Nhổ răng Tí chuột - Nguyễn Tấn Huy
nguyentanhuy 18.10.2014 00:35:05 (permalink)
Nhổ răng Tí chuột
                                                      Nguyễn Tấn Huy 
 
 
            Các bạn đã từng nhổ răng ai chưa?
            Trên đời, ai muốn nhổ răng ai làm gì, trừ ông nha sĩ! Thế nhưng riêng tôi, có lần vô tình đă nhổ răng cô bạn nhỏ. Không phải chỉ vài chiếc thôi đâu, mà… nguyên cả một hàm!
            Chắc các bạn lấy làm khó tin lắm? Chính những người trong cuộc, tổng cộng có tới mười mấy gương mặt nhí nhố hiện diện trong buổi tiệc tất niên hôm ấy, và luôn cả tôi nữa, đều đã không tin chuyện lại có thể xảy ra đáng buồn như vậy!
            Cô bé được gọi là “Lan gậm nhấm”, “Cô bé đuôi chuột”, “Lan chuột lắt” và cuối cùng dừng lại ở bí danh “Tí chuột”. Không phải vì Tí chuột cắt tóc ngắn để chừa chiếc đuôi bé tí sau gáy. Cũng không phải vì dáng người nhỏ nhắn, nhút nhát, nhỏng nhẻo mà bởi cô bé có cái tính rất lạ đời: cắn!
            Tự cắn mình để làm duyên –cắn móng tay suy tư, cắn vạt áo dài e thẹn, cắn bút khi bí đề thi, hoặc cắn… lưỡi lúc hổng còn muốn sống- đó là “chuyện thường ngày ở huyện”, đằng này Tí chuột lại cắn người khác mới chết chớ! Oánh nhu đạo, kẹt quá ngoạm đối phương một phát, trọng tài cũng đành tha thứ. Còn yêu, ghét, giận, hờn, buồn, vui gì cũng đều cắn ráo thì chả ai ưa được! Có đều dễ thương là Tí chuột chỉ giở chiêu “ẩu sực” với bạn bè thân quen, chớ đối với người lạ hoặc kẻ thù thì tuyệt nhiên hổng bao giờ Tí dám. Bằng không, chắc Tí đã “răng rụng xuống cầu” từ lâu rồi chứ đâu đợi đến tôi?!..
                                                          &
            Tôi bước xuống bếp, tay chống vào cạnh sườn thị uy:
            - Gì mà ồn vậy, “xấp nhỏ”?
            Gọi như vậy vì tôi lớn hơn “đám nhóc” này tới hai lớp. Hôm nay, nhỏ em gái tôi kéo bạn của nó về nhà để “quậy” tiệc tất niên. Nhỏ em gái đứng lên, nó cũng bày đặt chống nạnh:
            - Á! Hổng được xài xể nghen “ông”. Học trò mà hổng nhiều chuyện hổng phải học trò.
            Nó “hổng” liền một hơi nghe chua như me ngâm giấm. Tôi cắt ngay:
            - Thì vào lớp mà làm học trò, còn đây là ở nhà. Nghe ra chưa? –Và tôi quát lên- Bỏ tay xuống! Mày chống nạnh giống chim cánh cụt lắm.
            Cả chục cái miệng “đô rê môn” cùng mở to:
            - Hổng bỏ!
            Tôi đành nhượng bộ:
            - Vậy cho anh… làm bếp ké với hén?
            - Hồi nãy sao hổng phụ? Giờ gần xong hết rồi, chỉ còn phụ ăn thôi!
            - Ờ, vậy cũng được!
            Nhỏ Tuyết cười:
            - Khôn dữ! Nãy giờ anh làm gì?
            - Ờ… anh làm thơ.
            Nhỏ Hồng xen vào:
            - Làm thơ hay tại làm biếng nên làm thinh, làm lơ?
            Nhỏ Thủy ăn theo:
            - Hay tại làm lớn nên làm lối, làm phách, làm tàng?
            Tôi xua tay trước mặt như đuổi ruồi:
            - Ồn quá! Anh làm thơ xuân, nghe chưa, hiểu hông?
            Cả đám trợn tròn mắt lên như đang làm xiếc:
            - Ồ… thiệt hả?
