KÌ VỌNG HAY ẢO VỌNG
Khải Nguyên HT 17.07.2010 09:48:27 (permalink)
 
KHÔI PHỤC VIỆC DẠY CHỮ HÁN TRONG NHÀ TRƯỜNG,
-KÌ VỌNG  HAY ẢO VỌNG ?

-bàn góp-
 
        Ít lâu nay, một số người đặt vấn đề cần phải dạy chữ Hán trong trường phổ thông. Mới đây, báo Tuổi Trẻ cuối tuần số 25/2010 (ra ngày 27-6-2010) có bài “Cần khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường”(*). Bài báo nêu lên tình trạng dùng tiếng Việt sai “khủng khiếp” trên các phương tiện thông tin đại chúng nước ta hiện nay, và ngay cả với nhiếu sinh viên ngành khoa học xã hội và nhân văn cũng vậy (không ít trong số này sẽ là người viết văn, viết báo, biên tập viên,... ).
        Tác giả bài báo cho rằng: “Những sai lầm yếu kém trên sẽ không có nếu học sinh được học chữ Hán, có thói quen tra từ điển Hán-Việt và tiếng Việt” và “bây giờ nói đến sự gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt chính lại là phải học chữ Hán”(những chỗ nhấn mạnh ở các đoạn trích là của K.N).
        Ông nhắc lại việc hồi Pháp thuộc chữ Hán vẫn được dạy trong nhà trường (từ sau khi chính quyền thực dân bãi bỏ các kì thi chữ Hán cho đến tháng 3-1945 –Pháp bị Nhật hất cẳng). Ông cho rằng: “Tuy số tiết học rất ít ỏi nhưng cũng đủ cho người học hiểu được chữ Hán, không dùng sai, viết sai tiếng Việt và để tinh thần truyền thống qua thứ chữ ấy góp phần tạo nên cốt cách con người ”.
 
        * Trước hết nói về việc khôi phục dạy chữ Hán trong trường với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

        Rõ ràng nước ta cần một số người, càng nhiều càng tốt, nắm vững (chuyên sâu) chữ Hán, chữ Nôm để nghiên cứu và khai thác kho tàng thư tịch Hán Nôm còn lại trong nước và ngoài nước. Còn việc cho học đại trà chữ Hán trong trường lại là chuyện khác.
        Thực ra thì việc học chữ Hán trong trường thời thuộc Pháp thường chẳng đi đến đâu. Chẳng những khó mà “đủ cho người học hiểu được chữ Hán”; (-nếu có ai sau khi ra trường có thể ít nhiều sử dụng được chữ Hán thì đều là do học thêm ở nhà, ở lớp riêng,...; nhiều người thân, người quen của tôi là những dẫn chứng cụ thể); mà cũng khó để “đủ cho” “không dùng sai, viết sai tiếng Việt”. Người viết bài này từng được học chữ Hán trong trường mấy năm, xin thú thật rằng chẳng giúp gì cho việc nắm vững tiếng Việt; chẳng hạn, chẳng phải nhờ vậy mà không lẫn điểm yếu với yếu điểm, cứu cánh với cứu giúp, đính hôn với thành hôn,... như được dùng vô tội vạ hiện nay mà tác giả bài báo nói trên nhắc đến. Điều này cùng những điều khác cần cho việc viết văn, viết lách nói chung, ngoài việc tự trang bị là chính qua việc học hỏi trong sách báo và ngoài đời, phải kể đến tác dụng của việc dạy tiếng Việt, ngày trước! Ngày trước, khi gặp một từ, ngữ mới hoặc khó, nhất là từ Hán Việt, thầy giáo thường giải thích kĩ, có khi phân tích từng thành tố,... Học sinh được giảng và được hỏi về những từ đồng âm, đồng nghĩa, phản nghĩa. Trước khi giảng văn, bao giờ cùng giảng kĩ từ và ngữ. v.v... Những điều này, ngày nay -từ khi có chế độ giáo dục mới, người ta cho là “lối cũ” phanh phui chữ nghĩa kiểu ông đồ Tây. Giảng văn là giảng ý tưởng và tư tưởng, nhất là tư tưởng! Vậy đó.
