Một thời đã qua rồi
Khải Nguyên HT 26.03.2010 11:12:15 (permalink)

     MỘT THỜI ĐÃ QUA RỒI
      -ghi chép-
 
 
        “V
ùng tự do Liên khu Bốn xa lắm rồi. Sau lưng tôi, dãy núi xanh như muốn ngăn ý nghĩ tôi hướng về nơi có nhịp sống vừa dè lặng, vừa sôi động. Nơi ấy cuộc sống thôn dã nghìn năm cũ bừng dậy sau cuộc Cách mạng tháng Tám và xáo trộn ít nhiều trong cuộc kháng chiến chống quân Pháp trở lại cướp nước, nay đang vừa dồn công của cho cuộc tổng phản công quân địch vừa chộn rộn đón chờ cuộc đấu tranh giai cấp ngay trong từng thôn xóm. Nơi ấy cha mẹ tôi cũng đang thấp thỏm âu lo. Nơi ấy từ nay đối với tôi có lẽ sẽ như một thế giới khác.
         Bước vào đồng bằng Liên khu Ba, tôi đã gần như gác lại hết vương vấn trong đầu. Trước mắt tôi, cánh đồng trải rộng ngút mắt với một người vốn quen nhìn đồng đất miền Trung. Gió đông lành lạnh. Đang tháng áp chót của năm. Lòng tôi nhẹ vui. Tôi đã bước chân vào đồng bằng Bắc bộ anh dũng và đau thương, vào vùng sau lưng địch (địch hậu). Sao hôm nay vùng đất tôi đang dấn thân vào lại có vẻ thanh bình và “phấn khởi” thế này? Chợt nhớ mấy câu thơ hơi phô diễn và lên gân của anh bạn không mấy thân hôm họp mặt cuối cùng:
         “... Về với phát động nông dân
           Về với vành đai địch hậu
           Về hòa mình trong thử thách đấu tranh
           Đường chúng ta về trời nắng đẹp mông mênh”.
         Trời bữa nay không nắng nhưng mông mênh đẹp. Phía bên trái, lô cốt của một đồn địch bị bao vây nổi bật trên dãy làng mạc xa. Giá có thể đến gần để nhìn rõ những tay súng bắn tỉa đang ngóng những kẻ địch thò ra ngoài. Nghe kể có lần du kích chĩa loa kêu gọi lính ngụy đang bị hãm trong đồn mang súng trở về với Tổ quốc, một tên núp ở trong hát ra:
           Đấy “tổ cuốc” thì đây tổ cò
           Chẳng qua vì cơm áo mà mò vào đây
           Bao giờ Tây lại về Tây
           Bên đấy chẳng gọi thì đây cũng về.

         Tức thì một cô du kích hát đối lại ngay:
           Quên Tổ quốc, rúc tổ cò
           Lấy nê cơm áo mà bò theo Tây
           Có ngày Tây cút về Tây
          “Đem con bỏ chợ” biết tìm ai mà về!

         Bên kia im thít. Thay vào là một tràng súng bắn ra.
         Hai bên đường qua Hà Nam, ruộng bắt đầu lan rộng màu xanh. Nông dân đang mải mê với những cây mạ. Thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng súng giặc bắn vu vơ đâu đó.
         Qua tiếng cười bình dị và diềm đạm của chị giao liên, qua câu chuyện tở mở của mấy anh dân công kể chuyện chống càn –nói gọn cụm từ “chống quân địch hành quân càn quét”- (các anh từ vùng tạm bị chiếm ra vùng tự do làm nghĩa vụ kháng chiến vừa xong đợt trở về nhà), tôi thấy khu Ba và Khu Tả ngạn sông Hồng gần gũi chứ không xa lạ như khi còn ngồi ở ngoài kia hình dung.
         Chiều hôm ấy, khi vừa nhìn thấy bờ đê sông Nhị, Khoa và tôi, hai đứa “em út” của đoàn, nói một cách trịnh trọng và náo nức: “Bước mau lên chào triều sóng Hồng Hà quật khởi!”
         ... Đây đã là khu Tả ngạn sông Hồng. Xóm làng tan hoang quá. Không một mái nhà nguyên vẹn dấu xưa. Đường làng trơ những hố trống rỗng. Những vườn cây cháy rụi. Những vành khăn tang. Cảm thấy chưa một ngòi bút phóng viên nào, ngòi bút nhà văn nào làm đủ trách nhiệm tố cáo.
