Chân dung tự bạch
vuthi 02.09.2012 12:12:58 (permalink)
Chân dung tự bạch

Hắn như vật thể lạ hiện hữu trên cõi đời… Thân hình tiều tuỵ và méo mó. Hắn làm ta liên tưởng tới một loài vật nào đó ốm yếu đang cố bấu víu vào cõi sống. Thật kì lạ - ở đời xưa nay vẫn thế, mọi người chẳng muốn rời xa sự sống, dù rằng nó cứ leo lét như phao dầu cạn, hay ánh lửa nến sắp tàn. Có thể hiện sinh đời hắn là vậy! cứ lặng lẽ trầm tư đi trên hè phố.
Cái dáng dấp gầy nhẳng rã rời, khuôn mặt mờ tối dưới mái tóc bù xù không chải, dường như ở dưới mái tóc kia, trong cái nhá nhem gương mặt, hiện lên cái tia sáng nhỏ nhoi còn đang thức… đó là đôi mắt hắn – có lẽ phải thế thì hắn mới còn đi được đó đây mà lạc lõng trong cả bể người huyên náo ở đời. Cơ thể vàng ệch, bủng beo như quả cam ủng, móp mép đang thối rữa và có lẽ đời hắn như trái cam kia đã có thời hi vọng… nhưng để rồi bị vứt bỏ. Người ta không ăn quả cam đời hắn, thời gian gạt hắn vào sọt rác như trái cam ủng. Nhưng đời hắn khác quả cam… mà dứt khoát là thế vì hắn là thân phận thằng người có khả năng bấu víu vào cõi sống mà tồn tại. Hắn chẳng khác chi mấy kẻ ăn mày, tay cầm bát, lặng lẽ đứng trước cổng chùa mà chờ đợi lòng hỉ xả của khách thập phương ghé thăm vãn cảnh Phật, chẳng phải làm lụng gì mà nhiều khi được “khối” - vì trò bố thí ở ta bây giờ đang là mốt… nó như một chiến công nho nhỏ để làm thành câu chuyện cuối ngày, vừa vui vẻ và có lẽ còn làm nhẹ cả cái phần thể xác tham lam của họ. Đã nhiều lần hắn dự định đi ăn mày! Song hắn hiểu – sẽ chẳng ai cho hắn một xu – dù rằng nỗi khốn khó, khổ đau như nhau – nhưng hắn thì không được, sẽ chẳng ai bố thí cho hắn. Không lẽ vì cơ thể hắn bốc mùi như quả cam thối chẳng hạn, có thể là như thế, sự suy ngẫm thối nát, sự hiểu biết thối nát và cả tình yêu thương trong hắn cũng thối nát. Mọi thứ tồn tại trong hắn – cả linh hồn và thể xác đang bốc mùi thối nát trong cõi sống hữu hình. Hắn hiểu được đời hắn đã thấm mệt, đã chấm dứt, chẳng còn tranh đua gì với đời, thời gian băm vằm lên thể xác hắn bao dấu tích già nua. Hắn lạc lõng trong nhà và ngoài đường – nhưng dù sao ngoài đường hắn còn dễ lẩn trốn hơn ở nhà, có thể vì cõi đời rộng lớn nên ít ai nhìn ngắm ai cho tường tận. Ở đấy họ tưởng hắn là kẻ bệnh hoạn hay ăn mày hoặc thằng điên dại nên xa lánh cũng được, và cũng có thể hắn như một tì vết trở ngại trong đời và cũng có thể vẻ đẹp đứng cạnh một cục phân như hắn lại tương phản mà tôn thêm cho vẻ đẹp cũng nên.
