THẦY ƠI!
hai1957 19.11.2012 22:31:04 (permalink)
Ở VN, ngày 20/11 được chọn là ngày "Nhà giáo VN"... hình như cũng gần gần đâu đó với ngày lễ Tạ ơn ở Mỹ... Thôi thì sao cũng được, có cái mốc thời gian để mà nhìn lại...
Tuổi học trò của tôi gắn bó với Nha Trang, mà gần gủi hơn là trường La San Ba Ninh, trường bán công Lê Quí Đôn, nhưng không có nghĩa là không biết các trường bạn: trung học Võ Tánh, nữ trung học Huyền Trân, trường Vinh Sơn, Thánh Tâm, Hưng Đạo, Bồ Đề, Kim Yến, Đăng Khoa, Khải Minh v.v... mà giờ đây tất cả chỉ còn là hoài niệm...
Xin gởi lại nơi đây những hoài niệm ấy...



Kỷ niệm 103 năm ngày sinh thầy Cung Giũ Nguyên (20/11/1909-20/11/2012)
Tưởng nhớ 4 năm ngày mất của thầy (07/11/2008- 07/11/2012)




LÒNG SON ĐỂ LẠI CHO ĐỜI



Có lẽ tôi là thế hệ học trò cuối cùng của thầy Cung Giũ Nguyên nếu tính theo thời gian tồn tại của Trường trung học bán công Lê Quí Đôn Nha Trang (1955-1975) mà thầy là người hiệu trưởng duy nhất. Niên khóa cuối cùng của trường (1974-1975) tôi học lớp 11C.
Cơ duyên đưa tôi đến với trường cũng rất tình cờ. Gia đình tôi theo đạo Công giáo, nên khi không thi đậu vào trường công lập là ba má tôi nghĩ ngay đến các trường dòng. Tôi học tiểu học ở trường Giuse nghĩa thục, nằm trên đường Bạch Đằng gần chợ Xóm Mới, chuyển cấp lên học ở La san Bá Ninh. Cả hai trường này đều do các frère dòng thánh Gioan La san điều hành. Sức học của tôi thuộc loại xoàng, lại dốt Toán Lý Hóa nên xong lớp 9 là nghĩ ngay đến học ban C vì cũng có tí chút năng khiếu về văn chương và ngoại ngữ. Khổ nỗi trường La san Bá Ninh không có ban C. Lòng vòng một hồi cuối cùng tôi xin vào học trường trung học bán công Lê Quí Đôn, một ngôi trường khá khiêm tốn và giản dị nằm trên đường Tô Hiến Thành không xa bờ biển bao nhiêu. Vì là trường bán công nên học phí cũng chỉ bằng một nửa các trường tư thục khác. Cũng dễ thở cho ba má tôi. Đó là niên khóa 1973-1974.

Hình như có một sự nhầm lẫn nào đó nên hiện nay trên các tài liệu cũng như một số trang mạng cứ gọi trường trung học bán công Lê Quí Đôn là trường trung học đệ nhị cấp. Thật ra trường có từ lớp 6 đến lớp 12, và hầu như trường trung học nào ở Nha Trang cũng vậy. Nói đến trường trung học thì có nghĩa gồm cả đệ nhất và đệ nhị cấp chứ không phân định rạch ròi ra thành trường riêng như THCS hay THPT bây giờ. Công lập có trường trung học Võ Tánh, nữ trung học Huyền Trân. Tư thục có trung học Kim Yến, trung học Hưng Đạo v.v… Dĩ nhiên trong cách sắp xếp lớp lang cũng như tổ chức hoạt động cũng có phần chia ra cho phù hợp đặc điểm lứa tuổi. Ví dụ ở trường La san Bá Ninh có hai phạm vi không gian riêng biệt, lớp học và sân chơi phía dưới dành cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, phía trên của các anh lớp 10, 11, 12, không bên nào được phép đi qua bên nào. Trường Lê Quí Đôn cơ ngơi nhỏ bé hơn nhiều nên không có sự phận định rạch ròi, chỉ dùng cách phân chia thời khóa biểu sao cho hợp lý để các khối lớp lớn - nhỏ có thể cùng học trong một thời gian nhất định nào đó. Thành thử trong hai năm học chúng tôi không có phòng học riêng nào cả. Cứ nhìn vào sơ đồ phân lớp trên bảng trường để vào đúng phòng học lớp mình ngày hôm đó. Xem lại cũng khá giống kiểu học của các trường đại học bây giờ.

Có lẽ cũng cần nói thêm về cách gọi tên các lớp theo kiểu mới và kiểu cũ. Kiểu mới thì ai cũng biết vì vẫn còn giữ cho đến nay. Kiểu cũ ở tiểu học gồm có: lớp năm, lớp tư, lớp ba, lớp nhì, lớp nhất tương ứng với các lớp một hai ba bốn năm bây giờ. Ở trung học được gọi là đệ thất, đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ, đệ tam, đệ nhị, đệ nhất tương ứng với lớp sáu… đến lớp mười hai. Cấp THCS bây giờ ngày đó gọi là trung học đệ nhất cấp và cấp THPT gọi là trung học đệ nhị cấp. Cuối bậc trung học học sinh phải trải qua hai lần thi tú tài vào cuối năm học lớp 11 và lớp 12. Thi đậu cuối năm lớp 11 gọi là tú tài bán (phần) và đậu cuối năm lớp 12 gọi là tú tài toàn (phần). Sự thay đổi cách gọi tên các lớp bắt đầu từ niên khóa 1969-1970. Tôi còn nhớ rõ bởi niên khóa trước đó 1968-1969 tôi học lớp đệ thất, qua niên khóa sau tôi được ba má khuyên thôi còn nhỏ, học “thêm” lớp 6 cho chắc ăn, nghĩa là tôi đã học hai năm lớp 6…

Tuy tên gọi là trường bán công nhưng các qui định của trường Lê Quí Đôn khá giản dị, nếu không muốn nói là “bình dân”, rất phù hợp cho những học sinh không phải con nhà khá giả. Trường không qui định đồng phục, chỉ yêu cầu ăn mặc lịch sự và đeo bảng tên trường trên áo. Tôi nhớ ngoài cái bảng tên bằng vải có hàng chữ nhỏ “trường trung học bán công” phía trên và hàng chữ lớn “Lê Quí Đôn” bên dưới mà chúng tôi thường may dính vào ngực áo còn có cái huy hiệu của trường làm bằng kẽm kích cỡ nhỏ hơn tấm hình 3x4, phía trên bằng phía dưới bầu lại rồi nhọn. Huy hiệu này ít bạn đeo vì lấy ra gắn vào hơi bất tiện và làm hư áo bởi có kim móc phía sau… Tuy nói không qui định đồng phục nhưng chúng tôi đến trường vẫn nữ sinh áo dài trắng, nam sinh áo sơ mi trắng hoặc nhạt màu, các em lớp nhỏ thì áo đầm. Thì cũng đúng thôi, vì chả ai đến trường mà nghĩ đến việc ăn mặc lòe loẹt ngược đời. Sau này ra đời rồi tôi mới hiểu, cái qui định giản dị này của thầy Cung Giũ Nguyên chính là sự sẻ chia không lời đối với những hoàn cảnh học sinh còn nhiều khốn khó. Là hiệu trưởng, thầy có đủ thẩm quyền để qui định sao cho “đẹp trường, đẹp lớp”, tạo dựng cái thương hiệu hào nhoáng cho trường, nhưng thầy đã không làm như vậy…

Các thầy cô dạy ở trường Lê Quí Đôn ngày ấy khá đông, và hình như mỗi thầy cô đều dạy ở vài ba trường khác nhau, tùy vào uy tín và kinh nghiệm của mỗi người, chứ không phải “biên chế” cứng ngắc như ở các trường trung học hiện nay. Vai trò tự chủ của hiệu trưởng rất lớn và thực quyền. Chính hiệu trưởng là người quyết định bộ sách giáo khoa nào được sử dụng trong trường mình (có nhiều bộ sách giáo khoa để chọn lựa) và giáo viên theo đó mà tự phân phối chương trình giảng dạy của riêng mình. Thước đo là kết quả của các kỳ thi cuối kỳ, cuối cấp và tú tài.

Ngoài trách nhiệm hiệu trưởng, thầy Cung Giũ Nguyên còn giảng dạy ở một số trường bên ngoài và đảm trách môn tiếng Pháp ở các lớp lớn. Năm lớp 10 chúng tôi học Pháp văn với thầy Võ Hồng, năm lớp 11 được học thầy Nguyên. Nói tới thầy Nguyên thì nhiều người vẫn biết thầy là một người Việt Nam viết văn bằng tiếng Pháp. Và cũng chính vì vậy mà các tác phẩm của thầy không được trong nước biết đến nhiều…
Theo thống kê chưa đầy đủ, một số tác phẩm của thầy gồm có:
Một người vô dụng (Tín Đức thư xã, Sài gòn, 1930); Nhân tình thế thái (tập truyện ngắn, Phổ thông văn xã, Gia Định, 1931); Nợ văn chương (Nhà in Châu Tịnh, Vinh, 1934) ; Những ngày phiêu bạt (ký), Nửa gánh tang bồng, Một chuyến về… ; Volontés d'existence (NXB France-Asie, Saigon, 1954); Le Fils de La Baleine (NXB Arthène Fayard, Paris, 1956) bản dịch tiếng Việt "Kẻ thừa tự của ông Nam Hải" của Nguyễn Thành Thống (NXB Văn học, Hà Nội, 1980); Le Domaine Maudit (NXB Arthène Fayard, Paris, 1961); Volontés d’existence (France-Asie, Sài gòn 1954)…; Le Boujoum (1980, Roman Dallas, Texas, USA, 2002 - tái bản) v.v...

Chúng tôi cũng đã từng thắc mắc tại sao thầy không viết văn bằng tiếng Việt và thầy cũng có giải thích, đại ý là thầy suy nghĩ và diễn đạt bằng tiếng Pháp sẽ nhanh và sắc sảo hơn. Tôi biết thầy nói thật vì thầy không phải là kẻ màu mè hay làm dáng. Thầy cư xử với chúng tôi tuy nghiêm trang nhưng giản dị và gần gủi, thỉnh thoảng pha chút dí dỏm rất có duyên.
Chắc hẳn nhiều người chưa gặp sẽ nghĩ thầy như là một ông “Tây học”, nói năng hay “chêm” tiếng Pháp chẳng hạn. Thật ra thầy giống ông đồ nho hơn, nhưng là ông đồ nho biết ngậm ống pipe… Khả năng tiếng Việt và hiểu biết về Hán Nôm của thầy như một người Việt chính thống, không chút xíu ngoại lai nào. Chúng tôi học tiếng Pháp tuy là sinh ngữ 2 nhưng khối lượng kiến thức cũng nhiều. Tôi nhờ may mắn được học qua 2 quyển Le Française élémentaire hồi lớp 6 và 7 nên vào lớp 10, 11 cũng có chút căn bản khi học Cours de language et de civilisation Françaises của G. Mauger. Các bạn chưa quen tiếng Pháp học vất vả hơn, nhất là ở phần analyse (phân tích câu giống như phân tích cụm chủ vị.. trong tiếng Việt hiện nay). Cho tới giờ tôi cũng chưa hiểu tại sao cách học tiếng Pháp lại kỳ công hơn tiếng Anh như vậy. Và trong một lần analyse, để cho dễ nhớ, thầy Nguyên có đặt câu vè: “Đi với động từ là épithète/ Đi với verbe être là attribute”…

Thật ra thầy cũng không phải là người chỉ biết chăm chăm vào việc giảng dạy kiến thức sách vở mà ngược lại thầy hay dùng những phút rảnh rỗi trong các giờ học để dạy chúng tôi về lẽ sống ở đời, cách cư xử với nhau, hay chỉ đơn giản là để trao đổi, tâm tình. Lớp tôi ban C nên có khá đông bạn gái. Một lần thầy đề cập đến vai trò của người phụ nữ và đưa ra một câu hỏi cho các bạn: Món rau sống rất ngon nhưng dọn ra mâm lại xồm xoàm quá, khó dùng đủa để gắp cho đầy đủ các loại rau, phải làm sao đây? Các bạn gái nhao nhao trả lời. Cuối cùng ý kiến của thầy là lấy bánh tráng mỏng cuốn chặt rau sống lại, cắt ra từng khúc cho vừa miếng, gắp ăn sẽ ngon và gọn gàng. Thầy nói đó chính là cái khéo léo của người nội trợ. Hay có lần lan man chúng tôi hỏi thầy sao trường mình cũ kỹ, không đẹp và bề thế như các trường khác. Thầy trả lời do trường nghèo quá, học phí cũng thấp hơn các trường khác, chỉ đủ để chi trả cho các thầy cô. Rồi thầy nói thêm giọng dí dỏm: “Thật ra ngày xưa trường mình cũng đẹp lắm đó, bàn ghế mới toanh, các cửa sổ đều có rèm che sang trọng lắm. Sau biến cố năm 63 người ta tới phá đó chớ” “Ai phá vậy thầy?” “Mấy ông cách mạng 63 chớ ai. Thầy cũng bị mấy ổng bắn gãy giò nè. Không thấy đi cà nhắc hay sao?” Chúng tôi cười ồ vì nghĩ thầy nói đùa cho vui. Thầy cũng cười và nói thêm: “Không tin à, cánh cửa nhà thầy vẫn còn lỗ đạn đó. Thầy vẫn để vậy làm kỷ niệm chơi. Đứa nào ghé lại thầy chỉ cho coi”. Sau tháng 4 năm 1975 tôi có học chung với cô bạn Cung Thị Cúc được mấy tháng. Cúc là cháu gọi thầy Nguyên bằng bác ruột, sống cùng mẹ và chị trong căn nhà nhỏ nằm ở một góc vườn trong khuôn viên nhà thầy, ra vào chung một cổng chính. Mấy lần tới chơi tôi cũng để ý nhìn xem cái cửa nhà thầy nhưng vì đứng xa nhìn nên chả thấy gì. Rồi cũng ngại ngùng nên không dám hỏi han...

