Nam. Năm xưa, Trịnh Hòa bảy lần xuống Tây dương, đới lãnh hai vạn bảy nghìn sĩ tốt thuyền lớn sáu mươi hai cỗ, xuất phát từ Trung Quốc, đến Chiêm thành là quốc gia được cập bến đầu tiên và trước đó, thế tất phải qua Tây Sa và Trung Sa quần đảo. Xem đó đủ biết nước ta (tức là Trung Quốc) ngay từ sơ kì thế kỉ 15 đã sớm chiếm lãnh Tây Sa và Trung Sa quần đảo rồi. Còn về Nam Sa quần đảo, thời muốn tới Tô lộc Quốc (nay là đảo Tô lộc của Phi-luật-Tân) và Bộc-nê-quốc (nay tức là Gia-lý-ma-đinh của Anh-đô-nê-xi-a), tất nhiên phải qua đó như đã ghi chép trên bản đồ hàng hải của Trịnh-Hòa. Lại nữa người nước ta (tức Trung Quốc) di dân đến Nam dương tất nhiên phải lấy Nam Sa quần đảo làm một trạm trung gian và trên thực tế đã sớm chiếm-hữu và khai-phá”. Nguyên văn đoạn trên như sau: 這 里 謂 南 澳 、 即 現 在 福 建 、 廣 東 二 省 海 岸 交 界 處 的 南 澳 島 。 其 西 南 二 千 四 百 里 至 獨 豬 之 山 、 約 合 六 百 餘 理 、 正 當 西 沙 群 島 武 德 島 的 地 位 。 再 南 六 百 里 見 通 草 之 嶼 、 約 合 一 百 八 十 理 、 當 為 現 在 越 南 中 部 海 岸 外 一 個 小 島 ;所 謂 外 羅 之 山 、 即 現 在 越 南 的 Cù Lao Ré 島 。 又 西 南 四 百 二 十 里 收 羊 嶼 、 約 一 百 十 理 、 根 據 中 外 史 地 學 考 證 、 當 為 現 在 越 南 的 Pulo Gambier 島 。 而 所 謂 新 洲 港 即 越 南 歸 仁 、 15 世 紀 的 占 城 國 都 、 當 在 今 越 南 平 定 。 當 年 鄭 和 七 次 下 西 洋 、 帶 領 士 卒 二 萬 七 千 多 人 、 大 船 六 十 二 艘 、 從 中 國 出 發 、 第 一 個 國 家 、 便 到 占 城 、 而 省 先 要 經 過 的 地 方 、 便 是 西 沙 群 島 和 中 沙 群 島 。 可 見 我 國 選 在 15世 紀 初 期 、 即 早 已 占 領 了 西 沙 群 島 和 中 沙 群 島 。 至 于 南 沙 群 島 、 是 到 蘇 祿 國 (現 在 菲 律 賓 蘇 祿 島) 和 勃 泥 國 (現 在 即 度 尼 西 亞 加 里 馬 丁) 的 必 經 之 路 、 在 鄭 和 航 海 地 圖 上 、 也 有 記 載 ; 我 國 移 民 到 南 洋 去 的 、 更 以 南 沙 群 島 為 中 間 站 、 事 實 上 早 已 加 以 占 有 和 開 發 。
          Đoạn trích lục ở Tây Dương Triều Cống Điển Lục cùng lời chú thích, hay nói cho đúng sự thực hơn, lời giải thích chủ quan về đoạn đó, trái hẳn dụng ý của ông Chu Kiệt, đã không chứng minh được chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Thực tế, mấy câu trong sách trên do ký giả họ Chu dẫn ra đâu có đề cập đến những đảo-dư mà ngày nay Trung Quốc đặt tên cho Tây Sa và Nam Sa quần đảo. Còn những chi tiết về vị trí địa lí của đảo Vũ Đức, đảo Pulo Gambir và của Nam Sa quần đảo chẳng qua là do ông ta phỏng đoán ra mà thêm thắt vào đó mà thôi.
          Vả lại, cuốn Tây Dương Triều Cống Điển Lục của Hoàng Tinh Tăng phần nhiều đã phỏng đoán theo cuốn Doanh Nhai Thắng Lãm của Mã Hoan mà riêng những điều ghi chép về Chiêm thành, Mã Hoan đã tỏ ra không được đích xác bằng Phí Tín soạn giả cuốn Tinh Sai Thắng Lãm. Mặt khác, có lẽ vì quá tôn sùng uy tín của Mã Hoan người đã ba lần được theo Trịnh Hòa xuống Tây Dương, nên quên phức mình là ký giả một nước tự xưng là xã-hội chủ nghĩa, ông Chu Kiệt đã hăng say nhắc nhở tới thủ đoạn xâm lược của Thái Giám họ Trịnh của nhà Minh đối với Chiêm Thành, lại quả quyết cho là nhờ cái thủ đoạn đó mà Trung Quốc đã sớm chiếm lĩnh được Tây Sa và Trung Sa quần đảo ngay từ sơ kì thế kỉ 15 rồi.
          Chẳng biết ông ta căn cứ vào sử tịch nào mà dám dựng đứng lên câu chuyện như vậy. Theo như ông ta cho biết, thời Trịnh Hòa nhân bảy lần xuống Tây Dương đã chiếm lãnh Tây Sa và Trung Sa quần đảo của Chiêm Thành, nhưng ông không nói rõ là lần nào trong bảy lần đó. Cũng may là ông đã cho vài chi tiết khác khả dĩ giúp ta suy luận ra điểm đó được. Những chi tiết ấy là số sĩ tốt và số tàu bè do Trịnh Hòa đới lãnh lần nào đó, gồm có hai vạn bảy nghìn sĩ tốt và sáu mươi hai chiếc tàu lớn. Nhờ về công trình khảo cứu của các sử gia có uy tín như Rockhill, Duyvendak và Pelliot, ngày nay ta có thể biết được số sĩ tốt và số tàu bè được Trịnh Hòa huy động mỗi lần trong bảy lần xuống Tây Dương như sau: lần thứ nhất (1405-7) có 27.870 người, 311 chiếc tàu và 62 bảo thuyền tức là thuyền dùng riêng để chuyên chở châu báu; lần thứ hai (1407-9) có 240 chiếc tàu nhưng không rõ bao nhiêu sĩ tốt; lần thứ ba (1409-11) có 30.000 sĩ tốt và 48 chiếc tàu; lần thứ tư (1413-15) có 28.560 sĩ tốt và 63 chiếc tàu; lần thứ năm (1417-19) không rõ có bao nhiêu sĩ tốt và tàu; lần thứ sáu (1421-2) có 41 tàu và không rõ có bao nhiêu sĩ tốt; lần thứ bảy (1931-3) có 27.550 và hơn 100 chiếc tàu. Nay nếu so sánh số sĩ tốt và số tàu của ông Chu Kiệt dẫn ra với số sĩ tốt và số tàu của mỗi lần Trịnh Hòa xuống Tây Dương như vừa kể ra, thời có thể phỏng đoán được rằng ông Chu Kiệt đã muốn nói tới lần thứ tư Trịnh Hòa xuống Tây Dương, vì những con số ông đã cho biết gần bằng với số sĩ tốt và số tàu lần này. Đồng thời, lại có thể phỏng đoán ra được rằng sự chiếm lĩnh Tây Sa và Trung Sa quần đảo, nếu quả có sự chiếm lĩnh đó, đã xảy ra vào năm 1413. Nhưng đọc lại sử ta và sử Chàm không hề thấy có sự kiên như thế vào năm đó cả. Thực tế, từ năm 1368 là năm nhà Minh lên ngôi, vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga kết liên với triều đình nhà Minh rất thân, thường vu cáo với triều Minh là nước ta cứ tấn công mãi đất Chiêm. Sự thực thì chính là Chế Bồng Nga, ngay từ năm tức vị (1360), đã bắt đầu gây hấn với ta. Năm 1361, quân Chàm đổ lên bến Đà Lí (Bố Trạch) cướp phá châu thành tàn sát dân chúng ở đó. Năm 1365, giữa ngày Tết, quân Chàm tấn công Bà dương (Hóa Châu), cướp đàn bà con gái nước ta đem đi. Năm 1366, quân Chàm lại tấn công nhưng bị quân ta phản công phải chạy tán loạn. Năm 1371, Chế Bồng Nga chỉ huy một đội chiến thuyền lọt vào cửa Đại An rồi từ đó tiến lên thủ đô Thăng Long. Năm 1376, quân Chàm lại đánh phá Hóa Châu , Vua Trần Duệ Tôn bèn quyết định thân chinh đi tiễu phạt Chiêm Thành. Đầu năm 1377, quân ta tiến đánh cửa Thị Nại (Qui Nhơn) lấy được mấy đồn rồi kéo đến thủ đô của Chiêm Thành, nhưng vua Duệ Tôn khinh suất hạ lệnh tiến quân mà chẳng cho thám thính địa thế trước, nên đại quân ta sa cơ chết trận khá nhiều và bị tan vỡ. Duệ Tôn cũng bị tử trận. Quân Chiêm thừa thắng, tấn công ra Bắc, đi vào cửa Thần Phù (thuộc huyện Yên Mô, Ninh Bình), tới thủ đô cướp phá trong một ngày rồi theo đường sông lên cướp phá Thăng Long lần nữa. Năm 1380 quân Chiêm Thành lại mộ quân ở Thuận Hóa, từ Nghệ An đánh lên Thanh Hóa, định tiến thẳng lên Thăng Long. Năm 1382, Chế Bồng Nga lại tấn công miền Thanh Hóa, nhưng bị quân ta đánh đuổi tới tận Nghệ An. Năm 1383, Chế Bồng Nga không vượt qua trận tuyến của ta ở Thanh Hóa, bèn tấn công lên phía Bắc Thăng Long (miền Sơn Tây) đến mãi đầu năm 1384 mới rút đi. Năm 1389, Chế Bồng Nga lại tấn công Thanh Hóa. Quân ta đại bại, quân Chàm tiến lên, Kinh Thành sắp bị tàn phá thì may sao Chế Bồng Nga bị trúng đạn tử trận. Thường-tướng của Chế Bồng Nga là La-Khải rút quân về nước và cướp lấy ngôi. Ở nước ta, Lê Quý-Ly mưu thoán-đoạt nhà Trần, lên ngôi vua rồi chỉnh đốn binh bị để đánh Chiêm Thành. Năm 1402 Quý Ly chiếm được của Chiêm Thành một ít đất nữa ở Quảng Nam, Quảng-Nghĩa nhưng chưa kịp tổ chức cho chắc chắn tìh bị nhà Minh lấy cớ là muốn khôi phục nhà Trần, dốc toàn lực xuống đánh, chiếm đoạt hết nước ta (1413). Quân Chiêm Thành lại thừa cơ tiến lên sát biên cảnh Hóa-Châu.
          Vậy trong lịch sử Chiêm Thành cũng như trong lịch sử Việt Nam vào cuối thế kỉ thứ 14 và đầu thế kỉ thứ 15 không hề thấy ở đâu có chép đến việc nhà Minh chiếm cứ Tây Sa và Nam Sa quần đảo. Dù có sự chiếm lãnh đó vào sơ kì thế kỉ 15 như ông Chu Kiệt đã xác nhận bên trên, đồng thời không thể phủ nhận được sự kiện lịch sử đã xảy ra vào năm 1470 là năm Lê Thánh Tôn đã bình định được Chiêm Thành. Sau khi phái sứ giả sang Tàu báo tin cho triều Minh rằng quân ta sắp tấn công Chiêm Thành để chấm dứt các vụ cướp phá của quân Chiêm, ngày 9-11-1470, vua Lê Thánh Tông hạ một bài chiếu dài cho dân Chiêm, trong đó kết tội Chiêm-Thành đã vu cáo cho Đại-Việt với nhà Minh đã tiếp sứ thần Đại-Việt không được châu đáo, đã giết vua cũ để lập vua mới, lại kết tội quân Chiêm đã quá tàn ác với dân chúng Đại-Việt. Sau đó lệnh tiến quân đã được ban ra và đến ngày 29 tháng chạp, quân Đại Việt đã tới được tận Đồ Bàn, bắt được vua Chàm là Trà Toàn cùng gia quyến 50 người. Biên thùy Đại Việt từ miền Thuận Hóa chuyển được thêm 700 cây số xuống phía Nam tới rặng núi Phú-Yên và Khánh-Hòa ngày nay, tức là tới Đèo Cả (Pháp gọi là Varella). Để ghi dấu biên thùy mới đó, một cây cột đá được dựng lên trên núi. Bởi vậy rặng núi đó đã được mệnh danh là Thạch Bi Sơn. Về võ công này của vua Lê Thánh Tôn, sách Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi có chép như sau: Lê Thánh Tôn đánh Chiêm Thành, mở đất đến Thạch Bi Sơn bốn phủ ở Phan Định trở về Nam vẫn là địa giới của Chiêm. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí quyển II về tỉnh Khánh Hòa thời Minh sử cũng có chép “Sứ thần của vua Chiêm nói” cổ lai, đất đai của nước ấy có 27 xứ, 4 phủ, 7 châu, 22 huyện mà vua An-Nam lấy đi chỉ còn có 5 xứ từ Bang-Đô-Lang đến Châu-Lạp mà thôi”.
          明 史 占 主 使 臣 言 古 來 其 國 土 地 有 二 十 七 處 四 府 七 州 二 十 二 縣 安 南 取 之 止 存 自 邦 都 郎 至 真 臘 凡 五 處 耳 。
          Vậy trễ nhất vào đầu phần tư thế kỉ thứ 15, Hoàng Sa và Trường Sa quần đảo đã thuộc về lãnh hải của Đại Việt tức là Việt Nam đương thời.
          Có một điểm đáng được chú ý trong lối lập luận của ký giả Quang Minh Nhật Báo là ký giả này đã sử dụng hai danh xưng hiện đại Tây Sa và Nam Sa để nói về hai quần đảo trên của Chiêm Thành về thế kỷ thứ 15. Thực là chuyện lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia.
