người trở về với chính minh - Bút kí Trần Vũ Long
Bim Bim 27.07.2012 16:34:56 (permalink)
Người trở về với chính mình

Trần Vũ Long

Vào buổi chiều cuối xuân, khi cái nắng vàng nhè nhẹ rải khắp triền cỏ xanh non mát mắt trên con đê dọc sông Hồng, chúng tôi tìm đến nhà một nhân vật khá đặc biệt. Có người bảo đó là gã khùng. Người bảo anh ta điên. Người lại bảo con người đó khôn như rận. Vân vân và vân. Để đến nhà anh ta chúng tôi phải đi qua cầu Long Biên, trước đây vẫn thường được gọi là “cây cầu của những người nghèo”, hay “cây cầu lam lũ”. Bởi ngày trước, người ta chỉ cho xe đạp đi qua đây, và mỗi sớm mỗi chiều là những chiếc xe thồ chở chất ngất thúng mủng của các bà các chị đi chợ oằn người cặm cụi đạp qua cây cầu lịch sử này. Những cái tên dân giã người ta đặt cho cây cầu, nghe có gì đó thân thương và nhức buốt. Rồi sau này xe máy cũng được lên cầu, lần đầu tiên tôi đi qua cây cầu ấy, sau mấy chục năm làm người trên đất Hà Nội, cũng chính là vào một buổi tối cùng mấy ông bạn tìm đến nhà anh ta. Qua khỏi “cây cầu lam lũ”, chúng tôi tìm đến phường Ngọc Thụỵ, huyện Gia Lâm, rồi phải hỏi đường vì không còn nhớ nhà.
Bác ơi cho cháu hỏi nhà anh Đào Anh Khánh.
Một người đàn ông cỡ khoảng bẩy chục tuổi mặc bộ pizama đang đi tha thẩn dọc con đê, nghiêm nghị nhìn chúng tôi rồi nói oang oang.
Nhà cái tay Khánh điên ấy hả. Tay này suốt ngày đáo xuân đáo trò làm cho bọn tôi cứ phải họp bàn để giữ an ninh trật tự, mệt lắm. Các anh cứ đi thẳng khi nào thấy bên tay trái có cái cục bê tông to tướng đề Sờ tu đi ô nằm bên tay phải thì rẽ xuống khoảng trăm mét nữa là tới.
Sau khi cảm ơn người đàn ông đó, tôi cứ nghĩ ngợi về mấy câu nói của ông ta, rồi lại cười thầm trong bụng. Rõ khổ, chắc mấy bác hưu trí đó làm công tác an ninh của phường, chẳng hiểu mô tê gì về mấy chương trình Đáo xuân của Đào Anh Khánh, vẫn thường tổ chức dịp sau tết, nhưng cứ phải theo dõi, giữ an ninh trật tự. Chắc hẳn gã Khánh này bị mất đứt điểm với mấy bác cán bộ phường rồi. Chết thật.
Vì đã một lần được xem chương trình Đáo xuân của Đào Anh Khánh tuy chẳng còn nhớ chủ đề gì nữa, nhưng thực sự nó tạo cho tôi một ấn tượng khá thú vị về nghệ thuật trình diễn, sắp đặt cũng như ấn tượng mạnh về cái gã Khánh “điên” này. Chính vì vậy mà hôm nay chúng tôi lại mò đến đây để gặp gã.