“Cũng chẳng sao!” hắn luôn tự an ủi mình như vậy, ta cứ đi đâu đó cho một ngày chóng qua và cứ thế cái thể xác dã rời cứ lay lắt lênh đênh trôi đi như một ảo ảnh trong đời. Chân hắn bước, đầu hắn nghĩ – bởi đời hắn là thằng người bị cõi đời xa thải. Hắn như quả cam bán cả ngày chẳng được, họ bỏ vào kho, ngày hôm sau lại bán mà kém tươi thì đời vứt bỏ. Ở ta có rất nhiều kho như vậy – nếu bề ngoài kém tươi thì họ vứt vào đấy để quên lãng hay để cho chuột tha đi cũng chẳng ai cần quan tâm…
Người ta muốn xây dựng một mô hình con người mới hoàn hảo, trong sạch và khoẻ khoắn hơn, với dáng vóc phải như ông Phù Đổng chẳng hạn - đại để phải là một sự đột biến về con người, chung đúc đủ mọi điều mới lạ để có thể giải quyết mọi nỗi bất bình trong xã hội mà ông cha chúng ta không làm nổi. Theo họ nghĩ, đó mới là một mẫu người vẻ vang khủng khiếp – mà muốn xây dựng được típ người như vậy – công việc đầu tiên họ tính đến là phải đoạn tuyệt với những người như hắn hay cũng là đoạn tuyệt với quá khứ - vì quá khứ luôn luôn chứa trong mình một sự bất cân bằng về nhiều mặt. Nó giống như ta đang yêu một cô gái và chợt lại thích cô khác thì chỉ còn cách đoạn tuyệt cắt bỏ cô gái cũ đến mà ủ ấp cô gái sau.
Phải làm như vậy mới là “cải cách” hắn cứ suy nghĩ sự việc nôm na như vậy “thế là họ vứt bỏ - đoạn tuyệt với quá khứ – chỉ để lại vài ông như ông Phù Đổng chẳng hạn - đột biến trong lòng dân tộc, tất cả tinh hoa của mọi thời họ tạm thời vứt bỏ”. Hậu quả là những lớp người cũ có suy nghĩ cứ vào kho mà ngồi cho đỡ nhức đầu xã hội. Đến ngành y họ cũng chẳng cần vì thuốc tây kê đơn quá tốn kém – nên ngành tây y cũng vậy, được san phẳng như nhau - cả xã hội dùng thuốc lá lẩu cổ truyền dân tộc và khốn nạn thay đời hắn một đứa trẻ mười sáu tuổi cũng chịu chung số phận. Hắn cũng lủi thủi như mọi người ngồi xó mà hun đúc một điều gì đó cho cái ngày mai bất tận. Họ phải lao động rèn luyện như người nông dân và được ăn cơm kẻng – họ bị xã hội nguyền rủa vì không biết lao động chân tay. Một năm chưa tốt thì hai năm và cứ thế nhân lên có thể đến hai mươi nhăm năm, cho đến khi nào kỳ tốt như ý họ muốn. Hắn phải giống như một người nông dân thuần tuý “con trâu đi trước cái cày theo sau”, đó là mô hình truyền thống mà người nông dân vẫn làm và họ muốn cải tạo mọi người phải được như thế và lạy trời hắn đã thành con trâu – con trâu tự kéo chẳng cần người theo quất roi thúc. Cỗ xe bò như lôi hắn vào cuộc – cỗ xe bò hai bánh, hắn lôi nó trên những nẻo đường Hà Nội nơi gia đình hắn đang ở - hai anh em, một kẻ ở tù về cầm càng và người lính thương binh gò lưng đẩy – nào gạch nào ngói, vật nặng, vật nhẹ, anh em hắn đều làm miễn là ra cơm ra gạo đổ vào nồi. Đối với hắn lao động là sự sống - đời hắn chỉ có thế - đừng suy nghĩ gì nữa – hãy làm việc đi – hãy giống mọi người phải lao động, hắn cố gắng uốn nắn cho mình làm sao giống như mọi người… có nhiều khi hắn hài lòng vì bản thân giống hệt như ông hàng xóm và hắn luôn thú vị vì mình đã cố gắng làm được như thế. Hắn lấy vợ và có con như mọi người, cái gia đình nhỏ nhoi của hắn ấm cúng làm sao. Hắn thương vợ, thương con và vợ con cũng thương yêu hắn, một cái tổ ấm nghèo khổ đùm bọc lấy nhau mà tồn tại trong cõi sống. Mọi thứ cứ đè nặng lên gia đình hắn – nào ăn, nào mặc, nơi ăn, chốn ở, tất cả dường như được lèn vào một góc nhỏ tù túng, mùa hè thì nóng, mùa đông lạnh giá, giường nằm chẳng có, cả nhà còng queo trên hai phiên giát giường ọp ẹp.
