Sự biến hóa của một nhà văn
vuthi 02.09.2012 15:29:42 (permalink)
Sự biến hoá của một nhà văn
(Phê bình)

“Đá đỏ” từ Việt Nam thư quán hành trình đến báo Văn nghệ trẻ số ra ngày Chủ nhật. Nhà văn Vũ Thi cái tên quen thuộc trên diễn đàn văn học đã thấy thay tên đổi họ.
Ở đây tôi là độc giả, một người làm công việc phê bình văn học muốn thay mặt bạn đọc hỏi nhà văn Vũ Thi về hiện tượng trên.
Tôi đọc thơ anh đã từ lâu qua thư viện tại gia của gia đình cố nhà thơ Phùng Quán. Trong thơ anh có nhiều điều khác lạ không giống ái trong những nhà thơ đương thời, nó đã thoát ra khỏi một thứ thơ văn đều đều, một thứ thơ văn đặt hàng nhàm chán. Thơ anh nói nhiều đến cái tôi đã mất và anh giằng lại nó.
Tôi chưa có dịp gặp anh nhưng từ đó một khuôn mặt mới trong thi ca đã ở lại đâu đó trong tôi cái tên “Vũ Thi”.
Qua trang Việt Nam thư quán lần đầu tiên tôi thấy anh trình làng với tác phẩm không phải là thi ca mà lại là văn xuôi. Qua nhiều ngày lặng lẽ ngồi đọc một số tác phẩm mà anh đã đăng lòng tôi rất vui vì nó như hiện lên dáng hình cái hồn cõi sống. Trong mọi tác phẩm không có dáng dấp của mọi đảng phái trên đời, nó thể hiện sự sống một cách trung thực không vê nặn hay bóp méo, tựu chung nó như một miếng bánh mà ta đưa lên miệng thưởng thức đến tận cùng hương vị.
“Đá đỏ” là một tác phẩm truyện vừa khi đọc xong tôi thấy một cõi sống hiện lên với tất cả bao vật lộn của những kiếp người trong một thời trôi nổi. Ở đây nhà văn không hề phê phán xã hội – Ở đây, mọi kiếp người bằng sự sống còn tự thể hiện mình trong không gian, thời gian sự sống, bóng dáng của một thời như hiện lên với bao nhiều khát khao đòi được sống, những mơ ước giản dị trong đói nghèo, sự bao dung và tha thứ, nỗi thống khổ được xâu chuỗi cho từng giờ, từng ngày sự sống. Một gương mặt xã hội dường như không đổi, nó dường như lưu dấu mãi tạo nên hồn tác phẩm.
Ở đây ta nhìn thấy một cái nghèo hiện sinh, những ao ước hiện sinh và những kiếp người hiện sinh. Tác phẩm có dáng dấp như “Tình yêu sự sống” của Jack London hay “Ông già và biển cả” của Hemingway. Tác phẩm tạo cho người đọc một sự cuốn hút từ trang đầu đến trang cuối. Ở đó ta chợt thấy mình - đã từng khổ đau và khao khát. Ở đó bóng dáng của những con bạch tuộc đáng cuộn hút cõi đời với những cái vòi nhơ nhớp máu. Ở đó những tiếng hút gọi tìm nhau trăn trở, tất cả như muốn siêu thoát vươn lên trong sự sống trường tồn vốn có... “Đá đỏ” như một bản trường ca văn xuôi đã đi vào cõi sống, nó chia sẻ với độc giả bao tình cảm con người.
Tôi trân trọng những góc nhìn và suy ngẫm của nhà văn Vũ Thi và hình như tôi đã gặp anh ở một nơi nào đó trong đời. Nhưng chẳng sao, tối thiểu trong cõi sống vẫn còn những kiếp người như thế – đang tồn tại mà góp sức sưởi ấm cho tinh thần cõi sống, trong nền văn học nước nhà.
Và lòng tôi chợt vui khi cuối ngày Chủ nhật 28-6-2009 trên trang nhất báo Văn nghệ trẻ có dòng tít “Đá đỏ” của nhà văn Vũ Hiên Hải. Sự ám ảnh về hai từ “đá đỏ” như cuốn hút tôi vào truyện “Mẹ kiếp! (Câu chửi thề như một tiếng thở dài)” và tôi chợt hiểu vẫn chỉ là một, ở đây chỉ có khác nhà văn Vũ Thi nay đã thành Vũ Hiên Hải. Ở đời nhiều khi con người bỗng biến hoá như vậy, nhưng cũng chẳng sao khi ở đời có biết bao những cái tên đã trở thành vô nghĩa. Tôi lại ngồi đọc “Đá đỏ” một lần nữa với một niềm cảm hứng. Tất cả câu chuyện lại hiện lên... Tôi đọc rất nhanh vì dường như câu chuyện đối với tôi đã trở thành thân thuộc và rồi tôi thất vọng. Cả câu chuyện đã bị cắt xén, cắt xén một cách tàn bạo. Nó không còn cái vị đắng cay, tinh cốt thấm đậm linh hồn tác phẩm. Những đoạn văn tôi cho là hay nhất không còn nữa (xin trích dẫn một đoạn đã biến mất hay có thể gọi là bốc hơi cũng được):
“- Nụ cười khích lệ héo hon trong mắt chị.
Có nhiều khi người ta phải đón nhận hạnh phúc ánh lên toàn vụn vỡ trong khổ đau như vậy! Cái thế giới tinh thần lóe lên như sao hôm để rồi chết chìm trong cõi thực. Một thứ hy vọng chết ngấm mà không thể thiếu nó được. Nó vừa như đổ vỡ, vừa như hoàn thiện giữa hai cái ranh giới ấy có lẽ là hy vọng. Người ta tồn tại trong đó, giữa âu lo, chờ đợi. Nó như động lực làm cho quả tim đập trong lồng ngực, nó vực dậy cho cõi sống sự đam mê. Và có lẽ vì thế họ vẫn còn sống!”.
Tại sao thế? Tờ báo trên tay tôi với dòng tên Vũ Hiên Hải bỗng trở thành vô nghĩa, phải chăng đây là sự nhạo báng cõi đời hay là một sự luồn cúi để vươn tới một cái gì không tưởng. Tôi chợt thấy buồn cho anh... Văn chương là thần thái của đời người sao bỗng vụt tắt trong lòng bao độc giả. Xin phép anh tôi xin dẫn trích một bài thơ của anh mà tôi tâm đắc. Bài thơ có cái đề “Chui lọt”:


Ta không lọt nổi rồi
Mắt sàng sao mau thế
Cũng chỉ tại ta thôi
Cối chưa xay đã vội.

Kia rồi bác phó cối
Hãy xoay dùm hộ tôi
Cho thân này nhỏ bé
Nát vụn lọt càng trôi

Cối xay bao đau đớn
Ta nát tấm thân này
Lọt qua sàng qua sẩy
Hỏi ta thành chi đây?
VT

Có lẽ nhà văn Vũ Thi đã trở thành cát bụi.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9