         Trưa hôm ấy, nghe tiếng máy rền rĩ trên sông, Khoa và tôi chạy vội lên đê. Chúng tôi chỉ thấy hút bóng cờ ba sắc quằn quại trên một tàu chiến đường sông của Pháp. Chúng tôi đang đứng trên một ụ đất cao, chợt nghe gọi: “Xuống đi! Chúng nó thấy chúng nó bắn đấy”. Một nông dân vác cuốc đi đến, -chừng là một du kích- cho biết là vừa có bốn ca nô và ba tàu chiến giặc đi qua. Anh nói: “Tháng trước, hai ca nô của chúng bị ta cho ngâm sông đấy”. Hai bên bờ sông Hồng, ta đã làm chủ ban ngày nhiều vùng. Bọn giặc đi lại trên sông để tiếp tế cho những đồn bốt bị cô lập giữa vùng căn cứ du kích phải có đoàn hộ tống mạnh.  Dù vậy, chúng vẫn hay bị phục kích.
         Buổi tối, các em bé trong xóm quây quanh chúng tôi trên cái sân đất hẹp nhà anh bạn trong đoàn (Đúng ra là nhà cha mẹ anh. Anh ra vùng tự do từ ngày giặc lập “tề” nơi quê anh). Các em đòi tập múa hát. Một em mắt tinh nhưng đượm buồn. Em thủ thỉ kể: Cha em chết trong trận giặc càn năm ngoái. Bọn Pháp mất một trung đội. Thằng quan ba la hét như điên. Cha em và ba người dân thường khác bị bắn gục bên hố bèo. Em đổi giọng: “Vùng tự do vui lắm các anh nhỉ. Không phải chạy giặc. Thiếu nhi tha hồ đi học, tha hồ ca hát và chắc là hát hay”. Em bé ạ! Vùng địch hậu này cũng không buồn, cả trong tang tóc và căm thù. Em hát đi! Em bé nào hát mà chẳng hay. Hãy gác lại những nếp trán u buồn. Một ngày không xa đâu, chúng ta sẽ tính nợ với chúng.
         ... Với lứa tuổi hai mươi, những cái lo không căn bản là những cái chóng quên. Cho nên cái đêm lội gần nửa cây số ruộng nước ngập tận bẹn để vượt con đường cái huyết mạch của địch đã trở thành một thứ trò chơi ngồ ngộ.
         Đêm qua đò sông Luộc, lần đầu đặt chân lên đất Hải Dương giặc vừa càn xong, thái độ dò dẫm của ông trưởng ti làm cho các chàng trai nhìn những thôn xóm lờ mờ trước mặt như thấy chứa đầy những sự bất ngờ. Với cảm giác sờ sợ và vui vui, người ta chờ xem thực tế có như người ta tưởng tượng... ”.
 
         *  *  *
         Anh đã chép lại một đoạn ghi xưa. Hơi văn học trò vẽ ra những cảm nghĩ nên thơ dễ dãi và hơi khoa trương. Dù sao cũng lưu lại được một tâm trạng.
         Ngày ấy, các anh là những giáo viên mới ra trường Sư phạm cao cấp (có một thời không dài người ta gọi trường “cao cấp” thay cho trường “đại học”). Các anh được phân về vùng địch hậu chuẩn bị sau này cho trường cấp ba, tức trường trung học đệ nhị cấp, trong dự kiến tương lai về phát triển giáo dục vùng sau lưng địch. Họ rời vùng tự do khi khắp nơi đang sôi nổi chuẩn bị tháng liên hoan Việt-Trung-Xô và nhộn nhịp những đợt dân công. Dạo này, vùng tự do ồn tiếng máy bay giặc quần đảo hơn trước nhưng vẫn là vùng tự do. Cho nên khi dừng lại ở Chi Nê chờ đường dây giao liên dẫn vào vùng địch hậu, các anh vừa thinh thích lại vừa lo lo.