          Kể ông họ Chu cũng khá bối rối vì chính ông đã phải thú nhận là danh xưng Tàu hóa của hai quần đảo liên hệ thay đổi với mỗi triều đại khiến ông không còn hiểu tại sao nữa. Đây là lời thú nhận đó của ông: « 遠 在 唐 、 宋 以 前 、 我 國 移 民 海 外 、 途 經 這 些 島 嶼 、 即 已 經 有 種 種 私 人 記 載 。 但 是 所 記 名 稱 不 一 、 道 里 不 詳 、 自 難 作 為 確 實 證 明 。 到 15 世 紀 初 期 、 即 明 朝 永 樂 到 宣 德 年 間 (1405-1433)、 鄭 和 七 次 下 西 洋 、 繪 有 航 海 地 圖 (戴 明 朝 茅 元 儀 [武 備 志] 、 把 南 中 國 海 所 有 島 嶼 、 一 齊 收 入 版 圖 。)
          Nghĩa là: “ Đã lâu về trước đời Đường, đời Tống, người nước ta di dân ra hải ngoại đã qua những hải dư đó, và những đảo dư này đã được nhiều tư nhân ghi chép. Song, danh xưng đã được ghi chép một cách bất nhất, chẳng rõ vì lẽ gì, thật khó mà chứng minh cho xác thực được. Kế đến sơ kì thế kỷ 15 tức là khoảng triều Vĩnh Lạc cho tới triều Tuyên Đức nhà Minh (1405-1433) Trịnh Hòa nhân bảy lần xuống Tây dương có vẻ được đại đồ hàng hải (Có in trong cuốn Vũ Bị Chí của Mao Nguyên Nghi triều Minh ), và đem những đảo dư của Trung Quốc thâu nhập cả vào trong địa đồ đó”. Địa đồ hàng hải được nói tới trong đoạn trích lục trên tức là bản đồ của Mao Khôn như đã đề cập tới ở bên trên. Nhưng trong bản đồ của Mao Khôn không hề thấy có hai đảo danh Vĩnh Lạc và Tuyên Đức mà chỉ thấy những đảo danh như Thạch Đường, Thạch Sinh, Thạch Sinh Thạch Đường Dư và Vạn Tinh Thạch Đường mà thôi. Vậy sao ông Chu Kiệt không xài mấy danh xưng này lại đi xài hai danh xưng Tây Sa và Nam Sa. Có lẽ vì đó chỉ là những danh xưng do tư nhân đặt ra chứ không phải tên những tên chính thức như Tây Sa và Nam Sa do chính phủ Trung Quốc đã tự ý đặt ra cho hai quần đảo vốn thuộc chủ quyền sở hữu của Chiêm Thành xưa và Việt Nam ngày nay. Học thời sự do Văn hối Báo biên soạn và ấn hành số ra ngày hai mươi tháng giêng 1974 thời lại căn cứ vào danh xưng của hai đảo quần Tuyên Đức và Vĩnh Lạc để cố chứng minh rằng quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc nay mệnh danh cho Tây Sa quần đảo thuộc chủ quyền của Trung Quốc từ đời Minh.
          Học Thời Sự lập luận như sau: “Tây Sa quần đảo có hai đảo- quần một là thuộc nhóm đảo Tuyên Đức hai là nhóm đảo Vĩnh Lạc. Đó là để kỷ niệm Trịnh Hòa mà đặt nên tên như vậy. Trịnh Hòa vốn là một nhà hàng hải vĩ đại của nước ta, bảy lần xuống Tây Dương (1404-1433) đã nhiều phen qua lại Đông Hải và đã từng đi khắp các đảo trên Đông Hải. Trong bảy lần Trịnh Hòa xuống Tây Dương , có sáu lần dưới triều Vĩnh Lạc và một lần dưới triều Tuyên Đức, đời Minh. Bởi vậy Tây Sa quần đảo đã lấy hai niên hiệu Tuyên Đức, Vĩnh Lạc đặt tên cho hai quần đảo đó”. Nguyên văn như sau: 西 沙 群 島 有 兩 個 群 島 、 一 是 宣 德 群 島 、 一 是 永 樂 群 島 、 這 是 為 了 紀 念 鄭 和 而 定 名 的 。 鄭 和 是 我 國 偉 大 航 海 家 、 七 下 西 洋 (1404-1433)、 數 度 過 往 南 海 、 遍 歷 南 海 諸 島 。 因 為 鄭 和 七 下 西 洋 、 有 六 次 是 在 明 朝 永 樂 年 間 、 而 有 一 次 是 在 宣 德 年 間 。 所 以 西 沙 群 島 以 宣 德 、 永 樂 作 為 島 群 名 。
          Trong Nguyệt-san Thất Thập Niên Đại số tháng ba năm 1974, ông Tề Tân cũng lặp lại luận cứ này, khi ông viết như sau: 在 這 些 群 島 上 曾 發 掘 出 永 樂 年 間 德 銅 幣 、 這 更 足 以 證 明 五 百 多 年 前、 已 有 中 國 人 民 在 島 上 居 住 的 事 實 。 而 且 、 至 今 西 沙 、 南 沙 群 島 中 還 保 存 著 [宣 德 群 島] 、 [永 樂 群 島] 等 名 稱 。
          Nghĩa là: “Ở thượng tầng những quần đảo này đã phát quật được tiền đồng khoảng đời Vĩnh-Lạc, điều đó đủ chứng minh cho sự thực là hơn 500 năm về trước, đã có người Trung-Quốc cư-trú trên những đảo đó rồi. Lại nữa, cho tới ngày nay trong Tây-sa quần đảo và Nam sa (sic) quần đảo vẫn còn bảo-tồn những danh xưng Tuyên-Đức và Vĩnh-Lạc quần đảo".
          Về danh xưng Tuyên-Đức và Vĩnh Lạc, rất có thể những danh xưng đó được Trung Quốc đặt ra để kỹ niệm những cuộc viễn chinh của họ Trịnh. Vả lại những danh xưng đó và vài danh xưng khác đã được đặt trùng với những đảo danh ở Việt Nam, mặc dầu ý nghĩa có khác nhau. Tỉ dụ vài đảo danh Việt Nam cũng mới được đặt ra gần đây thôi như Tuyên Đức và Vĩnh Lạc không có cái ý nghĩa kỹ niệm nhũng cuộc viễn chinh của Viên Thái Giám nhà Minh nhưng chỉ có nghĩa như những địa danh Tuyên Đức tên một tỉnh ở Trung phần VIệt Nam ngày nay và Vĩnh Lạc, tên một thành đắp bằng đất (bảo) ở nam phần Việt Nam dưới Triều Nguyễn mà thôi.[1]
          Mặt khác, Hoàng Sa và Trường Sa vốn nằm trên hải đảo Trung quốc Nam- Dương, như đã nói tới bên trên, tất nhiên đã từng được dùng làm những trạm trung gian không những cho dân Tàu trên đường đi Nam- Dương nhưng cho cả thương nhân và các nhà mạo hiểm Ả Rập, Ba Tư, Ấn Độ và Tây phương đến Hoa Nam nữa. Tiền đồng niên hiệu Vĩnh Lạc đã tìm thấy trên vài hòn đảo thuộc Trường Sa và Hoàng Sa không thể viện dẫn ra làm chứng cứ cho chủ quyền của Trung quốc trên những đảo đó được. Trước hết, theo sự khảo cứu của học giả Jung Pang Lo, soạn giả cuốn The Decline of The Early Ming Navy (Sự suy sụp của chiến thuyền triều Minh sơ), thời nhân dịp viễn chinh Tây Dương quân Minh và Hoa Kiều ở Đông Nam Á đã lợi dụng địa vị nước họ là một thượng quốc ép uổng thương nhân các nước nhỏ không những phải bán hang giá rẻ cho họ, mà phải chịu để họ trả tiền mua hàng bằng tiền nhà Minh. Do lẽ đó, những đồng tiền thời Vĩnh Lạc đào bới được trên đảo Đông Hải có thể thuộc về người Tàu cũng như người Việt và người nước khác giao dịch với người Tàu dưới triều Minh. Ngoài tiền Tàu ra lại thấy có nhiều đồ vật khác trên những đảo nói trên. Trong Phủ Biển Tạp Lục, Lê Quí Đôn cũng có chép như sau về quần đảo Hoàng Sa “Những thuyền lớn đi biển thường gặp gió đều đến nương hậu ở đảo. Ngày trước họ Nguyễn có thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã Yên Vĩnh bổ sung. Mỗi năm họ luân phiên nhau đi biển lấy tháng giêng ra nhận lãnh chỉ thị làm sai dịch. Đội Hoàng Sa này được cấp phát mỗi người sáu tháng lương. Họ chèo năm chiếc thuyền câu nhỏ ra ngoài biển cả ba ngày ba đêm mới đến đảo. Họ tha hồ lượm lặt, tự ý bắt chim, bắt cá làm đồ ăn. Họ được những đồ hải vật như gươm và ngựa bằng đồng, hoa bạc, tiền bạc, sáp ong vàng, đồ chiến gia, đồ sứ…Họ còn lượm lặt những vỏ đồi mồi,những con hải sâm, những hạt con ốc rằn thật là nhiều”. (Phủ Biển Tạp Lục, quyển hai).
          Lê Quí Đôn lại cho biết cả chi tiết về những thứ đã lượm được như sau: “Năm Nhâm ngọ (1702) đội Hoàng Sa lượm được bạc 30 thoi. Năm Giáp thân (1704) lượm được thiết 5.100 cân. Năm Ất Dậu (1705) lượm được bạc 126 thoi. Còn từ năm Kỷ Sửu (1709) đến năm Quí Tị (1713) tức là trong khoảng 5 năm, thỉnh thoảng họ cũng lượm được mấy cân đồi mồi và hải sâm. Cũng có lần họ chỉ lượm được mấy khối thiếc, mấy cái bát và hai khẩu sung đồng”. ( Phủ Biên Tạp Lục, quyển hai).
          Có điểm đáng chú ý là những người trong đội Bắc Hải do họ Nguyễn đã thiết lập thêm thừa lệnh quân trên chèo thuyền tư và thuyền nhỏ câu cá ra cù lao Côn lôn ở giữa Bắc Hải hoặc đi đến xứ Côn tự thuộc vùng Hà tiên tìm kiếm hải vật, chỉ lấy được đồi mồi, hải ba, đồn ngư, lực quí ngư và hải sâm thôi mà ít khi lượm được vàng bạc và các của cải quí báu khác như thấy có trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Xem đó đủ biết xưa nay của hai quần đảo này vẫn có một vai trò trọng yếu là nhường nào đối với sự giao thương quốc tế trên biển Đông Hải.
          Những cuộc đi kiếm tìm hải vật trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như trên nhiều đảo khác ở ngoài các cửa biển Việt Nam không hề có tính cách cướp bóc của bọn giặc biển trên đảo- dư của nước khác nhưng chỉ là những hoạt động trong khuôn khổ hành sử chủ quyền của một quốc gia trên những đảo đó. Tỉ như đội Hoàng Sa do họ Nguyễn thiết lập ra cứ hàng năm cắt người luân phiên nhau đi biển, lấy tháng giêng ra đi nhận lãnh chỉ thị làm sai dịch, họ được cấp phát mỗi người sáu tháng lương để ra ngoài biển cả tìm kiếm hải vật trên các đảo dư. Đến kỳ tháng tám họ mới trở về rồi tới thành Phú Xuân trình nạp các vật họ đã lượm nhặt được. Người ta cân, khám nghiệm và định xong đẳng- hạng các sản vật rồi mới cho đội này bán riêng những con ốc rằn, hải ba, hải sâm; bấy giờ đội ấy được nhận lãnh bằng cấp trở về nhà. Đội Bắc Hải cũng được tổ chức một cách tương tự như đội Hoàng Sa ngoại trừ một điểm là không định trước bao nhiêu suất. Những người tình nguyện bổ sung vào đội này đều được miễn nạp tiền sưu cùng các thứ tiền lặt vặt như tiền đi qua đồn- tuần, qua đò. Ngoài những đội tìm kiếm hải vật mà ta có thể coi là một hình thức hành sử chủ quyền Việt Nam trên các đảo- dư của ta hồi thế kỷ 17, lại còn một hình thức thực thi chủ quyền Việt Nam đương thời nữa là phép đánh thuế khóa của họ Nguyễn đối với các tàu bè ngoại quốc lui tới ở các cửa biển nước ta. Lê Quí Đôn có chép về điều này như sau:
          “ Xứ Thuận Hóa, đường thủy và các đường lục giao- thông với tỉnh Quảng- Nam. Về phía hữu, tỉnh Quảng- Nam thông với các phiên quốc. Còn đường biển thì xứ Thuận Hóa và xứ Quảng Nam chỉ cách tỉnh Mân và tỉnh Quảng (Quảng Đông) Trung quốc có ba, bốn ngày đường nên các tàu buôn của Trung quốc từ xưa đến nay thường thường tụ tập ở hải phận Thuận Hóa và Quảng Nam. Vào thời niên hiệu Vĩnh Lạc nhà Đại- Minh, có các thuyền buôn của Trung quốc trôi vào bến chợ Thuận Hóa. Tại đây, lúc bấy giờ, nhà nước đã thiết lập ty Đề- Cử lại có trường Sưu tiền.
          Đến thời nhà Nguyễn cắt giữ đất Thuận Hóa và Quảng Nam, thâu được những khoảng thuế tàu thuyền các nước đến đậu ở đấy rất nhiều. Cai quản các bến có một viên Cai- tàu, một viên Tri- tàu, hai viên Cai- bạ, hai viên Cai phủ, hai viên Ký- lục, hai viên Phủ- tàu, sáu người Cai- phòng, 30 người Lệnh sử, cùng với nhuệ- binh 50 danh, 4 đội lính cộng 60 danh, với 6 danh Thông sự.