        Cho nên, thay vì đưa tiếng Hán dạy trong trường, hãy có cách dạy tiếng Việt cho chu đáo. Từ sách giáo khoa, cách giảng dạy trên lớp cho đến sinh hoạt ngoại khoá. Từ điển tiếng Việt dùng cho học sinh không nên quá giản tiện. Chẳng hạn, trong một cuốn như thế đã diễn giải: yếu điểm = (điểm) quan trọng, (điểm) cốt yếu, thế thôi! Lẽ ra nên giảng kĩ một chút: “yếu” ở đây là tiếng Hán Việt có nghĩa khác với “yếu” tiếng thuần Việt vốn đồng nghĩa với “nhược” tiếng Hán Việt, v.v... Về phía người dạy, cũng cần cho học sinh biết thêm: cấu tạo từ “yếu điểm” (theo cách của tiếng TQ) khác với cấu tạo từ “điểm yếu” (theo cách của tiếng Việt); chẳng phải bao giờ việc đảo âm tiết cũng giữ nguyên nghĩa như, chẳng hạn, “thuộc Pháp” với “Pháp thuộc” (cách tạo từ khác nhau và, đúng ra, cũng có chỗ khác biệt khá tế nhị). Học sinh các thế hệ từ chúng tôi trở về trước biết ơn những người đã soạn các sách giáo khoa (các môn quốc văn, cách trí, sử kí và địa lí, luân lí, ... của các lớp Đồng ấu, Dự bị, Sơ đẳng) –các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đỗ Đình Phúc, Đỗ Thận,... Các ông soạn rất cẩn trọng. Từ ngữ chuẩn; những từ có khác biệt giữa ba miền đều có chú dẫn; giải nghĩa chu đáo. Câu cú gọn ghẽ, trong sáng. Các dấu câu rạch ròi; phân biệt ngoặc đơn trong với ngoặc đơn ngoài: [... (...)... ], ngoặc kép trong với ngoặc kép ngoài: << ... “... ”... >>  {Những chuyện này, ngày nay chúng ta chẳng để tâm, nhưng người Trung Quốc lại rất chú trọng trong những tài liệu bằng tiếng Việt của ban tiếng Việt đài phát thanh Bắc kinh trước kia}. Các chỗ viết hoa khi cần và những tên người, tên đất,... không bao giờ viết tùy tiện. Trong một bài luân lí về nghĩa tình kể chuyện “kết nghĩa vườn đào”, các ông viết (rất đúng): Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi (trong khi ngày nay người ta cứ viết: Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi, hoặc đỡ tệ hơn: Lưu Bị, Quan Vân Trường, Trương Phi!). Báo chí, những tờ nghiêm chỉnh về chữ nghĩa, Nam Phong, An Nam tạp chí, Phong Hoá, Ngày Nay, Tao Đàn, Tri Tân, Thanh Nghị, Tiếng Dân,... giúp rất nhiều cho việc trau dồi tiếng Việt; có tờ còn có mục giải nghĩa từ và ngữ tiếng Việt. Thử hỏi sách giáo khoa tiếng Việt ngày nay để lại dấu ấn gì, hiệu quả gì đến lớp lớp thế hệ học sinh? Báo chí ngày nay, kể cả báo nói và báo hình, đã giúp gì cho việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt? hay là tiếp thêm cho sự tùy tiện trong việc dùng từ, dùng dấu câu, cách diễn đạt, cả việc “Anh hoá”!
       Thời thuộc Pháp, tiếng Việt trong trường chỉ được coi là môn chính ở ba lớp đầu của cấp tiểu học, còn sau đó chỉ là môn phụ được dạy một hoặc hai tiết mỗi tuần, song các thầy giáo dạy các trường “gia đình”, trường làng (hương sư), các thầy dạy tiếng Việt-môn phụ ở các lớp mà tiếng Pháp thống lĩnh vẫn truyền được cho học sinh hiểu và yêu tiếng Việt. Ngày nay, tiếng Việt thống lĩnh mà phải ước “bao giờ cho được như ngày xưa” sao?!
