Hồi Tưởng Khúc CHƯA LẦN THỦY THỦ - NhàQuê
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 17 trên tổng số 17 bài trong đề mục
NhàQuê 01.08.2015 01:25:14 (permalink)

Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"


Hồi Khúc 17: Philippine Refugee Processing Center hay viết tắt là PRPC 
(Quán Trọ Trước Cổng Thiên Đường)


Từ sáng sớm các xe buýt sơn màu đỏ trắng với hàng chữ Victory Liner đã chờ sẳn, chúng tôi lên xe sau khi đã nhận phần ăn trưa ... Không như rời trại hay rời đảo bên Malaysia là phải gom góp cái món rất cần là muối ... vì chúng tôi sẽ qua 6 tháng kế tiếp mà điều kiện sinh sống khá hơn  ...Tất cả nhu yếu phẩm và vật dụng cần thiết đều được cung cấp, tin tức nầy được nhóm đi định cư cho hay ... 
Thành ra chúng tôi lên đường với lòng hân hoan phơi phới. Đường từ Manila đến trại Bataan không xa như từ Terengganu đến Kuala Lumpur, tuy nhiên cũng có dừng dọc đường để "xả hơi" ... tài xế vẫn lái vun vút dù rằng đường hẹp, cảnh vật dọc theo lộ trình đủ nói rằng Phi là một nước nghèo, không thể sánh bằng Malaysia
Càng xa Manila dân cư càng thưa thớt, gần trưa chúng tôi đến Morong, đó là thị trấn nhỏ gần Bataan nhất ... Bataan là nơi có trận đánh khốc liệt trong Đệ Nhị Thế Chiến mà khi ấy ông Ferdinand Marcos  còn mang cấp bậc Trung Úy ... bây giờ ông đã từng 20 năm làm Tổng Thống của đất nước nầy và đang lưu vong ở Hawaii, Hoa Kỳ vào năm trước đây.
Trại tị nạn chuyển tiếp Bataan nằm trên ngọn đồi tính từ cổng đến chân núi dài khoảng trên 3 Km chia làm 10 vùng (Neighborhood) tính số thứ tự từ núi ra cổng, con đường chánh rộng và tráng nhựa các loại xe lớn nhỏ lưu thông hai chiều dễ dàng ... Toàn thể trại như một thị trấn nhỏ, có điện nước, bệnh viện, chợ, chùa, nhà thờ, nghĩa trang, bưu điện, .... các văn phòng điều hành chuyên môn, có cả xe buýt đưa đón đi học... 
Tên chánh thức của Trại Tị Nạn Bataan nầy là: Philippine Refugee Processing Center viết tắt là PRPC nơi dừng chân tạm chờ sắp xếp định cư, trong ý nghĩa đó chúng tôi gọi nơi "chiến địa ngày xưa" nầy là:  "Quán Trọ Trước Cổng Thiên Đường" 
Trại được điều hành bởi J.V.A (Joint Volunteer Agency) đại diện cho chánh phủ Mỹ, phối hợp cùng Hội đồng Di cư Công giáo Quốc tế (International Catholic Migration Commission hay viết tắt là ICMC và Hội Cứu tế Thế giới (World Relief) lo việc học Anh Ngữ cho người lớn và giáo dục sơ cấp cho trẻ em.
Điểm sau cùng đoàn xe buýt dừng lại và  sau nầy rước trở ra đi định cư ở cuối con đường xương sống nầy có  Vùng 2 bên phải và Vùng 1 nằm phía trái. 
Cha con tôi được phân phối về dãy 127 của vùng 1, căn 127 H; Đó là dãy trại có 9 căn Thứ tự A, B, C, D, E, F, G, H, K, dãy trước cửa nhà của viên cảnh sát già trong trại, trong nhà ông có bán thêm vài thứ cần nhất là nước đá từ tủ lạnh gia đình ... Nhìn ra đường phía trái còn 2 dãy quay lưng vào núi và không có người ở, hợp với dãy 127 thành chữ L ...trước cửa là sân cao và rộng cả 4 công đất mà chẳng thấy ai làm gì trên đó chỉ trừ một lần động đất với độ rung chuyển mạnh nhất từ trước tới nay lại gần như không thiệt hại gì .... Đó là một buổi chiều cơm nước xong, bỗng nhiên mái tôn fibro khua nhịp lèng xèng càng lúc càng mạnh...mọi người túa ra sân, vì sân cao hơn nên thấy rõ mái nhà rung chuyển .... kéo dài gần cả phút. Sau nầy nghe kể lại là có bác tài xế đang chạy bỗng thấy phía trược con đường tự nhiên dâng cao rồi hụp xuống,   ... và ở đâu đó có khoảng đường bị nứt . Chuyện động đất nầy xãy ra khi chúng tôi đã ở đây khoảng gần 4 tháng .
