Tai
HongYen 27.07.2005 16:43:12 (permalink)
Thứ ba, 26/7/2005, 11:20 GMT+7

Ráy tai không phải là chất bẩn

Hầu hết chúng ta đều tưởng rằng ráy tai là một chất bẩn; vì vậy nhiều người thường xuyên ngoáy tai để loại bỏ nó. Thói quen này rất nguy hại vì có thể gây viêm tai.

Cấu trúc của ống tai đi từ lỗ tai đến màng nhĩ, chiều dài khoảng 25 mm (ở người lớn) và gồm hai phần. Phía ngoài là ống tai sụn (thành ống được cấu tạo bằng sụn), dài khoảng 8-9 mm. Da phủ ở phần ống tai này dày, có lông, có các tuyến nhầy trong phần bì và các tuyến ráy trong phần tổ chức dưới da. Sản phẩm tiết ra từ các tuyến này tạo thành một chất xi màu vàng nhạt hoặc sẫm rất quánh, độ pH axit cao nên có tác dụng bảo vệ lớp biểu bì của ống tai.

Thật là sai lầm nếu xem ráy tai như một chất bẩn cần phải lấy bỏ cho tai được “sạch”! Ngược lại, ráy tai cùng với lông của phần ống tai sụn tạo nên một rào chắn hết sức hiệu quả để ngăn chặn bụi bặm và các côn trùng nhỏ, không cho đột nhập sâu vào trong ống tai!

Phía trong là ống tai xương (thành ống được cấu tạo bằng xương), dài khoảng 15-16 mm. Da phủ ở phần ống tai xương nhẵn, khô, dính rất chặt vào màng xương phía dưới nên không có lông cũng như không có các tuyến.

Nếu cần lau sạch bụi bặm tích tụ ở ống tai, khi ngoáy tai, chỉ cần giới hạn chiều sâu ở phạm vi ống tai sụn, đồng thời bảo đảm tránh mọi đụng chạm vô ý vào màng nhĩ ở sâu bên trong! Mặt khác, không nhất thiết phải lau sạch hết chất ráy tai (vì lợi ích của nó như đã nói trên). Những người có thói quen hằng ngày lau quá kỹ, chấm các thuốc sát khuẩn mạnh để ngoáy tai đã vô tình làm tổn thương lớp biểu bì của da ống tai, gây ra một dạng viêm da mạn tính ống tai, với các triệu chứng:

- Ngứa, đòi hỏi ngoáy tai thường xuyên và tạo ra cái vòng luẩn quẩn!

- Tạo ra các sản phẩm bệnh lý bất thường như: nút biểu bì (gồm nhiều lớp da đồng tâm bị bong ra rồi cuộn lại), nút ráy (gồm sản phẩm tiết của các tuyến nhày, tuyến ráy cộng thêm các yếu tố viêm kết dính lại) làm bịt kín khẩu độ của ống tai, gây điếc và ù tai, bắt buộc thầy thuốc tai - mũi - họng phải can thiệp lấy ra. Trong những trường hợp này, ngoáy tai bằng que bông chỉ làm đẩy sâu vào gây khó khăn thêm cho thầy thuốc khi phải can thiệp!

Tóm lại, chỉ nên lau tai mỗi khi có triệu chứng ngứa trong tai và trong hoàn cảnh phải tiếp xúc nhiều với môi trường bụi. Khi lau bằng que bông, chỉ giới hạn lau ở độ sâu không quá 1 cm (phần ống tai sụn) là nơi bụi bặm được tích tụ lại nhờ rào chắn của lông ống tai và các chất tiết. Mỗi khi thấy xuất hiện các triệu chứng: ngứa, rát nhiều trong tai, nghe kém bất thường, ù tai..., cần phải khám thày thuốc chuyên khoa tai - mũi - họng.

GS Phạm Kim, Sức Khỏe & Đời Sống
http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2005/07/3B9E07B0/
#1
    HongYen 16.08.2005 13:02:46 (permalink)
    15-August-2005


    Bác sĩ Nguyễn Xuân Quang


    Trong chương trình giải đáp thắc mắc y học kỳ này, bác sĩ Nguyễn Xuân Quang sẽ trả lời thắc mắc của ông Nguyễn văn Nguyên ở Bình Thuận về chứng ù tai.

    Chuyên gia phụ trách giải đáp các thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Nguyễn Xuân Quang, chuyên khoa thận và cao máu, từng làm công chức của tiểu bang California.

    Ông cho biết bị nhiều thứ bệnh như tiểu đường, mổ sống lưng, gần đây bị ù tai, nên muốn biết nguyên nhân và cách chữa trị ù tai ra sao.