         Vào vùng sau lưng địch hai bên sông Hồng mới thấy rõ “tài thao lược” của Đờ Tát-xi-nhi (de Tassigny), cố tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương được truy phong Thống chế sau khi chết (mà thực ra, như một số báo phương Tây đã bình, nếu ông ta không sớm chết thì có nguy cơ bị cách chức). Ông ta thò mõm ra Hòa Bình, bị ghìm đầu lại để cho vùng đồng bằng vùng dậy phá tan hoang bao nhiêu đồn bốt mà ông ta đã dầy công dựng lên sau một trận càn quét qui mô và đẫm máu, do ông ta đích thân cưỡi máy lên thẳng chỉ huy. Mạng lưới chiếm đóng sa sút đến nỗi viên đại tướng trẻ Na-va (Navarre) sau đó dốc sức càn một trận ác liệt, trận cuối cùng của quân xâm lược ở đồng bằng Bắc bộ, cũng không sao vá víu lại được. Các khu căn cứ du kích và khu du kích vẫn loang mãi ra. Quân Pháp kinh hoàng du kích địch hậu đến độ ở hội nghị Giơ-ne-vơ (Genève) buổi đầu, Bi-đôn (Bidault), trưởng đoàn Pháp cứ khăng khăng một đề nghị chướng tai và nực cười là “giải giáp du kích ở đồng bằng Bắc bộ”.
         Theo đường giao liên từ vùng tự do vào vùng địch hậu, có hôm các anh đi giữa ban ngày trên đường cái rộng trong không khí mát lành có phong vị cuối thu. Nhưng cũng có lần mò mẫm gần thâu đêm trên những bờ ruộng hẹp, trơn trượt, ỳ ạch ngã lên ngã xuống, hoặc lội ruộng lầy thụt quá đầu gối. Đêm vượt đường số Một phải chạy qua một bãi tha ma. Con đường nhựa hiện ra đưới ánh trăng mờ một dải đen thẫm hoang lạnh, giấu đầy bất trắc. Cả bọn lọt sang tả ngạn sông Hồng an toàn. Hai người được phân về một trường nằm trong một vùng căn cứ mạnh ven sông Luộc, thường vẫn có tàu địch đi lại sát nách. Chúng chẳng dám đổ bộ kể từ trận hành quân càn quét trước đấy. Trên bản đồ hành binh của quân xâm lược Pháp, vùng được tô màu đỏ ấy chắc chỉ là một khoảnh nhỏ, chỗ rộng nhất may ra được chừng dăm ki-lô-mét. Trong thực tế, nó rộng hơn nhiều. Các đồn bốt vây quanh chỉ có giá trị tác động tâm lí đối với chính bọn chỉ huy chóp bu. Bởi lẽ, hai đồn ven đê án ngữ hai đầu căn cứ thì bị cô lập về đường bộ. Mỗi khi tiếp tế lương thực, súng đạn, bọn địch thường dùng đường sông và phải có quân thiện chiến yểm trợ, cả trên không. Còn mấy đồn bốt nằm sâu phía trong gần thị xã thì cũng chỉ kiểm soát dược mấy làng gần quanh, để trống nhiều hành lang cho đối phương nối các khu du kích, căn cứ du kích liên hoàn. Thỉnh thoảng chúng biệt kích vào khu căn cứ và bắn pháo bừa bãi. Nhưng chẳng là dấu hiệu chứng tỏ chúng kiểm soát được đất, nắm được dân.
         Các anh được giao liên đón từ ti Giáo dục. Nói là ti nhưng cả cơ quan chưa đầy mười người và chẳng có trụ sở riêng, nay ở làng này, mai ở làng khác, làm việc trên chiếu trải ra đất hoặc trên ổ rơm, trong nhà dân. Các anh ra đi từ nửa đêm, vượt một con sông và một con đường hàng tỉnh hay bị địch phục kích. Tờ mờ sáng, đã gần địa điểm phải đến. Trời trong xanh, gió nhẹ lướt trên đồng ruộng lúa vừa bén rễ. Làng mạc nổi lên gần xa êm ả. Nếu không phải vừa trải qua những giờ phút chờ đợi căng thẳng khi vượt sông và cảnh lò dò đầy nghi ngại khi vượt đường thì họ có thể nghĩ là đang đi trên vùng lúa Thanh Hóa hay Phú Thọ. Ở đây cũng nổi lên cảnh tượng từng đập ngay vào mắt khi mấy người vừa đặt chân vào đồng bằng Bắc bộ: bốn phía xung quanh đâu đâu cũng thấy sừng sững những tháp chuông nhà thờ, như ngạo nghễ, như soi mói. Quân địch từng lợi dụng phần lớn các tháp chuông đó làm tháp canh. Trước chiến dịch Hòa Bình, vượt qua đây vào ban ngày là đi vào cửa tử.
