Cồn Cỏ
Khải Nguyên HT 22.05.2012 13:01:48 (permalink)
CỒN CỎ
-truyện ngắn-
 
 
       Thuở ấy, có hai thằng bé nhà quê vừa trông chừng mấy con bò mà chúng chăn đang ăn cỏ vừa tranh luận với nhau.
       - Ở đảo Cồn Cỏ, cỏ tốt um phải biết nha. - Đứa tên là Thí khẳng định - Bò của bọn ta mà thả đấy thì béo múp.
       - Nói dóc! - Đứa tên là Liu bĩu môi - Giữa biển khơi đào đâu ra cỏ tốt um.
       - Mi không biết thì thôi. Cồn thì nổi lên lù lù. Cồn Cỏ là cái cồn trùm lên toàn cỏ.
       - Chu cha! dốt cách chi hè! Mi không nghe câu hát "Cồn Cỏ có con cua đá". Cua đá! Mi hiểu ra chưa? Trên đảo toàn là đá.
       - Ê! Cua đá là cua có mai cứng như đá. Cua là đá thì lính ta ăn mần răng được mà "rúc ra rúc rích" với nhau.
       Hai đứa cãi nhau kiểu này thì có trời phân xử nổi. Cả hai, chẳng đứa nào biết gì về đảo Cồn Cỏ, thậm chí chẳng biết đảo nằm chốn mô tê nào, chỉ biết lơ mơ là ở ngoài biển Đông. Thằng Liu có cha đang trấn trên đảo. Thằng Thí có anh là lính hải quân, chắc là thỉnh thoảng có ghé đảo. Lâu lâu họ có thư về, nhưng bực một nỗi là thư chẳng đả động gì đến cỏ hay đá trên đảo cả.
       Tranh luận chán, chúng chuyển qua nói trạng.
       Thằng Liu tuyên bố: - Tau sẽ làm một con diều cực to thả thật cao, tít tận mây. Tau ngồi trên đó, tau sẽ dòm thật rõ đảo Cồn Cỏ cho mi biết mặt.
       Thằng Thí cười ré lên: - Mi mà có ngồi được lên con diều thì nó chỉ chao một cái là mi rồi đời. Tau a, tau sẽ học bơi thật giỏi, như cá kình ấy (thật ra, nó chẳng biết cá kình là cá gì, hình thù ra sao), tau bơi một mạch ra tận Cồn Cỏ. Các anh bộ đội sẽ dẫn tau đi xem đảo. Tau sẽ nằm lăn trên cỏ mượt mà ngủ cho coi, cho mi trắng mắt ra.
       Cả hai cóc cần biết là từ chỗ chúng tới bờ biển Vĩnh Linh đã phải mất hàng mấy trăm cây số rồi. Nói trạng cũng có nòi cơ đấy. Nói trạng không chỉ là nói dóc mà thôi. Còn vận cả vào đối đáp, ứng xử. Có những nơi, những lúc phải có gan, có "tài". Cha thằng Liu, thời mồ ma thực dân Pháp cai trị nước ta, đi thi Tiểu học được vào kì thi vấn đáp (có qua kì thi viết mới lọt được vào kì thi hỏi miệng), khi giám khảo hỏi: "Trái đất hình dạng như thế nào?" đã trả lời: "Xưa Tàu bảo vuông, giờ Tây bảo tròn". Giám khảo đã toan cho qua, ngẫm lại thấy quá là xược: "Chúng ta cũng chẳng biết cái quái gì đâu; hết nghe Tàu lại nghe Tây thôi!". Còn anh thằng Thí thì một lần mải vùng vẫy trên sông, cái quần xà lỏn giấu trong bụi cây trên bờ chẳng biết sao biến mất. Cậu bé đã ở cái tuổi không còn có thể cứ tồng ngồng mà ung dung dạo bộ; "diện" cái quần đùi, mình trần thì chẳng sao. Tìm mãi chẳng thấy mà tiếng cười nói lao xao nghe đã gần, cậu ta bèn nhảy ùm xuống nước, và... chờ cho có người đi tới bèn giả vờ sắp chết đuối. Tất nhiên, khi được vớt lên nạn nhân có phơi "của quí" ra thì cũng chẳng bị ai cười. Và, cũng tất nhiên, người ta phải lo tìm quần áo ủ ấm cho nữa chớ.