Thầy Cung Giũ Nguyên chưa bao giờ nói chuyện với học trò về “chính trị”. Có lẽ đây là chủ đề tế nhị quá nên thầy phải thận trọng. Nhưng có một lần. Đó là vào khoảng gần cuối học kỳ I niên khóa 1974-1975. Đang giờ Pháp văn của thầy thì có công văn hỏa tốc do văn thư mang đến lần lượt từng lớp. Công văn là lá thư kêu gọi thanh niên sinh viên học sinh hiến máu. Thời gian này chiến tranh đã tới hồi ác liệt. Binh lính bị thương từ cao nguyên chuyển về Quân y viện Nguyễn Huệ rất nhiều. Cái thị xã Nha Trang hiền lành của chúng tôi cũng xôn xao lo lắng. Thầy cho lớp nghỉ để ai tình nguyện thì đến bệnh viện gần đó hiến máu theo như yêu cầu của công văn. Lớp tôi cũng lần lượt ra về. Tôi biết đây chỉ là cái cớ để các bạn đi chơi. Ngoảnh lại chỉ còn năm bảy mống con trai ngồi chóc ngóc. Thầy nhìn tụi tôi cười cười: “Không đi à?” “Dạ không” “Còn có mấy đứa thì học hành gì đây”. Rồi thầy nói bâng quơ: ”Thôi thì đến nước này mỗi người phải tự thương và lo cho chính bản thân mình đi”. Chúng tôi tự nhiên cũng thấy buồn: “Sao chiến tranh hoài vậy hả thầy? Khi nào thì hết? Và ai sẽ thắng?”. Thầy trầm ngâm trả lời: “Thầy cũng chưa biết bao giờ sẽ hết chiến tranh, nhưng chắn chắn một điều là phần thắng sẽ thuộc về phe xã hội chủ nghĩa”. Chúng tôi ồ lên thất vọng: “Vậy thì sao hả thầy? Bao giờ?”. “Cũng không lâu nữa đâu, chậm nhất là khi mấy đứa đang ngồi đây khoảng hai bốn hai lăm tuổi là cùng”. Chúng tôi lo lắng: “Vậy chủ nghĩa xã hội thì sao hả thầy?” Thầy cười cười: “Đặc điểm của xã hội chủ nghĩa là có rất nhiều anh hùng. Quét rác cũng là anh hùng, đứa nào gánh phân giỏi cũng sẽ là anh hùng”. Thấy thầy quay trở lại với cách nói đùa dí dỏm chúng tôi cũng hả miệng cười theo. Thầy nói tiếp: “Chừng đó thầy trò mình sẽ lên Thành gánh phân về bón cho mấy miếng ruộng dưới này. Thầy già rồi, gánh vài năm rồi cũng sẽ chết thôi. Mấy đứa này gánh lâu à nghen…”. Chúng tôi nhe răng cười hì hì… Té ra thầy đoán cũng sai, hai bốn hai lăm gì đâu, chưa đầy nửa năm sau miền Nam đã thua trận và đầu hàng. Dĩ nhiên thầy và chúng tôi cũng chẳng ai phải lên Thành gánh phân để trở thành anh hùng. Nhưng ngẩm lại những ẩn chứa bên trong cách ví von của thầy đem so với toàn cục thì cũng chả sai chút nào…

Sau tháng 4 năm 1975 thầy Cung Giũ Nguyên không còn làm hiệu trưởng nữa. Thầy Võ Hồng tạm thời được cử ra điều hành công việc của hiệu trưởng để lo cho chúng tôi, những ai còn ở lại, học thêm hai ba tháng cho hết chương trình của năm học còn dang dở. Trong mấy tháng đó, thỉnh thoảng tôi có đi qua lại nhà thầy ở 60 Hoàng Tử Cảnh nhưng không dám gõ cửa vào thăm, chỉ ngồi chơi bên nhà hai chị em Cung Thị Lan và Cung Thị Cúc, nhìn qua phía nhà thầy cửa đóng buồn thiu... Năm học tiếp theo tôi không còn ở Nha Trang nữa…

Được biết sau năm 1975 thầy vẫn tiếp tục làm việc tại trường Đại học Cộng đồng Duyên Hải Nha Trang, và bởi vì không còn lớp tiếng Pháp nên thầy được giao cho việc bảo quản thư viện. Với tinh thần ham học hỏi, chính mấy năm làm việc ở đây thầy đã đọc thêm rất nhiều sách báo và tài liệu. Cũng trong thời gian này thầy viết cuốn Journal du Kauthara (Nhật ký Khánh Hòa). Đến năm 1979, bước vào tuổi bảy mươi, thầy vẫn được ngành y tế mời dạy tiếng Pháp cho các y bác sĩ, đồng thời phụ trách thư viện, lập lại danh mục, giúp tìm tài liệu chuyên môn cho bác sĩ. Qua đó thầy lại tiếp tục tự học hỏi khá nhiều, qua những tài liệu sách báo phải đọc để xếp loại. Và cũng chính lúc này thầy đã có cơ hội tiếp xúc với những sách lý thuyết về inforatique (thông tin học) trước khi biết đến máy vi tính, và sử dụng một cách thành thạo sau này. Ngoài ra thầy còn được thỉnh giảng cho đại chủng viện và các dòng tu trong tỉnh.

Trong những năm cuối đời, thầy vẫn miệt mài làm việc bên chiếc máy vi tính mỗi ngày mà không cần người phụ giúp: hoàn thiện những bản thảo còn dang dở, hệ thống lại toàn bộ tác phẩm, dịch ra tiếng Việt những tác phẩm viết bằng tiếng Pháp… Khối lượng công việc thì đồ sộ mà quỹ thời gian còn quá ít. Thế nhưng: “Không viết nữa thì làm gì!” - thầy vẫn hay nói với những người mà thầy tiếp xúc - “Đời người như một miếng da lừa, mỗi ngày nó teo tóp đi một chút. Dân gian thường nói cá ươn, ươn từ cái đầu. Con người cũng vậy, phải bắt cái đầu nó làm việc đừng để nó hư. Nên sống lạc quan và biết cười”.

(Gần trọn một thế kỷ dành cho các việc tự học, đi, viết và dạy học. Phương châm sống của ông gói gọn trong 4 từ nguyên hanh lợi trinh. Ông giải thích với tôi: “Nguyên là nguồn gốc - bất kỳ một việc gì cũng phải truy tìm cho được nguồn gốc và giải thích câu hỏi tại sao. Hanh là hanh thông - vượt lên những khó khăn; khi gặp khó khăn ta chia vấn đề ra thành những vấn đề nhỏ, từ vấn đề nhỏ chia thành những vấn đề nhỏ nữa và giải quyết từ từ. Lợi là lợi ích, lợi ích của mình phải gắn liền với lợi ích của người khác, những điều viết ra làm sao cho nhiều người trên thế giới đọc được. Trinh là hòa hợp - hòa hợp ở đây có 3 ý: hòa hợp với thượng tôn, hòa hợp với tha nhân và hòa hợp với chính mình. Trong mỗi con người đều tồn tại ông thiện và ông ác, nhờ thượng tôn và những người xung quanh giúp đỡ để hòa hợp với chính mình “.
Tôi hỏi ông câu hỏi cuối cùng về nhận định của ông khi giới trẻ bây giờ không thích đọc sách, ông trả lời bằng cách nói về dấu “…” bắt đầu và kết thúc trong Le Boujoum: “Cuộc đời không có chấm dứt, từ không đến có, rồi lại từ có đến không, qua những giai đoạn thành, thịnh, suy, hủy, rồi thành, từ khôn đến càn, rồi lại từ càn đến khôn, qua những giai đoạn thiếu âm, thái dương, thái âm, thiếu dương, mà vật lý học cho thấy qua điển hình của vòng Mobius… - một ngày kia người ta sẽ trở lại việc đọc sách”. Đó là câu nói khẳng định rất tự tin của ông - một người sống và viết gần một thế kỷ có rất nhiều biến động với một cuộc đời sôi nổi và đầy sáng tạo.) (Trích bài viết của Đào Thị Thanh Tuyền).

Thầy Cung Giũ nguyên mất ngày 07/11/2008, thượng thọ 99 năm, nếu tính theo tuổi ta là tròn 100 tuổi. Trong điếu văn tang lễ thầy, đại diện các thế hệ học trò của thầy có nói: “…Bài học nhiều lắm. Chúng con chỉ muốn nhắc lại ba bài học chính của Thầy, được nhắc đi nhắc lại rất nhiều, mà chúng con phải học mãi trong suốt cuộc đời mình. Những bài học ngỡ rằng đơn giản nhưng thật không dễ học. Những bài học vô cùng quý giá vì nó thật sự quan trọng cho cuộc đời và vì không chắc học trò nào khi đến trường đều được dạy theo một cường độ và cung cách như vậy. Nhắc lại ở đây như một lời biết ơn trước khi nói lời vĩnh biệt Thầy: Hãy luôn nhìn về tương lai. Hãy luôn làm việc hết mình và không ngừng học hỏi. Hãy nuôi hy vọng.


Cung Thị Lan

Thiết tưởng cũng nên viết thêm một chút về hai cô cháu gái của thầy: Cung Thị Lan và Cung Thị Cúc. Cả hai chị em đều bước tiếp con đường sư phạm của thầy. Đặc biệt, cô chị Cung Thị Lan sau thời gian dạy học tại Việt Nam đã sang Mỹ. Chị tiếp tục học và tốt nghiệp Cử nhân Giáo dục Trẻ Em (B.A. Early Childhood Education) năm 2004 tại University of the District of Columbia (UDC), tốt nghiệp Thạc sĩ Giáo dục Trẻ Em Khuyết Tật (Master in Special Education) năm 2010 tại George Mason University (GMU) và hiện làm việc cho Ban Phục Vụ Giáo Dưỡng Trẻ Em thuộc Bộ Xã hội Hoa Kỳ. Chị còn được nhiều người biết đến với tư cách là một nhà văn và là một huynh trưởng hướng đạo.

Ghi chú: Bài viết này chưa đề cập đến thầy Cung Giũ Nguyên trong vai trò là một huynh trưởng lão thành của Hướng đạo Việt Nam. Tên rừng của thầy là “Vịt bể”.

#1
    Ct.Ly 20.11.2012 04:13:09 (permalink)
    #2
      hai1957 20.11.2012 08:44:45 (permalink)
      NHỚ VỀ TRƯỜNG VÕ TÁNH NHA TRANG

      Phạm Vũ



      Trong thời học sinh, chúng ta hầu như không ai không thuộc bài hát “Trường Làng tôi” của nhạc sĩ Phạm Trọng (trước đây ghi tên Phạm Trọng, sau năm 1975 mới ghi tên đầy đủ Phạm Trọng Cầu) sau đây:

      Trường làng tôi cây xanh lá vây quanh
      Muôn chim hót vang lên êm đềm
      Lên trường tôi con đê bé xinh xinh len qua đám cây xanh nhẹ lướt.
      Trường làng tôi hai gian lá đơn sơ
      Che trên miếng sân vuông mơ màng
      Trường làng tôi không giây phút tôi quên
      Dù cách xa muôn trùng người ơi…


      Từ đó, lòng tôi nao nao nhớ về những ngôi trường với biết bao kỷ niệm tại Nha Trang…

      Trường Nam Tiểu học Nha Trang

      Khi gia đình thân phụ tôi về sống tại Nha Trang năm 1956, tôi đã học dở dang lớp Nhất trường Quang Trung, Hà Nội nên thân phụ xin cho tôi vào học lớp Nhất H trường Nam Tiểu học (tôi nhớ thầy tôi tên là Nguyễn Địch Giỹ dạy lớp này) thường được gọi tắt là “Trường Nam”, nằm trên đường Hàn Thuyên. Tôi còn nhớ mãi là sân trường Nam thời ấy được tráng bằng đất sét có trộn lẫn với sỏi nhỏ. Mùa mưa, nhờ có sỏi cho nên sân trường không trơn lắm. Mùa nắng, nền đất rất cứng. Trong sân trường có hai loại cây chính là Bàng và Phượng, cây nào cũng thuộc loại cổ thụ, có lẽ đã được trồng từ bao nhiêu đời rồi. Cây to, cao lớn, tỏa bóng mát cho sân trường.

      - Cây Bàng rất to và cao. Lá bàng là loại lá cây thật to và dày, khi còn trên cây thì có màu xanh lục đậm, lúc già thì chuyển sang màu vàng đậm rồi rụng xuống đất, phủ đầy sân trường. Ngoài công dụng làm “chất đốt” cho nhà nghèo, lá bàng còn thường được dùng làm miếng đệm để ngồi xuống đất cho khỏi dơ quần áo. Trái bàng to bằng cỡ hột trứng gà nhưng không tròn hẳn, khi chín thì chuyển sang màu vàng và rụng xuống, lớp “cơm” ngoài ăn rất thơm. Ăn hết lớp cơm ngoài thì đụng phải một lớp vỏ rất cứng có cạnh và hai đầu rất sắc. Để khô đến một mức nào đó, đập lớp vỏ này ra, bên trong ruột lại là một loại “hạt dẻ”, ăn rất bùi giống như hạnh nhân.

      - Cây Phượng cũng rất to và cao, nhưng lá phượng thì nhỏ, chỉ cỡ lớn hơn lá me. Lá phượng chẳng có công dụng gì ngoài việc tạo “việc làm” cho học sinh thực tập “vệ sinh trường lớp”. Nhưng phượng có hoa màu đỏ, một màu đỏ tươi thắm tuyệt vời, một màu đỏ trẻ trung vui vẻ, tượng trưng xứng đáng cho tuổi học trò, cho lứa tuổi vừa lớn, lứa tuổi “ô mai”. Khi hoa phượng già đi, màu đỏ có hơi sẫm hơn, cánh hoa trở nên mỏng manh, một cơn gió nhẹ thổi qua có thể làm các cánh hoa rơi lả tả, giống như xác pháo đốt vào ngày Tết hay ngày cưới. Phượng lại còn có trái, trái phượng có hình cánh cung, dài chừng hai, ba tấc; khi già, bóc ra, bên trong có nhiều hột nằm xếp hàng theo hình cánh cung, ăn có vị chát chát, bùi bùi, ngọt ngọt.
      Vì hoa này trông giống đuôi chim phượng hoàng, nên người ta gọi là hoa cây “Phượng Vĩ” (vĩ là đuôi), sau gọi gọn lại là hoa Phượng, cây này có nguồn gốc ở đảo Madagascar, thuộc đia Pháp tại Châu Phi, nên Pháp đã mang giống cây này sang trồng ờ Việt Nam, đề loài hoa này gắn bó với cuộc đời học trò với biết bao vui buồn lẫn lộn. Nhiều người nhầm lẫn hoa phượng và hoa Điệp, hoa cũng tương tự hoa phượng, nhưng cây điệp nhỏ hơn và vì hoa điệp nhìn giống con bướm nên được gọi là hoa “Hồ Điệp” (con bướm), sau gọi gọn lại là hoa điệp.
      Phượng cũng còn có nhiệm vụ vô hình nhưng rất là thân thiết với học trò, nhiệm vụ của một cái đồng hồ báo tin mùa hè đã về. Ai đã từng đi học mà chẳng mong…Hè về! Tuy đang bù đầu vì thi cử, nhất là thi đệ nhị lục cá nguyệt hoặc thi các cấp bằng tiểu và trung học, thoạt nhìn thấy màu hoa phượng nở là người cứ rạo rực, nôn nao hẳn lên. Bận rộn hơn, nhưng nhanh nhẹn hơn, vui vẻ hơn…Bên cạnh các bài thi là những tập “lưu bút ngày xanh” chuyền tay nhau, viết cho nhau… Rộn ràng, náo nhiệt… Rồi ngày chia tay về nghỉ hè đến, hoa phượng nở đỏ rực sân trường.

