NGƯỜI ĐÀN BÀ SÁU ĐỜI CHỒNG
Bùi Văn Thanh 13.10.2014 07:59:29 (permalink)
Tác giả:  Bùi văn Thanh
Bút danh: Bạch Hồng Ngọc
 
Chương 1
1
          Trời phú cho Quỳnh Hương một nhan sắc khá hoàn hảo. Từ nhỏ, cô đã nổi tiếng xinh đẹp, được tiếng là người con gái quê mùa, thuỳ mị, nết na nhất làng.
Sở hữu một dáng vóc đẹp, Quỳnh Hương có giọng hát hay. Năm sang 16 tuổi, nước da trắng, đôi môi hồng, gò má lúc nào cũng ưng ửng đỏ, ngực nở phổng phao, cặp mắt đèn láy ưa nhìn, miệng cười duyên dáng. Nên đã sớm có nhiều chàng trai để ý tới.
Tình yêu đầu đời đến với Quỳnh Hương cũng từ năm tròn 16 tuổi, nên việc học hành ngày càng bị chểnh mảng, lực học sa sút, nhất là năm cuối cấp 3. Nên kỳ thi tốt nghiệp năm đó, Quỳnh Hương suýt bị trượt.
Đúng năm 1970, là năm tổ chức thực hiện lại kỳ thi tuyển sinh vào đại học. Vì ba năm trước đó đều xét tuyển, chính vì thế mà Quỳnh Hương có phần chủ quan không chịu học hành đến nơi, đến chốn. Do vậy, Quỳnh Hương tự lượng được sức mình, nên đã chủ động không dự  thi vào đại học nữa.
          Gia đình Quỳnh Hương cũng thuộc diện khá giả, giàu có đứng tốp nhất nhì trong làng, có điều kiện rất tốt, để cho Quỳnh Hương tiếp tục đi học ở các bậc học cao hơn, song Quỳnh Hương không  dự thi đại học, mà quyết định ở nhà làm ruộng, giúp đỡ gia đình.
Bạn bè thân thiết của Quỳnh Hương hầu hết đều quyết tâm thi vào một trường Đại học, Cao đẳng nào đó, để được tiếp tục đi học, số còn lại thì cũng đi học một trường nghề, để kiếm công ăn, việc làm. Chứ ở quê, ngày đó con trâu đi trước, cái cày theo sau, vất vả lắm.
Thời buổi bấy giờ, ở quê tôi khi đã học hết cấp 3, ít ai chịu ở nhà, nhưng riêng cô không nghe bất cứ lời của một ai khuyên bảo, một mình một ý, thích thì làm không thích thì thôi.
Có hôm không biết cô đọc được ở đâu câu thơ, và nói theo:
“Mười năm cắp sách theo thầy
Năm thứ mười một vác cày theo trâu”
Thôi thì ở nhà theo chân trâu “tắc, rì” cho được việc, chứ tốt nghiệp còn suýt trượt, huống chi là đi thi đại học, thi làm gì cho tốn kém, biết thân biết phận thì ở nhà cho xong việc.
Kể ra Quỳnh Hương nghĩ cũng đúng thôi, không tin tưởng vào khả năng của bản thân, thì không nên đi thi làm gì cho mất việc, do mình đã không chịu cố gắng thì đành lòng chấp nhận.
Thời đó nhiều gia đình trong làng đứa con nào lực học kém, thì họ chỉ cho ăn học hết cấp 2 thôi, rồi ở nhà giúp đỡ gia đình làm ruộng, đến tuổi dựng vợ, gả chồng, một thời gian sau cho ở riêng là xong. Còn đứa nào học khá, giỏi thì mới được thi vào học cấp 3, mà đã học cấp 3 thì phải phấn đấu đi thoát li cho bằng được. Do đó, số học hết cấp 3 mà ở nhà như Quỳnh Hương là rất hiếm. 
          Tiếng con gái nhà lành, hiền thục, chăm chỉ ruộng đồng, đẹp người, đẹp nết, Quỳnh Hương chịu thương, chịu khó lam lũ, chăm chỉ trong mọi công việc gia đình cũng như ngoài xã hội. Quỳnh Hương có giọng hát hay, ăn nói lịch sự, dễ thương, khuôn mặt trái xoan, đôi mắt bồ câu, mái tóc suôn và đen mượt, dáng người thanh mảnh, gọn gàng, trong bộ áo tím Huế rất đẹp. Nhiều chàng trai trong làng, cũng như mấy xã lân cận, đều để ý và thường xuyên săn đón Quỳnh Hương.
          Đêm nào cũng vậy, gia đình Quỳnh Hương rất nhiều khách ra vào, chủ yếu là nam thanh niên, nhiều hôm cả đám nán lại trò chuyện, khuya lắc mới chịu ra về. Quỳnh Hương quá mệt mỏi, trước những sự việc xảy ra không đáng có, nam thanh niên trong làng, ngăn cấm nam thanh niên các làng bên cạnh đến nhà cô chơi. Phải nói thời bấy giờ chuyện đó là rất hiếm, hầu như không nơi nào có, duy chỉ làng cô mấy thanh niên không trúng tuyển vào bộ đội, ở nhà bất mãn làm càn.
Chuyện người ta đồn đại, thêu dệt lên rằng trai làng  khác  bị con trai làng cô bế ném xuống ao bèo như cơm bữa. Dần dần  khách qua lại nhà cô cũng ít hơn, con trai các làng khác, không ai dám bén mảng đến nhà Quỳnh Hương nữa. Trai trong làng có mấy đứa không trúng tuyển đi bộ đội, chúng ở nhà cứ hầm hè, kèn cựa nhau, làm cho Quỳnh Hương rất khó chịu về những điều tai tiếng đó. Đám nào đến với Quỳnh Hương cũng là láo nháo, nên cô khôn khéo từ chối.
Mấy cụ cao tuổi trong làng nói:
  - Không đâu như cái làng mình, chúng nó làm những chuyện bậy bạ, mà trước đây chưa bao giờ có, các làng xã khác chẳng có cái chuyện này bao giờ, thật là xấu hổ thay cho dân làng mình.
Quê tôi, ngày ấy khi đã đi bộ đội mà trả về, là mọi người nhìn họ dưới một góc độ con mắt khác, nhất là nghi ngờ đảo ngũ, nên ai đi bộ đội mà trở về địa phương là phải trình giấy tờ ngay. Hồi đó nhiều đứa trẻ con trong làng thấy vậy, hay đùa hát:
- “Bộ đội ta chưa đi đã về
Sao mà như vậy?
Bớ các trai làng ta.”
Mấy người đi bộ đội bị trả về thì đáp lại:
- “Vì leng ben chúng tôi mới về
Vì sốt rét chúng tôi mới về
Giấy tờ còn đây
Không tin thì thôi…”
Kể cũng hay, chuyện gì trong làng trong xã trẻ con đều đặt được những bài vè chế giễu, lúc đầu một đứa xướng ra rồi cứ đứa này, đứa khác thêm một câu thành một bài vè khá dài rất có vần có lối, có lẽ lâu ngày mà chẳng ai ghi lại rồi đến lúc không ai còn nhớ tới nữa.
Nhiều khi bọn chúng nó còn chế thêm vào câu sau:
“Một người làm việc bằng hai
 Để cho…. mua đài mua xe”
Cứ truyền miệng nhau như thế mà không biết ai là tác giả. Làm mấy ông cán bộ trong làng tức quá.
Hay những điệu hò ghẹo nhau trên những cánh rừng, trên những thửa ruộng ngày xưa, giờ cũng đã mai một đi. Quỳnh Hương rất thích hò, hôm nào đi làm, những lúc nghỉ là những diệu hò lại vang lên:
- Ơ hò… bên kia có đám mây hồng
Có nam có nữ mà không nghe hò…
Rồi phía bên kia hò đáp lại:
- Ơ hò… chanh chua thì khế cũng chua?
 Lẽ nào đây lại chịu thua câu hò...
Cứ thế mà một vùng quê nho nhỏ cũng vui nhộn hẳn lên.
 
2 
          Vào một ngày đầu năm, Quỳnh Hương một mình đi dạo ngắm xuân trong vườn, gió thổi nhẹ nhẹ, trên làn tóc mai, bay phất phơ trước mặt, và đọng lại mấy hạt mưa phùn li ti. Phảng phất hương thơm các loài hoa trong vườn nhà, Quỳnh Hương cảm thấy long mình ngây ngất khó tả. Đứng bên gốc bưởi đào, Quỳnh Hương nhìn về xa xăm, hình như đang nghĩ về một ai đó, thỉnh thoảng những giọt nước mưa rơi xuống tý tách nghe rất vui tai, bước chân trở vào nhà, tự nhiên Quỳnh Hương  nhớ đến anh Lễ nhà bên cạnh, rồi nở một nụ cười tươi rói.
          Bẵng đi mấy tháng, đột nhiên không có một thanh niên nào đến nhà cô chơi nữa, hầu hết đám thanh niên đã có nơi, có chốn, xây dựng gia đình hết lượt. Mới 19 tuổi, Quỳnh Hương bỗng thấy lo lắng. Nhiều đêm, Quỳnh Hương nằm trằn trọc mãi không sao ngủ được, có lần cô quay sang hỏi mẹ:
- Bây giờ tính làm sao, hả mẹ?
Mẹ Quỳnh Hương đang thiu thiu ngủ, nghe con hỏi vậy, bà cảm thấy thương con, ngày một ít người đến tìm hiểu, và chính bà cũng thấy sốt ruột, bà nói:
- Con cứ an tâm, mấy đứa trong làng mình, đứa thì đã vào bộ đội, đứa thì sắp lấy vợ hết cả rồi, lấy vợ xong, chúng lo làm ăn, chứ hơi đâu mà đứng đầu làng, canh con mãi được.
Quỳnh Hương úp mặt vào mẹ, khóc nức nở như một đứa trẻ, chưa bao giờ được khóc vậy. Được mẹ vỗ về chia sẻ, rồi Quỳnh Hương ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Đầu năm 1971, Huyện đoàn tổ chức phát động đi làm đường đột xuất 15 ngày. Quỳnh Hương cũng nằm trong diện phải đi, Mẹ Quỳnh Hương lo lắng lắm, bà nghĩ Quỳnh Hương đi ra ngoài khác làng, khác xã, nhiều đám thanh niên để ý, thấy Quỳnh Hương xinh đẹp, dễ xảy ra chuyện.
Quỳnh Hương cũng vậy, sau bao nhiêu điều tiếng, cô chẳng thiết đi ra ngoài nữa, nhưng nhiệm vụ của thanh niên, không ai có thể từ chối.
Thực hiện khẩu hiệu:
“Đâu cần thanh niên có
Đâu khó có thanh niên”
Loa phóng thanh, tuyên truyền đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Hiến pháp, Pháp luật của nhà nước, kêu gọi toàn dân nêu cao tinh thần cách mạng, tuổi trẻ xung kích, thanh niên ba sẵn sàng…cứ vang lên suốt ngày. Thời kỳ đó thanh niên hăng say lắm, phấn đấu vào Đoàn, vào Đảng không biết mệt mỏi.
Được học cảm tình Đảng năm ngày trên huyện, cộng với Quỳnh Hương có nhiều năng khiếu nổi trội, nên được bầu làm Bí thư Liên chi đoàn hợp tác xã. Là đối tượng Đảng nên Quỳnh Hương rất nhiệt tình, và hăng say trong  mọi công việc được giao.
Mấy ngày, ăn ở tập trung để làm đường quả là vất vả, song tiếng reo hò, loa phát thanh ầm ĩ, công trường nhộn nhịp, mọi người đều hăng hái làm việc, không ai để ý đến những chuyện trai gái ở đây; mỗi ngày trôi đi không có việc gì xảy ra là Quỳnh Hương lại thở phào nhẹ nhõm. Nhưng rồi Quỳnh Hương cũng bị cuốn hút vào công việc, không chú ý đến những chuyện xung quanh mình nữa.
Công trường ngày nào cũng nhộn nhịp, cờ Tổ Quốc, cờ Đoàn tung bay phấp phới, băng rôn khẩu hiệu giăng đầy, Chi đoàn nào cũng cố gắng, tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua, không khí khẩn trương lộ rõ trên những khuôn mặt trẻ măng, những con đường đất đỏ hiện lên ngày một dài, đúng là sức người thật vô tận, những quả đồi  đất đá cứng thế mà chỉ có tay cuốc, tay xà beng mà Đoàn thanh niên đào xuyên qua hết. Thời đó làm gì có máy múc, máy ủi như bây giờ, chuyển đất cũng phải dùng bằng cáng tre.
Buổi liên hoan, chia tay nhau sau đợt đi làm đường đột xuất đó nhiều thanh niên, tranh nhau đến chúc rượu với Quỳnh Hương, câu vào, câu ra tán tỉnh, có người hỏi địa chỉ gia đình, Quỳnh Hương đã mừng thầm trong bụng. Hôm đó, Quỳnh Hương uống say, về nhà bị bố mẹ mắng một trận.
Ông bố bảo:
- Con gái mà uống rượu say mèm thế kia, thì có ma người ta thèm lấy.
Rồi ông nói tiếp:
- Thật đúng là:  “Cha chết không lo, bằng con gái to trong nhà”
          Mẹ chị nói chen vào:
- Đi ra phải biết giữ mình chứ, lần sau con mà say nữa, thì mẹ cấm con, không được về cái nhà này nữa nghe chưa.
Quỳnh Hương lấy hai tay, ôm  vào đầu bịt tai lại, để khỏi nghe những tiếng mắng nhiếc của bố mẹ, mái tóc Quỳnh Hương bù xù, giống một người điên, cô ngồi ủ ũ như tàu lá héo.
Cái tính bộc trực, thẳn thắn của Quỳnh Hương, đã làm cho cô thêm nhiều rắc rối, nên không kết nạp được vào Đảng, Quỳnh hương hay nói thẳng nói thật nên mất lòng nhiều người, nhất là cán bộ thôn thời kỳ bấy giờ.
Quỳnh Hương bảo bố:
- Hôm nay con đi bừa.
Bố Quỳnh Hương đáp:
- Không được, để đó bố đi bừa, con mà đi bừa, người bé họ sẽ trừ điểm đó.
Quỳnh Hương bảo:
- Ai dám trừ điểm của con nào?, hôm nọ con gái ông bí thi chi bộ bé hơn con đi bừa đó, có ai dám trừ điểm nó đâu.
Bố Quỳnh Hương dịu giọng:
-         Con ơi! Họ khác, mình khác con ạ.
Mẹ Quỳnh Hương bảo:
- Hôm nay, con cùng mẹ vào rừng cắt ít lá tranh về lợp chuồng trâu nhé.
Quỳnh Hương tức lắm, vùng và vùng vằng nói:
- Đã thế hôm nào họp đội con sẽ nói chuyện này ra.
Bố Quỳnh Hương ngửa tay nhìn đồng hồ và dắt trâu đi vừa, ông nói với:
- Chuyện gì thì chuyện con không được nói nghe chưa.
Trên đường vào rừng mẹ Quỳnh Hương hỏi khéo:
- Chuyện gì mà con muốn nói ra vậy, có quan trọng không?
Vừa đi hai mẹ con vừa nói chuyện, rì rà, rì rầm chỉ đủ cho hai người nghe thôi, Quỳnh Hương nói với mẹ:
Đêm hôm trục lúa, ông H anh trai ông đội trưởng bảo với mấy người làm đêm đó, ngày mai lấy rơm các cậu phải nhớ, đống rơm nào nhỏ thì trong đó có nhiều thóc hơn, mấy đứa có biết không, nếu không bớt thì để đến cán bộ hợp tác xã họ cũng chén thôi, mọi người thấy đấy hàng năm mỗi công được 1,5 ki lô gam thóc, thì thử hỏi sống làm sao được.
Sau mỗi buổi trục lúa công việc đầu tiên ra chia rơm, nhiều khi  họ trục dối để còn sót ít thóc trong rơm mang về nhà đập lại, ai cũng muốn chọn đống rơm lớn để gánh về nhà mình, hy vọng kiếm được nhiều thóc hơn, đống rơm nào bé có dính đôi chút phân trâu là bỏ lại. Ông ấy thâm nho thật, những đống rơm bé dành cho người làm hôm đó, ông ta đổ vào trong đó cả một thúng thóc, vứt lên trên ít rơm bẩn, khi bà con trừ lại thì những người làm sẽ lấy sau. Mẹ ạ, biết thế nên hôm đến lấy rơm con chọn đống rơm bé nhất, khi con phát hiện có nhiều thóc trong đó, con gọi ông ấy lại con bảo ông làm ăn như thế này là không được, chả trách sản lượng thóc của hợp tác xã năm nào cũng hụt. Ông ấy hậm hực và nói:
- Con bé này, mày dạy khôn ông hả, đừng có hòng mà vào Đảng nhé, cứ phân đấu đi rồi sẽ biết tay ông.
- Còn thế này nữa mẹ nói có tức không
Mẹ Quỳnh Hương bảo:
- Chuyện gì con ấm ức thì cứ nói cho mẹ nghe nhé.
- Mẹ ạ, hôm đi làm cỏ lúa í, ông ấy cứ đánh sóng cho đục nước, nhiều chỗ có nhiều cỏ ông ấy đâu có làm, ông chỉ lội qua thôi, con nói thì ông ấy lườm đỏ hoe cả hai mắt, nhiều khi ông còn vằn mắt lên, làm con sợ hết hồn, rồi ông ấy còn nói con là đồ con nít, hôm sau không được đi làm với người lớn nữa. Tức lắm mẹ ạ. Còn nữa, ngày bón phân đạm khoán cho đồi chè đọt, con nhìn thấy ông ấy đào nhiều hố to có khi trút đến nửa bao đạm vào đó lấp đất lại, để tính được nhiều bao lấy công điểm, mà con chẳng dám nói. Hôm nào họp đội con bới móc ra cho mà xem. Còn nhiều chuyện trái ngang lắm đó.
 Mẹ Quỳnh Hương rất hiểu con và ôn tồn nói:
- Thôi con ạ, con phải biết mình là ai, mình đang ở đâu chứ, cái gì cũng phải có thế của nó, anh em nhà mình không ai được làm cán bộ, con nói có ai nghe, có ai tin đâu, sướng cái mồm thì khổ cái thân đấy con. Con không nghe người ta nói:
- “Gió chiều nào che chiều đó” thì mới tồn tại được con ạ.
Đúng vậy!, ngày đó Quỳnh Hương đã không được kết nạp Đảng.
Mười chín tuổi rưỡi, gái nhà quê không thấy ai đến, là điều lo lắng lắm, trong làng cứ đủ18 tuổi là chúng nó xây dựng gia đình cả rồi.
Qua một đêm Quỳnh Hương càng thấy ngày một dài hơn, nên Quỳnh Hương mất ăn, mất ngủ, người cô gầy đi, nước da không còn được như trước nữa.
Bố mẹ cô chạy đôn, chạy đáo đến từng nhà hàng xóm trong làng, van xin để đám thanh niên tha cho cô. Nhưng kỳ thực sau mấy đợt vừa rồi, bọn chúng bế thanh niên làng bên, ném xuống ao, được Chi đoàn nhắc nhở, rồi có đứa nào dám làm chuyện đó nữa đâu, do sợ mà họ tự rút lui chứ.
Có đứa nói với ông bà:
- Bác ơi! Duyên số em Quỳnh Hương nó hẩm hiu vậy thôi, mấy tháng nay, thanh niên làng ta có đứa nào đứng đầu làng ngăn chặn nữa đâu.
Mẹ Quỳnh Hương trên đường đi về nhà, vừa đi vừa nghĩ, chẳng lẽ  các cụ nói đúng “Hồng nhan bạc phận”. Hay người ta chê con gái mình, càng nghĩ bà ta càng cảm thấy sốt ruột vô cùng…
 