Đang lơ ngơ khi mới bước chân qua cổng nhà gã, định gọi với vào thì bỗng ầm ầm một chiếc xe Jeep lao thẳng vào trong sân, đỗ xịch ngay trước mặt chúng tôi. Tôi thở dài đánh thượt, vì không khỏi giật mình với kiểu lái xe có phần ngang tàng của ông chủ nhà. Đào Anh Khánh bước xuống nói cười xởi lởi, bắt tay chúng tôi rồi mời vào nhà. Đây là lần thứ hai tôi đến ngôi nhà này nhưng là lần đầu tiên tiếp xúc với Đào Anh Khánh. Có gì đó làm tôi hơi ngạc nhiên. Với mấy câu chào hỏi làm quen, tôi thấy gã thật khác so với những gì vẫn nghĩ trước đây. Cảm nhận ban đầu của tôi về con người này là cách nói chuyện rất nhẹ nhàng có duyên, có phần sâu sắc. Trời đất, vậy mà mấy anh em chúng tôi chuẩn bị một tinh thần khác trước khi đến đây, để tiếp chuyện gã. Dường như ai cũng nghĩ, với cái dáng vẻ bề ngoài trông dị mọ, với những gì mà gã đã từng thể hiện thì chắc hẳn là con người đó có kiểu ăn nói ngang tàng, bặm trợn, bất cần. Thế mới biết, đừng có đánh giá con người ta bằng cái dáng vẻ bên ngoài. Ngay bản thân tôi, cả làng cả nước ai cũng bảo hiền lành. Ấy vậy mà đã một lần đi thăm người quen ở trong bệnh viện, tôi bị mấy ông bà đi trông bệnh nhân chẳng hề quen biết, chẳng oán thù gì, nom thẳng vào mặt tôi mà nói: “Râu với chẳng ria kinh bỏ mẹ”. Nói xong mấy cụ chui tọt vào trong phòng. Tôi vừa bực mình nhưng vẫn không thể không phì cười, chẳng lẽ chạy theo để mà thanh minh thanh nga: “Cụ ơi cụ lầm rồi, cháu không phải như vậy đâu cụ ạ”. Và tôi tin, một trăm người, khi mới đọc bài và nhìn ảnh trên báo thì có đến 99,5 người có suy nghĩ về Đào Anh Khánh giống tôi lúc đầu.
Nằm giữa cả một khu đất rộng gần hai nghìn mét vuông là một cái nhà sàn có vẻ như lâu đời. Chắc hẳn gã đã mua cái nhà sàn đó từ một vùng xa xôi hẻo lánh nào đem về đây để dựng. Xung quanh cái nhà sàn là cây cối, nền đất, sân gạch, ao nước đan xen. Tôi cứ nghĩ, nếu mảnh đất này rơi vào tay một đại gia nào đó thì nó sẽ biến thành một khu biệt thự thật tráng lệ. Còn giả sử vứt cho Đào Anh Khánh một núi tiền thì cái mảnh đất này trông vẫn chỉ đơn sơ và quê mùa như vậy mà thôi. Bên dưới nhà sàn, la liệt tranh pháo của Đào Anh Khánh, cái treo, cái xếp thành từng chồng. Vậy mà mà lâu nay thiên hạ cứ rỉ tai nhau rằng Đào Anh Khánh có biết vẽ tranh bao giờ đâu, nên gã mới chuyển làm trình diễn với sắp đặt. Khi tôi đem chuyện này nói lại, gã mủm mỉm cười mà rằng, thiên hạ thêu dệt nhiều chuỵên về gã lắm, có thanh minh thanh nga đến già cũng không xong. Thực ra gã vốn sinh ra và được ăn học là để làm hoạ sĩ, đó là con đường dài nhất của gã từ trước đến giờ. Và gã khẳng định rằng sự lao động của gã không hề thua bất kì một hoạ sĩ có cường độ làm việc cao nào khác. Quả thực, nhìn đống tranh pháo trong nhà gã thì quả có thế thật. Bằng cảm quan của một kẻ rất nghiệp dư trong nghề tranh pháo, qua một số bức tranh, tôi thấy chúng cũng có phần dị mọ giống như con người của Đào Anh Khánh. Với gu tranh pháo ngoại đạo như tôi thì tôi không thích lắm. Ấy vậy chứ tranh của gã lại bán chạy ra phết, chủ yếu là khách nước ngoài. Và, các cuộc triển lãm của gã từ trước đến nay cũng chủ yếu là ở nước ngoài. Có lẽ vì vậy mà công chúng trong nước ít biết đến mà hầu như chỉ để ý đến những hoạt động bề nổi với một Đào Anh Khánh “điên rồ” trong nghệ thuật trình diễn, sắp đặt. Cho đến thời điểm này thì cái để nuôi sống gã và đầu tư cho hàng loạt các chương trình nghệ thuật của gã vẫn chính là tranh. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, nhờ mấy chương trình nghệ thuật có được sức hút mà gã đã được các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài tài trợ, nhưng cũng chỉ đáp ứng một phần mà thôi. Có nhiều người bảo làm nghệ thuật kiểu trình diễn và sắp đặt thì ai mà chẳng làm được. Ừ thì cũng có cái sao mà buồn cười thế, sao mà ngô nghê thế, sao mà phản cảm thế, vậy mà mấy ông mấy bà cứ gọi đó là nghệ thuật là sao nhỉ. Riêng cá nhân tôi, một kẻ cũng chẳng am hiểu lắm về loại hình nghệ thuật này, cũng có xem có đọc ở tren mạng, tren đài trên báo có nhièu cái tôi cũng chẳng thích thật. Thậm chí có cái làm mình thấy ớn. Nhưng sau khi xem một số chương trình của gã và cái cách làm việc của gã thì nó đã tạo cho tôi cảm xúc và tôi thấy ở gã toát lên sự tâm huyết với công việc, dường như gã đã dành trọn đam mê, tình yêu cho nó. Đối với các nước phương tây thì nghệ thuật trình diễn, sắp đặt chẳng mới mẻ gì, bởi nó đã ra đời cách đây đến 70 năm rồi. Nhưng còn ở Việt Nam thì nó là một thứ lạ lẫm, bởi mới được du nhập khoảng 10 năm trở lại. Có thể xem Đào Anh Khánh là một trong những người tiên phong đưa cái món đó vào nước ta. Có người kính nể vì những việc gã làm nhưng cũng có người chép miệng, cười khẩy. Chắc hẳn trong con đường chông gai và có phần đơn độc đó gã phải trả giá nhiều lắm. Suy cho cùng thì trên đời này chẳng có cái gì mà không có giá của nó cả. Quan trọng là công việc của anh đã đóng góp được gì cho cộng đồng, và đó chính là cái thước đo mà cộng đồng sẽ dùng để đánh giá lại con người anh. Khi anh được cái này thì phải mất cái kia, có tham mấy thì giời cũng đâu có cho. Kể từ khi tham gia món trình diễn sắp đặt này Đào Anh Khánh cũng phải trả giá khá nhiều. Nó cũng chính là lý do để gã phải chia tay với người vợ đầu tiên của mình. Bởi vợ gã cũng là một hoạ sĩ mà quan điểm nghệ thuật lại quá khác nhau. Khi mà quan điểm đối nghịch chan chat, kình kịch thì làm sao mà ở với nhau được đây. Không tương cả talet với bút lông vào đầu vào mặt nhau là may ý chứ. Không những thế, gã suốt ngày đem tiền của nhà đi để đầu tư vào những chương trình nghệ thuật mà nhiều người cho rằng quái đản lập dị. Có nhiều chương trình gã phải chuẩn bị hàng mấy tháng trời, chẳng đoái hoài gì đến vợ con sất. Ui trời. Thử hỏi có bà vợ nào chịu được không nhỉ. Chắc là cũng ít lắm. Ấy vậy, nhưng khi nhắc đến người vợ cũ, Đào Anh Khánh vẫn dành một tình cảm hết sức đặc biệt, như là một sự cảm tạ ân tình sâu sắc.
Khoảng 10 năm nay gã không hề có tết. Thì cũng phải thôi. Năm nào cũng vậy, ra tết là gã lại cùng một số anh em bạn bè tổ chức chương trình Đáo xuân, quy mô hoành tráng, tưng bừng ra trò. Xem chương trình của gã có cái tôi hiểu, tôi thích, nhưng cũng có cái tôi chẳng hiểu gì sất, nhưng nó vẫn đem lại cho tôi cảm xúc nhất định. Tôi thấy trân trọng gã về về cái điên trong công việc của gã và trân trọng tư duy nghệ thuật của gã. Nghệ thuật của gã có thể hay có thể dở nhưng gã thực sự là kẻ luôn muốn bứt phá, tìm tòi cái mới, cảm hứng mới để được cống hiến cho công chúng. Gã dám vượt qua mọi thứ để thể hiện cái bản năng trong sáng của mình. Cái mà con người ta luôn tìm cách bức tử nó ngay trong chính con người mình để cho giống số đông. Trong lúc trò chuyện cao hứng, tôi mới hỏi gã:
- Anh Khánh ơi, với kẻ ngoại đạo như em thì có làm được nghệ thuật trình diễn, sắp đặt được không anh?