      Cuối năm học ở trường Nam, tôi được lãnh phần thưởng danh dự là một cuốn “Việt Nam Tân Từ điển” của Thanh Nghị to tướng (và một vài cuốn sách nữa), mà cho tới ngày hôm nay, tôi vẫn còn giữ được kỷ niệm đó, dù giấy cuốn Từ điển đã biến thành màu vàng ố, nhiều trang sách bị rách tơi tả cùng năm tháng từ năm 1956 tới nay…

      Trường Trung học Công lập Võ Tánh

      Rồi sau đó, tôi thi đậu đệ thất và được vào học trường Trung học Võ Tánh, đây là một ngôi trường lớn thứ hai ở Miền Trung, chỉ đứng sau trường Quốc học Huế, hơn nữa, vì là một trường có lớp đệ Nhất nên học sinh sẽ được theo học suốt từ đệ Thất đến đệ Nhất (sau khi thi đậu bằng Tú tài I ), nên cũng là một niềm hãnh diện lớn lao cho chính bản thân mình và cũng là niềm vui cho gia đình. Ngôi trường này nằm trên con đường Bá đa Lộc, cũng có hàng cây Bàng xanh lá xum xuệ phía trước mặt trường và vài cây Phượng hoa đỏ thắm rải rác trong sân trường, rợp bóng mát cho học sinh trong những ngày nắng chói, nhưng so với trường Nam trước kia thì trường Võ Tánh ít cây bàng và phượng hơn nhiều. Dưới xa một chút là trường Pháp và tận cùng là khoảng trời của biển cả.

      Lúc đó, ngôi trường đang xây dựng mới được nửa dãy lầu 2 tầng ở mặt trước. Thêm một nhà vệ sinh nối liền dãy trước với khu phòng học phía sau gồm 6 phòng. Đất sân trường còn rộng rãi với một sân đá bóng đầy cát trắng. Con đường trước mặt trường rợp bóng cây xanh. Trường tôi học sinh nam nữ còn học chung với nhau vì chưa có trường Nữ Trung học. Giáo sư trong trường thì Thầy nhiều hơn Cô. Đa số Thầy đi dạy bằng xe đạp, có chen vài chiếc Mobylette. Dọc theo con đường bên trái trường (nay là đường Hoàng hoa Thám) chỉ có một dãy nhà bằng fibro xi măng dành cho thầy Tổng Giám thị. Cuối dãy nhà này là một biệt thự nhỏ của thầy Hiệu trưởng. Chỉ bấy nhiêu thôi mà sao đầm ấm quá, dễ thương quá. Nam nữ học sinh đều mặc đồng phục, hiền hòa.

      Tôi bùi ngùi nhớ lại tên của những vị như, thầy Lê khắc Nguyện, Lê nguyên Diệm (Hiệu trưởng), thầy Võ thành Điểm, Cao xuân Huy (Tổng Giám thị), thầy Nguyễn khoa Phước (Giám học, có vợ day Sử địa), thầy Bửu Thả dạy toán hiền lành và nhỏ nhẹ, làm giáo sư Hướng dẫn lớp tôi, đệ Tam B4 (sau diễm phúc lấy được cô nữ sinh hoa khôi Cẩm Vân, chị của Kim Anh ), thầy Nguyễn đức Nhơn (dạy Việt văn), thầy Nguyễn Tri Phương (dạy Toán), Trần thanh Lý (dạy Lý Hóa), thầy Đỗ quang Phiệt (dạy Anh văn), thầy Trần Đức Long (Luật sư, dạy Công dân giáo dục).v.v…
      Vài giáo sư nổi tiếng trong trường như :

      - Thầy Nguyễn Vỹ (sinh 1901) vừa làm lễ Thượng thọ Bách niên vào năm 2002, tốt nghiệp trường Cao đằng Sư phạm Đông Dương, về dạy học ờ Qui Nhơn, Huế, Quảng Ngãi, về làm hiệu trưởng trường Võ Tánh (1957-58) sau về làm Thanh tra Trung học (1959-60) rồi về hưu. Xin đừng ngộ nhận với nhà thơ, nhà báo Nguyễn Vỹ (1912-1971) ở Sài Gòn nổi tiếng với báo Dân Ta và tạp chí Phổ Thông.

      - Thầy Thạch Trung Giả (tên thật là Trần văn Long) dạy môn Việt văn. Nhiều người còn nhớ, một hôm đang trong giờ thầy giảng đoạn Kiều với Từ Hải… thì bất chợt một nữ sinh ngó lên bàn hàng trên, lơ đãng… Thầy Giả ngưng giảng, nhìn về phía chị và giân dữ mắng: - chị M. sao chị ngu xuẩn thế? Làm ồn trong lúc tôi đang giảng bài, chị biên cho tôi 100 lần “tôi không ngu xuẩn làm ồn trong giờ giảng bài”… Tuần sau thầy gọi chị ấy lên trả bài và chị nộp bài phạt, thầy nhận và hỏi chị: - Tôi giận mắng chị có buồn không? - Thưa thầy không ạ !!! Nhớ đến những lúc thầy bị ốm, sổ mũi, thầy không có khăn tay nên thầy lấy giấy học trò vò lại mà hỉ. Nghĩ lại hình ảnh đó mà thấy thương thầy. Các bạn ai đã học với thầy chắc cũng có một lần chứng kiến cảnh đó. Khi dạy Việt văn, thầy Thạch trung Giả tỏ ra phong thái của một nghệ sĩ, luôn mặc quần áo và mũ cối trắng nhưng đã ngả vàng, răng có dấu nhựa thuốc lào, trà đặc. Khi thầy giảng bài, cả lớp im phăng phắc như không chỉ nghe lời thầy nói mà còn thấy được hình ảnh mà thầy muốn đề cập… Học sinh sớm bắt gặp cái hay, cái đẹp của văn thơ, thầm cám ơn thầy.

      Trong khi phê điểm Việt văn cho học sinh, dường như thầy cho theo cảm tính và tùy hứng. Cùng một sách luận đề, bốn năm đứa chúng tôi chép lại đem nộp và thầy đã phê điểm khác nhau rất xa. Thật là chán khi nhìn thấy hình dáng rất “Phở” của thầy. Thầy được học sinh tặng biệt danh “Phở” vì quần áo thầy trông rất luộm thuộm và bạc màu. Học Văn với thầy, học sinh phải đọc thêm sách báo mới đủ trình độ tiếp thu bài giảng của thầy, phải biết đặt câu hỏi mới lạ để thầy giải thích hầu mở rộng kiến thức. Trong cổ văn Việt Nam, các tác giả hầu hết đều học rộng, hiểu biết sâu sắc về Phật, Khổng, Lão nên các tác phẩm cũng bàng bạc tư tưởng cao siêu đó. Và đấy cũng là sở trường của thầy Thạch Trung Giả. Đôi lúc nhìn thầy giảng bài với đôi mắt lim dim, xuất thần như một đạo sĩ. Với đôi mắt và tâm hồn thoát tục đó, tôi nghĩ chắc rằng thầy không nhớ nổi 10 đứa học trò trong hàng ngàn đứa đã học với thầy. Nữ sinh Nguyễn thị Hoàng đã từng làm một bài luận văn dài 20 trang giấy lớn, được thầy chấm 20/20 điểm và đem vào đọc và bình cho cả lớp nghe.

      Vào một buổi chiều cuối năm, những buổi như vậy học sinh thường rất lười vì thích đi chợ Tết Nha Trang (thường họp từ bùng binh đầu đường Độc Lập, tiếp nối đường Phan Bội Châu đến Chợ Đầm), lớp học vẫn đông đủ học sinh trong giờ Việt văn của thầy. Thầy diện một bộ quần áo mới, veston bên ngoài, trông thầy ra dáng một trung niên đạo sĩ lắm. Thầy say sưa giảng về Tản Đà với giấc mộng lớn, giấc mộng con. Cả lớp say mê theo dõi, lớp học im phăng phắc. Học sinh như những tín đồ ngoan đạo đang uống từng lời của thầy và thầy đang xuất thần như một thiền sư hay đạo sĩ trong lời giảng trầm trầm. Bỗng một tiếng “Phở” thật to rao lên ngoài đường vang dội vào lớp học, cả lớp bật cười. Thầy tỉnh mộng cũng cười theo. Tiếng cười chưa dứt lời, thầy chêm thêm một câu:

      - Tôi như thế này mà “Phở” à! Các anh cứ!!!...

      Rồi thầy lại cười, cười chảy nước mắt. Từ đó mọi người biết rằng biệt danh Phở đã đến tai thầy và thầy đã thay đổi y phục tươm tất hơn trước…

      Nhiều người cho biết là cứ đến mùa hè là thầy Giả lên chùa Vào Hạ (một khóa học của các tu sĩ), tham thiền với các vị sư và trong thời gian sau năm 1975, thầy Giả thường hay lên chùa và thầy đã mất tại chùa, vì hoàn cảnh khó khăn, chùa quá nghèo nên không có tiền mua hòm nên các vị sư chỉ còn cách quấn chiếu và tìm ván cũ đóng lại chôn thầy

      Học sinh trường Võ Tánh Nha Trang cảm thương thầy quá..Thầy ơi! Thầy ơi!

      - Thầy Bửu Cân: Môn chính của thầy là Vạn vật, nhưng thầy có dạy cả Sử Địa và Công dân giáo dục nữa. Học trò của thầy thuộc lớp tiền bối là cỡ các học giả Hoàng xuân Hãn, Thái văn Kiểm, thẩm phán Trần thúc Linh… Chúng tôi kính thầy như cha! Mà có lẽ thầy cũng coi chúng tôi như con! Lúc còn học thầy, chúng tôi rất sợ thầy, nhưng vì tuổi còn nhỏ nên nhiều lúc chúng tôi đã… rất phiền thầy! Chúng tôi thấy thầy nghiêm khắc quá, khó tính quá, gay gắt quá, đôi lúc gàn dở và tàn nhẫn quá… Cùng với tuổi đời, cùng với kinh nghiệm thực tế, chúng tôi đã hiểu được thầy.
      Tiểu sử sơ lược của thầy Bửu Cân:
      Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm năm 1923, thầy là sinh viên trẻ nhất (21 tuổi) cùa khóa Sư phạm đầu tiên mở tại Hà Nội
      Giáo sư Toán Lý Hóa College Vinh, trung học Khải Định. Di tản ra Thanh Hóa, dạy trường Đào duy Từ, về trường Võ Tánh Nha Trang từ năm 1952 cho đến ngày hưu trí.
      Tận tụy với thiên chức nhà giáo, thầy thành lập và làm hiệu trưởng trường trung học tư thục Đăng Khoa, Nha Trang trong một thời gian ngắn. Ngoài một số sách giáo khoa, thầy đã viết: - Hán Việt Thành ngữ - Lễ Mệnh Tiếu - Những người hay - Vi Trùng học - Ông Pasteur, nhà bác học…

      Theo trí nhớ của riêng tôi và một vài bạn khác thì thầy có nhiều kỷ niệm như sau:

      - Thầy vẽ hình Vạn vật và viết chữ rất đẹp. Đứng trên bảng đen trong lớp, thầy quay mặt nhìn học trò, chỉ hơi nghiêng người một chút mà tay phải thầy cầm phấn vẽ và viết lên bảng rất đẹp, rất đều và rất ngay hàng thẳng lối.

      -Thầy hay nói chuyện đời hay kể chuyện vui để cho không khí học đỡ buồn ngủ. Một hôm thầy hỏi “Tối nay có bài phải học mà lại có một phim xi nê rất hay còn chiếu bữa chót, nên ở nhà học bài hay nên đi coi xi nê?”. Các anh nghĩ coi, ở cái tuổi học trò ngày đó, có đứa nào dám trả lời là không ở nhà học bài! Nhiều đứa trong đám chúng tôi nhao nhao lên “Thưa thầy con ở nhà học bài!” cứ làm như mình ngoan lắm. Thầy mỉm cười, phán ngay “Tụi bay ngu lắm, bài thì lúc nào học chả được, phim hay biết đến bao giờ mới chiếu lại!

      - Một hôm thi lục cá nguyệt, lúc bước vào lớp thầy đưa tay kéo cánh cửa lớp học nằm ở vị trí xéo cỡ 45 độ, mà chúng tôi không đứa nào để ý. Thầy mang theo một tờ báo hàng ngày. Sau khi ra đề thi xong, thầy ngồi tại bàn, lúc thì quay ghế nhìn ra cửa lớp, lúc thì mở rộng tờ báo để đọc. Tuyệt nhiên thầy không hề nhìn xuống đám học trò. Một lúc, thầy bước xuống, tới ngay chỗ một em đang giở sách dấu dưới bàn để “quay cóp”. Thầy lôi cuốn sách ra, để ngay lên bàn và bảo người học trò “Tau cho mi để trên bàn mà chép. Tau không muốn mi ngày sau trở thành một thằng ăn cắp”. Mãi sau này chúng tôi mới khám phá ra là trên tờ báo thầy giả vờ đọc, thầy đã khoét sẵn một lỗ nhỏ, qua đó thầy nhìn xuống đám học trò. Hoặc khi nhìn ra cửa, cánh cửa kính ở vị trí 45 độ phản chiếu toàn bộ đám học trò trong lớp học vào con mắt của thầy.

