Bài viết: SYDNEY, KÝ SỰ! Tác giả: Trọng Huân
nguyentronghuanvov 06.03.2014 07:46:51 (permalink)
Bài viết:
SYDNEY, KÝ SỰ!
Tác giả: Trọng Huân
Phần 1 -  Hút thuốc lậu
Cuối tháng 10/2013, đoàn chúng tôi gồm 9 thành viên, thuộc một số đơn vị trong Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), có chuyến công cán sang Sydney, Australia. Ít tuổi nhất, dưới 30; cao nhất, trên 55; với tôi, già thứ ba trong đoàn, vừa khít 55. Đoàn đi theo cơ chế tài chính khoán gọn. Nghĩa là muốn tiêu kiểu gì, tiêu vào thứ gì, cũng được, miễn trong vòng khoán. Thật quá tốt!
Tự chủ tài chính, nên chúng tôi có kế hoạch tiêu tiền từ trong nước, tức búc vé điểm nghỉ sang tận bên Úc, đặt hai phòng, đoàn sẽ ngủ dồn, vừa đoàn  kết, ấm cúng, lại kinh tế.
Người ta bảo, bên Tây người cùng giới không được ngủ chung, nếu chung đụng, sẽ bị xem là pê đê, ai ái, Tây cười cho thối mũi. Kệ Tây cười, chúng tôi cứ đặt chung, ngủ chung.
Phòng nam 5 đực rựa, còn phòng kia, bốn lệnh nữ. Nhà khách đêm đầu tiên nghỉ có địa chỉ: 6 Steinton St Manly, nằm ở phía Bắc và cách trung tâm Sydney chừng 20 km; nơi nghỉ tiếp theo là khách sạn 3 sao, số 42 Parramatta Rd Summer Hill.
Du lịch ở Tây là ngành kinh doanh không khói, hái ra tiền, nên kỹ nghệ rất hoàn hảo. Hai nơi chúng tôi nghỉ, Tây không vào kiểm tra, rình mò, cứ mặc khách tự tiện nấu nướng, ăn ngủ và cả hút thuốc lá lậu trong phòng.
Ở trong nước, trước khi đi, đoàn họp. Ban đầu dự kiến, mang theo đồ ăn, song phong thanh, hải quan Úc kiểm tra thực phẩm kỹ lưỡng lắm, đến như cái lông gà, cũng phải là lông khô, thành phẩm, tức dạng qua chế biến, còn tươi sống, xin cứ để lại, tuyệt đối cấm tha lôi vào Úc. Thế là anh em thống nhất, tuyệt đối ăn uống tại nhà hàng, khách sạn. Chả mấy khi có dịp sang Tây, thời gian là vàng, là bạc, dùng để sóp pinh, cà phê, bát phố, ngắm cảnh trời Tây, chứ lại hùng hục nấu nướng như ở nhà, thì tham quan, học tập làm gì. Nấu nướng,  có mà điên!
Sang đến Úc được đúng một ngay, chúng tôi nhận ra, đồ ăn Tây không hợp, rồi nhà hàng xa xôi, đi lại cách rách, toàn bằng tắc xi, lại phải thăm hỏi đường sá và trăm thứ bất tiện khác, nhất là khoản đắt, ngang như bị thiến. Có bữa cơm chúng tôi xơi, như ăn đô la Úc; tính ra, mỗi người ăn tới 300 nghìn VN đồng. Mọi người mặt cứ đực ra. Đực ra không phải vì thưởng thức món ăn ngon, mà đực ra vì tiếc!
Thế là ngay ngày hôm sau, cả đoàn họp lại, ra nghị quyết: tự nấu ăn. Công nhận, tự nấu, đồ ăn ngon, hợp khẩu vị và nhất là rẻ! Song cũng nảy sinh đôi phần bất tiện: mất khoảng thời gian vàng bạc đi siêu thị,... rồi dụng cụ nấu nướng thiếu thốn, lại mất công đi chợ và ai là người nấu, người rửa bát, bởi ở nhà, toàn là diện ăn trên ngồi trốc, có kẻ bưng, người rót!
Lại nói về bọn Tây tế nhị và cách thức tổ chức du lịch hoàn hảo. Nhà khách chúng tôi nghỉ đêm đầu tiên, dụng cụ nấu ăn được trang bị chu đáo; khách sạn nghỉ tiếp theo, dụng cụ cũng kha khá: có bếp từ, ấm nước điện, bát đĩa, nĩa và cả đũa tre, riêng dao thớt, thì không thấy.
Nơi thứ nhất, khỏi phải nói, nấu ăn rất sướng, phòng ăn ấm cúng; còn khách sạn 3 sao - nơi nghỉ tiếp theo, chúng tôi nấu nướng bằng cách thức sau: rau và trứng gà tống vào ấm điện. Do không mang theo dao thớt, nên khoản xử lý các loại thịt thà, cứ dùng nĩa xẻ ra những miếng thịt to như nắm đấm. Bởi không dao, nên không thể xẻ nhỏ hơn được nữa. Thịt nướng bếp từ, miếng thịt ngoài thì vỏ chín cong, bên trong máu me còn đỏ đầm đìa. Một vị an ủi, ăn thế này bổ lắm, thịt bò tái Úc đấy!
Nhà nghỉ đầu tiên, chủ nhân là cô đầm trên dưới 40 tuổi, một quản lý nữa và cô cháu người da trắng, dưới 15 – chuyên hút bụi, dọn phòng. Chắc là học sinh phổ thông, làm thêm. Chúng tôi nghỉ tại đây một ngày. Lúc trả phòng, bà đầm hít hít mũi, rồi ra ngay mức phạt: 300 đô la Úc, tội hút thuốc lá sai luật trong phòng. Khoảng dăm phút đấu lí, bà ta linh động, tha cho. Ngoài linh động vì đoàn khách là người Việt, còn bởi cái lý của chúng tôi đưa ra quá cứng: Lần đầu tới Úc, không biết luật cấm hút thuốc lá ở đây; phòng không treo biển cấm; bên Việt Nam chúng tao, khách cứ thoải mái hút nhé, không tin, “mày” cứ sang nước tao mà coi! Lý cứng thế, bà đầm kia đành chịu!
Thế là đoàn thoát khoản tiền phạt hút thuốc lậu, tự dưng tiết kiệm được 300 USD. Hai ông hút thuốc lá lậu thờ phào nhẹ nhõm, trong đó có tôi, một kẻ tích cực hút thuốc lậu trong phòng!
 
Phần 2 – Cảnh sát chìm?
Nước ta tự hào về giao thông, với cả vạn, triệu phương tiện xe máy ngổn ngang tham gia giao thông trên đường và mỗi ngày, có độ vài ba chục sinh mạng tử nạn.
Sang đến Úc, trên thì là trời, còn dưới đất, cơ man nào là ô tô. Ga ra chứa ô tô cao tới vài chục tầng, nằm ngay sân bay quốc tế Sydney. Từ Sydney Tower Eye, trên độ cao 279 mét, nhìn xuống, đập vào mắt khách là một tòa cao tầng, nó được dùng để chứa ô tô. Ngoài đường, các bãi đỗ, trước sân ngõ bất kỳ nhà nào, cũng thấy ô tô xếp nhan nhản.
Xứ căng gu ru sử dụng ô tô tay lái nghịch, nên trên đường, cảm giác như xe sắp đâm sầm vào nhau. Ấy thế mà tôi chả thấy vụ tai nạn giao thông nào. Cứ ù ù xe chạy, đèn đỏ là dừng, còn những điểm ưu tiên cho khách bộ hành, lái xe thân thiện nhường đường cho khách.
Dạo thăm Sydney gần tuần lễ, tôi không thấy bóng dáng chú công an, cảnh sát nào. Hay họ gài cảnh sát chìm? Đi qua sở cảnh sát thành phố, cũng không thấy bóng dáng một chú nào và đường phố, cũng không hề bắt gặp những vị dạng như ở ta - đại diện trật tự nhân dân quận, nhân dân phường, tức các thành viên tự nguyện, cứ ngỗn nghện cưỡi ô tô, thi nhau rượt đuổi mấy bà bán hàng rong; cũng chả gặp cảnh móc túi, cướp giật, đánh chửi, hay quấn lấy khách du lịch, gạ gẫm bán mua đủ thứ: từ bao ca pốt, đến thuốc cường dương, hay ảnh Bờ Hồ, chùa Một Cột.
Công nhận ở xứ căng gu ru, xe tắc xi gọi hơi bị khó, lại đắt nữa. Giá cả gấp từ 6 đến 7 lần Việt Nam; không có chuyện, cứ gọi, cứ cần, là xe ồ ồ kéo đến. Quy định ở đây, tắc xi chỉ được phép chở 4 khách, không chen lấn, xô đẩy, ngồi chồng đống lên nhau. Giá cả tính theo đầu khách: một khách có giá của một khách, chở bốn, có giá của bốn khách. Đèn đỏ xe dừng, công tơ mét vẫn chạy, vẫn tính tiền thời gian đỗ. Công nhận, “anh tư bổn” tính tiền rất chuẩn, chính xác đến từng đồng xu Úc kim loại.
Hôm chúng tôi có cuộc làm việc với Đài Quốc tế Úc (ABC- Australia Broadcasting Corporation International), vì sợ trễ giờ, cả đoàn cuống cuồng. Nhóm trước 4 người vẫy được chiếc tắc xi, nháo nhào leo lên trước, đi ngay. Đoàn còn lại 5 vị nữa. Nếu gọi một xe, thì thừa một 1 suất, phải ở lại. Chiếc tắc xi vẫy được vừa dừng, cô bé trong đoàn tót lên luôn, dí vào mặt bác tài tờ giấy ghi địa chỉ nơi chúng tôi cần tới. Ông này cỡ ngoài 60, vì mải xem địa chỉ, đến khi xe chạy, mới ớ ra, vì trên xe thừa một suất khách. Nhìn thái độ, biết ông ta lo sợ hãi lắm, nhưng cứ liều chạy. Anh em bàn tán, nếu cảnh sát phạt, đoàn sẽ chung chi, nộp thay cho bác tài. Công nhận, dân Việt mình đôn hậu, giàu tính nhân văn ra phết!
 
Phần 3 - Rượu
Đó là thú vui của tôi, nó chỉ đứng sau thú viết lách. Thế mà sang Úc, tôi phải nhịn rượu đấy. Nói nhịn cũng không hẳn đúng. Ít ra tôi cũng được đôi ba bữa uống, nhưng chỉ dạng uống thòm thèm, uống liếm mép, gọi là có uống. Dân nghiền như tôi, mà nhâm nhi anh rượu vang, thì còn gọi gì là uống!
Sau 2 ngày ở Sydney, đến chiều ngày thứ ba của chuyến đi, khi bàn bạc việc mua thức ăn cho bữa tối, cô cháu trong đoàn rất tâm lý. Chắc nhìn thấy bản mặt tôi đờ đẫn, biết ông chú đang thèm rượu, nên cô cháu đề xuất mua rượu. Nghe vậy, tôi mừng hú.
Từ ga tàu điện Summer Hill xuống, hai chú cháu tôi được phân công đi mua rượu. Chú cháu tách đoàn, tạt vào một cửa hàng. Cái cửa hàng rõ to, đẹp, nằm ngay mặt phố; rượu thì thôi rồi, bày bạt ngàn. Mới chỉ thoáng nhìn, tôi đã choáng. Sung sướng được độ dăm phút, tôi tá hỏa. Lượn như bươm bướm, hết quầy này sang dãy kia, tôi chỉ thấy dạng sâm banh, vang: nào vang đỏ, vang trắng, vàng nhờ nhờ vang… Thế có bỏ mẹ không! Hay mình chưa đeo kính, không tìm ra anh rượu nặng? Tôi vội móc cặp kính viễn ra đeo, còn cẩn thận dí mắt vào tận mác từng chai rượu, song vẫn chả thấy. Đánh liều, tôi hỏi anh cu tây đứng quầy. Vì không sõi tiếng Úc, chỉ nói được đôi từ, đại ý tôi nói rằng:
- Uýt ki, … cô nhắc. Rồi thì: an –côn nặng ấy, tức là rượu nặng ấy, cửa hàng chúng mày, có không?
Chán mớ đời cho anh cu tây bán hàng, nó cứ cứ lắc, lắc đầu, miệng xì xồ:
-        Nâu, nâu cô nhắc, nâu nâu uýt ki!
Thế thì nói làm đếch gì nữa! Điên tiết, tôi  thầm rủa trong bụng: Nâu, nâu cái mả tây nhà mày ấy! Thế mà cũng học đòi mở cửa hàng bán rượu, kinh doanh rượu. Mày mà ở nước Việt chúng tao, cứ gọi là cấm tiệt, cấm cái kiểu treo đầu dê bán thịt chó nhé!
Cuối cùng, thôi thì tôi cũng đành vậy, làm chai vang trắng. Gọi là méo mó có hơn không. Giá chai vang 20 đô, tương đương 400 ngàn VN đồng.
Phải nói rằng, ở xứ châu Úc này, thứ gì cũng đắt, đắt gấp ba, bốn lần Việt Nam mình. Một vị  trong đoàn chuẩn bị cây thuốc ba số. Qua hải quan sân bay Úc, bị giữ lại dăm bao. Thế là thiếu thuốc. Anh chàng xót ruột, móc túi ra mua, giá đến 400 nghìn VN đồng một bao. Hút thế, ngang bằng hít đô la Úc. Vớ phải mồm tôi xem, thì cứ nhịn, cứ để dành về Việt Nam mà hút, đã rẻ, mà chỗ nào cũng được thoải mái hút, không kiểu như Sydney, chỗ nào cũng cấm, cũng giữ gìn sức khỏe, cũng đòi phạt kẻ hút thuốc lá lậu!
Quay lại chuyện mua rượu ở cửa hàng ấy. Khi chú cháu tôi chuẩn bị trả tiền, mấy ông bà trong đoàn – nói rồi, chỉ có hai chú cháu ở lại mua rượu, còn các vị khác, bách bộ về khách sạn. Khách sạn cách nhà ga độ 500 mét, do mải hếnh, mấy ông bà này nhìn gà hóa cuốc, tạt ngang ngửa thế nào, đâm ra nhầm đường. Lạc đường, nên họ cáu giận, đổ lỗi cho nhau. Thế là cả lũ lộn lại cửa hàng rượu, đồng loạt xông vào, trình bày với chú cháu tôi. Ông nói, bà nói, cứ đổ thừa, đổ lẫn cho nhau và phô luôn ra thứ văn hóa Việt bản năng – tức là đi chậm, nói to, ăn uống nhồm nhoàm, người cùng giới ôm riết nhau, nghênh ngang đi trên phố. Họ xia xỉa:
-        Tại ông ấy lộn, lẫn đường đấy!
-        Tại bà ấy lẫn, lộn đường đấy!
Tôi vốn là người mềm tính, lúc ấy cũng lộn ruột, không chịu nổi, sửng cồ:
- Này này các ông bà ơi! Đây là xứ trời tây, văn minh lịch sự, không đem kiểu xử sự, đãi đằng dạng chợ búa ra nhé!
Thế là cả lũ tịt, vội vàng trở thành người văn minh, lịch sự xứ căng gu ru. Anh cu tây bán rượu, khi nghe họ nhua nhúa, mặt ớ ra, không hiểu đám da vàng mũi tẹt này, cãi cọ gì. May mà anh ta chửa bốc điện thoại, phôn cho po – lít, báo có bọn định cướp tiệm rượu của anh ta. Nếu thế, cả đoàn bị rong ngay về bốt cảnh sát.
Cô cháu đi cùng tôi, vội vàng phân bua với anh chàng bán hàng:
- I am so – rì! Ai em xin lỗi sơ!
Tính ra, cả chuyến đi, tổng cộng tôi được hai bữa uống. Sau lần mua rượu kể trên, trước khi về nước, trong bữa liên hoan cuối cùng, đoàn mua thêm một chai vang nữa. Ngoài hai bữa uống đó, trên máy bay từ Sydney về thành phố Hồ Chí Minh, tôi còn được bữa uống thỏa thuê nữa. Tôi gọi liền một lúc 3 ba cốc vang đỏ. Công nhận, giống gì, thứ gì, kể cả rượu, dùng hay thưởng thức mà không phải trả tiền, đều ngon và bổ. Trên tầng trời cao 12 nghìn mét, tôi cứ nhâm nhi cốc vang đỏ, đê mê thưởng thức, mà thấy sao đời mình sung sướng đến thế!
Khi ra sân bay quốc tế Sydney về nước, tại cửa hàng miễn thuế, mục tiêu trước tiên và duy nhất của tôi là: thửa lấy chai rượu tây. Vào phòng đợi, đập vào mắt tôi là cả một khu vực bán rượu: rượu nặng, rượu nhẹ, rượu đen, rượu đỏ, rượu to, rượu nhỏ, cứ từng hàng, từng lũ chai lọ rượu xếp chồng đống. Tôi mua liền một lúc hai chai Chivas regal 12, giá 109 đô Úc, tính ra tiền ta, có trên 2 triệu. Sao mà rẻ thế không biết! Cửa hàng lại còn khuyến mại thêm cái túi da rõ mềm, đẹp, tiện dụng - còn có cả quai đeo và đóng mác hàng chữ chìm: CHIVAS.
Nhờ 2 chai rượu tây này, mà trưa ngày 01/11/2013, tôi rủ đám bạn nhậu làm bữa say túy lúy ở tiệm 33 phố Hàm Long, Hà Nội. Lũ chúng tôi xơi béng một chai. Kể nếu mang tất cả hai chai, anh em cũng xơi gọn. May mà tôi bớt lại một, còn có thứ để hôm lên cơ quan thường trú Sơn La, có cái khoe với anh em, mình sang tận nước Úc, từng được thưởng thực rượu tây bên ấy, ngon, ngon lắm!
Đi rồi mới hay, chả đâu bằng xứ Việt Nam mình. Nó là nhất! Nhất là cái khoản rượu!
 
