Thời gian và cái đẹp
vuthi 02.09.2012 15:37:08 (permalink)
Thời gian và cái đẹp
Thời là một quãng thời gian đủ dài dành cho một kiếp. Đại là một khoảng lớn chứa đựng một thời. Và thời đại chỉ đủ lớn dành cho một kiếp người được sống, mọi gói gém là vậy vì khi ta không tồn tại thì mọi thứ cũng qua, mà đã qua thì đó là quá khứ. Thật ít ai buồn nghĩ về quá khứ vì đó là những điều mà mọi người không còn nếm trải. Chúng ta cần món ăn, cần đủ mọi nhu cầu thăng hoa cõi sống, khi xưa nhợt nhạt, ngày nay son phấn đượm màu, ta làm đẹp mọi thứ khi cõi lòng ta muốn, nào son phấn cho từng khuôn mặt, nào sơn vẽ cho từng ngón chân tay, tựu chung tất cả đều hướng tới một vẻ đẹp cho một thời, một đại. Niềm vui cứ lộng lên cho một cõi tân kỳ, nhưng nhiều khi đẹp quá khiến người ta phát sợ - vẻ đẹp chừng như của ai? Liệu có phải vợ mình không? Hay liệu con nhà ai đấy nhỉ? Quả là đẹp quá đâm phát sợ và người ta chẳng còn biết làm sao nữa khi vẻ đẹp cứ phè phỡn ở trên đời mà lòng người không còn sức chứa. Nước chảy phải có chỗ đựng – cái thùng hay cái vại chẳng hạn – niềm vui như của ai vẻ đẹp như của ai thì rõ buồn cho thân phận. Mọi thứ chừng như cứ khập khiễng chẳng định, nó cứ như đóng đinh không có búa, có gạo chẳng có nồi. Tất cả mọi thứ chẳng cần chứa đựng và tôi chợt ngẫm đến thời đại – “không cần có” và “có cần không”, cả hai thứ đó chứa đựng nhau chúng tự san xẻ mà làm thành cõi sống. Nhưng có nhiều khi có thứ “chẳng cần mà có” và có thứ “chẳng có mà cần” thì mới lạ, có lẽ đó là sự hụt hẫng của một thời. Loài người ao ước đến toàn mĩ - mọi thứ phải là ngô khoai vành vẻ rõ ràng, cõi đời phải là âm dương rành rẽ và tôi chợt thấy mình như trôi tuột đi đâu! Cõi đời trơn tru quá, thật khó bấu víu cho mình tồn tại. Ở đời người ta sống giữa cái mới và cái cũ, quá khứ và tương lai, cái cột mốc nhân loại của ngày hôm nay len luôn vào giữa - một bên đã qua là đã mất - một bên chưa tới là hãy chờ - ở đây chỉ còn cách duy nhất là họ phải tiến lên mà tồn tại, sự sống không phải từ mồm ông hàng xóm nỉ non. Chính ta chỉ có một thời được sống, nên ta là vĩ đại được tồn tại trên đời còn mọi chuyện chỉ là phỉnh phờ hư ảo.
2004

Nghề ngớ ngẩn
Tôi không thích nghề viết văn vì cánh nhà văn chúng ta cứ hay đánh bóng câu chuyện cho đậm đà thêm vẻ. Nó cứ như người phụ nữ mọi vẻ thân xác dường như giống nhau, tất cả đều thế thôi đủ sức hấp dẫn cho cánh đàn ông ngưỡng mộ, nhưng phụ nữ không làm thế - có lẽ nhà văn và phụ nữ hoà đồng giống nhau - phụ nữ sơn phết cho mình rõ là đủ thứ nào quần, nào áo, muôn màu muôn vẻ, nên thế giới phụ nữ cứ phức tạp dần lên làm mờ đi đời họ. Cánh nhà văn thì cũng vậy, họ cũng đánh bóng cho mọi câu chuyện trên đời trong khi sướng khổ cứ thản nhiên tồn tại. Như khi đi nhậu thì nhà văn cứ hay viết thành ta đi dự tiệc, ta say rượu thì nhà văn nói thành lướt khướt chẳng hạn họ cứ tút tát câu chuyện mịn màng làm sao để dẫn đến những kết cục rõ buồn mới lạ, họ cứ như đưa dần chúng ta về bể khổ không bằng. Chẳng thà cứ vứt quách chúng ta xuống bể khổ có hơn không? Biết bao là chủ đề biểu ngữ, nào là đoàn kết, nào là đại đồng, nào là tập thể – cứ như thể chưa có những tấm biển ấy loài người chẳng đoàn kết yêu thương nhau không bằng. Tôi cứ lấy ví dụ cách đây mấy năm nhà tôi bị cháy, ngọn lửa cứ bốc lên đùng đùng mới sợ – sợ quá tôi chẳng còn hò hét nổi, cứ hớt hải mà xông vào đống lửa - ở đời có những lúc biến cố kinh khủng đến thế. Chợt ngoảnh lại những người hàng xóm quanh tôi đều lặng lẽ dốc lòng xông vào mà dập tan ngọn lửa. Khi đã bình yên tôi tự hỏi mình – tôi với hàng xóm cứ cãi nhau thường xuyên không phân thắng bại, sao lúc hoạn nạn họ không để tôi và nhà cửa cháy trụi đi cho bõ tức? Chẳng cần biểu ngữ hay văn chương tất cả mọi người đồng tâm xông vào ngọn lửa cứu nhau thì mới quý. Đứng trên đổ vỡ tôi yêu thương mọi người. Bài ca tình người có trước biểu ngữ, có trước văn chương, nó xù xì thô kệch như cỏ cây trong trời - tôi tự hỏi: “Tại sao chúng ta phải thế? Loài người có trước vua Hùng, vua Lê… quần chúng tình yêu, khổ đau, công bằng đã có từ lâu. Vạn vật từ ngàn xưa đâu có cần đến nhà văn, nhà thơ mà vẫn tồn tại vĩnh cửu”. Và tôi tự hỏi nhà văn, nhà thơ có phải là những nhân vật không thể thiếu trong cõi đời hay không? Theo tôi nghĩ? đó là những gã rông dài vô tích sự, họ mưu chước mà uốn nắn một cái gì đó ở đời như chậu cây cảnh chẳng hạn – phải sống mà uốn éo theo sở thích kẻ khác – liệu nhà văn, nhà thơ có nên đánh bóng niềm vui hay nỗi buồn nữa không? Họ đang dẫn dắt cõi đời đi đâu khi vạn vật còn đang sống. Thử hỏi - đời họ sống được là bao trên cõi đời vô tận. Thế hệ trước, thế hệ sau đâu là điểm đầu và đâu là điểm chót? Trước sau là lý sự của mấy gã nhà văn cứ đặt ra mà giằn vặt nhau thế thôi – Họ muốn đặt ra một thứ trật tự bóng bảy cho loài người, mà kẻ đắc lợi là họ. Trong khi thiên nhiên vạn vật cứ lặng lẽ trường tồn, mịn màng, xù xì và gai góc. Thiên nhiên chẳng cần dầu nhớt, chẳng cần lịch lãm hay buồn phiền, trong trời có bão có giông nhưng vạn vật có sự cân bằng tình yêu đau khổ. Tôi cứ ngẫm vua Hùng ta xưa vạch ra ranh giới cho muôn đời cháu con thấm khổ. Ranh giới là sự trói buộc khổ đau mà nhà văn là kẻ ru đời thấm khổ. Tôi không thích nghề viết văn là vậy nhưng tôi yêu Đôt-Tôi- Iepki vì ông dùng ngọn bút mà mổ toang hoang cõi đời như con gà, con lợn, mọi thứ cứ tự nhiên làm sao, có lẽ trong đời chỉ có ông là một. Nhân loại hay dựa vào ngày hôm trước mà đoán già đoán non ngày hôm sau vận mệnh. Mọi suy đoán chỉ trói gọn trong vận mệnh con người còn thiên nhiên vẫn sống bình thường hoà thuận, loài người thấm mệt trước bao nhiêu phiền toái khổ đau. Gã con người khổng lồ vật vã với biết bao là thứ văn minh do mình đẻ ra hành hạ. Đỉnh cao của họ là tập thể, họ coi đó là sự liên kết tương hỗ mà làm ra sức mạnh. Tôi lấy một ví dụ về buổi chiều nay, tôi ngồi cùng với anh bạn thân uống cốc bia buổi chiều sau ngày làm mệt mỏi, câu chuyện xoay quanh về cái hố xí tập thể, có lẽ đó là điểm chót của tập thể chúng ta phải làm. Cái hố xí công cộng hai ngăn của khu tập thể. Có một thời cái hố xí là của chung cho mọi người trong khu, bên đầy bịt miệng ủ làm phân bón, bên kia để dùng chung. Cái hố xí bên hỉ, bên xả cứ như hai buồng xi lanh xe máy. Người trong tập thể thì đông mà hố xí thì có hạn, nhưng đời sống phải có trật tự - hàng lối phải cận thận - quả thật buồn - ỉa mà có trật tự thì thật khổ, nó không dễ dàng như ta nhổ bãi nước bọt, thải cặn bã phải xếp hàng, tay vần vò nắm giấy thì khổ quá, lạy giời ỉa ngoài đồng rộng rãi và mát mẻ xiết bao. Nhưng cả khu tập thể thì không ai muốn rời bỏ cái mét vuông nhà xí của chung, bởi họ có phần trong cái lỗ tròn tròn nhơ bẩn ấy. Anh bạn tôi là người mới ở nước ngoài về quyết định xây cho gia đình mình một hố xí tại gia, nỗi khổ chung bớt đi một tí và thời gian sau cả khu tập thể đua nhau xây hố xí tại gia cho đỡ khổ. Viết đến đây tôi thấy vui vì nhu cầu xếp hàng đi thải cặn bã không còn nữa, cái hố xí của chung mờ đi trong trí nhớ con người. Họ không đòi phần mình trong mét vuông khổ đau ấy nữa. Mọi người nghĩ sao về chuyện này? Nghe thật nhỏ, xong buồn cười làm vậy nó chẳng cần đến nhà thơ, nhà văn - nhưng mọi thứ cứ nhẹ nhõm mà trở về với trật tự của thiên nhiên vốn có. Liệu những chuyện thế này có nên viết lên không? Người ta cò kè từng lời từng chữ, từng dấu chấm phảy trong đời, mọi thứ luôn phải là chính xác đừng lầm lỡ, cõi đời là chuyện nhỏ, văn phạm là chuyện lớn, nó dường như là cái đỉnh trong nhân gian, nó cứ lửng lơ mà bay như gió như mây trong trời đất. Người ta cắt xén, người ta thêm bớt, cõi đời cứ như tấm vải trước cái kéo của gã thợ may. Hố xí là nơi nhơ bẩn nên thu hẹp mà làm rộng đất cho cộng đồng, đi ỉa xếp hàng, mua thịt xếp hàng, nhưng mọi chịu đựng có lẽ đều chịu thua cái nhu cầu đi thải. Nó giống như câu “Chết mỗi người mỗi mồ”. Nên khi sống - mỗi người mỗi nhà xí thì vô cùng thuận tiện. Tập thể loài người không bằng cái tập thể loài ong, chúng tự nhiên và hoà đồng làm sao, theo tôi nghĩ mọi nhà văn nên viết và ca ngợi về cuộc sống của chúng. Những con ong chăm chỉ hoà mình trong thế giới tự nhiên.
