Chẳng Có Điều Gì Mới
Nguyên Đỗ 18.03.2011 19:43:02 (permalink)
Chẳng Có Điều Gì Mới

Hồi tôi còn ngồi mài đũng quần ở ghế nhà trường, tôi đọc được câu cổ ngạn La Tinh Nihil nove sub sole, Nothing new under the sun, Rien de neuf sous le soleil, Chẳng có điều gì mới dưới mặt trời, tôi lấy làm khoái chí giữ vẹn vào trí óc để mong có ngày nào xổ ra biện luận nếu chẳng may bị người nào trách là chuyện cũ rồi mà sao cứ viết lại viết hoài viết mãi thế!

Trải qua bao nhiêu năm Đại Học mà tôi thường đùa là học đại thì đúng hơn, tôi lâu lâu cứ xoè câu cổ ngạn cho ông thầy bà cô lác mắt coi chơi. Mà thật vậy, đọc những truyện cổ xưa, những sáng tác thơ văn, ai mà phân tích nhận xét kỹ, thì áng văn bài thơ nào chẳng chịu ảnh hưởng văn chương của người đi trước hay người đương đại. Chẳng ai tự mình có thể lập ra một văn phái trường thơ riêng tư nếu không có những bước tiên phong của người khác.

Điều làm người ta thường khó chịu bực mình là có những người cứ nhơn nhởn xưng danh mình là ông tổ, bà thánh của trường phái này, của bộ môn nọ. Họ cứ xem mình là cái rốn của vũ trụ, là tài năng độc nhất của một thời. Đúng ra họ phải để người khác vinh danh họ thì mới đúng. Đằng này có những người cứ trâng tráo xem mình đã đạt tới tuyệt đỉnh của nghệ thuật rồi rũ áo từ quan tuyên bố giải nghệ vì chẳng còn gì đáng viết hay đáng nói. Không hiểu họ bị tịt ngòi hay biết đâu hết tiền hết tình để trao đổi văn thơ nhạc đã đem cho họ một hữu danh vô thực?

Ở một thời điểm, một xứ sở mà ngòi bút viết ma (ghostwriting) cũng là một nghề như những nghề nghiệp khác thì bảo sao mà chẳng có những cảnh mờ mờ nhân ảnh bịp người trần gian. Chuyện viết thuê viết mướn tìm hiểu ra cũng chẳng phải là điều gì mới dưới ánh mặt trời. Ôi, không hiểu sao tự nhiên trong khi chờ xong màn kịch, tôi lại hí hoáy viết nhăng viết cuội thế này làm cho thiên hạ nửa khóc nửa cười trước cảnh oái oăm của nghề sáng tác mông lung.

Nguyên Đỗ

<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.01.2015 22:35:19 bởi Nguyên Đỗ >
#1
    Nguyên Đỗ 18.03.2011 19:54:27 (permalink)
    Chim Hót Sau Vườn

    Mỗi mùa Xuân về là mấy chú chim đi vắng suốt mùa Đông cũng trở lại. Đầu tiên là những đôi chim cổ đỏ (Robins) về sau nhà tôi có trồng một hàng thông bọc kín ba phía sau nhà làm tổ.  Mười năm trước đây anh em tôi lúi húi trồng cho cha mẹ vui, hưởng thú điền viên, đặt tên nhà chúng tôi là Tùng Lâm Gia, dù chẳng giống rừng thông quanh ngôi nhà ở Tùng Lâm, Đà Lạt của gia đình chúng tôi tí nào.


    Ở đó, rừng thông dưới chân đồi lúc nào cũng vi vu trong gió nhất là vào buổi tối.  Ở đây cũng có loại thông White Pine giống Đà Lạt nhưng lọai White Pine mọc lớn lắm nên chúng tôi chỉ trồng loai Scott Pine, thấp và nhiều cành lá hơn, vừa dùng để chắn gió vừa đẹp vườn, đẹp đất. 


    Thường năm nào cũng vậy, hàng thông bao giờ cũng có vài tổ chim cổ đỏ, tiếng Anh gọi là robin, vỏ trứng xanh như trứng sáo, hay màu xanh Đức Mẹ!  Có những cặp chim cổ đỏ gan dạ đem rác và bùn làm tổ ngay cột cây trước nhà.  Và năm nào cũng vậy, có một hai tổ chim cu đất hay chim cổ cườm, tiếng Anh gọi là mourning dove vì tiếng kêu gù gù như than khóc, vỏ trứng trắng như trứng gà. 


    Năm nay, hai vợ chồng cu đất tình tứ với nhau như thế nào ấy quên cả làm tổ, con mái vội vàng chui dưới chỗ để hạt cho chim ăn của anh em nhà tôi đẻ hai trứng rồi thay phiên nhau nằm ấp, nở ra được một con, còn một cái trứng bị ung gió thổi bay khi chim mẹ hất ra ngoài lúc cho con chim cu bé ăn.  Được hơn hai tuần thì chim cu con cũng đủ lông đủ cánh bay đi mất cùng với bố mẹ.


    Có năm hên, có những con chim hoàng anh, hay vàng anh nhỏ hơn chim sẻ, lông màu vàng làm tổ trên cây thanh đại phong nhà (Emerald maple) rậm rạp trước nhà dù năm nào chim hoàng oanh cũng về khu vườn nhà tôi ăn những hạt giống anh em chúng tôi đổ vào chỗ cho chim ăn (bird feeder). 