          Tại các làng Minh- hương ở Hội- An, Cù- lao Chiêm, Cẩm Phố, Làng Câu thì có chức quan “ Sai- ty thái- báo”. Hễ tàu nước ngoài đến xứ Quảng Nam vào cửa biển Đại Chiêm đến phố Hội An, hay vào cửa biển Đà- nẵng, đến xứ Lưu- Lâm mà buôn bán, thì phải nạp các hang thổ- vật ( sản vật địa phương), và phải nạp thuế nhập xuất theo lệ định phân biệt đẳng- bậc khác nhau. Cùng năm, thông tính thâu được những khoản tiền thuế cảng. Còn 4 phần 10, các quan lại quân dân cứ chiếu theo số người nhiều ít mà chia phần đồng- đều như nhau. Nếu có những tàu bị gió bão trôi giạt đến, không có hàng hóa gì đáng chịu thuế lệ, thì sau khi viên Tàu- trưởng làm giấy khai- trình, tức thì quan hữu- trách truyền cho tuần- nha giữa cửa biển cùng với viên Đồn- thủ đến tàu khám xét qua. Rồi cho phép người trong tàu được đi mua củi, gạo, và họ chỉ được lưu lại 2, 3 ngày, rồi bị đuổi ra biển cả ( đại- dương). Không cho tàu họ vào cảng để khỏi sinh những việc lôi thôi. Nhưng cũng có trường- hợp họ cố ý tạo ra cảnh bị gió trôi- giạt đến, để được tạm trú, và ngầm đem lén hàng hóa lên phố, rồi sau mới trình xin chịu một số ít thuế. Những cách gian- lận ngoài pháp luật như thế vốn không thể nào đề- phòng cho hết được. Nay tra xét lại việc ngày trước, khi quan Lệnh- sử coi về các tàu là ông Võ- Trực kê khai những thuế lệ như sau:
          Tàu từ Thượng- Hải đến, phải nạp tiền thuế: 3.000 quan.
          Tàu từ Quảng- Đông đến, phải nạp tiền thuế: 3.000 quan. Còn thuế lệ lúc tàu trở lui: 300 quan.
          Tàu từ Phước- Kiến đến, phải nạp tiền thuế: 2.000 quan. Còn lúc tàu trở về, lại phải nạp thuế: 200 quan.
          Tàu từ Hải- Nam đến, phải nạp tiền thuế: 4.000. Khi tàu trở về lại phải nạp tiền thuế: 400 quan.
          Tàu từ nước Nhật Bản đến, và khi tàu trở về, lệ thuế đều như tàu từ Mã- Cao đến, và lúc trở về.
          Tàu từ nước Xiêm- La đến, phải nạp thuế: 2.000 quan, và lúc tàu ấy trở về, lại phải nạp tiền thuế: 500 quan.
          Tàu từ Lữ- Tống đến, phải nạp tiền thuế: 2.000 quan, và lúc tàu trở về, lại phải nạp tiền thuế: 200 quan.
          Tàu từ xứ Cựu- Cảng đến, phải nạp tiền thuế: 500 quan, và lúc tàu trở về, lại phải nạp 50 quan tiền thuế.
          Tàu từ Hà- Tiên đến, phải nạp tiền thuế: 300 quan, và lúc tàu trở về, lại phải nạp tiền thuế: 30 quan.
          Tàu khách từ Sơn- Đô đến, phải nạp tiền thuế: 300 quan, và đến khi tàu trở về, lại phải nạp thuế: 30 quan.
          Ở Thượng- Hải, có thuyền từ tỉnh Triết- Giang đôi khi chở sứ- quán của Thiên- triều [ tức triều- đình nước Trung- Hoa] đến mua hàng- hóa. Ở Hải- Nam, có thuyền Quỳnh- Châu đến mua hàng- hóa. Ở Mã- Cao, có thuyền nước Hòa- Lan đến mua hàng- hóa.
          Năm Nhâm- thìn [ tức năm 1772 là năm thứ 33 niên- hiệu Lê Cảnh- Hưng] và năm Quý- tị [ tức năm 1773], có lệnh giảm cả tiền thuế các tàu ngoại- quốc đến, và tiền thuế lúc các tàu ấy trở về, mỗi tàu chỉ nạp 2.100 quan.
          Năm Tân-mão [tức năm 1771 là năm thứ 32 niên-hiệu Lê Cảnh-Hưng], những tàu thuyền buôn từ các xứ đến bến Hội-An cộng 16 chiếc, tiền thuế tất cả cộng 38.000 quan tiền.
          Năm Nhâm-thìn, thuyền buôn từ các xứ đến bến Hội-An cộng 12 chiếc, tiền thuế tất cả cộng 14.300 quan.
          Năm Quý-tị [1773], thuyền buôn từ các xứ đến bến Hội-An cộng 8 chiếc, tiền thuế cộng 3.200 quan.
          32b Thể lệ về tào-vụ [coi về tàu thuyền] của nhà Nguyễn như sau:
          Cứ thường năm, đến tháng giêng, các viên Cai-bạ, viên Tri-bạ, viên Lệnh-sử, viên Ký-lục thuộc Tàu-ty đều phải vào phố Hội-An. Họ phân-công, sai-phái thuộc quân của mình có người nào thông-hiểu tiếng ngoại-quốc, thì cho ra đóng giữ ở cửa biển Cù-lao Chiêm hoặc cửa biển Đà-nẵng. Khi nào có thuyền, tàu buôn các nước ngoài đến đây, người ấy phải xét hỏi kỹ-lưỡng từng thuyền một. Nếu xét quả thuyền, tàu ra vào buôn-bán, người ấy mới dẫn viên thuyền-trưởng hoặc viên phó thuyền-trưởng vào phố Hội-An trình với quan Cai-bạ tra xét để làm giấy tờ trình lên cấp trên. Đoạn người ta báo cho quan Cai-tàu, cùng thuyền lệnh đến ty Tuần-áp để sai người hộ-tống thuyền, tàu ấy vào cửa biển, đến sở Bạc-tuần. Rồi quan Lệnh-sử cùng các nha đến xét giấy-tờ của viên thuyền-trưởng. Viên tài-phó tàu phải kê-khai số hóa-vật. Quan Lệnh-sử chiếu từng mục hóa-vật xét xong mới cho họ qua sở Tuần, rồi lên bến phố trú-ngụ. Viên thuyền-trưởng phải sửa-soạn lễ vật “báo tín” đệ lên ông Nguyễn-Lệnh [Lệnh sử họ Nguyễn] 4 cân trà, các quan Tứ-trụ văn-ban cùng quan Thái-giám thủ-tài-vụ, quan Cai-bạ mỗi người 1 cân trà,các viên Tri-bạ, Cai-phủ, Ký lục mỗi người nữa cân trà. Đơn khai lễ vật được đệ nạp tại chính-dinh quan Nguyễn-Lệnh xem xét rồi chiếu theo bản kê-khai lễ-vật ấy mà phân-phát cho các quan.
          33a Viên thuyền-trưởng lại phải sửa-soạn đầy-đủ lễ tiến [tiến lên chúa Nguyễn chăng?] hoặc giấm, đoạn, lụa mỏng có hoa, sa, đồ chơi cùng các hạng trái cây, và phải kê trình trước với quan Cai-bạ. Rồi sang nầy sai lính đệ đến quan Cai-tàu. Bấy giờ thuyền-trưởng mới dân nạp lễ-vật cho ông Nguyễn-Lệnh. Lễ vật ấy vốn không có hạn định, nhưng đại-khái lễ-vật cũng đáng 500 quan tiền. Nhưng cũng có khi viên thuyền-trưởng dâng một vài món quà mà được quan thích ý thì có thể quan truyền tha đánh thuế cũng nên. Tiến lễ-vật xong, viên thuyền-trưởng phải kê-khai các hàng hóa trong tàu, cứ mỗi hạng hóa-vật phải kê ra một tấm thiếp riêng-biệt. Nếu viên thuyền-trưởng cố tình giấu-giếm hóa-vật, thì khi mà người ta xét ra, các hóa-vật trong tàu sẽ bị tịch-thâu sùng công hết, và còn có thể chiếu pháp-luật nhà-nước mà trị tội nữa. Như ông Nguyễn-Lệnh muốn mua một món hàng-hóa nào, thì cứ truyền cho viên Cai-quan chiếu theo tấm thiếp kê hàng đệ nạp vào công-khố thau-trữ. Viên thuyền-trưởng và viên tài-phó đều phải theo vào kho xem cân được bao nhiêu. Dầu có vật-hạng nào không mua, cũng cho phép viên thuyền-trưởng và viên tài-phó đem đi bán hay đổi-chác. Nếu họ có kêu quan mua giảm giá quá đáng, thì cũng có thể được trả thêm tiền mua hàng ít nhiều.
          Cả đến các người khách đi tàu, trong hành-lý có những món đồ chơi nào, cũng đều phải kê-khai nhứt thể đệ lên quan xem. Quan có mua những hàng gì, được bao nhiêu, thì cho họ trừ vào thuế nhập cảng. Còn thiếu thuế nhập-cảng bao nhiêu nữa, thì cho họ đem đi bán nơi khác được sẽ nạp sau.
          Về lễ trình diện, quan Cai-tàu xem lễ dâng lên Thượng-quan là bao nhiêu rồi giảm đi một nữa. Lễ nạp cho các quan Cai-bạ và các nha-thuộc đều khác nhau.
          33b Các tàu từ Thượng-hải, Quảng-đông, Phước-kiến và Mã-cao đến, đều có đâng lễ tiến lên Thượng-quan. Còn tàu từ Hải-nam đến, không có lễ tiến, chỉ đến ngày tàu nhổ neo ra về, mới dâng lễ tiến. Tùy theo lễ hậu hay bạc để các quan đáp lễ lại, hoặc tặng họ 5 thoi bạc, 5 cây quyến, 50 quan tiền, và 5 bao gạo; hoặc tặng 3 thoi bạc, 3 cây quyến, 30 quan tiền và 3 bao gạo ; hoặc 2 thoi bạc, quyến 2 cây, tiền 20 quan và gạo 2 bao, không có tiêu chuẩn nhứt định.
          Còn như Thượng-quốc [tức nước Trung-Hoa] có sai tàu nhà-nước trao-trả số dân bị sóng gió trôi giạt vì đắm tàu cho ta, theo lệ định ta tặng sai-quan và thuyền của họ 50 quan tiền, và cho dân-đinh và thủy-thủ mỗi người một quan tiền. Nếu họ sai thuyền buôn trao-trả cho ta những người dân bị đắm tàu trôi giạt vào nước họ, nhân đó thuyền buôn nọ vào buôn-bán đổi-trác hàng-hóa, thì thuyền buôn ấy được tha, khỏi phải đóng thuế nhập-cảng. Còn những tàu buôn nào chuyên-chở hàng-hóa của nước họ đến nước ta, đều phải có đơn trình quan Cai-bạ để quan nầy sai-phái người đến phán xét. Rồi mới sai quan lính áp điệu tới thuyền, chứ không được thiện-tiện chở riêng đi bán.
          Nếu có chiếc tàu nào chở khách hay hàng-hóa đầy quá, viên thuyền-trưởng phải có đơn trình, quan chiếu theo số khách khi tàu mới đến nơi, cho người đến tận thuyền đếm lại phân-minh, rồi sai lính thuộc quyền cùng với tuần-ty cho dân phụ-lũy [dân khuôn vác] [34a] hộ-tống thuyền ra ngoài cảng.
          Còn như những người buôn-bán ở nước khác mà bị sóng gió trôi giạt đến hải-phận nước ta, nếu họ xin tạm-thời đậu lại để sửa-chữa thuyền, thì thuyền họ được đậu ở cửa Hàn và xứ Cù-lao. Khi đã sửa-chữa thuyền xong, quân lính giữ cửa biển và dân tiếp-cận phải xua-đuổi họ ra biển cả. Nếu họ còn muốn vào hải-phận nước ta để mua bán, thì quan Cai-bạ cùng với quân lính thuộc quyền các Tàu-ty phải đến nơi khám-nghiệm hàng-hóa của họ còn nhiều ít như thế nào, rồi chuyển trình lên cấp trên. Nếu thuyền của họ còn nhiều hàng-hóa, thì họ được miễn thuế một phần ba ; nếu còn ít hàng-hóa thì họ được miễn thuế một nửa; nếu không còn hàng-hóa gì, thì được miễn các thứ thuế.
          Nếu họ muốn chở hàng-hóa của các khách buôn, họ phải làm đơn trình nói rõ những người khách ấy là người ở xứ-sở nào ? Thuyền lớn hay nhỏ ? Chở hành khách nhiều hay ít ? để định lệ đánh thuế, rồi mới cho họ chở mướn. Cũng có khi người ta chẳng căn-cứ một lệ củ nào cả. Khi nào những thuyền chở khách bị sóng gió phá hoại, thì sau khi tra xét số hành khách, quan Cai-bạ giao-phó cho hội-quán giữ họ lại, và cấp-phát cho họ mỗi người 5 quan tiền. Đợi đến lúc thuận gió thì cho họ sang thuyền khác trở về Trung-quốc. Nếu họ là người ở xứ khác, thì tùy theo quan sở-tại cấp-phát giấy-tờ để họ được trở về nguyên quán. “Phủ biên tạp lục, quyển bốn” (bản dịch của Lê Xuân Giáo, Saigon, 1973).
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 16.03.2010 22:48:47 bởi lyenson >
          #5
            lyenson 16.03.2010 22:51:08 (permalink)
            Đoạn khá dài vừa trích-dẫn ở Phủ biên tạp lục đủ chừng tỏa rằng ngay từ lâu nước ta tào-vụ và quan thuế trên mặt biển đã được thiết bị khá đầy đủ và nghiêm ngặt khả dĩ bảo vệ được một cách hiệu-nghiệm quyền-lợi kinh-tế cũng như chủ-quyền quốc gia đối với các nước đương-thời có quan-hệ hải-thương với mình kể cả Trung-quốc, mặc dầu hồi bấy giờ nước này vẫn được ta biệt-đãi như một thượng-quốc.
            Chính soạn-giả cuốn Phủ biên tạp lục cũng đã dẫn ra vài tỉ-dụ cụ-thể về lề-lối đối-xử với các tàu buôn của người tàu từ Quảng đông, Phước-kiến, Hải-nam, v.v… đến cập bến tại các cửa biển Việt-Nam dưới triều họ Nguyễn, lại có nói cả tới vụ các thuyền buôn Trung quốc vào thời niên-hiệu Vĩnh-Lạc nhà Minh bị trôi vào bến chợ Thuận hóa cũng phải chịu sự kiểm-soát của thuế quan Đại Việt.