         Tác giả bài “Cần khôi phục...” còn nêu gương người Nhật, người Hàn tuy đã sáng tạo ra chữ viết riêng của họ vẫn bắt buộc học sinh học một số lượng chữ Hán nhất định.
        Chúng ta cần noi gương người Nhật, người Hàn về nhiều mặt, song không phải chuyện này. Chữ Nhật, chữ Hàn hiện đại vẫn là thứ chữ “vuông” như chữ Hán; và dường như sự sáng tạo chữ viết của riêng họ cũng do ảnh hưởng từ chữ Hán. Hiện nay, trong tiếng Nhật, tiếng Hàn vẫn lẫn ít nhiều chữ Hán; trên phim truyền hình của họ thỉnh thoảng vẫn thấy. (Được biết cụ Phan Bội Châu trước đây thường dùng chữ Hán bút đàm với người Nhật). Tình hình này khiến cho việc dạy chữ Hán trong các trường của họ ít gặp trở ngại. Chữ Việt của chúng ta đã latinh hóa, rất xa lạ với các thứ chữ vuông. Chữ Hán lại khó học; học tiếng TQ hiện đại để kiếm việc, để làm ăn thì có thể nhiều người theo; còn học chữ Hán (Hán Việt) để “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” thì e rằng khó được hưởng ứng. Còn nhớ những năm hoà bình mới lập lại trên miền Bắc sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, những năm mà cảm tình của dân ta đối với TQ rất cao, rất thắm thiết, vậy mà việc học Trung văn đối với học sinh rất là gượng ép vì khó vào, so với việc học Nga văn, tuy tiếng Nga cũng khó. Năm 1958, ở trường phổ thông cấp ba Liên khu Ba, trường duy nhất của cả liên khu gồm 5 tỉnh, có học sinh đã viết lên tường nhà vệ sinh “Học tiếng Tàu ngán quá. Đả đảo Tàu văn!”. Không nói khía cạnh tư tưởng (có vấn đề?) trong chuyện này; chỉ xét khía cạnh khó hấp dẫn của việc học chữ Hán. Việc học Trung văn hiện đại khác với việc học chữ Hán, có thể nói là dễ hơn, ít rắc rối hơn về mặt ngữ nghĩa mà yêu cầu ứng dụng vào tiếng Việt ắt phải đòi hỏi.
        Biết ngoại ngữ cũng giúp thấu hiểu tiếng mẹ đẻ, nhưng phải là thật sự biết những điều cơ bản, chứ không lơ mơ. Cần khuyến khích, tiến tới bắt buộc, học sinh phải biết ít nhất là một ngoại ngữ (không nhất thiết tiếng Anh). Họ có nhiều lựa chọn; họ có thể chọn Trung văn nhưng khó mà chọn chữ Hán. Để học sinh nắm vững từ và ngữ tiếng Việt, thay vì bắt học chữ Hán, có thể giải quyết bằng cách tăng cường giải nghĩa ở những nơi, những lúc cần thiết hoặc thích hợp, trước hết là trong chương trình dạy tiếng Việt ở nhà trường.
        Tác giả bài báo khẳng định: “Nếu chúng ta kiên quyết, kiên trì đưa chữ Hán vào chương trình phổ thông, tiếng Việt của chúng ta sẽ giàu có hơn, trong sáng hơn, ít bị sai hơn”. Xin được phép hoài nghi! Giả sử sau khi học xong trung học, học sinh nắm được thấu đáo chữ Hán (khó lòng!) thì tiếng Việt cũng khó mà “trong sáng hơn, ít bị sai hơn” nếu vẫn dạy và học như lâu nay, nếu các nhà chức năng, chức trách vẫn thả lỏng hoặc buông xuôi, nếu người ta vẫn “đối xử” tùy tiện và vô trách nhiệm trên các phương tiện truyền thông đại chúng,... Còn để tiếng Việt “giàu có hơn” thì trong quá trình hội nhập thế giới cần biết tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa thế giới và Việt hoá chúng, trước hết là tiếng Anh. Nói học chữ Hán để nắm tiếng Việt thì ai cũng hiểu rằng chủ yếu là để nắm tiếng Hán Việt mà nhiều từ và ngữ đã vượt ra ngoài khuôn khổ chữ Hán rồi; điều này đòi hỏi các từ điển tiếng Việt phải diễn giải các từ ngữ Hán Việt kĩ lưỡng hơn, nhuần nhị hơn.