         Từ xa, trước lối vào làng, thấy có hai cô gái, người đứng, người ngồi bệt xuống vệ cỏ như đang tha thẩn chơi, dẫu chẳng phải lúc vì còn quá sớm. Khi các anh tới gần, cô gái đang ngồi nhỏm dậy đi đến đón đầu. Thì ra đó là hai cô dân quân đang canh gác. Thấy người đưa đường là người quen, cô đứng tránh ra. Cô kia thì nhìn chăm chăm vào quần áo và ba lô của khách. Khi họ vừa khuất trong cổng làng thì bỗng thấy cô chạy theo nói nhanh:“Các anh cho em gửi cái này” và dúi vào tay người đi sau cùng một mảnh giấy, xong chạy trở ra. Trong mảnh giấy chỉ vẻn vẹn một dòng chữ viết vội: “Xin các anh đừng mang bom vào làng chúng em”. Mấy người khách cùng ngớ ra. Anh giao liên phá lên cười: “Vì quần áo và ba lô của các đồng chí đấy”. Hỏi ra mới biết trong này mọi cán bộ, bộ đội đều mặc quần áo ta và mang tay nải như dân thường. Ai khác đi là “lạy ông (Tây) tôi ở bụi này!”. Người ta chưa kịp giúp các anh thay đổi trang phục và trang bị.
         Buổi chiều, mấy anh đã được “nắn gân”, đúng ra, chỉ mới “dứ” xa thôi. Hai chiếc máy bay Hen-cát bỗng ập tới liệng mấy vòng rất thấp. Mấy vị chẳng phải là dân “tò te” nhưng đang chuẩn bị xuống cơ sở bị bất ngờ nên có hốt một tí. Được cái, đâu đâu trong nhà, ngoài sân, ngoài vườn đều sẵn hầm, hào nên cũng yên tâm. Hai chiếc máy bay rú rít một hồi rồi quẳng hai quả bom na-pan xuống rìa làng bên, chúng quần thảo một lúc nữa rồi cút thẳng. Chẳng biết có phải vì các vị mà “chúng nó đến thăm” sớm sủa vậy không?
 
         *  *  *
         Trường đặt ở hai thôn, trong hai cái chùa, một cái đinh và một cái miếu. Một ngôi chùa đã bị giặc đốt cháy rụi chỉ còn trơ lại những bức tường. Người ta gác tre, lợp rạ làm thành một phòng học. Ngôi đình thì bị đạn đại bác giặc bắn sập một đầu hồi, ngồi trong có thể nhìn thấy trời xanh, mây trắng.. Lòng đình khá rộng, khi trời mưa học sinh có thể ngồi dồn lại mấy lớp. Hiềm vì dạy và học lại không như họp chợ. Cái miếu và ngôi chùa kia thì ít mang dấu vết chiến tranh. Trước cửa miếu có tượng đắp nổi hai ông thần đứng trấn giữ. Ông bên trái nom dữ tợn, tay cầm đại đao hùng dũng lắm, nhưng bộ ria vểnh lên chỉ còn một bên. Một bọn học trò thường hay ra ngồi học ở đấy, vừa để canh chừng trong những trường hợp cần thiết. Một hôm, chúng bí một bài toán. Một đứa chìa cho ông thần tướng: “Này! Ông thử giải xem nào!” Dĩ nhiên là ông ta không giải được. Bọn trẻ liền mắng: “Hừ, nom oai vệ vậy mà còn dốt hơn bọn này!” và vặt một bên ria mép của ông. Dân làng biết chuyện, người thì trách mắng bọn “sau quỉ và ma”, người thì bênh: “Thần thánh có thiêng sao không vặn cổ bọn Tây về phá làng? Bọn trẻ vặt râu đi cũng phải”. Mặt ngoài bức tường đầu miếu phía đông nổi lên hàng chữ đỏ, dầu dãi, song vẫn còn rõ: “Tích cực chuẩn bị tổng phản công!”. Hồi vùng này còn dễ bị địch xâm nhập, bọn Pháp và ngụy sục về thấy khẩu hiệu này chúng bôi bẩn rồi viết xuống dưới: “Tổng phản công chưa thấy ông đã chạy”. Chúng rút đi rồi, du kích sửa sang lại bức tường và câu khẩu hiệu. Chúng về lại bôi, lại viết. Mấy lần như thế, bực mình du kích mới để nguyên mà viết vào bên cạnh rõ đậm: “Chạy thì chạy có ngày chúng mày phải lạy chúng ông!”. Từ đó, bọn địch chẳng dám động đến nữa.
