Đôi môi Tử thần ( Truyện ngắn Băng Hồ)
nvietdung 10.09.2013 14:14:41 (permalink)
 
      Gã nghệ sỹ cúi xuống. Mắt người con gái đã dại hẳn. Tuy nhiên, đôi môi từng mọng dưới ánh đèn năm xưa, giờ càng thêm não nùng trong giây phút cuối cùng của Tật bệnh. Đôi môi ấy quen thuộc quá chừng như vẫn đang máy máy đợi gã . Gã gọi nàng mê dại :
      “ Diễm Ly ! Em Diễm Ly. ..! “
       Gã điên cuồng riết lấy cặp môi mọng vi trùng lao đó . Cái hôn tê điếng, giãy rụa , như tranh cướp thời gian, như muốn làm hồn bật văng khỏi xác . Diễm Ly ,Diễm Ly ! Chút nhan sắc mỏng manh của đời gã kia ,gã quyết níu giữ chống bàn tay ác nghiệt của Tử thần đang đón đợi.
      Gã hơi rùng mình, nghẹn trong nước mắt . Gã đã nuốt tất cả trùng bệnh ma quái của Diễm Ly vào trong phổi mình. Gã muốn rú lên, cay đắng, tuyệt vọng :
     “ Diễm Ly ! Em đừng xa anh . Hay anh sẽ theo em …”
     Ba năm về trước một tối thứ bẩy gió lạnh. Tiệm nhảy Bồng Lai chật ních người . Những gã đàn ông để ria ăn mặc phong tình như những tài tử trên màn bạc. Những cô kỵ binh mình thơm, quyến rũ hơn hồ ly, cười như phá, rót từng cốc rượu đầy. Điệu nhạc rối loạn, quay cuồng,ánh đèn chuyển mầu dâm đãng một cách thần tiên. Giữa sàn nhảy , từng cặp ghì nhau quay tít.
     Trên hai dẫy bàn con, những người không nhảy chúi đầu vào nhau tri kỷ vụn. Rượu sóng sánh chảy ra bàn. Tàn thuốc rơi bừa bãi dưới chân. Thỉnh thoảng tiếng cười rộ như quỷ sứ.
      Hoài khác hẳn lũ người kia . Chàng không đổ rượu ra bàn ,không cười như quỷ sứ . Điếu thuốc cầm tay, gã nghệ sỹ tư lự đuổi theo bóng dáng một kỵ binh đang mải quay giữa sàn. Cô kỵ binh có lối đi sa ngã một cách khinh bạc và lối ngậm thuốc lá đầy quyến rũ. Vì cô kỵ binh ấy mà mấy tháng nay , gã trai hiền lành kia đã có mặt tại bất cứ tiệm nhảy sa đọa nào.
      Điệu nhạc vừa dứt, từng đôi đưa nhau về bàn. Cô kỵ binh cười rất huyễn hoặc khẽ gỡ mình ra khỏi tay khách. Hoài dụi vội mẩu thuốc vào chiếc gạt tàn :
     “ Diễm Ly !”
     Diễm Ly ngoảnh lại . Môi nàng hơi nhếch nhưng không cười hẳn :
    “ Anh Hoài ! Gì thế anh ?”
     Trán gã thanh niên nghệ sỹ hằn lên :
    “ Em ngồi xuống đây “.
   Diễm Ly không từ chối, kéo ghế ngồi cạnh Hoài dáng kênh kiệu .
    “ Em  uống rượu để anh gọi ?”. Diễm ly lắc đầu :
      “ Cám ơn anh. Em uống nhiều rồi . Có cho em một điếu thuốc .”
        Nàng châm lửa trong tay Hoài rồi đưa điếu thuốc lên môi. Lại cái lối ngậm vắt vẻo, lệch sang một bên mép, rất”du” nhưng đã tạo cho Diễm Ly một nét đẹp khác người.
       “ Nào, anh định nói chuyện gì thế, anh Hoài ?”
      Chưa nói mà gã nghệ sỹ đã cảm thấy cay đắng :
      “Diễm Ly ! Anh van em . Em đứng bắt anh phải nhắc mãi một câu chuyện nhiều lần nữa . Anh yêu em, em chẳng lạ gì. Anh không thể để em sống mãi cho thiên hạ thế này. Anh muốn em về ở với anh. Anh muốn cưới em .”
        Nhưng Hoài không kịp nói hết câu ,một chuỗi cười khánh khách bỗng từ cặp môi đỏ mọng kia bật ra; Diễm Ly cười rũ rượi ,cười lăn lộn, cười chảy cả nước mắt :
       “ Hoài muốn nói chuyện lập gia đình với Diễm Ly ư ? Sao Hoài nuôi mãi cái ý định ngộ nghĩnh thế . Hoài không biết rằng Ly là kẻ thù của tất cả mọi cuộc đời lương thiện, ngăn nắp ư ?”
      Hoài nắm chặt tay cô kỵ binh sốt sắng:
     “ Nhưng với Hoài, Ly không là kẻ thù .Trái lại, Ly sẽ là người vợ hiền ngoan. Ly trả lời ngay tôi đi . Khổ quá tôi đã chờ Ly hơn nửa năm nay rồi. Ly không ái ngại dùm tôi hay sao ?”
       Điệu nhạc lại bắt đầu nổi lên giục giã . Diễm Ly đứng lên : “ Hoài nhẩy chứ ?”
       Gã nghệ sỹ lắc đầu :” Tôi không biết nhảy . Tôi đến đây chỉ để nhìn Ly cho đỡ nhớ !”
      Diễm Ly vẫn cười , rất thản nhiên : “  Vậy , xin lỗi nhé ! “
      Vừa nói, nàng vừa ngả người bay bướm trong tay một gã đàn ông khác tiến đến. Dưới ánh đèn mờ ảo Diễm Ly đẹp một cách rợn người . Càng nhìn cái sắc đẹp ấy, Hoài càng thấy day dứt khổ sở. Chàng cảm thấy Diễm Ly vẫn ham mê ánh đèn màu nhiều quá hơn là một ánh bếp lửa bập bùng.