Phần 4 – Căng gu ru
Trước khi đi, ở “bên mình”, tôi nghe đồn: Úc nó lắm căng gu ru lắm, chúng chạy đầy đường, xô cả vào ô tô, xe máy. Dân Úc cứ việc ra vườn, ra đường, hay lên rừng, bắt về giết thịt. Họ chặt đầu, vứt cẳng, bỏ cả thân, chỉ ăn mỗi khúc đuôi, vì nơi ấy tập trung toàn chất bổ! Nghe mà tiếc! Sao lãng phí thế không biết! Chuyến này sang nước Úc, tôi sẽ bắt, sẽ giết thịt, sẽ chế biến thịt căng gu ru thành món rựa mận; Không những ăn, tôi còn tha lôi về Việt Nam vài tạ, tha về cho vợ con ăn, rồi anh em, họ hàng, cả biếu tặng người thân quen nữa.
Sang đến bên đó, tôi chẳng thấy con ma căng gu ru nào. Bảo muốn xem, phải làm cuốc du lịch vài trăm cây số, lên tận rừng xanh, núi đỏ mới thấy. Thật rõ chán, tôi trượt mất bữa xơi món rựa mận căng gu ru!
Nhưng chim, cò hoang dã, thì Sydney đầy! Chim tha thẩn quanh người, dạo trên hè phố; chim cò bay lượn, vãi phân trắng lấm tấm trên hè phố, vãi luôn cả cứt xuống đầu khách. Từng nghe bài hát ở ta, “đàn hải âu tung cánh bay rợp trời”, nhưng ra tận biển Vũng Tàu, Nha Trang, Đồ Sơn, chỉ ngó thấy loáng thoáng mấy chú hải âu rập rờn phía xa xa. Chúng mà liệng vào gần bờ, bị tóm ngay, tóm để làm món hải âu rán.
Ở Sydney, quãng biển trước nhà hát Con Sò (Sydney Opera House), hải âu bay lượn thả phanh, chúng cứ xà xúm quanh khách du lịch. Sao ở đây chúng yêu người thế ? Chả bù cho hải âu ở ta, cứ thấy người là hãi. Hay giống hải âu Úc, khác giống hải âu của ta?
Sydney, ngoài chim, là đến ô tô, rồi người. Người ở đâu lắm thế. Lại cũng tại khu vực nhà hát Con Sò, khách du lịch đông kệt ra. Nào da đỏ, da đen, da vàng, da trắng, cứ chen vai thích cánh du lịch. Nói dại mồm, bọn khủng bố đặt cho quả mìn, đùng một cái, thì nhẹ cũng toi vài ba trăm mạng!
Người đến du lịch Sydney có lẽ để thăm, ngắm kiến trúc, du hưởng thời tiết thoáng dịu. Dịp đầu tháng 11 tây, là mùa hè ở Úc (Nam bán cầu). Nhiệt độ trên dưới 20 độ, nắng vàng, trời xanh, khô và gió. Thời tiết ấy, có lẽ cả tháng không tắm rửa, cơ thể cũng không dậy mùi. Với người tây, thì đó là nhiệt độ lý tưởng. Các ông bà tây cứ thỗn thện quần soóc, áo phông, có vị còn cởi trần như nhộng, khoe đám lông vàng, lông đỏ xoăn tít trước rốn, trước ngực, khoe cả những bức hình xăm trổ khắp người.
Với giống da vàng, nhất là các anh cu vùng nhiệt đới, thời tiết này hơi se lạnh. Nếu đứng nơi có nắng, còn tạm được, chứ vào bóng râm và gió, là rét đấy. Đoàn chúng tôi toàn người cẩn thận, lại có đầu óc lo xa và đều áp dụng phương châm: yếu, thì không được ra gió, nên anh nào, chị nấy đều sùm sụp áo gió, áo cánh, có vị còn com lê, ca vát chỉnh tề, riêng tôi, đánh cái áo len dày sụ, như cụ khốt ở quê ra tỉnh Úc.
Phải kể thêm phần ăn uống - khá phong phú. Đồ ăn có của Tây, Tầu, Nhật, Ấn và loáng thoáng thêm anh phở Việt. Ngoài mấy thứ đặc sản du lịch kể trên, sản phẩm du lịch phục vụ ở Sydney có phần hơi tẻ nhạt.
Ngay quãng cửa ra vào nhà hát Con Sò, có một anh dân gốc bản địa Úc, da nâu đen, mũi bành bạnh, ngoài dải vải nhỏ quấn che phần bộ hạ, còn gần như cơ thể anh ta được phô ra hết, khoe tấm thân trần bôi xanh, quyệt đỏ như ngựa vằn. Anh chàng cứ nhún nhẩy, vung tay, vung chân, tiến lên, lùi xuống, giống một chú đười ươi không lông đến thế. Bên cạnh anh ta còn một chàng người da trắng, ngồi tệt luôn xuống nền xi măng, mồm dí vào chiếc ống dài dài, cỡ mét rưỡi, to bằng cổ chân người, nó rỗng ruột, chắc là loại nhạc cụ cổ truyền của dân bản địa Úc. Ông bạn này lúc thì làm cho chiếc ống kêu gâu gâu như tiếng chó, lúc lại phát ra âm thanh meo meo, nghe như tiếng mèo, lúc pịt pịt, kêu như tiếng chim. Ấy thế mà tây, ta xúm vào xem đông đỏ. Chắc là thưởng thức văn hóa bản địa Úc. Vì thực dân giết vợi dân bản địa Úc mất rồi, nay còn sót lại dăm ba mống, nên khách du lịch phải cố ngó vào mà xem, để hoài niệm về một nền văn hóa cổ xưa của châu lục này chứ?
Trong khi thưởng thức văn hóa bản địa Úc, khách không quên tung nhưng đồng xu – giá trị tương đương vài nghìn đến chục ngàn VN đồng, vào chiếc sọt bày ngay ở đó – tiền cát xê văn nghệ. Gần chỗ anh thổ dân Úc biểu diễn, còn mấy chàng nghệ sỹ người da trắng diễn xiếc tây. Họ đặt dàn loa kêu oang oang, có cả lời lẫn nhạc. Cũng có độ dăm ba chục khách ngó nghiêng xem.
Cơ bản khách đến sydney để ngắm biển xanh, ăn uống và thăm viếng nhà hát Con Sò, cùng các công trình kiến trúc thực dân xây dựng vào cuối thể kỷ XIX. Công nhận Sydney đẹp, nhất là Nhà hát Con Sò. Đứng gần quan sát, thấy Con Sò là một công trình kiến trúc đồ sộ, nhìn xa, nó diễm lệ đẹp!
Với tôi, thôi thì trong đời cũng được một lần tận tay, tận mắt sờ, ngắm một công trình kiến trúc vào loại thứ hạng quốc tế!
 
      Phần 5 – Tây bủn xỉn lắm!
        Người An Nam ta ra ngoài, mới thấy rõ  phông văn hóa của mình. Phông văn hóa chúng ta là  ăn uống nhồm nhoàm, đi đứng lững thững, nói to như ễnh ương, rồi thêm bệnh tắt mắt - tức là hay cầm nhầm. Ngày xưa, dân An Nam ta có thói quen “chó cậy gần nhà”. Trong lũy tre làng, người lạ mà động vào, thì cả bầy cả lũ hùng hổ, nhua nhúa: “Đánh cho bỏ mẹ chúng nó đi”. Nhưng rời xa khỏi làng, chỉ cách lũy tre độ dăm trăm mét, là nhũn như chi chi; lạy ráo, lạy từ thằng bù nhìn rơm trông dưa lạy đi.
       Nhớ lại chặng đường lịch sử đói kém nghìn, vạn năm của nước Việt – đi ăn cỗ, mỗi người đều chuẩn bị sẵn đồ dùng, dụng cụ đựng thực ăn. Ăn cỗ chỉ mỗi việc tập trung xơi món nước, còn bao nhiêu cỗ đồ khô: giò, thịt luộc, thịt kho, cứ để nguyên si; sau khi xơi cỗ xong rồi, mọi người đều nhanh tay bốc khoản cỗ phần ấy vào túi. Khoản ấy sẽ dành cho con, cháu, chúng đang ngong ngóng  đợi ông bà, bố mẹ mang về. Nay thời đỡ phần đói kém, khi tiếp khách, chủ nhà cứ ngong ngóng nhòm khách ăn, và luôn trong tư thế, tao no lắm đủ lắm nhé, chả thèm ăn uống gì đâu, và chủ cứ đôi đũa thường trực ngậm trong mồm, tiện là rút ra, gắp một miếng thức ăn, thả vào bát, đãi khách.
        Nay người Việt chu du, định cư khắp năm châu, bốn biển, có còn mang những nét văn hóa bản địa đặc sắc Việt  ấy không?
Đoàn của chúng tôi, nếu đi một mình, chả ai biết, ấy là dân An Nam, vì đều im thít như thóc, nhưng kéo nhau độ dăm, ba người, là hoành tá tràng ngay, nói năng át thiên hạ, ở đầu phố, mà tận cuối phố, vẫn nghe tiếng rổn rảng. Lại cười nữa, cứ ngoác mồm ra cười! Tây nó nhận xét, dân Nam ta rất yêu đời, rất vui tính. Văn hóa Tây nó hay khen, thí dụ:
-        Ve ri gút – tức là tốt lắm !
-        Ve ri biu ti phùn – tức là xinh đẹp lắm!
Thế là dân ta phổng mũi sướng, tưởng nó khen thật. Ngoài khen xã giao, tây chúng rất kẹt xỉ nhé. Chuyến đi công cán của đoàn chúng tôi sang Úc, có bài học nhãn tiền qua mấy cuộc làm việc. Tây hẹn làm việc 9h AM (tức 9 h sáng). Anh em bàn tán, chắc tây sẽ làm việc vắt quá trưa, tức hơn 12 giờ đấy. Giờ ấy, tất nhiên chủ nhà phải mời khách ăn rồi, kiểu như ở ta ấy, chiêu đãi tẹt ga, rượu uống thả phanh và tất nhiên phải có khoản “thịt chó Nhật Tân thoải mái”. Trong đoàn ai cũng nghĩ vậy, cũng ngầm sung sướng, trưa đó tiết kiệm được vài trăm nghìn VN đồng.
Đúng là buổi làm việc rất căng thẳng, rất có nội dung, rất kéo dài, không kiểu làm việc theo kiểu cò cưa, thũng thẵng như ở ta, vừa làm việc vừa ngáp. Khốn nỗi thay, trong buổi làm việc ấy, đến cốc nước trắng, Tây cũng không mời. Tôi nghĩ bụng, chắc nó để dồn vào bữa chiêu đãi trưa cho thịnh soạn. Làm việc đến 11h30, rồi 12 giờ, vẫn tiếp tục làm tiếp, vẫn chả thấy động tĩnh chén bát. Anh em trong đoàn có người ngáp. Đại ý bắn tin với chủ nhà:
- Chúng tao đói rồi đấy. Chúng tao Nâu còn vấn đề cần bàn bạc nữa. Chúng tao muốn xơi cỗ rồi! Chúng mày định để cỗ bàn nguội hết ư?
Đại ý là vậy. Thế mà lũ Tây vẫn giả ngây giả dại, vẫn tỉnh queo, vẫn bàn thảo, vẫn làm việc tiếp, chả thấy chúng đói. Ngắm nghía bà đại diện phía Tây làm việc, tự dưng thứ buồn ngủ ào đến trong tôi lúc nào không hay. Thế là tôi cứ gà gật. Chỉ đến khi bị một anh bạn ngồi cạnh, kín đáo véo cho một phát, tôi mới choàng tỉnh:
-        Gì, ăn rồi á?
Tôi quay sang hỏi vậy. May mà tôi nói bằng tiếng ta, chứ bằng tiếng Tây, thì dơ dáng quá! Hóa ra Tây vẫn chưa mời ăn, vẫn  tiếp tục làm việc. Anh bạn véo đùi là để thông báo: Ông phải lịch sự, trong lúc làm việc, thì không được ngủ gật ! Quốc thể ông để ở đâu!
Biết rồi. Sốt ruột. Chả phải nhắc!
Buổi làm việc đến gần 13 giờ, bà trưởng đoàn Tây bắt đầu nói lời kết thúc. Tôi nghe qua cô phiên dịch, bà ấy kết luận về không khí, nội dung buổi làm việc rất là tốt. Sau đấy, bà ta giơ tay ra bắt tay chúng tôi. Tôi ớ ra bắt tay, bụng nghĩ:
- Ơ hay, nghĩa là kết thúc công việc và các bạn không mời bữa cơm hữu nghị á?
Tý nữa tôi phát âm thành lời. May quá, mới chỉ trong ý nghĩ, chỉ có cái mặt của tôi cứ ngẩn ra, làm bà tây ngỡ tưởng, tôi vẫn còn thòm thèm làm việc tiếp. Thôi, tôi lạy bà. Bà mời cơm thì chúng tôi sẵn sàng tiếp, chứ mà việc nữa – xin là kiếu!
Bảo Tây nó kẹt xỉ cũng chưa hẳn đúng. Bữa làm việc đầu, Tây không mời gì, còn bữa làm việc thứ hai của đoàn với một cơ quan khác, Tây họ có mời ăn đấy. Buổi làm việc ấy, bàn ghế đẹp, phòng ốc rộng, đầy đủ thành phần và làm việc cũng đúng giờ, làm việc căng thẳng.
Ngay mở đầu cuộc làm việc, trên bàn thấy bày sẵn đĩa bánh, có độ chục miếng, dạng bánh ga tô, miếng tròn tròn, miếng tam giác, phía trên phủ một tí kém trăng trắng. Giữa buổi làm việc, lúc ấy khoảng 11h30, một anh Tây bê đĩa bánh lên, dí vào mặt từng khách, ra ý mời khách xơi bánh ga tô. Tây nó tiết kiệm và thực dụng thật, đến mời khách ăn bánh, mà không thấy thìa, nĩa, hay đũa, đến giấy ăn cũng không có. Chắc nó tính, nếu dùng đũa, rồi giấy, lại sinh ra rác, nên ăn bánh, cứ việc dùng tay mà bốc, đỡ gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài miếng bánh bé tí tẹo ấy, sau buổi làm việc ấy, cũng chẳng thấy họ mời mọc, chiêu đãi gì. Thật chán mớ đời cho cái lịch sự hão kiểu Tây! Đâm ra sau cuộc làm việc căng thẳng và đầy tính hữu nghị, đoàn chúng tôi đành kéo nhau đi tìm nhà hàng và phải đến gần 14h30 giờ mới tìm thấy một nhà hàng Nhật Bản. Lúc ấy có người chê, món Nhật không hợp khẩu vị, nhưng vì đói ngấu, thế là cả đoàn đành xơi món Nhật, dù có không hợp khẩu vị.
Nghe món hải sản, ai cũng nghĩ: mực rán, cua quay, tôm luộc, song khi suất ăn bưng ra, chỉ thấy một bát cơm, trộn thứ gì trông đo đỏ. Đói, nên chúng tôi xơi ngấu nghiến, chẳng xem xét nó là rau, hay thịt. Ăn được nửa suất, chợt một vị nào  đó lên tiếng:
- Hình như là cá sống?
Nghe vậy, một vị trong đoàn òe ẹo liền. Vị này bảo rằng, mình xấu bụng, không xơi được cá sống, song nhỡ xơi mất nửa suất rồi, chả lẽ lúc ấy lại ọe ra hết. Vị ta buông bát, ngắm nhìn mọi người xơi cá sống Nhật Bản. Có lẽ đấy là do phản xạ tự nhiên, từ lúc biết là mình ăn cá sống, mặt mũi vị này hết đỏ tía, lại chuyển sang tim tím, chứ mới xơi được nửa bát, thức ăn chưa trôi kịp đến ruột, sao gây ra phản ứng tiêu hóa, hay dị ứng kịp. Vị này sau đó buồn ị. Giời đất ơi, giữa một nhà hàng Nhật Bản sang trọng, lịch sự thế, đâu phải nơi WC, mà có chỗ ị cơ chứ.
Ăn xong, cả đoàn kéo nhau diễu hành tiếp  siêu thị. Vị bị dị ứng kia, chả còn đầu óc đâu để mua với sắm nữa, chỉ lo mỗi việc, tìm nhà để đi ị. Đến bất cứ điểm nào, vị ta cũng hỏi tây:
-  Vi xi – vi xi nó ở chỗ nào?
 