Hắn lặng lẽ đi trên hè phố, buổi chiều mùa hạ như đốt lửa trên đường, cái nóng ngột ngạt cho hắn thứ cảm giác nghèn nghẹn trong phổi, nỗi mệt mỏi như tràn qua cơ thể hắn, luồng hơi nóng như bốc lên từ đôi chân, bùng cháy trong gan ruột và trào lên đỉnh đầu hắn. Mọi thứ trên đường như mờ đi ảo giác, những vệt pha đèn quét qua, quét lại trong đầu hắn như bao làn roi vút – hắn lại thấy thứ cảm giác bị hành hạ tù đầy – mà nào có ai định bỏ tù hắn nữa đâu – mà bỏ tù hắn làm gì cơ chứ? Khi tất cả mọi thứ trong đời hắn đã bị họ chặt đi tất cả - từ ý nghĩ đến tay chân, mắt nhìn và bao mùi vị ở đời hắn đều mất cả! Hắn đã già, chẳng còn là sự nguy hiểm cho xã hội, người ta đã nói thẳng vào mặt hắn – hỡi thằng tù già - xã hội cho mày được tồn tại là một cơ may, phải thấm nhuần như một người vô sản – và đúng thế – hắn đang là người vô sản như họ muốn.
Những ngọn đèn đường vụt sáng như bén lửa trong chiều, mặc bóng tối khơi lên từ những vòm cây đứng lặng, nó nhẹ êm như ngọn khói lam chiều rồi dần dần sẫm lại trong những hốc cửa sổ bên đường, như những cửa hang há mồm đón đợi. Đường bờ sông trải dài theo con đê quai mới được làm bằng bê tông cốt sắt, chạy vòng vèo như ôm lấy thành phố. Tạo cho ta thứ cảm giác tù túng như đang sống trong một pháo đài cổ thời xưa. Bờ đường bên kia, những căn nhà mới cũ nhấp nhổm chen lấn nhau, tạo nên một sự bấp bênh bệnh hoạn đến khó tả.
Ở ta có cái lệ xây nhà theo phong trào – nhà anh A xây thì anh B cũng lồng lộn vay mượn mà xây cho hả dạ và thời gian sau nếu có mốt mới thì lại đập đi làm lại, họ cóc cần theo công thức nào và họ cảm thấy thú vị về việc xây lên rồi lại đập – mà việc gì cũng thế – ví dụ cả con đường vừa rải nhựa mới toanh được vài hôm họ lại sẻ ngang sẻ dọc để đặt ống nước hay cáp điện. Theo tôi nghĩ dứt khoát đó là kiểu Việt Nam - ta cứ đào lên lấp xuống cho có sự mới lạ - cứ loanh quanh như vậy mà nên chuyện – như đứa trẻ nhỏ ngồi nặn đất sét chẳng hạn, cứ nặn đi nặn lại cho đến khi thành voi thành chuột ở đời, sẽ chẳng ai mà đi bắt tội đứa nhỏ cho thêm mệt.