      - Thầy thường giảng cho họ trò nghe về “cái học trong trường” và “cái sống ngoài đời” khác nhau thế nào: Thầy bảo “Tụi bây muốn được nhiều điểm, tao cho nhiều! Tụi bây ưng phê học bạ tốt, tao phê cho! Nhưng sau này ra ngoài đời những thứ này sẽ không giúp được gì cho tụi bay đâu. Tụi bây muốn thành công, phải sống “không tranh giành, không nịnh bợ, không gian xảo, không lòn cúi, không lừa đảo, phải sống cho ngay thẳng, hiên ngang, nỗ lực…”.

      - Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, tôi luôn luôn nhớ các buổi học với thầy, nó đã hướng tôi vào cuộc sống đạo đức và sống vui, coi cuộc đời như một trò chơi lớn chứ không như giấc mộng. Thầy đối xử bình đẳng với mọi học trò, thầy yêu thương tất cả. Thật là một lối dạy cao thượng, tôn trong con người, giống phương pháp dạy của Đức Phật “Mỗi người hãy tự thắp đuốc mà đi”. Chúng tôi xin tri ân Thầy Bửu Cân đã dạy cho bài học chỉ gồm có 8 chữ ngắn gọn nhưng thật nhiều ngụ ý.

      Nha Trang, đó là thành phố của tình yêu và chia biệt, thành phố của những mối tình hè, của những con sóng vô tình, những dấu chân bị nước cuốn đi, không để lại một vết tích nào, như thể trước đó nó không tồn tại…

      Khánh Hòa - Nha Trang là nơi quy tụ nhiều hào kiệt, riêng ở lãnh vực Văn học nghệ thuật đã xuất hiện nhiều nhân tài xuất sắc:
      Trường Võ Tánh của tôi xuất thân nhiều nhân tài về “toán học và văn học”, như:

      - Thầy Nguyễn Xuân Vinh (sinh năm 1930): dạy Toán đệ Nhất, lần đầu tiên học sinh có sách “Toán lớp Đệ Nhất B” sừ dụng, thầy rất giỏi môn Toán cao cấp, nên về sau thầy sang Hoa Kỳ vào làm trong cơ quan Hàng không và Vũ trụ NASA, đem lại niềm vinh dự cho con người Việt Nam.
      Thầy là giáo sư danh dự ngành kỹ thuật Không gian đại học Michigan, là nhà toán học, nhà khoa học Không gian xuất sắc, Tiến sĩ Toán học đại học Sorbonne, Paris. Năm 1984, thầy là người Mỹ thứ ba và là người châu Á đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm Quốc gia Hàng không và Không gian của Pháp. . Thầy viết sách “Gương danh tướng”, “Theo Ánh tinh cầu” và nhất là sách “Đời Phi công” với bút danh là Toàn Phong được nhiều học sinh thích thú tìm đọc.

      - Thầy Cung Giũ Nguyên: dạy Pháp văn ở trường Võ Tánh, sau làm hiệu trưởng trường bán công Lê Quý Đôn Nha Trang, đã viết nhiều tác phầm nổi tiếng bằng Pháp vặn. Hiện tại Hoa Kỳ , nhóm cựu học sinh trường Võ Tánh và Nữ Trung học mới thành lập Trung tâm Cung giũ Nguyên (bao gồm Quỹ Học bổng giúp học sinh nghèo tỉnh Khánh Hòa - Nha Trang).

      - Nguyễn thị Hoàng, nữ sinh năm đệ Tam (1956-57) đã nổi tiếng khắp trường Võ Tánh với một bài luận văn dài 20 trang giấy lớn, được đem vào nhiều lớp để đọc cho học sinh nghe và nhất là bài thơ “Chi lạ rứa”. Chị là người có nhiều tai tiếng với một vị thầy cao niên, sau chị cũng dạy học và viết tiểu thuyết “Vòng tay Học trò” - gây xôn xao lớn cho văn nghệ miền Nam, mà nhân vật Minh , thực ra là Mai tiến Thành chỉ học lớp đệ Tam (không phải đệ Nhất như trong sách) khá đẹp trai kiểu “Playboy”, con nhà giàu ở Ban mê Thuột sau này về Sài Gòn anh ta viết cuốn sách “Tiếng hát Học trò” để trả lời cuốn Vòng tay Học trò. Chị Hoàng hồi đó, người nhỏ, dân Huế rặt, thân hình “bốc lửa”, nhan sắc trung bình, rất lãng mạn, có tài văn nghệ, hay mặc áo dài trắng như nữ sinh và khoác áo lông trắng. Sau về dạy ở trường Trần hưng Đạo Đà Lạt, chị Hoàng có dẫn học sinh đệ Nhất đi tham quan, khi đến nơi, chị nhảy xuống xe GMC, bị gãy một chiếc guốc, chị vứt luôn chiếc kia, và đi chân trần nên học sinh gọi chị bằng “Bà Hoàng đi chân không” thì chị rất thích. Vì lúc đó ở Đà Lạt đương chiếu cuốn phim “Nữ Bá tước chân không” (La Comtesse aux pieds nus) dường như do Ava Garner đóng. Chị thích người ta gọi bằng “Bà Hoàng” hơn là “Cô Hoàng” mà nhiều người cho rằng chị khoái liên hệ với Hoàng tộc, nên sau này lấy ông Bửu Sum (hoàng phái) - giáo sư triết Đà Lạt, nhưng lại trốn lính nên chị rất vất vả khi về Sài Gòn viết văn, bỏ nghề dạy học.

      Ngoài ra, các nghệ sĩ sau đây ngày xưa cũng là học sinh trường trung học Võ Tánh:

      - Dương nghiễm Mậu, tức Phi ích Nghiễm là một nhà văn rất tài hoa…
      - Trịnh Cung (tên thật là Nguyễn văn Liễu) là họa sĩ khá nổi tiếng, bạn thân của nhạc sĩ Trinh công Sơn.
      - Nhà văn Nguyễn Mộng Giác
      - Nhà thơ Hoàng Hương Trang
      - Nhà thơ Cao Hoàng Nhân (Bùi Cao Hoàng)…

      Thế là, khi lên trung học, cuộc đời tôi cùng tuổi học trò gắn liền với trường trung học Võ Tánh Nha Trang. Tôi học hết trung học tại ngôi trường này. Cũng nằm trên đường Bá đa Lộc nơi trường tôi tọa lạc, về hướng sát bờ biển là trường College Fracaise de Nhatrang - nơi mà vài người em của tôi theo học, thời đó học sinh của hai trường Võ Tánh và trường College thường hay gây sự với nhau ỏm tỏi. Và sau lưng trường Pháp, xa xa một chút là trường trung học tư thục Bá Ninh - một trường Thiên Chúa khá nổi tiếng. Sau lưng trường tôi, xa xa là trường trung học bán công Lê Quý Đôn, gần đó là trường Nữ Trung học Nha Trang (sau đổi là trường Huyền Trân, sau năm 1975 trường Huyền Trân đổi lại là trường Thái Nguyên cùng thời với trường Võ Tánh đổi tên là trường Lý Tự Trọng).

      Trong thời gian là cậu học sinh của trường Võ Tánh, nhà trường đã tổ chức cho học sinh các lớp chúng tôi đi cắm trại tại: - Khu rừng nhỏ nằm gần trường Lasan và Hòn Chồng nổi tiếng - Suối Ba Hồ với cảnh trí rất hoang dã, thơ mộng, ờ Ninh Hòa và - Bờ biển Đại Lãnh , cách Nha Trang 80km nằm giữa đèo Rọ Tượng và đèo Cả, có bờ biển khá rộng, dài với bãi cát trắng mịn và ngay từ xa xưa, phong cảnh Đại Lãnh đã được vua Minh Mạng cho thợ chạm hình vào một trong Cửu Đỉnh trang trí trước sân Thế Miếu và có tên trong Từ điển quốc gia do triều Tự Đức biên soạn.

      Những kỷ niệm trên sẽ hằn ghi mãi mãi trong suốt cuộc đời của chính tôi về trường trung học Võ Tánh mến yêu của tôi - với thành phố quê hương cát trắng qua bài hát “Nha Trang” của nhạc sĩ Minh Kỳ:

      Nha Trang là miền quê hương cát trắng
      Có những đêm nghe vọng lại, ầm ầm tiếng sóng xa đưa.
      Nha Trang cánh đồng bao la bát ngát
      Hương quê dâng lên ngào ngạt, hòa cùng sức sống yên vui…
      Còn đâu những chiều vui xưa
      Còn đâu những chiều say sưa
      Ngồi nơi biển buồn trông ra khơi mênh mông.
      Còn đâu Tháp Bà êm mơ
      Còn đâu Đá Chồng bơ vơ
      Còn đâu bến Cầu Đá nên thơ…

      #3
        hai1957 20.11.2012 17:14:48 (permalink)
        NHA TRANG NGƯỜI VỀ CHO TÔI NHẮN VỚI



        ...Thân tặng P.Thâm, Huỳnh Hưng, Ngô Mỹ Hương, Các Bạn Đệ 4/4 Lê qúy Đôn

        và tất cả những người một thời mài đũng quần ở Nha Trang

        Dương Từ Vũ



        Không còn nhớ rõ nguyên cớ nào tôi đến Lê Qúy Đôn, ngôi trường cũng không xa nhà tôi lắm vì chỉ cần đứng trước mái hiên nhà trong ánh nắng chói chang của ‘’miền quê hương cát trắng’’ là tôi đã nhìn được mé hông trường qua bãi quân xa lúc đó đã dọn dẹp thật sạch sẽ chỉ lưa thưa những cây hoa chỉ mọc ở những vùng cát Nha Trang.

        Ngôi trường nằm trải dài với mái lợp fribo xi măng thật giản dị nhưng sạch sẽ, lưa thưa mấy gốc bàng mới lớn chỉ vừa vượt khỏi bức tường xây mặt tiền. Năm này là năm Đệ Tứ, một năm quan trọng với kết quả: Bằng Trung-Hoc Đệ Nhất cấp cho cuối năm nhưng cũng là năm tôi có đầy ắp những kỷ niệm. Cũng có thể Cậu tôi đã ghi tên tôi hơi trễ nên tôi đã bị ‘’thả dù‘’ vào ngay lớp Đệ Tứ 4 cùng với khoảng một chục ‘’vị đực rựa khác’’ trong khoảng gần ba chục vị ‘’nữ nhi‘’ áo trắng. Ngoài chuyện chúng tôi là ‘’thiểu số‘’, còn một đặc điểm khác: bọn con trai ‘’bị‘’ ngồi ngay tại những băng ghế đầu tiên của hai dãy ghế nằm chính giữa lớp học, điều này có lẽ cũng nằm trong ‘’kế hoạch an ninh‘’ của văn phòng quản trị và các thầy cũng dễ dàng theo dõi hoạt động của bọn con trai nhằm bài trừ nạn nghịch ngợm và lười biếng vẫn thường xẩy ra đối với những thành phần thích ngồi những hàng ghế chót của một lớp học.

        Tôi còn nhớ rất rõ, cho dù năm tháng cũng đã chồng chất thật nhiều, ngày đầu tiên tựu trường bọn con trai chúng tôi riu ríu như một bầy gà sợ cáo, cáo ở đây là chư vị nữ nhi đại đa số, cũng rất có thể nhờ thế tình đồng đội của chúng tôi rất khắn khít, cũng may tôi ngồi ngay bàn đầu tiên nên ‘’gáy‘’ tôi ít lạnh như anh Thái Quang Hoàn hoặc anh Giầu tuy thế sự hồi hộp cũng vẫn ít nhiều trong tôi.

        Ngồi cùng bàn với tôi là Hoà đẹp trai nhỏ nhẹ - nhà có một cửa hàng ở đường Độc Lập, Khang thấp bé hay nói chuyện - con một người chủ tiệm giấy, Quang đi hơi hai hàng với chiếc cập táp da cũ dầy cộm và là tác giả công trình trộn hồ xây ngôi nhà gia đình anh ở.do ba anh vẽ kiểu (cũng chính vì việc này mà Quang đã phải đến xin ‘’tỵ nạn chính trị‘’ với Mợ tôi và ở với tôi một thời gian, thời gian thật êm đềm với mỗi buổi chiều hai đứa chúng tôi đạp xe đến nhà một người bạn gái của chúng tôi ở gần rạp ciné Tân Quang - nếu tôi không nhớ lầm tên - để đưọc cô bạn cho vào nhà ngồi nói chuyện bâng quơ cho đến tối mịt mới quay về nhà trong bóng đèn chập choạng dưới bóng những cây bàng và một mùi hương nào đó cho đến nay tôi vẫn luôn nghĩ là hương dạ lan -có thể tôi đã nghĩ lầm nhưng cũng không quan trọng).

        Cũng tại Đệ Tứ 4 Lê Qúy Đôn mà tôi đã thật sự biết làm thơ, những bài thơ non dại, với âm vận phải thật đúng theo lời dạy bảo của Thầy Việt Văn, môn học tôi ưa chuộng nhất và ông Thầy tôi nhớ rõ rệt nhất: VÕ HỒNG . Tôi cũng không nhớ nổi môn Việt Văn tôi có được điểm cao hay không chỉ nhớ đại khái môn đó điểm cuả tôi trội hơn hẳn các môn khác đặc biệt là môn Toán của thầy Hồng Khắc Thanh với những con số, những công thức, những hình thể… bắt buộc tôi không thể mơ mộng cũng giống như những bài Vạn Vật của thầy Từ Bộ Chiêm hay Lý Hoá của thầy Nguyễn An hoặc những bài Pháp Văn của thầy Lê Văn Quang với những chia 8000 động từ rắc rối - tuy nhiên những bài tiếng Pháp của thầy Quang cùng chiếc xe Peugeot 203 của thầy cũng đã làm tôi mơ ước đến một chân trời nơi có cô Brigitte Bardot và Tháp Effeil với Thủ Đô Ánh Sáng.