Chương 2
3
Vài tháng sau, Quỳnh Hương cũng đã tìm được cho mình một bến đỗ lý tưởng. Anh ấy là bộ đội, người cùng làng, trước lúc đi B, Lễ được nghỉ phép 15 ngày để về thăm gia đình.
Hai ông bố, trước kia cũng là bạn Bộ đội với nhau, từ thời chống Pháp. Lễ là con một, gia đình ông bà nội trước đây có công với cách mạng, có uy tín nhất trong làng, nên việc vun vén  hạnh phúc cho 2 người cũng rất nhanh chóng, chỉ trong vòng 10 ngày các thủ tục đi bỏ trầu, ăn hỏi cũng đã xong xuôi, hôn lễ được tổ chức trước khi anh trả phép 2 ngày.
Quỳnh Hương quyết định lấy chồng quá nhanh, nhưng điều đó cũng không làm cho thanh niên khác tiếc ngẩn, tiếc ngơ nữa. Vì cũng đã lâu lắm rồi, không có đám nào đến với Quỳnh Hương cả.
Chồng Quỳnh Hương là Bộ đội, nên bạn bè ai cũng đến, để chúc mừng hạnh phúc trăm năm cho họ. Quỳnh Hương cảm thấy rất hạnh phúc, nên cô lấy làm hãnh diện về người chồng của mình.
Lễ là con một, bởi trước đây mẹ anh khi sinh ra anh bị ngược, phải mổ cấp cứu, khi mổ ra cũng rất may bác sỹ phát hiện  bà có một khối u trong dạ con, để đảm bảo tính mạng cho bà, gia đình đã ký giấy đồng ý cắt bỏ.
Đám cưới của họ được tổ chức thật vui, gia đình anh em nội ngoại nhà trai đều lấy làm tự hào, khi Lễ một chàng trai bình thường lại lấy được Quỳnh Hương một cô gái sắc sảo, xinh đẹp, nết na nhất làng.
Tuần trăng mật của họ, chỉ vẻn vẹn có hai ngày đêm ngắn ngủi, vì Lễ chồng cô phải trả phép ngay. Chồng cô đi rồi, những tháng ngày sống ở bên nhà chồng được gia đình chồng yêu thương, chiều chuộng, tạo điều kiện tốt nhất cho Quỳnh Hương, nên Quỳnh Hương cảm thấy thoải mái tâm lý, cuộc sống của cô ở nhà chồng rất đầm ấm và hạnh phúc.
Cuối năm 1971, chiến trường đường 9 Khe Sanh ngày một ác liệt, nhưng anh vẫn tranh thủ ghi thư, gửi về đều đặn cho cô, Quỳnh Hương luôn biên thư động viên anh, để anh không phải lo lắng, đến những công việc gia đình ở nhà. Hơn 2 tháng sau, cô biên thư thông báo cho anh biết là cô đã mang thai, sinh linh bé nhỏ cứ lớn dần trong bụng, bố mẹ hai bên cùng anh em nội ngoại, ai cũng vui mừng, phấn khởi và luôn chúc phúc cho cô. Nơi chiến trường, khi nhận được thư, anh sung sướng vô cùng, rồi anh lại ghi thư về cho cô nhiều hơn.
Cô còn nhớ lại trước khi lên đường Lễ viết lại mấy câu thơ vui, nên nhớ chồng cô lấy sổ tay ra đọc:
“Mười lăm ngày phép ai ngờ
Bén duyên hợp số  đẹp giờ cưới luôn”
 Nhiều đêm, cô nghĩ làm vợ ở cái tuổi 19, lại mang thai ngay, rồi nhẩm tính, sẽ sinh con vào tuổi 20, đó là cái  tuổi mà các cụ hay nói là “Tuổi Thiên đế giáng sinh”, chẳng biết có đúng thế không?, nhưng nên Quỳnh Hương có phần lo lắng. Thời gian lặng lẽ trôi qua, chồng cô xông pha nơi chiến trường ác liệt, nhưng vẫn thường xuyên gửi thư về động viên, an ủi, và chia sẻ niềm vui với cô.
 Hai tháng trước khi sinh con. Đột nhiên, cô không nhận được bất cứ một lá thư nào nữa của chồng, lòng cô như lửa đốt, Quỳnh Hương lo lắng mất ăn mất ngủ, rồi viết rất nhiều thư gửi đi, nhưng tuyệt nhiên không có một lá thư nào hồi âm cả, bố mẹ chồng cũng lo lắng không kém, nhưng vẫn hết lời động viên, để cô an tâm và khỏi ảnh hưởng tới cái thai trong bụng.
Một hôm Quỳnh Hương cảm thấy sốt ruột, trong người nôn nao lạ thường, nên cô ngồi ghi thư cho chồng:
 Anh yêu thương của em!
Đã 2 tháng nay, em không nhận được thư anh, em lo lắng vô cùng, không hiểu tại sao?,  những ngày gần đây em không tài nào ngủ được, em lo cho anh nhiều lắm, anh có biết không, chỉ còn mấy ngày nữa là con của chúng ta chào đời. Những lá thư mà em nhận được của anh em đã đọc đi, đọc lại nhiều lần, càng đọc em càng thương anh nhiều hơn, nơi chiến trường đạn bom ác liệt, anh hãy cố gắng công tác tốt anh nhé, đừng lo nghĩ nhiều cho mẹ con em ở nhà anh nhé, ở nhà đã có ông bà, anh em họ hàng quan tâm chăm sóc em. Anh cứ an tâm nhé, đừng lo lắng nhiều, mà ảnh hưởng tới sức chiến đấu.
 Còn em…
Đang viết dở lá thư cho chồng, thì Quỳnh Hương trở dạ sinh con. Cô được gia đình, đưa ngay vào bệnh viện huyện, cách nhà khoảng 20 ki-lô-mét.
Một ngày sau đó, gia đình chồng cô nhận được giấy báo tử Liệt sỹ: Hoàng Trọng Lễ là chồng của cô. Mọi người tìm cách che dấu, không cho cô biết, sợ cô buồn và khóc nhiều, ngộ nhỡ băng huyết, thì sẽ khổ cả mẹ lẫn con.
Hôm ở bệnh viện, khi đứa con trai cất tiếng khóc chào đời, cũng là lúc ở nhà, địa phương làm lễ truy điệu cho chồng Quỳnh Hương. Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã, Ban chấp hành Đoàn xã, Chi hội phụ nữ… nói chung các cơ quan đoàn thể đến đấy đủ, buổi lễ truy điệu được tổ chức trang nghiêm tại sân kho gần nhà bố mẹ chồng. Bà mẹ chồng gào khóc thảm thiết, bà kêu rống lên giống như một người điên vật vã liên hồi, mấy người phụ nữ to khỏe mới giữ được bà, bà gồng người lên gọi tên ông xã đội trưởng đòi con, ai nhìn bà cũng không cầm được nước mắt, ông bố chồng thì không nói không rằng, hai hàm răng cắn chặt, đôi mắt đỏ lừ như mắt hổ, ông ôm di ảnh người con trai vào lòng, thi thoảng móc chiếc khăn mùi soa trong túi quần đưa lên khỏe mắt lau lau.
Hai tuần sau, gia đình nhà chồng đón mẹ con Quỳnh Hương về, mọi người mới cho Quỳnh Hương biết tin, là  Lễ chồng cô đã hy sinh. Quỳnh Hương  đi lại nơi  bàn thờ chồng khói hương còn nghi ngút, đứng lặng người nhìn tấm ảnh thấy anh cười rất tươi, cô với tay để thắp nén hương cho chồng, bất chợt cô ngã vật ra sàn nhà ngất lịm, mọi người chạy nhốn nháo gọi chị  y sỹ trong làng, chị y sỹ đến lấy chiếc kim băng châm 10 đầu ngón tay cô rồi nặn cho chảy ra mỗi ngón tay một ít máu, rồi tiêm một mũi thuốc trợ tim, mọi  người đưa Quỳnh Hương vào giường nằm, một lát sau Quỳnh Hương tỉnh lại rồi òa khóc như tiếng vỡ đê, đứa con mới được hai tuần tuổi cũng khóc theo, ai vỗ về cũng không nín. Gia đình hai bên, hết sức động viên an ủi, và chia sẻ để cho cô nguôi ngoai đi, nhưng ngày hôm đó Quỳnh Hương ngất đi ngất lại mấy lần, những lúc tỉnh dậy, cô lại ôm con khóc nấc, nước mắt giàn giụa, như điên, như dại, Quỳnh Hương kêu trời, kêu đất thảm thiết:
- Anh ơi, sao anh lại bỏ mẹ con em mà đi, anh hứa khi chiến thắng bọn giặc Mỹ, anh sẽ trở về chăm sóc mẹ con em mà. Nay anh đi rồi, mẹ con em sống làm sao đây.
Rồi có lúc Quỳnh Hương lại gào lên, đến nỗi không nghe ra tiếng:
- Anh Lễ ơi!, hãy trở về với em đi, lấy anh mà mới được ở bên anh có 2 ngày thôi, em còn chưa nếm trải được “mùi đời” thì anh đã bỏ mẹ con em mà đi, về dây, về đây đi anh Lễ ơi. Về với mẹ con em đi anh Lễ ơi, anh Lễ.
Cô gào khóc mãi đến nỗi không nghe thể nào nghe rõ tiếng, những cơn nấc nghẹn mỗi lúc một yếu ớt, trong hôn mê.
Hai, ba ngày liền, cô không chịu ăn cơm, mọi người kiên trì thuyết phục, cuối cùng cô cũng bình tĩnh trở lại. Cả nhà thấy thế ai cũng vui vẻ, an lòng, riêng đứa con trai của cô, tự nhiên rất ngoan và bụ bẫm. Chưa đầy tháng tuổi, nhưng đôi mắt lanh lợi, bú mẹ xong là ngủ suốt ngày, cô nhìn đứa con ngoan, mà thương cho số phận của nó, vừa sinh ra đã không thấy mặt bố nữa, nó sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi, lớn lên trong cảnh mồ côi bố.
4
Công việc đồng áng, cô không quản mắng mưa, luôn tảo tần giúp đỡ gia đình, hàng ngày cô ngủ dậy sớm chăm sóc con, giúp đỡ cha mẹ những lúc đau ốm, dần dần cô cũng nguôi ngoai và lấy lại được trạng thái cân bằng, lấy lại được tinh thần lạc quan trong cuộc sống, nhiều đêm ngồi ngoài sân, ngắm ánh trăng thượng tuần vàng quạch, lòng cô cảm thấy se sắt lại, bên cạnh đứa con đang bi bô tập nói, mà lòng cô cứ mông lung khó tả. Những điệu ru buồn lại khe khẽ vang lên:
“ Cha đi chiến đấu không về
Mẹ con mình đợi đông hè sao bưa”
Hơn hai năm sau, đứa con trai Hoàng Trọng Nghĩa  đã biết đi và bi bô tập nói. Đúng là “Gái một con trông mòn con mắt” Quỳnh Hương lại càng xinh đẹp hơn xưa nhiều, bố mẹ chồng rất thương cô, tuổi đời quá trẻ đã sớm mất chồng, không biết sống bao giờ cho hết cuộc đời này đây, càng nghĩ họ càng thương đứa con dâu bạc phận.
Gần ngày đoạn tang chồng cô, bố mẹ chồng liền bàn với Quỳnh Hương, bà nói:
- Quỳnh Hương ơi, con còn trẻ lại xinh đẹp nữa, sớm chịu cảnh mất chồng, Bố mẹ thương con nhiều lắm, sống như thế này thì biết bao giờ cho hết đời hả con.
Điều này thì Quỳnh Hương biết chứ, từ ngày bặt tin chồng, như có điềm báo, gia đình cứ động viên Quỳnh Hương, sau khi sinh con, cũng là lúc nhận tin báo tử chồng, gia đình họ càng yêu thương, chăm sóc mẹ con cô nhiều hơn. Họ dồn hết tình cảm cho đứa cháu đích tôn này.
Bố Lễ là trưởng họ,  Lễ lại là con trai độc nhất, ông bà lại không có con gái, nên họ bàn với Quỳnh Hương:
- Bây giờ, bố mẹ coi con như là đứa con gái trong nhà vậy, con cứ an tâm, đừng lo nghĩ nhiều mà ảnh hưởng tới sức khỏe, bao giờ thằng Nghĩa lớn lên một chút, bố mẹ sẽ tính chuyện cho con.
Nghe vậy, Quỳnh Hương cũng mừng thầm trong bụng, nhưng vẫn chưa hiểu hết được ý của bố mẹ chồng, nên hỏi lại:
- Bố mẹ bảo tính chuyện cho con, là tính chuyện gì đây, con chưa hiểu?
Mẹ chồng nói tiếp:
- Là tính chuyện xây dựng hạnh phúc cho con đó, bố mẹ coi con như là con gái mà.
Quỳnh Hương cảm thấy bối rối, và nói:
-  Chuyện này con chưa nghĩ tới mẹ ạ. Con rất hiểu, và thông cảm cho bố mẹ, dẫu sao con cũng cảm ơn tấm lòng tốt của bố mẹ đã giành cho con, cho cháu bấy lâu nay.
Bố chồng Quỳnh Hương ngồi trầm ngâm, hút điếu thuốc lào, nhả đám khỏi ra bay lơ lửng, mắt nhìn lơ đãng theo làn khói bay lên trần nhà. Bất chợt ông đứng dậy, lại ngay bàn thờ thắp nén nhang cho Lễ, con trai ông. Miệng lầm rầm câu gì đó, Quỳnh Hương không nghe rõ. Còn bà mẹ chồng cô cứ ngồi trầm ngâm suy nghĩ, rồi thấy bà ngửa mặt lên trần nhà thở dài một cái nghe mà nẫu ruột.
Một lát sau, Quỳnh Hương cũng đứng dậy, cô đi lại ban thờ, để thắp nén nhang cho chồng, thắp xong cô bảo:
- Con đi làm chiều đây bố mẹ nhé.
Mẹ chồng khuyên:
- Từ từ đã con, còn sớm lắm, mới một giờ chiều, trời còn nắng gắt lắm con ạ. Con đi làm sớm quá ảnh hưởng tới sức khỏe đó, công việc riêng nhà mình con cứ thư thả thôi, không như việc hợp tác xã con ạ, hôm nay chưa xong thì để ngày mai, chứ nhìn con lam lũ triền miên, mẹ sốt ruột và lo nhiều cho con.
Hàng ngày đi làm về, thì cơm nước mẹ chồng đã chuẩn bị chu đáo, còn cu Nghĩa, hôm nào bà cũng tắm rửa sạch sẽ. Nhiều hôm, ông bà còn cho ăn cơm trước, sợ cháu ngủ đói. Quỳnh Hương đi làm về, không phải làm bất cứ việc gì nữa, có hôm mẹ chồng, còn giành rửa bát, để Quỳnh Hương có nhiều thời gian bên đứa con trai yêu quí.
Hai năm sau đó ngày giỗ hết tang chồng, bố mẹ chồng mua sắm đồ hàng mã đầy đủ, nào là áo quần, dày dép, mũ sao vàng, ba lô con cóc, chiếc gậy Trường sơn, lược chải tóc, thuốc lá, tiền vàng…nhiều thứ lắm, mời thầy đến cúng, khi cúng để đốt đồ cho chồng cô. Chiều hôm đó, thầy cúng  khất âm dương toát hết cả mồ hôi mà không sao đốt được, vì  chồng Quỳnh Hương không chịu nhận, thầy cúng khất âm dương mãi, trên má thầy mồ hôi hội chảy ra ròng ròng.
Thầy cúng lẩm bẩm:
- Địa nhất được rồi, xin địa nhị. Địa nhị được rồi, xin địa tam. Lần thứ 3 lúc nào cũng không được, mọi người nghe rõ tiếng thầy nói rõ lạc địa bất thành, biết là chưa được. Công việc đó của thấy cứ lặp đi lặp lại mãi.
Bà mẹ chồng sốt ruột lại khóc lóc van xin:
- Con ơi! con có linh thiêng thì nhận đồ đi cho bố mẹ an lòng, âm dương cách biệt con không chịu nhận bố  mẹ biết làm sao đây?
Một người bác họ hỏi :
- Đã ghi tên đầy đủ cho nó chưa?
Bố Quỳnh Hương trả lời:
-         Ghi đầy đủ, thống kê rõ ràng cả rồi.
Mẹ chồng bảo:
- Quỳnh Hương cho thằng Nghĩa ra lạy bố nó đi.
Quỳnh Hương bế Nghĩa, đặt xuống bên cạnh bà nội rồi bảo:
- Nghĩa ơi, con lạy bố đi.
Bà nội lấy 2 tay Nghĩa chấp lại, Nghĩa cứ ngơ ngác không biết gì, nó cũng dơ lên đặt xuống mấy cái theo nhịp tay bà nội, khói hương nghi ngút làm Nghĩa cay xè mắt, nó khóc ré lên, Quỳnh Hương bế vội con vào nhà.
Thầy cúng lại cần mẫn khất âm dương, hai đồng tiền lại quay tít trên đĩa, ông nói:
-         Nó lại cười
Tiếng thầy cúng lầm rầm trong miệng:
- Lạy đức bản thổ thần linh thần linh đại vương,  lạy đức bản thổ long mạch chi thần…. chứng giám, chúng con là người trần mắt thịt có sai sót gì thì trăm tội trăm xá, vạn tội vạn xá, xin linh hồn Liệt sỹ Hoàng Trọng Lễ  chấp nhận cho, ông lại tung 2 đồng tiền lên:
- Địa nhất được rồi, xin địa nhị. Địa nhị được rồi, xin địa tam. Lần này thầy cúng dừng ở đây thuyết trình một lúc, nào là trăm tội trăm xá, vạn tội vạn xá, trên dương thế có ai đó làm điều chi phật lòng, phật ý thì xin linh hồn liệt sỹ Hoàng Trọng Lễ lượng thứ và cho thầy xin địa tam, thầy lại tung 2 đồng tiền lên, khi đồng tiền xoay xoay, dừng lại ai cũng căng mắt ra nhìn, lại không được. Tiếng khóc mỗi lúc một to, thầy quát, mọi người im ngay, đừng làm rối lên, Thầy lại tiếp tục khấn, hai đồng tiền tung lên, một chữ nhảy ra ngoài thầy nói lạc địa bất thành, mọi người biết vậy  là vẫn chưa được. Công việc đó của thầy cứ lặp đi lặp lại mãi. Mọi người đứng xung quanh ai cũng chắp tay khấn rì rầm, thầy cúng thì mặt đỏ gay lên, tỏ vẻ lo lắng, không hiểu vì sao? thầy này là giỏi nhất khu vực rồi, mà sao các đám khác thầy khất âm dương nhanh lắm, vài ba lần là được.
Thầy hớp một ngụm nước chè xanh rồi bảo:
- Lần này không được nữa thì  phải nhờ các cụ tổ tiên chuyển cho vong thôi, chắc nó hy sinh vì bom đạn, bạt hồn bạt vía chưa về kịp đó thôi.
Thầy cúng tiếp tục thắp hương, ra thêm tuần rượu nữa, thầy nói:
- Nếu con không chịu nhận thì cho thầy xin ba đài sấp đen, rồi để thầy nhờ các cụ tổ tiên chuyển về âm giới cho con.
Tiếng thầy cúng lại lầm rầm:
- Dạ, được địa nhất rồi, cho thầy xin địa nhị. Dạ, được địa nhị rồi, cho thầy xin địa tam. Lần này thì 3 đại sấp đen đã ứng.
Thầy cúng nói:    
- Nó không chịu nhận đâu, gia đình chuẩn bị một ít lễ cúng gia tiên, rồi để thầy nhờ các cụ chuyển đồ cho vong.
Hai ngày sau, Mẹ chồng lại gọi Quỳnh Hương và bảo:
- Con cứ để thằng Nghĩa lại đây, cho ông bà nuôi, bố mẹ cho phép con xem đám nào phù hợp, thì nên đi bước nữa, đời còn dài lắm con ạ. Bố mẹ nhìn con sống một mình thế này, cũng đau lòng lắm, bố mẹ coi con như là con gái, hơn nữa nhà cũng chẳng còn ai, tốt nhất con tìm được đứa nào, nó chịu ở lại đây, thì bố mẹ mừng lắm. Bố mẹ muốn con được hạnh phúc trọn vẹn.