2004

Truyện cười
Tặng anh Nguyễn Huy Thiệp
Đã tự lâu lắm rồi người dân Nam ta mới lại có một dịp được cười vui đến thế. Họ cãi vã băm bổ vào mặt nhau chẳng còn thương tiếc chi nữa - mà họ chửi nhau thực sự thì mới vui - ở đâu cũng có chửi, ngoài đường ngoài chợ, trên bến dưới thuyền. Chửi bới như thế thì đời chẳng lạ - đằng này lại là hai nhà văn có học thì mới kinh. Cả thiên hạ đầu tiên ngỡ ngàng, sau trở thành vui thú - mà tại sao lại không chửi được cơ chứ?… Cứ hình dung hai vị như hai con gà chọi với những cái mỏ sắc rỉa thịt, rỉa lông nhau cho bõ nỗi khát thèm - mà ở đây họ là dân có học, có suy, có nghĩ thì cuộc chiến mới thêm phần long trọng. Bao từ ngữ sắc như dao cứ vùn vụt ra chiêu. Cõi đời thật vui vì đã từ lâu lắm rồi các nhà văn Nam ta chỉ cần cù suy ngẫm mà viết lách, nhà nào biết nhà ấy chứ đâu có chửi nhau bao giờ… ấy thế mà hôm nay họ chửi nhau mới lạ. Họ phanh thây mổ ruột nhau trên trang báo, giữa ban ngày ban mặt cho cả thiên hạ cùng nhìn, cùng nghe. Và họ chửi mấy ngày liền cho hả - thế rồi có anh chịu chẳng nổi cũng lên tiếng chửi lại cho bõ tức cõi lòng, bao từ ngữ lâu ngày chẳng dùng vào việc gì, nay có dịp tung ra mà báng bổ. Theo tôi nghĩ quả là hay, vì không thế thì cánh làng văn ta êm ả quá, cứ như là đi trên biển thuyền không có sóng, đi trong cõi chẳng có nắng mưa. Rõ thật vui ở đâu có cặp gà chọi người ta sẽ bu đến vòng trong vòng ngoài xem cho bõ thèm đôi mắt, và cải thiện trí tưởng tượng sắp mờ. Hôm nay cầm trang báo không còn cái sự đều đều như mọi khi, ta háo hức như vào sới xem gà chọi. Người ta lách đòn vào những điểm yếu của nhau mà dùi mũi thương chí mạng, loài gà thì cái mỏ, đôi cựa, nhà văn thì ngọn bút và sự toan tính. Họ cứ lần lượt thay nhau mà chửi, người nọ chửi xong người kia chửi lại. Dứt khoát hơn hẳn ngoài chợ là họ không xông vào nhau mà chửi lộn xăm xỉa cho bõ thèm căm uất. Người chửi, người nghỉ có thứ tự đàng hoang - Rõ là dân có học, nên nhiều khi thiên hạ cứ thấp thỏm đợi chờ mà như thế càng thêm phần thú vị. Chẳng hiểu gã chửi sau có chiêu thức gì mới hơn không? Nào là lừa đảo – Nào là bịp bợm, nào là sảo trá và tất cả các kiểu từ ngữ nhất đời họ đều sử dụng mà choang nhau cho bõ cơn thịnh nộ. Mà có lẽ cũng phải - họ chửi từ trên xuống dưới rồi từ dưới lên trên - ông bà tổ tiên họ lôi ra mà báng bổ thì mới thú. Mà họ chửi cũng có lý - đến vua Hùng ta xưa còn khai man đến cả ngàn năm tuổi, cụ Nguyễn Trãi viết hịch làm thơ mà dân ta có bớt chinh chiến nữa đâu, vẫn cứ giặc Tàu, giặc Pháp, giặc Mỹ, cụ Nguyễn Du viết Kiều thì dân ta có bớt được lắm nàng Kiều đang lăn lộn trong các lầu xanh cả nước, nữ sĩ Hồ Xuân Hương có làm bớt đi sự háu gái của cánh đàn ông chúng ta hay không? Theo tôi nghĩ anh ta chửi cũng có cái phải - Nhưng rồi nghĩ lại người ta chửi lại cho thì cũng đúng - đã tồi đã xấu như thế sao không im quách đi cho lòng đỡ khổ có hơn không? Nhưng tựu chung khi đã tức thì chẳng cần phải nghĩ! Người ta mang lờ ra mà gí vào mồm vào mặt nhau thì mới thực là thú vị. Tôi chẳng dám nói sai vì thơ là cao quý thường ở trong đầu trên đỉnh mà người ta gí lờ vào thơ thì có khác chi là gí vào mồm vào mặt nhau nữa? Quả là thú vị, họ đã tạo ra con sóng chập chờn xô vào bờ nọ, rồi lộn lại đập vào bờ kia, cứ như hai anh thợ xẻ đang cò cử mà phanh đôi thỏi gỗ cõi đời, và chúng ta là những độc giả đang lãng phí thời gian mà nhìn ngắm họ, nhưng chẳng sao tối thiểu là họ đã kéo xẻ và có thể đó là bài học mà hai nhà văn dành cho cõi sống chúng ta. Cả hội nhà văn im lặng mà nghe họ chửi nhau thì mới lạ. Chẳng ai còn dám phân định phải trái cho được bề, họ cứ phải vật lộn hoài ngày tháng cho thấu tình đạt lý. Có lẽ kẻ thắng dành về lẽ phải, người thua rước lấy phần sai - Hoan hô gà chọi - Cái truyền thống thượng võ xa xưa tiềm ẩn trong lòng dân tộc – Cứ phải chọi cho ra phải trái và nhiều khi người xem đâm sợ! - Nhỡ đâu họ đâm trượt đối thủ, trúng mồm chính mình thì thật gay, tốt hơn hết cứ dứng cho xa nhìn vào trong cuộc sẽ an toàn hơn mà thêm phần thú vị.
Một chọi một không xong thì hai chọi một, kể cả là ba là bốn miễn rằng cứ phải có kẻ nằm phơi bụng thẳng cẳng đo ván thì mới hả - quả là ngón đòn hội đồng bất khả chiến bại, cứ mỗi người đấm một cái thì ai mà chịu nổi, đối thủ chắc chỉ có mà chết! Nhưng ở đây cuộc chiến là suy ngẫm, là đấu khẩu, là báo chí, tôi tin chắc cũng khó mà đập chết được nhau. Theo tôi nghĩ cũng lạ, người phán xét phải là độc giả mới phải, nhưng ở đây lại là vở tuồng nhà văn với nhà văn thì mới kỳ quái làm sao. Có thể họ đã chọc vào đâu đó chỗ ngứa của nhau cũng nên. Mà ở ta đã là nhà thơ, nhà văn mà bị diễu cợt thì quả là không thể… Nghề của họ là nghề muốn dẫn dắt mọi người đi đâu đó cho có vẻ - như dẫn dắt trẻ nhỏ qua đường chẳng hạn và họ cảm thấy thích thú vì đã làm như thế. Mà tác dụng ra sao thì họ cóc cần biết. Tất cả cứ phải là đầu sách, niềm tự hào là những cái gáy có chữ găm trên giá trông oai phong lẫm liệt làm sao. Có bán được hay không thì cứ phải hỏi thiên hạ, chả ai dại bỏ tiền mua sách về gói xôi vì họ đã bị nhỡ tàu nhiều chuyến. Mọi thứ dường như đang cũ đi từ lọ mực đến ngòi bút, dân đen làm sao tìm được mình trong họ, tất cả chỉ là những chuyện là lạ xa vời… và nhà văn sinh ra ở ta có lẽ là thế - Cứ phải là oai phong lẫm liệt ở đời, nên mặc họ đánh nhau cũng phải, vì họ có đánh nhau thì độc giả mới hả dạ, có đánh nhau thì mọi sự mới được phơi bày cho phải lẽ.
2004

Người về hưu
Tặng nhà giáo Vương Thị Phương
Ngày hôm nay ông cảm thấy mệt nhiều! Cái ánh sáng đầu ngày còn tươi chênh chếch lùa qua ô cửa, căn buồng như bừng thức dậy, vài ba thứ đồ cũ kĩ cũng rõ thêm lên như cựa mình muốn sống. Từ cái giường giẻ quạt đến cái tủ hồ sơ cũ, hai ba cái nồi lỏng chỏng bên cạnh vài cái chai, mọi đồ vật như muốn tỏ rõ cái hồn của nó. Với người già sống hưu trí, mọi thứ dù sơ sài, nhưng rõ thật quý. Mọi vật dụng không thừa mà chỉ vừa đủ, dường như mọi đồ dùng đều có chỗ đứng cần thiết trong đời ông lão, từ cái túi ni lông phòng khi mua lưng canh cũng được rửa ráy sạch sẽ quàng trên song cửa, đến cái chăn rạ từ thời bao cấp cũng có tuổi sống của nó… cái màu vàng xin xỉn nhão nhoẹt, nhưng gần gũi thân quen làm sao. Có lẽ vì họ ăn chẳng nhiều, mặc không lắm nên mọi nhu cầu chỉ cần vậy, mọi thứ bù đắp vừa đủ cho những lồi lõm đời người.
Căn buồng chín mét vuông, lúc nào cửa ra vào cũng mở cả ngày lẫn đêm. Mất mát ông chẳng sợ – vì có gì đâu mà mất. Nó luôn mở để đón đợi mấy ông bạn cùng tổ hưu tới thăm đỡ phiền hà phải gọi. Có lẽ những người về hưu sống độc thân đều như vậy – cửa luôn mở như đón đợi bao điều… mà chung quy chỉ có họ đón đợi nhau thôi – những kẻ cô đơn sống qua một thời đã mỏi. Họ tụ tập bên bàn cờ, quanh khay nước trà, ngắm nhìn nhau mà sống, bao câu chuyện đời thường sẻ chia mà ngẫm ngợi… Họ kể lể cho nhau biết bao điều buồn vui, khốn khó. Con người về hưu là vậy – căn nhà, cái giường và vài thứ vật dụng, những bước chân luẩn quẩn qua ngày – dường như, vạn sự đời người vo lại trong căn buồng nhỏ bé. Thế hệ trẻ không muốn gần họ nữa, mọi thứ cứ phai đi như quần áo hay tuổi già của họ.
Cái mệt hôm nay nhiều hơn, đầu óc ông váng vất như muốn ngã. Dường như máu trong cơ thể muốn sôi lên dâng tràn lên não làm mắt ông mờ đi, mọi vật nhập nhèm rõ khó chịu. Ông cố gắng đi lại cho có vận động nhưng mấy lần suýt ngã. Cái bệnh huyết áp thật quái ác, chẳng khác gì cái ách gông lấy tuổi già, nó như trói chân, trói tay ông lại. Một thoáng tư lự - thôi cũng đành – cứ nằm xuống nền cho chắc – rải chăn chiếu xuống đất ngả lưng đỡ mỏi – cứ thế này là chắc nhất, chẳng còn ngã vào đâu được. Tuổi già cứ thấp dần đi, cận kề mặt đất! Có lẽ lúc đó họ nhìn thấy thật nhiều và nghĩ ra rõ lắm, cả không gian hiện lên… như quên khuấy mất họ. Chẳng mấy bận lòng về ai nữa nên cái nhìn của họ thấu suốt làm sao… cái nhìn không ôm đồm, chẳng bề bộn, bon chen, cái nhìn của kẻ bên lề nhòm vào cõi sống. Căn buồng ông ở bỗng tẻ ngắt làm sao, có thể lần đầu ông cảm thấy thấm thía như vậy… Vẫn tia nắng sáng ra vào cửa sổ, chiếc giường cá nhân có lẽ cũng đang già đi… trên tường mấy tờ lịch treo cong queo vàng ệch, năm tháng chẳng còn bao ý nghĩa. Thời gian được gạch đít cho từng ngày cần nhớ trong tháng, trong năm - ngày giỗ cha mẹ, ngày lĩnh lương hưu, ngày cháu nội về chơi, còn lại mọi ngày như nhau – ngày tháng của những người hưu trí - những cỗ máy ọc ạch già nua lần mò trong cõi sống. Bài ca của họ đã một thời vang lên trong khốn khổ để hôm nay dần dần lặng tắt trong âm thầm đau đớn.
Yên tĩnh quá, ông nghe thấy cả tiếng bánh xe nghiến trên đường phố, tiếng những bước chân, tiếng chào mời rao bán… sự sống như bay vút lên tầng tư nơi ông đang nằm trăn trở.
