MỘT CHUYẾN ĐI XA truyện vừa
ĐÀO HIẾU 25.07.2012 10:40:16 (permalink)
1.

Mẫn lên cái dốc xi–măng cũ, đi lại phía quốc lộ Một. Mới năm giờ sáng, trời còn tối mờ. Bóng những người đứng đợi chuyến xe vô Nam in lên nền trời như những vệt đen nghiêng qua nghiêng lại. Tiếng dế kêu vang hai bên bờ cỏ.
Mẫn đi về phía những người đang đứng bên đống hành lý của họ. Những căn nhà lụp xụp ở tận dưới thấp xen lẫn những lô cốt.
Người thiếu nữ gánh hàng bước qua các rãnh nhỏ đặt ống cống, thận trọng, chậm chạp, hai cái thúng lớn đong đưa.
Mẫn đi qua đống gỗ mục và những cột nhà cháy đen nhẻm. Cái rạp hát dựng trơ trụi giữa khu đất rộng. Tranh vẽ quảng cáo lủng lỗ, lem luốc, hiện lờ mờ ba bốn cái mặt người. Sân khấu tối om, thụt vô trong, khuất sau các tấm tôn chắn làm tường.
Bên này đường số Một là đường ray xe lửa, bên kia là đất mới cày xám ngoét chạy về phía chân núi. Mẫn ớn lạnh khi cơn gió thổi từ dưới sông lên. Mặt nước xao xuyến bởi những vang động mơ hồ như ảo tưởng.
Chiếc xe lắc lư rẽ vào khoảng đất trống bên cạnh khu chợ lợp ngói. Mấy chiếc cột xi măng lờ mờ phía trước trông như có ai đứng lẩn trong tối. Trời còn xám đục như màu bạc bị nám khói, hiu hắt trên khu phố nghèo nàn.
Người tài xế đạp ga cho xe rú lên rồi lại cho máy nổ đều như cũ. Tiếng nói bâng quơ của người lo xe lạc lõng như những âm điệu vô nghĩa bị chặn lại sau đôi môi ngậm điếu thuốc. Ánh quẹt diêm lóe sáng giữa hai bàn tay mập mạp, leo lét trên khuôn mặt láng nhờn vì mồ hôi rồi tắt ngấm.
Mẫn đưa tay ra đón. Chiếc xe hàng đậu lại. Người lơ xe hỏi:
-Đi đâu đó?
-Dạ, cháu đi Sài Gòn
Mẫn thót lên xe, nó ngồi thu mình bên cạnh một người đàn bà mập mạp đang gác chân lên giỏ rau cải nhai bánh mì. Trời còn lờ mờ tối, không thấy rõ khuôn mặt của bà ta, chỉ thấy hai cái vai to lớn lắc lư theo nhịp xe đi và tiếng nhai, tiếng cái lưỡi bật bật trong miệng để gỡ những miếng bánh mì dính kẽ răng.
Ghế dài đối diện chỉ có hai người ngồi. Một người đội nón sụp xuống che khuất khuôn mặt, nãy giờ cứ cắm cúi sửa lại cái bao bố đựng lổn ngổn những gì trong đó. Bà ta kéo tới kéo lui, cố gắng nhét cái bao vào dưới ghế ngồi nhưng không được. Một người nữa nhỏ thó, im lìm ngồi thụt trong góc xe tối om. Anh ta để cả hai chân lên ghế, hai tay ôm chặt lấy đầu gối, mặt cúi thấp, co ro như người đang bị rét run.
Mẫn ái ngại hỏi:
-Anh đau sao vậy?
Người đó ngẩng lên, khuôn mặt tối om, sâu hoắm, ngó Mẫn trân trối, cái đầu lắc lư. Hai giỏ rau to lớn của người đàn bà mập mạp che khuất nửa người anh ta. Mẫn chỉ thấy lờ mờ anh ta đang bận áo bà ba đen, tóc dài lởm chởm, cái đầu lắc qua lắc lại mãi, rồi nhanh như cắt, anh ta vươn cánh tay khô đét ra, vồ lấy khúc bánh mì trên tay Mẫn.
Mẫn hoảng hốt thu mình trong góc xe, lấm lét nhìn đôi mắt đã hết thần lực đó. Đôi mắt bất động trao tráo trên một cái lỗ hổng to ăn thông với hốc mũi sâu hoắm, đen ngòm.
Hắn ta cúi mặt, chăm chỉ rứt từng miếng bánh mì nhỏ, thảy vô cái lỗ hổng đen ngòm dưới hai con mắt ấy. Mẫn nghe rõ từng tiếng nuốt ọt ọt. Mẫn khiếp hãi nép sát vào một góc, nhưng người đàn bà lại cười và nói tỉnh khô:
-Cái con quỷ này miệng mồm đã không có mà gặp cái gì cũng thồn đại vô.
Dường như có tiếng hắn ta cười.
*
Xe vào thành phố lúc hơn bốn giờ chiều. Mới chừng ấy mà trời đã gần tối. Mưa rất nhẹ. Khu chợ đông đúc, sặc sỡ những hoa giấy, áo mưa, bong bóng, quần áo trẻ con… treo đầy trong những căn lều dựng vội vàng bên vỉa hè. Trận mưa phùn của những ngày cuối đông làm mát dịu không khí. Quang cảnh có một vẻ gì rất náo nức.
Xe vào bến và đậu lại bên một cây xăng. Mẫn hỏi người đàn bà bán rau cải ngồi cạnh:
-Tới Sài Gòn rồi, hả dì?
-Chưa. Còn xa lắm. Đây mới Nha Trang.
-Chừng nào nó mới đi Sài Gòn?
-Chú em muốn đi Sài Gòn à?
-Dạ. Cháu đi kiếm việc làm.
Người đàn bà vừa sửa soạn xuống xe vừa bảo Mẫn:
-Vậy phải đi xe khác. Xe đây đi tới Nha Trang thôi.
Mẫn chưng hửng. Và một nỗi lo chợt xâm chiếm nó. Trời sắp tối rồi, đêm nay sẽ về đâu, ngủ đâu?
Em đứng ngơ ngác giữa bến xe đông đúc ồn ào. Về đâu giữa thành phố xa lạ này? Bóng chiều cứ lạn dần xuống như tấm màn đen ngăn giữa nó và những mái ấm gia đình, những ánh đèn và những cuộc vui…
Rồi nó quay đi, vô định.
Lúc nó ra đến ngã tư đường thì trời đã về chiều. Nó thấy cơ thể mệt mỏi và nóng nực. Nó muốn tìm một chỗ nào đó để ngồi nghỉ một lát. Mẫn đi một lúc nữa thì gặp một rạp chiếu bóng. Nó ngồi bệt xuống dưới thềm, lưng tựa vào vách.
Phía ngoài rạp hát không đông người mấy nhưng chẳng ai mua được vé vì nơi cửa phòng vé bọn trẻ rách rưới bẩn thỉu ở đâu đến chen lấn lúc nhúc không biết để làm gì. Khán giả người nào cũng đành phải mua vé chợ đen của những người đàn bà cầm sẵn trên tay, len lỏi trong đám đông mà bán. Mẫn lim dim mắt trong cơn buồn ngủ chập chờn. Nó thấy lờ mờ những hình người nhiều màu trên các tấm bảng quảng cáo dựng đứng trước mắt nó. Bọn trẻ thì la lối, chửi thề và đấm đá nhau, rượt nhau chạy xồng xộc trong đám đông.
Những khán giả mới đến, nhìn thấy hàng chữ COI CHỪNG MÓC TÚI treo phía trên quầy vé đều ngại ngùng dừng lại, ngó vô cửa rạp và coi đồng hồ. Mẫn thắc mắc không biết tụi nhỏ chen lấn ở đó để làm gì. Nó cũng thấy hàng chữ COI CHỪNG MÓC TÚI, nhưng nơi quầy vé không có một người lớn tuổi nào chen vô được thì chẳng lẽ chúng móc túi lẫn nhau sao?
Lát sau, khi thấy tụi con nít bắt đầu chú ý đến mình, Mẫn e ngại, đứng dậy bỏ đi. Khi đi ngang qua chỗ quầy vé, nó bị tụi nhỏ chạy rượt nhau tông phải, té nhào xuống hè phố. Ba bốn đứa đè xuống người nó. Đứa nào tóc tai cũng bờm xờm, nước da vàng bủng, hai gò má nhô cao và bóng như thoa mỡ.
Bọn trẻ reo hò ầm ĩ:
-Hạ được một tên nhà quê!
Mẫn cố hết sức bình sinh lăn mấy vòng và rớt xuống lòng đường. Hai thằng nhỏ bám trên lưng nó bị hất văng ra. Mẫn bật dậy, tháo chạy qua các đường phố. Không có thằng nào rượt theo nhưng nó vẫn chạy cho tới khi nó nghe tiếng chuông nhà thờ tỏa ra trên khung trời rộng xao xác bóng tối. Nó dừng lại bên một gốc dương liễu mà thở.
Con đường ở trước nhà thờ vắng như cái truông ở làng nó, nơi đó buổi chiều thường in bóng những người đi nhặt củi ở mé rừng trở về với đôi gánh nặng nề, cồng kềnh trên vai. Và trong cơn gió mát lạnh của buổi hoàng hôn đưa lại giọng nói quen thuộc của bác Hai và ông dượng Tư của Mẫn vừa đi vừa hút thuốc lá xanh tỏa thơm ngát.
Mẫn nhìn cái tháp chuông xám trên trái đồi thấp. Ngôi nhà thờ ở đây cũng giống như nhà thờ ở làng nó nhưng to hơn. Lần nào đi ngang qua nhà thờ, Mẫn cũng thấy ông “cha đạo” đứng xem mấy người làm vườn tưới rau cải ở khu đất phía sau nhà thờ. Mẫn đứng chống nạnh bên hàng rào nói vọng vô: “Bác ơi, bác cho con xin củ khoai lang nướng ăn chơi, bác” Ông cha đạo thảy cho nó củ khoai và cười với nó.
Mẫn nghĩ trong nhà thờ ở thành phố xa lạ này cũng có một ông cha đạo như thế, vì vậy nó quyết định đi lại phía con đường dốc dẫn lên đồi. Nó bước lên các bục đá khi bóng tối đã phủ kín cả khoảng trời nhỏ bé bị che lấp bởi những tàn cây rậm rạp chập choạng bóng những con dơi đi ăn đêm.
Mẫn đứng bơ vơ giữa khoảng không lát đá rộng hoang vắng trong ánh đèn nê-ông lạnh lẽo. Ngọn đèn sáu tấc tỏa ánh sáng mờ đục dày đặc những con thiêu thân. Mẫn không nhìn thấy một bóng người. Cảnh vật im lìm như bị bỏ hoang lâu ngày. Nó đi vòng ra phía sau, thấy trong căn phòng nhỏ có thấp thoáng ánh đẻn vàng mờ nhạt. Nó tính đến gõ cửa nhưng căn phòng yên tĩnh quá làm nó sợ.
Nó đi ngang qua đó hai ba lần nhưng tuyệt nhiên vẫn không nghe thấy một tiếng động. Mẫn nghĩ, thôi mình ngủ tạm ngoài hành lang tối om ở mé sau, kiếm một cục gạch kê đầu. Phải ngủ để ngày mai dậy sớm ra bến xe; nó tự nghĩ như thế và cho tay vào túi quần nhưng nó điếng người đi vì cái gói bạc đã biến đâu mất. Bàn tay vô dụng của nó đờ đẫn trong cái túi rỗng không. Mẫn cong người lại khóc ấm ức. Nước mắt chảy ướt gò má, nhỏ xuống nền đá lạnh lẽo. Trong cơn mơ màng nó thấy mẹ nó nằm chết trên cái giường tre hẹp, người cong queo, ốm nhom như con cá khô bỏ quên trên mái nhà. Nó gọi mẹ ba bốn tiếng rồi khóc nấc lên, rung chuyển tấm thân ốm yếu. Lúc ấy nó nghe tiếng chó sủa từ phía đầu hành lang trải đá dài hun hút và lộng gió. Tiếng sủa càng lúc càng đến gần cùng với tiếng chân bước.
Có tiếng hỏi của một người đàn ông:
-Đứa nào nằm đây?
Mẫn chưa kịp chồm dậy thì con chó ngao trắng to lớn đã đớp một miếng vào cánh tay nó. Mẫn nhảy dựng dậy, đau buốt nhưng không dám la. Người đàn ông giữ con chó lại. Ông hỏi tiếp:
-Ai vô đây làm gì đó?
Mẫn nhìn kỹ. Rõ ràng là một “ông cha đạo”. Ông cha đạo bận áo thụng đen hẳn hòi. Nó nói giọng đầy nước mắt:
-Con xin ngủ nhờ.
Ông cha đạo cứ đứng im không nhúc nhích, rồi một giọng nói ấm áp, bình thản, từ tốn vang lên, rõ ràng từng tiếng:
-Chỗ này ngủ không được đâu.
Nói xong, ông bỏ đi nhưng bàn tay đã buông rơi chiếc xích sắt. Con chó ngao trắng chồm tới như một tai họa. Mẫn tháo chạy trong bóng đêm, vượt qua gai góc bụi bờ.