*
       Hoài là một nhà văn có tương lai rõ rệt.Những tư tưởng chàng gửi lên trang giấy bốc lên một ngọn lửa đấu tranh ngùn ngụt. Khác hẳn với mọi nhà văn cùng thời , trong tác phẩm của Hoài người ta không hề tìm thấy suối tóc hay bờ môi. Có người đã đem điểm thiếu sót đó ra hỏi Hoài. Anh mỉm cười trả lời:
       “ Đời còn nhiều cái đáng nói hơn một người đàn bà . Ta không nên dễ dãi để sợi tóc của họ vương vào ngòi bút làm nhãng quên bao vấn đề khác cần khơi lên . Tim và óc tôi cần tập trung cho đám người cằn cỗi ,những kiếp sống không phải choáng lộn trong những tòa lâu đài nguy nga vẳng tiếng dương cầm , mà phải là những căn nhà lá thiếu ánh sáng ,tối tăm luông chất chứa điệu thở dài câm lặng “.
       Và Hoài có một lý tưởng vững chắc để theo đà say sưa viết. Các phê bình gia đứng đắn nhất đã nhắc đến tên chàng trong những giòng mến mộ. Và một sự lạ- phần thưởng đích đáng nhất cho nhà văn trẻ tuổi đó – phái phụ nữ cũng đã dành không ít cảm tình cho chàng mặc dầu luận điểm của chàng trên mặt báo chí  là giọt mồ hôi hay thanh sắt lạnh người. Nhiều cô gái đẹp mang cái tên hệt tiểu thuyết , đã kín đáo gửi thư riêng và xin được đến thăm chàng . Nhưng Hoài chỉ mỉm cười đọc qua,chôn tất cả những kỷ niệm thơm tho đó qua một que diêm đốt cháy. Anh thường nói để giải thích cái cử chỉ vô tình đó :
      “ Tôi sợ nhất là để lòng nghiêng về hình ảnh một mỹ nhân. Mệt, bận, phiền toái và mất thì giờ lắm…”
      Cho nên gã nghệ sỹ năm ấy đã hơn hai chục cái xuân đời mà vẫn ngây ngô chưa hề biết đến Tình yêu. Tâm hồn gã vẫn hiền như một con nai nhỏ.
      Có ai ngờ bóng dáng Diễm Ly đã như một tiếng sét làm đảo lộn cả một nếp sống khắc khổ của chàng. Sự tình cờ dẫn Hoài đến gặp Diễm Ly trong một cuộc hòa nhạc có rượu và có nhiều hoa. Hơn mười cô gái ngon lành như những chiếc kẹo thơm nhưng Hoài nhìn, thản nhiên hết sức. Cho đến khi người ta giới thiệu anh với một nụ cười khuất ở cuối bàn : “ Trần Hoài ,một nhà văn trẻ nổi tiếng “.
       Một giọng nói chèn theo : “ Một văn sỹ thù ghét phụ nữ hơn tất cả mọi thứ thù ghét trên đời !”
      “ Và đây Diễm Ly cô gái của những chiều vàng son Hà Nội “
     Khẽ cúi đầu chào Diễm Ly, Hoài rùng mình một cái nhẹ. Diễm Ly không đẹp lắm, nhưng thu hút hơn rượu mạnh. Mặt nàng trái xoan một vẻ đài các, đôi mắt ươn ướt quầng thâm khoác cho nàng một tâm sự u trầm , đôi môi đỏ mọng gợi nhớ cánh đào cao quý. Giá đừng có dáng đi và lối ngậm thuốc lá thì không ai dám ngờ nàng là cô gái của ánh đèn và điệu nhạc. Nhưng cũng vì dáng đi sa ngã  một cách khinh bạc ,và lối ngậm lệch thuốc lá rất “du “ đó, đã khiến gã văn sỹ hiền lành càng thêm choáng váng. Người con gái yêu ma kia đã thu giữ linh hồn gã ngay tự buổi đầu, cái linh hồn mà bao nhan sắc hồn hầu khác đành bất lực.
        Hoài lẳng lặng ngồi nghe Diễm Ly hát, cười , gào, rượu và đùa, phá, lòng nao nao muốn hỏi :
       “ Nàng đẹp lắm, nhưng sao lại sống sa đọa như vậy – và tại sao tên nàng lại gợi bao ý tình oan trái ? “Diễm Ly, cái đẹp của sự ly biệt “ ..Sao đời nàng lại chỉ là sự ly biệt mà không có chỗ chừng chân ?”
       Một gã thanh niên rượu ngà say, hỏi Diễm Ly như để trả lời chỗ thắc mắc của chàng :
      “ Chị Ly , Đã có lúc nào chị nghĩ đến sự dừng chân bên một mái nhà hương lửa chưa ?”
      Diễm Ly ngừng nâng cốc rượu, phá lên cười sắc hơn cả thủy tinh :
     “ Mái nhà, mái nhà , tôi đã nghe hơn một người đàn ông nói bên tai tôi câu ấy . Nhưng nói anh đừng giận nhé. Tôi xem ra tất cả các mái nhà đối với tôi đều chật hẹp, chân tôi thèm những khoảng thoáng rộng hơn. Xin đừng ai đem một quy tắc , một bổn phận nào để ràng buộc Diễm Ly này !”
      Hoài băn khoăn : “Diễm Ly ! Một cô gái có tâm hồn lạ !”