Trên thực tế là căn nhà 127 H chỉ có 3 cha con tôi, nhưng lúc chúng tôi đến có 3 thanh niên đã chiếm ngụ vì thấy nhà bỏ trống, họ sống chung với chúng tôi thêm vài tuần và lên đường đi định cư hay trở về căn được phân phối của họ ... Mỗi căn gồm phần sau là nhà bếp, sân sau có những vật dụng chứa nước, dây phơi quần áo, phần chánh chiếm 2/3 tầng trệt, có một giường có thể ngủ được 3 người và một bàn nhỏ dùng làm bàn viết và bàn ăn.... Trên gác gỗ rộng ngủ được nhiều người  .... Tất cả kiến trúc đều bằng gỗ trên nền xi măng mái lợp fibro  .... Ngay buổi xế mới tới, chúng tôi lên nhà kho ký giấy tờ mượn đồ dùng nhà bếp, nấu ăn, mùng mền,  .... Những món mượn nầy phải hoàn trả khi rời trại .
Trên đường đi mượn đồ ở nhà kho khi ngang qua các quán cà phê nhạc, tôi giật mình vì có ai đó gọi lớn và đúng tên tôi "ANH TƯ TRỌNG !"  Khi tôi quay về hướng thì có một người cao lớn đang chạy vội về phía tôi ... Thì ra Dũng, Đặng Thu Dũng, một cựu học sinh Trung Học Ba Tri. Tôi không nhớ tôi có dạy lớp em hay không, nhưng về sau nầy khi gặp nhau trong giao tế giữa tôi và các cựu học sinh, chúng tôi đồng ý nhau gọi tôi bằng  ANH và gọi các em theo tên ... Chính vì thế!
Người Ba Tri: (Cẩn, Dũng & cha con người viết Hồi Khúc@Bataan, Philippines)
Kết quả cuộc gặp gỡ bất ngờ với Dũng thành những người học trò cũ, người quê Ba Tri còn trong trại chưa đi định cư đều hay 3 cha con tôi mới vừa nhập trại  ... Khách tới thăm liên tiếp còn cho cả quà bánh, những thứ cần thiết để tạm thời ổn định cuộc sống mới hằng ngày .
Trong tuần đó và tuần kế tiếp phải qua kỳ trắc nghiệm khả năng Anh Ngữ và phỏng vấn sắp xếp công việc phụ giúp cho trại hoặc cho vùng. Những người có trình độ Anh Ngữ khá được chọn làm phụ giáo (A.T. Assistant Teacher). Cá nhân tôi chỉ vào loại "thường thường bậc trung"  nên được "chiêu mộ" học qua khóa 8 tuần về công tác xã hội và sau đó phụ giúp các vị Cố Vấn về xã hội cho tới ngày rời trại
Trước khi đi định cư vài tuần sau khi gặp tôi, Dũng và vợ chồng em gái của Dũng là  Anh Thi và Minh (Cẩn) đã giúp tôi rất nhiều kể cả cho tặng quần áo và tiền bac... vì các em lúc ở Indonesia có buôn bán chút đỉnh và sống có dư, đồng thời trên đường đi qua Phi có ghé Singapour nên được cấp phát nhiều quần áo ....Vợ chồng Anh Thi dù đã mãn khóa học mà chưa rời trại được vì chờ sanh đứa thứ ba  .... Tới lúc đó mới biết là Anh Thi nấu ăn ngon, vì tưởng cô học trò nầy con nhà giàu không mó tới việc bếp núc ... cứ vài tuần là nhắn qua nhà các em ăn món nầy món nọ ( cách nhau khoảng 2, 5 Km). Khi còn ở Ba Tri, tôi có ăn đám thôi nôi đứa con đầu lòng của hai em. Thân tình ấy, chúng tôi còn giữ tới tận bây giờ .