2.

Người xếp ga cảm thấy ấm áp trong chiếc “ba–đờ-xuy” cũ kỹ màu cứt ngựa. Lão sờ bộ ria mép rất thưa đã lấm chấm bạc và cảm thấy hai gò má lành lạnh phía dưới ngón tay cái.
Hành khách hay những người đi buôn đứng ngồi hay nằm ngủ la liệt bên cạnh các giỏ hàng lớn. Thân thể họ co quắp trong cái lạnh se thắt của thời tiết mùa đông lúc gần sáng.
Ánh đèn nê–ông đục ngầu gợi cho mọi người một cảm giác mệt mỏi vì lo lắng. Họ ngủ một cách lơ mơ với cái ý thức cảnh giác cố hữu. Nhà ga nào cũng đầy bọn trộm cắp. Lâu lắm mới nghe tiếng chân của một người đi ở đâu phía sau hành lang tối rồi mất hút. Chốc chốc lại nghe tiếng xì phì phì của nồi hơi nước trong nồi “xúp-de” mở thoát ra.
Lão xếp ga ngó lướt qua đám hành khách yên lặng ấy bằng một cái nhìn tỏa rộng và bao dung. Lớp người này đến, lớp người khác đi qua như thời gian. Còn lão, lão vẫn ngồi đó, chậm chạp, bình thản. Cái thời gian bay nhảy của lão đã qua rồi. Không có ý nghĩa gì hết. Vô ích. Lão mỉm cười mân mê bộ ria theo thói quen. Chợt ánh mắt lão dừng lại ở một thằng nhóc nằm co ro trong một góc tối. Lão liếc nhanh vào mặt đồng hồ. Còn chừng một giờ nữa là chuyến tàu chợ đi Sài Gòn khởi hành.
Tiếng còi tàu đã đánh thức vô số người đang ngủ. Họ trở dậy, quờ quạng dáo dác.
Lão xếp ga đi lại phía đứa nhỏ đang ngủ và lay nó dậy. Nó cựa mình, mở mắt ra, lão bảo:
-Tránh ra chỗ khác cho hành khách vào.
Thằng bé nói:
-Ông cho cháu đi với.
-Đi đâu?
-Dạ, đi Sài Gòn
-Có vé không?
-Dạ, cháu mất hết tiền rồi.
-Xạo mày!
Thằng nhỏ bám riết theo lão:
-Cháu nói thiệt. Ông cho cháu đi với.
-Mày con nít. Đi Sài Gòn làm chi.
Đó không phải là câu hỏi mà là một lời khuyên răn của một người từng trải, lão nói xong là vội vàng bước đi, không đợi câu trả lời. Nhưng đứa nhỏ không chịu bỏ lão. Khi hai người đã tới vùng ánh sáng của ngọn đèn, lão thấy máu rịn ướt cả cánh tay đứa nhỏ, liền hỏi:
-Sao máu me tùm lum vậy?
Nó nhăn mặt đáp:
-Dạ, chó cắn.
-Làm gì chó cắn. Ăn trộm à?
Thằng nhỏ định phân trần với lão về việc chó cắn nhưng lão đã lánh vô phía trong cánh cửa to lớn. Nó bị người gác cửa chặn lại.
Phía trong sân ga, hành khách đã sửa soạn cho chuyến khởi hành.
Người gác cửa duỗi hai ống chân mập mạp chẹn ngang lối vào sân ga. Đôi giày da nhà binh cũ kỹ của gã há ngoác miệng ra tưởng chừng như muốn ngoạm lấy cả cái cánh cửa sắt. Hai ống quần ka–ki vàng rộng của gã không ngớt rung chuyển.
Thằng nhỏ lủi thủi đi ra phía đường cái.
Những người hành khách cuối cùng đã vào hết trong sân ga. Mấy người bán cháo lòng, bún bò hay bánh ú, bánh mì còn ngồi nán lại một chút, miệng không ngớt mời mọc mấy người phu khuân vác đi rải đá trên sân đất rộng. Thằng nhỏ đói và mệt. Nó tìm một xó tối định ngủ một lát. Bỗng có ai nhét vô tay nó một khúc bánh mì. Nó mở mắt ra thấy một cái bóng đen ốm nhom, tóc tai bờm xờm đang đứng nhìn nó. Cái bóng đó nói:
-Mày đói hả? Ăn bánh mì đi!
Và người ấy cúi xuống, bỏ mấy đồng bạc cắc vào túi nó, hỏi tiếp:
-Mày tên gì?
-Dạ, em tên Mẫn.
-Ở đâu tới?
-Ở Bình Định.
-Làm gì?
-Em đi Sài Gòn tìm việc.
-Ôi! Đi Sài Gòn làm cái con mẹ gì. Mày đi theo tao. Tao kiếm công việc làm cho.
Mẫn chưa biết nói sao thì gã ấy kéo nó dậy và dắt nó đi khuất vào các bóng cây. Gã nói:
-Đi đâu cho mệt xác. Mày muốn học nghề, tao dạy cho nghề.
Gã vừa nói vừa đưa hai ngón tay thọc vô túi Mẫn, móc mấy đồng bạc cắc một cách nhẹ nhàng, không gây một tiếng động nhỏ.
Mẫn hỏi:
-Anh làm nghề gì vậy?
-Làm nghề lanh tay lẹ mắt.
-Hát xiệc à?
-Mày ngu quá! Móc túi lấy tiền xài chơi không sướng à? Mày đưa bàn tay cho tao coi!
Mẫn đưa bàn tay cho gã. Gã ngắm nghía mân mê một lúc rồi nói:
-Được, mày có “hoa tay” lắm. Tao biết mày có khiếu về nghề này mà.
Mặt gã cúi xuống gần sát mặt Mẫn. Hơi hám từ cái miệng tối mò ấy xông ra hôi thúi không chịu được. Mẫn ớn xương sống. Nó nghĩ đến mẹ nó. Không! Mẹ nó không bao giờ muốn trở thành một thằng ăn cắp, một tên du đãng. Mẫn cảm thấy vết thương ở cánh tay nó đau nhói lên giữa tiếng cười khụt khịt của cái bóng đen ốm nhom đi bên nó. Mẫn cảm thấy bị đe dọa và lừa bịp. Nó ngó dáo dác rồi thừa lúc tên ốm không để ý, nó vụt chạy trở lại nhà ga. Tên ăn cắp cũng giựt mình đuổi theo, vừa chạy vừa chửi thề. Mẫn phóng tới hết sức lực. Sân ga đã vắng hoe người. Tiếng cười quái dị của tên ăn cắp dồn dập theo tiếng chân chạy thình thịch. Mẫn đã tới bức tường thành ngăn cách đường cái và đường xe lửa. Tường không cao lắm nhưng phía trên có cắm đầy mảnh chai vụn lấp lánh sáng. Mẫn bất kể nguy hiểm. Nó ngậm khúc bánh mì trên miệng, phóng vọt lên, bám lấy đầu tường và leo vọt vào được phía bên trong, vừa đúng lúc chuyến tàu Sài Gòn huýt còi xình xịch khởi hành phía trước.
Không để lỡ một giây. Mẫn phóng tới như con thỏ rừng. Nó băng qua năm sáu đoạn đường sắt lấp loáng, hỗn loạn trước mắt. Đôi bàn chân đẫm máu đạp lên những viên sỏi nám đen, sắc cạnh nằm lẫn lộn với gai góc và than đá vỡ nát.
Khi bám được lên cửa tàu thì Mẫn đã kiệt lực. Nó ngã chúi vào trong bóng tối. Khúc bánh mì cắn trên miệng văng ra, lăn lóc vào giữa các kiện hàng, mấy đồng bạc cắc trong túi rơi lẻng kẻng bốn phía nhưng nó vẫn nằm yên, không nhúc nhích.
Thiếp đi một lát, Mẫn tỉnh dậy với cảm giác đau nhức khắp mình mẩy. Mảnh chai trên đầu tường nhà ga đã cắt nát hai bàn tay, cánh tay và đầu gối nó. Mẫn đưa tay sờ soạng những dòng máu khô đóng dày cộm hai ống chân và bắt đầu nghe ngóng xung quanh. Không có dấu hiệu gì tỏ ra có người trên toa này. Trong ánh sáng lờ mờ của buổi bình minh, nó nhận ra các kiện hàng lớn nằm rải rác xếp trong toa tàu. Từ phía các toa trước vang lại tiếng cười nói loáng thoáng của những người đi tàu.
Mẫn cố ngồi dậy. Nó phải cố đi tìm mấy khúc bánh mì và mấy đồng bạc cắc. Nó đói quá. Nó đang cần bất cứ thứ gì có thể ăn được. Nó quờ quạng trong các xó xỉnh, giữa các kiện hàng, trong góc toa. Phải mất một lúc khá lâu nó mới tìm được cái nguồn sống mà tên ăn cắp đã cho nó lúc nãy: một khúc bánh mì và tám đồng bạc cắc. Nó không biết còn sót đồng nào không nhưng nó quyết định để sáng rõ rồi hãy tìm, bây giờ phải ăn cái đã.
Con tàu đi qua một xóm lao động tồi tàn, lụp xụp. Ánh nắng đã ửng lên các mái lá chông chênh. Tiếng xe rộn rịp nhóm dậy niềm vui bất chợt. Mẫn đứng lên, ló đầu ra cửa toa nhìn xuống đường sắt và cảm thấy bị cái thú phiêu lưu lơi cuốn. Nó nhổ nước miếng xuống đường rầy và cố nhổ cho trúng nhưng nước miếng cứ bị đánh vẹt ra.
Chân trời ửng sáng, rạng rỡ khi tàu chạy băng qua cánh đồng xanh ngát. Mẫn nghe có tiếng bước chân đi lại gần. Nó vừa quay lại thì người soát vé đã lù lù đứng giữa toa tàu. Lão ngó thằng nhỏ chăm chăm. Mẫn cũng ngó lão một chặp. Lão hất hàm:
-Vé đâu?
Mẫn đứng im ngó lão. Người soát vé lặp lại câu hỏi nhưng Mẫn không biết trả lời thế nào. Nó chỉ sợ mở miệng ra là bị tống cổ xuống khỏi tàu cho nên nó vội lùi lại phía sau các kiện hàng, thủ thế.
Người soát vé ngần ngừ. Ông ta có vẻ uể oải khi tiến về phía Mẫn và không hiểu sao lại thò đầu ra ngoài cửa toa, nhìn ra cánh đồng rồi thở dài. Lúc lão quay vào thì vẻ đe dọa trên khuôn mặt không còn nữa. Lão nắm cánh tay Mẫn nói như ra lệnh.
-Đi ra đây mà ngồi.
Mẫn theo lão đi lên toa phía trước. Ở đó người ta bán thức ăn và nước ngọt. Lão gọi một chai xá xị, ra hiệu người bán hàng rót vào trong một cái ly cối lớn rồi dẫn Mẫn qua toa kế bên, ở đó ngồi rải rác chừng mười người đàn bà, đàn ông. Khi lại gần một người đàn bà mập mạp đang ăn đậu phộng nấu, lão ra hiệu cho Mẫn ngồi xuống đó rồi nói với bà ta.
-Bắt được một “thằng cọp” con.
Người đàn bà vừa nhai đậu vừa cười rung chuyển cả thân thể phì nộn, to lớn. Lão soát vé giở giọng chọc ghẹo:
-Chắc bà có da có thịt nhờ ăn đậu phộng?
-Đâu có, lâu lâu buồn, ăn ba hột chơi.
Người đàn bà cười, nhích người sang một bên, nói:
-Ngồi xuống đi anh Hai. Đứng hoài mỏi chân.
Lão soát vé ngồi xuống bên Mẫn. Lúc ấy người đàn bà mới thấy những vết máu trên người thằng bé, bà hoảng hốt la lên:
-Trời ơi! Sao mà máu me tùm lum vậy cháu?
-Dạ, cháu bị chó cắn đó dì.
-Cha mẹ cháu đâu mà phất phơ một mình vậy?
-Dạ, chết hết rồi.
-Bây giờ cháu đi Sài Gòn làm chi?
-Dạ, cháu đi tìm công chuyện làm ăn.
-Mấy tuổi rồi?
-Dạ, mười tuổi.
Người soát vé đã nốc cạn ly xá xị, xoay xoay lắc lắc cục nước đá trong ly kêu lóc cóc rồi nói xen vô:
-Thôi, mày vô Sài Gòn làm công chuyện cho bà này nè. Trong đó thiếu cha chi công chuyện.
Người đàn bà đẩy gói đậu phộng về phía Mẫn.
Nó ăn ngon lành.





