TƯƠNG KẾ TỰU KẾ - Truyện ngắn
levancon 11.04.2013 09:31:32 (permalink)
                                                                   TƯƠNG KẾ TỰU KẾ
                                                                                          Lê Văn - Truyện ngắn
 
         Hai ngôi nhà dài nằm song song dưới chân núi A Son, cả tháng nay ướt sũng vì mưa. Từ hai dãy nhà đó, ta cảm giác được cái đậm đặc của không khí ẩm mốc, sập sìu. Ròng rã cả tháng rồi, người làng A Sung không thấy một giọt nắng nào. Những đám mây đen chũi, nặng nề sà xuống thấp hơn, để rền rĩ rưới nước xuống hai dãy nhà vốn dĩ đã ướt sũng. Suốt tháng rồi, mưa cứ sậm sà sậm sịt vậy. Cả mấy chục gia đình trong những căn nhà ấy, nếu không có bếp lửa, e chừng sẽ co rúm lại vì cái lạnh. Ông Ku Nung trong chiếc áo ấm bộ đội nhàu nhĩ, chiếc quần cũng nhàu nhĩ, bó gối bên bếp lửa giữa nhà. Đã hơn 60 mùa rẫy, nhưng nhìn lão còn tinh anh lắm. Lũ trai làng sánh được với lão cũng đừ hơi. Lão đang cầm cái que chòi chọc vào bếp, để cho ngọn lửa bùng lên, cuốn theo đám tàn tro có vạn vạn hạt lửa li ti tung ra chớp chới. Lão say sưa trong điệu ba boih. Hát vừa đủ cho mấy đứa con cùng nghe. Lão muốn qua lời bài hát mà răn dạy chúng sống cho trọn cái nếp của tộc người Tà Ôi đã ngàn mùa rẫy rồi, vẫn vững vàng trụ được với núi rừng nơi thâm sơn. Mấy cái răng cửa của lão, cái rơi, cái rụng, cái còn thì vếu váo, nên có khi nghe tiếng lão hát cứ phù phụp như tiếng hổ mang gặp chó vậy.
          Bên kia ngọn A Son, cũng mờ mịt trong mưa, đơn vị Xê Một của Cương về đóng quân đã hơn tháng nay. Năm nào cũng vậy, khi mưa trút xuống đục ngầu, ầm ào con sông Se Róc là đơn vị hắn lại lục tục kéo về đấy. Ấy là khi mùa mưa đến, chiến trường miền xuôi thấy im ắng hơn tiếng súng. Đôi bên như chùng lại, sau một mùa khô sục sôi bom pháo. Những ngày không đi gùi hàng, không trườn toài luyện tập trong thung lũng, được nghỉ, thằng Cương lại kè thêm vài đứa tấp sang làng A Sung tán dóc với mấy cô gái Tà Ôi. Gần ba chục gian trong hai dãy nhà dài ấy, có hơn chục cô gái đã đến tuổi cà răng. Cuộc sống của tộc người ấy, khốn khó trăm bề. Được cái Giàng đã phú cho con gái đến thì cặp kê cái nếp na, cái tươi tắn chẳng kém con gái miền xuôi. Lũ con trai vào du kích, đi gùi hàng, gùi súng đạn cho bộ đội không mấy khi về làng. Con gái đã đến tuổi cà răng, không có bạn ra rẫy, ra chòi để cùng thổi khèn và hát cha chap tình tự. Buồn lắm. Có bộ đội sang, cả lũ con gái tỉnh ra như con nai qua những ngày dài ngủ đông, gặp bãi cỏ non.
 