         Trong các phòng học chẳng có bộ bàn ghế nào. Học sinh đến trường mang theo một cái tráp gỗ mà các em vẫn gọi đùa là tráp thầy bói. Đến lớp, các em moi từ tráp ra không chỉ các đồ dùng để học, mà còn các phụ tùng để lắp thành một bộ bàn ghế cá nhân ngồi trệt, nắp tráp làm bàn. Học sinh gần như ngồi bệt xuống đất. Thầy giáo thì có thể ngồi tạm trên một cái kệ, một bệ gạch, một khúc gỗ,... Giặc tới, tạm xếp; giặc đi, lại có trường, có lớp. Trong hoàn cảnh cam go, vùng sau lưng địch vẫn duy trì và phát triển giáo dục. Cả tỉnh có vài trường cấp hai, hi vọng tiến tới mở cả trường cấp ba.
         Học sinh khá lớn tuổi, vẻ ngoài kém hồn nhiên. Có người đã có vợ con. Học sinh gái ít, mỗi lớp chỉ vài ba cô, thường chít khăn nâu hoặc trùm khăn đen. Trong đó, có một cô đang là phó xã đội trưởng và cô dân quân trao mảnh giấy ngày nọ. Học sinh nhớn nhưng lại khá thuần và ngoan. Các em thực hiện nghiêm chỉnh không những việc học bài, mà cả những lời căn dặn lồng trong bài giảng hoặc trong các buổi nói chuyện ngoại khóa của các thầy. Có vẻ như các em khao khát những gì từ vùng tự do đưa vào. Nhiều học sinh rất tội. Sáng đến lớp, chiều ra đồng, tối canh gác tuần phòng, có đêm phải đi đào hầm bí mật. Vì thế đi đâu các em cũng kè kè túi sách, hễ rảnh một chút là giở vở ra học, hoặc dùng phấn làm bài tập trên nền gạch, trên cánh cửa...
         Học sinh ham học nhưng tài liệu giảng dạy của các thầy lại quá nghèo nàn. Giáo viên từ vùng tự do vào chỉ có thể mang theo những vật tùy thân tối thiểu, không mang theo sách vở được. Vả chăng, sách khoa học ở vùng tự do thường là từ thời Pháp thuộc còn lại, nói chung là đã lỗi thời. Không ai nghĩ tới việc cho phép tham khảo tài liệu giáo khoa vùng địch tạm chiếm, nhất là những thứ nhập ngoại từ phương Tây. Hai hệ giáo dục coi như kị nhau, đối nghịch nhau. Nói chi chuyện tìm hiểu nhiều lĩnh vực để tự trang bị bản lĩnh nhận thức, càng tối kị là những lĩnh vực “nhạy cảm”! Người ta không tin vào khả năng tự “lọc”, tự “miễn dịch” của những người “được” lãnh đạo. (Một chuyện “nhỏ” ngồ ngộ: Một thầy giáo đi dạo chợ, muốn xem chợ vùng hậu địch có khác lắm chợ ngoài kia không. Thầy thấy những chồng báo hàng ngày tiếng Pháp nhập từ bên Pháp sang, song chẳng hiểu bằng con đường nào nay chất đống ở đây dùng để gói hàng. Thầy mượn một tờ xem. Chưa kịp đọc thì một người đi đến, hỏi: “Chúng nó viết gì vậy, thầy?” Không chờ trả lời, người kia nghiêm sắc mặt: “Yêu cầu không đọc tài liệu của địch!” Về trường, thầy kể chuyện lại những mong được chia sẻ, không ngờ bị “phê” kém lập trường, quan điểm. “Việc đọc, nghiên cứu tài liệu, sách báo của địch đã có ngưòi được trên giao lo...” ).