3.

Dỡ xong hai xe bắp cải, tụi nhỏ xúm lại ở một góc chợ. Chúng cởi áo quần móc lên mái lều, ngồi chờ toán làm vệ sinh đem xe xịt nước tới.
Thằng Quý Dơi xách chiếc ná cao su đến vỗ vai Mẫn:
-Mày cá không? Tao bắn chết con se sẻ đậu trên mái nhà kia cho coi.
Mẫn hỏi lại:
-Cá gì?
-Cá hai chục đi!
-Rồi, cá năm chục ăn hai chục đó. Bắn đi.
-Chắc không? Đưa tiền cho thằng Mè cầm. Nó sẽ làm trọng tài.
Mè là đứa nhỏ trạc mười sáu tuổi nhưng nhỏ con và đen sạm như người Miên. Nó đếm lấy bảy chục bạc của hai đứa rồi hỏi:
-Đâu? Con chim nào?
Quý Dơi nói:
-Nó đậu trên mái nhà đó.
Mẫn giục:
-Bắn lẹ đi rồi còn lấy tiền mua cóc ăn chơi.
Quý Dơi lấy viên sỏi to bằng ngón tay cái lắp vô ná. Nó tin ở tài nó nên giương ná bắn liền. Con chim trúng đạn lảo đảo lăn xuống mái ngói nhưng lăn được mấy vòng thì nó gượng lên được rồi bay mất hút trong quãng trời chói nắng. Quý dơi quay lại, bảo thằng Mè:
-Đưa hết tiền cho tao!
Mẫn xua tay:
-Sức mấy! Mày bảo bắn chết con chim mà bây giờ nó bay mất rồi, phải đưa tiền cho tao chớ.
-Nhưng tao bắn trúng.
-Chắc gì trúng? Có khi viên đạn bay xợt qua đầu, nó sợ quá, nó té thôi. Đồng ý không Mè?
Thằng Mè cười toe toét:
-Được chim là được tiền. Mất chim là mất tiền.
Mẫn hỏi Quý Dơi:
-Xử vậy mày chịu chưa?
Quý Dơi đáp:
-“Nô” đi nghen! Nhưng con chim nó bay rồi, tao nhường cho mày đó.
Mẫn tóm gọm bảy chục bạc trong tay thằng Mè.
Ba đứa ngồi xuống quanh một cây trụ điện chờ xe xịt nước.
*
Ba năm qua, chính phủ thay đổi, cuộc sống thay đổi, chiến tranh thay đổi, cái gì cũng thay đổi khủng khiếp nhưng đời sống Mẫn không có gì thay đổi. Nó vẫn làm việc từ sáng đến chiều tối: dọn quét vựa rau cải, gọt tỉa bắp cải, dỡ cải từ xe vận tải xuống, khuân vác các giỏ cần xé… ngày nào cũng như ngày nào.
Nó gọi người gặp trên xe lửa năm nào là gì Tư. Dì Tư góa chồng chỉ có một đứa con gái nhỏ tên là Lý. Lúc Mẫn mới đến ở, Lý mới có bảy, tám tuổi chi đó, đi tắm hãy còn ở truồng. Bây giờ con Lý đã gần mười hai tuổi, tóc dài tới ngang lưng nhưng vẫn lởm chởm và cháy nắng vàng hoe. Mẫn thì lớn hẳn. Nó không mập, nhưng cao và chắc. Nó đã tự kiếm ra tiền như một phu khuân vác lành nghề. Nó không phải đứa hung dữ nhưng tụi nhỏ ở chợ Cầu Muối nể nó vì nó sòng phẳng và giỏi chịu đòn.
Hơn mười giờ, toán làm vệ sinh đem xe xịt nước đến. Bọn nhỏ xúm xít quanh mấy người đàn ông đang mở ống nước dưới đường rồi cho máy bơm nổ.
Người đàn ông đội chiếc mũ cối bằng nhôm vừa xịt nước vừa hét đuổi mấy người đàn bà và con gái vẫn còn đứng xớ rớ quanh các xe vận tải. Ông ta quét ngọn nước ngang qua chân họ và la “tránh! tránh!”. Mấy cô nhảy dựng lên, cười khúc khích. Rác rưởi, lá cải rơm khô trôi lềnh bềnh trôi lềnh bềnh trên mặt đường nhựa và chảy xuống lỗ cống. Vòi nước mạnh lùa chúng đi rào rào. Mặt đường sạch bóng và tụi nhỏ đứa nào đứa nấy ướt như chuột lột.
Quý Dơi đứng chàng hảng, đón đầu vòi nước. Một tay nó bụm mặt, một tay nó che háng. Ba bốn đứa khác theo sau nó, hô:
-Một, hai, ba “A–lách–xô”
Chúng ào tới ngược luồng nước. Người đàn ông cầm ống nước coi bộ cũng chịu chơi cái trò nghịch ngợm nên anh ta mở hết ga cho cái vòi nước xịt thật mạnh. Quý Dơi la lên, lệnh cho tụi nó:
-Nhào tới nè! Cướp ống nước xịt mấy giả chơi tụi bây! Coi chừng té đó!
Người đàn ông cố gắng xịt nước dưới chân chúng cho chúng té xuống nhưng chúng vẫn tiếp tục tiến tới được và sắp đoạt được ống nước. Lúc ấy có tiếng lão già râu quặp (bí danh của lão xếp toán làm vệ sinh) la hét bảo tắt máy nên người giữ vòi lật đật hãm vòi nước lại.
Tụi nhỏ la lối om sòm:
-Ê! Mới chơi mà đã thua.
Chúng nó vừa la vừa nhảy giữa chợ, vừa vuốt mặt. Lão xếp vác đòn gánh rượt thì chúng chạy biến đi mất trong đám đông. Và tức khắc chúng lại có mặt ngay ở góc chợ, vừa mặc quần áo vừa cười. Chúng trở lại công việc.
Quý Dơi leo lên trần xe. Mẫn giục:
-Lẹ đi! Quăng lẹ đi, đừng giỡn nữa.
Thằng Quý Dơi dùng chân hất mạnh trái bắp cải tròn như một trái banh da. Mẫn đưa tay đón lấy trái bắp cải nặng trịch và xếp vào đống. Quý Dơi ném tiếp một trái nữa:
-Chụp nè! Thủ môn!
Mẫn đưa một tay ra nhẹ nhàng đón lấy. Một chị đứng bên đống bắp cải hỏi Mẫn:
-Mấy rồi?
-Băm bảy.
-Trời ơi, mấy ông nội này lo giỡn không hà. Lẹ lên tui còn chở đi chớ. Trưa quá rồi!
Mẫn nói:
-Khỏi có lo đi bà chị. Nháy con mắt. Rồi! Bốn mươi, bốn mốt. Liệng hai trái một lượt luôn đi Quý Dơi. Đó! Thấy chưa! Bốn ba, bốn lăm, bốn bảy… Đủ trăm bây giờ!
Chị đàn bà lột trái chôm chôm bỏ vô miệng, nói:
-Thôi, làm từ từ cũng được. Coi chừng rớt nát hết khó bán lắm đó cha nội.
Mẫn cứ mải miết làm việc, miệng không ngớt đếm “sáu lăm, sáu bảy, sáu chín…”. Trong chốc lát đã đủ số bắp cải cho người đàn bà.
Mẫn chia tiền xong cho tụi bạn thì chị ấy nói:
-Nè, cho tụi bây chôm chôm nè. Chia nhau mà ăn.
Chị ta ném cho Quý Dơi chùm chôm chôm đỏ tía rồi ngồi lên xe ba–gác đi thẳng lên chợ Bến Thành.
Mẫn đang ngồi ăn mấy trái chôm chôm trên cái máy nước thì con Lý đến. Nó nói:
-Cho em ăn với, anh Hai!
Mẫn còn hai trái đưa hết cho con bé. Lý bóc chôm chôm ra ăn và nói:
-Má biểu anh với em về nấu cơm. Ăn xong còn lựa đậu phộng cho má nữa.
Con Lý nghịch ngợm ném vỏ chôm chôm vào người Mẫn rồi cười. Chiếc vỏ rớt ngay trong lòng nó. Mẫn nhặt lên săm soi thấy còn sót lại một chút cơm trong lòng vỏ láng bóng, liền gỡ ra ăn rồi tung chiếc vỏ lên trời mất hút giữa ánh nắng chói mắt.
Vừa về đến nhà, hai đứa đã thấy bà lão ăn mày ở cạnh nhà quờ quạng chiếc gậy tìm cách bước lên chiếc sân gạch. Mẫn hỏi:
-Bữa nay khá không, bà Chín?
Bà lão ăn mày cười. Cái miệng móm xọm. Bà lần mò đi ra phía sau trái nhà. Lý nói:
-Con trai bả mới gởi thơ về hồi sáng, em đưa cho thằng Hà rồi, không biết bây giờ nó đi đâu mất.
Lý vừa nói dứt thì đã có tiếng gọi cửa ơi ới của bà lão:
-Hà ơi! Bớ Hà! Về tao biểu đây!
Lâu lắm mới thấy có tiếng dạ của một thằng nhỏ ở từ phía nào đó. Thằng Hà ăn mặc rách rưới bẩn thỉu nhưng mặt mũi nó cũng khá sáng sủa. Hồi trước nó cũng đi học, từ khi ba nó bị bắt lính thì nó mới ở nhà. Bà nội nó đui mù, không ai nuôi nên phải đi ăn xin, còn má nó thì đi ở đợ trên Phú Nhuận. Từ khi nghỉ học, nó đi lang thang tối ngày. Từ Xóm Gà ra bờ sông, chạy xuống khu nhà thờ, khu chợ. Ham mê cái thứ gì không biết mà suốt ngày nó ở ngoài đường. Tuy vậy, thỉnh thoảng nó cũng đem về một ít cá câu được.
Nó đứng khuất sau cây cột nên bà lão mò mãi mà không thấy đứa cháu. Bà lão hỏi:
-Hà, mày đâu?
Nó giương mắt ra nhìn, thích thú nhìn bà nội nó đang quờ quạng và nhất định không chịu lên tiếng. Đến khi bà lão dẫm phải cây cần câu thì nó mới la lên:
-Ôi! Nội ơi! Nội đạp gãy cần câu của con hết.
Bà lão chụp được cái vai nó, hỏi:
-Có cá không?
-Cá đâu mà cá? Bộ dễ câu lắm sao nội?
Bà lão lần cái túi vải lấy ra ba chục bạc cắc đưa cho thằng Hà và bảo:
-Thôi, con ra chợ mua bó rau muống với chai nước tương. Nội ở nhà nấu cơm. Đi mau về nghen Hà! Trưa rồi đó.
Thằng nhỏ cầm ba chục bạc đi thẳng ra đường còn nói vô:
-Có cái thơ của ba. Con cất trong cái gối đó.
Nó đi thẳng ra chợ. Trước khi đến hàng rau, thằng nhỏ phải đi qua một dãy hàng trái cây và chè xôi đủ loại, nơi mà nó thèm muốn bao lâu nay được dừng chân lại ăn cho thỏa thích. Nhưng có bao giờ nó được năm đồng bạc trong túi. Ôi! Mấy trái chuối to tròn vàng rực, mận thì đỏ tươi… Nhưng mấy món đó cũng không ngon bằng thạch. Chè thạch ăn với nước đá mát cả ruột, lại có tí dầu chuối thơm muốn chết luôn. “Thôi! Mình ăn một chục cũng được”. Nó nghĩ nhanh rồi ngồi xuống nói với bà bán chè thạch:
-Bán cháu mười đồng đi.
Người đàn bà múc thạch trắng ra một cái chén nhỏ. Nước thạch trong vắt, thơm ngát và ngọt lịm. Ôi! Sao mà ít quá, mới húp có ba cái đã hết sạch.
-Bán mười đồng nữa –nó nói –Bán gì ít quá, ăn không đã gì hết.
Ô, ăn thạch phải húp mạnh một hơi mới sướng. Mát ơi là mát! Ngọt thanh cái cần cổ, ôi chao!
-Cho cháu mười đồng nữa đi Bác ơi! Ngon quá trời! nó lại kêu tiếp.
Ăn xong nó mới giật mình:
-Chết cha! Hết tiền mua nước tương và rau muống rồi!
Tay nó cầm ba chục bạc, do dự không muốn đưa, nhưng người đàn bà đã giật phăng đi mất. Thằng nhỏ liếm mép, nói lầm bầm:
-Ngon quá! Chết mồ tổ. Ngon quá!
Khi ấy nồi cơm ở nhà đã chín. Bà lão mù lòa nhắc cái bếp xuống khỏi cái bếp làm bằng ba viên gạch, bà mò mẫm đặt nồi cơm trên giường tre nhỏ rồi bắc nước lên bếp đợi thằng Hà đem rau muống về. Soong nước đã sôi rào rào từ lúc nào mà chẳng thấy tăm hơi thằng cháu nhỏ đâu cả. Khi không nghe tiếng nước sôi nữa thì bà biết soong nước đã cạn khô, bà nhắc soong xuống bếp và rủa lầm bầm:
-Thằng quỷ nhỏ đem tiền đi luôn rồi.
Nhớ lại cái thư của đứa con trai để dưới gối, bà lão mò mẫm lấy ra rồi cầm cái chén lại nhà con Lý. Thấy bà Chín tới, Mẫn hỏi:
-Thằng Hà nó không về sao bà?
-Nó đem ba chục bạc đi đâu mất tiêu rồi. Cháu cho bà xin chút nước mắm về ăn cơm, sẵn đọc dùm cái thơ.
Mẫn bóc thơ ra đọc. Nó đọc chậm rãi từng tiếng, thỉnh thoảng lại mỉm cười khi gặp những chữ viết sai chính tả. Đọc xong nó xếp bức thư lại, bỏ vào phong bì và nhét vào tay bà lão ăn mày. Bà già ngồi im không buồn cầm lấy bức thư. Lát sau bà hỏi:
-Chớ thằng Hợi nó kêu ai bằng “em” vậy?
-Thơ này ảnh gởi cho vợ ảnh nên mới kêu bằng “em”.
Bà lão chớp chớp cặp mắt mù lòa đỏ loét:
-Mày đọc lại coi có chỗ nào nó thăm tao không?
-Không đâu! Đây là thơ ảnh gởi cho vợ ảnh mà.
Nước mắt tràn ra trên đôi mắt đục ngầu, chảy hoen các nếp nhăn, bà lão ăn mày run run nói:
-Nó đi cả năm nay mới gởi thơ về mà nó cũng chỉ biết có vợ con nó, còn tui nó không nói tới tên. Lúc nó bị người ta bắt, tui đem cơm đem nước, tui khóc hết nước mắt. Con vợ nó giờ đi ở đợ trên Phú Nhuận. Tui phải ăn mày, ăn xin ngoài chợ từng đồng bạc để nuôi con nó, đêm nào tui cũng cầu trời khấn phật phù hộ cho nó mà nó có biết gì tới tui.
Bà lão gục đầu trên hai cánh tay đặt trên đầu gối, khóc thút thít. Nước mắt nhiểu xuống đôi bàn chân to lớn, bè ra, nứt nẻ, xơ xác. Những ngón chân cùn, khô đét của những tháng ngày kéo lê trên đất cát lầm than đui tối.
Mẫn chợt nhớ đến mẹ mình cũng đã sống những ngày khốn khổ như thế trước khi chết. Những người mẹ đau khổ cả đời để rồi cuối cùng trở về với cát bụi trong một nấm đất hiu quạnh của một nghĩa địa tồi tàn nào đó.
Cây xoài mình trồng trên mộ mẹ ngày nào bây giờ chắc lớn lắm, chắc có tàng rộng sum xuê và kết trái mây mùa rồi.
Từ khi làm ra tiền, nó vẫn cố ý để dành mỗi ngày mấy chục bạc để một ngày nào đó nó sẽ trở về và xây cho mẹ một ngôi mộ bằng xi-măng thật đẹp.
Người ăn xin đã thôi khóc nhưng vẫn ngồi bất động trong dáng ngồi úp mặt trên hai đầu gối. Vai áo bạc thếch, vá víu chằng chịt, cái quần lãnh đen đã biến thành màu da lươn bị gián nhấm nhiều vết loang lổ. Bà ngồi im lìm như đã chết khô từ lúc nào cái tấm thân nghèo nàn, khốn khổ, cái biểu hiện tàn bạo cùng khốn lầm than của kiếp người.
Lý bưng chén nước mắm và con cá nục lên, thấy bà lão ngồi yên, nó gọi:
-Bà Chín, về ăn cơm đi, trưa rồi.
Bà lão ngẩng lên, hai con mắt vô hồn mở to hướng về phía Lý, cái đầu lắc lư trên chiếc cổ đẫm mồ hôi.
Bà chống tay đứng dậy, nhận chén cá từ tay Lý rồi mò mẫm bước ra cửa.
Cơm trong nồi đã nguội từ lúc nào.
Bà lão cố nuốt từng miếng cơm khô trộn lẫn nước mắt.