Phần 6 - Lừa được bọn Tây
Chắc có người nghĩ, tôi đi Tây được một chuyến, đã nhắng lên khoe. Nhưng là bệnh rồi, bị từ nhỏ cơ, nên hay khoe. Phần tiếp theo của ký sự này, xin khoe chuyện : lừa được bọn Tây.
Bọn Tây chỉ được da trắng, cơ thể to và lắm lông, chứ đầu óc rỗng tuếch! Để thăm thành phố Sydney, nếu dùng tắc xi, thì hơi bị tốn, cứ khoảng cách độ mươi cây, tốn đến tiền triệu. Cháu gái phiên dịch trong đoàn tìm hiểu và hiến kế, hay đoàn đi thăm thành phố bằng xe buyt du lịch. Nó như xe buýt thông thường ở ta, nhưng trên nóc cơi thêm tầng ghế và không mui che, khách cứ leo lên đó ngồi, vừa diễu thăm, vừa ngắm nghía cả thành phố. Giá cả của cả đoàn 9 người khoảng gần chục triệu,  gồm hai tua, thời gian mỗi tua là gần 2 tiếng. Lúc đầu nghe vậy, tôi định gàn, sao đắt thế, song thấy mọi người ưng ý và nếu cứ diễu bộ, bao giờ mới xem hết Sydney.
Cháu gái phiên dịch giảng giải, người già được giá hạ. Giá thông thường 39 đô/1 suất, hạ giá cho người già và trẻ con, còn có 30 đô, tức bớt được mười đô. Hời quá, ngang như hạ giá trong mùa hàng hóa đại hạ giá của Sydney. Tôi hỏi cháu gái:
- Bao nhiêu tuổi thì được hạ giá ?
-        60 mươi chú ạ.
-        Chú mới 55, kê lên, có được không?
-        Được! Tây nó thật lắm, tin ngay!
- Thế bảy mươi tuổi, nói tiếng Tây nó như thế nào?
Khi lên xe, thằng Tây bán vé hỏi, chắc là hỏi tuổi thôi, tôi cứ thản nhiên như không :
- Tao... xe vần ti ti tuổi. Ti ti tuổi nhé (tôi gào lên với nó). Tuổi ấy của tao là hạ giá đấy!
Thằng Tây chắc ngạc nhiên, ông này mà đã bảy mươi cơ. Được cái ông này tóc bạc trắng. Thằng Tây lại hỏi tiếp một trong vị đoàn tiếp, ông này cũng gào lên như tôi:
- Tao cũng.... xe vần ti ti…. tuổi, như ông kia.
Lại một vị nữa trong đoàn được hạ giá. Đến anh bạn nữa, cậu này trẻ măng, chưa đầy bốn mươi, nhưng trán hói, cũng khai :
- Tao.... xe vần ti tu.... tuổi – tức nó tuổi còn già hơn tuổi tôi.
Thằng Tây nghe vậy, mặt ớ ra. Sao giống người Á chúng nó, toàn người cao tuổi, mà mặt mũi nom non choẹt. Chắc nó nghĩ, đây là đoàn du lịch toàn các cụ đi dối già. Nó hỏi, chắc là hỏi người nước nào, chúng tôi đồng thanh hô:
- Việt Nam! Việt Nam chúng tao đánh Mỹ đấy, anh hùng lắm, mày biết không?
Thế là đoàn chúng tôi lừa được bọn Tây, tiết kiệm được cho đoàn hẳn 30 đô la Úc - tiền dối già.
 
 
Phần 7: Cướp tiệm đá quý!
Dân An Nam ta văn hóa rất tự nhiên. Đến thăm nhà nhau, không cần báo trước, kể cả phương tiện điện thoại sẵn như bây giờ, cũng chả thèm gọi trước, cứ ngẫu hứng lên là xồng xộc tới, có khi tới nhà, chả thèm gõ cửa, mở thẳng xô vào  thăm nom luôn. Như thế mới là chân tình. Đối với con cái, thích là “bố” mở cửa, vào phòng luôn. Riêng tư ư? Nhân quyền ư? Tao là bố mẹ chúng mày, mất công đẻ, công nuôi, nay phải xin phép, phải lịch sự gõ cửa mới được vào sao?
Đấy là lý của dân An Nam ta, bố thằng Tây cũng chịu. Hôm chúng tôi đi thăm trung tâm siêu thị Sydney, hình như đọc tiếng Tây là xen - tờ - rờ chợ. Hàng hóa, thì thôi rồi là bạt ngàn. Quần áo từ dài đến ngắn, sịp đàn ông, che ti đàn bà, có tuốt, đều long lanh nhé! Mấy bà mặc những thứ này vào, thành tiên hết, nhìn xuyên suốt được từ trong ra ngoài. Còn đồ dùng, vật dụng, đều đủ đầy, từ bó tăm bông ngoáy tai, sau khi tắm, đến cuộn giấy vệ sinh, đều có. Tất cả thơm phức, vì chính tôi dí tận mũi vào từng thứ, ngửi thấy thơm lắm!
Sau hồi đoàn chúng tôi quần đảo – cứ diễu qua diễu lại. Mới đầu, bọn bán hàng thấy cả một đoàn đông những 9 vị khách Việt Nam, sướng ra mặt, ngỡ tưởng vớ được lũ khách hàng nhà quê, chuyến này thoải mái chặt chém. Nhưng sau một hồi thấy lũ này cứ lượn và hóng bằng mắt, cứ hàng sang, hàng tốt, là xúm vào ngó, ngó từng li, từng tí, rồi sờ mó, suýt xoa khen, sau đó cùng nhau cười hơ hớ. Có vị còn định lột cả váy ra, ướm thử xem cái quần trong nó đẹp đến mức nào. Thế là sau đó lũ tây bán hàng đâm ra chán. Chúng chả thèm mời chào, chẳng thấy ve - ri - gút, ve - ri - đẹp gì, cứ mặc xác lũ chúng tôi xem gì thì xem, ngắm gì, sờ mó gì, cứ mặc.
Sau hồi ngắm vuốt thỏa thuê, anh em bàn bạc, kéo nhau đi nơi khác, ngắm tiếp, ở đấy hết thứ để ngắm nhìn rồi. Thống nhất xong, anh em ngơ ngáo tìm đường để đi ra. Đã bảo, tiếng tây đoàn này toàn dân tiếng Anh giả cầy, trừ cô cháu phiên dịch. Đoàn chúng tôi lại văn hóa kiểu ta, nên vừa ngó thấy con  đường thông ra hè phố trước mặt, chẳng biết mô tê là chốn gì, mọi người cứ ào ào xuyên qua. Lúc qua đấy, chúng tôi thoáng thấy, mấy cô, cậu bán hàng nhớn nhác. Bọn này toàn dân châu Á, mặt mũi thất thần, dúm dó.
Ra đến vỉa hè, đứng ngoái lại, vẫn thấy lũ ấy  nhớn nhác. Hóa ra chúng tôi vừa lao qua quầy hàng bán kim cương. Thảo nào, lũ bán hàng tá hỏa! Lũ chúng vừa được bữa hú vía, tưởng có toán cướp đột nhập. May mà họ không bốc điện thoại, kêu cảnh sát, cũng may nữa, bảo vệ không phải lũ da trắng, hay các chú bảo vệ da đen to vật, to như ông hộ pháp. Vớ phải lũ ấy, thì chúng tôi được bữa  no đòn, hoặc chí ít cũng bị  túm ngực, bóp cổ cho lòi mắt, tống ra, nộp cho pô lít!
Hiểu ra tình cảnh vừa xảy ra, để an ủi đám người đứng quầy, chúng tôi từ ngoài vỉa hè đồng thanh chõ  vào:
- Ve ri gút, ve ri gút! Chúng tao là dân Việt Nam, hiền lành, hữu hảo lắm, không ăn cướp, ăn cắp đâu!
       Chắc đến lúc ấy, lũ trông quầy kim cương mới thở phào, nhẹ nhõm, hết sợ cướp!
 
Phần 8 - Gặp người Việt nơi xứ người
Ở trong nước gặp người Việt là lẽ đương nhiên, cứ nhan nhản. Xa quê, nơi xứ người, gặp nhau mới quý, mới ấm áp tình đồng bào, đồng chí, ít ra người xa quê được nghe tiếng mẹ đẻ, đồng bào!
Trên máy bay sang Sydney, tôi ngồi gần một bà già khoảng ngoài bảy chục. Bà gốc vùng Bắc Ninh. Dân quê, nên hay chuyện. Không rõ vì sao, mà con bà, đứa ở Úc, đứa ở Mỹ và bà cứ đi lại như đi chợ qua các quốc gia này. Với vốn ngôn ngữ không ngoài tiếng Việt, đi được từng ấy nước, quả là bà già quá giỏi. Bà cứ vanh vách khoe, bay từ Pari về Hà Nội, mất bao nhiêu tiếng đồng hồ; từ Sydney sang Hoa Thịnh Đốn, vé hết bao nhiêu đô la. Càng nghe kể, tôi càng phục. Phục nữa vì ở độ cao của máy bay trên 12 ngàn mét, tai tôi ù đi vì áp suất giảm, nghe tiếng được tiếng mất, còn bà già vẫn bình thản như không, vẫn thao thao kể chuyện.
Trong đoàn, có một vị quen biết đứa cháu đang du học ở Sydney. Ông của cháu dân gốc Bắc, đến đời bố cháu, được sinh ra ở Sài gòn, nay vợ chồng bán thịt tại quận 3. Dăm năm trước, ông nội bán nhà, chia cho bố cháu hơn tỷ bạc, thế là cho con gái đi du học Úc. Cháu thật nhanh nhạy, giờ lôi thêm thằng em sang du học ở Úc. Nhìn cháu gái, tôi thấy thương thương, vất vả quá. Song thôi, có bươn chải, vất vả, thế mới nên người, mới lớn lên được!
Cô cháu đưa chúng tôi tới một quán ăn Việt, vừa để mua sản phẩm chức năng cho chị em. Cháu khoe, ở đây có nhiều gia đình Việt kiều lắm, một chỗ khác nữa, cách đó vài chục cây, cũng rất đông gia đình Việt kiều định cư.
Mấy gia đình người Việt chúng tôi tiếp xúc, người giọng Bắc, kẻ giọng Nam, thấy chúng tôi, họ đều chào đón vui vẻ. Tôi thấy có cửa hàng người Việt, bày bán cả rau muống, nước mắm, miến dong… Bữa tối ở một quán ăn Việt, quán không rộng, có cả thực khách Tây lẫn ta, ăn uống nhộn nhịp. Bàn bên cạnh, có độ chục khách Việt kiều, họ tham dự bữa chiêu đãi mừng sinh nhật.
Khi chúng tôi kéo nhau đi thăm bảo tàng biển Sydney (Sea Life Sydney Aquarium), vì giá vé vào quá đắt, 40 đô một suất, anh em bảo nhau, thôi chả vào thăm nom nữa. Anh bạn ở miền Trung buông câu:
- Dào ơi, chắc lại như kiểu bảo tàng biển Nha Trang, dăm con cá, đám ốc nước mặn và mấy bộ xương cá chết. Chả xem nữa. Ở nhà, tôi xem chán rồi!
Nói thì thế, cá Tây nó khác cá của ta, điều  chính là xót 40 đô Úc. Giả thử nó miễn phí, cho vào xem, lại không xúm vào ngay, lại khen đẹp, khen cá ở Úc nom lạ quá! Chê, nên đoàn chúng tôi không xem bảo tàng Hải dương học, mà kéo nhau ra ngắm biển và chụp ảnh thả cửa, không mất tiền. Lúc chụp ảnh, đoàn lại gặp một gia đình Việt – bà mẹ và hai cháu nhỏ.
Vợ tôi có người bạn định cư ở Úc. Vì theo tiếng gọi tình yêu, bạn sang lấy chồng xứ Úc. Bạn sống ở một thị trấn nhỏ với dăm ba ngàn dân, trong ấy có đôi ba gia đình người Việt. Dăm tháng, họ thường tụ tập. Bạn cũng gia nhập vào nhóm gia đình người Việt ấy. Một bữa nọ, trong dịp ăn uống, có bà người Việt hầm hè, xỉa xói  bạn. Nguyên do vì bạn là dân Bắc – loại vi xi. Bạn bực lắm, nói với ông chủ nhà:
-        Lần sau nếu có bà ta, cháu sẽ không dự.
Ông chủ khoảng ngoài bảy mươi:
- Ừ! Nếu lần nào có bà ấy, bác xé nhắc cháu!
Khốn khổ thế, chiến tranh qua gần 40 năm rồi, đã xa nước tìm đến xứ người, vẫn hận thù dai dẳng, mà lại hận thù người Việt ta. Chính trị một thời làm con người có cái nhìn méo mó, ở đâu, lúc nào cũng moi móc ra giai cấp, địch ta, Việt gian phản động.  Thật buồn sao!
Song chuyện ấy chắc không phải là phổ biến! Dân An Nam mình chúng tôi gặp khá nhiều trên đât Úc. Nếu cảm thấy là dân Việt, cứ huýt sáo gió mấy bản nhạc Trịnh, mặt họ đần ra, biết ngay là dân Việt mình rồi. Đoàn của chúng tôi mấy lần nhờ các cháu người Việt, nào Việt du học, nào Việt kiều định cư, Việt kiều di tản, chỉ đường, hay mua vé tàu xe giúp, có cháu còn dẫn đoàn xuống tận ga tàu điện, lúc chia tay đứng vẫy vẫy, tình cảm thật bịn rịn. Quả là tình đồng bào! Thì dù sao cũng cùng chung một bọc, có khác nhau về quan điểm, chính kiến, song vẫn là người Việt Nam ta đấy thôi!
     
Phần 9. Chợt nhớ cậu bé Rê-mi
Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Đây tôi lại đi đến cả tuần ở Nam bán cầu, tận xứ Úc châu xa xôi, thì học được nhiều cái sàng khôn đấy. Công nhận ở Úc, cái gì cũng đẹp, tức là gi gỉ gì gi cái gì cũng đẹp, cũng xinh.
Có lẽ vì nhà tôi nhỏ hẹp, nhà tôi chật, chỉ 15 mét vuông, xây vút lên cao, nên sang đến Sydney, quan sát nhà cửa, biệt thự của họ, tôi cứ mê mẩn. Chỉ vì nể mọi người trong đoàn, nên tôi đành phải đi siêu thị, bát phố cùng. Nếu thả ra, cứ một mình tha thẩn, ngắm nhà, ngắm phố, những biệt thự đẹp đến mê hồn, dạo những con phố nhỏ tĩnh lặng cây xanh, tĩnh lặng những căn nhà đẹp Sydney.
Kiến trúc ở đây sao đẹp đến thế, cân đối và hài hòa, hợp lý đến từng chi tiết, đến màu sơn, hàng rào, thảm cỏ... Khách sạn nơi chúng tôi nghỉ, cách trung tâm Sydney khoảng chục cây số, nó tương đương như quận Long Biên, hay Cầu Giấy của Hà Nội ta. Quanh đấy là những căn biệt thự thấp tầng, thường là một, đến hai tầng, xinh xắn, mái ngói lợp xuôi chảy. Nhà đều bố trí cửa kính, không chấn song, không chằng khóa kỹ càng chống trộm như ở ta. Chỉ chi tiết nhỏ ấy thôi, đã chứng tỏ, sự thanh bình của nước Úc.
Có buổi tối, tôi tha thẩn dạo qua những con phố quanh nơi khách sạn mình nghỉ. Nhìn những ô kính sáng đèn, tôi tưởng tượng, một gia đình đầm ấm, họ đang xum vầy bên nhau. Họ nói với nhau những chuyện gì nhỉ? Có bàn về chính trị, về đấu tranh giai cấp, về quân ta đánh quân địch, hay về chống tham nhũng, tham ô? Có lẽ họ đang bàn  với nhau chuyến píc níc cuối tuần, hoặc một chuyến đi mạo hiểm vào miền sa mạc mênh mông của châu Úc?
Một bữa đi chợ mua sắm đồ ăn, anh em mua bán, còn tôi nhoay nhoáy điện thoại, chụp tất cả bảng giá, nào táo tây: 5 đô Úc một cân; đậu cô ve 14 Úc đô một cân; thịt bò Úc từ 20 đến 25 đô. Sau hồi chụp hết các loại bảng giá, tôi ra vỉa hè dạo loanh quanh phố. Chợt nhìn thấy tờ quảng cáo, tò mò tôi ngó xem. Hóa ra là rao bán nhà. Một căn nhà, tính ra VN đồng, có 1,2 tỷ. Bề mặt 6 mét, một tầng, lợp ngói, trước nhà có mảnh vườn nho nhỏ. Ngôi nhà trông rõ xinh. Sao rẻ đến thế, rẻ hơn cả Hà Nội của ta? Sau đó được cô cháu du học sinh người Việt giải thích, đó là đấu giá ban đầu, chưa phải giá bán. À, hóa ra là vậy.
Trong bữa nấu ăn tối đầu tiên, khi nghỉ ở vùng Manly, đoàn chúng tôi ăn uống trong căn bếp ấm cúng. Trong bếp có mấy nhóm người, cả Âu lẫn Á. Các nhóm đều tôn trọng, quây quần, sinh hoạt theo nhóm: nhóm nói chuyện, nhóm nấu ăn, người đọc báo, kẻ chơi điện tử. Tôi chợt liên tưởng đến cảnh những bữa ăn tối của ông già Va xi li và cậu bé Rê mi trong truyện Không gia đình. Ông cháu họ lang thang trên con đường sinh nhai, khắp nẻo đường đâu đó. Tối tối, họ dừng chân ở một quán trọ ven đường. Trong ánh lửa bập bùng, với bữa ăn thanh đạm, họ đói rét, nhọc nhằn, nhưng cũng không ít phút giây, họ hạnh phúc!
 
