Lễ hội hóa trang VENISE
Tóc nâu 09.08.2012 04:30:01 (permalink)


[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/29839/8DF5C5E433944BDFACA23C35FD9174E1.jpg[/image]



Lịch sử

Truyền thuyết xưa đã chọn lựa đảo Venise một cách thật hữu tình. Hòn đảo nhỏ và đầm lầy này đã trở thành nơi lưu trữ thánh cốt của Thánh Marc được mang về từ Alexandrie vào năm 823 .

Thật ra thì để tránh thảm họa tàn khốc gây ra bởi đàn quân man rợ thời bấy giờ mà người dân đã chạy về hòn đảo này để ẩn trốn và an cư tại đó bắt đầu từ thế kỷ thứ 6 . Thủ tướng đầu tiên của Đảng Cộng Hòa Venise đã được bầu chọn ngay từ năm 697 , đến năm 1799 danh sách đã lên tới con số 122 người.

Ngay từ thế kỷ thứ 9 , với tài nguyên sẵn có để giao thương chỉ là muối và tàu thuyền, Venise đã tự đưa mình vào thế giới thương mãi toàn cầu . Marco Polo trở nên một nhà thám hiểm nổi danh đối với người Venise ngay từ thế kỷ 13 , chuyến du hành đến tận Châu Á xa xôi của ông đã được kể lại mãi cho đến hôm nay.

Bộ mặt của thành phố mà ta biết ngày nay là nhờ vào những gia đình quyền quý, giàu sang chuyên về thương mại ngay từ thế kỷ 15, họ đã cho xây dựng dọc theo con kênh những căn nhà dưới tên gọi " maison comptoir " dùng để buôn bán, di chuyển các kiện hàng dễ dàng , tên gọi này đã xóa mờ dần theo dấu thời gian và chỉ để lại sắc đẹp huy hoàng, lộng lẩy mà thôi .

Trong khoảng thời gian này thì Đạo Công giáo cũng bắt đầu đồng nhứt về lịch trình các ngày tháng trọng đại trong năm, điển hình là Lễ Phục Sinh và thời gian ăn kiêng, giữ mình trước đó 40 ngày ( temps de Carême ). Carnaval


Nguồn gốc chữ Carnaval


Carnem Levare : cử ăn thịt, bắt đầu từ ngày "thứ Tư nhận Tro " ( Mercredi des Cendres ) cho đến hết đúng 40 ngày sau .

Cane Vale : riêng biệt về sự ăn uống no nê của thể xác và sự thèm khác khoái lạc của nhục thể .

Venise cũng như các nước khác vào thời Trung cổ , lễ hội hóa trang là một lễ của sự no say , sự vượt qua khỏi hình thức thường ngày, đảo lộn mọi quy củ của xã hội.


" Fête du ventre " ( Lễ của bụng ) : trong những ngày lễ này, người ta phân phát các thức ăn, uống cho người nghèo, mọi người đều được tự do no say!


" Fête de transgression " ( Lễ vượt vòng đạo giáo tôn nghiêm ) : Nếu như người ngoại đạo họ tự do chỉ trích các vị anh hùng, các vị thần được tôn thờ thì vào thời trung cổ người ta còn chế nhạo luôn đến cả các đạo giáo . Ngay trong các nhà tu của đạo Thiên Chúa Giáo, các đấng tu sĩ cũng tham gia vào các buổi lễ này, họ mở cửa tu viện cho mọi người tự do ra vào và họ cùng hóa trang, biến các nơi tôn thờ thành sân khấu để vui chơi, phá phách! Vào thế kỷ 13, Đức Giáo Hoàng Innocent III đã ra lệnh cấm đoán các tu sĩ tham gia vào lễ carnaval như xưa !

" Fête de L'inversion " ( Lễ của sự đảo ngược ) : Ý muốn nói là trong dịp lễ này, mọi vai trò trong tầng cấp xã hội đều được đảo lộn ngược cả lên: Người nô bộc được phục vụ bởi chủ nhân của họ, người nghèo được ngang hàng với kẻ giàu, họ chế nhạo thoải mái với nhau. Đàn ông giả thành đàn bà, người trẻ giả thành người già và ngược lại....


