TRĂNG SÁNG TUÔI THƠ ( Băng Hồ)
nvietdung 13.09.2013 11:57:29 (permalink)
  Hàng xóm ít ai ưa được ông Phán Bảo. Ông chưa già mà lúc nào cũng cău-cẳu đến khó chịu. Ông không giao thiệp với một ai .Ngày hai buổi, người ta chỉ bắt gặp ông khom lưng trên chiếc xe đạp ,ấy là giờ ông đi làm và lúc ông ở sở về. Ai chào, ông chỉ nhếch mép đáp lại, ông không tiếp chuyện ai, nhất là trẻ con thì chúng rất sợ ông. Trông thấy chúng hai mắt ông gườm gườm, bàn tay ông không bao giờ dùng để vuốt ve một đứa nhỏ ,miệng ông không bao giờ dùng để nói những lời ngọt ngào,mà chỉ để quát tháo gắt gỏng; người ta kháo nhau rằng : “ Trẻ con đang khóc muốn chúng nín,cứ dẫn ngay chúng đến…trước mặt ông Phán Bảo !”.
 
       Ông Phán Bảo ! Một thế giới xa lạ giữa loài người, một tâm hồn cô lập. Ông sống trên một căn gác rộng mênh mông,nhưng cửa sổ trông xuống đường lúc nào cũng đóng kín. Ngày nghỉ cũng như ngày thường ông ít khi đi chơi. Luôn luôn ông chỉ mải miết với những cuốn sách dầy cộm , và đôi lúc anh nhỏ giúp việc thường hay bắt gặp ông nhìn lên hai bức ảnh đặt hai bên bàn thờ: một bức là hình một thiếu phụ xinh đẹp và bức kia là ảnh một cậu bé mũm mĩm độ lên sáu, lên bảy, tay ôm quả bóng. Nguyên nhân cái tính cáu kỉnh của ông Phán cũng từ đấy mà ra. Anh nhỏ vẫn thì thào kể cho những người thóc mách muốn biết rõ gia đình ông Phán :
      “ Ông tôi ấy à ! Chỉ có tôi ở từ bé nên mới biết rõ ông tôi. Thật ra tính người trước kia cũng vui – chứ không khó chịu như bây giờ đâu – chỉ tại sau ngày bà tôi và cậu Oánh mất đi…”
       Rồi chịu khó nghe, người ta sẽ biết câu chuyện rành mạch thế này :
      “ …Cách đây mấy năm, ai cũng lấy làm ghen tỵ hạnh phúc của một gia đình.Người chồng là một ông Phán trẻ tuổi, đẹp giai. Người vợ là một thiếu phụ mơn mởn,và đứa con là một cậu bé mẫm mạp như một con búp-bê.
      Chiều chiều ,lúc người chồng sắp ở sở về, thiếu phụ dắt đứa con ra đứng ở cửa để chờ .Thằng bé ăn mặc chỉnh tề tay lúc nào cũng ôm một quả bóng con,luôn níu lấy tay thiếu phụ và hỏi :
-          Sao mãi cậu chưa về hả mợ ?   
      Thiếu phụ lại ôm con lên lòng :
-          Oánh đừng nhắc luôn như thế làm cậu nóng ruột .Cậu lại đâm vào gốc cây như hôm nọ ấy !
      Thằng bé tụt xuống nhưng vẫn băn khoăn:
-          Nhưng sao mãi cậu không về với Oánh ? 
      Nét mặt nó tươi  hẳn lên khi một chiếc xe đạp bóng nhoáng từ xa bon lại  :
-          A cậu ! Cậu đã về …
       Người chồng xuống xe hôn lên má con. Tiếu phụ âu yếm trách yêu :
-          Sao hôm nay mình về muộn thế ?
Người chồng rút ra một gói nhỏ :
-          Còn phải đi mua kẹo cho “chó” , chẳng về không có gì “chó” lại giận dỗi “người ta “.
        Và họ kéo nhau vào líu ríu như một bầy trẻ . Cánh cửa sắt sơn màu lá mạ đóng lại để che kín một hạnh phúc đang tràn ngập bên trong.
       Ông Phán Bảo quả là người sung sướng, chính ông cũng tự nhận như vậy .Trong những khi ngồi nói chuyện với bạn bè ,ông vẫn thường nêu lên những gương hiền phụ ngày xưa, trong đó thế nào bà Phán cũng được ông kín đáo nhắc qua một lượt. Lắm người cho ông là “gàn” là “dởm” ,nhưng ông chỉ cười , hạnh phúc gia đình ; làm ông lóa mắt không nhìn thấy dư luận bên ngoài.