Phần 10. Người già ở Úc
Nghe rằng, người già, không chỉ ở Úc, mà các nước văn minh, con cháu đều khuân đến, giao cho nhà dưỡng lão. Với con cái, thế là quá tiện, chả phải thăm nom, chăm sóc nữa, không  phải cho ăn cho uống, cứ nộp tiền là xong việc, vài đôi tháng, hay cả năm, đến thăm bố mẹ một bữa. Thế là hoàn thành chữ hiếu. Như vậy, tình cảm bố con, mẹ con, có khi lại thắm thiết, chứ gần nhau, người già khó tính lắm, gắt như mắm tôm, không khéo cãi vã suốt ngày!
Ở Úc, trên đường phố, tôi gặp nhiều ông già, bà cả đi lại. Chắc mấy vị này trốn nhà dưỡng lão, đi diễu phố. Họ cứ lật bật đi đứng, y như những con lật đật, ngả bên này, nghiêng bên kia, có người đi như kiểu chỉ chực ngã. Họ cũng leo trèo lên xe buyt, chui xuống nhà ga ngầm tàu điện, hay lang bang khắp phố. Có khi là một thân, có khi cặp đôi vợ chồng già. Tôi gặp một trường hợp có con cháu đi kèm, dân châu Á. Chắc con trai đi kèm bố. Dân châu Á có kiểu yêu thương bố mẹ, kính trọng người cao tuổi khác giống người Âu.
Người già ở Úc khá độc lập. Họ không muốn người khác nhường nhịn, ưu tiên cho mình; Họ không muốn mình là kẻ già cả. Một lần tôi đi sau một ông già cả nọ. Tôi đã già, ông này còn già gấp đôi tôi. Ông ta cứ vẹo vọ chống gậy bước. Lúc ấy chúng tôi đang đi trên băng tải. Tôi chỉ lo ông ta ngã vật ra, nên vừa đi, vừa luôn trong tư thế, ông ta ngã, là tôi xô vào  đỡ. May quá, ông này không bị ngã, lại còn bước qua nổi điểm chuyển tiếp của băng chuyền.
Kể già thì ở đâu cũng chán, kể cả sống như ông Bành tổ, bảy trăm năm. Không hiểu sống thế để làm gì, sống chỉ để xem cá đớp bóng chăng? Tôi nhìn hai ông già, râu tóc bạc thếch, tại trung tâm chợ Sydney. Họ chụm đầu vào nhau nói chuyện. Sao họ không vào viện dưỡng lão nhỉ? Họ cứ chụm đầu vào nhau mà nói, nói lâu lắm, đến mức, tôi chán, chả thèm chụp ảnh họ nữa. Chỉ có con chó một ông già dắt theo, là nhiệt tình, cứ nhảy nhảy,  liếm liếm tay chủ và ông ta, có lon bia, uống mãi không thấy hết!
 
Phần 11 – Rác ở Úc
Rác – không phải tư bản rác, hay sự bẩn thỉu, thối tha của chủ nghĩa tư bản, mà rác thật, rác thải sinh hoạt, rác chứa đựng vào từng thùng, từng thùng, bày khắp nơi khắp chốn.
Tôi sang Sydney, thứ đập vào mắt tôi là các thùng rác. Nhà nào cũng có, mà có nhiều, có tới ba, bốn thùng, thùng to cỡ ¼ mét khối, màu xanh đỏ, xếp hàng, xếp đống trong vườn, trước nhà, trước sân, trên vỉa hè. Ngay trước khách sạn 3 sao nơi chúng tôi nghỉ, cũng thấy một dãy thùng rác.
Khi người ta quan tâm đến rác, thấy sự nguy hiểm của nó, tức là đời sống đã cao, xã hội văn minh rồi. Không như ở ta, rác được coi là thứ xấu xa, bẩn tưởi, nên thường giấu kín, hoặc tiện thể, thì nhà này ném sang nhà kia, đổ trộm sang nhà kia, hoặc từ trên gác, ù một cái, ném bừa xuống dưới. Cứ mặc kệ cho chúng vô tư bay lượn, trúng vào đầu ai thì tùy, kể cả trúng vào đầu khách. Có một ông khách lịch sự nọ vào thăm nhà người quen ở chung cư kia, bị túi rác rơi xuống, làm vỡ toác đầu. Điên tiết, ông ta ngó lên, truy tìm đứa mất dạy nào đấy. Không thấy ai, ông ta tức quá, gào lên chửi, cái đứa vô văn hóa, vô lịch sự nào đó. Thế là từ rác sinh hoạt, sinh thêm ra rác vô văn hóa – văn hóa chửi.
Gái trưởng của tôi, cháu đang du học bên Nhật, kể rằng: Gom, phân loại và đổ rác ở bên đó,  phức tạp lắm, phải đổ rác phân loại vào đúng thùng, không đổ bừa đỗ bãi; nếu sinh viên nào đổ nhầm, bị phát hiện, cứ việc dùng tay moi móc ra kỳ hết, phân loại lại. Hỏi con: Bên ấy họ có phân biệt chủng tộc không, phân biệt người Việt ta ấy? Gái bảo: Có. Rồi gái kể: Một cậu sinh viên Việt Nam lần đầu mang rác đi đổ, thấy mấy thùng rác,  không biết đổ vào thùng nào, liền hỏi một cô đi qua, cô này khinh khỉnh, ra ý kinh dân “đang phát triển”:
- Thế bên nước mày, không phân loại à?
Nói rồi, cô ta ngoắt mông, đi thẳng.
Đúng là Việt Nam ta, làm gì có phân loại rác: tốt, xấu, chung đụng nhau tuốt, từ rác thải sinh hoạt, đến rác thải văn hóa, kinh tế, xã hội, cứ đấu chung vào nhau. Thế nên mới có chuyện, mua một cái ụ tàu nổi - Tây nó thải ra thành rác từ thuở giữa thế kỷ XX, mà ta vẫn khuân về, giá còn trả đến mấy chục triệu đô la cái ụ nổi rác. Với rác văn hóa, thì nhập về vô tội vạ. Thí dụ như, trước ta có văn hóa rác truyền thống: đái đường đái chợ, nay nhập thêm về thứ văn hóa hôn nhau, rồi sex, nhưng nâng tầm lên cao hơn. Đấy, trai gái cứ thản nhiên “làm việc ấy” công khai, giữa thanh thiên bạch nhật, giữa đường giữa chợ, giữa cả công viên nữa, cứ “làm” tự nhiên hơn cả chó. Hay trên sân khấu, một lũ gào thét, nửa điên nửa dại biểu diễn, còn đám khán giả tuổi tin ở dưới, cũng gào khóc dại điên, có đứa còn đưa hẳn lên face, dọa bố mẹ nó, nếu ngăn cản chúng yêu thần tượng, thì sẽ dùng dao, “phay” bố mẹ luôn. Có đứa còn liếm mặt ghế, cái chỗ thằng thần tượng ngoại vừa hạ đít xuống ngồi!
 
Phần 12 - Mát xa Tây
Tôi chả rõ mát xa nó gốc gác từ đâu, từ Âu hay của vùng châu Á ta? Nhưng đại ý, công đoạn mát xa đều từa tựa giống nhau: dùng tay xoa xoa, vuốt vuốt vào những vùng da trên cơ thể khách, hoặc dùng cả chân giẫm đạp lên người khách. Ngoài tay, người ta còn dùng cả bộ phận khác của cơ thể, để day day, vuốt vuốt, ưu tiên nhất là vào các vùng nhạy cảm của cơ thể khách. Xoa vuốt đến mức, khách nhảy lên sướng, là dừng, là hoàn thành công đoạn một ca mát xa.
Nhân viên mát xa có thể là nam, nữ, mát xa cho khách hàng nữ, hay khách hàng nam. Làm nghề này, phải toàn người trẻ, khỏe và xinh, trong đó tiêu chuẩn khỏe được ưu tiên số một. Vì vất vả thế, cứ xoa xoa vuốt vuốt, xoa vuốt đến mức, khách sướng lịm đi cơ mà.
Ở Sydney, thấy khách mát xa nằm tơ hơ cả ra, ông đi qua, bà đi lại, có thể nom thấy. Mọi cửa hàng mát xa đều treo biển: Mát xa gie! Mời tôn ông, quý bà vào ngay! Ngay gần nhà hát Con Sò, tôi cũng nom thấy một cửa hiệu mát xa. Thành phố này tôi nom thấy nhiều cửa hiệu mát xa quá, như mát Thái, mát Tàu,… Mát xa Việt, thì tôi chưa trông thấy?
Không hiểu mát xa các nước có khác nhau gì không? Chắc là giống nhau thôi, cũng chỉ đến vuốt vuốt, có khác chăng, nơi thì vuốt ngược, nơi vuốt xuôi, nơi dùng mỡ để bôi, nơi dùng dầu, dùng kem, đại ý cho nó trơn trơn, tăng phần nhạy cảm ấy.
Giá cả mát xa ở Sydney, gần như đồng hạng. Giá trung bình là 49 đô Úc trong 30 phút, còn mát xa thêm phút nào, giá 1 đô. Cam  đoan rằng, thời lượng 30 phút, cũng bỏ bố rồi, nếu hơn nữa, có mà tẩu hỏa nhập ma, hoặc thành ra bã thuốc bắc, chỉ mát xa dăm bữa, sẽ thành bộ xương để nấu cao nhân cốt.
Tôi chắc chắn rằng, mát xa ở Sydney sẽ khác ở ta. Ở ta, vì thuần phong mỹ tục Đông phương, nên cấm tiệt mát xa kèm mại dâm. Cấm đến mức, ông chính quyền chả mấy khi hay biết, ở dãy cửa hàng mát xa trong khu vực mình quản lý, có kèm thêm mại dâm. Chỉ đến khi có chết người, hay đánh ghen, trấn lột, các ông ấy mới té ngửa ra. Ô, thật là hay chửa!
 
Phần 13. Tự do?
Đến Sydney, tức là tôi mon men đến phần rìa của anh tư bản. Trung tâm của nó, ở mãi tận nước Anh tư bản già cỗi cơ. Y như rằng, mới chỉ đến phần rìa thôi, tôi đã nhận ra bản chất của nó. Khắp đường phố, những tấm phướn, thông báo mùa  Sydney đại hạ giá!
Đúng rồi, cứ đầu tư, sản xuất đẫy vào, nay hàng hóa ế ẩm, phải bán tống, bán tháo, bán như cho. Chuyến này lỗ chỏng gọng lên, sập tiệp, thì bỏ bố nhà chúng mày, cứ chuẩn bị sụp đổ, sập tiệm đến nơi rồi!
Điều này thì tôi biết từ lẩu lầu lâu, từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường. Chả phải đến tận hôm nay, khi đến nơi tận nơi tổ chấy nhà anh tư bản, mới rõ. Hồi xưa ấy, tôi được giảng dạy, chủ nghĩa tư bản đang giãy chết, tức là giãy từ cách đây ba, bốn chục năm. Từ hồi ấy, chúng đã hết khủng khoảng thừa, nhảy sang suy thoái thiếu, cứ từng chặp, từng chặp, chồm lên ngụp xuống. Lúc ấy chúng tôi nghe, thấy sung sướng lắm! Cho chúng nó chết! Ai ai cũng chuẩn bị sẵn xẻng cuốc, đi chôn vùi lũ chúng.
Nghe phân tích, có tình trạng ấy, bởi chúng không ưu việt như phe ta, sản xuất không có kế hoạch hóa như phe ta, mà chạy theo cơ chế thị trường bát nháo. Thế thì làm sao không chết cơ chứ!
Còn với chúng ta, làm ăn theo kế hoạch, cái gì cũng kế hoạch, kế hoạch từ chiếc tăm tre kế hoạch đi. Thí dụ: kế hoạch cả nước mỗi năm có bao nhiêu đám giỗ, trên cơ sở đó, sẽ cần bao nhiêu chiếc tăm tre, dùng để xỉa răng; lại trên cơ sở số tăm tre, sẽ đốn hạ hết bao nhiêu cây tre, rồi với số cây tre bị đốn hạ, sẽ cần đến bao nhiêu ha đất để trồng tre. Vì có sẵn kế hoạch, nên chúng ta chỉ trồng đủ số cây tre để vót tăm, nên đất có thời gian nghỉ ngơi.
Ở ta, kế hoạch còn chi tiết, tỉ mỉ lắm, tới mức, kế hoạch cả số người chết, ngày chết, giờ chết. Trên số liệu dự kiến người chết, mấy ông thợ mộc sẽ chủ động đóng bao nhiêu cỗ quan tài, xẻ bao nhiêu mét khối gỗ; còn mấy ông thợ kèn, sẽ chủ động về ngày giờ nào phải thổi kèn, gõ trống đám ma, ngày nào được ngồi khểnh. Kế hoạch làm cho chúng ta sung sướng và chủ động thế!
Còn bọn tư bản, do vô lề lối kế hoạch, sản xuất theo kiểu thị trường mù quáng, nên trồng trọt bừa phứa ra, đến nỗi, đất cũng không được nghỉ, cũng bị bóc lột thậm tệ.
Nay sang nước tư bản Úc, tôi phải giấu tiệt đi, phải bí mật về tính kế hoạch hóa của chúng ta, không để chúng biết. Cứ để lũ ấy triền miên khủng hoảng, sản xuất hàng hóa thừa mứa ra, rồi chúng sẽ chết.
*  *  *
Tôi từng nghe, thời cải huấn gì đó ở ta, quãng năm 1952 - 1953, khi nghe kể về câu chuyện, bọn địa chủ hà hiếp nông dân, những người lính sụt sùi khóc, thương tủi cho số phận những người nông dân bị hà hiếp, căm thù lũ địa chủ. Một anh tá điền kia, ngày ngày phải mút chim thằng địa chủ. Thằng ấy vì chơi bời trác táng, bị gái nhà thổ đổ cho căn bệnh tim la, hủi lậu, nên chim đầy những mủ. Vì rát buốt, không chịu nổi, ngày ngày nó bắt anh tá điền kia phải mút! Nghe mà kinh tởm, mà căm thù!
Nay sang sào huyệt tư bản, tôi tranh thủ tìm hiểu tính bóc lột, sự hà hiếp người lao động của chúng đến mức độ nào. Vì vậy, tôi cố “moi móc” ra những cảnh đời, những số phận éo le, thảm thương của dân chúng. May quá, tôi đã tìm ra:
Trong con đường ngầm tại nhà ga tàu điện trung tâm Sydney, theo dòng người qua lại, tôi thoáng nghe réo rắt tiếng đàn hồ - một nhạc cụ nổi tiếng của dân tộc nọ. Khi qua đó, tôi vội bấm máy chụp kịp bức hình ông già người Á, ngồi kéo đàn. Trước mặt ông ta là cái mũ, hứng những đồng xu bố thí của người đời. Đi tiếp độ trăm bước, tôi lại gặp một cảnh đời khác - kẻ này là dân da trắng – ôm cây đàn ghi ta, đang chơi một bản nhạc buồn và cũng có cái mũ, đón nhận những đồng xu bố thí. Trong mấy ngày ở Sydney hoa lệ, tôi còn gặp đôi ba cảnh đời bần cùng khác. 
Xã hội Úc văn minh, giàu có thế, vẫn có những cảnh đời như thế sao? Ồ, hóa ra ở bất cứ nơi đâu, dù dưới địa ngục, hay trên thiên đàng, vẫn có những cảnh đời trái khoáy. Họ vì nhiều lý do: chán đời, chán gia đình, hay phẫn uất, mà ngẩn ngơ sống. Phải chăng mục đích sống của họ, còn để bêu diếu chế độ, hay họ đứng ăn xin, chỉ là thú vui bản năng?
Nếu vậy thì chả vì một hiện tượng, một cảnh đời, để vội quy kết, nâng lên thành bản chất, thành đại diện cho một chế độ, một xã hội nào ấy. Thèm muốn của con người là vô biên. Đến như trên cõi thiên thai, thế giới của phi phàm, phu tục, vẫn còn có kẻ ham muốn nhục dục chị Hằng Nga, bị trời đày đọa xuống hạ giới, làm kiếp loài gia súc.
Người ta đâu chỉ có nhu cầu miếng ăn, miếng uống, mà còn nhiều thứ khác! Ví dụ như tự do, quyền sống, mưu cầu hạnh phúc. Tôi cứ lẩn mẩn suy nghĩ vậy. Khi xã hội, mà mọi người đều hết nhu cầu, hết bức bách, ham muốn, cũng là lúc xã hội ấy sắp bị tiêu vong chăng? Còn một xã hội tuyệt đối công bằng, hằng hà hạnh phúc, sung sướng, một thế giới vĩnh hằng, chắc chỉ có trong mây khói, trong những ước mơ hão huyền của nhân loại.
Nước Úc tôi qua, mới chỉ là chế độ trong giai đoạn trước cửa thiên đàng! Đâu đã là thế giới vĩnh hằng, vĩnh cửu, như trong ước mơ hão huyền mây khói!
*  *  *
Tại nhà hát Con Sò, Sydney, tôi cứ ám ảnh hình ảnh một người bản địa Úc, cởi trần, thân hình bôi xanh đỏ, nhảy như con khỉ, trước mặt đặt cái hộp để hóng hớt những đồng xu bố thí của dân tứ xứ. Chắc anh chàng này tự do, sung sướng lắm, tự do hưởng sự bố thí của thế giới văn minh?
Dân Việt ta gốc gác là Bách Việt. Nghe bảo ngày xửa ngày xưa ấy, ở phía Nam có tới trăm vùng dân Việt. Rồi dân Việt không đoàn kết, yếm  thế, nên bị người phía Bắc thôn tính. Đến nay chỉ còn mỗi vùng dân Việt – gọi là Việt Nam ta bây giờ ấy.
Có người chê bai, mấy cuộc chiến vừa qua, nước ta tốn phí nhiều xương máu quá! Sao không bắt chước quốc gia bên cạnh, như anh Thái Lan chẳng hạn, cứ “đứng im”, chẳng tốn một mũi tên hòn đạn, mà hưởng thái bình? Cứ như kiểu cách ấy, thì sao Bách Việt nay sao còn nhõn mỗi một nước Việt?
Còn nếu ngại tổn hại xương máu, thì nước Việt chắc nay sẽ thành một quận huyện của phương Bắc rồi, làm gì còn Đại Việt của các thời: Lý – Trần – Lê - Nguyễn và cả nước Việt Nam ngày nay nữa? Hay ta lại ước giống dân tộc của anh cu bản địa xứ Căng gu ru, cởi trần, bôi xanh đỏ, đứng nhún nhảy điệu múa hòa bình, hưởng những đồng xu bố thí? Hoặc đứng trông quốc gia này, nọ, sẽ giúp đỡ, viện trợ bánh mì, bơ sữa và cả tự do. Bài học châu Úc rộng mênh mang, căng gu ru chạy đầy rừng và cả vạn, triệu người dân bản địa Úc, mũi bẹt, da đen nâu kịt, sau vài ba thế kỷ hưởng văn minh khai hóa của thực dân, nay gần biến mất. Chắc nay họ chui lủi vào sa mạc, để ôn lại lịch sử hào hùng tổ tiên, và tưởng nhớ đến những phát đạn thực dân khai ân, nã vào tổ tiên họ?
 