                                                                                                            ***
 
          Vậy là hắn bị bắt. Khổ cho cái thân hắn. Thà bị bắt vì chuyện gì cho đáng mặt, đằng này lại bị tóm cổ vì chuyện tán gái. Chuyện hắn gây ra đã làm náo động cả đại đội, và cả làng A Sung. Cũng vì cái tính háu gái mà ra nông nỗi ấy...
         Thằng Cương vào lính khi vừa tốt nghiệp cấp 3. Anh hắn đã được gọi vào đại học. Còn hắn, dù muốn học cao nữa, nhưng rồi đã cùng lũ bạn khoác áo lính ra trận. Hắn to cao, đẹp trai lồng lộng. Với dáng vóc ấy, không có con gái cho hắn nhìn, hắn ngắm đã là một nỗi khổ. Những lần hành quân, gặp con gái Tà Ôi đi gùi hàng, cách gì rồi hắn cũng cặp kè được một cô để mà tán. Chỉ là tán dóc thôi, cũng làm dịu đi phần nào cái hừng hực của thằng con trai mới lớn, hau háu gái như nó. Có lần nó bảo, khổ cái thân, một tuần thế nào cũng có vài ba đêm, khi nằm ngủ, đã vứt đi mấy đứa con. Rồi những ngày nghỉ, đứa ra sông tìm thú vui khi vứt mìn xuống sông, để nhìn cá trôi trắng nước. Đứa khác chui lũi đặt bẫy bắt gà rừng, bắt thú. Còn nó, không sao dứt ra được cái ham muốn vào làng tán gái. Bao nhiêu thứ mang theo ngày mới vào chiến trường như gương, lược, xà phòng thơm..., thứ hắn đem đổi gà, thứ khác hắn đã tặng hết cho mấy em ở làng A Sung. Con gái Tà Ôi, quanh năm sống trong núi, quần quật trên nương, trên rẫy. Đến tuổi cà răng, dù khốn khó là vậy, nhưng rồi họ cũng mơn mởn như cây rừng đến mùa nhú lộc.
        Người đời thường nói, đi đêm lắm có ngày gặp ma. Xui cho thằng Cương, không phải gặp ma, mà là gặp người mà ra nông nỗi ấy. Tuần đó, đơn vị đi gùi hàng. Tiểu đội hắn gùi vượt chỉ tiêu trên giao, được nghỉ ba ngày. Ba ngày nghỉ là ba ngày nó vào làng. Vào cả ngày, có khi mãi đến khuya mới mò về. Hôm nào mò về cũng thấy ướt như chuột lội suối. Vậy mà cái miệng vẫn say sưa huýt sáo điệu cha chap mà hắn vừa học lỏm được. Nơi hắn vào nhiều nhất, nơi hắn ở lâu nhất là nhà ông Ku Nung. Con gái ông là A Lời đã đến tuổi cà răng. Cô chẳng thể đẹp như cái Mận, cái Hoa ở quê hắn. Nhưng với nước da bánh mật, khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt đen láy như đã hớp hồn thằng Cương.
          Đêm. Phía ngoài những căn nhà dài, tưởng như mọi thứ đã cô đặc lại vì lạnh. Chỉ còn lũ dế nhẫn nại nỉ non dưới sàn. Rú rừng tịch mịch. Cả khu nhà dài cũng tịch mịch. Trên sàn, nhà ông Ku Nung vẫn đỏ lửa. Ở góc nhà thằng Cương vẫn tỉ tê chuyện trò với A Lời. Cương thao thao kể cô nghe về những ngày đẹp đẽ khi còn đi học, rồi chuyện xem phim ở phố huyện, chuyện theo bộ đội lên xem pháo phòng không trên núi... Trong ánh sáng chập chờn của bếp lửa, A Lời ngồi thích thú nghe, như nghe chuyện cổ tích. A Lời thì kể bộ đội nghe về những buổi đi sim, tình tự nơi chòi, nơi rẫy. Bên này, ông Ku Nung ngồi mãi đã thấy liu líu con mắt. Không buồn đứng dậy, ông bò sang góc nhà, rồi xoay tròn trong cái ổ đã có đứa con trai say giấc từ hồi hôm.
         Đang thiu thiu, ông nghe phía đầu nhà, nơi ngủ của con A Lời có tiếng lục ục. Nhẹ nhàng như con thú ăn đêm, ông bò sang. Giàng ơi! Trên người con A Lời là bộ đội. Tay đang cầm cái bật lửa như run bắn lên, ông kêu to:
         - Bộ đội làm chi vậy? A Lời ơi, vậy là con muốn Gàng bắt cha mi rồi.
         Thằng Cương lổm ngổm ngồi dậy. A Lời cũng lổm ngổm ngồi dậy.    Thằng Cương thanh minh:
         - Không có gì đâu Ku Nung ơi.
         Ông Ku Nung nói trong giận dữ:
         - Bộ đội giết Ku Nung rồi. Con A Lời chưa đến tuổi cà răng. Bộ đội đang nằm trên người nó. Vậy là phá hỏng đời con A Lời rồi. Bây giờ bộ đội phải nộp phạt để cúng Giàng Đanh, rửa tội.
         Nghe động ở nhà ông Ku Nung, mấy nhà liền kề kéo sang. Họ biết chuyện, bắt giữ luôn thằng Cương giải sang Già làng Kê Thoai.
 
