CHUYỆN NHỮNG BẾN ĐÒ
Nguyễn Lương Tuấn 25.05.2012 21:26:30 (permalink)

Nữ sinh Đồng khánh qua đò Thừa Phủ

Huân thích những bến đò. Những bến đò lưu giữ trong kí ức Huân những kỉ niệm khó quên.
Chuyến đò Thừa Phủ thời cắp sách đi học cho Huân những ước mơ thầm kín. Một hôm nào, Huân ngồi trên đò nhìn kín đáo mấy nữ sinh Đồng Khánh. Những khuôn mặt hồn nhiên, mắt mở to, nụ cười rạng rỡ. Lòng muốn nói làm quen nhưng miệng chẳng dám mở lời, để rồi khi đò cặp bến, tà áo trắng ai phất nhẹ, Huân nuối tiếc nhìn theo, lòng tự trách: Đồ nhát gan!.
Kỉ niệm về chuyến đò Thừa Phủ là bài giảng về chữ Tâm của Phật Giáo. Huân nhớ thầy Mãn Giác, nụ cười hiền hậu của Người. Bàn tay người thỉnh thoảng xoa xoa trên cái đầu sạch bon. Có lẽ đó là những lúc thầy đang suy nghĩ, hay đang muộn phiền một điều gì đó chăng?
Giờ Đạo đức học của thầy, sinh viên “chuồn” gần hết. Phòng học chỉ còn 6, 7 đứa. Thầy mĩm cười:
- Đâu là căn bản của đạo đức học Phật giáo?
- Đó là một nền đạo đức học dựa trên lương tâm.
- Đạo đức học Phật giáo là đạo đức học tại tâm.
Thầy Mãn Giác mĩm cười kể chuyện: “Chuyện xảy ra tại bến đò Thừa Phủ. Một sáng đẹp trời, chàng thanh niên qua đò, những cô nữ sinh Đồng Khánh, những nàng sinh viên Luật khoa, những tà áo trắng thẹn thùng. Vậy mà chàng thanh niên không chú ý. Chàng thanh niên bất chợt ánh mắt của cô lái đò. Chàng khám phá, thì ra đôi mắt biết cười.
Khi đò cập bến, mọi người trả tiền. Cô lái đò thu mỗi người 2 đồng. Riêng chàng thanh niên, cô thu 4 đồng.
Chàng thanh niên ngạc nhiên:
- Ê!!Tại răng ai cũng lấy 2 đồng, mà người ta cô lại “chặt đẹp” 4 đồng?!!!
- Tại ông …nhìn tui!
Chàng thanh niên nghĩ thầm: “a! thì ra thế”
Một dạo sau, chàng thanh niên có dịp qua lại chuyến đò Thừa Phủ. Nhớ lại lần trước, lần này chàng thanh niên không nhìn cô gái chèo đò nữa. Chàng nhìn xuống dòng nước.
Khi đò cập bến, cô gái lại thu tiền chàng thanh niên 8 đồng. Chàng thanh niên bực mình lắm. Nói to tiếng với cô gái:
- Cái cô ni lạ rứa hè? trước cô lấy tiền tui gấp đôi là vì tui phải trả tiền ngó cô. Lần ni tui nhìn xuống dòng nước, răng cô lại lấy tiền tui gấp đôi lần trước? Tui có nhìn cô mô?
- Tuy mắt ông không nhìn tui nhưng tâm ông nhìn tui!
Chàng thanh niên lạnh người. Thì ra mình đã gặp phải cao thủ. Cô gái chèo đò ở bến Thừa Phủ là ai mà ghê như rứa?

Bến đò Cạn, ở ngã tư đường Cao Bá Quát – Chi Lăng. Kỉ niệm còn lưu dấu trong Huân. Sát bến đò là nhà ông Đồn Nại, một nhà vườn lộng gió, khí hậu quanh năm tươi tốt.