        Yêu Văn, Thơ và tôi được thầy Võ Hồng giao cho làm tờ Bích Báo để thỉnh thoảng được đến nhà thầy; nghe thầy chỉ bảo về Thơ dưới dàn hoa, hình như là hoa thiên lý
        (về sau này tôi mới biết được rằng chính dưới dàn hoa này thầy tôi đã viết ‘’HOA BƯƠM BƯỚM‘’ mà tôi được đọc ở Sài gòn và cũng được ‘’khoe‘’ với bạn bè ‘’THẦY CỦA TÔI‘’ ).
        Học Thầy Hồng tôi đã mê Kiều, đã yêu Nguyễn Khuyến, đã thương Cao Bá Quát, …
        Được thầy giao làm tờ Bích Báo, hí hửng ôm tờ giấy trắng thật lớn và hộp mầu về nhà… để cặm cụi cùng với những cô bạn vẽ vẽ, tẩy tẩy dưới sự kiểm duyệt cuả cô Anh hơi hơi khó tính, nằm dài dưới đất chép bài vở, dĩ nhiên trong đó có những bài thơ của tôi. Hình ảnh những buổi chiều tan học, trên đường từ trường về nhà tôi, một đàn trai gái đạp xe cạnh nhau bàn luận bài vở, những tà áo trắng của các cô bạn nhẹ tung theo gió chiều rượi mát trong cơn nóng của một ngày còn lại, thoáng chốc đã đến nhà tôi, cả bọn xếp xe dưới hàng hiên, tíu tít như một bầy chim vào tiếp tục bàn chuyện ‘’công tác bích báo‘’ để sau đó lại một màn
        ‘’Đưa người ta không đưa sang sông
        Mà sao có tiếng sóng trong lòng …
        .’’
        Không, ngày đó trong lòng tôi chưa có tiếng sóng mà chỉ thoáng nhẹ :
        ‘’Sóng biếc theo làn hơi gợn tý
        Lá bàng trước gió sẽ đưa vèo
        ….’’
        (xin lỗi cụ Nguyễn Khuyến trăm ngàn lần vì tội sửa chữ của cụ )
        Ra hiên thay nhau lấy xe và tôi tiễn chân mấy cậu bạn trai nhà ở đường Độc Lập và những người bạn gái ở gần trường tiểu học gần Bưu Điện … sau đó ghé nhà ‘’chị‘’ Nam tiếp tục bàn chuyện tôi làm Thơ.

        Cũng không hiểu vì sao, sau bao nhiêu sóng gió, dằn vặt của cuộc đời, hình ảnh ‘’chị’’ Nam vẫn thật tròn vẹn trong tôi, tròn vẹn trong những giấc ngủ để giật mình…thức dậy…và… trằn trọc. ‘’Chị‘’ Nam ngày đó hình như tuổi chị lớn hơn tuổi tôi, chị không đẹp nhưng sự nhẹ nhàng với giọng nói người Huế , sự dịu dàng trong cử chỉ của chị, tất cả không những đã không thể làm tôi quên mà trái lại tôi ‘’tiếc nuối‘’, tiếc nuối vì đã chưa nói được một đôi điều … ‘’muốn được nói’’ …
        Hoàng hôn xuống, qua khung cửa phòng khách nhà chị Nam, mặt biển đỏ ửng với mặt trời nằm một nửa chênh vênh… để tôi …
        Từ giã hoàng hôn… trong mắt… chị Nam…
        Tôi ‘chưa biết‘’ đi tìm những phố không đèn vì :
        Gió mùa Thu cũng không có mà tôi thì chưa hiểu được thấu đáo 4 chữ ‘’chớm bao dư vị‘’
        mà chỉ xôn xao đôi chút của chút hương thầm kia… đã quen.

        Đạp xe, trên con đường dọc theo bờ biển ngang viện Pasteur, ngang qua Công Chánh… xuống khu nhà ông Đại Tá An Ninh Quân Đội Đỗ Mậu, nhà Bác Sĩ Phạm văn Trí có cô Châu học chung lớp mà Hoà hơi hơi ‘’để ý ‘’, dưới những cây keo… tôi trở về nhà trong trí não đầy những giấc mơ về mình, về bạn.

        Rôi những ngày cuối năm, tổ chức Tết trong lớp với tài làm bánh của các cô bạn gái, đặc biệt món bánh còng của cô Năng, người con gái thứ 2 tôi hơi biết ‘’để ý‘’ ở Nha Trang và một buổi tối giao thừa đến nhà cô cùng với Quang mà chỉ một chút xíu nữa tôi đã ‘’quên đường về ‘’ như bài hát ‘’Anh đến thăm em một chiều mưa‘’. Cũng may, hôm đó, trời đã không mưa và tôi vẫn còn nhớ đường về.

        Ngày Tết với tiếng sáo của một nghệ sĩ từ thủ đô Sài gòn ra chơi cùng những bài hát quan họ, những câu hát quyện theo tiếng sáo của người nghệ sĩ trẻ đẹp trai đó văng vẳng trong tôi, chợt ẩn chợt hiện, cũng đi theo tôi từ ngày đó.
        Những lần bỏ quên xe đạp trong sân trường để ông gác dan cất hộ ngày hôm sau đi học mới lấy đạp về nhà.
        Ôi những ngày thanh bình hiền hậu xa xưa.
        Cũng với Lê Qúy Đôn tôi đã biết Ba Hồ bằng 2 câu Thơ vui của Thầy Võ Hồng :

        Ba Hồ cái cảnh con con
        Cái anh chết đuối vẫn còn ngồi đây


        Thầy Hồng làm 2 câu Thơ đùa đó tặng cho một anh bạn cùng lớp nho nhỏ rất dễ thương, đi chiếc xe đạp đàn ông cao nhòng làm anh phải cố kéo dài chân ra mỗi khi đạp xe, từ quê hình như ở Tuy Hoà vào học, nhân dịp đi cắm trại tại Ba Hồ xuống tắm suýt là bị chết đuối.
        Rồi những dịp lên nhà anh Giầu trên đường đi Thành để được uống nước dừa mới hái trên cây xuống… Cuối năm thi Trung Học, tôi lại bỏ Lê Qúy Đôn, bỏ thầy Võ Hồng, bỏ tờ Bích Báo, bỏ Quang, Khang, Hoà, chị Nam, Năng…bỏ nhà thờ Núi nơi tôi thường lên nằm học bài thi hay làm Thơ, bỏ những hàng cây Bàng, cây Phượng, bỏ đường Nguyễn Tri Phương… để lên xe lửa vào Sài gòn với giấc mơ trở thành một nhà Văn, nhà Thơ. Rồi giấc mơ Thi Sĩ, Văn Sĩ cũng không thành, theo vận mệnh đất nước, tôi chỉ được thoáng về lại Nha Trang 2 lần, một lần trong run sợ bị truy bắt, nhưng cũng tại Nha Trang tôi đã được Quang, Hòa, Khang bao che - đấy, tình bạn cũa những người học trò Nha Trang mà tôi khó thể có đưọc ở những người khác - Lần thứ 2 từ Pleiku xuống để lại được chen chúc thả bộ đi lên đi xuống trên hè phố Độc Lập và cũng để ‘’thoáng thấy em‘’ đã có người con trai khác diù bước.

        Như bài hát ngày nào của một Minh Kỳ đã viết về Nha Trang :
        « Nha Trang là miền quê hương cát trắng, ai qua không quên để lại, một vài luyến tiếc xa xôi…. » Vâng, tôi đã để lại… để lại không chỉ ‘’một vài luyến tiếc xa xôi‘’ mà một thời thật đẹp, thật thơ ngây, thật mơ mộng, thật khờ dại, thật vội vã để rội chỉ còn lại tiếc nhớ…

        Vâng, tôi đã để lại Nha Trang những cơn nắng cháy bỏng ngày đó tôi hãi sợ nhưng hôm nay nơi vùng đất thật xa xôi tại hải ngoại này trong những ngày rét mướt tôi thèm thuồng được có, tôi cũng đã để lại một phần linh hồn tôi thửơ còn biết làm Thơ nhưng làm cũng chỉ gởi ‘’gió cho mây ngàn bay‘’, tôi cũng đã để lại ‘’niềm thương và nỗi nhớ‘’ chập chờn, khắc khoải mà tôi đã, đang và sẽ không bao giờ còn có được.

        Vâng Nha Trang vẫn « Bao năm du khách hàng chờ , một ngày ghé đến Nha Trang….Ai ơi, Vâng, tôi cũng xin… « người về cho tôi nhắn với, Nha Trang quê hương dịu hiền, ngàn đời lòng tôi mến thương. »
        Tôi vần ước ao được trở về Nha Trang cho dù chỉ tìm lại một chút Hương Xưa của một ‘’chiều nào có nắng vàng hiền hoà hồn có mơ xa’’…. Tháp Bà có còn như ngày xưa ? Đá Chồng có còn thanh vắng ? và Cầu Đá có còn thấp thoáng hình ảnh người bạn gái Lê Qúy Đôn hay không ? Rồi mái trường xưa ? Rồi những người Thầy cũ ?
        « Những người muôn năm cũ Hồn ở đâu bây giờ »

        Tôi sẽ trở về Nha Trang, tôi biết Nha Trang không có mưa bụi bay mà chỉ những hạt cát mỏng manh … nhưng đã quá đủ để làm nước mắt tôi phải chảy .


        DƯƠNG TỪ VŨ

        (Pháp 13-4-2004)

        #4
          Khù Khờ 20.11.2012 22:10:28 (permalink)
          Thưa anh,

          Đọc bài viết này tôi rất ngợ với cái tên Thạch Trung Giả. Có phải là sự trùng hợp. Bác của tôi với cùng bút hiệu cũng đã từng sống và dạy văn tại Nha Trang. Sau vào SàiGòn bác dạy tại đại học Vạn Hạnh và viết sách tham khảo văn học.

          Đọc đến đoạn cái mũ cối, cách ăn mặc rất phở và cái tính hơi bốc đồng ... tôi gần như hoàn toàn chắc rằng người thầy của anh là ông bác của tôi. Quả đất ... quả tròn thật.

          Ngày xưa thỉnh thoảng tôi đạp xe đến thăm bác. Nghe bác luận về Kiều, Cung Oán Ngâm Khúc và văn học cổ, tôi cứ bấm tay để khỏi ngủ gục. Bác tôi lạc vào thế giới khác, tôi ngơ ngác chưa cảm nhận được. Món quà duy nhất của bác mà tôi giữ đến khi rời quê hương là quyển luận văn Cao Văn Thái.

          Hôm nay, nhìn những chiếc lá vàng rơi, tôi chợt nhớ đến vài bài trong quyển luận văn ấy và lời của bác bên hàng hiên năm đó. Chiếc lá bối đã yên nằm thấm chuyện trăm năm.

          Cám ơn anh.

          Thân chào,
          Khù Khờ
          #5
            hai1957 21.11.2012 09:32:03 (permalink)
            Thầy cũ Trường xưa

            Phan Thâm



            Con người sinh ra có bao nhiêu người không có thầy? Chắc là không một ai. Có người có nhiều thầy và có người thì số lượng thầy giáo đã dạy mình ít hơn tùy theo quá trình học vấn của họ. Có người học thành tài và có địa vị quan trọng trong xã hội, có người vì lý do này hay lý do khác họ chỉ là những công dân bình thường của xã hội. Duy có một điều thật là giống nhau là ai ai cũng nhớ đến thầy, nhưng sự nhớ này không giống nhau, chẳng hạn như học chung cùng một lớp nhưng nhóm học sinh này lại thích thầy A, nhóm kia lại quí mến cô C hơn là thầy H. Một khi tình cảm của mình dành nhiều cho người nào thì mình nhớ người đó nhiều hơn người khác.

            Những người có tài viết lách họ thổ lộ tình cảm mà họ dành cho thầy họ qua thi văn, còn những người chữ nghĩa nghèo nàn chỉ biết nhớ đến thầy trong tâm khảm của họ, và tôi là một trong số người này. Nhưng nay nhân đọc bài “Hãy viết về Thầy cô” của thầy Võ Hồng, một vị thầy tôi luôn ghi nhớ và kính mến. Với sự khuyến khích của thầy cho những người từ 50 trở lên tưởng nhớ đến thầy, đến trường và đến quê hương của mình bằng chính những giòng chữ của mình. Nhân ngày kỷ niệm nhà giáo năm nay và với tuổi đời đang tiến về cái tuổi “thất thập cổ lai hy” xin được bạo gan một lần với thứ chữ nghĩa vụng về xin ghi lại đôi dòng cảm nghĩ về một số thầy cô và trường cũ trước khi trở về với cát bụi.

            Năm 1956 sau khi hoàn tất xong chương trình tiểu học, tôi với người anh họ người cùng xóm ra tỉnh để theo bậc trung học. Thời đó đi học xa là một gánh nặng cho gia đình, nhưng địa phương tôi không có trường trung học. Nhatrang đối chúng tôi, những cậu bé nhà quê thật là xa lạ và đi Nhatrang qủa là cuộc phiêu lưu lớn đối với chúng tôi. Tôi không còn nhớ rõ ai đã dẫn dắt chúng tôi đến Trường Bán Công Lê Qúi Ðôn, có lẻ vì nó không xa chỗ tôi ở trọ. Ngôi trường trung học là một dãy nhà tôn dài có lẻ chỉ mới cất trước đó một hai năm. Phía trước có bức tường xây chắn và một cây mới trồng bên sau toàn là cát với ngôi nhà tôn nhỏ xíu dành cho gia đình người phu trường. Nếu tôi nhớ không lầm vị phu trường này không phải người địa phương mà là người ở tỉnh khác, hình như người Phú Yên thì phải. Dáng người ông thấp, nước da ông đen, mọi người gọi ông là "ông gác dang", riêng tôi tôi thích gọi ông là "thầy cai". Tôi không hiểu tại sao, có lẻ tôi kính trọng ông, bởi vì tuổi tác của ông, bởi vì ông cũng đóng góp vào công việc giáo dục và cũng có thể ông là người vui tính và cùng một tầng lớp lao động như ba mẹ tôi.

            Tôi không hiểu những người khác có nhớ hết thầy của mình hay không riêng tôi tôi chỉ nhớ một số thôi. Thật tôi có tội với những người đã từng dạy dỗ tôi mà tôi quên họ, tôi không hình dung nỗi hình dáng họ ra sao và kể cả tên của họ nữa. Tôi không nhớ thầy nào đã dạy toán, hình học và lý hoá cho tôi, mà oái ăm thay chỉ có các môn này tôi thường đạt điểm trên trung bình còn các môn khác tôi rất kém.

