Mối Tình Màu Hoa Đào - Nguyễn Mạnh Côn
Thanh Vân 16.11.2010 17:58:40 (permalink)

Mối Tình Màu Hoa Đào
1.
Truyện chàng thanh niên đi tìm lý tưởng, say mê như tìm một người yêu quàng khăn màu hoa đào. Chàng đi tìm màu hoa đào trên mọi người và trên mọi cảnh. Thất vọng ngoài kháng chiến, chàng về vùng quốc gia, để rời đơn vị của người Pháp. Công việc tìm kiếm vẫn tiếp tục.
Bây giờ, Chàng đã vào Nam, gặp những người bạn trẻ, nhắc lại chuyện “lên đường”.
NGƯỜI BẠN TRẺ: Hôm nay đến hẹn, chúng tôi xin tiễn anh lên đường.
CHÀNG: Lên đường?
N.B.T: Vâng, lên đường! Anh có vẻ ngạc nhiên, anh quên rồi hay sao?
CHÀNG: Không, tôi không quên. Nhưng nói cho thật thì tôi không nhớ. Không phải tôi ngụy biện đâu – ánh mắt của các anh cười đủ nói với tôi nhiều lắm – tôi chỉ muốn tỏ bày sự thật rằng tôi chưa quên hẳn, nghĩa là còn muốn giữ ý đó trong tâm hồn: nhưng quả thật tôi không còn như trước, như hồi mới gặp các anh khi toàn thân tôi như một dây cung căng thẳng, lúc nào cũng sẵn sàng để phóng đi những mũi tên tìm kiếm.
N.B.T: Vậy có thể cho rằng anh không quên, nhưng không nhớ đến luôn. Anh bận kiếm sống, lo lắng cho gia đình. Khi nào nghèo, anh bận tính toán và oán hận; khi nào giầu anh bận tiêu tiền, tiêu tiền thế nào cho hợp với con người kiêu hãnh của anh.
N.B.T: Hoặc giả anh bạn sửa soạn cho anh một thái độ … một thái độ không giả dối nhưng thỏa mãn được sự cần thiết che đậy sự dằn vặt tâm hồn của anh bởi rất nhiều, quá nhiều mặc cảm phạm tội.
CHÀNG: Tôi thì không thấy tôi có tội gì. Ngoài một vài lỗi tầm thường mà con người nào cũng tự tha thứ cho nó bằng sự quên lãng, tôi không nhớ tôi có lần nào vi phạm luật lệ của xã hội hay của lương tri. Tôi tin chắc là không có gì muốn giấu…
N.B.T: Không phải thế. Tôi không muốn nói anh có tội gì muốn giấu. Tôi biết chắc đã từ lâu, anh cố giữ một nếp sống hoàn toàn chân thật. Sự cố gắng của anh đập vào mắt chúng tôi như một tia sáng chói lọi. Chúng tôi kính phục anh về phương diện xã hội. Nhưng chúng tôi muốn biết tại sao anh lại phải cố gắng như thế, sau khi anh chứng tỏ được lời khen, chê, của thế nhân không bao giờ làm bận lòng những người có gan tìm kiếm?
CHÀNG: Có thể tôi vẫn còn e ngại những lời đàm tiếu … hay tôi lười không muốn kháng cự, nên vô tình phải dùng đến chiến thuật “mở cửa thành” để khỏi có gì phải bảo vệ?
N.B.T: Anh giải thích sâu sắc và hợp lý. Nhưng không đúng với anh. Anh quên anh có thằng người kiêu hãnh vô cùng trong nội tâm… Không! Không đúng! Anh không phải là con người đầu hàng. Anh là con người chống đối, chống đối thường trực, vì tìm kiếm thường trực. Thái độ chân thật của anh phải được coi là một chiến thuật, một kỹ thuật đơn phương tạm ngưng cuộc tranh đấu. Để làm gì? – Để được tiếp tục yên ổn cuộc tìm kiếm. Hoặc để bảo vệ cái lương tri có tinh thần trách nhiệm của anh: anh tự coi như có sứ mạng mở đường cho thế hệ đi sau, nhưng anh không tìm thấy con đường nào thật, đúng, cho nên anh chấp nhận một thái độ khó khăn – khó khăn đối với thế nhân – để làm ra vẻ “đã tìm và đã thấy”. Lẽ cố nhiên tất cả những điều tôi vừa nói chỉ thuộc vào loại phản ứng “chìm”, phản ứng riêng trong vô thức của anh.