Đã là người phải đứng ở đâu chứ? Một câu tự vấn của người già - một câu tự hỏi không có đáp số. Thời gian tỉ lệ nghịch với đời người, nó cứ dài ra bên đời người đang dần dần co lại. Cả vạn vật đang dần dần co lại trong già nua tuổi tác, như căn phòng, đồ vật và cả ông nữa cũng đang cũ dần, cũ dần chẳng còn hương sắc sự sống. Trong cõi đời này vật chất là đời người, vì thân xác hữu hình nên nó là vật chất, để đến một ngày ta đi ra khỏi nó.
Ông nằm lặng dán mình trên nền đất mơ hồ nghe tiếng đời trôi với nỗi ao ước trước cửa phòng mình sẽ có bước chân ai dừng lại! Niềm ao ước như bài ca sám hối cho tuổi già, những nỗi khổ đau của đời ông như đúc lại thành cây nến mà đốt lên ngọn lửa cháy bừng biết bao điều nghĩ ngợi, với ông sẽ chẳng còn khái niệm vật chất nữa, dòng thời gian trôi qua thấm thía làm sao, họ như thấy được nó trôi qua từng ngày không trở lại, sự sống chỉ còn là tiếng vọng rã rời, khi người ta không còn đỡ nổi chính mình thì tuổi già đã đến, tuổi già là gánh nặng đè lên thân xác! Bao suy ngẫm đưa ông vào giấc ngủ… Trong giấc ngủ chập chờn, bỗng ông có cảm giác một vật gì mềm mại nồng ấm đang lướt trên mặt mình. Ông lão choàng tỉnh giấc, trước mắt ông là con chó Ca phi của nhà ông bạn đang mừng rỡ chồm lên đứng bằng hai chân sau, hai chân trước chắp lại vái vái thi lễ với chủ nhà. Trong lòng ông bừng lên một niềm vui mới sau giấc ngủ. – Bác thấy không, chó với má - nó cứ như dắt tôi đến nhà bác không bằng, mình vừa lẩm nhẩm là sang bác nó đã chạy liền, ông Vân bạn cùng tổ hưu tất tưởi bước qua ngưỡng cửa.
- Sao thế kia? Ai bắt ông nằm đất trông mà thảm hại thế!”
- “Đầu óc cứ choáng váng tôi lê chăn chiếu xuống đất!” - Ông đáp.
Họ nhìn nhau lặng lẽ lắc đầu, con chó cào cào vào tay chủ như nhắc ông chiếc bánh. - À tôi mua biếu bác chiếc bánh giò nóng - mua ngay dưới tầng. Ông lặng lẽ đứng lên tìm bát - ăn đi ông, bọn mình răng kém ăn bánh giò lại hay – Cảm ơn bác, để tôi pha ấm trà cái đã - ông lật đật tìm ấm - bác Khởi ạ - bác Vện cùng tổ chết rồi – chết ngày hôm kia. Ông lão sửng sốt nhìn khách - hôm đó tôi định sang rủ bác ấy sang đây chơi, thấy cửa mở, gọi chẳng có ai, vào nhà bác ấy nằm còng queo dưới chân cầu thang, cũng may con Ca phi nó sủa loạn lên tôi mới vào. Lúc ấy bác ta chưa chết đâu, đau đớn lắm, bác ta còn cố rút cái ví ở túi ngực đưa cho tôi – biếu anh tôi chẳng cần nữa… đến trưa thì bác ấy mất, có lẽ cố đợi mấy thằng con… Ngẫm bọn chúng cũng đoảng… tôi gọi điện ngay nhưng chúng đang mắc việc cơ quan gì đó… mãi tới lúc bác ấy sắp mất anh em nó mới về - mà cũng may cả ba đứa cùng có mặt. Cứ nhớ lúc sống bác ấy hay phàn nàn là chẳng bao giờ gặp cả ba đứa một lúc. Nhiều khi tôi cứ ngẫm… thật rõ cái thời khốn khổ, nhà nào chẳng thế… đâu đâu cũng chỉ lo lắng chuyện kiếm tiền. Lũ trẻ thời này đứa nào cũng vậy cứ quẳng cho bố mẹ ít tiền rồi chúng biến ngay, chẳng đứa nào thiết ngó xem bố mẹ có còn răng lợi gì không mà gặm mấy đồng tiền ấy. Anh có biết không… tôi phải bế anh ấy lên giường… rồi ngồi chờ cả buổi sáng mới nẫu ruột - cứ như trên đời chẳng còn ai sống nữa không bằng. Tôi trả lại cái ví. Chúng nó cứ nhìn như hỏi mình có lấy trộm hay không mới buồn. Chúng có hiểu đâu rằng, người già ăn sao nổi những đồng tiền đau đớn đến thế… mà chúng là dân có học cơ chứ! Đứa luật sư, thằng nhà báo thì mới ức Bác Khởi ạ… thời này chúng nó là như thế!… Cứ phải kiếm nhiều tiền, thật nhiều tiền thì chúng mới sống nổi. Ông lão xẻ cho con chó tí bánh, nó nằm phủ phục bên cái đĩa, đuôi ngoáy tít, mắt hau háu nhìn chủ – đấy… có một tẹo mà anh lại còn cho nó. Nằm im… có để cho chúng tao yên không? Bàn tay ông vuốt trên bộ lông trắng đã có chỗ ngả vàng. Nó ư ử như nũng nịu. - Ông ạ… cứ ngẫm loài vật nó còn có tình… con này nó theo tôi mười mấy năm rồi còn gì… Tay ông ve vuốt trên đầu nó – Mỗi khi cứ nhìn lên mái nhà là lại nhớ đến nó… lứa đẻ đầu tiên được bốn con màu trắng toát… Thế là tôi đủ tiền đổ cái mái. Cứ ngẫm có lao động cả đời cũng chẳng đủ tiền mà làm được. Mà nó nuôi con khéo lắm bác ạ… Sáng ra bốn chú chó con như phép lạ trời cho… Nó tự đẻ, tự cắn rau, không kêu rên, liếm láp tinh tươm mới giỏi… Mà đúng là cái vận trời cho ông ạ! Nhà tôi hồi ấy đang khổ lắm… quả từ cái vận chó mà thành người. Xe máy thằng lớn, thằng bé đều từ chó mà ra. Cũng có thể kiếp trước mình là chó cũng nên… sang kiếp này chúng hiện về cứu giúp! Ông lẩm nhẩm như tự nói với mình. Câu chuyện về con chó ông nhắc đi nhắc lại đã bao lần… Ông cứ kể, cứ kể như lần đầu mới nói. Con chó nằm bên cạnh đầu ghếch lên đùi ông, mắt tròn xoe, ra chừng cũng hiểu, thỉnh thoảng nó lại liếm chân tay ông như cổ động cho câu chuyện đậm đà. Bác ạ… thế rồi cái thời chó đẻ cũng qua đi, chẳng mấy ai cần chó nữa, họ chỉ mua chó thịt – mắt ông già long lên vì bực tức - tôi không nuôi chó đẻ nữa… bán cho lũ người ấy thêm hoài chó. Ông ôm gọn con Ca phi trong lòng như thách thức với ai đó… Trong mắt ông, sau cặp kính một nỗi buồn ẩm thấp nhạt nhoà khơi lên – Sau cái thời chó má ông ạ… nhà tôi mất! Hai thằng con xin ra ở riêng… chúng dứt khoát không mang theo con chó… vì vợ nó sợ hôi sợ bẩn, mặc thằng cháu nội tôi với con chó chơi với nhau như đôi bạn… Mà cũng may… không thì tôi chỉ còn có một mình… ông bỏ kính lén lau nước mắt. Ông Khởi ạ… tôi ăn cùng chó, ngủ cạnh chó, đi chơi cùng chó - Một niềm vui nhỏ nhoi như nhóm lửa trong ông bên nỗi đau hằn vết trong trái tim người già. Buồn vui như hiện hình trong thời gian cháy dở, khi đời họ đang lún xuống trong tháng ngày vô định. Họ! những người già đã đi qua một thời đang chìm dần trong cái bóng của mình. - Tôi phải về thôi – lời ông nói như trĩu xuống, vừa như lời chào chủ nhà vừa như tự nói với mình.
- Bác đã đi đâu mà vội thế? - Suốt từ sáng đến giờ nhà tôi đâu có ai trông, à… ngày mai bác có đi đưa đám bác Vện được không? Người mệt thế này… để tôi nói với các bác cùng tổ thông cảm – Không sao đâu… tôi thế nào cũng phải đi, tôi với bác ấy có nhiều duyên nợ với nhau lắm.
- Họ chia tay trong bao điều nghĩ dở… Những bước chân ông bạn và tiếng chó nhấm nhẳng cứ xa dần, nỗi cô đơn âm thầm khép lại…
“Ước gì mình có con chó như của bác ấy”. Một thoáng suy tư lướt qua đầu ông lão.
Tang lễ hôm nay đông lắm, chật ních những người. Ông lão phải nằm đấy cả ba ngày chờ người về thăm viếng. Bao bè bạn của con cái từ mấy miền hay tin nếu không về được cũng gửi điện chia buồn, gửi đồ phúng viếng. Nghe nói các đoàn từ trung ương cũng cử người về dự lễ tang. Mọi người ngạc nhiên vì cháu con ông Vện đông đến thế, cứ nhan nhản toàn những khăn xô. Ba anh con trai và mấy nàng dâu mặc áo xô đầu đội khăn cứ chạy ngược chạy xuôi cảm ơn những đoàn thể và bạn bè đến chia buồn thăm viếng, nào trướng nào hoa cứ nườm nượp người mang tới.
Cỗ quan tài sơn son thếp vàng uy nghi đặt giữa phòng khách. Bên trên là ảnh ông Vện với nụ cười đôn hậu. Mọi người ai cũng bảo bức ảnh tươi quá, có người lại bảo bức ảnh rõ đang vui – mà tươi hay vui thì cũng phải… Ngày đưa đám ông mà đông đủ cháu con bè bạn đến như vậy thì dẫu có xuống mồ cũng còn cảm thấy hơi ấm ở đời. Bức ảnh có cũ nhưng cũng còn tươm chán. Bảy, tám năm nay ông lão có chụp cái ảnh nào đâu… mà nếu có ảnh mới - cũng xin lỗi người chết - ảnh ông sẽ không đẹp bằng… vì từ lâu hai hàm răng ông hầu như rụng cả nên hai má cứ hóp lại trông khắc khổ đến não lòng. Con cháu treo cái ảnh kia người chết trông “hoành tráng” hơn đến mấy phần. Bên dưới bức ảnh là cả dàn huân, huy chương, dễ có đến chục cái nên bức ảnh càng được tôn lên cái vẻ bề thế của người đã khuất. Trên nóc áo quan là hai hàng nến đỏ sáng lung linh ôm lấy bát cơm quả trứng, hương khói lênh đênh hoà quyện với ánh sáng run rẩy của hai hàng nến tạo cho ta thấy cảm giác cỗ áo quan như con thuyền đang bồng bềnh trôi về đâu đó. Phía trước áo quan là cái bàn phủ khăn trắng, bên trên đặt bát hương và ba cái mâm để tiền phúng viếng. Dọc theo hai bên quan tài, bên phải là phường bát âm, bên trái là con cháu và gia đình đứng đáp lễ mọi người về thăm viếng. Tiếng kèn, trống cất lên khi mọi người tiến vào phúng viếng. Họ đặt lễ thắp hương vĩnh biệt người đã khuất, đi vòng quanh áo quan nhìn mặt người chết lần cuối trong những âm thanh não nề như miết vào lòng người đang sống. Họ siết tay chia buồn với gia đình và những tiếng khóc nhịp nhàng cất lên thay lời cảm tạ bao tấm lòng bè bạn tìm về thăm viếng.