Hắn chợt nhớ tới một câu triết lý phương đông “Cõi sống là sự lặp lại và sự ngu dốt cũng vậy” nó cũng lặp lại cho từng tháng năm… Ở thời ta cái gì cũng tuyệt đối, nào là trung thành tuyệt đối, nào là tin tưởng tuyệt đối, hay đổi mới tuyệt đối, hoặc vâng lời tuyệt đối song tất cả đều chỉ là huyễn hoặc trong hai từ tuyệt đối – cái tuyệt đối đã chìm nghỉm trong thuyết tương đối và sau đó còn thuyết bỏ mẹ nào nữa không thì chưa rõ – song hắn tin tưởng sẽ có một học thuyết quái quỉ nào nữa sẽ sinh ra để cho hai thuyết trên nương tựa mà lừa đảo cõi đời – hắn luôn tin tưởng là như thế – sẽ phải có một cái gì đó mà dụ dỗ những kẻ khờ dại trong đời. Chân lý thuộc về vật chất hữu hình, đó là sức mạnh vật chất, nó như ánh mặt trời trơ tráo mà đun nấu kiếp người trong nỗi đói khát khổ đau. Loài người cứ đi tìm một thứ gì đó cho mình và mãi mà không thấy. Cõi sống như câu chuyện Tàu bàn về hai từ “mâu thuẫn” bát sà mâu đâm đâu cũng thủng và cái thuẫn không cái gì đâm thủng.
Con đường dưới chân hắn như hút vào đêm - bờ đê như con rắn trườn về đâu chẳng rõ, càng xa trung tâm thành phố, ánh đèn thưa dần như trả lại cho đêm tối. Hắn lặng lẽ hoà mình trong nó với nỗi dã rời sảng khoái. Những đợt gió giải nồng hiếm hoi từ dưới sông phả lên, khoả đi những nung nấu trong hắn, một bóng đêm đen bóng là đêm – thứ cảm giác như từ giã cõi sống trong hắn bỗng trồi lên êm dịu làm sao! Chẳng lệ thuộc vào ai nữa, chỉ có hắn và bóng đêm, chẳng sợ ai dòm dõi, chỉ có hắn trong cái vùng đen sẫm tự do không còn ràng buộc. Những đợt gió sông Hồng căng dần lên thổi tới như xua đi mọi nỗi muộn phiền trên đời, hắn như thấy mùi bãi ngô và tiếng thì thào toả ngát cứ lộng lên bao nỗi niềm không tỏ. Trong cô đơn, con người như nghe được tiếng nói của vạn vật cựa mình, tiếng con nước trên sông cuồn cuộn trong đêm và mọi thứ muộn phiền trong hắn được thoát đi theo con nước, chỉ còn lại một khoảng trống mênh mông cõi lòng. Có lẽ đó là sự trống rỗng đầu tiên mà đời hắn thấy được, dù chỉ là khoảng khắc, cuộc đời hắn như hoà tan trong gió, như thấm vào đất trong nỗi dã rời, hắn như nhìn thấy và nghe thấy sự mênh mông trời đất, đời hắn như vo lại bé nhỏ trong đêm vũ trụ bao la… Vạn vật như cây ngô trên bãi, ngọn cỏ ven sông, con đò trên bến đều có một điểm tựa cho mình trong cõi đất trời, tất cả dường như bỏ lại hắn chênh vênh sống trong bóng tối điệp trùng vô tận. Đời hắn bồng bềnh không chỗ đứng, không bóng dáng, chẳng hình hài bé nhỏ như hạt cát lẩn vào đêm. Hắn cố cưỡng lại cảm giác hụt hẫng ấy, đó là bản năng tồn tại con người – hắn lặng lẽ ngoảnh đầu quay lại – xa xa, cái vùng ánh sáng nhờ nhờ như mê sảng trong đêm - là kẻ đứng trong bóng tối nhìn vào chỗ sáng – phải về thôi – hắn tự nhủ lòng như vậy. Loài người thật giống như con thiêu thân lao mình vào lửa – có lẽ hắn cũng vậy – cõi đời như bó đuốc dụ dỗ hắn về đấy – hắn lặng lẽ trở lại con đường cũ như kẻ thiếu nợ nộp mình. Dưới chân hắn những mảng màu nham nhở, loang lổ sáng tối chập chờn buồn thảm, hắn lặng lẽ quay về, bỏ lại phía sau một vùng đêm cựa mình trăn trở.
