Một đôi điều cần bàn nhân đọc “Độc tiểu thanh ký”
nguyễn thế duyên 30.06.2013 23:29:20 (permalink)
 
  
Một đôi điều cần bàn nhân đọc “Độc tiểu thanh ký”



Vài lời mở đầu
Bạn Tiểu Thanh Đình có mang bài “Mấy suy nghĩ nhân đọc một bài thơ cổ” của tôi đăng lên một diễn đàn. Một bạn trong diễn đàn ấy đã đề nghị tôi bình bài thơ “Độc tiểu thanh ký” của Nguyễn Du .Bạn Tiểu Thanh Đình có chuyển cho tôi lời đề nghị ấy nhưng vì một phần do tôi không có thời gian, và một phần (Mà là phần chủ yếu) là bài thơ này có rất nhiều ý kiến khác nhau mà ý kiến nào cũng có cái lý đúng của nó khiến cho tôi rất phân vân khi chọn một góc độ để tiếp cận bài thơ.
Như tôi đã từng nói: “ Không có cách tiếp cận sai, chỉ có cách tiếp cận nào làm cho bài thơ hay hơn, nhiều ý nghĩa hơn mà thôi”. Trước khi viết bài này, tôi đã nghiên cứu kĩ tất cả các cách tiếp cận khác nhau của mọi người với với bài thơ này ,phân tích cái được, cái chưa được của những góc tiếp cận đó để chọn cho mình một cách tiếp cận khác. Xin mạnh dạn viết ra đây để mọi người cùng bàn luận
Nguyễn thế Duyên




Ba trăm năm! Dài hay ngắn với cuộc đời của một con người? 
Rất dài!
Cái khoảng thời gian ấy đủ để biến một vườn hoa lộng lẫy bên Tây Hồ thành một nơi hoang vắng
Tây hồ hoa uyển tẫn thành hư.
Cái khoảng thời gian ấy đủ để xóa sạch mọi dấu vết của một cá thể cụ thể nào đó đã từng tồn tại trên đời.
Thời gian! Vô thanh, vô hình, nhưng lại có một sức hủy diệt thật đáng kinh sợ. Nó chậm rãi nghiền vụn mọi thứ trên cuộc đời này để rồi ném tất cả vào trong hư vô và hình như mọi sự sống mà đức chúa trời đã tạo ra đều bị thời gian khuất phục . Trừ con người.
Cũng như mọi sinh vật khác, con người cũng luôn sợ thời gian.Nhưng khác với mọi loại sinh vật khác, trong con người lại luôn luôn thường trực một khát vọng cháy bỏng : “Chinh phục thời gian”
Cũng từ cái khát vọng đó mà mà những câu chuyện thần thoại ra đời, những vị thần bất tử. Cũng từ cái khát vọng đó mà đạo giáo đã ra đời, những cách tu luyện để trở thành tiên phật, những cách chế luyện linh đan, thần dược có thể làmcon người trở nên trường sinh bất tử chẳng phải đã ra đời từ cái khát vọng đó hay sao?
Có một người đứng trước cảnh hoang phế của một nơi trước kia đã từng là một vườn hoa tuyệt đẹp ,ông đã cảm nhận được cái sức mạnh vô hình khủng khiếp của thời gian và cũng như mọi vĩ nhân khác, cái khát vọng chinh phục thời gian lại bùng cháy trong ông dữ dội.
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố như?
Một câu hỏi không lời giải đáp. Ông tự hỏi mình và chính ông cũng không thể trả lời đuộc . Nhưng! Chính cái câu hỏi ông tự đặt ra đó đã cho chúng ta biết một điều “Nguyễn du đã tìm ra cách để chinh phục thời gian”.
Vì sao nguyễn du biết đến có một Tiểu thanh từng tồn tại trên cuộc đời này? Vì nàng đẹp quá chăng? Chắc chắn là không phải! Cái đẹp tuy cũng có sức mạnh của nó nhưng cái đẹp chưa đủ mạnh để chiến thắng nổi thời gian. Những người như Dương quý phi, Điêu thuyền, Tây Thi có sống nổi thêm dăm ba năm sau khi chết không nếu như không có những tác phẩm văn học như “Đông chu liệt quốc” Hay tam quốc diễn nghĩa ? 