       Mĩ leo thang quấy phá vùng trời và vùng biển miền Bắc nước ta. Thật lâu chẳng thấy thư về, cha thằng Liu thì gần mười một tháng, anh thằng Thí thì hơn mười tháng. Mẹ chúng thường thở dài trong bữa ăn, và khóc thầm.      Thằng Liu hỏi biết được đảo Cồn Cỏ ở gần giới tuyến, đâu như Cửa Tùng nhìn ra. Một hôm vào đầu dịp nghỉ hè, Liu bảo bạn:
       - Tau sẽ đi ra chỗ cha tau. (Nó nói ráo hoảnh như thể đến chỗ cha đang ăn cỗ).
       - Mần răng đi?
       - Cứ đến Vĩnh Linh rồi nhờ các chú hải quân.
       - Ai tin mi!
       - Tau mang theo thư và ảnh cha tau.
       Nghĩ đến chuyện gặp các anh hải quân, Thí cũng bốc lên:
       - Tau cùng đi với mi. Dưng mà, nhà chẳng cho đi mô.
       - Cứ xin phép về quê ngoại tau (quê ngoại thằng Liu ở một huyện khác tương đối yên, mọi năm nó vẫn được về chơi vài tuần, có khi đưa cả Thí theo).
       Mỗi đứa mang một ít tiền mẹ cho tiêu vặt và một túi khoai deo. Hồi trước ở vùng quê này người ta chọn những củ khoai nhỏ, không có hoặc có rất ít bột, luộc lên bóc vỏ và thái lát mỏng rồi phơi nắng cho đến khô cong, gọi là khoai deo. Khoai deo được cất trong chum, vò, dưới một lớp dày lá chuối khô và đậy kín. Đây là thứ lương khô có thể để qua năm. Cho vào miệng một lúc, miếng khoai deo mềm ra và dai; nhai nhẹ và chậm nó tiết ra từ từ một chất sền sệt ngọt và thơm. Nói thật, kẹo cao su phải gọi khoai deo bằng cụ, nhất là về mùa rét. Đáng tiếc, khoai deo chỉ được coi là một thứ lương thực dự trữ của nông thôn nghèo. Ngày nay, đời sống hơi khá lên, người ta thôi không chế biến nữa. Nếu còn và được tiếp thị, biết đâu khoai deo chẳng lên ngôi "đặc sản", với cả người nước ngoài, như một số món ăn vốn chỉ dành cho dân quê.
       Hai cậu bé như hai chàng ngốc trong chuyện cổ tích thích phiêu lưu, ra khỏi làng là nhắm phía nam mà đi. Gần hết ngày đầu, chúng gặp một đội Thanh niên xung phong, về sau mới biết là ở chính Ngã ba Đồng Lộc, nơi rồi sẽ rất nổi tiếng không chỉ trong nước. Chúng gặp một chị người làng. Chúng nói với chị là vào Vĩnh Linh xem giới tuyến là thế nào thôi. Chị hoảng kinh. Đồng đội của chị biết chuyện cũng hoảng kinh. Họ bảo chúng quay về. Bảo, khuyên, cả dọa nữa. Các chị cho chúng nghỉ lại trong lán, tính rằng sẽ gửi chúng theo một chuyến xe tải trở ra. Tối một lúc, chị người làng tìm đến thì chúng đã lỉnh mất. Chị đâu biết hai đứa cũng đã lên một chiếc xe tải, song không phải trở ra mà đi vào. Chúng thấy một đoàn mấy chiếc xe chở những bao tải căng đoán là gạo; nhân lúc xe phải đi chậm lượn qua những hố, những đụn đất bèn bám đít xe leo lên. May đêm ấy, cung đường này khá yên.
       Tờ mờ sáng hôm sau, khi cho xe vào chỗ núp, các anh bộ đội mới phát hiện ra hai nhóc:
       - Bay to gan thật! Dám lẻn lên xe ăn trộm.