Phần 14 – Đi tây để học hỏi?
Chuyến đi Sydney, nếu tính mọi khoản, ông nhà nước – tức thuế của dân, vị chi cho cả đoàn chúng tôi khoảng dăm trăm triệu. Thế thì đoàn phải học hỏi, phải làm việc, phải viết cho xứng tầm với số tiền ấy!
Trong đoàn đi, tôi là kẻ già gần nhất, 55 tuổi. Kể đi Tây ở tuổi ấy, cũng hơi già. Nhưng thôi, đi học tập, về cũng còn thời gian cống hiến 5 năm nữa cho dân, cho nước, chả đến nỗi phí.
Nhớ lại thuở trước, nhưng chuyến đi Tây của cán bộ ta, thật lắm chuyện hài! Đi Tây là phần thưởng cho cán bộ có công, có nhiều cống hiến. Chuyến đi Tây sẽ đem về cho gia đình cán bộ ối thứ, cải thiện ối điều. Thí dụ: chí ít cán bộ cũng khuân lôi về được chiếc phích chứa nước nóng, cái bàn là, mèng ra là cái ấm đun điện; còn nhiều hơn, thì chiếc xe máy xe cần hen của Nhật.
Chưa kể cán bộ có thêm một đống kiến thức. Nếu đi nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa anh em, sẽ học được kiến thức về tính kế hoạch hóa trong sản xuất; hay tham quan những cánh đồng mênh mông trang trại, thẳng cánh đại bàng bay.
Nói là như vậy, thực ra, quan tâm về tính kế hoạch hóa, hay cánh đồng mênh mông kia, có đem lại lợi ích, hiệu quả gì cho xã hội, thì mọi người chả để ý, cứ mặc xác chúng. Chỉ biết rằng, thôi thì được chuyến đi tham quan không mất tiền, được nhìn, được ngắm, được khen cánh đồng đẹp, rồi tính ưu việt của kế hoạch; Nếu được sang anh tư bản, chí ít cũng được xem tính khủng hoảng thừa, thiếu của nó ra sao, về nước còn có cái mà lên án chứ.
Ông chú ruột tôi kể: Ngày ấy quãng cuối thập niên bảy mươi, ông có chuyến đi Liên Xô. Đoàn đi toàn hàm cấp cục, vụ, viện trưởng. Thế mà sang bên ấy, chả ông nào chịu giữ thể diện nước nhà. Nhiều ông lãnh đạo nhà ta, cứ ngỗn nghện đi khuân lùng hàng hóa. Có ông cục trưởng nọ, cổ quấn dăm bảy chiếc săm, lốp xe đạp, trên đầu đội chiếc thau nhôm Liên Xô to đùng, cứ thỗn thện đi giữa phố phường, lũ Tây nhìn thấy, vừa lạ, vừa tức cười. Chúng mày cười cái gì? Ông cục trưởng ấy, không những mặc xác lũ Tây cười, ông còn cười lại chúng nó nữa. Bởi vì nước ông chưa theo kế hoạch hóa chuẩn như nước chúng nó, nên hàng hóa thiếu, nên ông phải sang tận đây học tập.
Ông chú kể tiếp: Vì đi lùng suc hàng nhiều, lại xơi toàn mì ăn liền, nên ông nào cũng mệt nhoài, cứ ngồi nghe Tây giảng, là gật gù. Tây lại tưởng cán bộ ta đồng thuận, nhất trí cao, càng khoái, càng hăng say giảng dạy, còn cán bộ ta càng gật gật hăng hơn. Khi lùng hàng, tiêu đến đồng tiền, chỉ vàng cuối cùng và cũng chẳng còn lấy đâu ra hàng hóa để lùng sục nữa, có ông cán bộ cấp viện trưởng, những lúc rỗi rãi, xoay ra nghịch chiếc thang máy, vì bên ta hồi ấy chưa có thang máy. Ông này cứ chạy ra chui vào thang, bấm cho lên xuống liên tục và đứng tịt luôn ở trong đó. Chiếc tháng máy vì bận phục vụ mỗi mình ông viện trưởng, nên cửa đóng im thít, làm lũ Tây đứng đợi, phát cáu!
Nhạc phụ của tôi kể: Hồi sắp về hưu, suýt nữa thì cụ được xét duyệt một chuyến đi tây học hỏi kinh nghiệm, trước khi nhận quyết định hưu trí. Nhưng chuyến ấy, cụ bị đi trượt. Cụ cứ tiếc mãi, tiếc đến tận bây giờ, vẫn còn tiếc. Song cũng có điều an ủi cụ, bởi vì chuyến ấy, một ông lão kia, cũng già ngang tuổi nhạc phụ của tôi, được phân công đi thay. Không rõ vì già yếu, hay học tập kinh nghiệm nhiều - căng thẳng, cũng có thể do đi lùng sục hàng hóa tợn quá, nên bị xuất huyết não, người đâm ra bị liệt, đoàn công tác phải khuân ông này về nước.
Giờ ta vẫn hay tổ chức cho cán bộ đi Tây, tuổi tác có phần tre trẻ hơn, nhưng cơ cấu đoàn, đôi khi khá lạ. Có khi trong đoàn là bà chủ tịch nữ công, xen lẫn ông trưởng phòng thanh lý, kèm thêm cô kế toán trưởng, đi học kỹ thuật điện tử lái máy bay, rồi có ông chả làm nghề hò hát bao giờ, được xếp trong thành phần đoàn đi ca nhạc. Sang đến bên Tây, ông này cũng đứng lên hát. May vì hát tập thể cùng mọi người, ông ta chỉ mỗi việc đứng lên thôi, miệng mấp máy há há ra thôi, y như hát thật, chứ không cần có tiếng.
Thôi thì, với tôi chuyến đi Sydney này, cũng học hỏi được ối điều, ngoài ra lại đi trong mùa hàng hóa đại hạ giá, nên mua được ối hàng, toàn của rẻ lại tốt!
 
Phần 15 - Cái giường ma ám
Do ngủ chung phòng, chuyến đi của đoàn chúng tôi, tiết kiệm được ối tiến. Đặt phòng từ trong nước, khi sang đến Sydney, lúc nhận phòng, điểm ra thấy thiếu chỗ nằm. Sau hồi tranh luận, ông quản lý khách sạn đổi cho chúng tôi sang một phòng khác.
Tôi và một vị nữa – hai người ngủ chung. Cứ theo nhận xét của vị này, chúng tôi là một cặp đôi hoàn hảo. Vì cứ leo lên giường, là tôi lăn quay ra ngủ, không đạp, không giãy, không cả cựa quậy, im thin thít ngủ. Trong đoàn có một vị ngáy khá to. Đấy là nghe anh em kể lại, chứ tôi đặt lưng, ngủ rồi, còn nghe ngóng được ai ngáy to nữa. Trong nước, tôi toàn lên xe xuống ngựa, hạ cấp thì phi xe máy, trung cấp: gọi tắc xi, còn không, cứ xe ô tô cơ quan, biển số 80 B mà cưỡi. Sang đến bên này, toàn cuốc bộ, cứ mệt rũ, nằm xuống là ngủ. Anh em miêu tả, ông anh nọ ngáy to lắm, cứ như giọng ô pê ra ở nhà hát Con Sò Sydney. Ngáy đến mức, làm anh em tỉnh giấc, dậy uống nước trà và tán chuyện thế sự suông.
Quay lại chuyện giường ma ám. Cái giường này do cậu phục vụ phòng người da đen nâu, chắc gốc Nam Á, chỉ cho chúng tôi, nó núp dưới gầm một chiếc giường khác, nên chúng tôi lôi ra dùng. Hôm thứ nhất, thứ hai, chuyện ngủ nghê và mọi việc của đoàn đều suôn sẻ. Đến hôm thứ ba cũng vậy.
Nếu như không có bữa ăn tối ấy, vì thu dọn chỗ ngồi để ăn uống trên nền nhà, chúng tôi đấy cái giường ấy vào gầm cái gường khác. Lúc đó khoảng quá 19h30, anh em xúm vào đẩy. Đẩy thế quái nào, cái giường ma ám đâm trúng vào chân một vị nữ, đâm mạnh tới mức, vị này nhảy cẫng lên, tức tưởi khóc, khóc như trẻ em khóc. Anh em trong đoàn lặng đi vì thương. Đau, quá đi chứ! Giường bằng sắt, đâm vào chân người bằng thịt, lại trong thời tiết giá rét dưới 20 độ của Sydney, làm gì chả đau. May là cái chân của vị kia không bị gãy. Thật là ơn giời rồi! 
Đêm cuối cùng, trước khi về nước, anh em thu xếp, gói gắm đồ đạc, tôi cũng vậy, sắp xếp hành lý. Gói ghém xong, tôi cẩn thận đẩy va li của mình  vào tận sâu trong gậm giường, nghĩ bụng, chuyến đi may mắn quá! Đồ ăn nấu nướng xong, chỉ còn chờ mấy vị có cuộc làm việc đột xuất, nên anh em ngồi tán gẫu. Rồi các vị kia cũng về, lúc ấy khoảng quá 20 giờ, mọi người đã đói ngấu. Thức ăn được bưng ra, cái giường kia cũng được khẩn trương đẩy vào dưới gậm chiếc giường của tôi nằm. Hai vị nam trong đoàn xúm vào đẩy, đẩy mạnh tới mức, nó trèo tuột lên va li của tôi. Chỉ đến khi tôi kêu toáng lên:
-        Ối giời ơi, dừng lại các ông ơi! Nó trèo lên va li của tôi mất rồi!
Ôi thôi, hai bánh xe va li của tôi gãy rời. Tôi lại kêu giời đất hỡi ! Ngày mai ra sân bay, tôi sẽ đun đẩy va li bằng cách nào đây? Chắc lẽ lễ mễ bưng bê, hay xách nó! Song giờ nghĩ lại, còn may chán, chỉ gãy bánh xe va li thôi, nếu như hôm trước, cái giường ấy xô vào, làm gãy đôi, gãy ba chân của vị nữ kia, thì đoàn chúng biết làm sao? Nghe đồn, ở bên Úc ấy, viện phí đắt lắm ! Chỉ ốm đau dạng hắt hơi sổ mũi, đã tốn tiền triệu; còn gãy chân người, chắc tốn đến cả bạc tỷ ấy!
 