Gã cười khà khà rồi chỉ tay về phía tôi đầy vẻ hóm hỉnh:
- Theo tôi, con người ta ai cũng có một chút nghệ sĩ trong người. Ngay cả cậu, tôi thấy cậu là thằng khá nghệ sĩ (Đúng nguyên văn lời của gã nói. Không hiểu gã nhìn vào cái gì mà bảo mình nghệ sĩ nh. Ui trời, nhiều khi tôi thấy hơi ngại và cũng có lúc lại thấy “sợ” với cái mác này lắm. Nhưng cũng có khối lúc tự mình cảm thấy thoải mái với nó. Hihi). Vì thế ai cũng có thể tham gia làm nghệ thuật được. Nhưng, để làm nghệ thuật đến nơi đến chốn thì không phải ai cũng làm được. Dù là trình diễn sắp đặt hay bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng đòi hỏi phải có tri thức. Trong sắp đặt đôi khi người ta thấy nó hết sức đơn giản, nhưng để đi đến sự đơn giản đôi khi phải đi qua biết bao sự phức tạp mới đạt được. Sự đơn giản đó là cả một quá trình tích luỹ kinh nghiệm sống, tích luỹ tri thức, nó là cả một cuộc hành trình dài. Trong hoạt động của nghệ thuật đương đại, có những cái người ta không thấy nhiều sự lao động bằng bàn tay của người nghệ sĩ, nhưng cái quan trọng là ý tưởng, tư duy về cấu trúc, đường nét, hình thái, mầu sắc của người nghệ sĩ. Tất cả cái đó, trông có vẻ đơn giản nhưng nó đều là ngôn ngữ nghệ thuật liên quan đến tri thức, thẩm mỹ vân vân và vân vân, nó đã được mã hoá không phải trên giấy mà trên không gian.

Quả thực tôi rất tâm đắc với ý của gã, là để đạt đến sự đơn giản đôi khi người ta phải đi qua rất nhiều sự phức tạp. Có lẽ không chỉ trong nghệ thuật, mà trong cuộc sống cũng vậy để đạt đến sự đơn giản tưởng chừng rất dễ ai dè lại vô cùng khó. Và khi cái sự đơn giản đó đạt đến ngưỡng thì nó sẽ tồn tại.

- Anh Khánh ơi, người ta vẫn gọi anh là Khánh điên, không biết ngoài đời thế nào nhưng xem mấy chương trình của anh thì em thấy cũng hơi điên thật. Là em cư nói thật lòng thế anh đừng giận.
- Yên tâm đi, bạn bè vẫn thường gọi tôi là Khánh điên mà, tất nhiên là họ gọi yêu. Nói thật, biệt danh Khánh điên đối với tôi là một lời khen. Điên ở đây là điên trong nghệ thuật. Khi tôi điên là khi tôi tỉnh táo nhất, thăng hoa nhất.Khi diễn xuất trạng thái của tôi đi qua giới hạn bình thường, khi đó nó ở giáp giới với cái gọi là điên. Còn trong cuộc sống tôi là người rất khôn.

Không biết người khác sẽ nghĩ sao nhưng tôi thì nghĩ rằng gã là kẻ hồn nhiên. Ví như có lúc cao hứng gã trèo lên cây ngồi cả buổi để được gần với thiên nhiên hơn. Rồi cũng có khi, vào ngày hè nóng bức, gã ra sau vườn, cởi trần nằm lăn ra cái nền đất nện dưới bóng cây râm mát. Gã bảo nằm như thế vừa mát lịm lại được trở về với tuổi thơ của gã. Tôi nghĩ ngoài cái sự hồn nhiên gã là người biết tận dụng cơ hội sống để được sống thực với bản năng con người, sở thích của mình. Con người càng hiện đại bao nhiêu thì càng tự bào mòn đi những góc cạnh riêng của mình bấy nhiêu, họ tự đánh mất những bản năng, phẩm chất, giá trị của riêng mình để nằm vào cái số đông. Đấy chính là bi kịch của xã hội hiện đại. Khi xã hội càng phát triển, anh càng cần phải giữ được cái riêng mà trời cho, có lẽ đó mới là sống. Có như vậy nó mới tạo nên một xã hội có tính cộng đồng, chứ không phải sự a dua a tòng theo số đông, cái đó gọi là tính bầy đàn. Nếu tất cả đều giống nhau, chúng ta sẽ trở thành một đống những hàng công nghiệp sản xuất hàng loạt.