         Các giờ lên lớp ít bị ngắt quãng, mặc dù quân địch trong các vùng xung quanh thỉnh thoảng lại bắn pháo. Đã nắm được qui luật bắn của địch, và biết phán đoán điểm rơi của trái đạn qua tiếng rít xé gió của nó, học sinh biết khi nào mới cần núp. Thời gian đầu, nghe tiếng nổ ở thôn cạnh, các thầy mới đến có giật mình, nhưng nhìn học trò, họ yên tâm. Trong trường có một số giáo viên bám trụ từ trước. Một người kể một câu chuyện “mua vui” cho các đồng nghiệp mới: Có một ông giáo đứng tuổi vừa từ vùng tự do vào bị ngay một trận oanh tạc của địch, đâm hốt. Bữa đó, ông đang say sưa giảng về lòng dũng cảm thì nghe mấy tiếng nổ, tiếp đó là tiếng ồ ồ như tiếng máy bay vọng đến. Ông quẳng ngay phấn, chui tọt vào gầm bệ Phật, lắp bắp: “Không biết có qua được không! Không biết có qua được kho... ô... ông?” Học sinh bụm miệng lại không dám cười. Thì ra có một người lăn một cái thùng phuy trên đê, trong lúc bọn địch bắn “ô-buy” vào thôn bên. Sau bữa đó, ông cáo ốm rồi đi đâu không biết. Rõ là người kể bịa thêm để mua cười, song chuyện dát thì “thời nào và người nào mà chẳng có”?
 
         *  *  *
         (TRÍCH NHẬT KÍ)
 
         25-12-1953. Nghe mấy em học sinh kể chuyện đi chôn mìn bẫy xe quân sự của địch trên đường liên tỉnh. Đêm đen. Mưa phùn. Gió căm căm. Đào hố nơi có vệt lốp xe ô tô, vùi mìn xuống rồi lấp đất lại như cũ và in vết lốp xe lên. Để chắc ăn, xòe lửa kiểm tra. Đã che chắn kĩ, vậy mà để lọt ánh sáng sao đó, thằng địch ở bốt gác cách non cây số cho ngay một tràng súng máy. May không ai việc gì. Hú vía! Chúng nó phản ứng nhạy thật!
         03-02-1954. Nghe kể về trận càn năm ngoái. Các giáo viên và các cán bộ khác không có nhiệm vụ chống càn cứ chạy vòng quanh. Giặc đến huyện này thì vòng qua huyện khác; giặc đến tỉnh nọ thì lộn lại tỉnh kia. Anh T. xin ở lại tham gia chống càn, mãi mới được chấp thuận. Cô P. phó xã đội trưởng, học sinh lớp sáu, là chỉ huy trực tiếp của T. . Cô kể: “Em chẳng biết chỉ huy thầy T. thế nào cả, cứ mặc thầy tự động làm”. Mình hỏi lại T., T. cười: “Ấy là lúc đang chờ đánh; còn lúc giặc đã đến ngoài làng cô ta quát cũng ‘ác’ lắm tuy không ra lệnh cho tôi đích danh”.
         Trận ấy, giặc chỉ vào được một xóm lẻ kề thôn. Có một “chuyện lạ có thật” như sau: Bọn địch sục mọi nơi, vừa tìm du kích, vừa hôi của. Trước một nhà, chúng thấy một con gà sống thiến bự nhốt trong một cái bu tre đặt chính giữa sân, xung quanh rơm rạ vương vãi. Chúng thèm thuồng đứng xa nhìn, chẳng đứa nào dám bén mảng đến cái sân khả nghi kia, chứ đừng nói đến bắt con gà. Chủ nhà trốn biệt mà bu gà lại phơi ra thế ấy, hớ hênh một cách đáng ngờ! Ở thôn trên, một thằng Tây thấy một cuốn sổ giắt trên mái nhà bèn giật xuống xem; và thế là một quả lựu đạn rơi ra và... nổ. Bây giờ cái bu gà này... Tên chỉ huy chĩa súng định bắn chết con gà, nhưng bọn cùng đi can. Ngộ nhỡ con gà quẫy, động đến những gì cài sẵn có mà giời biết. Thật ra thì anh du kích chủ con gà vội xuống hầm bí mật, vướng cái lồng gà cồng kềnh chẳng lẽ bỏ lại “cúng” cho giặc, bèn nghĩ ra kế nghi binh, đúng kiểu “không thành kế”!
         10-4-54. Tr. về rồi, vừa ở vùng tạm bị chiếm ra. Anh ta thăm nhà một học sinh. Trong đêm, em này dẫn thầy về gần đồn địch, gần đến nỗi có thể nghe bọn địch chửi nhau. Tr. muốn thuyết phục gia đình nọ đừng bắt con thôi học. Anh chàng chơi trò mạo hiểm chăng? Mình cũng muốn một chuyến đi như vậy. Cho biết “mặt mũi” vùng địch ra sao chứ!
         07-5-54. Tin Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ làm cho đêm địch hậu như rạn ra. Không có tiếng reo hò, không có tụ tập, nhưng có gì lao xao. Đứng đầu làng nhìn quầng sáng xa xa phía thị xã thấy như gần lại. Ở vùng tự do không khí ra sao nhỉ?