Phần 16 – Đôi giày há mõm
Ký sự phần cuối này sẽ ký gì đây? Quên gần ráo chuyện ở Sydney rồi. Thôi, còn nhớ gì, thì viết nấy. Trước hết là đôi giày há mõm.
Từ thành phố Sơn La phi xuống Hà Nội, vợ bảo chuẩn bị hành trang cho chuyến đi Úc, nhất quyết tôi không nghe, cứ tự mình phục vụ lấy, soạn sửa lấy. Thế nên sang đến nước Tây, thiếu thốn đủ thứ, kể cả cái quần lót. Riêng đôi giày, thấy trên kệ xếp mấy đôi, tôi xỏ đại một đôi, lại trúng ngay đôi cũ rinh rích. Sang đến Sydney, đi được hai hôm, giày vẫn tốt, tức là nện xuống nền đường, kêu đôp đốp. Đến hôm thứ ba, chợt tôi nghe tiếng giày kêu là lạ, cứ bèn bẹt, bèn bẹt. Lạ nhỉ, ngó xuống, ô hay, nó há mõm ra kìa, cứ há toác.
Tao tưởng, chỉ mỗi tao là người mới háo hức nhòm ngó cảnh phố Tây, chứ mày là giống giày, cũng hếnh sao? Đã thế, nó còn làm cho chủ nhân của nó phát ngượng, đi đôi giày há mõm giữa phố Tây. Kể ra cũng ngượng thật, nhất là trước người Tây, riêng anh em trong đoàn, may không ai hay biết, vì ai cũng còn mải ngếnh cảnh phố xá. May quá, Đến buổi chiều, kể từ khi phát hiện ra đôi giày bị há mõm, anh em lại lượn đi lùng thực phẩm chức năng, trúng luôn vào khu vực có cửa hàng bán giày. Ông bán hàng dân gốc Đông Âu, rất niềm nở. Ông ta xăng xái định tháo giúp tôi  đôi giày, để thứ xem cỡ có vừa không, tôi vội vàng từ chối ngay:
-        Nâu, nâu, sơ!
Ướm, thử, trả tiền xong, tôi vội ra ngay vỉa hè trước cửa hàng, lại may nữa, ở đó có mấy thùng rác để sẵn. Tháo giày cũ, xỏ giày mới, tôi ung dung liệng luôn đôi giày há mõm vào thùng rác. Đang mùa Sydney hạ giá, nên tôi mua được đôi giày rẻ quá, giá chỉ có 50 đô, tương đương 1 triệu tiền Việt Nam ta, da đã mềm, cỡ giày còn vừa khít chân, đi lại không thấy kêu bèn bẹt nữa.
Ông bạn trong đoàn, lúc thấy tôi đang tháo giày, mới phát hiện ra đôi giày há mõm, sướng quá, vội vồ lấy ngay máy ảnh, bấm lia lịa mấy pô liền. Chụp xong bức hình tôi ném giày vào thùng rác, anh bạn bình phẩm luôn: Tối nay, bố con thằng tư bản được bữa sướng phát điên, vì vớ được đôi giày há mõm của một ông xã hội chủ nghĩa! Cứ gọi là bố con nhà nó sướng mất ngủ!
       Tôi bị mất ví.
Khi đi Úc tôi lận được của vợ đôi ba vé. Nghĩ, chắc bên Tây cũng lắm quân kẻ trộm như bên ta, tức là dân sáu ngón, nên tôi rất cẩn thận, đút ví vào rõ sâu trong túi quần trong, cài thêm hai, ba lượt kim băng nữa. Nghĩ bụng, bố thằng trộm cũng đành chịu với ông. Thế nên lúc đi ngắm cảnh phố Sydney, mấy anh, chị Tây dù có cọ cọ, hay chủ động sờ sờ vào mông, tôi cứ mặc kệ, cứ cho chúng sờ nắn. Nghĩ bụng: Ví của ông để tận túi quần trong nhé! Đừng có mơ!
Vì chủ quan, hành lý mang theo có cái mấy chiếc sơ mi, đến đây thời tiết hơi bị mát, thế là lúc bát phố, tôi đành lận ví ra, mua chiếc áo gió. Mua bán xong, vì lịch sự, giữa phố phường, tôi không tiện lột áo ra, để nhét ví vào túi chiếc quần trong, đành nhét đại vào túi quần ngoài. Vốn cẩn thận, sau đó vừa đi, tôi vừa một tay giữ mông.
Sáng hôm sau ở khách sạn dậy, lúc mọi người giục nhau, nhanh nhanh đi bát phố, sờ đến ví, tôi chẳng thấy nó đâu nữa. Mặt tôi đực ra, một ông trong đoàn thấy vậy, quan tâm hỏi:
- Ông buồn ị à ? Sao không đi nhanh lên!
- Không phải buồn ị!
- Sao mặt ông cứ ị ra thế!
Nhục nhất là cảnh không tiền. Ở trong nước, không tiền, đi dạo phố, toàn ăn bánh ngó, phở ngó, sang đến nước Tây, không tiền, còn nhục nhã gấp đôi, lại còn thêm khoản lo sợ nữa. Suốt cả ngày hôm ấy đi diễu phố cùng anh em, tôi cứ lẽo đẽo theo họ, chỉ sợ, sểnh ra mà lạc đoàn, thì thành kẻ đứng đường đứng chợ bên đất Úc. Tiếng Tây lõm bõm được mấy từ, toàn good với very good, rồi bao nhiêu măn ni,....giờ mà lạc anh em, không xu dính túi, dẫu có vẫy được tắc xi, cũng chịu cả tên  tên phố, tên khách sạn.
   Và suốt cả ngày hôm ấy, tôi cứ lẩn mẩn vừa đi vừa nghĩ, điểm lại tuyến hành trình của ngày hôm trước: Quái, hôm qua mình bị tây nó móc ví lúc nào? Hay lúc mình mải hếnh phố, dời tay khỏi mông, trộm nó tranh thủ khoắng mất? Hay bị rơi ví? Nếu mà ví rơi, chắc ở đất nước văn minh này, sẽ có thông báo. Thế là sau đó, vừa đi, tôi vừa hi vọng, dòm ngó tìm thông báo ví rơi. Biết đâu đấy, tây nó sẽ thông báo như sau: Có một ngài người Việt Nam, tên là Nguyễn Trọng Huân, đánh rơi ví. Song nhìn mãi, tôi chả thấy cái thông báo rơi ví nào.
Tối về đến khách sạn, mở va li ra, ô hay, kia  nó nằm lù lù ở góc va li. Sướng quá, sướng đúng bằng nhặt được lại ví!
Tây gầy
Ở Úc, người béo sẵn lắm. Đàn ông, đàn bà cứ tạ rưỡi, tạ sáu là chuyện thường; có bà Tây, chỉ riêng một bên bắp đùi thôi, ước nặng đến gấp rưỡi toàn thân thể tôi. Thế mà khi ra nhà ga quốc tế Sdney về nước, tôi được an ủi, gặp luôn bà cụ Tây, như anh em mô tả và mang luôn tôi ra so sánh.
Bà cụ cỡ tám chục tuổi, gày không thể gày hơn; tóc bạc, người liêu xiêu, anh em cứ nhắc đi nhắc lại, bà già này gày gấp rưỡi ông Huân nhà mình. Anh em nhớ bà ta, vì một vị trong đoàn, do mãi hếnh sân bay Úc, suýt nữa xô cả chiếc xe chờ đấy hành lý của đoàn vào chân bà cụ. May mà  đâm trượt, chứ đâm vào chính diện, chắc chắn chân bà cụ gãy rời ra.
Giả tỷ như bà cụ bị gãy chân, đoàn chúng tôi sẽ xử lý ra sao? Nghe đồn, gãy chân, tay ở nước Úc, mức đền bù tốn kém lắm, chí ít cũng đôi ba tỷ. Tưng ấy tiền, đoàn chúng tôi lấy ở đâu ra. Tôi thề rằng, lộn tất cả anh em của đoàn, gom lại, không nổi ngàn đô. Vậy thì đành phải gán vị đâm xe cho  bà cụ rồi, vị này cứ ở lại nước Úc thêm dăm tháng, để hầu hạ, cơm cháo, tắm táp, kể cả đưa bà cụ đi ị, đái nữa, trong thời kì chữa trị cái chân gãy. Nếu thế thì phiền toái lắm!
Bà cụ không gãy chân, đúng là quá may. Có lẽ cũng bởi tối hôm qua, chiếc va li của tôi đã gánh cho bớt nạn, nó gãy rời ra những hai chiếc bánh xe cơ mà. Hóa ra, mọi việc, đều có số, có điềm cả đấy!
 
 
#1
    NgụyXưa 07.03.2014 01:34:03 (permalink)
    Xin được chia sẻ một bài viết khác, cũng của một tác giả từ trong nước, viết về một chuyến du lịch ra nước ngoài, đáng để cho chúng ta suy ngẫm.
     
    NX
    Một nước Nhật quá xa xôi!

    Vương Trí Nhàn

    Cộng với những hiểu biết vốn có từ trước
    năm ngày du lịch bụi ngắn ngủi,
    đủ để tôi cảm thấy xã hội Nhật, người Nhật
    là cả một hình ảnh đảo ngược của xã hội Việt, người Việt

     
    8 - 6 -2013
    Xuất phát từ Hà Nội, sau một chuyến bay đêm hơn bốn tiếng đồng hồ, chúng tôi bắt đầu một ngày mới trên chiếc xe từ sân bay Narita về Tokyo. Không khí dịu mát như một ngày cuối thu đầu đông ở đồng bằng sông Hồng, song cái lạnh ở đây lại có khí vị vùng biển bắc, cái cảm giác mà tôi cảm nhận khi đến Leningrad vào năm 1988.
    Nhìn chung quanh, thấy khung cảnh thoáng rộng sạch sẽ, cây cối đạm bạc. Ghé lại một trạm bên đường để xe mua xăng, bắt gặp không khí của nước Nhật bình thường, người nào người nấy chăm chú vào công việc.
     
    Có cái lạ là, khi đến Tokyo, tôi cũng lại gặp một khung cảnh vắng lặng như vậy. Không những trên đường người đi bộ thưa thớt mà cả ô tô đi lại cũng ít. Trong khi đó, lại biết rằng Tokyo có đến 20 triệu dân và hàng ngày có đến 40 triệu người lai vãng. Nơi tôi tới chỉ là ngoại ô chăng? Thành phố chính ở đâu? Như đã đoán được thắc mắc của tôi, người hướng dẫn du lịch sớm giải thích, đây chỉ là phần trên mặt đất, còn trong lòng đất có đến bốn thành phố nữa. Ở đó cũng có giao thông, xe điện ngầm, những phố buôn bán; ở đó mặc dù rất đông, nhưng rất trật tự.
    Ngày đầu xa lạ
    Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến tham quan là phía ngoài hoàng cung Nhật. Cũng như mọi người dân nội địa, chúng tôi không được vào tham cung điện chính của hoàng gia, chỉ được đứng và quan sát từ xa và nghe người giới thiệu kể chuyện lại về một cuộc sống rất khổ hạnh của những người sống trong cung điện đó.
    Người Nhật quen chấp nhận tình trạng cách ly này bởi họ hiểu những người sống trong hoàng cung phải nhận vai hình mẫu của nước Nhật, có nghĩa phải chịu rất nhiều áp lực. Có những người con gái trong đó cảm thấy thật nhẹ nhõm nếu lấy được người chồng dân thường, ra khỏi hoàng cung, để được sống như mọi người bình thường.
    Buổi chiều chúng tôi đến thăm ngôi nhà của Tòa thị chính, ở đây có tháp truyền hình cũ, từ đó có thể nhìn ra cả Tokyo.
    Có điều mất vui là ngay trong buổi chiều đầu tiên này, đoàn du lịch chúng tôi đã có một người bỏ trốn. Khi cả đoàn lên tháp rồi lần lượt xuống dần thì anh ta lẩn mất. Sau mới biết, từ Hà Nội anh ta đã chuẩn bị để làm việc này. Cái ba lô còn lại trên xe ô tô của anh nhẹ tênh. Theo sự giải thích của người hướng dẫn, có lẽ đây là một người Việt được bố trí sang Nhật để trộm cắp thuê. Dân Việt có hộ chiếu bên đó, khi phát hiện ăn cắp thì sẽ bị trục xuất khỏi nước Nhật. Nên họ phải thuê những người trong nước sang làm chân rết. Người này có bị tống về thì cũng không mất đầu mối.
    Trong lúc vẩn vơ chờ làm các thủ tục, khoảng hơn một tiếng đồng hồ, tôi nhìn quanh khu Tòa thị chính, thấy một không khí vắng vẻ. Nhớ nhất là hình ảnh một cô gái dắt hai con chó đi đường. Cô chăm sóc chúng hết sức cẩn thận. Khi chúng đói lấy thức ăn và theo dõi chúng ăn, bình thản chờ đợi như bà mẹ đang đi chơi với những đứa con thân yêu của mình.
    Tâm thế mới của phụ nữ Nhật
    Để giải tỏa nỗi chán chường của bọn tôi, người hướng dẫn giới thiệu một tình thế của người dân Nhật mà trước kia chúng tôi không thể tưởng tượng nổi.
    Anh cho biết , hiện nay ở nước Nhật có đến 62% người sống độc thân. Nếu nhìn trên đường, chúng ta luôn thấy những người đàn ông chăm chú nhìn về phía trước. Họ buồn, như là một thứ nhân vật phụ của cuộc đời. Còn chính phụ nữ mới là những người đầy sức sống và thách thức.
    Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật --từ nhỏ, đã được nghe câu nói ghi nhận sự tận tụy của người phụ nữ Nhật với gia đình.
    Sau chiến tranh, khi nước Nhật bắt tay khôi phục kinh tế, người đàn ông tập trung vào công việc của mình và ít khi về nhà trước 7h tối. Mọi việc liên quan tới gia đình và con cái đặt cả lên vai vào người đàn bà. Họ tự nguyện làm như thế cả đời.
    Hôm nay đây tôi còn chứng kiến cảnh một đôi ông bà già trên đường; khi tới chỗ nghỉ, người phụ nữ rút chiếc khăn mù xoa trong túi ra mời chồng mình ngồi.
    Nay mẫu phụ nữ loại đó chỉ còn thưa thớt.
    Bề ngoài người phụ nữ Nhật không tự biểu hiện lộ liễu như người Việt. Màu sắc phần lớn trang phục là màu trắng, màu xám và màu đen. Như đang tự giấu mình đi. Không ai tô son, trát phấn… Nhưng cuộc sống bên trong thì, theo anh hướng dẫn viên, thực sự nồng nhiệt. Khoảng mươi, mười lăm năm gần đây, phụ nữ Nhật nổi loạn, nhiều người không lấy chồng vì không thích phụ thuộc vào gia đình chồng và rất tự lập trong đời sống riêng tư.
    Ở Nhật, đời sống tình dục được coi bình thường như cơm ăn nước uống và phụ nữ có phố đèn đỏ của mình. Ở đó, đối tác của họ là những thanh niên mới lớn và lấy việc thỏa mãn nhu cầu phụ nữ làm nghề phụ. Người ta có cách giữ bí mật cho cả hai bên.
    Trong túi đàn bà, từ em thanh nữ mới lớn đến đám sồn sồn tuổi trung niên luôn có ca-pốt. Và họ chủ động tìm tới những đối tượng để có thể thỏa mãn những khát khao bất chợt nhưng chính đáng.
    Trong các món quà trao nhau nhân ngày lễ tết, chính phụ nữ là màu nóng, còn nam giới được tượng trưng bởi màu lạnh.
    9 – 6