5
Dạo ấy, có một đơn vị bộ đội ta, từ chiến trường Lào về đóng quân, an dưỡng tại làng cô, chuẩn bị bổ sung quân vào chiến trường miền Nam. Trong làng mỗi gia đình có vài người đến ở, đơn vị bộ đội chỉ mượn đất nhà dân để xây dựng mấy lán tạm, gọi là nhà bếp nấu cơm cho bộ đội ăn tập trung, còn toàn bộ cán bộ và chiến sỹ đều dựa vào nhà dân để ở, bởi theo dự kiến đơn vị bộ đội về đây an dưỡng ở đây 6 tháng thôi.
Bố mẹ đẻ cô cũng có ba người đến ở, một Anh là chính trị viên đại đội quê Tuyên Quang, một cán bộ trung đội quê Hải Dương, và một cậu chiến sỹ liên lạc quê Hà Tĩnh. Còn gia đình cô thì mấy chị nhà bếp quê Thanh Hóa đến ở, nhìn những người lính về đóng quân tại làng, Quỳnh Hương cứ hình dung ra chồng mình, qua các bộ quân phục màu xanh. Nhiều đêm cô  không sao ngủ được, mà cứ trăn trở khóc hoài.
Thường ngày, cô hay dắt con về ông bà ngoại chơi, thằng Nghĩa nó thích bộ đội lắm, suốt ngày cứ quấn quýt lấy các chú bộ đội.
Không lâu sau, cô đã lọt vào mắt anh chính trị viên Đại đội, Anh đã hiểu, và thông cảm với hoàn cảnh của cô, nhiều lần anh tâm sự với gia đình chồng cũ và gia đình bố mẹ đẻ cô, anh mong muốn được hai gia đình ủng hộ, cuối cùng, lời đề nghị của anh cũng được cô và hai gia đình đồng ý. Quỳnh Hương cảm thấy hạnh phúc khi được nhà chồng tổ chức đám cưới cho mình. Chồng mới của cô  cũng đã nhận Hoàng Trọng Nghĩa làm con, anh ấy rất thương Nghĩa, suốt ngày cõng con đi chơi.
Điều kiện gia đình anh ở xa, phương tiện đi lại khó khăn, nên đám cưới của anh, được tổ chức tại gia đình nhà chồng cũ của vợ, gia đình chồng cũ lo liệu hết mọi thứ. Đại diện họ nhà trai là Tiểu đoàn trưởng và Chính trị viên Tiểu đoàn, cùng một vài cán bộ Trung đội, tuy vậy, đám cưới của họ cũng hết sức long trọng, lời ca, tiếng hát từ những chiến sỹ  trong đơn vị thật vui, thật rôm rả, cả Tiểu đoàn hôm đó đều có mặt trong buổi lễ đám cưới.
Gia đình nhà chồng cũ của cô hiếm hoi con cái, họ có duy nhất mình Lễ, nhưng nay đã hy sinh, có người thương yêu chịu cưới con dâu, nên họ cũng lấy làm hãnh diện với dân làng,  họ coi anh như đứa con trai, nên sau đám cưới, họ cho phép anh chuyển từ gia đình bố mẹ cô, sang ở cùng gia đình bố mẹ chồng cũ, họ rất thương yêu và quí trọng anh. Quỳnh Hương cảm thấy hạnh phúc vô cùng, cu Nghĩa thì suốt ngày theo chân bố không chịu rời nửa bước, Ông bà thấy vậy, trong lòng cũng nguôi ngoai, nỗi nhớ con trai cũng vợi đi nhiều.
 Đúng hai tháng sau, bố và em trai chồng cô ở Tuyên Quang  mới có điều kiện đến thăm vợ chồng họ, và thăm 2 gia đình, thăm quê hương cô, gặp bố mẹ chồng cô để nói lời cảm ơn, và xin được đón cô về quê hương anh ở tận Tuyên Quang.
Ngay ngày hôm sau, chồng cô có lệnh di chuyển quân, chi viện cho chiến trường miền Nam rực lửa. Thế là dự định cùng cô về Tuyên Quang của anh để báo hỷ bất thành. Do anh phải đi ngay, nên Quỳnh Hương càng bồn chồn lo lắng, cô sợ chiến tranh, cô sợ đủ thứ… Nhưng Quỳnh Hương vẫn vui vẻ động viên anh lên đường, và khuyên chồng , cô nói:
- Anh hãy đi đi, và an tâm công tác, nhớ lời em là hãy nhận và hoàn thành bất kỳ việc gì khi được đơn vị giao phó.
Nam cầm chặt tay Quỳnh Hương, và nói:
- Anh hứa với em, là sẽ quyết tâm nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ, bao giờ chiến tranh kết thúc anh sẽ về bên em.
 Trước lúc anh lên đường thì Quỳnh Hương cũng đã kịp báo tin vui cho anh và gia đình được biết là cô đã mang thai. Anh động viên chị rất nhiều, hai người chỉ biết ôm nhau thật chặt, cùng lắng nghe nhịp đập của trái tim mình.
Ngày anh đi vào Nam  thì Quỳnh Hương cũng theo bố anh, và em trai anh về Tuyên Quang, quê chồng làm ăn  sinh sống.
Buổi chia tay của gia đình anh cô thật là vội vã. Sáng hôm đó trời mưa tầm tã. Trong hàng quân, từng chiến sỹ mang áo mưa, đầu đội mũ cứng, ánh sao vàng lấp lánh, trên lưng ba lô đầy căng, làm cho hàng quân đã dài lại càng dài thêm. Những cái bắt tay nồng thắm, những giọt nước mắt, chảy ròng rã theo mưa, mấy cụ già cao tuổi nhất làng cũng ra tận sân kho hợp tác xã, để chia tay các anh.
Tiếng còi báo lệnh hành quân nổi lên, đoàn quân từ từ di chuyển, những bước chân rầm rập, xa dần, xa dần, trong mưa.
Quỳnh Hương đi theo một đoạn, rồi dừng lại, vẫy tay tiễn chồng, cho đến khi đoàn quân khuất hẳn mới quay trở về nhà. Thằng Nghĩa cũng vừa ngủ dậy, tự nhiên khóc ré lên, và cứ đòi mẹ đi gọi bố về, lúc đó Quỳnh Hương chỉ biết ôm con mà khóc nức nở.
Chiều hôm đó, cô chia tay cả 2 gia đình để theo bố chồng về Tuyên Quang sinh sống. Trời vẫn mưa nặng hạt, chờ con ngủ xong, cả ba người sang bến xe Đô Lương, trời cũng gần chập tối, may mà vẫn còn kịp để đăng ký mua vé xe cho ngày hôm sau.
Suốt đêm đó ba bố con ngồi ở bến xe, trời cứ mưa rả rích không ngớt. Quỳnh Hương thỉnh thoảng thở dài một cái, làm cho bố chồng cô thêm lo lắng.
Những đợt gió cuối thu bắt đầu thổi mạnh, chị không dám kêu mặc dù cảm thấy ớn lạnh, một cảm giác sợ hãi chạy dọc sống lưng cô, rồi trong đầu cô cứ nghĩ mông lung, lúc nghĩ về con, khi nghĩ về chồng, cứ thế cô cảm thấy lo lắng mà không biết làm sao? Đây cũng là lần đầu tiên cô phải xa đứa con trai của mình, có lẽ giờ này nó đang khóc, bắt ông bà đi gọi mẹ về cho nó. Giờ này chắc anh đang hành quân, có lẽ anh mệt lắm đó…cô nghĩ hết cái này đến cái khác mà không sao ngớt được, nhìn bố chồng và em trai ngổi ngủ gà, ngủ gật trên nền xi măng trong nhà chờ của bến xe, cô thấy thương cho họ vô cùng. Đêm đó ngồi chờ xe cô không sao ngủ được, khi mọi người cùng đi đã gật gù ngủ cả, cô cảm thấy cô đơn trống trải đến vô cùng, tiếng những con côn trùng kêu trong đêm khuya, càng làm cho cô thêm não ruột, thỉnh thoảng mấy con ếch kêu rất to như đang tìm kiếm bạn tình, ộp ộp, oạp oạp… cho tới sáng.
Về với mảnh đất Tuyên Quang, cô cũng không bất ngờ lắm, vì quê nhà cô cũng là miền đồi núi, chỉ có điều núi đồi ở Tuyên Quang cao hơn, xóm làng thưa thớt, đường sá đi lại khó khăn. Hôm về quê chồng, xuống xe xong cô còn phải đi bộ gần nửa ngày đường nữa mới tới nơi. Dù mệt lắm, nhưng những làn gió mát thổi nhè nhẹ, phảng phất mùi hương hoa rừng dìu dịu, ngất ngây, làm lòng Quỳnh Hương phấn chấn, quên hết mệt mỏi.
6
Những cánh thư cứ đều đặn, qua lại giữa tiền tuyến và hậu phương, anh chị động viên nhau, dành những tình cảm chân thành nhất cho nhau, những lúc rảnh rỗi, cô cứ đem thư chồng ra đọc, rồi lại viết thư gửi cho chồng.
Cô sinh một đứa con trai kháu khỉnh giống anh như đúc, ngày cô sinh con cũng là ngày cô nhận được lá thư cuối cùng của chồng gửi về, trong lá thư đó anh đã đặt tên cho con là  Nguyễn Trường Sơn.
Những lá thư cũ, anh gửi về cô mang ra cứ đọc đi, đọc lại không biết bao nhiêu lần, nghe tin chiến sự ngày càng ác liệt, Quỳnh Hương như ngồi trên đống lửa. và đưa thư anh ra đọc:
Bố mẹ kính quí!
Quỳnh Hương yêu của anh!
Nhận được thư em đã qua 2 ngày, song chiến trường ác liệt quá, anh không có thời gian nhiều để biên thư về thăm gia đình và thăm em. Có lẽ giờ này, em và gia đình đang mong thư anh nhiều lắm nhỉ.
Hôm nay, chiến trường tạm lắng tiếng đạn bom, anh tranh thủ biên thư về cho em ngay, kẻo em mong đợi nhiều, ảnh hưởng tới đứa con trong bụng.
Em yêu quí!
Em đang làm gì đó, đã ăn com chưa?, đang mải mê với công việc, hay đang say sưa với giấc ngủ ngon lành, hãy dừng tay lại và tỉnh giấc ngủ, để đọc thư anh từ chiến trường  gửi về thăm em đây.
Lời đầu thư, anh chân thành kính chúc bố mẹ mạnh khỏe, làm ăn gặp nhiều may mắn, anh chúc các  em luôn khỏe, công tác tốt là anh vui nhất.
Em ạ, dạo này bố mẹ, các em có được khỏe không? Công việc đồng áng thế nào, chắc là vắng anh thì vất vả lắm nhỉ, bây giờ có lẽ  em cũng đã quen với khí hậu, cuộc sống  vùng đất quê anh rồi chứ? Nhớ giữ gìn sức khỏe em nhé. Anh luôn lo lắng nhiều cho em.
Còn anh vẫn khỏe, chỉ có điều chiến sự nổ ra liên tiếp, suốt ngày quen với tiếng đạn bom, đơn vị bổ sung quân liên tục, tiếng bom rơi, đạn nổ ngày đêm nhức nhối lắm, nhưng anh không sao đâu em ạ, anh không phải cầm súng trực tiếp chiến đấu, nên em cứ động viên bố mẹ an tâm, đừng lo lắng nhiều mà ảnh hưởng tới sức khỏe.
Do điều kiện thời gian không cho phép anh viết dài hơn, cuối thư một lần nữa, anh chân thành kính chúc đại gia đình ta luôn luôn mạnh khỏe làm ăn gặt hái nhiều thắng lợi, Anh chúc em sức khỏe dồi dào, luôn vui vẻ, lạc quan yêu đời và nhớ giữ gìn sức khỏe nghe em, được như vậy là anh mừngnhất.
Hạ bút chờ thư em
Khe Sanh 1972
TB: À, nếu sinh con trai thì đặt tên con là Nguyễn Trường Sơn, Nếu sinh con gái thì đặt tên con là Nguyễn Phạm Quỳnh Hoa em nhé, và qua lá thư này em cho anh gửi lời thăm hỏi sức khỏe thắm thiết nhất, tới anh em họ hàng nội ngoại, bà con làng xóm, bạn bè thân thích của anh  với nhé.
Con của gia đình
Anh của em
Nguyễn Thế Nam
Hôn em nhiều.
Anh.
Đó là lá thư cuối cùng của chồng, mà Quỳnh Hương nhận được, cô mang nó ra đọc đi, đọc lại không biết bao nhiêu lần, càng đọc cô càng lo lắng, càng sốt ruột, rồi đêm đêm cô cứ nghĩ vẩn vơ, nếu bố cu có mệnh hệ gì, thì làm sao mà sống nổi trên cõi đời này nữa đây.
Đến khi Nguyễn Trường Sơn  đang chập chững tập đi, miệng bi bô gọi bà, gọi bố, thì cũng là lúc gia đình cô nhận được giấy báo tử của chồng. Nhận được tin chồng hy sinh, cô ngất lên, ngất xuống không biết bao lần, Quỳnh Hương khóc van thảm thiết, cạn cả nước mắt, cô gào thét trong điên dại, không biết cô đã làm gì sai, mà ông trời lại bắt cô chịu khổ đến như vậy, hai lần chồng cả hai đều là Liệt sỹ, đầu óc cô cứ quay cuồng, như muốn nổ tung, cô kêu la trong hoảng loạn, rồi đập đầu vào tường, cô không thiết sống nữa, mọi người nhìn cô như vậy, ai cũng thương cho số phận của Quỳnh Hương, cả gia đình cố gắng động viên an ủi cô, dần dần Quỳnh Hương cũng gượng đứng dậy được, nhờ có đứa con trai đã tiếp thêm cho cô sức mạnh và nghị lực sống. Đêm đêm cô ôm chặt con vào lòng và thổn thức vô độ, cô nghĩ người ta nói “ Hồng nhan bạc phận” có lẽ là đúng, nên cô cứ tự trách mình, tự dằn vặt mình, Quỳnh Hương ghét cay, ghét đắng cái sắc đẹp  mà ông trời ban cho mình.
Ngày làm lễ truy điệu người chồng thứ hai này cả hai mẹ con Quỳnh Hương có mặt, những bước chân xiêu vẹo của Quỳnh Hương chới với nhũn như con chi chi, phải có người dìu mới đi được, em dâu  bế cháu nhỏ đi theo sau.
 Mặt trời đã nhô lên khỏi đỉnh núi, mọi người trong làng đã đến rất đông từ sáng sớm, nơi tổ chức lễ truy điệu chồng Quỳnh Hương được trang trí nghiêm trang, hoa quả, di ảnh, lư cắm hương … đầy đủ cả. các tổ chức đoàn thể, chính quyền từ Huyện đến xã  đã đến đầy đủ. Mẹ chồng cô vừa đi vừa khóc lóc kêu van, phải đến ba bốn người khỏe mới dìu bà đến được nơi làm lễ trụy điệu con bà. Trước lúc buỗi lễ bắt đầu, hai mẹ con chị và đứa em trai chồng gào khóc rất to, mọi người cố gắng khuyên bảo, bình tĩnh để buổi lễ được bắt đầu.
Nhà chồng Quỳnh Hương lập một ban thờ nhỏ phía đầu đốc nhà, mỗi khi nhìn tấm ảnh  sau làn khói hương nghi ngút lòng chị lại nhói đau.
Đoạn tang người chồng thứ hai xong, con trai chị Nguyễn Trường Sơn cũng đã gần 4 tuổi. Quỳnh Hương vẫn hăng say siêng năng công tác, lam lũ suốt ngày như xưa, mọi công việc gia đình cô đều đảm đang lo liệu, nhìn cô ai cũng động lòng thương cảm, Quỳnh Hương tích cực tham gia phong trào xã hội, làm chi hội trưởng Hội phụ nữ địa phương, ngoài cái đẹp người, đẹp nết cô còn có giọng hát rất hay.
Ngày cúng đốt đồ hàng mã cho chồng, Quỳnh Hương lo lắng lắm, cô chứng kiến lần trước đốt đồ cho Lễ, hết cả buổi chiều mà không xong. lần này không biết thế nào, trong lòng Quỳnh  Hương nôn nao khó tả.
Ông thầy cúng ở Tuyên Quang  khác với thầy cúng ở Nghệ An, ông không dùng đĩa, mà dùng một cái dây xâu 2 đồng tiền lại, lấy tay dơ lên lắc lắc rồi trải nhanh một cái trên nền chiếu, mấy lần như thế nhưng chẳng lần nào được như ý cả, khấn đi khấn lại mãi rồi thầy bảo xong, gia đình đem đồ đi đốt. quỳnh Hương thở phào nhẹ nhõm.
Gia đình chồng mỗi khi nhìn đứa con dâu tuổi còn trẻ, mới 28 tuổi đầu mà đã chịu thiệt thòi quá lớn, họ cũng bàn bạc giúp đỡ cô, và tạo điều kiện cho cô có cơ hội để đi thêm bước nữa.
Những chuyện đàm tiếu về Quỳnh Hương, không biết bắt đầu từ đâu, được dân làng đồn thổi, người ta nói Quỳnh Hương chính là cô gái sát chồng, cho dù xinh đẹp đến mấy, cũng không xứng làm vợ bất kỳ người nào nữa, Quỳnh Hương quá đau khổ về điều đó, đi đâu làm gì cũng bị người ta xoi mói, nhìn chị với một con mắt khác, suốt ngày cô sống trong đau khổ, tủi nhục vô cùng, gia đình nhà chồng rất thương cô nhưng không sao dẹp nổi sự đàm tiếu đó.
Đi ra đường chỗ thì  trẻ con, nơi người lớn chỉ trỏ, dè bỉu, khinh cô. Đi ra chợ cũng thế, sao mà nhiều người biết Quỳnh Hương nhiều đến vậy, dần dần Quỳnh Hương cảm thấy ngại đi ra ngoài.
Một hôm, có việc cần ra chợ, một bà hàng cá chỉ vào mặt cô, và nói:
- Con kia, mày đi xa chỗ này đi, rồi bà lại lẩm bẩm, gặp con này sờ vào, coi như là hàng ế, đồ gái sát chồng.
Quỳnh Hương nghe đau nhói trong tim nhưng cố nhẫn nại, giả vờ làm ngơ, và mua vội  vài mớ rau rồi đi thật nhanh về nhà, chạy vào phòng nằm khóc, khóc mãi…
Chú Bắc em chồng, kém cô 2 tuổi, cũng vừa lấy vợ. Sau khi anh trai hy sinh Bắc càng chăm sóc chị dâu nhiều hơn, giúp đỡ chị nhiệt tình hơn trong mọi công việc, Bắc đã hứa với anh trai là sẽ giúp đỡ, bảo vệ chị, bây giờ anh trai hy sinh rồi nên Bắc càng quan tâm hơn, nhiều khi Quỳnh Hương rất ái ngại, sợ em dâu và mọi người hiểu nhầm.
Quuỳnh Hương bảo với Bắc:
Chú này, chú không cần phải như thế đâu, mọi người dễ hiểu nhầm đó.
Bắc trả lời:
Hiểu nhầm gì mà hiểu nhầm, chị em giúp nhau là lẽ thường tình, em không sợ, em sống đúng lương tâm mình là được.
Vợ Bắc nói xen vào:
- Chị an tâm đi, anh Bắc không phải là người vô học đâu. Vợ chồng em luôn quan tâm giúp đỡ mẹ con chị mà.
Mỗi một ngày trôi qua Quỳnh Hương lại cảm thấy nặng nề hơn, những tiếng đồn đại, dị nghị  về cô ngày một nhiều hơn, dần dần cô sống khép mình, hạn chế tham gia các buổi hội họp, tránh nơi đông người, cô rất ngại đi lại. nhưng những lời nói thóc mách nhức nhối cả óc, có người độc mồm độc miệng còn nói ý giữa cô và em trại chồng, những điều đó làm cho trái tim Quỳnh Hương ngày nào cũng  bị rỉ máu.
Nguyễn Trường Sơn là cháu đích tôn nên được ông bà nội chăm sóc chu đáo, nhiều lần họ thuyết phục cô để con lại cho ông bà nội và chú thím nuôi, tạo cơ hội thuận tiện cho cô dễ bề đi thêm một bước nữa. Cô thương con rất nhiều, nhưng cũng không thể nào ở lâu được với dân làng, nơi đất khách quê người này, và cuối cùng Quỳnh Hương đành lòng cất bước ra đi.
 
Chương 3

7
Bao đêm trước lúc quyết định cất bước ra đi Quỳnh Hương trằn trọc không sao chợp mắt được, chị suy nghĩ miên man không biết mình sẽ đi đâu, về đâu, làm việc gì? Cả cái  đất nước này chỗ nào cũng xa lạ đối với chị. Bao nhiêu câu hỏi, bấy nhiêu câu trả lời cứ hiện ra trong tâm trí chị: Về nhà ư? Không được, mình về nhà chỉ làm khổ cha mẹ thôi, con gái lấy chồng rồi mà về nhà bố mẹ đẻ thì không tốt, ở quê kiêng kị lắm, “Con gái trở vỏ lửa ra ”, dù có khó khăn gian khổ cũng cam chịu, chứ về quê thì không đời nào.
Quỳnh Hương quyết định đến Cao Bằng tìm việc làm. Nói là Cao Bằng nhưng chỉ cách nhà chồng ở Tuyên Quang độ 30 đến 40 ki lô mét. Chị nghĩ làm ở đây nếu có cơ hội sẽ về thăm con dễ hơn. Nhưng cái thời buổi bao cấp, kiếm được một việc làm ổn định quả là khó khăn lắm. Chị cứ lủi thủi một mình với vẻ mặt buồn bã, cứ lang thang hết nơi này đến nơi khác, ai thuê gì làm nấy, chị làm việc gì cũng rất cẩn thận, chu đáo, nên mọi người thuê chị ai cũng khen chị khéo tay hay làm, cẩn thận, sạch sẽ và chịu thương, chịu khó.
          Thật may mắn cho chị, chưa đầy một tháng sau đó, có người thương tình giới thiệu cho Quỳnh Hương đến một gia đình ở thị xã Cao Bằng, họ giới thiệu chị đến chăm sóc một bà cụ già yếu. Quỳnh Hương ở hẳn tại gia đình họ cho thuận tiện công việc chăm sóc. Chẳng mấy chốc Quỳnh Hương đã được lòng bà cụ cùng gia đình thuê chị. Họ coi Quỳnh Hương như con cái trong nhà, yêu thương, đùm bọc và chia sẻ. Quỳnh Hương ngủ với bà cụ, hai bà cháu đêm nào cũng tâm sự đến khuya mới đi ngủ. Ngày qua tháng lại, dần dà chị cũng thấy vui hơn, nhưng nỗi nhớ 2 đứa con rứt ruột đẻ ra luôn thường trực trong tim chị, nhiều đêm chị cứ khóc thầm. Có lúc chị lại nghĩ, để con lại cho gia đình họ cũng đúng, vì chúng đều là cháu đích tôn, nên chắc chắn sẽ được họ quan tâm, chăm sóc chu đáo, trong lòng Quỳnh Hương những lúc đó, lại thấy an tâm hơn.
          Quỳnh Hương lần giở hết những lá thư của hai người chồng đã hy sinh, đem ra đọc đi đọc lại, không biết mấy trăm lần, mỗi lá thư là một tâm trạng khác nhau, có lá thư mà chị đọc nhiều nhất:
          Quỳnh Hương người vợ yêu quí nhất của anh!
          Hôm nay, anh tranh thủ ghi thư về thăm em, trước giờ phút đơn vị hành quân ra trận tuyến, bởi vì những ngày tiếp theo chắc anh bận lắm em ạ, sợ em phải chờ đợi thư anh nhiều.
          Dạo này, em có được khỏe lắm không?, chắc vất vả nhiều thì phải, anh biết mà, quê anh nơi miền rừng heo hút, đường đất mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mù, lại lắm đèo dốc, còn em bụng mang dạ chửa vậy, người làng  dẫu quen cũng khó khăn, huống chi em vừa về quê sinh sống,  Anh thương em nhiều, nhiều lắm đó.
          Quỳnh Hương yêu thương!
          Nhớ giữ gìn sức khỏe nghe em, đừng cố quá sức  mà ảnh hưởng đến con trong bụng. Anh không ở bên em để gánh vác bớt công việc cho em trong lúc này, mong em hiểu và thông cảm cho anh, bởi anh đang phải làm nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ Quốc, em ạ. Vừa rồi anh viết thư cho em trai, anh dặn nhớ quan tâm giúp đỡ em, Bắc nó hứa với anh rồi em an tâm nhé, có gì khó khăn em cứ bảo chú ấy giúp đỡ. Anh tin tưởng ở em nhiều.
          Còn anh, sức khỏe  vẫn tốt, công việc thì dạo này có bận bịu hơn, không như  thời nghỉ an dưỡng tại quê em. Mấy anh trong đơn vị, nhất là cậu liên lạc, lấy thư em gửi cho anh cậu ta đọc suốt, nó ao ước sau này lấy được cô vợ viết thư hay như em. Song cũng rất buồn em ạ, vì  cậu ấy vừa bị thương mấy ngày hôm trước, cụt mất cả 2 cánh tay trong một lần đi làm nhiệm vụ, đơn vị chuyển về tuyến sau điều trị rồi.
          Thôi, thời gian không cho phép anh viết tiếp, vài phút nữa anh phải giao ban Tiểu Đoàn rồi, nên anh xin dừng bút tại đây, một lần nữa anh chúc em luôn luôn mạnh khỏe, lạc quan, yêu đời là anh mừng nhất. Qua thư này, em nhớ chuyển lời thăm hỏi ân cần nhất của anh, tới anh em họ hàng nội, ngoại, bà con thông gia, làng xóm, bạn bè gần xa của anh với nhé.
          Hôn em nhiều.                     
Hạ bút chờ thư em
Khe Sanh 1972
Anh của em
Nguyễn Thế Nam
          Quỳnh Hương đọc đi, đọc lại, phần vì thương nhớ chồng, phần thương nhớ cậu liên lạc năm xưa, không biết giờ ra sao? Đã vợ con gì chưa. Rồi chị dự tính, sẽ tìm gia đình cậu liên lạc, để ghé thăm một lần xem sao.
8
          Theo xe gia đình, đưa bà cụ vào bệnh viện, do mấy hôm nay cụ sốt cao. Quỳnh Hương lo lắng không biết bận này cụ có qua khỏi không? Nếu bà có làm sao, thì không biết mình sẽ đi về đâu đây. Nghĩ lại, ngày liều ra tìm việc làm nơi phố xá, Quỳnh Hương lại thấy ớn lạnh dọc cả sống lưng.
          Mười ngày trôi qua trong không khí nặng nề, của nỗi lo sợ, Quỳnh Hương gầy sút đi nhiều, ở bên bà cụ có đêm Quỳnh Hương thức trắng. Gia đình họ cho người đến thay, nhưng chị không chịu, Quỳnh Hương nói:
- Cháu quen rồi, không sao đâu, cháu chịu được mà.
Con gái cụ nghe vậy, lại càng thương Quỳnh Hương hơn, nên bảo:
- Cô hiểu cháu, nhưng nếu cứ cố mãi, rồi cháu ốm thì tính sao đây?
Quỳnh Hương đáp:
-         Cô  an tâm, cháu không ốm được đâu.
Trên giường bệnh, bà cụ thều thào:
-  Cháu ơi! Cháu hãy về nhà nghỉ ít hôm đi, cháu ở đây vất vả lắm rồi, bà cũng không an tâm điều trị đâu. Cháu thương bà thì cháu nghe lời bà nhé.
Đang nói thì bà cụ ho sặc sụa, Quỳnh Hương hốt hoảng liền chạy đi gọi bác sỹ cấp cứu nhưng không kịp, bà cụ đã trút hơi thở cuối cùng sau đó ít phút.
Đám tang bà cụ, Quỳnh Hương xin được đội khăn trắng, chị gào khóc thảm thiết, hơn cả những đứa cháu ruột, nhìn chị ai cũng thương, cũng quí.
Đợi đến 49 ngày cụ xong, Quỳnh Hương xin phép gia đình họ về quê. Họ thu xếp chu đáo mọi việc, tạo điều kiện tốt nhất để Quỳnh Hương đi lại thuận tiện. Chị cảm ơn tấm lòng tốt của gia đình bấy lâu nay, trước khi lên xe về Hà Nội, Quỳnh Hương khóc như một đứa trẻ.  Xe từ từ chuyển bánh, chị ngoảnh cổ lại vẫy tay tạm biệt mọi người.
Trên đường về nhà, Quỳnh Hương cứ suy nghĩ miên man, hết cái này sang cái khác, những câu nói chê trách, mỉa mai chị cứ hiện lên, mỗi lúc một nhiều, nào là gái sát chồng, nào là đồ gái không ra gì.v.v. Rồi Quỳnh Hương ôm chặt mái đầu, cứ thế khóc, ai hỏi gì Quỳnh Hương cũng không trả lời. Đột nhiên không hiểu sao, Quỳnh Hương lại sợ về quê.
Xe đang chạy trong đêm, dù chưa đến Thành phố Vinh, Quỳnh Hương bảo nhà xe:
- Nhà xe ơi! Cho em xuống đây.
Nhà xe bảo:
- Xuống đây là chỗ nào chứ, đoạn này vắng người, đêm lại khuya không xuống được.
- Hình như cô này về Thanh Chương, ông lái xe bảo vậy.
- Về Thanh Chương thì phải xuống bến xe chứ, còn lâu mới tới.
Quỳnh Hương im lặng không nói gì nữa, rồi cô ngủ gật gà, gật gù trên ghế xe.
 