            - Thiệt. Nhưng nghe quí vị đang bàn chuyện “chuột chuột” gì đó nên anh “ghé xuống” tham gia cho vui vậy mà!
            - Tí chuột chớ hổng phải chuột.
            - Tí với chuột có khác gì nhau mà bàn?
            - Khác chớ, chuột bạn với chuột, còn Tí chuột là bạn của tụi em!
            Tôi nhìn quanh:
            - À ra thế! Nhỏ nào là Tí chuột đâu?
            - Nó chưa đến.
            Nhỏ Diễm ý kiến:
            - Có lẽ anh cũng nên làm quen với nó.
            Duyên xen vào:
            - Để thử “hàm mỏ cong” cho biết!
            Thế rồi cả đám tranh nhau kể về Tí chuột cho tôi nghe. Tôi lim dim hình dung một con bé đen thui, loắt choắt, gương mặt thon dài, chiếc mũi nhọn và cong quặp xuống, khểnh hai chiếc răng giữa –hoặc ít ra cũng có kích cỡ gấp đôi những chiếc răng bình thường… Nói chung là phải có những nét tiêu biểu để hình thành một chân dung phù thủy! Nhưng đến lúc cô bé xuất hiện, tôi mới biết là mình đã tưởng tượng quá nhảm nhí! “Tuyết nhường màu da” thế kia mà ví gọi Tí chuột thì đúng là những tên dốt văn quá mức. Cô bé xinh như tiên và có nụ cười hiền như… bụt. Còn hàm răng mà “xấp nhỏ nhiều chuyện” nói xấu nãy giờ thì ôi, tuyệt làm sao, nó trắng trong, nhỏ nhắn và đều như hạt bắp –bắp hạng chính phẩm chớ hổng phải loại đèo đẹt cho heo ăn hay dạng cùi bắp đâu nghen! Đúng như câu tục ngữ Anh: “Rumour is a lying jade” –Lời đồn là một con ngựa tồi dối trá!
            Tiệc được bày xuống sàn nhà. Cả bọn ngồi vòng tròn bao vây thức ăn vào giữa. Tôi ra dáng đàn anh, chững chàng chậm chạp chễm chệ đặt mông xuống sau chót và ngồi cạnh Tí chuột.
            Nhỏ Hồng kề tai tôi, xì xào gió thổi:
            - Ông gan vậy? Chuẩn bị bông, băng, thuốc đỏ chưa?
            Tôi cũng thì thầm mùa xuân:
            - Nhảm! Nhiều chuyện! Nó cắn bọn mi là phải!
            - Á, bênh hả?
            Tôi quay sang làm quen với Tí chuột:
            - Chào cô bé, tôi là “phụ huynh” của Yến.
            Nhỏ em gái la lên:
            - Cái gì “phụ huynh”?
            Tôi giải thích với Tí chuột:
            - “Phụ” là bố tôi, cũng là bố nó. Còn tôi là “huynh” của nó, nó là “xí muội” của tôi!
            “Xấp nhỏ” phản đối:
            - Dai dẳng, dài dòng!
            - Lôi thôi, lượm thượm!
            - Rườm rà, rắc rối!
            Cô bé đưa tay che miệng cười:
            - Dạ, chào anh…
            - Cấp, Nguyễn Văn Cấp. Ớ phờ ấp, chớ đọc á phờ ắp, càng không phải nguyễn ăn cắp!
            Tí chuột bật cười, lần này cô bé quên che miệng:
            - Dạ, chào anh Cấp. Em tên…
            Nhịp “đồng ca” tinh quái lại trỗi lên:
            - Tí chuột!
            Cô bé đỏ mặt, nhưng không có vẻ gì hờn giận. Tôi cảm thấy cần phải bênh vực người cô thế:
            - Tí là số một, bởi nó đứng đầu mười hai con giáp. Hân hạnh được làm quen với Tí chuột!
            Tôi đứng dậy bắt tay Tí chuột. Có lẽ nghi thức làm quen này quá lễ mễ, lòng vòng làm nhỏ em gái tôi sốt ruột. Nó phát biểu:
            - Ai bắt tay ai, kệ ai. Còn ai đói xin cứ dang tay nhập tiệc. Nhân danh chủ nhà, tớ tuyên bố khai khẩu… vị!