            Cô giáo Huyên là người trẻ tuổi nhất trong hàng giáo sư của trường, cô dạy môn Pháp văn, môn này là sinh ngữ chính của tôi. Thời đó Pháp Văn là môn sinh ngữ được ưa chuộng có lẻ vì ảnh hưởng của người Pháp vẫn còn trong người Việt và cũng có thể đa số học sinh đã học tiếng Pháp ở bậc tiểu học. Cô giáo Huyên ở cái biệt thự khá xinh đẹp cách cổng trường chẳng bao xa. Ngoài giờ dạy học cô hay ngồi trước lang cang nhà trong tay thường ôm con mèo trắng có khi cô ngồi một mình có khi cô ngồi với cô em gái của cô.
            Thỉnh thoảng hai chị em đầu đội nón làm bằng sợi lát được sơn nhiều màu khác nhau lội bộ ra bãi biển. Cô có một cái phong thái rất là “đầm” (Tây), mỗi lần về quê tôi thường kể cho các bạn tôi nghe về cô với sự hãnh diện rằng mình có cô giáo Tây.

            Môn Anh Văn có thầy Lê văn Ðào dạy ở năm Ðệ Thất và Ðệ Lục, năm đó tuy thầy đã lớn tuổi nhưng vẫn chưa có bạn đời và thầy Nguyễn Ngân dạy ở năm Ðệ Ngũ, vợ thầy cũng là một nhà giáo. Thầy Ngân không bao giờ cầm trực tiếp viên phấn để viết lên bảng đen, mà thầy có một thứ dụng cụ đặc biệt như ống điếu cho thuốc điếu rồi cấm viên phấn vào đó trước khi viết. Có lẻ thầy là người thầy duy nhứt có dụng cụ đặc biệt này. Thầy Giao tôi không còn nhớ thầy dạy môn gì chỉ còn nhớ được một điều là vợ thầy dạy ở Trường Võ Tánh. Thầy Võ Hồng dạy môn Vạn Vật và Việt Văn là hai môn học tôi chẳng có bao giờ đạt được đến điểm trung bình nhưng oai ăm thay thầy là vị thầy đã ghi trong tôi nhiều ấn tượng ngọt ngào và thầy là người mà tôi nhớ nhiều nhất.

            Thầy Hồng dáng người ốm cao, thầy hoàn toàn khác hẳn với các vị thầy khác là ăn mặc rất giản dị. Hình như thầy chỉ có vài bộ đồ để thay đổi, đôi giày mà thầy thường mang là đôi giày nhựa trắng với những sợi dây đang với nhau, là một loại giày không đắt tiền. Chiếc xe thầy đi là chiếc velo-solex cũ kỷ, đôi khi làm biếng và lì lợm không nổ máy bắt thầy phải đạp, hai chân thon ốm đưa hai chiếc đầu gối gầy gò như tới bụng thầy. Chúng tôi xót xa thầm thì rằng thầy phải dành tất cả mọi thứ cho sức khỏe của cô. Có lẻ điều đó đúng nhưng không đúng hoàn toàn bởi vì sau này cũng vẫn thấy thầy như thế chẳng có gì thay đổi, thầy vẫn là người thầy của khắc khổ, của khổ hạnh và mổi khi nhớ đến thầy là hình ảnh của Thánh Ghandi cũng hiện đến với tôi.

            Cũng như một số lớn học sinh thời đó tôi cũng nuôi giấc trở thành văn thi sĩ. Hôm thầy dạy luật vận của thơ lục bát và mổi học sinh phải làm một bài thơ lục bát ở nhà và mang đến lớp trong buổi học kế tiếp. Tôi đạp xe đạp lang thang khắp nơi trong thành phố để kiếm nàng thơ. Cuối cùng tôi đến Hòn Chồng, đứng nhìn cảnh trời mây sóng gió hữu tình rồi mắt tôi lim dim như nàng thơ đã tìm đến với tôi. Tôi ráng lắm rặng ra được ba câu mà suốt đời tôi chẳng dám tiết lộ với ai. Lớp học tới tôi đã biến mất và rồi hiện diện ở lớp học kế tiếp, tôi hồi hộp lo âu lắm,tim tôi cứ nhảy thình thịch, mặt lắm la lắm lét chẳng dám nhìn ai một cách rõ ràng, mồ hôi cứ đổ ra. Có lẻ thầy biết nên tránh ngó về hướng tôi ngôi. Bài thơ đầu đời bài thơ dang dở mà cũng là bài thơ duy nhất đã kết thúc giấc mơ thi sĩ của tôi. Những khi nhớ lại tôi gọi đó là “kiệt tác dang dở” và thầm thì: “Con nợ thầy một bài thơ”.

            Thầy viết chữ rất đẹp, chỉ với phấn trắng bảng đen và chỉ đôi nét đơn sơ thầy tạo ra được một bức tranh ngoạn mục. Cứ theo truyền thuyết Trung Hoa thì Ts’ang Chieh là cha đẻ của chữ Tàu và Shih Huang là cha đẻ của hội hoạ Trung Hoa, cả hai khai sinh cùng thời và theo Kao Yu đời Nhà Hán khẳng định cả hai người chỉ là một, mặc dù ông chẳng có những dữ kiện nào để chứng minh điều đó. Nhưng có điều hiển nhiên rằng mỗi một chữ Hán như là một bức tranh dù chỉ viết bằng bút lông và mực đen, có lẻ vì lối chữ tượng hình của nó chăng? Thường những người viết chữ Hán đẹp cũng là họa sĩ. Thầy Hồng thông Hán Học ắt hẳn phải ảnh nhiều nhiều trong lối viết này, do vậy thầy không những là một “Trung Hoa calligrapher” mà cả “Việt Nam calligrapher nữa”.

            Tôi luôn nhớ thầy dạy, muốn cho cậu chuyện mình vỉết trở nên hấp dẫn và lôi cuốn người đọc mình phải biết tạo nên những cái gút rồi sau đó tìm phương cách mở ra cho người đọc. Tôi mơ ước được làm người viết văn, chăm chú nghe lời thầy giảng nhưng đã quá nửa đời người rồi tôi chưa thắt được cái gút nào như lời dạy. Không phải tôi không muốn nhưng thực tình tôi không có một chút năng khiếu nào trong lãnh vực này, nhưng tôi tin chắc rằng trong số học trò của thầy có nhiều người làm cho thầy hãnh diện trên phương diện này. Một lần tôi nghe đài phát thanh địa phương người phụ trách chương trình “Tản mạn văn nghệ”, trích đọc một bài viết của thầy, giọng đọc của anh xúc động thấy rõ, không giống như những lần khác tôi cũng xúc động không kém, anh nói về quê hương Phú Yên, Sông Cầu, về thầy. Tôi đoán chừng anh ở lớp tuổi sau tôi, nhưng anh không phải người Miền Trung, quê anh Miền Nam, miền Lục Tỉnh, anh thường kể về quê hương anh, nhưng biết đâu anh cũng là một trong những học trò xuất sắc của thầy.

            Người sau cùng xin được nêu ở đây trong phạm vi trường cũ thầy xưa là thầy hiệu trưởng Cung Giũ Nguyên. Thầy hình như gắn liền với chiếc ống điếu trên môi đi tới đi lui trước hành lang văn phòng trường và hình như thầy cũng là thầy dạy môn Pháp Văn của lớp Ðệ Nhị thì phải. Cuối tuần tìm thầy có lẻ dễ dàng nhất ở sân tennis của thành phố. Hình ảnh của thầy hiệu trưởng ghi đậm trong tôi nhất là ngày thầy làm đại diện cho liên anh ứng cử tổng thống cho Ông Ngô Ðình Diệm. Hôm đó tại sân Vận Ðộng Nhatrang, trước đám đông, thầy thật là hùng hồn nêu thành tích của liên danh thầy đại diện và khi cử tri chất vấn thầy trả lời chẳng hề có một chút vấp váp nào. Thầy thật là tài, ấn tượng đó đã đi vào trong tôi từ ngày ấy.

            Với trình độ học vấn hạn hẹp và kiến thức nghèo nàn, nhân dịp nghĩ Ðông và ngày kỷ niệm nhà giáo sắp đến chỉ trong vòng vài tháng nữa, tôi mạo muội viết những dòng vụng về trên để tạm gọi là tỏ lòng biết ơn các thầy cô đã dạy dỗ và có chút lưu niệm trong trang lưu bút này.

            Mùa Ðông Melbourne 2004

            T. P. (Ng. L. G) cựu học Lê Quí Ðôn Nhatrang

            #6
              hai1957 23.11.2012 09:08:36 (permalink)
              NHÀ VĂN VÕ HỒNG QUA THƠ TRẦN NGỌC HƯỞNG

              Lê Ngọc Trác

              19.11.2010




              Có những nhà văn, nhà thơ khi đi vào cuộc chơi chữ nghĩa họ không thuộc một nhóm, một trường phái nào cả. Họ không làm dáng, làm nổi bằng cách viết gai góc, hay tạo những giai thoại giật gân câu khách. Như những người nông dân, cần mẫn trên cánh đồng, họ âm thầm gieo những mùa hoa. Và, hoa đã cho hương, kết trái ngọt cho đời.

              Tác phẩm của họ, dù ở vào thời đại nào, dù xã hội hay chế độ chính trị nào vẫn được người đời trân trọng và mến yêu. Đó là trường hợp của nhà văn: Phan Du, Nguyễn Văn Xuân, Bình Nguyên Lộc, Võ Hồng... (Và còn nhiều nhà thơ, nhà văn khác nữa).

              Võ Hồng đã lấy tên thật của ông làm bút danh. Ông sinh ngày 5/5/1921 tại làng Ngân Sơn tỉnh Phú Yên. Năm 1940, sau khi đậu tú tài, Võ Hồng đi làm công chức cho chính phủ Trần Trọng Kim và sau này là chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến năm 1949, Võ Hồng giã từ công việc của một viên chức nhà nước, ông chuyên tâm vào công việc dạy học và viết văn. Võ Hồng cầm bút khá sớm. Từ năm 1939, Võ Hồng đã có truyện ngắn đầu tay "Mùa gặt" đăng trên "Tiểu thuyết thứ Bảy" với bút hiệu Ngân Sơn. Trong cuộc đời sáng tác, Võ Hồng còn sử dụng các bút danh: Võ An Thạch, Võ Tri Thủy. Năm 1957, người vợ thân yêu của ông mất. Ông vừa nuôi con vừa dạy học và sáng tác. Năm 1959, Võ Hồng xuất bản tập truyện ngắn "Hoài cố nhân". Tác phẩm vừa ra đời đã được người đọc đón nhận nồng hậu. Từ năm 1959 đến năm 1993, Võ Hồng đã sáng tác và xuất bản hơn 20 tác phẩm, gồm: Hoài cố nhân (Ban mai – 1959), Lá vẫn xanh (Thời mới – 1962), Vết hằn năm tháng (Lá bối – 1966), Con suối mùa xuân (Lá bối – 1966), Khoảng mát (An tiêm – 1969), Bên kia đường (Mặt trời – 1968), Những giọt đắng (Lá bối – 1969), Trầm mặc cây rừng (Lá bối – 1971), Trong vùng rêu im lặng (HVN Nha Trang – 1988), Vẫy tay ngậm ngùi (NXB Trẻ – 1992), Hoa bươm bướm (Lá bối – 1966), Người về đầu non (Văn – 1968), Gió cuốn (Lá bối – 1969), Như cánh chim bay (Lá bối – 1971), Nhánh rong phiêu bạt (Lá bối – 1970), Thiên đường ở trên cao (Sở VHTT Nghĩa Bình – 1988), Áo em cài hoa trắng (Lá bối – 1969), Mái chùa xưa (Lá bối – 1971), Chia tay người bạn nhỏ (NXB Trẻ – 1991), Một bông hồng dâng cha (NXB Trẻ – 1991), Thương mái trường xưa (NXB Kim Đồng – 1993), Hồn nhiên tuổi ngọc, Thời gian mây bay...

              Tác phẩm của Võ Hồng bao gồm nhiều thể loại: Truyện ngắn, truyện dài và tiểu thuyết, truyện viết cho thiếu nhi... Trong những trang văn của Võ Hồng, chúng ta bắt gặp nét tinh tế trong diễn đạt. Lời văn trong sáng, trau chuốt và đậm chất thơ. Trong toàn bộ tác phẩm của Võ Hồng đều đậm chất nhân văn: "Người yêu người, sống là để yêu nhau". Với một tâm hồn nhân hậu, một cuộc sống đầy trải nghiệm, Võ Hồng gởi đến người đọc một thông điệp: "Dù trong hoàn cảnh mất mát, khổ đau đến đâu, con người chúng ta vẫn có thể tìm được hạnh phúc. Miễn là chúng ta cảm thông, tôn trọng, yêu thương nhau và vì nhau trong cuộc đời". Chính vì vậy, qua nhiều thời kỳ, nhiều thế hệ độc giả đều yêu mến tác phẩm của Võ Hồng. Thiên tài Phạm Công Thiện – một nhà thơ lớn của đất nước trong thế kỷ 20 – một người cao ngạo đã từng phủ nhận tất cả các triết thuyết và tôn giáo nhưng vẫn thể hiện sự quý mến đối với Võ Hồng và nhà thơ Quách Tấn. Điều này thể hiện sự đánh giá cao của Phạm Công Thiện về nhân cách, tâm hồn và tài văn thơ của Võ Hồng và Quách Tấn. Nhà văn Nguyễn Khải, một cây bút tầm cỡ về truyện ngắn và tiểu thuyết của miền Bắc xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi bàn luận về nhà văn Võ Hồng, Nguyễn Khải chép miệng nói: "Cái tay ấy lành mà cũng viết hay, nhỉ". "Lành" ở đây có lẽ Nguyễn Khải kín đáo nói đến tâm hồn và cách sống của nhà văn Võ Hồng. Còn "hay", Nguyễn Khải nói về tác phẩm của Võ Hồng.

              Giáo sư Trần Hữu Tá đã có những nhận định về văn phong của Võ Hồng mà nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học cho rằng rất hay và chuẩn xác: "...Khi đọc truyện Võ Hồng, cái buồn dịu dàng cứ phảng phất đâu đây. Nhưng thật kỳ diệu, tâm trạng người đọc không bị chùng xuống, không mất lòng tin vào cuộc sống, mà ngược lại như bình tĩnh, thanh thản hơn...".

