Hiện tình các tượng thờ chính trong đền Ngọc Sơn
Khải Nguyên HT 13.05.2012 12:31:38 (permalink)
 HIỆN TÌNH CÁC TƯỢNG THỜ CHÍNH
TRONG ĐỀN NGỌC SƠN

-nhận xét-


            Trong bài “Nhận chân nhân vật Quan Vũ trong Tam quốc diễn nghĩa” có nói đến tượng thờ Trần Hưng Đạo và Quan Vũ trong đền Ngọc Sơn trên hồ Gươm ở Hà Nội. Ngày 19-11-2010, tôi có dịp ghé vào đền Ngọc Sơn đã xem lại nơi thờ tự.
         Ban thờ có nhiều cấp, nhiều bệ, cao dần lên về phía sau; có gian tiền, gian hậu. Gian tiền có biển đề "Văn Xương đế quân" bằng chữ nho khá to treo bên cột. Trên ban thờ, đằng trước là tượng một ông mặt đỏ, râu đen có biển đề: "tượng thần Quan đế"; tiếp đó, ngồi cao hơn một chút là "tượng Lã Tổ" ; tiếp nữa, ngồi cao hơn hẳn trong một cái khám thờ khá rộng là "tượng Văn Xương đế quân". Bước vào hậu cung ta thấy ngay một khám thờ lớn đặt trên cái bệ cao vượt bệ gian ngoài, trong đó ngự một pho tượng có biển đề: "Tượng đức thánh Trần Hưng Đạo". (Các biển đề tên tượng đều bằng chữ quốc ngữ).
         Như vậy, đền Ngọc Sơn như là một miếu Đạo giáo, thờ các vị thánh, thần, tiên. Hưng Đạo vương được tôn lên bậc thánh, đặt ở vị trí cao nhất.  Quan Vũ được coi là một vị thần. Văn Xương đế quân vốn là vị tiên ở thượng giới. Còn Lã tổ không biết có phải là tiên ông Lã Đồng Tân không (?).
         Điều đáng lưu ý là ở đây họ Quan không là "thánh" mà là "thần" và tượng của ông không kèm một ông mặt đen (Châu Xương) cùng một ông mặt trắng (Quan Bình) đứng hầu như ở một số nơi khác.
         Những người mà Đạo giáo thờ phụng thường là các vị ở thượng giới, tiên giới, các nhân vật huyền thoại. Cũng có mhững người trần được tôn lên hàng thánh thần, trong đó có những nhân vật lịch sử, song thuộc tín ngưỡng dân gian nhiều hơn là thuộc hàng "giáo linh" truyền thống của Đạo giáo. Việc thờ các vị thần ở đình, đền, miếu (có khi cả trong chùa!) cũng là một hình thái, hoặc là biến tướng, của tôn giáo này. Các vị ấy là những người trần có công tích với một địa phương nào đó. Có khi được thờ vì một lí do khá ngộ, chẳng hạn một người ăn mày, một anh kẻ trộm chết nhằm giờ thiêng. Lại có trường hợp, cũng hiếm, là một con vật như hổ chẳng hạn. Đây chỉ là tín ngưỡng (pha màu mê tín, dị đoan) của một vùng, lắm khi chỉ của một thôn xóm.
         Thờ Trần Hưng Đạo, chủ yếu là theo tìn ngưỡng dân gian mang màu sắc Đạo giáo, cầu phúc, cầu an, chống các thế lực hắc ám...  Thờ Quan Vũ, cũng là tín ngưỡng dân gian chịu ảnh hưởng của người Tàu, để mong trừ tà ma, cầu tài lộc,...
         Đạo giáo ở Việt Nam không rạch ròi, không có đạo sĩ chuyên biệt; thường lẫn vào đạo Phật và tín ngưỡng dân gian truyền thống, thiên về mê tín, dị đoan.
         Riêng về Quan Vũ, ông là người Hán được người Tàu biến thành một nhân vật đạo giáo (Quan đế, Quan thánh) để thờ cúng. Ông là một nhân vật lịch sử của nước Tàu với công tích hạn hẹp trong tập đoàn quân phiệt Lưu Bị nhà Thục-Hán chiếm một góc tây-tây-nam nước Tàu thời Tam quốc (đầu thế kỉ I sau CN), thật ra chẳng có công trạng gì với chính nước ông ta, và tất nhiên chẳng có chút liên hệ nào với người nước Việt Nam mình.

Hải Phòng, 25-11-2010

 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.05.2012 12:39:00 bởi Khải Nguyên HT >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9