    Niềm vui với những công việc bình thường và tính tự lập được rèn từ nhỏ

    Buổi sáng chủ nhật, bọn tôi đến khi vui chơi Disney Land nổi tiếng. Ấn tượng lớn nhất, vẫn là những người phụ nữ làm công việc như hướng dẫn người đi tham quan và bảo vệ trật tự chung quanh đó. Những công việc có vẻ tẻ nhạt như thế được người Nhật làm với tất cả niềm vui và sự háo hức khiến người Việt chúng ta gần như không thể hiểu nổi. Đứng bên cạnh những đoàn xe lửa làm theo lối cổ, các nhân viênphục vụ không những ân cần giúp đỡ cho người lên xe, mà còn tình cảm vẫy chào khách lên đường, rồi lại hào hứng đón khách xuống khi hết vòng quay.
    Người hướng dẫn du lịch giải thích thêm với chúng tôi, người Nhật rất nghiêm túc trong việc công. Tất cả công chức đi làm đều mặc Âu phục. Với họ, làm công chức không phải chỉ để kiếm tiền mà để phục vụ xã hội, việc làm hợp đạo nghĩa làm người.
    Một ấn tượng khác, là trẻ con trên nước Nhật rất ngoan và quen tự lập. Trên đường mỗi trẻ có túi thức ăn riêng, tự lấy thức ăn khi muốn. Thông thường các em đi theo người lớn rất đàng hoàng. Một ngày ở công viên không nghe tiếng khóc nào của bọn trẻ.
    Người Nhật có tinh thần tự trọng cao độ. Trong hoàn cảnh nghèo khó, ít khi chấp nhận sự giúp đỡ của người khác mà làm được cái gì thì hưởng cái đó. Điều đó được rèn từ nhỏ. Ở trường nuôi dạy trẻ, từ lúc biết bò, đứa trẻ đã phải tự bò đến bàn thức ăn để lấy thức ăn. Ở lớp lớn hơn, đứa trẻ tự gấp lấy quần áo và lo giữ vệ sinh.
    Từ chuyện giao thông tới chuyện pháp luật
    Đã hơn chục lần đi theo các đoàn du lịch nước ngoài, tôi thấy trên xe thường người Việt Nam chỉ hay pha trò đùa bỡn, trêu chọc nhau, bàn chuyện ăn uống, nói tục. Đa số người mình đi du lịch để làm dáng, để tiêu tiền, không mấy ai tính chuyện đi để hiểu biết về xứ sở mà mình đặt chân tới. Những người hướng dẫn du lịch Trung quốc chẳng hạn, rất hiểu cái sự tầm thường đó. Trên xe, thể theo yêu cầu của người mình, họ nói những chuyện trong thâm cung bí sử, nhưng toàn thứ vụn vặt gây tò mò. Nói chung trình độ những người hướng dẫn cho các đoàn VN ở các nước gần ta rất thấp. Người có chí chắc đi học tiếng Anh tiếng Đức chứ chả ai chịu học tiếng Việt làm việc với các đoàn Việt.
    May mắn lần này chúng tôi gặp người hướng dẫn khác hẳn. Anh cũng là người Việt. Sang Nhật học, sau đó nhập quốc tịch Nhật và đưa cả vợ con sang đó. Trong những lúc rỗi trên xe, anh Đức (tôi không biết họ, chỉ nhớ tên) giới thiệu với chúng tôi rất nhiều về đặc sắc của nước Nhật, và điều đó rất cần thiết với những người từ Việt Nam tới.
    Ví dụ có lần anh nói về chuyện giao thông trên đường.
    Chúng ta biết rằng người Nhật đi lại rất từ tốn và người ta nhường đường nhau khi có việc cần tranh chấp. Trong câu chuyện của mình, anh Đức có lưu ý thêm một điều. Luật pháp được soạn thảo rất tỉ mỉ và nói cho cùng là rất nhân bản. Một mặt nhà nước bố trí cảnh sát theo dõi tốc độ của xe trên đường, nhưng mặt khác, họ cho phép các nhà sản xuất cung cấp cho lái xe các thiết bị cần thiết có khả năng cho biết  chỗ nào cảnh sát giao thông đứng bắn tốc độ, để tự động điều chỉnh lại. Tức là người làm luật muốn bảo vệ quyền được đi nhanh hơn của xe cộ trong hoàn cảnh cho phép.
    Sự áp đặt luật pháp của những người cầm quyền ở đây cũng là rất mềm dẻo.
    Khi có người lái xe phạm lỗi, cảnh sát, từ lúc yêu cầu giữ lại đến lúc lên xe để đặt vấn đề phạt, đều có thái độ lịch sự tôn trọng đối tác, tìm cách thân thiện bàn bạc, chứ không phải một chiều hạch sách rồi  muốn bắt người ta thế nào cũng được. Khi không thống nhất được với nhau, họ để dành quyền phán xét cho tòa án,-- cố nhiên đó không phải loại tòa án bao giờ cũng nhăm nhăm bênh cảnh sát như người nước mình. Danh tính của những người bị phạt không bao giờ bị làm lộ.
    Tôi cho đó mới là sự tôn trọng, sự khuyến khích người dân sống và làm theo luật pháp một cách hữu hiệu.
    Pháp luật -- một bên nặng về răn đe trừng trị và một bên biết “cận nhân tình”
    Có lần đọc cuốn Đông Á – Đông Nam Á - Những vấn đề lịch sử và hiện tại (nx b Thế giới, 2004), thấy ông Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói tới những điểm tương đồng trong tổ chức nhà nước của Việt Nam và Nhật Bản có nhấn mạnh cả hai bên đều chú trọng pháp luật (sách trên tr. 62).
    Hôm nay nhớ đến đoạn này bỗng thấy phì cười. Vì sự thật trong khi ở nước người, chính quyền hết sức tôn trọng và đặt mình vào trong pháp luật thì ở mình, pháp luật được soạn ra để áp dụng với dân, chứ nhân viên công quyền đều hiểu ngầm rằng mình là người đứng ngoài. Mà người dân cũng vậy, thấy pháp luật là chuyện phiền phức, song mặc nhiên chấp nhận, lại còn tìm thấy niềm vui trong việc làm ngược pháp luật. Trừng phạt răn đe nặng nề đến độ dã man được xem như một sự cần thiết.
    Để hiểu tính mềm dẻo mà chặt chẽ của pháp luật ở Nhật Bản, hãy trở lại câu chuyện về nhu cầu phụ nữ, phố đèn đỏ, mua dâm và bán dâm. Một mặt theo phong tục tập quán cổ, luật nước Nhật cấm tất cả sự tiếp xúc nam nữ ở dạng trần trụi. Thế nhưng đồng thời họ vẫn thấy con người Nhật Bản đã thay đổi, nên các nghị sĩ khi làm luật đã nghĩ ra cách để bảo vệ sự tiếp xúc này, không để dân bị ràng buộc vào luật một cách máy móc. Ví dụ như họ sẽ phạt nếu một trong hai bên không có vật lạ trong người khi tiếp xúc. Mà vật lạ này hiểu theo nghĩa rất rộng, nếu phụ nữ có một vòng đeo tay hoặc người đàn ông có một cái răng giả thì tức là đã không phạm luật. Thế thì còn phạt được ai nữa? Những điều này, theo tôi rất nhân đạo. Còn thuần túy truy bức như ở ta là bất cận nhân tình và sẽ sinh ra gian dối.
    Các cửa hàng đồ cũ và thói quen cộng tác trong mọi việc
    Nhân khi vào cửa hàng đồ cũ, anh Đức giới thiệu cho chúng tôi biết ở Nhật, loại hàng này có cả một hệ thống phân phối. Những năm 70 – 80 người dân bình thường có thói quen thải loại đồ cũ ra theo hình thức rác và người Việt Nam sang nhặt mang những đồ cũ đó đem về trong nước. Nay họ có ý thức thu gom và phân phối lại. Nhân đây, anh Đức kể về việc tổ chức làm ăn ở xứ này. Là khi có một công việc hợp lí thì nó cũng được phổ biến khắp nước Nhật. Những người cùng ý tưởng tự tổ chức thành những công ty, không có người nào đứng ngoài công ty đó mà có thể cạnh tranh với họ được. Người Việt mình dành được miếng mồi thì ăn lẻ, không ai cộng tác được với nhau, mà chỉ dìm dập nhau, phá nhau. Ở Nhật, nếu một người có sáng kiến chung thì sẽ đưa ra để phục vụ lợi ích chung.
    10 – 6
    Chung quanh núi Phú Sĩ
    Tối hôm qua, ngủ đêm tại khách sạn thuộc khu Hà Khẩu Hồ (tôi đọc theo âm Hán Việt) thuộc khu vực núi Phú Sỹ, chúng tôi có cảm tưởng như lạc vào gia đình người Nhật. Ăn một bữa cơm theo kiểu gia đình người Nhật vẫn ăn. Xong, được bố trí đến khu vực tắm. Nam chung một bên, nữ một bên, nhưng đã xuống tắm phải bỏ hết quần áo. Đêm, được bố trí ngủ lại căn phòng như của người Nhật. Việc xâm nhập sâu vào phong tục ăn ở như thế trong những lần đi các chuyến khác, bọn tôi không có dịp thực hiện.
    Sáng dậy, đi quanh hồ, tôi chợt nhận ra rằng nhà cửa ở đây cũng nhô ra thụt vào mà không có lớp lang trật tự như mạn Giang Nam bên Trung Quốc. Vườn hoa ở các gia đình hay các công sở không nổi bật lên vẻ rực rỡ mà trông hơi có vẻ khổ hạnh và chỉ gợi chú ý bởi lùm cây hoặc một tảng đá nào đấy. Tất cả khu vườn quy tụ chung quanh vào vật trung tâm đó. Ngoài ra cây cỏ trong vườn thì kém, cỏ mọc rườm rà, thiếu một sự xử lý công phu. Các công viên chỉ lo tạo ra sự kì bí mà tảng đá có vai trò vật chủ và mối liên hệ giữa đá và cây là nhân tố chính gợi nên một vẻ đẹp.
    Ngồi xe lên núi. Các tài liệu du lịch đều nói rằng Phú Sĩ là biểu tượng của đất nước mặt trời mọc. Trước khi lên đến trạm 5 ở độ cao 2000m, chúng tôi phải vượt qua hàng chục cây số rừng. Nhưng khi đến nơi, ngôi miếu trên trạm 5 đó khá đơn sơ. Nói chung, chùa chiền của Nhật không hào nhoáng, lộng lẫy như đền chùa của Trung Quốc. Thu hút du khách nhất là việc đứng ở đấy chiêm ngưỡng cả ngọn núi trong tuyết phủ.
    Đối với người Nhật, núi Phú Sỹ là biểu tượng cao nhất của sự thiêng liêng. Người ta theo dõi để không ai có thể lấy đi hòn đất nào chung quanh núi. Đã có những khách nước ngoài đến, định lấy những hòn đất đi và đều bị phát hiện.
    Chung quanh núi là khu vực huyền bí, người ta nói có những người Nhật đã đến đây để sống những ngày cuối đời, tức là tự tử ngay trong khu rừng trùng điệp mà mãi về sau người ta mới phát hiện ra. Số người này đang tăng hàng năm.
    Ấn tượng sau nửa ngày ròng ngồi ô tô
    Từ giã Phú Sỹ, bọn tôi tới Owakudani, nơi có vết tích của miệng núi lửa phun trào cách cây 3000 năm. Sau đó, là chặng đường dài tới Nakoné và Nagoda.
    Trước lúc qua Nhật, một người quen cũ đã nói rằng, do du lịch bụi, chắc là bọn tôi không có điều kiện để sử dụng những phương tiện hiện đại nhất như tàu cao tốc và phải di chuyển từ địa điểm nọ đến địa điểm kia bằng ô tô. Ông nói điều đó với sự ái ngại vì ở Nhật số người di chuyển bằng ô tô rất ít. Nhưng đối với tôi, cảm tưởng là được ngồi ô tô đi trên những con đường nhựa nhẵn bóng và hiện đại của nước Nhật cũng đã sung sướng lắm. Nữa là, sau một buổi chiều như thế, lại có may mắn gần như được nhìn gần vào một nước Nhật và hiểu thêm điều người ta hay nói “Xứ này nghèo về tài nguyên và chỉ có một thiên nhiên khắc khổ, nhưng đã chinh phục được thiên nhiên khắc khổ đó để trở thành một xứ giàu có.”
    Nhìn một hai ngôi nhà lắt lẻo giữa một triền núi xa, tôi hỏi Đức họ sống ra sao thì được trả lời:
    -- Một gia đình Nhật định cư ở đâu thì chính phủ Nhật có trách nhiệm làm đường tới đó, bảo đảm hàng hóa lưu thông tới đó để họ có thể sống bình đẳng với mọi người.
    Có một chuyện mà ở nhà tôi đã biết nhưng chưa thấy hết ý nghĩa của nó, đó là việc người Nhật không khai thác tất cả những rừng cây và vùng mỏ cũng khá giàu có của mình. Tất cả những đồ gỗ ở đây đều nhập từ nguồn lâm sản nước ngoài, cũng như các khoáng sản cần thiết cho công nghiệp của họ. Đối chiếu với cách nghĩ Việt Nam, kể ra đây cũng là một sự lạ. Và lạ hơn hết là người Việt chúng ta còn cho chuyện tàn phá tài sản thiên nhiên là chuyện thường, không bán hết đi thì lấy gì mà ăn.
    Nông thôn đô thị chung một mặt bằng
    Lúc này trước mắt du khách không còn là một nước Nhật của các cao ốc và các khu đô thị thoáng đãng. Vùng đất nằm rải rác giữa núi non và bãi biển không có gì là hấp dẫn và mĩ lệ như các vùng biển của Việt Nam mình. Nhưng ở bất cứ nơi nào có điều kiện thì người nông dân Nhật vẫn cần cù sản xuất. Cảm giác còn lại trong tôi là một nước Nhật giống như một mặt bằng, giữa nông thôn và thành thị gần như không có sự chênh lệch. Nay, là thời, theo Đức kể, người nông dân Nhật làm ruộng bằng cách đi thuê các xí nghiệp nông nghiệp làm cho họ. Và đã có các hãng lớn chuyên làm nông nghiệp phụ trách giúp họ từ việc chọn giống, cày bừa đến bón phân và thu hoạch. Người nông dân chỉ việc ở nhà dùng tiền của mình đầu tư chứng khoán.
    Người Nhật đặc biệt lo bảo vệ nguồn lương thực của mình, tạo cho xứ sở một thứ thức ăn không những ngon lành mà còn bảo đảm chuẩn khoa học không gạo nước nào có thể có được. Đã có những thời gian mà chính phủ Nhật do áp lực quốc tế phải nhập một số gạo của các nước khác, khi mang về phân phối cho dân thì không đâu người ta lấy, đến cả cho không cũng không ai nhận. Cuối cùng, số gạo đã mua buộc phải đem đi dùng làm hàng viện trợ cho các nước khác.
    Đặt người Việt bên cạnh người Nhật
    Cũng nhân thời gian rỗi trên đường xa, Đức kể với tôi về chuyện những người Việt Nam ở Nhật. Đức cho biết thật ra sau 4-1975, số người Việt sang Nhật không phải là ít, nhưng số có thể trụ lại được ở Nhật thì không nhiều và phần lớn là họ phải bỏ qua bên Úc hoặc bên Mĩ làm ăn. Việc du nhập vào cộng đồng Nhật, đòi hỏi sự nỗ lực đặc biệt mà người Việt không quen, chưa kể tiếng Nhật với nhiều người là khó học.
    Chưa quen là như thế nào? Dù là mới tiếp xúc với người Nhật và văn hóa Nhật một cách đơn sơ, tôi vẫn có cảm tưởng người Nhật với người Việt Nam như hai đối cực, người nọ là thế giới đảo ngược của người kia.
    Người Nhật có tinh thần gắn bó với xã hội, cấu kết với cộng đồng còn người Việt khôn lỏi, chạy vặt.
    Người Việt thích phô trương còn người Nhật giấu mình sau vẻ ngoài bình lặng.
    Người Việt ồn ào, lắm chuyện coi nơi công cộng là chỗ tự do buông thả còn người Nhật sợ nhất làm phiền người khác cũng như là bị làm phiền.
    Bữa qua Miến Điện, tôi nhận ra một điều là không hiểu sao người bên đó có vẻ ít nói, trên đường không có cảnh vừa đi vừa cầm điện thoại tán chuyện. Có thể người Miến Điện không có tiền mua các loại máy mới? Nhưng Nhật là một nước giàu có. Sao dân họ vẫn không có thói nói lắm nói nhiều và xả ra cả khối lượng rác âm thanh ngập ngụa trên mọi ngả đường? Chợt nghĩ chính sự nói lắm nói nhiều nói một cách ba vạ đã giết chết sự suy nghĩ của người mình. Nó làm cho chúng ta thành một xã hội câm nín trước các vấn đề rất lớn đang phải đối mặt.
    Xuất khẩu lưu manh
    Hôm nay có đến hơn một giờ đồng hồ liền,  Đức toàn kể chuyện người Việt sau 4-1975 tràn sang Nhật làm những việc gian dối như cờ bạc trộm cắp ra sao, cảnh sát Nhật đã từng bước đấu trí với người Việt để vô hiệu hóa các đồng bào lưu manh của chúng ta thế nào.
    Chuyện đấu trí ấy tôi định ghi mà không sao theo dõi kịp nên đành bỏ. Chỉ nhớ nhất một chi tiết. Có nhiều người Việt sau khi kiếm bẫm bằng con đường bất chính trở ,liền lấy cái vốn thu được từ nước ngoài về làm vốn kinh doanh và trở thành đại gia.
    Từ việc này nẩy ra hai ý nghĩ bổ sung:
    1/ Ở các xã hội lành mạnh, đám nhà giàu là những người con ưu tú của dân tộc, họ như đầu tầu kéo cả cộng đồng đi theo. Ở một xã hội cách mạng dở dang rồi biến chất như ở ta, nhất là ở căn cứ miền bắc ”xã hội chủ nghĩa” một thời gian dài không công nhận tài sản cá nhân, thì ngược lại, đám nhà giàu phần lớn là đám lưu manh, khoác áo quan chức làm việc lưu manh. Họ phất lên trong chiến tranh bằng cách buôn lậu những hàng quốc cấm xuyên quốc gia. Với những đồng tiền kiếm được bằng các thủ đoạn xấu xa, khi trở về nước làm kinh tế, họ có góp phần thúc đẩy sự làm ăn và vì thế cả người dân lẫn chính quyền hoan nghênh họ. Nhưng lùi xa mà nhìn, thì thấy đóng góp của những người này không thấm là bao so với sự phá hoại những nguyên tắc đạo đức, tức những tác hại lâu dài, mà họ mang lại.
    2/ Ngoài số đại gia trên, hiện còn không ít người Việt, đang sống vất va vất vưởng theo kiểu ăn cắp vặt, buôn lậu, làm thuê làm mướn ở xứ người.