Ngày xưa, trong các buổi lễ hóa trang, người ta chỉ : vẽ mặt, xâm hình, mặc áo choàng lông thú..., sau này mới dần dần thay thế bằng những chiếc mặt nạ và y phục đi kèm.


Riêng với thành phố Venise thì vào năm 1268 , Thượng Nghị viện đã chính thức công nhận lễ Carnaval được diễn ra trước khi bước vào những ngày ăn kiêng theo đạo Công giáo, lễ sẽ được kết thúc vào ngày Mardi Gras . Ngoài ra, người Venise còn được quyền mang mặt nạ khi muốn đi ra ngoài trong vòng 6 tháng , từ đó nó trở thành thói quen của họ!



Chỉ tới năm 1436 , nghề sản xuất mặt nạ mới được chính thức nhìn nhận, tách rời hẵn ra với ngành họa sĩ! Từ đó trở đi, các Lễ hội hóa trang của Venise bắt đầu nổi danh với các bộ mặt nạ và y phục đẹp một cách quyến rũ và huyền bí , việc diễn hành của các du thuyền ( gondoles ), các đêm dạ vũ ....

[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/29839/6566F9BF29D94E79893416B4C827B25D.jpg[/image]

Sự suy tàn của hội hóa trang tại Venise

Vì là lễ hội hóa trang nên tất cả mọi người ở mọi tầng lớp xã hội đều được quyền tham gia, và thế là có những lúc không thể nào tránh được những chuyện không hay xảy ra, một thời gian dài Venise bị cấm tuyệt việc tổ chức carnaval.

Khi Venise chịu sự bảo hộ đầu tiên của người Áo ở Trung Âu ( Autriche ) thì các buổi lễ hóa trang chỉ được diễn ra tại nhà tư nhân !

Hoàng đế Nã-Phá-Luân I . rất yêu chuộng nước Ý -đại- lợi nên đã cho phép Venise được tiếp tục các lễ hội, nhưng mọi việc đã không còn không khí nhộn nhịp như xưa ...


Y phục và những chiếc mặt nạ nói gì ?!



Hóa trang không chỉ là cách tự dấu mình mà nó còn là một nghệ thuật sáng tạo và trình bày khéo léo để diễn đạt trọn vẹn tính cách của nhân vật mình muốn nhập vào . Người Venise đã không ngần ngại dùng bộ mặt mọi nghề nghiệp trong cuộc sống thường ngày như người thợ làm bánh, lái đò, quét ông khói, nhà tinh văn học, luật sư, bác sĩ ,.... luôn cả những người bán thuộc diệt chuột! Ngoài ra còn có những bộ xiêm y và mặt nạ tượng trưng cho các bản sắc dân tộc ở các nước Châu Âu , người mang bệnh tật, các nhân vật theo đạo giáo


La Bauta :

Bộ y phục tuyệt vời nhứt vẫn là bộ Bauta : người quý tộc còn được quyền mang nó ngoài dịp lễ lộc, đó là một khăn đen trùm đầu gắn liền với chiếc mũ có ba góc nhọn cong nhẹ lên, người ta không bao giờ ngã mũ ra để chào hỏi, nó được hoàn chỉnh với một " Larva" hoặc " Volta ", chiếc mặt nạ màu trắng( rất hiếm khi có màu đen ) và một " tabaro ", chiếc áo choàng rất rộng chùm hầu như cả tấm thân người mặc, đó là cách che dấu đi những trang phục lộng lẫy và những thứ nữ trang lấp lánh bên trong. Người ta chỉ chào nhau với câu : " Bonjour Monsieur Masque! " ( Chào người Mặt nạ !).

Người giàu, kẻ nghèo, đàn ông, đàn bà, trẻ, già .... tất cả đều có thể dấu mình sau mặt nạ "La Bauta".


La Moretta

Nó được gắn liền lên gương mặt bởi một hạt nút nằm ở phía sau mặt nạ mà quý bà cắn giữa hai hàm răng ; tuy chịu "hình phạt" giữ sự im lặng , nhưng các nàng lại càng lôi cuốn thêm người khác phái mà thôi.