    Mẹ chúng tôi lúc đầu cười, "Anh em tụi mày bày đặt quá, cho chim ăn mà cũng phải làm nhà, rồi lại còn làm chỗ cho chim tắm!"  Nhưng sau này Mẹ tôi thích lắm, cứ giục tôi hằng ngày, "Con ra thay nước cho chim tắm đi!" vì các loại chim thích về khu vườn chúng tôi ăn uống đầy đủ chứ không phải no say đâu nhé và có chỗ tắm hả hê an toàn mỗi ngày ngoài tầm phóng của những con mèo hoang.


    Về khu vườn nhà tôi, đông nhất là chim sẻ và chim sáo đá tiếng Anh là (starling), màu đen nhỏ hơn chim cổ đỏ, sống từng bầy.  Giống chim sáo đá không phải là giống chim bản xứ Mỹ mà do di dân gốc Anh đưa sang cho đỡ nhớ quê nhà, chúng đã sinh sôi nảy nở tới độ không ngờ, không biết tự kiếm ăn như những loài chim khác mà thường đi ăn những hạt giống hay đồ ăn có sẵn, đồ dư thừa để sống.  Chúng ăn khoai tây cắt chiên (frenh fries), thịt heo, bò, gà, bánh mì, vân vân...  Đại khái là tạp khẩu như heo, cái gì ăn được là ăn.  Cái tệ nhất là chúng không biết làm tổ ở trên cây mà nhà nào có chỗ nào chui được là chui vào làm tổ, xả rác, cứt tùm lum mất hết vệ sinh thành phố nên có năm mấy thành phố mở chiến địch đuổi chim bằng cách hễ thấy chim sáo đá bay về theo đoàn là cả xóm đập thùng, đập kẻng lùa chim đi.

    Chiến dịch mở được đâu một tháng thì chim quen tiếng thùng tiếng kẻng cứ tỉnh bơ sà xuống thành phố ăn đồ phế thải và thả bom trên mặt tiền thành phố những vết trắng, vết đen đầy đường, có khi bắn lên cả quần áo đầu tóc du khách hay dân cư địa phương rất là khó coi đến nỗi hai thị trưởng và các chuyên viên môi sinh phải ra quyết định thuốc độc chúng làm một số người yêu chim muông tụ tập lại chống lại ý định tiêu hủy chim sáo đá một thời gian, nhưng từ lúc có nạn "bird flu" bệnh dịch do chim chóc truyền thì nhóm này im re và chim sterling không biết có phải bị ngộ độc không mà cũng biến đâu sạch mất.  Thực sự tôi chẳng tiếc chi giống chim này, và cũng chẳng hiểu sao chúng lại được đặt tên là sáo đá, chim sáo trong lòng tôi lúc nào cũng phải có tiếng hót thật hay ít ra cũng cỡ chim cổ đỏ, chứ chim starling cứ một hai ho hét, ho hét, nghe mà thật ghét!


    Trong những thứ chim, mẹ tôi thích nhất là chim cu cườm, vì chúng thương yêu nhau lắm, lúc nào cũng tình tứ bên nhau,  mớm mồi cho nhau và cõng nhau dung dăng dung dẻ, không biết mắc cở, rất tự nhiên, chẳng sợ ông cha bà cố nào hết, nhưng tiếng chim gù gù chẳng hay tí nào.  Chim cổ đỏ (robin) hót khá nhiều cung điệu, nghe cũng hấp dẫn lắm, nhưng loài chim tôi thích nhất vì tiếng hót và hình dạng trong môi trường thiên nhiên ở khu vườn nhà tôi là chim chinh chích (chickadee), chim hồng y hay chào mào đỏ (cardinal), chim hoàng oanh (oriole).


    Chim chinh chích nhỏ lông cánh xám đen, lông bụng trăng trắng chuyền từ cây này sang cây nọ, thích ăn kiến và những con sâu bọ rau, cả mười năm tôi mới thấy chúng về làm tổ nhỏ xíu xìu xiu trong bụi hoa soan tím nhỏ hương thơm ngào ngạt, chứ không phải loại soan tím bên Việt Nam.  Chim chinh chính lớn hơn chim ruồi (hummingbird) vì hình dạng nhỏ tì ti cỡ ngón tay cái, mỏ nhọn dài dùng để hút mật nhụy hoa, có thể bay ngược bay xuôi, bay lên thẳng.  Loại chim ruồi này mùa Xuân chưa về, phải vào dịp hè, các loại hoa nở sặc sỡ chim ấy mới về, thường chúng về ít hôm, hút ít nhụy hoa rồi ra đi. Vậy mà có năm loại hoa chuông đỏ mọc về hướng đông leo kín giàn, chim ruồi về làm tổ nhỏ, đẹp trong giàn hoa chuông.  Tôi hí hửng khi khám phá ra cái tổ nhỏ với hai trứng chim màu trắng nhỏ xiu xiu chạy vào khoe với Mẹ tôi:
    --  Mẹ ra xem tổ chim ruồi coi, nó nhỏ ti ti, mẹ ạ!
    --  Để kệ chúng, con ạ!  Coi rồi chim mẹ biết nó bỏ đi thì hư trứng, từ nay con đừng tỉa hoa, cắt cành giàn hoa chuông đó nữa.  Cứ để vậy đi con, giống chim đó hiếm, sinh được thêm con nào hay con nấy!