9
Thành Vinh trời vừa hửng sáng, những giọt sương long lanh còn đọng lại trên những cành cây lấp la, lấp lánh, ngọn gió thu mơn man thổi nhẹ, người đi đường đã tấp nập ngược xuôi. Quỳnh Hương xách đồ ra khỏi bến xe, chị quyết định ở lại Thành phố Vinh tìm việc làm. Chị không dám về nhà, chị sợ, sợ lắm.
Những ngày một mình cô đơn, tâm hồn lạnh lẽo chị lang thang khắp ngõ hẻm để tìm việc làm, chị cảm thấy mệt mỏi và nhiều khi thấy vô vọng quá, cuộc đời chị không biết sẽ trôi nỗi như thế nào đây, những kỷ niệm xưa đôi khi cứ hiện về, len vào trong tâm trí chị, Quỳnh Hương đứng dựa vào gốc cây phượng già bên đường Huỳnh Thúc Kháng rồi bật khóc. Một vài cánh phượng nở muộn rơi rơi trước mặt Quỳnh Hương, có mấy cánh rời vương vào tóc, chị dơ 2 tay lên nhè nhẹ vuốt xuống, rồi úp vào mặt khóc tiêp.
Nhiều hôm Quỳnh hương đứng co ro trong quán lá góc chợ trú mưa, lòng chị nặng trĩu những lo âu. Ngày tháng cứ nặng nề trôi qua, để lại trong lòng chị nỗi nhớ 2 đứa con vô hạn. Đêm đêm, chị lại ôm chiếc gối, chị tưởng tượng ra những đứa con đang được chị ôm ấp trong vòng tay yêu thương, miệng chị cứ ru à ơi rồi ngủ thiếp lúc nào không biết, hàng ngày chị luôn luôn lo lắng cho các con, nhưng không biết phải làm sao, rồi chị cũng tự an ủi mình rằng: Chúng là những đứa cháu đích tôn, nên chắc chắn ông bà nội  chúng  sẽ chăm sóc chu đáo.
Thằng Nghĩa con chị chắc đã vào học lớp vỡ lòng rồi, càng nghĩ chị lại càng thương con nhiều, chị nghĩ từ nhà đến trường xa lắm, nó có đủ sức đi bộ không? Nhất là nhưng lức trời mưa, trời nắng không hiểu có ai đưa nó đi học không? Giá được chú họ nó đưa đi học thì tốt biết mấy, còn ông nội thì cũng đã có tuổi, xe đạp lại không dám đi, suốt ngày phải đưa cháu tới trường thì vất vả quá. Còn thằng Sơn không biết thế nào?, nó hay ốm vặt lắm, bệnh viện thì xa, may mà gần nhà có mấy ông thầy lang bốc thuốc giỏi lắm. Giờ này chắc các con cungc nhớ mẹ lắm, càng nghĩ chị lại càng thêm nẫu ruột hơn.
Nơi đô thành, Quỳnh Hương  lạc lõng như chim non xa tổ, trải qua quá nhiều đau khổ, biến cố cuộc đời nên Quỳnh Hương cũng có phần cứng cáp hơn. Chị hỏi thăm hết người này đến người nọ, đi hết chỗ này đến chỗ khác để tìm việc làm.
 Thời đó thành phố Vinh đang trên đà xây dựng, kinh tế đô thị cũng khá hơn nhiều, sau bao nhiêu năm chiến tranh tàn phá, bây giờ được xây dựng lại, đang từng ngày thay da, đổi thịt. Quỳnh Hương xin đi làm phụ hồ cho một cánh thợ xây, đa số là người từ Đô Lương xuống  làm nghề xây dựng. Chủ yếu là xây dựng các nhà ở của dân, còn các công trình lớn đa số là công ty nhà nước làm.
Không biết có phải ông trời sắp đặt số phận của chị hay không? Nhưng chỉ một thời gian ngắn, ở thành phố tìm việc làm chị lại gặp một người đàn ông khác, mặc dù chị đã 2 đời chồng và có 2 đứa con trai, nhưng  trông chị vẫn xinh đẹp như con gái mười chín đôi mươi. Cho dù chị chỉ ăn mặc rất bình thường, chỉ nhìn qua các bộ đồ lao động cũng không làm chị kém sắc đi, càng giản dị bao nhiêu trông chị càng đẹp bấy nhiêu.
Người này hơn chị 5 tuổi, đã có một đời vợ, nhưng vợ anh đã mất sau một trận bom của giặc Mỹ đánh vào Thành phố Vinh, quê hương anh. Anh lại là thương binh, cụt 1 cánh tay trái, giáo viên dạy Lịch sử  cấp 3 và đang nuôi một con gái 8 tuổi.
Cái may mắn đó là do Quỳnh Hương làm phụ hồ cho nhóm thợ xây dựng, xây nhà cho một thầy giáo cùng trường với nhau, nên đã giới thiệu cho Quỳnh Hương. Qua quá trình tìm hiểu, chị cũng đồng cảm và thương anh, cảnh gà trống nuôi con, rồi chị đồng ý làm vợ anh. Hạnh phúc một lần nữa lại mỉm cười với chị, chị hết mực yêu thương và chăm sóc chồng con, có Lan đứa con gái riêng của chồng cùng tuổi với con cả của chị, nên chị rất vui và nỗi nhớ con cũng nguôi ngoai dần, chị yêu thương con của anh như chính con mình đẻ ra. Giáo viên cùng trường nơi chồng chị dạy học, ai cũng tấm tắc khen ngợi anh chị hợp duyên, hợp số. Một năm sau đó, chị lại sinh cho anh một cháu trai. Gia đình, anh em nội ngoại nhà chồng rất vui mừng và hạnh phúc ngập tràn trong gian nhà cấp bốn nho nhỏ, khu tập thể giáo viên. Họ hết mực chăm sóc, yêu thương mẹ con chị.
 
10
Số đã khổ thì đi đâu cũng khổ, thật không sai:
 “Họa vô đơn chí - Phúc bất trùng lai”.
 Niềm vui đến với chị chưa được bao lâu, một sự thật nghiệt ngã lại một lần nữa đến với chị.
Buổi sáng, chị đi chợ để mua một số hoa quả, bánh kẹo về sinh nhật lần thứ 2 của con trai Đỗ Thành Vinh, thì bất ngờ vết thương trên đầu chồng chị tái phát, chiều hôm đó chị khăn gói đưa anh lên bệnh viện Quân y 4, từ nhà đến bệnh viện khoảng 20 ki lô mét, một mình chị chạy đi, chạy lại  rất vất vả, thời buổi  mới kết thúc chiến tranh, xe cộ đi lại cũng hiếm hoi, có lần hỏng xe đạp, chị phải đi bộ hơn 20 km để đến bệnh viện chăm sóc chồng.
 Vết thương của anh mỗi ngày một nặng hơn, chị lo lắng quá nên cứ cầu trời, khấn phật, mong cho anh sớm bình phục. Người chị hốc hác, tiều tụy, mái tóc  bù xù, chẳng khác gì một người điên, anh em, bạn bè đồng nghiệp của chồng chị cũng tích cực giúp đỡ chị về mọi mặt, nhất là 2 đứa con, song cũng không sao bù đắp được khó khăn, vất vả mà chị đang phải hứng chịu.
 Chồng chị vẫn mê man trên giường bệnh,  hơn một tháng nay, Quỳnh Hương vẫn luôn luôn túc trực chăm sóc cho chồng, mong anh chóng bình phục, dù phải hy sinh cả cuộc đời này Quỳnh Hương cũng không thể nào đền đáp lại công ơn và tấm lòng cao quí của anh, cũng như gia đình anh đã dành cho mình. Nhưng chồng chị không thể nào khỏe lại được; những giọt lệ hữu tình từ trong khóe mắt Quỳnh Hương rơi xuống má anh, Quỳnh Hương khẽ gọi “anh Hùng ơi, anh Hùng”, Hùng mở mắt nhìn Quỳnh Hương, nhưng vẫn không hề biết gì và lại mê man như cũ; Quỳnh Hương buồn rười rượi, rồi Quỳnh Hường ngồi xích lại gần anh, Quỳnh Hương muốn thấu hiểu nỗi lòng của chồng.
Chị bác sỹ nhẹ nhàng đặt tai nghe vào ngực Hùng. Quỳnh Hương hồi hộp chờ đợi.
-         Chị đã ăn uống gì chưa? Bác sỹ hỏi.
Quỳnh Hương lúng túng đáp:
- Em ăn rồi bác sỹ ạ, chồng em có làm sao không? Bác sỹ cứu chồng em với.
-         Chị an tâm đi, anh ấy sẽ khỏi .
Quỳnh Hương hỏi lại:
-         Thưa bác sỹ, bác sỹ không nói dối chứ.
Rồi Quỳnh Hương nhè nhẹ kéo chăn đắp cho chồng, nhìn bác sỹ đi ra khỏi phòng, bác sỹ chào Quỳnh Hương, rồi nhìn bệnh nhân một cách yếu đuối, khác với đôi mắt thường ngày và nói:
- Chị cứ yên tâm, tôi sẽ cố gắng chữa trị cho anh, anh sẽ chóng khỏi.
Mỗi lần dìu chồng đi tiêm, chị lại rớt nước mắt, đôi lúc nhìn anh dơ hai cùi tay, đỡ cốc nước để uống cũng khó khăn, chị thương anh vô cùng. Đôi mắt anh đỏ hoe, có lẽ anh thương chị nhiều lắm, nên cũng khóc hoài.
Hôm nào hơi đỡ mệt anh lại động viên chị, anh kể cho chị nghe những kỷ niệm của thời thơ ấu, kỷ niệm của thời học sinh, bao lần sơ tán…; ngày anh tốt nghiệp Đại học Vinh, trái tim anh đã nghe theo tiếng gọi, thiêng liêng của Tổ Quốc, nên anh tình nguyện lên đường chiến đấu, anh kể tỷ mỉ từng li, từng tí cho chị nghe, anh động viên chị cố gắng vượt qua, có nhiều câu như là anh đang nói gở chị phải đưa tay che miệng anh lại.
Rồi chị nói:
- Anh cứ an tâm điều trị, đừng lo nhiều cho em và các con, mà ảnh hưởng tới sức khỏe. Ở nhà các thầy cô trong trường giúp đỡ nhiều lắm, các em học sinh thay nhau đến ngủ cùng các con.
Bệnh tình của Hùng ngày càng trầm trọng,  căn bệnh đã bước sang giai đoạn cuối, ngoài vết thương ở đầu, anh còn thêm chứng phổi phù thũng do hít phải khí độc đạn bom, lại còn hở van tim 2 lá,  ngày càng nguy hiểm đến cơ thể. Từ khi Hùng bị sốt cao triền miên, Quỳnh Hương đã khóc nhiều, nhiều lắm, mỗi lần ra khỏi phòng bệnh Quỳnh Hương ra ghế đá ngồi một mình và cứ khóc mãi, khóc mãi, vẻ mặt buồn rầu, ủ rũ. Quỳnh Hương muốn nói thật nhiều cho Hùng biết rằng Quỳnh Hương yêu thương anh  nhiều lắm, yêu anh hơn chính cả bản thân mình, Quỳnh Hương sẵn sàng đổi lấy tất cả những gì mình có để cứu anh.
Nhiều hôm chị lần giở cuốn nhật ký chiến trường của anh ra đọc, chị đọc to cho chồng  và mọi người trong phòng cùng nghe, anh ghi lại chi tiết các trận đánh ác liệt, trận nào những ai hy sinh, những ai bị thương, rồi những dòng lưu bút của các đồng đội, chị đọc cho anh nghe một đoạn anh trích trong bàì thơ “ Hoa chanh” của nhà thơ Nguyên Bao mà anh ghi trong cuốn nhật ký, gửi về cho người vợ trước:
“…
Tám năm xa gốc chanh 
Giàn trầu, cầu ao vắng bóng 
Anh nhớ ngày đi, 
Hai đứa nhìn nhau yên lặng 
Chúng mình chưa hẹn một lời! 
Dặm đường hành quân 
Những chiến dịch dài 
Nỗi nhớ quê nhà 
Giục chân bước gấp 
Tiếng em thầm thì ngày đêm vẫn nhắc: 
Khi Tổ quốc cần 

Chúng mình biết hi sinh! 
- Giữ lấy cầu ao 
Giữ lấy gốc chanh, 
Giữ lấy giàn trầu 
Giữ xanh mái tóc! 
Hôm nay trở về, một chân anh mất 
Nhưng quê hương tất cả hãy còn…”
Bất chợt chị nhìn anh rơm rớm nước mắt chị lại thôi.
Một buổi sáng chị tranh thủ về nhà lấy thêm một số thứ cần thiết, để vào chăm anh. Mặt hồ gợn sóng lăn tăn như vạc dầu sôi, Chị lướt nhanh về phía mặt trời vừa thức dậy. Quỳnh hương nhìn lại bóng hình mình sao mà nhếch nhác thế. Chị rùng mình một cái, bước qua vũng nước mưa đêm qua. Quỳnh Hương cố hết sức đi thật nhanh về nhà, có lẽ giờ này các con đã đi học cả.
Thân hình trước kia duyên dáng bao nhiêu thì bây giờ chị ủ rũ bấy nhiêu, suốt ngày quẩn quanh trong bệnh viện. Chị vẫn luôn luôn chăm sóc cho chồng mong được chóng bình phục. Nhưng Hùng chồng chị ngày một yếu đi, mảnh đạn quái ác trong đầu hành hạ anh đến cùng cực. Chăm sóc anh được gần 2 tháng thì một lần nữa số phận nghiệt ngã, cay đắng, lại đến với chị. Chồng chị trước lúc ra đi chỉ biết cầm tay chị, nhìn chị bằng hai dòng nước mắt, lắp bắp như đang nói lời cảm ơn vợ, sau khi trút hơi thở cuối cùng mà đôi mắt vẫn chằm chằm nhìn chị, Quỳnh Hương từ từ đưa tay lên, khẽ vuốt mắt cho anh, rồi chị ngất đi không biết gì nữa. Người ta đưa chị vào phòng cấp cứu, Quỳnh Hương lúc tỉnh, lúc mê, miệng luôn gào thét, đôi tay chị cào cấu  lung tung,  mười đầu ngón tay bầm tím đến chảy máu, bệnh viện phải dùng tới thuốc an thần, để cho chị ngủ. Gia đình anh cùng hội đồng nhà trường nơi anh dạy học, kết hợp với các tổ chức ban ngành đoàn thế của địa phương và bệnh viện đã cùng lo liệu thủ tục mai táng cho anh.
Mai táng anh xong, chị trở lại nhà, trong lòng nặng trĩu những lo âu, khắc khoải, rồi đây chị sẽ sống ra sao? Khi lần lượt 3 người đàn ông, đến với chị đều từ bỏ chị đi trước, chị hận bản thân mình, hận cái hồng nhan bạc phận này; nhiều khi muốn kết liễu mình cho xong một cuộc đời bất hạnh, nhưng chị lại thương các con nhiều, nên chị cố gắng, vượt lên đau khổ để tiếp tục chống chọi với cuộc sống, với số phận. Trong gian nhà tập thể cấp 4 đơn sơ, khói hương thờ chồng luôn nghi ngút, ngày nào chị cũng thắp nhang cho chồng.
Trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống, chị quá mệt mỏi với số phận long đong, nghiệt ngã cứ bám riết cuộc đời chị. Nhưng sắc đẹp của Quỳnh Hương vẫn không bị phai tàn đi, chị càng xinh đẹp bao nhiêu, chị càng cảm thấy khổ sở bấy nhiêu, tiếng đàm tiếu  gái sát chồng, đối với chị lại một lần nữa được nhân lên, cũng may chị ở khu tập thể giáo viên nên các thầy cô rất hiểu và thông cảm cho chị, họ thường qua lại động viên, an ủi chị. Phần nào chị cũng đỡ chán nản mà cố gắng khắc phục khó khăn để nuôi dạy, chăm sóc các con; hai đứa con ngày một lớn khôn khỏe mạnh, dần dần chị cũng bình tâm trở lại với cuộc sống, hòa mình vào trong xã hội đầy phức tạp, chị đã tự  vượt lên chính mình.
Dù đã qua 3 lần chồng và đã có 3 đứa con trai, nhưng chị vẫn xinh đẹp như thời con gái; mới ngoài 30 tuổi nên nét duyên thầm của chị vẫn làm bao chàng trai si mê  và mơ ước được lấy làm vợ. Có nhiều người phải lòng mà luôn tìm đến chị, họ động viên an ủi và tình nguyện chăm sóc mẹ con chị, nhưng Quỳnh Hương luôn luôn  tìm cách từ chối khéo.
Gia đình chồng rất yêu thương chị, họ nghĩ Quỳnh Hương còn rất trẻ, lại xinh đẹp, chắc trước sau gì chị cũng lại đi một bước nữa, nên bố mẹ và gia đình chú em, chủ động  bàn với chị hãy để các con cho chú mự nuôi hộ, vì chú mự cưới vợ đã 10 năm, song vợ chồng chú mự  không có con, họ nói. Muốn tạo điều kiện để chị có cơ hội xây dựng hạnh phúc riêng cho mình. Nghe vậy lòng chị đau như dao cắt, lần này chị kiên quyết không chịu, bao đêm chị trằn trọc không sao ngủ được, chị nghĩ nếu lần này phải xa các con, thì chị không thể nào mà tiếp tục cuộc sống trên đời này được nữa, càng nghĩ chị càng hận cho số phận trớ trêu của mình.
Nhất là cái Lan con gái anh ngày nào cũng thawpc hương cho bố mẹ, nó đứng trước ban thờ rất lâu ngắm ảnh qua làn hương khói, chị nhìn nó mà nước mắt cứ giàn dụa, chị thương Lan vô cùng, mới chục tuổi đầu mà đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, ông trời bất công quá, chị nghĩ nếu như không có chiến tranh, không ai phải hy sinh cả, thì giờ này chị đã khác, số phận chị có lẽ sinh ra để làm vợ lính hay sao?, ba lần lấy chồng đều là bộ đội thì cả ba người đã bỏ chị đi trước, để lại trên đời này một mình chị và mấy đứa con bơ vơ, lạc lõng giữa thế gian này, để chị phải gánh chị những cùng cực đau khổ, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu với bản án gái sát chồng, nó đã dày vò lương tâm chị, những cơn đau như ai bóp chặt trái tim mình, như ai dằm nát  bộ óc mình ra, nhiều khi như ai đưa tay móc đôi mắt chị ra… thật là cay nghiệt.
Với bản tính hiền lành, thật thà chất phác, nên những ngày tháng chị sống hạnh phúc bên người chồng mới, chị không ngần ngại kể hết sự tình của mình với mọi người, tất cả những gì trước đây chị phải hứng chịu, hy vọng mọi người hiểu và thông cảm cho cho chị.
Chính những điều mà chị đã nói ra giờ đây, không hiểu từ đâu mà những lời đàm tiếu về người con gái sát chồng mỗi ngày một nhiều hơn, những câu nói đó cứ ám ảnh chị, chị khốn khổ vô cùng, ra đường thì trẻ con, người lớn đâu đâu cũng dè bỉu chị, xa lánh chị. Đúng là bất công, là vô nhân đạo.
Có người còn chỉ vào mặt Quỳnh Hương nói rằng:
- Con mụ đàn bà sát chồng kia, tránh ra xa chỗ này đi.
- Đồ thối tha, tiếng của đứa nhỏ tầm tuổi con chị nói tiếp theo.
Quỳnh Hương cảm thấy quá tủi nhục, mà chỉ biết nuốt hận vào trong.
Nhưng rồi Quỳnh Hương cũng có phần nào được các thầy cô giáo cùng trường, nơi chồng chị công tác nhiệt tình giúp đỡ, an ủi động viên ba mẹ con chị, khuyên bảo chị không nên chấp những lời lẽ thô thiển thiếu văn hóa của những người vô học.
Rồi chị cố gắng gượng ở đến ngày đoạn tang người chồng thứ ba.
Cuộc sống 3 mẹ con chị trải qua những tháng ngày gian nan vất vả, nhưng chị thương đứa con riêng của chồng lắm, cái Lan mới mấy tuổi đầu mà đã mồ côi cả bố lẫn mẹ, nên chị muốn được bù đắp cho nó nhiều hơn.