    Nguyên Nhân Ù Tai

    Khoảng chứng từ 10-15% dân số Hoa Kỳ bị chứng này. Đây chỉ là dấu chứng chứ không phải là bệnh. Chia ra làm hai loại:

    1. Ù tai chủ quan (subjective tinnitus).

    Chỉ một mình người bệnh nghe thấy, không liên hệ với bất cứ một nguồn âm thanh nào bên ngoài tai.

    2. Ù tai khách quan.

    Ù tai khách quan (objective tinnitus) (do tiếng động mà người khác có thể nghe thấy). Chứng này hiếm thấy.

    Nguyên Nhân Chính

    1. Ù tai chủ quan (subjective tinnitus)

    -nguyên nhân thường thấy nhất là liên hệ với điếc tai, do thần kinh-cảm giác gây ra.
    -bị nhiễm trùng tai hay do ráy tai.
    -nhiều loại thuốc có thể gây ra ù tai, có tiếng kêu trong tai: aspirin và các loại thuốc họ hàng với thuốc này (NSAIDS). Trong trường hợp của ông, ông đã uống nhiều thuốc trị đau nhức trong đó có Naprosyn thuộc nhóm thuốc vừa kể. Những thuốc này có thể gây ra ù tai. Ông phải bỏ uống ngay các thứ thuốc này. Các lọai thuốc khác như thuốc lợi tiểu (diuretics) như ethacrylic acid, furosamide, trụ sinh loại aminoglycoside và quinine, kim loại platinum cũng có thể gây ra ù tai.
    -hội chứng Ménière syndrome.
    Hội chứng này gồm có ù tai, chóng mặt, lãng tai kéo dài hàng giờ rồi hết. Đây là một bệnh tai, ù tai chỉ là một triệu chứng.
    -hiếm thấy hơn là các bướu vùng cầu não-tiểu não, bướu ở tai trong. Loại ù tai này thường chỉ thấy một bên tai. Loại ù tai một bên và có tiếng tim-mạch đập đi kèm với chóng mặt, phải loại các lọai bướu mạch máu ra.

    2.Ù tai khách quan (objective tinnitus) (do tiếng động mà người khác có thể nghe thấy).

    Chứng này hiếm thấy nhưng dễ định ra bệnh hơn.
    -ù tai có nghe tiếng tim mạch đập
    thường liên hệ với sự lưu thông của mạch máu: bình thường hay do sự chạy lạc hay bất thường của các nhánh hay của chính động mạch chủ. Các nguyên nhân gồm có: cao áp huyết trong óc, thiếu máu, tuyến giáp trạng tăng hoạt, bướu mạch máu nằm gần tai.
    -ù tai nghe lích kích
    do khớp hàm và bắp thịt cổ gây ra.

    -Phương Pháp Chữa Trị

    Dĩ nhiên trị liệu tùy theo nguyên nhân.
    -cần phải đo tai để tìm rõ nguyên nhân.
    -thử máu để loại ra bệnh giang mai, xem chức vụ hoạt động của tuyến giáp trạng. Đối với các lọai ù tai có tiếng tim mạch đập cần làm MR (magnetic resonance), angiogram và MRI cũng có thể dùng để tìm bướu.
    1. chữa trị bằng y dược và tâm thầm.
    . Kích thích điện.
    .Biofeedback.
    .Thư dãn, thiền định.
    .Dược liệu
    thuốc an thần.
    .Các Phươnng tiện che lấp tiếng ù tai (tinnitus maskers).
    Giống như các loại máy trợ thính (hearing aids) nhưng tạo ra các âm thanh êm dịu thoải mái, ưa chuộng để lấp tiếng ù tai khó chịu đi.
    . Máy trợ thính (hearing aids).
    Vì ù tai thường liên hệ với điếc tai nên các máy trợ thính có thể giúp chữa được ù tai khoảng 50 %.
    .Bạch quả
    chưa rõ kết quả vững chắc, dựa trên yếu tố là bạch quả làm gia tăng lưu lượng máu trong óc và tai; phải uống lâu dài tới 12 tuần lễ mới biết kết quả, vì bạch quả có tác dụng lên sự ngưng tập của các phiến bào (platelet aggregation) nên phải thử sự cầm máu (bleeding time) thường xuyên để theo dõi biến chứng.
    .Niacin
    kết quả thay đổi.
    .Châm cứu
    thường có yếu tố tâm lý can dự vào.
    2. chữa trị giải phẫu
    để chữa các bướu, Ménière syndrome và chứng sơ cứng các xương tai trong.

    Kết luận

    -trường hợp của ông, nguyên nhân cần để ý nhất là có thể do các loại thuốc đau nhức hay trụ sinh gây ra. Ông nên ngưng ngay các lọai thuốc này. Chúc ông may mắn.