    Suốt cả mùa hè năm ấy tôi như kẻ trộm núp sau cửa kính sau nhà rình mò xem chim ruồi ấm trứng nuôi con như thế nào.  Cặp chim ruồi khôn lắm, không bao giờ bay trực tiếp về tổ, mà bay vòng vòng, rồi lủi vào lùm hoa chuông, rồi lẻn vào tổ.  Chim ấp trứng khoảng mười ngày thì nở, chim mẹ chim bố thay nhau nuôi con chưa đầy hai tuần thì bố mẹ và hay con đập cánh liên tu  ti như trực thăng giã từ giàn hoa chuông để đi về vùng trời mới.  Tôi nhìn ngơ ngẩn theo bóng chim mà tiếc hùi hụi chưa kịp nhìn hai con chim ruồi con thỏa lòng.


    Nhà chúng tôi cây cối nhiều, nên là chỗ lý tưởng cho bầy chim về trú.  Cả ngày nghe chim hót cũng vui, khổ một nỗi là vào mùa xuân, mùa hè, ngày nào khoảng bốn giờ sáng bầy chim cổ đỏ đã gân cổ gọi nhau, và bầy se sẻ trú ẩn qua đêm trong đám cây phong trước nhà cũng rì rầm ríu rít với nhau, có khi làm tôi tỉnh giấc!  Nhiều khi ức quá tôi nói đùa với Mẹ tôi, "Để con mua lưới về chụp bắt bầy chim se sẻ nướng mời bạn bè Bố tới nhậu nha!"


    Mẹ tôi cười, "Cái thằng này!...  Gà vịt heo bò đầy chợ việc gì phải làm hại tới chim chóc chứ?"

    Tôi nhẩn nha đọc bài thơ Mẹ tôi dạy hồi nhỏ, hình như của Nhượng Tống:


    "Một tổ chim gi độ bốn con
    Chưa lông chưa cánh hãy còn non
    Bao giờ chúng nó ra ràng nhỉ
    Bắt nướng mời ông nhắm rượu ngon"


    Mẹ tôi lắc đầu cười, nhớ lại ngày Mẹ còn son trẻ, ngồi kèm tôi học bài, viết văn và làm thơ theo nghiệp Bố.


    Nguyên Đỗ

     
     
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 06.01.2015 22:36:23 bởi Nguyên Đỗ >
    #2
      Nguyên Đỗ 18.03.2011 19:56:52 (permalink)
      Chuyện Nàng Thơ



      Đã định bỏ đi, vứt bút định thề không làm thơ nữa, nhưng trái tim cứ thổn thức nhớ nàng, ôi nàng thơ quá quắt, lúc đi lúc về, lúc giận lúc hợ, lúc cười lúc khóc, không tài nào đoán được.

      Đang ngồi học, hồn nhởn nhơ nhìn ra cửa lớp, thấy lá vàng bay, thấy mây thênh thang, lửng lơ hồn tan phách lạc, ngẩn ngơ một hồi, rồi giã từ sách vở để theo mây trắng trôi, theo bầy chim tung tăng hạnh phúc.

      Đang chập chờn suýt ngủ, em dịu dàng ghé đến, tay sờ soạng tìm cây bút và mảnh giấy nguệch ngoạc mấy hàng.

      Câu này nói tiếp câu kia, những chữ nhỏ lại được xếp tuần tự thành hàng, mặc thêm lớp áo mới, rồi bâng khuâng đứng đợi.

      Em sằn sàng chưa nhỉ? Mùa Thu, Mùa Đông, Mùa Xuân, Mùa Hạ... Em khoác áo bốn mùa, vui buồn mưa nắng với anh, như tối nay mặt trăng sà nửa mảnh trên cao, để thơ anh nhè nhẹ cứ tuôn trào.


      Đừng lo lắng tương lai, đừng để tâm chuyện nhỏ, Mỗi một người cần tái tạo tư duy hành động của mình cho đời thêm sức mạnh để một ngày kia hạt dẻ sẽ thành cây cổ thụ, bài thơ nhỏ hồi nào lại nhập vào kho tàng kỷ niệm.

      Nguyên Đỗ



      <bài viết được chỉnh sửa lúc 06.01.2015 22:37:50 bởi Nguyên Đỗ >
      #3
        Nguyên Đỗ 18.03.2011 19:58:20 (permalink)
        Chuyện Ra Mắt Sách, Khó Tin Nhưng Có Thật

        "Anh đã làm thơ, viết văn từ lâu rồi," một người bạn mới quen nói một cách tự nhiên và đoan chắc với tôi, "em đã đọc trên mạng lưới và báo chí thì tại sao anh không thu thập lại và in ra sách cho mọi người đọc và giữ làm tài liệu chứ?” Tôi còn nhớ tôi chỉ nhún vai nói lại, “Để rồi xem đã!” Mấy năm trôi qua, nhiều người quen biết cũng lần lượt đem những tác phẩm của họ ra mắt. Họ hỏi tôi chừng nào mới đến lượt tôi. Viết lung tung vui đùa với mọi người thì dễ, vì không cần theo chủ đề gì, bạ đâu viết đấy. Còn ra sách thì cần phải có hệ thống không thể góp nhặt linh tinh không có một hay những chủ đề nhất định.