11
 Bao đêm chị trằn trọc không ngủ, chị nghĩ rồi đây mình sẽ đi đâu, về đâu, chị muốn đưa con đi thật xa, đến một chân trời nào đó xa lạ để 3 mẹ con sinh  sống. Tránh xa tất cả mọi ưu phiền của cuộc đời mà chị cho nó là hẩm hiu.
Một giấc chiêm bao đã đưa chị tới miền đất cố đô Huế thơ mộng, nơi mà nhà Vua Lê Thánh Tông có lẽ là người đầu tiên nói đến địa danh Huế trong bài văn nôm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn”. Trong đó có câu: "Hương kỳ nam, vảy đồi mồi, búi an tức, bì hồ tiêu, thau Lào, thóc Huế, thuyền tám tầm chở đã vạy then” Hình ảnh Huế thơ mộng cứ hiện lên rõ nét trong đầu, chị đi qua cầu Trường Tiền ngắm dòng sông Hương dưới ánh điện sáng lung linh tuyệt đẹp, dừng chân thăm Đại Nội, nghe nhã nhạc Cung Đình Huế, chị về chùa Thiên Mụ bên bờ sông Hương núi Ngự yên bình, nghe những giọng hò Huế yêu thương; rồi chị đi thăm lăng Khải Định, đền thờ Huyền Trân Công Chúa, chị đang được thưởng thức bánh Huế cay cay, bỗng có tiếng động mạnh của lũ chuột đói tìm thức ăn ở góc bếp làm chị giật mình tỉnh giấc, sau đó chị cố nhắm nghiền mắt lại, như muốn thưởng thức xong món bánh Huế, nhưng không  tài nào chị tiếp tục giấc chiêm bao nữa.
Mấy ngày sao đó chị ao ước được đến Huế, chị nghĩ chỉ có Huế là nơi có thể giúp mẹ con chị sinh sống yên lành nhất, song để thực hiện được chuyến đi là cả một vấn đề, xoay xở mãi và cuối cùng chị quyết định đưa cả 2 đứa con đi vào Huế; để xây dựng cuộc sống mới.
Gian nhà cấp 4 của người chồng thứ ba chị phải trả lại cho nhà trường, đồ đạc trong nhà không có cái gì đáng giá, chỉ có cái tủ sách của chồng chị để lại là thứ quí nhất, chị không nỡ bán nó đi, nên báo lại với gia đình chồng để họ chuyển về nhà bố mẹ.
 Biết được chị có ý định đưa con đi, gia đình nhà chồng hết sức khuyên ngăn chị không được đưa 2 đứa con đi theo, họ động viên chị, bàn với chị để cho chú mự nhận con về chăm sóc, chứ chị đi với 2 bàn tay trắng thêm 2 đứa con nhỏ, vào thành phố xa lạ, đất khách quê người thì làm sao đây. Họ càng phân tích chị càng lo sợ, chị như đứng giữa ngả năm đường cái  mà không biết chọn ngả nào để bước đi. Chị thương các con, nhưng cũng đành lòng phó mặc cho số phận của mình.
Ngày chia tay các con, chị lên tàu vào Huế, hai đứa con chị cứ ôm lấy chân không cho chị đi, ba mẹ con ôm nhau khóc nức nở; chị cố trấn tĩnh lại và bảo các con hãy ở với chú mự, để có cơ hội ăn học nên người; các con hãy ngoan ngoãn nghe lời ông bà, chú mự, mẹ không có đủ khả năng để nuôi dạy các con cho đến lúc thành đạt được. Các con  hãy tha thứ cho mẹ, mẹ đi đây, và mẹ hứa là mẹ sẽ quay trở về thăm các con.
Chị buông tay các con và chạy một mạch về hướng bến xe vinh mặc cho các con gào thét chạy theo sau. Chị đau khổ đến tột cùng, nhưng cuộc sống của chị như ông trời đã định liệu, chị như người vô hồn, không biết rồi cuộc đời sẽ trôi nổi đến đâu đây, chị muốn đi thật xa, thật xa để tránh những lời đàm tiếu, sỉ nhục chị của những người xung quanh.
Không có cái đau khổ nào hơn khi ba lần chồng, ba đứa con trai mà bây giờ trong tay chị không có đứa con nào cả. Chị vô cùng đau xót, nhiều lúc chị tự an ủi số phận hẩm hiu của mình. Có lúc chị lại nghĩ, nếu bây giờ chị có các đứa con bên cạnh liệu mình có nuôi nổi các con không, ở cái thời bao cấp này, cuộc sống nhờ vào tem phiếu, chị biết xoay xở thế nào đây? Vả lại chị không có nghề nghiệp ổn định, như vậy các con chị lại càng khổ hơn. Rồi đôi khi chị nghĩ,  ba đứa con mình lại đều là ba đứa cháu đích tôn của ba dòng họ, chắc chắn người ta sẽ chăm sóc chu đáo và sẽ được học hành tử tế nên người, tự dưng chị lại cảm thấy an lòng.
 
Chương 4
12
Thành Vinh, nơi chị dừng chân bao nhiêu năm, đã phần nào gắn bó với cuộc đời chị, tuy thời gian chưa được bao lâu. Nhưng những tình cảm chị dành cho chồng và các con, cùng bà con lối xóm, các thầy cô giáo cùng trường chồng, thật là đáng trân trọng biết bao.
 Hôm nay, một buổi sáng mùa Thu, gió heo may đang mơn man, trên những cành lá dọc hai bên đường. Quỳnh Hương đứng ngắm những ngôi nhà tầng sừng sững, không nỡ bước đi. Đâu đó tiếng chích chòe hót vang chào buổi sáng, tay xách chiếc va li nhỏ, Quỳnh Hương chạy một đoạn dài khi khuất bóng các con, chị miễn cưỡng lê từng bước một đi ra bến xe. Trong lòng ngổn ngang bao suy nghĩ miên man, đầu óc chị quay cuồng, đôi mắt hoa cả lên.
Lên xe xong, bỗng dưng chị nghĩ mình mang cái tên vần ương mà cha mẹ đặt cho, có lẽ nó đã làm cho mình quá là khổ sở, Quỳnh Hương cảm thấy chán ghét nó, rồi chị nghĩ mình phải cải một cái tên mới. Nghĩ là làm, dọc đường đi Quỳnh Hương nghĩ ra rất nhiều tên hay, tên đẹp, nhưng chị không dám quyết một cái tên nào, Quỳnh Hương lại nghĩ tên đẹp chưa chắc đã là may mắn, cần cái tên xấu xấu, nhưng may mắn là được, rồi Quỳnh Hương lại nghĩ, tên xấu liệu vào thành phố có ai người ta thuê không? Họ sợ tên xấu bị xúi quẩy thì làm sao, càng nghĩ chị càng lúng túng, quả là khó thật. Thôi thì đặt một cái tên theo cây cỏ gì đó, Quỳnh Hương nghĩ vậy, rồi những cái tên mới lại hiện lên trong đầu óc chị.
 Xe dừng lại một cái quán bên đường, trên cửa ngõ vào Đồng Hới. Chị nhớ tới người mẹ Suốt, ngày đêm chèo đò  trên dòng sông Nhật Lệ, chị nhớ tới những người lính hy sinh trên bến phà Long Đại, chị nhớ như in lời kể của chồng về những trận đánh ở Thừa Thiên Huế. Quỳnh Hương ôm mặt khóc nức nở. Mọi người ăn cơm, uống nước, mua quà, chỉ mình Hương ngồi đó, không ăn, không uống gì, đến lúc này chị vẫn chưa nghĩ ra được cái tên mới, lòng chị rối bời, đầu óc cứ mông lung khó tả.
Xe tiếp tục lăn bánh, ngồi trên xe mắt dõi qua cửa sổ, những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, như những giải lụa bồng bềnh lượn sóng, Tự nhiên, Quỳnh Hương nhớ quê hương da diết, nhớ cha mẹ, nhớ con, nhớ anh em họ hàng bà con lối xóm, nhớ thầy cô, bạn bè…, chị nghĩ có lẽ giờ này các con của chị đang ngồi trong lớp học, nghe cô giáo giảng bài. Bỗng dưng chị chợt nghĩ ra một cái tên, mà theo chị vừa hay vừa có ý nghĩa, tên của cô giáo chủ nhiệm hồi học cấp 3: Thanh  Thảo.
Tự nhiên chị reo lên:
- Đúng rồi, từ nay tên của mình sẽ là: Thanh Thảo
Thế nhé, Thanh Thảo ơi! Hãy đem lại may mắn cho ta nhé. Cô giáo ơi, cho em mượn tên cô nhé. Quỳnh Hương mừng thầm trong bụng.
Đến thành phố Huế, Thanh Thảo dừng chân đầu cầu Trường Tiền, trời cũng vừa chập tối, ánh điện sáng lung linh, chao ôi đẹp quá, Huế thơ mộng thật, đây là lần đầu tiên Thanh Thảo được đến Huế, lòng bâng khuâng lạ thường đi dọc bờ sông, chợ đêm bắt đầu họp, những ngọn đèn ở các sạp hàng xanh đỏ đủ màu, dọc bờ sông Hương nhộn nhịp hẳn lên, những dòng người đổ về mỗi lúc một đông, du thuyền bắt đầu hoạt động, những cô gái áo dài bước xuống thuyền, những giọng nói nhỏ nhẹ, dễ thương, nghe sao ấm áp vô cùng, tiếng sáo, giọng hò bắt đầu vang lên, cả một khúc sông náo nhiệt. Thanh Thảo chầm chậm bước đi một mình không thấy chán, đêm về khuya mọi người ra về dần, chị cảm thấy lạc lõng, hẫng hụt. Chị chưa tìm được chỗ ngủ bởi mải mê với bờ sông Hương, chị quên mất là mình mới đến, chị cứ ngỡ như đã ở đây từ lâu nên quên tìm chỗ nghỉ. Trong lòng lo lắng vô cùng, đêm càng khuya, chị càng lo. Mệt quá Thanh Thảo ngồi bệt xuống vệ đường, mùi thơm hoa cỏ dại man mác, phảng phất quanh chị, dựa vào va li quần áo, suy nghĩ mông lung, rồi chị thiếp đi cho đến sáng.
Mấy bà ở khu phố gần đó, sáng nào cũng đi bộ tập thể dục. Hôm nay họ bất ngờ nhìn thấy một cô gái xinh đẹp đang ngủ ngon lành trên vệ cỏ, hốt hoảng quá, có người hô to:
-         Lại mà xem có ai đang nằm đây này!
Mấy người xúm lại xem, họ đưa tay lên mũi, thấy chị vẫn thở đều đặn, có người nói:
- Chắc cô này mới ở đâu đến, đi đến đây mệt quá nên nằm ngủ tại đây, gọi cô dậy đi xem sao.
Thấy người đông ồn ào chị tỉnh dậy, Thanh Thảo lễ phép:
- Cháu chào các bác, các cô ạ, cháu là Thanh Thảo, cháu vừa ở Nghệ An vào hôm qua.
Một cụ lớn tuổi hỏi:
- Thế cháu vào đây thăm ai hay đi tìm việc làm?
Thanh thảo trả lời;
- Cháu đi tìm việc làm bác ạ. Cháu mong các bác, các cô giúp đỡ.
Bỗng có tiếng một người mới đến xen vào:
-À, cô này cùng chuyến xe với tôi hôm qua, thảo nào cả một chặng đường dài, nhìn cô ta buồn rầu, không nói chuyện cùng ai, không thấy ăn uống gì, có lẽ có uẩn khúc gì đây?
          Thanh Thảo ôm mặt, cúi xuống khóc nức nở, chị vừa khóc vừa kể lại sự tình cuộc đời mình cho mọi người nghe.
Một chị đứng gần nói:
Thương cho thân phận của chị quá, thôi cứ đưa chị ấy về nhà bác Hòa, hội trưởng hội phụ nữ trước. Mọi chuyện tính sau, sao trên đời này lại có người khổ đến như vậy.
Đúng là quãng thời gian đã qua, chị đã phải chịu đựng quá nhiều đau khổ mà người đời không ai có thể tưởng tượng nổi. Nghe chị kể về mình, có người ngồi khóc thút thít.
Bác Hội trưởng hội phụ nữ thương cho số phận bất hạnh của chị nên hứa tìm cho chị một việc làm.
- Thôi cháu an tâm đi, ở tạm nhà bác vài hôm, ổn định tinh thần, rồi bác tìm việc làm cho nhé.
Thanh Thảo vui mừng
- Cháu cảm ơn bác trước ạ, việc gì cháu cũng làm được, cháu hứa không làm ảnh hưởng tới bác đâu.
- Có gì đâu cháu, bác cũng là phụ nữ, bác hiểu mà, bà hội trưởng phụ nữ nói vậy.
Thanh Thảo lễ phép:
-         Cháu cảm ơn bác nhiều.