Đang lúc trò chuyện, có cuộc điện thoại gọi đến, qua cách nói chuyện tôi biết đó là điện thoại của con gái gã. Cũng như vô vàn những ông bố khác, cái gã điên này rất thương con. Gã dặn con phải ăn uống hàng ngày ra làm sao, đi lại thế nào, rồi gã kể cho con gái nghe những việc mà gã đang làm. Dường như quên là mình đang có khách, gã say sưa trò chuyện với con gái qua điện thoại. Thỉnh thoảng gã lại cười sảng khoái với con gái giống như những người bạn với nhau vậy. Sau khi quay lại bàn với chúng tôi, dường như nhớ ra điều gì đó, gã lại bấm điện thoại cho con gái dặn dò mấy câu rồi lại thôi. Đó là cô con gái lớn của Đào Anh Khánh hiện đang học tại Mỹ. Và sắp tới đây gã được mời sang Mỹ để tham dự một cuộc trình diễn có quy mô lớn, đây là lần thứ 5 Đào Anh Khánh đặt chân đến nước Mỹ để trình diễn. Với quốc tế, Đào Anh Khánh được xem như một nghệ sĩ trình diễn có đẳng cấp của châu Á.
Sau hồi lâu, câu chuyện của chúng tôi lại vòng về chuyện yêu đương của gã. Gã tuyên bố xanh rờn, cuộc đời gã không thể một ngày thiếu phụ nữ, nếu thiếu họ thì gã sẽ chết. Dường như điều đó cũng chẳng có gì là cao siêu lạ lẫm cho lắm, nhưng có một điều mà khối anh cảm thấy ghen tị với gã. Đó là trông gã thì dị mọ, mặt nhăn như khỉ, thân hình ẻo lả, ăn mặc lôi tha lôi thôi, ấy vậy mà những người phụ nữ đã từng hiện diện trong cuộc đời gã ai cũng đẹp. Thậm chí có những cô là người mẫu, với diễn viên nước ngoài đẹp như trong tranh. Gã bảo khi yêu gã như người mất hết lý trí, vì yêu điên cuồng và lăn xả, thậm chí đôi khi là có cả sự thần tượng. Gã cảm ơn họ, vì họ đã đem đến cho gã những cảm hứng khác nhau, trạng thái, cung bậc tình cảm khác nhau để gã được thăng hoa được điên trong nghệ thuật.

- Anh Khánh ơi. Sau 10 năm cống hiến hết mình cho nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, dường như vẫn chưa được công chúng thực sự đón nhận nó. Vậy bây giờ anh mong muốn điều gì nhất từ phía xã hội và công chúng?

- Cái mà chúng tôi mong muốn nhất đó là có một môi trường cởi mở để cho loại hình nghệ thuật này được phát triển tốt nhất. Tư duy tiếp cận văn hoá của chúng ta kéo dài trong mấy chục năm nay quá lì lợm, quá lạc hậu và đến lúc cần phải thay đổi. Điều mong muốn nữa, đó là về phía các nghệ sĩ. Khi những nhân tố mới ra đời nó giống như một chồi non, nếu chồi non đó mọc giữa bể sở rừng cây, thì đến bao giờ người ta mới nhận ra nó. Nhưng nếu có nhiều chồi non đứng cạnh nhau thì người ta bắt đầu để ý đến. Vậy có nghĩa là các nghệ sĩ phải biết kết nối lại với nhau, tạo ra những sân chơi chung với nhau. Tất nhiên nghệ sĩ được hoàn toàn độc lập chứ không phải chơi chung là anh mất bản sắc, cá tính của mình
Chia tay với Đào Anh Khánh, khi từ nhà gã đi ra, tôi mới để ý thấy xung quanh toàn là biệt thự, kín cổng cao tường, khác hẳn với cái không gian mà chúng tôi vừa ngồi ở đó. Tôi thầm nghĩ chắc hẳn những gia đình này sẽ phải chịu đựng với cái sự “điên” của gã mỗi khi tổ chức một chương trình nào đó. Có thể ai đó cho gã là điên. Ai đó cho gã là khùng. Ai khác nữa cho gã là qúai đản. Còn tôi thấy gã là một kẻ hồn nhiên và bản năng. Và trong con người gã là một tâm hồn nghệ sĩ, biết chấp nhận và hi sinh vì con đường mình đã theo đuổi. Điều mà không phải bất cứ người nghệ sĩ nào cũng có thể làm được. Ấy vậy mà trước đây gã từng là một người hoạt động trong ngành an ninh. Xem chừng khó hiểu. Nhưng thôi, dẫu sao thì bây giờ gã cũng là một nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực nghệ thuật. Là tôi nghĩ vậy.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 27.07.2012 16:46:51 bởi Bim Bim >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9