        Tôi thật sự phục sự cần cù, kiên nhẫn của các nhà văn, nhà thơ đã bỏ thời giờ sắp đặt, in ấn, đi đây đó ra mắt sách. Mà cũng phải nói phải chọn đúng thời điểm nữa. Tôi nhớ cách đây khá lâu, hồi năm 1994, tôi gặp anh P..., học vấn của anh chỉ có lớp ba, lớp bốn, nhưng anh viết thơ, viết văn rất nhiều trong cơn cùng quẫn của anh bởi anh sang Hoa Kỳ theo diện trẻ vị thành niên không có thân nhân từ bên đảo. Anh thực sự mồ côi cả cha lẫn mẹ ngay từ nhỏ, sống trong cô nhi viện cho tới lúc bỏ đi bụi đời rồi canh me theo thuyền vượt biên. Anh sang đây lại theo bạn bè đi lang thang, xì ke ma tuý, không chịu học hành vì mang một quan niệm sai trái tự hại bản thân cho mình ở Việt Nam học chẳng tới đâu, thì làm sao có thể học thành tài ở nước người.

        Lúc tôi gặp anh, anh gần như sắp chết. Không nhà cửa, sống nương nhờ bạn bè. Anh đưa tôi chồng giấy dầy, "Ông thầy xem giúp tôi được gì không? Cuộc đời tôi chỉ có mớ chữ này!" Tôi tội nghiệp nhìn anh thương hại, cầm lấy tập giấy cũ kỹ viết lung tung, đọc đến nhức cả mắt, tôi cũng nói, "Để rồi xem đã!" Tôi lò dò đọc, chọn lọc ra vài chục bài, sửa lại đôi chút, rồi đánh máy, tự đóng thành sách cho anh tập thơ tiếng Việt đầu đời của anh. Tôi cứ tưởng chuyện khích lệ anh như vậy là xong, nếu anh chẳng may nhắm mắt, anh cũng không cảm thấy mình ra đi trong thinh lặng. Mà anh không ra đi thinh lặng được, anh cầm tập thơ tôi tự đóng bằng khổ giấy 11 x 8.5 gấp đôi đánh máy hai mặt như một tập vở với hình bìa cứng đàng hoàng ra tiệm Kinko nhờ họ sao nguyên bản ra mấy chục tập thơ đem tặng cho người quen, người thân.

        "Đúng là ông thầy đem súng cho giặc!" Một số người trách tôi vì tôi đã giúp anh P... hoàn thành tập thơ. Họ không hiểu là tôi chỉ giúp anh góp nhặt, đóng thành tập cho riêng anh thôi chứ tôi không nghĩ nó sẽ động vang trong cộng đồng. Anh P. cao hứng kể cho những người bạn Mỹ quen biết để họ dịch và đặt thành thơ bằng Anh Ngữ. Anh in thành một tập thơ Anh văn ra mắt sách ở một số trường đại học. Anh nghiễm nhiên thành A Homeless Vietnamese Poet, một nhà thơ Việt Nam vô gia cư, ở cuối thế kỷ 20. Sinh viên Mỹ bỏ tiền ra mua thơ anh, dư bao nhiêu anh lại bỏ ra in thêm, bán hoặc tặng tiếp. Không hiểu có phải gặp thời hay đúng thuốc cho người bệnh không, nhưng anh tự nhiên khoẻ lại, không còn xì ke ma tuý nữa, và cũng bắt đầu sống tự lập.

        Hơn mười năm qua, lúc gặp lại anh, anh vẫn còn cười vui kể chuyện ngày trước. Con người đang hấp hối lúc tôi gặp bây giờ vẫn còn an nhiên sống giữa đời, tuy không như những người khác, nhưng có ai bảo thi sĩ là một người bình thường bao giờ. Anh P. cũng hỏi tôi, "Bao giờ ông thầy mới ra mắt sách đây?"

        Tôi cũng cười trừ và nói như đã nói với những người bạn đã quen, "Để rồi xem cái đã!" Thời giờ tôi hạn hẹp, ai lại vất vả vác ngà voi. Phải chờ một lúc nào đó rảnh rỗi tôi sẽ thử thời vận một phen, còn bây giờ viết, viết và cứ viết thôi, chứ ra sách lại là một chuyện khác.

         


        From Russia with love I fly to you
        Much wiser since my good-bye to you
        I've traveled the world to learn
        I must return from Russia with love
        I've seen places, faces and smiled for a moment
        But oh, you haunted me so
        Still my tongue tied young pride
        Ld not let my love for you show in case you'd say no
        To Russia I flew but there and then
        I suddenly knew you'd care again
        My running around is through
        I fly to you from Russia with love


         John Barry - From Russia With Love Lyrics | MetroLyrics
           
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 06.01.2015 22:51:07 bởi Nguyên Đỗ >
        #4
          Nguyên Đỗ 18.03.2011 20:02:07 (permalink)
          Con Đỉa Đói

          Chú ý:  Ngôn ngữ nhà quê thời thơ ấu hơi sống sượng, ai nhạy cảm đừng đọc
                                                                       Nguyên Đỗ



          Tôi sinh sống ở miền quê đầm lầy nên việc đồng áng, lội nước,  câu cá, xúc cua cũng rành rẽ như những đứa trẻ đồng trang lứa.  Tôi thường đi xúc cá mỗi khi đi học về cho mẹ tôi nấu canh.  Trong nhà lúc nào cũng có một thùng cua bò rào rạo để khi cần mẹ tôi không phải chờ tôi đi ra đồng ruộng, con mương để xúc cua.