      Và chàng càng muốn đuổi theo cô gái như người đang khát nước bạc. Một người bạn thân nom thấy rõ đã ngăn chàng lại :
           “ Hoài , mày không phải là hạng người đủ bản lĩnh để đùa với dao sắc. Trước mày, nhiều thằng dại dột đã nhận được những kết quả tái tê chỉ vì trót đuổi theo ánh mắt của Diễm Ly. Nàng đã vò nát bao trái tim, đốt cháy bao cơ nghiệp,phá hoại bao mái nhà lương thiện. Đối với Diễm Ly,đừng nên đi sấu quá khuôn khổ tình bạn . Mày có thể cười đùa nói nhảm và cả lỗ mãng trong sự nghịch ngợm, nhưng hãy tránh một giọng nói run run cảm động với con người ấy. Mày hãy nhớ, Diễm Ly thường tuyên bố công khai  :” Tôi nghe những lời thổ lộ ấp úng thấy trơ trẽn lạ , có cảm tưởng như nghe một kép hề đóng kịch” Tên nàng đã dọn sẵn cả cuộc đời nàng. Đừng nghĩ đến chuyện dừng chân lâu ngày với con người ấy mà sẽ bị đau khổ, Hoài ạ ! “
        Hoài nhất định không tin như thế. Hoài nhất định không tin dao sắc sẽ làm rớm máu bàn tay mình. Chàng gạt hết mọi bận rộn đuổi theo Diễm Ly. Đã nhiều đêm Hoài thức trắng không ngủ để vùng dậy ôm đầu viết lia lịa. Tác phẩm của chàng bắt đầu ẩn hiện hình ảnh của cô gái ma quái kia. Và đã có lần chàng tập uống rượu một mình , chén rượu nhiều khi đã pha cả giọt lệ chát. Mặc sự phản đối của một dòng họ thi lễ ,mặc sự can ngăn của những người bạn nhiều kinh nghiệm . Hoài văng mình đến tất cả các tiệm nhẩy, nơi cuộc sống chuyên nghiệp của Diễm Ly. Chàng ứa nước nước mắt nhìn người con gái lăn hết tay gã đàn ông này sang người đàn ông khác. Chàng xót xa nghe tiếng cười xé ruột của Diễm Ly như chính thân chàng đang bị trăm nghìn vết thương quằn quại.
       Mới đầu Diễm Ly đã cười khẩy không mảy may để ý đến gã trai văn nghệ sỹ  vẫn thường tối đến kéo ghế ngồi lầm lỳ ngắm nàng nhẩy trong tay khách . Nhưng dần dần , sự chân thành đúng giờ và nhất là vẻ mặt hiền hiền của Hoài làm nàng cảm thấy hay hay. Giữa cuộc đời lăn lóc, bỏng cháy, luôn va chạm với những nếp áo phẳng lỳ vì kiểu cách, những câu nói tục tĩu hay ngọt lịm ( miễn là những kẻ đến đây đều phải nói nhiều) lần này gặp gã trẻ tuổi, ăn mặc xuyềnh-xoàng và chỉ lặng lẽ ngồi rót rượu uống một mình, Diễm Ly có ngay ý nghĩ lại một con búp-bê để cho nàng vờn.
        Ý tưởng tinh quái ấy làm cho nàng thích gần Hoài vì tò mò hơn là vì yêu. Nàng sán lại gần mời gã nhẩy. Gã lắc đầu trả lời đến đây không cốt để nhẩy, chỉ cốt nìn nàng cho đỡ nhớ. Ly cười khánh khách toan trêu chọc nhưng nét mặt gã nghiêm đến khắc khổ làm tiếng cười nàng bị rụng giữa chừng. Nàng hỏi gã muốn nói chuyện gì  . Gã bảo rằng :
       “ Em Diễm Ly. Anh yêu em. Anh không muốn em sống buông thả thế này mãi . Điệu nhạc và ánh đèn sẽ tàn phá cuộc đời em .Anh muốn em sẽ thay đổi cách sống, quay về đan áo, dóm lửa cho một mái nhà”
       Diễm Ly mủm mỉm : ”Hoài không nghĩ gì về cái tên đặt của Diễm Ly hay sao ?”
       Giọng gã nghệ sỹ trầm trầm mơ mộng :
      “ Tôi không tin rằng một cái tên lại sẽ mãi mãi định đoạt cả một cuộc đời. Ly vẫn sẽ có thể nghỉ chân bên một ngưỡng cửa gia đình như bao cô gái khác. Tôi sẽ thuê cho Ly một căn nhà điểm đắn, xinh xinh có vườn, có cây và có ánh trăng xanh.Chúng ta sẽ sống một cuộc đời giản dị không thèm muốn, không ghen tỵ. Tôi sẽ viết văn và làm sách. Ly sẽ trong nom cái bàn viết cho tôi, xếp đặt cho ngăn nắp những trang bản thảo, thay cho tôi ngòi bút khi đã cùn, đổ thêm mực khi nghiên đã cạn. Và mỗi sáng, khi tôi chưa ngủ dậy, Ly sẽ cắm một bó hoa lên bàn…”
         Diễm Ly cười to khiêu khích :
         “ Hoài là nhà văn có khác, nói như trong tiểu thuyết. Nhưng Hoài không biết rằng , trước Hoài đã có biết bao người đàn ông khác cũng đã nói những câu ấy với Ly, đã chân thành đem dâng cả cuộc đời cho Ly mà Ly không chiều nổi đó sao ? Hoài không nghe thiên hạ vẫn nói: Diễm Ly là một con hồ ly tinh đã phá vỡ bao sự nghiệp , đầu độc bao trái tim, đốt cháy bao mái nhà. Hoài không biết rằng những người lương thiện coi Ly như một kẻ tử thù, một mụ hủi ? Hoài không biết rằng tất cả những ngưỡng cửa gia đình ở cái xã hội Tây Tàu này đều quá hẹp đối với Ly, không phải là nơi nghỉ bước của Ly !”
       Ly nói mê man như một kẻ uống nhiều rượu. Nhưng Hoài bình tĩnh năm chặt tay nàng :
       “ Anh hiểu lắm. Vàng son không buộc nổi chân em nhưng chân tình sẽ nắm giữ được em. Tất cả mọi nếp nhà đối với em đều chật hẹp nhưng lòng anh sẽ là chỗ rộng rãi cho em nghỉ chân. Diễm Ly ơi. Dù đời em luôn gây oan trái nhưng anh tin chắc em chẳng nỡ gây ra với anh! “
        Diễm Ly bật một que diêm châm thuốc  hút dáng điệu lơ đãng: “ À con gia đình Hoài nữa. Ly nghe các anh ấy nói gia đình Hoài nề nếp lắm, quan cách lắm , có đâu lại chấp nhận một con dâu như Ly !”