            Sau câu tuyên bố ngắn gọn là một tràng pháo tay thật dài và những lời hưởng ứng nồng nhiệt. Đứa phàm ăn thì gào lên:
            - Chúc mừng gà chiên, gà xào, gà nấu đậu!
            Có đứa tế nhị hơn:
            - Chúc mừng cái bắt tay giao… thừa!
            Cũng có đứa rất ư lễ phép:
            - Hoan hô ông anh đến tham gia… vị với chúng ta!
            Nhưng bọn chúng đều có điểm chung: tâm hồn ăn uống. Nên liền sau đó, chén, đũa, muỗng, ly cũng hưởng ứng leng keng lốc cốc, rộn cả lên. Tiếng gặm xương gà rôm rốp, húp nước sốt rột rẹt, nhai củ kiệu, cải chua rao ráo, cười đùa rỉ rả… Tất cả tạo thành chuỗi âm thanh liên hoàn, hoan hỉ - bởi thế mới có từ gọi “liên hoan”?!
            Ai nghĩ “nữ sực như miêu”, người đó chưa hiểu gì về con gái. Đồng ý là “miêu”, nhưng loại mèo này có trên dưới 40 kí lô thể trọng. Như vậy, chúng phải nhơi một số lượng thực phẩm “ắt có và đủ” để duy trì cái dáng dấp mỹ miều… miêu ấy! Còn “nam sực như hổ” ư? Đồng ý. Nhưng chớ cho rằng cọp không biết bối rối. mắc cỡ, ngượng ngùng và đừng tưởng ở bất kỳ một nơi nào nó cũng sực thoải mái được! Chẳng hạn trong tình huống này, tôi đang chóng mặt vì tiến độ “xuống cấp” quá nhanh của những đĩa thịt gà, sự khô kiệt đột ngột của mấy tô súp, và những đống xương mọc lên bất chợt. Lẽ nào cọp lại xông xáo tranh mồi với đám mèo nhí nhố này? Lẽ nào phụ huynh lại “tương tàn ẩm thực” với thế hệ… con em? Tôi bỗng cảm thấy khá hối hận vì trót dấn thân lạc giữa rừng hoa, và có ý định rút lui. Nhưng điều khiến tôi chưa muốn rời khỏi “sàn tiệc” này, đó là Tí chuột! Cũng như tôi, suốt từ lúc yến tiệc ê hề cho tới khi ê chề xương xẩu, Tí chuột sử dụng đôi đũa rất nhẹ nhàng chứ không kinh hoàng gãy cần cẩu như xấp nhỏ phàm ăn kia. Với phong cách ít ăn, ít nói, ít gói, ít gắp cô bé đúng là một người bạn nhỏ của tôi và do vậy, tôi tự nghĩ: “Ôi, cô bé sẽ lẻ loi biết dường nào nếu tôi đứng dậy bỏ đi!”.
            Chợt phát hiện một miếng thịt gà hiếm hoi bé xíu đang nằm cô đơn khép nép bên cạnh chiếc lá cải to đùng, tôi làm cử chỉ đẹp, gắp vào chén Tí chuột:
            - Bộ ăn chay à?
            Cô bé cười, nâng chén lên ngang miệng để che giấu hàm răng đẹp:
            - Còn anh, định tuyệt thực đón giao thừa sao?
            Trời, có lẽ trí khôn của tôi đang giẫy chết trong nụ cười mê hoặc ấy! Tôi bỗng nói một câu… hèn thấy ghê:
            - Anh thà đói theo Tí chứ không thèm giành ăn với tụi nó! Ừm, tụi nó mới đúng chuột, Tí hả?
            Và đúng là trời không dung tha gã nịnh thần, nhỏ Hồng ngồi kế bên nghe được, nó sững cồ kêu to lên:
            - Hả? Anh nói tụi em láu ăn như chuột hả…ả?
            Hơn chục đôi đũa đồng loạt buông xuống đánh “rốp” một nhịp và cả đám hòa âm:
            - Hả… ả… ả? Cái gì? Ai chuột?