          Cứ mỗi lần đi xúc cua, tôi thường rủ anh Liệu, anh Thứ, con bà Duy trong xóm  hay em hai anh là Phi đi cùng, có khi rủ Tuấn, chị Loan, em chị Mão con bà Giáo cao.  Chị Mão lấy anh Hưng, còn chị Loan lấy anh Giáp lái máy cày ở trọ nhà của chị ấy.  Đi xúc cua, vui và nhộn hơn là câu cá.  Đi câu người câu phải có kiên nhẫn, thả câu ngồi chờ.  Được cái là sạch sẽ, không phải lội nước, nếu không muốn.  Người câu chỉ cần ngồi trên bờ, thong thả kiên nhẫn ngồi chờ cá đớp mồi.


          Đi xúc cua thì khác hẳn.  Người đi xúc cua phải lội xuống nước, xuống ruộng, cầm rổ xúc vào những đám rễ cỏ nơi cua cáy thường bám vào, rồi dùng tay vét.  Thường bọn trẻ chúng tôi đeo cái giỏ, hay thùng thiếc nhỏ có giây đeo chái vai, thùng nằm ngang hông, xuống nước sâu thì nổi lềnh bềnh.  Xúc cua rồi lấy tay cào cua vào thùng hay bỏ vào giỏ.
          Ở những nơi suối chảy thường ít có đỉa, và cua cá thường nhiều.  Nếu có xác con mèo hay con chuột nào chết chương, cua lại càng nhiều, nhưng người xúc cua phải ráng mà chịu mùi hôi thối xông ra.  Bọn trẻ chúng tôi hồi ấy nhà nghèo nên chẳng ngại gì, thấy chỗ nào có cua có cá thì cứ nhào vào xúc...  Bây giờ nghĩ lại cũng tởn tởn...


          Có lần mấy lũ bạn chúng tôi đi xúc qua, phải lội qua đầm lầy, đầy lũ đỉa đói bơi trông mà lạnh da phát ớn.  Vừa sang tới bờ bên kia, anh em chúng tôi kiểm soát coi bao nhiêu con đỉa đã bám vào quần áo tay chân.  Thường đứa nào cũng năm bảy con, đám đỉa này rất dai, bám hết đầu này tới đầu kia, ai không để ý, có khi về tới nhà đỉa hút máu no nê rồi mới nhả ra.  Con nào con nấy to dài no cành hông mập mạp đáo để.  Người ta tin rằng đỉa không chết, có đốt đi, mỗi vành đỉa lại thành đỉa con.  Người chu đáo thì đem vôi, thuốc lào sát vào đỉa, đỉa bị nóng sẽ nhả ra ngay.  Bọn chúng tôi không được chu đáo nên cứ cầm tay giựt ra hay lấy lá lúa làm dao mỏng cầm hai tay chà ngay miệng đỉa để đỉa nhả ra.


          Có lần Tuấn bị ngưa ngứa ở chỗ đi tiểu.  Tuấn vạch quần ra để coi, thì có chú đỉa xanh đen đã chui vào ống khiếu, Tuấn sợ hãi la lớn và khóc quá chừng, sợ đỉa lọt vào người thì còn gì là của quí.  Nghe kể là đỉa có thể sống với độ nóng trong người, đỉa có thể chui vào lỗ tai chui vào óc sống trong đó cả tháng cả năm.  Không biết người ta có thể dọa để chúng tôi phải cẩn thận khi đi câu cá, xúc cua không mà họ kể câu chuyện có bà lấy đũa cả gõ đầu thằng con cứ than nhức đầu, đầu vỡ toang và đỉa nhung nhúc bò.  Bây giờ nghĩ lại thấy vô lý quá nhưng hồi nhỏ tôi tin như thật.


          Tuấn giựt mãi không ra.  Cả bọn kinh hồn táng đởm, hồn vía lên mây.  Tôi nói với Tuấn:


          --  Mày bóp chặt chỗ đó đi, đừng cho con đỉa quỉ này chui vào sâu, để tao kéo nó ra cho...


          Tôi bấm chặt con đỉa kéo ra mà khổ nỗi con đỉa trơn trượt và bám dai như gì á, không chịu nhả.  Mỗi lần tuột tay con đỉa lại co vòi hay chui vào thêm một chút.  Một đầu nó phồng to lên.  Tôi cầm đầu còn lại của con đỉa cố gắng rút ra.  Mỗi giây trôi qua là mỗi giây nỗi sợ hãi tăng lên.


          -- Mày cố đái đi mày.  May ra nước tiểu nóng làm con đỉa thả ra...


          Tuấn đã sợ tái mét rồi còn tâm trí nào nữa để nghĩ chuyện đi tiểu.  Đến khi được nhắc, Tuấn cố rặn mà cũng chẳng còn sức để tiểu nữa.  Tuấn càng khóc tôi càng lo.  Hết hồn trí để suy nghĩ, tôi quát:


          -- Im đi, để tao giúp...