            Thêm vào mấy tỉ-dụ trên của Lê Quí Đôn, thiết trưởng cũng nên chứng dẫn ra dưới đây vài đoạn lấy trong bộ hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán, một vị lao-tăng đời Khang-hy đã đến đất Thuận hóa dưới triều Nguyễn Phúc Châu ngày 29 tháng giêng năm Ất-hợi (13/3/1695) và rời chùa Thiền Lâm để vào Hội-an về Quảng đông ngày 28 tháng 6 cùng năm đó,(7/8/1695). Trước hết là đoạn Thích Đại Sán thuật lại lúc tàu mình vào Thuận-hóa “Nước Đại Việt kiên-thiết đô ấp trên hình vòng câu............Ăn cơm sớm xong, ta hỏi : nay gió vào Hội-an thuận hoặc vào Thuận-hóa thuận chăng ? Đều trả lời vào Thuận-hóa thuận. Ta cười bảo nếu bảo vậy cứ vào Thuận-hóa. Người coi lái biết không thể cãi, nhìn nhau rồi quyết định. Buôn gió một chặp rồi vào đến vòng núi, ấy là đảo Tiêm-Bích-La (Cù lao Chàm) dần dần thấy gò cao rừng rậm, dần dần thấy nội phẳng đồng bằng, khi so le mấy góc nhà gianh, nọ phơi phất mấy cây cổ-thụ, bãi cát trắng xóa, bởi nước biển dội sạch, xa trong một vòng bạc sáng ngời, giống như bờ đê khước-nguyệt. Nổ mấy phát pháo lớn, ra hiệu cho trong bờ biết có tàu đến nơi. Cửa biển vẫn chưa trông thấy, chỉ thấy trên mặt biển có một làn sóng dợn xa xa. Bỗng chốc, một lá buồm hình lưỡi rìu từ phía mặt trời lặn chạy lại; lúc đến nơi, trời đất nhá nhem tối, nhìn thấy một người trần truồng mang khố đầu bối tóc có gắn lông nhím, răng đen, nói líu lo. Người ấy vì không phải phụng-mạng mà lại, nên không dám lên tàu. Trên tàu có người muốn xuống thuyền xem chơi, người ấy cũng không chịu. Hai Phiêng-tăng nguyên người nhà Vua sai sang Quảng-đông ra hỏi chuyện, người ấy bèn thi lễ. Lấy giây giồng Phiên-tang xuống thuyền để chạy đi thông báo với Quốc vương. Kế đó một chiếc thuyền lại, có một viên quan cũng bối tóc đi chân không, chong đèn ngồi canh giữ không. Suốt đêm ồn-ào, ngủ không yên giấc. Rạng sáng thuyền tứ phía chèo đến đông như kiến cỏ. Người bản xứ chen lấn giành mua các thứ giày, mão, bít tất, quạt,v.v… rất thích mua thứ dù che mưa. Qua giờ thìn, có hai chiến hạm của nhà Vua sai Quốc Cậu đem ra đón, hai phiên-tăng cũng trở lại, thi lễ xong, lập-tức giục xuống thuyền nói có Quốc Cậu đương kính chờ bên thuyền. Vài mươi thủy-quân võng ta xuống, nổi trống đồng họ hát trèo đi. Thuyền sơn son láng bóng soi mặt được, tả hữu đều 25 chèo, thủy quân rất mạnh-mẽ, cửa khoang thuyền chạm long vân, sơn đỏ che đệm có đẳng-văn, dưới trãi chiếu lát mịn màu xanh lục, lò đốt kì-nam hương, hộp vàng bày cau trầu, có đủ các thứ gối tựu, ống giổ.

            Đến công-đường ở bờ biển, công đường tức nhà thâu thuế chỉ có một gian lợp bằng cỏ gianh “ (Hải kinh kỷ sự, quyển 1). Trong đoạn văn trên có vài điểm đáng chú ý là cửa biển Thuận-hóa và chắc chắn cả các cửa biển khác của Đại Việt nữa đã được canh-phòng rất nghiêm mật và thuế-vụ cũng được tổ-chức chu đáo mặc dầu rất giản-tiện.

            Đoạn khác trích-dẫn bên dưới đủ chứng tỏ một cách hùng-hồn rằng Hoàng sa, Trường sa quả là một vùng nguy hiểm, đồng thời cũng cho ta biết được những chiếc thuyền câu của Đại Việt quả là lợi hại. Đây là đoạn văn đó: " Qua ngày 30, đánh thanh-la nhổ neo. Mấy mươi chiếc điến cô (thuyền đánh cá) cột dậy thuyền ra cửa. ................ . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . Gió nam thổi dịu dần, thuyền chạy vát tới vát lui, chẳng tiến được bao nhiêu, bỗng chốc mưa lớn, gió bấc thổi mạnh, thế không chạy tới được, cả thuyền đều lo ngại vì quãng đường Trường sa (bãi dài). Ta khoác y vào niệm chú. Hồi lâu, phía đông nam, một trận gió bão nỗi lên, đêm tối mây mù, ngữa bàn tay chẳn thấy. Mọi người đều sảng hồn,mường tượng trông thấy rồng bay múa hai bên thuyền. Ước chừng một canh, rồng bay đi. Khoang đường gió bắc thổi đi nãy giờ, trông giây phút đã thấy thuyền trở lại chỗ cũ. Sau cơn mưa màu trời sắc biển suốt gần xa, đến đây lòng về đã ngụi lạnh hết vậy. Sáng ngày, mây tạnh trời quang, xa xa trông thấy ngấn núi, cách chừng vài mươi dặm, vẫn thấy đảo Tiêm Bích La. Theo gió xuôi vào son cảng, người trong thuyền đánh trống tạ thần, đều giơ tay lên trán nói rằng : “ Thực là sống sót “ (Hải kinh kỷ sự, quyển 4).
            Sống sót quyết nhiên chẳng phải là nhờ ở mấy câu niệm chú của Lão-tăng Trung quốc nhưng nhờ ở gan dạ và tài lái thuyền của dân chài Đại Việt mà chính soạn giả Hải Ngoại Kỷ Sử đã từng được mục kích. Đoạn văn trích dẫn dưới đây là một bằng chứng rõ ràng:
            “ Đầu thuyền ngồi một vị quan, dưới thuyền đứng một người cầm lái giữa thuyền sáu mươi bốn quân nhân đứng chèo, giữa khoang thuyền có bốn cọc nạng sơn son, trên bắc ngang một cây mõ gỗ, một người lính ngồi gõ mõ làm nhịp cho những người đứng chèo; thuyền cây qua tả là qua tả, bát qua hữu là qua hữu, miệng hò lơ, chân dậm ván, đều răm rắp theo nhịp mõ chẳng phút đơn sai, mới nghe qua thực chẳng hiểu dịp gì lạ vậy. Thuyền dài mà hẹp, như hình long chu, mũi cất cao, đuôi thuyền sơn đỏ, giữa không thấy để bếp nấu thầm nghĩ bao nhiêu người sẽ ăn uống vào đâu?”
            ( Hải Ngoại Kỷ Sử, Quyển ba).
            Qua mấy đoạn văn vừa trích-dẫn ở Hải Ngoại Kỷ Sử, ta có thể nhận thấy rằng trong khoảng từ thế-kỷ 15 đến thế-kỷ 17, chủ quyền Việt-Nam trên hai quần đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa đã được hành-sử dưới nhiều hình thức như đánh thuế xuất nhập tàu-bè ngoại quốc, thiết lập những đội chuyên thâu-lượm hải-vật, kinh-nghiệm bản-thân của các dân chài, bản-xứ đối với hai quần đảo đó, v.v…
            Kế đến, dưới triều Nguyễn, chủ quyền Việt-Nam vẫn thấy được hành-sử một cách liên-tục và thiết-thực.
            Một chứng-cứ là cuốn sách của Đức Giám Mục Taberd mà chúng ta dẫn ra ở một đoạn trên đã ghi nhận rằng người Việt xứ Đàng Trong đã chiếm cứ quần đảo Hoàng-Sa từ lâu. Tác-giả viết về việc đó như sau: “Nous ferons seulement observer que depuis plus de 34 ans l’archipel des Paracels nommé par les Annamites Cát Vàng ou Hoàng-Sa (sable jaune) véritable labyrinthe de petits ilots de rocs et de bancs de sable justement rudoutés des navigateurs a été occupé par les Co-chinchinois. Nous ignorons s’ils ont fondé un établissement mais il est certain que l’Empereur Gia Long a tenu à ạjouter ce singulier fleuron à sa couronne, car il jugea à propos d’en eller prendre possession en personne et ce fut en l’année1816 qu’ily y arbore solennellement le dra-peau Cochinchinois.”
            Nghĩa là: “Chúng tôi chỉ xin lưu-ý rằng từ hơn 34 năm nay quần đảo Paracels mà người An nam gọi là Cát Vàng (Hoàng-Sa) gồm có rất nhiều hòn đảo chằng chịt với nhau lởm-chởm những đá nhô lên giữa những bãi cát khiến cho kẻ đi biển rất e-ngại đã được người Việt xứ Đàng-Trong chiếm-cứ. Chúng tôi không rõ họ có thiếp-lập một cơ-sở nào tại đó không nhưng có điều chắc-chắn là Hoàng-Đế Gia-Long đã quan-tâm muốn trang-sức thêm Vương-miện của Ngài bằng bông hoa đó, nên chi Ngài đã xét cần phải đích-thân đi chiếm-hữu quần-đảo trên và vào năm 1816, Ngài đã long-trọng cho thượng quốc-kỷ xứ Đàng-Trong ở đó.”
            Trước Taberd ít lâu, J.B. Chaigneau cũng đã có ghi-chép trong Cuốn Mémoire sur la Cochinchine rằng đương-kim Hoàng-Đế tức là vua Gia-Long đã chính-thức chiếm-hữu quần-đảo Hoàng-Sa vào năm 1816. (C’est seulement en 1816 que l’Empereur actuel a pris possession de cet archipel.)
            Sách Đại Nam Nhất Thống Chí đời Tự-Đức lại có chép cả về công-cuộc khai-thác quần-đảo Hoàng-Sa và cho biết rằng hồi đầu niên-hiệu Gia Long cũng thấy đặt ra đội Hoàng-Sa phỏng theo chế-độ thời các chúa Nguyễn. Sách này và sách Khâm Định Đại Nam Hội Điền Sự Lệ đều có chép về việc xây chùa dựng bia trên bãi Hoàng-Sa. Sự việc này lại được tường thuật đầy đủ chi tiết trong sách Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu (1925).
            “ Tháng 6 năm Ất Vị Minh Mạng thứ 16, lập đền thờ Thần Hoàng-Sa ở bãi biển tỉnh Quãng Ngãi. Bãi Hoàng-Sa ngoài biển có một chỗ cây cối rậm tốt, trên cồn có giếng, phía Tây Nam có một tòa cổ miếu có bia khắc bốn chữ Vạn Lý Ba Đình. Cồn Bạch Sa trước kêu là núi Phật-Tự, phía Đông, Tây và Nam đều có đá san-hô nổi thành cồn chung quanh rộng 340 trượng, cao1 trượng 3 thước, ngang với cồn cát tên là Bàn Than Thạch. Vua Minh-Mạng sai lập miếu dựng bia, đằng trước xây một bức bình phong”. Cũng sách này lại ghi “ Tháng giêng Bính-Thân, Minh-Mạng thứ 17(1836) nhà vua khiến Thủy quân suất đội Phan Hữu Nhật đem binh thuyền qua Quãng Ngãi, thẳng tới bãi Hoàng Sa, không nệ hòn cù lao nào, bề dài, ngang rộng, bề cao, chu vi và bốn phía gần đó có đá ngầm hay không, hình thể mấy chỗ ấy có hiểm trở hay không? Từ cửa biển ra đó đường thủy đi mấy dặm, gần bờ biển huyện nào, đến đâu khám xét rõ ràng rồi cho cắm tiêu làm dấu vẽ bản đồ đem về dâng lên Ngài ngự lãm”.
            Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu lại có chép cả về vụ tàu buôn Anh-Cát-Lợi qua bãi Hoàng-Sa bị cạn như sau: “Tháng 12 năm Bính Thân, Minh Mạng thứ 17(1836) tàu buôn Anh-Cát-Lợi qua bãi Hoàng-Sa bị cạn phải ghé vào bãi biển Bình-Định với hơn 90 người. Việc này tấu trình lên nhà Vua, Ngài bèn sai lựa nơi cho các người lâm nạn tạm trú và hậu-cấp tiền-gạo cho họ, khiến chủ tàu cùng toàn thể thủy thủ rất cảm kích. Kế đến, Ngài lại sai ái bộ Nguyễn Tri Phương dẫn những người ấy xuống tàu theo Hạ-châu để học trở về Anh-Cát-Lợi.
            Những đoạn trích dẫn trên trong sử liệu của Việt-Nam và ngoại quốc và nhất là thêm vào đó, bản Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ đã đề cập tới trước đây, lại chứng minh rằng dưới Triều Nguyễn từ đời Gia Long đến Tự-Đức Việt Nam ta nắm giữ chủ-quyền liên-tục trên hai quần-đảo Hoàng-Sa, Trường-Sa.
            Kế đến, do những hiệp-định ta ký với Pháp vào những năm 1874, 1884 và do Tuyên-Cáo ở Vinh Hạ-Long ngày mồng 5 tháng 6, 1948, chính quyền Đông Pháp về phương diện quốc-tế công-pháp đã thay mặt Việt-Nam gìn-giữ-chủ-quyền của Việt-Nam trên hai quần đảo trên đồng thời thi-hành những biện pháp tái chiếm hữu và thi-thiết hành-chính thích đáng.
            Tiếp theo hiệp ước Fournier hay Hiệp ước Thiên-Tân ký kết tại Thiên-tân ngày 18.5.1884 (Covention Fournier ou de Tien Tsin du 18 mai 1884) bắt buộc Trung-quốc từ bỏ quyền tôn chủ hữu danh vô thực từ trước đối với Việt Nam và thừa-nhận cùng tôn-trọng mọi điều-ước Pháp-Việt. Kế đến Hiệp Định Patenôtre đã được ký kết vào ngày mồng 6 tháng 6, 1884 tại Huế giữa Pháp và Triều đình Việt Nam, sau khi phá-hủy ấn-tỷ của Thanh Triều đã ban cho Vua Việt Nam trước đó. Trong tình trạng ấy, những hành động mà ông Tề-Tân đã viện dẫn ra dưới triều Thanh như việc viện Đề Đốc Lý Chuẩn đời Thanh vào năm 1904 đem quân hạm tới điều tra tình hình trên các đảo trên biển Nam Hải, việc tỉnh Quảng đông năm 1911 tự ý cho xuất-bản một cuốn địa đồ về các đảo ở Đông Hải, v.v… đều là những hành động phi pháp về phương diện quốc tế công pháp cả.