    Xin cảm ơn bác sĩ Nguyễn Xuân Quang. Chúng tôi cũng cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

    Chúng tôi vẫn tiếp nhận các thắc mắc khác của quý vị về vấn đề sức khỏe và y học thường thức. Xin quý vị sử dụng đường dây điện thoại miễn phí gọi cho chúng tôi.

    Quý vị có thể liên lạc với Tổng Đài quốc tế ở số 110, xin gọi collect qua Mỹ cho Nguyễn Minh Phuợng ở số 202-619-1973 vào các ngày thứ ba và thứ năm mỗi tuần từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa và sẽ loan báo ngày giờ và đề mục giải đáp để quý vị tiện theo dõi.

    http://www.voanews.com/vietnamese/2005-08-15-voa41.cfm[image][/image]
    #2
      HongYen 05.09.2005 12:47:38 (permalink)
      Chủ nhật, 4/9/2005, 08:00 GMT+7



      Chuyện lý thú về ráy tai

      Ráy tai được xem là vệ sĩ của cơ thể con người, có tác dụng chống nhiễm khuẩn, ngăn bụi bẩn, côn trùng, giúp tai không bị "sốc" vì các âm thanh quá lớn và thậm chí được dùng làm thuốc chữa bệnh. Ráy tai còn có thể tiết lộ việc chủ nhân của nó có bị... hôi nách hay không.

      Ráy tai thường bị buộc tội là "đồ rác rưởi", chỉ cản trở âm thanh và gây nên ngứa ngáy, khó chịu. Vì vậy, ngay cả khi không có trong tay những “đồ nghề chuyên nghiệp”, nhiều người vẫn dùng cả móng tay, que diêm, cặp tóc, tăm xỉa răng... để loại trừ cho hết ráy tai. Không hiếm người còn xem chuyện lấy ráy tai như một thú tiêu khiển, cứ vài ngày lại đến hiệu cắt tóc lấy ráy tai để “thư giãn”...

      Ráy tai nằm ở ống tai ngoài, do một loại chất nhờn tựa như mồ hôi tiết ra từ những tuyến hạch nhỏ (tuyến ráy tai) trộn lẫn với những tế bào chết rơi ra trong lỗ tai mà thành. Nó chẳng phải thứ vô dụng như nhiều người nghĩ. Những hạt bụi bẩn trong không khí và côn trùng nhỏ nếu chẳng may bay vào lỗ tai thì chất nhờn ngăn chặn lại, không cho chúng đi sâu vào bên trong, tránh gây tổn hại đối với cơ quan thính giác. Một số côn trùng nhỏ đôi khi bị “lạc đường” chui vào lỗ tai, nhấm phải vị đắng của ráy tai sẽ lập tức bò ra ngoài.

      Bản thân ráy tai không phải là một môi trường mà vi khuẩn có thể sinh sống. Hơn thế nữa, nó còn là chất sát trùng. Vi khuẩn chẳng may lọt vào trong lỗ tai, đụng phải thứ “thuốc sát trùng” này sẽ bị chết, vì vậy tai mới đỡ bị nhiễm khuẩn.

      Ngoài ra, như mọi người đều biết, con người có thể nghe được âm thanh là nhờ dao động của trống tai (màng nhĩ), nằm ở độ sâu khoảng 25 mm, âm thanh trước khi tới màng nhĩ phải đi qua ống tai ngoài. Tại đây, ráy tai có “nhiệm vụ” làm giảm bớt cường độ của các sóng âm, tránh cho màng nhĩ bị kích thích quá mạnh. Nhờ vậy, khi có những âm thanh quá mạnh như tiếng sấm, tiếng động cơ máy bay, màng nhĩ mới khỏi bị tổn hại.

      Bình thường, trong những lúc chúng ta há miệng, lắc đầu, chạy nhảy, nói chuyện, ca hát, ráy tai sẽ tự “nhảy ra ngoài”. Cho nên, nếu để ý một chút ta sẽ thấy trong vành tai thường có những mảnh ráy tai nho nhỏ rơi ra. Một nhà sinh lý học người Mỹ đã làm thí nghiệm lý thú: Ông đã bôi một thứ thuốc nhuộm không độc hại vào lỗ tai của 60 người tình nguyện, tiến hành chụp ảnh để quan sát. Sau một thời gian, chất thuốc nhuộm dần dần bị tống hết ra ngoài cùng với ráy tai. Cho nên, nếu cơ thể khỏe mạnh và môi trường không ô nhiễm nặng thì không cần lấy ráy tai thường xuyên. Như ta thấy, các con vật chẳng bao giờ phải lấy ráy tai, mà tai chúng vẫn nghe rất thính!