Cõi sống và đời người, rộng lớn như căn nhà chứa đựng hạt cát, khi linh hồn cảm nhận được hơi ấm và sự no đủ của nó thì sự sống của họ đã qua bờ. Sự sống là chân lí bên đời người phi lí làm sao! Tiếng kèn trống cất lên như lời dụ dỗ biết bao người đang sống… Người chết mọi giác quan đã ngủ yên… tiếng mõ ấy tiếng kèn kia như đùa cợt cõi đời ru ngủ – giữa bát ngát thinh không, linh hồn sẽ thoát đi bỏ mặc lại cõi đời khổ đau bề bộn. Khi cõi sống sa thải họ… không muốn nhìn thấy họ nữa… cái đời người “quá đát” - hãy về đi… bao nhang khói, những vòng hoa như là tiếng khóc cho bao người đang sống… Những dòng nước mắt chợt ngưng chợt chảy, bao âm ba lời nói chợt buồn chợt vui. Những gương mặt chợt sáng chợt tối, đó là cõi đời! Hãy đến đây – hãy về đây mà nhìn, mà ngó khi hồn người lìa xác - Cõi thinh không của một đời người – Một bài ca không còn sóng vỗ, tất cả chỉ còn là yên lặng – im lặng và im lặng – hãy về đi – về đi.
Có lẽ đoàn các cụ là cuối cùng của dòng người thăm viếng. Có thể vì đông quá, bề thế quá, nên các cụ cũng đành nán lại vào sau, mà cũng đành… Tuổi già chẳng đi đâu mà vội, nên các cụ cứ lặng lẽ tụ tập đứng chờ - mà chờ một người bạn già thì mọi lẽ cứ nhẹ nhõm làm sao – Các cụ cảm thấy kiêu hãnh, thú vị cho kiếp sống của bạn mình - Đông thế - đông lắm - phải thế chứ… anh ấy sinh thời quan hệ rộng, nên lúc chết mới lồng lộng thế này… cứ dòng dòng toàn người với vòng hoa… Ngẫm có chết thì cũng đáng, vạn sự như nêm lấy một đời người như vậy cũng bõ - cũng bõ đã được sống làm người – Mọi chỗ cứ hầm hập mà hỉ xả, hoà quện vào nhau trong tình nghĩa mất còn – Cõi sống rạo rực bên cỗ quan tài thắp lửa. Các cụ cứ ngẫm mà thấy thèm… Xác chết như cái thước đo, thập thò, dài ngắn. Sự hữu ích của một đời người có lẽ là thế - khi chẳng còn mưu sinh vẫn dậy mùi cõi sống! Sự lèn bén đâu đây như chừng đang thức dậy, như nhón lửa đầu nén hương lặng thầm gặm nhấm. Cõi sống như chợt say, chợt tỉnh, chợt buồn, chợt vui, nó hiện sinh như mớ rau buộc túm, như vòng hoa kết lại nụ cười… Tất cả dường như phó mặc đời người có sinh, có diệt, có đến, có đi, nỗi đau đớn khả ái còn bừng thức trên từng gương mặt, chảy thành lời nói mà khoan, mà vít cõi đời trong tang lễ - Mọi thứ như vón lại, đầy ắp, hương hoa, bổng lộc, nghĩa tình, bao bề bộn chất ngất như khoanh lại một sự sống hư vô… đời người có lõi, mấy ai đào sâu mà nhìn thấy được - Ta chợt thấy buồn thấy vui – ta vui vì cuộc đời còn dở… ta buồn vì sự sống đã qua… Có một thứ gì đó ngấp nghé bờ vực trong cái nhìn các cụ – nó dở khóc dở cười như đời người hưu trí. Họ thương yêu đùm bọc một thứ gì đó… và chỉ thế thôi – họ tự thương mình khi cõi đời đang dần dần quên họ. Sự chết đâu phải là cái lõi! Cuộn chỉ cứ quay và cứ nhả, dòng thời gian lúc thít lúc buông. Người già hiểu nó như đường tơ kẽ tóc, có đấy và mất đấy. Chẳng hẹn hò sao lòng họ vẫn thương nhau – Họ tề tựu bên cái chết mà chia tình sẻ nghĩa. Người chết như đang sống lại bên bàn cờ với bao vui buồn một thuở, nhỏ bé thôi… là hàng ngày họ có nhau và họ chỉ còn thế, cả cõi sống dường như thu nhỏ lại khi đời người già cỗi – sự cô đọng lãng quên trong dòng chảy cõi đời. Sự mê muội chảy trong mê muội. Dòng tuần hoàn lặng lẽ buồn trôi… Có một lúc nào đó văn chương như một gã say chạy theo thời gian mà gạ gẫm, vẽ vời về một thứ gì đó đã qua - nhưng cũng chỉ thế thôi… như son phấn điểm tô bờ vực. Họ túm tụm bên nhau, mỗi người mang đến một hoài niệm về người đã khuất, họ như nói với người chết, vừa như nói với ai đó quanh đây về những tưởng niệm một thời.
- Bác có thấy không…? đời người chỉ vèo một cái là biến mất tăm… - ông lão đứng bên buồn bã nói - ông Vân dáng vẻ tần ngần, tay mân mê sợi dây xích con chó – Cái gì rồi chẳng phải biến hả bác… Ở đời xưa nay vẫn thế. Tôi cứ nhớ hồi bác Vện chưa nghỉ hưu, nhà cửa cứ tấp nập những khách là khách - ông lặng lẽ giật xích con chó như người đang mộng du, con chó lặng lẽ nép vào chân chủ – rồi người đến cứ thưa dần, thưa dần, chẳng còn ai nữa… giọng ông trĩu xuống như kẻ mất hồn - Anh thấy không? – lời nói như căng ra, sự phẫn nộ như trào lên đâu đó trong ông – ở đời này là thế, mọi thứ cứ biến dần, biến dần cho đến khi ta chỉ còn trơ trọi ở đời, trụi thùi lụi như con gà bị vặt lông chỉ còn chờ lên thớt nữa là xong! – nhà tôi ngay bên cạnh mà… - hiểu trước về sự cô quạnh… nên tôi tìm sang anh ấy… Cuộc đời khi chẳng còn chức quyền thì cũng như ai thôi, cùng chẳng ăn được nhiều, ngủ nghê thì cũng vậy, tiền bạc cũng chẳng màng, không đùm bọc nổi ai nữa… thế là xong, có lẽ đồ vô dụng đều như nhau cả - cõi đời xưa nay là thế… mọi thứ cứ thưa dần thưa dần rồi quên lãng – anh cứ thử ngẫm… mình cần quái gì cơ chứ… già thì ta lại có kiểu già chứ sao? - ông như tự khẳng định với mình như thế – Tôi quý bác Vện vì anh là người ngay thẳng, chẳng ưa trò ỡm ờ khuất tất - cứ nhớ mãi, có một hôm tôi đến chơi đúng lúc hai bố con anh đang chất vấn nhau về một điều gì đó, cả hai bố con đều là quan chức nhà nước, mang trong mình dòng máu của Đảng, tôi nhớ mãi anh con trai lý giải với cha mình: “Ở thời bố Đảng ta khép cửa, vào thời con Đảng mở cửa ra” – “Tao rất ghét ỡm ờ… mày thử giải thích cho tao thế nào là khép với mở… tao là Đảng viên về hưu chất vấn mày là người đương chức”.
“Anh có biết không? Tôi rất thích sự ngay thẳng, mà có lẽ người già ai ai cũng thế… họ dám nhìn thẳng vào mọi sự tốt xấu ở đời. Dù rằng chẳng còn là ngọn lửa thiêu đốt nữa… nhưng nó là cái nhìn thấu suốt, tinh tế đến làm sao – một cái nhìn không còn tiếng nói, một cái nhìn tự vấn, một cái nhìn bất lực trong cái nhìn… Tuổi già như con tàu đắm. Trong khoảng khắc chợt chìm nghỉm… chỉ còn họ với họ… thế thôi… rồi lặng tắt! Đời họ như cái bơi chèo đã mỏi và đại dương như cái miệng há mồm. Cõi đời trả lại cho thời gian như tiếng chó cằn nhằn gọi chủ”.
“Tao đã bảo mày ở nhà… cứ đòi đi theo mà lắm chuyện” - ông lão như dỗi dằn cùng con chó - Ông ạ… buồn vui lũ chó nó biết cả đấy. - Ông Vân như được dịp nói về con chó. – Nó chẳng hay sang nhà ông Vện mà… vừa được ăn còn được chạy nhảy. Sáng nay tôi định xích nó ở nhà mà nó không chịu… nó cứ chồm chồm, sủa vang đòi đi đưa đám… Thật đúng là “khuyển mã tri tính”… nhưng mà ông ạ… nó biết từng người trong tổ, chỉ nhắc tên là nó chạy tới liền. Nhiều khi ngồi cứ ngẫm… cũng may về già còn có con chó… nó liếm bàn chân ông như khẳng định cảm tình của nó - Nhiều khi nhìn nó tôi cứ ngẫm… ở đời… mất cái nọ được cái kia, thật rõ ông Trời chẳng tận diệt với ai bao giờ… Mình lủi thủi mà có nó bên cạnh như có thêm người cùng sống. Nó là mình, mình là nó, nhiều khi đỡ buồn bác ạ. Họ lặng lẽ nhìn con chó mà thông cảm cho nỗi buồn của nhau. Loài chó là giống vật hữu tình, nó cứ quanh quẩn bên người mà sinh mà sống, nó bù lấp biết bao chỗ mà đời người chẳng có, những thiếu khuyết muộn phiền… Chó học tính người, người học tính chó - Anh có biết không… nhiều sáng tôi mệt không buồn dậy… nó cắn chăn lôi tôi dậy và mình phải dậy theo nó. Nhiều khi mình chẳng muốn ăn nhưng nó đòi ăn làm mình chợt thấy thèm ăn theo nó. Mọi thứ tủn mủn như bay biến đi đâu… thế mới lạ… mình như đang muốn sống để mà dạy dỗ một thứ gì đó cho ra hồn. Anh thử nghĩ xem… nuôi chó nhiều khi thật hữu ích. Loài người không gần động vật, nhiều khi trở nên khô cằn máy móc làm sao… cứ học thuyết nọ, triết học kia như cỗ quan tài chở người về đất, cứ gần giống chó nhiều khi ta thèm sống vì chúng luôn nhắc nhở ta là người, mà là người thì phải gọt dũa mà nhiều khi gọt dũa còn chẳng đâu vào đâu… đã là người nhiều khi cứ phải làm đi làm lại sao cho giống một cái gì đó mà lòng ta ước muốn và có thể loài chó cũng vậy… Niềm ao ước như giấc mơ đặt trước muôn loài mà dụ dỗ cho đất trời thức dậy.
Giữa đám tang ông chợt cười… tiếng cười như xé rách biết bao điều giả dối mà người đi bỏ lại… Mọi người nhìn ông, ông nhìn mọi người trong tiếng cười nước mắt. Bác có biết không… ngày hôm qua công an phường bắt tôi làm tường trình về cái chết ủa bác Vện… vì tôi là người đầu tiên chứng kiến… tôi phát khùng nói thẳng với họ:
“Việc này có pháp y cần quái gì tới tôi”. Họ đấu dịu bảo tôi: “Bác thông cảm… đó là thủ tục nhà nước đối với tính mạng công dân”. Tôi chợt nghĩ: “Người già sống vạ vật có đứa nào buồn ngó đến đâu! mà cũng có thể chết rồi lại thành có giá - cái giá trị thằng người. – Nghĩ lại cũng khổ… hôm lĩnh lương tôi chạy sang bác Vện báo tin lương tháng này tăng mấy phần trăm thì bác hàng xóm báo anh mới mất hồi sáng… nhiều khi tôi cứ tự nhủ mình… trời chưa cất thì ta cứ bước…” - Ông lão trầm ngâm như người nửa tỉnh nửa say, cặp kính lão nhờ nhờ trên mắt như ánh sáng sự đời chẳng buồn chui qua lối ấy.