            Đành rằng ông Tề Tân có trích dẫn một đoạn trong Bản Tục Hiệp-nghị Trung Pháp Việt ký kết ngày 26.6.1887 để cố chứng minh chủ quyền của Trung quốc nhưng sau khi đọc kỹ lại đoạn trích dẫn đó ta có thể nhận thấy nội-dung của bản Hiệp-nghị đó không hề giải-thích theo như chiều hướng mà ông đã ước mong.
            Trước hết, bản Hiệp-nghị đó không phải là một bản Hiệp-định giữa Trung quốc, Pháp quốc và Việt Nam nhưng chỉ là một hiệp-ước (convention) Trung Pháp có liên quan tới việc phân định biên-giới giữa Trung quốc và Bắc-Việt mà thôi. Hiệp ước này đã được ký kết để thi hành điều 3 hiệp định ngày 9.6.1886 giữa Pháp và Trung quốc được qui định như sau: “Dans un délai six mois à partir de la signa-ture du présent traité, des commissaires designés par les hautes par-ties contractantes se rendront sur les lieux pour reconnaitre la fron-tière entre la Chine et le Tonkin. Ils poseront partout où besoin sera, des borens destinées à rendre apparente la ligne de démarcation. Dans le cas où ils ne pourraient se mettre d’accord sur l’emplacement de ces bornes ou sur les rectifications de détail qu’il pourrai y avoir lieu d’apporter à la frontière actuelle du Tonkin, dans l’intérêt commun des deux pays, ils refèreraint à leur gouvernement respectif”. Nghĩa là: “Trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày ký kết bản hiệp định này, những ủy viên do cao cấp hai bên kết ước đương sự chỉ định sẽ tới tại chỗ để xem xét nhận-định biên-giới giữa Trung-quốc và Bắc Việt. Chỗ nào cần thời họ sẽ cho đặt những mốc hạn-định địa-giới khiến cho thấy rõ được giới-tuyến. Ở trường hợp mà hai bên không thể thỏa thuận được với nhau về nơi đặt mốc hoặc về những chi-tiết cần sửa-đổi lại cho đúng biên-giới hiện-hữu của Bắc Việt để mưu sự ích-lợi chung cho cả hai nước, họ sẽ phải trình với chính-phủ của họ”.
            Để thi-hành điều 3 của Hiệp-định Thiên Tân vừa trích dẫn, hiệp ước ký kết tại Bắc Kinh ngày 26.6.1887 đã qui định như sau: “Les points sur lesquels l’accord n’avait pu se faire entre les deux commissions et les rectifications visées par le deuxième paragraphe de l’article 3 du traité du 9 Juin 1885 sont réglés ainsi qu’il suit: au Kouang tong, il est entendu que les points contestés qui sont situés à l’Est et au Nord-Est de Monkai, au delà de la frontière telle qu’elle a été fixée par la commission de délimitation, sont attibués à là Chine. Les iles qui sont à l’Est du meridien de Paris 105’ 43 de orientale de l’ile de Tchi’a-Kou ou Ouan-chau (Trà cổ) et formant la frontière sont également attribuées à la Chine. Les iles Go-tho et les autrer iles qui sont à l’Ouest de ce méridien appartienment à l’Annam”. Nghĩa là: “Những điểm mà hai ủy ban đã không thỏa thuận với nhau được và những sự sửa đúng lại như đã được đề cập tới trong đoạn 2 điều 3 của Hiệp định ngày 9-6-1885 nay được giải quyết như sau: ở Quảng-đông thời hai bên đồng ý với nhau rằng những địa điểm tranh chấp nằm ở phía Đông và Đông Bắc Mông Cái và ở bên kia biên giới như đã được ấn định bởi ủy ban khảm định biên giới được qui thuộc về Trung quốc. Những hòn đảo ở vào phía đông Tý ngọ tuyến Paris, thuộc Đông Kinh tuyến 105’ 43 nghĩa là ở phía Đông phân tuyến Bắc làm biên giới chạy qua mũi phía Đông Hòn đảo Tch’a-Kou hay Ouan-Chau (Trà cổ) cũng được thuộc về Trung quốc. Những hòn đảo Go-tho (Cách-Đa) và những hòn đảo khác ở vào phía tây Tý ngọ tuyến đó thời thuộc về An Nam”.
            Về bản hiệp ước Trung-Pháp ngày 26.6.1887 có mấy điểm sau cần được đặc biệt chú ý:
            1) Bản hiệp ước này không hề đề cập tới việc phân định địa giới theo nghĩa rộng giữa Trung quốc và Việt Nam nhưng chỉ có liên quan tới việc phân định biên giới giữa tỉnh Quảng đông và Bắc Việt cùng những hòn đảo nằm trong vịnh Bắc Việt ở vào khoảng giữa đảo Hải Nam và duyên hải Bắc Việt và Quảng Đông.
            2) Do đó không thể được viện dẫn để áp dụng cho trường hợp quần đảo Hoàng-Sa và quần đảo Trường-Sa vốn không thuộc lãnh-hải Bắc-Việt nhưng thuộc lãnh-hải Trung và Nam-Việt.
            Vậy một là ông họ Tề đã hiểu lầm ý nghĩa và đối tượng của hiệp ước Bắc Kinh ngày 26.6.1887, hai là ông đã cố tình bóp méo sự thực cùng nội dung của bản hiệp ước đó hầu biện minh cho cái quan-điểm riêng của ông. Dù hiều lầm hay bóp-méo sự-thực, thái-độ của ông cũng rất dễ hiểu vì luận-cứ này đâu phải là do ông đã sáng kiến ra mà chỉ là một luận điệu đã được lập lại của ông Chu-Kiệt, tác giả bài “Nam Sa quần đảo hòa Đông Tây Trung Sa quần đảo nhất hướng thị Trung Quốc đích lãnh thổ” như đã được đăng tải trong Quang Minh Nhật báo từ năm 1956.
            Chính với thái độ chủ-quan về lối lập-luận có dụng-tâm trước ấy mà ông đã bỏ-sót không hề đếm-xỉa tới chủ-quyền vẫn được hành-sử dưới thời các Chúa Nguyễn hồi thế-kỷ 17, 18 để chủ-trương rằng “ mãi tới đầu thế kỷ thứ 19 vua An nam (sic) mới phái Hải quân đến quần đảo Tây Sa”.
            Có điểm đáng được lưu ý trong lời xác-nhận vô căn-cứ đó là ông đã xài danh-xưng An Nam thay vì Việt-Nam để nói về nước ta dưới triều vua Gia Long, khiến người ta không thể không liên-tưởng tới lời tuyên-bố của Mao Trạch Đông hồi năm 1939 cũng đã xài những danh từ thuộc ngôn-ngữ của thực-dân chủ-nghĩa như Thuộc quốc An nam để nói về nước Việt Nam.
            Xem đó, ông Tề Tân đã bất chấp tất cả chủ-quyền của Việt Nam như đã được hành-sử liên tục từ thế kỷ 17 cho tới ngày nay hoặc một cách trực-tiếp như trong thời kỳ trị-vì của các vua chúa triều Nguyễn hoặc một cách gián tiếp như trong thời kỳ đến sau hiệp định Việt Pháp năm 1884. Đành rằng trong thời-kỳ 1884-1945, về thực-tế nước ta không có đầy-đủ chủ-quyền về lãnh-thổ quốc-gia như trước nữa nhưng về phương-diện quốc-tế công-pháp không sao phủ-nhận được hiệu-lực pháp-lý của hiệp-định Việt Pháp năm 1884 đối với sự toàn-vẹn lãnh-thổ của Việt-Nam và đặc-biệt đối với chủ-quyền Việt-Nam trên hai quần-đảo Hoàng Sa Trường-Sa.
            Dưới đây xin dẫn ra một số hành-động chủ-yếu của Chính-phủ Đông-Dương nhằm bảo-vệ chủ-quyền trên hai quần-đảo đó với tư-cách là đại-diện cho Việt Nam:
            Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ký sắc-lệnh thiết-lập một ngọn hải-đăng trên một hòn đảo trong quần-đảo Paracels.
            Năm 1925, viện Hải-dương học đến thám-sát quần-đảo Paracels và đến năm 1927 lại phái tàu trên đến thám-sát quần-đảo Spartley (Trường Sa). Chính nhờ những cuộc thám-sát khoa-học này mà người ta đã khám phá ra sự có liên hệ về địa-chất giữa thềm lục-địa Trung-Việt và quần-đảo Hoàng-Sa.
            Năm 1930, tàu La Mancieuse tới quần đảo Paracels, dựng cờ tái chiếm hữu. Kế đến, nhiều chiếc tàu khác như các tàu De Lanessan, Alerte, Astrolabe v.v… cũng đã từng tới quần-đảo nghiên-cứu về Hải-dương học.
            Về phương-diện thám-sát khoa-học ở vùng quần-đảo Hoàng-Sa thiết-tưởng cũng nên kể tới những đóng-góp của vài nước Tây-phương khác ngoài nước Pháp. Theo như đã ghi chép trong Niên-giám Thủy-lộ học (Annales hydrographiques) phát hành vào năm 1893, thời nhiều cuộc trắc-lượng hải-để đã được thực-hành bởi hai chiếc tàu Egeria và Penguin (có lẽ của Hoa kỳ hay Anh quốc) vào năm 1892.
            Tàu Egeria thám-sát biển Đông-Hải vào những tháng ba, năm, sáu và bảy năm 1892 đã trắc-định bề sâu cực-độ của biển Đông-Hải là 4.000 mét ở phía Đông quần-đảo Paracels. Còn tàu Penguin trắc-lượng hải để ở biển Đông-Hải vào tháng tư và tháng ba năm 1892 đã trắc-định bề sâu cực-độ của biển Đông-Hải là 3.900 mét ở phía Nam quần-đảo Paracels về hai cuộc thám-sát của tàu Egeria và tàu Penguin, không hề thấy triều đình nhà Thanh lên tiếng phản đối gì cả. Đó là nói về quần-đảo Paracels, còn về quần-đảo Spratley thời trong năm 1893 (Niên-hiệu Quang-tự thứ 9) có một chiếc tàu. Đức đã tới đó trắc-lượng hải-để. Lần này, Triều-đình nhà Thanh có lên tiếng kháng-nghị thật, nhưng lời kháng-nghị này xét ra vô căn cứ về phương-diện pháp-lý. Thực thế, trước hết có sự mâu-thuẫn với thái-độ thụ-động của Triều-đình nhà Thanh hồi năm trước đối với những cuộc thám-sát khoa-học của tàu Egeria và Penguin ở vùng quần-đảo Parecels. Thứ đến, quần-đảo Spratley về phương-diện quốc-tế công-pháp đã được đặt dưới sự bảo-hộ của Pháp do Hiệp định Pháp, Tây Ban Nha và Việt Nam ngày 5.6.1862 điều 4 và nhất là do Hiệp định Việt Pháp ngày 15.3.1874 điều 2 và 3. Có lẽ vì vậy mà Chính phủ Anh-quốc không hề lên tiếng yêu-sách gì về quần-đảo Spratley mặc dầu danh xứng Spratley đã do người Anh đặt ra năm 1867 khi họ tưởng đã phát-kiến ra được quần-đảo đó vốn vẫn là quần-đảo Trường Sa của Việt Nam.
            Vẫn trong khuôn-khổ hoạt-động của Chính phủ bảo-hộ Pháp thay mặt Triều-đình Việt-Nam về phương-diện quốc-tế để bảo-vệ chủ-quyền Việt-Nam trên quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa, thiết-tưởng lại nên dẫn ra dưới đây những hành động sau:
            Năm 1932, Toàn-quyền Đông-Dương ký Nghị-định ngày 15.6.1932 thiết-lập một đại-lý hành-chính tại quần-đảo Paracels và đặt quần-đảo này thuộc quản-hạt hành-chính tỉnh Thừa-Thiên. Sự cải-cách hành-chính này lại được Dụ số 10 ngày 30 tháng 3 năm 1938 của Cựu-Hoàng Bảo-Đại xác-nhận.