      Mắt Hoài sáng lóe quả quyết : ” Gia đình chỉ là hình thức che đậy bên ngoài. Gia đình đâu đủ quyền lực để quyết định hạnh phúc của một con người. Ly ơi ; cái khó khăn không phải ở gia đình Hoài mà là ở chính nơi Ly !”
      Diễm Ly vẫn chưa hết châm chọc : “ Ly lại còn nghe đồn Hoài đang có một vị hôn thê con ông Tuần ông Án gì đó , trẻ đẹp, quý phái, giầu có lắm. Chỉ những kẻ thiếu sự tỉnh táo đầu óc mới bỏ miếng mồi ngon như thế để rước lấy một đứa con gái hư hỏng , trọn đời chỉ biết cười đùa phá phách. Ly tin Hoài là một nhà văn, Hoài có sự cân bằng cần thiết của bộ não !”
      Hoài hố hoảng nói như van lơn : “Diễm Ly ơi, em đứng có móc nhiếc anh đau lòng thế .Trái tim anh chỉ chiêm ngưỡng một mình em thôi, không dành chỗ cho bất kỳ ai khác. Em là nguồn say mê bất tận của đời anh .Anh không thể sống xa em được…”
       Diễm Ly dốc cạn rượu đứng lên. Hai mắt nàng đờ đẫn một cách điên dại. Điệu nhạc đang nổi, nàng mời Hoài :” Anh nhẩy “, nhưng gã nghệ sỹ lắc đầu . Nàng tặc lưỡi ôm ngay  lưng một người đàn ông khác. Vẫn cái dáng đi đẹp tê người vì kiêu bạc và đôi môi mọng đỏ nhếch ra hết sức khinh đời.
      Hoài nắm chặt hai tay tưởng muốn hóa điên.
*
      Ấy thế rồi ít lâu sau, một tin làm rung chuyển giới ăn chơi Hà Nội, đột ngột hơn mọi biến chuyển ghê gớm nhất về thời cuộc. Diễm Ly cô gái từng phá bao cuộc đời, cô gái từng chỉ đẹp trong sự ly tán, một bữa đã ngừng tiếng cười xé ruột ,dừng chân ngoan ngoãn bên gã nghệ sỹ thanh niên Trần Hoài. Cuộc hôn nhân của hai người là một tin thời sự dễ hái ra tiền để tất cả các báo chí làm rùm beng đăng tải nhiều kỳ và đặt ra những giả thuyết. Luận điệu chung đều ái ngại cho Hoài sắp là vật tế thần trước móng vuốt hồ ly của Diễm Ly
.     Hoài cười khẩy trước lo ngại của người đời . Chàng cũng nhất định tin rằng sự chân thành tha thiết đã cảm hóa được Diễm Ly thì không có lý gì người con gái đó lại biến thành yêu ma trong cuộc sống khuôn nếp cạnh chàng.
       Ngày Hoài cưới Ly chàng đã phải can đảm lắm mới chống lại được bao thành kiến ngăn trở. Cụ Huấn Tô mắng nhiếc chàng không tiếc lời : ” Họ nhà ta từ trước tới nay chưa hề có hạng dâu con như thế. Anh là đồ bất hiếu, anh bôi nhọ cả danh dự của dòng họ, của ông cha. Nếu anh mang cái đồ đĩ thõa ấy về đây thì từ rầy đừng trông thấy mặt chúng tôi nữa !”
       Hoài cười gằn, sắm đồ đạc ở riêng. Chàng thuê một căn nhà đỏm dáng tại Yên Phụ có vườn, có cây và cả bóng trăng xanh( như lời chàng đã hứa với Diễm Ly ). Rồi chàng được tin cụ Án Chu cũng đã đem trả trầu cau nhà chàng và Nguyệt Tú vị hôn thê trẻ , đẹp, giầu có, quý phái những bận sau gặp chàng ngoài phố , cái nhìn hết sức lãnh đạm.
      Tuy thế Hoài vẫn huýt sáo rất vui vẻ. Chàng âu yếm hôn nhẹ lên mái tóc bồng bềnh của Diễm Ly mà nói rằng :
      “ Em Ly ơi, tất cả gia đình, họ hàng bỏ anh ,nhưng anh không cần. Có em là anh có tất cả. Hiện giờ anh là kẻ hạnh phúc nhất đời ,em biết không ? Sao trước đây thiên hạ hay đặt những điều ghê gớm về em , chứ riêng anh vẫn thấy em chó thể nhu hậu như bao cuộc đời khác “.
      Diễm Ly ngả đầu vào vai chồng nói nhẹ như cho chính lòng mình nghe:
      “ Lần đầu tiên trong đời, sự chân thành của anh đã làm em cảm động, em sẽ cố gắng làm đẹp lòng anh dù cho phải hy sinh hay bó buộc “.
     Ngoài vườn , một tia nắng ấm reo vui như chứng kiến mối tình son sắt của đôi bạn trẻ. Tình ái, thơ mộng, yêu đương đã nở ra trong những tiếng nói thầm . Hoài lăn lưng, say sưa viết, viết đêm, viết ngày trong khí đó Diễm Ly “ đúng như chàng mong muốn “ với đôi tay ngà óng ả đã săn sóc cái bàn viết cho anh : Xếp đặt những trang bản thảo còn tươi nét chữ, thay một ngòi bút, chọn một màu mực. Và mỗi buổi sáng khi Hoài còn đang chập chờn trong giấc ngủ mê mệt, Ly đã dậy sớm rón rén ra vườn ngắt những cánh hoa còn đẫm hơi sương đem vào cắm trong chiếc lọ trên bàn.
       Hoài đã thành công trong việc hoán cải Diễm Ly. Nàng dần bỏ những thói quen : uống rượu, hút thuốc, cười như pha lê vỡ. Nàng cũng đã quên hẳn được kiểu ngồi vắt chân chữ ngũ rất kênh kiệu, cũng như lối ngậm thuốc lá lệch hẳn sang một bên mép. Dáng đi của nàng bớt sa ngã khinh bạc trở nên lương thiện hiền hòa hơn. Người con gái từng quay tít dưới ánh đèn giờ đây  đã chịu khó biết đến cái mùi khói làm chảy nước mắt ở mái bếp của hai bữa cơm hoặc đôi tay đã có buổi ngượng nghịu tìm đến một đường chỉ, một que đan.