       Chúng toát mồ hôi hột, run sợ thật sự. Tiếng bom đạn chúng không sợ, tiếng thú dữ chúng không sợ, dọa đánh mắng chúng không sợ. Nhưng bị coi là định ăn trộm hàng chở ra tiền tuyến thì đáng ngại quá. Cũng không dám nói thật. Nói thật thì bị bắt quay ra là cái chắc. Chúng lúng búng bảo từ khu giới tuyến đi tản cư bị lạc cha mẹ nên tìm cách quay về quê cũ (cái cớ này nảy ra như một "sáng kiến" của thằng Thí là nhờ nghe lỏm một chuyện ở đội thanh niên xung phong). Hôm ấy tưởng số đen té ra lại khoái. Cùng cởi truồng tắm suối và đùa nước với lính. Ăn cơm lính. Cùng hát với lính nữa. Các anh bộ đội hứa sẽ tìm cách đưa chúng về Vĩnh Mốc gần Cửa Tùng. Thật hơn cả mong đợi, bởi chúng đinh ninh rằng đến được đấy hễ chúng xưng ra mọi chuyện là người ta đưa chúng ra ngay Cồn Cỏ, ngon ơ như húp cháo vậy. Chuyện đang có vẻ êm như thế thì cái vạ miệng, hay nói đúng hơn, cái tật hay nói trạng hại chúng. Cơm nước xong, các anh lính lái xe nằm nghỉ. Hai đứa nằm mãi mà chẳng chợp mắt được. Liu lên tiếng:
       - Này! khi nãy tau tí chết nghe. Tau đi "làm dưới quận công"(*), tau hơi bị đầy bụng, tau thụt ra một phát "bũm", bỗng nghe "roạt" một tiếng, một con vật lốm đốm lao vào bụi rậm chạy biến. Thì ra một con beo đang rình tau, bất ngờ bị phát súng hơi của tau làm cho khiếp vía. Tau mà túm được đuôi, tau lẳng một phát sang tận Lào.
       Thí nói tỉnh bơ:
       - Tau thì thấy rõ con beo chạy ra đảo Cồn Cỏ.
       Liu cảnh giác, buột miệng hỏi một câu ngớ ngẩn:
       - Chạy ra đó mần chi?
       - Để mách cha mi về tội mi nói bá láp. Đi tìm cha, còn có bụng nói trạng.
       Bất đồ có tiếng hỏi: "Ai có cha đang ở đảo Cồn Cỏ vậy?".
       Thì ra một anh bộ đội chợt tỉnh nghe được mấy câu của chúng. Thế là lòi đuôi. Nghe chúng kể sự tình, mấy anh nhìn hai đứa như nhìn hai vật lạ rồi phá lên cười: "Hoan hô hai chú Lượm hiện đại!". Cười chán rồi, các anh bàn nhau đưa hai đứa giao cho một đơn vị bộ đội gần đó. Ngay tối ấy, đơn vị gửi chúng cho một đoàn xe đi ra, còn cử người đi "áp tải" đến tận nhà. Thí được cha "tặng" mấy roi vào mông. Liu thì bị cắt "suất" về quê ngoại chơi.
 
       * * *
       Tôi đọc lại chẳng biết là lần thứ mấy lời nhắn của cô em họ:
       "Anh Liu hỏi anh còn nhớ lời hẹn xưa không? Giữa tháng tới anh ấy sẽ về đấy".
       Chúng tôi vừa kịp lớn lên thì chiến tranh kết thúc. Trong niềm vui Bắc Nam sum họp, chúng tôi có hai nỗi đau. Cha của Liu và anh của tôi đều mất tích trong một trận quân địch tấn công tổng lực vào đảo Cồn Cỏ. Ở chiến trường nào khác, bị mất tích còn có hi vọng sống sót. Còn ở đấy, trên đảo và trên biển, một thời gian sau trận đánh không tìm thấy có nghĩa là mất hẳn. Chúng tôi muốn tới đấy quá chừng. Để thắp một nén nhang. Để hót một nắm đất. Để múc một ít nước biển. Tại chỗ! Nếu còn chiến tranh, Liu đã có ý định sẽ xin nhập ngũ và xung phong ra trấn giữ đảo Cồn Cỏ; và tôi cũng sẽ xin vào hải quân. Còn lúc đã hoà bình rồi người ta có bao việc phải làm hơn là thoả mãn ước nguyện của chúng tôi. Chúng tôi đã bàn tính với nhau nát nước ra. Đâu có giản đơn như nói trạng!