            Năm 1933, chiến-hạm Hải-quân Chính-phủ Đông-Dương tới chính-thức chấp-hữu sáu hòn đảo chính trong quần-đảo Spratley và sự chấp-hữu này đã được đăng tải trong Công-Báo Pháp ngày 16.7.1933. Do Nghị Định ngày 21.12.1933 của Toàn Quyền Đông dương, quần đảo Spratley lại đã được đặt thuộc quản hạt hành chính tỉnh Bà Rịa. Ngày 24.7.1933 Chính phủ Đông Dương cũng thống trị cho Chính phủ Nhật bản sự chấp-hữu chủ-quyền đó nhưng Chính phủ Nhật-bản đã chính-thức kháng-nghị với Chính phủ Đông Dương và khẳng-định là từ năm 1917 một công-ty khai-thác phân chim biển (guano) đã hoạt-động trên quần-đảo Spratley và dựng bia chủ-quyền cho Nhật-bản ở đó. Lời kháng nghị của Nhật bản xét ra thiếu căn cứ pháp-lý vì tới hồi đó, Nhật-bản chưa hề thực hiện được sự chấp hữu chính thức nào đối với quần đảo Spratley. Bởi vậy, bất chấp sự kháng-nghị của Nhật-bản, Chính-phủ Đông-Dương vẫn tiếp-tục thực-hành những hành-động bảo-vệ chủ-quyền Việt-Nam trên quần đảo liên hệ. Năm 1938, Sở Khí-Tượng Đông-Dương thiếp-lập một đài khí-tượng trên đảo Itu Aba. Năm 1939 quần đảo Paracels được chia ra làm hai nhóm về phương diện hành-chính: nhóm Nguyệt-Thiềm cùng phụ-thuộc (Délégation du Croissant de l’Amphitrite). Cũng vào năm 1939, quân-đội Nhật-bản đổ-bộ lên đảo Itu Aba vào ngày 19 tháng 8, Bộ Ngoại-giao Nhật-bản tuyên-bố quyết-định đặt quần-đảo Spratley, dưới tôn danh xưng Shinnan gunto, trực thuộc đảo Đài Loan. Năm trước (1938), quần-đảo Paracels cũng đã bị quân Nhật-bản chiếm đóng và đổi tên ra là Hirata gunto. Về hai vụ này Chính-phủ Đông-Dương đã nhiều lần lên tiếng chính-thức phản-kháng với Chính-phủ Nhật-bản. Năm 1946, sau khi quân-đội Nhật-bản đầu-hàng Đồng-Minh, Nhật-bản đã phải chính-thức từ-bỏ chủ-quyền trên hai quần-đảo Paracels và Spratley mà họ đã chiếm-đoạt bằng võ-lực. Sự Nhật-bản từ-bỏ chủ-quyền trên đã được ghi chép trong bản Tuyên-Ngôn Lơ-Ke (ngày 27.11.1943 Cairo Declaration) và trong bản Hòa-ước San Francisco ký-kết ngày 8.9.1951. Có điều đáng tiếc là trong Tuyên-ngôn Lơ-ke chỉ kể tới Mãn-Châu, Đài-Loan và quần đảo Bành-Hồ (Pescadores) là những lãnh-thổ do Nhật-Bản phải trả lại cho Trung-quốc mà không hề đá-động tới hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa. Chính sự thiếu minh-bạch của Tuyên-Ngôn Lơ-ke và cả của Hòa-ước San Francisco, đã được những quốc gia sau này tranh chấp chủ quyền với Việt Nam khai-thác để chủ-trương hai quần-đảo trên phải trả lại cho họ. Riêng Trung-Hoa Dân-Quốc thời viện lẽ rằng hai quần-đảo Paracels và Spratley đã được nước đó tiếp-thu vào tháng 12.1946. Sự thực thời đó đâu phải là một cuộc tiếp-thu chính-thức theo quốc-tế công-pháp nhưng chỉ là một hành động trong khuôn-khổ Trung-Hoa Dân-Quốc đã thừa-lệnh Đồng-Minh đến nhận sự đầu-hàng của quân Nhật mà thôi. Về điểm này, thiết tưởng cũng nên dẫn ra dưới đây kiến giải chí-lý của tác-giả bài Chũ Etsu no Pa-Ra-Se-Ru Ryôdo Funsô (cuộc Phân tranh Trung Việt về lãnh thổ Paracels) đăng tải trong kỷ yếu Taiwan Chenglian (Đài Loan Thanh Niên) số 163, ra ngày mồng 5 tháng 5-1974. Theo Hoàng hữu-Nhân tiên-sinh, người đã viết bài trên, thời sự-việc trên đã xảy ra như sau: “Viên Tư-lệnh quân-đội Nhật-bản chiếm-đóng Hải-Nam, một bộ phận của tỉnh Quảng Đông hồi đó là Tanaka Kyuichi lúc đó ở Quangả Châu đã đầu hàng Trương Phát-Khuê là viên Tư-lệnh chỉ-huy Đệ nhị (phương diện) quân đội của Trung-Hoa Dân-quốc, nhưng về sự hàng phục có liên quan tới quần đảo Paracels thời viên Tư lệnh chỉ-huy quân-đội Nhật-bản trú đóng ở Đông-Pháp là Tsuchihashi Yuitsu đầu hàng tướng Lư Hán, lúc đó là viên Tư-lệnh chỉ-huy Đệ nhất (phương-diện) quân-đội của Trung-Hoa Dân-quốc trú đóng ở Hà Nội. Về trường hợp quần đảo Spratley, thời không thể cho là quân Nhật ở đó đầu hàng Trung-Hoa Dân-quốc. Tướng Trung-Hoa Dân-quốc được ủy-nhiệm tiếp-nhận sự đầu-hàng tổng-quát của quân đội Nhật bản là tướng Hà Ứng Khâm. Tuy đã được Thống-Chế Tưởng Giới-Thạch ủy-nhiệm cho sứ-mạng trên, tướng Hà Ứng-Khâm không thể nào coi là đã được nhiệm-mệnh bởi vị Chủ-tịch Chính-phủ Trung-Hoa Dân-quốc nhưng bởi vị Tổng tư-lệnh quân-đội Đồng-Minh là Đại tướng Mac Arthur qua trung-gian người đại-diện là Thống-Chế Tưởng Giới-Thạch kiêm chức Tổng-súy Chiến-khu Trung Quốc. Sự thực thời tướng Hà Ứng-Khâm đã thừa-lệnh Đại-tướng Mac Arthur để tiếp-nhận sự đầu-hàng của Okamura Yasutsugu là Tổng tư-lệnh quân-đội Nhật-bản tại chiến-trường Trung-quốc”.
            Đó là bản-chất thực-sự của hành-động mà Trung-Hoa Dân-quốc đã mệnh-danh là cuộc tiếp-thu hai quần-đảo Paracels và Spratley. Nói cách khác, sau khi Nhật đầu hàng, Đồng Minh trao cho Trung-Hoa Dân-quốc trách-nhiệm tước khí-giới và hồi-hương binh-sĩ Nhật từ vĩ-tuyến 16 ra Bắc còn từ vĩ-tuyến 16 vào Nam, thời trao trách-nhiệm ấy cho nước Anh. Vậy Trung-Hoa Dân-quốc không thể vịn vào đó mà cho rằng hai quần-đảo trên đã được hàng-quân Nhật-bản chuyển-giao cho mình. Vả lại, “Nhật-bản đã lấy danh nghĩa gì để chuyển giao chủ-quyền cho họ. Khi Nhật-bản giao miền Bắc Đông-dương cho Trung-Hoa chiếm đóng, có phải là họ đã nhường chủ-quyền này cho Trung-Hoa đâu? Nếu cho rằng việc đi đánh cướp đất của người khác là một hành-vi thể-hiện chủ-quyền thì Nhật-bản cũng đã từng có chủ-quyền trên đất Trung-Hoa, một điều có bao giờ Trung-Hoa thừa nhận? Vậy không thể viện lẽ rằng quần-đảo Nam Sa do Nhật chuyển-giao mà cho rằng mình có chủ-quyền trên đảo đó.” ( Tân phong, “Vấn đề chủ quyền trên nhóm quần-đảo Tây Sa và Trường Sa” Quê-Hương số ra ngày 27.9.1961). Mặt khác, về việc Trung-Hoa Dân-quốc đến hai quần-đảo Paracels và Spratley thi hành nhiệm-vụ tước khí-giới hàng quân Nhật-bản, thiết-tưởng cũng cần thêm mấy chi-tiết sau: Theo như hãng Thông-tấn Havas loan tin ngày 23.9.1940, thời ngày 30.8.1940, chính phủ Nhật-bản thử thời đã ký một thỏa ước theo đó Nhật-bản long trọng cam-kết sẽ tôn-trọng mọi quyền lợi của Pháp ở Viễn Đông, kể cả sự toàn vẹn lãnh-thổ Đông Dương (cf. Roger Pinte, Problèmes du Pacifique en 1940 p.p. 9.10). Kế đến, ngày 9.3.1945, sau khi lật-đổ chính quyền Pháp ở Việt-Nam, Nhật-bản tuyên bố “đánh Pháp để giựt lại chính quyền trả cho Việt Nam. Nước Việt Nam, từ nay, hoàn toàn độc-lập để hiệp-lực cùng Nhật xây-dựng khối thịnh-vượng Đại-Đông-Á”. Đồng thời, Cựu-Hoàng Bảo-Đại đã tuyên bố “hủy bỏ tất-cả những hiệp-ước ký giữa Việt-Nam và Pháp bấy lâu”.
            Xem đó, hồi tháng 12.1946, hàng quân Nhật bản chỉ để Trung-Hoa Dân-quốc tước khí-giới họ trên hai quần-đảo Paracels và Spratley thôi, chứ đâu phải là Trung-Hoa Dân-quốc tiếp-thu hai quần-đảo đó ở Chính-phủ Nhật-bản đương-thời. Lại cũng nên ghi thêm rằng một phần quần-đảo Paracels và riêng quần-đảo Spratley ở vào dưới vĩ-tuyến 16 và cả hai đều thuộc lãnh-hải Trung-Việt và Nam-Việt chứ không thuộc lãnh-hải Bắc-Việt. Sau hết, ta cũng không nên quên rằng trước khi đến hai quần-đảo đó tước khí-giới hàng-quân Nhật-bản, Trung-Hoa Dân-quốc đã thỏa-thuận ký với Pháp hiệp-ước ngày 28.2.1946 theo đó “Quân đội Pháp đổ bộ lên Bắc Việt thay thế quân-đội Trung-Hoa để tước khí-giới và hồi-hương binh-sĩ Nhật. Công-việc chuyển-giao Hoa-Pháp có thể kết liễu vào cuối tháng 3.1946”. Chính vì lẽ này, khi biết Trung-Hoa Dân-quốc cho quân chiếm đóng hai quần-đảo vào ngày 7.1.1947, Chính-phủ Pháp vào ngày 13.1.1947 đã chính thức phản kháng với Trung-Hoa Dân-quốc và tái xác-nhận chủ-quyền của Việt-Nam. Đồng thời Pháp lại phái chiến-đĩnh Le Tonkinois tới thám-sát ở quần-đảo Paracels. Chiến-đĩnh này đổ bộ 10 lính Pháp và 17 lính Việt Nam lên chiếm-đóng đảo Pattle (Hoàng Sa), sau đó Pháp quyết-định thiết-lập trên đó một đài khí-tượng.
            Kế đến với Hiệp-định Việt-Pháp ngày 8.3.1949, Pháp đã công nhận sự độc lập và thống nhất của quốc-gia Việt-Nam gồm cả lãnh-thổ Nam Kỳ. Từ đó Việt Nam có đầy đủ tư-cách để tự bảo-vệ trên binh-diện ngoại-giao chủ-quyền của mình trên hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa. Nên chi, tại Hội-nghị ký Hòa-ước San Francisco, Trưởng Phái-Đoàn Việt-Nam đã long-trọng lên tiếng xác-nhận chủ-quyền Việt-Nam như sau: “ As we must frankly make use of any opportunity to stifle germs of discond, we declare our rights over the Spratley and the Paracels islands which from the time immemorial have been parts of Viet Nam” (nghĩa là: Vì chúng ta phải chân-thành lợi-dụng mọi cơ-hội hầu diệt-trừ mọi mầm-mống bất-hòa, chúng-tôi tuyên-bố xác-nhận chủ-quyền của nước chúng-tôi trên hai quần-đảo Spratley và Paracels vốn là bộ-phận của lãnh-thổ Việt Nam từ lâu đời.) Lời xác-nhận chủ-quyền trên đã được tuyên-bố vào ngày 7.9.1951 mà không hề gây ra một phản-ứng chống-đối hoặc yêu-sách nào cả ở Hội-nghị gồm có 51 quốc-gia tham-dự. Theo ông Tề-Tân, sỡ-dĩ Trung Cộng không đưa ra lời dị-nghị nào tại Hội nghị San Francisco, là vì Trung-Cộng không tham-dự Hội nghị đó, nhưng ngày 15.8.1951, Chu Ân Lai, Ngoại-Trưởng Trung Cộng, đã có lên tiếng thanh-minh về bản thảo-án Hòa-ước của Mỹ-Anh đối với Nhật bản v.v…
            Thái-độ đầy mâu-thuẫn của Trung-Cộng khiến người ta phải ngạc nhiên không ít, Trung-Cộng đã “tẩy chay” không tham-dự Hội-Nghị Hòa-ước San Fancisco cùng với Trung-Hoa quốc-gia, kế đến mới đây lại hất cẳng Trung-Hoa quốc gia tại Liên-Hiệp-quốc, cho là mình mới đáng đại diện cho nhân-dân Trung-quốc, nhưng đến khi muốn biện-minh cho việc chiếm-đoạt quần-đảo Hoàng-Sa của Việt-Nam thời lại không quên viện-dẫn hành-động của Trung-Hoa quốc-gia mệnh-danh là cuộc tiếp-thu hai quần-đảo Hoàng-Sa, Trường-Sa hồi cuối năm 1946! Luận-cứ này cùng nhiều luận-cứ khác của Trung-cộng cũng đã được Liên-sô có mặt tại Hội-nghị San Francisco đem ra khai thác hầu cố-gắng đòi ghi vào trong Hòa-ước rằng hai quần-đảo trên được trả lại cho Trung-cộng, nhưng lời yêu-cầu của Liên-Xô không được Hội-nghị xét tới và đã bị bác bỏ với 46 phiếu chống 3 phiếu thuận và 1 phiếu trắng. Hơn nữa điều 2 của Hòa-ước có hiệu lực tái lập sự toàn-vẹn lãnh-thổ cho những quốc-gia trong nhất-thời đã bị quân Nhật chiếm-cứ. Do đó, hai quần-đảo Hoàng-Sa, Trường-Sa vẫn là hai bộ phận bất-khả-phân của Trung-Việt và Nam-Việt thuộc quốc gia Việt-Nam hồi đó. Vả lại ngày mồng một tháng tư năm 1939, Chính phủ Pháp đương thời cũng đã lên tiếng chính thức phản-kháng sự chiếm đóng theo thực-tế của quân đội Nhật bản trên hai quần-đảo. Sau hết, liên-quan đến chủ-quyền chân-chính của Việt-Nam đối với Hoàng-Sa và Trường-Sa, không còn gì rõ rệt hơn là điều 12 trong bản tuyên-ngôn tối-hậu của Hội nghị Genève ngày 21 tháng7 năm 1954 mà Trung Cộng cũng đã tham dự “In their relations with Cambodia, Laos and Vietnam, each member of the Geneve Conference undertakes to respect the sovereignty, independence unity and terrioria! integrity of the above-mentioned States and to refrain from any interference in their internal affairs” nghĩa là “ Trong sự giao-thiệp với Cao-Miên, Lào và Việt-Nam, mỗi quốc-gia hội-viên tham-dự Hội-Nghị Genève cam-kết tôn trọng chủ-quyền, độc-lập, thống-nhất và toàn-vẹn lãnh-thổ của các quốc-gia kể trên và giữ không xen vào công-việc nội-bộ của các quốc-gia đó”.
            Từ 1954 cho tới nay, Việt-Nam Cộng-Hòa vẫn tiếp tục thi hành mọi biện pháp cần-thiết để bảo-vệ chủ-quyền Việt-Nam trên hai quần-đảo. Năm 1956, một đơn-vị hải-quân Việt-Nam Cộng-Hòa đã thay thế hẳn hải-quân Pháp trên quần-đảo Hoàng-Sa. Từ đó cho đến nay trên quần-đảo vẫn có quân-đội Việt-Nam Cộng-Hòa đồn trú lại vẫn có một đài khí-tượng ở đó.