 
        * Bây giờ xin bàn sang chuyện chữ Hán và “cốt cách con người”.
        Theo tác giả bài báo, người học “hiểu được chữ Hán” thì “tinh thần truyền thống qua thứ chữ ấy góp phần tạo nên cốt cách con người”.
        “Tinh thần truyền thống” qua chữ Hán là sao? Là tinh thần dạy và học như của các nhà nho xưa chăng? Tinh thần ấy ở ta, nhiều nhà nho như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã nói đến rồi, cùng một dòng suy nghĩ với nhiều người Trung Quốc duy tân, như Lỗ Tấn, Lương Khải Siêu từng lên án là nguyên nhân khiến nước Tàu yếu hèn. Là tinh thần cổ học phương Đông chăng? Ngày nay, một chủ đề được ưa nói đến: văn minh phương Tây muốn “quay về phương Đông”, muốn tìm hiểu và khai thác những kho tàng về ý tưởng, tư tưởng, tâm linh xưa. Đây là cả một vấn đề lớn, đòi hỏi nghiên cứu chuyên sâu ở tầm những công trình “Đông phương học”. Mà nắm được chữ Hán một cách uyên thâm chỉ mới là một điều kiện, dù là điều kiện cốt yếu. Vậy học chữ Hán trong trường phổ thông có thể “hiểu được chữ Hán” đến đâu? đủ để cho “tinh thần truyền thống” ấy phát huy tác dụng chưa?
         “Tạo nên cốt cách con người” là sao? Có phải như ông đã khẳng định: nếu đưa được chữ Hán vào trường phổ thông “Chúng ta sẽ có được thế hệ người Việt Nam mới: hiện đại, giàu có, mạnh mẽ, nhưng cũng uyên thâm cổ học, biết cắm rễ tri thức của mình vào mạch nguồn phương Đông và dân tộc, biết sống thung dung theo đạo học phương Đông và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc” chăng?
        Hẳn là tác giả bài báo không cho rằng chữ Hán sẽ giúp tạo nên “người Việt Nam mới: hiện đại, giàu có, mạnh mẽ”, mà nhấn vào vế sau “uyên thâm cổ học,... ”. Để trở thành uyên thâm cổ học (Hán học) thì tối thiểu cũng phải theo các lớp chuyên tu như các lớp đại học Hán-Nôm và có công phu “dùi mài kinh sử”. Ngay thời còn thịnh hành học chữ Hán, cũng khó mà tạo nên được cả một “thế hệ người VN” như vậy! Còn để có thể “biết cắm rễ tri thức của mình vào mạch nguồn phương Đông và dân tộc” thì phải là chủ trương của cả một nền học; và để có thể “biết sống thung dung theo đạo học phương Đông và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc” thì không thể không kể đến cái nền văn hoá-xã hội. Ấy là chưa nói cuộc sống hiện đại có để cho “sống thung dung” được không! Ấy là chưa nói “cổ học, đạo học phương Đông” đâu chỉ trong phạm vi chữ Hán! (Cũng là chưa nói thực sự thì “cắm rễ tri thức vào nguồn mạch phương Đông và dân tộc” là sao? “Biết sống thung dung theo đạo học phương Đông” là sao? “Bản sắc văn hóa dân tộc” ra sao?)
