ĐỆ NHẤT KIẾM SĨ
ThaiNC 16.02.2013 14:43:27 (permalink)
[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/104771/A7EE98AAC8654E01AFA85F0421F337D2.jpg[/image]


Trời gần về chiều, nhưng cơn nắng gay gắt vẫn bao trùm vạn vật. Dưới sức cuồng nộ của thần Mặt Trời, ngọn Hồng Lĩnh nằm yên chịu đựng. Thoai thoải ven sườn núi đến con đường mòn tận đằng xa, cả rừng cây rậm rạp bị ngự trị và khuất phục trước uy vũ thiên nhiên lặng yên không di động; ngoại trừ một bóng trắng đang di chuyển an nhiên trên con đường.
Khách bộ hành là một người đàn ông đứng tuổi. Chiếc áo choàng màu trắng dình đầy bụi đường vì quãng đường dài trước khi đến đây.Vầng trán rộng dưới chiếc nón rộng vành lấm tấm hài hạt mồ hôi, nhưng đôi mắt sáng không tỏ vẻ gì nhọc mệt, chân vẫn nhịp bước tiến về phía trước.
Khi đã đến chân núi, khách dừng lại quan sát địa thế. Có hai con đường đi lên núi. Một ở phía đông, và một ở phía tây.Tây lộ thẳng tắp và đầy dốc đá hiểm trở. Đông lộ thoai thoải và ngoằn ngoèo như con rắn uốn mình lên núi. Cả hai đường đều rất hẹp chỉ đủ một người lách qua. Khách dợm mình định lên tây lộ để rút ngắn quãng đường. Bỗng ông chú ý thấy bên đông lộ một quyện khói bốc lên. Phía dưới thấp thoáng một mái tranh ẩn mình trong lùm cây sum xuê. Té ra ở ngọn núi trơ trọi giữa một vùng hoang vu này cũng có người cư ngụ. Có lẽ gia đình của tiều phu hay thợ săn chi đây. Khách chợt cảm thấy một niềm vui nho nhỏ loé lên trong lòng. Nhìn về phía mặt trời nhẩm tính thời gian vẫn còn rộng rãi, ông quyết định đi con đường phía đông.
Nguời áo trắng khoan thai tiến lên. Càng về phía trên, ông nhận thấy những cụm hoa rừng thành từng hàng thẳng thớm. Đi thêm đoạn nữa, quả nhiên căn nhà tranh gọn ghẽ xuất hiện trong tầm mắt. Ông tiến đến đưa tay gõ cửa.
Đợi một chút, quả nhiên cánh cửa bật mở. Một người đàn ông sừng sững bên trong.
Người áo trắng chắp tay nói:
-Ông anh, tôi có việc lên đỉnh núi đi ngang đây, có thể xin ông chén nước?
Người đàn ông ngần ngừ trong giây lát, rồi né sang một bên nhường lối:
-Được, mời ông vào nhà nghỉ mệt.
Khách theo gia chủ bước vào trong. Đây là một căn nhà nhỏ ba gian. Phòng ngòai có chiếc bàn gỗ và bốn cái ghế đẩu để tiếp khách, mặc dù ở chốn hoang dã này khách của gia chủ chắc cũng rất hiếm hoi. Chung quanh phòng thật đơn sơ, vài bộ da thú và đôi sừng hươu khá lớn tại góc phòng. Phía bên kia tường treo một chiếc cung sắt và ống tre chứa đầy tên. Sự bày biện trong nhà khiến khách đóan chừng gia chủ sinh sống bằng nghề săn bắn. Không biết ông ta sống một mình hay có gia đình? Khách đang suy nghĩ, gia chủ đã trở ra kéo ghế ngồi đối diện.
-Mời ông đợi trong giây lát. Tiện nội đang châm trà.
Té ra ông ta còn có vợ ở đây
-Không dám làm phiền nhiều. Xin ông anh chén nước mưa là đủ rồi.
Chủ mỉm cười thân mật -Chúng tôi ở đây chẳng mấy khi được tiếp khách. Nhưng dù sao cũng cho phải phép, Chẳng hay…đại hiệp có việc gì phải lên núi? Từ đây lên đến ngọn còn khá xa, đừng đi rất hiểm trở.
Chủ nhà tinh ý đóan được khách phải là một bậc kiếm khách giang hồ qua dáng cách khoan thai, thái độ trầm hùng, và nhất là thanh kiếm gác bên cạnh.
Khách trả lời
-Tôi có hẹn cùng người bạn trên đỉnh núi đêm nay.