4.

Lý càu nhàu:
-Em đã nói với anh đừng cờ bạc mà anh cũng không nghe.
-Anh cờ bạc hồi nào?
-Sao thằng Quý Dơi nó bảo hôm trước anh ăn nó hai chục bạc?
-Trời đất! Tại em không rõ. Thằng Quý Dơi nó nói dóc là nó bắn chết con chim sẻ trên mái nhà…
-Vậy cũng là cờ bạc rồi. Đánh cá là cờ bạc. Anh để dành tiền để làm gì anh không nhớ sao?
-Anh xây mộ cho mẹ anh.
-Đúng rồi, nhưng tiền đó không thể…
Mẫn chụp cánh tay Lý thật mạnh làm nó hoảng hốt, nhưng khi hai đứa nhìn nhau bằng ánh mắt long lanh thì chúng cười. Mẫn kéo Lý chạy băng qua phố chiều.
Lúc Lý mua cóc xong thì Mẫn cũng vừa dắt xe đạp từ trong vựa rau đi ra. Nó bảo Lý:
-Lên xe, vừa đi vừa ăn.
Lý nhảy lên ôm lấy eo ếch Mẫn chặt cứng. Nó áp má trên cái lưng áo lấm đất đen ngòm và ngửi thấy mùi mồ hôi hăng hăng rịn ra trên lưng tròn trịa. Tựa má lên nó nhìn lên nó nhìn thấy bầu trời cao bao la xanh, mờ mờ như có lớp khói mỏng bay thoáng qua trên ấy. Chiếc xe lao đi dưới những tàn cây xanh thẫm của bầu trời sụp tối. Lý mỉm cười nói:
-Cho anh đạp nhanh mấy cũng không sợ té.
Mẫn rướn người lên đạp vùn vụt. Mớ tóc vàng cháy nắng của Lý bay tung ra phía sau. Nó ngứa cổ và nhắm mắt cười. Chiếc áo tuy đã cũ và loang lổ mủ trái cây nhưng vẫn đem lại cho Lý cái tươi mát của tuổi mười ba.
Mẫn quẹo qua con đường có nhiều xe cộ. Nó phải cho xe đi sát vô lề để tránh các loại xe gắn máy khác không ngừng lướt đi chung quanh. Nó ném ruột trái cóc xuống đất, chùi mép và cắm cúi đạp. Lý chợt hỏi:
-Bữa nay anh làm được bao nhiêu?
-Ba trăm mấy.
-Em được hai trăm. Anh tính bỏ ống bao nhiêu?
-Thường thường má cho anh trăm rưởi anh bỏ ống năm chục.
-Có khi nào anh trút ống bất tử không?
-Sức mấy!
-Lúc bị bịnh thì sao?
Tiếng còi của người cảnh sát chặn đứng câu nói của Mẫn. Vì đường vắng lại nói chuyện nên Mẫn vượt đèn đỏ mà không hay biết. Viên cảnh sát ra lệnh:
-Ê, thằng kia! Mày lại đây! Mày lại đây!
Rồi có lẽ nghĩ rằng gọi thế chưa đủ oai, gã lại “rét rét” mấy tiếng nữa.
Mẫn cho xe quay lại, Lý can:
-Vọt lẹ đi anh! Ổng không có xe. Lại ổng phạt đó.
-Lại năn nỉ chắc ổng không phạt đâu.
Mẫn ngừng xe trước mặt viên cảnh sát. Gã nói:
-Xuống xe dẫn bộ!
Hai đứa trẻ đi theo viên cảnh sát đến một cái bót gần đó.
-Ba cậu làm gì?
-Làm công.
Viên cảnh sát dẫn Mẫn vô phía trong cổng rào.
-Mày vô đây, còn cô bé đứng ngoài đợi một chút.
Lý sợ hãi gọi:
-Anh Mẫn! Đừng vô!
Mẫn cười với nó và đáp:
-Anh vô nộp phạt một lát thôi.
-Anh không bỏ ống à?
Mẫn vuốt má Lý cười:
-Rủi ro như vậy biết làm sao. Ngày mai anh sẽ làm việc gấp đôi. Anh sẽ bỏ ống một trăm.
Nó nói xong liền theo viên cảnh sát đi vào văn phòng. Đến ngay cửa, viên cảnh sát ra hiệu cho Mẫn bước vô trước. Nhưng Mẫn vừa bước vô thì bị đạp ngã vào góc phòng.
-Ở đó đợi ông đồn trưởng.
Gã đi ra, đóng ập cửa lại.
Mẫn lắng nghe tiếng Lý gọi nó ba bốn lần. Nó muốn lên tiếng đáp lại nhưng nghĩ sao lại thôi. Nó sợ con Lý khóc. Mẫn đứng bật dậy toan bước ra cửa, nhưng một trong số những người còn lại trong phòng đã đứng lên, chặn nó lại:
-Mày ăn cắp à?
-Không. Tôi cưỡi xe đạp vượt đèn đỏ.
-Xe đạp đâu?
-Xe đạp ngoài sân.
-Có giấy xe không?
Mẫn ngơ ngác. Cái xe cũ nát mà nó đã bỏ công ráp từng bộ phận xin hoặc lấy mót được của người ta bỏ ấy mà cũng có giấy sao? Nó đáp:
-Dạ. Xe tôi xin. Không có giấy.
-Vậy là phải giam xe lại. Rồi. Bây giờ đóng tiền phạt hai trăm về tội vượt đèn đỏ.
Mẫn tức uất người không biết làm sao giải tỏa được sự căm thù đang bùng lên trong nó. Nó rút hai trăm bạc trong túi ra mà đôi tay run rẩy, mặt tái mét trong cơn choáng váng.




5.