CHÀNG: Anh nói đúng. Tôi xin nhận trong tôi vẫn còn sống cái chí hướng đi tìm màu hoa đào trên chiếc khăn xưa cũ. Nhưng tôi đã nhiều tuổi rồi, sự tìm kiếm không còn bao nhiêu hy vọng. Tôi sợ bị chê cười là đã qua giai đoạn nghi ngờ mà vẫn còn đi tìm ảo ảnh. Tôi không còn cái can đảm bất chấp lời phê phán của thế nhân, khi lời phê phán ấy có phần nào có lý. Bởi vậy tôi phải làm ra vẻ con người đã “tới”: tôi sướng thỏa với những gì đã có, tôi chân thật và tin tưởng vào đời sống. Tôi biết chắc thái độ này, trong vòng mười năm, hai mươi năm, sẽ biến tôi thành một hiền giả hay triết nhân gì đó. Đó có thể là mục đích phần lớn loài người. Nhưng riêng tôi, tôi nhận với các anh, tôi chưa tìm thấy màu hoa đào ở bất cứ nơi đâu…
N.B.T: Chúng tôi nghĩ rằng chẳng bao giờ anh tìm thấy. Chúng tôi nghi ngờ sự hiện hữu của màu hoa tươi đẹp ấy của anh.
CHÀNG: Các anh nghi ngờ là các anh phạm tội. Nhưng các anh đáng được giảm khinh, vì các anh lớn lên trong miền Nam nắng cháy. Màu hoa đào, dù có thật dưới mặt trời nhiệt đới, cũng không có vẻ đẹp say đắm hồn người như ở ngoài miền Bắc.
N.B.T: Như thế có nghĩa là màu hoa đào chia cắt Bắc Nam? Chúng tôi rất tiếc là anh đã nhầm. Vì hoa đào không thiếu gì trên cao nguyên Trung Việt. Anh cũng nhầm vì hoa đào còn nhiều giống, loại khác nhau, ở Đông Kinh, ở Ba Lê. Màu hoa đào, nếu anh muốn, chúng tôi có thể pha bằng bột sơn trên giấy vẽ, pha đến bao giờ anh nhận rằng thật đúng mới thôi.
N.B.T: Anh đừng cãi. Chúng tôi sẵn sàng giảm khinh lại cho ạnh Anh lớn lên trong tù ngục tinh thần; chúng tôi không trải qua, nhưng cũng đoán thấy các anh – anh cũng như các anh khác – bị bao vây quá chặt Các anh bị bắt buộc phải lựa chọn, một bên là tất cả, một bên là chẳng có gì. Các anh có thể đã có lúc hướng về phần hưởng thụ: các anh sẽ không phải có một quyết định nào to tát vì có nhiều người, tài giỏi hơn, đã lựa chọn nhiều lần. Nhưng các anh đã chống đối. Các anh đã có công lao từ khi chống đối. Sự chống đối ấy khó khăn. Chúng tôi hiểu tại sao anh cần đến một sắc đẹp, một màu hoa, để giữ trọn được thủy chung trong thái độ.
CHÀNG: Anh nói thế, có nghĩa rằng màu hoa đào của tôi chỉ là màu bịa đặt. Rằng người con gái đẹp, người con gái tôi yêu tha thiết, mà tôi trở về tìm ở ngôi nhà bỏ không đường Quan Thánh, người con gái mà tôi đã vượt qua bao nhiêu phòng tuyến để lại gặp một lần … cả người con gái ấy cũng bịa đặt hay sao?