Chủ nhà khá ngạc nhiên khi nghe khách nói. Kể cũng kỳ lạ. Thiên hạ thiếu chi chổ ấm cúng thoải mái, lại cùng nhau hò hẹn lên ngọn núi trơ trọi. Nhưng nghĩ lại khách giang hồ thường có nhũng hành động người thường không thể hiẻu được nên cũng không hỏi gì thêm.
Giữa lúc đó, người vợ của gia chủ đã mang trà lên, rót đầy hai chén.
-Mời đại hiệp dùng trà.
- Cám ơn đại tẩu. Khách đáp lễ.
Chủ và khách cùng bưng chén nhắp vài ngụm nhỏ. Khách bắt chuyện
-Thật không ngờ giữa chốn núi non hoang dã như vầy lại có gia đình ông anh cư ngụ. Cảnh trí thật hùng vĩ. Đúng là một nơi lý tưởng.
-Đại hiệp nhận xét đúng đó. Chỉ có điều hơi bất tiện là mỗi lần xuống làng giao dịch đổi chác phải nửa ngày đường. Nhưng rồi cũng quen…
-Ông anh làm nghề săn bắn ở đây?
Chủ gật đầu
-Đúng vậy. Gia đình tôi mấy đời đều lấy nghề săn bắn làm kế sinh nhai. Đó là lý do chúng tôi phải làm nhà ở đây, cách biệt với xóm làng chung quanh.
-Vậy chẳng hay ông anh đã có cháu để nối nghiệp?
Nghe hỏi, gia chủ lộ vẻ phiền muộn, trả lời
-Không dấu gì đại hiệp. Tôi cùng nhà tôi chung sống đã lâu nhưng chỉ có môt mụn con trai. Năm nay nó mười tuổi.
Kể cũng là hiếm muộn, nhưng nghĩ lại thì dù sao có được đứa con nối dõi tông đường thì cũng mãn nguyện rồi. Vậy mà…
Chủ nói tới đây bỗng dừng lại, lặng lẽ lắc đầu
-Chuyện gì xảy ra cho cháu? Khách hỏi
Chủ buồn bã:
-Tôi cũng không rõ lắm. Cách đây mấy bữa, tôi dẫn nó vào rừng tập bắn, về nhà bỗng lâm ra bệnh nặng.
- Bệnh gì? Chắc là ông anh đã mời thầy thuốc?
- Dĩ nhiên. Chỉ một đúa con thôi nên chúng tôi lo lắm. Tôi đã mời hai thầy lang nổi tiếng nhất của hai làng gần đây về chẩn mạch. Vậy mà cả hai đều không rõ bệnh gì. Họ có cho toa hốt thuốc, nhưng vẫn không thấy hiệu nghiệm gì cả. Hà…
Khách lộ vẻ ngạc nhiên.
-Bệnh cháu làm sao?
Chủ rầu rĩ nói:
-Căn bệnh rất lạ đời. Như tôi nói hôm vào rừng tập bắn cung xong về nhà, nó bỗng than lạnh. Đại hiệp thấy lạ lùng không chứ? Giữa trời đang nóng bức như vầy…Càng lúc cơn lạnh càng tăng, hành hạ nó đến chết giấc dù tôi đã đắp chăn ấm và đốt lò sưởi chung quanh cách mấy cũng không giảm.Tội nghiệp, cũng có lúc tỉnh dậy muốn nói gì đó mà không thành lời.Khi tỉnh khi mê . Có lẽ…không qua khỏi. Hà….
Chủ nhà dứt câu, thở dài ảo não làm khách aí ngại. Quả là một điều bất hạnh. Hai vợ chồng đều đứng tuổi, chỉ có một mụn con an ủi lúc về già và để nối dõi. Vậy mà đứa con đó đang bị tử thần đe dọa bằng căn bệnh kỳ lạ..
Một ý nghĩ thoáng qua, khách nói
-Tôi tuy không phải là thầy thuốc, nhưng cũng biết chút ít về y lý. Ông anh có thể để tôi xem qua cháu được không?
Chủ nhìn khách nghi ngờ. Bệnh tình của con ông đến thầy lang nổi tiếng còn đành bó tay, huống chi…Nhưng càng nhìn khách, thấy đôi mắt sáng cương nghị, dáng cách ung dung, gia chủ bỗng thấy một niềm hy vọng lóe sáng. Nói cho cùng, gia đình ông đang lúc tuyệt vọng. Đâu còn gì có thể tệ hơn nữa?
Ông phấn khởi
-Thật là may mắn. Nếu đại hiệp chữa được cho cháu. Ơn này chúng tôi không bao giờ dám quên. Mời đại hiệp.