13
Ngày chị đến một gia đình có anh thương binh cụt cả hai cánh tay, gia đình người ta thấy chị xinh đẹp, hiền lành, thật thà, nết na và rất siêng năng trong mọi công việc, nên họ có nhã ý nhờ chị ở lại giúp việc nội trợ cho gia đình và chăm sóc anh thương binh. Chị cảm thông với hoàn cảnh của anh và đồng ý ở lại. Anh ấy sau khi bị thương lưu lạc trong rừng được người dân cưu mang chăm sóc, đơn vị báo tử anh, nên người vợ đầu của anh cũng đã đi lấy chồng khác, khi anh trở về thì vợ đã có 2 đứa con, gia đình người vợ cũ cũng ở gần đó và thường xuyên qua lại chăm sóc anh.
Nhiều đêm chị lại nghĩ, nếu một trong 2 người chồng của mình cũng quay về như anh đây thì làm sao nhỉ? nhều khi Thanh Thảo cứ đinh ninh rằng chồng mình chưa thể chết, anh ấy không bao giờ bỏ mình đâu, bao lần Thanh Thảo định về quê xem sao, nhưng lại sợ, thời gian như thoi đưa, tất cả cứ trôi vào dĩ vãng, rồi Thanh Thảo cũng quên dần đi, bị cuốn hút vào trong cuộc sống mới ồn ào nơi phố xá, công việc quần quật suốt ngày, không còn thời gian suy nghĩ nữa.
Một hôm anh thương binh bảo mẹ lần giở ba lô cho anh xem, những bức hình chụp chung cùng đồng đội, những bức hình bạn bè tặng anh, bất ngờ anh dừng lại trước bức hình của thủ trưởng cũ, hình ảnh người vợ của thủ trưởng sao giống người đang giúp việc ở đây quá, nhưng cái tên ghi phía sau là Quỳnh Hương nên chắc không phải, chẳng lẽ lại là chị em sinh đôi, anh hồi hộp quá, không biết phải bắt đâu từ đâu để hỏi chị. Anh dấu tấm ảnh dưới gối và thổn thức bao đêm, hình ảnh người thủ trưởng cứ hiện về trong mơ, những lời nói, những lời căn dặn của thủ trưởng cứ vang lên trong đầu anh. Rồi cuối cùng, anh cũng đưa bức ảnh đó ra và hỏi chị, vừa nhìn thấy ảnh chị đã khóc nức nở, Thanh Thảo bảo với anh đây là ảnh vợ chồng em, làm sao anh có được.
Anh nhỏ nhẹ nói rằng:
- Đây là ảnh của thủ trưởng cũ của anh và người chụp chung là vợ thủ trưởng. Quê anh tận Tuyên Quang. Sao lại là em được, em là Thanh Thảo cơ mà.
Thanh Thảo vừa khóc vừa nói:
- Anh ơi, em tên thật là Quỳnh Hương, chứng minh thư đây này, còn Thanh Thảo là cái tên em vừa mượn, của cô giáo chủ nhiệm ngày xưa, trước khi em đặt chân đến Huế. Cái tên Quỳnh Hương làm cho em quá đau khổ rồi, nên vào đây em quyết định đổi tên mới, mong gặp điều tốt lành trong cuộc sống.
 Anh động viên, an ủi mãi chị mới bình tĩnh trở lại, gia đình anh  biết chuyện nên càng thương yêu chị, và luôn động viên chị nhiều hơn.
Anh kể cho Thanh Thảo nghe về trận đánh mà anh đã bị thương nặng. Hôm đó, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng gay go, ác liệt. Bên cạnh chiến hào những đồng đội của anh chiến đấu vô cùng dũng cảm, dưới ánh nắng gay gắt, ăn tạm miếng lương khô vớ được dưới hấm, còn lạo sạo cát, bộ phận nuôi quân bị trúng đạn pháo nên phải di chuyển lùi về phía sau, nước uống cũng khô cạn, khát nước đến khô cả cuống học, có lúc anh phải liếm từng giọt mồ hôi trên tay, để khống chế cơn khát. Mặc dù vậy, nhưng không ai rời tay súng, cuộc đấu súng hôm đó đã có vài đồng đội hy sinh, quân địch cũng trong tình trạng đó, rồi tiếng súng cũng ngớt dần đi, bất ngờ thấy quân địch tháo chạy rút lui, quân ta thừa thắng tiến lên tiêu diệt, không ngờ chúng rút quân và gọi pháo bắn cứu trợ, trên đường tiến quân anh đã bị trúng đạn pháo, nằm vật xuống đất anh gào thét lên, thằng Kiên người Nam Định chạy lại băng bó cho anh, rồi cõng anh quay lại tuyến sau, nó người nhỏ bé, không hiểu sao hôm đó nó cứ cõng anh chạy băng băng, vừa chạy nó vừa động viên anh. Uỳnh một cái, nó bị thương ở chân trái, anh bị thương tiếp trên đầu. Sau này Kiên về tìm đến nhà kể lại với gia đình là lúc đó Kiên bị thương nhưng vẫn tỉnh táo, tự băng bó cho mình xong, nhìn sang anh thì anh đã ngất lịm đi, Kiên nghĩ rằng anh đã chết, nó cố kéo anh đi nhưng không kéo nổi đành để anh lại và phủ lên mình anh một cành lá, nó cứ bảo với gia đình là ân hận vị không cứu được anh, không thể nào chôn anh tử tế được. Hôm đó, Kiên móc vội cái ví của anh giữ lại để mang về, những đồng bạc lẻ, những tấm ảnh Kiên mang về giao cho gia đình đầy đủ cả. Còn anh sau khi tỉnh lại thì đã nằm trong nhà thương của địch. Anh được bệnh viện của địch điều trị khỏi hẳn, sau khi khỏi chúng mới lấy lời khai, chúng dụ dỗ anh đủ kiểu, nhưng vì danh dự người quân nhân, anh nhớ như in 10 lời thế danh dự của quân nhân, anh kiên quyết không khai báo, mặc chúng đánh đập, tra tấn tàn nhẫn, một thời gian sau chúng thấy anh bị thương nặng, chúng nghĩ anh bị mất trí, nên đưa anh vào trại tập trung sau đó anh được trao trả tù bình và về nhà.
Rồi từ đó Thanh Thảo tình nguyện ở lại chăm sóc anh mà không lấy tiền công, chị thầm nghĩ ông trời lại một lần nữa giúp chị. Anh kể cho chị nghe về trận đánh cuối cùng mà anh và thủ trưởng cũ là chồng chị cùng tham gia chiến đấu, hỏa lực của địch quá mạnh, quân ta thất thế rút lui và rồi thất lạc nhau từ đó, không biết ai mất ai còn. Anh bị thương và bị quân địch bắt làm tù binh, anh được bệnh viện của bọn Ngụy quyền chữa trị lành vết thương, là một lính quèn nên họ trao trả anh trở về, không một giấy tờ tùy thân. Đơn vị báo tử anh là vì vậy. Những kỷ vật đển tại đơn vị trước khi vào trận đánh, cũng được đồng đội anh mang về cho gia đình anh sau ngày giải phóng. Chính anh là người công vụ cho chồng chị, thay người công vụ quê Hà Tĩnh đã  bị thương.
Anh cho chị xem những dòng lưu niệm viết trong cuốn nhật ký chiến trường năm xưa, mà anh luôn nâng niu, gìn giữ như một báu vật, chị đọc được những dòng lưu niệm của những người bại chiến đấu, cùng chia bom, sẻ đạn, cùng vào sinh ra tử có nhau:
Anh Thắng ơi!
 Chẳng còn bao nhiêu nữa, là anh em mình phải xa nhau, xa nhau thật rồi anh nhỉ. Anh chuyển đơn đơn vị sang CamPuChia nước bạn, em vẫn ở lại tuyến lửa công tác.  Em vừa quen anh chưa được bao lâu mà bây giờ lại phải xa anh, những ngày em quen anh, em cảm thấy như được sống với người anh trai thực sự, anh đã luôn ở bên em, gần gũi giúp đỡ, bảo ban em và dạy dỗ em.
Anh ơi! Sống cùng cảnh ngộ thì anh em mình mới thấu hiểu nỗi lòng của nhau anh nhỉ. Những kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời lính mà em không bao giờ quên được.
 Anh Thắng này!  Xa anh chắc chắn là  em rất nhớ và nhớ mãi không bao giờ quên được người anh mẫu mực, những điều hay lẽ phải anh đã dạy bảo em trong những ngày xa cha mẹ, xa quê hương làng xóm. Những ngày mới đến sống ở tập thể em hoàn toàn bỡ ngỡ, may là có anh và chính trị viên Đại đội giúp đỡ, không thì em không thể hoàn thành nhiệm vụ được.
Anh Thắng! Mai anh đi rồi, thì ai là người giúp đỡ em đây, ai là người nhiệt tình dạy bảo em trong những ngày không có anh bên cạnh. Chia tay anh em chẳng nói được nên lời, chỉ biết cầm bút viết lên trang giấy nhỏ này những lời chân thành nhất, để anh nhớ mãi đến thằng em nghịch ngợm này.
Hứa với anh, em ở lại nơi tuyến lửa ác liệt này, em sẽ cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ của cấp trên giao, hoàn thành xuất sắc mọi công tác và đoàn kết chặt chẽ với  bạn bè và anh em đồng chí,  em sẽ làm đúng như những lời dạy bảo của anh.
Cuối cùng, đêm đã khuya, em tạm dừng bút, chúc anh ngày mai lên đường bình an vô sự, hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao.
Địa chỉ của em
Nguyễn văn Thiều
HT 200024JB03F726
Anh bảo với chị, khi ở chiến trường anh em đồng đội, gắn bó với nhau lắm, yêu thương, quí trọng nhau như anh em một nhà, lớp đi trước chỉ bảo cho lớp đi sau, cứ thế không phân biệt dân tộc hay tôn giáo... Ai cũng cứ động viên nhau vượt mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.
14
Sau một thời gian ở lại đó, đúng là “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” thật không sai. Những tưởng trái tim chị đã bị đóng băng, song trước tình cảm chân thành của anh, Thanh Thảo đã đồng ý làm vợ anh, mặc dù anh kém hơn Thanh Thảo một tuổi.
Một đám cưới đơn sơ cũng được tổ chức, chị lại một lần nữa run sợ trước hạnh phúc đang có, Thanh Thảo sợ đủ thứ trên đời, các câu đàm tiếu  dị nghị của mọi người luôn ám ảnh chị, chị không dám tin vào sự thật, nhưng rồi năm tháng trôi qua chị được mọi người giúp đỡ tận tình, yêu thương chị hết mực, trong nhà luôn đầy ắp tiếng cười, đêm đêm chị được nghe chồng chị kể về những năm tháng, cùng sống với anh chính trị viên người Tuyên Quang mẫu mực, là chồng thứ 2 của chị, chị rất tự hào về người chồng cũ và cũng hy vọng sẽ có ngày đưa chồng về quê Tuyên Quang để được gặp lại con, thăm nhà thủ trưởng cũ.
Bước thăng trầm và thử thách khác đến với chị, mấy lần chị sinh con cho anh những vẫn không thành, đứa thì quái thai phải bỏ, đứa thì sinh non không được, chị lo lắng và thương anh nhiều, gia đình chồng cũng hiểu được điều đó và luôn động viên chị, một may mắn lại đến với chị vì cuối cùng thì anh chị cũng có một đứa con gái, niềm vui khôn xiết, niềm an ủi đối với vợ chồng chị, Thanh Thảo cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Một cuộc sống tốt đẹp đã đến với chị. Chị cố gắng hết mình để xây dựng một cuộc sống gia đình hạnh phúc, đầm ấm hơn bao giờ hết, niềm vui trở lại chị càng xinh đẹp hơn, với  nước da trắng trẻo, vóc người nhỏ nhắn, kể ra thì Thanh Thảo trẻ rất lâu, ra đường không ai có thể đoán được chính xác tuổi của chị. Thường ngày, chị chở anh và con đi chơi bạn bè của anh trong thành phố, chị đi đến nhiều nhà chùa để cầu nguyện, chị tin tưởng vào cuộc sống mới êm đẹp, dập tắt hết mọi dị nghị của làng xóm trước đây, chị tự hào và hãnh diện với người chồng thứ tư này, anh là chỗ dựa vững chắc nhất và lâu dài nhất so với mấy người chồng trước.
Khi cuộc sống khá giả, chị bàn với anh về quê ngoại chơi một lần, bởi đã lâu chị không dám về quê, chị sợ sự đàm tiếu khinh bỉ chị, nỗi nhớ quê hương, nhớ cha mẹ và những đứa con trai cồn cào, lúc nào Thanh Thảo cũng nhắc tới những đứa con cho chồng nghe, anh hứa khi con nghỉ hè anh sẽ cùng chị và con sẽ trở về quê hương, thăm gia đình và thăm các con riêng của chị. Thanh Thảo rất vui khi được chồng đồng cảm và chia sẻ, chuyến đi được chuẩn bị rất chu đáo, nào là quà cho cha mẹ, cho con, cho bạn bè, chị dự tính về qua Vinh trước, rồi lên Thanh Chương, sau đó mới ra Tuyên Quang, chị  sung sướng, háo hức chờ đợi.
Những lúc rảnh rỗi công việc, gia đình vui vẻ, chị lại mang thư của chồng cũ đọc cho anh và con nghe:
Quỳnh Hương em yêu quí!
Chiều nay, anh lại nhận được thư em, Anh phấn khởi vô cùng khi được em cho biết, gia đình ta cùng anh em họ hàng, khỏe mạnh cả, em vẫn khỏe và đã dần quen với cuộc sống  mới ở quê nhà anh, miền đất cằn sỏi đá. Hơn nữa em vẫn khỏe, cái thai vẫn phát triển tốt, anh vui vô cùng, mấy anh em cứ chuyền tay nhau đọc, chúng nói em viết thư hay lắm, có lẽ là ngày xưa em học giỏi văn thì phải.
Em yêu quí của anh!
Không để em phải mong đợi thư anh, từng giờ, từng phút nữa, mà anh lấy bút,  ghi thư ngay cho em đây.
Đầu thư, anh chúc em luôn vui khỏe, lạc quan, yêu đời, đồng thời giữ gìn cái thai cẩn thận, và sinh cho anh thằng cu nhé. Em nhớ làm việc nhẹ nhàng thôi, công việc nặng nhọc, anh đã ghi thư riêng cho chú Hạnh giúp anh rồi, có gì khó khăn em cứ bảo với chú ấy, đừng cố nhiều mà ảnh hưởng tới sức khỏe nghe em. Em khỏe mạnh là nguồn động lực  để anh luôn hoàn thành nhiệm vụ.
Còn anh lâu nay vẫn khỏe, chỉ có điều: Chẳng biết là bao giờ chiến tranh kết thúc để về nhà thăm quê hương yêu dấu, thăm cha mẹ, các em, nhất là thăm mẹ con em. Thôi đời còn dài em ạ, không phải suy nghĩ nhiều, đất nước còn bóng quân thù, thì chúng mình phải biết hy sinh em nhỉ. Anh thầm cảm ơn ông trời đã xe duyên cho anh được gặp em. Nhớ lời anh em nhé.
Anh cũng biên thư về cho gia đình em ở quê, nói chung cha mẹ hai bên, cùng thằng Nghĩa  đều khỏe cả, nghe nói con nó nhắc mẹ cha hoài, em gửi thư về động viên con em nhé, khi nào nghỉ phép anh hứa sẽ đưa em và con về quê.
Thôi, thư chưa dài song anh tạm dừng bút tại đây, hy vọng anh nói ít, em hiểu nhiều.
Cuối thư một lần nữa, anh chúc em mạnh khỏe, công tác tốt, mọi sự an lành là anh mừng nhất.
Hạ bút mong thư em
Anh của em
Nguyễn Thế Nam
Đây là một trong những lá thư mà chị mang ra đọc cho chồng con nghe, tất cả những lá thư của chồng, chị đều giữ gìn cẩn thận như một báu vật, chị vuốt lại từng nếp nhăn, mỗi con chữ mờ đi chị  đều xót thương vô cùng.
Khác với mọi hôm, hai đêm nay, Thanh Thảo càng nhắm mắt lại thấy càng khó ngủ. Hình ảnh quê hương, làng xóm hiện về trong tâm trí chị, hình ảnh những đứa con chạy lại ôm chầm chị khóc mỗi lúc lại hiện về, mỗi lúc một nhiều hơn. Giấc ngủ chập chờn, hiện ra trong tâm trí của chị. Chị đưa ra nhiều giả thiết, nếu về quê các anh ấy không hy sinh, chỉ thất lạc trong chiến trường, đã trở về quê hương cùng con thì làm sao đây, họ đã lấy vợ khác chưa? Hay đang chờ mình quay trở lại… chị thương ba đứa con trai, lớn lên thiếu sự chăm sóc của mẹ, liệu các con có hiểu và tha thứ cho mình không? Phải làm sao đây. Có lúc chị lại nghĩ, đã bao năm mình không ghi thư về cho cha mẹ, liệu cha mẹ có trách mình không? có tha thứ cho đứa con bất hiếu này không? Thanh Thảo tự trách mình, tự dằn vặt lòng mình, rồi chị nghĩ cha mẹ mình bây giờ ra sao? Chắc già lắm rồi, còn sống hay đã chết, trong lòng  Thanh Thảo rối như tơ vò mà không biết làm sao. Đêm nào cũng miên man suy nghĩ, hết điều này đến việc khác, bên cạnh chị, chồng cũng không ngủ được, anh cứ lăn trở hoài, Thanh Thảo không dám cho chồng biết là mình cũng không ngủ được. Chị thương chồng vô cùng. Mấy lần, Thanh Thảo định  hỏi chuyện song lại thôi. Chị nghĩ có lẽ anh cũng đang suy nghĩ về chuyến đi có một không hai này, đưa vợ về quê, thăm con của các chồng cũ, có lẽ anh cũng đang khó xử, có lẽ anh cũng đặt ra rất nhiều giả thiết như mình, rồi chị lại  nghĩ  trai gái đã gặp gỡ nhau trên  con đường tình thì không có gì là không vượt qua được. Sở dĩ Thanh Thảo nghĩ lan man như vậy, chỉ tại hay lo mà thôi. Rồi chị ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Trời chưa sáng nhưng Thanh Thảo vùng ngồi dậy, đi chuẩn bị bữa sáng trước lúc lên đường, chị kiểm tra đi kiểm tra lại, xem có quên gì, thiếu gì nữa không? Chị mở các cửa sổ, cho gió sớm tràn vào buồng, vẫn còn lâu mới đến giờ xe chạy, chị để cho chồng và con ngủ thêm ít phút nữa. Bình mình lóe sáng, cảnh vật của một ngày mới bắt đầu khoe sắc, chồng chị trở mình thức giấc:
Mấy giờ rồi em
-   Mới 6 giờ anh ạ, anh ngủ thêm ít phút nữa đi. 9 giờ  xe mới xuất bến.
Sao em dậy sớm thế?
Em không ngủ được anh ạ.
Chồng chị cũng dậy luôn, bảo chị:
- Em lo lắm phải không? Hai ba đêm nay anh thấy em trằn trọc mãi.
- Đúng rồi anh, em khó ngủ, cứ suy nghĩ lung tung, vừa mừng, vừa lo anh ạ.
-  Em an tâm đi, có anh bên cạnh không ai làm gì được em đâu, hai cái cùi chỏ này quyết bảo vệ em đến cùng.
Thanh Thảo sung sướng vô cùng và nói:
Em cảm ơn anh nhiều, sao anh nhợt nhạt thế.
-  Không sao đâu, chắc mất ngủ thôi, uống vài viên thuốc là ổn thôi mà.
Con gái anh chị nghe cha mẹ trò chuyện cũng tỉnh dậy, để chuẩn bị cho chuyến đi về quê ngoại.
-  Cha mẹ  dậy sớm quá, làm con không ngủ được.
Con gái yêu của mẹ, lên xe tha hồ ngủ.
Ăn uống xong, cả gia đình chị đi ra bến xe cho kịp giờ, nhìn chồng bước đi chầm chậm, chị cảm thấy bất an trong lòng, nhưng chuyến đi đã được chuẩn bị từ lâu, nên không thể hoãn lại nữa, cơ hội đến với chị lần này chị sung sướng và tự hào lắm, chị bảo con gái xách đồ, đừng để cha phải mang, chồng chị biết ý, nên cố gắng bước đi thật vững vàng, nhưng nét mặt anh vẫn nhăn nhó, có lẽ vì đau.
Chuyến xe lăn bánh, chở vợ chồng chị cùng con gái về quê, trong niềm vui sướng vô bờ, ngồi trên xe mỗi người một luồng suy nghĩ, thỉ thoảng con gái lại hỏi:
Gần đến chưa mẹ
Còn lâu con ạ, về quê xa lắm.
Khi xe vượt được nửa đường từ Huế về Nghệ An, khi đang qua đèo Hải Vân, thì cũng là lúc vết thương trong người anh tái phát, anh đau đớn vật vã, chị ôm chặt anh vào lòng, chị khóc nức nở, mọi người đi trên xe cũng không biết làm thế nào, để giúp đỡ mẹ con chị được, không ai mang theo một thứ thuốc gì, chỉ có bác lái xe có lọ dầu cù là, đưa cho chị xoa vào 2 bên thái dương cho chồng.
 Mấy ngày trước khi chuẩn bị về quê,  chị thấy anh khang khác, chị tưởng anh lo lắng cho chuyến đi, nào ngờ anh bị đau nhưng không cho chị biết, anh cố gắng chịu đựng, tự mình uống thuốc giảm đau, anh còn không dám chuẩn bị các loại thuốc khác vì sợ chị biết, anh không muốn chuyến đi của gia đình bị bỏ dở. Xe xuống khỏi đèo Hải Vân  thì chồng chị cũng đã lả đi trên tay chị, hành khách bảo lái xe chở chị đến ngay bệnh viện gần nhất cấp cứu nhưng không kịp, chồng chị đã trút hơi thở cuối cùng khi xe vừa đến cổng bệnh viện, chồng chị được đưa ngay vào nhà xác, chị khóc lóc bên ngoài, chị gào thét như một người điên dại, đứa con chị cũng khóc theo, nó còn nhỏ dại chưa thể hiểu nổi sự đau thương mất mát đến tột cùng lại một lần nữa  giáng xuống đầu chị, cả ngày chị không ăn uống, hai mẹ con ngồi chờ vật vã bên nhà xác, để đợi ngườì thân từ Huế ra,  đón anh về quê lo hậu sự.
Trời về khuya, cơn mưa rào ập đến, chị hốt hoảng, không biết gia đình chồng có ra kịp không?, tiếng muỗi vo ve bên tai, tiếng côn trùng kêu não ruột, hai mẹ con chị ôm nhau bên thềm  nhà bệnh viện, đối diện nhà xác, từ chiều mọi người trong phòng để ý, họ thương mẹ con chị nên có người đã mua cơm cho cháu, hai mẹ con ăn một suất cơm lót dạ, chị thầm cảm ơn.
Nghe mẹ con chị lục đục ngoài hiên, chị y tá trực đêm thấy vậy liền cho chị mượn chiếc chiếu.
- Hai mẹ con chị vào đây ngủ tạm, tiếng cô y tá nói.
- Cảm ơn cô nhiều, mẹ con tôi xin ngồi tạm ngoài này cũng được.
Cô y sỹ nói:
- Chị thông cảm, mấy hôm nay có dịch sốt vi rút, nên bệnh viện quá tải, không đủ giường cho bệnh nhân, giường buồng trực cũng nhường hết cho bệnh nhân rồi, chúng em cũng không có chỗ ngả lưng. Thôi mẹ con chị vào phòng nằm tạm cho khỏi muỗi, đã 3 giờ sáng rồi.
Cảm ơn cô nhiều.
Sáng dậy, mẹ con chị lại chạy đến nhà xác ngay, mưa vẫn còn nặng hạt.
Đứa con gái ngây thơ hỏi mẹ:
Mẹ ơi, bây giờ làm sao? Liệu các bác có ra kịp không?
Yên tâm đi con, các bác sắp ra đến nơi rồi đó.
Trời cũng đã tạnh dần, các phòng bệnh người nhà bệnh nhân cũng đã dậy, uể oải vươn vai, tập thể dục. Người qua lại ai cũng đảo mắt nhìn mẹ con chị, trong lòng họ cảm thấy thương cho số phận bi đát của chị, nhưng họ cũng không giúp được gì cả.
Quá trưa hôm đó thì người nhà chồng trong Huế ra tới bệnh viện, họ động viên an ủi mẹ con chị. Mọi thủ tục đưa chồng chị về quê an táng, cũng được bệnh viện giải quyết nhanh chóng, gia đình chị mang đầy đủ giấy tờ thương binh nặng, đối tượng chính sách, nên bệnh viện đã cho một chuyến xe đưa anh về tận quê  nhà.
Anh là người con trai duy nhất của gia đình, nghe tin anh ra đi đột ngột, mọi người trong gia đình không thể tin nổi, sau khi mai táng anh xong, người mẹ chồng chì chiết con dâu đến cùng cực, những lời nói thậm tệ trút xuống đầu đứa con dâu tội nghiệp, vừa mất chồng, vừa nhỡ chuyến về quê, lại còn bị mẹ chồng, anh em nhà chồng ruồng rẫy thậm tệ. Chị đã mất chồng, lại bị mẹ chồng xúc phạm, nhưng chị vẫn cắn răng chịu đựng, không hé nửa lời, chị đã quá quen với cảnh chịu tang chồng, mặc dù như  hàng triệu mũi kim đang châm vào trái tim chị, Thanh Thảo cố nén chịu. Nói mãi rồi cũng chán, hết trong gia đình lại đến dân làng hàng xóm bàn tán xì xèo, đúng là đứa con gái sát chồng, hôm bên bờ sông Hương nó nói hoàn cảnh oái oăm vậy, nhưng mọi người không tin, điều đó lại đến một lần nữa vì các cụ nói: “ Quá tam ba bận” Thế rồi câu chuyện gái sát chồng một lần nữa lại rộ lên, làm chị không sao chịu nổi.

15
Giỗ đầu chồng xong, chị không thể sống cảnh mẹ chồng, con dâu to tiếng triền miên, mẹ chồng nhiếc móc chị, xua đuổi chị suốt ngày, đã có hôm chị phải đến nhà người em kết nghĩa ngủ nhờ.
Có hôm mẹ chồng chỉ thẳng vào mặt chị:
- Mày cút đi cho khuất mắt tao, nhà tao hết người nối dõi, cũng vì mày là đứa con gái sát chồng. Cút ngay đi, mang cả con đi luôn, bà không muốn thấy mẹ con mày trong cái nhà này nữa, đi nhanh đi cho tao được nhờ, nhớ chưa. Mẹ chồng cứ lai rai mãi vậy làm cho Thanh Thảo quá đau khổ.
Những cơn mưa  tức giận thường xuyên trút xuống đầu chị, Thanh Thảo âm thầm chịu đựng, cốt  để cho mọi việc êm xuôi.
Hơn một năm nữa mới hết tang chồng, Thanh Thảo muốn nán lại cho đến ngày đoạn tang, để anh ấy dưới suối vàng khỏi trách cứ chị. Nhưng sống làm sao đây?, chị tự hỏi, rồi tính toán làm sao cho mọi việc không trở nên phức tạp. Nhiều lần chị xin lỗi gia đình nhà chồng, người hiểu thì thông cảm, người không hiểu lại nói chị sống giả tạo, càng xin lỗi chị càng bị đối xử thậm tệ hơn.
Đành lòng chị nương nhờ, tá túc người em kết nghĩa của chồng chị. Ngày mẹ con chị dọn về đó ở, mẹ chồng cũng có đến đôi lần nói cạnh khóe, nhưng không dám ầm ĩ như ở nhà mình. Bố mẹ vợ chồng người em kết nghĩa rất tử tế, họ đều là giáo viên nghỉ hưu, họ thương mẹ con chị, nên thu xếp gian nhà ngang cho mẹ con chị ở nhờ.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, hầu như tháng nào, chị cũng đưa con ra nghĩa trang thắp hương cho chồng, tuyệt nhiên chị không gặp một ai trong gia đình đến để trông nom và thắp hương cho anh, nhiều hôm mẹ con chị ở lại đó rất lâu, hai ba tuần hương hết nhưng cũng không thấy một ai, chị cảm thấy thương người chồng xấu số.
Ngày giỗ đoạn tang chồng, chị không về nhà chồng làm giỗ, chị tự mua sắm đồ lễ, mang lên chùa thắp hương và làm lễ cho chồng, dù con gái có đòi về , nhưng chị giải thích cho nó hiểu, gia đình họ không thương, không quí mẹ con mình nữa đâu, cuối cùng nó cũng nghe lời chị. Xong việc mẹ con chị trở về nhà, đến đầu ngõ, gặp đứa cháu bên nhà chồng.
-         Cháu chào bác, em chào chị.
Nghe tiếng đứa cháu hỏi chị dừng lại, và Thanh Thảo nhận ra ngay đứa cháu họ và nói:
- Hoài hả cháu, cháu đi giỗ bác về à.
- Vâng ạ, sao cháu không thấy bác và chị.
Con gái chị lại nói xen vào:
- Hôm nay, chị và mẹ cũng lên chùa làm giỗ cho cha chị em ạ, đứa con gái chị nhanh nhảu trả lời, này Hoài, em có nghe ai nhắc đến mẹ con chị không.
- Không chị ạ, em chẳng nghe ai nói gì cả.
Chia tay đứa cháu họ, hai mẹ con nhanh chóng bước về nhà. Chị thấy trong lòng nhẹ nhõm, cuối cùng cũng đã  qua ngày đoạn tang chồng,  mình cũng đã làm tròn bổn phận của người vợ, có lẽ dưới suối vàng anh ấy cũng hiểu được và luôn phù hộ cho mẹ con chị.
 