        Hầu như chúng ta chưa làm gì nhiều, trong trường học cũng như ngoài trường học, để người Việt thấm nhuần tinh thần truyền thống Việt. Chỉ xin nêu một khía cạnh dễ nhận thấy: trong trường thì học sinh không mấy thích, không mấy hiểu lịch sử Việt Nam, nói chi văn hóa VN; ngoài xã hội thì nhiều người VN, trước hết là thanh thiếu niên, rành sử Tàu, văn hoá Tàu hơn sử Việt, văn hóa Việt (thông qua việc truyền hình VN từ trung ương đến địa phương chiếu tràn lan phim, tài liệu về du lịch, văn hoá TQ,... tuyên truyền quảng bá không công cho họ, song là “đất” để mời gọi những đối tác cần quảng cáo trong nước; thông qua việc dịch in xả láng sách báo TQ; thông qua các buổi phát thanh tiếng Việt trên đài phát thanh quốc tế TQ lôi kéo khá đông giới trẻ VN; thông qua “quyền lực mềm” họ thực thi cách này cách khác; ...). Ồ! Rõ là không biết nhìn và không có tầm nhìn! Hãy nhìn riêng điều này: hằng năm, nước ta có biết bao nhiêu là lễ hội, từ cấp dòng họ, cấp xóm thôn đến cấp quốc gia, có cả cấp quốc tế nữa nhá! Rõ là đất nước, xã hội tràn ngập không khí “truyền thống”. Hễ ai có công đức là thấm nhuần tinh thần truyền thống. Vâng! Lễ hội ở ta “xài” kha khá thì giờ, công sức, tiền bạc của người Việt chúng ta. Nhưng, lễ thế nào? hội thế nào? Tinh thần truyền thống ở đâu? (ở những “vốn cổ” được khôi phục, chẳng hạn như quì lạy xì xụp, dâng sớ, xóc quẻ bói, lên đồng, đốt vàng mã,... chăng?). Người ta đến với lễ hội để chiêm bái, tìm hiểu, suy ngẫm, bồi bổ tinh thần hay chủ yếu là để cúng bái, cầu xin, “hối lộ thần thánh” (trong đó chẳng hiếm các quan chức cấp cao và các “đại gia”)? Những người chủ trương, những người điều hành quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy những mặt tích cực của tinh thần truyền thống hay quan tâm đến “hòm công đức”, đến những “thu hoạch” từ các loại dich vụ là chính? Sau lễ hội, dân trí về tín ngưỡng truyền thống được nâng lên hay mụ mị đi theo hướng mê tín, dị đoan? Ở hầu hết các nơi lễ hội có nhiều chữ Hán trên các hoành phi, câu đối, các tấm bia, ... ; mấy ai dự lễ hội có ý tìm hiểu và hiểu được? Những người chịu trách nhiệm, đã có ai nghĩ tới việc dịch ra quốc ngữ và ghi hoặc khắc vào bảng rồi đặt nghiêm chỉnh, trang trọng vào nơi thích hợp bên cạnh; khi cần thì có diễn giảng thêm. Ngay cả những người đọc được chữ Hán, chẳng phải ai cũng thấu hiểu những ý sâu sắc mà cha ông chúng ta để lại. (Biết Trung văn thì khỏi nói. Lần nọ, chúng tôi  thăm đền Kiếp Bạc, một giáo viên Trung văn cùng đi chỉ có thể giải nghĩa ậm ừ mấy đôi câu đối).
        Xem ra tác giả bài báo kì vọng quá nhiều vào việc khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường mà cũng là giao trách nhiệm quá cao!
        Những mục tiêu ông đề ra, nền giáo dục VN hiện tại có kham nổi không (kể cả khi đã tạm để ra một bên những khía cạnh khí “siêu” trong các yêu cầu của ông), nếu không có những chuyển biến đồng bộ về điều kiện và hoàn cảnh chính trị-xã hội, cả kinh tế nữa!
______________
(*) Bài của tác giả Đoàn Lê Giang (Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP.HCM)
 

                                                                              Hải Phòng, 09-7-2010
<bài viết được chỉnh sửa lúc 17.07.2010 10:31:02 bởi Khải Nguyên HT >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9