Nói xong, gia chủ đứng dậy dẫn lối cho khách vô phòng bên trong.
Vừa bước vào, khách đã thấy luồng hơi nóng hừng hực từ hai lò sưởi đang đỏ chói than hồng. Trên giường, một thằng bé đang thiu thiu ngủ dưới tấm chăn dày cộm trùm kín từ cổ tới chân, chỉ chừa khuôn mặt trắng bệt. Bên cạnh giường, mẹ đứa bé ngồi yên lặng nhìn con buồn bã. Thấy khách buớc vào, bà đứng dậy lùi lại phía sau nhường lối.
Khách áo trắng ngồi xuống. Ông luồn tay dưới chăn nắm lấy cổ tay thằng bé để xem mạch. Trong khi đó, hai vợ chồng người thợ săn tựa cửa nhìn vào dáng diệu hồi hộp. Họ đang tuyệt vọng nên hễ có cơ may nào cứu vãn tình thế đều cố nắm lấy, dù tia hy vọng đó có mong manh.
Cả bốn người, kể cả đứa bé mắc bệnh mê man trên giường đều bất động. Độ chừng tàn nửa nén nhang, khách buông tay chậm chạp đứng dậy. Chủ nhà tiến đến run run hỏi:
-Đại hiệp thấy thế nào?
Khách trầm ngâm chưa trả lời, vợ gia chủ đã quỳ xuống khóc thút thít
-Đại hiệp, xin cứu độ. Chúng tôi nhớ ơn suốt đời.
Khách ngưng luồng tư tưởng đang tranh đấu dữ dội trong đầu, cúi xuống nâng người mẹ đau khổ lên
-Đại tẩu, đừng làm vậy. Tôi sẽ cố gắng.Tôi đang suy nghĩ về bệnh tình của cháu đây mà.
Người chồng dù sao cũng còn bình tĩnh hơn, nắm áo vợ kéo ra ngoài “Để cho đại hiệp suy nghĩ” Ông thì thầm.
Còn lại một mình khách áo trắng trong phòng. Ông chắp tay sau lưng, trán nhăn tít nhìn đứa bé. Nó thật đáng hương.Giữa trời mùa hạ, lại thêm hai lò sưởi chung quanh, vậy mà thỉnh thoảng răng nó đánh vào nhau nghe cồm cộp.
Mình có nên chữa cho nó không?
Thì ra khách đã rõ nguyên nhân gây ra căn bệnh, và biết mình có thể cứu đứa bé thoát khỏi vòng tay tử thần. Điều làm ông suy nghĩ là có nên ra tay chữa trị đứa bé lúc này hay không mà thôi.
Tại sao ?
Khách vốn là một bậc đại hiệp nức tiếng võ lâm, luôn cứu khổn phò nguy. Vậy hôm nay vì cớ gì ngần ngại với đứa bế tội ngiệp này. Muốn biết rõ nguyên nhân, chúng ta phải ngược giòng thời gian khoảng mười năm.

Mười năm trước, chốn giang hồ bỗng xuất hiện hai tay đại cao thủ. Một người hành hiệp ở phương Bắc, người kia ở phương Nam. Cả hai cùng khá trẻ trên dưới ba mươi, và võ công của họ thật cao cường không ai chống nổi. Lấy con sông Trường Giang làm ranh giới, mọi người gọi họ là Nam Kiếm và Bắc Kiếm, vì cả hai đều lấy kiếm làm binh khí.. Tất cả mọi phái võ thời bấy giờ đều công nhận hai người có võ công cao nhất. Nhưng ai là người giỏi hơn trong hai người là một câu hỏi không thể trả lời. Cả Nam lẫn Bắc kiếm đều thuộc giới hiệp nghĩa, chung mục đích trừ gian diệt bạo, nên họ chưa bao giờ giao chiến cùng nhau. Thâm chí cũng chưa có kẻ nào được dịp giao đấu với cả hai người để mà bình phẩm, ngoại trừ vài tên đại đạo, nhưng chúng đều đã ra…người thiên cổ. Vì vậy, ngôi vị đệ nhất kiếm vỏ lâm hơn mươi năm qua vẫn còn để trống.
Đó là những điều giang hồ đồn đãi. Một sự thực mà chỉ có hai người biết rõ, đó là họ đã bí mật thử tài nhau hai lần, và không ai thắng được ai. Mỗi lần thủ huề như vậy, họ đã hẹn thời hạn năm năm cùng nhau tái đấu để quyết định ngôi vị tay kiếm đệ nhất.