 
Chương  5
16
Bỗng một hôm hai mẹ con chị lặng lẽ bỏ nhà ra đi. Chị viết một lá thư từ biệt để lại, chị bảo là đưa con về quê. Trong thư chị tha thiết, cầu mong gia đình bố mẹ người em kết nghĩa, hiểu và thông cảm cho mẹ con chị. chị viết vì sợ ông ông bà giữ không cho đi, nên đành liều bỏ đi mà không báo trước. Cháu xin lỗi 2 hai bác, chị xin lỗi vợ chồng hai em nhé. Hẹn một ngày không xa mẹ con cháu sẽ quay về.
Hai mẹ con chị bước lên một chuyến tàu,  mà không biết tàu này đang chạy về đâu. Không có nhiều tiền mang theo, nên  trên tàu chị chỉ mua cho con mẩu bánh mỳ, còn chị thì uống nước lã, ăn qua loa cầm cự, mỗi một ga trôi qua người lên người xuống tấp nập, song mẹ con chị vẫn ngồi yên một chỗ, chị không biết xuống ga nào.
Tiếng tàu chạy xình xịch, xình xịch, mỗi lần tiếng còi rúc vào ga, là lòng chị nôn nao đến rã rời, hai mẹ con chị chưa biết xuống đâu, để đi đâu, về đâu? Màn đêm buông xuống chị mới dám nhìn ra ngoài qua ô cửa sổ, bóng đen mịt mùa bao trùm lên tất cả, chị nghĩ đời chị cũng vậy đó, trước mắt không thấy một tia hi vọng nào, cuộc sống sẽ tối tăm như vậy, càng nghĩ chị càng bối rối tâm can, chị lại nhớ đến những đứa con của chị bây gời chúng ra sao? Cũng may chị không mang chúng theo, nếu bây giờ mà cả năm mẹ con chị càng điêu đứng hơn, một mình đứa com gái bên chị đây mà chưa biết có lo nổi cho nó không, rồi chị lại tự an ủi mình, rằng âu cũng là số phận, mà ông trời đã định cho chị. Chị lại cảm căm ghét cái số phận hẩm hiu này, chị ghét cái sắc đẹp mà ông trời đã ban cho chị, chị ghét cuộc sống vô thường này, có lẽ trên đời này mọi sự việc chỉ là ước lệ, nhiều lần chị định kết liễu cuộc đời bất hạnh, nhưng chị lại thương các con, chúng nó có tội tình chi, đã thiếu vắng tình cảm người cha, nếu nay mình làm vạy, thì chúng sống làm sao được, rồi chúng sẽ hận người mẹ này muôn đời vạn kiếp, nên chị dừng lại,  và rồi chị tự an ủi mình, rằng hãy vượt lên số phận, hãy cố gắng vượt lên chính mình, để hy vọng một ngày không xa, chị sẽ được trở về quê hương thăm các con của chị.
 Đến ga cuối cùng thì tàu dừng hẳn, mà mẹ con chị vẫn ngồi trên tàu, đến khi nhân viên kiểm tra tàu, bảo chị đã đến ga Sài Gòn rồi, yêu cầu quí khách xuồng tàu, lúc đó chị mới chịu xuống tàu tay dắt con cứ thế đi ra cửa ga.
Thành phố Sài Gòn sau mấy năm giải phóng, khang trang đẹp đẽ, người, xe chạy đi, chạy lại tấp nập hơn ở Huế nhiều, sự ồn ào, náo nhiệt khác hẳn. Đã sống ở thành phố bao năm rồi, mà đến đây chị cảm thấy, lạc lõng vô cùng. Thành phố hoa lệ đang trước mắt chị, chị chưa bết làm thế nào, đi đâu, về đâu?
Hai mẹ con chị, đến cổng Dinh Độc Lập, đứng một lúc, nhìn hai bên phố nhưng không có một ai quen biết, toàn là người lạ, tuy nhiên cũng không ai để ý đến mẹ con chị, nỗi buồn hiện rõ trên khuôn mặt. Rồi chị dắt con đi rẽ về phía tay phải. Thanh Thảo chú ý vào mấy chiếc máy bay, xe tăng, chú ý vào những cây cổ thụ trước nhà, những bông hoa tươi thắm, rung rinh trước gió, như đang vẫy tay chào đón mẹ con chị. Trong giây lát chị cảm thấy hạnh phúc ngập tràn.
 Vài tiếng đồng hồ sau, chị đưa con gái ra đường, hai mẹ con chị cứ bước đi trên đường mà không biết mình đi đâu, về đâu, hai đêm liền mẹ con chị tá túc, ở những cái quán lá bên đường, cái đói, cái rét hành hạ chị, mẹ con chị không sao ngủ được, người chị xanh xao, gầy gò, hốc hác như tàu lá héo, chị lả đi bên vệ đường lúc nào không biết, đứa con chị gào khóc thảm thiết, người đi đường thấy vậy đã báo với chính quyền sở tại, họ cử người ra giúp đỡ mẹ con chị, sau một tuần chị được họ chăm sóc, chị bình tĩnh trở lại, rồi kề  hết sự tình, cuộc đời chị cho mọi người nghe, ai cũng động lòng thương cảm, nhưng để giúp chị sớm ổn định cuộc sống, quả là rất khó khăn, chị ở đâu? Con chị học ở đâu? Chị làm việc gì để kiếm sống.
Chủ tịch phường, cũng là một cựu chiến binh, thông cảm  cảm với hoàn cảnh của chị, 2 người chồng là liệt sỹ nên chấp nhận cho chị ở lại làm công tác tạp vụ ở Phường, bảo vệ  phường dành cho chị 1 gian để ở. Thanh Thảo rất  vui mừng, và chăm chỉ làm việc, ai cũng khen Thanh Thảo hiền hậu, siêng năng, chịu khó, người cho cái này, người cho cái khác, mà Thanh Thảo chỉ biết nói lời cảm ơn. Chị trân trọng từ những cái nhỏ nhất, chị vô cùng biết ơn mọi người quan tâm giúp đỡ chị. Công việc cứ thế trôi qua.
Điều làm cho Thanh Thảo sung sướng nhất, là  khi đứa con gái chị học rất giỏi, năm nào cũng đạt học sinh xuất sắc nhất trường. Nhiều năm con chị thi đạt học sinh giỏi cấp Quốc Gia. Một thời gian sau khi chị ổn định công việc,  tư tưởng thoải mái, công việc nhà hạ chị lại xinh đẹp như xưa, nhiều anh cán bộ trong Phường nhòm ngó, tán tỉnh chị, nhưng không một ai lay chuyển nổi trái tim băng giá ngày nào của chị, chị quá đau khổ với những gì, mà cuộc sống của chị đã trải qua. Khi con chị bước vào đại học năm thứ nhất, chị ở nhà một mình, nỗi cô đơn trống trải, lại  bắt đầu đến với chị.
 Ông Chủ tịch phường, thấy cậu bảo vệ thường xuyên lui tới, gian phòng  mà mẹ con chị  ở.  Ông sợ có chuyện không hay, xẩy ra ở phường, nên đã quyết định giao cho chị mượn một mảnh đất hoang, ở ngoài rìa phường, để chị sớm ổn định cuộc sống, có ai qua lại, cũng đỡ ảnh hưởng tới cơ quan. Sau khi ra đó, Thanh Thảo được nhiều người giúp đỡ, nên ngôi nhà nhỏ của chị, đã được dựng lên nhanh chóng. Ngoài thời gian đi làm, chị tranh thủ khai hoang, phục hóa đất đai bỏ hoang lâu năm, để trồng rau, bán cho những người trong thành phố.
Cậu bảo vệ phường, là người tích cực giúp chị nhất, đã có lần vợ cậu ta đến đánh ghen chị, nhưng Thanh Thảo đã bình tĩnh, và giải thích rõ mối quan hệ, và hoàn cảnh của chị, cho vợ anh ta hiểu, mọi chuyện dần dần cũng yên ắng hơn. Sắc đẹp của chị đã hút hồn anh ta, anh cứ ngấm ngầm đi lại giúp đỡ chị nuôi con ăn học đại học, hai năm sau đô thị phát triển mạnh, giá đất đai lên vùn vụt, đất của chị cũng có giá, chị bán  bớt một phần  đất để nuôi con ăn học thành người.
Sống trong cảnh cô đơn mấy năm trời, lại đương vào độ tuổi tái xuân hừng hực, chị bắt đầu cảm thấy thiếu thốn tình cảm, bao người theo đuổi chị, nhưng cuối cùng chị đã ngã vào lòng anh bảo vệ, tuy anh ta đã có vợ và 3 cô con gái, nhưng anh ấy đã giúp đỡ chị rất nhiều, vả lại đã nhiều lần anh đòi tự tử trước mắt chị, nếu như lời để nghị của anh ta không được chị đáp ứng, vừa cũng là để cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình nhất của anh ta, Một số người tuy nói vậy, nhưng họ đều sợ  đến với chị ngộ nhỡ gặp chuyện chẳng lành, thì nguy to, biết ăn nói làm sao, chỉ có anh bảo vệ là theo đuổi quyết liệt nhất, cuối cùng chị đã chấp nhận cho anh qua lại, chị nói:
- Em đồng ý cho anh qua lại đây, chứ không cưới xin gì cả đâu nhé. Để giữ gìn hạnh phúc gia đình, và công việc của anh, mỗi tuần chỉ được đến với em 1 lần, còn đâu anh phải ở nhà với vợ cả. Đồng thời từ đó, chị không nhận bất cứ một sự giúp đỡ nào của anh bằng tiền hoặc vất chất, chị bảo bây giờ kinh tế em cũng đã vững, nên anh phải dành tiền của cho vợ con anh.
Ngày chị trở dạ sinh con, anh chạy ngược chạy xuôi lo lắng đủ chuyện, trước khi lên bàn mổ anh còn ký giấy và đứng ngoài chờ đợi, anh cầu trời khấn phật mong chị sinh cho anh một cậu con trai, anh ta tưởng tượng ra một gia đình mới hạnh phúc nhất, bất chấp mọi chuyện có thể xẩy ra đối với anh.
- Ai là người nhà chị Phạm Thị Thanh Thảo.
- Có tôi đây.
- Người nhà vào đón cháu đi, sản phụ mất nhiều máu đang hôn mê.
- Cháu trai hay gái
- Cháu gái 3,6 ki lô gam anh ạ.
Bỗng người ta thấy anh, quay mặt  đi rất nhanh về phía cầu thang máy. Chờ mãi, không thấy người nhà vào đón cháu, các y bác sĩ đành phải chăm sóc cháu, mấy ngày qua họ phải đi xin sữa cho con chị. Ông trời sao lại nỡ hành hạ chị đến như thế, lão sở khanh đâu rổi?, chị uất nghẹn trong lòng, đứa con có tội tình chi, thôi âu cũng là số phận, chị cố gắng vượt qua. Đứa con vừa sinh mới chẵn tháng, nhưng có nhiều nét giống cha nó, bụ bẫm, dễ thương, nhất là rất ngoan. Chị mỉm cười mãn nguyện, và chấp nhận số phận đã đưa đẩy chị.

17
Ngày chị bị ốm phải vào viện điều trị, bên giường bệnh là con gái chị, vừa thi tốt nghiệp trở về, con khoe với mẹ làm bài tốt lắm, chắc sẽ đạt bằng giỏi, và nói với mẹ rằng: Tháng cuối học vừa rồi, đã có một vài đơn vị đến có ý muốn đón con về cơ quan họ làm việc. Nghe con nói vậy, chị sung sướng vô cùng, đứa con gái chăm sóc động viên chị rất nhiều, nên chị vui hẳn lên. Nhưng ở thành phố không, có anh em họ hàng thân thích, chị nghĩ có đứa nhỏ lớn lên, bi bô gọi mẹ chị cũng rất hạnh phúc. Con gái chị, được một công ty có danh giá tại Sài Gòn đón về làm việc, trước lúc lấy tấm bằng  tốt nghiệp đại học loại ưu.
Chị hạnh phúc vô cùng khi con chị đã dành toàn bộ tháng lương đầu tiên, để mua cho chị một bộ áo dài tuyệt đẹp. Chị đón nhận  tấm lòng của con gái, trong sự sung sướng vô bờ, Chị cảm thấy thật là hạnh phúc biết bao. Chị cảm ơn ông trời đã giúp chị vượt qua mọi khó khăn  trong thời gian qua.
Rồi  bỗng dưng chị lại cảm thấy nhớ nhà, nhớ những đứa con của chị vô cùng , không biết giờ chúng ra sao? Đã lấy vợ chưa? Bao câu hỏi cứ đặt ra trong đầu chị.
Con gái bảo:
-         Mẹ mặc áo dài vào, để con xem thử nào?
Thanh Thảo cầm chiếc áo dài trên tay, nhẹ nhành đưa lên môi hôn nhẹ một cái, rồi từ từ mặc áo vào.
-         Ôi! Vừa quá, đẹp quá mẹ ơi
Thanh Thảo nở nụ cười tươi , ôm chầm lấy con gái, và nói:
-         Mẹ cảm ơn con
Hai mẹ con cười vui vẻ, có lẽ kiếp nạn đời này của mẹ đã qua, Thanh Thảo bảo  với con gái vậy.
Thời gian trôi quá nhanh, mọi quá khứ của chị đã trôi vào dĩ vãng. Con gái út của chị ngày càng lớn khôn, xinh xắn, năm nay nó sắp vào lớp một rồi, mới học mẫu giáo nhưng đã viết nét rất đẹp, đếm đến một trăm không sai chút nào cả. con nhỏ lại giống cha như đúc, thi thoảng nó lại hỏi mẹ về người cha, chị nói dối với con, là cha đã chết lâu rồi. Mặc dù, chị đã tha thứ cho anh sau cuộc chạy trốn đó, nhưng anh ta lại không dám đến với chị để được gặp con, phần sợ chị không tha thứ, phần lo vợ cả làm ầm lên, nhiều hôm chị thấy anh ngồi quán nước, nhìn trộm đứa con đi học về, chị lại thấy thương cho anh. Chị tự bảo để con bé lớn lên, nó hiều biết rồi thì chị mới cho nó nhận cha.
Mọi chuyện không phải đơn giản như suy nghĩ. Hy vọng để cho con gái nhận lại cha ruột, đã không thành, chị kể:
Một buổi chiều cũng như thường ngày, anh ấy  ngồi ở quán nước ven đường, nhìn ngắm con đi học về, cho thỏa nỗi nhớ nhung, anh ân hận vì đã bỏ rơi mẹ con chị.
Hôm đó, con gái đang đi ngang đường,  để vào chỗ mẹ làm việc, bất ngờ một ô tô lao tới, anh giật mình chạy chồm ra ôm chầm lấy con bé, hai bố con ngã lăn ra vệ đường, rất may cho con gái không việc gì, nhưng anh lại bị thương nặng, đầu va vào thành vỉa hè máu chảy ra bê bét, mọi người chạy ra xem, chị cũng chạy theo ra thì thấy con gái đang khóc, chị nhìn thấy anh như vậy, chị chạy lại xem sao, anh dơ tay lên nắm lấy tay chị miệng lắp bắp nói:
-         Con có làm sao không em?
-         Con không làm sao cả, anh an tâm.
Chú ấy thều thào:
- Cho anh xin lỗi mẹ con em nhé.
Rồi chú ấy, quay mặt xuống đất lịm dần. Và  chú ấy đã ra đi mãi mãi.
 
Chương 6
18
          Một thời gian sau, con gái chị đưa người yêu về giới thiệu, sau khi gặp con rể tương lai, chị không chê một điểm gì hết, song một điều chị lo nhất đó là:  Nhà nó ở xa quá, chị đắn đo, suy nghĩ mãi, nhưng chiều theo ý con vì hai đứa cùng cơ quan, nó học trước con chị 2 khóa.
          Khi hỏi đến quê quán, được biết con rể tương lai, là người quê gốc Tuyên Quang, khi chị nghe nói đến Tuyên Quang  đó là quê chồng thứ 2 của chị, chị hỏi tiếp:
-         Cháu ở chỗ nào Tuyên Quang
-         Dạ thưa cô, cháu ở thị xã Tuyên Quang ạ.
Thanh Thảo thở phào nhẹ nhõm, chị biết từ Thị xã về chỗ con trai chị, gần 90 km, đó là một vùng sâu, vùng xa hẻo lánh nên chị an tâm. Nhiều đêm chị hy vọng, sẽ có lần ra thăm gia đình con rể, có thể sẽ có cơ hội về thăm con trai nhiều hơn, hoặc giả là cho các con dễ bề tìm đến nhau. Rồi chị lại mừng thầm trong bụng, thấy hai đứa yêu nhau nồng thắm, hơn nữa con chị cũng đã quyết tâm, nên chị đồng ý cho hai con làm đám cưới.
Ngày ăn hỏi con chị, gia đình nhà trai đến, chị ngỡ ngàng khi nhận ra bố con rể lại chính là em trai người chồng thứ 2 của chị.  Mấy bữa  trước, khi người con rể tương lai giới thiệu ở Thị xã Tuyên Quang, như có linh tính mách bảo một điều gì đó, chị đã chột dạ, Chị đã nghĩ  từ Thị xã Tuyên Quang đến nhà chồng chị đang sống gần 90 km rồi, chị nghĩ là không thể…Nhưng cái chột dạ của chị đã đúng. Bước vào nhà, đứa em trai chồng cũng đã nhận ra ngay đó là chị dâu mình ngày xưa, chỉ có điều là ngoài chị và em trai chồng ra, thì chưa ai biết được điều đó, hai người tự hiểu và dấu kín chuyện. Đám cưới con chị được tổ chức theo đúng chương trình đã định.
Sau đám cưới con chị xong, hai người mới nói công được công khai mọi chuyện. Cái sung sướng nhất, bất ngời nhất đến với chị đó là: Con dâu, cháu nội chị cũng có mặt trong lễ cưới. Thanh Thảo reo to lên: Trời ơi!, tôi hạnh phúc quá, sung sướng quá. Chị ôm lấy con dâu và cháu nội không nói nên lời, nước mắt cứ thế tuôn trào. Con dâu chị  liền điện  thoại về cho chồng, thông báo tin vui là đã gặp được mẹ ruột, và em dâu chính là em gái chồng mình, một sự tái ngộ quá bất ngờ, chị vô cùng xúc động, thầm cảm ơn ông trời đã cho chị, những giây phút đoàn tụ thật tuyệt vời.
Nhận được tin, đứa con trai của chị lập tức thu xếp công việc, vào Sài Gòn để gặp người mẹ ruột của mình. Gặp nhau hai mẹ con ôm nhau khóc nức nở, trong sự sung sướng vô bờ.
Chị bỗng sững sờ khi nghe đứa con trai,  kể lại toàn bộ sự việc xảy ra sau khi chị  rời  gia đình ra đi:
Mẹ ạ. Sáu năm sau khi nhà mình nhận được giấy báo tử thì bố tìm được đường trở về nhà,  sau bao năm lưu lạc tại đất Căm Pu Chia, bố trở về với bao thương tích trên người, do không đủ giấy tờ chạy ngược, chạy xuôi mãi, nhờ bao nhiêu người làm chứng, rồi bố cũng được cái sổ thương binh loại 2, bố không chịu lấy vợ khác mà ở vậy nuôi con, bố cứ hy vọng một ngày nào đó mẹ sẽ quay về. khi con lớn khôn bố hay đi đến thăm những anh em đồng đội ngày xưa, bố nhờ hết người này đến người khác để tìm hiểu về thông tin của mẹ. Có lần ông bà, chú thím, bố và con đã tìm về quê mẹ, bố và gia đình hy vọng mẹ sẽ về quê, nhưng rồi cũng không gặp được mẹ, bố đau khổ vô cùng. Hồi đó, anh con đi học xa, nên con cũng chưa có cơ hội gặp anh, chỉ biết anh học giỏi lắm. Kỷ vậy duy nhất của bố, là những tấm ảnh chụp chung với đồng đội và ảnh của mẹ chụp với bố. Bố luôn giữ gìn cẩn thận, những lúc trở trời trái gió, bố đau đầu vô kể,  vì có một mảnh đạn trong đầu bố, ở một vị trí nguy hiểm không, thể can thiệp được. Con chỉ mang theo mấy tấm ảnh cho mẹ xem. Chị khóc nức nở trước mặt con, và sau đó xem đi xem lại mấy tấm ảnh, bỗng chị  cầm một tấm ảnh lên và nói với con trai:
-         Chú ấy đây này
-         Chú ấy là chú nào, con không hiểu?.
Đây là chú là chiến sỹ liên lạc của bố các con năm xưa, và cũng là bố đẻ của em Hiền, em của con đấy. Chú ấy đã bỏ mẹ đi từ mười mấy năm trước rồi.
Con trai chị lặng đi trong giây lát, rồi nói:
- Giờ này chắc có lẽ bố cũng đã gặp chú ấy rồi.
Trong lòng chị cảm thấy bối rối hỏi tiếp:
Có nghĩa là…
Người con trai ngắt lời mẹ, kể tiếp:
- Mẹ ạ, cách đây 3 năm bố đột ngột ra đi, mà không trăng trối một điều gì cả, chỉ đưa ảnh mẹ ra, rồi bố ngắm đi, ngắm lại, trước khi nhắm mắt, bố vẫn cầm trên tay tấm ảnh của mẹ. Con chỉ nghe tiếng khe khẽ từ trong cổ họng của bố:
- Quỳnh Hương ơi tha thứ cho anh, Quỳnh Hương nhé.
Cứ như vậy ba bốn lền, rồi bố tắt thở, mẹ ạ. Chúng con đứng nhìn bó như vậy, nhưng biết làm sau, không ai chia sẻ được cho bố, thương bố chờ đợi mẹ trở về trong đau khổ, và chết dần chết mòn trong sự vô vọng.
Còn ông bà, sau khi bố con về, ông bà cũng khỏe lên nhiều, chỉ có điều ông bà cứ tự trách mình, giá như không bàn cho mẹ đi lấy chồng, thì gia đình mình hạnh phúc biết mấy, ông bà nói liệu mẹ biết chuyện này có tha thứ cho ông bà không?
Thôi con đừng kể nữa, Mẹ chưa bao giờ oán trách ai, mẹ hiểu và thương ông bà lắm chứ, ông bà đều là những người tốt, yêu thương mẹ, chăm lo cho cuộc sống của mẹ rất nhiều, nhất là nuôi con khôn lớn, để có ngày hôm nay mẹ con ta được gặp nhau, mẹ cảm ơn ông bà nhiều lắm đó.
Đúng là một cú sốc nữa lại đến với chị, tất cả là chiến tranh, chiến tranh đã trút lên đầu chị biết bao nhiêu đau khổ, niềm vui chợt đến chợt đi, cứ như trêu đùa với số phận chị. Thanh Thảo thở dài một cái.
 