Phải về thôi – hắn cằn nhằn trong miệng – nỗi buồn như món nợ đè nặng trong hắn – có lẽ ai ai cũng thế – nó làm ta trăn trở không sao sống nổi - ta cứ phải sống mà giày vò vì nó - sự đeo đẳng trong ý nghĩ, dưới mỗi bước chân lạc lõng ở đời – phải về thôi – nhà hắn – cái món nợ mà ai ai chẳng thế – mọi thứ như hiện lên – vợ hắn, người phụ nữ đã can đảm lấy hắn là một thằng tù. Ngẫm cũng lạ - đêm tân hôn của đôi vợ chồng hắn kì quái làm sao – quần áo cưới đi mượn, giường ngủ cũng mượn của khách, chăn mượn, màn mượn, ruy đô mượn – mà lạy trời nếu trừ đi những thứ mượn ấy vợ chồng hắn sẽ nằm trơ trên nền đất. Rồi mọi khốn cùng cũng qua đi, đời người có thời giờ đâu mà ngồi ôn lại bao kỉ niệm tủi cực như vậy, sự khốn khó như dìm họ trong thực tại, không quá khứ, chẳng tương lai, mọi suy nghĩ vật lộn chỉ cập nhật từng ngày, mọi người chỉ còn đủ sức nghĩ đến mình là vừa gọn, gia đình hắn phải tựa lưng vào nhau mà sống cho qua ngày. Hắn có con – từ tấm bé thằng bé quặt quẽo làm sao, vợ hắn đi làm nhà nước, còn hắn lặng lẽ làm ngoài, vì sẽ chẳng cơ sở nhà nước nào lại thèm thuê mướn hắn. Cả gia đình, ai ai cúng thèm khát một cái gì đó – nhỏ bé thôi – một bữa ăn có thịt – một giấc ngủ không lo và một ngày được nghỉ.
Có lẽ, giấc mơ là bài ca sám hối cho mọi kiếp người – có lẽ là vậy trong cái thời cơ khổ ấy. Người ta có thể giành dật nhau với đứa trẻ miếng bã cam đã được vắt hết nước - trời ơi! con hắn – chính con hắn thèm thuồng miếng bã cam ấy – nỗi đau đớn như hằn vết trong trái tim hắn – miếng bã cam – một sản phẩm thiên nhiên mà cõi đời đã vắt cạn mà vẫn làm đau đớn những kiếp người – hắn vẫn như nhìn thấy thời khắc khổ đau ấy nó buồn bã làm sao… như con đường dưới chân hắn đang đi về đâu?
Bóng tối dường như vẫn thế – chỉ là một màn đêm trải khắp và chứa đựng, dãy đèn ven đường như khoét vào đêm một vết thương sâu thẳm. Cái bóng hắn đổ dài lênh đênh trên phố, như chiếc lá hay một loài bò sát đang cựa mình trăn trở. Hắn dừng lại nhìn cái bóng - ảo ảnh đời hắn dán trên hè – một bức chân dung vô hồn vô sắc – phải chăng đó là năm mươi năm hun đúc ở đời – một cái bóng sẽ hiện lên lặng câm trên hè phố.
Đâu đó nhà ai vọng lại tiếng nhạc Trịnh Công Sơn: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi”, lời ca giống như đời hắn được mở ngoặc và đóng ngoặc trong lời hát ru trầm bổng trên hè.
Hắn đã già - thời gian như trả hắn về cho loài bò sát, cõi đời dường như không còn là của hắn nữa, cuộc chen lấn, sô đẩy đã gạt hắn ra khỏi vòng chơi, hắn như cái bong bóng lặng câm nhìn người trong cuộc. Hắn đã hiểu và nhìn thấy nhiều thứ trong bao năm tháng trôi qua.