- Chẳng có tăng trưởng gì đâu… anh cứ thử nghĩ mà xem, lương tăng vài ba phần trăm trong khi mọi mặt hàng cứ tăng vọt thử hỏi tăng giảm có nghĩa lí gì? Còn hàng bao nhiêu thứ nữa chứ… nào đóng tiền an ninh, nào đóng tiền người nghèo vượt khó, tiền giúp đồng bào lũ lụt, mà lương người hưu trí được có là bao… miếng ăn cứ nhỏ dần đi thử hỏi lấy gì là sống! Họ lặng lẽ nhìn nhau mà buồn cho thân phận.
- Tiếng kèn trống như gọi người đến, như tiễn người đi, đoàn các cụ tề chỉnh giàn hàng ngang đứng trước linh cữu tiễn biệt người quá cố. Ông Khởi đại diện cho tổ các cụ, tay run run đặt chiếc phong bì lên mâm, nhưng khổ thay… hai lần đặt đều rơi tẹt xuống đất. Không biết vì run tay hay tại phong bì nhẹ quá. Có lẽ vì các mâm đều đầy đặn đến có chóp, nên nhiều khi rõ phiền cho người phúng viếng. Các cụ lặng lẽ vái người đã khuất, trong tiếng kèn nỉ non tiễn biệt - Những cái bóng già nua lặng lẽ trên đời như món nợ không có người nhận trả… họ lặng lẽ bên nhau như một cộng đồng riêng biệt. Sự lãng quên như mặt nước khép lại trong chiều, mọi thứ đã chìm xuống đáy, chỉ còn lại sự quên lãng đâu đây trong lòng những người già sống dở.
Anh trưởng nam trang nghiêm đọc lời vĩnh biệt: “Cha của ba anh em chúng tôi Nguyễn văn Vện… sinh năm… sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc lòng con cháu và cả gia đình tận tâm cứu chữa, người đã ra đi… vĩnh biệt bè bạn và cháu con… Những người bạn mất đi một bằng hữu… những đứa con mất đi một người cha… đàn cháu con mất đi một người ông… đứng trước tổn thất lớn lao này… tôi xin một phút mặc niệm để tưởng nhớ và vĩnh biệt người”. Trên gò má anh trưởng… hai dòng nước mắt trào ra… trong nỗi nghẹn ngào không thành tiếng.
Người ta mau chóng giải quyết ba cái mâm và cả đàn con cháu xúm xít nâng quan tài trong tiếng khóc ào ào như con thác… ba người con đứng sau xe hai tay vái đáp lễ mọi người. Xe chuyển bánh, ông Vện như hạt lạc củ vùi giữa rừng hoa, trong những tiếng khóc thê thảm kéo lê trên đường phố. Dòng người như con nước đổ về lặng tờ trong nhang khói, đoàn các cụ lẽo đẽo sau cùng, nào người nào chó, lẳng lặng đi trong buổi chiều nhợt nắng. Bóng họ xiêu vẹo trên hè, cứ lớp lớp như những hồn ma xếp hàng chờ đến lượt, thỉnh thoảng họ thì thầm với nhau một vài điều gì đấy: “…Điếu văn gì mà điêu đến thế… chúng nó có ngó ngàng gì đến ông ấy đâu” - Ông Vân đi bên cạnh lặng lẽ lắc đầu: “Cũng thông cảm ông ạ, điếu văn thời này người ta in sẵn, cứ điền tên điền họ vào là xong” - họ lắc đầu: “Anh con trai là nhà báo cơ đấy, đúng là một lũ vô học”.
2005

Mất mình
Ai cũng khuyên hắn nên nhìn ngắm cõi đời vừa phải thôi, mọi thứ chưa làm gì đến nỗi, vết thương đã chết người đâu mà đã u uất làm vậy! Có thể hắn đang nghĩ về thời gian - thời gian của hắn, một dòng thời gian đóng khuôn trong cái đồng hồ hình tròn có kim có vạch! Hắn như hòn gạch được đóng khuôn… chỉ có thế, sáu cạnh là sáu cạnh không làm sao khác được! Đời người chỉ có vậy không làm thế nào khác được nữa! Có cựa quậy mấy đời hắn cũng chỉ là hòn gạch đóng khuôn… hòn gạch biết nhìn, biết thở, mà còn thở dài được nữa - nhưng dứt khoát hắn chỉ là hòn gạch, vợ hắn cũng là hòn gạch, con hắn cũng vậy và tất cả chỉ là những hòn gạch. Mọi người đều giống nhau là phải sống, nên từng hòn một chồng chất lên nhau thành hàng để mà xây cất nên cõi đời thực tại. Từng hàng một liên kết với nhau bằng sự ham muốn khổ đau! Cái thứ vữa bủn xỉn mà cõi đời suy ngẫm ra được. Gắn thằng người nọ dính vào người thằng kia xem ngộ nghĩnh làm sao. Người ta hoà quyện gạch với gạch để mà xây cất nên từng thế hệ. Thế hệ sau đè lên thế hệ trước, từng từng lớp lớp mà hoàn thiện và hoàn thiện ra sao thì khó ai mà biết. Chúng ta tự hào, chúng ta suy ngẫm, rồi ta buồn thảm. Các vị cứ thử nghĩ mà xem, mỗi hòn gạch là một cuộc đời có suy nghĩ thì bức tường kia sẽ ra sao? Cuộc đời đè lên cuộc đời, suy nghĩ đè
lên suy nghĩ thì rõ khổ. Vợ tôi thường nói: “Anh phải sống sao cho khuôn khổ” - nhưng tôi xin lỗi, đừng mang hòn gạch đời tôi mà xây vào bức tường ấy mà tốt nhất hãy để tôi là đất, đừng mang đi đóng gạch - tôi sợ mọi loại khuôn vì loại khuôn nào cũng vậy sẽ chỉ đúc ra được một sản phẩm giống nhau đều tăm tắp như ta đẻ ra một đứa con nó phải giống cha từng nét vẻ hình hài, suy tư giống hệt, nó phải là một thằng con tái bản… Để đến một hôm chính ta phải kinh tởm về sự giống nhau đến thế! Mà nếu nó không giống thì cũng thật khổ! Ta sẽ nghi hoặc, lo sợ vì sao nó không giống. Tất cả mọi chuyện tồi tệ này đều sinh ra bởi cái khuôn tù đày khốn khổ… Người ta luôn luôn quên rằng kẻ đứng bên cạnh mình là một người khác, nên học hỏi nhau mà sống thì hay biết bao nhiêu. Họ luồn lạch trong thời gian mà nặn nhào người khác ép vào khuôn cho rõ khổ. Cứ đời nọ lê theo đời kia mà ấn vào khuôn khổ, tất cả đều giống nhau đều tăm tắp như cát bụi, những cái tôi nhỏ nhoi tụ họp lại làm thành cái chúng ta khốn khổ. Chính bản thân hắn không định hình nổi cái tôi cho bản thân! Một sự ích kỉ đến bần tiện. Hắn muốn tập thể là cái tôi của riêng hắn, được ngụy trang bằng hai từ “chúng ta”, thật hoa mỹ và rộng lớn, nó dường như là tất cả cái khoảng mênh mông của cõi đời và những cái tôi yếu đuối, bồng bềnh, trôi trên mặt biển chúng ta cuồng sóng. Quả là vĩ đại khi bản giao hưởng chúng ta cất lên với biết bao là tiết tấu thét gào cuồng nộ cả một đại dương âm ba sôi động đến hãi hùng… Chừng như ta bị cuốn trôi đâu mất để rồi như con tàu đắm! Hắn chợt ngẫm - mình là gì nhỉ? Một gã bủn xỉn bần hàn, thích hoà đồng trong hai từ chúng ta cho đượm vẻ! Mà nếu có ai xẻ hắn ra khỏi tập thể chúng ta, thì hắn chẳng bằng con giun, con dế… Hắn thuộc về tập thể từ trong trứng, hắn lớn lên trong chúng ta và hắn thuộc về tập thể, có một khối óc nào đó mang danh chúng ta đã định hình tất cả… Hắn phải làm giống như bố hắn, vợ hắn và nòi giống của hắn - hắn phải vui khi trong lòng hắn chẳng vui - thời gian dường như là của ai! cứ hiện hữu trong hắn và cò kè trong hắn. Khi tất cả đều phải giống nhau tại sao hắn lại buồn phiền than vãn? Hắn cứ phải sống mà đi hết thời gian, mà hi vọng… Thời gian như đánh luống trong đời hắn, mỗi một năm hắn phải làm một điều gì đó như như ai trên thửa ruộng đời mình… Hắn thấy mình nhỏ bé và ti tiện dần lên! Ngày hôm sau ti tiện hơn ngày hôm trước. Hắn buồn phiền khi trông thấy ruộng của gã nhà hàng xóm tốt hơn thửa ruộng nhà mình! Ở đây - trong hắn một cái tôi ti tiện làm sao! Nhưng đó là cái tôi của hắn - hắn muốn giằng mình ra khỏi cái chúng ta hòa quyện vì hắn chợt thấy mình chưa bao giờ là mình! Những khát vọng trong nghèo đói như con sóng làm cho người ta bé lại, cái tôi đời hắn mờ đi, đầy thèm thuồng ước muốn, nhưng hắn chẳng làm sao xoay sở nổi. Người ta mang hắn ném tới cộng đồng… khi hắn chưa là hắn. Một thằng già đầu bạc của ngày hôm nay, ngồi đây trong thất vọng! Hắn là kẻ bị người ta đóng khuôn trong thời gian của mình, hắn như cái mặt nạ hiện sinh trong nỗi bất lực cuộc đời, hắn sẽ đi đâu, về đâu trong thời gian của hắn? Loài người không chấp nhận cái chết, dù rằng nó sẽ đến - Ở cuối thời gian của hắn là nó, bóng dáng của sự suy sụp cứ hiện lên khi ta đã đi qua bán cuộc đời - song ở hắn không có canh bạc, chẳng có được thua, hắn như toa tàu về ga mệt mỏi, não nề. Dưới chân hắn lặng lẽ hai đường ray có vậy! Hãy nghỉ đi và ngày mai vẫn thế, nhưng có lẽ không phải… Hắn sẽ ti tiện hơn mà chạy trong đời… Toa tàu của hắn sẽ chở lũ buôn lậu cho bõ tức - thế đấy - đó là tư hữu, đó là cái tôi… Hắn phải thấy mình cái đã - hình ảnh của hắn dưới vũng nước hay trong tấm gương có dáng hình của hắn - một sự khoái cảm, xem hắn ra sao khi còn sống! Sự vật vã thấy mình, khẳng định mình thì mới lạ! Giữa một vườn hồng đỏ choét đầy hoa mà hắn phải tìm mình trong màu sắc ấy, có lẽ hắn là ngọn cỏ! Hắn hài lòng vì hắn là cỏ, tối thiểu phải là thế, vì hắn hiện sinh là hắn - dẫu rằng đã già… nhưng hắn phải là hắn - một thằng già tóc bạc đầy mưu mô sảo trá trong chúng ta… Chúng ta bao dung hắn, nhưng chính hắn không sao chịu nổi chính mình – như linh hồn không có chỗ trong thể xác. Tất cả mọi thứ trong hắn cứ yểu đi trong thời gian mà chiếc đồng hồ đã đóng khuôn cho hắn. Hỡi thằng già, chúng ta chỉ cho mi đến thế! Hãy chạy đi, trên hai đường ray mà kiếm miếng. Nhân loại hay tập thể không cho hắn tình yêu! Tình yêu là sự nhân lên từ chính hắn, có một thứ le lói cứ nhân lên hiện hình ra hắn thì mới khoái, hắn phải là mình - muốn là mình thì phải làm lại cho ngay ngắn mới sợ… làm lại thì quả là lâu và dài, khi đời hắn tiếng chuông đã điểm những hồi thu không trong chiều. Tiếng chuông như thức tỉnh, như dẫn dụ hắn trở về một miền đâu đó xa vời cõi thực, hắn nhìn vào trong hắn, một linh hồn ọp ẹp khổ đau. Hắn chợt ngẫm… -Đức phật là hiện sinh của cái tôi vĩnh cửu, ngài tự khẳng định được mình trong cõi sống khổ đau, không gọi ai đến, chẳng đuổi ai đi, ngài muốn mọi chúng sinh hãy tự khẳng định cái tôi của mình trong thời gian hữu sinh của họ. Khi tất cả đã giác ngộ thì cõi đời này thật hạnh phúc. Hắn thấm thía về cái tôi “Phật học”. Một cái tôi con người không mờ đi trong chúng ta tập thể. Hắn phải là hắn, độc lập mà sáng tạo và suy ngẫm. Hắn là cỏ cũng được, bén rễ vào lòng đất mà tìm lấy cho mình sự sống dù chỉ là một điểm nhỏ dưới chân, nhưng hắn khoái cảm vì mình đứng dậy. Trước mắt là bao ngả đường mà hắn phải tự quyết định đi vào, hắn là kẻ phải quay lại cái ban đầu tập đi như đứa trẻ lần mò vào cuộc sống - không thể khác được - đó là cách duy nhất mà mỗi người phải làm… Phải bắt đầu từ cái tôi chính mình - một cái tôi hoàn thiện mà hoà vào cõi sống. Từng cái tôi hoàn thiện hoà đồng sẽ làm ra cái “chúng ta” hoàn thiện. Những kẻ dựa dẫm thì không thể làm ra cái tôi ra hồn. Hắn như hòn gạch mê sảng mà nhìn vào tập thể. Cái tập thể mà có lúc mọi người xô nhau đập chết cái tôi tư hữu mà xây dựng nên, một sự dựa dẫm chung đụng đến hão huyền… Để đến hôm nay họ lại thét gào mà xoá đi tập thể. Cuộc hành trình tìm lại chính mình trong đống vụn vỡ khổ đau, trong tiếng hú mê sảng của một thời đã nguội! Đời hắn, vợ con hắn, cái tập thể gia đình hắn sẽ phải bắt đầu từ đâu?