       Những buổi nhàn rỗi , Hoài dẫn vợ đi chơi. Trông dáng điệu của Ly, những người phóng đãng hồi xưa cũng không thể ngờ rằng nàng thành “thiện nhân “ một cách nhanh chóng như thế. Gã nghệ sỹ hiền lành ai ngờ có đủ hai bàn tay sắt của một tay đua ngựa.
        Nhưng “Diễm Ly chỉ đẹp trong sự ly biệt “  Hạnh phúc của gã nghệ sỹ buồn thay không được trọn vẹn sau mấy tháng đầu trăng mật. Lần đầu tiên Hoài cảm thấy mọi cái khó khăn trong việc làm chủ một gia đình . Xưa kia sống chung với bố mẹ, chàng chưa hề phải bận tâm về sự chi dùng hàng ngày. Những tiền nhuận bút sách báo chỉ đủ để chàng vung tay cùng chúng bạn trong một quán rượu, một đêm vui hay một cơn bốc đồng hăng máu.
       Chàng được tiếng là “phong lưu mã thượng” nhất trong số các văn nghệ sỹ. Nhưng giờ đây phải đứng cái địa vị điều khiển cái yên vui cho cuộc sống của hai người. Hoài nhăn mặt thấy khó khăn phiền toái quá. Tờ giấy bạc không còn được rút ra hào phóng như trước nữa ,trái lại đã có những tính toán dè dặt. Chàng thưa dần những cuộc họp hành ăn uống cùng chúng bạn.
       Và để đuổi theo sự cần kíp, Hòai bù đầu viết. Chàng viết bất cứ một vấn đề gì, một ý tưởng nào chợt nhóm trong óc.Chàng viết ôm đồm , vội vàng, không tính toán ,không chọn lọc, cả những tin”thời sự” dễ câu khách, dễ kiếm tiền. Tuy thế, những cố gắng mỏi mệt của chàng vẫn không đem lại nổi sự đầy đủ cho chàng và Diễm Ly( nhất là Diễm Ly, con người từng vò nát trong tay những cuộn giấy bạc). Tiền nhà, tiền điện nước, tiền thợ giặt , tiền sắm sửa may mặc và giải trí, tiền cơm hiệu, tiền trả nợ ( chàng vay nợ bạn bè để sắm sửa đồ đạc hồi mới cưới Ly ).Trăm thứ tiền mà những tác phẩm viết vội của chàng cũng không cung cấp nổi.
       Đến lúc đó mới là thời kỳ tai hại nhất cho mối tình son sắt của Diễm Ly. Đã có những buổi người con gái thấy thoáng buồn. Xưa này chỉ quen sống trong khung cảnh rộng rãi, phá phách, coi đồng tiền như rác, giờ đây phải hạn chế cả những sở thích nhỏ hàng ngày, nàng thấy khó chịu vô cùng. Lại những xưa nay, đời nang chỉ quen những sự phỉnh nịnh, chiều đón của người xung quanh, chứ nàng chưa hề phải chiều đón hay lo lắng cho bất kỳ một ai; Ly thấy cái bổn phận lo toan thu vén của người vợ không thích hợp với nàng chút nào. Hơn nữa những ngày gần đây,Hoài cũng không còn giữ được nụ cười tươi tắn như xưa . Chàng thành bẳn tính,lầm lỳ ít nói. Có những buổi cả hai ngồi cùng bàn ăn mà mỗi người theo đuổi riêng một ý nghĩ . Hoài lo đến cuốn sách ba trăm trang phải viết xong trong tuần này để kịp lĩnh tiền giả nợ , Diễm Ly nghĩ đến cái khắc khổ thiệt thòi của người con gái đẹp như nàng sống dưới chế độ gia đình chật chội.
     Không khí nặng nề bao trùm gian nhà như báo hiệu trước cơn giông bão. Thì giông bão ấy thật sự đã xảy ra trong một tối thứ bẩy.
      Hoài đi vắng, Diễm Ly đang tư lự bên cuốn tiểu thuyết đọc dở , tiếc thời bay nhảy của mình như nhân vật chính trong truyện, thì một lũ những Vân, Đính, Lựu ào đến thăm nàng mang theo những tiếng cười phá phách . Cả bọn rủ nàng đi chơi, Diễm Ly còn đang ngập ngừng vì chưa cơm nước cho chồng thì Lựu đã châm chọc : “ Mày sợ thằng chồng mày lắm nhỉ, hay phải đợi xin phép nó ? “
       Vân nói thêm : “ Các anh Vượng, Quý vẫn nhắc đến mày luôn. Các anh ấy tiếc một đứa con gái diễm lệ như mày sao lại chịu dại dột lấy một anh văn sỹ dở hơi ấy …” Đính đưa mắt nhìn gian buồng ,bĩu môi rất đài các : “ Ly ạ, chúng tao tưởng mày lấy chồng hạnh phúc hơn chúng tao thế nào, chứ nhà cửa thế này thì chưa chắc ai hơn ai đâu, em ạ !”
     Mắt Diễm Ly sáng lên một cách điên dại . Thoáng cái rất nhanh: những tiệm nhảy tưng bừng tiếng nhạc,những gã đàn ông phong tình cúi rạp xuống,ca ngợi nhan sắc nàng,những cuộn gíấy bạc thi nhau dâng lên cho nàng không tiếc tay. Thốt nhiên nàng bật lên cười- tiếng cười lại thấy sắc như thủy tinh:
     “ Chúng mày đợi tao một lát !”
     Nàng mở tủ chọn áo và chải đầu rất nhanh trước tấm gương to. Phấn son giúp nàng trở lại cái đẹp mê hoặc ngày trước. Đính, Lựu, Vân bấm nhau : “ Con Ly nó đẹp quá chúng mày ạ.Hoài của thế mà nó chịu tù đầy bao nhiêu tháng nay “.
       Những lời vuốt ve tán tụng làm Ly thèm muốn rạo rực những phút vui ồn ã đã qua . Nàng bảo Vân:
      “ Mày có thuốc lá đấy không ? Cho tao một điếu !”