Không! Chắc chắn là không. Còn một câu hỏi nữa
“NHững giai nhân tuyệt sắc ấy liệu có ai nhắc đến không khi bên cạnh họ không có hình bóng của một người đàn ông có khả năng làm chao đảo cả lịch sử? 
Cũng chắn chắn là không. Biết bao nhiêu hoa hậu thế giới ngày nay chỉ sau một vài năm đã vĩnh viễn không còn ai nhắc tới. Sắc đẹp ,tự nó khi đứng một mình ,không đủ tạo nên sức mạnh.
Tiểu Thanh dẫu có là một cô gái đẹp thì chắc cũng không thể đẹp bằng Tây Thi vả lại bên cạnh nàng lại không có bóng dáng của một người đàn ông “Chọc trời khấy nước” mà sao Nguyễn Du vẫn biết đến nàng?Đó là vì cuốn “Dư tập”. Còn chúng ta biết đến nàng là vì chúng ta có “Độc tiểu thanh ký” của Nguyễn Du.
Viết đến đến đây tôi lại sực nhớ đến một đoạn trong “Tùy viên thi thoại”. Xin trích ra đây để mọi người đọc và suy ngẫm
“Tôi đùa khắc một con dấu để dùng riêng, trên có câu thơ “Tiền Đường Tô Tiểu thị lương thân” (Tô Tiểu Tiền Đường [1] là người quen). Viên thượng thư nọ qua Kim Lăng, đòi xem tập thơ của tôi, tôi tùy tiện đóng con dấu ấy mà đưa, ông quở trách rất gắt, ban đầu tôi còn xin lỗi, sau ông ta cứ quở mãi, tôi bèn nghiêm sắc mặt mà nói rằng: “Ngài cho con dấu ấy là thối tha ư? Cứ hiện nay mà nói, cố nhiên ngài là quan nhất phẩm, Tô Tiểu Tiểu là hèn mọn, nhưng e rằng, sau trăm năm, người đời chỉ biết có cô Tô Tiểu Tiểu ấy mà không còn biết có có ngài nữa”.
Con người! Loài sinh vật duy nhất không chỉ mong tồn tại trên thế giới này mà hơn thế, con người còn muốn sống
Có người cho rằng hai từ “Tố như” Trong hai câu thơ này không phải là nói về tác giả mà hai từ “Tố như” trong hai câu trên có nghĩa là một cô gái đẹp. Với hướng tiếp cận này ông Vũ Tam Cập đã dịch hai câu cuối thành
Ba trăm năm nữa làm sao biết
Ai khóc thương nàng phận trái ngang
Và cho rằng nếu coi hai từ “Tố như” là một danh từ chung chỉ về một cô gái đẹp ( ở đây là chỉ về chính nàng Tiểu Thanh) thì câu thơ sẽ sâu sắc hơn vì tác giả lý luậnrằng: “ sự nghiệp Nguyễn du hiển hách chẳng có gì để cho đời sau phải khóc vì thương cảm”.
Tôi cho rằng cách tiếp cận bài thơ như thế là không ổn. 
Thứ nhất—Nếu chúng ta hiểu từ “Khấp” theo nghĩa đen là “Khóc” để rồi cho rằng cuộc đời nguyễn du chẳng có gì để cho đời sau phải thương cảm thì câu thơ có nghĩa là
“Sau ba trăm năm ta (Nguyễn du) thương cảm cho cuộc đời nàng. Vậy ba trăm năm nữa liệu còn ai thương cảm về cuộc đời nàng nữa không?
Còn nếu chúng ta hiểu nghĩa từ “Khấp” theo nghĩa bóng là “ sự tưởng nhớ”, “ biết đến” Và hai từ “Tố Như” trong câu thơ là danh từ riêng chỉ về chính tả giả thì câu thơ trên có nghĩa là.
Nàng đã sống ba trăm năm liệu ta có thể sống nổi ba trăm năm như nàng không?
Thì câu thơ trở nên cực kì sâu sắc. 