Cõi sống phải chăng là một lối mòn mà loài người cứ đến mà đi vào? Con người thuộc về ai? Cá thể sống là một sự khẳng định không thể nào khác được… Nòi giống và tự nhiên sẽ dạy hắn cách làm người, hắn vĩnh viễn sẽ là hắn.
Có một thứ tình yêu và thù hận sẽ nảy mầm trong tim hắn, đó là sư giằng xé vĩnh cửu cho từng đời người không nghỉ, để đến một chiều hắn cảm thấy hài lòng ngơi nghỉ mà trở về với đất. Hắn là nhân tố cá thể đi trong loài người, bài ca của hắn có một thời cất lên vui buồn trang trải, nó như nắng như mưa, ưu phiền và xa ngã nhưng hắn vĩnh viễn là hắn, là thằng người của hôm nay và ngày mai thức dậy. Hắn sống trong thời gian của hắn, hắn đi trên con đường của hắn không lạc loài và ân hận bởi hắn là hắn. Tất cả dường như chỉ có thế, một thằng người đứng trên đôi chân của mình và suy nghĩ vì mình, đó là cá thể, là hạt cát trong vô vàn hạt cát nhưng hắn là chính hắn, còn mọi thứ tình yêu, hoà đồng, khổ đau va xảo trá chỉ là những phản ứng mà khi ta muốn. Cõi sống là những nhân tố phân dã hợp thành… có hoà đồng hay không? Xin hãy hỏi từng người khi mà họ muốn. Mọi đạo nghĩa trên đời sẽ mỉm cười cùng họ khi lẽ sống bắt đầu từ chính mình.
2003


Vết răng cắn
Tặng em Nguyễn Chiến Thắng
Xe tôi lướt trên đường phố như bị ma đuổi, đằng sau là người bạn gái ôm đứa con nhỏ độ bốn, năm tuổi đang vùng vẫy thét gào. Chị phải ôm ghì nó vào ngực tỳ chặt nó vào lưng tôi, hai tay chị nắm lấy hai cổ tay nó cho đứa trẻ khỏi vùng vẫy cấu cào. Phố hàng Bột đông nghẹt người qua lại, tôi cứ phải luồn lách phi đến thục mạng. Cái tiếng khóc nhỏ nhoi, khàn khàn vì la hét vùng vẫy cứ ngoằn ngoèo trải dài trên đường phố.
Không đi đằng này – nó cứ vùng vẫy và gào lên như thế.
Được rồi không đi đằng này, anh rẽ đi – chị bảo tôi.
Mẹ nó cố dụ dỗ bằng cách rẽ đi lối khác mà nó không biết, nhưng nó vẫn hiểu là mọi con đường đều đưa nó đến bà ngoại, mà ở đấy thì nó thấy buồn chán biết nhường nào. Ở nhà ngoại không có mẹ, chỉ có mình bà và bao thứ đồ đạc nhếch nhác, hôi hám đến buồn tẻ. Nó cứ phải ngồi trên chiếc giường duy nhất trong căn buồng tối sẫm vì thiếu ánh sáng. Nó cứ phải ngồi như thế đã từ lâu lắm rồi, trên chiếc giường ấy. Mọi thứ trong trái tim nó dường như đã bị héo đi khi còn thơ dại, ở với bà, là ăn đúng bữa và ngồi một chỗ, chỉ được phép nghịch ngợm trong khuôn khổ manh chiếu mà thôi, bọn trẻ cùng lứa, chẳng có đứa nào, nên con bé cứ gầy còm đi trông thấy. Nỗi nhớ đang thiêu đốt trái tim nó từng giờ, từng khắc trong đời, tính tình con bé cứ dần dần trở lên bẳn gắt và hung hãn làm sao, nó sẵn sàng hỗn láo và hằn học với tất cả mọi người khi mới gặp, có thể vì sợ họ sẽ lại lôi mẹ đi xa nó. Cuộc đời nó chỉ có mẹ và nó yêu mẹ biết nhường nào. Bố chết từ khi nó còn chưa mở mắt, cả cuộc đời nó chỉ có mẹ và mẹ là tất cả những gì nó có trên đời. Nó có một anh, một chị, nhưng cả hai đều không mặn nồng với em, có lẽ vì nó chiếm nhiều tình cảm trong lòng mẹ quá, choán cả chỗ của người khác nên sự lơ là của lũ trẻ cũng có lẽ, mà trẻ con xưa nay thì vẫn vậy, chúng muốn chia mẹ mình thành từng phần đều nhau dù rằng không thể nhưng chúng vẫn ao ước như thế. Một người phụ nữ chồng chết, phải loay hoay với ba đứa con nhỏ mà xoay sở vật lộn trong cõi đời này kiếm miếng ăn cho cả gia đình thì cơ khổ xiết bao. Việc gì chị ta cũng làm, từ hầu bàn, đến gội đầu, xoa bóp, bấm huyệt việc gì cũng được, miễn là ra tiền, nên thường cả tuần chị mới về ngoại thăm con được. Vừa là tiếp tế lương thực, vừa là trang trải nỗi nhớ mẹ con. Và cứ mỗi tuần như thế, mẹ nó cứ như bà tiên hiện về trong tâm tưởng, nó ôm ghì lấy mẹ và biết bao là thương nhớ và trách móc như nước chảy cứ tràn vào lòng mẹ, có lẽ đến cả ngày vẫn chưa hết được bao chuyện mà nó tấm tức trong lòng. Nó chẳng rời mẹ lấy nửa bước, trong bữa nó ăn nhiều hẳn lên, nó kêu thèm bánh nọ, kẹo kia và chẳng quên nỗi ao ước là hộp bút chì màu và cái váy mới như lũ trẻ thường mặc mà nó nhìn thấy.
Mẹ ạ! cái váy phải xoè ra như thế này - Tay nó dang ra làm cữ - Phải có cái nơ và nhiều chấm hoa xanh đỏ – Những búp tay nhỏ xíu như muốn tô vẽ lên một chiếc váy mà nó thường ấp ủ trong lòng.
Được rồi, mẹ sẽ để dành tiền mua váy cho con, nhưng con ở với bà phải thật ngoan – Một nỗi trống rỗng trong mắt nó - Bên mâm cơm nó nép vào lòng mẹ, thời khắc của sự xa cách như rũ bỏ trong nó bao nỗi ao ước trong lòng.
Thời gian hiện sinh từ buổi đầu của mọi kiếp sống, nó hiện diện từ lúc đứa trẻ chào đời cho đến ngày thấm khổ, và khi đã thấm khổ nó sẽ bắt đầu suy nghĩ về thời gian. Thời gian của đứa trẻ thơ sắp xa mẹ dường như đang hiện dần lên trong nó, nỗi trống vắng mơ hồ tràn ngập nỗi lòng trẻ nhỏ, trào dâng trong đôi mắt ngây thơ. Thời khắc này, hình ảnh ấy, sẽ chứa đựng trong lòng người mẹ khi vật lộn với đời, và cái lẽ bao người mẹ phải sống mãi để trả lại niềm vui và tình yêu cho những đôi mắt ấy.
Tôi nhớ mãi về ngày tết vừa qua, trời rất lạnh, con bé phong phanh trong bộ váy mới – Tôi chợt rùng mình vì thấy lạnh, nhưng tôi hiểu dù lạnh nhưng nó sẽ dứt khoát không mặc thêm chút đồ cũ nào – Nó muốn khoe trước mọi người về món quà năm mới mà mẹ nó tặng. Nỗi buốt giá của cái nghèo còn thao thức trên từng thân xác, nó chẳng còn là sự hãi sợ nhưng nó là điều thách thức trong trái tim người mẹ.
Tiếng khóc trẻ thơ làm trái tim ta cảm nhận một nỗi bầm dập đâu đó trong tâm hồn, có thể nhỏ bé thôi nhưng tấm lòng người mẹ đớn đau đến thế… họ phải giằn lòng xuống - giằn cho tới đáy của mọi nỗi khổ đau mà vực lên sự sống. Có lẽ đó là sứ mệnh của tấm lòng người mẹ.
Cái tiếng khóc khản tiếng hôm nay - trên đường phố này, len lỏi giữa muôn dòng xe cộ, cái tiếng khóc như đeo bám lấy đời mà hờn, mà oán. Mẹ cố ôm ghì lấy nó như muốn nhận về mình mọi nỗi khổ đau, nhưng trái tim nó đã sẵn sàng gánh chịu, nó đòi lại tuổi thơ dại đã mất và tình yêu của mẹ trong đời. Tôi hoảng loạn như kẻ bắt cóc trẻ con, tay vít ga rồ máy như cố phóng ra khỏi cõi đời khốn khổ, sau lưng tôi con bé dữ dội thét gào…
- Phải dừng lại thôi em?
- Không dừng được đâu, dừng lại thì không ai dỗ nổi nó nữa.
Càng đến gần nhà ngoại, con bé càng trở lên hung dữ, những ngón tay nhỏ xíu cào cấu vào lưng tôi, miệng gào lên đến khản đặc:
- Không đi đường này. - Trong điên cuồng nó cắn vào lưng tôi, hai hàm răng thù hận như xiết chặt lấy da thịt, như nỗi đau đớn của loài thú cùng đường.
Xe đến gần nhà ngoại, tôi dừng lại bên hàng nước đứng chờ, ôm ghì lấy nó trong tiếng thét gào hoảng loạn:
- Mẹ còn phải đi làm, cuối tuần mẹ về – Mẹ nó gào lên trong cơ khổ, và lời dỗ dành ấy cứ xa dần khuất sâu trong ngõ nhỏ.
