CHUYỆN CỔ TÍCH THỜI @
Đào Phong Lưu 09.05.2010 00:43:38 (permalink)
Chuyện cổ tích thời @
 
     Ngày nảy ngày nay, ở thành phố nọ, có gia đình ông giám đốc kia rất giầu có, nhưng hiềm nỗi chỉ sinh được một cô con gái, lại bị thong manh từ thủa nhỏ. Cô gái tuy không nhìn được rõ vật gì, nhưng bù lại cô xinh đẹp vô cùng, tính tình thật đoan trang hiền thục, đặc biệt trí tuệ thông minh tuyệt vời. Chỉ cần người khác dạy cô làm gì là cô đều học làm được việc ấy. Cô không những đến trường học chữ được như các bạn lành lặn khác mà còn học giỏi tất cả các môn. Cô còn rất có năng khiếu về âm nhạc và hội hoạ và hát rất hay, nên vừa học hết cấp II, cô đã được tuyển vào học hệ năng khiếu, Viện âm nhạc Quốc gia. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc môn Piano hệ trung cấp, cô được cấp học bổng đi du học Đại học chuyên ngành piano ở nước ngoài, nhưng cô đã từ chối mà xin về dạy nhạc ở Trường khiếm thị thành phố, phần không muốn để bố mẹ già ở nhà buồn vì vắng vẻ, phần vì cô muốn mang kiến thức học được của mình chia sẻ cùng đàn em nhỏ có hoàn cảnh bất hạnh như mình.
     Hàng ngày cô bé ô sin xấp xỉ tuổi cô đèo cô đến trường dạy học. Trên đường từ nhà đến trường, phải đi qua một cây cầu bắc ngang con sông chảy trong thành phố. Một hôm đang đi trên cầu gió thổi mạnh làm chiếc mũ rất đẹp cô đang đội trên đầu bay xuống giữa dòng sông. Hai cô dừng đỗ xe máy, rồi cô ô sin chạy dọc theo bờ sông tìm cách vớt chiếc mũ, nhưng gió mạnh làm chiếc mũ cứ trôi dọc giữa dòng, không sao vớt được. Cạnh bờ sông có công trường đang xây dựng, một anh thợ hồ đang mình trần trùng trục, mồ hôi nhễ nhại đánh vữa, thấy vậy liền nhảy ào xuống giữa dòng nước thải đen ngòm để vớt chiếc mũ. Anh chàng chỉ mặc mỗi cái quần đùi khi bị ướt nó bó sát lấy người, làm hằn rõ “sterio” lên từng bộ phận của cơ thể, anh chàng đưa vội chiếc mũ cho cô gái, rồi xấu hổ chạy biến đi mất. Cô gái nhận lại mũ chưa kịp cảm ơn, nhìn theo anh chàng đen trũi chạy như ma đuổi mà mỉm cười, rồi cầm mũ đưa cho cô chủ kể lại anh chảng phu hồ vớt mũ giúp vì người ướt như chuột lột nên  đã bỏ chạy đi rồi.