Hôm nay là ngày hẹn lần đấu thứ ba của họ. Nơi định là đỉnh núi Hồng Lĩnh hoang vu không ai qua lại này. Và khách áo trắng chính là Nam Kiếm trên đường đến nơi quyết đấu.
Chính vì tầm quan trọng của cuộc so tài đêm nay đã làm khách áo trắng suy nghĩ mãnh liệt. Lúc bắt mạch đứa bé xong, ông biết nó bị gió ma xâm nhập. Gío Ma chỉ là tiếng gọi của dân gian chứ thật ra chỉ là một luồng gío chướng cực hàn thỉnh thoảng thổi qua những vùng núi hoang vu và dễ dàng giết hại những ai chẳng may bị nó thổi qua. Vì nguồn gốc hiếm hoi của nó mà những đại phu thường tình của dân gian ít ai rõ căn nguyên, nguồn gốc, và do đó không thể chữa trị bằng những phương thuốc thông thường được. Tuy nhiên đây không phải là căn bệnh bất trị. Những đại phu giỏi và hiểu căn nguyên có thể đặc chế những toa thuốc cực nhiệt và từ từ có thể chữa được. Nhưng ở nơi hoang vu này làm sao có được đại phu giỏi? Hơn nữa bệnh tình thằng bé này đã đến hồi nguy kịch, không còn thì giờ nữa. Ông thấy là nó đã không thể cầm cự được nữa rồi.
Thật là khó nghĩ. Khách áo trắng biết rằng phương pháp duy nhứt ngay bây giờ để cứu sống đứa bé là ông phải dùng công lực bản thân của ông biến thành nhiệt khí thay thế cho thuốc truyền vào đứa bé thì mới có thể hóa giải làn gío ma trong người nó.. Dĩ nhiên cứu chữa xong, ông sẽ bị tổn hao công lực nghiêm trọng cần tịnh dưỡng một thời gian dài để phục hồi.
Nếu là ngày khác, ông nào có sá chi, và sẽ không ngần ngại ra tay ngay. Nhưng hôm nay lại khác. Trước đối thủ đồng sức đồng tài, ông cần bảo tồn hoàn toàn chân lực để chiến đấu. Điều khó khăn là không thể để đến ngày mai. Mạch của thằng bé quá yếu ớt. Khó lòng qua khỏi đêm nay. Ông cũng không thể dời lại cuộc chiến. Quân tử nhất ngôn. Một lời hứa nặng tựa Thái Sơn.
Ông phải quyết định. Danh dự hay lương tâm? Hơn mười năm ngang dọc, khách áo trắng chưa bao giờ phải đứng trước tình thế nan giải.
“ Cạcch…Cạccchhh..” Đứa bé đang lên cơn lạnh, răng đánh vào nhau làm tim ông đau nhói. Ông bỗng nhớ lại lúc mẹ nó quỳ xuống van nài. Đôi mắt bà đầy vể thiết tha cầu khẩn. Ôi lòng mẹ thương con vô bờ bến. Ông cũng nhớ ánh mắt người cha rực niềm hy vọng khi đưa ông vào chẩn mạch. Ngày xưa ông chỉ là đứa con mồ côi được thầy nuôi nấng dậy dỗ từ thuở ấu thơ, chưa một lần được hưởng tình mẫu tử thiêng liêng. Khi trưởng thành xuống núi, ông là kiếm sĩ cô đơn sống với tha nhân, không có gia đình để được hân hạnh làm cha…
“Cạacchhh…cạacch..”
Cơn lạnh đang hành hạ đứa bé mãnh liệt. Ông thấy từ khóe mắt nó hai giọt nước mắt chảy xuống gò má. Hình như nó đang tỉnh, muốn kêu cha kêu mẹ mà không thành tiếng. Hơi thở của nó trở nên mạnh hơn và khò khè dồn dập. Nó đang hấp hối.
Khách áo trắng tuốt kiếm ra khỏi vỏ nâng ngang mày. Mười năm qua thanh kiêm này chưa bao giờ thua. Tuy hai lần nó không thể chiến thắng trước Bắc Kiếm, nhưng cũng chưa thua.
Kiếm trong tay, kiếm sĩ quay lại nhìn đứa bé. Ông cảm thấy như người nằm kia không phải là thằng bé con ông thợ săn nữa. Ông thấy rõ ràng là người thầy năm xưa của ông đang hấp hối trên giường bệnh, nói với ông câu sau cùng “Kiếm để cứu, không phải để thắng. Kiếm có thể giết, nhưng là giết một để cứu mười.” Mười năm qua ông đã luôn luôn vâng lời thầy dạy. Tay kiếm của ông cứu khổn phò nguy. Kiếm của ông đã từng nhúng máu không biết bao nhiêu cường hào, giặc cướp… trừ hại cho nhân gian. Thầy của ông chưa bao giờ dạy ông trở thành đệ nhất kiếm sĩ. Chưa bao giờ.