Tôi mệt lả ngồi lặng trong quán nước, tay chân run run rã rời, cả thế giới dường như tan đi trong đau đớn, nhìn đồng hồ điện thoại – chắc giờ đây cháu nội tôi đang hờn khóc tìm người bồng bế và kia rồi cô bạn tôi đang hớt hải chạy ngược ra đầu ngõ, trong mắt chị còn ngập đầy nước mắt, gương mặt nhạt nhoà lặng lẽ quay đi cố chôn dấu biết bao điều đau khổ:
- Đi đi anh không con cún ở nhà nó khóc.
Nhìn chị tôi chợt nhớ đến câu cửa miệng mà cõi đời hay dùng “Phụ nữ ba đảm đang”. Một câu nói vô nghĩa và đau đớn đến thế, bao bà mẹ phải phó mặc con mình cho tiếng khóc ru quên mà đằm mình trong nỗi đau trần thế. Tại sao họ không cận kề bên lũ trẻ mà vỗ dậy cõi đời vì bổn phận của họ xưa nay là thế, người phụ nữ phải lo toan việc cửa nhà, sinh nở và nuôi con, trong xã hội loài người đó là một công việc lớn lao không hề nhỏ, nó dường như là một nửa gánh nặng gia đình và tại sao họ lại phải “Lo việc nước, đảm việc nhà”, câu nói trên đã cướp đi biết bao nhiêu hạnh phúc trong đời con trẻ. Người phụ nữ phải làm lụng như đàn ông, sinh nở và nuôi con, và tiếng khóc trẻ thơ cất lên từ đấy. Người đàn ông không đùm bọc, nuôi dưỡng nổi gia đình mình! Đó là điều ô nhục cho cánh đàn ông trong xã hội văn minh. Cả xã hội hô hào giải phóng cho phụ nữ và tôi ngẫm: Giải phóng phụ nữ đi đâu khi họ có một gia đình và những đứa con thơ? Hãy giải phóng họ về với chính họ tồn tại bên những đứa con, người đàn ông sẽ cố gắng cho bớt nhục vì không bao bọc nổi gia đình. Chiến tranh đã kết thúc từ lâu, câu nói trên nay trở thành sáo rỗng và tàn ác làm sao! Mọi trật tự chẳng lẽ không trở về đúng chỗ cho yên bình trở lại hay sao? Bao tiếng khóc trẻ thơ từ mọi góc đời tăm tối đang cố nhoài tìm về lòng mẹ, cái nôi của nó, tình yêu của nó, tiếng khóc xé lòng vô vọng ngân lên như dấu hỏi một thời.
Xe tôi trở về trong nỗi buồn tơi tả, sự im lặng như đè lên tất cả, tôi sẽ nói gì và bạn tôi sẽ nói gì. Một nỗi buồn mê sảng cứ phảng phất trên con đường trở lại. Cháu tôi sẽ vui và con chị sẽ buồn, một bàn cân luôn luôn thiên về nỗi khổ, ở đó có tiếng khóc con chị và lòng tôi thầm nhủ: Thắng ơi! nỗi đau của bạn là nỗi đau của tôi.
Khi tiếng khóc trẻ thơ cất lên dằn dỗi thì tôi đèo cô bạn về đến nhà.
2005


Cơn say
Bia rượu là loại dầu nhớt đốt cháy và bôi trơn cho những cuộc đời thấm mệt, họ lại dám nghĩ, dám làm khi mọi thứ dường như chẳng còn là bao ý nghĩa. Loại nguyên liệu thúc đẩy cho cỗ máy con người hoạt động đến thời chót của một đời không nghỉ. Những đoàn người tấp nập bước vào quán tra nạp nhiên liệu! Cứ ngẫm mà thích thú, ở đây có đủ mọi thành phần trên dưới trong xã hội, nào nhà văn, nhà thơ, trí thức, chủ doanh nghiệp, công nhân, lưu manh, già trẻ lớn bé, tất tật đều hun đúc trong một khuôn viên kém vẻ. Họ kề vai sát cánh, chẳng còn tầng thứ trên dưới ở đời, người buồn, kẻ vui, tất tật mọi thứ dường như được san bằng nhất thể, bàn sát bàn, vai sát vai, thân sát thân, cứ như thể thế giới đại đồng có lẽ… Quả là nhiên liệu trời cho có khác… Họ cứ hàn gắn tất cả mọi thứ với nhau cho liền mạch liền khối. Nhà văn thì bàn chuyện cõi đời, doanh nhân bàn về lỗ lãi, con buôn thì bàn về lỗ hở, kẻ nghèo than vãn đói no, lưu manh thì thích thú mầy mò, tất cả tựu chung là lời nói điệp trùng vô kể. Nhưng ở đây có một điều khó ai mà giải thích nổi, tất cả mọi âm thanh hỗn độn ấy cứ hoà quyện vào nhau trong hỉ hả giậm nhời… Thật vô lối – cứ bảo họ say! Các vị cứ im đi và đợi đấy – họ chẳng say đâu. Trong những âm ba hỗn độn kia, họ vẫn chọn cho mình những âm thanh, ý tưởng của bạn ngồi trước vại. Họ cãi cọ nhưng chỉ xoay quanh những chuyện buồn vui lề thói. Tôi xin cam đoan với các vị, thế giới đại đồng lẩn khuất đâu đây có lẽ… Nhà trí thức cảm thông với bác xích lô, gã lưu manh cho đứa trẻ ăn mày hào bạc, tôi chợt ngẫm thế mới đáng là đời chứ lị… chẳng lẽ cứ nghiệt ngã mãi sao, nếu chẳng tin xin cứ tới hàng bia mà chứng giám, ở đó - thế giới đại đồng… chẳng còn trên dưới, họ thì thầm, họ bàn luận, họ cãi nhau nhưng tất cả đều thông cảm cho nhau mà uống.
Quả là nhiên liệu trời cho có khác, mà phải thế chứ… Trong cơ thể chúng ta chứa đựng bẩy phần là nước, không có nước con người ta quắt đi như con cá mắm có lẽ, vì vậy cái thứ nước sủi bọt của trời ban phát cho từng cơ thể mà sinh lợi, họ thương yêu và tha thứ cho nhau hơn, họ dám quên đi bao thời khắc nhơ bẩn hãi hùng trong tâm tưởng… Quên tháng, quên năm, quên cả cuộc đời đã qua, cả trăm năm, ngàn năm gian dối! Quá khứ không còn đầy đoạ được họ nữa… Cứ ngẫm mà thấy lợi xiết bao. Chẳng hiểu thượng đế lại run rủi cho khối óc bàn tay nào phát minh ra thứ nước thần kỳ đến thế… Dù bẩn thỉu đến đâu trong tâm địa, cứ là chơi mấy ly, mọi chuyện đâu lại về đó, sạch sẽ tức thì.
Ban đầu nó là thứ nước dành cho quan chức, nhưng về sau cả xã hội ai ai cũng được dùng… Cũng có thể cả xã hội đều phải gột rửa… Vì chúng ta đều là những con người như nhau, đều nhiều thói hư tật xấu – mà đã là tật xấu thì gột rửa là hữu ích làm sao… Nó quả là cấp thiết cho mọi người. Ta cứ thử nghĩ sau mỗi ngày, tật xấu lại bồi lên một ít, qua tháng, qua năm, tuổi càng cao - tật xấu càng lớn… Càng già - càng đểu. Lớp trẻ thời nay hay nói một từ rất chính xác chỉ người già: “Thằng già đểu”. Nghe thật đúng và đau.
Con người ta phải quên đi quá khứ thì mới làm lại nổi… Trẻ phải làm lại cho đừng xấu thêm, già phải làm lại cho tật xấu bớt đi! Quả thật là hứu ích khi ta ngồi mà nốc dăm ba vại, tôi xin cam đoan với các vị là đời ta sẽ khác, chân tay sẽ mệt mỏi rũ rượi chẳng buồn động cựa, thể xác muốn tan đi chẳng thiết làm điều xấu, linh hồn chợt thức dậy mà nhìn ngắm mình cho tường tận chi li… Đã có lúc linh hồn tôi tự hỏi liệu ta có lên trú ngụ trong cái thể xác kinh tởm kia không? Và linh hồn tôi lại chui tọt vào trong cái thể xác ấy khi cơn say đã vợi… mà chẳng chui vào đấy thì còn chui vào đâu nữa bây giờ – Quả thật rõ phải - đó là điều bất khả kháng, điều hay cái xấu cứ nháo nhào mà bện vào nhau như bọt bia trong vại. Ta dám nghĩ, dám làm biết bao điều tốt, ta sẽ can đảm hơn mà nói thẳng vào mặt lũ trẻ: “Tao già nhưng không đểu hẳn vì tao còn dám nói cho lũ mày hay là hãy đừng đểu cáng như tao”. Có lẽ phải thế - phải uống thật nhiều – Có lẽ đời tốt hơn lên. Bia Hà Nội có khác… mà phải đúng bia Hà Nội thì mới đã… Thượng đế đã ban cho Thủ đô ta cái thứ bia quý hoá đến thế – mà phải đến thời đại này nó mới xuất hiện thì mới lạ… Thời các cụ thì lấy đâu ra! Họ là quá khứ đã qua chẳng ai cần nhớ – Càng già - càng đểu – Có lẽ các cụ ta xưa phải đểu lắm cũng nên… mà cứ nhìn là thấy – các cụ có để lại cho hậu thế được cái gì đâu? Một xã hội phong kiến, vài ba cái cổng thành nham nhở và cái nhà Văn Miếu xơ xác tiêu điều, cả trăm năm chẳng ai buồn ngó, theo tôi nghĩ: “Chẳng quý bằng cái cửa hàng bia cũng nên, thà cứ biến quách nhà Văn Miếu thành quán bia có hơn không?” Các vị cứ thử nghĩ, ta ngồi tựa lưng vào bia đá, mồm nốc cho thoả, tay nhâm nhi xé mực nướng chấm tương ớt nhai cho thoả khát thèm, may ra một vài cái tên khắc trên bia đá lại lọt vào trong óc con cháu cũng nên… Mà toàn tên chữ Tàu, chữ Nho thì ai mà đọc nổi! Nhưng tôi tin là hồn các cụ sẽ hiện về mà xưng danh xưng tước. Mà nếu thế thì càng quý – Chúng ta sẽ mời các cụ một chầu cho thoả. Ngày nay có câu “Gần mực thì bia”, mà tựa lưng vào bia đá mát lạnh thì uống bia ngon phải biết… cứ tha hồ mà hướng thiện cũng nên… Có hồn các cụ cùng chia xẻ chén chú, chén anh thì ý nghĩa phải biết… trên dưới thuận hoà cho qua ngày tháng.