Phố đầu cầu, nhịp sống vào đêm dường như vấn còn nóng, xe thồ, xe đạp, người gánh, kẻ gồng chen lấn xô đẩy, cãi cọ om sòm. Trong cái khung cảnh nửa sáng nửa tối ở khu chợ đêm như cuốn hút mọi người nhao vào sự sống.
Những lời nói phỉnh phờ, co kéo, bao bộ mặt sống động điêu ngoa, toan tính, ỡm ờ – có lẽ ở đây đang cô đọng hiện lên một khuôn mặt khắc khổ già nua, một bức tranh hiện sinh toàn xã hội. Bác nông dân mang nông sản về chợ, cánh con buôn tới cất hàng cho buổi sáng bầy bán – hầu như tất cả các chợ nội thành đều tụ tập ở đây trong đêm để lần mò mua bán cho ngày hôm sau buổi chợ. Mọi thứ tệ nạn trong thành phố chung đúc tại đây mà kiếm chác, từ cờ bạc bịp, trộm cắp, trấn lột, cướp giật, mại dâm, cứ nhung nhúc bâu lấy những con người kẻ chợ, chỉ sểnh một tí thôi có thể mất hàng hay mất tiền như bỡn. Hắn lặng lẽ hoà vào trong dòng người không ngủ. Thời bao cấp, nhà nước thu mua tại từng xã và cung cấp lại một vài thứ ít ỏi cho mọi người, ai tự do buôn bán sản phẩm của mình là phạm pháp và bị cắt đi nhiều quyền lợi cung cấp. Nhưng về sau cả hai thứ cung và cấp đều chẳng có nên nhà nước thây mặc, mọi người phải tự cung tự cấp cho mình và xã hôị sau bốn mươi năm thay đổi lại quay về như ngày xưa – trong xã hội có người tài và kẻ bất tài, có lẽ đó là khởi nguồn của bao cảm hứng sướng vui và đau khổ, song dứt khoát là hơn thời bao cấp, mọi người được làm chủ bản thân trong mọi công việc đời mình. Có lẽ đó là động cơ cho cái chợ đêm đầu cầu còn thức và nó sẽ thức thâu đêm cho đến sáng – những bộ mặt tưng bừng mặc cả, cãi lộn, lườm nguýt, đề phòng, do dự như làm cho lòng hắn ấm lại trong đêm – gia đình hắn cũng thế, cãi vã nhau từng ngày từng giờ để mà tồn tại.
Hắn lặng lẽ đi ra khỏi chợ đêm như kẻ dật dờ say tỉnh, sự huyên náo chợ búa trôi đi trả lại cho hắn một con đường vắng lặng ven đê âm thầm heo hút, cả dãy phố chìm sâu trong giấc ngủ, có lẽ nhà hắn cũng vậy – sự thanh bình tự nhiên sẽ tháo bỏ cho loài người bao nỗi buồn cơ cực, họ được thoát ra khỏi mình chìm vào quên lãng, có thể một vài nơi, niềm an lạc tự nhiên bị bỏ quên như hắn và khu chợ – nhưng chẳng sao, nhân loại là loài vật hữu hình có sức bền cơ học dẻo dai nhất, vượt qua sức bật của muôn loài mà tồn tại - càng cơ cực thì ta càng muốn sống, họ vượt qua mọi lô-gíc ở đời mà tồn tại.