       Thế rồi cuộc sống đẩy đưa. Gia cảnh hai chúng tôi đều khó khăn. Cuộc mưu sinh tiêu tốn nhiều sức lực và choán nhiều tâm trí. Nhiều ước nguyện, kể cả ước nguyện thiêng liêng nhất, lùi vào "góc chờ". (Ở biết bao cuộc đời, từ góc chờ lùi dần vào góc quên lãng!). Vào những cái năm gian nan nhất, Liu xin được một suất đi học nghề tại một nước bạn, tốn kém qua loa nhờ tiêu chuẩn "con liệt sĩ". Tôi ở lại vật lộn với hoàn cảnh của mình, nhưng cũng hứa với bạn: "Cậu cứ đi, mình ở nhà sẽ tìm dịp ra Cồn Cỏ".
       Liu đi, có vẻ không được thuận lợi như một số người khác. Học chưa xong, anh ra ngoài tìm việc làm. Rồi những biến động chính trị bên trời Tây, anh bị giạt đi. Sau đó, Liu bặt tin. Tôi bươn chải một thời gian, cuộc sống khá lên. Tôi xin nói ngay để các bạn có thể yên lòng mà đọc tiếp: Tiền tôi kiếm được không do tham nhũng, không do buôn lậu, nghĩa là chẳng phải đồng tiền bất chính. Tôi có gặp may. Hẳn các bạn sẽ nghĩ: Như vậy là tôi có dư điều kiện để thực hiện lời hứa với bạn rồi chứ? Nếu mọi thiện ý cứ có tiền là xong hết thì cuộc đời quá là đơn giản. Để kiếm được đồng tiền chính đáng, chẳng nhàn nhã đâu. Đầu óc ít khi thư thái để nghĩ đến những điều chưa thiết thân. Gia dĩ, có những ước ao cháy bỏng thuở hàn vi lại nhạt đi, nếu không là phôi pha đi, theo năm tháng và thân thế mới. Dù sao, ước nguyện xưa của tôi, và cũng là của Liu, đã lùi vào góc chờ trong tâm trí tôi. - Chưa phải là góc quên lãng! Lời nhắn kia khuấy động góc chờ. Hẳn trong thời gian lưu lạc nơi quê người, Liu vẫn hằng tâm niệm ước nguyện xưa. Tôi không nghĩ anh giống như bao kẻ khác, trong số các quan, các đại gia, giàu sang lên rồi bèn nghĩ tới chuyện điểm tô mồ mả, nhà thờ ở quê thật nổi đình đám, - một kiểu "vinh qui bái tổ" tân thời, dẫu có nhờ vào những của nả chẳng làm vinh cha ông, tiên tổ. Liu sắp về! Ngẫm kĩ, trong việc này tôi không tốt. Tôi đã lần lữa. Không! Tôi đã chẳng động tay, động não. Ít ra, tôi phải tìm hiểu về trận đánh năm nào trên đảo, trên biển. Chưa một lần tôi nảy ra ý định tìm tọa độ nơi con tàu có anh tôi trên đó chìm tại vùng biển quanh Cồn Cỏ. Chưa một lần tôi nghĩ sẽ cần đến sơ đồ cũ của trận địa nơi cha Liu hi sinh. Tôi biết tôi sẽ phải đi tới những đâu để hỏi cho ra những điều cần thiết trước khi Liu về tới.
       Hành trình đến với đảo Cồn Cỏ của hai chúng tôi, Liu và Thí, bây giờ mới thực sự bắt đầu.
 

__________
 (*) ngạn ngữ: thứ nhất quận công, thứ nhì ị đồng
 
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.05.2012 13:13:07 bởi Khải Nguyên HT >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9