    Nhớ hồi chống Mỹ bộ máy tuyên truyền của ông Tố Hữu cứ nhét vào đầu mọi người dân cái ý nghĩ Ta chiến đấu thế này không phải chỉ vì ta. Ta đang chiến đấu cho cả thế giới. Ta đang trở thành lương tâm nhân loại… .
    Có phải hỡi miền Nam anh dũng!
    Khi ta đứng lên cầm khẩu súng
    Ta vì ta ba chục triệu người
    Cũng vì ba ngàn triệu trên đời!
     Kỳ cục quái gở thế mà ai cũng tưởng thật và ai cũng thích.
    Được những tư tưởng kiểu đó quấn chặt vào đầu, nhiều người Việt sau 4-75 ra nước ngoài, tự cho phép mình làm tất cả những việc xấu xa nhất, bất chấp luật pháp nước sở tại và những nguyên tắc đạo đức thông thường. Một cuộc xuất khẩu thói lưu manh đã kéo dài chưa biết bao giờ chấm dứt.
    11 – 6
    Thăm các di tích lịch sử
    Tham quan chùa Thanh Thủy. Ấn tượng nhất không phải là ngôi chùa, mà là cách dựng công trình tôn giáo này. Cách nó bám vào chân hòn núi đá. Cũng lại là một biểu tượng của tinh thần bám trụ của con người vào một thiên nhiên khắc nghiệt.
    Buổi chiều tới ngôi Chùa Vàng. Đọc chữ Hán, thấy chính ra chùa này phải gọi là Kim Các tự mới đúng. Tôi thích cả không gian chung quanh chùa và cả cái cách  người ta tạo ra ấn tượng đối với người tới tham quan.
    Có một điều  tôi thấy tin, là những chi tiết người ta trình bày về ngôi chùa, cái giá trị cổ kính của nó. Các di tích ở Việt Nam thường có những bảng giới thiệu rất luộm thuộm, nhiều lúc có cảm tưởng do những người không hiểu biết viết ra.
    (Còn nhớ là lần vào Văn miếu năm 2010, khi đọc tiểu sử Khổng Tử,  thấy  viết là Đức Thánh Khổng "có đến bốn tác phẩm gọi là Tứ Thư". Điều này sai vì bốn tác phẩm đó có tên là Luận ngữ, Đại học, Trung dung, Mạnh Tử. Sao lại nói những lời trong cuốn Mạnh Tử  là do Khổng Tử nói được?)
    Một niềm tin khác, khi đến thăm các công trình kiến trúc cổ, là cảm thấy chắc chắn nó giống như là ban đầu nó đã được hình thành. Trong một cuốn sách về văn hóa Nhật, tôi đọc thấy người ta nêu lên một nguyên tắc khi trùng tu các công trình lịch sử. Là bất cứ thời nào, muốn làm lại các công trình cũ thì cũng phải làm đúng như cái ban đầu, kể từ hình dáng, các chi tiết trình bày cho đến chất liệu kiến trúc.
    Một cách tự nhiên, tôi có cảm tưởng, chúng ta có thể tin được nền sử học Nhật Bản, một niềm tin không thể có đối với nền sử học Việt Nam hiện nay.
    Trong số các đoàn nội địa tới tham quan tại các công trình kiến trúc lịch sử, ở đâu tôi cũng gặp những đoàn học sinh do các giáo viên già dẫn đường và giới thiệu. Sau được nghe lại, thấy nói là trong chương trình học phổ thông, tất cả các học sinh có quyền được đi tham quan các di tích có ghi trong sử sách. Chi phí các chuyến đi ấy do nhà nước đài thọ và chỉ những người kinh nghiệm lâu năm trong nghề mới được giao việc hướng dẫn các em.
    Tình hình này khiến người ngoại quốc hiểu thêm một điều là tại sao không bao giờ các di tích, các thắng cảnh ở Nhật lại có tình trạng tràn ngập khách tham quan như bên Trung Quốc. Hình như những người lớn tuổi của nước Nhật đã tham quan di tích này từ lúc nhỏ rồi, nếu có tham quan chỉ đi lại thôi. Còn ở Trung Quốc, các di tích thường bị lấp đầy bởi người nông dân của các tỉnh xa xôi mà họ muốn đến với các thắng cảnh. Giống như cánh du lịch bụi Việt Nam chúng ta, lấy đi làm cái mốt, đi chỉ để chứng tỏ rằng mình chẳng kém gì người.
    Trở lại với quá khứ của Nhật Bản, tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi mối quan hệ của nước này với Trung Quốc. Một mặt thì cái ảnh hưởng ấy quá rõ và người Nhật không giấu điều này. Ai đó đã nói: “Người Nhật tìm ở Trung Hoa đức trầm tĩnh, vẻ hào hiệp và tính muôn màu muôn vẻ mà họ không thể có”. Mặt khác, suốt trong quá trình lịch sử, người ta cũng bắt gặp nỗ lực của người Nhật hướng theo cái tinh thần "trên cơ sở hoàn thiện mình,  dám là mình, vui với mình và không ghen tức với người nước ngoài". Đó lại là điều  không thấy ở người Việt, văn hóa Việt.
    Người Nhật làm du lịch
    Những người tổ chức du lịch đã cố gắng cho chúng tôi biết được nước Nhật ở nhiều cung bậc khác nhau. Ví dụ về giao thông họ có bố trí cho chúng tôi ngoài chuyện thường xuyên ngồi trên ô tô, có lúc đi tàu thủy, có lúc đi tàu cao tốc.
    Về ăn uống, ngoài những lối ăn nhanh theo kiểu buffet thì họ thường xuyên cũng cho chúng tôi vào những quán ăn tổ chức theo kiểu truyền thống. Ở đó, bọn tôi ngồi bệt xuống đất, chân đặt lên cái hố được khoét rộng chung cho cả bàn, trên bàn đặt nồi lẩu. Cái thú vị nhất đối với bọn tôi nói ra kể cũng phàm tục song cũng xin kể ra kể đây. Thú vị vì, nhìn vào cái nồi lẩu, thịt không bao giờ thiếu. Khi ăn hết, nếu cần chúng tôi có thể gọi thêm mà không phải trả thêm tiền.
    Lúc đầu bọn tôi cũng lo lắng có những món ăn của Nhật không hợp khẩu vị, sau thì thấy cũng thích nghi dễ dàng.
    Trong các chương trình như là thêm vào buổi chiều hôm nay, có việc chúng tôi đến thăm cửa hàng kimono. Ở đó, khách du lịch vừa có dịp tham quan cả cơ sở người ta đang dệt vải để làm ra kimono, và cũng có một buổi biểu diễn thời trang, trong đó những người Nhật trình bày cách sử dụng trang phục này.
    Điều “rất Nhật” ở đây lại chính là cái bề ngoài "không chuyên nghiệp", nó ngay lập tức gợi nên một thoáng thất vọng ở những người Việt thạo đời. Ra vào đi lại trên sân khấu lúc này không phải là những cô gái chuyên môn trình diễn thời trang, mà chỉ những người phụ nữ bình thường, tưởng như họ đang đi ngoài phố, vừa được mời vào.
    Phụ nữ Nhật nói chung không đẹp, rất ít khi chúng tôi phải sững sờ cả người như khi sang Trung quốc, bắt gặp các cô gái còn chất quý phái hôm qua. Những cô gái Nhật biểu diễn thời trang ở xưởng làm và bán kimono cũng không thể gọi là đẹp. Họ trình diện trước du khách như những người thông minh, nghiêm túc, tự trọng, có sự cởi mở với người bên ngoài, mà vẫn giữ cho riêng mình đời sống nội tâm. Những bộ trang phục họ mang ra trình diễn hôm đó không phải là những hàng đắt tiền mà đám dân du lịch Việt Nam – những người đang thèm tiêu tiền -- háo hức. Nhưng họ đâu có tính chuyện câu khách. Họ chỉ muốn giới thiệu một nét văn hóa Nhật.
    Những dư âm của cuộc động đất
    Tiếp tục câu chuyện về người Nhật trong sự so sánh với người Việt Nam. Sự kiện động đất xảy ra cách đây mấy năm vẫn còn trong kí ức người Nhật như chuyện mới xảy ra năm ngoái tháng trước hôm qua. Nhưng, chính lúc đó thì phẩm chất dân tộc của họ được bộc lộ.
    Đức nói rằng  ở đây đã lâu, song chính anh cũng rất ngạc nhiên vì cách phản ứng của người Nhật với động đất.
    Ví dụ như, khi Tokyo mất điện, người ta đi bộ về nhà có khi đến hàng vài chục cây số, cái cửa hàng bên đường tung hàng ra để phục vụ người đi lại, mặc dù họ không có tiền. Khách sạn cho người đi đường vào ở nhà và không tính tiền.
    Sau đó, tinh thần và nghị lực của người Nhật cũng bộc lộ ở việc sự nhất trí của xã hội trong việc khắc phục hậu quả tai họa. Sau động đất, nhà nước cắt điện một số vùng thì các vùng khác cũng tự động cắt theo giúp nhà nước có được lượng điện dự trữ. Khi  đi làm việc, có lệnh chính phủ, công chức không dùng caravat để tránh giặt giũ nhiều, thì người thường cũng tuân theo .
    Cả nước bao giờ cũng làm quá hơn so với mức chính phủ yêu cầu. Chỉ có câu khẩu hiệu nêu ra và viết trong các taxi: Nhật Bản hãy cố gắng. Mấy chữ ngắn ngủi thế thôi, mà người Nhật đã hiểu rất nhiều.
    Trở lại với ý nghĩ mới hình thành trong tôi mấy ngày nay, hình như với người Việt Nam thì người Nhật ở dạng đảo ngược. Người mình sống trong sự cạnh tranh, phải lấy dối trá làm đầu khi quan hệ với nhau. Trong quan hệ với nhà nước và cộng đồng, càng trục lợi kiếm chác cho cá nhân càng tốt. Ở Nhật, giữa cá nhân và cộng đồng có niềm tin chắc chắn. Luôn luôn người ta tin rằng, những nỗ lực cá nhân của người ta sẽ được xã hội hiểu, những người tự trọng không thể làm khác.
    12 – 6
    Chuyện quanh những ngôi chùa
    Ngày cuối cùng ở Nhật
    Mấy hôm trước, chúng tôi đã đi qua những thành phố nổi tiếng của xứ sở này như Kyoto, nhưng dù thế cũng chỉ là lướt qua. Hôm nay cũng vậy, mang tiếng là được đến kinh đô cổ kính của nước Nhật là Nara, nhưng chúng tôi cũng chi được đi qua phố xá một quãng, sau đó được  dẫn đến thăm ngôi chùa cổ đọc theo chữ Hán là Đông Đại Tự.
    Trên đường phố Nara, bắt gặp những ngôi nhà cổ, loại nhà một tầng mà chắc chắn đã có từ rất lâu đời. Trong việc xử lí những di sản này, chỗ khác của người Nhật vẫn rất rõ. Họ có sự bố trí thế nào để những ngôi nhà cổ rộng rãi hòa hợp tự nhiên với những cao ốc hàng chục tầng bên cạnh,-- việc này gợi cảm giác những người sống trong ngôi nhà cổ là những cư dân lâu đời ở đất này, có thể là họ còn giàu có nữa kia, thì mới được ở trong những ngôi nhà đó.
    Còn ở Việt Nam bên cạnh những cao ốc thường khi cũng có những ngôi nhà rách nát, làm hỏng hết cảnh quan chung. Những cuộc đền bù bất minh, hoặc tâm lý thấy ai giàu có là ghen lồng ghen lộn, ì ra ăn vạ…đã là nguyên nhân làm cho cái cũ cái mới không thể chung sống hòa hợp.
    Hai bên đường tới Nara, du khách cũng bắt gặp rất nhiều ngôi chùa. Đây là một địa điểm được mệnh danh kinh đô của Phật giáo, đã từng là địa điểm tổ chức Đại hội Phật giáo thế giới.
    Nhưng một chuyện buồn lại bắt đầu len vào, khó mà quên được. Đức hướng dẫn viên chỉ hai bên đường và nói rằng ở đây có rất nhiều cửa hàng bán đồ dùng dành cho các nhà sư. Anh kể tiếp, nhiều nhà sư Việt Nam đa đến Nara này, và điều mà người Nhật bản xứ đã sửng sốt là những nhà sư đó đã mua những trang phục đắt tiền nhất toàn loại những nhà sư các nước khác không dám mua.
    Đức có người bạn đã đi theo đoàn Phật giáo ấy, chứng kiến cảnh mua bán của các vị sư. Với thói quen của người Sài Gòn, người bạn ấy có hai phản ứng. Một là lập tức tính sẽ tổ chức những của hàng tương tự ở Việt Nam để bán cho giới tu hành hám chuyện làm dáng. Hai là nhiều lúc nghĩ không muốn thành Phật tử nữa bời vì không hiểu vì sao sư mô Việt Nam lại trần tục đến như vậy.
    Một chút so sánh và cảm giác về một nước Nhật quá xa xôi
    Khi đi trên đất Nhật tôi hay nhớ lại những lần đến các xứ khác.
    Du lịch Trung Quốc, đối với tôi như là một chuyến trở về nguồn. Ở đó tôi nhớ không chỉ là những lâu đài tráng lệ hay những viên lâm cổ kính sang trọng – không khí như trong phim Hồng lâu mộng -- mà tôi còn thấy ở đây có những mặt trái, tức cả đời sống cùng cực của người lao động bình thường.
    Ở Bắc Kinh, tôi đã vào những ngõ nhỏ mà ở đó người ta , từng cụm dân trong hồ đồng,  phải dùng hố xí tập thể, và con đường quanh co là những mái nhà lợp tôn, lợp ngói cổ cái thấp cái cao như những hẻm nhỏ Hà Nội. Tôi cũng thấy người ta buôn gian, bán lận, nói thách, làm hàng giả theo lối làm tiền chém du khách không tiếc tay.
    Bởi Việt Nam luôn là Trung quốc bị hạ thấp hẳn xuống thu nhỏ hẳn lại cái tốt bớt dần cái xấu tăng thêm, nên tôi càng hiểu những tệ hại của xứ mình không biết bao giờ mới khắc phục được.
    Ngay cả với nước Nga nửa Âu nửa Á, tôi cũng thấy điều gì đó tầm thường dung tục. Hồi còn Liên xô, đó là những đống đất xây dựng ngổn ngang ngay ngoài cửa cách hàng rào sân bay không xa; những phiên chợ nông trường lèo tèo; đám đầu trọc nghênh ngang ngoài đường. Và bây giờ ở nước Nga của Putin, cái tôi còn nhớ khi đọc các bản tin, là những làng xóm vắng vẻ, người đàn ông say rượu, những người đàn bà chỉ lo trau chuốt để bán mình cho các nhà tư sản mới nổi.
    Tóm lại thì ở đâu cũng có cái gì đó gần gũi với mình.
    Ngược lại, đến với nước Nhật, từ lâu tôi cũng biết là đồng văn đồng chủng, da vàng mũi tẹt, nhưng ấn tượng còn lại thì lại là một cái gì khác hẳn so với những ấn tượng đi Nga đi Trung Quốc.
    Tôi thấy xã hội Nhật là một cái gì quá đồng đều và quá hoàn chỉnh, do đó là quá xa xôi, người mình không biết bao giờ mới có thể có một xã hội hợp lý như của họ.
    Tình thế đó của nước Nhật toát ra không phải từ không khí sinh hoạt của đường phố mà nó thấm vào trong cách sống cách nghĩ của từng con người, cũng như lối sống rời rã, cái năng động hỗn loạn, và tâm lý bèo dạt mây trôi đã thấm vào trong cách tổ chức xã hội của người Việt.
    Nhớ lại khoảng thời gian mấy năm 75-76. Quá say sưa vì chiến thắng, người mình có cảm tưởng rằng đã đánh Mĩ được thì làm gì cũng được. Tôi nhớ không phải ở người dân thường mà ở những cấp lãnh đạo cao nhất hồi ấy đã có ngưỡng vọng có ngày Việt Nam sẽ đuổi kịp Nhật. Công thức mà tôi còn nhớ như in là lời truyền miệng như thế này: “Thôi, nói 20 năm thì hơi lạc quan quá, độ 30 năm nữa thì chúng ta sẽ đuổi kịp Nhật”.
    Nhắc lại ảo tưởng đó để hiểu rằng, chiến tranh để đẩy chúng ta chui vào sừng trâu, và ra khỏi chiến tranh chúng ta đã xa lạ với thế giới như thế nào. Ta chẳng hiểu gì về người, mà cũng chẳng hiểu gì về chính mình.
    Từ đó, trong cái thế giới hiện đại đang thay đổi từng ngày, ta vẫn nhắm mắt mở, bước đi loạng choạng xiêu vẹo.
    Trong sự vội vã điên cuồng lo làm ăn sinh sống, xã hội Việt sau chiến tranh đã trở thành một xã hội mất hết tự tin. Không ai bảo ai, không dám thú nhận, song trong thâm tâm, nhiều người chỉ còn tin rằng sẽ chẳng bao giờ chúng ta  theo kịp thiên hạ. Cách sống thời thượng nhất lúc này là có cái gì bòn mót mang bán lấy tiền. Ăn cắp của nhà nước cũng được, lột da nhau cũng được, miễn có tiền. Rồi đi nước ngoài mua sắm những thứ xịn nhất, mới nhất, hiện đại nhất. Rồi lấy đó làm niềm tự hào rằng người mình cũng đang có sự tiến bộ vượt bậc theo kịp các nước trên thế giới.
    Mấy năm gần đây, nhờ sự trợ giúp của phía đối tác nước ngoài, các trường đại học ở ta thường mở ra các cuộc hội thảo văn học so sánh, trong đó nhiều báo cáo của giảng viên Việt trình bày như là có một bước tiến song song giữa văn học Nhật Bản hiện đại và văn học VN thế kỷ XX, rồi bước tương đồng giữa văn học Nhật đương đại và văn học Việt Nam hôm nay. Trên một số phương diện khác của đời sống cũng vậy. Một cái gì giống như ảo tưởng đang chi phối cái nhìn người Việt khi chúng ta làm cái việc đối sánh giữa mình với người, và các đồng nghiệp Nhật  vì lịch sự cũng không tiện bác bỏ. Thường những lúc nghe vậy, trong tôi có cái cảm giác xót xa như khi thấy người ta xoa đầu mình coi mình là một lũ trẻ con. Trong những ngày du lịch bụi ngắn ngủi này, cái cảm giác xót xa ấy lại trỗi dậy để mà càng cảm thấy nó một cách thấm thía hơn.
     
    Vương Trí Nhàn
    nguồn: Blog VuongTriNhan
     
    #2
      dang son 07.03.2014 10:19:56 (permalink)
      ..
       
       
       
      Xin được  cám ơn những bài viết quá hay ở chủ đề này .
       
       
       
       
       
           đăng sơn.fr
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9