Ông bừng tỉnh. Là đệ nhất, hay đệ nhị kiếm, hay thậm chí đệ thập kiếm thì ông vẫn là ông, vẫn là một kiếm sĩ trừ gian diệt bạo theo đúng lời thầy dạy. Nhưng nếu bây giờ ông quay lưng thì mạng sống thằng bé chắc chắn sẽ bị tử thần cướp đi, và cuộc đời còn lại của vợ chồng người thợ săn tốt bụng này sẽ là những ngày dài cô quạnh.
Không suy nghĩ gì thêm, khách nhảy phóc lên giường. Một tay đỡ đứa bé dậy, tay kia ấn vào lưng, tập trung tất cả tinh thần và công lực bắt đầu cuộc chữa trị…
Hai vợ chồng thợ săn kiên nhẫn đợi bên ngoài. Không biết thời gian là bao lâu, cửa phòng bật mở. Khách áo trắng chậm chạp bước ra, dáng điệu mệt mỏi.
Người chồng đưa tay đỡ khách, run giọng hỏi
-Đại hiệp, ông…không sao chứ?
Người vợ vùng chạy vào bên trong.
Trên giường, đứa con của bà đang thiêm thiếp. Khuôn mặt trắng bệt lúc nãy nay đã ửng hiện vài nét hồng hào. Rõ ràng nhất là nhịp thở. Nhịp thở đều đặn và thông suốt. Trên người nó chỉ còn tấm chăn nhẹ đắp đến ngực. Hai lò sưởi đã tắt tự hồi nào. Làn sinh khí mồn một trên nét mặt đứa bé cho bà biết rằng, nó đã qua cơn bão dữ. Bà muốn chạy lại ôm con nhưng cố dằn, vội chạy ra ngoài hướng về khách áo trắng quỳ lạy liên hồi. Bà muốn nói muôn ngàn tiếng cám ơn nhưng không thể thốt nên lời, chỉ để hai giòng nước mắt tuôn tầm tã. Người chồng tuy chưa vào thăm con, nhưng thấy hành động của vợ cũng đủ hiểu. Bất giác, ông cũng quỳ xuống bên vợ…
Khách áo trắng ngồi xếp bàn yên lặng, không hề biết đến những gì trước mặt mình. Ông đang đi tới cảnh giới vô ngã để phục hồi chân lực đã thất thoát.
Một lúc khá lâu, khách mở bừng mắt. Bên ngoài trời đã tối, chỉ còn ánh nến leo lét duy nhất trong căn nhà. Người chồng mừng rỡ.
- Đại hiệp đã tỉnh.
Khách nhìn ra bên ngoài hỏi:
- Bây giờ là canh mấy?
Người chồng trả lời
-Độ chừng tàn canh một, sắp sang canh hai.
Khách lẩm nhẩm gật đầu, hỏi tiếp
-Cháu đã tỉnh chưa?
- Nó vẫn còn ngủ. Để tôi kêu nó dậy tạ ơn đại hiệp.
Khách xua tay đứng dậy
-Đừng. Cứ để cho cháu ngủ càng nhiều càng tốt. Khí lạnh không còn nữa, nhưng nó vẫn còn yếu. Khi nào cháu dậy, ông anh cứ cho nó ăn cháo loãng, đợi ngày mai vào làng bổ vài thang thuốc bổ. Tịnh dưỡng khoảng nửa tháng là không còn lo gì nữa.Tôi phải đi ngay bây giờ để kịp giờ hẹn cùng người bạn.
Người vợ chủ nhà mới từ phòng con bước ra bỗng lên tiếng,
-Trời đã tối, đường lên núi hiểm trở, đại hiệp lại không quen lối. Hay để ông nhà tôi lên núi mời bạn đại hiệp xuống đây hội ngộ có nên chăng?
Khách mỉm cười
-Cám ơn hai vị. Người bạn tôi tính tình kỳ quái. Ngoài tôi ra không chịu gặp ai đâu.
Nói xong ông cương quyết đi về chiếc bàn nhỏ, cầm thanh cổ kiếm đeo lên lưng. Hai vợ chồng chủ nhà thấy khách đã quyết, không dám ngăn trở, cùng nhau vái vị ân nhân
- Đại hiệp nhất định phải đi, chúng tôi không dám cản. Ơn cứu mạng cháu chưa có gì đền đáp. Khi xong việc, mời đại hiệp ghé lại đây lần nữa để cháu có dịp bái tạ.