Xã hội lại tạo ra địa chủ, cường hào, tư sản, lại đẳng cấp giàu nghèo như xưa thì đã sao? Có thể đó là sự lôi cuốn cho loài người thức dậy – song đời hắn không nằm trong khu chợ kia, người ta đã cướp đi của hắn mọi thứ, hắn khéo tay và cần cù lao động, họ đã đóng lên đời hắn cái số tù không thể nào xoá được. Ông cha hắn khi xưa là quan lại, địa chủ và tư sản là thành phần bị xã hội loại bỏ, nhưng hôm nay ông cha hắn đã được xã hội chấp nhận vì giai cấp vô sản ngày nay đã trở thành địa chủ và tư sản và còn vượt trội hơn nhiều lần. Còn lại những thằng tù thì chưa được – có thể vì nó còn sống nên xã hội thật khó lí giải – chẳng lẽ xã hội lại bỏ tù nhầm thì bỏ mẹ – nên thây mặc, nó sống mà như chết cũng chẳng sao – mà sự thực cũng chẳng được như thế. Ra khỏi tù hắn tưởng là hết tội. Hắn lăn lóc lao khổ làm người – thà rằng cơ thể hắn mọc sừng, mọc đuôi như con bò còn đỡ khổ, vì con bò còn được nghỉ – cuộc đời hắn ngơi tay thì phải nghĩ – phải nghĩ cho cái ngày mai phải làm – có lẽ đó là sự khôn khéo nhất mà xã hội đã làm được – hắn phải nghĩ và nghĩ để rồi phải làm, cái vòng tròn ấy như thít lấy đời hắn như cái thòng lọng treo cổ.
Hắn thật nghèo nhưng đôi bàn tay thì khéo léo nên nhiều khi công việc nhận làm quả là chẳng khó, nhưng nhiều khi công việc lại là điều tệ hại đối với hắn, người ta tạm ứng cho hắn một phần nhỏ để làm, vài ngày sau cái lý lịch của hắn bị phát giác và thế là hỏng bét – không đủ tiền để làm nên hắn cứ phải vá chỗ nọ vào chỗ kia lấy kinh phí mà làm việc, trẻ nhỏ cần ăn và cả vợ chồng hắn cũng thế nên phần lớn công việc thường bị nhỡ hẹn – cái lý lịch đời hắn – cái con dấu đỏ choét “Việt nam dân chủ cộng hoà” đóng vào bản lí lịch đời hắn như là dấu chấm hết cho mọi chuyện đời người – ai muốn làm hại hắn quả là dễ, chỉ cần một câu nói về quá khứ là hắn đủ khổ.
Đứng trước xã hội hắn phải vác trên vai cái lý lịch đời ông, đời cha và đời hắn. Ba sức nặng quan lại, tư sản, tù tội dường như đè bẹp gí hắn xuống cõi đời – hắn cố gượng đứng lên - đứng lên mà tự đầy ải đời mình trong cõi sống. Anh em trong gia đình ái ngại thương hắn – người cho cặp lồng thịt, kẻ cho cân đường, manh quần tấm áo – những giọt nước mắt nòi giống nhỏ xuống cho tâm hồn hắn hạn hán sa mạc, nó làm cho trái tim hắn đau hơn nỗi đau của kẻ làm người không vực nổi cho chính mình.
Nền kinh tế tự lập không đồng đều, có kẻ giàu người nghèo, ông chủ và người làm thuê, tạo ra bao nỗi bập bềnh cho xã hội – người nghèo suy nghĩ như bao năm qua mà họ được chế độ dạy bảo, trong khi đó người giàu thì như thoát ra khỏi một thời quá độ. Họ vừa như tấm gương vừa như một cái mốc cho mọi người thù địch. Vì đã từ lâu, ở ta cái nghèo luôn là người bạn đường cho xã hội, bao nhiêu nỗi khát thèm mới lạ như chảy đến đây cái vùng đất chúng quê hương hắn. Mọi thứ mới lạ cứ như công thức sống và con người vội làm quen học tập. Họ sung sướng đón nhận mọi điều như những món quà mới lạ - đó là những vật phẩm phù du suốt bao năm dân ta quên lãng – ngày hôm nay mọi người đua nhau thèm muốn – nó như chất kích thích cho cả xã hội ganh đua. Phụ nữ đua nhau áo quần, son phấn, đàn ông thích xe cộ, máy móc âm thanh nghe nhìn. Mọi vật dụng cứ như những cái đích cho con người nhao tới trong cuộc chạy đua cho toàn xã hội.