            Như sét nổ ngang tai, tôi nổi gai ốc toàn thân và thêm một lần nữa, tôi… hèn phát ớn:
            - Làm gì dữ vậy? Ai chuột thì cũng… dễ thương như nhau mà!
           Nhỏ Hồng đưa tay lên miệng quẹt lớp mỡ gà. Xong, môi nó cong lên:
           - Anh đừng có “xịa”! Em nghe rõ ràng nè, anh nói Tí chuột hổng phải chuột, còn ham ăn như tụi này mới đúng là lũ chuột thứ thiệt. Hic hic! Ai làm duyên làm dáng cho ai làm quen làm biết thì ai đó cứ nhịn ăn với nhau. Còn tụi em… hic hic… thịt thà bày đầy trước miệng, hổng ăn thì biết phải làm gì? Sao mắng tụi em là… chuột… hu hu!...
            Không biết nó khóc thật hay giả, nhưng nhìn cái miệng méo mó óng ánh mỡ màng của nó, tôi xúc động:
            - Ờ… anh xin lỗi! Anh chỉ kêu chuột cho… vui, như mấy đứa gọi Tí chuột vậy mà…
            Đôi môi bóng lưỡng của nhỏ Hồng đã tròn nhỏ trở lại, nhưng cái miệng của nhỏ Diễm lại chu nhọn ra, nó cố tình thổi cho nổi lửa:
            - Đụng cái ăn là chạm sĩ diện, không thể xin lỗi suôn. Anh, vì một người mà bỏ mọi người, phạt. Còn Tí chuột, vì cậu hông ăn làm tụi tớ mang tiếng ham ăn, cũng phạt. Phạt ra sao, đề nghị nhỏ Yến chủ nhà quyết định, “quân pháp bất vị thân” đó nghen?
            Nhỏ em gái tôi đứng dậy. Chẳng nói chẳng rằng nó đi tuốt xuống bếp rồi mang lên một mâm bánh. Tôi kêu lên:
            - Ủa, bánh dày hả?
            - Em làm đó, có bánh chưng thì phải có bánh dày mới đúng Việt. Lẽ ra dành biếu quí vị đem về cho có vị xuân, nhưng trong tình hình gay go này đành phải dùng để phạt. Anh Cấp và Tí chuột mỗi người phải ăn một cái trong vòng một bài hát Con Bướm Vàng, nếu tụi em hát hết bài mà ai ăn chưa xong thì sẽ bị phạt thêm một cái bánh nữa. Tuy gọi “hình phạt” nhưng cũng là “bài tập” để Cấp Tí biết cách “ăn thế nào cho ra ăn”. Các cậu đồng ý không?
            Kẻ vỗ tay, người khua đũa gõ chén, âm thanh rộn ràng kinh dị hệt như một bộ lạc ăn thịt người đang vỗ chiêng trống làm lễ tế thần. Đúng trẻ con. Tụi nó tưởng loại bánh bột dẻo nhẹo dai nhách này có thể làm hạn chế sức nhai của tôi sao chứ? Còn khuya. Tôi thừa khả năng xơi gọn nó trong vòng 7 nốt nhạc, nhưng để xấp nhỏ này mát lòng hả dạ, tôi làm bộ nhăn nhó mặt khỉ và quay sang Tí chuột:
            - Chịu hổng xiết đâu Tí hả?
            Chiêng trống lại ầm lên:
            - Trùi ui, coi ổng hỏi ý bà chuột kìa!
            - Đả đảo Cấp Tí!
            - Hổng ăn tụi này bỏ về hết cho coi!
            Tôi phất tay:
            - Được rồi, phát bóng đi, ủa lộn, phát bánh đi!
            Và bọn nhóc bắt đầu hát bài Con Bướm Vàng với tiết tấu tốc hành, một con bướm bay như tia chớp. Nhưng chúng càng lầm to. Tốc độ không có ý nghĩa địa gì đối với khoảng cách ngắn ngủn từ cổ họng đến dạ dày của một kẻ phàm ăn đang đói lã như tôi. Tôi ngoạm 3 nhát, nghiến răng vài lượt. Tụi nó vừa hát đến chỗ “xòe đôi cánh”, chiếc bánh dày tròn quay đã vượt qua mặt con bướm, lăn đến điểm đích và nằm im trong chiến thắng. Tôi quay sang Tí chuột, chiếc bánh vẫn còn nằm giữa hai hàm răng cô bé, tựa hồ như có keo tổng hợp “502” đang dán cứng hàm răng vào chiếc bánh. Tôi bèn chỉ đạo “nghệ thuật”:
            - Vận sức vào quai hàm, há to miệng ra, rồi nghiến lại… Ơ, sao vậy?