- Xin vâng. Khi trở về tôi sẽ ghé lại thăm cháu và hai vị.
Đoạn khách chậm rãi bước ra khỏi nhà, tiếp tục trên con đường ngoằn ngoèo dẫn lên đỉnh núi. Hai vợ chồng thợ săn cùng nhìn theo ân nhân cho đến khi bóng ông khuất hẳn trong tầm mắt.

***
Khách áo trắng lầm lũi tiến lên ngọn Hồng Lĩnh. Giờ hẹn với tay kiếm phương Bắc là canh ba. Có lẽ y đã đến và đang chờ. Đêm nay trăng sáng ngời đỉnh núi. Không khí ban đêm mát dịu và tĩnh lặng. Khách áo trắng bước đều trong một tâm hồn thanh thản. Ông nhớ lại lúc dùng dằng chưa dứt khoát chịu cứu trị cho đứa bé. Chỉ chậm trễ chút nữa, ông có thể ân hận suốt đời. Lương tâm đã bình yên, ông trở lại là một kiếm sĩ. Danh dự không cho phép ông hủy bỏ cuộc tranh tài đêm nay dù biết phen này nắm chắc phần thua. Ông sẽ ra tay quyết đấu. Dù đây chỉ là ấn chứng võ học, không phải hận thù quyết tử, nhưng ông cũng hiểu rằng khi đã đến chỗ quyết định tối hậu làm sao tránh khỏi sơ xẩy, mà đao kiếm thì vô tình… Nếu ông có gục ngã, xuống suối vàng cũng không hổ thẹn gặp lại thầy, vì ông đã sống và chết như một kiếm sĩ chân chính.

Chân vẫn nhịp bước chẳng mấy chốc đã lên tới đỉnh. Dưới ánh trăng, một bóng người đứng chờ sẵn. Bắc Kiếm. Áo choàng đen phất phới. Chòm râu quai nón trên gương mặt phong trần, oai vĩ. Người áo đen đứng đó trầm hùng, vững chãi như ngọn Hồng Lĩnh, tựa hồ như không có gió bão nào, không có sức mạnh nào có thể lay chuyển được. Đằng kia, khách áo trắng điềm tĩnh tiến lên. Bước chân ông siêu thoát như mây trôi,như nước chảy, tưởng chừng không gì trên đời có thể cản được bước tiến của ông. Hai tay kiếm chưa đối mặt mà khí thế đấu chiến của họ đã bao trùm không gian.
Cuối cùng họ đã đối diện nhau, kính cẩn chào. Người áo đen lên tiếng trước
-Năm năm cách biệt, bạn vẫn như xưa
-Bạn cũng vậy. Khách áo trắng cười nhẹ.
-Hai lần trước, chúng ta đều không phân thắng bại. Năm năm trôi qua, sức thành tựu của mỗi người không thể bằng nhau mãi. Đêm nay tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ quyết định được. Nếu còn huề nữa, lời hẹn năm năm xin hủy bỏ, vì ta sẽ vĩnh viễn không thắng được bạn.
Khách áo trắng mỉm cười một mình. Chính ông cũng có ý định như trên trước khi đến đây. Nhưng bây giờ mọi sự đã thay đổi.
-Bạn yên tâm. Đêm nay chúng ta nhứt định sẽ phân thắng bại.
Người áo đen ngạc nhiên
- Bạn tin tưởng sẽ thắng ta như vậy ư?
Khách áo trắng cười lớn
- Không phải. Ta nói sẽ phân thắng bại, nhưng không có nghĩa là ta sẽ thắng và bạn sẽ bại.
- Hay lắm, vậy chúng ta bắt đầu là vừa.
- Được. Lần trước tôi ra chiêu trước. Lần này mời bạn.
Người áo đen cười sảng khoái
- Được lắm. Ta ra tay đây
Câu nói vừa dứt, thanh thiết kiếm đã nằm trong tay. Người và kiếm từ từ tiến lại. Khách áo trắng cũng đã hoành thanh cổ kiếm mầu bạc chờ đợi. Khi khoảng cách giữa hai người vừa thu ngắn một nửa, người áo đen dừng lại cất tiếng.
-Khoan. Ta có điều muốn hỏi.
-Điều gì?
-Bạn đã lên núi bằng con đường phía Đông hay con đường phía Tây?
-Con đường phía…Tây. Sao?
Người áo đen lắc đầu.
-Bạn đi bằng đường phía Tây thì ta không có điều gì phải nói nữa. Chú ý. Ta ra chiêu đây.