Gnaga
(tiếng kêu của con mèo )

Đây là một cách hóa trang khá đặc biệt dành riêng cho đàn ông muốn giả dạng thành phụ nữ, họ giả luôn cả giọng nói.


"Vesta et Zenda "


Cách hóa trang này rất đơn giản, thường thì nó rất được người nghèo khó dùng tới, vì nó chỉ cần một tấm khăn rộng bản, phủ từ đầu dến vai buông xuống tới vòng eo và được thắt lại ở đó, nâng cao lên vóc dáng của người mặc . Nếu ai đó mà không có luôn cả một "Vesta et Zenda" thì đó là điều cho thấy họ hoàn toàn bần cùng !


Le Medecin de la peste
( bác sĩ chữa bịnh dịch hạch ) :

Từ thế kỷ thứ 16, Charles de Lorme đã đưa ra bộ y phục hóa trang giống y như y phục của các bác sĩ thời bấy giờ lúc họ đi thăm bệnh: chiếc mặt nạ có cái mỏ thật dài , dồn đầy hoa cỏ dược liệu dùng trị bịnh , một cặp mắt kiếng, một chiếc áo thụng rất dài, rộng được may bằng vải cứng và một chiếc đũa ( các vị bác sĩ dùng đũa để khám xét áo quần của bệnh nhân trong lúc chẩn bịnh để tránh bị lây nhiễm )


L'homme sauvage
( người man rợ )

Lối hóa trang này rất thịnh hành với bộ da thú, nhánh cây chen lẫn trong mái tóc ...


Bernardon

Lối hóa trang như những người ăn mày khoe ra các vết thương lỡ loét, những làn da chai lì , u bướu... như cho ta thấy đó là kết quả của sự lạm dụng ăn chơi trong thời còn trẻ. Thường thì cách hóa trang này rất đáng ghê sợ vì vậy đã có một thời gian bị cấm kỵ dưới thời bảo hộ của người Áo, họ cho là quá khiêu khích.


Arlequin

Ở thế kỷ 16 thì cách hóa trang thành Arlequin không xa hoa như sau này, đó chỉ là những mảnh vải vụn chấp nối lại dưới dạng hình thoi, sau đó người ta đã thêm thắt màu mè rực rỡ và bộ y phục arlequin trở nên thịnh hành cho tới bây giờ!


[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/29839/72A0984C4D164171A057F0B01B4FC7CE.jpg[/image]

Lễ hội hóa trang tái sinh

Từ năm 1978 trở đi, nhờ hội sinh viên và các thương gia danh tiếng đã chung sức khơi lại nhóm lửa vẫn còn âm ĩ trong lòng của mọi người .. và họ đã thành công!

Năm 1980, lễ hội được chính thức công nhận tái lập, tổ chức hàng năm trong vòng 15 ngày trước khi bước vào ngày Thứ tư nhận tro ( Mercredi des centres).

Nếu như vì một lý do nào đó mà người Venise vẫn tiếp tục không mấy hài lòng với những lễ hóa trang ngày nay thì ngược lại, du khách ngày càng bị lôi cuốn. Vì không khí vui nhộn mà du khách có cảm giác như tìm lại được ít nhiều niềm vui trẻ con đã chìm lắng từ lâu trong lòng họ; nhìn đám đông diễn hành với những bộ y phục , mặt nạ cầu kỳ, tinh xảo ..... thật là quyến rũ ! Và từ sự thu hút ấy, du khách lại mong muốn tham gia ....



Thơ mộng, hào nhoáng ,bóng bẩy, bí mật, phong vị ngoại lai ... tất cả những cung cách đó mà người ta chỉ có thể đưa ra những bí ẩn của con người thứ hai trong họ , một điều mà ở hoàn cảnh bình thường sẽ không bao giờ người ta dám lộ ra!!!

Chiêm ngưỡng và được chiêm ngưỡng .... đó là giấc mơ được thực hiện trong dịp lễ hội hóa trang !




Viết theo " Carnaval de Venise " , tác giả Christophe Fouglé

Tóc nâu

09-2009






<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.08.2012 00:52:05 bởi Tóc nâu >
Attached Image(s)
#1
    Ct.Ly 13.08.2012 15:40:45 (permalink)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9