      Tuy nhiên, không hiếm các trường hợp (tai bị bẩn, bị viêm nhiễm, tuyến ráy tai bài tiết quá mạnh, cấu tạo ống tai ngoài quá hẹp) ráy tai tích lại quá nhiều. Khi đó, nên nhỏ vài giọt glyxerin cho ráy mềm ra, rồi nhờ một người “có tay nghề” lấy ra cả khối. Có một số trường hợp ráy tai tích lại nhiều, khi gội đầu hoặc tắm để nước lọt vào làm ráy nở ra, có thể gây nên ho phản xạ, ù tai, nhức đầu, chóng mặt hoặc viêm tai; khi đó cần phải đến bệnh viện để chữa. Có những trường hợp ráy tai quá rắn, lấy ra rất đau, thầy thuốc phải bơm thuốc tê vào ống tai ngoài, rồi mới từ từ lấy ra được.

      Nếu chú ý một chút, ta có thể thấy: một số người có tai rất khô, rất sạch, thơm tho; còn một số người khác thì lỗ tai luôn luôn ươn ướt, thậm chí còn bốc ra thứ mùi “là lạ”. Y học gọi trường hợp đầu là “ráy tai khô”, trường hợp sau là “ráy tai ẩm”. Xét về mặt giải phẫu sinh lý, tuyến ráy tai và tuyến nách thuộc cùng một loại - đều là những “tuyến mồ hôi lớn” trong cơ thể. Nếu trong mồ hôi có nhiều chất béo và chất đạm, khi phân giải sẽ phát ra một thứ mùi hôi đặc biệt (mùi hôi nách). Số liệu thống kê cho thấy, trong số những người có “ráy tai ẩm”, khoảng 93% đồng thời bị mắc chứng hôi nách. Cho nên, chỉ cần quan sát kỹ lỗ tai cũng có thể biết gần như chính xác một người có bị chứng hôi nách hay không. Số liệu thống kê y học còn cho thấy, đa số người châu Âu và châu Phi có ráy tai ẩm; trong khi đó đa số người châu Á có ráy tai khô (90-96%).

      Các nghiên cứu còn phát hiện thấy, tế bào tuyến sữa ở phụ nữ và tế bào tuyến ráy tai ở trẻ sơ sinh cũng thuộc cùng một loại. Và điều đặc biệt có ý nghĩa là: nếu như hài nhi có ráy tai ít và mềm thì người mẹ lại có quá nhiều sữa. Khi đó, tuyến sữa của người mẹ hoạt động quá mạnh và nguy cơ bị mắc ung thư vú cũng sẽ tăng lên. Như vậy, ráy tai còn có thể sử dụng như một phương pháp đơn giản để chẩn đoán và dự phòng bệnh tật.

      Trong Đông y, từ xưa ráy tai còn được sử dụng để chữa bệnh. Sách Nhật Hoa Tử chư gia bản thảo (thế kỷ thứ 10) viết, ráy tai có thể chữa chứng điên cuồng và tật nghiện rượu. Sách Thính kiến lục cũng nói về việc sử dụng ráy tai để chữa chứng sâu quảng, thuật lại chuyện một người ăn mày đã lấy ráy tai đắp lên vết thương ở chân, sáng hôm sau tỉnh dậy thấy vết thương đã hết mưng mủ, có thể đi lại như cũ.

      Sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân (bộ bách khoa toàn thư về dược học phương Đông) viết: "Ráy tai có thể dùng để trừ côn trùng, rắn rết. Lý Thời Trân lý giải: tai là khiếu của thận, thận khí nhập vào tai, nếu thông thì tai không có ráy, không thông thì ráy tai lấp kín lỗ tai. Trong Nho môn sự thân, danh y Trương Tòng Chính viết: Muốn trị bệnh “phá thương phong”, lấy ráy tai, móng tay đã cạo vụn trộn với nước bọt của bệnh nhân, bôi vào chỗ vết thương, lập tức kiến hiệu, nếu trên da không có vết loét thì rất khó sử dụng cách này. “Phá thương phong” là chứng bệnh do da thịt bị tổn thương nhiễm trùng gây nên, với các triệu chứng mặt môi xanh tái, nhăn nhó, cơ thịt co giật từng cơn, khó thở...

      Còn sách Phổ tế phương có chép lại phương thuốc chữa trẻ khóc dạ đề (khóc đêm) như sau: Dùng ráy tai người 5 phân, thạch liên tâm, nhân sâm mỗi thứ 5 tiền, nhũ hương 2 phân, đan sa 1 phân, dùng 5 phân bạc hà sắc lên để chiêu thuốc.

      Như vậy, có thể thấy ráy tai không những chẳng phải thứ bỏ đi, mà còn là một thứ rất đáng tìm hiểu và nghiên cứu một cách nghiêm túc.

      (Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

      http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2005/09/3B9E109E/
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9