     Hôm sau, lúc tan trường về, hai cô vòng xe từ cầu ra chỗ công trường xây dựng có ý tìm anh chàng đã vớt mũ giúp hôm trước, nhưng công trường đã hoàn công, chuyển đi  nơi khác. Cô cứ ân hận chưa được gặp để cảm ơn anh ta, một người không quen biết, chỉ vì giúp cô vớt chiếc mũ mà đã không nề hà nước bẩn nhảy vội xuống sông, rồi chẳng cần nhận cảm ơn lại chạy biến đi mất. Chắc anh từ một miền quê nào ra đây làm phu hồ, có thể là chuyển đi làm nơi khác hoặc về quê rồi. Cô cứ thương những người tốt bụng như anh ta, còn trẻ thế mà chẳng được học hành lại phải đi làm phu hồ vất vả dầm mưa dãi nắng. Trở về nhà, cô lại ước ao giá ta cũng biết được số điện thoại  mà nói chuyện và cảm ơn anh ta thì hay biết mấy, nhưng chắc anh ta đi làm phu hồ như thế chẳng có điện thoại đâu. Ngay việc đến trường học chữ, cũng chắc gì đã có điều kiện. Cô thấy đời sao bất công quá, sự chênh lệch về hoàn cảnh sống giữa nông thôn và thành thị trong thời đại mở cửa này vẫn còn một khoảng trống lớn, quá cách biệt. Là một người tật nguyền như cô, nhưng ở thành phố thì chẳng thiếu thứ gì, có điều kiện để học tập, phấn đấu bằng người. Trái lại như anh thanh niên kia, lành lặn, khoẻ mạnh, tốt bụng  nhưng ở nông thôn phải làm lụng vất vả để kiếm sống, không có điều kiện học hành thì dù có ý chí phấn đấu vươn lên nhưng cũng khó mà thoát khỏi số phận đói nghèo vất vả. Từ ý nghĩ ấy, cô nảy ra cảm hứng muốn viết một bản nhạc tình khúc cho đàn violon với tựa đề “Gặp gỡ qua cầu gió bay”. Cô lấy cây vĩ cầm ra đưa lên cổ kéo thử mấy nốt nhạc, rồi vừa sờ bàn phím chữ nổi vừa sáng tác nhạc và ca từ, vừa kéo đàn đệm theo để chỉnh sửa từng đoạn. Chỉ trong vòng hơn tiếng đồng hồ bản tình ca đã được sáng tác xong. Cô lại sờ vào những nốt nhạc vừa viết trên bàn phím chữ nổi mà kéo đàn, tập đi tập lại mấy lần, rồi cô mỉm cười sung sướng vì bản nhạc thật mượt mà sâu lắng, nói lên hết được tình cảm của cô với chàng trai chưa quen biết kia. Ca từ của bản nhạc như sau:
Một ngày nắng đẹp trời trong
Qua cầu, bay mũ xuống dòng sông sâu.
Gặp người tốt vớt giúp nhau,
Ra đi để nhớ, để sầu, để thương…
Phải chăng duyên số vấn vương,
Mong ngày gặp lại tỏ tường lòng nhau.
Qua cầu, rơi mũ sông sâu
Như câu chuyện cổ gieo cầu kén duyên?
Chuyện đời đẹp tựa chuyện tiên
Đẹp tựa chuyện tiên…
Ngày hôn sau cô mang bản nhạc mình sáng tác bằng chữ nổi đến trường, nhờ chị thư ký văn phòng đánh máy tính chuyển sang thành bản nhạc ký âm bình thường, rồi nhờ in ra thành mấy bản liền. Cô hí hửng đút vào túi áo, định bụng khi nào gặp cô giáo cũ ở Viện âm nhạc Quốc gia đưa để nhờ cô góp ý và chỉnh sửa thêm cho. Nào ngờ cô bé ô sin thấy cô thay áo treo trên tường mang đi ngâm để giặt không đã ngâm cả mấy tờ giấy chép nhạc vào chậu giặt, khi sát xà phòng mới phát hiện ra, liền vội lén mang phơi trên gác thượng. Khi cô ô sin lên thu về thì đã bay đâu mất mấy bản, chỉ còn sót lại duy nhất một bản.
     Lại nói về anh chàng phu hồ, sau khi nhảy ào xuống dòng sông vớt được chiếc mũ lên đưa cho cô gái, anh chạy biến vào dãy nhà phía trong mới xây xong, tắm gội qua loa cho sạch mùi nước bẩn của sông, rồi thay quần áo, chạy vội ra bến, nhảy xe buýt tới trường cho kịp giờ học buổi chiều. Anh là sinh viên năm cuối Đại học Xây dựng. Để có thêm thu nhập và làm quen với thực tế, anh đã nhận vừa thiết kế vừa giám sát thi công kiêm luôn cả bảo vệ công trình cho một đội xây dựng dân dụng của mấy người quen. Đôi khi thiếu người ở bộ phận nào là anh xông vào làm luôn một chốc một lát ỏ bộ phận đó. Hôm ấy lúc gần đến giờ đi học rồi, anh đang đốc thúc đám thợ xây trát hoàn tất nốt mấy hạng mục cuối cùng để kịp bàn giao công trình vào cuối ngày, nhưng thiếu thợ hồ, anh liền xoay trần ra xông vào đánh vữa. Khi cối vữa sắp được đánh xong, thì thấy hai cô gái đèo nhau xe máy trên cầu bị gió thổi bay chiếc mũ xuống sông. Nhìn bộ điệu hai cô tiểu thư liễu yếu tơ đào làm sao mà vớt được chiếc mũ giữa dòng sông, nhân tiện đằng nào cũng phải tắm gội trước khi đi học, anh liền nhảy ào xuống sông vớt mũ cho cô. Ngay hôm sau, đám thợ mà anh làm hợp đồng với họ lại chuyển đi xây một ngôi nhà khác, nên anh cũng quên luôn chuyện đã vớt mũ giúp các cô.