Trong trại ngoài thành phần vượt biên bằng thuyền, đường bộ từ nhiều nơi trong vùng Đông Nam Á (Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan, Phi Luật Tân, Singapour ... có cả từ Hồng Kong, Đài Loan, Đại Hàn, Nhật Bản). Và còn có những người theo diện đoàn tụ gia đình ODP và diện con lai. Họ tới đây sau khi dừng ở Thái Lan một tuần với thủ tục khám sức khỏe, có lẽ phần đông người theo diện ODP do gia đình bảo lảnh từng sống sung túc khi còn ở Việt Nam, nên họ hay than phiền về đời sống không được như ý lúc ở Thái Lan và ở Bataan nầy . Người Việt và gốc Hoa chiếm đa số, còn lại là người Miên ở Vùng 2 và người Lào ở Vùng 3.Trong vùng 1 còn vài gia đình còn đang theo khóa học chờ đi Na Uy
Rồi khóa học Anh Ngữ bắt đầu, do lớp học xếp theo kết quả của trắc nghiệm, một lớp chừng 20 người mà đủ mọi lứa tuổi, mọi nghề nghiệp cũ và mọi thứ tiếng mẹ đẻ ... giờ đây có ngôn ngữ chung là tiếng Anh ... Các giảng viên đều là người Phi được tuyển, có nhiều vị đã đi Mỹ rồi, có vị thuộc gia đình thế phiệt; Nhưng có lẽ được trả lương cao là điều hấp dẫn .... Nói chung không khí lớp học rất thoái mái và vui, ai cũng đang xây đắp cho mình một ước mơ trong lúc Cao Ủy Tị Nạn đang tìm cho một nơi chốn nào đó trên "Thiên Đường" bên kia bờ Thái Bình Dương .... Mỗi khóa học gọi là một Cycle, tôi thuộc Cycle 93.
Lớp Anh Ngữ ngày cuối ... mặc áo sọc là thầy và cô giáo, cô giáo là con của vị Bộ Trưởng trong chánh phủ Phi đương nhiệm.
Lớp học về Phục Vụ Cộng Đồng ... hàng ngồi ghế là điều hành cơ quan + cô giáo và chồng con
Vài tuần sau người bạn tôi, người đã tạo điều kiện cuộc ra đi của chúng tôi từ Malaysia sang và xin về căn 127K, trên giấy tờ, nhưng sang sống chung với cha con tôi suốt thời gian nơi đây, thế nhưng khi đã qua Mỹ rồi phải đến 13 năm sau chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau, thế mới biết đời sống nơi "Thiên Đường Mơ Ước" bận rộn dường nào.
Bạn bè và học trò cũ đã đi định cư hay tin, thỉnh thoảng có gởi tiền giúp có thể bằng cách bỏ lén trong thơ hoặc bằng chi phiếu ngân hàng  ... Nên thời gian gần 6 tháng nơi "Quán Trọ Trước Cổng Thiên Đường" cha con tôi có tiền mua sắm vài bộ quần áo coi được để đi học và chuẩn bị đi định cư . 
Về việc ăn ở thoái mái còn hơn ở bên nhà: Thực phẩm khô như gạo, đường, muối, nước mắm , bột ngọt, dầu ăn, tôm khô, đậu xanh, kể cả than đốt ... được phân phối định kỳ tận nhà do nhóm Food Service phụ trách . Thực phẩm tươi cá thịt, rau, môn khoai tuần vài lần  ... Nói chung có dư mà 4 người chúng tôi toàn "đực rựa" thành ra các món như đậu xanh, môn, khoai không dùng tới và gạo dư thì thường chúng tôi cho lại người Phi miền núi nầy, họ đi rảo trong trại, trông họ có vẻ nghèo khổ ....
Có lẽ do sự bang giao, nên thơ từ đây gởi về Việt Nam và ngược lại tương đối nhanh khoảng tuần lễ ... và nơi đây lần thứ nhất tôi nhận được thư và tin tức bên nhà kể từ ngày ra đi   ... và ngày 23 tháng 8 âm Lịch đầu tiên các bà vợ, bà mẹ chuẩn bị làm Giỗ chúng tôi ... trở thành ngày họp mặt hàng năm mừng "Ngày Tạm Biệt" !
Học và sinh hoạt cứ đều đặn bên cạnh việc thiết lập hồ sơ đi định cư bao gồm khám sức khỏe do các bác sĩ nhiều quốc tịch làm việc cho Phủ Cao Ủy Tị Nam của Liên Hiệp Quốc phụ trách.