Ông Đồn Nại vẫn thường hay xuống chơi, chuyện trò với cha Huân. Nhà ông Đồn Nại, có một hồ nuôi cá rô phi. Ngày ấy, nuôi cá rô phi là một phong trào mới nở rộ. Cá rô Phi được xem là quý. Có lần, Huân theo anh đến nhà ông Đồn Nại say sưa quan sát cảnh cá mẹ dẫn bầy con theo sau. Cá mẹ nhả thức ăn để cá con ăn. Anh em Huân đưa tay quậy nước. Cá mẹ bảo vệ con bằng cách nuốt trửng đàn con vào bụng. Hai anh em hoảng sợ. Mặt mày tái mét. Ông Đồn Nại cười ha hả:
- Không mô, chốc nữa cá mẹ sẽ nhả con ra bây chừ!
Huân về kể lại cho cha, ông nghe xong cũng bị lôi cuốn theo hành động của cá mẹ. Thế là ít hôm sau, ông cho người đến xây hồ để nuôi cá rô Phi.
Hồ cá rô Phi trở thành một nơi để cha Huân, và anh em Huân thư giản, nhiều lần, Huân thích thú thả cần câu, chờ cá ăn mồi. Khi phao lay động, Huân giựt cần. Cá vùng vằng để thoát. Cánh tay Huân rung nhẹ. Thật là tuyệt vời. Câu chán, Huân lại thả cá xuống hồ trở lại.
Về mùa đông, khi nước lũ dâng, sợ ngập hồ cá, cha Huân cho người xuống xúc lên, bảo quản chúng và khi nước rút lại thả xuống hồ.
Một hôm, khi câu cá, giụt được một con, cá vùng đành đạch. Cha Huân chợt phát hiện cá biến màu, từ màu đen đậm, cá bỗng tái nhợt. Cha Huân nói:
- Cá biết sợ? Tội nghiệp, khi bị bắt, cá tái mặt!
Thế rồi, sau đó, cha Huân cho xúc cá đem thả xuống sông Hương.
Từ đó ông thôi, không nuôi cá nữa. Hồ cá xây bằng ciment, ông cho phá bỏ luôn.
Từ khi làm hồ nuôi cá, cha Huân chưa có lần nào làm thịt cá rô Phi.

Bến đò Chợ Dinh có đò đưa khách từ bên kia sông, ở các làng thuộc huyện Phú Vang như Ngọc Anh , Nam Phổ, Tây Thượng, Vỹ Dạ, Dưỡng Mong, … Khách một số sang buôn bán tại Chợ Dinh, một số là học sinh sang học tại các trường ở hữu ngạn như trung học Bồ Đề Thành Nội, Đồng Khánh Thành Nội, Nguyễn Du, …Do đó bến đò có lưu lượng khách đông.
Sinh hoạt tại bến đò chợ Dinh tấp nập, ồn ào rất thú vị.
Buổi sáng, tung chăn dậy, vệ sinh xong, nghe tiếng rao: “mì nóng không?”, Huân chạy vội ra cửa gọi lớn:
-Mì!
Một cậu bé khoảng 10 tuổi mang bên hông một bao vải dày, nhiều lớp để giữ nhiệt chạy đến Huân. Huân thò tay vào bao chọn mì. Tay Huân phát phỏng vì quá nóng. Huân lôi ra một ổ bánh mì thơm lừng. Sau khi đã trả tiền, Huân vừa nhai bánh mì vừa vào nhà, đứng ở cửa hông nhìn xuống bến đò.
Một chuyến đò ngang vừa cặp bến. Khách bước xuống đò. Khách số đông gánh hàng sang bán ở Chợ Dinh. Vài học sinh đi học. Thấp thoáng vài tà áo trắng nữ sinh. Từ bến đò lên đến đường Chi Lăng khoảng 50 mét, ở dưới mái hiên quán nhà Huân, bác Tam đã chực sẵn để dán thuế.
Cách phục sức của bác Tam rất đơn giản, y phục truyền thống. Quần lảnh trắng, áo bà ba màu nâu hay đen. Chân đi dép có quai sau. Đầu đội nón lá.