N.B.T: Tôi không biết những sự thật của thời quá khứ. Quá khứ chỉ là nhiều đốt ngắn trên con sông dài thời gian. Thời gian tự nó chỉ bao hàm một ý nghĩa hoàn toàn chủ quan trong một nỗi mường tượng của mỗi người về cuộc đời của chính mình (Anh thử xóa vết tích của mình anh đi, xem thời gian có còn là gì nữa hay không?) Tôi nghĩ thế nên không tin vào những xự kiện như những đơn danh tuyệt đối. Sự kiện chỉ có giá trị khi được dung làm yếu tố cho lý luận. Anh có thể đã yêu, người yêu của anh có thật trăm phần trăm. Nhưng anh, anh đã từ chối hưởng thụ, từ chối xây dựng gia đình và hạnh phúc như thế nhân, thì sự lỡ dở, sự tìm kiếm, và cả người , cả tình yêu của anh, chỉ còn giá trị của biểu tượng. Anh cho phép tôi một lời sống sượng: anh bám lấy một con người, một sắc đẹp hay một mối tình, vì anh rất sợ… Anh sợ không còn gì, anh sợ sự rỗng không, mà không ai dám nhận với ai điều ấy. Chúng tôi rất kính phục anh có tài xây dựng những tòa lâu đài “thái độ” huy hoàng trên bãi cát: cát cuốn theo bãi thủy triều rồi, nhưng lâu đài của các anh còn đó? Các anh đã lừa dối chúng tôi! Các anh đã lừa dối chúng tôi bằng những thái độ quả quyết mà không có một phân, một ly nào cơ sở vững vàng bằng tư tưởng ….
N.B.T: Anh, xin anh đừng giận! Người bạn tôi vô lễ với anh chỉ vì tha thiết quá đấy thôi. Vì sự thật, trong đáy tâm hồn, chúng tôi vẫn bấu víu lấy các anh, bấu víu vào quá khứ để sống. Vì sự thật là chúng tôi oán hận các anh, nhưng không phải tại các anh lừa dối – sự lừa dối đã trở thành vô nghĩa khi chúng tôi đã biết nó từ ngày mới lớn – mà chính các anh nhẫn tâm trên con đường tìm kiếm lột trần hết mọi điều hoặc đã làm nên niềm vui sống, hoặc đã làm nên chất si mê của tuổi trẻ các anh. Các anh không tôn trọng luật bù trừ trong khi chiến đấu, như ông cha, tổ tiên chúng ta biết giữ kín, trong mỗi cá nhân, những kinh nghiệm đớn đau của tuổi trẻ của các người. Các anh thiếu kinh nghiệm trước sự sống mông mênh, sâu thẳm. Các anh đã kiêu ngạo như những người da trắng phương Tây. Các anh tưởng là sẽ theo đuổi được cái bóng của chính các anh. Các anh đã kể lại và bắt chúng ta ngồi nghe, về cuộc săn bắn quái gở đó . Các anh tàn nhẫn quá: các anh phá hoại tuổi trẻ của chúng tôi tấ cả những dữ kiện có thể tạo thành một ảo vọng.
CHÀNG: Đừng nóng nẩy! Tất cả mọi giận hờn đều vô ích. Các anh nghĩ về mình, tự thấy thiệt thòi, nên quy oán cho chúng tôi. Các anh nuối tiếc một trạng thái đã qua của đời sống, nên không nhận thấy chính chúng tôi cũng chỉ là nạn nhân bị lôi cuốn bởi thời thế. Các anh quên rằng chính chúng anh nói chúng tôi bị bao vây, bị bắt buộc phải chọn lựa, trung thành với bổn phận đối với các anh, trong giai đoạn trưởng thành … Chúng tôi đã cố gắng để tiến. Vì không tiến tất bị đào thải bởi sự tiến bộ của chính các anh. Các anh thử nghĩ xem có thể tha thứ cho chúng tôi không, nếu giữa thời đại của Freud, Sagan, Mao Trạch Đông… chúng tôi không mở cửa cho các anh đi vào thế giới mới của tư tưởng?