-Sẵn sàng.
Sau một tiếng quát dài, người áo đen và kiếm đã nhập thành một khối, bắn về phía trước. Cùng lúc, vầng sáng bạc trong tay người áo trắng cũng trỗi dậy thành một vòng cầu đón tiếp khối kiếm đen.
Tiếng binh khí bắt đầu chạm nhau thật dữ dội trong đêm trường. Hai thanh kiếm một trắng một đen xoắn tít lấy nhau. Kiếm khí mịt mù bao phủ cả một góc núi.
Đây là lần giao chiến thứ ba. Họ đã biết tài nhau từ muời năm trước. Mỗi chiêu kiếm đưa ra là một tuyệt học được khổ luyện công phu. Hai đấu thủ lúc thì quấn lấy nhau như nhập thành một, lúc thì cùng bị tay kiếm người kia đẩy lùi phía sau, có khi di chuyển nhịp nhàng duới đất, có khi lại phi hành qua các tàng cây…hai thanh kiếm luôn chĩa thẳng vào nhau.
Đang giao đấu kịch liệt, người áo đen Bắc Kiếm bỗng thét to
-Ngừng tay. Và tháo lui.
-Chuyện gì? Người áo trắng hỏi
-Bạn có bệnh gì trong người không?
-Không. Khách áo trắng cười dài.
- Hay là bạn đã cùng tay cao thủ nào giao chiến trước khi lên đây?
- Cũng không nốt. Tại sao bạn hỏi?
Người áo đen trả lời
-Chưa đến một trăm hiệp mà ta thấy tay kiếm của bạn không còn vững vàng nữa.
-Bạn chỉ tưởng tượng. Ta nhớ nãy giờ bạn chưa thắng ta một chiêu nào cả.
-Đúng vậy. Nhưng tiếp tục thêm một trăm hiệp nữa, có lẽ bạn sẽ thua đó.
- Chưa chắc đâu. Tiếp tục đi. Bạn đừng nhiều lời nữa.
Khách áo trắng nói xong vung kiếm tấn công liền tức khắc không để cho người áo đen suy nghĩ gì thêm. Cuộc chiến lại tiếp tục. Hai thanh trường kiếm vun vút dưới ánh trăng như hai con mãng xà quyện vào nhau kêu thét giữa không trung.
Bỗng cả hai cùng thét lớn và dừng tay lại. Kiếm khí tắt hẳn. Hai đối thủ đứng đối diện nhau bất động. Thanh kiếm đen chỉa thẳng vào cổ khách áo trắng, và thanh kiếm bạc cũng chỉa vào người áo đen, cùng vị trí.
Người áo đen nói trước
- Đây là chiêu thứ mấy?
-Chiêu thứ 199
- Đúng vậy. Năm năm trước đây, ta với bạn cũng dừng lại ở đây. Ta nhớ là đã quá 200 hiệp.
- 208 hiệp. Khách áo trắng tiếp lời- Ta và bạn cùng cách một ly , nên lấy đó làm hòa.
-Bây giờ thì sao? Người áo đen hỏi
Hai thanh kiếm vẫn bất động nguyên vị trí khi nó dừng lại. Nhìn kỹ thì thanh kiếm màu đen cách người áo trắng nửa ly. Thanh kiếm bạc cách xa người áo đen…một ly rưỡi.
Khách áo trắng chậm rãi thu kiếm về
- Ta thua rồi. Từ nay bạn là Đệ nhất kiếm.
Người áo đen cũng thu kiếm lại bật tràng cười dài
-Đệ nhất kiếm…ha ha ha. Ta là đệ nhất kiếm rồi sao?
Sau tràng cười sảng khoái, người áo đen bỗng ngưng bặt, mắt loang loáng nhìn khách áo trắng-
-Kỳ lạ. Thật là kỳ lạ. Năm năm trôi qua , kiếm của bạn không tiến lên mà hình như sút giảm? Tại sao? Bạn có gì dấu ta chăng?
-Không có gì cả. Ta vẫn vậy. Chỉ vì bạn tiến bộ vượt bực mà thôi.
Người áo đen lắc đầu
- Bạn đừng dấu ta nữa. Tài nghệ của bạn ta đã rõ. Bạn yếu đi so với năm năm trước nên ta mới có thể thắng một cách dễ dàng như vậy.
Người áo đen nói xong lộ vẻ đăm chiêu suy nghĩ trong thoáng chốc, bỗng mắt ngời sáng
- À ! Ta biết rồi! Ta biết rồi…
- Bạn biết gì?
-Thực ra bạn không lên đây bằng con đường phía Tây. Bạn đã lên bằng con đường phía Đông.