Bên chiếc bàn thật thấp kê ngoài sân, mấy ông láng giềng của gia đình Dì Tư ngồi nhậu lai rai hồi mới đỏ đèn.
Bà lão ăn mày ngồi trên chiếc đôn gỗ bên thềm gạch lở lói. Mấy người đàn ông đang bàn chuyện chiến tranh. Họ nói chuyện với nhau bằng thứ giọng lè nhè, không đầu không đuôi, nói hết chuyện chiến tranh lại sang chuyện bùa ngải, chuyện lên đồng rồi chuyện ma, chuyện hồi còn thanh niên đi làm phú–lit, đi làm đồn điền, có người kể cả chuyện đi buôn lậu. Dĩ nhiên những chuyện do họ kể trong những lúc như vậy thì không biết đường nào mà tin và họ nói để mà nói, nói cho khỏi buồn miệng lúc chờ món nhậu, nói cho bữa rượu kéo dài… vì thế rồi ra họ cũng chẳng kém gì mấy mụ đàn bà ngồi lê đôi mách.
Câu chuyện dần dần sang thời sự. Họ bàn đến chuyện chiến tranh, đến chuyện lính tráng. Bà lão ăn mày nãy giờ ngồi lắng nghe mấy người đàn ông nói chuyện liền lo lắng hỏi:
-Trời ơi, thằng con tôi nó bị bắt lính đã gần năm nay. Nghe nói đánh nhau ở đâu bên Lào dữ lắm, không biết sống chết ra sao.
Người đàn ông mặc áo kaki vàng nãy giờ thao thao bất tuyệt, bây giờ sau một hồi rượu dài, có vẻ say nhừ. Lão hỏi:
-Nó đi lính gì?
-Lính gì tui có biết đâu.
-Bà đừng lo. Không có chết chóc gì đâu. Để hồi nào rảnh tôi coi dùm bà một quẻ. Biết liền.
Người đàn ông có cái răng vàng nói xen vô:
-Say rồi hả cha nội? Làm gì có chết với không chết. Mấy thằng cha chúa tổ cao bồi như thằng Hợi nhà này có đi lính cũng làm cha người ta, ai giết chóc gì nó đâu mà chết với không chết.
Câu chuyện cứ lần quần lè nhè như thế mãi.
Ban đầu bà lão còn lắng tai nghe người ta nói về con mình, nghe riết một hồi thì không còn biết trời trăng gì nữa nên bà đứng dậy, lủi thủi mò vào chỗ ngủ nơi chái nhà sau bếp.
Nói cho đúng, gia tài bà còn được một cái mền nhà binh đáng giá, ngoài món đồ vật dụng trong nhà bà toàn là của hàng xóm cho hoặc thải ra vì quá cũ.
Đầu hôm bà gấp mền lại lại gối, đến gần sáng, lúc trời lạnh thì bà lại tung mền ra mà đắp. Sáng sớm, khi xách cây gậy và cái bị gạo đi ăn xin, bà đem cái mền gửi ở nhà con Lý. Lần nào Mẫn cũng cho bả mười đồng gọi là mở hàng.
Dĩ nhiên chỗ bả nằm thì trống trải, không có cửa nẻo chi cả. Tuy xóm này nổi tiếng ăn trộm và ăn cắp vặt nhưng bà có gì để mà sợ mất ngoài nồi cơm nhỏ mà tối nào bà cũng phải đậy kỹ, đè một viên gạch lên trên nắp vung để mèo chó khỏi ăn vụng. Thế thôi. Và bà đã đậy điệm kỹ lưỡng.
Nửa đêm, lũ mèo trên mái nhà gọi nhau như tiếng trẻ con gào khóc vang động làm bà vừa mới ngủ được một chút thì đã thức dậy. Tiếng mèo gào càng lúc càng nhiều. Chúng đuổi nhau sột soạt trên mái nhà hoặc trong các bụi cây điệp thấp ngoài rào.
Tự nhiên bà thấy tỉnh táo, bà vừa nghe có tiếng ai đi bên ngoài. Rõ ràng là tiếng bước chân người chớ không phải tiếng mèo chạy.
Một cái bóng đen đã hiện ra ở cái chái nhà, cao dong dỏng. Bóng ấy lần mò tiến lại chỗ bà già nằm một cách êm ái. Tuy không nhìn thấy nhưng bà già vẫn nghe được tiếng bước chân đến gần. Bà lão nín thở. Bà định lên tiếng hỏi thì cái bóng đen đã gọi:
-Má, má, con là Hợi đây. Nhờ trời con đã về được đến đây.
Bà già cầm tay đứa con trai rồi gượng gạo ngồi dậy. Bà hỏi:
-Sao con về giữa đêm hôm, lén lút như thế?
-Con đào ngũ. Con biết má ở nhà khổ lắm, con biết vợ con con nheo nhóc lắm nên con phải liều chết mà trốn về đây.
Bà lão níu lấy vai đứa con trai mà khóc. Hợi cảm động ngồi xuống bên mẹ.
Người mẹ già vuốt mái tóc bờm xờm của đứa con. Bàn tay nhăn nheo của bà sờ soạng khắp mình mẩy đứa con thân yêu:
-Con có bị thương ở đâu không?
-Nhờ trời con không sao cả má à.
Bà lão lấy tay quệt nước mắt.
Hợi hỏi:
-Còn vợ con đâu rồi má?
-Vợ con nó đi ở đợ cho người ta trên Phú Nhuận. Còn thằng Hà nó ngủ bên nhà con Lý.
-Vợ con nó ở luôn nhà người ta sao?
-Người ta bắt nó ở luôn chớ đâu có về được.
Bà lão ăn mày thút thít khóc. Hợi ôm lấy mẹ. Trong bóng tối lờ mờ anh còn thấy được khuôn mặt tối tăm nhăn nheo của mẹ. Anh vuốt ve từng miếng vá to, dày cộm và chằng chịt sau lưng, trên vai, trên cánh tay áo, trên ống quần. Anh thấy người mẹ khốn khổ của mình run lên trong từng tiếng nấc. Anh cố giữ cho khỏi khóc nhưng khi bàn tay anh rờ đến bàn chân cũ mòn, nứt nẻ, xác xơ và lấm đầy cát thì nước mắt anh trào ra. Anh gục mặt xuống đôi bàn chân ấy, khóc nức nở:
-Má ơi, sao má khổ quá vầy nè.
Sự im lặng kéo dài một lúc. Cơn gió khuya thổi xào xạc trên mái tranh. Lũ mèo đã biến đi mất.
Người mẹ chợt hỏi:
-Con về rồi có tính đi đâu nữa không?
Hợi ngẩng lên đáp:
-Con không đi đâu nữa. Con về ở luôn với má.
-Nhưng con trốn về đây rồi ở yên được sao?
Hợi cúi đầu xuống, không đáp. Mãi một lát sau, anh mới thở dài, nói:
-Con cũng nhờ bà con lôi xóm đùm bọc chớ biết sao.





6.

Võ Hợi chăm chú nhìn Mẫn dùng tro đánh bóng con dao găm.
Tro nhuyễn như đất bùn dính đen cả hai bàn tay nó. Anh dội cho Mẫn một gáo nước.
-Sáng quá rồi đó, Mẫn ơi!
Mẫn lấy ngón tay cái cọ nhẹ trên lưỡi dao. Nó nói:
-Sáng, nhưng chưa được bén. Dao găm nhà binh bằng thép, mài khó bén lắm.
Nó tiếp tục rắc tro lên con dao và mài soẹt soẹt trên miếng đá nhám.
Hợi nói:
-Con dao này hồi trước oanh liệt lắm. Ân oán giang hồ cũng nhiều. Một mình nó giải quyết nhiều vụ gay cấn, ác liệt chưa từng thấy.
Mẫn thử con dao một lần nữa. Nó hỏi:
-Chỉ một mình con dao này thôi sao?
-Cố nhiên! Nhưng tao ít dùng. Kẹt lắm, nguy cấp lắm mới sử dụng. Hồi nào gặp tay dữ kia, chớ con dao linh thiêng tao đâu có dùng bừa bãi được.
-Có khi nào anh chơi lựu đạn không?
-Cũng có. Hiện giờ tao còn mấy trái chôn trong vườn. Cái cuốc đâu? Đưa đây tao.
-Dưới gầm giường.
Hợi xách cuốc đi ra gốc cây điệp.
Mẫn lấy khăn lau con dao sáng trưng rồi dắt vô dây nịt. Nó chạy theo Hợi ra gốc cây.
Hợi nói:
-Năm ngoái tao chôn chỗ đây bốn trái lựu đạn. Để đào lên coi.
Hợi đào đất sâu chừng bốn tấc thì lòi ra một cái thùng đạn. Anh ta quỳ gối, ra sức kéo lên. Chiếc thùng đạn lâu ngày dưới đất đã rỉ sét hết nhưng hãy còn chắc chắn.
Hợi mở nắp, kéo ra một cái bọc ny–lon, bọc nhiều lớp, Mẫn thấy trong đó thấp thoáng mấy trái lựu đạn. Võ Hợi mở mấy lần bọc ny–lon ra rồi lấy bốn trái lựu đạn lên, săm soi.
-Còn tốt, đâu có hư hao gì.
Mấy trái lựu đạn ngoài cái chốt sắt. Hợi cẩn thận ràng thêm mấy lượt dây thép bên ngoài mỏ vịt.
Anh ta quan sát mấy cái chốt thấy còn tốt, nên tháo mấy cọng thép ràng chung quanh ra rồi cất mấy trái lựu đạn vào túi.
Mẫn leo lên một nhánh cây lớn, ngồi vắt vẻo trên đó. Nó rút con dao găm ra, hét lớn:
-Tạc–dăng lúc mười sáu tuổi nè.
-Tạc–dăng đâu có ốm nhom như mày vậy.
-Nhưng em sẽ trị đứa nào đánh em, ăn cướp của em.
Mẫn nói xong cười khà khà. Võ Hợi đe dọa:
-Ừa, lạng quạng ra đường quân cảnh nó dớt đa!
-Sức mấy!
Nó nhảy xuống đất một cách gọn gàng.
Hai người trở vào nhà. Hợi tìm chỗ cất mấy trái lựu đạn rồi đi kiếm cây quạt, anh tính nghỉ trưa một lát.



7.