      Đội xây dựng của anh chuyển đến địa điểm mới để xây một ngôi nhà ngay sát ngôi biệt thự của ông giám đốc, nhưng anh không hề biết đấy là nhà cô gái rơi mũ hôm trước. Tối tối đi học về, anh lại đến ngủ tại công trường để trông coi vật liệu. Tối đó vừa đi học về, anh phát hiện ra một tờ giấy trăng trắng nằm ngay cạnh lán, khi châm đèn lên soi tỏ thì ra là một bản nhạc có kèm lời hát, mà không thấy đề tên tác giả. Nhưng đọc ca từ của bản nhạc, anh biết đây chắc là của hai cô gái hôm trước qua cầu làm rơi mũ xuống sông mà anh đã vớt giúp, nên viết bài hát này thay cho lời cảm ơn mình đây. Chắc hai cô đã hỏi dò tìm  được đến chỗ này để gặp mình, nhưng không gặp được nên đã để lại bài hát. Anh mỉm cười sung sướng vì cách cảm ơn rất lãng mạn và văn hoá của hai cô gái, rồi rút cây sáo trúc tự tạo đang gài trên mái lán xuống thổi tập theo từng nốt nhạc của bài hát. Vì bài hát được sáng tác dựa trên nền của làn điệu dân ca quan họ, nên chỉ tập qua vài lần là tiếng sáo của anh đã vang lên ngân nga trong đêm vắng như một khúc tình ca được thể hiện bởi một nghệ sỹ điêu luyện vậy.
          Lúc đó đã khuya, cô gái vừa định đi ngủ thì nghe thấy tiếng sáo thổi đúng bản nhạc mình vừa sáng tác. Cô lấy làm ngạc nhiên lắm vì cô chưa đưa cho ai bản nhạc của mình. Cô liền hỏi ô sin:
- Hôm nay em giặt áo, có thấy mấy tờ giấy gấp để trong túi áo của chị không?
- Có ạ - Cô ô sin trả lời – nhưng em sơ ý làm ướt cả, mang phơi trên gác thượng bị gió bay mất chỉ còn một tờ thôi ạ.
- Ra thế! – Cô gái bảo ô sin:
- Vì em làm bay sang hàng xóm, nên người ta đang thổi sáo bài hát của chị đó biết không?
- Để enm sang đòi lại ạ.
- Không cần, hơn nữa sáng tác bài hát mà được công chúng đón nhận một cách tự nhiên thế này ta vui lắm em biết không! Đây vẫn còn một tờ phải giữ
lại để khi nào em tìm được người vớt mũ giúp thì tặng cho anh ta nhé!
Nhưng tối hôm sau, rồi tối hôm sau nữa, cứ đến giờ khuya ấy, khi chàng sinh viên học bài xong lại mang cây sáo trúc ra thổi bài hát vài lần trước khi đi ngủ. Đến tối hôm thứ tư, khi tiếng sáo của chàng vừa cất lên, thì cửa sổ tầng ba của ngôi biệt thự liền kề mở tung, theo luồng ánh sáng điện quang hắt ra từ ô cửa sổ là tiếng dương cầm âm vang hoà quện với giọng nữ cao trong trẻo cất lên hoà theo tiếng sáo bài hát “Gặp gỡ qua cầu gió bay”. Bản hoà tấu không hẹn trước mà rất mượt mà, uyển chuyển, nhịp nhàng…
 Ngay buổi sáng hôm sau, khi chàng sinh viên vừa đi học, thì hai cô gái trong ngôi biệt thự đến hỏi  những người công nhân đanh hì hục đào móng rằng cho gặp người nghệ sĩ thổi sáo. Những người công nhân đều nói ở đó chỉ có thợ xây, thợ vữa chứ không có nghệ sĩ nào cả. Hai cô gái bảo nhau chắc anh ta vẫn không muốn gặp mình.