- Có gì khác biệt đâu.
Người áo đen nói
- Khác chứ. Trên con đường phía Đông có gian nhà tranh của gã thợ săn. Lúc ta đi ngang qua đó sáng nay đã biết đứa nhỏ con của họ trúng phải hàn phong cực âm, bệnh tình trầm trọng. Ta đã định ra tay cứu chữa…
Ông dừng lại, thanh âm trầm xuống-…Nhưng nếu chữa cho nó, công lực sẽ bị hao tổn. Ta nghĩ đến cuộc chiến đấu cùng bạn tối nay nên dùng dằng không định. Cuộc đấu này quyết định danh dự đệ nhất kiếm. Ôi cái danh hiệu này đối với ta quan trọng quá, nên cuối cùng ta quyết định bảo tồn chân lực để chiến đấu trước. Ta định sau trận đấu ta sẽ trở lại cứu trị cho nó sau, mặc dù ta biết mạng nó mong manh chưa chắc đã qua khỏi khi ta trở lại.
Bạn cũng lên đây bằng con đường đó, đã gặp đứa bé và đã chữa trị cho nó. Ta biết chắc như vậy vì tay kiếm của bạn không nhanh như xưa nữa. Người luyện võ chúng ta nếu không tiến thì cũng không thể lùi. Thần sắc của bạn an nhiên như vậy chắc không bệnh tật gì. Vừng này hoang vu nghèo nàn, không có đại đạo cao thủ nào cho bạn phải tổn sức. Vậy thì chuyện gì khiến bạn phải hao tổn công lực cho tay kiếm phải chậm đi? Chỉ có thằng bé bị âm hàn cần cứu chữa mà thôi. Bạn đã chữa trị cho nó dù bạn biết rằng như vậy là sẽ thất bại dưới tay ta.
Ta cũng là kiếm sĩ. Ta cũng hiểu rằng kiếm pháp hay thanh danh chỉ là ngoại thân. Cái “TÂM KIẾM” kia mới là cốt tủy của một chân kiếm sĩ. Bạn lấy CỨU làm trọng, lấy THẮNG làm khinh, là kiếm thuật chân chính. Ta lấy CỨU làm khinh lấy THẮNG làm trọng, chẳng mấy chốc sẽ đi vào con đường tà kiếm. Hỡi ơi, trận chiến này thật ra không cần phải đấu. Bạn đã thắng ta tại căn nhà đó rồi. Cái vinh dự Thiên hạ đệ nhất kiếm này ngoài bạn ra không còn ai xứng đáng hơn. Ta thành thật bái phục…và giã biệt.
Khách áo trắng im lặng. Ông không thể nói gì hơn, ngay cả vài lời khiêm tốn cũng là thừa thãi khi mà người đối diện đang cởi mở tấm lòng. Ông hỏi:
-Sao không chờ đến sáng mà bạn phải vội vã đi.?
Người áo đen tiến về con đường mé Đông chậm rãi xuống núi,
-Ta xuống nhà ông thợ săn giúp cho thăng bé chóng phục hồi. Âu cũng là duyên. Bạn đã cứu nó, bây giờ tới phiên ta phải đền bồi. Đợi nó lành bệnh ta sẽ xin cha mẹ nó thu làm đồ đệ. Mười năm sau nó sẽ thay ta hành hiệp giang hồ. Nó sẽ dùng kiếm của ta, và cái tâm của bạn. Nó sẽ là một kiếm sĩ chân chính…Hahaha!
Người áo đen bỗng trở nên sảng khoái trở lại. Ông đã tìm lại được chân lý, và hài lòng với giải pháp của mình.
Tiếng cười nhỏ dần về phía dưới để lại khách áo trắng một mình trên ngọn Hồng Lĩnh. Vầng Thái dương lấp ló từ đằng xa báo hiệu một ngày mới. Vài cơn gió nhẹ ban mai thổi tung chiếc áo choàng trắng phất phơ. Ông nói nhỏ một mình “Ông bạn. Với tôi thì bạn cũng là một kiếm sĩ chân chính. Đệ nhất kiếm sĩ”
./.

ThaiNC
<bài viết được chỉnh sửa lúc 16.02.2013 14:52:00 bởi ThaiNC >
Attached Image(s)
#1
    NgụyXưa 17.02.2013 03:42:52 (permalink)
    "ĐỆ NHẤT KIẾM SĨ" đã được mang vào thư viện.

    Xin cám ơn tác giả.
    #2
      ThaiNC 18.02.2013 11:10:58 (permalink)

      Cám ơn anh NguỵXưa
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9