              Với Trần Ngọc Hưởng, khi anh 11 tuổi, Võ Hồng đã có truyện ngắn sánh vai cùng các nhà văn: Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Mạnh Phú Tư, Tô Hoài... xuất hiện trên tuần san "Tiểu thuyết thứ Bảy". Sau này đến năm 19 tuổi, Trần Ngọc Hưởng, người con trai của quê hương Gò Công đã đi vào con đường sáng tác thơ ca, khi được phỏng vấn về văn chương đương thời, đã khẳng định: "Yêu thích các tác phẩm của Võ Hồng, Sơn Nam, Nguyễn Văn Xuân...". Thế rồi mãi đến 31 năm sau (2000), Trần Ngọc Hưởng được vinh dự gặp gỡ nhà văn Võ Hồng, một tác giả mà anh từng yêu mến, tại thành phố biển Nha Trang. Dù không theo học Võ Hồng một ngày nào nhưng Trần Ngọc Hưởng kính trọng Võ Hồng như một người thầy của mình (người thầy mẫu mực, đầy kính trọng trong văn chương cũng như trong đời thường).

              Trần Ngọc Hưởng là nhà giáo, nhà thơ. Chính từ sự quí trọng, đồng cảm với nhà văn Võ Hồng trong tác phẩm cũng như trong cuộc sống, mà Trần Ngọc Hưởng đã có những vần thơ viết về Võ Hồng tràn đầy tình cảm. Chúng tôi nhớ không lầm Trần Ngọc Hưởng đã có hai bài thơ viết về nhà văn Võ Hồng: Năm 2000, Trần Ngọc Hưởng viết bài thơ ngũ ngôn "Dáng thầy". Mười năm sau (2010) viết tiếp bài thơ "Thông điệp yêu thương". Nhiều người rất thích bài thơ "Thông điệp yêu thương", Trần Ngọc Hưởng viết về chân dung nhà văn Võ Hồng:

              "Tự mình lót ổ sắc không
              "Kéo dây chuông... gọi Võ Hồng"... đợi ai
              Quạnh hiu ngày rộng đêm dài
              Lòng luôn đau đáu nỗi Hoài Cố Nhân!
              Vết Hằn Năm Tháng chân thân
              Chảy hoài Con Suối Mùa Xuân trong lành
              Bên Kia Đường, Lá Vẫn Xanh
              Đong đưa Khoảng Mát bạc quanh tóc người
              Vẫy Tay từ đó Ngậm Ngùi
              Hoa Bươm Bướm nở bên trời rưng rưng!
              Bao năm Trầm Mặc Cây Rừng
              Lòng ta thấu hiểu lòng Luân yêu Quỳ!
              Trái tim xúc động điều chi
              Nhánh Rong Phiêu Bạt nỗi gì lênh đênh!
              Năm mươi năm mấy nỗi niềm
              Lắng nghe tóc bạc bao đêm một mình
              Tách trà khuya có lên men
              Trải ngày thu muộn, qua đêm đông tàn...
              Hồn văn chong ngọn đèn vàng
              Bao dung trước mọi hợp tan vô thường!
              Từng thông điệp của yêu thương
              Truyền đi từ một suối nguồn mênh mông
              Lắng sâu đời cõi đục trong
              Dầu hao bấc lụn chân dung không mờ!

              (Cụm từ viết hoa: Tên một số tác phẩm của nhà văn Võ Hồng)

              Trần Ngọc Hưởng đã tinh tế chọn lọc những nét đặc trưng trong cuộc đời và tác phẩm của Võ Hồng để đưa vào thơ của mình. Với 24 dòng thơ lục bát của Trần Ngọc Hưởng, chúng ta nhận biết được tâm hồn, nỗi niềm của Võ Hồng trong cuộc sống. Và, nội dung các tác phẩm tiêu biểu của ông. Một chân dung văn học đầy đủ về Võ Hồng mà chúng ta hằng yêu quí. Qua thơ, chúng ta đồng cảm, quí trọng cả hai tâm hồn Võ Hồng và Trần Ngọc Hưởng.

              Đẹp biết bao những tâm hồn đôn hậu, rộng mở, thấm đẫm yêu thương trên cánh đồng văn chương thời hiện đại.

              Tài liệu trích dẫn & tham khảo:
              - Mắt xanh (Thơ Trần Ngọc Hưởng, 2010)
              - Thơ tuổi 40 (Thơ Trần Ngọc Hưởng, 2000)
              - Nhà văn Võ Hồng – nhánh rong dường như... sắp thôi phiêu bạt, (Ngô Kinh Luân)
              #7
                hai1957 25.11.2012 09:20:27 (permalink)
                Nhà văn Võ Hồng và thâm tình phụ tử

                Bài đã được xuất bản: 20/09/2009



                Bài thơ Sau ba mươi năm viết cho các con mình, nhà văn Võ Hồng kể về ba đứa con với những vần thơ giản dị, trong trẻo:
                Đứa út vừa lên ba/ Biết mẹ qua tấm ảnh/ Miệng chỉ quen gọi cha/ Khi đói và khi lạnh/ Chị lớn chín tuổi tròn/ Đóng vai người mẹ nhỏ/ Vội vã học điều khôn/ Cửa nhà tập coi ngó/ Thằng giữa khi vào lớp/ Tên mình tưởng tên ai/ Thầy hỏi không biết đáp/ Nghe chim hơn nghe bài…

                Đến thăm ông một chiều mưa thu ở xứ trầm hương, mở cửa là một phụ nữ trên sáu mươi, cô giới thiệu mình tên Đạm, là học trò xưa, sau này thành đồng nghiệp của thầy Võ Hồng ở trường chuyên Lê Quý Đôn nổi tiếng của Nha Trang. Cô nói có chị Hằng, con gái đầu của thầy mới ở Pháp về có thể tiếp chuyện. Đã trên bốn năm nay thầy không viết gì nữa, nói cũng ít đi mà chỉ suy tư và chiêm nghiệm.

                Nhân vật “Chị lớn chín tuổi tròn/ Đóng vai người mẹ nhỏ” kể lại câu chuyện của mình, với những ký ức đau buồn nhưng kết thúc lại là một giấc mơ có hậu dành cho cha, người đàn ông không chỉ thành danh trong nghiệp văn mà còn là một người cha hết lòng vì con cái.

                Chuyện về những người đã mất

                Ngồi trước tôi là một phụ nữ dáng cao, đứng tuổi, trông vẻ ngoài rất hiện đại và năng động với đôi mắt tinh anh và nụ cười cởi mở. Trong số ba người con của nhà văn Võ Hồng, chỉ có chị nối nghiệp văn, tuy hơi trễ bởi từ khi chị xa nhà để vào Sài Gòn trọ học, cha đã âm thầm ngăn cản không cho chị viết văn, để thì giờ học khoa học.

                Chị bắt đầu câu chuyện bằng cái chết của hai người thân yêu nhất đã ám ảnh chị từ tuổi nhỏ. Năm lên bốn, chị chứng kiến cái chết của Jô, em trai kề mình:

                Jô đẹp và hiền lành, giống má nhất, bị sốt nặng và qua đời lúc mới một tuổi rưỡi. Tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh em trong màu áo xanh dương, nằm trên bộ ván, đầu hướng ra cửa sổ, nắng chiều bao trùm người em. Tối đó em sốt cao và mọi người nhốn nháo. Rồi em chết.

                Tôi ra vườn hái hoa hoàng anh lặng lẽ đặt lên linh cữu của em. Hình ảnh đó ghi khắc vào tâm hồn tôi như một cuộn phim câm, sẵn sàng hiện ra mỗi khi nhớ lại quá khứ. Ba năm sau, mẹ tôi phát bệnh trong hai năm liền và vĩnh viễn bỏ ba đứa con nhỏ mà đi.

                Mới chín tuổi đã mất hai người thân yêu nhất, tôi đau đớn thấy cuộc đời quá mỏng manh và bấp bênh. Tôi không có tuổi thơ. Quanh tôi, mọi đứa trẻ khác đều có cha và mẹ, chúng vững vàng như được đi trên hai chân. Tôi chỉ còn một mình cha nên ông trở thành quý báu vô cùng.

                Tôi luôn sống trong phập phồng lo âu. Những lần cha tôi về trễ, tôi thấp thỏm đợi chờ. Có những đêm ngủ nằm mơ thấy cha chết, tôi giật mình kêu ba ơi trong nước mắt rồi yên tâm ngủ lại khi nghe tiếng ba trả lời “sao giờ này mà chưa ngủ?”

                Cha tôi không tục huyền vì sợ chúng tôi khổ, một hy sinh không thể nào đền đáp. Tôi rất biết ơn ông bởi càng lớn tôi càng hiểu nỗi khó khăn của người đàn ông đơn chiếc...


                Thâm tình phụ tử

                Chị lớn lên, có những điều không thể tâm sự cùng cha. Và cha cũng không thể đóng vai người mẹ nên ông loay hoay kiếm cách bù vào khoảng trống đó. Ông dặn chị giúp việc chỉ cho con ông nấu nướng. Ông dẫn con sang nhà nữ sĩ Tương Phố ở đường Trịnh Phong kế bên, nhờ bà dạy con mình cách ứng xử. Bà dạy chị từ dáng ngồi đến cách đi đứng, nói năng.

                Cha còn phái chị thay mình đến thăm những người bạn gái để “học cử chỉ dịu dàng”. Chị cười buồn: “Do hoàn cảnh, cả ba chúng tôi đều sống ở ngoại quốc nên ông càng cô độc”.

                Khi đọc lại từng trang sách của cha, chị biết ông đã trải qua những ngày tháng cô đơn thế nào. Vợ mất sớm, con đi xa, đôi lúc ông chạnh lòng và thông cảm:“Trí nhớ chúng ta vốn rất bạc bẽo. Các con lớn lên, nên vai nên vế, mỗi người có bạn bè riêng tư, có mối lo lắng và vui vẻ riêng tư... nên các con dần dần quên nghĩ đến nhau. Mối đau khổ chung của ngày mất mẹ xoá nhoà dần đi...

                Vì thế hôm nay chị lại trở về, mong cầu điều duy nhất là được chăm sóc cha. Khi làm việc, chị đem laptop xuống ngồi bên cạnh giường ông lúc ông ngủ, để lắng nghe hơi thở, để nhìn sắc mặt mà đoán sức khoẻ của cha vì theo chị, “sau này dù có đánh đổi cả vũ trụ để lấy một giờ được lo lắng đỡ đần cha mình, cũng không thể nào có được. Do đó tôi trân quý vô cùng những ngày tháng được ở bên cạnh cha tôi. Ngoài tôi ra, cô Đạm là người thương ba nhất. Cô là bạn rất thân của ba hơn hai mươi năm nay”.

                Ngôi nhà nhỏ số 53 Hồng Bàng, Nha Trang bây giờ trở nên ấm áp và tràn đầy tình yêu thương. Nhà văn Võ Hồng giờ đây hẳn thấy yên bình khi ở bên ông không chỉ có một mà đến hai người phụ nữ ông yêu thương.

                Theo Ngân Hà (Sài Gòn Tiếp Thị)
                #8
                  hai1957 30.11.2012 15:44:22 (permalink)
                  Nửa chữ cũng là Thầy


                  Kính tặng Thầy Phạm văn Thanh



                  Trong cuộc đời được may mắn cắp sách đến trường của tôi từ lớp Đồng Ấu, nơi mái tranh lụp xụp của Thầy Tổng Lâm dưới xóm Cồn, học trò phải ngồi bệt dưới đất cát để học, cho đến lúc được ngồi trên những chiếc ghế cá nhân dính liền với bàn kiểu Mỹ, của ngôi trường Sư Phạm tân kỳ, đồ sộ ở Qui Nhơn-Bình Định, để học làm thầy, tính ra có hơn hai mươi Người Thầy và Cô đã góp bàn tay dạy dỗ và rèn luyện cho tôi nên người hữu dụng.
                  Chưa kể vài Giáo Sư ở mấy phân khoa đại học mà tôi đã mon men bước chân vào một độ. Chưa nên cơm cháo gì.
                  Tôi nói được may mắn cắp sách đến trường là bởi cha mẹ tôi cũng như hầu hết dân chài trong xóm đều nghèo. Nghèo ghê lắm. Nghèo xác xơ. Chạy ăn từng bữa. Trẻ con trong xóm đông lúc nhúc nhưng được ôm vở đến trường thì đếm chưa hết mấy đầu ngón trên hai bàn tay.
                  Tôi là một đứa trong những ngón tay ấy. Tưởng không thể nào nói hết ra đây nỗi cơ cực mà cha mẹ tôi đã ráng cho tôi ăn học. Thật là trăm cơ ngàn khổ.
                  Ráng lết cho đến bậc Trung học thì sĩ tử rơi rụng dọc đường “lều chỏng” gần hết. Qua năm Đệ tứ, ngó lại chỉ còn mình tôi, giống như chiếc lá cuối cùng của mùa thu, bám lủng lẳng trên cành cây khô.

                  Đám bạn tôi, một ít chọn binh nghiệp, chấp nhận cuộc đời gươm súng. Một ít theo cha mẹ trở lại nghề “kéo neo tát nước”. Mạng đời phó thác cho bọt nước biển khơi.
                  Nhớ câu “Chim có bạn cùng hót tiếng hót mới hay. Ngựa có bạn cùng đua nước đua mới mạnh”, với những năm tháng vừa vui đùa nghịch ngợm vừa tranh đua học hành cùng các bạn trong xóm, tôi chạnh lòng khi lủi thủi đi học một mình ở ngôi trường Trung Học Võ Tánh xa lạ và không một ai thân thiết.
                  Rồi dần dà tôi cũng có bạn mới và niềm vui mới. Bạn mới của tôi từ khắp nơi tụ về đây. Gần nhất là ở các làng quê ở Nha Trang như Thành, Phú Lộc… hoặc Ninh Hòa, Vạn Giả… Và các tỉnh xa về như Phan Rang, Phan Thiết, Phú Yên, Bình Định…
                  Đời học trò của tôi lắm nỗi gian truân, khổ ải chứ không được bình thường êm ả như những đứa trẻ khác có đầy đủ phương tiện, cha đưa mẹ đón…

                  Sáng hôm ấy, một buổi sáng đầy sương thu và giá lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng…” đoạn văn này, đối với tôi bấy giờ chỉ có trong tiểu thuyết lãng mạn do mấy ông văn sĩ chắc cũng đã trải qua hoàn cảnh như tôi ngồi ao ước mà tả ra thôi.
                  Rồi “An Di con ơi! Con nghe đồng hồ điểm, con nói “Một giờ qua” rồi con cứ vui đùa…” Lại càng không thể có với cha mẹ tôi. Hai ông bà đầu tắt mẳt tối lo chạy gạo thở không ra hơi cho mười mấy anh em tôi, thì thời gian đâu còn nữa để mà “An Di con ơi!” Vả lại cha mẹ tôi mù chữ thì làm sao có thể ngó vô sách vở của tôi để biết nó là “con còng con cua” hay “con gà bới rác” ra sao để mà kèm cặp, theo dõi. Bởi vậy, cha mẹ tôi cho tôi đi học là phó thác cho trời và van vái “phúc đức ông bà tổ tiên phù hộ cho con tôi học giỏi” mà thôi.