Ngay tối hôm sau đó, trong buổi dạ hội giao lưu kết nghĩa giữa Đoàn thanh niên Trường Đại học Xây Dựng và Trường phổ thông khuyết tật Thành phố, cô gái xung phong lên hát bài hát của mình mới sáng tác. Cô vừa đánh đàn dương cầm vừa hát, khi bài hát đến giữa chừng bỗng thấy có tiếng sáo trúc hoà theo. Cả hội trường hàng ngàn khán giả im phăng phắc lắng nghe như uống từng lời ca, nốt nhạc của bản hoà tấu trữ tình của họ. Khi lời ca, tiếng nhạc vừa dứt cả hội trường dậy lên những tràng vỗ tay như sấm dậy kèm theo lời hô đồng thanh “Hát lại đi! hát lại đi!”. .. làm cho cô giáo ca sĩ và chàng sinh viên thổi sáo ngẫu hứng kia không thể bước xuống sân khâu được. Họ đành vui vẻ biểu diễn lại bài hát “Gặp gỡ qua cầu gió bay” một lần nữa. Khi bài hát vừa dứt và những tràng vỗ tay lại rộ lên thì chàng sinh viên thổi sáo đã nhanh nhẹn chủ động rút một bông hồng trong lọ hoa trên bàn sân khấu bước lại tặng cô và nói nói “cảm ơn bài hát của em!”. Thấy vậy cả hội trường lại rộ lên tiếng hô đồng thanh “Hôn nhau đi! Hôn nhau đi!...” và rất nhiều những em học sinh, những anh chị sinh viên từ dưới khán đài cầm hoa chạy lên sân khấu dúi vào tay họ… Hai người ôm chật vòng tay những bó hoa rực rỡ trước những chùm ánh sáng flash của rất nhiều máy ảnh nghiệp dư và chuyên nghiệp thi nhau ghi hình ảnh họ. Rồi cũng những phóng viên chuyên nghiệp và nghiệp dư ấy lại vây lấy hai người, chõ micrô vào tận mặt họ để thi nhau phỏng vấn về sự ra đời của bài hát “Gặp gỡ qua cầu gió bay” và hai người “nghệ sĩ” đã phối hợp tập luyện ra sao mà bài ca được trình bầy đạt trình độ hay đến như vậy?
Ngày hôm sau trên trang nhất tờ báo “Thanh niên Sinh Viên Thành phố” và cả báo mạng của hai trường đều đăng bài “Chuyện cổ tích thời @” kèm theo những bức ảnh biểu diễn và tặng hoa nhau của hai “nghệ sĩ” trong đêm giao lưu.
Từ đấy họ quen nhau và yêu nhau. Cô gái sau đó được “Đoàn phẫu thuật ánh mắt và nụ cười” của Hoa Kỳ phối hợp với Viện Mắt Trung ương Việt Nam áp dụng kỹ thuật la de tiên tiến đã chữa cho đôi mắt thong manh của cô nhìn được bình thường. Khi ngôi biệt thự mới cạnh ngôi biệt thự của nhà cô gái được xây xong và bàn giao, cũng là lúc anh sinh viên xây dựng kiêm thiết kế và giám sát thi công ngôi biệt thự đó nhận bằng tốt nghiệp Kỹ sư xây dựng, cũng là ngày họ tổ chức lễ cưới “xây dựng” với nhau.
Không lâu sau khi cô dâu mang bầu, thì ông Giám đốc đến tuổi nghỉ hưu, ông bàn giao lại toàn bộ cổ phần và sở hữu tài sản của ông tại công ty cho chàng rể. Hội nghị cổ đông đã nhất trí bầu anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty, mọi người ai cũng nâng cốc chúc mừng ông chủ mới năm nay sinh quí tử và sống hạnh phúc bên người vợ, cô giáo xinh đẹp, thảo hiền.
 
                                    Bắc Ninh ngày 01.05.2010
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9