N.B.T: Xin lỗi! Chúng tôi tự tìm lấy , tự khám phá những bí ẩn của cuộc sống của chính chúng tôi và chỉ của riêng chúng tôi mà thôi. Chúng tôi không chấp nhận sự kể công của những quân cờ thụ động của cuộc giao tranh giữa chúng tôi và thế cuôc. Sự thật nếu có phần cay đắng thì vẫn là sự thật. Các anh bị chúng tôi bỏ rơi xa quá. Sự cách biệt vô cùng giữa những người cố giữ và những người cố phá: chúng tôi phá những gông xiềng tinh thần các anh muốn bắt chúng tôi van vái. Sự cách biệt vô cùng giữa những người cố tin vào những điều mà họ nghi ngờ trước hết, và những người can trường, chỉ thèm biết đến hiện hữu mà thôi. Sự cách biệt vô cùng nên các anh không hiểu. Tôi nói “các anh” ở đây là gồm cả những người chịu thỏa mãn nửa chừng và cả những người như anh còn tiếp tục tìm kiếm. Các anh không thể hiểu chúng tôi đã tiến xa đến mức có thể có người tự xé nát ra để khinh bỉ những mảnh tâm hồn bẩn thỉu của họ. Có những người khác rời bỏ cả một gia đình, có đủ tiền tài danh vọng, để dấn thân vào bùn nhơ, để đầy ải hay đùa cợt bằng cái thể xác năm chục, sáu chục ký lô mà hai đấng sinh thành đã tạo nên trong cơn dâm dục (Anh thử nghĩ: một người bạn tôi đã tả được kéo dài suốt 15 phút, những vẻ mặt do những khoái cảm của cha mẹ hắn tạo thành, ngay trong đêm đào tạo ra hình hài của hắn) Các anh không thể hiểu…
CHÀNG: Có! Chúng tôi hiểu. Tôi hiểu.
N.B.T: Vô lý!
CHÀNG: Theo Freud, đứa con trai có thể thèm muốn cả người đàn bà đẻ ra nó.
N.B.T: Vô lý!
CHÀNG: Tại nhiều bộ lạc miền núi, ở những nơi hiếm đàn bà ở miền Bắc Ấn-độ và miền Tây Trung-hoa, người đàn ông chết sớm để vợ lại cho đứa con trai lớn. Điều quan hệ đối với con người ở những nơi đó là giữ lấy giống nòi đang tàn tụi. Cứu cánh quá nặng làm cho phương tiện trở thành quá nhẹ. Tôi nói tôi hiểu vì tôi đã trải qua những chai đá tương tự.
N.B.T: Anh trải qua! Vậy là tất cả những lỗi lầm của tuổi trẻ hôm nay anh cho là tốt cả hay sao?
CHÀNG: Tôi không có ý nghĩ như thế. Tôi chỉ muốn nói rằng một phần nào tuổi trẻ đã đặt sai phương trình tâm lý. Thế hệ nào cũng có những người tốt, những người xấu; và thế hệ nào; dù vùng vẫy đến đâu, rồi cũng phải đầu hàng cái nếp sống xã hội vốn dĩ là thói quen được chọn lựa từ năm nghìn năm về trước. Sự nổi loạn, tưởng như là của riêng của các anh, thật ra đã có trong chúng tôi. Nhưng thời gian chiến tranh quá dài đã gây nên trạng thái đứt lìa về tâm lý. Rất nhiều người trong chúng tôi quên hẳn những gì họ đã làm thời niên thiếu. Nhiều người khác có nhớ nhưng man trá, và lợi dụng danh nghĩa chính trị, họ che lấp cái quá khứ có khả năng di hại cho sự nghiệp của họ. Kết quả là một số người sẵn sàng kết án tuổi trẻ chỉ gồm những quái thai ghê gớm, để đòi hỏi một sự thức tỉnh – một công cuộc tự hối như người ta nói – để phục vụ dân tộc. Mặc dù tuổi trẻ của họ, nghĩa là của chúng tôi, chưa lần nào bị bất cứ ai đặt vấn đề đoàn kết hay hy sinh, tuy chúng tôi đã ngoãi hai mươi tuổi.
N.B.T: Anh nói thế, tại sao có những người, có rất nhiều người chiến đấu?