Xe buýt dừng lại ở Ngã Bảy. Bọn cảnh sát cầm súng M.16, đứng gác dọc theo lề đường Minh Mạng. Sinh hoạt ngoài phố vẫn bình thường nhưng trên từng gương mặt của bọn cảnh sát hiện rõ cái vẻ căng thẳng, lo lắng.
Từ trạm xe buýt, Mẫn theo lề đường đi thẳng một mạch tới đường Sư Vạn Hạnh. Con đường nhỏ đông nghẹt người. Thiện nam tín nữ, các cụ già, lớp thì ở bên trong nhà chùa, đứng ngồi, chạy tới chạy lui bàn tán, xem truyền đơn, vẽ biểu ngữ, áp phích, lớp còn lại đứng ngoài đường thì nghe ngóng, chờ đợi. Họ cầm trên tay những lá cờ hòa bình, chim bồ câu làm bằng bông gòn…
Cửa chùa đóng kín mít. Sinh viên học sinh đa số đứng ngoài cổng chùa, một tốp học sinh trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng vừa kéo tới cũng nhập vào phía đám đông ngoài cổng. Máy phóng thanh từ trên nóc chùa bắt đầu phát lại chương trình tưởng niệm Nhất Chi Mai. Chương trình vừa phát thanh một lúc thì đồng bào và anh chị em học sinh, sinh viên rục rịch đòi xuống đường nêu cao tinh thần chống chiến tranh, đòi hòa bình của Nhất Chi Mai. Tuy vậy trên loa phóng thanh, giọng điệu vẫn có vẻ chung chung, không để ý gì đến lòng căm giận chiến tranh của quần chúng.
Chừng hai mươi phút sau, đột nhiên từ đám đông đứng ngoài cổng chùa, một giọng nói rất trẻ vang lên từ một chiếc loa phóng thanh không biết đặt ở chỗ nào. Giọng nói trong trẻo và rành rọt của một người con gái cất lên át cả tiếng nói từ cái loa đặt trên nóc chùa:
-Cùng đồng bào và anh chị em học sinh sinh viên thân mến. Cách đây đúng một năm, cũng vào ngày này, một người bạn thân thiết của chúng ta, chị Nhất Chi Mai đã lấy thân mình làm đuốc hiến dâng cho hòa bình Việt Nam. Năm nay, kỷ niệm sự hi sinh cao cả của chị, chúng ta quyết tiến lên theo ngọn đuốc của chị đòi Mỹ phải rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam, đòi lập lại hòa bình cho Việt Nam…
Giống như một con gà trống đang gáy chợt nghe tiếng hót của một con chim lạ, cái loa trên nóc chùa bỗng im bặt, nghe ngóng, đánh hơi… sau cùng, khi đã nhận ra “đối thủ”, nó liền gáy tiếp:
-Yêu cầu vị nào đang nói ngoài cổng chùa đó im lặng. Đây là phạm vi nhà chùa, yêu cầu vị nào đó im lặng cho.
Nhưng không biết từ đâu giọng nói trong trẻo của người con gái vẫn cứ vang lên lảnh lót. Trong đám đông, nhiều người có vẻ dò xét tìm xem giọng nói ấy phát ra từ đâu nhưng không tài nào nhận ra được nó giữa rừng người, rừng cờ hòa bình, cờ Phật và chim bồ câu bông gòn. Cái loa trên chùa lại đổi giọng:
-Hôm nay là ngày kỷ niệm Nhất Chi Mai. Anh chị nào muốn bàn bạc điều gì với ban tổ chức lễ xin mời vào chùa. Đừng dùng loa riêng làm mất không khí trang nghiêm của buổi lễ.
Lời đề nghị vừa dứt thì lập tức một đám đông đồng bào, thanh niên học sinh sinh viên chạy ùa lại phía cổng chùa, mở cổng và reo lên:
-Thế thì tốt lắm. Chúng tôi rất sẵn sàng.
Nhưng bất ngờ nhà chùa thay đổi ý kiến. Lập tức, bốn năm thầy tăng lực lưỡng cầm gậy gộc từ trong chùa xông ra ngăn cản đồng bào và học sinh, sinh viên tràn vào.
Một cuộc xô xát nhỏ diễn ra.
Một ổ khóa to lớn được đem đến thêm vào cổng sắt.
Tiếng loa trên nóc chùa lại vang lên to hơn nhưng bên ngoài và ngay bên trong sân chùa đã nổ ra một cuộc mít ting rộng lớn của đồng bào và học sinh, sinh viên.
Những lá cờ hòa bình, những hình nộm chim bồ câu được đưa lên cao ủng hộ những lời kêu gọi hòa bình, đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Chỉ có một con chim bồ câu to lớn bằng bông gòn trắng tinh thì vẫn còn đậu trên tay người thiếu nữ. Con chim to quá mức bình thường và nếu nhìn kỹ sẽ thấy sợi dây điện trong bụng nó luồn qua tay áo người thiếu nữ ấy.
Mấy tên mật vụ mặc thường vụ từ lâu vẫn trà trộn vào trong đám đông để cố tìm ra cái loa bí mật nọ, giờ đã bắt đầu nghi ngờ cô gái đang đứng trên đống gỗ vụn trước cổng chùa. Chúng muốn xông lên cướp con chim bồ câu của cô gái nhưng vẫn còn ngại bốn sinh viên to lớn, khỏe mạnh đứng bảo vệ ở bốn góc. Mặc dù bọn mật vụ thằng nào cũng có súng lận lưng nhưng đây không phải là lúc mà chúng có thể sử dụng súng. Chúng đành nuốt giận đi tới đi lui như những con đười ươi nhốt trong sở thú.
Bây giờ chúng đã biết rõ cái loa giấu trong con chim bồ câu nơi tay cô gái, cái loa ấy là “trung tâm xách động biểu tình”, là đầu dây mối nhợ của mọi sự. Cuối cùng, chúng đành liều mạng xông tới. ngay lập tức, một trận ẩu đả diễn ra. Cô gái cứ tiếp tục nhiệm vụ. Bốn phía đánh giáp lá cà nhưng ở giữa cô vẫn nói dõng dạc, khẩn trương.
Hưởng ứng lời kêu gọi đó, từng tốp người nối theo sau những tấm biểu ngữ tràn ra đường Minh Mạng nhập lại thành một đoàn dài. Tiếng còi cảnh sát rít lên khắp nơi. Cảnh sát dã chiến dàn hàng ngang phía trước. Chúng trang bị đầy đủ dùi cui, mặt nạ, khiêng mây. Cuộc xô xát trước cửa càng lúc càng quyết liệt.
Bốn anh sinh viên cố hết sức đánh dọn đường cho chị sinh viên cầm loa chạy theo đoàn biểu tình. Bọn mật vụ tăng cường thêm hai đứa, bốn đứa rồi bảy tám đứa. Bốn anh sinh viên phải chống chọi với cả bầy công an chìm nổi. Giữa lúc chị sinh viên luống cuống không biết làm thế nào để bảo vệ loa phóng thanh thì đồng bào đã ùa tới vây lấy bọn mật vụ:
-Đả đảo đàn áp!
Giữa những tiếng hô khẩu hiệu vang rền ấy, người thiếu nữ đã thoát khỏi trận địa và chạy theo đoàn biểu tình. Nhưng đám sinh viên ở lại thì vẫn còn bị vây đánh ráo riết.
Sự đàn áp của bọn cảnh sát ngày càng tăng. Đám đông bị đẩy dạt ra bờ rào. Mẫn cũng ở trong số đó. Nó đứng đầu lo lắng cho các sinh viên đang bị vây đánh. Thình lình một làn khói trắng đùn lên và hơi cay bao trùm khắp nơi. Bọn cảnh sát đã ném lựu đạn cay vào đoàn người biểu tình. Đồng bào tản ra, chạy toán loạn. Mẫn cũng rút sâu vô đường hẻm, ho sặc sụa vì khói cay. Phía chùa, tiếng còi của cảnh sát dã chiến vang lên giữa những tiếng hô đã đảo của đoàn người biểu tình.
Chợt có một anh thanh niên từ phía ngoài hẻm chạy vô, mình đầy máu. Sau lưng anh, bốn năm thằng cảnh sát dã chiến đang rượt theo. Mẫn vội vàng chạy đến dìu anh ta vào một hẻm khác rồi đưa thẳng về nhà mình.
Buổi chiều, dì Tư đang dọn cơm trên chiếc bàn gỗ sau bếp thì nghe tiếng chân người vào nhà, dì hỏi:
-Ai đấy?
Mẫn đáp;
-Con. Có khách má à.
Nghe có khách dì bước lên nhà trên, thấy Mẫn đang lui cui đỡ một người thanh niên nằm xuống giường, dì ngạc nhiên hỏi:
-Chuyện gì vậy con?
Rồi không đợi Mẫn trả lời, dì ngay bên giường. Người thanh niên toan gương dậy để chào thì Mẫn đã ấn anh nằm xuống rồi giải thích với dì Tư.
-Đồng bào biểu tình bị đàn áp. Anh này bị tụi cảnh sát đánh đó, má.
-Trời ơi!
Dì Tư kêu lên khi nhận ra những vệt máu. Dì chạy đi lấy bông gòn và cồn. Mẫn nói:
-Má lau sạch đi, con chạy đi mua thuốc.
Dì Tư ngồi xuống giường, thấm cồn vào bông gòn rồi vừa lau vết thương vừa niệm phật, cầu cho anh được tai qua nạn khỏi.




8.

Đối với Mẫn, môn hình học là một môn hoàn toàn mới mẻ và khó hiểu. Từ khi Mẫn được anh Tuấn, người thanh niên hôm nọ, dạy cho học tối, Mẫn thấy chú tâm nhất môn này. Thế mà vẫn chưa quen với lối chứng minh đòi hỏi nhiều óc phân tích và tổng hợp. Tuy nhiên đêm nay Mẫn cũng giải được bài toán mà cả ngày làm việc ở chợ Cầu Muối, trong đầu nó cứ nghĩ mãi về những đường tiếp tuyến, những hình tam giác, những góc, những chữ số.
Tuấn ngồi nhìn Mẫn giải bài toán, anh rất vừa lòng trước sự tiến bộ của cậu bé. Hai anh em dẫn ra ngoài ngoài sân sau. Trăng đã lên khỏi đỉnh đầu và gió hây mát. Giàn đậu bắp thấp in bóng xuống con đường mòn nhỏ dẫn vô nhà. Nước triều bắt đầu lên lặng lẽ ở hai bờ hàng rào phản chiếu ánh trăng lấp lánh qua những bụi gai, những cột gỗ của khu nhà sàn. Tuấn nói:
-Mình ở xóm lao động nghèo này nhưng được gần thiên nhiên hơn ngoài phố. Ngoài ấy đâu có ai chú ý đến ánh trăng.
Mẫn im lặng nhìn lên trời rất lâu. Trời trong lắm. Cơn gió hây hây từ mặt kinh mang lại mùi bùn non và cả những tiếng lách tách dưới mặt nước.
Mẫn nói:
-Tự nhiên sao em nhớ quê quá. Những đêm trăng ở quê em rất vui. Người ta đi tát nước, đi hái dưa gang chín. Tụi em mải chơi ngoài bãi sông rồi có khi ngủ quên luôn ở đó.
-Sao em không về thăm nhà?
-Em chẳng còn người thân nào ở đó cả. Về đó nghĩ lại cảnh nhà chắc là buồn lắm.
-Vậy thì khi nào anh dẫn em về quê anh chơi. Quê anh không có những bãi sông cát vàng như quê em, nhưng đêm xuôi thuyền trên dòng sông cũng thích lắm.
Mẫn quay lại, hỏi:
-Sao anh nói quê anh ở Sài Gòn này?
Tuấn cười, do dự giây lát rồi nói:
-Ừ, quê anh ở đây nhưng lại có quê ở đồng bằng sông Cửu Long. À, mà quê em có vùng giải phóng không?
-Vùng giải phóng à? Đó là vùng gì thế?
-Đó là vùng cách mạng.
-Chớ không phải cách mạng ở trên rừng à? Ở ngoài em cách mạng ở trên rừng.
Tuấn cười. Phía đường lộ có chiếc xe vừa đi ngang qua rọi đèn sáng lấp lánh trên mặt kinh. Hai người đứng nhìn những đám lục bình trôi lênh đênh trên mặt nước đen nhánh. Tuấn ôm lấy vai Mẫn, anh nói rất chậm, giảng giải:
-Không phải cách mạng chỉ ở trong rừng đâu em ạ. Cách mạng ở khắp nơi. Từ đồng bằng đến vùng núi và ngay cả ở thành phố này nữa.
-Cả Sài Gòn nữa à?
-Ừ, cả Sài Gòn.
-Rồi có ngày em sẽ gặp.
-Anh đã gặp cách mạng rồi à?
-Chưa, nhưng anh có nhiều bạn đi làm cách mạng.
Mẫn không chú ý đến gió trăng và dòng kênh phía trước nữa. Mắt nó mở lớn, mặt nó ngước lên và tràn ngập ánh trăng. Nó hỏi:
-Nhưng làm cách mạng để làm gì?
-Làm cách mạng để lật đổ chế độ này. Chế độ này làm tay sai Mỹ. Rất xấu. Em có thấy Mỹ nó đi nghinh ngang đầy đường không? Em có thấy bọn cảnh sát đứng đầy đường đàn áp đồng bào, và học sinh, sinh viên không, có thấy nó đánh tụi anh phụt máu như hôm trước đó không?
Mẫn gật đầu lia lịa:
-Em thấy. Bọn cảnh sát nó còn đánh em nữa. Hôm nọ em chỉ sơ ý vượt đèn đỏ, thằng cảnh sát gọi em vô bót rồi đánh em nhừ tử và lấy mất cái xe đạp. Em đã biết chúng nó là tụi khốn nạn lắm. Anh Tuấn ơi, đêm nay anh cho em biết chuyện này hay quá, vậy mà lâu nay em chẳng hiểu gì cả. Bữa nào anh cho em đi biểu tình với nhé?
Tuấn ôm ngang lưng Mẫn, anh mỉm cười hỏi:
-Em đi biểu tình để làm gì?
-Để đánh tụi cảnh sát. Em bắn ná thun. Ừ, em có thằng bạn, thằng Quý Dơi, nó bắn ná thun rất giỏi.
-Hôm nào em dẫn Quý Dơi đến anh chơi. Anh sẽ dạy nó học luôn. Các em phải cố học giỏi mới khỏi bị bọn chúng đè đầu cưỡi cổ.



9.

Mẫn tìm đến nhà anh Tuấn vào sáng chủ nhật nhưng nhà lại đóng cửa, nó chờ một lúc không thấy ai nên quay về. Vừa từ trong hẻm ra đến đầu đường thì nó gặp anh Tuấn đi mua bánh mì về.
-May quá! Tuấn kêu lên, Em vào đây, anh có món quà nhỏ cho em.
Tuấn mở cửa ngôi nhà ọp ẹp của mình. Hai anh em ngồi xuống đi–văng.
Mẫn nói:
-Em đem trả anh cuốn sách.
Nói xong, nó mở cái gói giấy đã được bọc cẩn thận. Một cuốn sách nhỏ bìa vẽ hình mầu lộ ra. Cuốn Vừ-A–Dính.
-Sách hay quá anh ạ, Mẫn nói, anh còn cuốn nào khác không?
-Lúc nãy anh nói là có quà cho em mà. Rồi anh sẽ đưa cho em. Sách của cách mạng gởi từ trong cứ về đây khó lắm nên không có nhiều. Quý Dơi nó đọc chưa?
-Em đưa nó đọc rồi.
Tuấn ra hiệu cho Mẫn nhỏm dậy rồi anh nhắc cái đi–văng lên, lôi ra một chồng báo cũ. Tuấn lật một lúc rồi kéo ra một cuốn sách mỏng, bìa vẽ hình một thanh niên khỏe mạnh, mình khoác da cọp đứng trên chiếc xuồng. Mẫn ngồi sà xuống, tiếp lấy cuốn sách:
-Đốc Cọp. Hay quá! Mẫn lật vô mấy trang đầu, mắt mở lớn và sáng rực. Hay là anh cho em vô cứ ít lâu đi. Em đọc cho nó đã.
-Em thích loại sách này lắm hả?
-Em mê lắm.
-Nhưng sao lại mê?
Mẫn có vẻ suy nghĩ:
-Truyện Vừ-A–Dính rất cảm động. Nhiều đoạn em coi mà phát khóc.
-Thế em có sợ tụi thực dân Pháp không? Chúng treo em Vừ-A–Dính lên cành cây mà bắn.
Mẫn nói:
-Em chẳng sợ. Cái lần em bị tụi cảnh sát kéo vô bót đánh em cũng chẳng sợ nhưng em căm thù lắm. Em giết nó chết cũng được.
Tuấn xếp các thứ lại chỗ cũ rồi cắt ổ bánh mì ra làm hai, rót một ít nước tương vào cái chén nhỏ và bổ đôi trái ớt chín.
Trong lúc hai anh em ngồi ăn bánh mì, Tuấn nói:
-Mẫn à, trước sau gì anh cũng sẽ thu xếp cho em về vùng giải phóng. Nhưng em phải suy nghĩ kỹ đi, theo cách mạng gian khổ lắm đấy, em ạ. Đã theo thì phải theo đến cùng, nhất định không lùi bước.