NhàQuê, Nov 06, 2014
 

#16
    NhàQuê 29.10.2015 04:48:10 (permalink)

    Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"


    Hồi Khúc 18: Kha Luân Bố 

    (Thiên Đường Là Đây)


    Cũng đoàn xe buýt Victory Liner sơn 2 màu trắng đỏ đưa chúng tôi theo chiều ngược lại, phía sau lưng là "thành phố PRPC" , nơi đã trang bị cho chúng tôi những kiến thức căn bản về cuộc sống mới đang chờ phía trước.


    Lớp Anh Ngữ: Bìa trái nữ dương cầm thủ Lê Trương Kiều Loan, thứ 2 bìa phải Luật sư Lê Văn Lưu

    Lớp về đời sống Mỹ

    Đại diện khóa học phát biểu 

    Tiệc chia tay
    Cũng phía sau lưng ấy vài hôm trước đây có những buổi tiệc chia tay cuối khóa, với những lời chúc mừng bằng ngôn ngữ thứ 2 ... Những tiễn đưa của bạn bè quen biết, những hẹn gặp về sau trên miền đất mới ... Và cuối cùng chúng tôi bước lên xe với cặp túi ICM có hồ sơ cá nhân và cặp giấy tờ mà Trưởng Nhóm (Group Leader) phải giữ .