Gia đình hắn cũng không thoát khỏi cái vòng xoáy đời thường ấy, bao khao khát mà hai đứa con hắn thèm muốn bên sự cơ khổ mà đời hắn không sao thoát ra nổi. Sau khi ra tù người ta lại nhốt hắn vào một nhà tù mới khốc liệt hơn đó chính là quê hương và gia đình, hắn tự giam mình trong đó, vợ con là cánh cửa là những hàng song sắt, hắn như con chó bị xích ngồi canh cái hạnh phúc gia đình, họ đã chặt đi tất cả mọi thứ chi giác, thả đời hắn trong chiếc lồng gia đình bỏ mặc hắn lồng lộn vật vã trong sự khốn cùng uất hận! Đứa con lớn căng thẳng nói với hắn – Bố nuôi con cả đời trong khốn khổ – còn đứa em sau một lần đi chơi đêm về muộn – bố quở mắng – nó đã thẳng thắn nói lại – Sau giờ làm con phải được chơi – Có lẽ hắn đã già cùng cái thời mà hắn đã sống – cái nguyên lý sau ngày làm, con người phải nghỉ ngơi để phục sức cho ngày mai đã trở thành lỗi thời.
Niềm ao ước khi các con lớn, gia đình hắn sẽ đoàn kết làm ăn cùng thoát khổ đã tiêu tan mất cả… “con đường mà hắn dẫn dắt gia đình đã trở thành cổ hủ già nua…”.
Khi xưa con người bị khuất phục bởi cái đói – hôm nay con người bị khuất phục trước mọi ham muốn đời thường – mọi thứ vẫn chỉ là như thế, nỗi quẩn quanh với bao điều không thể. Người ta không chuẩn bị cho con người chịu đựng đói khát và con người phải sống trong đói khát. Người ta chẳng chuẩn bị cho con người làm quen với nền văn minh và con người phải sống trong nền văn minh hiện đại. Đó là lối dẫn dắt mà người dân Nam ta xưa nay vẫn phải làm – những kiếp sống không có sức chứa nhưng phải đựng - đó là sự quá tải đè lên cõi sống – Họ nhòm ngó và đoạ đầy lẫn nhau bởi bao điều không tưởng – Quá khứ và tương lai chỉ còn là những mặc cảm hão huyền…
Hắn cứ lặng lẽ bồng bềnh trôi trên đường phố, dưới những chùm ánh đèn đêm, hắn như cái hồn ma ẩn hiện, chênh vênh không siêu thoát. Đợt gió đêm hè xới lên tiếng lào xào lá rụng. Hắn như kẻ bị cõi đời bỏ rơi trên con đường hoang vu tịch lặng, hắn như giọt dầu loang lênh đênh trên mặt nước cõi đời, vĩnh viễn không hoà vào nhau được. Người ta đã lấy đi mọi thứ thuộc về hắn, bao tình cảm thiết tha và đầm ấm mà đời người ấp ủ. Trên con đường tự dẫn giải, hắn cam phận nộp mình cho bao điều đổ vỡ đang chờ trong căn nhà mà hắn suốt đời tha thiết, những khuôn mặt người thân cứ hiện lên rồi lại nhoà đi trong xa mờ ảo ảnh… Nỗi đau đớn cứ nhói lên trong tim, như tiếng mõ cổ trâu gọi đàn, như tiếng kẻng cơm trong trại, như tiếng chuông chùa thức dậy… Hắn mệt mỏi ngồi xuống ven hồ, một ban mai đang dậy, những tia nắng còn ướt loé lên phía bờ xa Tây Hồ như một bàn tay lửa nâng dần lên cho thế gian một ngày mới – một ngày của đời hắn...
Bên bờ vực cõi đời sao vắng thế?
Chỉ có ta và dưới ấy vực sâu
Ngửng mặt lên, trời bát ngát trên đầu.
Ta ché mé giữa hai bờ thế giới.
2005


#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9