10.

Mẫn tắm rửa xong thì trời đã chiều. Nó mặc vội quần áo rồi trở lại chỗ dì Tư.
Dì Tư đã khóa xong cửa hàng, vừa kiếm lại đồ đạc trong xách vừa nói:
-Chút nữa ra phố coi có vải gì đẹp dì may cho con bộ đồ.
Mẫn cười:
-Làm nghề này mà may đồ mới làm chi?
-Khi nào có đi chơi thì bận chớ.
Hai người đi dọc theo bờ sông, dòm ngó vô mấy nhà hàng, tiệm nước đông người. Xe cộ đậu lộn xộn, lẫn lộn bên các xe khô mực, các gánh bắp nướng, thịt bò khô, hột vịt lộn.
Mẫn nhận ra Lý đang đứng nói chuyện với bà lão ăn mày bên bờ sông. Không biết có chuyện gì vui mà bà lão tươi cười rạng rỡ. Mẫn dắt dì Tư lại phía ấy. Dì Tư hỏi Lý:
-Cái gì vui vẻ quá vậy, con?
-Bữa nay bà Chín hên lắm đó. Xin được gần ba trăm bạc.
Vừa lúc ấy có tiếng còi xe hơi. Ngoài lộ có tiếng vọng vô:
-Lý ơi, lại dẹp hàng của mày đi.
Lý dắt bà Chín đi lại phía để rổ đậu phộng của mình.
Mẫn và dì Tư cũng đi lại phía vỉa hè, chỗ bày bán các thứ vải rẻ tiền. Tiếng một người đàn ông nói tía lia:
-Vải rằn, vải bông, vải sa–teng đủ màu, đủ cỡ, đủ loại, trước bán bốn trăm đồng nay ở đây chúng tôi chỉ bán quảng cáo còn có hai trăm đồng một thước, tặng thêm hai tấm vé số bảo đảm trúng độc đắc cả hai. Mại dô! Mại dô! Bên này bà cô mua năm thước, dạ, xin đợi một chút. Dạ, bên này dì Hai mua hai cái quần lãnh Nam Vang thứ thiệt. Dạ… dạ… hai tấm vé số đây, ngày mốt trúng số. Trúng số rồi đi lãnh tiền rồi ghé vô đây mua thêm ít vải nữa về biếu bà con cô bác lối xóm mỗi người một bộ quần áo mặc chơi. Cám ơn cô hai, bên này mua…
Dì Tư ngồi xuống săm soi mấy đống vải để dưới đất, ý chừng dì cũng thích mua một cái quần tây màu xanh nước biển cho thằng Mẫn nhưng dì không biết nên chọn loại nào mặc cho bền. Còn Mẫn, nó không ngó ngàng đến vải vóc, nó mê cái miệng của người bán hàng. Ông ta nói có pho có phách, có nhịp có nhàng, nói như cái máy quay đều, nói không vấp váp.
Dì Tư hỏi:
-Con muốn thứ nào?
-Con ưng màu đen hơn là màu xanh.
Dì Tư cầm xấp vải lên săm soi một lúc rồi hỏi người bán hàng:
-Bao nhiêu đây chú?
Người bán hàng tuy miệng nói thao thao nhưng mắt anh ta không bỏ lỡ bất cứ cử động nào của khách hàng. Anh ta đáp lời tức khắc:
-Dì Hai bên này mua một xấp vải quần tây. Dạ chỉ có bốn trăm đồng một quần. Dạ đó là thứ hàng tốt lắm.
-Nhưng mà có bền không? Dì Tư hỏi.
Anh ta cười, bàn tay khoa khoa trong khoảng không và trả lời:
-Cái đó thì khỏi chê. Về may quần tha hồ mà bận. Bận la bận lết, bận tới tết cũng còn bận.
Anh ta vừa nói vừa gấp xấp vải vô một tờ giấy báo cẩn thận trao cho dì Tư. Dì Tư trả tiền xong liền đứng dậy. Mẫn nói:
-Ở lại coi ổng nói một chút nữa dì ơi. Ổng nói hay quá.
-Thôi, đi con! Không có gì mà coi, chẳng qua là nghề quảng cáo của họ thôi.
Hai người vừa ra khỏi đám đông thì có tiếng la của Lý ở đằng trước.
Mẫn hoảng hốt kéo dì Tư chạy lại.
Phía ấy, một chiếc xe “jíp” sơn trắng của hai tên Mỹ vừa trờ tới cán nát rổ đậu phộng nấu của Lý. Mẫn vạch đám đông nhảy vô. Nó hỏi:
-Gì vậy?
Lý đáp:
-Nó bảo tránh chỗ cho xe nó ra, em chưa kịp nhỏm dậy thì nó đã cán bừa rồi, chút xíu nữa là nát cả bàn chân.
Mẫn nổi khùng. Nó chạy lại chỗ tên Mỹ đang ngồi. Nó níu lấy tay trái. Nó nói lấp vấp, khó khăn:
-Ê! Mắc đền! Tụi bây mắc đền!
Nhưng tên Mỹ lái xe đã nện cho Mẫn một quả đấm vào giữa mặt. Nó ngã xuống đất nhưng lại trỗi dậy ngay được. Nó chưa kịp phản ứng gì thì tên Mỹ đã nhấn ga cho xe vọt đi. Chiếc xe bương tới trước như một con thú dữ.
Tiếng bà lão ăn mày rú lên thê thảm giữa đám khói mù. Khi mọi người bu đến thì bà đã tắt thở. Bà bị xe hất té xuống nền xi măng, đầu đập xuống đó quá mạnh nên chết ngay. Thế thôi, bà chết thật dễ dàng.
Chiếc xe “jíp” của tụi Mỹ đã chạy mất dạng.
Mẫn lay bà lão mấy lần nhưng bà chỉ còn là một cái xác mềm nhũn, vô tri.
Lý khóc sướt mướt như một kẻ điên khùng. Nó không còn ngó ngàng gì tới cái rổ đậu phộng bẹp nát dưới đất nữa.
Chiếc xe lam chở bà lão ăn mày trở về nhà khi thành phố đã lên đèn. Mấy người đàn ông lao động trong xóm cũng có mặt trên chuyến xe ấy. Mẫn nghe như có người hỏi:
-Có ai nhớ rõ số xe của hai thằng đó không?
Mẫn làm sao quên được chiếc xe “jíp” mang dấu hiệu của hãng thầu R.M.K và nét mặt bỉ ổi của hai tên ấy, nhưng nó vẫn làm thinh. Nó nghĩ thầm:
-Mình với anh Hợi sẽ chẳng bao giờ bỏ qua việc này.




11.

Hợi im lặng suốt từ lúc nghe tin mẹ chết, thứ im lặng dễ sợ. Nhiều lần Mẫn muốn gợi chuyện để an ủi anh nhưng không dám. Buổi trưa, đợi mọi người đi hết, Hợi xách con dao găm ra vườn, mài. Lúc ấy Mẫn mới nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh anh, hỏi:
-Anh Hai ơi, sao anh không nói gì hết vậy anh Hai?
Hợi cười. Mẫn không ngờ lúc ấy Hợi có thể cười được. Nhưng khi nó nhìn lên thấy cái miệng cong vòng, lệch lạc dưới đôi mắt đỏ ngầu của Hợi thì càng lo lắng. Nó hỏi:
-Sao anh lại cười?
-Tao cười đời.
Mẫn làm thinh và Hợi cúi lưng xuống xát mạnh lưỡi dao lên hòn đá nhám. Lưng anh cong, nổi rõ một đường rãnh sâu giữa hai thớ thịt và ướt đẫm mồ hôi, Mẫn lại hỏi:
-Anh tính “chơi” thằng Mỹ?
-Mày sợ à?
-Không.
-Sao mày hỏi giọng đó?
-Em muốn bàn với anh.
Hơi ngừng tay, cười gằn:
-Mày biết cái cóc khô gì mà bàn? Tụi nó giết mẹ tao thì tao phải giết tụi nó. Khỏi bàn.
-Nhưng giết được rồi anh đi đâu?
Đi đâu? Hợi đã từng hỏi như thế từ lâu rồi. Không phải đợi đến khi có ý định trả thù câu hỏi ấy mới đến với anh nhưng nó đã đến từ lúc anh bị bắt đi lính, từ lúc ở trong quân trường, và nhất là lúc anh đào ngũ trở về với mẹ. Đi đâu? Hợi suy nghĩ mãi không ra và cuối cùng chỉ còn cách trở về với mẹ, trốn chiu trốn nhủi trong xóm lao động, nhờ bà con đùm bọc che giấu… Đi đâu? Hợi chửi thề một tiếng rồi ướm thử lưỡi dao. Anh nói:
-Giết chúng xong tao sẽ đi thật xa. Đi giang hồ.
-Đi giang hồ suốt đời.
-Suốt đời. Tao còn kể gì đời tao nữa. Giết chúng rồi coi như đời tao cũng bỏ.
Sao lại bỏ? Mẫn muốn thốt ra câu hỏi ấy nhưng không hiểu sao nó vẫn làm thinh. Rất nhanh, nó nghĩ đến anh sinh viên Tuấn, đến Vừ-A–Dính… Nó cũng không hiểu sao trong tình cảnh gian nan bế tắc này, nó lại nghĩ đến những người nó hằng kính phục ấy. Nó lờ mờ thấy như vẫn còn một lối giải quyết nào đấy, một lối thoát nào đấy cho những con người bị bóc lột, chà đạp như Hợi, nhưng nó chưa rõ là mình phải làm gì để giúp anh. Bỗng, nó đột ngột đề nghị:
-Hay là anh trốn vô vùng giải phóng?
Hợi ngừng tay ngó sững Mẫn:
-Đi theo vi-xi à? Ai xúi mày nói như thế? Mày biết Vi–xi là ai không mà mày dám xúi tao?
-Biết.
-Biết? Hợi tròn mắt, mày mà biết? Chính tao đã đụng mấy chả nhiều trận mà cũng chưa biết mặt mũi ra sao nữa là mày.
Mẫn trở nên tươi tỉnh, nó cười và nói:
-Vậy mà em biết. Em đã gặp.
-Ở đâu?
-Ở trong thành phố này.
Hợi để con dao xuống đất, không nói thêm được một tiếng… Mẫn tiếp:
-Anh đó là một sinh viên rất dễ thương, ảnh hứa bữa nào cho em vô vùng giải phóng chơi. Nếu anh chịu thì em sẽ xin với ảnh.
Hợi ngồi chăm chú nghe, miệng há hốc. Vẻ mặt dữ tợn trên gương mặt lúc nãy của anh biến mất, sự suy nghĩ tạo thành những vết nhăn trên vầng trán thấp. Mẫn hỏi dồn:
-Anh chịu không?
Câu hỏi bình thường chợt làm Hợi giật mình, anh cúi xuống đất xát mạnh lưỡi dao vào đá một lúc khá lâu khiến Mẫn tưởng anh bất bình. Nó đứng dậy định bỏ đi nhưng Hợi đã kêu lại, anh nói:
-Để bữa nào mày cho tao gặp cha vi-xi đó coi sao.



12.