                                                                                                         ***
 
         Đêm đó, ông Ku Nung băng rừng sang báo với đại đội trưởng của Cương. Ông bắt nhà bộ đội phải nộp phạt 1 con heo, 10 con gà, 1 thúng xôi để cúng Giàng Đanh chuộc tội. Bao giờ đủ lễ vật mang sang, bộ đội Cương mới được thả về.
         Cũng đêm đó, đại đội trưởng khó ngủ quá. Anh vừa tức thằng Cương, vừa lo chuyện kiếm đâu ra chừng ấy lễ vật. Cả năm nay rồi, lính của đơn vị không có lấy một miếng thịt tươi. Bây giờ đào đâu ra những 10 con gà và 1 con heo, lại cả thúng xôi nữa? Suy nghĩ nát óc ra, rồi anh cũng nghĩ ra cách để sắm cho đủ các thứ nộp phạt. Sáng ra, đại đội trưởng huy động sự đóng góp của anh em. Ai có gì góp nấy. Đấy là góp mấy thứ như xà phòng thơm, gương, lược...thậm chí cả ảnh con gái đẹp để vào làng A Sáp đổi gà, đổi heo. Lính đưa mấy thứ ấy góp cho đại đội mà lòng tiếc ngẩn ngơ. Đấy là vật kỉ niệm của người yêu, của bạn gái, em gái trao tặng khi ra đi. Những thứ ấy, cũng là vật phòng thân khi đói lòng. Một chiếc gương, chí ít cũng đổi được con gà, có một bữa ăn tươi. Rồi lính chắt lưỡi. Thôi thì vì đồng đội, vì cái thằng trời đánh ấy, mà đưa nộp đại đội. Phong tục của người Tà Ôi nghiêm lắm. Phạm đến con gái họ, không nhì nhằng được đâu. Mà biết thằng Cương đã "làm ăn" được gì chưa, để mất chừng ấy gương, lược, xà phòng thơm kể cũng tiếc.
        Trưa đến. Khi mà cả đại đội đang tao tác về chuyện thằng Cương bị bắt, thì chính trị viên họp ở trung đoàn đã về. Nghe chuyện, ông tức lắm. Sau khi được đại đội trưởng trao đổi lại, ông nhíu đôi lông mày sâu róm trên khuôn mặt khắc khổ trong giây lát, rồi nói:
         - Ông đánh trên chốt giỏi, nhưng ba cái vụ này, để tôi. Số gương lược quyên góp được, đừng trả lại nữa, giữ lấy. Động viên anh em góp vào ta làm bữa liên hoan tươi vào dịp 22 tháng 12 tới.
         - Thế lấy đâu ra heo gà mà chuộc thằng Cương về?
         - Tôi đã có cách. Ông cho liên lạc gọi thằng Huynh và thằng Thắng lên đây cho tôi.
         Huynh và Thắng được triệu lên. Chiều đó, chính trị viên, đại đội trưởng và hai đứa họp bàn với nhau cả tiếng đồng hồ. Chẳng ai biết họ đã bàn bạc gì?
 