                  May thay, trong suốt thời gian mài đủng quần trên ghế nhà trường, tôi đã gặp được nhiều Thầy và Cô giáo có tấm lòng nhân hậu và đầy lương tâm nghề nghiệp đã dạy dỗ, dẫn dắt biết bao nhiêu thế hệ trẻ nên người hữu dụng sau này.
                  Công ơn này tôi mãi mãi ghi sâu trong dạ.
                  Thời gian qua mau quá! Vừa mới trải qua một cuộc bể dâu, ngoảnh lại đã hơn nửa thế kỷ. Tôi trở về chốn cũ tìm lại bóng hình những người Thầy, Cô xưa, thì than ôi! “hạc vàng” đã về trời hầu hết.
                  Tôi chỉ còn gặp lại Thầy Cung Giũ Nguyên dạy Pháp Văn, Thầy Nguyễn Ngân dạy Anh Văn cho tôi từ năm Đệ thất đến năm Đệ tứ. Tôi cũng gặp lại Thầy Đào, Thầy Dự, Thầy Vĩ, Thầy Võ Hồng. Nhưng hồi đó, tôi không có cơ duyên được học với những vị Thầy này.
                  Các Thầy nay đã già lắm rồi. Sức khỏe yếu lắm rồi. Giống như những chiếc lá vàng cuối thu không biết rụng rơi lúc nào. Chỉ mỗi Thầy Ngân là còn tương đối khoẻ. Có lẽ Thầy nhờ có thú đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh nên đã vượt được ngưỡng cửa “lực bất tòng tâm” chăng?
                  Thầy cũng đã bát tuần.
                  Thầy còn khả năng cưỡi xe gắn máy chạy từ Nha Trang, vượt đèo Ngoạn Mục lên tận Đà Lạt hoặc ra đến đỉnh đèo Cả, tới Tuy Hòa, cốt để chụp vài tấm ảnh rồi hối hả chạy về trong ngày để chăm sóc cho Cô Cúc, vợ thầy, tuổi cũng đã cao, sức khoẻ lên xuống bất thường.

                  Nhưng đặc biệt cảm động nhất là tôi gặp lại được Thầy Phạm văn Thanh. Người Thầy cách đây hơn năm mươi năm trước, đã đích thân xuống xóm tôi, vào tận căn nhà nghèo nàn của tôi nằm bên ven sông, chính tay Thầy tặng cho tôi cuốn sách “Toán lớp Ba”, cuốn sách chỉ có mấy đồng bạc mà cha mẹ tôi vẫn không có nổi để góp cho trường mua dùm.
                  Cái ngày “lịch sử đời tôi” mở ra từ đây.

                  Trước đó, tôi là đứa trẻ ham chơi hơn ham học. Cộng thêm không có sách học thêm nên tôi là đứa học trò đã dốt càng thêm dốt, luôn luôn đội sổ. Ngày ngày tôi ôm vở (không có cặp để ôm) đến trường cho có lệ chứ thực ra là ở mấy gốc cây bàng ngoài bờ biển hoặc ở mấy toa xe lửa xụt xịt chạy tới chạy lui đổi toa ở sau Ga Xe lửa là chính.

                  Từ cái lúc Thầy tặng cho tôi cuốn sách, tôi bỗng như người thay hồn, đổi lốt. Tôi yêu quí cuốn sách của Thầy và gìn giữ nó như một báu vật. Tôi không còn lêu lỏng theo đám bạn trong xóm nữa. Ngoài thời gian giúp Má tôi trong việc buôn bán trong ngày, thì giờ còn lại tôi chuyên tâm lo học hành để khỏi phụ lòng tin yêu của cha mẹ và Thầy Thanh.
                  Dần dà, tôi khá hơn và bắt kịp bạn bè. Bao nhiêu kỳ thi tôi đều vượt qua hết. Thầy Thanh và cha mẹ tôi vui mừng biết bao. Có lẽ họ là những người vui hơn cả nỗi vui của tôi nữa, với những thành quả tôi đạt được.
                  Mặc dù tôi chỉ học Thầy có một niên khóa ở lớp Ba, nhưng cái dấu ấn “đổi đời” ấy không bao giờ xóa nhòa trong tôi.

                  Mỗi khi có dịp ôn về dĩ vãng cuộc đời để kể lại cho các con tôi nghe thì cái hình ảnh Thầy Phạm văn Thanh đạp xe xuống nhà tôi nhìn thấy tôi ngồi xay bột nấu chè “sôi nước” cho mẹ bán, Thầy rút trong túi ra cuốn sách mỏng với giọng đầy xúc động: “Tội nghiệp hoàn cảnh của con! Thiệt là con nghèo cháy túi! Thầy cho con cuốn sách này! Ráng mà học nghe con!” cứ hiện ra rõ mồn một y như vừa mới hôm qua.

                  Học trò nhớ Thầy, dù ít hay nhiều, đó là lẽ thường. Còn Thầy thì mỗi năm qua đi với biết bao nhiêu đứa học trò làm sao mà nhớ hết! Có chăng là những trường hợp đặc biệt như mấy ôn con “nghịch ngợm phá phách trời thần đất lở” hay có trò “thần đồng thông minh vượt bực” thì Thầy mới còn có thể nhớ nổi sau mấy chục năm.
                  Vậy mà không hiểu sao, sau năm mươi năm, gặp lại Thầy Thanh, Thầy vẫn còn nhớ tôi.
                  Tôi chỉ là đứa học trỏ nhỏ nhất lớp, nhà nghèo, học dốt như nhiều trò khác thôi. Không có gì đặc biệt.

                  Anh bạn chở tôi tới thăm Thầy, chuyến về lại Việt Nam sau hơn mười ba năm xa lìa quê hương. Nhà Thầy ở hẻm Phương Sài. Thầy ôm chầm lấy tôi, trong vòng tay ấm áp của Thầy với hai cánh tay khẳng khiu, tôi không cầm được sự thổn thức. Những giọt nước mắt của tôi tràn ra y như hồi Thầy cho tôi cuốn sách lớp Ba. Lúc đó tôi cũng chỉ biết khóc vì cảm động chứ không biết nói gì. Lần ấy, lần này cổ họng tôi cũng nghẹn lại nói không nên lời.
                  Tôi nhìn lên khuôn mặt già nua của Thầy, hai khoé mắt của Thầy cũng rưng rưng.
                  Vợ Thầy mất đã lâu. Thầy sống cô quạnh trong căn nhà xưa với nỗi buồn vui một mình. Các con của Thầy cũng tản lạc khắp nơi như bao nhiêu gia đình khác sau năm bảy lăm.
                  Thầy chỉ nói với tôi mỗi một câu:
                  - Gặp lại con Thầy mừng lắm. Thầy vui lắm.
                  Tôi cứ ấp hai bàn tay Thầy, những ngón tay khô, gầy vào ngực tôi mà trí tôi bao nhiêu là kỷ niệm dồn dập tràn về.

                  Tôi học lớp Ba với Thầy năm 1952. Lớp Nhì với Thầy Huỳnh kỳ Ngộ và lớp Nhứt với Thầy Sử văn Tuy.
                  Năm 1954 trải qua hai kỳ thi và “Ê cờ Ri”* (Écrit) và “Ô ran”*, tôi đậu “Ri Me” (Primaire Élémentaire). Nhưng khi chen chân vào Đệ Thất ở Trường Trung học Võ Tánh, tôi bị loại khỏi vòng chiến. Quanh tôi “cao thủ võ lâm” quá nhiều. Lại còn cái trường Luyện thi vào Đệ thất của Thầy Trực ở đường Trần quí Cáp nữa chứ. Lớp học chật ních học trò luyện thi sáng, trưa, chiều, tối. Tôi chỉ mon men, thập thò ngoài bệ cửa, nhóng vào bên trong chứ đâu có tiền đóng học phí để đi học thêm.
                  Thi vào Đệ thất trường Công Lập là mơ ước của nhiều ngàn học trò trong tỉnh. Mà sỉ số lấy vào thì hạn chế chừng trăm rưởi hay hai trăm trò là tối đa.

                  Đúng như cái tên gọi cuộc thi là “Còng cua”* (Concours). Hai cái càng con cua, càng lớn, càng nhỏ, đã khắc nghiệt kẹp đứt biết bao nhiêu là tương lai tuổi trẻ để chọn cho được những hạt gạo trên sàng.
                  Sau kỳ thi rớt vào Đệ thất, thối chí học hành, tôi xin cha tôi cho “đi mành” để “kéo neo tát nước” như những đứa trẻ khác trong làng hòng phụ giúp cái ăn trong gia đình.
                  Nhưng cha mẹ tôi cương quyết bắt tôi đi học.
                  Tôi đi học ở trường Tư Thục Tương Lai, sau đổi thành Văn Hóa. Bốn năm sau, tôi quyết chí đánh vật với cái “Còng cua” cao hơn môt bậc là tranh nhau vào lớp Đệ tam Võ Tánh.
                  Và tôi đã chiến thắng.

                  Tôi vui mừng gặp lại Thầy Thanh. Bây giờ Thầy với Thầy Tuy trở thành nhân viên văn phòng của trường, không còn dạy ở Tiểu học nữa.
                  Tôi học ở đó bốn năm, ngày ngày vô cổng, tôi vui vẻ kính cẩn giở mũ chào Thầy. Thầy đứng ở bậc cấp nhìn tôi và mỉm cười. Thầy Tuy thì hiền và nghiêm không xuề xòa như Thầy. Tôi không có dịp gần Thầy Thanh nữa, nhưng hình ảnh của Thầy lại hòa nhập vào Thầy Võ Thành Điểm, Giáo sư dạy Hội Họa kiêm Giám thị. Thầy Điểm có nhiều nét giống Thầy Thanh. Từ cái dáng mập mạp, khuôn mặt đôn hậu, đến tính tình xuề xòa vui vẻ hay cười đùa với học sinh, dù trên danh nghĩa là Giám thị (cái chức vụ chuyên kiểm tra xét nét học trò phạm lỗi) học trò ai nấy vẫn yêu mến Thầy.
                  Đến giờ vẽ của Thầy, học trò cứ vui như ngày Tết.
                  - Hôm nay Thầy cho các con một cái “xúy djê”*. (sujet)
                  Giọng nói miền Nam của Thầy nghe bình dị, thân thương. Nụ cười Thầy lấp lánh một chút răng vàng trông rất tếu.
                  (Ngày Thầy mất, dù trong hoàn cảnh khó khăn, học trò đi đưa vẫn đông đảo như đám tang của Thầy Bửu Cân trước bảy lăm)

                  Năm sáu hai, tôi từ giã trường và cũng từ giã luôn thành phố Nha Trang đầy nắng, gió, sóng biển để bắt đầu lao vào vòng danh lợi với nợ áo cơm.
                  Tháng tư năm bảy lăm, mộng lớn, mộng con trôi theo dòng thác lũ oan nghiệt của cơn bão dữ.
                  Tất cả đều tan hoang.
                  Tất cả đều hủy hoại.
                  Tôi vào tù, ra tù và biệt xứ.
                  Mười ba năm sau, tôi trở lại quê hương, rất may mắn được gặp lại Thầy, được Thầy ôm trong vòng tay. Tôi hạnh phúc sống lại giây phút của cậu học trò nhỏ thuở mười ba.
                  Trước hôm giã từ các Thầy và bè bạn để về lại xứ xa, một buổi tiệc nhỏ được tổ chức ở nhà hàng Hoàng Yến để Thầy trò cùng uống chén rượu tạm biệt, Thầy Ngân đọc tặng tôi bài thơ của một Nữ sĩ đã tặng cho Thầy.
                  Bài thơ nói về chữ Tâm đầy cảm xúc.
                  Riêng Thầy Thanh, khi được các bạn xin Thầy phát biểu vài lời với người học trò ở xa về, Thầy đứng lên, bằng giọng xúc động run run, Thầy chỉ nói vỏn vẹn ba tiếng:
                  - Thầy thương con!
                  Chỉ có ba tiếng “Thầy thương con” mà tôi cảm thấy Thầy đã dành cho tôi cả một tấm lòng nhân hậu bao la.
                  Tôi cũng đã từng đi dạy học và hồn tôi đã từng thấm đẫm tấm lòng thương mến của nhiều học trò đối với thầy. Nhưng tôi chưa có dịp được nói với đứa học trò nhỏ nào của tôi như câu nói của Thầy Thanh dành cho tôi.

                  “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ hay nửa chữ vẫn là Thầy một đời. Ở đây, Thầy Thanh đã dạy cho tôi cả một rừng chữ và cả một tấm lòng nhân ái mà tôi được ân sủng.
                  Tôi lại nhớ đến bài học vỡ lòng của Thầy Tổng Lâm trong xóm, ngày đầu tiên đi học với mái tóc còn để chỏm:
                  Rừng Nhu, biển Thánh khôn dò,
                  Nhỏ mà không học lớn mò sao ra

                  Tôi luôn hy vọng sẽ lại gặp Thầy nhiều lần nữa trong những năm sau này khi có dịp về thăm xứ sở, quê hương.

                  Giờ đây, tuy tuổi đời sắp tới thất thập, một lần nữa, tôi vẫn xin nói lên lòng biết ơn công lao dạy dỗ và lòng thương yêu của tất cả Thầy, Cô đã một đời tận tụy với nghề nghiệp, với đám học trò nhỏ mà chúng đã đứng thứ ba sau quỷ và ma, chúng đã từng làm cho các Thầy, Cô có lúc buồn vui và cả khổ đau với chúng.
                  Lời cha tôi dặn dò vẫn văng vẳng đâu đây:
                  Không Thầy đố mày làm nên!

                  Nguyễn thanh Ty, ngày bắt đầu mùa Xuân, 25/3/06.
                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.11.2012 15:45:22 bởi hai1957 >
                  #9
                    Chuyển nhanh đến:

                    Thống kê hiện tại

                    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                    Kiểu:
                    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9