Khi người bán hàng gánh hàng bước xuống từ trên đò, thì bác Tam đã chờ sẵn, bác Tam thuế đã đưa tay bảo họ ngừng. Bác xem hàng, rồi lôi ra một cuộn giấy thuế màu, xanh, vàng, trắng, đỏ. Mỗi màu ghi một loại tiền. Bác xé giấy thuế và dán vào chiếc dóng của người đi bán. Người đi bán căn cứ vào số tiền đã ghi sẵn trên giấy để trả tiền. Có khi người bán không đồng ý vì số tiền theo họ quá cao. Thế là có một cuộc cãi vã to tiếng và tiếp theo là một tràng chưởi rất có bài bản. Lúc khởi đầu là do người đi bán chưởi. Bác Tam phản ứng chửi trả, không những thế, bác Tam vừa chửi vừa dở nón người bán hàng lên để họ tiếp nhận chửi cho rõ, cho tường tận!. Thế là một trận thư hùng chửi rất nhuần nhuyển, có bài bản, lớp lang.
Huân không hiểu tại sao ngôn ngữ chưởi họ thu nhặt ở đâu mà nhiều và phong phú thế.
Ai dám bảo chửi là không có văn hóa!
Nghe họ chưởi, Huân có cảm giác rất thú vị. Thường người thua cuộc bao giờ cũng là người bán.
Những người bán hàng thường gánh hoặc nách hàng. Gánh hàng thì bằng đôi dóng với cái đòn gánh gánh hàng khi đi nghe kĩu kịt. Nách hàng thì nách bằng cái thúng hoặc cái trẹt. Họ vừa đi vừa rao hàng lanh lãnh.
Huân thích nhất là những buổi sáng được cha bảo chị Huân mua bắp nấu từ Cồn Hến gánh sang bán. Người bán bắp để bắp trong hai cái thúng đặt trong hai chiếc dóng. Thúng bắp được đậy bằng lá chuối ủ kín và được úp bằng cái rỗ. Khi bà bán bắp giở rổ và banh lá chuối ra, hơi nóng bay ra ngào ngạt hương bắp.
Bắp Cồn Hến nổi tiếng ngọt, hạt đều do được trồng từ đất bồi phù sa hàng năm bởi cơn lụt. Người bán bắp không phải dừng bán ở chợ, họ đi bán dọc theo các con phố từ Chi Lăng lên Trần Hưng Đạo, qua Ngã Giữa (Phan Bội châu) rồi xuống Hàng Bè, …một số mặt hàng ăn khác cũng được gánh bán dạo ở chung quanh con phố Chi Lăng như bún bò, Cháo vịt, cháo lòng. Tại chợ cũng có bán các loại hàng ăn này dành cho những bà đi chợ, ngồi ăn.
Một món ăn khác mà Huân thích là cháo bò của mụ Chằng, vợ người chèo đò. Mụ Chằng không đi bán dạo. Buổi sáng mụ gánh đến đặt dưới mái hiên quán nhà Huân. Khách ăn thường là những người trong xóm Chợ Dinh. Họ đến ngồi ăn bên lề đường. Cháo bò của mụ ngon do nước ngọt từ thịt và hạt gạo nấu rất thấm và không bấy nhưng mềm. Thịt bò cũng vậy, lát mỏng và mềm, khi nhai, thịt và hạt gạo quyện vào nhau, rất ngon, tuyệt vời.
Các mặt hàng tập trung tại chợ thường là cá, tôm, các hàng rau, các hàng thịt, kẹo, bánh, …nguồn xuất phát từ Phú Vang, Phú Hậu, Bãi Dâu, và một số chung quanh Chợ Dinh.

Bến đò Bao Vinh là nơi đưa khách từ Phú Hậu qua Phố cổ Bao Vinh. Nơi đây chỉ là một nhánh sông nhỏ, khoảng cách hai bờ hẹp. Đứng bờ bên này gọi, người bờ bên kia nghe rất rõ.