         17-5-04 . Mấy hôm nay, đi cùng đoàn kiểm tra của khu (khu Tả ngạn sông Hồng). Nói là đoàn kiểm tra của khu, nhưng thành phần chủ yếu là giáo viên của một số trường. Có những cố gắng đáng ghi nhận. Trong hoàn cảnh này mà làm được cả thí nghiệm lí hóa, cả sinh vật, dù không nhiều, đáng nêu gương. Nhưng có những cách liên hệ thực tế và giáo dục tư tưởng mới “sáng kiến” làm sao! Giảng văn bài gì nhỉ? À, bài “Tiểu đội giáo nhọn”. Thầy giảng giữa chừng, một học sinh đứng dậy hô lớn “Hoan hô chiến thắng Điện Biên Phủ!” và cả lớp đồng loạt hô theo. Rõ ràng là có sự bố trí trước. Kịch quá! Hóa ra “kệch”. Còn ông Đ. dạy toán thì “vào bài” như sau: “Ở Điện Biên Phủ, ta đã diệt và bắt của quân thực dân Pháp một lô quan một, qua hai, quan ba, quan tư, quan năm, quan sáu. Các số hai, ba, năm là số nguyên tố. Hôm nay, các em sẽ biết thế nào là số nguyên tố”. Ôi chao! Cái sự “liên hệ thực tế” và “giáo dục tư tưởng”!
         20-7-04. Một người mặc quần đùi cởi trần ren rén lên đò ngang. Nom da dẻ không có vẻ lam lũ. Anh ta không có tiền trả lái đò, lúng túng xin xỏ. Chợt một khách đò lên tiếng:
         -Ủa! “ông lính” đây mà. Hồi trưa, tôi thấy “ông” lẩn vào bãi dâu cơ mà. “Ông” quẳng bộ quần áo “bắt gà” của “ông” đâu rồi? (Bộ quần áo rằn ri có nhiều túi to, khi đi càn thường nhét những thứ ăn cắp hoặc ăn cướp dược, kể cả gà vịt).
         Một người khác huơ tay:
         -Chính bọn này năm ngoái đã đốt nhà tôi. Không có tiền mà dám leo lên đò người ta. Quẳng mẹ nó xuống sông để nó tự bơi mà sang.
         Đúng là một lính ngụy bỏ ngũ định trốn về quê. Hội nghị Giơ-ne-vơ (Genève) về Đông Dương đã dến hồi kết thúc. Hàng ngũ địch rệu rã. Anh ta đứng im chịu trận. Một bà nói:
         -Thôi! Anh ta rời hàng ngũ địch rồi. Đánh kẻ chạy đi, ai đánh kẻ chạy lại. Ông đò cứ cho anh ta sang ngang. Phúc anh ta còn to đấy, may còn sống mà về với vợ con.
         -Qua bên kia anh ghé lại nhà tôi, -một cụ già bảo- tôi cho bộ quần áo cũ mặc mà đi đường. Quê anh còn xa không?
         23-7-04. Hiệp định đình chiến Giơ-ne-vơ đã kí rồi! Có những niềm vui làm người ta lặng đi chẳng biết nói gì. Đến lớp thầy trò nhìn nhau cười là đủ. Học sinh hỏi đủ thứ chuyện. “Tập kết” là thế nào? Bao giờ thống nhất đất nước? Thầy còn ở đây nữa không? Chúng em sẽ học như thế nào?...
         Nghĩ đến tiếng cười hề hề của cụ chủ nhà khi báo cái tin nghe được ở chợ hôm trước. Vẫn tiếng cười thường ngày mỗi khi cụ có điều gì thích thú, nhưng lần này nghe khoái cảm, hể hả lạ.
         25-7-04. Nhìn về phía Neo súng phòng không của ta quần nhau với ba chiếc máy bay khu trục của Pháp. Lần đầu tiên, máy bay giặc vốn vẫn làm mưa làm gió trên vùng trời địch hậu bị đánh trả. Những luồng lửa vạch những đường cong trên nền trời chiều. Giá trúng một chiếc thì khoái quá! Nhớ hôm 08-11-1953 từ Thanh Hóa ra đi qua bến đò Kiểu, lần đầu được trông thấy bắn trả máy bay. Hôm nay số phận quân viễn chinh tàn đến nơi rồi mà chúng còn lồng lộn gớm! Chỉ hai ngày nữa hiệp định Giơ-ne-vơ có hiệu lực.