     Cùng chuyến vượt biển

    Tiễn lên đường

    Lên xe rời PRPC

    Ở trạm Transit (Manila) vào buổi sáng ngày Sep 04, 1987 lòng mọi người mà chiều hôm qua đến đây, ai cũng rộn rã niềm vui  ... Trong phòng họp, chúng tôi gồm 3 người Trưởng Nhóm được giới thiệu: Nhóm 1 đến New York, Nhóm 2 đến Los Angeles và Nhóm 3 đến San Francisco .... cả 3 người đều quen nhau trong buổi họp sau khi được chỉ định lúc còn ở PRPC.
    Chia tay nhau ở Tokyo, Japan cho đến nay chưa gặp lại lần nào
    Mỗi nhóm được chỉ định xe và điểm danh từng người hay gia đình tuần tự bước lên  ... Vị hướng dẫn cấp phát vé máy bay cho từng người theo nhóm và vẫy tiễn lúc chúng tôi bước vào hành lang để lên phi cơ từ phi trường Manila, Philppines đi Tokyo, Japan.
    Chúng tôi dến phi trường Narita ngoại ô thủ đô Tokyo của Nhật trong cơn mưa mù mịt, chỉ nhìn thấy mờ mờ thành phố nầy hay thành phố nào đó khi phi cơ hạ thấp cao độ .... Xe buýt đưa chúng tôi vào trạm chờ lên chuyến bay vượt Thái Bình Dương ... Nơi đây cả 3 nhóm được tách riêng và có người hướng dẫn đến cửa chờ khác nhau.
    Chừng hơn 1 giờ sau lúc xế chiều, chúng tôi rời Tokyo bằng loại phi cơ 747 khổng lồ của hãng hàng không Northwest Airlines để đến phi trường JF Kennedy thành phố New York, Hoa Kỳ .... Nhiều điều mới lạ chưa nghe ai kể về sự đi ngược chiều quay của quả đất, đó là bay chừng 2 giờ thì chúng tôi gặp ban đêm và không lâu sau lại gặp ban ngày ... Những bữa ăn trên máy bay bắt đầu không còn mùi vị Việt Nam nữa  .... Những bữa ăn có tiếp viên đến tận ghế hỏi từng người chọn món gì ... (Làm tôi nhớ lại chuyện cười của Đặng Trần Huân trước đây khi ông đi du học Mỹ "Tea, Coffee or Milk ?" ... Tea, coffee thì hằng ngày rồi bèn chơi milk cho lạ ...rồi thì "Tào Tháo" rượt sau đó) .... Tất cả mọi chi phí từ lúc rời Manila là tiền mỗi cá nhân phải vay không có lãi của Cao Ủy Tị Nạn, sau 6 tháng định cư 3 cha con tôi hàng tháng đã hoàn lại; Chúng tôi hãnh diện về làm tròn việc mang tính đạo đức nầy.
    Nhóm do tôi hướng dẫn bao gồm vài gia đình đi diện ODP, sau khi xong thủ tục nhập cảnh họ có thân nhân đón về hay đi tiểu bang nào đó  .... Còn 17 người kể cả 3 cha con tôi về tiểu bang Connecticut (theo diện CON BÀ PHƯỚC) do hội The International Institute Of Connecticut bảo trợ  ...  
    Trước khi rời PRPC tôi đã tìm trên bản đồ xem nơi tôi đến là chỗ nào ... Ngay cả sau nầy khi nói đến tiểu bang nơi tôi đến thì nhiều người còn nói là hồi đó giờ chưa nghe ...Họ chỉ biết nước Mỹ là California, Texas, Florida hay thủ đô Washington  ... Vì biết như thế khi máy bay hạ cao độ tôi đã nhìn thấy được Tượng Nữ Thần Tự Do ngay từ trên cao nhờ lấy điểm mốc là 2 tòa nhà  World Trade Center .
    Vừa đặt chân xuống phi trường JFK, New York City
    Chúng tôi đặt chân lên đất Mỹ vào buổi xế chiều của là ngày Sep 04, 1987 (Ngày giờ Miền Đông của Hoa Kỳ). Ngày ghi nhớ ấy chúng tôi có lẽ suốt đời không ai quên  ... 
    Riêng tôi, tôi có cảm tưởng tôi là một KHA LUÂN BỐ (Christopher Columbus) vì cả hai bên nội ngoại, bên vợ thì tôi là người đầu tiên đến Mỹ Châu  ...Tân Thế Giới xa xôi nầy sau 11 tháng 22 ngày kể từ ngày bước xuống chiếc ghe vốn dùng đi sông mà ra biển làm chuyến hải hành mà lại trước đó 
    "Chưa Ai Có Lần Làm Thủy Thủ Bao Giờ"
    Một thanh niên Việt Nam đã tiếp đón chúng tôi ở đầu hành lang lối ra khỏi máy bay và hướng dẫn chúng tôi làm thủ tục nhập cảnh  ... 17 người cùng về Connecticut lại tiếp tục hành trình từ New York bằng xe buýt của hãng Limousine Of Connecticut.
    Mới cuối Hè mà những cơn gió lạnh với lớp áo mong manh không đủ sức che ấm xương da nhiệt đới đó là cảm tưởng đầu tiên của tôi trong giây phút gặp gỡ nước Mỹ, Quê Hương thứ 2 nầy .
    Xe đến trạm cuối cùng và có vài xe nhỏ của người đến từ nhiều năm trước đưa 3 cha con chúng tôi về nơi ở mới; đó là  apartment số 50F, trên tầng 5 cuối cùng của building số 50 trên đường Fremont, thành phố Bridgeport, tiểu bang Connecticut; Nơi đó cha con tôi tiếp tục sinh sống gần 3 năm kế tiếp  ...Mọi thiết dụng trong nhà và thực phẩm đã có người giúp hội bảo trợ mua sẳm cho chúng tôi trong tuần lễ đầu tiên.
    Cuộc sống mới đủ cả vui buồn, nhưng dù sao đây cũng thực sự chốn Thiên Đường như nhiều người mơ ước
    Và cơ may đặc biệt nào đó nên 3 năm 7 tháng sau Tư Lịnh, con gái và trai út của tôi sang đoàn tụ, sau khi ghé 1 tuần ở Thailand