Sau này, thời kỳ chiến tranh, Mỹ đã làm một cây cầu để qua sông. Kề đó là doanh trại của lực lượng Mỹ trú đóng
Từ bên này của đất bồi phường Phú Hậu, nhìn qua bên kia là Bao Vinh. Ở đó kỉ niệm chất chứa trong Huân vẫn là ngôi nhà của dì Quế mà mỗi lần Huân cùng chị Chanh đi thăm mộ mẹ ở Cồn Mồ là chị em Huân lại tiếp tục đến bến đò Bao Vinh để thăm dì Quế.
Mẹ Huân là út trong 5 chị em gái: người chị đầu là dì Sâm ở trong Thành Nội, từ Cửa Hữu đi vào. Người chị thứ hai là Dì Dung, ở dưới chân cầu Bao Vinh, rẽ trái, đi về làng Minh Hương. Người chị thứ ba là dì Quế. Người chị thứ tư lấy chồng bị thất lạc ở Quy Nhơn.
Trước khi xuống đò qua nhà dì Quế, Huân đứng bên này, đã thấy bóng dì lui cui bên mấy vạc môn, dưới mấy gốc cây mít của vườn sau nhà.
Trong tất cả mấy dì, chỉ có dì Quế là thương yêu anh chị em Huân nhiều nhất. Cha Huân nóng tính, thường la mắng mọi người. Mỗi lần như thế, có khi sợ quá, bọn Huân thường trốn qua nhà hàng xóm và khi căng quá thì chỗ nương thân an toàn nhất cho bọn Huân, bao giờ cũng là dì Quế. Người mà hay qua tị nạn nhà dì nhiều nhất có lẻ là chị Chanh.
Mẹ mất sớm. Anh chị em Huân sống đùm bọc với nhau, thương yêu nhau như tay, như chân. Các anh chị em Huân gồm có 7 người. 5 trai, 2 gái. Huân là trai út.
Mỗi lần nhớ mẹ, chị Chanh thường rủ Huân ra Cồn Mồ để thắp hương cho Người.
Huân nhớ rất rõ, ngày ấy, Huân chỉ vừa 6, 7 tuổi, chị Chanh dẫn Huân băng trên những lối đi mà những bụi cây, những lùm cỏ dại san sát vướng chân hai chị em.. Khi đến nơi, hai ống quần của Huân vướng đầy cỏ may. Hai chị em cùng ngồi nghỉ , lưng dựa vào tường của một lăng mộ bên cạnh.
Mộ mẹ không xây lăng, chỉ là một nấm mồ cao bằng đất đỏ. Hai chị em đến ngồi nhổ cỏ. Chị Chanh thắp hương cho mẹ. Cả hai chị em cùng lạy. Trong ánh sàng vàng vọt buổi chiều cả hai cùng rất buồn. Huân nghĩ đến câu chuyện Phạm Công - Cúc Hoa, và ước mơ sao được gặp lại mẹ và được nghe mẹ nói: "Con hãy quay người lại để mẹ bắt chí cho!". Nhưng rồi Huân không có được cái cảm giác ấy và hai chị em ra về trong buổi chiều đã nhá nhem tối.
Huân cầm tay chị và hỏI:
- Chị! răng mẹ không về bắt chí cho chị em mình?
Chị Chanh trả lời trong nước mắt:
- Mẹ đi chợ rồi, tối ni mẹ về với em nghe!
Nhưng Huân không thích mẹ về trong giấc mơ. Huân vẫn còn nhớ rất rõ cái cảm giác tê người khi Huân thấy mẹ, nhưng mẹ không vào nhà để ôm Huân. Mẹ chỉ đứng ngoài cửa sổ, nước mắt ràn rụa, nhìn Huân nằm ngủ trong bộ ngựa.
Huân nhớ rất rõ, mẹ mặc chiếc áo dài nối tay đã cũ nát, màu nâu bạc màu, đầu đội chiếc nón lá. Huân đưa tay ôm mẹ, nhưng Hưng hoài công. Mẹ thụt lùi, đi xa, đi xa. Huân la lên.