          Tôi quì xuống ngón tay cái và ngón tay trỏ ghì chặt con đỉa rút mãi không ra.  Cuôi cùng tôi đành nắm chặt con đỉa sâu hơn một chút rồi đưa miệng vào cắn phần còn lại của con đỉa để từ từ kéo con đỉa ra.  Nhờ gọng kìm của hàm răng mà con đỉa nhả ra rồi quay lại bám vào mũi của tôi tấn công.


          Tuấn thoát nạn vừa khóc vừa cười, còn tôi lại cuống quít giựt con đỉa ra không cho lọt vào lỗ mũi.  Nó mà vào trong đó được chắc tiêu đời nhà ma tôi rồi.  Cũng may con đỉa chưa kịp bám chặt nên chẳng bao lâu đã thả ra.


          Biến cố nhỏ của con đỉa quỉ quái nghịch ngợm đó thành đề tài khôi hài cho bọn nhỏ chúng tôi cả tháng trời.  Mỗi lần đi xúc cua, câu cá, bọn chúng tôi, con trai, con gái đều cẩn thận hơn, cứ vài phút lại lên bờ kiểm soát coi có con đỉa nào bám vít hay xâm phạm thân thể không.


          Lớn lên nhớ  chuyện con đỉa đói thời thơ ấu, tôi càng thấm thía hơn câu nói "bám dai như đỉa đói".  Cái gì chứ tôi sợ đỉa lắm, thật đấy, bạn ạ!


          Nguyên Đỗ
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 06.01.2015 22:52:38 bởi Nguyên Đỗ >
          #5
            mưa phố núi 15.08.2011 14:21:49 (permalink)
            CHÚ NGUYÊN ĐỖ KỂ CHUYỆN CÓ DUYÊN QUÁ HÀ ,NHỮNG CÂU CHUYỆN RẤT LẠ ,MÀ VUI ! CẢ ĐỜI CHÁU CHƯA TỪNG THẤY CON ĐĨA NHƯNG CŨNG TƯỞNG TƯỢNG RA ĐƯỢC GHÊ CỠ NÀO .CHÚ ƠI !SAO CHÚ KHÔNG SÁNG TÁC TIẾP .BÀI NÀY LÂU RỒI -UỔNG QUÁ .HY VỌNG CHÚ KỂ TIẾP NHỮNG CÂU CHUYÊN NGỒ NGỘ.CÁM ƠN CHÚ
            #6
              Nguyên Đỗ 25.10.2014 00:14:00 (permalink)
              Nghe Như Đã Thấy
               
              Cờ bạc là bác thằng bần
              Quần áo bán hết cở trần tô hô
               
              Ca dao Việt Nam
               
              Gần hai giờ sáng, tôi đang ngủ gà ngủ gật trong phiên trực đêm, chợt điện thoại vang lên.  Chuyện gi xảy ra đây? Cảnh sát gọi tới, bảo tôi hỏi anh Việt Nam mặc quần cụt và chiếc áo lót đi trên xa lộ, mặt xám, môi thâm vi trời lạnh .  Mùa thu miền Trung Tây Hoa Kỳ chứ không phải ở miền Nam hay miền Tây nước Mỹ mà có khí hậu khả dĩ không đến nỗi trong đêm thu.
              -- Sao thế anh?
              -- Tôi bị vợ tôi thông đồng với một nhóm đàn ông dùng súng ép tôi xuống xe cướp tiền và chiếc xe tôi mới mua bằng tiền mặt mới hai ngày.
              -- Khi nào ? Bao lâu rồi ?
              -- Khoảng một giờ trước, tôi đã đi bộ  trên xa lộ nay từ lúc bị lột quần áo đến giờ !
              -- Xe hiệu gi, model nào và năm nào ? Màu  gỉ`?
              -- Toyota, Camry, năm nay 2014, 30 ngàn Mỹ kim, trả tiền mặt lúc mua! Màu bạc!
              -- Anh cho chúng tôi biết tên họ của anh đây đủ ? Anh có giấy tờ tuỳ thân gì không?
              --Nguyễn Nam Việt, giấy tờ bị họ lấy hết rồi, kể cả giấy công dân Hoa Kỳ ...
               
              Đang nói nửa chừng thì điện thoại của tôi bị ngắt đứt, đã 2 giơ` 15, quá giờ trực của tôi mất rồi.  Chuyện gi đã xảy ra ?



               

              #7
                Nguyên Đỗ 06.01.2015 23:35:56 (permalink)

                 
                Một hành trình ngàn dặm bắt đầu bằng một bước duy nhất
                Lão Tử
                 
                " Đi một ngày đàng, học một sàng khôn"
                 
                Hành Trình
                 
                 
                                   Xe đò giường nằm Việt Nam dưới con mắt người nước ngoài ‘Tôi phải đu mình như người nhện, chân chỉ chạm xuống sàn trước khi bước vào nhà vệ sinh, không hề dễ dàng khi đang lao đi với tốc độ 100 km/h’.




                Lindsay và Sarah là hai cô gái ưa du lịch bụi, đến Việt Nam sau khi trải nghiệm Thái Lan. Trên trang blog cá nhân mang tên Twochicksinvietnam, bên cạnh những cảnh đẹp, Lindsay còn kể lại những trải nghiệm với kiểu xe đò giường nằm tại Việt Nam hai năm trước. Dưới đây là phần dịch tổng hợp từ một số bài viết trên blog.