                                                                                                     ***
 
         Thằng Huynh đẹp mã nhưng lại không thích tán con gái Tà Ôi. Nhiều hôm bắt gặp mấy cô trong làng A Sung ra rẫy nhổ sắn, bụng đói, mắt thèm nhưng nó chẳng mở mồm để xin lấy mấy củ. Đêm nay vì thằng Cương mà Huynh phải đi, chứ ngày thường chẳng mấy khi hắn vào đấy. Còn thằng Thắng, cái mồm hắn mà tán chuyện, nghe vui đáo để. Lắm lúc, nghe hắn tán, biết là hắn phịa, nhưng vẫn thích nghe.
        Rừng vẫn ngập trong giá lạnh. Chạng vạng tối, khi hầu hết các nhà của làng A Sung đã lên đèn, hai đứa cũng đã yên vị bên bếp lửa nhà ông Ka Dinh. Con gái Ka Dinh cùng lứa với A Lời. Những ngày trước, khi làng chưa xẩy ra vụ con nhà ông Ka Nung bị bộ đội làm hư, thấy bộ đội sang nhà, Ka Dinh vui lắm. Giờ thì Ka Dinh thấy cái bụng cứ lo lo. Nhưng do cách kể chuyện của Huynh và Thắng đã làm ông thấy yên bụng hơn .
        Thắng kể rôm rả về những trận đánh, những lần vượt sông Sê Pôn khi nước lũ ào ạt, rồi chuyện ngoài Bắc hắn đã gặp Bác Hồ như thế nào (chuyện này là hắn phịa) làm ông Ka Dinh cứ há hốc mồm mà nghe. Còn Huynh, ngồi một lúc với ông Ka Nung, hắn bò sang tán chuyện với A Lành. Hắn lại tỉ tê nhỏ to, tình tứ với cô A Lành nơi góc nhà. Ở góc ấy, ánh sáng của bếp lửa lúc mờ lúc tỏ, chấp chới. Kể đủ chuyện, cũng khuya lắm rồi, Thắng đã thấy sốt ruột lắm. Và rồi, từ góc nhà, thằng Huynh hét toáng lên:
          - Ối trời ơi! Ông Ka Dinh ơi, con A Lành làm hư đời tui rồi, ông ơi.
         Ông Ka Dinh và Thắng tấp tưởi rời bếp lửa nhào đến, khi A Lành đang giãy giụa trên bụng thằng Huynh. Huynh vẫn nằm ngửa sóng soài giữa sàn, hai tay ôm chặt ngang lưng con A Lành. Thấy cảnh tượng vậy, Kê Dinh chân tay bủn rủn, miệng lắp bắp:
         - A Lành ơi, mi làm rứa là giết cha mi rồi. Tao lấy đâu ra đủ gà, đủ heo để cúng Giàng Đanh đây?
         Thằng Thắng nãy giờ thấy vậy, chẳng bối rối, chẳng ngạc nhiên, và cũng chỉ chực chờ ông Kê Dinh kêu vậy. Nó moi tờ giấy nhàu nhĩ trong túi ra, ghé bếp lửa, kê lên dùi lập biên bản. Kéo ông Kê Dinh lại, nó đọc tường trình sự việc. Nó bắt ông dí ngón tay xoa xoa lên cục than, rồi lại dí ngón tay đen nhẻm ấy vào tờ giấy. Đoạn, nói với vào góc nhà:
         - Huynh, mày thả cho A Lành xuống đi, rồi sang nhà già làng với tao.
Theo luật lệ của làng, già Kê Thoai quyết, ông A Lành phải bồi thường cho bộ đội một con heo, 10 con già và một thúng xôi.
          Đêm ấy, khi Huynh và Thắng mò về đến đơn vị thì trời đã quá khuya. Trong cái rét cắt da, nhưng hai đứa vẫn thấy vui vì vừa lập công lớn. Cứu đồng đội khi không có tiếng súng, cũng khó chẳng kém khi cứu ngoài trận địa. Chính trị viên của họ là người thật cao mưu. Vậy là trưa mai, thằng Cương được tha rồi.
 
                                                                                           04/4/2011
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.04.2013 09:59:55 bởi levancon >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9