      Vân đưa thuốc lá cho Ly.Nàng bật que diêm và ngậm vắt vẻo một bên mép- lại cái lối ngậm rất “du” đã từng làm cháy lòng bao kẻ. Nàng ẩy cả bọn ra cửa :
         ” Đi chúng mày, lâu lắm bị kìm hãm , hôm nay phải giải phóng thôi !” Dáng đi của nàng mơ hồ đã lại sa ngã một cách rất “ bất cần đời “.
       Cũng trong lúc ấy , Hoài đang ngồi ôm đầu ,nét mặt hằn lên đau khổ trong một buổi họp Văn nghệ cùng mấy người bạn thân. Nhà phê bình Nguyễn Sơn trước kia từng đề cao tác phẩm của anh, giờ đây đang nhìn Hoài cái nhìn nghiêm khắc của một quan tòa buộc tội :
      “ …Tôi hiểu lắm, tôi hiểu cái đau khổ của anh. Vì Diễm Ly tất cả, vì muốn có tiền, có thật nhiều tiền cho nàng tiêu, anh đã nỡ đem đánh đĩ cả cái bút danh lâu nay của anh. Trần Hoài, nhà văn tranh đấu xã hội vẫn được sự tín nhiệm của độc giả năm xưa đã chết hẳn không còn nữa. Anh hãy nhìn xem mấy tháng nay anh đã sáng tác được những  gì ? Thật đáng buồn. Anh đã viết tất cả những ván đề nhảm nhí , những bố cục dàn dựng không một lý tưởng,một lập trường nào nữa. Anh đã chạy theo mọi sở thích tầm thường dễ dãi của một số nhỏ quần chúng và đã lãng quên nhiệm vụ chính của một cán bút danh dự .Anh không đọc những tờ “Lẽ sống “ ,”Đuốc thiêng “ đã bắt đầu có những bài phản đối bôi nhọ sự nghiệp của anh.Lại đây nữa, trời ơi ! Tôi không hiểu anh nghĩ thế nào mà dám làm việc một liều đến thế. Cái lão trọc phú một chữ bẻ đôi không biết ấy đã cho anh bao nhiêu vạn để đánh đổi lấy một bài báo tán dương dọn đường cho lão nay mai ra tranh chức nghị viên thành phố . Nếu tôi không vội can, nhiều bạn trẻ nóng nảy đã chực tìm hỏi tội anh về bài ấy mà họ cho là một vết nhơ trong làng báo, có hại chung đến thanh danh những người cầm bút. Nhưng báo giới sẽ không quên câu chuyện đầu hàng xấu xa này đâu. Họ sẽ khắt khe lên án anh,tẩy trừ anh ra khỏi làng văn nghệ xứ này. Hà, hà..Trần Hoài, cây bút ngùn ngụt tranh đấu cho Công lý, cho những kiếp sống cần lao, giờ đây đi xu phụ cho một tên trọc phú để đổi lấy những tờ giấy bạc…”
         Hoài đỏ mặt giãy giụa : “ Anh Nguyễn Sơn.Tôi van anh.Tôi xấu hổ lắm rồi. Trời ơi tất cả vì một người đàn bà . Tôi tự đào thải, tôi tự giết tôi. Tôi làm nhục lây đến tất cả các anh.”
        Chàng đứng dậy, thuê xe đi về. Không uống rượu mà trong người nóng ran.
          Diễm Ly không có nhà , cơm nước cũng chưa dọn. Hoài hằn học hỏi chị sen,chị trả lời có những cô áo mầu sặc sỡ, môi bự vết son đến rủ nàng đi chơi . Đang có tâm sự giận dữ, Hoài lao cả lọ hoa xuống đất.Chàng muốn gào lên :
        “ Vì Diễm Ly! Vì cái con yêu quái ấy mà chàng đã tự vùi chôn cả sự nghiệp văn học bấy lâu. Tháng vừa qua, thấy nó kêu cần tiền sắm đôi hoa tai kim cương (Hoài rùng mình nhắm mắt lại) Chàng đã phải nhắm mắt làm cái việc ô uế nhất :hạ bút ca tụng một tên nhà giầu vô học để lấy hai vạn bạc! Rồi đây, giới văn nghệ tự trọng sẽ không tha chàng. Họ sẽ phỉ nhổ, lên án, khước từ chàng như một con chiên ghẻ. Tên tuổi chàng sẽ chết hẳn từ đây. Chỉ vì Diễm Ly tất cả. Mình hy sinh nhục nhã cho nó thế, nó có thành thực với mình bao giờ đâu? Trong 1úc này, vứt cả cơm nước, bỏ đi chơi đàng điếm…”
        Quá nửa đêm, Diễm Ly mới về,tóc rối bời, son hơi nhòe, áo hơi trể nải và nét mặt còn chưa hết ngây ngất với dư vị cuộc vui rơi rớt lại.Nhìn căn nhà , nàng không nén nổi tiếng thở dài ngao ngán.Trong mấy tiếng đồng hồ qua, bọn Vân, Đình, Lựu đã dẫn nàng sống lại những giây phút cuồng nhiệt hết mình mà từ khi lấy Hoài ,nàng đã phải đè nén rất nhiều. Lòng tự ái của nàng được vuốt ve đến cực độ, bao gã đàn ông cúi rạp xuống khen nàng “”như tiên nữ” và tiếc hộ sao nàng chịu giam hãm cả một đời xuân sắc bên cạnh anh chàng văn sỹ gàn ,kiết xác xơ ấy. Rồi họ rót rượu mời nàng uống. Rồi nàng lại cười như phá, lại điên dại đứng lên quay tít trong điệu nhạc dâm cuồng,mềm yếu dễ dàng trong tay gã đàn ông đàng điếm Cuộc vui tàn. Lê văn tiễn nàng lên ô tô về tận nhà , và trước khi từ giã, gã được phép ôm hôn đắm đuối  lên đôi môi đỏ mọng của Diễm Ly. Uể oải vặn quả đấm,Ly thấy đầu óc quay cuồng, tiếc hận một cách khó tả. Lấy Hoài,nàng phải hy sinh nhiều quá, chứ đời nàng còn được trọng vọng, chiều đãi hơn thế nhiều. Bởi vậy khi Hoài dậy mở cửa và dữ dội hỏi : 
        “ Em đi đâu suốt từ tối, bỏ cả cơm nước nhà mà chẳng bảo ai …? “
        Thì Ly trả lời rất ngạo nghễ : “ A, có mấy con bạn đến rủ, vui thì đi. Có thế mà anh cũng phải đỏ mặt tía tai lên à ? “
        Lần đầu tiên, Hoài nói những câu hờn oán với Ly : “ Ly , em phải hiểu rằng đời anh đã chịu nhiều đau khổ hy sinh vì em .Em phải nghĩ đến đạo làm vợ của em mới được !”