CHÀNG: Vì những người đó,như anh nói lúc đầu, bị bắt buộc phải chọn lựa. Một bên là nô lệ, một bên là tự do, tự do với chiến đấu.
N.B.T: Anh! Anh chấp nhận điều đó? Anh chấp nhận rằng năm sáu năm oai hùng của tuổi trẻ của anh chỉ là kết quả của một sự bị bắt buộc phải chọn lựa? Anh, anh hay coi chừng, chúng tôi không muốn quật ngã anh đau quá… Vậy tôi nhắc lại, anh bị bắt buộc phải chọn lựa hay tự ý anh chọn lựa? Tôi nhắc lại lần thứ hai rõ hơn: quá trình kháng chiến của anh sẽ mất đi rất nhiều phần giá trị nếu các anh bị bắt buộc phải tham dự.
CHÀNG: Cám ơn anh. Tôi yêu mến cái thái độ quân tử và khôn ngoan của các anh. Tôi không quên một phần lớn danh dự kháng chiến của chúng tôi được đặt vào tính chất tự nguyện của những người đứng trong hàng ngũ. Tôi không phải không biết chúng tôi sẽ bị lấy lại cái phần vinh dự đó nếu chúng tôi chỉ là những chiến sĩ bị động viên, bị trưng dụng. Tôi không phải không biết sự thành thật của tôi sẽ có một hậu quả tai họa hơn: nó phá vỡ mảnh thần tượng còn lại trong tâm hồn các anh.
N.B.T: Đúng thế. Khi sự bịp bợm láo khoét trở nên tinh vi như một nghệ thuật, chúng tôi không được phép trở nên tin tưởng ở bất cứ sự việc nào, với mục đích nói rằng cao quý. Chúng tôi chỉ có thể tìm trong quá khứ, quá khứ để gần gụi để chúng tôi cảm thấy được sự thật còn nóng hổi, nhưng quá khứ đủ xa để chúng xác nghiệm được tính chất không vụ lợi của những người trong cuộc. Quá khứ đối với chúng tôi, đó chính là cuộc kháng chiến hoàn toàn vì tự do, vì dân tộc của các anh. Bất chấp những mặc cảm nó chia rẽ chúng ta, bất chấp sự ganh đua giữa những đối tượng đã hiển hiện một cách cụ thể cho niềm tin tưởng của chúng tôi vào tính chất có thể gọi là cao thượng của đời sống. Chúng tôi đọc sách và nghe kể lại, lúc nào cũng thấy cuộc kháng chiến đã do chính các anh chấp nhận. Các anh vì thế mà trở thành thần tượng của chúng tôi, hay hơn thế nữa, các anh trở thành một thứ thành lũy thiêng liêng nó ngăn cản không cho chúng tôi tự buông mình xuống vực thẳm. Thế mà… thế mà anh tàn nhẫn quá. Anh đập cho bể nốt nơi bấu ví sau cùng của tuổi trẻ….

#1
    Thanh Vân 16.11.2010 18:03:21 (permalink)
    giới thiệu đêm nghe tiếng đại bác

    Đây là tác phẩm văn xuôi đầu tiên được in của Nhã Ca. Nhưng ngay từ khi cuốn sách này chưa ra đời, Nhã Ca đã có một chỗ đứng trong khu vực văn nghệ, không những nhờ cuốn thơ được xuất bản năm ngoái, mà còn nhờ những truyện ngắn, truyện dài, kịch in trên các báo của Nhã. Đó chắc chắn là một điều có lợi – lợi cho nhà xuất bản trước hết – nhưng cũng là một điều có hại.
    Sau khi đọc ít nhiều tác phẩm rời rạc ấy, tôi và những bạn đọc có cùng một nhận xét với tôi, đã có một ấn tượng về văn chương của Nhã. Nhã viết rất lưu loát, có con mắt quan sát rất tinh tế, sự phân tích tâm lý bao giờ cũng thông minh, phồn thịnh, nhưng hầu hết các nhân vật đều mới lạ ở trên mức trung bình. Đọc Nhã Ca phải cố gắng để theo kịp nhân vật, để hiểu ý tác giả.