Cùng đưa đứa con gái út, theo vợ chồng con trai về Tuyên Quang, để thắp nén hương tạ tội với bố mẹ chồng và thắp nén hương cho chồng chị, chị được anh em họ hàng đón tiếp tử tế, có người đến chia vui, có người đến xin lỗi chị về những lời xúc phạm khi xưa. Nhưng chị không hề oán trách ai cả, chị nói chiến tranh mà. Chuyện xưa khép lại, bây giờ chị lại là thông gia với em trai chồng. Hơn nữa con trai chị cũng đã có một gia đình hạnh phúc, chị thấy cuộc đời đã không cho ai tất cả, và không lấy đi của ai tất cả.
Mấy tháng ở lại nhà con trai, chị đã kể cho các con, các cháu nghe tất cả quãng đời bất hạnh của chị, chị cũng kể về đứa con trai của người chồng Liệt sỹ đầu tiên là anh của các con có cái tên là Hoàng Trọng Nghĩa, ở Thanh Chương - Nghệ An , chị lo lắng không biết hiện giờ ra sao, nên người con trai cũng đã tính chuyện sẽ về Thanh Chương tìm lại anh. Và chị cũng kể cho các con nghe chuyện chị lên Cao bằng làm việc, trải qua bao nhiêu sóng gió, cay nghiệp, rồi chị lại kể về người chồng và người con Đỗ Thành Vinh  là thứ 3 của chị và người con riêng của chồng là Đỗ Thị Lan, trước đây ở tại Thành phố Vinh, mà không biết bây giờ ra sao? Vừa kể chị vừa thở dài, trách thân trách phận là cho các con chị cũng thấy nao lòng.
19

Chị và con gái út quay lại Sài Gòn, sau hơn một năm ở nhà con trai ở Tuyên Quang, để chăm sóc đứa cháu ngoại vừa sinh, hai mẹ con chị ở nhà vợ chồng con rể, để tiện bề chăm sóc, và để con đi học gần hơn.
Cạnh nhà con gái, có một người đàn ông trạc tuổi 70, hàng ngày đi chợ qua lại trước nhà con gái chị, thường đảo mắt vào nhìn chị như muốn nói điều gì. Ngày nào thấy ông đi qua, cũng nán lại nhìn vào nhà chị, mãi thành quen, chị thấy là lạ và đem chuyện đó kể chuyện cho con gái nghe.
Nghe xong con gái bảo:
- Mẹ ơi, bác ấy ở có một mình thôi mẹ ạ, nghỉ hưu cỡ gần chục năm nay, vợ bác ấy mắc bệnh qua đời trước khi bác ấy cầm sổ hưu, hai đứa con trai bác thành đạt cả, hiện anh cả có vợ con định cư tại Mỹ, anh hai đang  định cư ở Ca Na Đa, mấy lần các anh về cũng sang nhà con chơi, nghe các anh ấy bảo là muốn đón bác sang bên đó, nhưng bác không chịu đi,  bác ấy cứ muốn ở lại Việt Nam, rồi các anh nhờ chúng con giúp đỡ bác ấy những gì mà bác ấy cần.
Rồi một ngày chị không thấy ông đi qua, rồi hai ngày, rồi năm ngày không thấy ông đi qua, tự dưng trong lòng chị bắt đầu lo lắng, rồi chị bảo các con:
-         Con tranh thủ sang nhà bác ấy xem sao?
-         Bác ấy làm sao hả mẹ
- Mẹ cũng chẳng biết nữa, nhưng mấy hôm nay không thấy bác ấy qua lại đây như mọi hôm, rồi chị nói tiếp:
- Mẹ thấy lo lo thế nào, khó hiểu lắm con ạ, con sang ngay nhà xem sao.
Quả đúng  vậy, mấy ngày qua bác ấy  bị sốt không đi ra ngoài được, bác ấy chỉ ở nhà dùng những thực phẩm dự trữ trong tủ lạnh. Lòng chị có một cảm giác lạ lùng, chị thương ông ấy ở một mình lại bị ốm, nhưng không dám nói ra. Mấy ngày sau đó khi các con đi làm rồi, thì chị lại bế cháu sang nhà ông chơi để giúp đỡ ông.
Một thời gian sau, khi cháu ngoại đi gửi nhà trẻ, chị qua lại giúp ông nhiều hơn, ông cũng chẳng dám đặt vấn đề gì với chị, chị cũng vậy, chỉ có điều là tình cảm giữa hai người, ngày càng thân mật hơn và tự nhiên hơn.
Các con chị cũng hiểu chị và tạo điều kiện cho chị nhiều thời gian chăm sóc bác ấy, qua nhiều đêm tâm sự anh ấy kể cho chị nghe, trong thời gian chiến đấu ở Lào có một cậu chiến sỹ của đơn vị anh, quê Thanh Chương, nhưng sau một trận chiến đấu, giao tranh ác liệt tại vùng rừng giáp với đường 9 Khe Sanh đã bị thất lạc, đơn vị không tìm được xác, cũng không biết được tin tức gì cả, nên đành báo tử về gia đình là  mất tích, nghe nói trước khi vào nam chiến đấu, cậu ấy về phép rồi đã cưới vợ. Sau khi phục viên anh bận công tác ở sài gòn, không có cơ hội tìm kiếm lại gia đình cậu ta. Giờ được nghỉ hưu thì sức khỏe lại yếu, gia đình gặp nhiều chuyện không may, và hai năm trước anh có dò hỏi tin tức về cậu ta, thì được biết trận đánh đó cậu ta không chết, chỉ thất lạc mười lăm bên Lào, và nay đã trở về quê sinh sống, hiện đang ở cùng cậu con trai, mà anh còn nghe nói con trai cậu ấy nay là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân có tiếng ở Nghệ An, người ta cho anh địa chỉ và điện thoại đây, nhưng anh chưa có cơ hội về thăm được.
Rồi ông đưa ra một chiếc ví và mấy tấm ảnh, địa chị cho chị xem.
Chị không thể tin nổi vào mắt mình nữa. Đúng rồi, đây là người chồng đầu tiên của chị, đây là ảnh chị, thật là ông trời có mắt đã cho chị  tìm lại được chồng con, thảo nào dạo trước ông cứ nhìn vào chị hoài, vì trông ảnh chị ông ta cứ ngờ ngợ nhưng không dám hỏi.
Bỗng chị ôm chặt lấy ông và khóc như một đứa trẻ. Chị sung sướng vô cùng khi biết chồng mình còn sống, con mình đã trưởng thành, hiện đã là giám đốc của một công ty thành đạt, có một gia đình rất hạnh phúc, vợ là giáo viên và đã có 2 cháu trai.
Hôm sau, chị về nhà con gái chưa kịp kể về chuyện đó cho các con gái nghe, thì đứa con gái chị đã bảo:
Mẹ ơi! Hôm nay. chúng con đi hội nghị vinh danh những doanh nghiệp giỏi toàn Quốc. Có một anh giám đốc giỏi, quê Thanh Chương nhà mẹ, không biết tại sao anh ta cứ nhìn chằm chằm vào con, con sợ quá, nên cứ phải lảng tránh, giờ nghỉ giải lao anh ấy lại bắt chuyện với con, lúc đầu con cứ run run thế nào ấy, nhưng sau thấy anh ăn nói lịch sự dễ nghe, trông mặt anh ấy hiền lắm, nói chuyện rất tử tế, rồi cho con cái danh thiếp đây này.
Chị cầm lấy danh thiếp đọc thì một bất ngờ nữa lại đến với chị, đó chính là Hoàng Trọng Nghĩa con trai chị, chị reo lên sung sướng và nói:
- Hiền ơi! đây là anh trai con đó, người con gái hỏi lại
- Mẹ nói gì vậy?
- Đây là anh trai con thật mà.
Con gái chị sung sướng vì hy vọng của mẹ là sẽ tìm gặp lại các con, nay đã thành sự thật, chỉ còn anh trai thứ 3 ở Vinh nữa thôi, là nhà mình hành phúc nhất đời.
Rồi chị kể cho con nghe:
Các con ạ, đêm qua chị đã biết sự thật này, người chồng đầu tiên của mẹ vẫn còn sống, và đã trở về, nay đang ở cùng anh trai các con. Vợ chồng người con gái và đứa con gái út của chị vui mừng lắm, chúng động viên và hứa sẽ đưa mẹ về quê thăm lại gia đình.
Con gái chị nói tiếp:
Thảo nào, con cứ thấy anh ta nhìn chằm chằm vào con, có lẽ anh ta thấy con giống mẹ trong tấm ảnh, mà bố anh vẫn giữ.
20
Chuyến xe đưa gia đình chị trở lại quê hương, trong niềm phấn khởi, sự chờ đợi, khát khao giây phút gặp lại gia đình, xe chạy rất nhanh nhưng chị vẫn cảm thấy chầm  chậm thế nào.
Hình ảnh quê hương thân thuộc, dần hiện ra trước mắt chị, chị hồi hộp vô cùng, Đây rồi, tuyến đường ngày xưa có bàn tay chị cuốc đất nay đã trải nhựa, những ngôi nhà tranh, đã thay bằng ngói đỏ, con sông Giăng xanh biếc, nước cháy xiết trong vắt vẫn chẳng khác xưa nhiều, bến dò ngang không còn nữa, thay vào đó là chiếc cầu treo, xe cộ và người qua lại thuận tiện, dễ dàng. Những cánh đồng lúa xanh rì, nhấp nhô nón mũ, nương chè bát ngát chạy nối đuôi nhau, hai bên đường những dãy phi lao cao vút, rì rào theo gió thổi, những đàn trâu, đàn bò trên bãi gặm cỏ say sưa, trẻ con thả diều, chơi khăng  hò reo rối rít…, những kỷ niệm của thời thơ ấu lại ùa về, trong lòng chị có một thứ cảm giác lâng lâng khó tả, ngắm nhìn quê hương nhiều nhà tầng đã mọc lên, xe máy chạy đi chạy lại nhiều lắm, những con đường bê tông nho nhỏ hiện dần lên, trước mắt là làng quê của chị, những ký ức tuổi thơ tràn về mỗi lúc một nhiều hơn, có lúc chị lấy khăn như lau nước mắt, nhưng chính những cái đó đã làm xua tan mọi mệt nhọc trên quãng đường dài. Rồi chị bắt đầu nhẩm tính tên từng người anh em, tên từng nhà hàng xóm, tên từng bạn học năm xưa…
Bỗng chị nói một câu rất to:
Ta đã về quê thực sự đây rồi.
Sau đó con gái chị nhìn thấy nét mặt mẹ thay đổi hẳn, nó hỏi:
-         Mẹ sao thế?
-  Mẹ có sao đâu con, tự nhiên đang vui, mẹ lại cảm thấy lo sợ.
-         Mẹ sợ gì vậy?
-         Mẹ sợ nhiều thứ, con chẳng hiểu được đâu?
Xe dừng lại trước cổng nhà, cây trám to vẫn còn, cái cổng cổ xây gạch vẫn đó, chỉ có là cái nhà cũ đã được thay thế bằng ngôi nhà 3 tầng lộng lẫy, bên cạnh cổng cũ có một cái cổng mới rất rộng, có lẽ là cổng cho xe ô tô vào. Chị xuống xe, những bước chân như đi trên không, theo sau chị là vợ chồng con rể, con gái và cháu ngoại.
Bước chân đến sân nhà, cửa mở nhưng không thấy ai, trong người chị cứ bâng lâng khó tả, chị hỏi:
-         Có ai ở nhà không?
Không thấy ai trả lời, chị lại hỏi to hơn:
-         Có ai ở nhà không?
Từ trong giường vọng ra một giọng nói yếu ớt:
-         Có, tôi ở nhà đây!
Nhận ra tiếng của chồng, chị buông vội cái làn trên tay, chạy vào giường ôm chầm lấy người đàn ông trên giường khóc nức nở, các con chị cũng khóc theo, giây phút đoàn tụ của chị là vậy đó.
- Anh ơi em đã về đây, Quỳnh Hương đã về với anh đây.
- Anh chờ em quá lâu rồi sao hôm nay em mới trở lại, em đừng đi nữa nhé, anh cần em.
Chị dìu anh dậy, rồi cả hai ra bàn thờ thắp hương cho bố mẹ, các con các cháu của chị, cũng đã  kịp bày hoa quả lên ban thờ xong, rồi cùng thắp hương.
Một lát sau người con trai cũng về, anh được ông thủ trưởng cũ của bố báo tin nên biết trước mẹ và các em về thăm quê, tính toán kiểu gì thì chiều nay cũng về tới nhà, nên anh vào nhà trường,  xin phép cho các cháu về sớm để gặp bà nội.
Bữa cơm thân mật được con dâu chị, chuẩn bị chu đáo. Đêm hôm đó ở nhà con trai chị vui hơn trẩy hội, chồng chị tự nhiên khỏe hẳn lên, anh uống rượu và chúc mừng sự đoàn tụ của gia đình hơn bốn mươi năm qua, ông trời đã giúp anh tìm lại được chính người con gái Quỳnh Hương, mà anh yêu duy nhất trên cõi đời này.
Sau mấy ngày ở lại cùng mẹ và anh trai, con rể và con gái phải quay vào Sài Gòn công tác, chị còn ở lại, chưa biết lúc nào mới đi.
Vợ chồng người con gái vào đến  nhà, mở cửa nhà thì bất ngời mổ lá thư trên khe cửa rơi xuống, con gái chị nhặt lên và  đó là lá thư của bác hàng xóm để lại, trong thư  ấy viết:
Các con yêu quí.
Hôm mẹ và các con về quê,  thì bác cũng tranh thủ vào viện để thăm khám sức khỏe, sau khi có kết quả bác vô cùng thất vọng. Các con ơi! bác bị ung thư máu, cần cấy ghép tủy ngay, nên con trai đã từ Mỹ bay về để đón bác sang bên đó, hy vọng còn nước còn tát, Bác tạm biệt các con nhé, và nhớ động viên mẹ ở lại quê chăm sóc bố  nhé, Bố cháu là lính của bác đấy.
Tạm biệt các con
Bác
Đặng Đình Tâm
Đứa con gái vội vàng điện báo tin này cho mẹ biết,  để mẹ khỏi lo cho bác ấy, vì hôm đi về quê, bác ấy cũng không được khỏe.
Từ ngày về quê hương, hai đứa cháu nội cứ quần quýt lấy chị, đêm nào cũng tranh nhau ngủ với ông bà nội. hạnh phúc tràn trề thể hiện rõ trên khôn mặt chị.
Ở Tuyên Quang, người con trai thứ hai của chị, đã được em gái báo cho biết mẹ đã tìm về với quê hương, và hiện đang ở lại để chăm sóc bố, Vợ chồng Nguyễn  Trường Sơn và cháu cũng đang xếp công việc để vào Thanh Chương thăm mẹ .
Chị dẫn các con, các cháu về nhà cậu ruột, để thắp hương cho ông bà ngoại. Tự nhiên, chị nhớ đến đứa con trai thứ 3 đang ở Vinh.
 Chị nói với cậu con trai:
- Con còn có một người em trai nữa tên là Đỗ Thành Vinh, nhà ở phường Bến Thủy, cách chân cầu chỉ độ vài km.
-         Người con trai hỏi lại mẹ một lần nữa:
-         Em con họ tên gì, mẹ nói lại nghe nào?
-         Đỗ Thành Vinh, con ạ.
 Con trai chị vội vàng lấy điện thoại điện cho Vinh ngay, chẳng lẽ Vinh nó lại là em mình.
Sau cuộctrao đổi qua điện thoại, quả thật đúng Vinh là em của mình, rồi con trai lập tức bảo với Mẹ:
- Mẹ ơi, Vinh là bạn hàng làm ăn của con. Đã bao nhiêu năm nay, hai anh em làm ăn với nhau mà không hay biết, nó hợp tính, hợp nết lắm mẹ ạ, Vinh rất giỏi, nhất là khâu maketin nó thành thạo lắm. Con bảo nó đêm nay phải về Thanh Chương ngay, để gặp mẹ ruột của em, hơn nữa anh em mình lại là anh em cùng mẹ khác bố, nó vui mừng lắm và đã nhận lời rồi, mẹ an tâm đi.
Chị hỏi:
-         Vinh đã lấy vợ chưa con?
-         Nó mới có người yêu thôi mẹ ạ
-         Người yêu nó ở đâu?
-    Người ở huyện mình, Xã Thanh Đồng mẹ ạ, con sẽ điện lại cho Vinh, bảo nó đón cả người yêu về luôn, mới ăn hỏi cách đây vài tháng.
Chị lại hỏi:
-         Người yêu nó làm gì?
-         Là một bác sỹ ở bệnh viện huyện
Dừng lại một lát, chị lại hỏi tiếp:
-         Con có biết chị gái Lan của Vinh không?
-         Có mẹ ạ.
-         Chị nó bây giờ ra sao? Làm việc gì, ở đâu?
Chị gái Vinh lấy chồng về xã bên gần đây thôi mẹ ạ, hình như cũng anh em gần gần bên ông bà ngoại. Chị ấy vui tính lắm, là cô giáo dạy lịch sử mẹ ạ, trước thì dạy ở thành phố Vinh, sau lấy chồng về đây chị đã chuyển về dạy ở xã nhà, cùng trường với chồng mẹ ạ, tháng trước chị vừa sinh cháu trai.
Chị đứng im, lắng nghe người con trai kể lại, chị như muốn nuốt lấy từng lời.
Ngắt lời đứa con chị hỏi:
- Con gọi chị sang đây cho mẹ nhé.
- Được rồi mẹ an tâm, con gọi điện ngay, nhưng giờ này chắc Vinh đã gọi điện cho chị nó rồi.
Con gái ở Sài Gòn điện về cho chị, thông báo cho chị biết tình hình của bác Tâm, sau khi nghe con gái bảo bác Tâm bị bệnh nặng, đã  được con trai về đón sang Mỹ chữa trị, mẹ không phải lo nghĩ gì nhiều cho bác ấy nữa.
Chị nói:
Hôm chị chuẩn bị về quê, thấy bác ấy không được khỏe, lên xe đi rồi chị cảm thấy lo lắng, rồi chị thở dàì một cái và nói tiếp:
- Tội nghiệp cho bác ấy bị bệnh trầm trọng quá.
Từ ngày về quê hương, hai đứa cháu nội cứ quần quýt lấy chị, đêm nào cũng tranh nhau ngủ với ông bà nội. Hạnh phúc tràn trề thể hiện rõ trên khôn mặt chị.
Ở Tuyên Quang, người con trai thứ hai của chị, đã được em gái báo cho biết mẹ đã tìm về với quê hương, và hiện đang ở lại để chăm sóc bố, Vợ chồng Nguyễn  Trường Sơn và cháu cũng đang xếp công việc để vào Thanh Chương thăm mẹ .
Chị dẫn các con, các cháu về nhà cậu ruột, để thắp hương cho ông bà ngoại. Tự nhiên, chị nhớ đến đứa con trai thứ 3 đang ở Vinh, chị bảo với cậu con trai có ý nhờ con tìm lại đứa em, chị nói nó là Đỗ Thành Vinh, nhà ở phường Bến Thủy, cách cầu chỉ độ vai trăm mét, người con trai hỏi lại mẹ một lần nữa;
-         Em con họ tên gì, mẹ nói lại nghe nào.
-         Đỗ Thành Vinh con ạ.
 Con trai chị vội lấy điện thoại điện cho Vinh ngay, chẳng lẽ nó lại là em mình, quả thật đúng vậy rồi anh lập tức bảo với Mẹ, nó là bạn hàng làm ăn của con, bao nhiêu năm nay, hai anh em làm ăn với nhau mà không hay biết, hợp tính, hợp nết lắm mẹ ạ, Vinh rất giỏi, nhất là khâu marketing nó thành thạo lắm. Con bảo nó đêm ngay phải về Thanh Chương ngay để gặp mẹ ruột của em, hơn nữa anh em mình lại là anh em cùng mẹ khác bố, nó đã nhận lời rồi, mẹ an tâm đi.
Chị hỏi:
-         Vinh đã lấy vợ chưa con?
-         Nó mới có người yêu thôi mẹ ạ
-         Người yêu nó ở đâu?
-    Người ở huyện mình, Xã Thanh Đồng mẹ ạ, con sẽ điện lại cho em Vinh, bảo nó đón cả người yêu về luôn.
-         Người yêu nó làm gì?
-         Là một bác sỹ ở bệnh viện huyện
Dừng lại một lát, chị lại hỏi tiếp:
-         Con có biết chị gái Vinh không?
-         Có mẹ ạ.
-         Chị nó bây giờ ra sao? Làm việc gì, ở đâu?
Chị gái Vinh lấy chồng về xã bên, gần đây thôi mẹ ạ, hình như cũng anh em gần gần, đằng ông bà ngoại. Chị ấy vui tính lắm, là cô giáo dạy lịch sử mẹ ạ, trước thì dạy ở thành phố Vinh, sau lấy chồng về đây, chị đã chuyển về xã nhà dạy cùng trường với chồng, tháng trước chị vừa sinh cháu trai.
Chị đứng im, lắng nghe người con trai kể lại, chị như nuốt lấy từng lời.
Ngắt lời đứa con trai chị nói:
- Con gọi chị sang đây cho mẹ nhé.
- Được rồi mẹ an tâm, con gọi điện ngay, nhưng giờ này chắc Vinh đã gọi điện cho chị nó rồi.
Em gái ở  Sài Gòn, cũng đã điện cho anh trai ở Tuyên Quang biết, gia đình  vợ con của con trai ở Tuyên Quang cũng đang chuẩn bị về quê ngoại.
Các con chị ở Sài gòn cũng đã thu xếp xong công việc, để trở lại quê gặp gỡ các anh.
Thế là các con các cháu đã tề tựu đông đủ cả.
Người anh cả tuyên bố:
Ngày mai chúng ta tổ chức đám cưới vàng cho cha mẹ.
Nhìn tấm phông xanh hiện rõ 2 cái tên “ Trọng Lễ-  Quỳnh Hương” chị nói:
Từ nay cái tên Quỳnh Hương lại trở về với chị.
Các con, các cháu nội ngoại cùng anh em họ hàng, bà con làng xóm đã đến đầy đủ.
Buổi lễ tổ đám cưới vàng của “Trọng Lễ -  Quỳnh Hương” bắt đầu.
Hai anh chị đứng dậy cầm tay nhau, cùng hướng vào nhau rồi ôm nhau và nở một nụ cười thật tươi.
Toàn hôn trường vỗ tay không ngớt.
 
                                                        Hết
                                                Tháng 8/2014
 

<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.10.2014 08:18:06 bởi Bùi Văn Thanh >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9