            Mặt cô bé đỏ gay, cánh mũi phập phồng, nước mắt ràn rụa. Tí sắp ngạt thở chăng? Hay nó đang muốn hắt hơi? Trời đất, trong tình cảnh này mà nhảy mũi “ắc xì” một cái là nguy to! Tín hiệu S.O.S đã chớp! Tính anh hùng bỗng chốc bùng dậy trong tôi. Tay trái đỡ đầu Tí chuột, tay phải tôi tóm gọn chiếc bánh và giật mạnh ra.
            - Cộp!...
           Chiếc bánh vẫn còn trong tay tôi, nhưng có một vật gì rơi xuống sàn gạch. Một hàm răng! Bài hát đang nửa chừng bỗng tắt ngấm. Mười mấy đóa hoa môi cùng há hốc. Hai mươi mấy đôi mắt mang hình viên đạn cùng trợn lên trắng dã bắn thẳng vào mục tiêu kỳ lạ ấy.
            Phút kinh ngạc đã qua. Mấy đứa ôm mặt rú lên. Mấy đứa tựa người vào tường chết lặng. Trong không gian im ắng lạ thường ấy, bỗng có tiếng khóc cất lên nức nở: Tí chuột. Cô bé ôm mặt chạy ào xuống bếp.
            Hình như có dòng suối tủi hờn nào đó từ dưới bếp dâng ngập căn phòng. Những giọt nước mắt lấp lánh như những vì sao kỳ ảo, lạ lùng ngời lên trong đêm ba mươi khó hiểu. Tiếng rưng rức của Tí chuột tựa hồ một khúc nhạc trần tình vẳng lên từ hành tinh bí ẩn, riêng tư. Trước tiên trong mọi người, tôi đã hiểu…
            Tôi nhặt hàm răng giả, bước vội xuống bếp đưa trả Tí. Cô bé vội giằng lấy như kẻ phạm tội muốn xóa đi tang vật. Tôi, chính tôi mới là tên tội phạm ngu ngốc, dại khờ.
            - Anh… anh xin lỗi Tí!
            Tí chuột ngồi gục đầu vào đôi cánh tay, mái tóc dài xõa che kín mặt, đôi vai run rẩy như đôi cánh chim vừa rơi xuống từ bão giông:
            - Anh… độc ác lắm! Anh đã… giết chết cái tên Tí chuột… mà tôi đã cố tình tạo nên từ mấy năm nay… tôi không muốn… xấu hỗ vì khuyết tật của mình, anh biết không? Anh đã hiểu tại sao tôi hay… cắn bạn bè rồi chứ? Tôi muốn mọi người tưởng răng tôi… cũng như của mọi người! Tôi căm thù anh!... Đi đi!...
            Từ phòng trên, xấp nhỏ đã hiểu. Chúng ào xuống ôm lấy người bạn nhỏ. Mắt đứa nào cũng rưng rưng ướt. Hơn lúc nào hết, chúng thương mến, quí yêu Tí chuột đến vô cùng. Và cũng hơn lúc nào hết, chúng thấy tôi là kẻ ác độc nhất địa cầu. Những đôi mắt đỏ hoe, sũng ướt, căm thù chiếu thẳng vào tôi. Những đôi môi còn bóng mỡ gà cùng há ra đồng loạt:
            - Đi đi!...
                                                           &
            Không biết các bạn có tin câu chuyện tôi vừa kể? Còn riêng tôi bây giờ, dù có đau răng đến bò ra đất, tôi cũng chẳng bao giờ dám gõ cửa phòng khám của nha sĩ Trần Thị Thanh Lan. Đó là Tí chuột!
 
                                                                                                                       NTH
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9