        Ông không hay đi chơi, cái đó dĩ nhiên ,với một người vợ và con như thế, ông còn phải tìm vui đâu xa ? Suốt ngày đùa nghịch, đá bóng với con,chiều chiều dẫn vợ đi chơi mát,ông ngây ngất thấy đời ông quá ư đầy đủ.
         Trong nhà ông không lúc nào ngớt tiếng cười đùa . Người ta tưởng như hạnh phúc nhà ông không thể có cái gì làm tan vỡ được.
        Nhưng có cái gì mãi mãi vẫn lâu bền ? Đời bao giờ không có Định Mệnh ? Và một cái Định Mệnh khắt khe lại thường theo sau một Hạnh Phúc chói lòa.
        Qua một cơn bạo bệnh mà cả một phần gia tài cũng không cứu nổi ,bà Phán từ trần để lại cho chồng một tiếc thương vô hạn và một đứa con ngơ ngác.
        Nhà kém hẳn vui. Thỉnh thoảng vẫn có tiếng cười, nhưng trong tiếng cười như chứa đựng đôi chút gượng  gạo. Tình thương vợ, ông Phán đem dồn hết vào tình yêu con . Oánh được chiều chuộng hơn bao giờ hết . Ông không tiếc con  bất kể một thứ gì ! Đồ chơi bao giờ cũng xếp đầy từng hòm trong nhà, hoa quả cho con ăn vặt bao giờ cũng xếp đầy trong tủ “buffê”. Thậm chí mùa hè, có khi ông nghỉ việc hàng tháng để đi nghỉ mát với con ngoài Sầm Sơn tránh những ngày nóng nực.
      Cón nhớ Tết Trung Thu năm ấy, tức là mấy tháng sau ngày bà Phán từ trần , ông bầy cỗ cho Oánh to lắm. Không muốn thấy con ngẩn ngơ vì cái tang vừa xong, ông mua rất nhiều đồ chơi mang về cho con. Xưa nay ông có bao giờ làm cai việc ” đàn bà “ấy, mà tối hôm đó ông cũng cặm vụi bày một mâm cỗ ngoài sân cho con . Đủ cả : Ông Tiến sỹ giấy bảnh chọe , cái đèn kéo quân vui mắt, những chiếc đèn ông sao vui mắt ,chiếc ôtô sắt chạy bính boong, lại có cả những con thỏ bằng bông trắng nõn, với những con giống bằng bột sặc sỡ đủ các màu. Ông không quên bầy cho con một cân bánh nướng, đĩa mía ruộm đỏ, những chiếc bánh dày xinh xinh chỉ nhỉnh hơn đồng xu chút ít… Đặc sắc nhất là ông hí hoáy thế nào mà tết được con mèo bằng những tôm bưởi  trông thật lạ mắt. Bầy cỗ xong ông thân hành đi từng nhà có trẻ con dặn chúng tối đến phá cỗ nhà ông , vui với em Oánh.
        Và dưới ánh trăng đêm ấy, chung quanh một bầy trẻ  lố nhố , ông Phán Bảo rớt nước mắt nhìn Oánh nhẩy nhót trong chiếc đầu sư tử bên một chú bạn nhỏ tay cầm chiếc dùi gỗ gõ tùng tùng liên tục lên mặt chiếc trống con…Cái vui gián đoạn đã bao ngày, nhưng mà thôi…
        Trung Thu năm sau, em Oánh cũng chẳng còn ở với ông. Một ngày em đi học gặp cơn mưa, về ngây ngấy sốt , tưởng bệnh thường không để ý, em vẫn chơi đùa, đến lúc biết thì bệnh đã nhiễm sâu quá nặng và em Oánh lại ghi thêm cho ông Phán một cái tang thứ hai cũng sâu cay chẳng kém.
       Từ đấy ông như người mất trí . Ông không nóí, không cười , hai mắt lừ lừ nhìn mọi người không một tình ý. Suốt ngày ông đóng cửa không giao thiệp với một ai, trẻ em không đứa nào dám xán gần ông như trước. Trông thấy chúng là ông gắt gỏng. Ông gọi chúng là “ một bọn hay làm ầm ỹ “.
      Chúng sợ rồi đâm ghét ông, chúng mệnh danh ông là “ông khoặm”
      Về sau chẳng muốn ở mãi cái tỉnh đã từng ghi những kỷ niệm bất hạnh của đời mình; ông Phán Bảo xin đổi về Hà Nội. Theo ông chỉ có một anh nhỏ vẫn ở với ông từ trước…
*
       Năm nay lại Tết Trung Thu, cái Tết Trung Thu đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Từ bốn giờ chiều, phố xá bắt đầu tiếng chiêng , tiếng trống . Người đi lại cuồn cuộn, nhất là những phố Hàng Ngang, Hàng Đường. Từng đoàn em nhỏ vác súng gỗ đi một hai , nét mặt tươi cười hớn hở…
         Ông Phán Bảo ở sở về sớm hơn mọi lần. Ông đạp nhanh không muốn nhìn thấy những cảnh tượng bên mình; phải chăng những cảnh tượng hồn nhiên ấy gợi cho ông những hình ảnh em Oánh năm xưa?