    Giữa cái “thế sự bồng bềnh” trên đất nước ta hiện nay, tôi có cảm tưởng đa số độc giả đã bắt đầu sợ phải mệt mỏi thêm vào cái mệt mỏi mà bất cứ ai cũng phải chịu đựng hàng ngày. Giới trí thức trung lưu tìm đọc truyện võ hiệp nhiều hơn để giải trí. Các bạn trẻ muốn đi ngược dần lại con đường mà tuổi trẻ cách đây năm năm còn hăng hái vượt lên: họ tìm đọc những tác phẩm giản dị hơn, gần hơn với sự thật.
    Tôi coi đó là một triệu chứng tốt. Bởi vì ở vị trí người viết, tôi vẫn nghĩ rằng nghệ thuật cao nhất, khó thể hiện nhất, là nghệ thuật gần gụi nhất với đời sống, đời sống bình thường của lớp người bình thường. Còn ở ví trí người đọc, tôi khao khát từ lâu một tác phẩm thật đơn sơ mà đầy tràn thơ mộng: một tác phẩm diễn tả thành công niềm hạnh phúc, hay nỗi thống khổ hết sức quen thuộc, vì nó xẩy ra luôn luôn, nhưng lại hết sức đằm thắm hay thê lương, vì nó có thể đến với bất cứ người nào đang đọc sách. Không biết Flaubert hay Maupassant đã bắt một môn đồ văn nghệ phải tả ngọn lửa trong lò sưởi thế nào cho nó không giống bất cứ một ngọn lửa nào trong một lò sưởi khác.
    Tôi nghĩ Nhã Ca vừa mới làm xong việc đó. Đêm Nghe Tiếng Đại Bác không giống bất cứ một tác phẩm nào nói về chiến tranh. Tác phẩm này- và đây là điều mà riêng tôi cho là quan trọng- không giống bất cứ một tác phẩm nào trước của Nhã Ca, nếu không kể một vài đoản tác mới đăng trên các báo Văn hay Nghệ Thuật…
    Đêm Nghe Tiếng Đại Bác trong như một chén nước mưa mà trung thực như một tấm gương soi thuận chiều ánh sáng. Điều chắc chắn sẽ làm cho bạn đọc vui lòng nhất, là câu chuyện xẩy ra trong một gia đình trăm phần trăm vừa phải. Người nghèo quá còn bận kiếm ăn, không có thì giờ cho tình cảm. Nhà văn viết về nhà nghèo hay tăng cái khổ của họ để làm ra vẻ ta đây có tinh thần xã hội. Tôi không ưa những người đến uống nước hàng ngày ở La Pagode xong lúc về cầm bút lại khăng khăng muốn tả cảnh khốn cùng, để bắt độc giả phải nhiều ít suy tư về một cuộc cách mạng lý tưởng. Thật là hiếm có, những nghệ sĩ dám trung thành với hoàn cảnh và tâm sự của chính họ. Một trong những nguyên nhân của sự kiện này là viết như thế rất khó: Một chi tiết hơi sai cũng bị “cả làng” để ý. Và một nguyên nhân nữa là viết như thế có bao hàm sự xác nhận rằng tác giả không có những bận tâm cao siêu về triết học. Tác giả viết về những người trung bình sẽ bị coi như chính hắn đã là một phần tử trung bình, không chứa đựng những ý kiến lạ lùng mà người ta tưởng chỉ có trong những thiên tài đặc biệt.
    Vậy gia đình của nhân vật xưng tôi trong tác phẩm của Nhã Ca có thể là một gia đình nào đó ở khu Phú Thọ, hay Bàn Cờ, hay Phú Nhuận. Ông bố đi làm, người con cả đi lính, bà mẹ ở nhà trông nom cơm nước cho chồng con, có cô con gái lớn giúp việc. Hai đứa em, một gái một trai của cô ta còn đi học. Kim, cậu em út, có chiếc xe gắn máy còn mới tinh. Như vậy là gia đình này không nghèo. Nhưng cũng không giầu. Một vé số kiến thiết trúng 500 đồng cũng đủ làm cho cả nhà vui vẻ bàn luận về cách tiêu dùng. Và chính cái vé số này cũng sẽ là một yếu tố động cơ của truyện. Bà mẹ cho lĩnh số tiền về, đã quyết định dùng nó để mua sắm, làm một bữa chả giò để thết anh chàng Phan, trung uý, sắp về nghỉ phép.