            Cũng vào cuối tháng 8 năm đó, một đơn-vị hải-quân Việt-Nam Cộng-Hòa đã tới thượng quốc-kỳ và dựng bia ghi chủ quyền trên quần-đảo Trường-Sa để tở ý-chí của Việt-Nam Cộng-Hòa nhất-quyết bảo vệ Trường-Sa đối với mọi yêu-sách vô căn-cứ của Trung-Hoa Dân-quốc, Trung-Cộng và Phi-Luật-Tân. Trước đó, ngày 8.6.1956, chủ quyền lâu đời của Việt-Nam trên quần-đảo cũng đã được Ngoại-Trưởng Việt-Nam Cộng-Hòa long-trọng tái xác-nhận tại Saigon.
            Năm 1959, Việt-Nam Cộng-Hòa cho bắt-giữ một thời gian 80 tên ngư-phủ Trung-Cộng đã xâm-nhập các đảo Cam-Tuyền (Hữu Nhật), Duy-Mộng và Quang-Hòa.
            Năm 1960, Hải-quân Việt-Nam Cộng-Hòa bắt-đầu tuần-tiễu đều-đều ở vùng Trường-Sa.
            Năm 1961, do Sắc-lệnh số 174-NK ngày 13 tháng 7, của Tổng-Thống Việt-Nam Cộng-Hòa, quần-đảo Hoàng-Sa đã được đặt thuộc quản-hạt hành-chính tỉnh Quảng-Nam thay vì tỉnh Thừa-Thiên, lại đặt xã Định-Hải thuộc quận Hòa-Vang.
            Năm 1969, do Sắc-lệnh số 709-BNV/HC ngày 21 tháng 10, của Thủ-tướng Chính-phủ Việt-Nam Cộng-Hòa, xã Định-Hải được sáp-nhập làm một với xã Hòa-Long cũng thuộc quận Hòa-Vang, tỉnh Quảng-Nam.
            Ngày 13 tháng 7 năm 1971, Ngoại-Trưởng Việt-Nam Cộng-Hòa tuyên-bố ở Manille rằng quần-đảo Trường-Sa từ lâu đời vẫn thuộc lãnh-thổ Việt-Nam và ngày 15 tháng đó Bộ Ngoại Giao VNCH đã ra một thông-cáo tái xác-nhận chủ-quyền chính-đáng của Việt-Nam trên hai quần-đảo Trường-Sa, Hoàng-Sa. Sau hết, đến năm 1973, do Sắc-lệnh của Tổng-Thống VNCH, quần-đảo Trường-Sa lại được tái xác-nhận là thuộc quản-hạt bành-chính tỉnh Phước-Tuy.
            Sự thể đã rành-rành như vậy, mà ngày 20 tháng giêng năm 1974, bất chấp chủ-quyền chân chính lâu đời của Việt-Nam cùng dư-luận và công-pháp quốc-tế, Trung-Cộng đã dùng võ lực chiếm mất quần-đảo Hoàng-Sa của ta. Tự biết yếu kém về phương diệnh lịch-sử cũng như pháp lý, Trung-Cộng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng vụ xâm lược này. Họ đã cho ấn hành nhiều bản-đồ ngụy tạo để lừa dối quốc-tế. Sau khi thực hiện được mộng bành-trướng lãnh-thổ của họ trên quần-đảo Hoàng-Sa, họ lại mở một cuộc vận động phản tuyên-truyền rộng lớn để bào chữa tội lỗi của họ trước dư luận quốc-tế. Một số bản đồ của ngoại-quốc đã được dẫn ra làm chứng cứ nhưng có điểm đáng chú-ý là hết thảy những bản đồ đó đều đã được phát hành từ 1953 trở đi nghĩa là 4 năm sau khi Trung-Cộng bắt đầu ngự trị trên lục địa Trung-quốc và dĩ nhiên những bản đồ có từ trước hoặc có sau 1953 nhưng không thuận-lợi cho chủ trương bất-chính của chúng như bản đồ của George Philip & Son L.T.D. những năm 1969, 1970 bản đồ của John Bartholomew and Son L.T.D, bản đồ World Map 1: 23000.000. Political Edition của Kummerly and Frey Geographical Publishers (Berne) v.v… thời không thấy được dẫn ra.
            Bối-cảnh lịch sử của hai quần-đảo Hoàng-Sa, Trường-Sa như vừa lược tả đủ chứng tỏ chủ quyền bất khả thi dị nghị của Việt-Nam trên đó.
            Trễ nhất từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19, hai quần-đảo này vẫn trực-tiếp thuộc chủ quyền Triều đình Việt-Nam. Kế đến, do những Hiệp-định ta ký với nước Pháp những năm 1874, 1884, chính quyền Đông-Dương đã thay mặt Việt-Nam gìn giữ chủ quyền của Việt-Nam đối với hai quần-đảo trên, đồng thời thi hành mọi biện pháp tái chiếm hữu và thi thiết hành chính thích nghi. Đành rằng hai quần-đảo đó đã bị quân-đội Nhật bản tạm thời chiếm đóng từ 1939 đến 1946 nhưng với Hòa-ước San Francisco, chính phủ Nhật bản đã long trọng tuyên bố từ bỏ mọi quyền lợi về hai quần-đảo ấy. Do đó, y kỳ sự thực Việt-Nam tức nhiên đã khôi phục lại được chủ quyền cố-hữu của mình. Chủ quyền của Việt-Nam đã lấy lại được đó có giá-trị pháp-lý vững-chắc không những đối với các quốc-gia có mặt tại Hội-nghị nói trên nhưng cả đối với những quốc-gia cùng chính-quyền khác đã không tham-dự Hội-nghị. Sở dĩ như vậy là vì đây chẳng phải là một tinh thể mới hẳn nhưng chỉ là sự tái lập một tình thế đã có từ trước. Vả lại, Hội-nghị Genève năm 1954 với sự tham gia của những quốc-gia và chính quyền không có mặt tại Hội nghị San Francisco lại tuyên bố cam-kết tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh-thổ của Việt-Nam.
            Vậy mà ngày 11 tháng giêng 1974, Bộ Ngoại-giao Trung-Cộng, bỗng lên tiếng mạt sát Việt-Nam Cộng-Hòa và đồng thời tuyên bố lạm nhận chủ quyền của Trung-Cộng trên hai quần-đảo ở biển Đông-Hải mà chẳng hề viện ra được một lý lẽ gì vững-chắc về phương diện lịch sử lẫn pháp-lý. Kế đến, ngày 20.1.1974, họ đột-nhiên huy động Hải Lục Không quân ồ-ạt kéo đến đổ bộ lên quần-đảo Hoàng-Sa mà họ đã đoạt mất của ta.
            Hoàng Sa đã thất thủ !
            Hoàng Sa thất thủ đâu phải là do ưu-thế quân-sự của Trung-Cộng nhưng chính vì khối đại-đoàn-kết của dân-tộc ta đang bị nứt-vỡ.
            Như học-giả Hoàng Xuân-Hãn đã cảm-nghĩ rất thích đáng: “Ngày nay vụ quần-đảo Hoàng-Sa bị chiếm là triệu chứng cụ-thể của những thiệt-hại gây nên bởi sự bất-hòa giữa dân-tộc ta. Hoàng-Sa là đất Việt-Nam, đất của nước Việt-Nam thống-nhất. Khi nước Việt-Nam còn chia đôi thì khó lòng điều-định để Hoàng-Sa trả lại đất ta, tuy rằng nhiều chứng xưa nay trong ngoài bảo rằng đó là đất Việt” (Hoàng Xuân Hãn, “Đúng Ba Trăm Năm trước”, Sử địa số 27, 28 trang 215).
            Kẻ viết bài này cũng hoàn-toàn đồng-ý với Hoàng tiên-sinh và thành-tâm cầu-nguyện cho đoàn-kết sớm trở lại với dân-tộc Việt-Nam, thời mới mong Hoàng-Sa trở lại đất ta, nếu không, thời không những mất đứt Hoàng-Sa, mà đến cả nước ta, rồi đây, cũng bị mất về nhà bạo Tần của thế-kỷ thứ hai mươi này!
            LÃNG HỒ
            Viết tại Nhật Bản, mùa thu 1974.
            #6
              lyenson 16.03.2010 22:53:40 (permalink)
              TÀI-LIỆU THAM KHẢO CHỦ-YẾU

              Dưới đây là một số tài-liệu chủ-yếu đã được tham-khảo để viết bài trên. Ngoài ra còn rất nhiều tài-liệu khác về Hoàng-Sa và Trường-Sa. Quý-vị độc-giả Sử-Địa muốn tham-khảo thêm, có thể sử-dụng hai bản Thư Mục khá đầy đủ ở cuối sách Pháp ngữ của Võ Long Tê và bài Việt-Ngữ của Huy-Bách.
              L . H .

              I) Tài-liệu Hán-tự và Hoa-ngữ:

              1) 洪 德 版 圖
              2) 撫 邊 雜 錄
              3) 國 朝 正 編 撮 要
              4) 欽 定 大 南 會 典 事 例 。
              5) 大 南 一 統 志 。
              6) 皇 越 地 輿 誌 。
              7) 通 典 (全 四 冊 ) 撰 者: 杜 佑 、 新 興 書 局 、 臺 北 巿 金 門 街 新 十 九 號 、 中 華 民 國 五 十 一 年 三 月 一 版 。
              8) 中 國 歷 史 地 圖 集 (一) (二): 程 光 裕 、 徐 聖 謨 編 著 。 中 華 文 化 出 版 事 業 委 員 會 出 版 。 中 華 民 國 四 十 四 年 十 月 初 版 。
              9) 海 錄 注 。 口 述 者 : 謝 清 高 。 筆 受 者: 揚 炳 南 。 注 譯 者: 馮 承 鈞 。 臺 灣 商 務 印 書 館 。 中 華 民 國 二 七 年 七 月 初 版 。
              10) 諸 蕃 志 校 注 。 馮 承 鈞 校 注 。 臺 灣 商 務 印 書 館 發 行 。 中 華 民 國 二 十 九 年 二 月 初 版 。
              11) 交 廣 印 度 兩 道 考 。 王 雲 五 主 編 。 伯 希 和 著 。 馮 承 鈞 譯 。 臺 灣 商 務 印 書 館 印 行 、 中 華 民 國 五 十 九 年 三 月 臺 一 版
              12) 占 婆 史 。 馬 司 培 羅 著 。 馮 承 鈞 譯 。 臺 灣 商 務 印 書 館 印 行 、 中 華 民 國 六 十 二 年 十 一 月 臺 一 版 。
              13) 兩 種 海 道 針 經 。 向 達 校 注 。 中 華 書 局 。 北 經 。 1961。
              14) 中 印 佛 教 交 通 史 、 焦 山 釋 東 初 著 。 中 華 大 典 編 印 會 印 行 。 中 華 民 國 五 十 七 年 二 月 初 版 。
              15) 中 國 南 洋 交 通 史 。 馮 承 鈞 著 。 臺 灣 商 務 印 書 館 發 行 。 中 華 民 國 二 十 六 年 一 月 初 版 。
              16) 海 外 記 事 。 清 。 大 汕 廣 翁 著 。 廣 文 書 局 印 行 。 中 華 民 國 五 十 八 年 七 月 初 版 。
              17) 中 國 地 理 知 識 。 知 識 出 版 社 。 香 港 , 1973。
              18) 南 沙 群 島 和 東 西 中 沙 群 島 一 向 是 中 國 的 領 土 、 朱 傑 。 光 明 日 報 7.6.1956. (Tài-liệu này do ông Tạ Quốc-Tuấn đã có nhã-ý mách cho, vậy xin có lời chân-thành cảm-ơn Ông).
              19) 我 國 南 沙 群 島 的 主 權 不 容 侵 犯 。 卲 循 正 。 人 民 日 報 5.6.1956. (Chú-thích như trên).
              20) 南 海 諸 島 歷 來 屬 中 國 。 學 時 事 。 2。 第 404 期 至 406 期 。 文 匯 報 編 印 香 港 、 1974。
              21) 南 海 諸 島 的 主 權 與 西 沙 群 島 之 戰 、 齊 辛 著 。 七 十 年 代 月 刊 。 香 港 。 一 九 七 四 年 三 月 號 。
              22) 鄭 和 下 西 洋 。 主 編 者﹕東 方 出 版 社 編 輯 委 員 會 、 寫 作 者 : 蘇 尚 耀 。 中 華 民 國 五 十 五 年 六 月 初 版 。
              23) 唐 代 廣 州 孝 寺 輿 中 印 交 通 之 關 係 、 羅 香 林 著 ﹕香 港 。 一 九 六 十 年 。
              24) 祖 國 的 好 山 河 。 上 海 人 民 出 版 社 。 上 海 。 一 九 七 三 年 。

              II) Tài-liệu Nhật-ngữ:

              1) 安 南 通 史 。 著 者 ﹕ 岩 村 成 允 。 富 山 房 。 昭 和 16 年 8 月 10 日 印 刷 。 昭 和 16年 8月 15日 發 行
              2) 和 英 對 照 。 國 際 平 和 機 構 關 係 絛 約 及 日 本 國 憲 法 。 早 稻 田 文 學 外 政 學 會 編 。 正 統 社 編 。 昭 和 23 年 5月 日 初 版 發 行 。
              3) 東 南 亞 史 研 究 I。 文 學 博 士﹕杉 本 直 治 郎 著 。 巖 南 堂 書 店 昭 和 31年 5月 31日 第 一 刷 發 行 。 昭 和 43年 8月 31日 第 二 刷 發 行 。
              4) KAIRO (海 路) ni yoru Tòhòbòeki (東 方 貿 易) no Tenkai (展 開) 森 克 己 著 。 東 洋 學 術 研 究 。 第 八 卷 第 三 十 號 。 東 洋 哲 學 研 究 所 。 東 京 。 一 九 六 九 年 。
              5) Chùetsu (中 越) no Paraseru ryòdo funsò (Paracel 領 土 紛 事) 黃 有 仁 著 。 台 灣 青 年.163 。台 灣 獨 立 聯 盟 發 行 。 昭 和 49年 5月 5日 。
              III) Tài-liệu Pháp-Ngữ:
              1) Georges Maspero, L’Indochine. Tome Premier. Editions G. Van Oest. Paris er Bruxelles 1929.
              Voir: - Figuration de la péninsule Indochinoise d’après la carte des frères Van Langrent (1595), Planche VII
              - Les Indes Orientales d’après la carte de Mercator (1613) Planche VIII.