                Chặng 1: Ninh Bình – Huế

                Với chỉ 2 tuần để khám phá chiều dọc đất nước, chúng tôi quyết định thực hiện những chuyến đi xuyên đêm, tiết kiệm cả thời gian và chi phí. Và quả thực, tôi còn có cả những trải nghiệm vô cùng thú vị.

                Sau khi uống trà, kiên nhẫn chờ đợi với chủ khách sạn, cuối cùng cũng thấy chiếc xe đò xuất hiện. Yên tâm hơn đôi chút khi bước chân lên xe và nhìn thấy “khách sạn” của mình trong 13 giờ tiếp theo.


                Xe đò giường nằm tại Việt Nam.
                Có 3 hàng ghế mà người ta gọi là giường nằm, hình dáng giống những chiếc ghế trong phòng khám của nha sĩ. Vì lên ở bến gần cuối nên xe chỉ còn vài giường trống. Sarah chọn chỗ ở tầng một nhưng tôi lại thích thử chiếc khác trên tầng 2. Cách leo lên như kiểu bạn đang sẵn sàng đưa chân vào mặt người nằm dưới.

                Những chiếc giường thiết kế chỉ dành cho người Việt, nó vừa đủ cho thân hình tôi và không có nhiều khoảng trống để cựa quậy. Hai chân duỗi thẳng vào một hộc nhỏ phía trên là giá đựng cốc, không gian chật hẹp, phía cuối chân là đầu của người tiếp theo, đây cũng là nơi chứa những túi đồ nhỏ mang theo.

                Người tôi cứng đờ, nằm im như những ma-cà-rồng ẩn mình trong quan tài. Xe bắt đầu chuyển bánh.
                Sau khoảng 2 giờ, lúc này là 12 giờ 30 phút đêm, tài xế dừng xe để mọi người đi vệ sinh và ăn uống. 

                Nói đến nhà vệ sinh, nơi đó chỉ như một cái máng lớn có rất nhiều người, chỉ một phòng nhỏ có cửa. Sarah quyết định dũng cảm và nhanh chóng chọn phòng nhỏ đó. Tôi thì nghĩ mình sẽ dùng nhà vệ sinh trên xe, nhưng tôi đã sai.


                Nhà vệ sinh trên xe quá nhỏ và không thể chịu nổi mùi hôi của nước tiểu, nhưng không còn cách nào khác. Che kín miệng và mắt, tôi tiến hành nhanh nhất có thể và tự thề với lòng sẽ không uống một giọt nước nào trong suốt hành trình còn lại. Tất nhiên, tức là không được thử uống bia vào lúc 7 giờ sáng như thói quen của nhiều người Việt.

                Đường sá Việt Nam đầy ổ gà lồi lõm, tài xế thì liên tục bấm còi. Chuyến đi 13 tiếng từ Ninh Bình vào Huế thật ồn ào và không hề thoải mái, đó là chưa kể đến những thứ âm nhạc mà dường như chỉ tài xế thích nhưng vẫn bật rất to, phải chăng anh ta không muốn cho hành khách ngủ? Nhưng cuối cùng cũng sống sót sau hơn nửa ngày nằm trên xe.

                Nhận phòng khách sạn ở Huế, chúng tôi tự xốc tinh thần để chuẩn bị cho những trải nghiệm sắp tới… 

                Chặng 2: Huế – Nha Trang

                Sau những gì trải qua ở chặng thứ nhất, chúng tôi thống nhất chọn đi tàu đêm cho chặng tiếp, nhưng thật không may, lịch tàu chạy không phù hợp, đành ngậm ngùi quay lại với xe đò. Đại lý đặt chuyến hứa chắc rằng xe lần này sẽ tốt hơn lần trước nhiều, nhưng tôi thì vẫn nghi ngờ lắm.

                Đến bến xe từ khá sớm để chắc chắn có chỗ đẹp và lên đầu tiên. Xe này cũng có 3 hàng giường giống xe trước, rút kinh nghiệm lần trước nằm hàng giữa, lần này tôi chọn sát cửa sổ. Sarah lại nhanh chân trèo lên tầng, còn tôi thì tìm một chỗ bên dưới giường của cô bạn thân. Nhưng, một đứa trẻ túm lấy tôi và đẩy ra để chiếm chỗ đó. Giằng co, la hét, nhưng sau đó cậu ta dựng thẳng lưng ghế và ngồi lù lù khiến tôi không thể làm gì hơn. Quá tức giận, tôi cũng chẳng làm được gì mà leo lên hàng giữa, với nỗi sợ hãi của chuyến hành trình 12 giờ trước.

                Giường ở xe này thậm chí còn nhỏ hơn xe trước, khi nằm xuống khuỷu tay đặt hẳn ra ngoài. Hộc đút chân vào cũng nhỏ hơn, tôi không thể duỗi thẳng chân và đành quặp ngón chân lại như một chú chim bồ câu. Một người nhanh chóng cầm bình xịt đi xung quanh xe để xịt chăn, dường như không được sạch sẽ cho lắm. Họ còn trải thêm nệm trên sàn xe, có bao nhiêu người sẽ lên chiếc xe bé nhỏ này đây?