         Không ăn cơm ông đóng cửa đi nằm. Bức ảnh bà Phán và em Oánh đang tươi cười trước mắt… Ông bất giác xoay mình nằm nghiêng , hai mắt rưng rưng , ông nghĩ đến Oánh, ông nghĩ đến những cái Tết của trẻ năm xưa. Phải chi nếu Oánh còn sống lúc này thì ông sẽ dẫn con la cà ngoài phố đi sắm đồ chơi . Thế nào ông cũng phải mua cho con một ông Tiến sỹ . Ông biết Oánh thích Tiến sỹ lắm. Oánh vẫn thủ thỉ với ông rằng ( ông nhớ đến tận ngày nay) :
       “ Cậu mua cho Oánh ông Tiến sỹ để Oánh bắt chước ông ấy sau này cũng đỗ làm quan cho cậu xem”
       Và thế nào trong nhà ông tối nay chẳng tấp nập những trẻ con ra vào ,với một bàn cỗ bầy tú hụ hoa quả dưới ánh đèn rực rỡ lung linh…  Chứ đâu có hoang vắng thế này.
       Ông khe khẽ thở dài. Bất giác hai mắt nặng trĩu ông nằm thiu thiu…
      Ông tỉnh giấc giữa lúc phố xá ngập tiếng reo hò . Một tiếng gõ cửa rụt rè làm ông chú ý  :
      “ Ai ! Hỏi gì ? “
      “ Ông mở cửa cho em ..”
      Ông Phán xỏ chân vào dép. Cửa mở, ông Phan ngạc nhiên thấy hai em Nhi đồng gọn ghẽ trong bộ võ phục mầu vàng. Một em mạnh bạo giơ nắm tay lên thái dương chào ông. Ông ngây ra nhìn trán hơi cau.
      “ Thưa ông, ban phụ trách Nhi đồng phố này xin kính mời ông lát nữa ra trụ sở để dự cuộc vui của chúng em tổ chức tối nay.”
        Ông trừng trừng…: “ Cuộc vui gì ?”
        “ Thưa ông, ngày hội trẻ em ở xung quanh hồ Hoàn Kiếm !”
        Em kia từ lúc vào vẫn có ý sợ sệt nhìn ông lúc ấy mới lên tiếng :” Thưa ông , chúng em đã đi mời khắp phố , tối hôm nay vui lắm, có cả …”
       Nhưng em bỗng im bặt. Ông Phán lạnh lùng gạt hai em ra ngoài rồi khép cánh cửa đánh “ thình ”.
      “ Không đi được. Mà ai dự làm gì cuộc vui của “ chúng mày” ! “
      Ông vùng vằng quay vào, ông nghe rõ tiếng ngượng ngùng bước xuống thang gác và tiếng một em :
     “ Thanh đã bảo Huyên mà! Ông ấy ác lắm, mời ông ấy làm gì ?”
      Gieo phịch người xuống giường, ông Phán ôm đầu nghĩ ngợi, chiếc gối lăn bên cạnh ,ông nghiến răng ném mạnh xuống sàn gác.
     Nghe tếng động, anh nhỏ hốt hoảng chạy lên : “ Ông gọi gì con ? “
     Ông chỉ tay giọng rít hẳn lên :” Cút ngay không ông đánh bỏ m.. ! “
     Anh nhỏ lấm lét quay ra vừa kịp tránh một chiếc guốc quẳng tới. Ông đi đi lại lại như người điên; mắt đỏ ngầu, đầu rối bù , hai tay nắm chặt.
     Ông muốn đập phá một cái gì. Bỗng ông đứng sững. Bức ảnh em Oánh trên bàn thờ đang ngây thơ nhìn ông như trách móc. Ông như thấy em nghiêm nghị bảo ông thế này, cái giọng vẫn nũng nịu tựa như hồi em còn sống :
      “Oánh không thích thế đâu ! Cậu ác lắm ! Cậu không yêu trẻ con ! Cậu không yêu bạn Oánh ! “
      Ông như muốn la hét to lên để bào chữa :
      “ Cậu không ác,nhưng trông thấy chúng nó,cậu lại nhớ Oánh quá ! Sao Oánh không ở với cậu hả con”
     Ông thấy Oánh phụng phịu, hai mắt vẫn không khỏi nghiêm khắc nhìn ông :
     ” Oánh không bằng lòng thế đâu , cậu ác lắm…”
     Ông bỗng ôm mặt : “ Ừ thôi, Oánh đừng trách cậu nữa , cậu sẽ yêu chúng nó như cậu yêu Oánh ! “
     Ông mở cửa sổ nhìn xuống đường. Chiếc cửa sổ lần đầu tiên được mở kể từ khi ông dọn đến.