Thứ hai—Nếu hiểu theo nghia “Tố Như” là danh từ chung chỉ về người con gái đẹp thì chúng ta không thể lí giải được câu
Bất tri tam bách dư niên hậu
Tại sao lại là ba trăm năm mà không phải là bốn hay năm trăm năm sau liệu có ai còn khóc thương nàng nữa không?
Khi khóc Tú xương cụ Tam Nguyên Yên Đổ đã viết
Kìa ai chín suối xương không nát
Có lẽ nghìn năm tiếng vẫn còn
Một nghìn năm chứ không phải là ba trăm năm
Chúng ta không thể trả lời đuộc câu hỏi này.Nhưng nếu hiểu hai từ “Tố Như” là chính tác giả thì câu hỏi này hoàn toàn có thể trả lời được. Tiểu Thanh sống cách Nguyễn du ba trăm năm. Nguyễn Du đã lấy Tiểu thanh làm hệ quy chiếu nên không phải vô tình ông đưa ra hai từ “Tam bách”.
Các bạn có thấy không! Chỉ cần hiểu khác nhau hai từ thôi câu thơ đã hoàn toàn đổi khác.
Văn học tồn tại với thời gian là do tính nhân văn của nó. Có thể nói chắc chắn rằng chỉ có những tác phẩm có tính nhân văn cao mới có thể trường tồn và trở thành những tác phẩm kinh điển. Còn những tác phẩm mà nói như cụ Nguyễn du “ Mua vui cũng được một vài trống canh” thì lập tức bị thời gian chôn vùi vào quên lãng. Thật đáng tiếc nền văn học “Hiện thực xã hội chủ nghĩa” của chúng ta chẳng có nổi một tác phẩm văn học nào sống nổi ba mươi năm. Tại sao vậy? Hoài Thanh trước khi chết đã ngậm ngùi nói với con trai mình rằng “Nền văn học của chúng ta thiếu tính nhân văn” (Tôi chỉ nhớ đại ý mà không nhớ chính xác câu nói . Điều này được chính con trai Hoài Thanh kể lại trong phần lời nói đầu của cuốn “Thi nhân việt nam” trong một lần tái bản). Thực ra nói như Hoài Thanh cũng chưa hẳn đã đúng. Chính xác ra thì phải nói rằng “Nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa của chúng ta tuy cũng có tính nhân văn nhưng cái biên độ của tính nhân văn ấy quá hẹp. Chúng ta chỉ yêu thương những kẻ trong hàng ngũ của chúng ta còn những ai không ở trong hàng ngũ của chúng ta thì ta lại có chuyên chính vô sản để thay thế. Thời còn trẻ khi đọc câu thơ
Cho!
Cho!
Cho tất cả mọi điều
Giết chúng đi! Chỉ còn một đường thôi giết chúng
Ôi hôm nay lòng ta như họng súng
Diệt mỹ là cao cả của tình yêu
Của Chế Lan Viên tôi đã cho là hay lắm cho đến tận khi đọc Quo vadis ( Một cuốn sách được tặng thưởng Noben văn học)đến cái đoạn người giáo dân từ trên cao của cây thánh giá (Vì ông đang bị đóng đinh lên cây thánh giá) cúi nhìn xuống kẻ đã phản bội ông và cả một cộng đồng của hắn mà nói rằng
-Ta tha thứ cho người
Thì tôi mới hiểu Chế lan viên mới nhỏ bé làm sao. Một nền văn học được khuyến khích bởi một biên độ nhân văn nhỏ hẹp như vậy làm sao có thể xuất hiện những tác phẩm lớn. Chế Lan viên của nền văn học “Hiện thực xã hội chủ nghĩa” Đã chết chỉ còn một Chế Lan Viên của “Điêu tàn” còn sống với cuộc đời.Sao vậy? Vì tính nhân văn của điêu tàn cao hơn hẳn thời chế lan viên viết theo bút pháp “Hiện thực xã hội chủ nghĩa” Thời viết điêu tàn thơ ông đầy thương cảm và hoài nhớ. Thời “Hiện thực xã hội chủ nghĩa” Thơ ông chỉ có lửa và chính ngọn lửa đó đã đốt cháy chính ông và ném ông vào hư vô.