Quả là thành tựu lớn lao khi giữa Thủ đô - trái tim cả nước có cái nhà máy bia Hà Nội… niềm tự hào mà thượng đế ban cho cả nước… Tôi hoàn toàn không có dự định làm quảng cáo cho nhà máy bia vì tôi chẳng cần gì họ sẽ bán khuyến mại cho tôi vài cốc – cứ uống là trả tiền ngay mà trả bằng tiền mặt đàng hoàng, đắt mấy cũng uống chứ đâu có sợ, chỉ cần họ đừng đấu lăng nhăng bia nọ vào bia kia, uống vừa đau đầu còn hay nôn mửa. Cứ phải là nhà máy bia Hà Nội đàng hoàng, chất lượng tuyệt hảo và cứ thế chúng ta uống và tha hồ tẩy rửa cõi lòng… Các bạn không tin thì cứ thử xem những bộ mặt phát sình vì nước mà thuần phác làm sao… Họ cứ say sưa mà ban phát cho nhau biết bao là tha thứ mới sợ. Họ thẳng thắn mà bàn vào chuyện phải trái trên đời – lừa lọc nhau ư? Lừa một người ngay thẳng thì chẳng bằng cái bọt trong vại – Ta chưa dám hứa, ở đây ta sẽ hứa – ta chưa dám cho, ở đây ta sẽ cho – Ta chưa tha thứ, ở đây ta tha thứ – Ta chưa ngay thẳng, ở đây ta ngay thẳng. Tôi cam đoan cùng các vị, quán bia, quán rượu là chốn hiện sinh cõi đời… Nó chẳng là chốn thâm cung vua chúa, nó là chốn mà ai ai cũng về đến được, nó xâu người nọ với người kia như chuỗi tràng hạt nhà phật, tất cả đều hoà đồng trong khổ đau và mất mát. Những dòng bia, giọt rượu, thứ nhiên liệu mà trời ban phát cho loài người để bôi trơn và lau lia nỗi buồn giá lạnh. Tất cả mọi cuộc đời lại chạy nốt vòng quay cho trọn một chu kỳ vận động mà mỗi người được hưởng. Niềm vui là son phấn cho nỗi buồn đời họ và bia rượu ru ta đi trong niềm vui ấy. Thật thú vị khi ta không còn phương hướng thì ở đây ta tìm ra phương hướng – khi ta không còn yêu thì ở đây ta tìm lại tình yêu – Dầu nhớt sẽ thúc đẩy cỗ xe đời ta lại chạy, có thể tròng trành chao đảo đấy! Nhưng chẳng sao, miễn là xe ta lại chạy – Nếu có là say quá mà xe ta nằm bệt trên đường… Thì ý nghĩ của ta vẫn chạy, luôn luôn có một cái gì đó trong ta vẫn chạy… Mạch máu trong cơ thể giật giật đến điên cuồng mới lạ, có lẽ nó muốn chạy ra khỏi cơ thể mà chạy trên đường cho bõ bực. Các bạn thử nghĩ xem, khi trong đời biết bao là thứ cứ bẹp gí không còn buồn chạy, mọi chỗ cứ im lặng chết tắc chẳng buồn đi lại thì có chán không? Chẳng có cãi cọ, chẳng còn chao đảo phỉnh phờ, tất cả cứ yên ắng như trên mặt trăng thì rõ buồn, rõ sợ! Có lẽ cứ chửi nhau đánh nhau còn vui hơn là câm lặng, chân lý là vận động, là suy nghĩ. Tôi ngẫm: Thượng đế cứ sinh quách chúng ta trên biển bia rượu ngập tràn thì tốt biết mấy – Có thể chúng ta sẽ là loài cá to hơn cả cá voi nữa… Vì khi cả nhân loại say sưa thì vùng vẫy phải biết. Tác dụng của bia rượu quả là lớn lao, mọi nơi, mọi chỗ hàng quán cứ mọc lên nhấp nhổm chen lấn nhau mà lấp kín thị trường, bia cửa hàng, bia cóc vỉa hè, bia đầu đường xó chợ, ở mọi nơi, mọi chốn đều cứ phải là hàng bia mới quý. Quả là cung cầu chả kém mấy người Mỹ… Mà cái giống bia bán chạy thì thực phẩm cũng nhao theo, cứ như là con nước, cái nọ đẩy cái kia lên mà chạy, nào mực nướng, đậu rán, thịt bò, thịt lợn đủ loại cứ thả cửa mà trôi theo. Thật thú vị khi chiều đến ta đi đổ xăng cho cỗ xe đời ta lúc đã cạn kiệt, chỉ một chầu thôi độ vài vại là đời ta như mới, chẳng khổ đau, đầy tự tin lại bước chênh vênh đi vào cõi sống.
Khi xưa, thế giới coi rượu bia là ma tuý nên thật nhiều cấm đoán – nhưng ngày nay có lẽ đã là khác – mà tại sao lại không là khác nhỉ? Khi tất cả thế giới thấm mệt thì hãy nhấn họ vào thùng bia, hẳn sẽ tỉnh ra mà sống lại với mọi nỗi buồn phiền muôn thuở – Quả là các cụ ta xưa nói đúng “Phi tửu bất thành nhân”.
2003

Truyện cười
Cốc bia chiều mát lạnh – con người bị hâm nóng trong cả mùa hạ mùa đông, có lẽ tại trái đất mỗi ngày mỗi nóng, bốn mùa nhập nhèm chẳng định nên loài người cứ nóng lên làm vậy! Nhưng chẳng chẳng sao đâu – tối thiểu là tôi nghĩ như thế – con người khả dĩ tích tụ thông minh, đối chọi cùng thiên nhiên cứ như là hai cực. Quả đất có nam cực và bắc cực cộng lại mà đối chọi với con người – Một bên là thiên nhiên, một bên là nhân loại – quả đất không có con người thì thật là vô nghĩa – và con người không có quả đất thì cũng vậy nên hai bên cứ chơi hoài với nhau như hình với bóng. Quả đất thì định hình chẳng làm sao thay đổi nổi, cứ phải định mãi như hòn bi, quả bóng – con người hoan hỉ về muôn vẻ khác mình – tôi khoan khoái mãi vì mình được là con người, hàm ơn thì chẳng mấy… vì có cha mẹ nào lại đi bắt con cái đóng thuế cho mình? nên sự khoan khoái càng thêm về con người, họ cứ rắn chắc đi lên mà đối chọi – họ là một nửa của tự nhiên, mà còn có phần cao hơn đằng khác. Họ suy ngẫm nhiều nên phát nhiệt, mà phát nhiệt thì có bia - đó là thứ nước mát bình giải cho mọi thứ, xoa dịu, hưng phấn, hoàn hồn – rõ thật gớm, văn minh nhân loại lại nghĩ ra được một loại nước như vậy - cứ như là điều chỉnh từ khi lòng ta chưa nhiễm bệnh. Thuốc bắc, thuôc tây cứ phải là bắt mạch kê đơn, cứ phải vậy thì quả thật nhiêu khê cho nhân loại – theo tôi nghĩ cứ phải là ngăn chặn trước cho hiệu quả bình thường – bởi tại trước mắt chúng ta biết bao là khó khăn thù hận. Hãy êm ả đi mà suy ngẫm, bởi chúng ta là con người, cái đỉnh của muôn vàn cái đỉnh. Thật thú vị khi đời ta cứ chót vót trên cao – ta lên cung trăng tìm thượng đế – xuống đáy biển thăm địa ngục, loài người quả là kiêu hãnh làm sao – chẳng đâu mà chúng ta không có dự định tìm đến mà chinh mà phục – nhân loại muôn năm – loài người vạn tuế – ta cổ suý, ta sùng bái con người có lẽ là rất đúng - đức Phật có nghĩ ra bảng cửu chương được không? – chúa Giêsu làm sao mà nghĩ nổi ra toán vi phân cơ chứ? Có lẽ vạn vật cứ câm hết đi cho loài người bình giải – chỉ có người thực, việc thực là nên sống hơn cả ở đời. Cứ như tôi – một thằng già ngu nhất, thú vị ngồi uống vại bia, miệng lẩm nhẩm - hai lần hai là bốn - cứ như câu thần chú “vừng ơi mở cửa ra” mới bỏ mẹ. Ngày hôm nay rõ hơn ngày hôm trước, đó là phép số cộng mà toán học tìm được – quả là đúng, tôi uống đến năm vại mà còn muốn uống nữa, nhưng để đến ngày mai cho thú vị, bởi cốc thứ sáu là cố gắng, là không văn minh, vì thế tôi để đến hôm sau cho cuộc đời mát mẻ văn minh hơn nữa.
Giõng giạc gọi người phục vụ thanh toán tiền - tay run run cầm tờ giấy cả trăm còn mới – cháu thanh toán cho bác – cô bé phục vụ trẻ măng trông thật bõ với công sức của đồng tiền và tôi hài lòng với con toán sáu nhân ba bằng mười tám, rõ là văn minh – bảng cửu chương có khác – ta đã tính ra khi cô bán hàng chưa tính được. Cô bé cầm tờ một trăm soi hoài trước ánh sáng – Bác ơi tờ năm chục một trăm bọn chúng cháu rõ sợ, tiền dởm nhiều lắm - cháu nhìn cho kĩ, tiền của bác thật một trăm phần trăm, vừa lĩnh ở cơ quan – của bác sáu cốc là mười tám nghìn - cô lặng lẽ trả lại tiền – tôi lững thững trở về với bao điều hoan hỉ – có thế chứ – sáu cốc là hơn ngày hôm qua một cốc - cứ thế nhân lên cho cuộc đời mát mẻ. Chiều mùa hạ như nguội đi trong cuộc đời tôi, ánh nắng nghiêng nghiêng đẹp đẽ làm sao, vạn vật như thiếu đi một chút vàng của nắng. Mọi thứ bỗng trở nên quý hoá làm sao, khi bóng đêm chưa đến, mặt trời chưa đi và tôi một vật thể con người đang trải nghiệm cõi sống, như thèm nắng, thèm đêm và tôi thèm trở về nhà nạt vợ nạt con kiếm bữa – miệng lẩm nhẩm bảng cửu chương… - con người vạn tuế, hàng bia trường tồn.
Bác ơi… - Sao? - Trước mắt tôi một khuôn mặt nhoè nhoè chắc ẩn – bác quên chưa trả tiền hai điếu thuốc, thật đúng mình có hút thuốc, tôi trả lại tờ một nghìn sòng phẳng với nền văn minh nhân loại, ăn bánh trả tiền, đó là cái đỉnh mà mọi người nên hiểu, Phật Chúa không nên ru ngủ đời người. Tôi trở về nhà, con đường làng thăm thẳm vào đêm, tôi lẩm nhẩm trong miệng: Hai lần hai là bốn, nhân loại văn minh, muôn năm, vạn tuế, sai lầm tương tự như hai điếu thuốc nghìn bạc không đang kể, cứ thế tôi chìm đắm vào đêm, tất cả mọi thứ như chìm vào quên lãng và giấc ngủ. Về đến nhà, tôi lại như mọi ngày - chẳng ngã trên đường, vẫn còn toàn vẹn. Vợ tôi hoan hỷ: “Nhờ trời mà anh đi đến nơi về đến chốn”. Tôi quắc mắt nhìn nàng bực tức: “Thời đại văn minh, đi đứng sao mà còn ngã”.
21/9/2003


Hai vòng bi
Muôn năm hai vòng bi - điểm trơn tuột làm cho cỗ xe vẫn chạy, sướng khổ vui buồn đều phải chạy khi lấy nó làm điểm tựa cho cõi đời. Đó là niềm kiêu hãnh cho bao kẻ chiến thắng và là nỗi khổ đau cho bao người lao đầu xuống vực. Nó đưa con người ta đi nhanh đến đỉnh và cũng có thể lao đầu xuống dốc. Cái điểm chót vót đầy kiêu hãnh và cũng dễ dẫn đến chết người ấy đôi khi làm cho nhân loại phát sợ – trời ơi cao quá! Trời ơi dưới kia sâu quá! Người ta sợ cái đáy mà chính họ vừa cố gắng leo lên, vì khi đã lên thì chẳng ai còn muốn nghĩ gì về quá khứ cái đáy mà họ vừa cố gắng nhoi lên, họ cứ muốn mãi mãi mắc đời mình trên đỉnh và ở đây hai vòng bi lại trở thành vật tráo trở cho vinh quang đời người. Thật đúng vậy, người ta sinh ra vòng bi để chạy nên số phận nó dường như không thể dừng lại được, vì cái điểm dừng của nó chỉ nhỏ bằng cái đầu kim, hơi lệch tâm một xíu là nó lại chạy mà có giời mà biết khi nó đã tự chạy sẽ ra sao. Nên cái đỉnh ở đời có lẽ luôn nhỏ như cái đầu kim thì mới hãi. Thật khỉ - bố ai mà đứng trên cái đỉnh bé nhỏ đến thế được? Thế mà ở đời ai ai mà chả thèm khát leo lên đó cho thoả chí khát thèm. Niềm ao ước là động lực, cái vòng bi là vật chuyên trở, mọi toan tính thật rõ là hoàn hảo nhưng nghe cứ vướng mắc làm sao! Nó như cái xương nằm trong thân con cá, thịt thật ngon nhưng ăn dễ hóc, nhưng cả nhân loại vẫn cứ phải xơi cho đến thoả.
2004

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9