Tình trạng ấy kéo dài trong nhiều đêm liền. Sau cùng cha Huân phải gửi Huân qua ngủ nhờ nhà hàng xóm, lúc ấy mới chấm dứt.
Có điều Huân vẫn không hiểu được, là tại sao Huân lại thấy mẹ về, trong thời điểm mà ngày ấy, mẹ qua đời khi Huân chỉ vừa được 9 tháng tuổi. Đây là một điều kì lạ, mãi cho đến bây giờ, mỗi lần kể lại kỉ niệm đau buồn này, không mấy ai tin. Có điều gì kì diệu trong đó. Kí ức của Huân làm sao giữ được mãi hình ảnh của mẹ trong khi Huân còn quá bé?
Sau này lớn lên đi học trường làng. Huân mới nghe được những câu chuyện về mẹ. Cái chết của bà, sự khắc nghiệt của người cha đối với người mẹ, và các anh, chị Huân.
Và Huân, đứa bé mất mẹ từ lúc 9 tháng tuổi đã lớn dần trong hoàn cảnh thương xót của các anh, chị, các dì, cụ thể là nhờ bà nội, Huân mới sống được đến ngày hôm nay. Các anh chị Huân cũng không quên nhắc Huân nhớ đến những người hàng xóm tốt bụng. Mỗi lần cha đánh đập các anh, chị Huân, là họ đến che chở và can ngăn.
Cha Huân là một người rất khắc nghiệt. Ông thường xuyên hành hạ mẹ Huân. Bác Oanh, người hàng xóm, đối diện thường hay qua can ngăn và khuyên lơn.
Mẹ Huân không nói và chịu đựng. Mẹ bao giờ cũng chịu đựng.
Mẹ Huân mất năm 49 tuổi, do một khối u ở cổ. Thời kì đó y học chưa phát triển như ngày nay. Bác sĩ khám và chữa bệnh cho bà là Bác sĩ Hà, ở múi cầu Gia Hội, cha Huân kể lại, ông cho chích thuốc Péniciline cho mẹ Huân liên tục. Sự thuyên giảm của bệnh rất chậm. Cha Huân đã nghe lời một ông thầy thuốc bắc, chữa bệnh bằng lá, sao để uống. Kết quả bệnh trầm trọng thêm, dẫn đến tử vong.
Sau này khi kể lại, bác sĩ Hà vò tai bức óc:
- Tại răng lại ngừng thuốc Tây? Chích 10 ngày chưa lành, chích 20 ngày. 20 ngày chưa lành, chích 30 ngày, …
Hình ảnh người mẹ hiền , chịu đựng trước sư hung dữ của người đàn ông là một ám ảnh suốt đời đối với Huân. Bác Oanh kể rằng những ngày tháng sau khi bà ra đi, sáng nào ông cũng nghe tiếng thụt lò bệ của mẹ và thấp thoáng tờ mờ sáng, khi tiếng gà gáy, bác nhìn rất rõ hình ảnh người đàn bà đứng nơi bệ rèn.
Kỉ niệm về người mẹ là một vết thương trong tuổi thơ của chàng. Huân cất dấu và di chuyển tình cảm sang người dì và người chị.
Và dấu vết sâu đậm nhất với chàng phải chăng là con đường từ nhà đến Cồn Mồ. Ở đó có mẹ Huân đang ngồi đợi Huân dưới bụi bông trang.
Ước mơ của Huân là được đi cùng chị Chanh ra thăm mẹ và chờ nghe mẹ nói: “Các con hãy xoay người lại để mẹ bắt chí cho!”.
Nhưng chàng thất vọng, hoàn toàn thất vọng!
Nỗi hy vọng mong manh nhất của chàng,
Chỉ còn lại trong giấc mơ,...
Khuôn mặt buồn của mẹ.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 17.06.2012 18:11:10 bởi Tuấn Nguyễn >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9