Thương cảm, đồng cảm với nỗi đau của con người hình như là bản năng của người cầm bút . Khi cầm bút viết thi nhân đã hóa thân vào nhân vật của mình. Đừng đặt ra câu hỏi “Cuộc đời Nguyễn du hiển hách công thành danh toại có chi mà phải khóc cho ông?”Loại câu hỏi như thế có thể đặt ra cho bất cứ ai. Trừ thi nhân. Đau với nỗi đau của con người. Vui với niềm vui của con người đó chính là “Phật tính” Của người cầm bút. Không có cái “Phật tính” ấy văn chương chắc sẽ không tồn tại trên cuộc đời này
Phong vận kì oan ngã tự cư.
“Tự cư” tự mình thấy, Tự đặt mình vào nỗi oan khuất của người xưa để mà thương cảm.Trong chúng ta ai chẳng đã từng có một lần rời trang sách mà rưng rưng nước mắt. Đấy chính là lúc ta đã hóa thân vào trang sách như Nguyễn Du. Nhưng hơn hẳn chúng ta, ông còn muốn ngửa mặt lên hỏi trời “Sao vậỵ?
Văn chương có lỗi gì đâu mà cũng mang ra đốt. Sắc đẹp có phải là tội lỗi không mà phải chết một cách oan ức? . Đồng cảm với nạn nhân nhưng Nguyễn du còn lớn tiếng lên án sự độc ác của con người.
Son phấn hữu thần liên tử hậu.
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Trời cao không trả lời “Thiên nan vấn” vì trời chính là cuộc đời này đầy dẫy sự bất công và độc ác. Câu thơ là một lời lên án chế độ thối nát đương thời. Và cái hình ảnh cô độc của tác giả trước một cảnh hoang phế với một trang sách mỏng viếng người xưa gieo vào trong lòng người đọc một nỗi cô đơn đến bùi ngùi. Nó tạo cho ta một cảm giác hình như cái tốt đẹp quá nhỏ bé trước sự độc ác và vô cảm của con người.
Thông thường một bài thơ đường luật đuộc chia làm hai phần một phần thực nói về cái hiện tại mà tác giả bắt gặp và một phần luận từ cái bắt gặp đó suy ra những điều mà tác giả muốn gửi gắm. Thường ra mà nói hai phần thực và luận dài bằng nhau (đều là bốn câu) ta lấy một vài ví dụ để làm rõ điều nay
Buốc đến đèo ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đã là chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên song rợ mấy nhà
Nhớ nuốc đau lòng con cuốc cuốc
Hương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta
Từ câu một đến câu bốn là tả cảnh thực. Từ câu năm đến câu tám là phần luận nhưng ở bài thơ này độc đáo ở chỗ phần thực duy nhất chỉ có một câu “Tây hồ hoa uyển tẫn thành hư”
Đến câu thứ hai “Độc điếu song tiền nhất chỉ thư” nói là phần thực cũng đúng nhưng nếu nói là phần luận cũng chẳng sai bởi vì đây không phải cái mà tác giả bắt gặp mà đây là hành động của tác giả nó cũng tương tự như câu”Dừng chân đứng lại trời non nước” Của bà huyện thanh quan. Không thể nói đây là một câu thực
Hai câu kết của bài thơ thật là tuyệt bút.Nó đột ngột khiến ta cảm thấy bất ngờ .Ý tứ của hai câu kết tách rời hẳn với mạch thơ của sáu câu trên và vấn đề mà hai câu kết đặt ra khiến bài thơ mang một sắc thái mới . Chính vì vậy muốn cảm thụ hết được cái hay của bài thơ này chúng ta phải đi nguộc từ dưới lên trên. Đấy cũng là một nét độc đáo của bài thơ
Bất tri tam bách dư niên hậu
Lúc viết ra câu này, Nguyễn du không biết, không thể trả lời đuộc câu hỏi này. Nhưng bây giờ thì chúng ta đã biết và có thể trả lời ông
Không phải là ba trăm năm mà có lẽ là ba nghìn năm nữa “ thiên hạ vẫn còn nhớ Nguyễn Du” 
Hà nội 24—6--2013

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9