    Và đến tháng Giêng 1998 gia đình con trai cả gồm vợ chồng và đứa con (cháu nội gái của tôi) sang xum họp ... Cái nhánh cây gia phả họ Trần châm rễ trổ hoa trên vùng đất mới.

    NhàQuê Nov 09, 2014

    Sep 04, 1987

    Ngày nầy hăm mấy năm về trướcTa gã trung niên bước xuống đườngDắt díu hai con qua phố lạXa mù nơi chốn gọi quê hương
    Nhìn quanh ngơ ngác nhiều màu sắcChỉ có bầu trời xanh rất trongHy vọng nhỏ nhoi dường hạt bụiVốn nhừ từ thuở nát non sông
    Cố quên thương tích khắc sâu hằnCố vượt trùng trùng những khó khănCố nén buồn riêng đêm mộng mịCố ươm ... mong sẽ trái sai oằn
    Cũng may hạt giống vượt lên nhanhThoáng chốc vườn riêng ...quả trĩu cànhHương tỏa thơm tho tươm mật ngọtLớp hoa mai hậu rạng long lanh
    Hôm lên bảy chục cháu con mừngNhấp chén nồng nàn nước mắt rưngCó phải ước ao nhiều thế hệCơ duyên xin tạ biết bao ngần

    NhàQuê Sep 04, 2013

    Khi viết  HỒI TƯỞNG KHÚC nầy thì lỗi chánh tả của tôi có được cải thiện nhiều nhờ tra từ điển ... Khám phá ra rằng mẫu tự X trong Anh Ngữ thì ít  mà chữ Việt thì nhiều và riêng hai từ ĂN và ĐI trong Việt Ngữ lại rất nhiều ....Nghĩ rằng bên cạnh những nguyên do bỏ quê hương làm thân ly xứ có cả lý do phàm tục là không có ĂN cũng không có ĐI nên phải ĐI; Vậy thì xin mượn từ ĐI để tóm tắt lý lịch trích dọc của mình !
    Lý Lịch Tự Khai: ĐI HỌC ---> ĐI DẠY ---> ĐI LÍNH ---> ĐI DẠY ---> ĐI TÙ ---> ĐI BUÔN ---> ĐI BIỂN ---> ĐI MỸ ---> ĐI HỌC ---> ĐI CÀY ---> ĐI CHƠI ---> ĐI LUÔN .

    HẾT

     

    #17
      Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 17 trên tổng số 17 bài trong đề mục
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9