                Tôi quan sát và nhận thấy mọi người đều bị đối xử để chiếm chỗ như cách chúng tôi hứng chịu lúc trước. Không ai được phép ngồi nơi họ muốn và bị chỉ định chỗ như một tù nhân chiến tranh. Không có người Việt Nam xung quanh, chúng tôi nhận ra rằng tất cả người nước ngoài đều bị dồn lên tầng 2.
                Mọi người ngồi xung quanh quan sát hoang mang và bất mãn – ngoài một cặp người Đức đội nón lá ngồi sát cạnh tôi. Anh chồng rất cao, vất vả đặt thân mình vào diện tích nhỏ bé của “chiếc ghế phòng khám nha sĩ”, ngay sau khi hoàn tất, anh ta vắt tay lên trán và thưởng thức giấc ngủ riêng của mình.
                Thậm chí, anh bạn người Đức không để tâm rằng trong lối đi bên cạnh, có một chiếc giường phụ được dùng bởi người phụ nữ Việt Nam mặc bộ quần áo như da báo từ đầu tới chân, đeo khẩu trang kín mít. Chiếc giường cố len vào không gian chật chội đến mức, đầu cô gái chỉ cách đũng quần anh ta vài phân, may là người Đức đã dùng chiếc nón che đi phần nhạy cảm.

                 
                Ở bến tiếp theo, chúng tôi đón thêm một số người Việt, tất cả họ nằm dưới tầng một và đều được phát một chai nước, nhưng người nước ngoài thì không. Phân biệt đối xử trắng trợn. Một người đàn ông không thể vào chỗ của mình mà không trèo qua một phụ nữ. Thay vì hỏi cô ấy nhẹ nhàng, anh ta đẩy ghế cô về phía trước và lọt vào chỗ ngồi tỉnh bơ.

                Cuối cùng, với chiếc xe đầy khách, chúng tôi cũng bắt đầu di chuyển liền mạch. Nhạc ngày càng to hơn, đến mức tôi đã bật âm lượng tai nghe Ipod của mình mức tối đa vẫn có thể nghe thấy âm thanh bên ngoài. Sarah mang nút tai, và đây là lúc thích hợp để phát huy tác dụng.
                Đến nửa đêm, xe bắt buộc phải dừng cho mọi người đi vệ sinh và ăn uống. Hẳn là không ai có thói quen ăn uống vào giờ này, nhưng vì lý do nào đó khi đi xe đò, họ cảm thấy cần phải nạp thêm năng lượng.

                Nhà vệ sinh dọc đường luôn theo kiểu đơn giản hết mức, với mùi hôi và nước lênh láng trên sàn. Với những người đã quen xe đường dài thì điều này không lấy làm lạ. Quá tồi tệ, nhưng nghĩ tới nhà vệ sinh trên xe buýt, thì tôi không có sự lựa chọn nào khác.
                Bên ngoài nhà vệ sinh là một hàng những người đàn ông đứng khạc nhổ, trông giống như một sân nuôi gà vịt hơn là một nhà vệ sinh.

                Trở về xe, nhạc lại bật to một lần nữa, lúc này đã quá một giờ sáng. Con đường bắt đầu bồng bềnh hơn, nhiều đến nỗi phải thật chú ý mỗi lần xe vào cua, có những khi cảm tưởng như chiếc xe vào cua chỉ chạy trên một hàng bánh.


                Bến xe đò ở Hội An.
                Thật không may, trên một hành trình dài như vậy, dù có hạn chế uống nước đến đâu chăng nữa, không thể tránh khỏi sử dụng nhà vệ sinh. Nhưng lúc này, khó mà vượt qua lối đi với đầy người đang ngủ. Tôi phải đu mình như người nhện, chân chỉ chạm xuống sàn trước khi bước vào nhà vệ sinh, không hề dễ dàng khi xe đang lao đi với tốc độ 100 km/h. 

                Tiếp nữa, tôi không làm thế nào đóng được cửa, vì thế phải giữ cửa bằng một tay, trong khi tay còn lại chống vào vách để giữ thăng bằng. Cố gắng ngồi xổm trên chiếc xe đang lao nhanh thật khó khăn, tôi cảm giác như mình bị chiếc xe ném qua lại trong nhà vệ sinh. Tâm trạng lúc đó thật tồi tệ, chỉ muốn hét lên “yeehaa!” thật to cho thoải mái.

                Dự định quay trở lại để kể cho Sarah nghe về những gì vừa trải qua, thì cô bạn đã ngủ say với nút tai và che mắt. Tuy nhiên, khi cả hai tỉnh lại, chính tôi mới là người được nghe câu chuyện đi vệ sinh của Sarah, cũng làm người nhện, cũng trèo qua những người đang ngủ chỉ để nhận ra rằng có một đôi quần lót treo trên cửa phòng vệ sinh.

                Cuối cùng thì mọi chuyện cũng đã qua, cắm tai nghe tôi chìm đắm trong những điệu nhạc ưa thích và dần đi vào giấc ngủ, biết rằng sắp tới Nha Trang với bãi biển tươi đẹp, và quan trọng hơn đây là lần đi xe đò giường nằm cuối cùng sắp kết thúc.

                Giường bên cạnh, anh chàng người Đức đang mỉm cười, chắc là giấc mơ đẹp!





                 

                <bài viết được chỉnh sửa lúc 07.01.2015 00:17:19 bởi Nguyên Đỗ >
                #8
                  Chuyển nhanh đến:

                  Thống kê hiện tại

                  Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                  Kiểu:
                  2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9