Hôm sau, đám tang của bà lão ăn mày cử hành một cách âm thầm. Chiếc quan tài gỗ được đặt trên một chiếc xe lam của ông hàng xóm. Thằng Hà và má nó ngồi hai bên quan tài. Hợi chở Mẫn trên chiếc xe đạp cao lênh khênh, lọc cọc đạp theo sau. Vợ con anh và cả anh nữa không ai có áo tang để mà mặc. Hợi mặc bộ quần áo cũ kỹ thường ngày, đầu chỉ chít một chiếc khăn sô đơn giản. Chiếc xe chở áo quan đi trước anh bốn năm mét, lúc chạy nhanh, lúc chạy châm phụt khói trắng mịt mù.
Hợi cúi gầm mặt xuống mà đạp theo sau, không chú ý gì đến phố xá. Từ khi đào ngũ về, đây là lần đầu tiên anh dám bước ra đường. Mẫn ngồi khuất sau lưng anh, mắt không rời khỏi chiếc xe lam chở quan tài đi trước. Chị Hợi ngồi trên xe vẫn còn khóc rưng rức, thỉnh thoảng lại kéo tà áo lên lau nước mắt hay nhoài người ra ngoài xe hỉ mũi. Đường phố vẫn tấp nập người qua lại. Đám tang quá đơn giản, quá âm thầm nên không ai buồn để ý, dòng người vẫn vội vàng, tấp nập và huyên náo.
Mẫn nhớ tới chiếc xe bò chở quan tài của mẹ nó ngày trước, nó đi theo sau xe khóc sướt mướt. Buổi chiều đó trời im gió, có lúc hai con bò già dừng lại ngó mông lung lên trời, phe phẩy cái đuôi dài đuổi ruồi muỗi rồi chậm rãi bước tới. Mẫn không còn thấy ai chung quanh, nó chỉ thấy một khoảng trống nhấp nhô của gò đống, bụi gai và bia mộ, cái quãng trống lạnh lùng hoàn toàn không có liên hệ gì với thế giới con người. Chuyến xe ấy cũng buồn thảm như chuyến xe lam âm thầm đưa bà lão ăn mày đi ngang qua thành phố.
Trên xe, thằng Hà rút gói chùm ruột trong túi ra, bốc ăn từng trái một. Nó muốn hỏi má sao bà nội nó chết, nhưng thấy má cứ khóc hoài nên nó buồn bã ngửa cổ tựa vào thành xe. Bỗng nhiên, nó nghe nhiều tiếng còi thổi. Dưới đường, một toán cảnh sát dã chiến, cảnh sát áo trắng và quân cảnh đứng dày đặc hai bên lề đường chặn xe cộ và bộ hành xét giấy.
Hợi cũng bị chặn hỏi đột ngột, chặn lại trong lúc anh đang cắm cúi đạp xe, đang miên man suy nghĩ cách trả thù. Anh tập trung suy nghĩ khẩn trương đến nỗi không nghe thấy tiếng còi khiến hai tên quân cảnh cao lớn phải xách súng ra cản đường và kéo anh lại. Lúc anh giật mình ngẩng lên thì tình thế đã không còn cứu vãn được nữa rồi.
-Xuống xe!
Hợi nghe có tiếng quát và anh lẳng lặng làm theo. Mẫn cũng xuống xe đứng một bên. Thằng quân cảnh đưa tay lên chào lấy lệ và hỏi.
-Cho coi giấy tờ.
Hợi ấp úng nói:
-Dạ… dạ.
Tên quân cảnh xắng giọng lập lại:
-Cho coi giấy tờ.
-Dạ… em… bỏ quên ở nhà.
-Giỡn mặt, cha. Thời buổi này ra đường mà quên giấy tờ ở nhà.
-Dạ, thiệt tình em bỏ quên giấy tờ ở nhà. Dạ, mắc đưa bà già em đi chôn, dạ… tang gia bối rối quá nên em quên.
Tên quân cảnh ngó quanh quất:
-Đâu? Chôn ai đâu? Xe tang đâu? Tao có thấy đám ma nào qua đây đây? Đ.m… mày xí gạt tao hả?
-Dạ, đâu có… dạ, xe tang đậu đằng kia.
Theo ngón tay chỉ, tên quân cảnh nhìn thấy một chiếc xe lam vừa đậu lại cách chỗ xét giấy tờ chừng mười mét. Hợi bồi một câu:
-Dạ trung sĩ nhìn lên đầu em đi. Em đang có tang không lẽ lại đi nói dối.
Tên quân cảnh quay lại ngó Hợi một lúc khá lâu rồi cười nhạt:
-Có tang thì có tang chứ ăn nhậu gì tới tao –Nó hất hàm bảo Mẫn –Ê! Thằng nhỏ chạy về nhà lấy giấy tờ đem đây coi.
Mẫn tức lộn ruột. Nhìn thằng này sao Mẫn cứ nhớ tới cái mặt của thằng cảnh sát đánh nó ngày nào. Tuy vậy, nó đành bấm bụng xuống nước năn nỉ giúp Hợi:
-Dạ thưa trung sĩ, ở nhà ảnh đâu còn ai. Lo đi đưa đám ma hết rồi.
Thằng quân cảnh ra hiệu cho Hợi dắt xe đạp đứng lên lề đường rồi thản nhiên lấy thuốc lá ra hút, xem như chuyện ấy đã được giải quyết xong. Cách đó một cái trụ điện, một thằng quân cảnh khác lững thững đi lại chỗ Hợi đứng, cười khà khà và nói:
-Ê, làm nghề gì cha nội?
-Dạ, em làm thợ mộc.
-Sao không đi lính?
-Dạ, em hoãn dịch gia cảnh.
-Giấy tờ đâu?
-Dạ… em đi đưa đám ma bà già (Hợi lại chỉ cái xe lam) nên em rối trí quá bỏ…
Hợi ngừng nói nửa chừng. Rõ ràng anh thấy đôi mắt thằng quân cảnh trợn lên một cách dữ tợn rồi bất thình lình nó chụp lấy cổ tay anh vặn tréo:
-Cái gì đây? –Tên quân cảnh hét lên –Đ.m. mày, chữ gì xâm lên cổ tay đây?
Mẫn hoảng hốt quay lại. Thôi hết đường chối cãi. Cái thứ lính thủy quân lục chiến chết tiệt ấy thực là hiểm độc, chúng bắt thằng lính phải xâm trên tay chữ TQLC bằng chàm xanh lè không cách gì xóa nổi. Hợi tái mặt vì sợ, nhưng ngay lúc ấy anh thấy chiếc xe lam chở quan tài mẹ anh bị một tên quân cảnh khác đuổi đi và vợ anh thì gục mặt xuống khóc nức nở. Anh van tụi quân cảnh:
-Mẹ tôi chết, các anh không thể cho tôi đi chôn mẹ tôi sao?
Nhưng tên quân cảnh đã rút một chiếc còng số 8 ra và nạt:
-Câm miệng, đừng có nói lạng quạng nữa tao đá vô ba sườn bây giờ.
Trước mặt Hợi lập tức hiện ra căn phòng nghẹt người ở quân lao với đủ loại lính đầu trâu mặt ngựa, rồi hình ảnh những thằng lao công đào binh bị cạo đầu trọc lóc, ăn mặc rách rưới tả tơi, thất thểu trên các mặt trận. Bỗng nhiên nỗi căm thù bùng sôi lên trong anh như một ngọn sóng sủi bọt đỏ ngầu. Anh dùng hết sức xô ngã tên quân cảnh xuống đường rồi chạy như bay về phía chiếc xe lam chở quan tài mẹ anh. Tên quân cảnh bắn chỉ thiên mấy phát nhưng Hợi vẫn cứ chạy. Lúc ấy, tên nằm dưới đất cũng lồm cồm bò dậy, thấy Hợi vừa bấu được thành xe lam, hắn rút khẩu súng côn ra khỏi bao, lên đạn và bắn liền ba phát.
Hợi té gục xuống, trán đập mạnh xuống sàn xe bật máu nhưng hai cánh tay anh vẫn còn bám chặt những song sắt. Chiếc xe tang từ từ đậu lại. Mẫn cũng chạy đến nơi. Khi nó ôm lấy tấm thân to lớn của Hợi thì hai bàn tay của anh cũng đã rời khỏi thành xe. Mẫn cố hết sức đỡ anh nằm xuống đường cái và lay gọi, giọng đầy nước mắt:
-Anh Hai! Anh Hai! Em sẽ trả thù.
Hợi mở mắt ra, cái nhìn mờ nhạt, anh nói:
-Em hãy trả thù, em đến tìm anh sinh viên. Anh chết, Mẫn à… anh gởi lời thăm anh ấy.
Mẫn cắn môi để ngăn tiếng khóc. Máu Hợi thấm ướt hai bàn tay run lẩy bẩy của nó.
Lúc ấy người đi đường đã bu lại khá đông, quanh xác chết, quanh chiếc xe tang và quanh hai mẹ con chị Hợi đang la hét điên cuồng.



13.

Mẫn ngồi xếp các giấy bạc, vừa bạc một trăm, vừa bạc năm chục, bạc hai chục vào một gói lớn, hai mươi bảy ngàn. Số tiền nó dành dụm hơn một năm nay. Số tiền vắt ra từ mồ hôi nước mắt. Bao nhiêu ấy nếu xây một ngôi mộ cho mẹ nó cũng không phải là thiếu, nhưng biết làm sao bây giờ? Mẫn chưa thể trở về quê để thực hiện điều mong ước ngay được. Sự căm thù đã choán cả tâm hồn nó. Mẫn sẽ về xây cho mẹ ngôi mộ đẹp sau này, khi mà không còn một thằng giặc Mỹ nào trên đất nước thân yêu. Mẫn ngồi nhìn gói bạc rất lâu rồi quyết định viết một bức thư để lại.
Nó cầm bút lên tay, suy nghĩ. Nó có nhiều điều muốn nói, muốn dặn dò gởi gắm lại. Nó muốn viết những lời cám ơn dì Tư, muốn diễn tả tình cảm của mình với Lý. Nó muốn giải thích tại sao nó ra đi nhưng không biết mở đầu thế nào, diễn ý ra sao. Nó bỏ bút xuống bàn, suy nghĩ giây lát rồi cầm bút lên hí hoáy viết:
Con nhờ dì trao lại số tiền này cho chị Hợi đề chị ấy trả nợ, lo chôn cất anh Hợi và tìm cách buôn bán lặt vặt chi đó mà nuôi thằng Hà, nếu không nó sẽ trở thành một kẻ trộm cắp vì không có tiền để sống.
Con xin cám ơn dì và em Lý
Mẫn ký tên nguệch ngoạc rồi xếp thư lại, cột chung trong gói bạc và đem nhét vào vali dì Tư. Xong, nó trở ra chái nhà lấy trái lựu đạn nhét vô túi quần rồi bước ra cửa.
Khi ra đến đường cái tự nhiên nó muốn ghé lại đằng chỗ Lý một lát. Nó đứng tần ngần chỗ trạm xe buýt khá lâu.
Xế chiều, trời oi bức lạ lùng và cơn mưa giông ở đâu ập tới đột ngột trên mái nhà, trên những trần xe chạy ngang qua phố.
Mẫn chạy vô núp dưới mái hiên. Cơn mưa kéo dài, sấm chớp giăng ngang khung trời đục ngầu, gió mạnh tạt qua mặt đường cuốn hơi nước thành từng mảng sương trắng như bông. Đường phố lấp lánh muôn ngàn vết đèn màu.
Chiếc xe buýt dài thoòng ghé lại, hành khách đội mưa chạy ra, hấp tấp leo lên xe nhưng Mẫn vẫn đứng im. Có nên gặp Lý một lần trước khi đi không? Nếu biết mình ra đi chắc Lý buồn lắm. Nó sẽ khóc… Mẫn ngửa mặt nhìn vòm trời sáng như bạc. Một chiếc xe buýt nữa lại ghé vào trạm, lần này Mẫn chạy ra và lên xe. Lý ơi! Tạm biệt em, tạm biệt những kỷ niệm êm đềm giữa chúng ta.
Chuyến xe đi thật nhanh qua thành phố.
Khi cánh cửa căn nhà quen thuộc mở ra, Mẫn chậm rãi bước vào nhà, quần áo ướt sũng, nước chảy ròng ròng xuống sàn gỗ.
Tuấn hỏi:
-Em đi đâu giờ này mà không đem áo mưa?
Không đợi Mẫn trả lời, Tuấn mở vali lấy quần áo của mình cho Mẫn mặc đỡ. Mẫn lặng lẽ lấy trái lựu đạn trong túi ra, đặt xuống giường. Tuấn ngạc nhiên hỏi:
-Ở đâu vậy?
-Của một người vừa chết.
Rồi Mẫn kể lại mọi chuyện cho Tuấn nghe, nó nói:
-Ngày mai anh thu xếp cho em về vùng giải phóng. Phải đánh tụi nó mới được anh à. Em nghĩ kỹ rồi, không còn cách nào khác.
Tuấn kéo Mẫn lại ngồi xuống bên mình, anh đốt một điếu thuốc và trầm ngâm rất lâu, lát sau anh nói:
-Anh sẽ đưa em đi. Em về đó học một thời gian rồi trở lại Sài Gòn. Anh em mình sẽ cùng nhau đánh giặc ngay giữa thành phố này.
Bên ngoài mưa vẫn như trút nước dữ dội. Mẫn ngồi sát vào Tuấn, và lần đầu tiên kể từ ngày rời khỏi quê nhà, nó cảm thấy lòng mình ấm áp, thanh thản như ngày còn bé được ngồi trong lòng mẹ.

ĐÀO HIẾU
#1
    Ct.Ly 18.08.2012 21:48:30 (permalink)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9