      Ánh trăng vằng vặc đẹp như một tuổi hồn nhiên.
     Người đi qua lại như nước chảy . Quanh Hồ Gươm từng đạo quân Thiếu niên, Nhi đồng đang bắt đầu thao diễn. Những bước chân mạnh mẽ, những tiếng hô “một hai “ đều và vui. Ông hoa cả mắt, ông thấy cả những con ngựa con voi bện bằng giấy đang ngất ngưởng diễn lại sự tích Trưng Nữ vương, Đinh Tiên Hoàng.Lại những gì trông như một toán “thực dân” , cũng mũ sắt gài lá, cũng quần áo chẽn? Không phải ! Đấy chỉ là những em nhỏ chơi trò”Nam bộ kháng chiến”. Và súng, chỗ nào ông cũng thấy lố nhố những súng; súng thật và súng giả !! Vui quá !
        Ông Phán Bảo quay vào khoác vội chiếc áo lên người.
*
       Tại trụ sở , các em Nhi đồng phố H.T. đang tíu tít bên mâm cỗ đầy bánh trái hoa quả . Sắp đến giờ rồi , các em sốt ruột quá. Các em soát lại súng, sửa lại quần áo :
        “ Thế là đoàn chúng mình đi sau cùng ! “
         “ Cần gì đi trước, đi sau, chỉ biết đoàn Nhi đồng H.T. chúng mình có nhiều súng ống hơn cả ! “
        “ Và có cả chiến xa …”
         Các em bật phì cười khi nhìn lại chiếc “ xe tăng “ bằng cót nan bện giấy đang nằm lù lù ở góc phòng. Huyên chen vào :” Để chốc nữa Huyên ngồi vào trong nhé . À ! Chúng mình là dân quân Nam Bộ phải không , chúng mình sẽ kháng chiến thật hăng nhé ! Vỏ bưởi đủ cả rồi đấy chứ ? “
        “ Đủ ! “
       Nghe thấy tiếng lạ các em quay ra . Các em bỗng há hốc mồm. Một tiếng “ Ồ ! “ như chứa đựng bao sự bất ngờ ..
       Ông Phán Bảo tươi cười, tay ôm một bọc to bước vào . Ông mở tung trên bàn : nào bười, nào hồng , nào bánh dẻo,bánh nướng , nào kẹo sô-cô-la, kẹo ca-ra-men, lại có thêm cả mấy khẩu súng gỗ xinh xinh.
     “Tôi mua cho các em đấy ! Súng đây để tặng em Huyên và em Thanh, còn bánh kẹo để các em bầy cỗ”
     “ Không , chúng em không ăn một mình đâu, chúng em mang ra Hồ Gươm để góp vào bữa tiệc khổng lồ cơ…”
       Từ nẫy Thanh và Huyên vẫn ngần ngại nhìn người vừa đuổi mắng mình xong:
       “ Nhưng sao lúc chiều …”
       Ông Phán ôm mỗi em một bên lòng :
      “ À ! Lúc chiều …khác . Các em đừng giận tôi nhé ! “
       Huyên đặt tay lên má ông Phán : “ Thế ông cũng yêu em  ? “
      Ông Phán gật đầu lia lịa :
      “ Ờ ! ờ , bao giờ tôi cũng yêu các em .Chốc nữa tôi cũng đi dự tiệc với các em. Và từ nay mãi mãi tôi sẽ yêu các em ! “
       Và ngoảnh lại nhìn các em khác đang ngơ ngác trước cảnh lạ mắt đó :
        “ À, chốc nữa để tôi dẫn các em đi biểu diễn quanh Hồ Gươm nhé ! Các em phải đi theo tôi nhé!”
        Dưới ánh trăng rằm đêm hôm ấy, ông Phán Bảo thấy mình sống hẳn lại giữa đám trẻ thơ..Trong đó hình như có cả em Oánh  đang nhìn ông cười cười…
Hà Nội 9-1946
Báo Thiếu Nhi ( Giòng Việt )
Số 1 ngày 15-9-1946
 
Truyện này đã được VTV dựng thành kịch truyền hình phát năm 2003.     
 
#1
    NgụyXưa 14.09.2013 06:33:16 (permalink)
    "Trăng Sáng Tuổi Thơ" đã được mang vào thư viện.
     
    Xin cám ơn anh Việt Dũng.
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9