         28-7-04. Đi thăm chợ Thói. Từ xa đã thấy người đông quá. Chỉ hôm kia thôi, khó có cảnh này. Trên đỉnh một cây phi lao, lá cờ Việt Nam bay giỡn trong gió sớm. Ai đã khéo tìm được màu đỏ lộng lẫy và màu vàng rực tươi vậy! Nhớ những tháng đầu sau Cách mạng tháng Tám, cũng những lá cờ chót vót và lồng lộng trên những làng quê, cả trẻ nít cũng phởn chí. Bảy tám năm nay mới lại thấy lá cờ Tổ quốc phần phật trong không trung. Giờ này, giá mình có mặt ở quê nhà...
         19-8-04. Một số học sinh được móc nối thoát ra từ các thị xã tạm bị chiếm. Ti Giáo dục tập hợp lại cho học lớp chính trị ngắn ngày. Hôm nay mình đến “giải đáp thắc mắc” thay người phụ trách bận việc đột xuất. Hỏi và đáp tại chỗ, một điều tối kị đối với các ông tuyên huấn. Phần lớn những thắc mắc là đúng mực, có khi dễ thương, chứng tỏ sự cầu biết. Duy cậu lớn nhất bọn có những câu hỏi hơi quanh queo, có mòi “khiêu khích”. Chẳng hạn “Nói Bảo Đại là bù nhìn của Pháp, nhưng đức quốc trưởng được đại biểu dân mời về và chính ngài đòi được Pháp trao trả độc lập cho Viêt Nam”. Mình chỉ hỏi lại: “Năm 1949, Vĩnh Thụy, tức Bảo Đại, đang nằm túng quẫn ở Hồng Công, ai đưa về Việt Nam, em có biết không? Em có biết những người gọi là ‘đại biểu dân’ ấy, do ai cắt cử không? Bảo Đại lúc ấy chẳng có một tên lính, một tấc sắt trong tay làm sao đòi được Pháp trao trả độc lập? Nếu suy nghĩ một chút, em sẽ thấy nếu cuộc kháng chiến của dân ta không dồn bí quân xâm lược Pháp thì chúng chẳng bao giờ phải bày trò ‘quốc trưởng’ với ‘trao trả độc lập’. Chính những người trong cuộc cũng thấy là trò hề”. Xem ra cậu học trò này cũng chỉ cầu biết thôi. Mà cầu biết một cách không dễ dãi.
         20-8-04. Mấy hôm nay mình hơi dễ tính với học sinh. Chẳng kiểm tra gì cả. Các em vui hơn, “trẻ ra”. Có cậu đã diện ngay áo trắng vào. Không gì vui bằng chiến thắng, mà cũng không gì bận bằng chiến thắng. Vùng địch hậu không còn là hậu địch. Viễn ảnh phía trước.
         Hôm nay, bao kì vọng, và cả tham vọng, của những ai đó đang hình thành.
         02-9-04. Ngày Quốc khánh tưng bừng, có lẽ là lần đầu tiên, kể từ năm 1949, ở vùng này. Mấy năm dài trong vòng o ép của giặc.
         Nhớ những ngày khai trường trước đây. Mấy năm nay, năm học mở đầu theo năm qui ước (khai giảng đầu năm dương lịch) nên tháng Chín không còn gợi nên xao động trong giới học đường, và trong những người trưởng thành còn hoài vương tuổi học trò. Chắc sẽ có ngày trở lại thông lệ quốc tế.
         Nhớ câu kết một bài báo tường của một anh bạn hồi sinh viên: “Chúng ta có thể tự hào nói với các sinh viên bên trời Tây rằng: các anh hơn chúng tôi ngôi trường lộng lẫy mái ngói, cửa gương, nhưng chúng tôi có hướng đi cao đẹp”. Một giáo sư ghé đọc, đến câu này đã nhún vai hơi mỉm cười, chẳng hiểu với ý gì. Trường kháng chiến thì khỏi nói, đến cái bảng đen cũng chẳng ra hồn. Tự hào, ờ! Song, rồi đây cũng phải cần mái ngói cửa gương chứ!
         Các cơ quan khu và tỉnh đang tiến dần sát thị thành theo bóng thù đang teo lại. Riêng trường này như bị quên đi.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 26.03.2010 12:24:04 bởi Khải Nguyên HT >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9