    Nhưng Phan không về, không bao giờ về cả. Phan đã tử trận từ hai bữa trước rồi, nhưng cả nhà không ai biết. Sự chờ đợi làm bằng âu yếm chen lẫn với lo sợ làm cho bầu không khí trở nên phập phồng, mệt nhọc. Rất nhiều động tác khác, bề ngoài như vô tình, nhưng bên trong là kết tinh của hoàn cảnh, cũng dự vào việc xây dựng hẳn thành một thứ tâm hồn tập thể hướng trọn về người vắng mặt. Ông bố, bà mẹ, những người con, cùng thương nhớ, nhưng mỗi vị trí có một tâm sự, một phản ứng khác nhau: Phượng, in hệt người tình nhân dưới “mái Tây” của không biết bao nhiêu thế kỷ trước, đã vội nghe tiếng im lặng của bước chân người sai hẹn. Bà mẹ sợ những câu nói gở. Cô Quyên thấy chị buồn mà lo cho mình. Sự thương nhớ sẽ trở thành một công thức chung- và tác phẩm sẽ nặng nề hay buồn tẻ nếu không có tuổi trẻ và nhựa sống của Kim – một phút trước khi được biết anh Phan tử trận, anh Phan khi vẫn còn sống, Kim vẫn không có lý do gì để không đòi ăn trước bữa chả giò. Bằng những nét đơn sơ nhất, tác giả kể lại cho người đọc những cảnh sinh hoạt linh động mà cặn kẽ, như chúng ta thường thấy ở đâu đây. Tôi đoán chắc Nhã Ca đã thành công theo kiểu người thợ nề bắt đầu làm ngôi nhà cho chính anh ta trú ngụ.
    Rất có thể Nhã Ca không đồng ý, sẽ trả lại lời khen không chờ đợi. Nhã với Từ dắt tay nhau đi trên con đường tìm kiếm. Họ chưa tới đích, nhưng họ đã viết nhiều về những gặp gỡ giữa đường. Kỹ thuật của họ đã hơn một lần xây dựng thành những tác phẩm có giá trị. Cho nên, theo ý tôi, họ – họ ở đây, là những người viết trẻ như Nhã và Từ – thường lầm chúng như mục đích. Độc giả lầm theo họ. Nhà phê bình vội cho rằng họ chỉ biết có hoài nghi và đập phá không thôi. Tôi vốn không tin như thế. Tôi chờ đợi có những người có khả năng đủ vững, có ngày tháng đủ dài, và có hoàn cảnh thuận lợi. Những người đó sẽ hoàn thành được tác phẩm sau cùng của họ, tác phẩm mà, so với nó, bao nhiêu tác phẩm là bấy nhiêu bước chân đi tới. Và, đến bấy giờ, tôi sẽ cười thầm trong tinh thất của tôi sau một lời phân vua đắc thắng: có phải không, nghệ sĩ không “bịa” ra đề tài bao giờ?
    Rất có thể Nhã Ca đang cười trả lại cho tôi. Không, tôi biết lắm, cốt truyện này của Nhã làm tôi nhớ cốt truyện của Saroyan, tác giả Mỹ. Tôi có lần đã giới thiệu bản dịch cuốn sách ấy với thính giả đài V.O.A, nhưng bây giờ tôi đã quên tên nhân vật chính. Tôi chỉ nhớ có đoạn sau cùng: người lính về tỉnh nhỏ, thăm gia đình người quá vãng. Truyện của Nhã cũng có người lính ấy. Giá nghiêm khắc tôi sẽ buộc Nhã vào tội phỏng theo người đi trước. Nhưng tôi không làm như thế, vì tôi đã có kinh nghiệm bản thân, những điều tôi viết ra, tưởng là mới nhất, nào ngờ đã có cả chục người đã viết trước tôi rồi. (Người ta bảo Việt Nam có những mầu sắc riêng tư mà không đâu có trên thế giới. Tôi nghe theo, nhưng tôi đã nhầm. Kể cả mắm tôm, nước mắm, cứ chịu khó tìm sẽ thấy có nơi có đủ!)