       Ly nhếch môi độc địa, óc nghĩ ngay đến điệu nhạc và những gã đàn ông : “ Hoài ạ, giữa hai chúng ta , kẻ đáng nói đến hai chữ “hy sinh “ chỉ có thể là tôi thôi. Hoài có biết rằng tụi bạn đã thương xót tôi như thế nào khi quá dại bùi tai lấy Hoài để hôm nay phải sống cơ cực như một con tôi đòi trong gian buồng thiểu não này không ? Đừng giận dữ với tôi Hoài ạ !  “
      Hoài phũ phàng giơ tay tát Diễm Ly . Nàng không chịu kém, vớ lấy cái bàn thấm trên bàn quăng vào mặt Hoài. Hoài tránh được, chiếc bàn thấm lia vào chiếc gương to cạnh đấy , mặt gương vỡ thành những đường răn rúm . Gương đã vỡ. Hoài run lên. Ngay một giờ sau, Diễm Ly đùng đùng thu xếp quần áo vào chiếc va-ly bước ra khỏi căn nhà xinh xắn. Đêm hôm đó, Hoài nằm ngủ một mình, khóc ướt đẫm cả chiếc gối bông. Những ngày hôm sau, căn nhà vắng bóng Diễm Ly buồn như có người chết. Mấy tháng giời chung sống với người con gái yêu ma, Hoài không thể một chốc quên ngay tuy chua xót hiểu rằng nàng là yêu ma.
       Này đây chỗ giường Diễm Ly hay nằm xem tiểu thuyết, này đây những trang bản thảo tươi tắn vẫn được đôi tay ngọc ngà săn sóc xếp gọn, nay đây vườn hoa mỗi buổi sáng Diễm Ly thường ra ngắt những bông đẹp nhất cắm vào chiếc lọ hoa trên bàn viết của anh; lại nữa chiếc gương( Hoài sợ hãi che mặt) kỷ niệm ngày cưới, hai người vẫn hay âu yếm cười chung bóng thì giờ đây đã dập vỡ tan tành. Gương vỡ rồi có bao giờ lành lại đâu ?
      Lòng mặn đắng nước mắt, Hoài lại văng mình đuổi theo Diễm Ly. Một đêm chàng bắt gặp Diễm Ly đang quay tít trong một tiệm nhảy. Mắt nàng mờ đi một cách đáng sợ. Cả thân hình thơm tho kiều diễm đang nằm gọn trong vòng tay thô ráp của một gã đàn ông có bộ râu quai nón ngạo đời. Hoài rú lên, ẩy gã đàn ông sang bên, và quằn quại bên tai Diễm Ly : “Diễm Ly.Anh hối hận quá rồi,em thứ lỗi cho anh. Anh đến đón em về đây !”
      Mắt Diễm Ly ráo hoảnh : “ Muộn rồi Hoài ạ ! Tất cả mọi mái nhà đều hẹp không phải là chỗ nghỉ chân của Ly. Câu nói ấy bây giờ Ly thấy đúng quá để nhắc lại với Hoài .”
       Hoài hét lên : “ Em Ly ơi ! Gia đình bỏ anh , họ hàng khinh anh ,sự nghiệp anh tan vỡ, cuộc đời anh dang dở .Anh mất cả rồi vì em,và cũng chỉ còn lại mình em thôi. Em đừng bỏ anh nữa, tội nghiệp, anh van em !...”
      Diễm Ly cười rớm máu : “ Ly mệt lắm không trả lời được nhiều Hoài thông cảm nhé. Hoài nên nhớ rằng “Diễm Ly chỉ đẹp trong sự phân ly, phân tán thôi” .Mấy tháng giời chúng ta sống bên nhau Ly tưởng đã là quá hà-lạm rồi.Hoài đừng đòi hỏi gì hơn nữa. Vả lại riêng một cái tên “Ly “ đã phân tán rồi, nay lại thêm cái tên “Hoài ” nữa thì lâu bền sao được ?”
      Hoài thấy trong người gấy lạnh.Đến lúc ấy chàng mới nhận ra tên chàng và Diễm Ly chắp lại thành “Ly Hoài” ngang trái ngay từ buổi đầu kết hợp. Gà nghệ sỹ lắp bắp mắt nhòa lệ : “ Ly - Hoài ! Ly-Hoài !”
*
       Ba năm rồi lòng anh vẫn chẳng quên.Tuy chẳng được gần em thể xác nhưng anh vẫn sống chung với em trong những kỷ niệm buồn vui còn lại. Em Ly ơi ! Tối hôm ấy ,em đã hờn dỗi xua đuổi em để chẳng bao giờ còn gặp lại anh nữa.Anh loạng choạng ra về, ngậm ngùi nhớ mãi hai chữ “Ly-Hoài”.Những người thân thích đã vội mừng câu chuyện tan vỡ này.Nguyệt Tú đã mấy bận đến thăm anh nhưng linh hồn anh,em đã nắm giữ từ buổi đầu và đã mang đi cả với em đâu còn dành cho người  khác.