              - Carte de L’Indochine publiée par Danville en 1755, page 135.
              2) P.M.B: Cartes anciennes, La Mappemonde de Petrus Plancius (1604). Indochine, hebdomadaire illustré, 5e année no 188 Jeudi 6 Avril 1944, pp 24, 25, 26.
              3) René Grousset, Histoire de l’Extrême Orient, Tomme deuxième avec 6 planches et 3 cactes. Paul Geuthnes, Paris 1929.
              4) Annales de géographie, publiées sous la direction de P.Vidal de La Blache et Marcel Dubois. Bibliographie de l’année 1893. Paris Armand Colin et Cie, Editeurs, 1894.
              5) Dragages de Cochinchine. Canal Rachgia – Hatien. Gouvernement Général de l’Indochine, Inspection Générale des Travaux Publics. Saigon 1930.
              6) J. Delacour et P. Jabouille: Oiseaux des Iles Paracels. (Travaux du Service Océanographique des Pêches de l’Indochine, Publiés sous la direction de Armand Krempf. Saigon 1930.
              7) Nguyễn Văn Quế, Histoire des Pays de l’Union Indochinoise (Viet Nam – Cambodge – Laos) Saigon 1932.
              8) A. De Rouville, Le Déve loppement de la Signalisation Maritime dans les Territoires Francais d’Outre-mer. Paris 1933.
              9) P. Chevey, Rapport sur le foncitionnement de l’Institut Oce-anographique de l’Indochine pendant l’année 1934-1935. Paris 1935.
              10) Huan-Lai-Cho, Les origines du conflit Franco-Chinois à propos du Tonkin jusqu’en 1883. Saigon 1938.
              11) Roger Pinto, Problèmes du Pacifique en 1940, Extrait du Buletin Economique de l’Indochine Année 1941 – Fascicule 2.
              12) Pierre Gourou et Jean Loubet, L’Asie moins l’Asie Russe. L’Indochine. Imprimerie Trung-Bắc Hannoi 1944.
              13) Roger Lévy, L’Indochine et ses traités 1946. Centre d’Etudes de Politique Etrangère Section d’Information. Pubbication no 19 Paris, 1947.
              14) André Gaudel, L’Indochine Francaise an face du Japan J. Susse 1947.
              15) Accords Franco – Vietnamiens du 8 mars 1949, Conventions d’application. La présente publication est faite d’accord parties entre le gouvernement du Vietnam et le Haut Commissariat de France en Indochine.
              16) Géneral Henry Casseville, De Chang Kai Shek à Mao Tse Tung (Chine 1927-1950) Charles Lavauezlle et Cie. Paris, Limoges, Nancy 1950.
              17) Serge de Labrusse, Politique du Cabotage en Indochine. Saigon 1950.
              18) E. Gaspardone, “Le lexique annamite des Miny” Journal Asiatique Tome CC X IT, Année 1953, fascicule no 3. Paris 1953.
              19) M. Th. Blanchet, La Naissance de l’Etat Associé du Vietnam. Editions M. Th. Génin Paris 1954.
              20) Henri Fontaine et Lê Văn Hội, Contribution à la Connaissance de la flore des iles Paracels, Annales de la Faculté des Sciences Université de Saigon 1957.
              21) E. Saurin, Notes sur les Paracels, Archives géologiques du Vietnam, no 3, Saigon 1955.
              22) R. Serene, Pelite Histovie des Paracels, Sucl Est Asitique Bruxelles, no 19 Janiver 1951.
              23) Charles Rousseau, “Chine, France, Japon, Philippines et Viet Nam. Différence concernant l’appartenance des iles Spratly. Rappel des controverses relatives à l’exerciee de la souveraineté sur cet archipel survenues de 1933 à 1939 entre la France et le Japon et depuis 1951 entre la Chine, les Philippines et le Sud-Vietnam, Evolution du difference au cours de l’année 1971. Difficultés analogues survenues de 1931 à 1950 entre la France et la Chine et depuis 1959 entre le Vietnam et la Chine relativement à l’appartenance des iles Paracels”. – Revue géné ralede Droit International Public. Droit des gens – Histoire diplomatique – Droit Pénal – Droit Fiscal – Droit Administratif (Fondée en 1894 par M. M. Pillet – Fauchille – Pedone). Directeur Charles Rousseau, Professeur à la Fạculté de Droit de Paris, Membre de l’Institut de Droit International, 76è année, tome 76e, no 3 Juilet – Septembre 1972.
              24) Nguyễn Thanh Nha, Tableau Economique du Vietnam aux XVIIe et VVIIIe siècles. Préface de Gaston Leduc, membre de l’Institut, Professeur à la Fachlté de Droit et des Sciences Economiques de Paris. Ouvrage édité avec le concours du C.N.R.S. Paris, Edition Cujas, 1970.
              25) Võ Long Tê, Les Archipels de Hoàng Sa et de Trường Sa selon les Anciens ouvrages Vietnamiens, d’Histoire et de Géographie. Publicatión en Langues Etrangères de la Commission de Traduction Saigon. Ministère de La Culture, de l’Education et de la Jeunesse, 1974.
              26) Nguyễn Thế Anh, Bibliographie critique sur les relations entre le Vietnam et l’Occident. Paris 1967.
              IV) Tài-liệu Anh-ngữ:
              1) Meribeth E. Cameron, Thomas H.D. Mahomey, George E.McReynolds, China, Japan and the Powers. The Ronal Press Company New yorl, 1952.
              2) “Vietnam’s Sovereignty over the Paracels and Spratley Island”. Horizons, Periodic Review. Saigon 1956.
              3) A. Wylie, Notes on Chinese Literature originally published in Shanghai, China, 1867, Reprinted in Taipei, Taiwan, China 1964. by Literature House L.T.D.
              4) Henry G. Schwarz, “China and Southeast Asia”, China Report, A Bi-monthly Journal of Critical Study, vol 1 no 4 June 1965.
              5) Arthur W. Hummel, Eminent Chinese of the Ch’ing Period (1644-1912) Ch’eng-Wen Publishing Company, Taipei 1967.
              6) Chau Ju-Kua, His Work on the Chinese and Arab Trade in the twelftl and thirteenth Centuries, entitled Chu fan chĩ, Translated from the Chinese and Annotated by Friedrict Hirth and W. W. Rockhill, Ch’eng – wen Publishing Company, Taipei 1967.
              7) Alastair Lamb, The Mandarin Road to old Huế. Narratives of Anglo. Vietnamese Diplomacy from the 17th century to the Eve of the French Conquest. Chatto and Windus. London, 1970.
              8) Ma Huan, ying – yai Sheng – Lan The overall Survey of The Ocean’s Shores (1433), Translated from the Chinese text edited by Feng Ch’eng. Chũn with introduction notes and appendices by J.V.G.Mills. Cambridge. Published for the Halkuyt Society, At the university Press, 1970.
              9) Geography of China, Foreign Languages Press, Peking 1972.
              10) Statement by Spokesman of Chinese ministry of Foreign Affairs. Peking Review no 3 january 18, 1974.
              11) Saigon Authorities Invade China’s Hsisha Islands and Provoke armed Conflicts. Peking Review no 4 january 25. 1974.
              12) In Paracel Archipelago. South Viet Nam warships shadow China boats (Kyodo Reuter) The Japan wimes, Friday, January 18. 1974.
              13) Nguyễn Nam Phong, “Letter from Saigon. From Pekinh with Love”. Viet Nam Report Vol. III, no 2, january 15, 1974.
              14) Nguyễn Ngọc Phách, “Letter from Saigon Proud to Be Vietnamese”. Viet Nam Report vol. III, no 3, Febuary 1, 1974.
              15) Nguyễn Ngọc Bích, “Hoàng Sa và Trường Sa. Facts and Figures on the Paracels and Spratley”… Vietnam Report. Vol. III no 5 march 1, 1974.
              16) Selected Titles of Foreign Maps, Atlases and Guide books, Maruzen, Tokyo 1974.
              V) Tài-liệu Việt-Ngữ:
              I) Trúc-Khê, Chơi cửa Bạn (Du-Ký), Tiểu-Thuyết Thứ Bảy Nguyệt-San số 5. Octobre 1944. Nhà xuất-bản Tân-Dân, Mục-xá. Hà Đông.
              2) Ngọc-Dương, cuộc Nam-Tiến của Dân-Tộc Việt-Nam. Nhà xuất-bản Ngày Nay Saigon 1950.
              3) Nguyễn-Đăng-Thục, Hùng-Vương với ý-thức Quốc-Gia Dân-Tộc Việt-Nam. Văn Hóa Tùng Biên, Cơ quan của Việt-Nam Văn-Hóa Hiệp-Hội. Chủ-bút: Nông-Sơn Nguyễn-can-Mộng, Chủ-nhiệm: Đậu Chi. Nguyễn-Quế. Số 2, tháng 9 1951, Hanoi 1951.
              4) Trần-văn-Quế, “Đảo Côn-lôn”, Văn-Hóa tùng-biên, số 12, tháng mười một 1952, Hanoi 1952. 5) Tân Việt-Điều, “Địa-lý Học Việt-Nam qua các thời-đại”. Văn-Hóa Nguyệt-san. Loại mới số 36 tháng 11 năm 1958.
              6) Tân-Phong, “Vấn-đề chủ-quyền trên nhóm quần-đảo Tây-Sa và Trường-Sa”, Quê-Hương, số 27 ngày 27.9.1961
              7) Hồng Đức Bản-Đồ, Tủ-sách Viện Khảo-Cổ Bộ Quốc-Gia Giáo-Dục, Saigon 1962
              8) Thích Đại Sán, Hải Ngoại Kỷ-Sử, Sử-Liệu nước Đại-Việt Thế Kỷ XVII Toàn bộ 7 quyển, Viện Đại Học Huế. Ủy Ban Phiên-Dịch Sử-Liệu Việt-Nam. Huế 1963.
              9) Đại Nam Nhất Thống Chí, Quyển 6, Tỉnh Quảng Ngãi. Dịch-giả Nguyễn-Tạo. Nhà Văn-Hóa, Bộ Quốc-Gia Giáo-Dục Việt-Nam Cộng-Hòa 1964.
              10) “Tài-Liệu Địa Lý: Hải-Đảo Miền Nam”, Nghiên cứu. Nghiên cứu Văn-hóa Giáo-dục số 1. Hội Ái-Hữu Cựu Sinh-Viên Đại-Học Sư-Phạm Saigon 1965.
              11) Ức Trai Tướng công Di Tập. Dư-Địa Chí Dịch-giả: Á-Nam, Trần-Tuấn-Khải, Văn-Hóa Tùng Thư số 30, Nhà Văn-Hóa, Saigon 1966.
              12) Hoàng-ngọc-Thành. Những Quan-Hệ giữa Pháp và Trung-Hoa về vấn-đề Việt-Nam (1880-1885). Trình bày, Tủ sách Nghiên-cứu Sử-Địa. Saigon 1969.
              13) Phan-Khoang, Việt-Sử: Xứ Đàng Trong (1588-1777). Cuộc Nam Tiến của Dân-Tộc Việt-Nam. Nhà sách Khai-Trí, Saigon 1969.
              14) Lê Quý Đôn, Phủ-Biên Tạp Lục Tập 1 (Quyển 1, 2 và 3), Bản dịch của Lê-xuân-Giáo. Tủ sách Cổ văn, Ủy Ban Dịch Thuật-Phủ Quốc vụ Khanh Đặc-Trách Văn-Hóa, Saigon 1972.
              15) Lê Quý Đôn, Phủ-Biên Tạp Lục Tập 2 (Quyển 4, 5 và 6), Bản dịch của Lê-xuân-Giáo. Tủ sách Cổ văn, Ủy Ban Dịch Thuật-Phủ Quốc vụ Khanh Đặc-Trách Văn-Hóa, Saigon 1973.
              16) Vấn-đề Hoàng-Sa. Tài Liệu Đặc-Biệt do Phong Trào Sinh-Viên Quốc-Gia Ấn-Hành, Tokyo, tháng hai 1974.
              17) Hoàng-Sa, Lãnh Thổ Việt-Nam Cộng-Hòa Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi, Việt-Nam Cộng-Hòa, Saigon tháng ba 1974.
              18) Huy-Bách, “Cuộc tranh chấp về chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa của Việt-Nam Cộng-Hòa”. Tập San Quốc-Phòng. (Nguyệt-San Nghiên-cứu Quân-sự Chính-trị Kinh tế Xã hội) số 46 tháng 4.1974.
              19) Lê-Thành-Khê, chủ-quyền của Việt-Nam Cộng-Hòa trên hai quần-đảo Trường-Sa và Hoàng-Sa, (Chính-trị và Công Dân số 3 ngay 1.1.1972 Saigon).
              20) Lê-Đình-Trương, Thư Mục về cuộc bành trướng quốc-thổ Việt-Nam (Canh Tân Đất Việt, New York 1972).
              21) Từ Minh, Cuộc tranh chấp chủ quyền trên các quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa, Bách Khoa, Saigon tháng 2, 1974.
              22) Tuyên Cáo của Bộ Ngoại-Giao Việt-Nam Cộng-Hòa về hành động gây hấn của Trung-Cộng, Bộ Ngoại-Giao Việt-Nam Cộng-Hòa, Saigon 19.1.1974.
              23) Tuyên cáo của Chính-phủ Việt-Nam Cộng-Hòa ngày 14.2.1974 về chủ quyền của Việt-Nam Cộng-Hòa trên những đảo ở ngoài khơi bờ biển Việt-Nam.
              24) Hoàng-xuân-Hãn, “Đúng Ba Trăm Năm Trước” Sử-Địa số 27-28, Saigon 1974.
              CHÚ THÍCH:
              [1] Riêng đảo Vĩnh Lạc còn được dân địa phương tỉnh Quảng Ngãi gọi là Quang Ảnh, kỷ niệm Phạm- Quang- Ảnh viên chỉ huy đội Hoàng Sa vào năm 1815 được lệnh triều đình cử ra tuần phòng. Cf. Sơn Hồng Đức, Quần Đảo Hoàng Sa ( chú thích của tòa soạn)..NGUỒN: Tập san Sử Địa số 29 (từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1975), trang 54 đến trang 114. ..
              #7
                Chuyển nhanh đến:

                Thống kê hiện tại

                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                Kiểu:
                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9