    Tôi đành chịu. Nhất là về tình cảm. Nhân loại thật mênh mông, thời gian dài đằng đẵng. Tôi thèm khát học hỏi và hưởng thụ, nhưng tôi chối từ so sánh hơn thua. Sự khôn ngoan đôi khi che dấu cái hèn của tuổi tác. Nhưng nghệ sĩ vốn có tâm hồn kiêu hãnh tuyệt trần, nên đọc tác phẩm nào tôi cũng thấy phần thành công trước phần thất bại. Đêm Nghe Tiếng Đại Bác nhất định chưa phải là công phu tới đích của Nhã Ca, nên đối với riêng tôi, Nhã Ca vẫn có phần hụt bước. Tiếng đại bác trong đêm gợi ý chiến tranh, mà tôi nghĩ tới chiến tranh rất ít. Phan đi lính. Phan chết trận. Nghĩa đi lính, Nghĩa mất tích. Bữa chả giò để mừng Phan nhưng cũng để tiễn Hoàng đi Thủ Đức. Không kể Mẫn, Đông, Đảo…rất nhiều chuyện lính tráng và tiếng đại bác trong đêm. Nhưng trong khi đọc, và sau khi đọc xong tác phẩm của Nhã, cái mà người ta nhớ nhất, mà người ta thương yêu hay ao ước hơn cả, là gia đình. Ông bố, bà mẹ, Phượng, Quyên, Kim, Hoàng – với cả Phan, Nghĩa và Mẫn – mỗi người đã giữ đúng vai trò của mình. Vai trò bà mẹ cố nhiên có phần trội hơn vai trò của ông bố, cũng như Phan tuy vắng mặt mà “hiện hữu” hơn Hoàng, nhưng tất cả những vai trò ấy không riêng lẻ, không cô đơn, kể cả Mẫn ra đi thật buồn. Tất cả họp lại thành một gia đình, cùng một số người thân đang chịu đựng chiến tranh. Sự chịu đựng không thành nói thành lời ấy dai dẳng, mà cái chết tàn nhẫn của Phan không cắt đứt được: Phan chết, đã có Hoàng thay thế. Sự chịu đựng tiếp tục. Chịu đựng như thế có phải đâu là tiêu cực. Con người bằng cách tụ họp thành những đơn vị lớn hơn, đang chống trả thắng lợi với ý chí tiêu diệt của chiến tranh- ngoại cảnh.
    Sự thắng lợi còn to lớn hơn. Ông bố già đánh rơi hai giọt nước mắt. Phan để lại một tên lính tương lai, nếu chiến tranh còn tiếp tục. Người ta đau khổ, rên la, khóc lóc, nhưng rõ ràng là đời sống vẫn tiếp tục, với Hạnh thêm vào gia đình Quyên. Có phải chăng một người bạn nhiều tuổi mà lạc quan như tôi, có thể căn cứ vào hình ảnh sau cùng ấy, và lời Nhã Ca đề tặng ” Viết cho con sắp ra đời của mẹ”, ở cuối tập truyện này, để quả quyết rằng, mặc dù hoàn cảnh thế nào, nếu chúng ta muốn, chúng ta bao giờ cũng có lý khi chúng ta hy vọng.
    Nguyễn Mạnh Côn
    17 tháng VI,1966


    Nguồn: http://damau.org/archives/15816
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 16.11.2010 18:04:24 bởi Thanh Vân >
    #2
      tunglavie 22.11.2010 07:06:40 (permalink)
      Mối Tình Màu Hoa Đào ban biet tren mang doc o dau chi minh voi
      cam on
      #3
        Ct.Ly 24.11.2010 05:01:25 (permalink)
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9