       Ba năm rồi.Anh vẫn sống cô độc,sầu héo như dạo mới gặp em.Anh thờ em trong tâm tưởng.Tấm ảnh may mắn còn lại của em, anh treo ngay giữa phòng trước nơi bàn viết làm nguồn an ủi những giờ mỏi mệt. Ngoài ra để trấn át hận sầu,anh lại say sưa viết. Anh xây dựng lại sự nghiệp đã một buổi lung lay. Anh bớt cái sôi nổi hò hét triết lý,mấy tháng gần em ngọn bút anh đã biết đi vào những góc cạnh tinh tế sâu lắng gần con người hơn.Em Ly ơi,kỷ niệm về em đã giúp anh nhiều trong sự thành công Văn-nghiệp đó.Cái tên “ Hoài Ly” ( anh đổi thay cho Trần Hoài )lại được nhiều người vỗ tay tán thưởng.Họ sẵn sàng tha thứ những dại dột của anh thuở nào.Duy anh chỉ còn khổ nhất là ngoài những phút vùi đầu trên trang giấy, bỗng thoáng hình ảnh em hiện về. Những lúc ấy anh sợ hãi chẳng biết gì hơn là tìm quên trong chén rượu hoặc một thú tiêu khiển ồn ào bên ngoài …
         Em Ly ơi.Em chẳng ngờ rằng tiếng cười pha-lê của em vẫn đọng mãi trong hồn anh dù bao tháng năm xa cách.Anh dò hỏi tin tức em,nhưng không ai biết nữa. Kinh thành Hà Nội quá nhàm chán để lưu vết chân Diễm Ly.Thế rồi ngày hôm qua đánh dấu một thành tựu rực rỡ trong sự nghiệp văn học của anh, đồng thời cũng là ngày chết chóc khủng khiếp của một tâm linh. Tiểu thuyết “Hương lửa” của tác giả “Hoài Ly”, anh vùa nhận ở Nhà xuất bản đem về. Cuốn sách mà phần lớn nội dung lấy ngay trong cảnh sống trước đây của chúng ta.Anh nâng niu đem cuốn sách còn thơm mùi mực về nhà,vẫn căn nhà Yên Phụ có vườn có cây và có bóng trăng,nhưng từ dạo vắng em, vườn đã nhạt bướm,cây chẳng ra hoa và trang cũng chẳng còn xanh nữa.Một người bạn đem đến một tin ghê gớm : “ Diễm Ly đang hấp hối trên giường bệnh tại Sài-Gòn với chứng bệnh hiểm độc!”Người đó còn cho biết thêm: Trong ba năm qua,em đã có mặt ở bất cứ nơi nào có ánh đèn màu và điệu nhạc điên loạn.Em cười như xé, em uống rượu như say, em thức những đêm dài không ngủ.Người em gầy rộc hẳn đi qua một mùa đông giá lạnh.Rồi một buổi giữa lúc đang cười to, em bỗng bật ra từ cổ họng một cục đờm vương sắc máu.Bác sỹ nghiêm mặt bảo em bệnh lao đã trầm trọng và khuyên em nên nghỉ  ngơi.Nhưng tiền bạc,lời phỉnh phờ và những gã đàn ông ích kỷ vẫn lôi em đi.Cho đến một ngày gần đây, không chống nổi bệnh tật mỗi ngày một khốc liệt, em đã ngã quỵ trong điệu nhạc, dưới ánh đèn. Những gã đàn ông lảng đi rất nhanh.Người ta chở em vào nhà thương làm phúc này chỉ để chờ ngày đưa em vào nhà xác. Hỡi ôi ! Người ta chờ đợi nhưng chẳng thấy ai là họ hàng thân thích đến với em cả !
         Cho mãi hôm nay, mới có một gã trai hốt hoảng đáp máy bay từ xứ Bắc vào để chỉ còn kịp nhìn thấy em lần cuối. Chân em đã lạnh hẳn rồi,vài phút nữa thôi, em sẽ xa hẳn anh, xa mãi mãi “ Ly Hoài” hay chỉ là điềm gở của câu chuyện gương vỡ năm xưa ?
         Diễm Ly em ơi. Em vẫn đẹp tuy trong cơn bạo bệnh.Anh cay đắng thấy lòng vẫn chưa hết thao thức vì em.Anh đem tới bên giường em một bó hoa huệ trắng( mà em vẫn thích vì mùi thơm dìu dịu mà lại tỏa xa) và cuốn sách đầu tiên”Hương Lửa” còn thơm mùi mực. Gắng mỉm cười mà đón nhận em ơi…Không! Không! Tử thần không cướp nổi em đâu.Anh sẽ chống đỡ cho em.Em sẽ khỏi, em sẽ lại quay về căn nhà nhỏ Yên Phụ xứ Bắc. Hai chữ “Ly Hoài” lại chắp nối bên nhau, nhưng lần này không ngụ những  ý tình oan trái nữa . Anh sẽ lại sắm chiếc gương mới to hơn, sáng hơn thay cho chiếc gương đã vỡ…Hai chúng ta sẽ lại soi bóng bên nhau…Ly ơi !..Em ơi…”
         Gã nghệ sỹ cúi xuống. Mắt người con gái đã dại hẳn. Tuy nhiên đôi môi từng mọng dưới ánh dèn năm xưa giờ càng thêm não nùng trong giây phút cuối cùng của Tật bệnh. Đôi môi ấy quen thuộc quá chừng vẫn như đang mấp máy đợi gã. Gã gọi nàng mê dại :   “ Diễm Ly ! Em Diễm Ly !...”
         Gã điên cuồng riết lấy cặp môi mọng vi trùng lao đó . Cái hôn tê điếng, giãy rụa , như tranh cướp thời gian, như muốn làm hồn bật văng khỏi xác . Diễm Ly ,Diễm Ly ! Chút nhan sắc mỏng manh của đời gã kia ,gã quyết níu giữ chống bàn tay ác nghiệt của Tử thần đang đón đợi.
      Gã hơi rùng mình, nghẹn trong nước mắt . Gã đã nuốt tất cả trùng bệnh ma quái của Diễm Ly vào trong phổi mình. Gã muốn rú lên, cay đắng, tuyệt vọng :  “ Diễm Ly ! Em đừng xa anh . Hay anh sẽ theo em …”
 
Hà Nội đêm 08-5-1952
     
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.09.2013 21:23:37 bởi nvietdung >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9